GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 29/3/2007 TUẦN V MÙA CHAY |
? "Giáo hội không e ngại sự thật, ngay cả khi sự thật đó khó xử, xấu xa, và việc đi đến sự thật có khi rất đau đớn. Chúng tôi tin một cách sâu xa sự thật sẽ giải phóng chúng ta"
? Hàng tá cuộc chữa lành được tường trình cho Án Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II
? ĐIỂM MẶT CHỈ TÊN CHÂN TƯỚNG CỦA THÀNH PHẦN TIÊN TRI GIẢ – PHẢN KITÔ
"Giáo hội không e ngại sự thật, ngay cả khi sự thật đó khó xử, xấu xa, và việc đi đến sự thật có khi rất đau đớn. Chúng tôi tin một cách sâu xa sự thật sẽ giải phóng chúng ta"
Lời phát biểu của Hội đồng giám mục Ba Lan về việc từ chức của TGM Wielgus
Warsaw, Ba Lan (ngày 14.1.2007) – Sau đây là bản dịch lời phát biểu của Hội đồng giám mục Ba Lan sau khi TGM Wielgus của giáo phận Warsaw từ chức vì đã thừa nhận có hợp tác với cơ quan mật vụ của chế độ Cộng sản trước đây.
HĐGM yêu cầu lời phát biểu được phổ biến đến mọi giáo xứ tại Ba Lan.
****
Anh chị em thân mến,
1. Những ngày gần đây chúng ta đã trải qua những sự kiện quan trọng liên quan đến việc ĐTGM giáo phận Warsaw, là Đức Cha Stanislaw Wielgus đã từ chức ngay trong ngày được dự định sẽ diễn ra lễ nhận chức của ngài tại nhà thờ chánh tòa Warsaw. Chúng tôi đã theo dõi trong sự đau xót những lời tố cáo đã đổ lên ngài trong những tuần qua, liên quan đến việc ngài đã hợp tác với cơ quan mật vụ của Cộng hòa nhân dân Ba Lan. Điều này đã tạo nên một làn sóng náo động và thiếu tin tưởng vào vị lãnh đạo mới. Sự chia rẽ trong cộng đoàn tín hữu đã thấy rõ. Chúng tôi biết ơn ĐTC Benedictô XVI, đã yêu thương giúp đỡ trong việc đối phó với tình huống khó khăn trước mặt. Nhờ vào quyết định và thái độ của ngài chúng tôi có đủ nghị lực để trải qua thời điểm này một cách dũng cảm và tích cực. Chúng tôi cũng cảm ơn ĐTGM Jozef Kowalkczyk, khâm xứ tòa thánh tại Ba Lan, vì đã giúp đỡ một cách thạo giỏi trong tinh thần huynh đệ.
Ngày 5, tháng 1, 2007 trong một lời tuyên bố gởi đến giáo hội Warsaw, ĐGM Wielgus đã thừa nhận có sự vướng víu được đề cấp trên và qua đó đã làm hại đến giáo hội, đồng thời – trước chiến dịch của giới truyền thông – đã gây nên tác hại cho Giáo hội bằng cách phủ nhận việc ngài có hợp tác với cơ quan mật vụ.
Chúng tôi tôn trọng và chấp nhận quyết định của ngài không nhận chức vụ tổng giám mục giáo phận Warsaw. Chúng tôi không phải là những người có thể phán đoán một người anh em đã phục vụ Giáo hội rất trung tín và nhiệt thành, kể cả thời gian làm giáo sư và hiệu trưởng Trường Đại Học Công Giáo Lublin, rồi sau đó là Giám mục giáo phận Plock. Chúng tôi muốn ủng hộ ĐGM qua lời cầu nguyện để có việc bày tỏ sự thật. Đồng thời chúng tôi rất tiếc phải nói rằng, việc không coi trọng luật thông dụng là vô tội cho đến khi được chứng minh đã tạo nên không khí áp lực cho vị giám mục bị tố cáo. Điều này đã không giúp ngài dễ dàng trình bày cho công chúng lời bào chữa thích đáng, cũng là quyền lợi của ngài.
2. Chúng tôi khẳng định thêm lần nữa một quá khứ đen tối từ thời đất nước chúng ta nằm dưới ách thống trị của chế độ độc quyền nhiều thập kỷ tiếp tục có dấu hiệu đang hiện diện. Như chúng tôi đã viết trong “Memorandum của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan về hành động hợp tác của một số giáo sĩ với cơ quan mật vụ tại Ba Lan trong những năm 1944-1989”, “Các tài liệu được lưu trữ trong văn khố của Sở Ký ức quốc gia biểu lộ một phần của nhiều lĩnh vực rộng lớn về việc nô dịch hóa và vô hiệu hóa xã hội Ba Lan được thực hiện bởi các cơ quan mật vụ của chế độ. Tuy nhiên, đây không phải là một chứng thực hoàn hảo và duy nhất về quá khứ.” Chỉ có sự phân tích kỹ lưỡng và có cơ sở tất cả các nguồn tài liệu mới có thể dẫn chúng ta đến sự thật. Sự hiểu biết cách phiếm diện từ tài liệu của các cán bộ thuộc chế độ đàn áp của chính quyền Cộng sản chống đối Giáo hội, có thể làm hại người khác cách nghiêm trọng, hủy hoại các mắt xích trong lòng tin tưởng xã hội, và kết cuộc sẽ tạo nên một cuộc chiến thắng cho hệ thống bất nhân sau khi nó đã sụp đổ; đây là chế độ mà chúng ta đã từng phải chịu đựng.
Bản memorandum đồng thời khẳng định: “Giáo hội đang bị tố cáo là có ý định che giấu sự thật khó xử, bằng việc tìm cách bảo vệ những người có trách nhiệm đã hợp tác với cơ quan mật vụ và lãng quên các nạn nhân của sự hợp tác. Kết cuộc, uy quyền của Giáo hội đang bị soi mòn và uy tín của Giáo hội đang buy suy thoái. Người ta quá dễ dàng quên rằng suốt thời gian trải qua chế độ cộng sản độc quyền toàn thể Giáo hội tại Ba Lan luôn đứng vững chống lại sự nô lệ hóa xã hội và là ốc đảo cho sự tự do và chân lý.”
3. Vì thế chúng tôi lập lại thêm lần nữa: Giáo hội không e ngại sự thật, ngay cả khi sự thật đó khó xử, xấu xa, và việc đi đến sự thật có khi rất đau đớn. Chúng tôi tin một cách sâu xa sự thật sẽ giải phóng chúng ta, bới vì chính Chúa Giêsu Kitô là sự thật giải phóng. Giáo hội đã phải vật vả với tội này trong giáo hội và trên thế giới, mà Giáo hội được sai tới để phục vụ 2000 năm qua. Tội lỗi làm mất giá trị con người và bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa trong mỗi người. Giáo hội không bước qua điều này bằng sức lực của chính mình, nhưng với quyền lực của Đấng duy nhất có thể đưa chúng ta thoát khỏi sự dữ. Vì thế chúng ta bắt đầu mỗi thánh lễ bằng việc thú nhận tội lỗi của chính mình: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng….” Đây không phải là một công thức phụng vụ vô dụng, nhưng là một sự đối diện với sự yếu đuối và thiếu lòng tin trước khuôn mặt đầy thương xót của Chúa. Một cách tương tự, chúng ta cầu xin trong mỗi thánh lễ: “Lạy Chúa Giêsu Kitô…xin đừng chấp tội lỗi chúng con nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa.” Chúng tôi không sợ thú nhận rằng Giáo hội là một cộng đoàn bao gồm những người tội lỗi, nhưng đồng thời Giáo hội vẫn thánh thiện và được mời gọi trở nên thánh thiện, bởi vì Đức Giêsu Kitô là đầu của hội thánh, đang cùng sống và hành động với hội thánh – Ngài là một vị thánh trên tất cả các vị thánh. Chính trước mặt ngài chúng ta hiện diện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần dẫn dắt chung ta ra khỏi sự dữ, sự sợ hãi và lối suy nghĩ hẹp hòi.
Chúa Nhật qua, trong lễ Chúa chịu phép rửa, tại nhà thờ chánh tòa Warsaw, chúng ta đã đọc bài Tin Mừng về Chúa Giêsu đứng chung với những người tội lội trên bờ sông Gio-đan để được tẩy rửa. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu cũng đứng với tất cả chúng ta trên bờ sông Gio-đan Ba Lan. Thêm lần nữa lời của Ngài mang đến cho chúng ta niềm hy vọng: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Luca: 31-32). Sự đoàn kết với người tội lỗi đã làm cho Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Nhờ Ngài chúng ta đã được rửa tội – tội chúng ta được thứ tha do được rửa bằng lửa và bởi Chúa Thánh Thần.
4. Chúng ta hãy nhớ: “2000 năm qua Giáo hội đã chống cự sự dữ bằng cách truyền bá, là cách không hủy hoại nhân phẩm của người khác. Sự thật về tội lỗi nên dẫn tín hữu Kitô giáo đến việc thừa nhận tội, ăn năn, và xưng tội – ngay cả việc thú tội công khai, nếu cần thiết, và sau đó là việc thống hối đền tội. Chúng ta không thể từ bỏ cách đối phó với sự dữ mang tính truyền bá như thế… Giáo hội của Đức Kitô là một cộng đoàn hòa giải, tha thứ và thương xót. Tron giáo hội luôn có chỗ cho từng người tội lỗi muốn hoán cải, như ông Phêrô đã làm, và mặc dầu yếu đuối, nhưng vẫn muốn phục vụ cho Tin Mừng” (Memorandum).
Như Tôi Tớ của Chúa là ĐTC Gioan Phaolô II đã nói cách mạnh mẽ: “Con người là đường của Giáo hối” (“Redemptor Hominis”, 14) – mọi người, kể cả các linh mục và giám mục. Hoàn tất các điều kiện của sự hoán cải Kitô giáo, mỗi người có quyền được nhận ơn tha thứ và thương xót, tham gia vào đời sống của cộng đoàn Giáo hội và xã hội. Chúng tôi biết rằng có nhiều người, từng đã chịu phục tùng sự nô lệ hóa, làm cho lương tâm bị câm điếc và làm tổn thương đến nhân phẩm chính mình, đã đền tội bằng nhiều năm phục vụ trung tín. Họ là những người anh em chúng ta trong đức tin!
Chúng tôi đã chỉ định ngày 21 tháng 2, 2007, nhân dịp lễ Tro sẽ là ngày cầu nguyện và đền tội của toàn thể hàng giáo sĩ Ba Lan. Trong tất cả các nhà thờ trong địa phận của chúng ta sẽ cử hành thánh lễ để cầu xin lòng thương xót của Chúa nhằm xin ơn tha thứ cho tất cả các lỗi lầm và yếu đuối trong việc công bố Tin Mừng. Là giáo sĩ, chúng tôi “được tuyển chọn từ cộng đồng”, chúng tôi là một phần của xã hội Ba Lan, là một toàn thể cần phải quay mặt với tội lỗi và thực hiện sự cải tà quy chính một cách hoàn toàn.
5. Giáo hội Ba Lan có một nhiệm vụ giải hòa lớn lao, ngoài việc đứng trước mặt Chúa trong chân lý. Chúng ta sẽ không thay đổi quá khứ, cả cái vẻ vang lẫn cái đáng xấu hổ. Với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể đưa hết mọi thứ vào hiện tại và tương lai một cách mà quyền lực của Đức Kitô trong Giáo hội được biểu lộ. Chúng tôi kêu gọi mọi người trong Giáo hội, hàng giáo sĩ lẫn giáo dân, tiếp tục xem xét lương tâm mình đối với hành vi của mình trong thời chế độ độc tài. Chúng tôi không muốn xâm lấn nơi riêng tư của lương tâm của bất cứ ai, nhưng chúng tôi khuyến khích mọi người hãy làm tất cả để đối diện với sự thật về những dữ kiện có thể có – nếu cần thiết – hãy thừa nhận và thú nhận sai phạm một cách đầy đủ.
Chúng tôi kêu gọi những người có quyền lực và thành viên của Nghị Viện hãy bảo đảm rằng việc sử dụng những tài liệu trong các văn khố tính từ thời điểm Cộng hòa Nhân dân Ba Lan sẽ không dẫn đến việc xâm lấn quyền lợi của con người và hạ thấp nhân phẩm của con người, đồng thời sẽ tạo điều kiện để xác minh các tài liệu trong một tòa án độc lập. Cũng không nên quên rằng trên hết các tài liệu này còn quy tội cho những tác giả của chúng.
Ý thức được lời mời của Đức Kitô: “Đừng xét đoán để không bị xét đoán” (Matt. 7,1), chúng tôi yêu cầu mọi người đừng có những nhận định nông cạn và vô căn cứ, bởi vì điều này sẽ gây nên tác hại. Chúng tôi muốn nói đặc biệt đến giới truyền thông. Nhiều lương tâm Kitô giáo và tri giác con người đề nghị những gì nên được đưa vào dư luận và điều gì cần phải làm, luôn coi trọng nhân phẩm con người, quyền được bảo vệ danh tính, ngay cả sau khi người đó đã chết. Chúng tôi kêu gọi giới trẻ, thành phần không có kinh nghiệm trực tiếp về những gì người lớn đã trải qua, hãy cố gắng học hỏi về sự thật phức tạp liên quan đến quá khứ. Mặc dầu có những bóng đen, nhưng nhờ các thế hệ trải qua thời buổi đó, kể cả các thế hệ giáo sĩ đã chiến đấu kiên cố chống lại sự dữ mà chúng ta dành được tự do sau nhiều năm sống dưới sự áp đặt của tư tưởng Mac-xít và theo mô hình đời sống chính trị và xã hội của Nga sô.
Giáo hội tại Ba Lan luôn thấu cảm với giáo dân và chia sẻ định mệnh của họ, đặc biệt trong các thời điểm đen tối nhất trong lịch sử chúng ta. Sự thật này không thể thay đổi bằng cách đưa ra áng sáng, sau nhiều năm, những yếu đuối và sự thiếu trung tín của một số thành viên, kể cả hàng giáo sĩ. Mong rằng thời điểm hiện tại là thời gian thích hợp để tất cả chúng ta rửa sạch chính mình và hòa giải với nhau, hồi phục sự công lý đã bị xâm phạm và lấy lại sự tin tưởng và hy vọng vào nhau. Trên hết, mong rằng đây sẽ là thời gian cầu nguyện để đức tin được sâu sắc hơn, trong sự hiện diện của Thiên Chúa của lịch sử, và các vấn đề phức tạp nhất của nhân loại.
Là các chủ chiên của anh chị em, trong sự tín thác vào quyền lực của Tin Mừng, chúng tôi tiếp tục công việc đang diễn tiến, là kiểm tra đầy đủ nội dung của các hồ sơ được lưu trữ trong Sở Ký ức quốc gia, liên quan đến chúng tôi và tất cả các giáo sĩ.
6. “Dẫu con có phải đi qua thung lũng bóng tối của sự chết, con cũng không sợ kẻ dữ vì Chúa ở cùng con” (TV 23:4). Cầu xin lời nói của tác giả Thánh Vịnh đồng hành với chúng ta trong những ngày này. Chúng tôi cảm ơn anh chị em, đặc biệt tinh thần cầu nguyện của anh chị em, đã làm dịu những cảm xúc, mang lại sự bình an và tinh thần yêu thương. Chúng tôi cảm ơn anh chị em đã quan tâm đến Giáo hội và đứng với Giáo hội trong những khoảnh khắc thử thách. Chúng tôi tin rằng kinh nghiệm gần đây sẽ giúp làm mới Giáo hội, để có sự minh bạch và trưởng thành hơn đối với các thành viên. Chúng tôi tin rằng việc này sẽ giúp Giáo hội trung thành hơn với Tin Mừng và nhìn vào Tin Mừng để tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề, từ đó được tái sinh, để trở nên dụng cụ tốt đẹp và yêu thương cho thế giới.
Với những ưu tư này trong tâm hồn, chúng tôi cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho mỗi người và nhờ sự khẩn cầu của Đức Mẹ Czestochowa, là Đấng luôn nhắc nhở chúng ta: “Hãy làm theo những gì Ngài chỉ bảo” (Gioan 2:5).
Được ký bởi các ĐHY, ĐTGM, và các ĐGM có tụ họp trong Hội Đồng Thường Trực, và các ĐGM Giáo Phận trong của họp của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.
Warsaw, ngày 12.1.2007
Lm Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo Zenit ngày 14/1/2007
Hàng tá cuộc chữa lành được tường trình cho Án Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II
Vị cáo thỉnh viên cho án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II là Đức Ông Slawamir Oder cho biết là có nhiều người đã qui các phép lạ cho việc chuyển cầu của vị Giáo Hoàng này.
Trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba 27/3/2007, vị cáo thỉnh viên này đã loan báo rằng giai đoạn giáo phận của tiến trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II sẽ kết thúc vào ngày 2/4/2007, thời điểm kỷ niệm đúng 2 năm qua đời của ngài.
Trong số những sự được cho là phép lạ bởi lời chuyển cầu của vì Giáo Hoàng này, Đức Ông Oder đã đề cập tới nhiều cuộc chữa lành khỏi những cục bướu ung thjư. Tuy nhiên, ngài nói rõ rằng những cuộc chữa lành ấy không được cứu xét cho việc phong chân phước, vì cần phải có thời gian để xem xét những cuộc chữa lành ấy.
Một trong những trường hợp đang được cứu xét là trường hợp của một nữ tu người Pháp được chữa khỏi bệnh lẩy bay hai tháng sau khi vị Giáo Hoàng băng hà.
Vị cáo thỉnh viên cho biến tên của nữ tu này ‘không thể tiết lộ vào lúc này’. Ngài nói rằng vào Lễ Lá 1/4/2007, vị giám mục của giáo phận nơi có phép lạ xẩy ra sẽ gửi một bức thư cho giáo phận, giải thích những gì đã xẩy ra.
Vị cáo thỉnh viên này cũng đề cập tới hai cuộc chữa lành khác đang được cứu xét.
“Một trong hai cuộc chữa lành này được trình cho tôi là trường hợp của một cặp vợ chồng Balan”, một cặp vợ chồng cho tôi thấy đứa con gái nhỏ c ủa họ “vào ngày kết thúc tiến trình phong thánh ở giáo phận Krakow”. Theo ngài thì em gái này được sinh ra sau khi cha mẹ em nhiều năm được chữa trị về khả năng sinh sản.
Một trường hợp khác, đó là trường hợp về “một cuộc mang thai khó khăn vì bị mất nước ối… Sau vài tháng nguyện cầu cùng Đức Gioan Phaolô II trợ giúp, nước ối đã trở lại và người mẹ đã sinh nở bình thường vơi một em bé lành mạnh”.
Trong tiến trình phong thánh cấp giáo phận đã có khoảng 130 chứng từ về Đức Gioan Phaolô II.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/3/2007
ĐIỂM MẶT CHỈ TÊN CHÂN TƯỚNG CỦA THÀNH PHẦN TIÊN TRI GIẢ – PHẢN KITÔ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(tiếp 27 Thứ Ba, 28 Thứ Tư)
Dấu hiệu thứ nhất: những ai không tuân phục quyền bính Giáo Hội và Đức Thánh Cha nói riêng, đều là phản kitô, vì Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô và vị đại diện của Người trên trần gian là đầu của thân thể này, không tuân phục Giáo Hội và Đức Thánh Cha là không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thể. Căn cứ vào dấu hiệu thứ nhất này, chúng ta có thể quả quyết rằng bất cứ thần học gia nào, dù tài giỏi mấy đi nữa, mà không tuân phục Giáo Hội, không truyền đạt theo giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, đều không phải bởi Chúa! Hay bất cứ một tín hữu nào nhiệt thành mấy đi nữa với việc nhà Chúa, song chỉ hăng say hoạt động và hy sinh đóng góp chỉ khi nào được như ý mà thôi, bằng không sẽ quay ra chống cha chống Chúa thì chắc chắn không phải bởi Chúa mà ra. Có thể lúc đầu họ hoàn toàn vì ý ngay lành, sau đó, không để ý và liên lỉ sống tinh thần cầu nguyện, họ đã từ từ xa cách Chúa.
Dấu hiệu thứ hai có thể nhận diện thành phần phản kitô là họ không tin hay coi thường Bí Tích Thánh Thể, một thực tại thần linh mà Đức Giêsu Kitô còn đang hiện diện bằng cả thần tính cũng như nhân tính của Người nói chung và Mình Máu Thánh Người nói riêng; không tin hay tôn sùng Thánh Thể là dấu chứng tỏ phản kitô, thành phần không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt.
Dấu hiệu thứ ba cũng không kém phần vững chắc để nhận ra thành phần phản kitô là họ không nhận biết Mẹ Maria, thậm chí còn chỉ trích và chống đối việc tôn sùng Mẹ, vì như thế là họ tỏ ra cũng không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt, tức đã được sinh ra bởi Mẹ Maria. Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến những ai, vì vô tình hay hữu ý, đả phá hay chống đối lòng tôn sùng Thánh Mẫu, nhất là những việc tôn sùng Mẹ, chẳng hạn như việc lần hạt Mân Côi, cho rằng chỉ cần Thánh Thể và Phụng Vụ là đủ. Chúng ta có thể đặt vấn đề với những người này rằng, nếu Đức Kitô thực sự là Lời Nhập Thể mà còn nhờ Mẹ để vào trần gian và đến với loài người, là chính Thiên Chúa mà còn trở thành con cái của Mẹ và ngoan ngoãn vâng lời Mẹ, thì họ là ai mà lại coi thường Mẹ, trong khi đó lại tự cho rằng mình tôn thờ Vị Thiên Chúa Làm Người là Đấng có Thánh Thể được cấu tạo nên bởi chính huyết nhục trinh nguyên của Mẹ.
Dấu hiệu thứ bốn để nhận ra thành phần phản kitô là lòng thù hằn thánh giá của họ, ở chỗ không phải họ chỉ sợ hãi và tránh né thánh giá theo tính tự nhiên như mọi con người bình thường, mà còn dùng thủ đoạn bất chính để tiêu diệt thánh giá nữa, như ly dị, phá thai, triệt sản, triệt sinh an tử hay triệt sinh trợ tử v.v.; mà thánh giá là đường lối duy nhất Lời nhập thể đã dùng để cứu rỗi nhân loại, do đó, họ “trở thành những kẻ thù của thánh giá Đức Kitô” (Philiphê 3:18), tức là không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt.
Như thế, theo tôi, muốn biết những gì (người và việc) bởi Thiên Chúa hay không, hãy căn cứ vào 4 dấu hiệu trên: đó là, trước hết và trên hết, tuân phục và hiệp nhất với Giáo Hội, sau đó, một khi đã hoàn toàn cùng hết lòng tuân phục và hiệp nhất với Giáo Hội rồi thì tự nhiên, chẳng những, về nội tâm, có một lòng tôn sùng Thánh Thể và Thánh Mẫu theo truyền thống và tinh thần của Giáo Hội, mà còn, về chứng từ, biết hy sinh chấp nhận mọi thánh giá đau khổ để theo Chúa và phục vụ tha nhân, theo gương Thánh Thể và Thánh Mẫu. Nếu thiếu 1 trong 4 dấu hiệu này, hãy cẩn thận coi chừng!
Có một lần cách đây cả 15 năm, tôi được một nhóm mời tới tham dự một buổi cầu nguyện và chia sẻ ở Orange County, thuộc thành phố Westminster. Họ đã đọc 50 Kinh Mân Côi rất sốt sắng, bằng những bài hát, lời nguyện tự phát, và những cử điệu đặc biệt, nửa tiếng mới xong. Sau đó, họ ngồi xuống chia sẻ sống đạo, một buổi chia sẻ sống đạo hầu như xoay quanh việc kêu ca, phê bình, và chỉ trích các vị linh mục. Nghe giọng điệu của họ tôi biết được những tâm tưởng ấy của họ phát xuất từ đâu. Tôi đã cho họ biết những gì tôi cảm nhận về họ, và khuyên họ hãy cẩn thận về những thứ tín liệu họ nhận được và bị ảnh hưởng hết sức tiêu cực như thế. Thế rồi sau buổi cầu nguyện và chia sẻ này, tôi không bao giờ được hân hạnh tới với họ lần thứ hai nữa.
Không cần phải áp dụng 4 dấu hiệu trên đây cho bất cứ người nào hay việc nào để biết người ấy hay việc ấy có thực sự bởi Chúa hay chăng, hãy áp dụng vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ thấy chúng ta có thực sự hoàn toàn sống vì Chúa và cho Chúa hay chăng, chúng ta đã sống đạo chân thực tới đâu và trọn lành tới đâu. Ở đây, chúng ta hãy nhớ rằng cho dù chúng ta có những ý kiến hay đến đâu và có những ý muốn đẹp đến mấy đi nữa, lợi đến đâu chăng nữa, song ý kiến tự bản chất tốt lành ấy, hay ý muốn đầy thành tâm thiện chí ấy, vẫn có thể không hợp với ý muốn toàn thiện và vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, đến nỗi chúng cần phải bỏ đi, bằng không, việc chúng ta làm không bởi Chúa hơn là bởi ý riêng chúng ta, bởi tinh thần bất phục của ngụy thần, tức bởi ma quỉ.
Điển hình nhất là trường hợp Mẹ Maria, đệ nhất tạo vật về ân sủng, cho dù có khấn giữ mình trinh nguyên “không hề biết đến nam nhân” (Luca 1:34) để có thể hoàn toàn sống cho Chúa và thuộc trọn về Chúa là hạnh phúc duy nhất của mình và là Sự Thiện tối cao của mình đi nữa, song Mẹ đã mau mắn bỏ ý định hết sức lành thánh này của Mẹ đi để tuân theo Ý Chúa, bằng không, việc Mẹ giữ mình đồng trinh sẽ không còn bởi Chúa nữa.
Điển hình thứ hai là trường hợp Thánh Phêrô, sau khi được Thày tỏ cho biết về thân phận Thiên Sai hết sức bất hạnh của Người, liền vì tình yêu mến Thày và lo cho Thày mà lên tiếng can gián Thày đừng có để xẩy ra như thế, song lại bị chính Thày quở trách thậm tệ: “Đồ Satan, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta”. Tại sao? “Vì ngươi không phán đoán theo Thiên Chúa mà chỉ theo loài người thôi” (Mathêu 16:23).
Điển hình thứ ba là trường hợp của vua Saolê, vị vua thứ nhất của dân Do Thái, khi ông giữ lại những con vật béo tốt trong cuộc sát phạt dân Amalek, một cuộc sát phạt mà ông được lệnh phải tận diệt tất cả mọi sự, cả người lẫn thú, để mang về làm lễ vật dâng lên cho Chúa, nhưng việc ông làm lại bị tiên tri Samuel trách móc rằng vua sẽ bị Chúa phế bỏ vì vua bất tuân phục Ngài, và vị tiên tri kết luận: “vâng lời trọng hơn của lễ” (1Samuel 15:22).
Tóm lại, nếu Chúa Giêsu thực sự là Đấng Thiên Sai, do Thiên Chúa sai đến và từ Thiên Chúa mà đến, được chứng thực bởi việc Người không bao giờ làm theo ý riêng mình, mà chỉ làm theo ý Đấng đã sai (xem Gioan 6:38), “cho dù chết trên thập tự giá” (Philiphê 2:8), và cho dù có thể xuống khỏi thập giá trước những thách thức của thành phần chủ mưu sát hại Người, Người cũng không làm, thì bất cứ ai bởi Chúa mà đến hay việc gì bởi Chúa mà ra, đều mang ấn tín tuân phục, theo tinh thần “khôn như rắn và chân thật như bồ câu” (Mathêu 10:16), như Mẹ Maria đã làm mô phạm: Mẹ đã “khôn ngoan như rắn” khi ý thức (chứ không mù quáng) đặt vấn đề về sự thật “việc ấy thành sự sao được, vì tôi không hề biết đến nam nhân”, nhưng đồng thời Mẹ cũng “chân thật như bồ câu”, khi ngoan ngoãn tỏ ra mau mắn tuân phục vừa lúc biết được sự thật là Ý Chúa, bằng lời “Xin Vâng” (Luca 1:38)!
Căn cứ vào tất cả những suy diễn trên, dấu hiệu thực tế hay trực giác để có thể nhận ra tinh thần hay chân tướng của thành phần tiên tri giả, nơi bất cứ một người nào hay bất cứ một việc làm nào, kể cả ở chính bản thân chúng ta, đó là tất cả những dấu hiệu có tính cách phản kitô, phản với căn tính và tinh thần Chúa Kitô. Và dấu hiệu phản kitô rõ ràng nhất có thể tóm vào ít là 4 dạng thức hay 4 thái độ chính yếu sau đây: 1- kiêu căng tự ái (liên quan đến bản thân); 2- chống đối bất phục (liên quan đến quyền bính); 3- ghen ghét hận thù (liên quan đến tha nhân); 4- gian tà độc ác (liên quan đến ma quỉ). Trái lại, dấu hiệu bởi Chúa mà ra là những gì (qua tâm, ngôn, hành) hoàn toàn phản nghịch lại với 4 thái độ trên, tức là những dấu hiệu tích cực được tỏ hiện ra như là 9 hoa trái của Chúa Thánh Thần mà Thánh Phaolô liệt kê trong thư gửi Giáo Đoàn Galata ở đoạn 5 câu 22 sau đây: "yêu thương, hoan lạc, an bình, nhẫn nại, từ ái, quảng đại, tin tưởng, dịu hiền và thanh sạch".