GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 22/5/2007 PHỤC SINH TUẦN VII |
? ĐTC Biển Đức XVI với dự định về Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh trong tương lai
? ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho cuộc họp “Cùng Nhau Cho Âu Châu” của trên 230 đại biểu các phong trào và cộng đồng Kitô hữu hôm 12/5/2007
? Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida
ĐTC Biển Đức XVI với dự định về Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh trong tương lai
Hôm Thứ Tư ngày 16/5/2007, khi ngỏ lời cùng Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh đang tiếp tục biến cố này ở Ba Tây cho đến cuối tháng, Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei”, một Ủy Ban được đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào năm 1988 sau biến cố ly giáo của ĐTGM Marcel Lefebvre trong việc tấn phong trái phép 4 giám mục thuộc tổ chức ly khai của ngài, đã xác nhận là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có thể sẽ mở rộng hơn vấn đề làm lễ bằng tiếng La Tinh.
Vị hồng y chủ tịch này đầu tiên cho biết về nguyên do ủy ban do ngài đang lãnh đạo được thành lập, sau đó ngài cho biết lãnh vực thẩm quyền của ủy ban được nới rộng hơn, chứ không chỉ giới hạn ở lãnh vực liên quan tới hai tổ chức liên quan tới Thánh Lễ La Tinh:
“Một nhóm đáng kể, thành phần bao gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân tỏ ra bất đồng với vấn đề canh tân phụng vụ của công đồng và đã thành lập một hội dưới quyền lãnh đạo của ĐTGM người Pháp Marcel Lefebvre, đã tách khỏi vị TGM này vì họ bất đồng với hành động ly giáo được ngài thực hiện khi tấn phong giám m ục mà không có lệnh thích đáng của tòa thánh…
“Ngày nay, ủy ban này không chỉ giới hạn vào việc phục vụ thành phần tín hữu muốn hoàn toàn hiệp thông vào trường hợp ấy nữa, cũng như vào các nỗ lực nhắm đến việc chấm dứt tình trạng ly giáo đau thương và đạt đến việc hoàn toàn hiệp thông của những người anh em thuộc Hội Thánh Piô X.
“Ý của Đức Thánh Cha muốn là phân bộ này cống hiến thêm dịch vụ của mình vào việc thỏa đáng những khát vọng chính đáng của những ai, vì một cảm quan đặc biệt nào đó – song không liên hệ gì tới hai nhóm tôi đã được đề cập tới – muốn giữ phụng vụ La Tinh trước kia trong việc cử hành Thánh Thể và các bí tích khác.
“Hẳn nhiên là công việc quan trọng nhất, một công việc liên quan tới toàn thể Giáo Hội, đó là tìm cách chấm dứt hành động ly giáo và tái kiến tạo mối hiệp thông trọn vẹn một cách không mập mờ”.
Vị hồng y chủ tịch còn nhắc lại rằng trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là người đã phục vụ ủy ban này:
“Đức Thánh Cha muốn rằng ủy ban này trở thành một tổ chức của Tòa Thánh với một mục đích đặc biệt và chuyên biệt trong việc bảo trì và gìn giữ giá trị của phụng vụ truyền thống La Tinh. Thế nhưng, cần phải khẳng định rằng điều này không có nghĩa là trở lại, một thứ trở lại với những thời kỳ trước cuộc canh tân phụng vụ năm 1970.
“Trái lại, nó có nghĩa là một cống hiến rộng rãi của Vị Đại Diện Chúa Kitô, vị mà, như một thể hiện ước muốn mục vụ của mình, muốn trao việc sử dụng cho toàn thể Giáo Hội các kho tàng của phụng vụ La Tinh là phụng vụ đã nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của rất nhiều thế hệ tín hữu Công Giáo qua nhiều thế kỷ. Việc tái khám phá ra kho tàng này được liên kết với phụng vụ hiện hành không kém phần quí báu của Giáo Hội”.
Vị hồng y chủ tịch 77 tuổi này cho biết thêm rằng Đức Giáo Hoàng đương kim có ý định nới rộng việc có thể cử hành Thánh Lễ và các phép bí tích cho toàn thể Giáo Hội theo các sách phụng vụ được Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành năm 1962. Như thế là vị hồng y này dường như xác nhận những tin đồn hồi đầu năm về vấn đề Lễ Latinh được nới rộng hơn.
Vị hồng y chủ tịch cho biết thêm là “những cộng đồng tu sĩ và sống đời tông đồ đã có những kinh nghiệm tốt lành” về việc cử hành “phụng vụ này một cách bình an và thanh thoát”. Ngài cũng nhắc lại là ở Ba Tây, Giáo Phận Campos, thành phần theo ĐTGM Lefebvre trước đây “giờ đây, sau 5 năm, cho thấy những thành quả tốt đẹp” sau khi họ trở lại với mối hiệp thông trọn vẹn.
“Dự án của Đức Thánh Cha một phần nào đã được thử ở de Campos là nơi việc đồng cử hành một cách an bình hai thể thức của một lễ nghi Rôma duy nhất trong Giáo Hội đã trở thành một thực tại tốt đẹp. Chúng ta hy vọng rằng mẫu thức này sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành, cũng ở các nơi khác trong Giáo Hội mà tín hữu Công Giáo có những cảm thức phụng vụ chuyên biệt cùng nhau chung sống”.
Đức Hồng Y chủ tịch còn nói rằng “Ecclesia Dei” trông coi khoảng 300 linh mục và 200 chủng sinh cùng với hằng trăm ngàn giáo dân. Hội Thánh Piô X có 4 vị giám mục do ĐTGM Lefebvre tấn phong, 500 linh mục và chừng 60 ngàn giáo dân: “Chúng ta hãy cầu cùng Chúa để dự án của Đức Thánh Cha sớm trở thành hiện thực cho mối hiệp nhất của Giáo Hội”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/5/2007
ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho cuộc họp “Cùng Nhau Cho Âu Châu” của trên 230 đại biểu các phong trào và cộng đồng Kitô hữu hôm 12/5/2007
Tôi rất lấy làm vui mừng chuyển lời chào thân ái của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho quí vị phát động và tổ chức cùng nhiều tham dự viên vào biến cố “Cùng Nhau Cho Âu Châu” đang diễn tiến vào hôm 12/5 tại Stuttgart.
Sáng kiến “Cùng Nhau Cho Âu Châu” được hiện thực nhở trực giác đại kết tốt lành của các nhóm đoàn, các hiệp hội, các phong trài và các cộng đồng thuộc Giáo Hội Công Giáo, Thệ Phản, Chính Thống và Anh Giáo, muốn kiếm cách nhấn mạnh đến nhu cầu can phải cùng nhau khẳng định việc trung thành với Phúc Âm ở một Âu Châu đang liều mình mất đi những giá trị nguyên khôi của nó và loại trừ đi những gốc gác Kitô Giáo của mình.
Những lời của Vị Giáo Hoàng Khả Kính Gioan Phaolô II dường như trở nên thích đáng hơn bao giờ hết: “Tôi muốn đề cập đặc biệt đến cái mất mát về ký ức và di sản Kitô Giáo của Châu Âu, một mất mát được đi kèm theo bởi một thứ khuynh hướng bất khả thần tri và thái độ lạnh lùng dưng dưng về đạo nghĩa là những gì làm cho nhiều người Âu Châu cảm thấy sống thiếu gốc gác thiêng liêng và một cái gì đó như là thành phần thừa hưởng đã làm phung phí đi một gia sản được lịch sử ký thác cho họ” (Post-Synodal exhortation "Ecclesia in Europa", 7).
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đang làm âm vang mối quan tâm này. Từ ban đầu của giáo triều mình, ngài không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để nhắc nhở đến tầm quan trọng của việc bảo toàn cái di sản Kitô Giáo, một kho tàng đặc biệt của địa lục Âu Châu.
Lời kêu gọi đừng mất gốc này giống như một lời mời gọi được lập lại lã hãy cụ thể hoạt động để các tín hữu trong Chúa Kitô thuộc các niềm tin khác nhau được liên kết nỗ lực của mình trong việc phục vụ cho một lý tưởng hợp thời và thích đáng ấy. Nó là vấn đề bênh vực một di sản nhân bản và thiêng liêng quan trọng đối với vấn đề phát triển đích thực của Âu Châu (…)
Bởi thế, Đức Thánh Cha hy vọng rằng cuộc họp “Cùng Nhau Cho Âu Châu” này sẽ củng cố ước muốn hiệp thông là những gì làm sinh động các phong trào và các cộng đồng giáo dân thuộc các giáo hội khác nhau; để nó có thể góp phần vào việc thắng vượt những thành kiến, chủ nghĩa quốc gia và các trở ngại về lịch sử, và có thể thôi thúc dân chúng hoạt động để khía cạnh thiêng liêng khỏi bị yếu kém ở Âu Châu trong thời hậu tân tiến này.
Tất cả mọi nỗ lực của loài người sẽ chẳng bổ ích gì nếu chúng ta tách rời khỏi sự nâng đỡ thần linh, vì “trừ phi Chúa xây nhà bằng không họ khổ công vô ích” (Ps 127). Nhờ cậy dựa vào sự giúp đỡ của Đấng Toàn Năng, anh chị em mới có thể tin tưởng nhìn vào hiện tại và tương lai, anh chị em mới có thể can đảm hoạt động và kiên trì nhận biết rằng Cha trên trời, trong sự quan phòng và chăm sóc của Ngài, luôn mang lại hoa trái cho những nỗ lực khiêm hèn của con cái Ngài, thành phần muốn thực hiện ý muốn của Ngài “dưới đất cũng như trên trời”.
Với tinh thần ấy, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cầu xin phúc lành thần linh ban xuống trên tất cả những ai tham dự vào biến cố ý nghĩa này. Tôi cũng hứa cầu nguyện cho từng người và hết mọi người anh chị em và tôi lợi dụng dịp này để gửi đến anh chị em lời chào thân ái.
Hồng Y Tarcisio Bertone
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
14/5/2007
Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida
(tiếp 21 Thứ Hai, 20 Chúa Nhật, 19 Thứ Bảy, 18 Thứ Sáu, 17 Thứ Năm)
6. “Xin hãy ở với chúng con”
Những suy tư chia sẻ về Cuộc Đệ Ngũ Tổng Nghị này dẫn chúng ta đến chỗ lập lại lời van xin của các người môn đệ đi Emmau: “Xin hãy ở lại với chúng con, vì trời sắp tối, và ngày giờ đây đã qua đi” (Lk 24:29).
Xin ở với chúng con, Lạy Chúa, xin giữ chúng con bên Chúa, cho dù chúng con đã không luôn luôn nhận ra Chúa. Xin hãy ở với chúng con, vì chung quanh chúng con đang trùng trùng điệp điệp là bóng tối mà Chúa là Ánh Sáng; lòng chún g con đang cảm thấy chán chường, xin hãy làm cho nó bừng lên niềm tin Phục Sinh. Chúng con mệt mã vì cuộc hành trình này, thế nhưng Chúa an ủi chúng con nơi việc bẻ bánh, nhờ đó chúng con mới có thể loan truyền cho anh chị em mình rằng Chúa thực sự đã phục sinh và ủy thác cho chúng con sứ vụ làm chứng cho việc Chúa phục sinh.
Xin ở với chúng con, lạy Chúa, khi mây mù ngờ vực, tình trạng mệt mỏi ê chề hay khó khăn nổi lên vây lấy niềm tin Công Giáo của chúng con; Chúa là chính Sự Thật, Chúa là Đấng mạc khải Cha cho chúng con: xin hãy soi sáng tâm trí chúng con bằng lời của Chúa, và giúp chúng con cảm thấy vẻ đẹp của việc tin tưởng nơi Chúa.
Xin hãy ở lại với gia đình của chúng con, xin hãy soi sáng họ khi họ cảm thấy ngờ vực, hãy nâng đỡ họ khi họ gặp khốn khó, xin hãy an ủi họ khi họ cảm thấy khổ đau và khi họ long đong vất vả trong cuộc sống hằng ngày, khi họ bị bủa vây bởi những bóng tối dồn lên đe dọa mối hiệp nhất và căn tính tự nhiên của họ. Chúa chính là Sự Sống: xin hãy ở lại với gia đình chúng con, nhờ đó, họ có thể tiếp tục trở thành tổ ấm cho sự sống của con người được hạ sinh một cách quảng đại, được đón nhận, yêu thương và tôn trọng từ khi thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đi.
Lạy Chúa, xin hãy ở lại với các xã hội là những xã hội của chúng con đang bị yếu kém nhất; xin ở lại với thành phần nghèo khổ và thấp hèn; với các người thổ dân và những người Mỹ Châu gốc Phi Châu, thành phần không phảiu bao giờ cũng tìm thấy được nơi chốn và sự đỡ nâng để thể hiện cái phong phú nơi nền văn hóa của mình cùng với sự khôn ngoan nơi căn tính của họ. Lạy Chúa, xin hãy ở lại với các trẻ em và giới trẻ, thành phần là niềm hy vọng và là kho tàng của Châu Lục chúng con, xin hãy bảo vệ họ khỏi rất nhiều cạm bẫy đang tấn công tính chất vô tội của họ và những niềm hy vọng hợp lý của họ. Ôi Vị Mục Tử Nhân Lành, xin hãy ở lại với n hững người lão thành của chúng con và bệnh nhân của chúng con. Xin hãy làm cho mọi người trong họ được vững mạnh trong đức tin, để họ có thể trở thành môn đệ và thừa sai của Chúa!
Kết Luận
Trong khi tôi kết thúc việc tôi ở giữa anh chị em đây, tôi muốn cầu xin Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội bảo vệ anh chị em và toàn thể Mỹ Châu La Tinh và Caribbean. Tôi nài xin Đức Mẹ, đặc biệt dưới tước hiệu Guadalupe, Quan Thày của Mỹ Châu, và dưới tước hiệu Aparecida, Quan Thày của Ba Tây, hỗ trợ anh chị em trong công việc mục vụ hào hứng và gay go của anh chị em. Tôi ký thác cho Mẹ Dân Chúa ở vào giai đoạn của ngàn năm thứ ba Kitô Giáo này. Tôi cũng xin Mẹ hướng dẫn các bày tỏ và suy tư của cuộc Tổng Nghị này và tôi xin Mẹ chúc phúc dồi dào các tặng ân cho các dân tộc yêu dấu của Châu Lục này.
Trước khi tôi trở về Rôma, tôi muốn để lại một món quà cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Chư Vị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, để hỗ trợ và phấn khích các vị. Đó là bức hình ghép ba mảnh ở Cuzco, Peri, trình bày cho thấy Chúa Kitô trước khi Thăng Thiên một chút, khi Người đang ủy thác cho các môn đệ của mình sứ vụ đi tuyển mộ môn sinh ở khắp các dân nước. Bức hình này gợi lên mối liên hệ gần gữi gắn liền Chúa Giêsu Kitô với các môn đề của Người và là thành phần thừa sai cho thế gian được sự sống. Mảnh cuối cùng cho thấy Thánh Juan Diego đang loan báo Phúc Âm, với hình ảnh Trinh Nữ Maria trên áo choàng của ngài và cuốn Thánh Kinh trên tay. Lịch sử của Giáo Hội dạy chúng ta rằng sự thật của Phúc Âm, khi mắt chúng ta chú ý tới vẻ đẹp của nó và tâm trí chúng ta lấy đức tin lãnh nhận nó, giúp chúng ta chiêm ngưỡng các chiều kích của một mầu nhiệm khiến chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng và gắn bó thiết tha.
Để lên đường, tôi hết sức thân ái chào tất cả anh chị em bằng một niềm hy vọng trong Chúa. Xin cám ơn anh chị em rất nhiều!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh