GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 17/11/2006 TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về Ý Nghĩa Sự Chết theo đức tin Kitô Giáo
? “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: Trách nhiệm công dân và chính trị của người Công giáo và việc Kết hợp với Đức Kitô
? "Cha sẽ làm cho con thành một món đồ chơi của tình yêu Cha, khi Cha vui thỏa đối xử với con theo lòng nhân lành của Cha"
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về Ý Nghĩa Sự Chết theo đức tin Kitô Giáo
Tháng 11 là Tháng được Giáo Hội giành để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Các Đẳng, tức tháng liên quan đến sự chết, đúng hơn đến Tứ Chung là chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Chúng ta cùng nhau ôn lại vấn đề sự chết, một vấn đề đã được chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc đến và khai triển trong Huấn Từ Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5/11/2006, mở màn cho Tháng Các Đẳng. Trước hết chúng ta hãy đọc lại toàn bộ huấn dụ của ngài, sau đó nhận định và phân lược bài huấn từ của ngài.
"Anh Chị Em thân mến:
"Trong những ngày theo sau việc phụng vụ tưởng nhở đến kẻ chết, nhiều giáo xứ cử hành một tuần bát nhật cho người chết, một cơ hội thuận lợi để tưởng nhớ nguyện cầu cho những người thân yêu cũng như để suy niệm về thực tại của sự chết là một thực tại bị ‘thứ văn minh của tiện nghi’ thường cố gắng loại bỏ khỏi tâm thức của con người, nhận chìm nó vào những bận bịu lo âu thường nhật.
"Thật vậy, chết là những gì thuộc về cuộc sống, và không phải chỉ là cái kết thúc cuộc sống mà, nếu chúng ta chú ý, nó còn ở hết mọi lúc trong cuộc đời nữa. Cho dù có xẩy ra đủ mọi thứ phân tâm đi chăng nữa, việc mất mát đi một người thân yêu cũng là những gì giúp cho chúng ta nhận thức được ‘cái trục trặc’ này, khiến chúng ta cảm thấy sự chết như là một sự hiện diện hoàn toàn đối địch với ơn gọi tự nhiên muốn sống và hạnh phúc của chúng ta.
"Chúa Giêsu đã làm đảo lộn ý nghĩa của sự chết. Người đã làm như thế bằng giáo huấn của Người, nhất là bằng việc đích thân đương đầu với sự chết. Phụng vụ mùa Phục Sinh xướng lên rằng: ‘Người chết để hủy diệt sự chết’. Một vị Giáo Phụ đã viết ‘Nhờ vị Thần Linh bất tử, Chúa Kitô đã đánh bại sự chết là những gì đã sát hại con người’ (Melito of Sardis, "On Easter," 66). Nhờ đó, Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ thân phận loài người của chúng ta, hướng nó đến chân trời hy vọng. Thật ra Người đã được sinh ra để có thể chết đi, và nhờ đó giải thoát chúng ta khỏi làm tôi cho sự chết. Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã viết: ‘Bằng ân sủng của Thiên Chúa Người đã nếm trải sự chết cho hết mọi người’ (2:9).
"Từ đó, sự chết không còn như trước nữa: Nó thực sự đã bị tước đoạt đi cái ‘nọc độc’ của nó. Tình yêu thương của Thiên Chúa, một tình yêu thương tác động nơi Chúa Giêsu, đã cống hiến một ý nghĩa mới cho tất cả cuộc sống của con người, nhờ đó cũng đã biến đổi chính sự chết. Nếu nơi Chúa Kitô, sự sống của con người là ‘việc lìa bỏ’ thế gian về nhà Cha’ (Jn 13:1) thế nào, thì giờ chết chính là giây phút diễn ra một cách cụ thể và cuối cùng việc lìa bỏ thế gian này vậy.
"Những ai dấn thân sống như Người đều được thoát khỏi nỗi hãi sợ sự chết, họ không còn nở ra nụ cười châm biếm như một kẻ thù của sự chết nữa, mà là tỏ ra một dung mạo thân tình của ‘người chị em’, như Thánh Phanxicô đã viết trong bài ‘Ca Vịnh Tạo Sinh’. Nhờ đó, Thiên Chúa được chúc tụng ngợi khen: ‘Lạy Chúa, chúc tụng Chúa cho người Chị Em Tử Thần Về Xác Thân của chúng con’. Đức tin nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không được sợ hãi sự chết, vì nó chỉ là một giấc mơ mà vào một ngày kia chúng ta tỉnh giấc thôi.
"Cái chết thực sự mà người ta cần phải sợ đó là sự chết về phần linh hồn, một sự chết được Sách Khải Huyền gọi là ‘cái chết thứ hai’ (x 20:14-15, 21:8). Thật thế, người nào chết trong tình trạng có tội trọng mà không chịu ăn năn thống hối, cứ nhất định ngạo mạn phủ nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, là người tự loại mình ra khỏi Vương Quốc của sự sống vậy.
"Nhờ lời chuyển cầu của Rất Thánh Nữ Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy nguyện cầu cùng Chúa ban cho chúng ta ơn biết nghiêm chỉnh dọn mình ra khỏi đời này vào lúc Ngài gọi chúng ta, với niềm hy vọng được đời đời ở cùng Ngài, cùng với các thánh và những người quá cố thân yêu của chúng ta".
Qua bài huấn từ truyền tin ngắn gọn về sự chết trên đây của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, không biết chúng ta có cảm thấy hết sức thấm thía về 5 điểm chính yếu sau đây hay chăng?
Thứ nhất, ngài nhận định rằng thế giới văn minh ngày nay hầu như quên đi hay không muốn nghĩ tới sự chết. Ngài nói: “Sự chết là một thực tại bị ‘thứ văn minh của tiện nghi’ thường cố gắng loại bỏ khỏi tâm thức của con người, nhận chìm nó vào những bận bịu lo âu thường nhật”.
Thứ hai, ngài còn cảm nhận rằng “chết là những gì thuộc về cuộc sống, và không phải chỉ là cái kết thúc cuộc sống mà, nếu chúng ta chú ý, nó còn ở hết mọi lúc trong cuộc đời nữa”. Tại sao thế? Ngài đã tiếp tục diễn giải cái lý do của nó là vì, ngài nói: “chúng ta cảm thấy sự chết như là một sự hiện diện hoàn toàn đối địch với ơn gọi tự nhiên muốn sống và hạnh phúc của chúng ta”.
Thứ ba, thế nhưng, theo niềm tin Kitô Giáo được ngài xác tín rằng: “Chúa Giêsu đã làm đảo lộn ý nghĩa của sự chết bằng việc đích thân đương đầu với sự chết”. Đó là lý do, cũng theo niềm tin Kitô Giáo, ngài đã tuyên xưng rằng: “Từ đó, sự chết không còn như trước nữa: Nó thực sự đã bị tước đoạt đi cái ‘nọc độc’ của nó”.
Thứ bốn, nếu sự chết đã được hoàn toàn biến đổi như thế thì tự nhiên phát sinh ra hai hệ quả, hệ quả trước nhất ở ngay chính ý nghĩa tích cực của sự chết – chết là về cùng Cha, như ngài cảm nhận: “nếu nơi Chúa Kitô, sự sống của con người là ‘việc lìa bỏ’ thế gian về nhà Cha’ (Jn 13:1) thế nào, thì giờ chết chính là giây phút diễn ra một cách cụ thể và cuối cùng việc lìa bỏ thế gian này vậy”; và hệ quả thứ hai xẩy ra nơi tâm trạng có tính cách tích cực của người chết, như ngài khẳng định: “chúng ta không được sợ hãi sự chết, vì nó chỉ là một giấc mơ mà vào một ngày kia chúng ta tỉnh giấc thôi”.
Thứ năm, cái làm cho con người sợ chết là trọng tội, là ở trong tình trạng liều mất linh hồn, và tình trạng chết về phần hồn này, tình trạng chết hoàn toàn mất Ơn Nghĩa Chúa này mới là những gì đáng sợ và đáng tránh, vì nó là cái chết thứ hai, cái chết đời đời, không còn bao giờ được cứu độ nữa. Đức Thánh Cha đã cảnh báo như sau: “Cái chết thực sự mà người ta cần phải sợ đó là sự chết về phần linh hồn, một sự chết được Sách Khải Huyền gọi là ‘cái chết thứ hai’ (x 20:14-15, 21:8). Thật thế, người nào chết trong tình trạng có tội trọng mà không chịu ăn năn thống hối, cứ nhất định ngạo mạn phủ nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, là người tự loại mình ra khỏi Vương Quốc của sự sống vậy”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và phân tích cho chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống www.tinmungsusong.org hôm nay
“Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: Trách nhiệm công dân và chính trị của người Công giáo và việc Kết hợp với Đức Kitô
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ cho Công Nghị Toàn Ý Quốc Về Giáo Hội Lần 4 ở Trung Tâm Triển Lãm Verona 19/10/2006
(Tiếp 12 Chúa Nhật tiểu đoạn 1 "Chúa Kitô Phục Sinh: Tâm điểm của đời sống";
13 Thứ Hai tiểu đoạn 2 "Việc phục vụ của Giáo hội Ý";
14 Thứ Ba tiểu đoạn 3 "Biểu lộ một đức tin ‘tuân phục’";
15 Thứ Tư tiểu đoạn 4 "Con người: Trí khôn, óc thông minh, và tình yêu";
16 Thứ Năm tiểu đoạn 5 "Vấn Đề Giáo dục và Chứng tá của lòng bác ái")
Trách nhiệm công dân và chính trị của người Công giáo
Hội nghị của quý vị đã có lý lưu tâm tới chủ đề vai trò người công dân, tức là vấn đề trách nhiệm công dân và chính trị của người Công giáo. Chúa Kitô đã đến để cứu chuộc con người thực sự, con người cụ thể, thành phần sống trong lịch sử và trong cộng đồng, vì thế Kitô giáo và Giáo hội có một chiều kích và giá trị về công chúng ngay từ ban đầu.
Như tôi đã trình bày trong thông điệp “Deus Caritas Est” (x. số 28-29) về mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, Chúa Giêsu Kitô đã mang lại một điều mới mẻ thiết yếu, mở đường cho một thế giới tự do hơn và nhân bản hơn, bằng sự tách biệt và độc lập của nhau giữa Chính quyền và Giáo hội, có nghĩa là, giữa cái của Caesar thì trả cho Caesar, với cái của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa (x. Mt 22,21).
Ngay chính quyền tự do tôn giáo mà chúng ta cho là có một giá trị phổ quát, đặc biệt cần thiết trong thế giới ngày nay, đã có gốc gác về lịch sử ở chỗ này. Bởi thế mà Giáo hội không phải là và không có ý định trở thành một tác nhân chính trị. Nhưng đồng thời Giáo hội lại hết sức quan tâm đến thiện ích của cộng đồng chính trị, mà linh hồn của nó là công lý, và cống hiến cho cộng đồng này những đóng góp đặc biệt ở cấp độ lưỡng diện.
Quả thực, niềm tin Kitô giáo là những gì thanh tẩy lý trí và giúp cho nó được nên tốt hơn: vì thế, với giáo thuyết xã hội của mình, bao gồm những lý lẽ được bắt nguồn từ những gì phù hợp với bản tính của hết mọi người, việc đóng góp của Giáo hội là ở chỗ tạo điều kiện cho những gì công chính được nhìn nhận một cách hiệu nghiệm , rồi cũng được hoàn thành nữa. Để đạt được điều này, không thể thiếu được năng lực về luân lý và tinh thần, vì chúng là những gì bảo đảm rằng những đòi hỏi của công lý ưu tiên hơn những thứ tư lợi, ưu tiên hơn một thứ loại xã hội nào, hay thậm chí ưu tiên hơn cả một Quốc Gia nữa. Cả ở đây nữa, Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cho những năng lực ấy ăn sâu vào lương tâm, nuôi dưỡng chúng và kiên cường chúng.
Công việc của Giáo Hội không phải là bổn phận trực tiếp hành động trong lãnh vực chính trị để xây dựng một trật tự công bằng trong xã hội, mà là của người tín hữu giáo dân, thành phần hành động với tư cách là những người công dân theo trách nhiệm riêng của họ. Đây là bổn phận rất quan trọng mà người tín hữu Kitô giáo tại Ý được mời gọi dấn thân một cách hăng say và dũng cảm, một bổn phận được soi sáng bởi đức tin cũng như bởi Huấn Quyền của Giáo hội và được sinh động bởi đức bác ái của Đức Kitô.
Ngày nay cần phải đặc biệt chú tâm và hết mình dấn thân trước những thách đố lớn lao đang gây nguy hại tới một phần lớn của gia đình nhân loại: đó là chiến tranh và khủng bố, nạn đói khát và một số chứng bệnh dịch kinh khủng. Nhưng cũng cần phải đối diện, với sự cương quyết tương tự cùng với những chính sách rõ ràng, cả với những nguy cơ nơi những quyết định về chính trị và luật pháp nghịch lại với các gia trị căn bản, với nguyên tắc nhân loại học cũng như với đạo đức học là những gì ăn sâu nơi bản tính con người, đặc biệt là những quyết định liên quan đến việc bảo vệ sự sống con người ở tất cả mọi giai đoạn của nó, từ khi thụ thai cho đến lúc chết một cách tự nhiên, cũng như liên quan tới việc cổ võ gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân, tránh giới thiệu trong quần chúng những hình thức liên kết khác làm cho gia đình bị lung lay, làm lu mờ tính chất đặc biệt và vai trò bất khả thay thế của gia đình trong xã hội.
Việc công khai và dũng cảm làm chứng mà Giáo hội và người Công giáo tại Ý đã và đang thể hiện trong các vấn đề này là cách phục vụ rất quý giá đối với nước Ý, đồng thời bổ ích và phấn khích các quốc gia khác. Sự dấn thân và làm chứng này chắc chắn là một phần của việc ‘chấp nhận’ cao cả mà chúng ta là những người tin vào Đức Kitô nói lên với tha nhân là thành phần được Thiên Chúa yêu thương.
Kết hợp với Đức Kitô
Các anh chị em thân mến, các bổn phận và trách nhiệm mà Hội nghị Giáo hội này đang nêu bật thì nhiều và đa dạng. Chúng ta được khuyến khích phải nhớ rằng không phải một mình chúng ta ôm lấy gánh nặng đâu. Thực vậy, chúng ta hỗ trợ lẫn nhau, và trên hết chính Thiên Chúa hướng dẫn và giữ vững con thuyền mỏng manh của Giáo hội.
Như thế, chúng ta trở lại với điểm xuất phát: sự kết hợp của chúng ta với Ngài là những gì quyết liệt, và vì thế chúng ta có thể nhân danh Ngài mà lên đường (x. Mk 3,13-15).
Vậy, sức mạnh đích thực của chúng ta là việc chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Mình Ngài, là liên kết chúng ta với món quà Ngài giành cho chúng ta, khi chúng ta thực hiện điều ấy việc cử hành Thánh Thể chiều nay, khi chúng ta tôn thờ Ngài trong Thánh Thể: thật vậy, việc tôn thờ cần phải là những gì đi trước hết mọi sinh hoạt và chương trình của chúng ta, để nó có thể làm cho chúng ta thực sự tự do và chúng ta có được những tiêu chuẩn để hành động.
Xin Đức Nữ Đồng Trinh Maria, luôn được yêu mến và tôn kính ở khắp nước Ý, đi trước và hướng dẫn chúng ta trong việc chúng ta hiệp nhất với Đức Kitô. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra bản chất trong sạch, hoàn hảo, và đích thức của Giáo hội; và cũng ở nơi Mẹ, chúng ta học biết và yêu mến mầu nhiệm Giáo hội sống động trong lịch sử, chúng ta sâu xa cảm thấy mình thuộc về Giáo hội, để rồi, nhờ đó chúng ta trở thành ‘hồn sống của giáo hội’, chúng ta biết chống lại ‘cái tục hóa nội tại’ đang đe dọa Giáo hội trong thời đại của chúng ta đây, một hậu quả của tiến trình tục hóa đã sâu đậm đánh dấu nền văn minh Âu châu.
Các anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Chúa lời cầu nguyện khiêm tốn nhưng tin tưởng, xin cho cộng đồng Công giáo tại Ý, một cộng đồng sâu xa hiệp thông một cách sống động với Giáo hội ở mọi nơi, mọi lúc, và chặt chẽ liên kết với các vị Giám mục của mình, biết mang lại một động lực mới cho Đất Nước dấu yêu này, cũng như mang lại cho mọi nơi trên thế giới, thành phần chứng nhân hân hoan của Chúa Giêsu Phục Sinh, thành phần là niềm hy vọng của nước Ý và của thế giới.
Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/october/documents/hf_ben-xvi_spe_20061019_convegno-verona_en.html
(xin xem tiếp từ ngày mai bài giảng cũng hơi dài của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong Thánh Lễ cho Hội Nghị Ý Quốc về Giáo Hội, khác với bài Huấn Từ dài được phổ biến 6 ngày từ hôm Chúa Nhật 12/11 tới hôm nay)
"Cha sẽ làm cho con thành một món đồ chơi của tình yêu Cha, khi Cha vui thỏa đối xử với con theo lòng nhân lành của Cha"
Lời Chúa Giêsu Thỏ Thẻ tâm sự với thánh nữ Magarita Alacốc về Thánh Tâm Chúa
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL tuyển dịch theo cuốn Tự Truyện của Thánh Nữ, một số đoạn tiêu biểu, bản Anh ngữ của Saint Paul Editions)
Con luôn luôn tỉ mỉ chú ý và coi chừng việc giữ kín tất cả những gì con hiện đang viết để sau này không gì có thể bị lộ, ngay cả việc cố gắng hồi tưởng về nó cũng vậy, con cứ để mặc tất cả cho Thày Nhân Lành nhớ. Bởi thế, con than phiền với Người về nỗi day dứt khó chịu ghê gớm này của con, song Người nói với con:
Hãy tiếp tục, hỡi con gái của Cha, hãy tiếp tục, đừng để ý gì đến tất cả những day dứt khó chịu to hay nhỏ này' Ý của Cha phải được hoàn thành.
"Nhưng ôi thôi! Lạy Chúa, làm sao con có thể nhớ được những gì đã xẩy ra cách đây cả 25 năm về trước?"
Con không biết rằng Cha là ký ức đời đời của Cha Cha trên trời hay sao, nơi Ngài không gì bị quên lãng và trước nhan Ngài quá khứ và tương lai đều là hiện tại? Do đó, đừng sợ, hãy viết theo như Cha đọc cho con viết, và Cha hứa với con Cha sẽ ghi dấu ấn tín ân sủng của Cha để nhờ đó Cha được vinh danh.
Cha muốn con làm điều này, trước nhất, để tỏ cho con thấy rằng Cha giải tỏa và vô dụng hóa tất cả những cẩn trọng Cha đã cho phép xẩy ra nơi con, những cẩn trọng chôn dấu muôn vàn ân sủng mà Cha lấy làm vui sướng trong việc thăng tiến một tạo vật quá ư nghèo khó và khốn cùng như con. Thế nên, con không bao giờ được quên mất điều này để con có thể liên tục dâng cho Cha niềm tạ ơn.
(Cha muốn con làm điều này) sau nữa là để dạy con biết con không được làm cho muôn vàn ân sủng của Cha thích dụng cho riêng một mình con, cũng như con không được dành lấy việc phân phát chúng cho các kẻ khác, vì Cha muốn sử dụng trái tim con làm máng chuyên các ơn Cha tuôn đổ vào các linh hồn theo như trù tính của Cha, nhờ đó lôi kéo nhiều linh hồn khỏi vực thẳm trầm hư đời đời, như Cha sẽ tỏ cho con thấy sau này.
(Cha muốn con làm điều này) sau hết là để tỏ ra Cha là Chân Lý đời đời và để ân sủng mà Cha ban tặng cho con có thể ứng phó được với tất cả mọi thứ trắc nghiệm và thử thách.
(Tự Truyện đoạn 10).
Mặc dầu bản chất nhậy cảm của con ham ước tất cả những gì là nhục nhã và hãm mình, tuy nhiên, con vẫn chưa lấy làm mãn nguyện, và Vị Thần Sư của con luôn luôn thúc giục con kêu xin cho được những điều này. Việc cầu xin này mang lại cho con một ít điều lợi là, mặc dầu lời cầu xin của con không được chấp nhận như thể con bất xứng thực hiện những điều ấy, thì xẩy ra có những điều con không muốn lắm lại áp đặt lên con, những điều áp đặt này ngược lại với những bản năng tự nhiên của con đến nỗi, trong gắng gỏi cố gắng của mình, con buộc phải kêu lên cùng Thầy Nhân Lành của con: "Hỡi ôi! Chúa Trời con ơi, xin hãy đến cứu giúp con đi, vì Chúa là căn nguyên của chúng!" Ngài đã nhậm lời, nói rằng:
Con hãy nhìn nhận con không thể làm gì được ngoài Cha là Đấng không bao giờ để cho con phải thiếu ơn trợ giúp, bao lâu nỗi yếu hèn và trống không của con mất đi trong mãnh lực của Cha.
(Tự Truyện: đoạn 40)
Vì lo ngại về tất cả những đường lối của con có vẻ như lầm lạc và hão huyền làm sao đó, nên con được bề trên cho biết là con rõ ràng không có khả năng theo đuổi tinh thần của dòng Thăm Viếng, Con trình bày điều này cho Đấng Cao Cả của con với lời than trách sau đây: "Thôi rồi! Chúa ơi, chẳng lẽ Chúa lại là nguyên cớ làm cho con bị loại hay sao?" Đáp lại, Người phán:
Hãy trình với mẹ bề trên của con rằng người không nên sợ chấp nhận con, Cha trả lời thay cho con, và nếu mẹ bề trên tin vào Cha, Cha sẽ là bảo đảm của con.
Khi con trình với mẹ bề trên điều này, mẹ truyền con phải xin Người một minh chứng bảo đảm là làm cho con trở nên hữu dụng trong đời sống tu trì thánh hảo, qua việc giữ kỹ tất cả những gì được qui định. Về điều này, Đấng Lòng Lành nhân ái đã trả lời:
Được lắm, hỡi con gái của Cha, Cha ban cho con tất cả những điều này, vì Cha sẽ làm cho con còn hữu dụng hơn mẹ bề trên của con nghĩ nữa, nhưng theo cách thức chỉ một mình Cha biết trong lúc này mà thôi. Do đó, Cha sẽ thích ứng các ân sủng của Cha với tinh thần của luật dòng con, với ý của các bề trên con và với nỗi yếu hèn của con' nên con phải coi chừng mọi sự có thể kéo con ra khỏi việc giữ kỷ luật dòng của con là điều mà Cha muốn con phải để ý trước hết mọi sự khác. Hơn nữa, Cha lấy làm hài lòng khi con trọng ý của các bề trên con hơn ý của Cha, bất cứ khi nào các ngài có cấm đoán con không được làm theo điều Cha truyền cho con. Chịu khó theo các ngài để thi hành như các ngài muốn nơi con' Cha sẽ thừa biết cách để hoàn thành các dự định của Cha, cho dù các dự định này vì thế có thể bị chống đối và xung khắc. Cha dành cho một mình Cha quyền dẫn dắt nội tâm con, đặc biệt là điều khiển trái tim của con, vì một khi đã thiết lập trong nó vương quốc tình yêu tinh tuyền của Cha, Cha sẽ không bao giờ chịu nhường nó cho những điều gì khác nữa.
(Tự Truyện: đoạn 43)
Sau cùng rồi con cũng đạt được niềm hạnh phúc từ lâu hằng mong đợi là được khấn dòng, chính vào ngày hôm ấy Vị Thần Sư của con đã nhận con làm Hôn Thê của Người theo một thể thức mà con không thể tả được. Con chỉ biết nói là Người đã trang điểm cho con và đối xử với con như một hôn thê xứ Thabor. Đối với con, điều này làm con còn khổ hơn là chết, vì con thấy mình không giống với Hôn Phu của con, Đấng mà con thấy trên đồi Canvê hoàn toàn bị tan nát và tàn tạ dung nhan. Nhưng Người nói cùng con:
Hãy để Cha làm mọi sự khi đến thời điểm của nó' vì giờ đây Cha sẽ làm cho con thành một món đồ chơi của tình yêu Cha, khi Cha vui thỏa đối xử với con theo lòng nhân lành của Cha, như trẻ con nghịch các món đồ chơi của chúng' bởi thế, con phải nhắm mắt ngoan ngoãn bỏ mình đi để Cha được thoả nguyện nơi việc hy sinh của con' nhờ thế mà con sẽ không bị mất mát gì cả.
Người hứa sẽ không bao giờ bỏ con nữa, khi nói:
Con hãy luôn sẵn sàng cởi mở để nhận lấy Cha, vì từ đây, Cha sẽ cư ngụ trong con để Cha có thể thường xuyên tỉ tê với con.
(Tự Truyện: đoạn 44)
"Ôi Tôn Sư của con ơi, sao Người không để con sống theo một đường lối bình thường như các chị em dòng Thánh Nữ Maria? Chẳng lẽ Chúa đã đưa con vào nhà của Chúa đây là để hủy diệt con đi hay sao? (Vì các bề trên đã dùng hết cách để phá hủy tác động của Người trong con và con cũng được lệnh làm như vậy nữa). Con van nài Chúa hãy ban các ơn ngoại thường này cho các linh hồn ưu tuyển xứng hợp khác để làm cho Chúa được vinh danh hơn con, vì con chỉ chống cưỡng lại với Chúa mà thôi. Tất cả ước vọng của con là tình yêu Chúa và Thánh giá Chúa, những thứ đủ cho con để trở nên một tu sĩ tốt lành rồi, đó là tất cả những gì con ao ước". Người đáp:
Hỡi con gái của Cha, chúng ta hãy tiếp tục sự giằng co này, Cha rất ưng ý làm như vậy' chúng ta sẽ thấy ai sẽ là kẻ chiến thắng, Tạo Hóa hay tạo vật của Ngài' Mãnh Lực hay yếu đuối, Đấng Toàn Năng hay sự bất lực' Và ai là kẻ chiến thắng sẽ vĩnh viễn thắng cuộc.
Điều này càng làm cho con lẫn lộn, nên Người nói:
Hãy nhớ kỹ là Cha không thể bị xúc phạm bởi tất cả những trục trặc này cũng như bởi sự chống đối mà con thực sự gây ra cho Cha theo đức vâng lời, một nhân đức nhờ đó mà Cha đã hiến mạng sống Cha' nhưng Cha sẽ dạy cho con biết rằng Cha là vị Tôn Sư tối cao đối với những tặng ân của Cha cũng như với các tạo vật của Cha, không gì có thể ngăn cản Cha thực hiện các dự định của Cha. Bởi thế, Cha chẳng những muốn con phải làm theo điều các bề trên của con truyền khiến, mà còn không được làm tất cả những gì Cha lệnh cho con làm mà không có phép của các ngài. Cha yêu thích đức tuân phục, một nhân đức mà không có nó không ai có thể làm đẹp lòng Cha.
(Tự Truyện: đoạn 47)
Một ngày kia, vì một số lỗi lầm mà con sa phạm, Vị Thần Sư của con đã ban cho con bài học sau đây:
Con hãy hiểu rằng Cha là một Thánh Sư và là Đấng dạy nên thánh, Cha tinh tuyền và không chịu nổi một tí vết ô nhơ nào cả. Bởi thế, con phải tác hành với một con tim đơn thuần cùng với một ý hướng trong sạch và ngay thẳng trước nhan Cha. Con hãy biết rằng Cha không thể chịu được một ước muốn không mấy ngay thật, và Cha sẽ làm cho con hiểu rằng, nếu sự quá độ của tình yêu Cha đã làm cho chính Cha nên Sư Phụ của con để dạy vẽ và khuôn đúc con theo cách thế cũng như dự định của Cha, chứ Cha không thể chấp nhận thứ linh hồn ương ương dở dở, và nếu Cha nhân hậu trong việc chịu đựng nỗi yếu hèn của con, thì Cha sẽ không kém phần nghiêm nghị và nghiêm chỉnh trong việc sửa chữa và trừng phạt những bất trung của con. (Tự Truyện: đoạn 51)
(Loạt bài về Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa liên tục vào các ngày thứ sáu hằng tuần từ 18/8)