GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 27/11/2006 TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
? “Những Khía Cạnh Mục Vụ trong việc Chữa Trị Các Chứng Bệnh Lây Lan”.
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXIV Thường Niên 26/11/2006 về Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
(tiếp 21 Thứ Ba, 22 Thứ Tư, 24 Thứ Sáu và 25 Thứ Bảy)
4- Văn Minh Tây Phương: "Những sản vật thuần túy của một cuộc cách mạng mù quáng"
(Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15/8/2005)
“Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat, một bài thơ cao cả được Thánh Thần linh ứng phát xuất từ môi miệng của Mẹ Maria, thật sự là từ tâm can của Mẹ Maria. Bài ca vịnh tuyệt vời này phản ảnh toàn thể linh hồn, toàn thể con người của Mẹ Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng. Tôi xin nhấn mạnh đến hai điểm trong bài đại ca vịnh này.
“Bài ca vịnh này được bắt đầu bằng chữ ‘Magnificat – Ngợi Khen’: Linh hồn tôi ‘magnifies – ngợi khen’ Chúa, tức là ‘tuyên xưng sự cao cả’ của Chúa. Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta. Mẹ không sợ là Thiên Chúa có thể là ‘một đối thủ’ trong đời sống của chúng ta, là với sự cao cả của mình Ngài xâm lấn tự do của chúng ta, xâm lấn cái khoảng đời để sống động của chúng ta. Mẹ biết rằng Thiên Chúa cao cả, chúng ta cũng cao cả nữa.
“Đời sống của chúng ta không bị đàn áp mà được nâng cao và vươn rộng: Chính vì thế mà nó trở thành cao cả trước ánh vinh quang của Thiên Chúa.
“Sự kiện những vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã có những ý nghĩ phản nghịch lại như thế là cốt lõi của nguyên tội. Họ sợ rằng nếu Thiên Chúa quá ư là cao cả thì họ sẽ bị lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể gạt Thiên Chúa ra ngoài để lấy chỗ cho họ.
“Đây cũng là một chước cám dỗ cả thể của thời tân tiến, của ba hay bốn thế kỷ qua. Càng ngày càng nhiều người nghĩ và nói rằng: ‘Thế nhưng vị Thiên Chúa này không ban cho chúng ta được tự do; bằng tất cả những mệnh lệnh của mình, Ngài đã hạn chế cái khoảng đời để sống của chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa cần phải biến khuất đi; chúng tôi muốn tự động và tự lập. Không có vị Thiên Chúa này chính chúng tôi mới là các vị thần linh và làm những gì chúng tôi muốn’.
“Đó cũng là quan điểm của Người Con Hoang Đàng, người con không nhận ra rằng hắn được ‘tự do’ chính là vì hắn được ở trong nhà cha của hắn. Hắn ra đi đến những miền đất xa xôi để phung phí gia tài của mình. Cuối cùng, hắn nhận ra rằng chính vì hắn ra đi quá xa với nhà cha của hắn mà thay vì được tự do hắn lại trở thành nô lệ; hắn đã hiểu rằng chỉ nhờ trở về nhà cha của mình hắn mới thực sự có tự do, sống một cuộc đời hoàn toàn tốt đẹp thôi.
“Đó là những gì đang xẩy ra cho thời đại tân tiến của chúng ta đây. Trước đây, nó nghĩ và tin rằng, bằng việc loại trừ Thiên Chúa ra rìa và trở nên tự động, chỉ sống theo những ý nghĩ riêng tư và bản năng của chúng ta, chúng ta mới thực sự được tự do làm những gì chúng ta muốn mà không ai có thể truyền khiến chúng ta cả.
“Thế nhưng, khi Thiên Chúa biến khuất, con người nam nữ không trở nên cao cả hơn; thật vậy, họ đã mất đi phẩm vị thần linh của mình; khuôn mặt của họ đã mất đi vinh quang của Thiên Chúa. Cuối cùng họ trở thành những sản vật thuần túy của một cuộc cách mạng mù quáng, và như thế, họ có thể được sử dụng và bị lạm dụng. Đó chính là những gì kinh nghiệm của thời đại chúng ta đã cho chúng ta thấy rõ như vậy.
“Nếu chỉ có Thiên Chúa là cao cả thì nhân loại cũng cao cả nữa. Với Mẹ Maria, chúng ta phải bắt đầu hiểu rằng vấn đề là như thế. Chúng ta không được lìa xa Thiên Chúa nhưng hãy làm cho Thiên Chúa hiện diện; chúng ta phải bảo đảm là Ngài là Đấng cao cả trong đời sống của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành thần linh; tất cả mọi vinh hiển của phẩm vị thần linh bấy giờ mới là của chúng ta. Chúng ta hãy áp dụng điều này vào đời sống riêng của chúng ta.
“Vấn đề cần thiết là Thiên Chúa phải là Đấng cao cả giữa chúng ta, trong đời sống chung riêng.
“Trong đời sống công cộng, Thiên Chúa cần phải hiện diện, chẳng hạn, ở các dinh thự công, và Ngài cần phải hiện diện trong đời sống cộng đồng, vì nếu có Thiên Chúa hiện diện, chúng ta mới có đường hướng, một đường hướng chung; bằng không, không thể nào ổn định những cuộc tranh chấp, vì phẩm vị chung của chúng ta không còn được nhìn nhận nữa.
“Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa cao cả trong đời sống chung riêng. Có nghĩa là giành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta hằng ngày, bắt đầu bằng việc nguyện cầu ban sáng, rồi dâng lên Thiên Chúa thời gian, dâng lên cho Chúa các Ngày Chúa Nhật. Chúng ta không phí phạm thời giờ tự do của mình nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta thì mọi lúc đều trở thành cao cả, rộng chỗ hơn, dồi dào hơn”.
(xin xem tiếp loạt bài nghiên cứu tổng hợp hiện đại này vào những ngày tới hướng về chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC 28/11-1/12/2006)
“Những Khía Cạnh Mục Vụ trong việc Chữa Trị Các Chứng Bệnh Lây Lan”.
Từ Thứ Năm 23/11 đến Thứ Bảy 25/11/2006, tại Vatican sẽ diễn ra hội nghị lần thứ 21 của Hội Đồng Tòa Thánh Về Thừa Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe liên quan tới việc phác họa ra một đường lối hiệu năng trong vấn đề phòng chống các chứng bệnh lây lan để “nâng đỡ, chăm sóc và chữa trị” thành phần bệnh nhân, với chủ đề là “Những Khía Cạnh Mục Vụ trong việc Chữa Trị Các Chứng Bệnh Lây Lan”.
Đức Hồng Y chủ tịch phân bộ này là Javier Lơano Barragán, và vị Giám Mục thư ký là José Redrado, đã cho thành phần phóng viên và ký giả đang làm việc với Tòa Thánh biết như thế. Cuộc hội nghị này với thành phần tham dự lên tới 536 người mang một ý nghĩa “đối với chúng ta liên quan tới mầu nhiệm xót thương chứ không phải than van trách móc”.
Vị hồng y chủ tịch ghi nhận là Hội Chứng Liệt Kháng đang gia tăng như được thấy trong dữ kiện của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới năm 2005. Hội nghị năm 2006 này được chia làm ba phần, phần đầu sẽ nói đến nguồn gốc và căn nguyên của các chứng bệnh lây lan, bao gồm cả các lối sống, các cuộc di dân, và “những thay đổi về kỹ thuật và kỹ nghệ”. Phần hai sẽ chia sẻ “về những thứ dịch bệnh và niềm hy vọng của Kitô Giáo cùng trách nhiệm của Kitô hữu trong việc chăm sóc thành phần bệnh nhân”, trong đó có các quan điểm của Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo về vấn đề nàỵ Phần ba sẽ là phần nói tới việc chăm sóc mục vụ cho thành phần vị mắc phải các chứng dịch bệnh.
Vị hồng y chủ tịch cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm thực hiện những hành động cụ thể theo quan điểm tâm ký văn hóa, như vấn đề giáo dục theo niềm tin liên quan tới những thứ bệnh nạn ấy, học hỏi giáo lý, giáo dục học đường, truyền thông và nói rõ những cái xấu xa tệ hại”.
Riêng về vấn đề bao cao su làm tình, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị hồng y chủ tịch phân bộ này đã nộp bản tường trình cho Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Lý do là vì hội đồng của ngài chỉ giới hạn trong lãnh vực mục vụ, còn Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đặc trách về những gì liên quan tới niềm tin.
“Bởi vậy, để đáp ứng ý muốn của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề sử dụng các thứ bao cao su làm tình, cả theo quan điểm khoa học lẫn quan điểm luân lý, và chúng tôi đã nộp nó cho Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/11/2006
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXIV Thường Niên 26/11/2006 về Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Anh Chị Em thân mến:
Vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của phụng niên này, chúng ta cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Phúc Âm hôm nay trình bày một sứ điệp liên quan tới điều chất vấn bi thảm được Philatô đặt ra với Chúa Giêsu, khi Người bị trao nộp cho ông với lời tố cáo là đã tiếm đoạt tước hiệu “vua dân Do Thái”.
Chúa Giêsu đã đáp lại những lời chất vấn của quan tổng trấn Roma bằng việc khẳng định rằng Người là Vua nhưng không thuộc về thế gian này (x Jn 18:36). Người không đến để cai trị dân chúng và các lãnh thổ, mà là để giải thoát con người khỏi tình trạng làm tôi cho tội lỗi và làm hòa với Thiên Chúa. Rồi Người thêm: “Tôi đã được sinh ra, và tôi đã đến trong thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi” (Jn 18:37).
Thế nhưng, Chúa Kitô đã đến trong thế gian để làm chứng cho “chân lý” nào? Cả cuộc đời của Người cho thấy Thiên Chúa là tình yêu. Đó là sự thật Người đã hoàn toàn làm chứng bằng việc hy sinh mạng sống mình trên đồi Canvê. Cây thập tự giá là “ngai tòa” được Người dùng để tỏ ra vương quyền cao cả của Vị Thiên Chúa Tình Yêu. Bằng việc hiến mình đền tội cho thế gian, Người đã chế ngự quyền lực của “chúa tể trần gian này” (Jn 18:31) và vĩnh viễn thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa. Một Vương Quốc được tỏ hiện hoàn toàn vào ngày cùng tháng tận, sau khi tất cả mọi kẻ thù của Người mà kẻ thù cuối cùng là sự chết qui phục Người (x 1Cor 15:25-26).
Bấy giờ Con sẽ trao Vương Quốc này cho Cha để cuối cùng Thiên Chúa là “tất cả trong môi sự” (1Cor 15:28). Con đường để đạt tới đích điểm này thì dài và không thể đốt giai đoạn. Mỗi người cần phải tự do chấp nhận sự thật về tình yêu của Thiên Chúa. Ngài là Tình Yêu và là Chân Lý, mà tình yêu và chân lý không bao giờ áp đặt nhau: Chúng là những gì gõ cửa lòng trí và chúng mang an bình cùng hân hoan đến nơi chúng tới. Đó là đường lối Thiên Chúa cai trị; đó là dự án cứu độ của Ngài, là một “mầu nhiệm”, theo nghĩa thánh kinh của từ ngữ tức là một dự án được từ từ mạc khải trong giòng lịch sử.
Trinh Nữ Maria được được liên hệ rất đặc biệt với vương quốc của Chúa Kitô. Thiên Chúa đã xin Mẹ, người nữ tỳ khiêm hạ ở Nazarét, hãy trở nên Mẹ của Đấng Thiên Sai, và Mẹ Maria đã đáp ứng lời mời gọi này bằng cả con người của Mẹ, kết hiệp lời ‘xin vâng’ hoàn toàn với lời xin vâng của Con Mẹ là Chúa Giêsu, đến cùng với Người vâng lời cho đến hy hiến. Vì thế Thiên Chúa đã vinh thăng Mẹ trên tất cả mọi thụ tạo và Chúa Kitô đã đội triều thiên cho Mẹ làm Nữ Vương Trời đất. Chúng ta hãy ký thác Giáo Hội và toàn thể nhân loại cho việc chuyển cầu của Mẹ, nhờ đó tình yêu Thiên Chúa được hiển trị nơi tất cả mọi tâm can và dự án công lý và hòa bình của Người được nên trọn.
(Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:)
Anh chị em thân mến: Như anh chị em đã biết là vào mấy ngày nữa đây tôi sẽ đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Từ giây phút này, tôi muốn gửi lời chào thân ái tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thân yêu, một dân tộc có cả một sự phong phú lớn lao về lịch sử và văn hóa. Tôi xin bày tỏ lòng cảm mến và chân tình với quốc gia này cùng quí vị đại diện của quốc gia ấy.
Với lòng cảm mến, tôi muốn gặp gỡ cộng đồng Công Giáo, một cộng đồng luôn được ấp ủ trong lòng tôi, và hiệp nhất tình huynh đệ với Giáo Hội Chính Thống, nhân dịp Lễ Thánh Tông Đồ Anrê.
Bằng niềm tin tưởng, tôi muốn theo gót các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, và tôi xin Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII từ trên trời bảo vệ, vị đã là khâm sứ của Tòa Thánh 10 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ với đầy lòng quí mến và trân trọng đất nước ấy. Tôi xin tất cả mọi anh chị em hãy đồng hành với tôi bằng lời nguyện cầu để chuyến hành trình này mang lại nhiều kết quả theo ý Chúa.
Vào ngày 1/12 tới đây, Ngày Thế Giới Hội Chứng Liệt Kháng được cử hành. Tôi hết lòng hy vọng rằng cần phải nuôi dưỗng một trách nhiệm hơn nữa đối với việc chữa trị bệnh tình này, cũng như đối với việc quyết tâm tránh đi tất cả mọi thứ kỳ thị liên quan tới thành phần bị nhiễm chứng bệnh ấy. Trong khi nguyện cầu cùng Chúa ban ơn an ủi cho thành phần bệnh nhân này cùng gia đình của họ, tôi muốn phấn khích nhiều hoạt động đang được Giáo Hội thực hiện trong lãnh vực này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/11/2006