GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 25/5/2007 PHỤC SINH TUẦN VII |
? Tác phẩm “Chúa Giêsu Nazarét” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Trên 1 triệu rưỡi cuốn đã được đón nhận và các ấn bản ngoại ngữ mới được chuyển dịch
? Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?
? ĐTC Biển Đức XVI với Khoa Học: "Chính vũ trụ được kết cấu một cách khôn ngoan sáng suốt, vì thế mới có một sự tương ứng sâu xa giữa lý trí chủ quan của chúng ta và lý tính khách quan của thiên nhiên”
Tác phẩm “Chúa Giêsu Nazarét” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Trên 1 triệu rưỡi cuốn đã được đón nhận và các ấn bản ngoại ngữ mới được chuyển dịch
Theo Cha Claudio Rossini, vị giám đốc của Libreria Editrice Vaticana, “việc phổ biến cuốn sách này, trước khi là vấn đề về văn hóa và thương mại, thì trước hết nó là một biến cố về giáo hội và đại kết”.
Ấn bản Hy Lạp của tác phẩm này được phát hành hôm nay. Nó chất chứa một bản văn của thượng phụ toàn cầu Constantinople là Bartholomew I.
Qua bản văn này, vị thượng phụ Chính Thống đã viết rằng ngài hy vọng tác phẩm của Giáo Hoàng sẽ làm gia tăng vấn đề đối thoại giữa các giáo hội trong “niềm hy vọng của việc thắng vượt dứt khoát cuộc chia rẽ qua nhiều thế kỷ” và “hai Giáo Hội và tín hữu của hai giáo hội này có thể được liên kết, chẳng những về bác ái mà còn về niềm tin và các bí tích”.
Có 42 vị chủ biên trên thế giới đã đồng ý muốn xuất bản tác phẩm này, và 30 bản dịch sang các ngôn ngữ khác đang được thực hiện.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/5/2007
Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
(tiếp 24 Thứ Năm và 23 Thứ Tư)
Tình Hình của Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh và Caribbean ra sao?
Nói đến chung Mỹ Châu, người ta chẳng những nghĩ tới một tân châu lục (từ thế kỷ 16) mà còn nghĩ tới một Âu Châu nới rộng, vì dân chúng ở vùng tân thế giới này nói tiếng Âu Châu (ở Nam Mỹ có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và ở Bắc Mỹ có Pháp và Anh) và có thể nói là toàn tòng Kitô Giáo, như bên Âu Châu. Nói đến riêng Mỹ Châu La Tinh, tức ngoại trừ Hoa Kỳ và Gia Nã Đại ở Bắc Mỹ, người ta chẳng những nghĩ tới một vùng đất hầu như toàn tòng Công Giáo mà còn gồm toàn là những quốc gia nghèo, ít là so với Bắc Mỹ. Và vì tình trạng xã hội nghèo khổ ở vùng đất này mới nẩy sinh hai hiện tượng đặc biệt, đó là hiện tượng Thần Học Giải Phóng từ thập niên 1970, và hiện tượng dụ giáo đã thu hút được rất đông Kitô hữu Công Giáo bỏ Giáo Hội.
Vị giám đốc của Đài Phát Thanh Vatican đặc trách chương trình tiếng nói Ba Tây là Silvanei José Protz đã cho mạng điện toán toàn cầu Zenit đã công nhận tình hình Mỹ Châu La Tinh bao gồm những vấn đề như “nghèo khổ, những phong trào mới, các giáo phái, việc bênh vực sự sống, gia đình và giới trẻ”.
Trước hết, về vấn đề thần học giải phóng, sáng Thứ Tư, 14/3/2007, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã phổ biến một Thông Báo liên quan tới một số tác phẩm của linh mục Jon Sobrino, S.J. Theo bản thông báo này, thì những tác phẩm ấy ‘chứa đựng những đề xuất sai lầm hay nguy hại và có thể gây hại cho tín hữu’. Bản Thông Báo viết: “Cha Sobrino bày tỏ mối bận tâm đối với thành phần nghèo khổ và bị áp bức, nhất là ở Mỹ Châu Latinh. Mối bận tâm này chắc chắn cũng là mối bận tâm của toàn thể Giáo Hội”. Thế nhưng, sau khi trình bày chủ trương của Giáo Hội về thần học giải phóng qua các văn kiện được chính Thánh Bộ này phổ biến, Bản Thông Báo đã nhận định và khẳng định vấn đề như sau:
“Sau cuộc xem xét sơ khởi về các cuốn sách 'Jesucristo liberador. Lectura histórico-teológica de Jesús de Nazaret’ (Chúa Giêsu Vị Giải Phóng) và ‘La fe en Jesucristo. Ensayo desde las victimas’ (Đức Kitô Vị Giải Phóng) của Cha Jon Sobrino, S. J., Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vì thấy một số những mờ hồ thiếu chính xác và sai lầm trong những cuốn sách này, đã quyết định tiến hành một cuộc tìm hiểu thấu đáo những cuốn sách ấy vào tháng 10/2001. Vì những cuốn sách này được phổ biến rộng rãi và được sử dụng trong các chủng viện cũng như trong các trung tâm học hỏi khác, nhất là ở Mỹ Châu Latinh, mới có quyết định sử dụng ‘việc khảo sát khẩn trương’ được qui định trong các khoản 23-27 của ‘Agendi Ratio in Doctrinarum Examine’.
“Kết quả của việc xem xét này, vào tháng 7/2004, một bản liệt kê những tư tưởng sai lầm hay nguy hiểm, trong các cuốn sách được đề cập tới trên đây, được gửi đến cho tác giả qua Cha Peter Hans Kolvenbach, SJ, Tổng Bề Trên Dòng Chúa Giêsu.
“Vào Tháng 3 năm 2005, Cha Jon Sobrino đã gửi một ‘Hồi Đáp cho bản văn của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin’ cho Thánh Bộ này. Bản hồi đáp này đã được xem xét trong Khóa Họp Thường Lệ của Thánh Bộ này ngày 23/11/2005. Thánh Bộ đã nhận thấy rằng, mặc dù tác giả đã điều chỉnh tư tưởng của mình một cách nào đó ở một số điểm, bản hồi đáp vẫn không thỏa đáng, vì, tự bản chất, những sai lầm được trưng dẫn trong bản liệt kê các tư tưởng sai lầm vẫn còn trong bản liệt kê ấy”.
“Vì lý do này, Thánh Bộ quyết định phổ biến Bản Thông Báo này, để cống hiến cho tín hữu một qui chuẩn an toàn là những gì được xây dựng trên tín lý của Giáo Hội, nhờ đó họ có thể phán đoán những khẳng định được chứa đựng trong những cuốn sách ấy hay trong các ấn bản khác của tác giả này”.
“Thánh Bộ đây không có ý phán đoán những ý hướng chủ quan của tác giả, nhưng có nhiệm vụ kêu gọi chú ý đến một số những tư tưởng không hợp với tín lý của Giáo Hội. Những tư tưởng này liên quan tới: (1) những giả định phương pháp học được tác giả sử dụng để thực hiện việc chia sẻ thần học của mình, (2) Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô, (3) Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, (4) mối liên hệ giữa Chúa Giêsu Kitô và Vương Quốc của Thiên Chúa, (5) Việc Tự thức của Chúa Giêsu, và (6) giá trị cứu độ nơi Cái Chết của Người.
“Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong buổi triều kiến giành cho ĐHY Tổng Trưởng ngày 13/10/2006, đã phê chuẩn Bản Thông Báo này, bản thông báo được chấp thuẩn trong Khóa Họp Thường Lệ của Thánh Bộ này, và được truyền phải phổ biến nó ra”.
Sau nữa, về trào lưu dụ giáo hay bỏ đạo, trong cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông Miguel Ángel Pastorino, giám đốc Dịch Vụ của Uruguay Nghiên Cứu và Tham Vấn về Các Hệ Phái và Các Nhóm Tân Giáo, và là phần tử Ủy Ban Toàn Quốc của các vị Giám Mục về Đại Kết và Đối Thoại Liên Tôn, cho biết về hiện tượng tôn giáo hiện nay ở Châu Mỹ La Tinh như sau.
“Cuộc ‘đào thoát’ này của người Công Giáo vẫn tiếp tục cho tới ngày hôm nay đây. Chẳng những là một cuộc xuất hành tiến sang những dự tưởng bất khả thần thức và bí hiểm, những thứ sùng bái Phi Mỹ Châu, những thứ bán hệ phái Kitô giáo, sang khuynh hướng duy linh và sang những hệ phái “platillista” tức tin vào UFO (những vật bay bất định), mà còn là một cuộc xuất hành âm thầm trở về tình trạng lạnh lùng dửng dưng với tôn giáo, một sản phẩm của vấn đề tục hóa cao cấp ở những thành phố lớn.
“Phong trào Thánh Linh là một phong trào phát triển nhất, và không có gì cho thấy là nó bị ngừng đọng; trái lại, nó phát triển một cách cuồng loạn. Người ta đã nói đến con số gần 150 triệu tín đồ theo giáo phái Thánh Linh ở Mỹ Châu Latinh, chưa kể đến những người theo các giáo phái lịch sử khác. Các chuyên gia không ngần ngại nói về vấn đề ‘Phong Trào Thánh Linh hóa’ Mỹ Châu La Tinh. Vào năm 1996, bản kiểm điểm Concilium cho biết là đã có 400 triệu Kitô hữu theo phong trào Thánh Linh, nhưng con số này bao gồm cả thành phần đặc sủng.
“Nếu Giáo Hội đếm con số người được rửa tội và không chú ý tới vấn đề đa số họ không bảo trì Công giáo tính, thì các nhà phân tính xã hội cho biết là ở Mỹ Châu Latinh đa số là tin lành. Trong năm 2000 đã có 26% theo phong trào Thánh Linh ở Chí Lợi, 16% ở Ba Tây, 34% ở Guatemala, và tôi nghĩ rằng ngày nay con số đã vượt hẳn những con số được thống kê ấy. 81% người Uruguayan nói rằng họ tin vào Thiên Chúa; tuy nhiên phần đông họ tin “vào đường lối của mình” và đường lối thông dụng nhất của việc sống đức tin đó là đường lối “a la carte”, hay theo lời của Peter Berger, đó là “tin tưởng nhưng không thuộc về”. Như tôi đã đề cập, chỉ còn một tỷ lệ hết sức nhỏ nhoi nơi các niềm tin tôn giáo truyền thống mà thôi.
“Về lãnh vực tài chính, thị trường tin lành chuyển trên 1 tỉ Mỹ kim hằng năm và tạo ra được khoảng 2 triệu công việc. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây thì từ năm 1960, thành phần tin lành đã gấp đôi tỉ lệ hiện diện ở Paraguay, Venezuela, Panama và Haiti; họ tăng gấp ba ở Argentina, Nicaragua và Cộng Hòa Dominican, cũng như tằng gấp 4 lần ở Brazil và Puerto Rico. Họ tăng gấp 6 lần ở Colombia và Eduador, tăng gấp bảy ở Guatemala. Ở Uruguay, có nhiều Kitô hữu chỉ mang danh vậy thôi, vì 54% nói rằng họ là người Công giáo, nhưng chỉ có 2.3% tham dự Thánh Lễ; và trong số những người tham dự Thánh Lễ không phải tất cả đều dấn thân sống đức tin của Giáo Hội và cho việc truyền giáo của Giáo Hội.
Để trả lời cho câu hỏi “đâu là Những nguyên nhân chính yếu về cuộc xuất hành này?”, ông Miguel Ángel Pastorino đã cho biết nhận định của mình như sau:
“Mặc dù có nhiều nguyên do về lãnh vực ngoại tại của các Giáo Hội lịch sử, mà đa số những nguyên do này thuộc về lãnh vực văn hóa xã hội, tôi nghĩ rằng lý do không kém phần quan trọng là những gì được Đức Gioan Phaolô II gọi là ‘khoảng trống mục vụ’ (pastoral vacuum), tức là tình trạng thiếu hăng say chăm sóc về phần thiêng liêng đạo đức và thiếu huấn luyện tín lý vững chắc về phía Giáo Hội Công Giáo, cũng như của các giáo hội Thệ Phản lịch sử khác là những giáo hội cũng đang suy giảm tín hữu cùng một cách như thế.
“Sau Công Đồng Chung Vaticanô II, nơi môi trường của chúng ta, hoạt động mục vụ bình thường thiên về các tiến trình cá nhân và khía cạnh xã hội, bỏ bê hai khía cạnh nống cốt của kinh nghiệm tôn giáo, đó là chiều kích tu đức và tín lý, do đó đã để cả một lỗ hổng cho những giải đáp ‘thay thế khác’ thừa thắng xông lên. Việc lơ là bỏ bê này, cùng với việc truyền bá phúc âm hóa nông nổi sơ sài không nhấn mạnh đến căn tính Kitô giáo nhiều lắm, đã đi đến chỗ làm loãng mất căn tính Công giáo, biến nó thành những thứ dấn thân về luân lý hay những thực hành theo bí tích mà thôi.
“Một khi Giáo Hội hòa hợp mình với tính cách tân tiến và đức tin của Giáo Hội hòa hợp với lý trí và với tiến bộ, thì thế giới tân tiến với tất cả những thứ hoang đường của nó cùng với các thần linh trần tục của nó đang bị sụp đổ. Bởi thế mà con người nam nữ ngày nay, thành phần bị mệt mỏi bởi những cơ cấu tân tiến, bởi cái quan liêu, bởi lý trí, và bởi kiệt lực trước quá nhiều những dự phóng không tưởng, mới đang tìm kiếm cảm nghiệm, thần bí, một thứ tâm linh cảm xúc; họ không còn hào hứng với ‘những thứ lý lẽ’ mà là vào ‘cái sống động’, họ không quan tâm gì tới ‘tín lý’ nữa mà là tới ‘thành quả’.
“Về vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II đã nói vào năm 1992 rằng: ‘Cũng có thể xẩy ra là tín hữu không tìm thấy nơi các tác nhân mục vụ cái cảm quan mạnh mẽ về Thiên Chúa là những gì cần phải được truyền đạt nơi đời sống của thành phần tác nhân ấy’. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đức tin và linh đạo nơi nhiều phần của các giáo hội lịch sử là một trong những nguyên do chính cho cuộc xuất hành hàng loạt theo các hệ phái – hay theo khuynh hướng lạnh lùng dửng dưng khô đạo – nhưng không theo những gì phi tôn giáo”.
Trên máy bay từ Rôma sang Ba Tây, Đức Thánh Cha cũng đã trả lời cho thành phần phóng viên báo chí phỏng vấn về hai vấn đề thần học giải phóng và phong trào dụ giáo này như sau:
Về thần học giải phóng: “Với tình hình thay đổi về chính trị, chủ trương của thần học giải phóng cũng hoàn toàn khác đi. Hiển nhiên là những hình thức ngây ngô của chủ nghĩa ngàn năm hứa hẹn những điều kiện cấp thời và thực sự về một cuộc sống chân chính là những gì sai lầm. Bởi vậy vấn đề ở đây là Giáo Hội phải làm thế nào để hiện diện nơi cuộc tranh đấu này và những cuộc canh tân cải cách cần thiết để bảo đảm những điều kiện của công lý. Chính ở nơi vấn đề này mà các thần học gia chia rẽ nhau”.
Về vấn đề lan tràn của các thứ giáo phái ở Mỹ Châu La Tinh, ngài cho biết là “chúng là dấu hiệu cho thấy dân chúng khát khao Thiên Chúa. Giáo Hội cần phải đáp lại nhu cầu này bằng một dự án cụ thể hơn, với ý thức rằng, ngoài việc loan báo sứ điệp Kitô Giáo, cần phải giúp làm sao để giúp cho dân chúng đạt được những điều kiện sống chính đáng nữa”.
(còn tiếp)
ĐTC Biển Đức XVI với Khoa Học: "Chính vũ trụ được kết cấu một cách khôn ngoan sáng suốt, vì thế mới có một sự tương ứng sâu xa giữa lý trí chủ quan của chúng ta và lý tính khách quan của thiên nhiên”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
(tiếp 24 Thứ Năm và 23 Thứ Tư)
Huấn Từ cho Công Nghị Toàn Ý Quốc Về Giáo Hội Lần 4 ở Trung Tâm Triển Lãm Verona 19/10/2006
Quả thực, Kitô giáo là những gì cởi mở đối với tất cả mọi người ở các nền văn hóa cũng như ở một xã hội công bằng, chân thực và tinh tuyền, đối với tất cả những gì làm hân hoan, an ủi và kiên cường cuộc sống của chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philliphê đã nói: “Những gì là chân thật, những gì là cao quý, những gì là chính trực, những gì là tinh tuyền, những gì là đáng yêu, những gì là nhân ái, nếu có những gì là hảo hạng, những gì đáng ca ngợi, thì anh em hãy nghĩ tới những điều ấy” (4,8).
Bởi thế, các môn đệ của Đức Kitô nhận ra và hân hoan đón nhận các thứ giá trị đích thực nơi văn hóa của thời đại chúng ta, ví dụ kiến thức khoa học và sự phát triển kỹ thuật, nhân quyền, tự do tôn giáo, và dân chủ. Tuy nhiên, họ không bỏ qua hay coi thường tính cách mềm yếu nguy hiểm nơi bản tính của con người vốn là một mối đe dọa cho sự tiến bộ của nhân loại trong hết mọi môi trường lịch sử; đặc biệt là họ không lơ là với những căng thẳng và mâu thuẫn nội tâm của thời đại chúng ta.
Vì thế, việc truyền bá phúc âm hóa không bao giờ chỉ là một thứ thuần túy thích nghi với văn hóa, nhưng bao giờ cũng là một cuộc thanh tẩy, một cuộc can đảm tách biệt giúp trưởng thành và chữa lành, một sự cởi mở làm nẩy sinh một “tạo vật mới” (II Cor 5,17; Gal 6,15) là hoa quả của Chúa Thánh Thần.
Như tôi đã viết trong Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, ở cốt lõi của việc làm người Kitô hữu – và do đó ở cốt lõi của việc chúng ta làm chứng với tư cách là thành phần tín hữu – không có vấn đề về việc quyết định theo đạo lý hay vấn đề có những ý tưởng hay ho, mà là vấn đề của cuộc gặp gỡ Con Người Giêsu Kitô, “Đấng cống hiến cho cuộc sống một chân trời mới và một đường hướng nhất định” (số 1).
Kết quả của sự gặp gỡ này cũng được biểu lộ một cách kỳ lạ và mới mẻ nơi môi trường nhân bản và văn hóa thực tiễn, nhất là trong mối tương quan với lý trí là cái mang lại sức sống cho khoa học hiện đại và các thứ kỹ thuật liên hệ. Thực vậy, một đặc điểm chính yếu của kỹ thuật đó là việc sử dụng một cách có phương pháp các thứ dụng cụ theo toán học để có thể hoạt động với thiên nhiên trong việc khai thác các năng lực lớn lao cho việc phục vụ của chúng ta.
Như thế, toán học là những gì do trí óc của chúng ta tạo nên: sự tương ứng giữa cấu trúc của nó với các cấu trúc thực sự trong vũ trụ – một tương ứng là những gì giả định của tất cả mọi phát triển của khoa học và kỹ thuật hiện đại, đã được Galileo Galilei công thức hóa một cách rõ ràng bằng một câu khẳng định nổi tiếng là cuốn sách thiên nhiên được biết bằng ngôn ngữ toán học – khiến chúng ta phải khâm phục và suy nghĩ nhiều.
Thực vậy, nó hàm ý rằng chính vũ trụ được kết cấu một cách khôn ngoan sáng suốt, vì thế mới có một sự tương ứng sâu xa giữa lý trí chủ quan của chúng ta và lý tính khách quan của thiên nhiên.
Bởi vậy chúng ta không thể không tự hỏi mình rằng phải chăng không có một lý trí nguyên thủy duy nhất là nguồn mạch chung cho cả hai thứ lý trí trên đây hay sao.
Vì thế, chính việc suy tư về vấn đề phát triển khoa học đưa chúng ta đến với Lời Hóa Công. Khuynh hướng lấy làm chính yếu tính cách vô tri, ngẫu nhiên tình cờ, và sự tất yếu là những gì đang bị lật đổ, cũng là những gì dẫn lý trí của chúng ta và quyền tự do của chúng ta về với vấn đề phát triển khoa học đưa chúng ta đến với Lời Hóa Công. Dựa vào những cơ sở ấy, lãnh vực về tính cách hữu lý của chúng ta lại có thể được nới rộng, có thể tái mở ra cho nó những vấn nạn bao rộng hơn về sự thật và sự thiện, có thể nối kết thần học, triết học và khoa học với nhau, trong sự hoàn toàn tôn trọng các phương pháp hợp với chúng, cũng như hợp với tính cách độc lập hỗ tương của chúng, nhưng đồng thời cũng nhận thức được mối hiệp nhất nội tại liên kết chúng lại với nhau.
(còn tiếp)