GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 19/11/2006

 TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

 

?  “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: "Một tân nhân loại đã được tái sinh và đang được tái sinh"

?  Văn Kiện của Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh phổ biến ngày 10/10/2006 về chủ đề “Việc Chiến Đấu Chống Tình Trạng Băng Hoại”

?   Ngày của Chúa - Dies Domini / Ngày của mọi ngày – Dies Dierum: "Ngày Chúa Nhật, một ngày họ được kêu gọi để cử hành việc cứu độ của họ và việc cứu độ của toàn thể nhân loại"

 

 

 

? “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: "Một tân nhân loại đã được tái sinh và đang được tái sinh"

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng ngày 19/10/2006 tại Hội Nghị Toàn Ý Quốc về Giáo Hội ở Verona.

(xin đọc bài Huấn Từ cũng của Đức Thánh Cha cho Hội Nghị này đã được phổ biến từ Chúa Nhật 12 đến hết Thứ Sáu 17/11/2006 vừa rồi)

(tiếp 18 Thứ Bảy)

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong thánh lễ được cử hành ở sân vận động túc cầu Bentegodi, với 42 ngàn người trực tiếp tham dự, chưa kể 60 ngàn người theo dõi qua những màn ảnh vĩ đại ở những nơi khác nhau trong thành phố này.

 

Từ Chúa Kitô Phục Sinh, hoa trái đầu tiên của tân nhân loại, một tân nhân loại đã được tái sinh và đang được tái sinh, một dân ‘nghèo khổ’ thực sự được hạ sinh, như vị tiên tri này đã tiên báo, thành phần đã mở lòng mình ra cho Phúc Âm, và đã trở nên và mãi trở nên ‘những cây sồi công chính’ mới, ‘việc Chúa gieo trồng để Ngài được hiển vinh’, thành phần tái thiết những đổ nát, thành phần phục hồi những thành phố tiêu điều, được tất cả coi là miêu duệ diễm phúc của Chúa (x Is 61:3-4,9).

 

Mầu nhiệm Phục Sinh của Con Thiên Chúa, Đấng, bằng việc về Trời ngự bên hữu Cha, đã tuôn xuống trên chúng ta Thánh Thần và cho chúng ta có thể bằng một thoáng nhìn duy nhất bao gồm được cả Chúa Kitô và Giáo Hội: Đấng Phục Sinh và người được phục sinh, hoa trái đầu mùa và thửa ruộng của Thiên Chúa, tảng đá nền và những viên đá sống, một hình ảnh khác trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô (x 2:4-8).

 

Vậy những gì đã xẩy ra vào lúc ban đầu cho cộng đồng tông đồ tiên khởi thì cũng được tái diễn thậm chí cho tới nay.

 

Thật vậy, từ ngày Hiện Xuống, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh đã biến đổi đời sống của các vị Tông Đồ. Các vị đã có một nhận thức rõ ràng về việc không phải chỉ làm môn đệ của một thứ giáo thuyết mới mẻ và hay ho mà còn làm chứng nhân được tuyển chọn và hữu trách đối với một mạc khải liên hệ tới phần rỗi của những người đồng thời với các vị cũng như của tất cả mọi thế hệ mai sau.

 

Niềm tin Vượt Qua đã làm tràn đầy lòng các vị bằng nhiệt tình hăng say và trổi vượt, một lòng nhiệt thành khiến cho các vị có thể đương đầu với hết mọi khốn khó, cho dù là sự chết, và đã khiến cho lời nói của các vị có một mãnh lực thuyết phục bất khả kháng cự. Bởi vậy mà một nhóm người, thiếu thốn về các phương tiện trần thế nhưng chỉ cần mạnh mẽ về niềm tin, đã có thể hiên ngang đương đầu với cuộc bách hại khốn khổ và tử đạo.

 

Tông Đồ Gioan viết: ‘Cuộc chiến thắng chế ngự thế gian ở đây là đức tin của chúng ta’ (1Jn 5:4b). Sự thật của điều khẳng định này cũng được ghi nhẫn ở Ý quốc trong hai thiên kỷ của lịch sử Kitô giáo, với muôn vàn chứng từ của các vị tử đạo, của các thánh nhân và các v ị chân phước, những vị đã để lại dấu vêá bất khả phai nhòa ở khắp Bán Đảo tuyệt vời chúng ta đang sống đây. Một số vị đã được nhắc đến ở đầu cuộc Hội Nghị này và dung nhan của các vị ở với việc làm này của chúng ta.

 

Ngày nay, chúng ta là thành phần thừa kế của những vị chứng nhân vinh thắng này! Thế nhưng, chính vì nhận định này mới có vấn đề được đặt ra ở đây: đâu là niềm tin của chúng ta? Hôm nay đây chúng ta có thể truyền đạt đức tin cho tới độ nào?

 

Niềm tin tưởng rằng Chúa Kitô đã sống lại là những gì bảo đảm cho chúng ta rằng không có một chống đối nào có thể hủy diệt nổi Giáo Hội. Chúng ta cũng được phấn khởi bởi ý thức rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể hoàn toàn làm mãn nguyện những khát vọng sâu xa của hết mọi tâm can con người và mới có thể đáp ứng những vấn nạn nhức nhối nhất về đau khổ, về bất công và sự dữ, về sự chết và đời sau mà thôi.

 

Bởi thế, đức tin của chúng ta là những gì vững vàng, thế nhưng đức tin này cần phải sống động nơi mỗi một người chúng ta nữa. Vì vậy cần phải thực hiện một nỗ lực rộng lớn và liên kết để mỗi một Kitô hữu được biến đổi thành một ‘nhân chứng’ sẵn sàng có thể đảm nhận nhiệm vụ cống hiến lý do cho mọi người và ở mọi lúc về niềm hy vọng trong con người mình (x 1Pt 3:15).

 

Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải quay về với việc mạnh mẽ và hân hoan loan truyền biến cổ tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, tâm điểm của Kitô Giáo, cứ điểm chính của niềm tin chúng ta, đón bay mãnh liệt cho niềm xác tín của chúng ta, ngọn gió dữ dội thổi bay đi hết mọi nỗi sợ hãi và do dự, hết mọi ngờ vực và tính toán của con người.

 

Việc đổi thay quyết liệt này trên thế giới chỉ có thể xẩy ra từ Thiên Chúa mà thôi. Chỉ bắt đầu từ Cuộc Phục Sinh mà bản chất thật sự của Giáo Hội và việc làm chứng của Giáo Hội mới hiểu được, một bản chất không phải là một cái gì đó tách khỏi Mầu Nhiệm Vượt Qua, trái lại là hoa trái của mầu nhiệm này, một mầu nhiệm được biểu lộ và thể hiện bởi những ai, nhờ lãnh nhận Thánh Thần, được Chúa Kitô sai đi để tiếp tục sứ vụ của chính Người (x Jn 20:21-23).

 

(còn tiếp 1 ngày nữa)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo


http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20061019_verona_en.html

 

 

TOP

 

 

 ? Văn Kiện của Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh phổ biến ngày 10/10/2006 về chủ đề “Việc Chiến Đấu Chống Tình Trạng Băng Hoại”

 

(tiếp 11 Thứ Bảy 18 Thứ Bảy)

 

Những phương pháp hay nhất trong việc đối phó với nạn băng hoại

 

7.         Để tránh khỏi những mối nguy hiểm này, giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đưa ra quan niệm về ‘môi sinh nhân bản’ (Thông Điệp ‘Bách Niên’, khoản 38), một quan niệm cũng có thể trở thành một qui chuẩn hữu dụng để chống lại nạn băng hoại. Những thái độ của nạn băng hoại có thể được hiểu một cách thỏa đáng chỉ khi nào chúng được thấy như là hậu quả của một cuộc khủng hoảng về môi sinh nhân bản mà thôi. Nếu gia đình không được nắm vị thế chu toàn vai trò giáo dục của mình, nếu những thứ luật lệ ngược lại với sự thiện đích thực của con người nam nữ – như những thứ luật phạm đến sự sống – giáo dục thành phần công dân một cách sai lầm về những gì là tốt lành, nếu tốc độ công lý hết sức bị trì trệ, nếu nền luân lý căn bản bị kiệt quệ bởi vấn đề nhân nhượng cho những thứ vi phạm, nếu những điều kiện sinh sống từng bị suy thoái, nếu các học đường không kích thích việc tăng trưởng con người và không kiến tạo nên tính cách độc lập, nếu không thể bảo đảm được ‘môi sinh nhân bản’; thì tình trạng thiếu vắng vấn đề môi sinh nhân bản này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hiện tượng băng hoại sinh sôi nẩy nở.

 

Thật vậy, không được quên rằng nạn băng hoại là những gì bao gồm cả một chuỗi những thứ liên hệ và tính cách đồng lõa; nó bao gồm cả tình trạng chai đá của lương tâm, cả việc tống tiền và hăm dọa, cả những thứ hợp đồng lén lút cùng với những thứ mưu mô trước hết liên quan tới dân chúng cũng như lương tâm của dân chúng, rồi sau đó tới những cơ cấu của họ. Bởi thế, đây là lãnh vực đối với công việc hết sức quan trọng của vấn đề giáo dục về luân lý và việc huấn luyện thành phần công dân, cũng như đối với nhiệm vụ của Giáo Hội, một nhiệm vụ - mà qua các cộng đồng, các tổ chức, các phong trào và và hội đoàn của mình, và qua sự hiện diện của các phần tử tín hữu ở hết mọi lãnh vực xã hội tân tiến – có thể đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ngăn ngừa nạn băng hoại. Giáo Hội có thể vun trồng và cổ võ những nguồn luân lý để giúp vào việc xây dựng một ‘môi sinh nhân bản’ là những gì băng hoại sẽ không thể nào được ân cần tiếp đón.

 

8.         Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội sử dụng tất cả những nguyên tắc hướng dẫn căn bản, những nguyên tắc được giáo huấn này nêu lên như là những biểu hiện cho hành vi cử chỉ cá nhân và tập đoàn, đặt chúng lên hàng đầu của trận chiến chống nạn băng hoại. Những nguyên tắc ấy là nhân phẩm, là công ích, là tình đoàn kết, là việc phụ trợ, là vấn đề ưu tiên hơn cho người nghèo, là mục đích chung của các sản vật. Băng hoại là những gì hoàn toàn nghịch lại với tất cả những nguyên tắc ấy. Nó khai thác con người, khinh khi sử dụng con người nam nữ cho những lợi lộc vị kỷ. Nó trở thành một thứ ngãng trở cho việc chiếm đạt công ích, vì nó dựa vào các thứ qui chuẩn theo cá nhân chủ nghĩa đầy yếm thế vị kỷ cùng với những lợi lộc đặc biệt trái khuấy.

 

Nó là những gì phản lại tình đoàn kết vì nó gây ta bất công và nghèo khổ, và trái với vấn đề phụ trợ vì nó không tôn trọng những vai trò khác nhau về xã hội và về cơ cấu song lại làm bại hoại những vai trò ấy. Nó cũng tác hành phản lại với mối quan tâm ưu tiến đối với người nghèo, bằng việc gây trở ngại cho việc thích hợp chuyển tới thành phần nghèo khổ những nguồn lợi giành cho họ. Sau hết, nó phản lại với mục đích chung của sản vật vì sự thiện của tính cách hợp pháp, như chúng ta đã thấy trên đây, là một sự thiện nhân bản cho hết mọi con người nam nữ, một sự thiện giành cho tất cả mọi dân tộc.

 

Toàn thể giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đề ra một quan điểm về những mối liên hệ xã hội hoàn toàn trái với hoạt động của băng hoại. Bởi thế, chúng ta có thể hiểu được sự trầm trọng của hiện tượng này cùng với nhận định hoàn toàn tiêu cực của Giáo Hội liên quan tới nó. Chúng ta cũng có thể hiểu được gốc gác của một nguồn lợi lớn được Giáo Hội góp phần vào việc chiến đấu chống lại nạn băng hoại, đó là toàn bộ giáo huấn về xã hội của Giáo Hội và hoạt động của những ai được giáo huấn này tác động.

 

(Văn kiện dài này còn tiếp 1 ngày nữa)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/10/2006 (người dịch tự chia văn kiện này thành hai phần dưới hai tiểu đề cho dễ nhận thức bố cục và  nội dung của vấn đề được trình bày) 

 

 

TOP

 

 

?  Ngày của Chúa - Dies Domini / Ngày của mọi ngày – Dies Dierum: "Ngày Chúa Nhật, một ngày họ được kêu gọi để cử hành việc cứu độ của họ và việc cứu độ của toàn thể nhân loại"

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006) 

 

81.          Các kho tàng về tinh thần và mục vụ của Ngày Chúa Nhật, như nó đã được truyền thống lưu lại cho chúng ta, thật sự là to lớn. Một khi hoàn toàn hiểu được tính cách quan trọng và ý nghĩa của nó thì Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành một tổng hợp đời sống Kitô hữu và là một điều kiện sống tốt lành. Bởi thế mới thấy được lý do tại sao việc giữ Ngày của Chúa rất thân thương với Giáo Hội, và tại sao theo luật lệ của Giáo Hội nó vẫn là một điều thực sự buộc phải làm. Tuy nhiên, việc tuân giữ này cần phải được coi như là một nhu cầu xuất phát từ thẳm cung của đời sống Kitô hữu, hơn là một qui luật. Vấn đề hết sức quan trọng ở đây là tất cả mọi tín hữu cần phải thâm tín rằng họ không thể nào sống niềm tin của mình hay tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống của cộng đồng Kitô Giáo trừ phi họ thường xuyên tham dự vào việc qui tụ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Thánh Thể là việc hoàn toàn hiện thực việc tôn thờ nhân loại cần phải tỏ ra đối với Thiên Chúa, và nó không thể nào so sánh với bất cứ một cảm nghiệm về tôn giáo nào khác. Việc thể hiện đặc biệt hiệu năng của điều này đó là việc cả cộng đồng qui tụ vào Ngày Chúa Nhật, lắng nghe lời của Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng kêu gọi tín hữu qui tụ lại để ban cho họ ánh sáng lời Người và dưỡng chất Mình Người như một mạch nguồn vĩnh viễn về bí tích của ơn cứu chuộc. Ân sủng tuôn ra từ mạch nguồn này là những gì canh tân nhân loại, sự sống và lịch sử.

 

82.          Chính vì tin tưởng mạnh mẽ xác tín và ý thức về gia sản của các thứ giá trị nhân bản bao hàm trong việc giữ Ngày Chúa Nhật, mà Kitô hữu ngày nay cần phải đương đầu với những thứ du dỗ của một nền văn minh hưởng ứng những lợi ích của việc nghỉ ngơi và thời giờ tự do, thế nhưng lại là một thứ văn minh thường sử dụng những thứ ấy một cách nhẹ dạ nông nổi và có những lúc còn bị lôi cuốn bởi những hình thức tiêu khiển có vấn đề về luân lý. Thật ra Kitô hữu cũng không khác với người khác về việc hoan hưởng ngày nghỉ ngơi hằng tuần; thế nhưng họ đồng thời ý thức rõ ràng về tính cách đặc thù và nguyên tuyền của Ngày Chúa Nhật, một ngày họ được kêu gọi để cử hành việc cứu độ của họ và việc cứu độ của toàn thể nhân loại. Chúa Nhật là ngày vui mừng và là ngày nghỉ ngơi chính bởi vì nó là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa Phục Sinh.

 

83.          Được hiểu và sống như thế, Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành hồn sống của các ngày khác, nhờ đó, chúng ta có thể nhớ lại cái minh thức của Origen rằng người Kitô hữu trọn lành ‘bao giờ cũng giữ Ngày của Chúa và bao giờ cũng cử hành Ngày Chúa Nhật’ (131). Chúa Nhật là một học đường thực sự, một chương trình kéo dài cho việc giáo dục của Giáo Hội – một khoa giáo dục bất khả thay thế, nhất là với những điều kiện xã hội hiện nay càng ngày càng bị phân mảnh và đa văn hóa liên lỉ thử thách lòng trung thành của cá nhân người Kitô hữu đối với những đòi hỏi cụ thể theo đức tin của họ. Ở nhiều phấn đất trên thế giới, chúng ta thấy một thứ Kitô Giáo “lưu vong”, một Kitô Giáo bị thử thách vì thành phần môn đệ Chúa Kitô phân tán không còn dễ dàng bảo tồn việc liên hệ với nhau nữa, và thiếu sự nâng đỡ về các cơ cấu và truyền thống hợp với văn hóa Kitô Giáo. Trong tình trạng khó khăn như thế, cơ hội đến với nhau vào Ngày Chúa Nhật, trao đổi các tặng ân của tình huynh đệ, là một sự hỗ trợ bất khả châm chước.

 

84.          Trong việc thực sự bảo trì đời sống Kitô hữu, Ngày Chúa Nhật còn có một giá trị nữa đó là giá trị chứng từ và loan báo. Là một ngày của việc nguyện cầu, của hiệp thông và của niềm vui, Ngày Chúa Nhật làm âm vang khắp xã hội những thứ năng lực sinh động và những lý do hy vọng. Chúa Nhật là việc loan báo rằng thời gian, một phạm trù được Người là Vị Chúa Phục Sinh của lịch sử lập cư, không phải là một nấm mộ chôn những ảo tưởng của chúng ta, mà là cái nôi của một tương lai luôn tươi mới, một cơ hội giúp chúng ta biến những giây phút trôi qua của cuộc đời này thành những mầm mống vĩnh hằng. Chúa Nhật là một mời gọi để hướng về phía trước; nó là ngày cộng đồng Kitô Giáo kêu lên cùng Chúa Kitô rằng: ‘Maranatha: Ôi Chúa, xin  hãy đến’ (1Cor 16:22). Bằng lời kêu vang hy vọng và mong đợi này, Giáo Hội đồng hành và hỗ trợ niềm hy vọng của nhân loại. Qua các ngày Chúa Nhật, được soi động bởi Chúa Kitô, Giáo Hội tiến tới một Ngày Chúa Nhật khôn cùng của Giêrusalem thiên đình, một Giêrusalem ‘không cần mặt trời mặt trăng tỏa sáng trên nó, vì vinh quang của Thiên Chúa là ánh sáng của nó và Con Chiên là đèn soi của nó’ (Rev 21:23).

 

85.          Khi gắng sức tiến về đích điểm của mình, Giáo Hội được Thần Linh nâng đỡ và tác động. Chính Ngài là Đấng khơi dậy ký ức và làm hiện thực cho mọi thế hệ biến cố Phục Sinh. Ngài là tặng ân nội tại liên kết chúng ta với Chúa Kitô Phục Sinh cũng như với anh chị em của chúng ta trong mối thân mật của thân thể duy nhất, phục hồi niềm tin của chúng ta, làm cho lòng chúng ta tràn đầy bác ái và canh tân niềm hy vọng của chúng ta. Thần Linh không ngừng hiện diện nơi từng ngày sống của Giáo Hội, xuất hiện một cách khôn lường và dồi dào ban phát tặng ân của Ngài. Thế nhưng, chính trong cuộc qui tụ vào Ngày Chúa Nhật để hằng tuần cử hành Phục Sinh mà Giáo Hội lắng nghe Thần Linh một cách đặc biệt và cùng với Ngài tiến tới với Chúa Kitô bằng một lòng thiết tha mong ước Người trở lại trong vinh quang. ‘Thần Linh và Cô Dâu nói ‘Hãy đến!’” (Rev 22:17). Chính vì quan tâm tới vai trò của Thần Linh mà tôi muốn là lời huấn dụ nhắm đến việc tái nhận thức ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật này được phổ biến trong năm kính Thánh Linh trong giai đoạn sửa soạn gần cho Đại Năm Thánh này.

 

86.          Tôi xin ký thác bức Tông Thư này cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, để nó được cộng đồng Kitô hữu chấp nhận và mang ra thực hành. Không bao giờ làm lệch đi tính cách chủ yếu của Chúa Kitô và Thần Linh của Người, Mẹ Maria bao giờ cũng hiện diện trong Ngày Chúa Nhật của Giáo Hội. Chính mầu nhiệm của Chúa Kitô đòi hỏi nhjư thế, ở chỗ, thật sự nếu Mẹ thực sự là Mẹ Chúa và Mẹ Giáo Hội thì chẳng lẽ Mẹ lại không đặc biệt hiện diện hay sao trong ngày vừa là ngày của Chúa dies Domini và là ngày của Giáo Hội dies Ecclesiae?

 

Khi lắng nghe lời được công bố nơi cộng đồng Chúa Nhật, người tín hữu nhìn lên Trinh Nữ Maria, học nơi Mẹ việc giữ lấy lời ấy và suy niệm trong lòng mình (x Lk 2:19). Với Mẹ Maria, họ biết đứng dưới chân Thập Giá, hiến dâng lên Chúa Cha hy tế của Chúa Kitô và hợp với hy tế này là việc hiến tế của đời sống của họ. Với Mẹ Maria, họ cảm nghiệm được niềm vui Phục Sinh, sử dụng lời ca vịnh Ngợi Khen để tôn tụng tặng ân khôn cùng của tình thương thần linh tràn trề tháng năm: ‘Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những kẻ kính sợ Ngài’ (Lk 1:50). Qua các ngày Chúa Nhật, thành phần dân lữ hành này theo bước chân của Mẹ Maria, và việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ làm tăng thêm quyền lực và ưu ái đặc biệt cho lời nguyện cầu được Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

87.          Anh Chị Em thân mến, việc sắp tới Đại Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy dấn thân sâu xa hơn về tâm linh và mục vụ. Thật thế, đó là mục đích thực sự của nó. Trong Đại Năm Thánh này, nhiều điều sẽ được thực hiện để làm cho nó mang một dấu tích đặc biệt cần phải có trước khi kết thúc Đệ Nhị Thiên Niên và mở màn cho Đệ Tam Thiên Niên từ khi Lời Chúa Nhập Thể. Thế nhưng, năm ấy và thời điểm đặc biệt ấy rồi cũng sẽ qua đi, như chúng ta thấy nơi các cuộc mừng kỷ niệm và các biến cố long trọng khác. Tuy nhiên, là một ‘lễ trọng’ hằng tuần, Chúa Nhật sẽ tiếp tục hình thành thời gian lữ hành của Giáo Hội, cho đến Ngày Chúa Nhật không còn đêm tối nữa.

 

Bởi thế, Quí Huynh Giám Mục và Linh Mục thân mến, tôi thiết tha xin quí huynh hãy không ngừng làm việc với tín hữu để bảo đảm rằng giá trị về ngày linh thánh này được hiểu biết và sống động sâu xa hơn nữa. Điều này sẽ sinh nhiều hoa trái nơi các cộng đồng Kitô hữu, và sẽ không ngừng có một ảnh hưởng tích cực trên toàn thể xã hội dân sự.

Trong việc nhận biết Giáo Hội, một Giáo Hội mà mỗi Chúa Nhật hân hoan cử hành một mầu nhiệm từ đó Giáo Hội kín múc sự sống, chớ gì con người nam nữ của Đệ Tam Thiên Niên tiến đến chỗ nhận biết Chúa Kitô Phục Sinh. Và liên lỉ được canh tân bởi việc hằng tuần tưởng niệm Phục Sinh, chớ gì thành phần môn đệ của Chúa Kitô trở thành khả tín hơn bao giờ hết trong việc loan báo Phúc Âm cứu độ và hữu hiệu hơn bao giờ hết trong việc xây dựng nền văn minh yêu thương.

 

Tôi ban phép lành cho tất cả mọi anh chị em!

 

Tại Điện Vatican ngày 31/5/1998, Lễ Hiện Xuống, Năm Thứ 20 Giáo Triều của tôi.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ