GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 3/9/2005,

NGÀY THÁNH MẪU

 

1) Làm sao để có thể dễ dàng yêu mến Mẹ Maria?

2) Chương Trình Mục Vụ của Đức Thánh Cha Biển Đức trong những ngày tháng tới: Tông du, Thượng Nghị Giám Mục, Mật Nghị Hồng Y, Viết Lách, Phong Thánh, Hiện Xuống 2006

3) Bão Lụt Katrina: Diễn Tiến, Lịch Sử, Thảm Trạng và Cứu Trợ

   

 

Làm sao để có thể dễ dàng yêu mến Mẹ Maria?

 

(tiếp bài "Làm sao để có thể suy niệm với Mẹ Maria?" 30/7 Thứ Bảy)

 

Vấn đề thứ hai liên quan tới vấn đề thứ nhất trên đây. Sở dĩ chúng ta cảm thấy khó yêu mến Mẹ chứ không dễ ẹt là vì có thể chúng ta còn đang ở trong trình trạng hay trình độ "suy niệm" về Mẹ bằng trí khôn (Mẹ là ai? Mẹ như thế nào? Tại sao Mẹ được vô nhiễm nguyên tội? Được làm Mẹ Thiên Chúa? Làm sao Mẹ có thể vừa đồng trinh vừa sinh con? v.v.), chứ chưa "cảm nghiệm" được Mẹ bằng cả tấm lòng của chúng ta, bằng đức tin của Giáo Hội!

 

Chúng ta nên biết rằng, Mẹ Maria chính là tấm lòng từ mẫu của Cha trên trời. Chính vì Thiên Chúa là Thần Linh biết rằng chúng ta là loài tạo vật hữu hình và hữu hạn không thể tự mình đến với Ngài được mà Ngài đã chẳng những tự hạ đến với chúng ta qua Lời Nhập Thể Giáng Sinh và Vượt Qua, mà Ngài còn ban cho chúng ta một phương thế để nhờ đó chúng ta có thể đến với Ngài một cách hữu hiệu và mau chóng nữa, đó là Mẹ Maria.

 

Nếu Chúa Giêsu là tình yêu say điên của Thiên Chúa đối với nhân loại thì Mẹ Maria là tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó là lý do chúng ta thấy Thánh Tâm Chúa, (biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa), và Khiết Tâm Mẹ, (biểu hiệu cho Tình Thương của Thiên Chúa), bao giờ cũng đi đôi với nhau.

 

Một tình yêu không biết xót thương không phải là một tình yêu trọn lành và cao cả. Chính vì thế, "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1John 4:8,16) tức Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu, một Tình Yêu Nhận Hậu, tức vừa yêu vừa thương, hay cả yêu lẫn thương, được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria. Đó là lý do, như trên cảm nhận, "chúng ta thấy Thánh Tâm Chúa, (biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa), và Khiết Tâm Mẹ, (biểu hiệu cho Tình Thương của Thiên Chúa), bao giờ cũng đi đôi với nhau".

 

Theo ý nghĩa Tình Yêu Nhân hậu, hay Tình Yêu Trọn Hảo bao gồm cả Tình Thương, thì trong dụ ngôn người con phung phá, dù Phúc Âm Thánh Luca không hề nói tới người mẹ, nhưng chính tình thương vô biên của người cha đó là những gì bộc lộ cho thấy hình ảnh người mẹ vậy. Nếu người cha trong dụ ngôn này biểu hiệu cho "Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), thì tình thương vô biên của người cha trong dụ ngôn này là biểu hiệu cho Mẹ Maria. Đó là lý do trên đây đã định nghĩa "Mẹ Maria chính là tấm lòng từ mẫu của Cha trên trời".

 

Bởi theo cảm nghiệm tự nhiên và tâm lý chung thì người cha hiện thân cho những gì là công minh, chính trực, nghiêm thẳng (oai hùng và cao cả "như núi Thái Sơn"), và người mẹ là hiện thân cho tình thương, cảm thông, tha thứ, chiều chuộng, rộng lượng ("bao la như biển Thái Bình").

 

Trái Tim Mẹ Maria hay lòng của Mẹ thực sự đã bị gươm sắc đâm thâu (Luca 2:35) bởi Con Mẹ trở thành cớ chống đối cho nhiều người trong dân Do Thái bấy giờ, đặc biệt khi Người Con này tử nạn, nhất là sau khi Người Con này chết rồi mà vẫn còn bị đâm vào lồng ngực.

 

Thật thế, khi Kitô hữu chúng ta sống theo xác thịt (tham ăn, dâm dục, lười biếng v.v.) chẳng khác gì như chúng ta đánh đòn Chúa; khi chúng ta kiêu căng tự ái, tham quyền cố vị, ham danh nổi tiếng v.v. chẳng khác gì như chúng ta đội mạo gai cho Chúa, nhổ vào mặt Chúa; khi chúng ta bất nhẫn, bất mãn, nổi loạn, hận thù, giận dữ theo bản năng thú tính của chúng ta chẳng khác nào như chúng ta bắt Chúa phải vác thập giá; nhất là khi chúng ta phạm tội trọng thì thực sự là chúng ta đã ra tay đóng đanh sát hại Chúa.

 

Thế nhưng, sau khi đã phạm tội trọng rồi, đã giết chết Thiên Chúa của mình rồi, nếu chúng ta lại còn mất tin tưởng vào lòng thương xót vô cùng bao la bật tận của Người, không tin rằng Người vẫn có thể tha cho chúng ta, thì chúng ta quả thực đã lấy đòng đâm vào cạnh sườn của Người, đâm vào chính tình thương của một Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu.

 

Sau khi chết rồi, Chúa Giêsu không còn cảm thấy đau đớn nữa, khi bị đâm vào cạnh sườn như thế. Nhưng, Trái Tim Mẹ Maria vẫn còn đó, vẫn đứng đó dưới chân thập giá Chúa Giêsu, đã cảm thấy vô cùng nhức nhối. Nếu "Mẹ Maria là tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại", thì khi Chúa Giêsu bị đâm vào cạnh sườn sau khi chết trên cây thập giá, Thiên Chúa, qua tấm lòng bị gươm sắc đâm thâu của Mẹ Maria, vẫn cảm thấy vô cùng nhức nhối xót xa.

 

Tuy nhiên, chính khi Tình Thương Thiên Chúa cảm thấy nhức nhối như vậy, vì bị xúc phạm bởi con người không tin tưởng vào lòng thương xót vô cùng bao la bất tận của Ngài như thế, mà con người mới thấy được, qua máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô tử giá, Thiên Chúa thực sự là Tình Yêu Nhân Hậu: "máu" là biểu hiệu cho Tình Yêu thông ban sự sống, cho mối hiệp thông thần linh, cho Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thánh Thể, cho gia tài người cha chia cho người con; và "nước" là biểu hiệu Tình Thương tái sinh, cho việc thanh tẩy, cho Bí Tích Hòa Giải, cho biến cố hồi sinh của người con phung phá trở về.

 

Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, đến với Chúa, điển hình như qua việc Rước Thánh Thể, không phải là chuyện dễ, nếu không sạch tội trọng. Tuy nhiên, cho dù đến với Chúa qua Bí Tích Hóa Giải để được tha tội đi nữa, con người lại càng ngần ngại hơn bao giờ hết, vì đã xưng tội thì phải ăn năn dốc lòng chừa, không bao giờ dám tái phạm nữa, tức phải xa lánh dịp tội, phải bỏ không được chung sống vợ chồng bất hợp pháp nữa chẳng hạn v.v. Đó là lý do chúng ta cần phải đến với Lòng Thương Xót Chúa, tức đến với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ đến với Chúa, nhất là bằng việc cầu Kinh Mân Côi: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen".

 

Chẳng lẽ đọc một Kinh Kính Mừng như thế với tất cả lòng thành của mình để được cứu rỗi nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria như thế mà chúng ta cũng không làm được hay sao? Yêu mến Mẹ Maria dễ ẹt là ở chỗ ấy. Chính vì thế mà gần hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội, vào thời điểm con người tỏ ra tội lỗi chưa từng thấy và tỏ ra yếu đuối hơn bao giờ hết (dù văn minh và quyền năng hầu như tột bậc về khoa học và kỹ thuật), Thiên Chúa mới ban cho con người một phương thế cuối cùng để đến với Ngài, đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

 

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là một trong ba Bí Mật Fatima được Mẹ Maria tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta biết vào ngày 13/7/1917. Chính Mẹ Maria đã quả quyết điều này khi tiết lộ cho 3 em rằng: "Các con vừa thấy hỏa ngục. Để cứu các lin h hồn cho khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói với các con này được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi".

 

Mà việc tôn sùng Mẹ Maria ở đây là gì, nếu không phải là "nhận biết và yêu mến Mẹ", và một trong những cách để tỏ ra tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để để tỏ ra "nhận biết và yêu mến" Mẹ đây chính là việc Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày (pray Rosary daily) như Mẹ Maria cũng đã kêu gọi các em từng lần trong cả 6 lần hiện ra với các em ở Fatima năm 1917. 

 

Cầu Kinh Mân Côi thực sự là việc chúng ta tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ, hay nhận biết và đáp ứng Tình Thương Vô Biên của Thiên Chúa mà Mẹ là hiện thân, khi chúng ta đọc "Kính mừng Maria đầy ơn phúc...Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời" (nhận biết) "cầu cho chúng con là kẻ có tội..." (tin yêu nguyện cầu).

 

Tóm lại, nếu chúng ta cảm nghiệm thấy thực sự Mẹ Maria là phương tiện Thiên Chúa muốn dùng để dẫn con người hèn yếu chúng ta đến với Ngài, như chính Ngài đã qua Mẹ đến với chúng ta thế nào, thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận Mẹ, cần đến Mẹ và gắn bó với Mẹ vậy. Amen.

 

(NẾU CẦN XIN XEM LẠI TOÀN BÀI Cảm Nghiệm Thánh Mẫu)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.

 

TOP

 

 

Chương Trình Mục Vụ của Đức Thánh Cha Biển Đức trong những ngày tháng tới: Tông du, Thượng Nghị Giám Mục, Mật Nghị Hồng Y, Viết Lách, Phong Thánh, Hiện Xuống 2006

 

Tông du:

 

Thánh Địa: như ngài đã nhận lời mời của chính quyền Do Thái cũng như Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Hôm 8/7, Tổng Trưởng Thông Tin Dalia Itzik đã trao cho ĐGH một bức thư mời từ Thủ Tướng Ariel Sharon xin ĐTC đến thăm đất nước này. Vị tổng trưởng này đã tiết lộ cho một đài phát thanh Do Thái sau khi triều kiến ĐTC là ngài nói rằng “tôi có một danh sách dài cần phải viếng thăm các quốc gia nhưng Do Thái đứng hàng đầu”. Tổng thống Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine là Mahmoud Abbas cũng mời ngài thăm lãnh địa Palestine, như nguyệt san 30 Ngày cho biết.

 

Thổ Nhĩ Kỳ: Thượng Phụ Bartholomew I đã mời ngài đến thăm Istabul vào dịp Lễ Thánh Anrê 30/11. Tòa Thánh chưa chính thức trả lời. Tin đồn về chuyến đi có thể này của ĐTC được xác nhận ở buổi họp báo ngày 7/7 bởi Thủ Tướng Bertie Ahern sau khi ông được triều kiến ngài.

 

Tây Ban Nha: ĐTC đã bày tỏ ý muốn tham dự Cuộc Họp Thế Giới Gia Đình, một cuộc họp được ĐTC GPII triệu tập thường lệ hai năm một lần và được công nhận bởi vị giáo hoàng đương nhiệm, sẽ được tổ chức tại Valencia Tây Ban Nha vào Tháng 7/2006.

 

Mỹ Châu Latinh: Ngài có thể sẽ đến Mỹ Châu Latinh vào năm 2007 để tham dự cuộc tổng nghị của hội đồng chư vị giám mục Mỹ Châu Latinh, địa điểm họp chưa được ấn định.

 

Đức quốc: Đức giám mục Gerhard Ludwig Muller giáo phận Regensburg đã mời ĐTC về thăm quê quán Bavaria của ngài vào năm 2006.

 
Thượng Nghị Giám Mục

 

Đó là Thượng Nghị Thường Lệ lần thứ XI để bế mạc Năm Thánh Thể vào thời khoảng 2-23/10/2005, với khoảng 250 vị giám mục trên khắp thế giới về tham dự. Ngài cũng triệu tập cuộc thượng nghị giám mục Phi Châu lần thứ hai ở Rôma.

 

Mật Nghị Hồng Y

 

Hồng Y Đoàn hiện nay chỉ còn 112 vị là hợp lệ bầu giáo hoàng, trong khi đó con số tối đa cần đến 120 vị. Bởi vậy mà ngài sẽ triệu tập một mật nghị để tuyển thêm các vị hồng y mới.

 

Trong cuộc họp báo ngày 5/7, ĐHY José Saraiva Martins, tổng trưởng Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh, đã cho biết ĐGH có thể thực hiện một cuộc cải cách Giáo Triều Rôma. Dù sao ngài cũng cần phải thay một số vị lãnh đạo các phân bộ của Tòa Thánh, vì có một số vị đã tới tuổi về hưu 75.


Viết Lách

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, trong cuộc nghĩ hè với ĐTC ở miền núi vừa rồi, đã cho biết là ngài đang viết một cuốn sách, chứ không phải viết bức thông điệp đầu tay cho giáo triều của ngài, cuốn sách ngài đang viết dở dang khi còn là hồng y. Tòa Thánh không xác nhận việc ngài viết thông điệp. Tuy nhiên, theo thoidiemmaria, sở dĩ cuốn sách này quan trọng hơn cả bức thông điệp đầu tiên là những gì cần phải có càng sớm càng tốt vì cuốn sách ấy sẽ cho chung nhân loại và con cái Giáo Hội thấy trước cái bối cảnh thế giới hiện đại nói chung và Âu Châu (Tây phương, thế giới Kitô giáo) nói riêng đang ở đâu và đi về đâu, nó chẳng khác gì như một dạo khúc dẫn con người vào tâm điểm của nó là bức thông điệp ngài sẽ ban hành sau đó.

Phong Thánh
 

Ngài sẽ chủ sự cuộc phong thánh đầu tiên vào ngày 23/10/2005 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Những vị chân phước được ngài tôn phong lên hàng hiển thánh đó là 1 vị linh mục dòng Tên người Chí Lợi là Alberto Hurtado (1901-1952); 2 vị người Ukraine là ĐTGM Josef Bilczewski (1860-1923) TGP Lviv và linh mục triều Zygmunt Gorazdowski (1845-1920), và 2 người Ý là Gaetano Catanoso (1879-1963) và Felice Da Nicosia (1715-1787).

Hiện Xuống 2006

 

Một việc nổi bật trong số hoạt động của ĐTC được dự trù cho năm tới là cuộc họp Hiện Xuống ở Rôma với các phần tử thuộc các phong trào và cộng đồng mới. Nó sẽ là cuộc họp thứ hai theo thể loại của mình, sau cuộc họp đầu tiên do ĐGH GPII triệu tập vào Lễ Hiện Xuống 1998, Năm Kính Chúa Thánh Thần trước Năm Thánh 2000.  

TOP

 

Bão Lụt Katrina: Diễn Tiến, Lịch Sử, Thảm Trạng và Cứu Trợ

 

Trận Bão Lụt Katrina xẩy ra vào ngày Thứ Năm 25/8/2005 từ miền nam Tiểu Bang Florida ở cấp 1, sát hại 11 người. Bốn ngày sau đó, kéo tới tiểu bang Louisiana ở cấp độ 4, biến 80% thành phố New Orleans thành lầy lội và tàn phá các cộng đồng Duyên Hải phía bắc.

 

Theo tin tức cho biết con số thiệt mạng là 202 người (Alabama có 2, Florida 11, Louisiana 4, Mississippi 185); 60 ngàn người đang tìm nơi trú ẩn ở New Orleans như Superdome, convention center, các bệnh viện và các cao ốc; trên 2 triệu người bị mất năng lực (điện, ga v.v.): 457.857 ở Alabama, 80.705 ở Florida, 676.813 ở Louisiana, 820.000 ở Mississippi.

 

Tuy nhiên, trận bão lụt Katrina này vẫn chưa được kể vào 10 trận bão lụt lớn nhất ở Hoa Kỳ sau đây (thứ tự trầm trọng nhất được tính theo con số tử vong, chứ không phải ngày tháng):

 

Ngày 8/9/1900 tại Galveston Houston Texas, ở mức độ 4, với con số tử vong từ 8 ngàn đến 12 ngàn.

 

9/1928 tại Lake Okeechobee (gần Palm Beach), Florida, ở mức độ 4, với con số tử vong là 1.836 người.

 

9/1919 tại Florida Keys và Corpus Christi, Texas, ở mức độ 4, với con số tử vong từ 600 tới 900 người.

 

21/9/1938 tại Tân Anh Quốc, ở mức độ 3, xuất phát từ Long Island, với con số tử vong ít là 600 mạng.

 

9/1935 tại Florida Keys, được gọi là trận bão “Great Labor Day” ở mức độ 5, với con số tử vong là 423 người; gió mạnh đến độ có thể làm trệch đường rầy chiếc xe lửa được gửi đi giải cứu các cựu chiến binh thời Thế Chiến I.

 

26/6/1957 Hurricane Audrey, ở mức độ 4, gây tử vong cho 390 mạng người.

 

14/9/1944 tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ, ở mức độ 3, được gọi là “Great Atlantic Hurricane”, tấn công Cape Hatteras, North Carolina và lòng thành phố Norfolk Virginia; con số tử vong là 394 mạng.

 

20/9/1909 The Grand Isle Hurricane, ở mức độ 4, từ Berwick trước khi băng qua giữa Baton Rouge và New Orleans, gây thiệt hại 6 triệu Mỹ kim và gây thiệt mạng ít là 350 người.

 

9/1915 tại New Orleans, Louisiana, ở mức độ 4, gây lụt lội tràn bờ Lake Pontchartrain, sát hại 275 người.

 

1915 tại Galveston Houston Texas, ở mức độ 4, tấn công duyên hải Vịnh Mexico: Galveston đã xây một bức tường biển sau trận bão lụt 1900 thế mà lần này, sau 15 năm, vẫn còn bị thiệt mạng 275 người.

 

Trong trận bão lụt cuối tháng 8/2005 này, nơi bị nặng nhất, ở mức độ 4, là New Orleans. Thảm nhất là những nạn nhân kiệt quệ được cứu và được chuyên chở bằng các xe buýt trên 300 dặm đến Astrodome ở Houston hôm Thứ Năm 1/9/2005, đã bị từ chối vì con số bên trong tòa nhà vĩ đại này đã quá con số dung chứa. Thành phố San Antonia, cách Houston 200 dặm, đã đồng ý nhận giúp thành phần tị nạn.

 

Ở thủ đô Washington, Thượng Viện đã họp đặc biệt vào đêm Thứ Năm 1/9 và đã phê chuẩn 10.5 tỉ Mỹ kim cứu trợ tai ương theo lời yêu cầu của chính phủ Bush. Hạ viện cũng làm như thế khi tiếp tục vấn đề này vào hôm sau Thứ Sáu, 2/9.

 

Vị giám đốc của cơ quan điều hành việc báo động Liên Bang FEMA (Federal Emergency Management Agency) là Michael Brown, hôm Thứ Năm 1/9/2005, đã đồng ý với các viên chức khác là số tử vong có thể lên tới cả ngàn người, nhưng vấn đề là ở chỗ dân chúng ở New Orleans không chịu đáp ứng ngay khi được chính quyền báo động:

 

“Tiếc thay, vấn đề có thể qui cho nhiều người không đáp ứng những lời được báo động trước. Tôi không phán xét về lý do tại sao người ta quyết định không bỏ chạy, thế nhưng, quí vị biết rằng vấn đề ở đây là buộc phải rút khỏi New Orleans. Và khi thấy dân chúng vẫn còn ở đó thì tôi cảm thấy quặn thắt tâm can, vì, quí vị biết, thị trưởng thành phố đã làm hết cách để làm cho họ ra đi. Bởi thế mà chúng tôi đã tìm cách nào đó để chinh phục dân chúng rằng bất cứ khi nào nghe thấy báo động ra đi thì đó là vì lợi ích của họ mà thôi. Giờ đây tôi không muốn tái xét lý do tại sao họ lại làm như thế. Việc của tôi hiện giờ là rat ay cứu trợ họ… Hiện nay không phải là lúc trách móc. Bây giờ là lúc nhìn nhận rằng dù họ có muốn rút lui hay không thì chúng ta cũng phai giúp đỡ họ”.

 

Trong điện tín qua văn phòng Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh gửi ngày Thứ Tư 31/8/2005 cho các vị thẩm quyền dân sự và giáo hội ở Hoa Kỳ, ĐTC Biển Đức XVI đã chẳng những bày tỏ lời phân ưu của ngài đối với các nạn nhân của trận bão lụt Katrina, mà còn hứa nguyện cầu cho thành phần giải cứu cùng tất cả mọi người tham gia vào việc trợ giúp các nạn nhân nữa.

 

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, các cơ quan bác ái của Giáo Hội Công Giáo toàn quốc đang cố gắng đáp ứng nhu cầu dài hạn và ngắn hạn của thành phần nạn nhân. Các cơ quan bác ái thuộc TGP New Orleans đã phải rút lui vì biến cố này, nhưng nhân viên của các cơ quan ấy vẫn hoạt động từ các văn phòng Dịch Vụ Công Đồng Công Giáo ở Baton Rouge để điều hợp những nỗ lực đáp ứng. 

 

Giáo Phận Shreveport, Lousiana, nơi đã có một số tị nạn được ổn định, đã thông báo rằng sẽ nhận bất cứ trẻ em nào bị ảnh hưởng của trận bão lụt này vào các trường học của giáo phận một cách miễn phí.

 

Giáo Phận Alexandria, Louisiana, 190 dặm bắc New Orleans, đã có một số cơ sở được sử dụng làm nơi di tản. Trường trung học của giáo phận này đã là nơi cư trú của những người di tản đến từ Our Lady of Wisdom House, một cơ sở hưu dưỡng ở New Orleans, nơi đầu tiên đã di tản 103 dưỡng viện nhân đến một vận động trường ở Alexandria. Trung tâm tĩnh tâm Giáo Phận Alexandria là nơi cư ngụ cho một nhóm Nữ Tu về hưu Dòng Thánh Gia cũng như cho các nhân viên cứu trợ Hồng Thập Tự. St. Mary's Residential Treatment Center phục vụ thành phần Chậm Phát Triển đã cung cấp chỗ ở cho 26 thân chủ được nuôi bằng ống, và nhiều người lớn bị chậm phát triển khác.

 

Giáo Phận Jackson, Mississippi, đã cung cấp các thứ đồ vệ sinh và giường chiếu cho các người tị nạn bão lụt ở Coliseum địa phương, nhà cho 1.100 người tị nạn. Giáo Phận này cũng đang soạn thảo một chương trình cho các học sinh bị mắc nạn trong giáo phận của mình.

 

Các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo thuộc TGP Miami đã phân phối nhiều thứ đồ dùng trẻ em, lương thực và các thứ cung cấp khác cho những nạn nhân. Giáo phận cũng hy vọng cung cấp nơi ở, thuốc men, tiện nghi và tham vấn tâm thần.

 

Giáo Phận St Petersburg, Florida, đang chấp nhận các bệnh nhân vào hệ thống bệnh viện của mình, và các cơ quan Bác Ái Công Giáo ở đó đã từng hoạt đô

 

Giáo Phận St Petersburg, Florida, đang chấp nhận các bệnh nhân vào hệ thống bệnh viện của mình, và các cơ quan Bác Ái Công Giáo ở đó đã từng hoạt động để cung cấp nơi ở tạm thời cho các nạn nhân.

 

TGP Galveston-Houston Texas, nơi trên 30 ngàn người tị nạn bão lụt được tài định cư từ New Orleans và các giáo phhận Vùng Vịnh Duyên Hải khác, đang cấp tốc cứu trợ về tiền bạc và nhà cửa.

 

Bệnh viện Công Giáo địa phương, Christus St. Joseph, đã vận dụng cả những đơn vị sức khoẻ lưu động của mình để giúp đỡ ở những nơi cư trú. Các trường Công giáo trong TGP đang chấp nhyận những học sinh di tản và cho phép các em ghi danh họ mà không cần giấy tờ cần thiết thường lệ.

 

Giáo Phận Tyler, Texax, bắt đầu rat ay giúp đỡ thành phần tị nạn đến giáo phận này vào cuối tuần trước cơn bão lụt xẩy ra. Ở Giáo Xứ Thánh Giuse tại Marshall Texas, một nữ tu viện cũ đã biến thành nơi cho những ai cần tắm rửa. Các người trong xứ đạo mở cửa đón tiếp, cung cấp thực phẩm, xănh dầu, điện thoại cho những người tị nạn bão lụt.

 

Ở Giáo Phận Beaumont Texas, một trung tâm tĩnh tâm của giáo phận trở thành nơi cư trú cho 35 người từ trước khi xẩy ra trận bão lụt. Trung Tâm Tiếp Đón, nơi phân phát thực phẩm của giáo phận, đã cung cấp các bữa ăn cho dân chúng khi họ hết tiền ăn.

 

Các Giáo Phận xa xôi như Albany Nữu Ước đã sửa soạn để gửi thiện nguyện viên tới trợ giúp ở những giáo phận bị ảnh hưởng và hứa sẽ tái tạm cư dân chúng nếu cần thiết.

 

Mọi liên lạc xin vào mạng điện toán toàn cầu Catholic Charities

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tin tức của Zenit và tài liệu cùng hình ảnh lẫn tin tức của CNN

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ