SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXIV Thường Niên Năm A và Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật

 

 Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9

"Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha".

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Ðáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Cho vay nợ ăn lời Lòng Thương Xót Chúa: 100 bạc lời 10 ngàn nén bạc


Có thể nói nội dung và ý nghĩa của tất cả phần Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm A hôm nay ở ngay câu mở đầu cho bài Đọc 2: "không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình". Tại sao thế? Tại vì, chúng ta được Thiên Chúa thương xót thì cũng phải thương xót như Ngài, đúng như Lời Chúa Kitô nhắc nhở và khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?"

Thật vậy, nếu Kitô hữu nhận biết mình là một tạo vật vô cùng hèn hạ và khốn nạn, lại còn tội lỗi đáng bị trừng phạt hơn là được tưởng thưởng, vì họ lập công thì ít lại hiếm mà phạm tội thì nhiều và liên lỉ, và tội lỗi họ phạm đến Thiên Chúa là Đấng vô cùng là một món nợ không thể nào tự mình họ có thể thanh toán nổi và bù đắp cho cân xứng, chẳng khác gì như trường hợp được Chúa Giêsu nhắc đến trong Bài Phúc Âm hôm nay: "một người mắc nợ mười ngàn nén bạc... không có gì trả", cho dù có đánh đổi chính bản thân họ cùng với những gì yêu quí nhất của họ: "bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", họ cũng không thể trả hết nợ.

Tuy nhiên, theo phép công bằng con nợ vẫn phải làm sao để trả cho bằng được một khi bị chủ nợ đòi, nếu chưa trả nợ được ngay và hết thì ít là xin chủ nợ cho khất nợ, như Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Lạ lùng thay, chỉ cần một lời van xin khất nợ như thế, chứ không phải xin tha nợ, mà chủ nợ lại quá bao dung rộng lượng đến độ chẳng những không để cho con nợ khất nợ mà còn tha ngay cho con nợ món nợ kếch sù bất khả thanh toán của con nợ nữa.

Thế mà, tấm lòng vô cùng nhân hậu và bao dung tha thứ của chủ nợ lại trở thành vô giá trị và bất tác dụng nơi con nợ bất khả trả nợ nhưng đã được tha bổng nợ nần ấy. Ở chỗ, con nợ chỉ biết hưởng thụ lòng thương xót của chủ nợ mà không phục vụ là thương xót anh chị em phạm đến họ. Trong khi họ là loài người thì những ai phạm đến họ cũng là loài người như họ cũng chẳng đáng là bao, chỉ đáng "một trăm bạc", so với "mười ngàn nén bạc" mà họ nợ chủ nợ của họ.

Ấy thế mà, con nợ được chủ nợ vô cùng bao dung tha cho đã quá ư là hung bạo "tóm lấy, bóp cổ", đòi phải trả nợ cho hắn ngay lập tức tất cả số nợ nhỏ mọn ấy: "Mày phải trả nợ cho tao", cho dù con nợ đáng thương của hắn cũng tỏ ra cùng một cử chỉ "sấp mình dưới chân và van lơn" và cùng một câu nói giống hệt như hắn đã tỏ ra với vị chủ nợ nhân hậu của hắn: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh".

Trong khi hắn chỉ khất nợ mà được chủ nợ tha hết nợ cho thì đối với con nợ của mình, cho dù cũng xin khất nợ với hắn để từ từ trả cho hắn, chứ không quịt nợ hắn hay xin hắn tha nợ cho, thì hắn lại bất chấp, không chịu, trái lại, hắn còn "bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong". Kitô hữu nào chấp nhất anh chị em mình, thì cũng giam nhốt anh chị em của mình trong lòng mình, bởi thế họ lúc nào cũng mới cảm thấy nặng mình, khó chịu, cho đến khi họ tha thứ cho anh chị em họ, lúc họ, họ nhẹ mình hơn lúc nào hết.

Như thế, những ai nhỏ mọn chấp nhất anh chị em phạm đến mình, không chịu tự động tha cho con nợ của mình, nghĩa là, theo tinh thần của Chúa Kitô, nạn nhân phải làm hòa với phạm nhân, thì chẳng những họ nhốt anh chị em mình trong lòng họ mà còn nhốt chính họ ở trong đó nữa, đúng như lời Chúa Giêsu cảnh báo họ:

"Vậy, vào lúc các con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em phạm đến các con, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Các con hãy mau mau dàn xếp với đối phương (ám chỉ với con nợ của mình bằng việc làm hòa trước), khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công (ám chỉ khi còn sống, trước khi chết và ra tòa phán xét của Thiên Chúa), kẻo người ấy nộp các con cho quan tòa (ám chỉ cho Lòng Thương Xót Chúa đã thương họ là con nợ tội nhân đã phạm đến Ngài), quan tòa lại giao các con cho thuộc hạ (ám chỉ luật công bằng một khi được Chúa là chủ nợ của mình thương thì cũng phải biết thương con nợ của mình), và các con sẽ bị tống ngục (ám chỉ bị nhốt trong ngục thất của lòng vị kỷ bé mọn hẹp hòi chấp nhất của mình). Thầy bảo thật cho các con biết: các con sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng (ám chỉ việc chủ nợ hoàn toàn tha nợ cho con nợ của mình, không chấp nhất con nợ của mình một tí gì nữa, dù con nợ ấy không xin mình tha cho và đã cố tình xúc phạm đến mình)". (Mathêu 5:23-26).

"Người ấy nộp các con cho quan tòa, quan tòa lại giao các con cho thuộc hạ, và các con sẽ bị tống ngục" quả thực đã xẩy ra đúng như thế, như cho "tên đầy tớ độc ác" trong dụ ngôn được Chúa Kitô nói đến ở phần cuối của Bài Phúc Âm hôm nay. Ở chỗ: tuy con nợ của "tên đầy tớ độc ác" này không trực tiếp đích thân nộp hắn "cho quan tòa", nhưng hoàn cảnh đáng thương của con nợ ấy đã được trình lên chủ nợ của "tên đầy tớ độc ác" ấy biết: "Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện". Nên "tên đầy tớ độc ác" này đã bị chủ nợ là "quan tòa lại giao các con cho thuộc hạ": "Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ".

đây, chúng ta thấy 2 chi tiết cuối cùng hơi khác: 1- trong khi "tên đầy tớ độc ác" "bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong", thì chủ nợ của hắn lại không tống hắn vào ngục, mà chỉ "trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ". Vì Lòng Thương Xót Chúa không giam nhốt ai bao giờ, dù họ xấu xa gian ác mấy chăng nữa, như tấm lòng hẹp hòi chấp nhất của loài người thích giam nhốt các con nợ của mình; 2- Tuy nhiên con nợ bất công ấy lại bị chủ nợ thay vì nhốt vào ngục thì "trao y cho lý hình hành hạ", nghĩa là bắt con nợ "độc ác" ấy bị công lý của Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu xót thương "hành hạ": "Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi chứ?"

Trường hợp của "tên đầy tớ độc ác" trong dụ ngôn tha nợ của Bài Phúc Âm hôm nay quả thực đã ứng nghiệm lời Sách Huấn Ca ở Bài Đọc 1 cùng ngày: "Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó....". Thế nhưng, muốn tha thứ và không báo oán nhau, Sách Huấn Ca đã khuyên dạy như thế này: "Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác". Nghĩa là hãy nhớ rằng mình cũng là con nợ và đã được Thiên Chúa thương xót thế nào thì cũng phải thương nhau như vậy, bằng không, chúng ta vẫn con nặng nợ Thiên Chúa nếu chúng ta cứ nằng nặc bắt nợ nhau cho đến cùng: "Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Tại sao con nợ ""độc ác" quá ngu xuẩn dại dột đến như thế, ở chỗ chỉ mất có 100 bạc để đánh đổi chiếm được cả 10 ngàn nén bạc, không chịu, để rồi, chỉ vì lòng tham vô đáy, chẳng những muốn hoan hưởng 10 ngàn bạc khổng lồ mà còn cả 100 bạc nhỏ mọn nữa, nên mới mất cả chì lẫn chài. Phải nói là thảm thương và đáng thương. Nguyên nhân sâu xa chỉ vì con nợ này chưa thật sự cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa, được thương nhưng vẫn không thấy được cái giá trị vô cùng cao quí của Lòng Thương Xót, như cảm nghiệm thần linh về Vị "Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân" (Câu Họa Đáp Ca Chúa Nhật này) được Thánh Vịnh gia bày tỏ trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

 

 

Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 2, 1-8

"Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn mọi người được cứu độ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó Mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý.

Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 27, 2. 7. 8-9

Ðáp: Chúc tụng Chúa, bởi Ngài đã nghe tiếng tôi van nài (c. 6).

Xướng: 1) Xin nghe tiếng con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của Ngài. - Ðáp.

2) Chúa là mãnh lực và là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài. - Ðáp.

3) Chúa là mãnh lực của dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 18

Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 1-10

"Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm".

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Bài Ðọc I: 1Tim 2:1-8
Ðáp Ca: Tv 28: 2,7,8-9
Phúc Âm: Lc 7:1-10 


 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

 

Một thẩm quyền ngoại bang đế quốc nhập nhiễm văn hóa Do Thái giáo

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên hôm nay là bài tiếp ngay sau Bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, tức ngay sau bài giảng về việc sống Lòng Thương Xót như Cha trên trời.


Đó là lý do, mở đầu bài Phúc Âm hôm nay đã có câu móc nối một cách mạch lạc như sau: "Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Carphanaum". Qua câu mở đầu bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu huấn dụ về việc sống Lòng Thương Xót đây chẳng những trực tiếp cho thành phần tông đồ môn đệ của Người khi "ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói(Luca 6:20), mà còn cho cả dân chúng ở chung quanh các vị nữa: "Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tyro và Sidon đến để nghe Người giảng(Luca 6:17-18).


Nếu đối với các tông đồ môn đệ của mình, Chúa Giêsu chú trọng tới giáo huấn thế nào, như Người đã huấn dụ các vị ở Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi (xem Mathêu các đoạn 5-7), hay ở Loạt Dụ Ngôn về Nước Trời nhất là về ý nghĩa sâu nhiệm của một số dụ ngôn Người giải thích riêng cho các vị (xem Mathêu đoạn 13), hoặc ở Bữa Tiệc Ly (xem Gioan các đoạn 14-17), thì đối với chung dân chúng Người chú trọng đến việc chữa lành cho họ hơn, vì đó là nhu cầu của họ và đó cũng là nhu cầu tỏ mình ra của Người là Đấng Cứu Thế nơi họ nữa


Thật ra phép lạ chữa lành này của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã được bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên rồi (Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XII Thường Niên). Sở dĩ Giáo Hội muốn đọc lại câu chuyện chữa lành này có thể là vì bài Phúc Âm hôm nay được Giáo Hội chọn đọc cùng với một bài đọc Tân Ước, chứ không phải bài đọc Cựu Ước như lần trước. 


Thực vậy, trong Bài Đọc 1 hôm nay, khi viết cho người môn đệ Timôthêu của mình ở đầu bức thư thứ 2, Thánh Phaolô đã đề cập đến: 1- ý của Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, tức bao gồm cả dân ngoại nữa chứ không phải chỉ có dân Do Thái thôi, và 2- đâu là chân lý cứu độ mà con người cần phải nhận biết và chấp nhận để được cứu độ. Thánh Phaolô đã khẳng định về 2 yếu tố cứu độ then chốt này như sau:


"Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người".


Trong bài Phúc Âm hôm nay, nhân vật ngỏ ý xin Chúa Giêsu chữa lành chẳng những là một người dân ngoại mà còn là một trong "những người cầm quyền" (Bài Đọc 1)với vai trò là "một viên đại đội trưởng" (Bài Phúc Âm), nhưng lại là một viên đại đội trưởng vừa thương người vừa khiêm tốn.


Viên đại đội trưởng này thương người ở chỗ ông đã lưu tâm đến một trai đầy tớ đang hấp hối trong nhà lúc bấy giờ và đã từng giúp đỡ dân chúng đến độ được dân mến thương"Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng : 'Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta'".


Khiêm tốn ở chỗ tự cảm thấy bất xứng nên không dám đến gặp Chúa và cũng không đáng được Chúa đặt chân vào tệ xá của ông"Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: 'Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: 'Đi !' là nó đi ; bảo người kia : 'Đến !' là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : 'Làm cái này !' là nó làm". 


Đức bác ái và lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng có thẩm quyền này quả thực đã cho thấy đức tin của ông ta vào Thiên Chúa, cho dù ông thuộc thành phần dân ngoại, một đức tin chưa chắc dân Do Thái đã có, một đức tin cứu độ. Đó là lý do Chúa Giêsu đã không thể nào không hết lời khen ông ta trước mặt dân Do Thái rằng: "Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: 'Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế'. Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn".

 

 

Bởi thế, Kitô hữu chúng ta đừng khinh thường những ai là Phật giáo hay Hồi giáo, trong họ không ít người đầy lòng thành và sống chân thực cùng yêu thương bác ái hơn cả Kitô hữu nữa, thành phần Kitô hữu không ít người thật là gian dối, đầy lòng hận thù ghen ghét, tranh giành lừa đảo, làm gương mù gương xấu cho lương dân, thành phân dân chúng lương thiện đang cần những chứng từ sống động và trung thực về Chúa Kitô để họ trở về với Người là chính "Đạo".

 

 

 

Đúng thế, viên đại đội trưởng thuộc đế quốc Roma ngoại bang này, cho dù có quyền hành trên cả hơn 100 binh lính thuộc quyền và cả dân chúng trong vùng của mình, nhưng với tâm hồn bác ái yêu thương và thương cảm dân Do Thái bị đô hộ, đã nhờ đó nhập nhiễm văn hóa Do Thái giáo, ở chỗ, Do Thái giáo cho thành phần dân ngoại như ông là đồ ô uế, xấu xa tội lỗi, nên ông đã chẳng những không dám đích thân đến với Chúa Giêsu mà còn không để cho Người vào ngôi nhà bất xứng của ông nữa, nghĩa là bao gồm cả ông lẫn những gì thuộc về ông đều bất xứng bởi đời sống buông thả tội lỗi của dân ngoại chưa biết Chúa.


Đức tin cứu độ nơi viên đại đội trưởng trong bài Phúc Âm hôm nay chứng tỏ con người dân ngoại có thẩm quyền này đã hoàn toàn sống hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, ở chỗ nhận biết Ngài và Đấng Thiên Sai, như Vị Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô khẳng định trong Bài Đọc 1 hôm nay: 


"Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người".


Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa tâm tình của thành phần tin tưởng vào Chúa, cho dù những tâm tình ấy xuất phát tư riêng dân Chúa, nhưng cũng thích hợp cho cả thành phần dân ngoại như viên đại đội trưởng trong bài Phúc Âm hôm nay nữa. Vì thành phần dân Chúa đây chính yếu là ai, nếu không phải là cộng đồng "tín hữu", tức cộng đồng của những ai tin vào Ngài, bao gồm cả Dân Cựu Ước lẫn dân Tân Ước.

 

 

1- Khi con hướng về nơi cực thánh giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin Ngài nghe tiếng con khấn nguyện.


2- Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi, lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người. Tôi đã được Người thương trợ giúp, nên lòng tôi vui mừng hoan hỷ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người.


3- Chúa là sức mạnh cho dân Chúa, là thành trì cứu độ cho đấng Người đã xức dầu tấn phong. Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài, trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả, dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.


Thứ Ba

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 1-13

"Vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không ai trách cứ được: các vị phụ tá cũng vậy, phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Ðây là lời chân thật: Nếu ai ao ước chức chủ tịch giáo đoàn, thì đó là ước ao một nhiệm vụ tốt đẹp. Vậy vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không có ai trách cứ được, người chỉ kết hôn một lần, ăn ở tiết độ, khôn ngoan, thanh lịch, đoan trang, hiếu khách, biết giảng dạy, không mê rượu chè, không gây gỗ, nhưng hoà nhã: không cạnh tranh, không tham lam, nhưng biết cai quản gia đình mình, dạy con cái biết vâng phục và tiết hạnh. Nếu ai không biết cai quản gia đình mình, thì làm sao coi sóc được cộng đoàn Thiên Chúa? Vị chủ tịch giáo đoàn không phải là tân tòng, kẻo cậy mình kiêu căng mà sa vào án phạt của ma quỷ. Người phải có tiếng tốt nơi người ngoại, kẻo bị ô danh và sa lưới ma quỷ.

Cũng thế, những người phụ tá phải đoan trang, không ăn nói nước đôi, không nghiện rượu, không tìm lợi cách đê tiện, nhưng phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm thanh sạch. Những kẻ ấy phải được thử thách trước, rồi nếu không có gì đáng trách, thì mới được phục vụ. Người phụ nữ cũng vậy, phải đoan trang, không nói hành, phải tiết độ và trung tín trong mọi sự. Các vị phụ tá phải là người chỉ kết hôn một lần: biết coi sóc con cái và nhà cửa mình. Vì những phụ tá khi thi hành đứng đắn chức vụ, sẽ được lên bậc cao trọng và sẽ đầy hiên ngang trong lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 100, 1-2ab. 2cd-3ab. 5. 6

Ðáp: Con sẽ sống theo lòng vô tội (c. 2b).

Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương và đức công minh, lạy Chúa, con sẽ đàn hát mừng Ngài. Con sẽ tiến thân trên đường liêm khiết, khi nào Chúa sẽ đến viếng thăm con? - Ðáp.

2) Con sẽ sống theo lòng vô tội trong nơi cung thất của con. Con sẽ không để bày ra trước mắt một chút chuyện chi gian trá. - Ðáp.

3) Ai bí mật nói xấu người lân cận, con sẽ tiêu diệt thứ người này. Hạng người mắt nhìn cao và lòng kiêu hãnh, hạng người đó con cũng không dung. - Ðáp.

4) Mắt con theo dõi những người trung thành trong đất nước, để họ cùng được cư ngụ với con. Ai sinh sống theo đường liêm khiết, con người đó sẽ được hầu hạ con. - Ðáp. 

 

Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 11-17

"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Ðó là lời Chúa.

 

Bài Ðọc I: 1Tim 3:1-13
Ðáp Ca: Tv 101: 1b-2ab,2cd-3ab,5,6
Phúc Âm: Lc 7:11-17

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Bà mẹ góa đi chôn đứa con trai duy nhất trong tâm trí Chúa Giêsu bấy giờ là ai?

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tỏ mình ra qua phép lạ Người hồi sinh đứa con trai duy nhất của bà góa thành Nain nhờ đó Người được dân chúng nhận biết:

 

"Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: 'Bà đừng khóc nữa!' Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: 'Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!' Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: 'Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người'. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận".

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, bình thường, nhất là theo chiều hưóng của Phúc Âm Nhất Lãm, Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy có đức tin nơi con người ta nói chung và nơi thỉnh nguyện nhân nói riêng. Nhưng ở trong trường hợp của bài Phúc Âm hôm nay, phép lạ hồi sinh Người làm cho cậu con trai của bà mẹ góa hoàn toàn do Người tự ý, chứ bà mẹ của người chết không hề ngỏ ý xin hay tỏ đức tin gì hết. 

 

Xét cho cùng thì dù Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy đức tin nơi con người hay tự làm phép lạ cả hai đều để tỏ mình ra. Theo Phúc Âm của Thánh ký Gioan thì thường Người tỏ mình ra để cho con người nói chung và môn đệ của Người nói riêng tin vào Người. Bởi vì, Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12). Mà ánh sáng không chiếu soi không còn là ánh sáng nữa. Bởi thế, Người luôn phải đi bước trước, ở chỗ tự động tỏ mình ra bằng những "dấu lạ / sign" (từ ngữ được Thánh ký Gioan sử dụng thay từ ngữ "phép lạ - micracle" được Phúc Âm Nhất Lãm sử dụng). 

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca cũng cho thấy trường hợp Chúa Giêsu tự động tỏ mình ra, qua sự kiện Người làm cho đứa con trai duy nhất của người mẹ góa hồi sinh. Thế nhưng, tại sao Người lại tự động làm phép lạ hồi sinh đứa con bà mẹ góa này, nếu không phải, như bài Phúc Âm cho biết: "Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương". 

 

Ở đây, qua câu Phúc Âm này, Thánh ký Luca, một người ngoại trở lại và viết Phúc Âm cho dân ngoại theo chiều hướng của Lòng Thương Xót Chúa, đã ghi nhận được cả tấm lòng đầy cảm thương của Chúa Giêsu như thế, như thể chính ngài đang có mặt vào lúc bấy giờ. Nhưng tại sao khi làm các phép lạ khác vào những lần khác không thấy vị Thánh ký này thêm một câu tương tự như thế: "Trông thấy ... Chúa chạnh lòng thương".

 

Trông thấy ai? - "Trông thấy bà", chứ không phải trông thấy quan tài của đứa con trai duy nhất của bà, thì Chúa Giêsu cảm thấy thế nào? - "chạnh lòng thương". Tại sao vậy? Thánh ký Luca đã gián tiếp trả lời ở ngay câu trước đó: "mẹ anh ta lại là một bà goá" cũng như câu sau đó Chúa Giêsu trấn an thông cảm với bà, một cử chỉ hiếm quí hầu như Người chưa làm với ai bao giờ: "Bà đừng khóc nữa!"

 

Phải chăng Chúa Giêsu "trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương" và tỏ ra cử chỉ hết sức đặc biệt với người mẹ góa này bằng lời an ủi trấn an: "Bà đừng khóc nữa!", là vì bấy giờ cảnh tượng người mẹ góa đưa xác đứa con trai duy nhất của bà đã gợi lên nơi Người hình ảnh về Mẹ của Người, người mẹ góa có một người con trai duy nhất là Người, trong tương lai, cũng trải qua hoàn cảnh y như của bà goá thành Nain này, khi Người là con trai duy nhất của Mẹ qua đời ở Sọ Trường trên Đồi Canvê? Nếu đúng như thế thì phép lạ Người hồi sinh cho đứa con ttrai của bà mẹ góa thành Nain này là dấu tiên báo về Người Mẹ Đồng Công của Người trong cuộc Vượt Qua với Người vậy

 

(Không ngờ bài Phúc Âm hôm nay, trong chu kỳ phụng vụ Năm B, lại rất thích hợp với Lễ Mẹ Đau Thương 15/9/2015, nếu đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan 19:25-27 về sự kiện Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu Con Mẹ).

 

Sự kiện Chúa Kitô là Vị Mục Tử Nhân Lành "chạnh lòng thương", thương từng con chiên của mình, nhất là những con chiên bị thương tích trong tâm hồn, như thương người mẹ góa trước cái chết của người con trai duy nhất trong bài Phúc Âm hôm nay, cần phải trở thành mô phạm trọn lành và tối cao cho thành phần mục tử được Người tuyển chọn làm môn đệ tông đồ của Người cũng như thành phần thừa kế các vị. 

 

Đó là lý do Thánh Phaolô đã căn dặn môn đệ Timôthêu của ngài trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay về điều kiện tối thiểu về thành phần đảm nhận trách nhiệm giám mục và linh mục để thừa kế các tông đồ phục vụ cộng đồng dân Chúa, những điều kiện căn bản (liên quan đến nhân cách, gia đình và uy tín) mà nếu không hội đủ không thể nào phản ảnh một Chúa Kitô "chạnh lòng thương" trong bài Phúc Âm hôm nay. Nguyên văn những gì ngài viết như sau:

 

Về vai trò giám mục: "Đây là lời đáng tin cậy : ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp. Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy; người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được? Người ấy không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. Người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt, kẻo bị sỉ nhục và sa vào cạm bẫy ma quỷ".

 

Về vai trò linh mục: "Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại... Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt...".

 

Bài Đáp Ca hôm nay phản ảnh nội dung của Bài Đọc 1 hôm nay liên quan đến tâm tình, tinh thần và tu đức của thành phần giám mục và linh mục gương mẫu để phục vụ cộng đồng dân Chúa.  


1- Lạy Chúa, con xin ca ngợi tình thương và công lý: con đàn hát kính Ngài. Con nguyện chủ tâm theo đường hoàn hảo, bao giờ Ngài mới đến cùng con? Con sẽ sống theo lòng thuần khiết ở trong cửa trong nhà.

 

2- Việc xấu xa đê tiện, con chẳng để mắt trông. Con ghét kẻ làm điều tà vạy, không để cho dính dáng đến mình.  


3- Ai nói chùng nói lén, là con sẽ diệt trừ. Con mắt khinh người, lòng dạ kiêu căng: những bọn đó, không khi nào con chịu.

 

4- Con để mắt kiếm người hiền trong xứ, cho họ được ở gần. Ai sống đời hoàn hảo, sẽ là người được phục vụ con.


Ngày 19: Thánh Januariô, Giám Mục tử đạo

Thánh Januariô sinh năm 270 tại nước Ý. Năm 320 thụ phong linh mục và sau đó ít lâu lại được bầu làm Giám Mục Bénévent. Ðó cũng là lúc hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximinô đang ra tay bách hại người Công Giáo. Mặc dù nhận lãnh chức vụ chủ chăn gặp lúc tình thế khó khăn, thánh nhân cũng đã đem hết lòng nhiệt thành phụng sự nước Chúa, danh tiếng ngài đồn thổi khắp nơi. Ngài cũng giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng Sardique, vì thế ngài đã trở nên như đích tấn công của kẻ thù Giáo Hội.

Cuộc bách hại Giáo Hội càng ngày càng khốc liệt hơn. Ngài thường tìm cách đi thăm viếng những người Công Giáo đang bị giam cầm để củng cố lòng tin và an ủi khích lệ họ. Ngài đến Puozzoles và bị bắt. Sau những cuộc tra tấn thật dã man, ngài bị kết án tử hình và bị ném cho thú dữ xâu xé, nhưng Chúa đã làm phép lạ tỏ tường để gìn giữ thân xác ngài toàn vẹn. Năm 305, ngài được lãnh triều thiên tử đạo tại đó.

Thánh Januariô được nhiều người tôn kính vì nhân đức và lòng nhiệt thành và nhất là vì phép lạ của máu ngài được giữ lại: máu thánh nhân được chứa trong một bình thủy tinh, thỉnh thoảng máu ấy chảy loãng ra và mang mầu đỏ tươi. Khoa học xác nhận là có đầy đủ đặc tính như máu một người sống. Lúc thường máu ấy đọng khô và đen sẫm. Hiện tượng này xảy ra mỗi năm 3 lần vào tháng Năm, tháng Chín và tháng Mười Hai và trong quá khứ đã báo trước những thiên tai khủng khiếp ở nước Ý. Phép lạ này hiện nay vẫn còn tái diễn tại nhà thờ Naples và dân chúng thành này đã nhận ngài làm thánh bổn mạng.

 


Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 14-16

"Thật lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý. Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! - Ðáp.

2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. - Ðáp.

3) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 31-35

"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.

"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

Ðó là lời Chúa.

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 14-16
Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6
Phúc Âm: Lc 7, 31-35

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Thành phần sống kiểu đạo theo "giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố"

 

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca không liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, mà cách bài Phúc Âm hôm qua 12 câu trong cùng đoạn 7, và khúc 12 câu không được Giáo Hội chọn đọc này liên quan đến vấn nạn về bản thân Chúa Giêsu được môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra với Người và Người chẳng những đã gợi chứng cho họ biết về Người mà còn chứng thực về Vị Tiền Hô của Người nữa (xem Luca 7:18-30), trong đó có câu Thánh ký Luca nhận định như sau:

 

"Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông".

 

Bởi thế, thành phần được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay chính là "những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông", Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã làm phép rửa cho cả Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế. Thế nên, thành phần vốn bị Chúa Giêsu khẳng định và khiển trách là giả hình này đã được Chúa Giêsu sánh ví trong bài Phúc Âm hôm nay như thế này:



"Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: 'Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc'. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

 

Ở đây, qua nhận định của Chúa Giêsu về thành phần biệt phái và luật sĩ này, chúng ta thấy con người phải tuân hợp với chân lý, chứ chân lý không tuân hợp với con người, không theo con người, không như ý nghĩ thiển cận và ý muốn vị kỷ của con người, cho dù chân lý có thích ứng với con người để con người dễ lĩnh hội và chấp nhận (theo chiều hướng của bài Đọc 1 hôm nay)

 

Chính vì thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái tự phụ cho rằng mình thông luật và cẩn thận tuân giữ luật lệ nhờ đó trở nên công chính hơn ai hết, nên tưởng mình là đệ nhất thiên hạ về lề luật Chúa, ai cũng phải theo như ý họ nghĩ về lề luật một cách duy luật mới được, bằng không, vẫn bị họ cho là "bị quỉ ám", dù vị ấy có là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã từng là đèn soi chiếu cho Đấng đến sau ngài được họ tìm đến trước đó để truy nguyên về Đấng Thiên Sai (xem Gioan 5:35; Gioan 1:24-27), thậm chí còn bị họ cho là "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", dù vị ấy có là Chúa Kitô, Đấng "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9).

 

Kinh nghiệm tu đức cũng cho thấy, Giáo Hội Công giáo chẳng những bị quyền bính chính trị bách hại suốt giòng lịch sử của mình ở khắp nơi, mà còn thường trở thành mục tiêu chống đối của chính nội bộ Kitô hữu Công giáo của mình nữa, bao gồm cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân, theo chiều hướng cấp tiến hay bảo thủ của họ: Giáo Hội bị coi là quá chậm chạp trước những con mắt cấp tiến, hay ngược lại Giáo Hội bị coi là phá giới trước con mắt của thành phần bảo thủ nếu Giáo Hội cần phải thích nghi những gì tùy phụ theo thời cuộc để mưu ích hơn cho phần rỗi các linh hồn. 

 

Chưa hết, thực tế phũ phàng cho thấy, theo chiều hướng canh tân cởi mở của Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt là về phụng vụ, đã xẩy ra tình trạng quá trớn bởi thành phần cấp tiến thừa thắng xông lên, Giáo Hội lại bị kêu trách là tại cởi mở, trong khi các nguyên tắc về cởi mở được Giáo Hội ấn định một cách đàng hoàng rõ ràng lại không được trung thực tuân giữ. Thế nhưng, cuối cùng mọi sự sẽ được sáng tỏ, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình". 

 

Đó là lý do Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã nhắn nhủ người môn đệ Timôthêu của ngài về cách thức phải sống làm sao cho xứng đáng trong Giáo Hội của Chúa "là cột trụ và nền tảng chân lý" như thế này:

 

"Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây cha sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý". 

 

"Nhà Thiên Chúa là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý"  đây như thế nào, Thánh Phaolô đã cho biết tiếp như sau:

 

"Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển".

Phải chăng theo ngài thì "Nhà Thiên Chúa là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý" đây chính là Nhà của "mầu nhiệm tình thương", hay nói rõ hơn, là nhà của Chúa Giêsu Kitô, vì Người là chính hiện thân của tình thương, của tình yêu vô cùng nhân hậu Thiên Chúa, "đã được tỏ hiện trong xác thịt (xem Gioan 1:14), minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần (xem Luca 4:16-21; Gioan 1:51), rao giảng cho Dân Ngoại (xem Marco 16:16), kính tin trong thế gian (xem Tông Vụ 4:12,19)siêu thăng trong vinh hiển (xem Philiphe 2:9-11)".

 

"Sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình", như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, được âm vang trong tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay: 

 

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! 

2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. 

 

3) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. 

 


Thứ Năm

 

 

Lễ Kính Thánh Mathêu 21/9

 

 

Tông Đồ Mathêu

 

ĐTC Biển Đức XVI Thứ Tư 30/8/2006 - Bài 17 trong loạt 138 bài Giáo Lý chủ đề Giáo Hội Tông Truyền

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Để tiếp tục loạt chân dung về 12 Tông Đồ, loạt chân dung được bắt đầu một ít tuần trước đây, hôm nay chúng ta suy niệm về Thánh Mathêu.

 

Phải chân nhận rằng hầu như không thể mô tả trọn vẹn hình ảnh của ngài, vì tín liệu về ngài hiếm có và không đầy đủ. Những gì chúng ta có thể làm đó là mô tả không nhiều lắm về tiểu sử của ngài nhưng những gì được Phúc Âm cống hiến cho chúng ta.

 

Ngài bao giờ cũng có tên trong danh sách 12 vị được Chúa Giêsu tuyển chọn (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13). Tên của ngài, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘tặng ân của Chúa’. Cuốn Phúc Âm đầu tiên trong sổ bộ thánh kinh là cuốn phúc âm mang tên của ngài, cho chúng ta thấy trong danh sách 12 Vị ngài có một tính chất rất đặc biệt, đó là ‘viên thu thế’ (Mt 10:3).

 

Đó là lý do ngài được đồng hóa với con người ngồi ở phòng thuế, kẻ được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người. ‘Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó Người thấy một người tên là Mathêu đang ngồi ở phòng thuế, và Người nói cùng anh rằng: ‘Hãy theo Tôi’. Và ngài đã chỗi dạy theo Người’ (Mt 9:9).

 

Thánh Marcô (x 2:13-17) và Luca (x 5:27-30) trình thuật lời kêu gọi con người ngồi ở phòng thuế, nhưng các vị gọi ngài là ‘Levi’. Việc tưởng tượng ra cảnh được diễn tả trong Phúc Âm Thánh Mathêu 9:9 cũng đủ để nhớ đến bức họa vĩ đại của Carabaggio, được giữ ở Rôma đây, nơi Thánh Đường Thánh Louis của Pháp.

 

Một chi tiết mới về thân thế của ngài được các Phúc Âm nhắc tới, đó là, trong đoạn Phúc Âm, trước trình về về lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài, có nói tới chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capernaum (x Mt 9:1-8; Mk 2:1-12), liên quan tới Hồ Tibêria, gần Biển Galilêa (x. Mk 2:13-14).

 

Người ta có thể suy diễn là Thánh Mathêu đã thực hiện nhiệm vụ của một viên thu thuế ở Capernaum, ở ngay ‘bên biển’ (Mt 4:13), nơi Chúa Giêsu là một vị khách thường xuyên của gia đình Thánh Phêrô.

 

Căn cứ vào những nhận định sơ sài từ Phúc Âm này, chúng ta có thể thực hiện một số chia sẻ như sau. Trước hết là Chúa Giêsu đã đón nhận trong nhóm bạn hữu thân thiết của mình một con người, theo quan niệm ở Do Thái thời ấy, được coi là một tội nhân công khai.

 

Thật ra Mathêu chẳng những là nhân viên quản trị về tiền bạc, một việc được coi là không tinh sạch vì nó xuất phát từ con người xa lạ với thành phần dân Chúa, mà còn hợp tác với thẩm quyền ngoại bang, tham lam bẩn thỉu, có thể ấn định việc cống nộp một cách tùy tiện.

 

Vì những lý do đó, có vài lần các Phúc Âm đã đề cập chung ‘thành phần thu thuế và tội lỗi’ (Mt 9:10; Lk 15:1), ‘thành phần thu thuế và gái điếm’ (Mt 21:31). Ngoài ra, các Phúc Âm còn thấy nơi thành phần thu thuế một mẫu gương tham lam nữa (x Mt 5:46: họ chỉ yêu thương những ai thương yêu họ) và đã đề cập đến một người trong họ là Gia Kêu, như ‘người trưởng ban thu thuế, và giầu có’ (Lk 18:11).

 

Căn cứ vào những chi tiết ấy vấn đề cần phải chú ý là Chúa Giêsu không loại trừ một ai ra khỏi tình thân hữu của Người. Hơn thế nữa, chính lúc Người ngồi ở bàn ăn trong nhà viên Thu Thuế Mathêu, trả lời những ai cảm thấy ngứa mắt trước sự kiện qui tụ thường xuyên song bất xứng của Người, Người đã tuyên bố điều quan trọng này là ‘Những ai khỏe mạnh thì không cần đến thày thuốc, chỉ có những ai yếu bệnh mới cần; Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân’ (Mk 2:17).

 

Lời loan báo tốt đẹp này của Phúc Âm thực sự là ở chỗ đó, ở chỗ Thiên Chúa cống hiến ân sủng của Ngài cho thành phần tội nhân! Ở một đoàn khác, bằng một dụ ngôn nổi tiếng về người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu thậm chí cho thấy một người thu thuế vô danh nêu gương khiêm nhượng tin tưởng vào tình thương thần linh: Trong khi người Pharisiêu ngạo nghễ về tình trạng trọn lành luân lý của mình, thì ‘người thu thuế, đứng ở đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực mà rằng: Lạy Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’

 

Và Chúa Giêsu nhận định rằng: ‘Thày cho các con biết người này về nhà được công chính chứ không phải người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’ (Lk 18:13-14).

 

Bởi thế, qua hình ảnh Mathêu, các Phúc Âm cho chúng ta thấy một cái ngược đời thực sự, đó là ai có vẻ xa vời nhất với thánh đức lại có thể trở thành một mô phạm trong việc chấp nhận lòng thương xót Chúa, giúp họ có thể thoáng thấy được những hiệu năng của lòng xót thương này nơi cuộc sống của họ.

 

Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostom đã có một nhận định đáng kể. Ngài nhận định rằng nơi trình thuật về ơn gọi thì chỉ có một vài người được kêu gọi là có liên quan tới công việc họ đang hành sự. Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã được kêu gọi khi các vị đang đánh cá; Mathêu được kêu gọi khi anh đang thu thuế.

 

Chúng là những công việc có tầm vóc không quan trọng là bao, Thánh Chrysostom nhận định: ‘không còn gì đáng ghê tởm hơn là viên thu thuế và không gì tầm thường hơn là việc đánh cá’ ("In Matth. Hom": PL 57, 363).

 

Bởi thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu cũng vươn tới cả thành phần ở tầm cấp thấp kém, thành phần làm những việc tầm thường của mình.

 

Một ý tưởng khác cũng xuất phát từ trình thuật Phúc Âm, đó là việc Mathêu tức khắc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ‘Ông đã đứng lên đi theo Người’. Lời vắn gọn của câu này nhấn mạnh đến tính cách tức khắc nơi việc Mathêu đáp lại lời kêu gọi.

 

Đối với ông thì điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi sự, nhất là một nguồn lợi tức vững chắc, mặc dù thường bất chính và bất xứng. Hiển nhiên là Mathêu hiểu rằng mối thân tình với Chúa Giêsu không cho phép anh tiếp tục những hoạt động không đẹp lòng Chúa.

 

Người ta có thể dễ dàng trực giác thấy rằng vấn đề này cũng có thể được áp dụng cho hiện nay nữa, ở chỗ, ngày nay người ta cũng không thể chấp nhận việc gắn bó với những gì bất xứng hợp với việc theo Chúa Giêsu, như những thứ giầu sang gian dối. Có lần Người đã công khai phán rằng: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán những gì mình có mà cho kẻ khó để có được nước trời; rồi hãy đến mà theo Tôi’ (Mt 19:21).

 

Đó chính là những gì Mathêu đã làm: Anh đã chỗi dậy đi theo Người! Nơi việc ‘đứng dậïy’ này người ta có thể thấy được việc ly thoát với tình trạng tội lỗi, đồng thời, thấy được cả việc ý thức gắn bó với một sự sống mới, chính trực, hiệp thông với Chúa Giêsu.

 

Sau hết, chúng ta nhớ lại rằng truyền thống của Giáo Hội sơ khai đồng ý với việc gán tác giả quyền của cuốn Phúc Âm thứ nhất cho Mathêu. Việc này được bắt đầu với Papias, vị giám mục của Gerapolis ở Phrygia, vào khoảng năm 130.

 

Vị giám mục này viết rằng: ‘Mathêu đã viết những lời của Chúa Giêsu bằng tiếng Do Thái, và mỗi người giải thích những lời ấy tuỳ họ có thể’ (in Eusebius of Caesarea, "Hist. eccl.", III, 39, 16). Sử gia Eusebius còn thêm chi tiết là: ‘Mathêu, vị trước đó đã giảng dạy cho người Do Thái, khi quyết định đi đến với cả các dân tộc khác nữa, thì đã viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình Phúc Âm ngài đã loan truyền: Nhờ đó ngài đã thay thế, bằng bản viết của mình, những gì họ, thành phần ngài lìa bỏ, bị mất mát đi bởi việc ra đi của ngài’ (Ibid., III, 24, 6).

 

Chúng ta không còn bản Phúc Âm được Thánh Mathêu viết bằng tiếng Do Thái hay Aramaic, mà là bản Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp là bản được lưu lại cho tới chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục nghe, ở một nghĩa nào đó, tiếng nói thuyết phục của người thu thuế Mathêu, vị mà khi trở thành tông đồ đã tiếp tục loan truyền cho chúng ta tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp này của Thánh Mathêu, chúng ta hãy suy niệm sứ điệp ấy luôn mãi để chúng ta có thể cương quyết dứt khoát chỗi dạy theo Chúa Giêsu.


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/8/2006

 

Phụng Vụ Lời Chúa ngày trong tuần cho năm không trùng với Lễ Kính Thánh Mathêu 21/9

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 4, 12-16

"Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: như thế con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết. Cho tới khi cha đến, con hãy chăm chú đọc sách, khuyên bảo và dạy giáo lý. Con chớ quên lãng ân sủng trong con, là ơn đã ban cho con bởi lời tiên tri cùng với việc đặt tay của bậc Lão thành. Con hãy suy ngắm những sự đó, hãy để tâm đến các việc ấy, để mọi người đều thấy rõ con đã tiến tới. Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: hãy kiên trì trong những việc ấy. Vì khi con làm như vậy, con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 7-8. 9. 10

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Ðáp.

2) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả úy! - Ðáp.

3) Ðầu sự khôn ngoan là tôn sợ Chúa, bao nhiêu người thờ Chúa đều hành động cách khôn ngoan. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 135

Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng".

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

Ðó là lời Chúa.

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 4, 12-16
Ðáp Ca: Tv 110, 7-8. 9. 10
Phúc Âm: Lc 7, 36-50

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Bất chấp tất cả... miễn là đến được với chính Đấng có thể cứu chữa mình

 

Bài Đọc 1 hôm qua có câu: "Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần, tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển", Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, một phúc âm được viết cho dân ngoại và về Lòng Thương Xót Chúa, tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua về một Chúa Kitô bị thành phần biệt phái và luật sĩ cho rằng: "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", bài Phúc Âm ghi lại một sự kiện như thể chứng thực Chúa Giêsu quả là như thế, quả là Đấng muốn đến sống gần gũi với thành phần tội lỗi để có thể cứu chuộc họ, để nhờ đó họ có thể nhận ra Lòng Thương Xót Chúa qua Người, ở nơi Người và là chính Người. 


Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Luca cho thấy Chúa Giêsu đã gần gũi với một người đàn bà hư thân mất nết, một thứ gần gũi bất khả tránh ngoài ý muốn nhưng thật cần thiết, cho dù có thể trở thành gương mù cho người khác, như đã xẩy ra ở ngay trước mắt của vị chủ nhà biệt phái, đến độ gia chủ lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến thấy cảnh tượng, mà đối với thành phần coi mình là công chính bởi thông luật và duy luật, có vẻ quái gở này:

 

"Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: 'Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!'".

 

Nếu trong dụ ngôn vẫn được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng, người cha nhân hậu trong dụ ngôn chẳng những tỏ lòng thương đứa con hoang đàng trở về mà còn thương cả đứa con cả ở nhà với ông mà lòng lại xa ông thế nào, thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những tỏ lòng thương cả đứa con hoang đàng là người phụ nữ đang hết lòng thống hối ăn năn trở về với Người mà còn tỏ lòng thương cả vị chủ nhà công chính nhưng lầm lạc đáng thương nữa. Đó là lý do trong khi gia chủ đang có tư tưởng ngờ vực về thế giá của Người là vị được ông ta trân trọng mời vào nhà và dùng bữa với ông, Chúa Giêsu đã kéo ông từ bộ óc trên đầu của ông xuống trái tim ở dưới lồng ngực của ông, bằng một dụ ngôn vấn nạn làm ông tự suy nghĩ và đã nhận định rất đúng:

 

"Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: 'Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông'. Simon thưa: 'Xin Thầy cứ nói'. 'Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?' Simon đáp: 'Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn'. Chúa Giêsu bảo ông: 'Ông đã xét đoán đúng'".

 

Thế rồi, căn cứ vào câu trả lời chính xác theo tự nhiên của vị chủ nhà, Chúa Giêsu mới áp dụng vào trường hợp của người phụ nữ tội lỗi đang đụng chạm đến Người ở ngay trước mặt ông, một con người được kể như mắc nợ nhiều hơn ông, (chứ không phải là ông công chính theo chủ quan mà ông không mắc nợ gì với Chúa nữa), một vị gia chủ tuy cảm phục Người đã mời Người đến nhà dùng bữa, (một người biệt phái hiếm thấy đối với Chúa Giêsu vẫn là cái gai chướng mắt của thành phần biệt phái và luật sĩ, dù vị chủ nhà này chưa cảm mến Người bằng nghị viên biệt phái Nicôđêmô - Gioan 3:1-2), nhưng vẫn không tỏ ra hết lòng cung kính Người và mến yêu Người như chính con nợ phụ nữ mà trong đầu của ông đang có vấn đề với Chúa, như chính Người đã vạch ra cho ông thấy trong bài Phúc Âm:

 

"Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: 'Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít'".

 

Thế rồi, trong khi chủ nhà đang bàng hoàng choáng váng bởi những nhận định rất chính xác về ông cũng như về người đàn bà tội lỗi đã có những hành động đúng như những gì vị đại khách nhắc lại và so sánh với thái độ cùng hành động của ông đối với cùng vị khách này, thì Chúa Giêsu đã phán với người đàn bà hư thân mất nết, như con nợ nhiều gấp 10 lần vị gia chủ ("hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi") rằng: "Tội con đã được tha rồi".

 

Lời Người phán truyền tha tội này không ngờ lại gây phản ứng dữ dội hơn nữa, lần này không phải chỉ riêng vị gia chủ mà bao gồm cả những khách được mời (chắc cùng thành phần biệt phái với chủ nhà) nữa. Bởi thế, "những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: 'Ông này là ai mà lại tha tội được?'". Họ nghĩ cũng đúng thôi, vì trước mắt họ thì Chúa Kitô chỉ là một nhân vật Giêsu Nazarét thuần túy, chứ chẳng phải thần thánh gì, chẳng phải là Con Thiên Chúa, chẳng phải là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền tha tội cho loài người. 

 

Tuy nhiên, trong khi con mắt duy luật và cao ngạo của thành phần biệt phái này không nhận ra vị thượng khách ở giữa họ như thế thì người phụ nữ lăng loàn tội lỗi đáng kinh tởm và xa lánh đối với họ lại nhận ra Người, Đấng có quyền tha tội lỗi cho nàng, nên nàng mới bày tỏ những cử chỉ ăn năn thống hối tuyệt vời nhưng đầy ngứa mắt như vậy, thậm chí nàng cứ đến với Người bất chấp các con mắt khinh người của nhóm khách biệt phái: "Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm...". 

 

Chính vì hành động đầy tin tưởng hết sức can đảm lạ lùng hiếm có này của người phụ nữ lạ mặt "tội lỗi trong thành" này mà cuối cùng Chúa Giêsu đã nói với nàng rằng: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an". 

 

Kinh nghiệm tu đức và mục vụ cũng cho thấy, có những tâm hồn tội lỗi lâu năm chưa xưng tội, hay đúng hơn không dám xưng tội, vì chỉ sợ cứ sa đi ngã lại, hay vì thấy mình tội lỗi chất chồng và càng chồng chất tội lỗi càng khó trở về với Chúa, thậm chí còn nản chí mất lòng tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa. 

 

Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn theo dõi và tìm kiếm từng con chiên lạc đã có cách cứu độ của Ngài. Bởi thế, vào thời điểm ấn định, trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, có những tâm hồn đã trở về với Ngài, đã xưng tội, cho dù vào trong giờ lâm tử, và sau đó họ cảm thấy họ được giải thoát và được tràn đầy bình an, một thứ bình an họ không thể nào có được khi họ đang sống trong tự do theo ý họ một cách gian ác lỗi lầm, một thứ bình an thế gian mà họ đã từng mù quáng theo đuổi và hoan hưởng không thể nào ban cho họ được (xem Gioan 14:27).

 

Bởi thế, kinh nghiệm tu đức còn cho thấy, có trở về với Chúa, có chạm đến Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải và sau đó nơi Bí Tích Thánh Thể, con người yếu đuối với có sức để sống đức tin và đứa ái, bằng không, càng ngày sẽ càng bê bối và lún sâu xuống bùn lầy tội lỗi, đến độ nếu không có phép lạ không thể nào thoát khỏi vùng lầy tội lỗi ấy nữa. Nếu người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay không dám đến gần Chúa và thậm chí dám giơ bàn tay nhơ nhớp đã từng làm đĩ chạm đến Chúa, thì chắc nàng không bao giờ có thể được thanh tẩy và thậm chí được biến đổi (như chúng ta sẽ thấy trong Bài Phúc Âm ngày mai). 

 

Theo chiều hướng của Lòng Thương Xót Chúa, như trong bài Phúc Âm hôm nay, Vị Tông Đồ Dân Ngoại, một biệt phái quá nhiệt thành với Do Thái giáo đến hung hăng với những ai sống theo đường lối mới của Kitô giáo một thời ấy, đã khuyên người môn đệ Timôthêu của mình trong Bài Đọc 1 hôm nay về tư cách phục vụ của người môn đệ này trong cộng đồng dân Chúa, một tư cách hoàn toàn tương phản với những gì thành phần thông luật và dạy luật cho dân chúng tỏ ra trong bài Phúc Âm hôm nay, một tư cách nhờ đó người môn đệ của Chúa Kitô phục vụ mới có thể cứu mình và cứu những ai được ủy thác

 

"Con thân mến, chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết. Cho tới khi cha đến, con hãy chăm chú đọc sách, khuyên bảo và dạy giáo lý. Con chớ quên lãng ân sủng trong con, là ơn đã ban cho con bởi lời tiên tri cùng với việc đặt tay của bậc Lão thành. Con hãy suy ngắm những sự đó, hãy để tâm đến các việc ấy, để mọi người đều thấy rõ con đã tiến tới. Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: hãy kiên trì trong những việc ấy. Vì khi con làm như vậy, con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con".

 

Tâm tình của người phụ nữ tội lỗi nhưng hết lòng ăn năn thống hối trong bài Phúc Âm hôm nay, cũng như đời sống cần trở thành gương mẫu phục vụ của người môn đệ Timôthêu trong Bài Đọc 1 hôm nay, đều được phản ảnh trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính.

 

2) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả úy! 

 

3) Ðầu sự khôn ngoan là tôn sợ Chúa, bao nhiêu người thờ Chúa đều hành động cách khôn ngoan. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời.

 


Thứ Sáu

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 2c-12

"Phần con, hỡi con người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy giảng dạy và khuyên nhủ những điều này. Nếu ai giảng dạy điều chi khác lạ và không thành tín nắm giữ những lời giáo huấn lành mạnh của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, và giáo lý phù hợp với đạo đức, thì người đó là kẻ mù quáng vì kiêu ngạo, không hiểu biết gì, nhưng mải mê về những chuyện bàn cãi và tranh chấp danh từ. Do đó phát sinh ra sự ghen tương, tranh chấp, lăng nhục, nghi ngờ với ác tâm, và những cuộc cãi cọ dai dẳng của những người hư hỏng tinh thần và thiếu thốn chân lý. Họ coi đạo đức là một nguồn lợi. Thực ra đạo đức là nguồn lợi lớn cho những ai biết bằng lòng với số phận mình. Bởi vì chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau.

Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 48, 6-7. 8-10. 17-18. 19-20

Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3).

Xướng: 1) Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn. - Ðáp.

2) Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết. - Ðáp.

3) Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ. - Ðáp.

4) Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: "Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu", họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 1-3

"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 2c-12
Ðáp Ca: Tv 48, 6-7. 8-10. 17-18. 19-20
Phúc Âm: Lc 8, 1-3

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Người nữ môn đệ tội lỗi của Chúa Kitô

 

Bài Phúc Âm hôm nay, mở đầu đoạn 8, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 7. Tức là, sau sự kiện Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simon mời đến dùng bữa với ông và bạn hữu của ông, ở đó Người đã tha th cho một người phụ nữ tội lỗi hết lòng ăn năn thống hối đến với Người.

 

Nếu bài Phúc Âm hôm qua, người phụ nữ lạ mặt như vô danh tiểu tốt này chỉ được Thánh ký Luca tiết lộ một chút xíu ở ngay đầu bài Phúc Âm đó là "một người đàn bà tội lỗi trong thành", thì hình như người phụ nữ tội lỗi ấy đã trở thành một (vẫn tiếp tục vô danh) trong những nữ môn đệ của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay: 

 

"Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người".

 

Phải chăng người phụ nữ tội lỗi tỏ lòng ăn năn thống hối ấy chẳng những đã từ bỏ đời sống tội lỗi mà còn dấn thân theo phục vụ Đấng đã vô cùng từ bi nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình nữa, qua chi tiết được Thánh ký Luca cho biết là: "Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám". 

 

Suy diễn này có thể đúng: người phụ nữ tội lỗi đã "đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm" và đã được Người tha thứ: "Tội lỗi con đã được tha... Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an", trong bài Phúc Âm hôm qua, chính là "Maria cũng gọi là Mađalêna" trong bài Phúc Âm hôm nay

 

Thật vậy, căn cứ vào hai chi tiết trong 2 phúc âm khác, chúng ta có thể thấy được điều này. Trước hết, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Ký đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm qua. 

 

Trong Phúc Âm của Thánh ký Marco, ở đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên được vị Thánh ký này liệt kê là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7.

 

Vậy Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, có thể là một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala (?), nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk 10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)! 

Việc trong thành phần môn đệ của Chúa Kitô có cả các nữ môn đệ đi theo Người để phục vụ Người, trong đó có Maria Mai-Đệ-Liên, cho thấy họ là những con người khôn ngoan, trổi vượt, sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian, ở chỗ, về tiêu cực không sống theo thế gian và như thế gian, và về tích cực họ sống với Chúa và cho Chúa, cả hai khía cạnh tiêu cực và tích cực này đều được chất chứa trong huấn dụ Thánh Phaolô gửi môn đệ Timôthêu của ngài trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay:

Về tiêu cực không sống theo thế gian và như thế gian: "Chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau".

Về tích cực họ sống với Chúa và cho Chúa: "Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng".

Bài Đáp Ca hôm nay phản ảnh nhận thức và tâm tình của những ai từ bỏ thế gian mà đi theo Chúa hay sống công chính trọn lành theo ý Chúa, như thành phần nữ môn đệ của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay, hay như những gì được Thánh Phaolô phác họa cho môn đệ Timôthêu của ngài trong Bài Đọc 1 hôm nay:

 

1) Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn. 

2) Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết. 

 

3) Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ. 

 

4) Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: "Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu", họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng. 


Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 13-16

"Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Ðó là lời Chúa.

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 13-16
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Phúc Âm: Lc 8, 4-15

 

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Lời Chúa cần được tung vãi khắp nơi

 

Hôm nay, Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật lại dụ ngôn người gieo giống của Chúa Giêsu khi "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu".


Hình ảnh "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu" ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay rất thích hợp với dụ ngôn người gieo giống là Chúa Giêsu qua vai trò giảng dạy của Ngài, những lời giảng dạy như hạt giống gieo vào tai, vào lòng thính giả, trong đó không phải ai cũng tiếp nhận hạt giống này như nhau, mà là khác nhau, được chính Chúa Giêsu phân loại và tóm gọn lại thành 4 hạng trong dụ ngôn của Người như sau:  

 

"Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".


Bốn hạng hay bốn loại thính giả lắng nghe lời Chúa hay đón nhận hạt giống lời Chúa này ra sao và được hạt giống lời Chúa tác dụng như thế nào nơi bản thân họ, hay nói cách khác, hạt giống lời Chúa đã sinh hoa kết trái ra sao nơi họ, tất cả đã được Chúa Giêsu dẫn giải ở phần cuối bài Phúc Âm hôm nay theo lời yêu cầu của các môn đệ:

 

"Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".


Như thế, căn cứ vào những gì được Chúa Giêsu dẫn giải, thì trình độ lãnh nhận hay thái độ lãnh nhận lời Chúa được chia ra làm 4 cấp theo tác dụng của lời Chúa, thứ tự như sau: 

 

1- "Vệ đường" - Hững hờ trong tâm linh: "Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ". Trường hợp này thường thấy nơi những con người chẳng tin tưởng gì hết, ngoài chính bản thân họ, họ chủ quan, cố chấp, thành kiến, ý riêng, hoàn toàn sống theo bản tính tự nhiên và buông thả, đến độ không cần bị cám dỗ họ cũng sa ngã, phạm tội mà không biết, mất hết ý thức tội lỗi v.v.

 

2- "Sỏi Đá" - Nông cạn trong cuộc sống: "Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui". Thường thấy xẩy ra trong các cuộc tĩnh tâm, tham dự viên rất hào hứng khi nghe giảng, vổ tay, cười lớn, thích thú, gật gù v.v. thế nhưng sau đó vẫn tiếp tục sống với những gì phản lại với lời giảng mà họ cảm thấy hay ho thấm thía nhất thời. 

 

3- "Bụi gai" - Bất ổn trong nội tâm: "Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả". Có những Kitô hữu Công giáo rất thông thuộc lời Chúa, hay lập lại Lời Chúa khi cần, nhắc nhở Lời Chúa cho kẻ khác, và sống đời cầu nguyện một cách kỹ lưỡng hằng ngày, cho tới khi hoạt động đụng chạm mới thấy trình độ thấm nhuần lời Chúa của họ tới đâu.

 

4- "Đất lành" Đáp ứng trong tin tưởng: "Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái". Mẫu gương cho thành phần "đất lành chim đậu" này không ai hơn Đệ Nhất Tạo Vật về ân sủng là Mẹ Maria, nhờ luôn suy niệm và đáp ứng lời Chúa (xem Luca 2:19,51), bởi thế Mẹ luôn đầy ân phúc và không bao giờ giảm một chút gì ân phúc nơi Mẹ, trái lại, ân phúc càng đầy nơi Mẹ, càng làm cho Mẹ nên giống Chúa hơn ai hết, đến độ Mẹ trở nên rực rỡ như mặt trời (xem Khải Huyền 12:1; Diễm Tình Ca 6:10).

 

Theo chiều hướng làm sao cho hạt giống lời Chúa tác dụng tối đa nơi bản thân mỗi người, nhất là nơi thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, Thánh Phaolô đã khuyên môn đệ Timôthêu của ngài cần phải sống trung thực với các huấn lệnh, với lời Chúa, nhờ đó Thiên Chúa mới hiển linh nơi thành phần "tín hữu" của Ngài:

 

"Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!"

 

Tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay cũng là tâm tình của những tâm hồn trở thành mảnh đất tốt tươi của Lời Chúa và cho Lời Chúa được Chúa Giêsu ám chỉ trong dụ ngôn người gieo giống ở bài Phúc Âm hôm nay

 

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

 

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

 

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. 

 

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.