GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 24/3/2007 TUẦN IV MÙA CHAY |
? MẸ MARIA CỘNG TÁC VÀO DỰ ÁN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
? Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria: II. Những Dấu Hiệu Tôn Sùng Mẹ Maria một cách sai lầm và chân thực
? “Đụn Cát Lún Của Một Bãi Bùn Lầy”
MẸ MARIA CỘNG TÁC VÀO DỰ ÁN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
ĐTC GPII - Bài 2 Giáo Lý Năm Thánh 2000 Thứ Tư ngày 12-1-2000
1- Sau khi hoàn tất việc chúng ta suy niệm về Mẹ Maria ở cuối loạt bài giáo lý kính Chúa Cha, hôm nay chúng ta muốn nhấn mạnh đến vai trò của Mẹ trong cuộc chúng ta hành trình về với Chúa Cha.
Chính Ngài muốn có sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ. Khi quyết định sai Con mình vào trần gian, Ngài đã muốn Người đến với chúng ta bằng việc được hạ sinh bởi một người nữ (x Gal 4:4). Như thế là Ngài đã muốn người nữ này, con người đầu tiên lãnh nhận Con của Ngài, phải thông truyền Người ra cho toàn thể nhân loại.
Bởi vậy, trên con đường từ Chúa Cha đến loài người, Mẹ Maria đã có mặt như là một người mẹ tặng ban Người Con Cứu Thế cho tất cả mọi người. Đồng thời Mẹ còn có mặt trên cả con đường nhân loại phải đi qua để đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Thần Linh nữa (x Eph 2:18).
2- Để hiểu được việc Mẹ Maria hiện diện trong cuộc chúng ta hành trình về cùng Chúa Cha, chúng ta phải cùng với toàn thể Giáo Hội công nhận rằng Chúa Kitô là “đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6) và là Vị Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x 1Tim 2:5). Mẹ Maria được gồm tóm trong vai trò trung gian độc nhất vô nhị của Chúa Kitô và hoàn toàn phụ giúp vào vai trò này mà thôi. Bởi thế Công Đồng Chung Vaticanô II mới nhấn mạnh trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân Lumen Gentium rằng: “Phận sự của Mẹ Maria là mẹ của nhân loại không thể nào che khuất hay làm suy giảm vai trò trung gian độc nhất vô nhị của Chúa Kitô, trái lại làm sáng tỏ quyền năng của vai trò ấy” (đoạn 60). Chúng ta không thể nào nói rằng Mẹ Maria nắm một vai trò trong đời sống Giáo Hội ở ngoài hay đồng hành với vai trò trung gian của Chúa Kitô, như thể đó là một vai trò tương đương hay tương tranh.
Như Tôi đã nói rõ trong Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Thế Redemptoris Mater, vai trò trung gian từ mẫu của Mẹ Maria “là vai trò trung gian trong Chúa Kitô” (đoạn 38). Công Đồng Chung Vaticanô II đã giải thích rằng: “Ảnh hưởng cứu độ của Đức Nữ Trinh nơi con người không phát xuất từ một quan thiết nội tại nào, mà là từ việc Thiên Chúa ấn định. Ảnh hưởng ấy bắt nguồn từ công nghiệp dồi dào của Chúa Kitô, dựa vào vai trò trung gian của Người, hoàn toàn lệ thuộc vào vai trò trung gian của Người, và lấy được tất cả quyền lực của mình từ vai trò trung gian của Người. Ảnh hưởng ấy không hề ngăn cản mối hiệp nhất trực tiếp giữa tín hữu với Chúa Kitô, trái lại, còn bồi dưỡng cho mối hiệp nhất này nữa” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 60).
Cả Mẹ Maria nữa cũng được Chúa Kitô cứu chuộc và thực sự là người đầu tiên được cứu chuộc, vì ân sủng do Thiên Chúa là Cha ban cho Mẹ ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ là bởi “các công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của loài người”, như Đức Piô IX xác nhận trong Sắc Chỉ Ineffabilis Deus (DS 2803). Tất cả mọi sự cộng tác của Mẹ Maria vào việc cứu độ đều được căn cứ vào vai trò trung gian của Chúa Kitô, một vai trò mà, như Công Đồng Chung Vaticanô II minh nhiên nói là "không loại trừ song làm phát sinh một sự cộng tác đa diện, đó chính là việc thông phần vào cùng một nguồn mạch duy nhất” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 62).
Theo quan điểm này thì vai trò trung gian của Mẹ Maria phát xuất như là một hoa trái cao quí nhất từ vai trò trung gian của Chúa Kitô và chính yếu nhắm đến việc mang chúng ta tới cuộc hội ngộ với Chúa Kitô một cách mật thiết và sâu xa hơn: “Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng vai trò phụ thuộc này của Mẹ Maria, vai trò mà Giáo Hội luôn luôn cảm thấy và khích lệ tín hữu hết sức chú tâm đến, để nhờ ơn phù giúp của Mẹ nâng đỡ, họ được gắn bó chặt chẽ hơn với Vị Trung Gian và Cứu Chuộc” (cùng nguồn vừa dẫn).
3- Thật vậy, Mẹ Maria không muốn kéo con người chú ý đến Mẹ. Mẹ đã sống trên thế gian bằng ánh mắt gắn chặt lấy Chúa Giêsu và Cha trên trời. Ước muốn lớn nhất của Mẹ là hướng chú tâm của mọi người về cùng một mục tiêu đó. Mẹ muốn khơi lên cái nhìn tin tưởng và cậy trông vào Chúa Cứu Thế là Đấng Chúa Cha đã sai đến với chúng ta. Ánh mắt tin tưởng và cậy trông của Mẹ nêu gương đặc biệt trong cuộc tai biến khổ nạn của Con Mẹ mà Mẹ vẫn một lòng tin tưởng nơi Người cũng như nơi Chúa Cha. Trong khi các vị môn đệ bị bấn loạn bởi các diễn biến và đức tin của các vị bị rung chuyển tận gốc, thì Mẹ Maria, mặc dầu bị sầu thương, vẫn hoàn toàn tin tưởng vào lời tiên báo của Chúa Giêsu sẽ được nên trọn, đó là “Con Người... sẽ sống lại vào ngày thứ ba” (Mt 17:22-23). Mẹ không bao giờ mất niềm tin, cho dù Mẹ có ôm vào lòng một xác thể vô hồn của người con tử giá của mình.
4- Với cái nhìn tin tưởng và cậy trông này, Mẹ Maria phấn khích Giáo Hội và các tín hữu luôn luôn làm trọn ý muốn của Chúa Cha được Chúa Kitô tỏ ra cho chúng ta.
Những gì Mẹ đã nói với các người phục dịch để phép lạ xẩy ra ở Cana vang vọng tới mọi thế hệ Kitô hữu, đó là “Hãy làm những gì Người bảo” (Jn 2:5).
Lời khuyên của Mẹ đã được tuân theo khi các người phục dịch đổ nước đầy vào chum. Mẹ Maria ngỏ với chúng ta cùng một lời mời gọi ấy. Mẹ thúc giục chúng ta hãy tiến vào giai đoạn mới của lịch sử này bằng một ý hướng thi hành những gì Chúa Kitô nói trong Phúc Âm thay Cha Người và nay tỏ ra cho chúng ta biết qua Chúa Thánh Thần là Đấng ở trong chúng ta.
5- Những lời “Hãy làm những gì Người bảo” hướng chúng ta về Chúa Kitô, nhưng chúng cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang ở trên con dường về cùng Cha. Chúng trùng hợp với tiếng Chúa Cha phán ở trên núi Biến Hình: “Này là Con Ta yêu dấu… hãy lắng nghe lời Người” (Mt 17:5). Vị Cha này, qua lời của Chúa Kitô cũng như dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, kêu gọi chúng ta, hướng dẫn chúng ta và chờ đợi chúng ta.
Cuộc sống thánh thiện của chúng ta là ở chỗ thi hành mọi sự Chúa Cha bảo chúng ta làm. Đó là giá trị nơi cuộc sống của Mẹ Maria, ở chỗ làm trọn ý muốn của Thiên Chúa. Được Mẹ Maria hỗ trợ và nâng đỡ, chúng ta hãy tri ân nhận lấy ngàn năm mới này từ bàn tay của Chúa Cha, và hãy quyết tâm đáp ứng ân huệ của ngàn năm mới ấy bằng một lòng khiêm cung và tha thiết mộ mến.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 19/1/2000
Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria: II. Những Dấu Hiệu Tôn Sùng Mẹ Maria một cách sai lầm và chân thực
Nguyên tác ấn bản Anh ngữ của Thánh Long Mộng Phố do Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
90. Đến đây chúng ta đã xác định 5 sự thật căn bản này, những sự thật lại càng cần thiết hơn để thực hiện vấn đề chọn lựa đúng đắn việc tôn sùng đích thật đối với Đức Mẹ của chúng ta, vì hiện nay, hơn bao giờ hết, có những thứ tôn sùng giả tạo đối với Mẹ có thể đã bị lẫn lộn với những thứ tôn sùng chân thực. Ma quỉ, như một kẻ giả mạo và mánh khóe, một tên lừa đảo lành nghề, đã từng đánh lừa và phá hoại nhiều Kitô hữu bằng những việc tôn sùng gian trá đối với Đức Mẹ của chúng ta. Hằng ngày chúng sử dụng kinh nghiệm ma quái của mình để đưa nhiều người hơn đến chỗ diệt vong, lừa đảo họ, ru họ thiếp đi trong tội lỗi và cam đoan với họ rằng chỉ cần một ít kinh nguyện thôi, cho dù có đọc chẳng ra làm sao, và chỉ cần một ít việc thực hành bề ngoài thôi, do hắn xui bẩy làm, cũng là những việc tôn sùng chân thực vậy. Thành phần giả mạo thường hay làm những đồng bạc cắc chỉ bằng vàng và bằng bạc mà thôi, chứ ít khi bằng các thứ kim loại khác, vì không bõ công để làm những thứ kim loại khác ấy. Tương tự như thế, ma quỉ không đả động gì tới những việc tôn sùng khác, để đặc biệt gây giả tạo những việc tôn sùng nhắm đến Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chẳng hạn như việc tôn sùng Thánh Thể và việc tôn sùng Đức Trinh Nữ, vì những việc tôn sùng này đối với những việc tôn sùng khác chẳng khác nào như vàng và bạc đối với các thứ kim loại khác vậy.
91. Bởi thế, trước hết, thật là cần thiết để có thể nhận ra những việc tôn sùng giả tạo đối với Đức Mẹ hầu tránh lánh chúng, cũng như nhận ra việc tôn sùng đích thực để đem ra áp dụng thực hành chúng. Sau nữa, trong số rất nhiều hình thức khác nhau của việc tôn sùng chân thực đối với Đức Mẹ, chúng ta cần phải chọn việc tôn sùng nào hoàn hảo nhất và đẹp lòng Mẹ nhất, việc tôn sùng mang lại vinh quang hơn cho Thiên Chúa và thánh hóa chúng ta nhất.
1. Việc tôn sùng Đức Mẹ cách giả tạo
92. Tôi thấy có 7 thứ giả tạo tôn sùng Mẹ Maria, đó là việc tôn sùng 1) bình phẩm, 2) thận trọng, 3) hời hợt, 4) tự tin, 5) bất nhất, 6) giả hình, 7) và vụ lợi.
Những kẻ tôn sùng có tính cách bình phẩm
93. Thành phần tôn sùng có tính cách bình phẩm hầu hết là những học giả kiêu kỳ, thành phần có những đầu óc phóng khoáng và tự mãn, những người tận đáy lòng chỉ có một thứ tôn sùng mơ hồ đối với Mẹ Maria. Tuy nhiên, họ ph6e bình chỉ trích hầu như tất cả những hình thức ton sùng đối với Mẹ, là những gì được thành phần đơn sơ và đạo hạnh sử dụng để tôn kính Người Mẹ tốt lành của mình, chỉ vì những việc thực hành ấy không có gì là hấp dẫn đối với họ. Họ đặt vấn đề với tất cả mọi phép lạ và mọi câu truyện chứng thực về tình thương và quyền phép của Đức Trinh Nữ, thậm chí cả những được ghi lại bởi các vị tác giả đáng tin cậy hay được trích từ ký sự của các dòng tu. Họ không thể chịu được khi thấy thành phần đơn sơ khiêm tốn quì trước bàn thờ hay trước tượng Đức Mẹ, hoặc cầu nguyện trước một đền thánh lộ thiên. Thậm chí họ tố cáo những người này là thành phần tôn thờ ngẫu tượng, như thể những người ấy đang tôn thờ gỗ đá vậy. Họ nói rằng đối với họ họ không màng chi tới thứ tôn sùng được bày tỏ bề ngoài như thế, và họ không dại gì mà lại tin tưởng vào tất cả những câu truyện thần tiên về Đức Mẹ. Khi anh chị em nói với họ biết rằng các vị Giáo Phụ của Hội Thánh đã ca khen chúc tụng Đức Mẹ thì họ trả lời rằng những vị Giáo Phụ ấy nói quá đáng như các kẻ giảng thuyết vẫn làm, hay những lời lẽ của các vị được hiểu sai lệch. Thành phần tôn sùng giả tạo này, thành phần kiêu hãnh theo thế gian này hết sức đáng sợ. Họ gây ra tai hại khôn lường cho việc tôn sùng Đức Mẹ. Trong khi cho rằng mình hoàn chỉnh những thứ lạm dụng thì họ chỉ khéo léo tiếp tục làm cho dân chúng bỏ bê việc sùng kính này.
Những kẻ tôn sùng có tính cách thận trọng
94. Thành phần tôn sùng có tính cách thận trọng là những kẻ cho rằng họ coi nhẹ Người Con khi tôn kính Người Mẹ. Họ sợ rằng khi suy tôn Mẹ Maria là họ hạ bệ Chúa Giêsu. Họ không thể chịu được khi thấy dân chúng dâng lên Đức Mẹ những lời chúc tụng hợp với Mẹ và là những lời các vị Giáo Phụ của Hội Thánh tuôn tràn ra cho Mẹ. Họ cảm thấy bức rức khó chịu khi thấy nhiều người quì trước tòa Mẹ Maria hơn là trước Thánh Thể, như thể các tác động này mâu thuẫn nhau, hay như thể những ai cầu cùng Đức Mẹ thì không phải là việc những người ấy nhờ Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu. Họ không muốn chúng ta nói quá thường xuyên về Mẹ hay nguyện cầu quá thường xuyên với Mẹ.
Ở đây có một số điều được họ nói tới, đó là “có lợi ích gì với những thứ kinh mân côi này, những hiệp hội và những thứ tôn sùng bề ngoài này đối với Đức Mẹ chứ? Cần phải bỏ đi tất cả những thứ ấy. Đó là việc nhạo báng đạo giáo. Hãy nói với chúng tôi về những ai tôn sùng Chúa Giêsu (và họ thường kêu tên của Người mà không bỏ mũ xuống). Chúng ta cần phải trực tiếp đến với Chúa Giêsu, vì Người là Đấng Trung Gian duy nhất của chúng ta. Chúng ta cần phải giảng Chúa Giêsu; đó là việc tôn sùng lành mạnh”. Những lời họ nói không phải là không đúng, thế nhưng cái suy luận họ đưa ra để ngăn ngừa việc tôn sùng Đức Mẹ là những gì rất xảo quyệt. Nó là một cái bẫy tinh vi khó thấy của tên gian ác, nấp dưới chiêu bài phát động một sự thiện tốt lành hơn. Thật ra chúng ta không bao giờ có thể tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu hơn là khi chúng ta tỏ lòng tôn kính Mẹ của Người, và chúng ta tôn kính Mẹ chỉ đơn giản là để tôn kính Người càng hoàn hảo hơn. Chúng ta đến với Mẹ chỉ như là một đường lối dẫn tới cùng đích chúng ta tìm kiếm là Chúa Giêsu Con Mẹ.
95. Giáo Hội, cùng với Chúa Thánh Thần, đầu tiên chúc tụng Đức Mẹ rồi mới tới Chúa Giêsu, “Bà có phúc hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Không phải là vì Mẹ Maria cao trọng hơn Chúa Giêsu, hay thậm chí ngang hàng với Người – điều này là một thứ lạc thuyết b ất khả chấp. Thế nhưng, để ca ngợi Chúa Giêsu hoàn hảo hơn chúng ta trước hết cần phải ca ngợi Mẹ Maria. Cùng với tất cả những ai thực tình tôn sùng Mẹ, chúng ta hãy thưa cùng Mẹ, bất kể thành phần tôn sùng giả tạo và thận trọng ấy: “Ôi Maria, Mẹ có phúc hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Mẹ gồm phúc lạ”.
“Đụn Cát Lún Của Một Bãi Bùn Lầy”
Truyện về Một Người Con Gái Tốt Trải Qua Những Lúc Khốn Nạn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch câu truyện “A Good Girl Who Went Through Bad Times”
của Carolyn Kollegger
trong cuốn Bàng Hoàng Trước Sự Thật 2 – Surprised By Truth 2
edited by Patrick Madrid and published by Sophia Institute Press 2000
(tiếp 20 Thứ Ba, 21 Thứ Tư, 22 Thứ Năm, 23 Thứ Sáu)
Tôi thoát
khỏi tay của thần tử vong
Vào cuộc hẹn đầu tiên với người cố vấn về hôn nhân của chúng tôi, tôi đã nói
toạc ra cho Erwin biết tôi đã ghét chàng đến thế nào, vì chàng làm cho tôi phải
khổ sở đớn đau. Thế rồi Erwin, lần đầu tiên trong đời, đã lên tiếng lấy làm tiếc
xót vì đã gây ra điều ấy. Đó là một bước tiến rất lớn, đủ để giữ cho cuộc hôn
nhân của chúng tôi tạm thời tiếp tục.
Tôi không dối các bạn đâu khi nói rằng sau đó chúng tôi lập tức sống hạnh phúc
chưa từng thấy. Thứ biến đổi này vẫn còn cần phải tiếp tục diễn tiến.
Thế nhưng, chúng tôi đã mở đầu. Cuối cùng chúng tôi đã thành hôn trong Giáo Hội.
Tôi đã bắt đầu đi Lễ hằng ngày, và sau một thời gian, (theo lời đề nghị của
người kế toán viên Công Giáo của chúng tôi), Erwin đã đi dự lễ với tôi. Chúng
tôi tham dự cuộc tĩnh tâm Hội Ngộ Hôn Nhân, bắt đầu bằng việc cầu Kinh Mân Côi
rồi tiếp tục học hỏi Thánh Kinh. Qua tất cả những điều này, chúng tôi đã thấy
mình bằng con mắt của Thiên Chúa, và mới hiểu được tính cách trầm trọng của
những gì chúng tôi đã làm. Mối liên hệ riêng tư được chúng tôi bắt đầu phát
triển với Chúa Giêsu đã chiếu sáng vào đời sống của chúng tôi, cho chúng tôi
thấy nhiều cái tởm gớm của chúng tôi.
Chẳng bao lâu tôi đã chạm tới chỗ tôi cần phải chạm tới, đó là cái đáy vực bằng
đá, ở chỗ, tôi cảm thấy mình bị nhức buốt bởi hội chứng hậu phá thai.
Hội chứng này có thực và kinh hoàng, song không một cung cấp viên phá thai nào
đã từng cảnh giác cho tôi biết cả, và hết mọi người phụ nữ thực hiện việc phá
thai, một ngày kia, đều bị ray rức về nó một cách nào đó. Đối với trường hợp của
tôi, nó xẩy ra thình lình vào một buổi tối kia, ở chỗ tôi hoàn toàn cảm thấy
tuyệt vọng về những đứa con của tôi bị chết, và tôi là mẹ của chúng phải chịu
trách nhiệm về điều này. Tôi đã chạy ra bến tầu của chúng tôi, kêu la một cách
bức tỏa, nghẹn ngào và nức nở than van xin Chúa thứ tha cho tôi, ban cho tôi một
cơ hội khác, và trả lại cho tôi những đứa con ấy. Nỗi sầu đau của tôi thật khôn
xiết.
Tôi không thể sống với bản thân mình, và tôi không thể sống mà lại không có các
đứa con của tôi. Tôi đã đi vào phòng ngủ của chúng tôi là nơi Erwin cất giữ một
khẩu súng đã nạp đạn. Tôi cầm khẩu súng trong tay như muốn tìm về chốn vĩnh hằng,
nhìn chằm chằm vào nó và nghĩ đến những gì tôi có thể cảm thấy khi sử dụng nó.
Nó có đau đớn hay chăng? Tôi có cảm thấy cái đớn đau của viên đạn hay chăng?
Tôi cứ nghe thấy tiếng nói nho nhỏ một cách vuốt ve, một cách lọc lừa thuyết
phục rằng “Carolyn, cứ làm đi. Cứ làm đi. Dí nó vào đầu của ngươi; bấm cò. Cơn
đau của người sẽ được kết liễu. Cứ làm đi. Làm đi. Đó là những gì ngươi muốn làm
mà. Cứ làm đi”. Tiếng nói cứ tiếp tục, khẩn trương và thôi thúc, nhưng vuốt ve,
hứa hẹn mau chóng giải quyết cho vấn đề của tôi.
Tôi dí khẩu súng lục vào đầu của tôi. Nó trở thành nặng và lạnh trong tay tôi.
Ngón tay của tôi thò vào cò súng, sẵn sàng bấm. Tôi đã nhắm mắt lại. Tôi nghiến
răng và gồng mình lên.
Thế nhưng tôi đã không thể nào bóp cò súng cho được.
Sau một ít phút, tôi đã bắt đầu cảm thấy run sợ, và tôi biết rằng tôi không thể
làm điều ấy. Tôi đã bỏ súng xuống, và bắt đầu khóc rống lên hết cỡ. Cả một triều
sóng buồn đau, thương đau và hổ thẹn bức phát từ đáy tâm hồn của tôi, làm tôi
kêu la khóc lóc.
Trong lòng, tôi đã than khóc với Chúa, vừa giận dữ chán chường thất vọng về tình
trạng be bét tôi đã gây ra cho cuộc đời của mình, vừa run sợ kêu van Ngài xót
thương thứ tha về những điều tôi đã làm. Tôi đã than khóc cho những đứa con thai
nhi của tôi, những đứa con tôi không bao giờ được ôm ẵm trên tay và hôn chúng.
Tôi khóc thương cho bản thân mình. Tôi van xin Chúa, vì nước mắt của tôi, giúp
tôi hiểu được những gì cuộc sống của tôi phải gánh chịu, và giúp tôi làm cách
nào để có thể tái thiết cuộc sống của tôi trên hoàng tàn đổ nát do chính tôi gây
ra.
Tôi than khóc bản thân mình cho tới khi thiếp ngủ đi.
Trong đêm hôm ấy, tôi đã tiếp tục cảm thấy sầu thương và hối hận ngay cả trong
cái biến chuyển của những giấc mơ xẩy đến cho tôi. Chúng là những gì sống động
và đau thương, nhưng chúng đã giúp cho tôi rất nhiều. Cơn đau của tôi đã hạ
xuống, khi chính Chúa Giêsu đã an ủi tôi trong cái giấc mơ đã làm tôi cuối cùng
bừng tỉnh. Không thể nào diễn tả được những chi tiết của biến cố này, thế nhưng,
trong giấc mơ ấy, tôi đã cảm thấy tình yêu trọn vẹn của Người đối với tôi, cũng
như việc Người hoàn toàn tha thứ cho những gì tôi đã làm, vì tôi thực lòng thống
hối ăn năn. Tình yêu và an bình của Chúa Kitô, đã bắt đầu bao bọc tôi trong giấc
mơ, tiếp tục và gia tăng khi tôi thức giấc. Tôi đã được phục hồi và canh tân.
Tôi muốn sống. Tôi cũng biết rằng, cuối cùng rồi thì tôi đã muốn nhận biết, yêu
mến và phụng sự Chúa Kitô.
Tất cả những tháng năm trước đây, tôi đã cố gắng để làm hài lòng thành phần sai
lạc. Giờ đây, tôi biết rằng, điều duy nhất thực sự quan trọng đó là sống cuộc
đời của tôi để làm hài lòng Chúa Kitô từ giây phút.
Cho dù tôi đã có được một cảm quan hy vọng mới, làm cho tôi muốn tiếp tục sống,
và tôi tin tưởng hơn là giờ đây, nhờ ơn Chúa giúp, tôi đã có được một ý muốn
canh tân đời sống của tôi, song tôi vẫn chưa có ý nghĩ gì về những gì tôi phải
làm.
(còn tiếp)