THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM BÍ MẬT THƯƠNG XÓT 2019

 

HÀNH TRÌNH VIỆT NAM - HỘI NGỘ YÊU THƯƠNG

 

Hội Ngộ Yêu Thương - Cảm Nghiệm Đức Tin

Biệt tặng Nhóm TĐCTT, những tấm lòng đã đóng góp và phái đoàn TĐCTT tham gia chuyến đi

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

Chia sẻ kèm theo hình ảnh tự chụp (trừ hình được chụp)

Không ngờ, từ năm 2016 đến nay, 2019, tôi đã về Việt Nam quê hương tôi 4 năm liền: 3 lần với tính cách truyền giáo (2016-2018) và 1 lần với tính cách bác ái xã hội (2019). Lần nào tôi cũng cảm thấy có một cái gì đó bất ngờ và sâu đậm trong tôi, có thể nói là những cảm nghiệm thàn linh về Lòng Thương Xót Chúa.

Thật vậy, được thúc đẩy bởi tư tưởng một hội đoàn công giáo tiến hành không phải chỉ sinh hoạt đạo đức mà thôi, bao gồm việc hội họp, cầu nguyện, tĩnh tâm, chuyên lo cho phần rỗi và nên thánh của bản thân mình, còn cần phải take action, phải xông pha hoạt động tông đồ và truyền giáo nữa, nhất là trong thởi điểm thương xót hết sức khẩn trương hiện nay, như chính gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô đương thời của mình.

Do đó, tôi đã phát động các chuyến truyền giáo xuyên Việt và bác ái xã hội với các hội đoàn tôi được trao cho trách nhiệm phục vụ, nhất là với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT), trong hai chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt– 2016 và 2018, lần nào cũng 3 tuần lễ liền, vào Tháng 10 là tháng có tính cách truyền giáo của Giáo Hội, và lần nào cũng đến 8 giáo điểm truyền giáo khác nhau, từ Bắc vô Nam.

Chuyến truyền giáo xuyên Việt nào cũng mang lại cho tôi, cũng như cho anh chị em Tông Đồ Chúa Tình Thương tham dự một cảm nghiệm thần linh mới mẻ và sâu xa hơn về Lòng Thương Xót Chúa, đến độ danh xưng của 2 chuyến truyền giáo xuyên Việt này đã được chúng tôi gọi là Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt Niềm Vui Thương Xót I – 2016 và Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt Niềm Vui Thương Xót II – 2018.

Thật vậy, mỗi chuyến đi của Nhóm TĐCTT mới mẻ và nhỏ bé chúng tôi, chung nhóm đều cảm nghiệm thần linh thấy một cách rõ ràng bất khả chối cãi rằng:

1- Chính LTXC đã nhúng tay vào cuộc hành trình của chúng tôi: chẳng những ở chỗ LTXC ban cho mỗi chuyến đi một số quĩ truyền giáo quá lòng mong ước của chúng tôi, cho dù chúng tôi không hề gây quĩ, nhưng chỉ nhờ ý thức truyền giáo nơi mỗi người được LTXC tác động; mà còn ở chỗ LTXC đã lèo lái hường dẫn chúng tôi di theo lộ trình bất ngờ của Ngài, mang lại lợi ích t61i đa cho việc truyền giáo;

2- Riêng những ai tham gia chuyến đi, 20 anh chị em trong chuyến 2016 và 30 anh chị em trong chuyến 2028 (dự tính 40 anh chị em trong chuyến 2020), cho dù tốn kém (mỗi người phải góp 1 ngàn MK vào quĩ truyền giáo chung mới được tham gia, chưa kể tiền chi phí riêng bao gồm máy bay, chuyên chở và ăn  uống ở Việt Nam), và cho dù ngủ nghỉ gian nan khốn khó, vì không ngủ ở khách sạn, và lại bị muối cắn (dù có thuốc chống muỗi và đèn chống mỗi), thế mà vẫn hăng say, vẫn muốn đi tiếp, nếu không muốn nói là sau đó, khi tái ngộ mừng tạ ơn sau mỗi chuyến đi, anh chị em tham gia thấy nhau chẳng những không già đi hay tiều tụy hơn, mà còn trẻ trung hẳn lên. Đúng là hiện tượng bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi!

3- Cảm nghiệm mà tôi thường chia sẻ và đều được anh chị em tham gia đồng cảm đó là: ở trong những chuyến truyền giáo này, chúng ta mới gặp được một Chúa Kitô sống động đang hiện diện nơi những người anh chị em hèn mọn nhất của Người, ở những vùng sâu vùng xa, đang sống bần cùng khốn khổ, (cả căn nhà và gia tài của họ ở và có không bằng garage xe nhà mình, như ở Kontum, hay Buôn Mê Thuột, hoặc ở Tây Ninh):

(Kontum - 2016)

 

(Tây Ninh - 2018)

Hay họ có thể ở những chốn hẻo lánh đến độ hầu như không ai biết đến, (như một số nơi ở Huyện Giồng Riềng Tỉnh Kiên Giang Giáo Phận Long Xuyên);

(Giồng Riềng - 2016: xó xỉnh này quả thực là một vùng sâu vùng xa hầu như ở ngoài quĩ đạo văn minh tân tiến của loài người, chỉ có mấy căn nhà tranh vách lá và hằng ngày mò cua bắt ốc mà ăn)

Và khi nhìn thấy tận mắt một Chúa Kitô như thế nơi những người anh chị em bấn cùng khốn khổ ở ngoài lề xã hội như thế, không ít nước mắt đã tự động tuôn rơi, và tiền bạc đã tự động được móc ra tặng thêm cho từng trường hợp. Trong khi đó, bình thường, nước mắt của chúng ta cũng khó chảy ra khi nghe đọc Bài Thương Khó hay khi hôn Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, hoặc khi được kêu gọi đóng góp chung, chúng ta cũng tỏ ra lơ là như bị đặt thêm gánh nặng, hay có đóng cũng chẳng bao nhiêu!

Riêng Hành Trình Việt Nam - Hội Ngộ Yêu Thương 2 tuần lễ vào Tháng 7/2019, một hành trình ngoại lệ vì một lý do liên hệ tình nghĩa giữa nhóm với một dòng nữ mới được thành lập ở Việt Nam, nhân một biến cố trọng đại của dòng này, nhóm đã lợi dụng để biến chuyến đi có tính cách thuần ngoại giao này thành một chuyến đi có ý nghĩa và giá trị hơn nữa, bằng cách thực hiện việc viếng thăm và tặng quà cho những cơ quan bác ái xã hội, mà nhóm không chủ trương ghé qua thăm viếng và tặng quà, trong 2 chuyến truyền giáo 2016 và 2018, bởi những cơ quan bác ái xã hội này, theo kinh nghiệm và thực tế, ở những nơi dễ đến và có tiếng, những nơi được tài trợ của chính phủ, hay ít là đươc nhiều hội đoàn đạo đời biết đến và hay đến trợ giúp cách nào rồi.

Theo chương trình phác họa ngay từ đầu, thậm chí cho tới khi về tới Việt Nam, chỉ có 6 nơi được phái đoàn TĐCTT đại diện chung Nhóm nhắm tới, từng cặp một. Trước hết là 2 Trung Tâm Mồ Côi Khuyết Tật: 1 ở Nghệ An và 1 ở Quảng Bình, hoàn toàn tự túc về tài chính; sau đó tới các Làng Cùi và Trại Cùi: 1 ở Quy Hòa Qui Nhơn và 1 ở Di Linh Lâm Đồng; sau cùng tới 2 nơi về thai nhi: 1 trung tâm chăm sóc thai nhi bị bỏ rơi và 1 nghĩa trang thai nhi, cũng hoàn toàn tự túc về tài chính, cả 2 đều ở Bảo Lộc Lâm Đồng.

Tuy nhiên, LTXC còn dẫn phái đoàn đến một cặp cơ quan bác ái xã hội khác nữa, hoàn toàn ngoài dự tính, cũng có tính cách phục vụ tương tự như nhau, đó là 2 nơi phục vụ các em bị khuyết tật mà hầu hết không mồ côi, được cha mẹ tài trợ hoàn toàn hay phần nào hoặc không tí nào: trước hết, đó là Mái Ấm Khiếm Thị chăm sóc trẻ em bị mù lòa ở Đà Lạt của Các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, và thứ hai là Cơ Sở Chăm Sóc - Giáo Dục Sao Mai phục vụ Trẻ Em Bị Đao (Hội Chứng Down Syndrome) và Câm Điếc ở Nha Trang của Các Sơ Dòng Khiết Tâm Bình Cang.

Thật vậy, Nhóm TĐCTT chúng tôi, theo lịch trình Hội Ngộ Yêu Thương - Bác Ái Xã Hội, chúng tôi đã đến thăm viếng và tặng quà ở các cơ quan bác ái xã hội sau đây theo thứ tự thời gian:

1- Xế trưa Thứ Bảy ngày 6/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Trung Tâm Mồ Côi Khuyết Tật Thánh Giuse cũng gọi là 19-3 ở Nghệ An của Các Sơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Giáo Phận Vinh;

2- Chiều tối Thứ Bảy ngày 6/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Mái Ấm Hy Vọng Vincentê Quảng Bình của Các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Giáo Phận Vinh Cộng Đoàn Hướng Phương;

3- Chiều Thứ Năm 11/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Trại Cùi và Làng Cùi Quy Hòa ở Phường Ghềnh Ráng Thành Phố Qui Nhơn Tỉnh Bình Định;

4- Chiều Thứ Bảy 13/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Mái Ấm Khiếm Thị ở Đà Lạt của Các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức;

5- Sáng Chúa Nhật 14/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Làng Cùi và Trại Cùi ở Di Linh do Các Sơ Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vincent đệ Phaolô phục vụ;

 

6- Chiều Chúa Nhật 14/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Mái Ấm Tín Thác Cho Thai Nhi Mồ Côi và Nghĩa Trang Thai Nhi, cũng mang tên Tín Thác, ở Bảo Lộc của Dòng MTG GP Đà Lạt;

7- Trưa Thứ Năm 18/7/2019 - Hội Ngộ Yêu Thương với Cơ Sơ Chăm Sóc - Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai ở Nha Trang của Dòng Khiết Tâm Bình Cang.

Nếu trong 2 chuyến truyền giáo xuyên Việt 2016 và 2018, Nhóm TĐCTT chúng tôi vừa tặng quà hiện vật cho lương dân theo nhu cầu của họ, như được các vị linh mục hay nữ tu thừa sai ở địa phương cho biết và sắm sẵn cho chúng tôi, và vừa tặng hiện kim cho các vị thừa sai này để lo việc truyền giáo của các vị trong tương lai, thì trong Hành Trinh Việt Nam - Hội Ngộ Yêu Thương, chúng tôi chỉ tặng hiện kim, tùy theo nhu cầu và số người ở từng cơ quan bác ái xã hội này. Tất cả số tiền được anh chị em trong nhóm tự động đóng góp lần này là 20 ngàn MK, chúng tôi phân chia cho từng nơi một cách tương xứng theo chúng tôi cảm nhận về nhu cầu của họ.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không phải chúng tôi “cho” họ, hay “trao tặng” họ, trái lại, chúng tôi đã được chính họ, cả thành phần nạn nhân tật nguyền bất hạnh đáng thương, lẫn những tâm hồn âm thầm hy sinh phục vụ họ một cách tận tình tận nghĩa, đã tặng lại cho chúng tôi một món quà còn cao quí hơn và quan trọng hơn nhiều cho hành trình đức tin trần thế của chúng tôi nữa. Đó là tất cả cảm nghiệm thần linh chúng tôi có được, khi chúng tôi nhìn thấy chính bản thân của những con người bị tật nguyện vô cùng bất hạnh như họ, chẳng khác gì một thứ đồ bỏ trước mắt thế gian, thế mà lại được LTXC vẫn còn quan tâm chăm sóc và bù đắp cho, bằng những bàn tay ân cần phục vụ của các nữ tu chỉ biết dấn thân cho họ như phục vụ Chúa Kitô khổ nạn của mình!

Thật vậy, chúng tôi đã nhận được hai món quà thật hiếm quí từ cả những con người nạn nhân bất hạnh về thể lý lẫn những con người phục vụ họ: món quà từ những con người nạn nhân bất hạnh về thể lý đó là ý thức về những gì may lành chúng tôi nhưng không có được để càng biết ơn Thiên Chúa hơn và sống xứng đáng hơn nữa với những gì Ngài ban, và món quà từ những con người phục vụ họ đó là một tinh thần phục vụ hơn là khuynh hướng hưởng thụ, là việc cho đi hay chia sẻ tất cả những gì may lành mình có được hơn người, để bù đắp phần nào những thiếu hụt nơi những con người bất hạnh hơn mình.

Nhìn thấy các em bị bại não (celebral palsy) co quắp nằm ngồi trên giường tại Trung Tâm Khuyết Tật Thánh Giuse 19-3 ở Nghệ An: 

Nhìn thấy thân mình của những người anh em bị cùi hủi ghê rợn ở Làng Cùi Quy Hòa Qui Nhơn:

Nhìn thấy các em bị mù lòa tự bẩm sinh ở Mái Ấm Khiếm Thị Đà Lạt:  

Nhìn thấy các thai nhi bị bỏ rơi, nhất là mấy em mang hình hài đầu to đến rùng mình ở Mái Ấm Tín Thác Bảo Lộc:

Nhìn thấy các nắm mộ của các thai nhi bị sát hại ở Nghĩa Trang Tín Thác Bảo Lộc:

Tôi tự nhiên có những cảm nghĩ như sau:

1-     Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên cho đời sau, cho đời đời, chứ không phải chỉ cho đời này. Bằng không, thành phần khốn nạn và vô phúc nhất chính là những con người tật nguyền tôi đã từng thấy trong cuộc đời trần thế của mình, hay vừa thấy một loạt khác nhau trong chuyến hành trình 2019 vừa qua, và thành phần khùng điên ngu dại nhất trên đời này là những con người âm thầm dấn thân phục vụ những đối tượng bất hạnh ấy, những đối tượng không thể trả lại cho mình những hy sinh vô giá mình hy sinh cho họ.

Sơ Mậu là vị nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vincent Phaolô đã phục vụ Trại Cùi Di Linh trên 40 năm, mới về hưu cuối năm 2018 ở tuổi 80

 

(Bảo Lộc - 2019: Sơ Hường, vị nữ tu Dòng MTG Đà Lạt, sáng lập Nghĩa Trang Tín Thác chôn táng Thai Nhi bị sát hại từ 2009 và Mái Ấm Tín Thác chăm sóc Thai Nhi bị bỏ rơi từ 2010)

2-     Theo đức tin, phải nói rằng thành phần nạn nhân tật nguyện về thể lý chẳng khác nào như một Lazarô trong dụ ngôn với người phú hộ, họ chịu thua thiệt tất cả mọi sự trên đời này, hoàn toàn ngoài ý muốn của họ, để được vĩnh phúc đời sau, thay vì được hưởng đủ mọi sung sướng trên đời, hợp với bản tính tự nhiên thiên về hưởng thụ và đường rộng, như người phú hộ để hoàn toàn bi hư mất (xem Luca 16:19-31): “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi” (Mathêu 16:26). Vậy phần tốt nhất (xem Luca 10:42) đó chính là việc "ngồi vào chỗ cuối cùng" (xem Luca 14:10) của mình theo Đấng quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan, toàn thiện và toàn ái đã định liệu cho mình ở trong nhà nhiều chỗ của Ngài (xem Gioan 14:2)!

 

(Di Linh - 2019: Chỗ cuối cùng của vị sáng lập trại cùi Di Linh đó là sống chết cho người cùi, cả trước và sau khi làm giám mục,

vị đại ân nhân của nạn nhân phong cùi và chính mình là nạn nhân phong cùi, vị hồ sơ phong thánh đã được đệ trình Tòa Thánh)

3-     Cũng theo đức tin thì tật nguyện và thân phận bất hạnh của những nạn nhân đáng thương đang được phục vụ ở các cơ quan bác ái xã hội công tư tôi thấy trong chuyến Hành Trình Việt Nam - Hội Ngộ Yêu Thương 2019, không phải gây ra bởi tội lỗi của họ, hay cha mẹ của họ, mà là để việc của Thiên Chúa được tỏ hiện (xem Gioan 9:3). Như thế, những con người tật nguyền khốn nạn ấy, trước con mắt đức tin, là một cuộc thần hiển (theophany) của Thiên Chúa, và những ai đến thăm viếng họ nói chung, như phái đoàn TĐCTT chúng tôi đây, và những ai phục vụ họ nói riêng, như các nữ tu các dòng, chẳng khác gì như Moise trông thấy bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, nơi được gọi là Đất Thánh, mà muốn tiến tới gần đó, Moise cần phải bỏ giầp dép ra mới xứng đáng được tiếp cận, chứ không phải là chuyện thường (xem Xuất Hành 3….).

 

4-     Đó là lý do, như một Moise trước bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi ấy, khi nhìn thấy những con người anh chị em cũng là người như tôi bị tật nguyền đáng thương ấy, tôi cần phải tự vấn bản thân mình rằng: Tại sao không phải là tôi mà lại là họ chứ? Phải chăng, trước nhan Thiên Chúa, tật nguyền và cuộc đời bất hạnh của những tấm thân tôi dã được gặp gỡ và viếng thăm trong chuyến hành trình bác ái xã hội vừa rồi ấy quả là phúc thật, vì họ là dấu hiệu tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa!? (Gioan 9:3) Vậy về phần mình, nếu tôi may mắn được lành mạnh và may lành đủ mọi sự trên đời này hơn họ, thì phải chăng là để cho tôi hưởng thụ hay phục vụ!?! Nếu để phục vụ hơn là hưởng thụ thì thân xác lành mạnh của tôi, và cuộc đời may lành của tôi, có thực sự đã trở thành dấu hiệu tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa như họ hay chăng?!?

 

5-     Đến đâu tôi cũng đại diện cho phái đoàn TĐCTT nhỏ bé của mình để ngỏ lời cùng anh chị em nạn nhân khuyết tật đáng thương, những tôi đã rất thận trọng trong lời nói của mình, để nói làm sao không làm cho họ bị tủi thân, trái lại, giúp họ có thể tiếp tục vui sống cuộc đời bất hạnh của mình theo chiều hướng siêu nhiên. Chẳng hạn, ở Làng Cùi Quy Hòa trước khi trao tặng quà cho từng hộ gia đình, được vị đại diện mới nói, tôi đã vắn tắt như thế này: "Xin kính chào toàn thể quí vị. Chúng tôi là Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương hôm nay đây được diễm phúc đến thăm viếng quí vị. Cám ơn quí vị đã đến đây để cho chúng tôi được gặp gỡ và vui nhận nơi chúng tôi một chút quà nhỏ mọn, từ chính Thiên Chúa, từ chính Trời Cao trao ban cho quí vị qua bàn tay nhỏ bé của chúng tôi hôm nay đây, hơn là của chính chúng tôi. Vậy xin quí vị hãy cảm tạ Thiên Chúa, cảm tạ Trời Cao nhé".

 

6-     Hay ở Làng Cùi Di Linh, lần này không ai mời tôi nói, nhưng trong khi chờ đợi dân Làng Cùi tới đông đủ tôi đã sinh hoạt với những người đã có mặt bấy giờ. Trước hết bằng những lời thông cảm và khích lệ, nhấn mạnh đến hạnh phúc không phải ở bất cứ gì khác trên trần gian này, như tiền tài, quyền uy và nhan sắc, những gì đã từng làm cho nhiều người có được nhưng vẫn quyên sinh tự tử và khổ đau, mà là ở chính tình yêu thương nhau và bình an vui sống, cho dù bần cùng khốn khổ và bất hạnh trên trần gian này, một tình yêu và bình an chỉ có được bởi chúng ta được Vị Thiên Chúa là tình yêu ở giữa chúng ta. Và tôi đã kêu gọi họ cùng tôi họ hát vang bài "Đâu Có Tình Yêu Thương" một cách hân hoan phấn khởi hơn bao giờ hết.

 

 

 

Nội Dung

Hội Ngộ Yêu Thương - Viếng Thăm Quê Hương Đất Nước

Hội Ngộ Yêu Thương - Du Ngoạn Thắng Cảnh Thiên Nhiên

Hội Ngộ Yêu Thương - Hành Hương Kính Viếng

Hội Ngộ Yêu Thương - Cảm Nghiệm Thần Linh

Hội Ngộ Yêu Thương - Bác Ái Xã Hội

Hội Ngộ Yêu Thương - Dự Mừng Khấn Dòng

Hành Trình Việt Nam - Hội Ngộ Yêu Thương: Nhập Cuộc

Hành Trình Việt Nam - Hội Ngộ Yêu Thương: Dẫn Nhập