GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 11/3/2007

TUẦN III MÙA CHAY

 

?   “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5)

?  Những Thiên Thần Khù Khờ

? “NGƯƠI ĐANG Ở ĐÂU?” (Genesis 3:9): VỀ NGUỒN

 

 

 

?  “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5)

Sứ Điệp Mùa Chay Năm 2004 của ĐTC GPII

Anh Chị Em thân mến!

1.- Nghi thức đầy ý nghĩa của việc bỏ tro mở màn cho mùa Chay thánh, thời đểm Phụng Vụ lại kêu gọi tín hữu hãy thật lòng hoán cải và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa.

Đề tài cho năm nay là “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5) là đề tài kêu mời chúng ta hãy suy nghĩ về thân phận của trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi chúng đến với Người và lấy chúng làm gương mẫu cho tất cả những ai muốn làm môn đệ của Người. Những lời của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy để ý xem trẻ em đang được đối xử ra sao trong gia đình của chúng ta, trong xã hội dân sự của chúng ta cũng như trong Giáo Hội. Những lời của Người cũng là một động lực thúc đẩy chúng ta tái nhận thức được tính cách đơn sơ và lòng tin tưởng tín hữu cần phải vun trồng theo gương của Con Thiên Chúa, Đấng đã chia sẻ thân phận với những kẻ bé nhỏ và nghèo khổ. Thánh Clara Assisi thích nói rằng Chúa Kitô “nằm trong máng cỏ, sống nghèo nàn trên thế gian và đã chết trần trụi trên Thập Giá” (Testament, Franciscan Sources, No. 2841).

Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương trẻ em vì “tính chất đơn sơ của chúng, niềm vui sống của chúng, tính cách ngây thơ của chúng, và lòng tin tưởng đầy lạ lùng của chúng” (Angelus Message, 18 December 1994). Bởi thế Người muốn cộng đồng nhân loại hãy mở rộng cánh tay và tấm lòng cho chúng, thậm chí Người đã nói: “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5). Bên cạnh trẻ em, Chúa Giêsu còn nói đến thành phần “bé mọn nhất trong anh em”, đó là thành phần đau khổ, thiếu thốn, đói khát, xa lạ, trần trụi, yếu đau và tù phạm. Khi chúng ta tiếp nhận họ và yêu mến họ, hay khi chúng ta đối xử với họ một cách dửng dưng và khinh thường họ, là chúng ta tỏ thái độ với Người, bởi Người đặc biệt hiện diện nơi họ.

2. Phúc Âm đã trình thuật lại cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu ở ngôi nhà giản dị Nazarét, nơi Người đã tỏ ra vâng lời cha mẹ của mình và “lớn lên trong khôn ngoan và tuổi tác, đầy ơn nghĩa Chúa và loài người” (Lk 2:52). Khi trở nên một con trẻ, Người muốn chia sẻ cảm nghiệm nhân loại của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Người đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận của một người tôi tớ, sinh ra theo hình ảnh con người. Và với thân phận làm người, Người đã tự hạ và vâng lời cho đến chết, dù chết trên thập tự giá” (Phil 2:7-8). Vào năm 12 tuổi, Người đã ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem và nói với cha mẹ đang lo lắng tìm Người rằng: “Cha mẹ tìm kiếm con làm chi? Cha mẹ không biết rằng con cần phải ở trong nhà Cha của con hay sao?” (Lk 2:49). Thật vậy, tất cả đời sống của Người được đánh dấu bằng việc tin tưởng tuân phục thảo hiếu đối với Cha trên trời. Người đã nói: “Lương thực của Thày đó là làm theo ý Đấng đã sai Thày và hoàn tất công việc của Ngài” (Jn 4:34).

Trong những năm của cuộc sống công khai, Chúa Giêsu thường nhấn mạnh là chỉ có những ai trở nên như trẻ em mới được được vào Nước Trời mà thôi (x Mt 18:3; Mk 10:15; Lk 18:17; Jn 3:3). Nơi giáo huấn của Người, trẻ em là một hình ảnh nổi bật trước mắt thành phần môn đệ được kêu gọi theo Vị Thần Sư bằng tinh thần dễ dạy như trẻ thơ: “Ai hạ mình xuống như con trẻ này là kẻ lớn nhất trên Nước Trời” (Mt 18:4).

“Trở nên” một trong thành phần hẹn mọn nhất và “tiếp nhận” những kẻ nhỏ bé nhất: đó là hai khía cạnh của cùng một giáo huấn Chúa Giêsu muốn lập lại với thành phần môn đệ của Người trong thời đại của chúng ta đây. Chỉ có người nào biến mình thành một trong những kẻ “hèn mọn nhất” mới có thể yêu thương kẻ “hèn mọn nhất” trong anh chị em của chúng ta mà thôi.

3. Nhiều tín hữu đã cố gắng trung thành sống theo những lời Chúa giáo huấn này. Ở đây Tôi muốn đề cập đến những phụ huynh vui lòng gánh nhận trách nhiệm coi sóc một gia đình đông đảo, những người làm cha làm mẹ thay vì chú trọng tới thành đạt về nghề nghiệp của mình như một giá trị đệ nhất thì lại dồn nỗ lực vào việc truyền đạt cho con cái mình những giá trị nhân bản và đạo đức làm nên ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

Tôi cũng nghĩ đến với đầy lòng cảm phục tất cả những ai dấn thân chăm sóc cho những trẻ em bất hạnh, cũng như những ai đến xoa dịu các trẻ em cùng gia đình của các em những vết thương đau gây ra bởi chiến tranh và bạo lực, bởi thiếu thức ăn và nước uống, bởi việc di dân ngoài ý muốn cũng như bởi nhiều hình thức bất công đang xẩy ra trên thế giới.

Tuy nhiên, ngoài những tấm lòng đầy quảng đại như thế, cũng cần phải nói đến lòng vị kỷ của những ai không “tiếp nhận” trẻ em. Có những thành phần giới trẻ đã bị xúc phạm nặng nề bởi hành động bạo lực của người lớn: như việc lạm dụng tình dục, bắt làm gái điếm, dính dáng đến việc buôn bán và sử dụng thuốc nghiện; bị bắt lao động và gia nhập hàng ngũ chiến đấu; luôn phập phồng về tình trạng gia đình bị đổ vỡ; bị lọt vào việc buôn bán các bộ phận con người và con người. Còn thảm cảnh hội chứng liệt kháng AIDS cùng với các hậu quả tàn hại của nó ở Phi Châu nữa thì sao? Người ta nói rằng hằng triệu người hiện nay đang bị cơn khổ nạn này hành hạ, nhiều người đã bị lây nhiễm từ khi mới sinh. Nhân loại không thể nhắm mắt làm ngơ trước một thảm cảnh hết sức thượng tâm này!

4. Những trẻ em này đã làm xấu nào mà lại phải gánh chịu khổ đau như thế? Theo quan điểm nhân loại thì không dễ gì, thật sự là không thể, giải đáp vấn nạn nhức nhối này. Chỉ có đức tin mới khiến chúng ta bắt đầu hiểu được vực thẳm rất sâu xa của khổ đau mà thôi. Bằng việc “vâng lời cho đến chết cho dù chết trên thập giá” (Phil 2:8), Chúa Giêsu đã gánh chịu khổ đau nơi bản thân mình và đã chiếu tỏ nó bằng ánh sáng rạng ngời của việc Người phục sinh. Người đã hoàn toàn chiến thắng tử thần bằng cái chết của Người.

Trong Mùa Chay, chúng ta sửa soạn để sống lại Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên tất cả cuộc sống của chúng ta, thậm chí cả những khía cạnh phức tạo nhất và đau thương nhất. Tuần Thánh lại diễn ra trước mắt chúng ta mầu nhiệm cứu độ này nơi những nghi thức sống động của Tam Nhật Thánh.

Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy tin tưởng bắt đầu hành trình Mùa Chay của chúng ta, bằng việc sốt sắng cầu nguyện, bằng việc thống hối ăn năn cũng như bằng việc quan tâm đến những ai đang thiếu thốn. Chớ gì Mùa Chay này đặc biệt trở thành một thời gian quan tâm hơn nữa đến các nhu cầu của trẻ em, nơi riêng gia đình của chúng ta cũng như nơi chung xã hội, vì chúng là tương lai của nhân loại.

5. Chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa bằng tinh thần đơn sơ như con trẻ và kêu cầu Ngài như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh “Lạy Cha”, “Abba”, “Cha ơi”.

Lạy Cha chúng con! Chúng ta hãy năng lập lại lời nguyện này trong Mùa Chay; chúng ta hãy hết lòng cảm mến lập lại lời nguyện này. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha của chúng con”, chúng ta sẽ nhận thức hơn nữa chúng ta là con cái của Ngài và cũng sẽ cảm thấy rằng chúng ta đều là anh chị em với nhau. Nhờ đó chúng ta sẽ dễ mở lòng mình ra cho những ai nhỏ bé như lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5).

Trong niềm hy vọng này, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ của Lời Chúa làm người và là Mẹ của toàn thể nhân loại, Tôi xin phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên mỗi một người.

Tại Vatican ngày 8/12/2003

JOHN PAUL II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 29/1/2004.
 

 

TOP

 

 

?  Những Thiên Thần Khù Khờ

 

Hướng về Mầu Nhiệm Phục Sinh và Canh Tân Cánh Chung

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

  

Phải, họ thực sự là những thiên thần khù khờ. Bởi vì, về tâm linh (spiritual), họ trong trắng như trẻ thơ, không biết đến tội lỗi là gì, thế nhưng, về tâm lý hay tâm thần (psychological/mental), họ khù khờ hơn ai hết, dễ bị bắt nạt, bị ăn hiếp và bị đàn áp hơn ai hết, hơn bao giờ hết. Điển hình là mới đây Tòa Thánh đã phải mạnh mẽ và dứt khoát lên tiếng bênh vực họ.

 

Hôm Thứ Năm 1/2/2007, Tòa Thánh đã phổ biến bài nói của ĐTGM Celestino Migliore, vị quan sát viên  thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, liên quan tới Bản Công Ước Liên  Hiệp Quốc Về Thánh Phần Khuyết Tật, một bản công ước được Tổng Hội Đồng LHQ phê chuẩn ngày 13/12/2006 và cần được các quốc gia phần tử ký nhận hạn chọn vào ngày 30/3/2007. Tuy nhiên, vị quan sát viên này, ở câu kết bài nói đã dứt khoát khẳng định là không ký, vì những chi tiết trong bản công ước này, được vị quan sát viên trích dẫn cho rằng chúng là những gì tương phản với giáo huấn của Giáo Hội về phẩm giá của con người. Câu kết đó như sau:

 

“Thật là thê thảm ở chỗ, khi nào xẩy ra tình trạng khiếm khuyết của bào thai là điều kiện tiên quyết cho việc cống hiến hay sử dụng việc phá thai, thì cùng Bản Công Ước được viết ra để bảo vệ những người khuyết tật khỏi bị tất cả mọi thứ kỳ thị khi họ hành sử quyền lợi của họ, lại có thể được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những thai nhi tật nguyền. Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó. Tóm lại, đại biểu tôi cho rằng cái khả năng tích cực của Bản Công Ước này sẽ chỉ được hiện thực khi nào các điều khoản pháp lý của quốc gia và việc áp dụng thực hành của tất cả mọi phần tử hoàn toàn tuân hợp với Điều Khoản 23 về quyền sống của người khuyết tật. Tôi yêu cầu lời phát biểu này được cho vào bản tường trình của buổi họp hôm nay”.

 

Trong bản nhận định kèm theo bài nói, vị quan sát viên này đã nhắc lại rằng: “từ đầu của công việc này vào hồi Tháng 7/2002, Tòa Thánh đã tham dự một cách chủ động vào việc soạn thảo bản văn kiện ấy, bằng việc hợp tác thêm vào những chi tiết rõ ràng liên quan tới quyền sống và việc nhìn nhận vai trò của gia đình nơi đời sống của những người bị khuyết tật. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối cùng của công việc này, những chi tiết bất khả chấp liên quan tới vấn đề ‘sức khỏe sản sinh’ đã được cho vào các khoản 23 và 25, vì thế mà Tòa Thánh đã quyết định không chấp nhận bản công ước mới này”.

 

Đức TGM này đã nhấn mạnh tới vấn đề “Tòa Thánh đã nhất trí kêu gọi việc những người khuyết tật phải làm sao để được hội nhập vào xã hội một cách trọn vẹn và cảm thương, vì Tòa Thánh tin tưởng rằng họ có đầy đủ các thứ nhân quyền bất khả chuyển nhượng”.

 

Liên quan tới khoản 23 của bản công ước này, ngài đã cho biết phái đoàn đại biểu của ngài “đã giải thích tất cả những chữ và những câu liên quan tới các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tới việc điều hòa sinh sản và hôn nhân ở khoản 23, cũng như tới chữ ‘giống tính’, vì chữ này đã có những ý nghĩa và phát biểu theo chiều hướng của Hội Nghị Cairô và Bắc Kinh”, được tổ chức vào năm 1994 và 1995.

 

“Sau hết, và quan trọng nhất, đó là vấn đề liên quan tới khoản 25 về vấn đề sức khỏe, nhất là chi tiết dính dáng tới sức khỏe tính dục và sản sinh, một vấn đề theo Tòa Thánh hiểu thì phương cách hưởng dụng sức khỏe sản sinh như là một quan niệm nguyên vẹn không coi vấn đề phá thai hay phương tiện phá thai như là một chiều kích của những từ ngữ ấy… Chúng tôi chống lại việc bao gồm một câu như thế trong khoản này, vì ở một số quốc gia những dịch vụ sức khỏe sản sinh bao gồm cả vấn đề phá thai, và như thế là chối bỏ quyền sống bẩm sinh của hết mọi người, một quyền lợi cũng được xác nhận ở khoản 10 của Bản Công Ước. Thật là thê thảm ở chỗ… cùng một Bản Công Ước được soạn thảo để bảo vệ những người tật nguyền khỏi tất cả mọi kỳ thị trong việc họ hành sử quyền lợi của họ lại được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những con người tật nguyền còn trong bụng mẹ. Đó là lý do, bất chấp nhiều khoản hữu ích được chất chứa trong bản công ước ấy, Tòa Thánh vẫn không thể ký chuẩn được”.

 

Đọc những lời này của Giáo Hội, tôi thấm thía hơn ai hết, chẳng những về chủ trương phò phẩm giá con người của Giáo Hội đối với mọi người và mỗi người trong xã hội ở tất cả mọi hoàn cảnh của họ, mà còn về thân phận của chính thành phần mà tôi vẫn luôn cảm nhận là “những thiên thần khù khờ”. Đúng thế, theo quan phòng thần linh, tôi đã được diễm phúc gần gũi họ và phục vụ họ ở Orange County California, đầu tiên ở Hội Cộng Đồng Người Việt (Vietnamse Community of Orange County), từ ngày 2/2/1983 cho tới ngày 15/3/1985, sau đó, từ ngày 18/3/1985 tới nay (và cho tới khi tôi về hưu chẳng bao lâu nữa) ở cơ quan Regional Center of Orange County là Trung Tâm Phục Vụ Thành Phần Chậm Phát Triển (Serving the Persons with Developmental Disabilities).

 

Trong thời gian phục vụ kéo dài gần ¼ đời mình, tôi đã được làm Phục Vụ Viên (Service Coordinator) cho một case load (số hồ sơ thân chủ được phục vụ) lên đến cả ngàn người (cộng chung từ đầu tới nay, kể cả những thân chủ đã được chuyển cho người khác hay đóng hồ sơ). “Những thiên thần khù khờ” được Thiên Chúa quan phòng gửi đến cho tôi ấy thuộc đủ mọi lứa tuổi (nhỏ nhất từ em bé mới sinh đến ông lão bằng tuổi bố mình), đủ mọi phái tính (nam cũng như nữ), đủ mọi quốc tịch (Việt, Mỹ, Lào, Miên, Tầu, Nhật, Đại Hàn, Ả Rập v.v.), đủ mọi cách sống (living options: ở với bố mẹ, ở với anh chị, ở một mình – independent living, ở nhà trọ cộng đồng – residential placement / group home, ở riêng được hộ giúp – supported living v.v.), đủ mọi thứ khuyết tật (thể lý – physical handicap, tâm thần – mental health, chậm trí – mental retardation, co bại – cerebral palsy – động kinh - seizure disorder, tự kỷ – autism, đồng diện – Down Syndrome v.v.), đủ mọi trình độ chậm phát triển (rất nặng – profound với IQ là tầm mức của óc thông minh dưới 20% so với người bình thường là 100%, nặng – severe IQ từ 20-35%, vừa – moderate IQ từ 35-53%, nhẹ – mild IQ từ 53-67%, hơi hơi – borderline 67-70%), đủ mọi thứ học hỏi và huấn luyện (giáo dục đặc biệt - special education, chương trình học tập vui chơi tại chỗ - site based day program, chương trình học tập quanh cộng đồng - community based day program, chương trình tập việc tại chỗ - workshop, chương trình hỗ trợ làm việc - supported employment v.v.).

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

 

? “NGƯƠI ĐANG Ở ĐÂU?” (Genesis 3:9): VỀ NGUỒN

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(tiếp 8 Thứ Năm, 9 Thứ Sáu, 10 Thứ Bảy)

Phần Thiên Chúa là Đấng luôn muốn tỏ mình và thông mình cho tạo vật của Ngài, nhất là cho những ai khao khát và sẵn sàng chờ đón Ngài bất cứ lúc nào như thế, một lúc nào đó, thường vào lúc con người không ngờ (xem Mathêu 24:44), chẳng hạn vào lúc con người đã cố gắng hết sức mà vẫn cảm thấy mình sa ngã bất lực song vẫn luộn tin tưởng vào Chúa, hay vào chính lúc con người ngây ngô mù quáng lao đầu vào tội lỗi, Ngài sẽ đến thánh hóa họ, thường bằng Thánh Giá đau khổ để làm cho họ được siêu thoát khỏi mọi thứ dính bén trần gian, nhờ đó họ bỗng chốc được hiệp thông với Ngài, được hưởng một cuộc sống thần hiệp là bậc sống đức tin tu đức cao nhất trong Thiên Chúa, với tràn đầy cảm nghiệm thần linh, đúng như những gì Thánh Ký Gioan được thị kiến thấy và nghe thấy trong Sách Khải Huyền: "Này đây Ta đứng gõ cửa. Ai nghe thấy tiếng Ta kêu gọi mà mở cửa ra, Ta sẽ vào nhà của họ để dùng bữa với họ hầu họ được ở cùng Ta" (Revelation 3:20). Đến đây, vị thế "Ngươi đang ở đâu?" của con người đã tiến đến chỗ ở cùng Thiên Chúa.

 

Quả vậy, con người được ở cùng Thiên Chúa là con người đã tiến đến chỗ "nên bằng Thiên Chúa" hay "nên giống như Thiên Chúa", đúng như mộng ước ngay từ ban đầu của nguyên tổ (xem Genesis 3:5-6), một mộng ước chính đáng của thành phần tạo vật được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (xem Genesis 1:26-27, 9:6). Sở dĩ ngay từ ban đầu con người chưa đạt được mộng ước chính đáng vô tội mà lại cần phải có này của mình, một mộng ước cũng đã được chính Thiên Chúa công nhận và mong muốn qua miệng của Lời Nhập Thế: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời" (Mathêu 5:48) như thế, là vì con người tự động làm việc này. Thật thế, tội lỗi ban đầu của con người được gọi là nguyên tội là ở chỗ con người bất phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa Hóa Công, vì họ tin tưởng lời dụ mật của ma qủi hơn Thiên Chúa chân thật. Nhưng nguyên nhân sâu xa lại là bởi con người khao khát muốn nên bằng Thiên Chúa, muốn nên giống như Thiên Chúa. Bằng không họ đã không nghe ma qủi xúi dại, hay họ chỉ nghe ma qủi xúi bẩy khi hợp với mộng ước và lòng khao khát thần linh của họ mà thôi.

 

Đến đây, chúng ta thấy được rằng, tội lỗi cũng là dấu hiệu cho thấy con người tỏ ra khao khát chân thiện mỹ, cho dù một cách sai trái và quá đáng (ở chỗ vượt quá quyền hạn được phép của mình).

 

Đó là lý do, nếu cầu nguyện là kháo khát thần linh thì ngay trọng khi con người sống trong tội lỗi, họ cũng đang nguyện cầu một cách nào đó tận đáy lòng của họ, như trường hợp người phụ nữ Samaritanô là người đàn bà tội lỗi sống với 6 đời chồng mà vẫn khao khát thứ nước Chúa Giêsu muốn ban cho con người (xem John 4:15,18).

 

Đó cũng là lý do, nếu con người tội lỗi không sợ ánh sáng, như trưởng ban Giakêu lùn, hay như người đàn bà tội lỗi trong thành, những con người tội lỗi được đề cập đến trên đây, thì, cũng như người phụ nữ Samaritanô, một khi được Chúa là Đấng tìm kiếm những gì đã hư trầm (xem Luke 19:10) tỏ mình ra cho, vào một lúc nào đó không ngờ trong cuộc đời họ, chắc chắn họ sẽ gặp được Người, sẽ đón Người vào nhà tâm hồn họ, đúng như Người đã khẳng định với tổng trấn Philatô: "ai tìm kiếm chân lý thì nghe được tiếng Tôi" (John 18:37).

 

Như thế, vấn đề tối quan trọng cho phần rỗi đời đời của con người tội lỗi chúng ta đó là làm sao chúng ta, tận đáp lòng, vẫn thật sự tìm kiếm chân lý, thật sự khao khát thần linh, để có thể nhận ra chân lý, cho dù ngay trong tội lỗi của mình.

 

Tóm lại: vị trí "Ngươi đang ở đâu?" của con người tội lỗi chúng ta mà Thiên Chúa Hóa Công là Đấng muốn “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mathêu 6:9-10) cần thấy được nơi chúng ta đó là viêc chúng ta luôn sống trong chân lý bằng một thiện tâm khao khát thần linh vậy.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ