SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 

Tuần XXIV Thường Niên Năm B
(Chúa nhật) và Năm Chẵn (ngày trong tuần)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL





Chúa Nhật

 

 Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. - Ðáp.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!" - Ðáp.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. - Ðáp.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. - Ðáp. 

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

"Ðức tin không có việc làm là đức tin chết".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa. 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

Ðó là lời Chúa.

 Image result for Mk 8, 27-35

Mark 8:27-38

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh vẫn liên tục cho tới thời điểm này, Chúa Nhật XXIV Thường Niên, một sự sống như Chúa Kitô và với Chúa Kitô. 

Thật vậy, Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIV Thường Niên hôm nay có thể tóm gọn như sau: Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh, và vì thế ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người và với Người. 

Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh:

"Bấy giờ Người hỏi: 'Còn các con, các con bảo Thầy là ai?' Phêrô lên tiếng đáp: 'Thầy là Ðức Kitô'. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó...".  

Ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người và với Người:

"Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình". 

Có một chi tiết đặc biệt trái ngược trong bài Phúc Âm hôm nay đó là trong khi "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả" về căn tính "Thày là Đức Kitô" như câu tuyên xưng của Tông đồ Phêrô thì "Người công khai tuyên bố các điều đó" nghĩa là về cuộc vượt qua của Người, như Người vừa tiết lộ trước đó. 

Sở dĩ Người nghiêm cấm không cho các môn đệ nói ra hay loan truyền về căn tính Kitô của Người là vì chung dân chúng và riêng thành phần thày dạy và có thẩm quyền trong dân không chấp nhận chân lý này. Ngày nay cộng đồng Do Thái giáo vẫn không tin nhân vật Giêsu Nazarét là "Đức Kitô", ai tin sẽ bị tuyệt thông, bị loại ra khỏi Hội Đường, như Giáo Hội Công giáo cũng tuyệt thông những ai không tin Chúa Kitô. 

Thế nhưng vấn đề then chốt được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô lại cần phải Vượt Qua? Phải chăng chỉ vì Người là "Đức Kitô", hay nói ngược lại chính vì Người là "Đức Kitô" mà Người cần phải Vượt Qua. Như thể mầu nhiệm Vượt Qua là những gì bất khả phân ly với Người, và đã là "Đức Kitô" thì Người không thể nào không Vượt Qua.  

Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay đã nói trước về thân phận của "Đức Kitô" cần phải được ứng nghiệm, đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo về thân phận là "Đức Kitô" của mình, một "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế không oai phong quyền lực như thế gian tưởng và như dân của Người mong đợi, mà là một "Đức Kitô" hèn yếu và vô cùng bất hạnh, như vị tiên tri đã báo trước: 

"Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi". 

Đó là lý do khi vị lãnh tụ tông đồ đoàn là Phêrô, vị vừa đại diện các tông đồ khác tuyên xưng rất chính xác về Người: "Thày là Đức Kitô", vị đã chỉ vì kính yêu Người đã "kéo Người lui ra mà can trách Người", nhưng đã bị Người thậm tệ quở trách hết sức nặng lời rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người". Người không quở trách vị tông đồ lãnh đạo hoàn toàn lòng ngay này một cách âm thầm mà là một cách công khai, như Phúc Âm thuật lại: "Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô", như thể cảnh giác cho cả tông đồ đoàn về một sai lầm vô cùng trầm trọng cần phải tránh, không bao giờ được tái phạm. 

Thật vậy, nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét nếu không phải là "Đức Kitô" thì nhân vật ấy hoàn toàn không phải là Con Thiên Chúa, không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, và vì thế cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại ("Redemptor Hominis" - "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần" đây là nhan đề cho bức thông điệp đầu tay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979).

Chính vì không chấp nhận nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này là "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế mà Hội Đồng Đầu Mục Do Thái bấy giờ đã lên án tử cho Người và tìm hết cách để giết Người cho bằng được bởi tay dân ngoại Rôma! Tuy nhiên, về phía các tông đồ, cho dù có nhận biết và tuyên xưng Người là "Đức Kitô" chăng nữa, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, các vị vẫn vấp phạm vì Người, vị thì âm mưu phản nộp Người, vị thì công khai chối bỏ Người v.v. Tại sao thế? 

Phải chăng cho dù niềm tin của các vị thật chính xác nhưng cảm nghiệm của chính bản thân các vị về niềm tin này vẫn chưa xác thực, bởi tâm trí của các vị còn bị chi phối theo khuynh hướng tự nhiên cũng như bởi lý lẽ trần gian: "vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người"?  

Đúng thế, đức tin là một ân ban chứ không phải xuất phát từ con người. Bản thân của con người giống như một mảnh đất nhận được hạt giống thần linh đức tin này, mà nếu nó là một mảnh đất tốt thì hạt giống đức tin sẽ dễ dàng nẩy mầm và mọc lên thành cây. Kinh nghiệm cho thấy, mảnh đất nhân  tính của loài người đã trở thành xấu bởi nhiễm nguyên tội, với đầy mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, chưa kể đến tình trạng mù quáng của trí khôn và bản chất yếu nhược của ý chí.  

Bởi thế, bản tính của con người cần phải thích ứng với đức tin và đáp ứng theo đức tin bằng những việc làm xứng hợp và cần thiết thì thực tại đức tin mới có thể trở thành hiện thực nơi họ. Theo chiều hướng ấy Thánh Giacôbê trong Bài Đọc Thứ 2 hôm nay đã đặt vấn đề hiện thực đức tin như sau: 

"Nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? ...  Nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ"

Trong trường hợp của vị lãnh tụ tông đồ đoàn Phêrô ở bài Phúc Âm hôm nay, sở dĩ ngài tin một đàng mà hành động một nẻo, nghĩa là "không hành động theo đức tin", trái lại, hầu như phản nghịch nhau hoàn toàn, là vì ngài vẫn còn bị trần gian chi phối và ảnh hưởng. Ở chỗ, theo lý luận tự nhiên, có thể ngài đã nghĩ như thế này: nếu Thày của mình là "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế thì Người không thể nào chết được, không thể nào lại bị khổ nạn và tử giá như một con người bình thường, như một tội phạm.  

Tội nghiệp ngài, tưởng lập luận như vậy là đúng, là phải, nên vì lòng ngay mà ngài đã tỏ ra sốt sắng lên tiếng can ngăn Đấng ngài vốn tôn sùng và đã bỏ hết mọi sự mà theo cho tới bấy giờ, không ngờ hậu quả hoàn toàn ngược hẳn lại, đó là ngài đã bị một cái búa giáng xuống đầu, không còn biết trời đất đâu nữa. Nếu trường hợp của ngài rơi vào thành phần nghe xong bài giảng của Người về Bánh Sự Sống đến không chịu được cần phải quay lưng bỏ đi, nghĩa là họ phải chịu cú trời giáng này, thì chắc chắc họ sẽ không thể nào chịu nổi. Thế mà anh chàng Simon được đổi tên là Đá cứng này vẫn vững vàng theo Chúa cho đến cùng, đúng như lời Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người ở cuối bài Phúc Âm hôm nay. 

Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những câu Thánh Vịnh liên quan đến thân phận của một "Đức Kitô" đích thực đúng như Thiên Chúa sai đến làm Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, chứ không phải là một kitô giả, một kitô theo lập luận của trần gian, theo lòng mong ước của con người tự nhiên: 

1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. 

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!"  

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.  

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. 

 

 

Ngày 15 tháng 9

Lễ Ðức Mẹ Sầu Bi

Lễ Nhớ

Đức Ma-ri-a đã hiệp thông sâu xa với cuộc Thương Khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc Phục Sinh của Người. Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Ma-ri-a cùng chia sẻ cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Lễ này nhắc cho chúng ta nhớ rằng : dưới chân thánh giá, tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Ki-tô, tức là Hội Thánh.

 

MAY, THE MONTH OF MARY (MAY 21) – MARY, OUR SORROWFUL MOTHER |  www.immaculate.one

 

Đức Mẹ đứng gần bên thánh giá

(Giờ Kinh Sách 15/9)

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ.

Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng ta biết được là nhờ lời tiên báo của ông già Si-mê-ôn, cũng như chính bài tường thuật cuộc Thương Khó của Chúa. Về Hài Nhi Giê-su, ông già nói rằng : Cháu sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn bà -ông nói với Đức Ma-ri-a- bà sẽ bị nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu.

Vậy lạy Mẹ diễm phúc, một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm vào thân con của Mẹ mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Thật đúng, Chúa Giê-su, Con của Mẹ tuy là của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là riêng của Mẹ ; sau khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã không bị lưỡi gươm tàn bạo đâm thấu lòng. Lưỡi gươm đó không tha cho một người đã chết mà nó không còn làm hại được nữa, nó đã mở sườn Người ra ; nhưng chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn của Người, chắc chắn không còn đó nữa, nhưng tâm hồn của Mẹ không tránh đâu được. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng con thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác. Câu : Thưa Bà, đây là con Bà, đối với Mẹ, chẳng còn hơn một lưỡi gươm và đã chẳng đâm thâu lòng Mẹ cùng đạt tới chỗ phân cách tâm với linh sao ? Ôi cuộc trao đổi kỳ lạ ! Thánh Gio-an đã được trao cho Mẹ để thế chỗ Chúa Giê-su. Người tôi tớ thế chỗ chủ, người môn đệ thế chỗ thầy, con ông Dê-bê-đê thế chỗ Con Thiên Chúa, một người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao nghe lời này, lòng Mẹ đầy âu yếm không bị đâm thâu, trong lúc chúng con, dù lòng chai dạ đá mà chỉ nhớ tới lời đó thôi, cũng cảm thấy lòng mình tan nát ?

Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Ma-ri-a được gọi là vị tử đạo trong tâm hồn. Có ngạc nhiên chăng là kẻ quên lời thánh Phao-lô nói rằng một trong những tội tày trời của dân ngoại là vô tâm bạc tình. Một tội như thế thật xa lạ đối với lòng dạ Đức Ma-ri-a. Ước gì tội đó cũng xa lạ đối với lòng dạ các tôi tớ mọn hèn của Mẹ.

Biết đâu có kẻ chẳng nói : Nào Mẹ lại không biết trước Chúa Giê-su phải chết sao ? - Dĩ nhiên là biết. Nào Mẹ chẳng hy vọng Người sẽ sống lại ngay sao ? - Dĩ nhiên, với tất cả lòng tin. Và dù vậy, Người cũng đau khổ khi thấy Con mình bị đóng đinh, phải thế không ? - Phải, và đau khổ ghê gớm. Này người anh em, bạn là ai ? Khôn ngoan của bạn ở đâu mà bạn lại ngạc nhiên vì Đức Ma-ri-a cùng chịu thương khó hơn là vì Đức Giê-su, Con của Người chịu thương khó ? Về phần xác, Con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với Con sao ? Chính tình thương đã khiến Chúa Ki-tô chịu thương khó, và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người. Và kể từ đây, không có tình thương nào sánh nổi với tình thương đã khiến Đức Ma-ri-a cùng chịu thương khó với Con của Người.

 

Mẹ Maria liên kết với Chúa Giêsu trên Thập Giá

ĐTC Gioan Phaolô II - Loạt 70 Bài Giáo Lý Thánh Mẫu: Bài 3 – 25/10/1995

 

Image result for luke 2:35

 

1.         Khi nói rằng “Trinh Nữ Maria… được nhận biết và tôn kính như là Người Mẹ thực sự của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Chuộc” (Lumen Gentium, 53), Công Đồng tỏ ra chú ý tới mối liên kết giữa vai trò làm mẹ của Mẹ Maria và việc Cứu Chuộc.

 

Sau khi nhận thức được vai trò làm từ mẫu của Mẹ Maria, vị được tôn kính nơi giáo huấn và việc tôn thờ của các thế kỷ đầu như là Người Mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu Kitô, và vì thế như là Người Mẹ của Thiên Chúa, vào Thời Trung Cổ, lòng đạo đức của Giáo Hội và việc suy tư thần học nêu lên vấn đề Mẹ cộng tác vào công việc của Chúa Cứu Thế.

 

Việc trì hoãn này được thấy nơi sự kiện là các nỗ lực của những vị Giáo Phụ Hội Thánh cũng như của các Công Đồng Chung ban đầu, đã tập trung vào căn tính của Chúa Kitô là những gì cần gạt qua một bên những khía cạnh khác của tín điều. Sự thật được mạc khải chỉ được tỏ lộ dần dần tất cả mọi phong phú của nó. Qua các thế kỷ, khoa Thánh Mẫu Học bao giờ cũng bắt nguồn từ khoa Kitô Học. Vai trò làm mẹ thần linh của Mẹ Maria tự  được Công Đồng Chung Êphêsô đã cống bố chính yếu là để khẳng định duy nhất tính nơi ngôi vị của Chúa Kitô. Cũng thế, đã có một kiến thức sâu xa hơn về sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ.

 

2.         Vào cuối thế kỷ thứ hai, Thánh Irenaeus, người môn đệ của Thánh Polycarp, đã cho thấy việc góp phần của Mẹ Maria vào công cuộc cứu độ. Ngài đã hiểu được giá trị của việc Mẹ Maria ưng thuận trong lúc Truyền Tin, khi nhìn nhận một kết quả phúc lợi trên định mệnh của nhân loại  nơi đức tuân phục và niềm tin tưởng của vị Trinh Nữ Nazarét này đối với sứ điệp của thiên thần là những gì hoàn toàn tương phản với cái bất tuân và hoài nghi của Evà. Thật vậy, như Evà đã gây ra sự chết thế nào thì Mẹ Maria, bằng tiếng “xin vâng” của mình, đã trở nên “một căn nguyên cứu độ” cho chính bản thân Mẹ cũng như cho toàn thể nhân loại (cf. Adv. Haer., III, 22, 4; SC 211, 441). Thế nhưng, điều khẳng định này đã không được các vị Giáo Phụ khác trong Hội Thánh khai triển một cách nhất trí và hệ thống.

 

Mẹ Maria trở nên Người Mẹ thiêng liêng của toàn thể nhân loại

 

Thay vào đó, tín lý này đã được trình bày một cách hệ thống hóa lần đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ 10 trong cuốn Đời Sống của Mẹ Maria của một đan sĩ Byzantine là John the Geo meter. Ở tập sách này Mẹ maria liên kết với Chúa Kitô trong toàn thể công cuộc Cứu Chuộc, thông phần vào, theo dự án của Thiên Chúa, Thập Giá và khỗ đau vì phần rỗi của chúng ta. Mẹ vẫn hiệp nhất với Con Mẹ “ở hết mọi việc làm, thái độ và ước muốn” (cf. Life of Mary, Bol. 196, f. 122 v.). Việc liên kết của Mẹ Maria với công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu phát xuất từ tình yêu Mẫu Thân của Mẹ, một tình yêu được tác động bởi ân sủng, thứ ân sủng cban cho nó một quyền năng cao cả hơn: tình yêu thoát khỏi đam mê chứng tỏ mình là lòng cảm thương hết sức (cf. ibid., Bol. 196, f. 123 v.).

 

3.         Ở Tây phương, Thánh Bênađô, vị qua đời vào năm 1153, đã hướng về Mẹ Maria và nhận định về việc hiến dâng Chúa Giêsu trong đền thờ như thế này: “Hỡi Trinh Nữ bất khả xâm phạm, hãy hiến dâng Con Mẹ, và dâng hoa trái của lòng Mẹ cho Chúa. Vì việc chúng con giao hòa vối tất cả mọi người, xin Mẹ hãy hiến dâng tế vật thiên đình hài lòng Thiên Chúa” (Serm. 3 in Purif., 2: PL 183, 370).

 

Một người môn đệ và là bạn của Thánh Bênađô là Armold ở Chartres, đã đặc biệt làm sáng tỏ về việc Mẹ Maria hiến dâng nơi hy tế Canvê. Ông phân biệt nơi Thập Giá “hai bàn thờ: một ở nơi tấm lòng của Mẹ Maria, và một nơi thân xác của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã hy sinh xác thịt của mình, Mẹ Maria đã hy sinh linh hồn của Mẹ”. Mẹ Maria đã hy sinh bản thân mình một cách linh thiêng trong mối hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô, và van nài phần rỗi cho thế giới: “Những gì người mẹ yêu cầu thì Người Con chấp nhận và Người Cha ban phát” (cf. De septem verbis Domini in cruce, 3: PL 189, 1694).

 

4.         Đồng thời, nơi việc tôn thờ và lòng đạo hạnh của Kitô giáo, việc suy niệm chiêm ngắm về ‘lòng thương xót” của Mẹ Maria đã khai triển, đạt đến tuyệt đỉnh sâu sắc nơi các hình ảnh Mẹ Sầu Bi. Việc Mẹ Maria thông dự vào thảm kịch Thập Giá làm cho biến cố này có tính chất nhân bản sâu xa hơn và giúp cho tín hữu tiến vào mầu nhiệm này, đó là lòng cảm thương của Mẹ Maria tỏ hiện rõ ràng hơn Cuộc Khổ Nạn của Người Con.

 

Nhờ tham phần vào việc cứu chuộc của Chúa Kitô mà vai trò làm mẹ thiêng liêng và phổ quát của Mẹ Maria cũng được nhìn nhận. Ở Đông phương, John the Geometer đã nói cùng Mẹ Maria rằng: “Mẹ là Mẹ của chúng con”. Khi dâng lời tạ ơn Mẹ Maria “về những sầu thương và khổ đau Mẹ đã chịu vì chúng ta, ông đã cho thấy cảm tình từ mẫu và mối quan tâm mẫu thân của Mẹ đối với tất cả những ai được cứu độ” (cf. Farewell Discourse on the Dormition of Our Most Glorious Lady, Mother of God, in A. Wenger, L'Assomption de la Très Sainte Vierge dans la tradition byzantine, p. 407).

 

Ở cả Tây phương nữa, tín lý về vai trò làm mẹ thiêng liêng này đã được Thánh Anselm khai triển, vị chủ trương rằng “Mẹ là người mẹ… của việc hòa giải và thành phần được giải hòa, mẹ của việc cứu độ và của thành phần được cứu độ” (cf. Oratio 52, 8: PL 158, 957 A).

 

Mẹ Maria không ngừng được tôn kính như là Mẹ của Thiên Chúa, thế nhưng sự kiện Mẹ là Mẹ của chúng ta là những gì cống hiến cho vai trò làm mẹ thần linh của Mẹ một khía cạnh mới mở ra trong chúng ta con đường tiến đến chỗ hiệp thông sâu xa hơn nữa với Mẹ.

 

5.         Vai trò làm mẹ của Mẹ Maria đối với chúng ta chẳng những bao gồm một mối liên kết về tình cảm: vì các công nghiệp của Mẹ cùng với việc chuyển cầu của Mẹ được Mẹ góp phần một cách hiệu nghiệm vào việc hạ sinh thiêng liêng của chúng ta cũng như vào việc tiến triển đời sống ân sủng trong chúng ta. Đó là lý do tại sao Mẹ Maria được gọi là “Mẹ ân sủng” Và “Mẹ sự sống”.

 

Mẹ của Sự Sống mà từ đó mọi người được sự sống

 

Tước hiệu “Mẹ của sự sống”, một tước hiệu được Thánh Gregory ở Nyssa sử dụng, được giải thích như sau bởi Chân Phước Guerric ở Igny, vị qua đời vào năm 1157: “Mẹ là Mẹ của Sự Sống mà từ đó tất cả mọi người có được sự sống: trong việc tự mình hạ sinh sự sống này, một cách nào đó Mẹ tái sinh tất cả những ai đã sống sự sống ấy. Chỉ có một vị được hạ sinh, còn tất cả chúng ta đều được tái sinh” (In Assumpt. I, 2: PL 185, 188).

 

Một bản văn hồi thế kỷ 13 là Mariale đã sử dụng một hình ảnh sống động để ghép cho việc tái sinh này “cảnh quằn quại sinh con” ở Canvê, nhờ đó “Mẹ đã trở nên người mẹ thiêng liêng của toàn thể nhân loại”. Thật vậy, “nơi cung lòng tinh sạch của mình, bằng lòng xót thương Mẹ đã thụ thai con cái của Giáo Hội” (Q. 29, par.3).

 

6.         Công Đồng Chung Vaticanô II, sau khi nói rằng Mẹ Maria “một cách hoàn toàn chuyên biệt đồng tác vào công cuộc của Chúa Cứu Thế”, đã kết luận rằng: “vì lý do ấy, Mẹ là một người mẹ đối với chúng ta trong lãnh vực ân sủng” (Lumen Gentium , 61), như thế khẳng định việc Giáo Hội nhận thức rằng Mẹ Maria ở bên Con Mẹ như là Người Mẹ thiêng liêng của toàn thể nhân loại.

 

Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta: sự thật an ủi này, được cống hiến cho chúng ta một cách rõ ràng và sâu xa hơn bởi tình yêu và niềm tin của Giáo Hội, đã bảo trì và đang nâng đỡ đời sống thiêng liêng của tất cả chúng ta, và phấn khích chúng ta, ngay cả trong khi đau khổ, hãy tin tưởng và hy vọng. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Chuyển dịch từ L'Osservatore Romano Weekly Edition in English 1/11/1995, trang 11.

 

Pin by Joan Hultman on jesucristo | Mary and jesus, Catholic memes, Mother  mary

 

Xin xem Truyện Đời của Mẹ trong Thần Đô Huyền Nhiệm về biến cố Mẹ:

 

 Vượt Qua Với Con

 

 

Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 11, 17-26

"Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em. Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói, người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh miệt Cộng Ðoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì? Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen anh em.

Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26b).

Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.

2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 18

Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 1-10

"Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm".

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Luke 7:1-10 Artwork | Bible Art

 

Luke 7:1-10 – Finding Yourself in Jesus' Story | Fr. Charles Erlandson  Erlandson

 

(Theo Phúc Âm Thánh Mathêu, thì viên sĩ quan đích thân đến với Chúa, chứ ông không sai bảo ai thay ông)

 

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

 

Một thẩm quyền ngoại bang đế quốc nhập nhiễm văn hóa Do Thái giáo

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên hôm nay là bài tiếp ngay sau Bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, tức ngay sau bài giảng về việc sống Lòng Thương Xót như Cha trên trời.

Đó là lý do, mở đầu bài Phúc Âm hôm nay đã có câu móc nối một cách mạch lạc như sau: "Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Carphanaum". Qua câu mở đầu bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu huấn dụ về việc sống Lòng Thương Xót đây chẳng những trực tiếp cho thành phần tông đồ môn đệ của Người khi "ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói(Luca 6:20), mà còn cho cả dân chúng ở chung quanh các vị nữa: "Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tyro và Sidon đến để nghe Người giảng(Luca 6:17-18).

Nếu đối với các tông đồ môn đệ của mình, Chúa Giêsu chú trọng tới giáo huấn thế nào, như Người đã huấn dụ các vị ở Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi (xem Mathêu các đoạn 5-7), hay ở Loạt Dụ Ngôn về Nước Trời, nhất là về ý nghĩa sâu nhiệm của một số dụ ngôn Người giải thích riêng cho các vị (xem Mathêu đoạn 13), hoặc ở Bữa Tiệc Ly (xem Gioan các đoạn 14-17), thì đối với chung dân chúng, bao gồm cả dân ngoại, Người chú trọng đến việc chữa lành cho họ hơn, vì đó là nhu cầu của họ, và đó cũng là nhu cầu tỏ mình ra của Người là Đấng Cứu Thế nơi họ nữa. 

Thật ra phép lạ chữa lành này của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã được bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên rồi (Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XII Thường Niên). Sở dĩ Giáo Hội muốn đọc lại câu chuyện chữa lành này có thể là vì bài Phúc Âm hôm nay được Giáo Hội chọn đọc cùng với một bài đọc Tân Ước, chứ không phải bài đọc Cựu Ước như lần trước. Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, phép lạ chữa lành dường như chỉ là những gì phụ thuộc, và chỉ xẩy ra nhờ đức tin của một viên sĩ quan Roma dân ngoại đầy lòng yêu thương.

Bởi thế, trong Bài Đọc 1 hôm nay, khi viết cho Giáo đoàn Corinto bức thư thứ 1, Thánh Phaolô đã đề cập đến vấn đề tin tưởng trong việc cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng, ở chỗ yêu thương nhau nữa: "Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau." Và câu: "Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến" (1 Cr 11, 26b), được Giáo Hội biến thành câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay, một tác động loan truyền bao gồm cả nguyên tắc: "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6).

Trong bài Phúc Âm hôm nay, nhân vật ngỏ ý xin Chúa Giêsu chữa lành chẳng những là một người dân ngoại mà còn là một trong "những người cầm quyền" (Bài Đọc 1)với vai trò là "một viên đại đội trưởng" (Bài Phúc Âm), nhưng lại là một viên đại đội trưởng vừa thương người vừa khiêm tốn.

Viên đại đội trưởng này thương người ở chỗ ông đã lưu tâm đến một đầy tớ trai của ông đang hấp hối trong nhà lúc bấy giờ, và ở chỗ ông đã từng giúp đỡ dân chúng đến độ được dân mến thương"Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: 'Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta'".

 

Viên đại đội trưởng dân ngoại này chẳng những thương người mà còn khiêm tốn nữa, ở chỗ, tự cảm thấy bất xứng nên không dám đến gặp Chúa và cũng không đáng được Chúa đặt chân vào tệ xá của ông"Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: 'Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: 'Đi !' là nó đi ; bảo người kia : 'Đến !' là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : 'Làm cái này !' là nó làm". 

 

Đức bác ái và lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng có thẩm quyền này quả thực đã cho thấy đức tin của ông ta vào Thiên Chúa, cho dù ông thuộc thành phần dân ngoại, một đức tin chưa chắc dân Do Thái đã có, một đức tin cứu độ. Đó là lý do Chúa Giêsu đã không thể nào không hết lời khen ông ta trước mặt dân Do Thái rằng: "Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: 'Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế'. Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn".  

 

Bởi thế, Kitô hữu chúng ta đừng khinh thường những ai là Phật giáo hay Hồi giáo, trong họ không ít người đầy lòng thành và sống chân thực cùng yêu thương bác ái hơn cả Kitô hữu nữa, thành phần Kitô hữu không ít người thật là gian dối, đầy lòng hận thù ghen ghét, tranh giành lừa đảo, làm gương mù gương xấu cho lương dân, thành phân dân chúng lương thiện đang cần những chứng từ sống động và trung thực về Chúa Kitô để họ trở về với Người là chính "Đạo".  

 

Đúng thế, viên đại đội trưởng thuộc đế quốc Roma ngoại bang này, cho dù có quyền hành trên cả hơn 100 binh lính thuộc quyền, và cả dân chúng trong vùng của mình, nhưng với tâm hồn bác ái yêu thương và thương cảm dân Do Thái bị đô hộ, đã nhờ đó nhập nhiễm văn hóa Do Thái giáo, ở chỗ, Do Thái giáo cho thành phần dân ngoại như ông là đồ ô uế, xấu xa tội lỗi, nên ông đã chẳng những không dám đích thân đến với Chúa Giêsu, mà còn không để cho Người vào ngôi nhà bất xứng của ông nữa, nghĩa là, bao gồm cả ông lẫn những gì thuộc về ông đều bất xứng bởi đời sống buông thả tội lỗi của dân ngoại chưa biết Chúa.

 

 

Thánh Cornêliô, Giáo Hoàng (+ 253) &

Thánh Cyprianô, Giám Mục Tử Ðạo (200-258)

(16/9)

 

Thánh Cornêliô Giáo hoàng và Thánh Cyprianô Giám mục, tử vì đạo (16/9)

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh - tổng hợp từ các nguồn tài liệu khác nhau: Đi Tìm Chân Lý, Giáo Phận Phú Cường, Lời Chúa Dòng Don Bosco, nhất là phụng vụ giờ kinh sách ngày 16/9 của Giáo Hội

 

 

1. Lược Sử.

 

Thánh Côrnêliô sinh tại Rôma, là người có một lối sống trong sạch thuần khiết và khiêm nhường sâu xa không gì có thể trách cứ được. Sau khi giữ các phận vụ trong Giáo hội và được mọi người thán phục, ngài lên ngôi Thánh Phêrô, kế vị Đức Giáo Hoàng Fabianô, Đấng đã chết vì đạo 15 tháng trước trong cuộc bách hại của Đêciô.

 

Thật vậy, sau khi thánh Fabianô tử vì đạo thì Giáo hội thời bấy giờ không có Giáo Hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprianô, một người bạn của Cornêliô, viết lại rằng Cornêliô được chọn làm Giáo Hoàng “bởi quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí.”

Nhưng lên ngôi ít lâu, ngài đã phải đương đầu với cuộc ly khai đầy gương mù của một giáo hoàng giả. Nôvatianô là một linh mục đầy tham vọng, được một linh mục Phi châu là Nôvatô hậu thuẫn.  Họ nổi tiếng về triết học và tài lợi khẩu, đến nỗi có người than phiền vì đã chọn lầm Đức Côrnêliô làm Giáo Hoàng mà không chọn Nôvatianô. Hai người nổi loạn đã nỗ lực tuyên truyền và lôi kéo được một số tín hữu và cả một số giám mục đi theo. Ba giám mục nước Ý đã đặt tay tấn phong cho Nôvatianô làm giáo hoàng. Nôvatianô liền viết thư cho nhiều Giám mục chống lại Đức Giáo Hoàng Côrnêliô, trách cứ ngài quá dễ dàng tiếp nhận lại những người đã dâng hương tế thần.

 

Thánh Côrnêliô đã dùng cả con đường hiền dịu lẫn cứng rắn mà vẫn không lôi kéo được hai con người bội phản trở lại đường ngay. Nhưng nhờ các nhân đức của một vị tông đồ chân chính, thánh Cornêliô đã chinh phục được nhiều Giám Mục hợp tác với Ngài. Chính thánh Cyprianô, sau khi biết rõ việc tuyển chọn hợp pháp của thánh Côrnêliô đã cộng tác với ngài hết mình để mang lại sự hợp nhất cho Giáo hội. Những sắc lệnh kết án Nôvatô và Nôvatianô được một công đồng ở Rôma chuẩn nhận.

 

Đúng thế, phải đương đầu với cuộc ly khai đầy gương mù của một giáo hoàng giả, trong thời gian hai năm làm Giáo Hoàng, thánh Cornêliô còn phải đương đầu với vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí tích Thống hối, và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo hội của các Kitô hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Ðức Cyprianô, Giám mục đứng đầu Kitô giáo Phi châu, yêu cầu Đức Giáo Hoàng xác định lập trường mà ngài chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hòa giải duy bởi quyết định của vị Giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi trong việc phục hồi những người đã chối đạo do Novatô chủ trương).

Ở Rôma, đức Cornêliô lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau cuộc bầu Giáo Hoàng, một linh mục tên Novatianô (một trong những người điều hành Giáo hội) lo liệu để mình được tấn phong làm Giám mục Rôma – Giáo Hoàng đối lập đầu tiên chống lại Giáo Hoàng chính thống. Novatianô chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo hội cũng không có quyền tha tội! Ðức Cornêliô được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo hội (nhất là Ðức Giám mục Cyprianô ở Phi châu) trong việc lên án chủ thuyết của Novatianô, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251, Ðức Cornêliô triệu tập công đồng Rôma và ra lệnh những người “sa ngã” được phục hồi lại với Giáo hội qua “phương dược Bí tích thống hối” thông thường.

Tình bạn giữa Đức Giáo Hoàng Cornêliô với Đức Giám mục Cyprianô bị căng thẳng một thời gian khi một đối thủ của Cyprianô đưa ra những lời tố cáo đức Ciprianô. Nhưng vấn đề sau đó được làm sáng tỏ.

Một tài liệu từ thời đức Cornêliô cho thấy mức độ tổ chức của Giáo hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba: Giáo hội Rôma khi ấy  gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô hữu được ước lượng khoảng 50,000 người.

Khi Gallô mở lại cuộc bắt đạo, Đức Côrnêliô bị tống giam. Ngài bị đày tới Contumcella, bây giờ là Civita Vecchina. Trong một lá thư chào mừng, thánh Côrnêliô viết:

 

- Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong những ngày bị bách hại này, nâng đỡ nhau bằng tình bác ái. Nếu ai trong chúng ta được Thiên Chúa ban đặc ân cho qua đời trước, chớ gì tình thân hữu vẫn tiếp tục trước mặt Chúa và lời cầu nguyện của chúng ta tiếp tục thúc đẩy Chúa dủ tình thương xót anh chị em của chúng ta.

 

Quả thật, thánh Côrnêliô đã chẳng sống lâu. Ngài đã qua đời trong lúc bị đi đày tại Contumsenla, ngày 14 tháng 9 năm 253 và được an táng tại đó. Sau này thi hài cuả ngài được dời về nghĩa trang thánh Callistô.

 

Tình bằng hữu của hai thánh Côrnêliô và Cyprianô vẫn còn sống mãi cho tới ngày nay, và Giáo hội kính nhớ các ngài vào cùng một ngày.

 

Thánh Cyprianô là bạn thân của Đức Cornêliô nên được mừng lễ cùng ngày với nhau. Ngài sinh tại Carthage năm 210, trong một gia đình ngoại đạo.

 

Thánh Cyprianô là một khuôn mặt sáng chói trong Giáo Hội sơ khai, là một người Phi Châu. Hồi còn là lương dân, với những tài năng đặc biệt của một giáo sư dạy khoa hùng biện và của một luật sư, ngài đã buông mình theo thú vui như một thanh niên thời đó. Nhưng khi nhờ cha Côcilianô đưa trở lại với đức tin Kitô giáo, ngài đã hết lòng từ hiến đời mình để phụng sự Chúa Kitô.

 

Được hấp thụ nền giáo dục cao, lại là nhà hùng biện nổi tiếng, ngài đã trở thành Kitô hữu khi đã trưởng thành. Ngài phân chia của cải cho người nghèo, tạo nên sự kinh ngạc của các công dân bạn hữu ngài khi ngài thực hiện lời khấn sống khiết tịnh trước khi chịu rửa tội. Ngài cũng từ bỏ văn chương để học hiểu Kinh Thánh, một số tác phẩm và một số tuyển tập thư tín của ngài là phần đóng góp cho nền văn chương Kitô giáo. 

Với cuộc sống như vậy, chẳng lạ gì khi vừa trở lại đạo, ngài đã được thụ phong linh mục và năm 249 được chọn làm Giám mục Carthage, (nay là thủ đô Tuni của nước Tunisi), ngược với ý muốn của ngài, dưới sức ép của hàng giáo sĩ và giáo dân. Ngài đã có được mọi khả năng và đức tin mà một Giám mục có thể có được. Với hết tâm lực, ngài tìm cách nâng cao nếp sống luân lý đạo đức của một đoàn chiên sau nhiều năm phóng túng vì cuộc bách hại. Đặc biệt ngài đã viết truyền đơn chống lại sự thế tục của các trinh nữ tận hiến.
 
Một năm sau khi được tấn phong, năm 250 Hoàng đế Đêciô bắt đầu một cuộc bách hại đầy nguy hiểm vì được tổ chức có hệ thống. Ông bắt mọi người phải dâng lễ kính thần minh của ông. Nhiều Kitô hữu đã tuân phục. Một số khác tìm cách mua những giấy chứng nhận để được yên thân vì nghĩ rằng: Giáo hội không thể thiếu một vị Giám mục khi phải đương đầu với cơn bão táp. Từ nơi trú ẩn ngài viết thơ hướng dẫn đoàn chiên.

 

Cyprianô than phiền rằng thời gian bình an mà Hội Thánh được vui hưởng đã làm giảm yếu tinh thần của nhiều người Kitô hữu và mở cửa cho những người trở lại đạo mà không có một tinh thần đức tin đích thực. Khi cuộc bách đạo của Dexianô bắt đầu, nhiều Kitô hữu dễ dàng từ bỏ Hội Thánh. Chính việc tái hội nhập của họ vào Hội Thánh tạo nên những cuộc tranh luận to tát trong thế kỷ thứ ba, và giúp cho Hội Thánh tiến bộ trong sự hiểu biết của mình liên quan đến Bí tích Thống hối.

Trong nạn dịch tại Carthage, Giám mục Cyprianô thúc giục các Kitô hữu giúp đỡ mọi người, bao gồm cả những kẻ thù và những kẻ bách đạo.

Là bạn của Đức Giáo Hoàng Cornêliô, nhưng Đức Giám mục Cyprinanô lại chống lại vị giáo hoàng kế tiếp là Stêphanô. Ngài cùng với các giám mục Phi Châu khác không muốn nhìn nhận hiệu lực và sự chính đáng của phép Rửa tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Đó không phải là quan niệm của Hội Thánh toàn cầu, nhưng Cyprinô vẫn không khiếp sợ cho dù bị đe dọa vạ tuyệt thông.

Ngài bị hoàng đế đem đi lưu đày nhưng sau đó được gọi về để chịu xét xử. Ngài từ chối rời thành phố, nhấn mạnh rằng dân của ngài phải được chứng kiến cuộc tử đạo của ngài.

Cuộc bách hại chấm dứt sau cái chết của Đêciô. Nhiều người Kitô hữu chối đạo trở về với Giáo Hội. Thánh Cyprianô chủ tọa một công đồng trong đó quyết định rằng: những người dâng lễ kính thần minh chỉ được tha tội trước khi chết, còn những người chỉ mua giấy chứng nhận (1a belli), thì được tha sau một thời gian thống hối. Novatô, một linh mục và Fêlicissimô, một phó tế đã ly khai vì muốn tha ngay, thánh Cyprianô đã hỗ trợ cho Đức Giáo Hoàng Cornêliô chống lại nhóm ly khai theo Novatianô. Cùng với nhiều lá thư ngài gửi cho các Kitô hữu Rôma một khảo luận về sự hiệp nhất Giáo Hội "De Unitate Ecclesiae" trong đó ngài nhấn mạnh tới thượng quyền của đấng kế vị thánh Phêrô.
 
Năm 253, một cơn dịch lan tràn khắp đế quốc. Các Kitô hữu ở Carthage quảng đại phục vụ các nạn nhân. Nhưng người ta mê tín lại cho rằng: các thần minh đã giận dữ với người Kitô hữu. Hoàng đế Gallô mở một cuộc bách hại mới. Một sắc lệnh mới tha tội cho mọi hối nhân để họ đứng vững trong đức tin. Dầu vậy cuộc bách hại đã không dữ dội ở Carthage và Đức Cha Cyprianô không bị quấy rầy.
 
Chẳng may có sự tranh chấp giữa thánh Cyprianô với đấng kế nhiệm thánh Cornêliô là Đức Giáo Hoàng Stêphanô về việc rửa tội lại cho người đã được rửa tội trong lạc giáo. Cuộc ly khai đã không xảy ra vì Đức Sixtô kế vị Đức Stêphanô được giữ tập tục của mình.
 
Năm 257, hoàng đế Valêrianô lại khơi dậy cuộc bách hại. Thánh Cyprianô là nạn nhân của cuộc bách hại này. Các tường thuật về cuộc diện kiến của ngài trước quan tổng trấn và về cuộc tử đạo của ngài dựa tên các tài liệu chính thức của một người đã được mục kiến. Trước mặt tổng trấn Paternô, ngài tuyên xưng đức tin và không chịu nộp danh sách các linh mục. Ngài bị đày đi Curubis, một thành bên bờ biển là nơi ngài viết khảo luận cuối khuyên nhủ can đảm chịu chết vì đạo. Vào đêm trước khi bị lưu đày, ngài mơ thấy mình bị chặt đầu vào năm sau. 

 

Quả thật, năm sau, vào mùa thu năm 258 có sắc lệnh xử các giáo sĩ. Ngài bị điệu về trước mặt quan tổng trấn mới là Galeriô Maximô. Chúng ta có được bản ký sự về thánh Cyprianô do phó tế Pontiô của ngài viết. 

 

Việc chính đáng như thế, khỏi cần phải suy nghĩ

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách 16/9)

Trích sử liệu về cuộc tử đạo của thánh Síp-ri-a-nô.

Sáng ngày 14 tháng 9, một đám rất đông dân chúng tụ họp tại quảng trường Xét-tô, theo lệnh của quan kinh lược Ga-lê-ri-ô Mác-xi-mô. Viên quan này truyền lệnh phải điệu thánh Síp-ri-a-nô ra trước mặt ông ngay trong ngày, khi ông ngồi xử tại tiền đường Xau-si-ô-lô. Khi giám mục Síp-ri-a-nô bị điệu đến, quan kinh lược hỏi : “Ông có phải là Ta-si-ô Síp-ri-a-nô không ?” - Giám mục Síp-ri-a-nô trả lời : “Chính tôi.”

Quan kinh lược nói : “Ông có phải là lãnh đạo đám người có đầu óc phạm thượng đó không ?” - Giám mục Síp-ri-a-nô trả lời : “Chính tôi.” Quan kinh lược lại nói : “Các hoàng đế chí tôn đã truyền cho ông phải tế thần.” - Giám mục Síp-ri-a-nô trả lời : “Tôi không tế.” Quan Ga-lê-ri-ô Mác-xi-mô nói : “Ông nghĩ kỹ đi !” - Thánh Síp-ri-a-nô trả lời : “Quan được lệnh làm gì thì cứ làm đi. Trong một việc chính đáng như thế này, khỏi cần suy nghĩ nữa.”

Khi bàn hỏi với hội đồng, quan kinh lược quyết định tuyên án. Quan buộc lòng phải nói như sau : “Ông đã sống theo học thuyết phạm thượng này từ lâu rồi, và ông đã quy tụ nhiều người để mưu đồ làm tội ác, ông đã đứng lên đối địch với các thần Rô-ma và các nghi thức kính thần ; các hoàng đế mộ đạo và chí thánh của chúng ta là Va-lê-ri-a-nô và Ga-li-ê-nô ; ngay cả Va-lê-ri-a-nô, vị Xê-da chí tôn, cũng đã không thể làm cho ông trở lại thờ cúng như các ngài. Ông bị bắt vì đã chủ mưu và gieo rắc các tội ác khả ố, nên ông sẽ là bài học cho những kẻ đã liên kết với ông để làm tội ác. Máu của ông sẽ làm chứng cho sự nghiêm minh của pháp luật.” Nói xong, quan đọc án quyết ghi trên một tấm thẻ nhỏ : “Chúng tôi ra lệnh xử trảm Ta-si-ô Síp-ri-a-nô.” Giám mục Síp-ri-a-nô nói : “Tạ ơn Chúa.”

Sau khi nghe bản án, đám đông anh em tín hữu hô lên : “Chúng tôi xin cùng được xử trảm với người.” Vì thế, họ náo động và một đám rất đông dân chúng theo sau người tử tội. Síp-ri-a-nô bị điệu tới quảng trường Xét-tô. Người cởi áo choàng ra, quỳ xuống và sấp mình cầu nguyện với Chúa. Sau khi cởi áo giám mục trao cho các phó tế, và chỉ giữ lại trên mình áo dài bằng vải gai, người đứng đợi lý hình.

Khi lý hình tới, người bảo mấy tín hữu đứng quanh cho anh ta hai mươi lăm đồng tiền vàng. Đám anh em tín hữu trải vải và khăn ra trước mặt người. Rồi thánh Síp-ri-a-nô tự tay bịt mắt. Vì người không thể tự buộc tay, nên linh mục Giu-li-a-nô và phụ phó tế cũng tên là Giu-li-a-nô buộc giùm cho người.

Thánh Síp-ri-a-nô đã chịu tử đạo như thế. Để tránh cho dân ngoại khỏi tò mò, người ta đem cất xác người ở một nơi gần đó. Rồi đến đêm, họ mang đèn cầy và đuốc rước xác người về nghĩa trang của thái thú Ma-cô-bê Căn-đi-đi-a-nô, trên đường Máp-pa-la, gần các bể chứa nước. Cuộc rước này diễn ra trong bầu khí hân hoan khải hoàn. Ít ngày sau, quan kinh lược Ga-lê-ri-ô Mác-xi-mô qua đời.

Thánh Síp-ri-a-nô chịu tử đạo ngày 14 tháng 9 dưới thời các hoàng đế Va-lê-ri-a-nô và Ga-li-ê-nô, nhưng thật ra là dưới triều của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng được vinh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 

Thánh Cyprianô giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển tư tưởng Kitô giáo và việc thực hành nếp sống đạo trong thế kỷ thứ ba, cách riêng tại Bắc Phi châu.

Cyprianô pha trộn nơi bản thân mình sự dịu dàng và can đảm, tính cương nghị và sức mạnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm khắc, nên người ta không biết liệu mình phải mến ngài hay kính sợ ngài. Vẻ mặt ngài bừng bừng trong cuộc tranh luận về phép Rửa tội, và  tình cảm nóng nảy đó có thể khiến ngài quan tâm, bởi đó là thời gian ngài viết tác phẩm về sự kiên nhẫn. Thánh Augustinô nhận xét rằng thánh Cyprianô đền tội cho sự nóng nảy giận dữ của mình bằng cuộc tử đạo vinh quang của ngài.

 

2. Gương Sống:

 

a. Lòng can đảm.

 

Việc Đức Cornêliô cùng với anh em linh mục và giáo dân đã can đảm khi bị vua quan tra tấn hành hạ, đã làm nức lòng mọi người. Tin này làm cho mọi người hân hoan phấn khởi, nhất là thánh Cyprianô. Thánh Cyprianô đã hết lòng ca ngợi tấm gương cao cả này: “Làm sao diễn tả cho hết niềm phấn khởi và nỗi vui mừng ở đây, khi chúng tôi biết được những thành quả can đảm của những người anh em chúng tôi". Ngài viết tiếp rằng "ở đó, chính ngài (Đức Cornêliô) đã dẫn đầu anh em trong việc tuyên xưng đức tin; và việc tuyên xưng của những người anh em làm cho việc tuyên xưng của người đứng đầu nổi hẳn lên. Vì khi dẫn đầu đi tới vinh quang, Ngài đã lôi kéo được nhiều người cùng đi tới vinh quang. Ngài đã thuyết phục được toàn dân tuyên xưng đức tin, khi ngài sẵn sàng tuyên xưng trước hết thay cho tất cả mọi người, đến nỗi chúng ta không biết phải ca tụng điều gì trước: đức tin mau mắn vững bền của ngài hay là lòng yêu thương của mọi người không muốn tách rời khỏi người cha chung của họ? Lòng can đảm của vị Giám mục dám đi tiên phong trong việc tuyên xưng đức tin đã được mọi người công nhận…”

 

b. Lòng bao dung.

 

Lúc đó trong Giáo hội đã xảy ra cuộc tranh cải sôi nổi về những người đã chối đạo. Họ là những người vì quá sợ mà đã phạm tội bọ đạo và tế thần. Vấn đề đặt ra là có nên tha cho họ khi họ ăn năn sám hối trở về với Chúa hay không? Có được nhận họ trở lại với Hội thánh không?

 

Về vấn đề này có hai khuynh hướng đối chọi nhau.

 

Khuynh hướng thứ nhất đứng đầu là linh mục Nôvatianô chủ trương dứt khoát phải loại bỏ những hạng người này ra khỏi Giáo Hội, tuyên bố vạ tuyệt thông đối với họ.

 

Khuynh hướng thứ hai: Sau khi họp bàn với các Đức Giám mục, Đức Thánh Cha Conêliô tuyên bố tha thứ và đón nhận họ trở lại với Hội thánh. Nhóm giáo sĩ ly khai chống đối. Vì thế mà có cuộc tranh luận dằng dai trong Giáo hội, làm cớ cho vua quan phần đời lợi dụng cơ hội chống phá đạo.

 

3- Lời bàn

Về thánh Cornêliô: Thật đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít khi chúng ta để ý đến – một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi giao hòa với Giáo hội. Những người như thánh Cornêliô và thánh Cyprianô là công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì đã được Ðức Kitô khởi sự, và lượng giá những kinh nghiệm mới qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước (Rliner).

Về thánh Cyprianô: “Những cuộc tranh luận về phép Rửa tội và Bí tích Thống hối trong thế kỷ thứ ba nhắc nhở cho chúng ta rằng Hội Thánh tiên khởi không có những giải pháp có sẵn từ Chúa Thánh Thần. Các người lãnh đạo và các thành viên Hội Thánh của thời đó phải thực hiện những phán đoán tốt nhất mà họ có thể có, trong khi dõi theo toàn bộ giáo huấn của Chúa Kitô mà không bị đưa đi trệch đường bởi những sự thái quá về phía hữu hay phía tả.

4- Lời trích

Cornêliô: “Chỉ có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô và một ngôi tòa Giám mục, được xây dựng đầu tiên trên thánh Phêrô bởi quyền năng Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ gì người ta thiết lập ra trong khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng” (Thánh Cyprianô, tác phẩm “Sự Hiệp nhất của Giáo hội Công giáo”)

Cyprianô: “Bạn không thể có Thiên Chúa là Cha nếu bạn không có Hội Thánh là Mẹ… Thiên Chúa là một, Chúa Kitô là một; đức tin là một, và dân Chúa được kết đính lại cùng nhau bằng sự hòa hợp trong một thân thể duy nhất… Nếu chúng ta là những người thừa kế của Chúa Kitô, chúng ta hãy ở lại trong sự bình an của Chúa Kitô; nếu chúng ta là những con cái Thiên chúa, chúng ta hãy là những người yêu mến hòa bình” (Thánh Cyprianô, trong tác phẩm “Sự Hiệp nhất của Giáo hội Công giáo”)

Lạy hai thánh Corlêliô và Cyprianô, xin cầu cho chúng con. Amen.

 

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho dân Chúa hai vị mục tử nhiệt thành và cũng là chứng nhân bất khuất là thánh Co-nê-li-ô và thánh Síp-ri-a-nô. Xin nhậm lời hai thánh chuyển cầu mà ban cho chúng con can trường giữ vững đức tin, và không ngừng hoạt động cho Giáo Hội được hợp nhất. Chúng con cầu xin

 

 

Thứ Ba

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 12, 12-14. 27-31a

"Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chỉ thể".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư? Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 11-17

"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Bà mẹ góa đi chôn đứa con trai duy nhất trong tâm trí Chúa Giêsu bấy giờ là ai?

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tỏ mình ra qua phép lạ Người hồi sinh đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim nhờ đó Người được dân chúng nhận biết: 

 

"Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Naim, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: 'Bà đừng khóc nữa!' Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: 'Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!' Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: 'Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người'. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận". 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, bình thường, nhất là theo chiều hưóng của Phúc Âm Nhất Lãm, Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy có đức tin nơi con người ta nói chung và nơi thỉnh nguyện nhân nói riêng. Nhưng ở trong trường hợp của bài Phúc Âm hôm nay, phép lạ hồi sinh Người làm cho cậu con trai của bà mẹ góa hoàn toàn do Người tự ý, chứ bà mẹ của người chết không hề ngỏ ý xin hay tỏ đức tin gì hết.  

 

Xét cho cùng thì dù Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy đức tin nơi con người hay tự làm phép lạ không cần hay chưa cần đức tin của con người thì cả hai cách thức này đều là để tỏ mình ra. Theo Phúc Âm của Thánh ký Gioan thì thường Người tỏ mình ra để cho con người nói chung và môn đệ của Người nói riêng tin vào Người. Bởi vì, Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12). Mà ánh sáng không chiếu soi không còn là ánh sáng nữa. Bởi thế, Người luôn phải đi bước trước, ở chỗ tự động tỏ mình ra bằng những "dấu lạ / sign" (từ ngữ được Thánh ký Gioan sử dụng thay từ ngữ "phép lạ - micracle" được Phúc Âm Nhất Lãm sử dụng).  

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca cũng cho thấy trường hợp Chúa Giêsu tự động tỏ mình ra, qua sự kiện Người làm cho đứa con trai duy nhất của người mẹ góa hồi sinh. Thế nhưng, tại sao Người lại tự động làm phép lạ hồi sinh đứa con bà mẹ góa này, nếu không phải, như bài Phúc Âm cho biết: "Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương".  

 

Ở đây, qua câu Phúc Âm này, Thánh ký Luca, một người ngoại trở lại và viết Phúc Âm cho dân ngoại theo chiều hướng của Lòng Thương Xót Chúa, đã ghi nhận được cả tấm lòng đầy cảm thương của Chúa Giêsu như thế, như thể chính ngài đang có mặt vào lúc bấy giờ. Nhưng tại sao khi làm các phép lạ khác vào những lần khác không thấy vị Thánh ký này thêm một câu tương tự như thế: "Trông thấy ... Chúa chạnh lòng thương". 

 

Trông thấy ai? - "Trông thấy bà", chứ không phải trông thấy quan tài của đứa con trai duy nhất của bà, thì Chúa Giêsu cảm thấy thế nào? - "chạnh lòng thương". Tại sao vậy? Thánh ký Luca đã gián tiếp trả lời ở ngay câu trước đó: "mẹ anh ta lại là một bà goá" cũng như câu sau đó Chúa Giêsu trấn an thông cảm với bà, một cử chỉ hiếm quí hầu như Người chưa làm với ai bao giờ: "Bà đừng khóc nữa!" 

 

Phải chăng Chúa Giêsu "trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương", kèm theo cử chỉ hết sức đặc biệt với người mẹ góa này bằng lời an ủi trấn an: "Bà đừng khóc nữa!", là vì bấy giờ cảnh tượng người mẹ góa đưa xác đứa con trai duy nhất của bà đã gợi lên nơi Người hình ảnh về Mẹ của Người, người mẹ góa có một người con trai duy nhất là Người, trong tương lai, cũng trải qua hoàn cảnh y như của bà goá thành Naim này, khi Người là con trai duy nhất của Mẹ qua đời ở Sọ Trường trên Đồi Canvê? Nếu đúng như thế thì phép lạ Người hồi sinh cho đứa con trai của bà mẹ góa thành Naim này là dấu tiên báo về Người Mẹ Đồng Công của Người trong cuộc Vượt Qua với Người vậy 

 

(Không ngờ bài Phúc Âm hôm nay, trong chu kỳ phụng vụ Năm A, lại trùng ngày và rất thích hợp với Lễ Mẹ Đau Thương 15/9 năm 2015 và 2020, nếu đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan 19:25-27, về sự kiện Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu Con Mẹ). 

 

Sự kiện Chúa Kitô là Vị Mục Tử Nhân Lành "chạnh lòng thương", thương từng con chiên của mình, nhất là những con chiên bị thương tích trong tâm hồn, như thương người mẹ góa trước cái chết của người con trai duy nhất trong bài Phúc Âm hôm nay, cần phải trở thành mô phạm trọn lành và tối cao cho thành phần mục tử được Người tuyển chọn làm môn đệ tông đồ của Người cũng như thành phần thừa kế các vị. 

Bởi thế nên trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô đã nói đến các vai trò khác nhau trong Giáo Hội, cả về phẩm trật lẫn đặc sủng như sau: "Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?" 

Tuy nhiên, hình như bằng ấy vai trò, cả về phẩm trật lẫn đặc sủng được ngài liệt kê ấy vẫn chưa đủ, do đó vị tông đồ dân ngoại này vẫn khuyên những ai được ban cho các vai trò ấy  rằng: "anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn" - đó là ân điển nào? Phải chăng đó là ơn được biết phục vụ hơn là hưởng thụ, nhắm đến mối hiệp thông trong Giáo Hội trước hết và trên hết, theo tác động của Chúa Thánh Thần, hơn là chia rẽ theo bè phái và cạnh tranh nhau, như đã từng xẩy ra ở giáo đoàn này. Ngài đã khuyên ở đoạn đầu của Bài Đọc 1 hôm nay rằng:

 

"Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể".

 

Nếu chỉ sống vì Chúa và cho Chúa, trong Cộng đồng Dân Chúa là Giáo Hội như thế, thì từng phần tử trong Nhiệm Thể Giáo Hội mới có thể chung tiếng rằng: "Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi", như trong Thánh Vịnh 99 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi lòng hân hoan khoái trá.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.

 


 

Thánh Rôbertô Bellarminô

Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 

(1542-1621)

 

Ngày 17/9

 

Dun Giljan's Blog: St Robert BellarmineRobert Bellarmine - Wikipedia

 

 

(ĐTC Biển Đức XVI nói về vị thánh này ở bài 133, trong loạt 138 bài giáo lý về Giáo Hội hiệp thông tông truyền - xin bấm vào cái link ngay dưới đây:)

 

Thánh Robert Bellarmine

 

 

Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô. Cha Ngài là Vinconzo Bellarminô. Mẹ Ngài là Cynthia Cervini. Em Đức Giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên. Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.

Theo học triết tại Roma, Ngài tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Roma Ngài đã được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này Ngài đã thông thạo tiếng Hy Lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm Linh mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết từ bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong Linh mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đặc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.

Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩm của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do Thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm “về các văn sĩ trong Giáo hội” ( xuất bản năm 1623).

Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Roma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh. Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 – 1593 dưới tựa đề “các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay”. Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo Hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.

Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chỉnh tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chỉnh nghi thức phụng vụ Roma và bản kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.

Với vai trò thần học gia của Đức Hồng Y Goetni, vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc, nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức Giáo hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức Giáo hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của Giáo hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo Hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh Thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.

Thánh Robertô liên tiếp làm cha tinh thần và viện trưởng của học viện Roma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Roma Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga.

Năm 57 tuổi, sau 39 năm trong Dòng mà ngài thấy “không biết buồn là gì”, ngài được Đức Thánh Cha nâng lên hàng hồng y, hoàn toàn ngoài ý muốn của ngài và vì tuân phục mà thôi, để phục vụ trong giáo triều Rôma cho tới chết, thời gian mà ngài cảm thấy “không biết vui là gì.”

Chúng ta biết là trong Dòng Tên, ngoài ba lời khấn như mọi dòng khác là khiết tịnh, thanh bần và tuân phục, còn có lời khấn thứ tư là tuân phục Đức Thánh Cha khi được trao một sứ mạng nhằm phục vụ Hội Thánh. Đồng thời trong Dòng cũng khấn không nhận các phẩm chức như giám mục hay hồng y, trừ khi Đức Thánh Cha buộc phải vâng lời. Theo giáo luật, người thuộc một dòng tu khi làm giám mục hay hồng y sẽ trực thuộc Đức Giáo Hoàng, không còn thuộc quyền bề trên nhà dòng nữa. Điều này, cũng có nghĩa là về tinh thần thì còn thuộc nhà dòng, nhưng trong thực tế không chung sống với anh em nữa. Thánh Bellarminô rơi đúng vào trường hợp này. Khi nhận mũ áo hồng y, ngài khóc nức nở và chỉ xin được trở lại sống với anh em trong Dòng.

Ngoài một thời gian làm Tổng Giám mục tại Capua, cho tới năm 1605 thì Ngài được triệu về Roma và cầm viết bênh vực Giáo Hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony. hầu hết những năm tháng còn lại, trong khi làm hồng y, ngài phục vụ trong các thánh bộ của giáo triều. Ngài phải nghiên cứu và cho ý kiến về những vấn đề lớn trong đời sống Hội Thánh vào một giai đoạn khó khăn và phức tạp, thí dụ quyền của Đức Thánh Cha trong lãnh vực chính trị, vụ án Galileo thời danh, cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Đaminh và dòng Tên, tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, vấn đề giáo hội quốc gia tự trị. Đem hết tài năng và nghị lực để phục vụ Hội Thánh, với lòng tận tụy và khiêm tốn, với đời sống đơn sơ và khắc khổ, ngài được coi là ngọn đèn sáng cho giới trí thức, là tấm gương cho những người sống đời tận hiến.

Luôn ăn mặc và xử sự như một linh mục bình thường, khổ tâm trong dinh thự hồng y với những lễ nghi phiền phức, ngài chỉ thực sự thoải mái với bầu khí đơn sơ và ấm cúng trong Dòng. Những ngày cuối đời, được Đức Thánh Cha cho phép trở về nhà Dòng, ngài đã chọn sống trong nhà tập với các tập sinh là những người nhỏ nhất trong Dòng.

Ngài qua đời tại Rôma ngày 17.9.1621, được Đức Thánh Cha Piô XI tuyên thánh năm 1930 và ban danh hiệu thánh sư năm 1931. Theo di chúc, ngài xin được chôn cất trong lễ phục của linh mục, và tổ chức lễ an táng đơn sơ như một người bé nhất trong Dòng. Tuy nhiên Đức Thánh Cha bắt phải cho ngài mặc phẩm phục hồng y và tổ chức đám tang thật long trọng. Thế là dù đã chết, ngài vẫn phải vâng lời!

Tuy là một luật trừ, ngài cho thấy được cả hai mặt của Dòng Tên: vừa là môn đệ của Chúa Giê-su nghèo khó và khiêm tốn, vừa là người con tận tụy và vâng lời Hội Thánh.

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, tổng hợp từ website TGP Sài Gòn và Dòng tên

 

 

Thứ Tư

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 12, 31 - 13, 13

"Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 4-5. 12 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. - Ðáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.

3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 31-35

"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.

"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

Ðó là lời Chúa.

Woe to an Unresponsive Generation | Life of Jesus

Jesus, Lover of My Soul: Meditations from the Book of Luke (Luke 7:31-35)

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Thành phần đạo theo (hơn là theo đạo) "giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố"...

 

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca không liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, mà cách bài Phúc Âm hôm qua 12 câu trong cùng đoạn 7, và khúc 12 câu không được Giáo Hội chọn đọc này liên quan đến vấn nạn về bản thân Chúa Giêsu được môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra với Người, và Người chẳng những đã gợi chứng cho họ biết về Người mà còn chứng thực về Vị Tiền Hô của Người nữa (xem Luca 7:18-30), trong đó có câu Thánh ký Luca nhận định như sau: 

"Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông". 

Bởi thế, thành phần được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay chính là "những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông", Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã làm phép rửa cho cả Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế. Thế nên, thành phần vốn bị Chúa Giêsu khẳng định và khiển trách là giả hình này đã được Chúa Giêsu sánh ví trong bài Phúc Âm hôm nay như thế này:

"Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: 'Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc'. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình". 

Ở đây, qua nhận định của Chúa Giêsu về thành phần biệt phái và luật sĩ này, chúng ta thấy con người phải tuân hợp với chân lý, chứ chân lý không tuân hợp với con người, không theo con người, không như ý nghĩ thiển cận và ý muốn vị kỷ của con người, cho dù chân lý có thích ứng với con người để con người dễ lĩnh hội và chấp nhận.  

Chính vì thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái tự phụ cho rằng mình thông luật và cẩn thận tuân giữ luật lệ nhờ đó trở nên công chính hơn ai hết, nên tưởng mình là đệ nhất thiên hạ về lề luật Chúa, ai cũng phải theo như ý họ nghĩ về lề luật một cách duy luật mới được, bằng không, vẫn bị họ cho là "bị quỉ ám", dù vị ấy có là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã từng là đèn soi chiếu cho Đấng đến sau ngài được họ tìm đến trước đó để truy nguyên về Đấng Thiên Sai (xem Gioan 5:35; Gioan 1:24-27), thậm chí còn bị họ cho là "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", dù vị ấy có là Chúa Kitô, Đấng "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9). 

Kinh nghiệm tu đức cũng cho thấy, Giáo Hội Công giáo chẳng những bị quyền bính chính trị bách hại suốt giòng lịch sử của mình ở khắp nơi, mà còn thường trở thành mục tiêu chống đối của chính nội bộ Kitô hữu Công giáo của mình nữa, bao gồm cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân, theo chiều hướng cấp tiến hay bảo thủ của họ: Giáo Hội bị coi là quá chậm chạp trước những con mắt cấp tiến, hay ngược lại Giáo Hội bị coi là phá giới trước con mắt của thành phần bảo thủ, nếu Giáo Hội cần phải thích nghi những gì tùy phụ theo thời cuộc để mưu ích hơn cho phần rỗi các linh hồn.  

Chưa hết, thực tế phũ phàng cho thấy, theo chiều hướng canh tân cởi mở của Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt là về phụng vụ, đã xẩy ra tình trạng quá trớn bởi thành phần cấp tiến thừa thắng xông lên, Giáo Hội lại bị kêu trách là tại Giáo hội cởi mở, trong khi các nguyên tắc về cởi mở được Giáo Hội ấn định một cách đàng hoàng rõ ràng lại không được trung thực tuân giữ. Thế nhưng, cuối cùng mọi sự sẽ được sáng tỏ, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình". 

Tuy nhiên, thành phần "thế hệ này" được Chúa Giêsu sánh ví trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm nay, thành phần thiên kiến, chủ quan, tất cả mọi sự phải theo ý mình hơn là được mạc khải, hơn là thực tế, chỉ có thể đáp ứng, uyển chuyển, thích ứng và canh tân, một khi biết yêu thương mà thôi. Vì yêu thương là khuynh hướng vươn ra, chấp nhận đối tượng và nên một với đối tượng.

Đó là lý do Thánh Phaolô đã nhắn nhủ và kêu gọi Giáo đoàn Corinto trong Bài Đọc 1 hôm nay như thế này: "Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả".

Thật vậy, bác ái làm cho chúng ta trưởng thành và tác hành như người lớn chứ không phải hay không còn là con nít nữa, như Thánh Phaolô đã nhận định trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay: "Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ".

Chỉ cho tới lúc đó, thành phần người lớn sống đức ái ấy chẳng những sẽ chẳng còn phàn nàn than van rằng: "Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc", trái lại, họ sẽ đồng thanh hòa âm cùng với các nhạc cụ khác ca lên tâm tình của Thánh Vịnh 32 ở Bài Đáp Ca hôm nay như thế này:

 

1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

 


Thứ Năm

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 1-11

"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.

Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 28

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. - Ðáp.

3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 135

Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng".

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

Ðó là lời Chúa.

 

Unrestrained Love: The Story of the Sinful Woman Who Anointed Jesus | Mary  of bethany, Biblical artwork, Bible artwork

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Bất chấp tất cả... miễn là đến được với chính Đấng có thể cứu chữa mình

 

Bài Đọc 1 hôm qua có câu: "Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần, tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển", Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, một phúc âm được viết cho dân ngoại và về Lòng Thương Xót Chúa, tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua về một Chúa Kitô bị thành phần biệt phái và luật sĩ cho rằng: "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", bài Phúc Âm ghi lại một sự kiện như thể chứng thực Chúa Giêsu quả là như thế, quả là Đấng muốn đến sống gần gũi với thành phần tội lỗi để có thể cứu chuộc họ, để nhờ đó họ có thể nhận ra Lòng Thương Xót Chúa qua Người, ở nơi Người và là chính Người. 

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Luca cho thấy Chúa Giêsu đã gần gũi với một người đàn bà hư thân mất nết, một thứ gần gũi bất khả tránh ngoài ý muốn nhưng thật cần thiết, cho dù có thể trở thành gương mù cho người khác, như đã xẩy ra ở ngay trước mắt của vị chủ nhà biệt phái, đến độ gia chủ lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến thấy cảnh tượng, mà đối với thành phần coi mình là công chính bởi thông luật và duy luật, có vẻ quái gở này: 

"Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: 'Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!'". 

Nếu trong dụ ngôn vẫn được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng, người cha nhân hậu trong dụ ngôn chẳng những tỏ lòng thương đứa con hoang đàng trở về mà còn thương cả đứa con cả ở nhà với ông mà lòng lại xa ông thế nào, thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những tỏ lòng thương cả đứa con phung phá đức tin, nhân phẩm và trinh khiết cao quí là người phụ nữ đang hết lòng thống hối ăn năn trở về với Người, mà còn tỏ lòng thương cả vị chủ nhà công chính nhưng lầm lạc hoang đàng đáng thương nữa. Đó là lý do trong khi gia chủ đang có tư tưởng ngờ vực về thế giá của Người là vị được ông ta trân trọng mời vào nhà và dùng bữa với ông, Chúa Giêsu đã kéo ông từ bộ óc trên đầu của ông xuống trái tim ở dưới lồng ngực của ông, bằng một dụ ngôn vấn nạn làm ông tự suy nghĩ và đã nhận định rất đúng: 

"Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: 'Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông'. Simon thưa: 'Xin Thầy cứ nói'. 'Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?' Simon đáp: 'Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn'. Chúa Giêsu bảo ông: 'Ông đã xét đoán đúng'". 

Thế rồi, căn cứ vào câu trả lời chính xác theo tự nhiên của vị chủ nhà, Chúa Giêsu mới áp dụng vào trường hợp của người phụ nữ tội lỗi đang đụng chạm đến Người ở ngay trước mặt ông, một con người được kể như mắc nợ nhiều hơn ông, (chứ không phải là ông công chính theo chủ quan mà ông không mắc nợ gì với Chúa nữa), một vị gia chủ tuy cảm phục Người đã mời Người đến nhà dùng bữa, (một người biệt phái hiếm thấy đối với Chúa Giêsu vẫn là cái gai chướng mắt của thành phần biệt phái và luật sĩ, dù vị chủ nhà này chưa cảm mến Người bằng nghị viên biệt phái Nicôđêmô - Gioan 3:1-2), nhưng vẫn không tỏ ra hết lòng cung kính Người và mến yêu Người như chính con nợ phụ nữ mà trong đầu của ông đang có vấn đề với Chúa, như chính Người đã vạch ra cho ông thấy trong bài Phúc Âm: 

"Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: 'Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít'". 

Thế rồi, trong khi chủ nhà đang bàng hoàng choáng váng bởi những nhận định rất chính xác về ông, cũng như về người đàn bà tội lỗi đã có những hành động đúng như những gì vị đại khách nhắc lại và so sánh với thái độ cùng hành động của ông đối với cùng vị khách này, thì Chúa Giêsu đã phán với người đàn bà hư thân mất nết, như con nợ nhiều gấp 10 lần vị gia chủ ("hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi") rằng: "Tội con đã được tha rồi". 

Lời Người phán truyền tha tội này không ngờ lại gây phản ứng dữ dội hơn nữa, lần này không phải chỉ riêng vị gia chủ mà bao gồm cả những khách được mời (chắc cùng thành phần biệt phái với chủ nhà) nữa. Bởi thế, "những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: 'Ông này là ai mà lại tha tội được?'". Họ nghĩ cũng đúng thôi, vì trước mắt họ thì Chúa Kitô chỉ là một nhân vật Giêsu Nazarét thuần túy, chứ chẳng phải thần thánh gì, chẳng phải là Con Thiên Chúa, chẳng phải là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền tha tội cho loài người.  

Tuy nhiên, trong khi con mắt duy luật và cao ngạo của thành phần biệt phái này không nhận ra vị thượng khách ở giữa họ như thế, thì người phụ nữ lăng loàn tội lỗi đáng kinh tởm và xa lánh đối với họ lại nhận ra Người, Đấng có quyền tha tội lỗi cho nàng, nên nàng mới bày tỏ những cử chỉ ăn năn thống hối tuyệt vời nhưng đầy ngứa mắt như vậy, thậm chí nàng cứ đến với Người bất chấp các con mắt khinh người của nhóm khách biệt phái: "Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm...".  

Chính vì hành động đầy tin tưởng hết sức can đảm lạ lùng hiếm có này của người phụ nữ "tội lỗi trong thành" ai cũng biết này mà cuối cùng Chúa Giêsu đã nói với nàng rằng: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".  

Kinh nghiệm tu đức và mục vụ cũng cho thấy, có những tâm hồn tội lỗi lâu năm chưa xưng tội, hay đúng hơn không dám xưng tội, vì chỉ sợ cứ sa đi ngã lại, hay vì thấy mình tội lỗi chất chồng và càng chồng chất tội lỗi càng khó trở về với Chúa, thậm chí còn nản chí mất lòng tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa.  

Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn theo dõi và tìm kiếm từng con chiên lạc đã có cách cứu độ của Ngài. Bởi thế, vào thời điểm ấn định, trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, có những tâm hồn đã trở về với Ngài, đã xưng tội, cho dù vào trong giờ lâm tử, sau đó họ cảm thấy họ được giải thoát và được tràn đầy bình an, một thứ bình an họ không thể nào có được khi họ đang sống trong tự do theo ý họ một cách gian ác lỗi lầm, một thứ bình an thế gian mà họ đã từng mù quáng theo đuổi và hoan hưởng không thể nào ban cho họ được (xem Gioan 14:27). 

Bởi thế, kinh nghiệm tu đức còn cho thấy, có trở về với Chúa, có chạm đến Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải và sau đó nơi Bí Tích Thánh Thể, con người yếu đuối mới có sức để sống đức tin và đức ái, bằng không, càng ngày sẽ càng bê bối và lún sâu xuống bùn lầy tội lỗi, đến độ nếu không có phép lạ không thể nào thoát khỏi vũng lầy tội lỗi ấy nữa. Nếu người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay không dám đến gần Chúa, và thậm chí chị còn dám giơ bàn tay nhơ nhớp đã từng làm đĩ chạm đến Chúa, thì chắc nàng không bao giờ có thể được thanh tẩy, và thậm chí được biến đổi (như chúng ta sẽ thấy trong Bài Phúc Âm ngày mai).  

Lòng thương xót Chúa tỏ ra với người phụ nữ tội lỗi trong thành ở Bài Phúc Âm hôm nay thế nào, một nữ tội nhân đã cảm nhận thấy lòng thương xót Chúa và đã bất chấp tất cả để đến với Đấng có thể cứu chị, thì lòng thương xót Chúa cũng tỏ ra với chàng Saule biệt phái rất sùng bái Do Thái giáo của chàng, đến độ đã bất chấp bất cứ một đường lối mới hay tôn giáo mới nào xuất hiện giữa Do Thái giáo, nhưng lại là một nhân vật được lòng thương xót Chúa tuyển chọn và biến đổi, từ kẻ bách đạo đến vị tông đồ giảng đạo, có thể nói còn hơn các tông đồ khác.

Chính ngài đã cảm thấy thân phận của ngài và tất cả đều nhờ lòng thương xót Chúa nơi ngài, như ngài đã tâm sự với giáo đoàn Corintô trong Bài Đọc 1 hôm nay:

"Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích.... Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi".

Chắc chắn người phụ nữ tội lỗi trong thành trong Bài Phúc Âm, cũng như vị tông đồ sinh non trong Bài Đọc 1 hôm nay, đều cảm nhận thấy đúng như cảm nhận của Thánh Vịnh 117 ở Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài.

 

 

Ngày 19 tháng 9:
THÁNH GIA-NU-A-RI-Ô 
Giám Mục Tử Đạo
 

* Gương Thánh nhân

Thánh Gia-nu-a-ri-ô, sống vào thế kỷ thứ ba. Lòng nhân đức và tài trí thông minh của ngài đã đưa ngài lên chức Giám mục giáo phận Bê-nê-ven. Ngài hết sức từ chối chức vị cao trọng đó, vì ngài khiêm tốn, thấy mình bất xứng trước mặt Chúa. Nhưng Đức Giáo Hoàng ra lệnh, nên thánh nhân không dám từ chối.

Từ ngày lãnh chức Giám mục, thánh nhân càng sống khắc khổ nghiêm nhặt hơn, cố ý hãm mình dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho hàng giáo sĩ và đoàn chiên. Ngài luôn sống gần gũi, khuyến khích họ trung thành bền đỗ phụng sự tôn thờ Chúa, vì Hội thánh lúc đó đang bị hoàng đế Đi-ô-lê-si-en bách hại, nhiều người đã bị bắt, bị giết vì đạo, nhưng cũng có số người vì nhát đảm đã bỏ Chúa tế thần.

Thánh nhân rất đau lòng mỗi khi nghe tin con chiên chối đạo. Ngày nọ, khi biết có 4 Ki-tô hữu bị tống giam vì đức tin, ngài lén đến thăm họ, khuyên bảo họ can đảm tuyên xưng Chúa Ki-tô. Viên tổng trấn thành phố hay tin liền ra lệnh bắt giữ ngài. Hôm sau, ông truyền dẫn ngài đến và bảo:

- Hãy tế thần đi, ngươi sẽ được sống.

Thánh nhân trả lời:

- Tôi không thờ lạy bụt thần ma quỷ như các ông. Tôi chỉ thờ một Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa cao cả hơn hết.

Viên tổng trấn ra lệnh bỏ ngài vào lò lửa cho chết cháy. Nhưng Chúa cứu ngài bình an vô sự như ba thanh niên Do-thái xưa. Và người ta giam ngài vào ngục. Từ đây, thánh nhân vui mầng gặp lại các con chiên của mình. Ngài khuyên bảo họ:

- Chúng con hãy can đảm lên, đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì hại được linh hồn. Chúng con hãy kính sợ Đấng phạt chúng con trong hỏa ngục, hãy trung thành theo Đấng đó, để được sống đời đời.

Ít hôm sau, viên tổng trấn dạy dẫn ngài ra và bảo:

- Ngươi hãy tế thần đi, ta sẽ cho về với đồ đệ ngươi.

Thánh nhân đáp:

- Quan cứ luật mà xử tội, không bao giờ tôi bỏ Chúa mà theo ma quỷ được.

Đứng trước lòng kiên trung của thánh nhân, viên tổng trấn không còn cách nào hơn là ra lệnh chém đầu ngài.

Thánh nhân đã được phúc tử đạo năm 305, dưới thời hoàng đế Đi-ô-lê-si-en. Năm 1493 di hài của ngài được dời về Náp-lơ, và được dân thành tôn làm thánh bổn mạng. Họ rất tin tưởng ngài, chạy đến nhờ ngài cầu thay nguyện giúp mỗi khi gặp gian nan khốn khó. Tương truyền thánh nhân đã cứu họ khỏi nạn núi lửa Vê-su và máu ngài đã làm nhiều việc lạ, nhưng không có bằng chứng nào chắc chắn về các hiện tượng nầy.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Gia-nu-a-ri-ô, tôi trung thành bền đỗ theo giúp việc Chúa cho đến chết, và hằng ngày mời gọi nhiều người cùng trung thành với Chúa, sẵn lòng chịu khổ cực vì Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con tưởng niệm thánh Gia-nu-a-ri-ô tử đạo.

Xin Chúa rộng ban cho chúng con mai sau được cùng thánh nhân hưởng hạnh phúc trên trời. Chúng con cầu xin...

Nguồn: http://www.giaophanvinhlong.net

 

 

Ngày 16/11/2021, giữa đại dịch toàn cầu vẫn còn hoành hành, trong chuyến Hành Hương Đức Tin - Chứng Tích Phục Sinh 12 ngày 8-19/11/2021,

phái đoàn TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương) đã từ Bắc và Trung Ý Nam Ý ở thành phố Napoli (Naple)

để kính viếng Vương cung Thánh đường Mẹ Mông Triệu TGP Napoli, nơi còn lưu giữ hài tích của Thánh nhân.

 

 

Thánh Januarius, tên tiếng Ý là thánh Gennaro, là thánh quan thầy của Napoli. Nên hình ảnh của ngài xuất hiện ngay trên tường giữa lòng thành phồ.

Ngài là giám mục của thành phố này vào thế kỷ thứ 3. Ngài đã tử đạo trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocletianus. Xương và máu của ngài được kính trong nhà thờ chính tòa Napoli. 

Máu thánh nhân hóa lỏng ít nhất 3 lần mỗi năm: ngày lễ kính thánh nhân 19/9; thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng 5; và ngày 16/12, là ngày kỷ niệm núi lửa Vesuvius phun trào.  

 

 

Nguyện đường bên trong Vương Cung Thánh Đường Mẹ Mông Triệu TGP Napoli, ở bên cánh phải, là nơi lưu giữ Máu của vị thánh.

 

 

Ngày 21/9/2008, tại thành phố cảng Naples của Ý, một lọ chứa khối chất rắn đậm màu, được cho là máu khô của giám mục Januarius, lại một lần nữa hóa lỏng trước ánh mắt ngỡ ngàng của dân chúng.

Phép lạ “máu đông hóa lỏng” này đã xuất hiện rất nhiều lần kể từ thời Trung Cổ cho đến nay.

Hiện tượng kì lạ này tuy được những tín đồ Công giáo sùng bái như một phép màu, nhưng vẫn còn để ngỏ một lời giải thích thỏa đáng từ giới khoa học. 

 

(hầm mộ của vị thánh trong vương cung thánh đường)

 

Chiếc lọ được xem như một thánh tích nổi tiếng của Thiên Chúa giáo, đặt trang nghiêm trong nhà thờ chính tòa Naples.

Bề ngoài trông lọ khoảng 60ml, chứa một khối vật chất đặc khô chiếm nửa bình.

Cứ đến các tháng 5, 9, 12, khi thực hiện nghi lễ truy tôn Thánh Januarius, chiếc lọ được đưa ra, xoay chuyển để “phép màu” xuất hiện:

khối vật chất ấy hóa lỏng ra, có khi ngay lập tức, có khi từ từ, vài giờ đến vài ngày… sau đó đông lại như cũ.

Không những thế, một số hiện tượng khác cũng được ghi nhận như: sôi, sủi bọt, đổi màu từ đỏ thẫm sang đỏ hồng, thậm chí khi cân thấy tăng khối lượng!!!

Có lúc khối ấy không hóa lỏng hết mà nổi thành viên nhỏ trên lớp chất lỏng. 

 


 

Khi phép lạ xảy ra, khối máu khô, có màu đỏ ở một mặt của bình đựng thánh tích trở thành chất lỏng bao phủ gần như toàn bộ mặt kính.

Lần gần đây nhất máu không hóa lỏng là vào tháng 12/2016. Phép lạ đã xảy ra trong khi Napolis bị phong tỏa vì đại dịch virus corona vào ngày 2/5.

Đức Hồng Y Sepe đã dâng thánh lễ truyền chiếu trực tiếp và ban phước cho thành phố với thánh tích của máu hóa lỏng.

Ngài tuyên bố: “Ngay cả trong thời gian đại dịch virus corona, qua lời chuyển cầu của thánh Januarius, Chúa đã cho máu hóa lỏng!”. (CNA 19/09/2020) 

 


Thứ Sáu

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 12-20

"Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất.

Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành! - Ðáp.

2) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. - Ðáp.

3) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 1-3

"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Ðó là lời Chúa.

The Gospel of Luke: An Exposition (Luke 8:1-3) - Men Of The West

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Người nữ môn đệ tội lỗi của Chúa Kitô

 

Bài Phúc Âm hôm nay, mở đầu đoạn 8, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 7. Tức là, sau sự kiện Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simon mời đến dùng bữa với ông và bạn hữu của ông, ở đó, Người đã tha th cho một người phụ nữ tội lỗi hết lòng ăn năn thống hối đến với Người. 

Nếu bài Phúc Âm hôm qua, người phụ nữ lạ mặt như vô danh tiểu tốt này chỉ được Thánh ký Luca tiết lộ một chút xíu ở ngay đầu bài Phúc Âm đó là "một người đàn bà tội lỗi trong thành", thì hình như người phụ nữ tội lỗi ấy đã trở thành một (vẫn tiếp tục vô danh) trong những nữ môn đệ của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay:  

"Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người". 

Phải chăng người phụ nữ tội lỗi tỏ lòng ăn năn thống hối ấy, chẳng những đã từ bỏ đời sống tội lỗi mà còn dấn thân theo phục vụ Đấng đã vô cùng từ bi nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình nữa, qua chi tiết được Thánh ký Luca cho biết là: "Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám". 

Suy diễn này có thể đúng: người phụ nữ tội lỗi đã "đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm" và đã được Người tha thứ: "Tội lỗi con đã được tha... Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an", trong bài Phúc Âm hôm qua, chính là "Maria cũng gọi là Mađalêna" trong bài Phúc Âm hôm nay 

Thật vậy, căn cứ vào hai chi tiết trong 2 phúc âm khác, chúng ta có thể thấy được điều này. Trước hết, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Ký đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm qua.  

Trong Phúc Âm của Thánh ký Marco, ở đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên được vị Thánh ký này liệt kê là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm nay. 

Chưa hết, trong Phúc Âm Thánh Gioan, ở chỗ Chúa Giêsu gọi tên chị "Maria" (20:16) khi chị tưởng Người là nhân viên canh vườn, mà chị là người đầu tiên được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra như Thánh Marcô đã ghi nhận "là người được Người trừ cho 7 quỉ" (16:9), thì "Maria" ở Phúc Âm Thánh Gioan cũng là Maria Mai Đệ Liên trong Phúc Âm Thánh Marco trong biến cố Chúa Kitô Phục Sinh.

Tóm lại, căn cứ vào 3 đoạn Phúc Âm chính yếu và quan trọng có liên hệ với nhau được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, chúng ta có thể đi đến kết luận là cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7. 

Vậy Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, có thể là một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala, một thành phố ở Galilêa, bên trên thành phố Tibêria và bên dưới thành phố Carphanaum, nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa bằng cách "ngồi bên chân Chúa"(x Lk 10:42), phần thể "chân" này của Chúa đã được chị lạ lùng gắn bó mỗi khi ở với Chúa, bao gồm cả lần chị xức dầu hảo hạng cho "chân" của Chúa (xem Gioan 12:3), cũng như đã nhào tới tính ôm lấy "chân" của Chúa khi được Người phục sinh hiện ra với chị (xem Gioan 20:17 và Mathêu 28:9), chị cũng đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)! 

Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên đã trở thành "tông đồ của các tông đồ", như Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016, đã tuyên nhận và vì thế ngài đã nâng bậc lễ của chị lên ngang hàng lễ kính với các vị tông đồ. Chính bản thân chị đã được Chúa hồi sinh, và thậm chí còn biến chị trở thành "tông đồ của các tông đồ" khi sai chị đi loan báo cho chính các tông đồ tin mừng Người phục sinh từ trong kẻ chết. Câu Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Corintô ở Bài Đọc 1 hôm nay: "Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi" hoàn toàn hợp với trường hợp của chị, người đã không còn sống trong tội lỗi, nhưng bằng lòng tin của mình: "Tôi đã thấy Chúa" (Gioan 21:18).

Đúng thế, chị chẳng khác gì như được tỉnh giấc từ một cuộc đời mê lầm tội lỗi, tỉnh giấc từ khi theo Chúa, như được bài Phúc Âm hôm nay nói tới, đúng hơn, từ khi chị bất ngờ gặp được Chúa, có thể là vào lần Chúa đồng bàn tiệc với những người thu thuế và tội lỗi ở nhà của viên thu thuế Levi cũng là Mathêu (xem Mathêu 9:10), trong đó có chị, và nhờ đó, chính tai chị đã nghe thấy Chúa Kitô nhân lành công khai nói với thành phần biệt phái công chính giả hình hôm ấy rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi'." (Mathêu 9:12-13)

Vì chị đã hoàn toàn tỉnh giấc từ đó, cho đến khi tận mắt của chị "đã thấy Chúa", mà vì thế nên tâm tình của Thánh Vịnh 16 ở Bài Đáp Ca hôm nay, có thể nói, là tâm tình của chị, nhất là câu họa: "Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa".

1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành!

2) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.

3) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

 

 

Ngày 20 tháng 9

Thánh An-rê Kim Tê-gon, thánh Phao-lô Chung Ha-san và các bạn, tử đạo

lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử 

Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Ki-tô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII.

Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến xứ này.

Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866 và 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha An-rê Kim Tê-gon. Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phao-lô Chung Ha-san.

Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa Ki-tô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.

 

Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn tử đạo – Giáo họ Vĩnh  Lộc

 

1. Đôi dòng lịch sử

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Andrê Kim và Thánh Phaolô Chung cùng các bạn tử đạo tại Giáo Hội Đại Hàn.

Phải nói Giáo Hội Đại Hàn đã được bắt đầu như một phép lạ. Nói theo cái nhìn của Chúa Giêsu thì Giáo Hội đó được bắt đầu như một hạt cải nhỏ bé nhưng bây giờ nó đã lớn lên, lớn lên mạnh mẽ và oai hùng trước sự kinh ngạc vả cảm phục của nhiều người. 

Nào có ai ngờ được rằng chỉ có một người. Người đó tên là Li Sung Hung. Người ta gọi Li Sung Hung là một học giả. Li Sung Hung đã đến Bắc Kinh năm 1784. Li Sung Hung được học đạo và rửa tội tại đây. Sau khi được trở thành một Kitô hữu, Li Sung Hung thấy mình là người được hạnh phúc. Li Sung Hung đã không muốn một mình vui hưởng niểm hạnh phúc đó. Li Sung Hung muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho đồng bào ruột thịt trên quê hương đất nước của mình. Thế là chỉ với một ít sách báo, tài liệu hiếm hoi, Li Sung Hung đã lên đường về nước rồi với nhiệt tình nóng bỏng truyền giáo, Li Sung Hung đã làm cho ngọn lửa Đức tin được bùng cháy lên.

Việc làm lúc đầu tưởng chừng chỉ là đơn độc và khó lan truyền, thế nhưng như lời Chúa tiên báo ngọn lửa đó đã bùng cháy lên.

Một Giáo Hội đã được thành hình. Không linh mục, thậm chí không có một nhà truyền giáo, chỉ có một giáo dân, rồi từ từ lan toả, từ từ lớn lên, bất chấp mọi trở ngại, bất chấp mọi khó khăn nhất là những hiểu lầm lúc khởi đầu.

Rồi ngay sau đó, nhờ những nỗ lực của một nhóm học giả Hàn quốc tìm tòi, nghiên cứu về đức tin công giáo qua các sách vở mà ông Li Sung Hung đã mang về từ Trung Hoa, những người giáo dân Hàn quốc này bắt đầu dạy giáo lý cho những người khác và rửa tội cho họ. Mãi tới 11 năm sau (1784- 1795), nhờ sự học hỏi tìn hiểu sâu rộng, nhóm giáo dân công giáo đầu tiên này mới bắt đầu nhận thấy: họ cần có một linh mục. Thế là một đại diện ngoại giao đoàn đã được gửi sang Bắc kinh. Đức giám mục Bắc kinh đã chấp thuận ngay lập tức. Và vào năm 1795, cha Chumuymô, vị linh mục thuộc giáo phận Bắc kinh đã chính thức được cử sang Đại hàn và trở thành nhà truyền giáo đầu tiên tại đây.

Giáo hội Đại Hàn bắt đầu lớn lên và càng ngày càng lớn nhanh, lớn mạnh. Thế nhưng cũng như bất cứ Giáo hội nào của Chúa, như một định luật chung, cứ bắt đầu thành hình, lớn lên là bắt đầu chịu nhiều cản trở, cấm đoán cản ngăn, thậm chí nhiều khi còn đi đến chỗ bị bắt bớ tiêu diệt.

Giáo Hội Đại hàn đã phải trải qua một cơn đại hoạ kéo dài 100 năm như thế.

Trong khoảng thời gian kéo dài gần 100 năm đó, lịch sử còn ghi lại con số 103 vị tử đạo. Trong số 103 vị tử đạo này có 92 giáo dân thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội, 45 người nam và 47 phụ nữ. Nổi bật nhất là  vị linh mục đầu tiên tại đất nước Hàn quốc là Andrê Kim Têgôn và mười nhà truyền giáo Pháp. Trong số 103 vị tử đạo, 79 vị đã được phong chân phước năm 1925, họ là nạn nhân của cuộc bách hại đầu tiên, và 24 vị được nâng lên hàng chân phước năm 1968, là nạn nhân của cuộc bách hại sau này.

Cha Chumuymô cũng được phúc tử đạo. Cùng chịu tử đạo với ngài lúc đó, có khoảng 300 người mới trở lại đạo.

Bên cạnh đó, người ta không thể không nhắc đến ông Phaolô Chung, một nhân công trong một xưởng dệt dây thừng, một gương mặt tiêu biểu cho những người công nhân, đã được rửa tội năm 30 tuổi, và đã hoạt động tích cực trong việc truyền bá đức tin công giáo bằng cách giấu ẩn các tín hữu trong vùng khi họ đến nhận lĩnh các bí tích. Ông đã bị bắt vào năm 1839, bị tống ngục và bị tra tấn dã man. Vì không chịu đựng được những cực hình, ông đã đồng ý chối đạo, và được trả lại tự do. Tuy nhiên, sau đó ông hối hận và trở lại nói với chánh án, là ông muốn rút lại lời tuyên bố chối đạo. Một lần nữa, ông bị bắt giam tù và bị đánh đập. Ông chết vì các vết thương làm độc, năm ấy ông 41 tuổi.

Năm 1984, Giáo hội công giáo Hàn quốc mừng lễ kỷ niệm 200 năm ngày học giả trẻ tuổi Li Sung Hung đến Bắc Kinh năm 1784, được rửa tội tại đây, đoạn trở về quê hương với một số sách đạo và một ánh lửa đức tin, để rồi sau đó làm bùng cháy ngọn lửa đức tin công giáo tại Hàn quốc.

Ngày 6.5.1984, tại Seoul, Nam Hàn, trong một thánh lễ phong thánh đầu tiên được cử hành ngoài Rôma kể từ thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng 103 vị tử đạo lên bàn thờ và gọi dịp này là ngày vui mừng nhất, ngày trọng đại nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Hàn quốc.

 

2. Bài học đáng nhớ: Vai trò của những người giáo dân trong công việc mở mang nước Chúa.

Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã nói rất mạnh: "Thời gian mà các tín hữu chỉ đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt niềm tin ở sự can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái mình."

Quả thực ngày nay khi nhìn vào Giáo Hội tại Đại Hàn, không ai mà không nhận thấy các tín hữu của họ đã đóng một vai trò hết sức năng động và hữu hiệu trong đời sống của Giáo Hội.

Ước gì mỗi người trong giáo xứ chúng ta cũng ý thức được vai trò của mình trong công việc xây dựng giáo xứ mình như thế.

Hai ông giáo dân gặp nhau giữa phố chợ. Ông thứ nhất nói:

- Ông có nghĩ rằng chúng ta nên giúp cha xứ một tay không?

Ông thứ hai đáp:

- Tôi cũng thường nghĩ tới chuyện đó, nhưng sao tôi thấy hình như ngài đã chọn riêng vài người phụ giúp rồi, tôi không muốn chen vào nhóm đầu não này.

- Ừ, ông sẽ thấy nhóm này luôn quanh quẩn bên cha xứ, cứ như họ thuộc một hội kín có mật khẩu nào đó.

Một trong những người thuộc nhóm giúp cha xứ, mà hai ông này đang nói tới, tiến đến góp lời:

- Thực ra cũng có nhóm môn đệ nòng cốt, nếu các ông muốn tham gia, tôi sẽ tiết lộ mật khẩu cho.

Hai người kia đồng thanh:

- Nào, nói cho chúng tôi nghe đi.

Ông kia đáp:

- Khi cha đến xứ mình, trước hết, ngài cần nhiều đôi tay góp sức. Ngài đã mời được nhiều người, nhưng chỉ những người biết mật khẩu mới ở lại giúp ngài. Mật khẩu là: “Xin Vâng.”

(John C.Hicks)

 

Chứng tá đức tin của Thánh Anrê Kim và các thánh tử đạo Đại Hàn

 

 

Bài đọc 2

Đức tin được thành toàn nhờ đức ái và sự kiên trì

Trích huấn dụ cuối cùng của thánh An-rê Kim Tê-gon, linh mục, tử đạo.

Anh em và các bạn rất thân mến, trước hết hãy suy nghĩ cho thấu đáo : từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật thế nào. Sau đó, hãy suy gẫm xem vì lý do và ý định nào Thiên Chúa đã dựng nên từng người theo hình ảnh của Chúa và giống như Người.

Vậy, nếu trong thế giới đầy hiểm nguy và khốn khổ này, chúng ta không nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, thì có sinh ra và sống ở trên đời cũng chẳng ích lợi chi. Mặc dù nhờ ơn Thiên Chúa chúng ta chào đời, cũng nhờ ơn Thiên Chúa chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, được gia nhập Hội Thánh, trở thành môn đệ của Chúa và mang danh Người, nhưng hữu danh vô thực nào có ích chi ? Nếu thế, sinh ra trên đời và gia nhập Hội Thánh thật là vô ích ; hơn thế nữa, đó còn là phản bội Chúa và cưỡng lại ơn Người. Thà không sinh ra còn hơn là lãnh nhận ơn Chúa mà xúc phạm đến Người.

Hãy xem người nông dân lo công việc đồng áng thế nào : người ấy cày bừa đúng thời vụ, rồi bỏ phân và gieo hạt giống quý báu, không quản ngại lao nhọc nắng nôi. Đến mùa gặt, nếu thấy những bông lúa nặng trĩu, ông ta quên cả mồ hôi và nỗi vất vả, lòng hân hoan vui sướng, hạnh phúc tràn trề. Còn nếu thấy những bông lúa lép xẹp nếu chỉ thu được rơm rạ và những hạt lúa lép, người nông dân lại nhớ đến mồ hôi và nỗi lao nhọc vất vả, và trước đã chăm sóc thửa ruộng đó bao nhiêu thì nay lại càng bỏ hoang nó bấy nhiêu.

Tương tự như thế, Thiên Chúa nhận mặt đất làm thửa ruộng của Người, nhận chúng ta là những con người làm thóc giống, ban ân sủng làm phân bón. Người còn lấy máu mình mà tưới trên chúng ta nhờ việc nhập thể và cứu chuộc, để chúng ta có thể lớn lên và trở thành bông lúa chín vàng. Đến ngày phán xét là lúc thu hoạch, người nào nhờ ân sủng mà thành bông lúa chín, sẽ được hưởng Nước Trời với tư cách nghĩa tử của Thiên Chúa. Còn ai không thành bông lúa chín, sẽ trở nên kẻ thù của Thiên Chúa, dù trước đó chính họ đã từng là nghĩa tử của Người, và sẽ bị trừng phạt đời đời theo tội trạng của họ.

Anh em rất thân mến, anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta là Đức Giê-su, khi xuống thế gian đã chịu muôn vàn đau khổ, đã lấy cuộc Thương Khó của mình mà thiết lập Hội Thánh và lấy cuộc Thương Khó của các tín hữu mà làm cho Hội Thánh được lớn lên. Quyền lực thế gian mặc sức đàn áp và chống đối, cũng đã chẳng bao giờ thắng được Hội Thánh. Sau khi Chúa lên trời, kể từ thời các Tông Đồ cho đến nay, Hội Thánh đã lớn lên ở khắp nơi giữa những gian truân.

Còn nay, suốt năm, sáu mươi năm trở lại đây, kể từ lúc Hội Thánh có mặt trên đất Triều Tiên của chúng ta, các tín hữu cũng đã nhiều lần bị bách hại. Ngay cả ngày nay, cuộc bách hại cũng còn đang khốc liệt, đến nỗi nhiều người bạn chia sẻ cùng một niềm tin, trong đó có tôi, đang chịu cảnh ngục tù, cũng như chính anh em đang sống giữa cảnh gian truân. Chúng ta đã làm nên một thân thể như thế, làm sao lòng chúng ta lại chẳng buồn, làm sao chúng ta không cảm thấy nỗi buồn chia ly theo tình cảm con người ?

Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, ngay cả sợi tóc nhỏ nhất trên đầu, Thiên Chúa cũng quan tâm, và quan tâm bằng sự thông suốt vô cùng của Người. Vậy, sao lại coi một cuộc bách hại lớn như thế là cái gì khác chứ không phải là mệnh lệnh của Thiên Chúa, hoặc là phần thưởng hay thậm chí là hình phạt của Người ?

Vậy, chúng ta hãy tuân theo ý Thiên Chúa, anh em hãy hết lòng chiến đấu cho thủ lãnh trên trời là Đức Giê-su, và đánh bại ma quỷ của thế gian này là kẻ đã từng bị Đức Ki-tô đánh bại.

Tôi xin anh em : đừng sao lãng tình bác ái huynh đệ, nhưng hãy giúp đỡ lẫn nhau, hãy kiên trì cho tới khi Thiên Chúa thương xót mà cất nỗi gian truân khỏi chúng ta.

Chúng tôi ở đây gồm hai mươi người và nhờ ơn Chúa chúng tôi vẫn còn khoẻ mạnh. Sau này nếu có ai chịu tử hình, tôi xin anh em đừng lơ là gia đình của người đó. Tôi còn nhiều điều phải nói nữa, nhưng làm sao có thể diễn tả hết bằng giấy trắng mực đen ? Đến đây tôi xin ngừng bút. Vì chúng tôi sắp bước vào cuộc chiến đấu, tôi xin anh em luôn sống trung thành để cuối cùng chúng ta được hưởng niềm vui với nhau trên trời. Trong tình yêu thương, tôi xin hôn chào anh em.

Lạy Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ muôn dân, Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin Công Giáo để gia nhập cộng đoàn dân Chúa chọn, Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung cùng các bạn, tử đạo. Xin nhậm lời cầu nguyện của các ngài mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin

 

 

Ngày 21 tháng 9

Lễ Thánh Matthêu, Tông Ðồ

Lễ Kính

 

Catholic Faith Warriors ~ Fighting the Good Fight +: St. Matthew, Apostle  September 21

 

Sở dĩ trong hình Thánh Mathêu trên đây có cả hình con sư tử, là vì Phúc Âm của ngài là 1 trong 4 Phúc Âm,được vì trong thị kiến của Sách Khải Huyền 4:6-7 và Ezekien 1:10, là 1 trong 4 Con Vật "đầy mắt" (thần linh khôn ngoan):

Cuốn phúc âm đầu tiên ấy được ví như con sư tử, phúc âm thứ 2 của Thánh Marco được ví như con bò tơ, phúc âm thứ 3 của Thánh Luca được vì như Con Vật có mặt con người, và phúc âm thứ 4 của Thánh Gioan như phượng hoàng,

 

 

Bài Ðọc I: Ep 4, 1-7. 11-13

"Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Ðức Kitô viên mãn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.

2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 9-13

"Hãy theo Ta". - Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Dẫn Nhập 

 

(Đaminh Maria cao tấn tĩnh)

 

 

Mỗi vị thánh đều phản ánh 1 tia sáng nào đó từ Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một "Ánh Sáng đã chiếu trong tăm tối..." (Gioan 1:5) là thế gian tội lỗi này, khi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và "ánh sáng thật đã chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian này" (Gioan 1:9) vẫn còn tiếp tục phản chiếu nơi thành phần môn đệ của Chúa Kitô: "Các con là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14).


Trong số các thánh, quan trọng nhất phải kể đến các Thánh Tông Đồ, được Giáo Hội cử hành từng vị ở bậc Lễ Kính (feast, có kinh vinh danh và phụng vụ Lời Chúa hợp với chung các vị hay từng vị), vì các tông đồ được Chúa Kitô tuyển chọn để làm chứng nhân tiên khởi của Người, và làm nền tảng của Giáo Hội Người thiết lập (Epheso 2:20). Đức tin của Kitô hữu hậu sinh chúng ta là đức tin tông truyền từ các tông đồ, những người môn đệ tiên khởi của Chúa Kitô, được sống cận kề với Người từ đầu đến cuối, nhờ đó các vị mới tận mắt thấy, tận tai nghe và chính tay được đụng chạm đến Người (xem 1Gioan 1:1-3).


Trong số các Thánh Tông Đồ, thì chỉ có 2 vị được tặng thêm danh hiệu Thánh Sử thôi, đó là 2 vị thánh viết 2 cuốn Phúc Âm: Thánh Mathêu và Thánh Gioan, còn Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Thánh Giuđa (không phải Giuđa phản bội) chỉ viết các thư còn lưu lại trong sổ bộ Tân Ước, cũng không được tước hiệu Thánh Sử. Thánh Mathêu viết Phúc Âm bằng tiếng Do Thái (Hebrew) và viết cho dân Do Thái, (trong khi Thánh Gioan viết cho Giáo Hội và Thánh Luca cho Dân ngoại, bởi đó gia phải về Chúa Giêsu được Thánh Luca liệt kê về tới tận 2 nguyên tổ của chung loài người), nên Thánh Mathêu liệt kê Gia Phả về Chúa Giêsu từ Abraham trở xuống, và hay trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước để chứng thực Chúa Kitô chính là Thiên Sai của dân Do Thái. Thánh Mathêu có khuynh hướng tổng hợp, nên chúng ta thấy trong Phúc Âm của ngài có Bài Giảng Trên Núi (đoạn 5-7), Bảy Dụ Ngôn Nước Trời (đoạn 13), Khiển Trách biệt phái và luật sĩ (đoạn 23), Tận Thế (đoạn 24-25) v.v.

 

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Thứ Tư 30/8/2006 - Bài 17

 

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Để tiếp tục loạt chân dung về 12 Tông Đồ, loạt chân dung được bắt đầu một ít tuần trước đây, hôm nay chúng ta suy niệm về Thánh Mathêu.

 

Phải chân nhận rằng hầu như không thể mô tả trọn vẹn hình ảnh của ngài, vì tín liệu về ngài hiếm có và không đầy đủ. Những gì chúng ta có thể làm đó là mô tả không nhiều lắm về tiểu sử của ngài nhưng những gì được Phúc Âm cống hiến cho chúng ta.

 

Ngài bao giờ cũng có tên trong danh sách 12 vị được Chúa Giêsu tuyển chọn (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13). Tên của ngài, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘tặng ân của Chúa’. Cuốn Phúc Âm đầu tiên trong sổ bộ thánh kinh là cuốn phúc âm mang tên của ngài, cho chúng ta thấy trong danh sách 12 Vị ngài có một tính chất rất đặc biệt, đó là ‘viên thu thế’ (Mt 10:3).

 

Đó là lý do ngài được đồng hóa với con người ngồi ở phòng thuế, kẻ được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người. ‘Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó Người thấy một người tên là Mathêu đang ngồi ở phòng thuế, và Người nói cùng anh rằng: ‘Hãy theo Tôi’. Và ngài đã chỗi dạy theo Người’ (Mt 9:9).

 

Thánh Marcô (x 2:13-17) và Luca (x 5:27-30) trình thuật lời kêu gọi con người ngồi ở phòng thuế, nhưng các vị gọi ngài là ‘Levi’. Việc tưởng tượng ra cảnh được diễn tả trong Phúc Âm Thánh Mathêu 9:9 cũng đủ để nhớ đến bức họa vĩ đại của Carabaggio, được giữ ở Rôma đây, nơi Thánh Đường Thánh Louis của Pháp.

 

Một chi tiết mới về thân thế của ngài được các Phúc Âm nhắc tới, đó là, trong đoạn Phúc Âm, trước trình về về lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài, có nói tới chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capernaum (x Mt 9:1-8; Mk 2:1-12), liên quan tới Hồ Tibêria, gần Biển Galilêa (x. Mk 2:13-14).

 

Người ta có thể suy diễn là Thánh Mathêu đã thực hiện nhiệm vụ của một viên thu thuế ở Capernaum, ở ngay ‘bên biển’ (Mt 4:13), nơi Chúa Giêsu là một vị khách thường xuyên của gia đình Thánh Phêrô.

 

Căn cứ vào những nhận định sơ sài từ Phúc Âm này, chúng ta có thể thực hiện một số chia sẻ như sau. Trước hết là Chúa Giêsu đã đón nhận trong nhóm bạn hữu thân thiết của mình một con người, theo quan niệm ở Do Thái thời ấy, được coi là một tội nhân công khai.

 

Thật ra Mathêu chẳng những là nhân viên quản trị về tiền bạc, một việc được coi là không tinh sạch vì nó xuất phát từ con người xa lạ với thành phần dân Chúa, mà còn hợp tác với thẩm quyền ngoại bang, tham lam bẩn thỉu, có thể ấn định việc cống nộp một cách tùy tiện.

 

Vì những lý do đó, có vài lần các Phúc Âm đã đề cập chung ‘thành phần thu thuế và tội lỗi’ (Mt 9:10; Lk 15:1), ‘thành phần thu thuế và gái điếm’ (Mt 21:31). Ngoài ra, các Phúc Âm còn thấy nơi thành phần thu thuế một mẫu gương tham lam nữa (x Mt 5:46: họ chỉ yêu thương những ai thương yêu họ) và đã đề cập đến một người trong họ là Gia Kêu, như ‘người trưởng ban thu thuế, và giầu có’ (Lk 18:11).

 

Căn cứ vào những chi tiết ấy vấn đề cần phải chú ý là Chúa Giêsu không loại trừ một ai ra khỏi tình thân hữu của Người. Hơn thế nữa, chính lúc Người ngồi ở bàn ăn trong nhà viên Thu Thuế Mathêu, trả lời những ai cảm thấy ngứa mắt trước sự kiện qui tụ thường xuyên song bất xứng của Người, Người đã tuyên bố điều quan trọng này là ‘Những ai khỏe mạnh thì không cần đến thày thuốc, chỉ có những ai yếu bệnh mới cần; Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân’ (Mk 2:17).

 

Lời loan báo tốt đẹp này của Phúc Âm thực sự là ở chỗ đó, ở chỗ Thiên Chúa cống hiến ân sủng của Ngài cho thành phần tội nhân! Ở một đoàn khác, bằng một dụ ngôn nổi tiếng về người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu thậm chí cho thấy một người thu thuế vô danh nêu gương khiêm nhượng tin tưởng vào tình thương thần linh: Trong khi người Pharisiêu ngạo nghễ về tình trạng trọn lành luân lý của mình, thì ‘người thu thuế, đứng ở đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực mà rằng: Lạy Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’

 

Và Chúa Giêsu nhận định rằng: ‘Thày cho các con biết người này về nhà được công chính chứ không phải người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’ (Lk 18:13-14).

 

Bởi thế, qua hình ảnh Mathêu, các Phúc Âm cho chúng ta thấy một cái ngược đời thực sự, đó là ai có vẻ xa vời nhất với thánh đức lại có thể trở thành một mô phạm trong việc chấp nhận lòng thương xót Chúa, giúp họ có thể thoáng thấy được những hiệu năng của lòng xót thương này nơi cuộc sống của họ.

 

Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostom đã có một nhận định đáng kể. Ngài nhận định rằng nơi trình thuật về ơn gọi thì chỉ có một vài người được kêu gọi là có liên quan tới công việc họ đang hành sự. Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã được kêu gọi khi các vị đang đánh cá; Mathêu được kêu gọi khi anh đang thu thuế.

 

Chúng là những công việc có tầm vóc không quan trọng là bao, Thánh Chrysostom nhận định: ‘không còn gì đáng ghê tởm hơn là viên thu thuế và không gì tầm thường hơn là việc đánh cá’ ("In Matth. Hom": PL 57, 363).

 

Bởi thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu cũng vươn tới cả thành phần ở tầm cấp thấp kém, thành phần làm những việc tầm thường của mình.

 

Một ý tưởng khác cũng xuất phát từ trình thuật Phúc Âm, đó là việc Mathêu tức khắc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ‘Ông đã đứng lên đi theo Người’. Lời vắn gọn của câu này nhấn mạnh đến tính cách tức khắc nơi việc Mathêu đáp lại lời kêu gọi.

 

Đối với ông thì điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi sự, nhất là một nguồn lợi tức vững chắc, mặc dù thường bất chính và bất xứng. Hiển nhiên là Mathêu hiểu rằng mối thân tình với Chúa Giêsu không cho phép anh tiếp tục những hoạt động không đẹp lòng Chúa.

 

Người ta có thể dễ dàng trực giác thấy rằng vấn đề này cũng có thể được áp dụng cho hiện nay nữa, ở chỗ, ngày nay người ta cũng không thể chấp nhận việc gắn bó với những gì bất xứng hợp với việc theo Chúa Giêsu, như những thứ giầu sang gian dối. Có lần Người đã công khai phán rằng: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán những gì mình có mà cho kẻ khó để có được nước trời; rồi hãy đến mà theo Tôi’ (Mt 19:21).

 

Đó chính là những gì Mathêu đã làm: Anh đã chỗi dậy đi theo Người! Nơi việc ‘đứng dậïy’ này người ta có thể thấy được việc ly thoát với tình trạng tội lỗi, đồng thời, thấy được cả việc ý thức gắn bó với một sự sống mới, chính trực, hiệp thông với Chúa Giêsu.

 

Sau hết, chúng ta nhớ lại rằng truyền thống của Giáo Hội sơ khai đồng ý với việc gán tác giả quyền của cuốn Phúc Âm thứ nhất cho Mathêu. Việc này được bắt đầu với Papias, vị giám mục của Gerapolis ở Phrygia, vào khoảng năm 130.

 

Vị giám mục này viết rằng: ‘Mathêu đã viết những lời của Chúa Giêsu bằng tiếng Do Thái, và mỗi người giải thích những lời ấy tuỳ họ có thể’ (in Eusebius of Caesarea, "Hist. eccl.", III, 39, 16). Sử gia Eusebius còn thêm chi tiết là: ‘Mathêu, vị trước đó đã giảng dạy cho người Do Thái, khi quyết định đi đến với cả các dân tộc khác nữa, thì đã viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình Phúc Âm ngài đã loan truyền: Nhờ đó ngài đã thay thế, bằng bản viết của mình, những gì họ, thành phần ngài lìa bỏ, bị mất mát đi bởi việc ra đi của ngài’ (Ibid., III, 24, 6).

 

Chúng ta không còn bản Phúc Âm được Thánh Mathêu viết bằng tiếng Do Thái hay Aramaic, mà là bản Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp là bản được lưu lại cho tới chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục nghe, ở một nghĩa nào đó, tiếng nói thuyết phục của người thu thuế Mathêu, vị mà khi trở thành tông đồ đã tiếp tục loan truyền cho chúng ta tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp này của Thánh Mathêu, chúng ta hãy suy niệm sứ điệp ấy luôn mãi để chúng ta có thể cương quyết dứt khoát chỗi dạy theo Chúa Giêsu.


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/8/2006  

 

Bài đọc 2

Đức Giê-su đã nhìn thấy ông, yêu thương và tuyển chọn ông

Trích bài giảng của thánh Bê-đa Khả Kính, linh mục.

Đức Giê-su thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở bàn thu thuế. Người bảo ông : Anh hãy theo tôi. Người thấy không phải với con mắt thể xác, cho bằng với cái nhìn đầy tình thương sâu xa. Đức Giê-su thấy người thu thuế ; Người nhìn ông với tình thương và có ý chọn ông, nên bảo ông : Anh hãy theo tôi ! Nhưng hãy theo có nghĩa là hãy bắt chước, không phải chỉ theo bằng bước chân mà nhất là bằng cách ăn thói ở. Quả thật, ai nói mình ở lại trong Đức Ki-tô thì phải đi trên con đường Người đã đi.

Và ông đứng dậy đi theo Người. Chẳng có gì lạ khi thoạt nghe tiếng Chúa truyền, người thu thuế từ bỏ ngay những lợi lộc trần gian ông đang quản lý, và một khi đã coi thường sự giàu sang, ông dấn thân bước theo Đấng mà ông thấy chẳng có chút của cải nào. Thật vậy, chính Chúa, Đấng bên ngoài dùng lời nói để gọi ông, thì bên trong dùng sự thúc đẩy vô hình mà dạy ông bước theo Người, vì Người tuôn đổ vào lòng trí ông ánh sáng của ơn thiêng khiến ông hiểu được rằng Đấng kêu gọi ông từ bỏ của cải tạm bợ trên trần gian, cũng có quyền ban kho tàng chẳng hư nát trên trời.

Đức Giê-su đang dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến cùng ăn với Người và các môn đệ. Như thế, một người thu thuế trở lại đã nêu gương cho nhiều người thu thuế và tội lỗi biết sám hối và được ơn tha tội. Đây thật là một điềm tốt : vì thoạt khi vừa trở lại, người sau này sẽ trở thành tông đồ và thầy dạy đức tin đã kéo theo mình một đoàn tội nhân đến lãnh ơn cứu độ, và ngay khi đức tin của ông còn phôi thai, ông đã bắt đầu làm công việc loan báo Tin Mừng, công việc mà sau này ông sẽ hoàn thành mỹ mãn, khi đã tiến bộ trên đường nhân đức. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu sâu xa hơn câu chuyện trên đây, thì nên biết rằng không phải Mát-thêu chỉ thết Chúa một bữa tiệc vật chất trong ngôi nhà của ông ở trần gian, mà còn dọn cho Người một bữa tiệc trong ngôi nhà tâm hồn ông với tất cả niềm tin yêu, điều đó còn quý hơn nhiều, bởi chính Chúa đã phán : Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.

Chúng ta nghe tiếng Người và mở cửa ra đón Người, khi chúng ta sẵn sàng vâng theo những lời khuyên nhủ kín đáo hay rõ ràng của Người, và ra sức chu toàn những điều ta biết mình phải thi hành. Người vào nhà để Người cùng với chúng ta và chúng ta cùng với Người ăn bữa tối, vì Người ngự trong tâm hồn những kẻ được tuyển chọn, nhờ hồng ân tình yêu của Người. Nhờ đó, Người luôn nuôi dưỡng họ bằng sự hiện diện quang minh của Người, để họ ngày càng vươn tới những ước vọng cao siêu và để chính Người được thưởng thức những khát vọng cao cả của họ như một thứ cao lương mỹ vị.

Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn của đại diện các tạp chí trên thế giới của Dòng Tên Cuộc phỏng vấn dài này kéo dài 3 buổi khác nhau, tại chính phòng trọ của ngài ở Casa Santa Marta trong Tháng 8/2013. 

 

Jorge Mario Bergoglio là ai? 

 

Tôi hỏi thẳng Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: "Jorge Mario Bergoglio là ai?" Ngài chăm chăm nhìn vào tôi một cách trầm lặng. Tôi hỏi ngài xem tôi có được hỏi ngài câu này hay chăng. Ngài gật đầu và trả lời rằng: "Tôi không biết phải diễn tả làm sao cho thích đáng nhất đây... Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương. Tôi là một tội nhân".

 

Đức Giáo Hoàng tiếp tục chia sẻ và tỏ ra tập trung vào vấn đề như thể ngài không ngờ về một câu hỏi như thế, như thể ngài bị bắt buộc phải chia sẻ thêm. "Đúng thế, có lẽ tôi có thể nói rằng tôi hơi khéo léo một chút, rằng tôi có thể thích ứng với các hoàn cảnh mà nói, thế nhưng tôi cũng thật sự là hơi ngây ngô thẳng thắn. Phải đấy, thế nhưng cái tóm gọn đúng nhất, cái xuất phát từ trong lòng và tôi cảm thấy đúng nhất là thế này: Tôi là một tội nhân được Chúa đoái thương". Và ngài lập lại rằng: "Tôi là một kẻ được Chúa đoái thương. Tôi luôn cảm thức được câu tâm niệm của mình, Miserando atque Eligendo (vì thương mà chọn) là những gì rất đúng với tôi".

 

Câu tâm niệm này được lấy từ các Bài Giảng của tác giả Bede the Venerable, vị viết trong phần dẫn giải của mình về câu truyện Phúc Âm liên quan đến việc Thánh Mathêu được Chúa Giêsu kêu gọi: "Chúa Giêsu đã trông thấy một người thu thuế, và vì Người nhìn anh ta bằng những cảm xúc yêu thương nên đã chọn anh ta, Người đã nói cùng anh ta rằng: 'Hãy theo Ta'". Đức Giáo Hoàng còn thêm: "Tôi nghĩ động danh từ Latinh miserando này không thể dịch sang cả tiếng Ý lẫn tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch nó bằng một động danh từ (gerund) khác vốn không có, đó là misericordiando ('mercy-ing' - việc thương xót)".

 

Đức Giáo Hoàng tiếp tục chia sẻ mà nói, khi nhẩy qua một đề tài khác: "Tôi không biết rõ về Rôma. Tôi biết một ít điều thôi. Những điều này bao gồm Đền Thờ Đức Bà Cả; tôi thường đến đó. Tôi biết Đền Thờ Đức Bà Cả, Đền Thờ Thánh Phêrô... thế nhưng khi tôi cần phải đến Rôma thì tôi bao giờ cũng ở (vùng lân cận) của Via della Scrofa. Từ đó, tôi thường viếng thăm Nhà Thờ Thánh Louis Pháp Quốc và tôi đến đó để chiêm ngưỡng bức họa liên quan đến 'Ơn Gọi của Thánh Mathêu' của Caravaggio.

 

"Ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Thánh Mathêu. Tức là tôi. Tôi cảm thấy như ngài". Đến đây Đức Giáo Hoàng trở nên quyết liệt, như thể ngài cuối cùng đã thấy được hình ảnh ngài đã tìm kiếm: "Chính cử chỉ của Thánh Mathêu đã tác động tôi: Ngài giữ lấy tiền của ngài như muốn nói rằng 'Không, không phải là tôi! Không, tiền bạc này là của tôi'. Đấy, tôi đó, một tội nhân đã được Chúa hướng nhìn tới. Và đó là những gì tôi đã nói khi các vị hỏi tôi rằng tôi có chấp nhận được tuyển bầu làm giáo hoàng hay chăng". Bấy giờ vị giáo hoàng này đã thầm thĩ bằng tiếng Latinh rằng: "Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin vào tình thương vô biên và nhẫn nại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, và tôi chấp nhận bằng tinh thần thống hối".

 

 


Thứ Bảy

(Thứ Bảy hôm nay bị trùng với và bị át đi bởi Lễ Thánh Mathêu Tông Đồ, bậc Lễ Kinh như năm 2024)


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49

"Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.

Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: "Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13

Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).

Xướng: 1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi. - Ðáp.

2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Lời Chúa cần được tung vãi khắp nơi

 

Hôm nay, Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật lại dụ ngôn người gieo giống của Chúa Giêsu khi "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu".

Hình ảnh "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu" ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay rất thích hợp với dụ ngôn người gieo giống là Chúa Giêsu qua vai trò giảng dạy của Ngài, những lời giảng dạy như hạt giống gieo vào tai, vào lòng thính giả, trong đó không phải ai cũng tiếp nhận hạt giống này như nhau, mà là khác nhau, được chính Chúa Giêsu phân loại và tóm gọn lại thành 4 hạng trong dụ ngôn của Người như sau:   

"Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Bốn hạng hay bốn loại thính giả lắng nghe lời Chúa hay đón nhận hạt giống lời Chúa này ra sao và được hạt giống lời Chúa tác dụng như thế nào nơi bản thân họ, hay nói cách khác, hạt giống lời Chúa đã sinh hoa kết trái ra sao nơi họ, tất cả đã được Chúa Giêsu dẫn giải ở phần cuối bài Phúc Âm hôm nay theo lời yêu cầu của các môn đệ: 

"Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Như thế, căn cứ vào những gì được Chúa Giêsu dẫn giải, thì trình độ lãnh nhận hay thái độ lãnh nhận lời Chúa được chia ra làm 4 cấp theo tác dụng của lời Chúa, thứ tự như sau:  

1- "Vệ đường" - Hững hờ trong tâm linh: "Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ". Trường hợp này thường thấy nơi những con người chẳng tin tưởng gì hết, ngoài chính bản thân họ, họ chủ quan, cố chấp, thành kiến, ý riêng, hoàn toàn sống theo bản tính tự nhiên và buông thả, đến độ không cần bị cám dỗ họ cũng sa ngã, phạm tội mà không biết, mất hết ý thức tội lỗi v.v. 

2- "Sỏi Đá" - Nông cạn trong cuộc sống: "Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui". Thường thấy xẩy ra trong các cuộc tĩnh tâm, tham dự viên rất hào hứng khi nghe giảng, vỗ tay, cười lớn, thích thú, gật gù, khoái chí v.v., thế nhưng sau đó vẫn tiếp tục sống với những gì phản lại với lời giảng mà họ cảm thấy hay ho thấm thía nhất thời.  

3- "Bụi gai" - Bất ổn trong nội tâm: "Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả". Có những Kitô hữu Công giáo rất thông thuộc lời Chúa, hay lập lại Lời Chúa khi cần, nhắc nhở Lời Chúa cho kẻ khác, và sống đời cầu nguyện một cách kỹ lưỡng hằng ngày, cho tới khi hoạt động đụng chạm mới thấy trình độ thấm nhuần lời Chúa của họ tới đâu, chỉ thuần lý thuyết hay đã được biến thành đức tin tuân phục và đức ái trọn hảo. 

4- "Đất lànhĐáp ứng trong tin tưởng: "Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái". Mẫu gương cho thành phần "đất lành chim đậu" này không ai hơn Đệ Nhất Tạo Vật về ân sủng là Mẹ Maria, nhờ luôn suy niệm và đáp ứng lời Chúa (xem Luca 2:19,51), bởi thế Mẹ luôn đầy ân phúc và không bao giờ giảm một chút gì ân phúc nơi Mẹ, trái lại, ân phúc càng đầy nơi Mẹ, càng làm cho Mẹ nên giống Chúa hơn ai hết, đến độ Mẹ trở nên rực rỡ như mặt trời công chính là Chúa Kitô (xem Khải Huyền 12:1; Diễm Tình Ca 6:10).

Ở Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói với Giáo đoàn Corintô về điều kiện bất khả thiếu cho thực tại phục sinh, và hình thức thân xác của con người được phục sinh được biến đổi vào ngày cùng tháng tận như sau: "Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng".

Nếu Chúa Kitô đã ám chỉ Người là hạt múa miến được gieo xuống đất cần phải mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái (xem Gioan 12:24), và đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Người (hạt lúa miến được gieo xuống đất) cũng như nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người (hạt lúa miến bị mục nát đi trong mồ sự chết, nhưng sau đó lại đã trổ sinh hoa trái trong vinh quang phục sinh) thế nào, thì thực tế cho thấy, hạt giống Lời Chúa, ám chỉ bản thân Người, được Vị Thiên Chúa chủ ruộng đi gieo trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm nay, cũng vẫn phải tiếp tục bị mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái.

Tuy nhiên, hạt giống Lời Chúa cần phải được mục nát đi ấy không phải chỉ bị mục nát trong lòng đất tốt, ám chỉ tác động hợp tác tích cực của những ai nghe và giữ Lời Chúa, mà còn nơi cả ở 3 môi trường tệ hại nữa: hững hờ, nông cạn và phân tâm, nơi đa số các tâm hồn làm cho hạt giống không sinh hoa kết trái gì. Và chính 3 môi trường bất lợi cho hạt giống Lời Chúa ấy, những môi trường, có thể nói, vị chủ ruộng vô cùng quảng đại cũng cố ý gieo hạt giống của mình vào nữa, dù Ngài thừa biết bản chất của chúng là như thế, như Ngài đã cố tình sai Lời của Ngài xuống trần gian tội lỗi bất xứng này, hay như Ngài cố ý sai Người Con duy nhất của Ngài đến thu hoa lợi nơi thành phần tá điền hung ác rất nguy hiểm cho Con của Ngài (xem Mathêu 21:33-46), chỉ với mục đích duy nhất là để cứu lấy chính thế gian đã bị mục nát, không thể tự cứu mình, bằng chính cuộc mục nát vượt qua của Con Ngài thay cho họ!

Tâm tình của Thánh Vịnh 55 trong Bài Đáp Ca hôm nay là tâm tình của những tâm hồn nào cảm nghiệm thấy lòng thương xót Chúa nơi ơn cứu độ Ngài ban cho họ, để nhờ đó hạt giống sự sống thần linh khi họ lãnh nhận qua Bí Tích Thánh Tẩy Tái Sinh được trổ sinh hoa trái, khi họ biết để cho Chúa Kitô tiếp tục cuộc vượt qua mục nát của Người nơi con người và đời sống của họ, một phản ảnh thần linh nơi đức tin của họ, như thể họ "bước đi trước nhan Thiên Chúa" vậy:

 

1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi.

2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.