SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014
2015-2018-2021
Chúa Nhật
Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a
"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng
lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho
kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và
những người phỉ nhổ tôi.
Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn:
nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét
tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai
là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi,
ai dám kết tội tôi?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Tôi
sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).
Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe
tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu
Chúa. - Ðáp.
2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng
lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và
tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!" - Ðáp.
3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa
của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và
Người đã cứu thoát tôi. - Ðáp.
4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt
tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan
Chúa trong miền đất của nhân sinh. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18
"Ðức tin không có việc làm là đức tin
chết".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin,
mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể
cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh
em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em
lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?
Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là
đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức tin; còn
tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của
anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là
đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua
Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 27-35
"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu
khổ nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía
những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các
ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan
tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên
tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên
tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói
về Người với ai cả.
Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ
phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối
bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các
điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay
lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi
không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại,
và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả
thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình
vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh vẫn liên tục cho tới thời điểm này, Chúa
Nhật XXIV Thường Niên, một sự sống như Chúa Kitô và với Chúa Kitô.
Thật vậy, Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIV Thường Niên hôm nay có thể
tóm gọn như sau: Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh, và vì
thế ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như
Người và với Người.
Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh:
"Bấy giờ Người hỏi: 'Còn các con, các con bảo Thầy là ai?' Phêrô lên tiếng
đáp: 'Thầy là Ðức Kitô'. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về
Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu
đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết
đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó...".
Ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người
và với Người:
"Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy
từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì
sẽ cứu được mạng sống mình".
Có một chi tiết đặc biệt trái ngược trong bài Phúc Âm hôm nay đó là trong
khi "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai
cả" về căn tính "Thày là Đức Kitô" như câu
tuyên xưng của Tông đồ Phêrô thì "Người công khai tuyên bố các
điều đó" nghĩa là về
cuộc vượt qua của Người, như Người vừa tiết lộ trước đó.
Sở dĩ Người nghiêm cấm không cho các môn đệ nói ra hay loan truyền về căn
tính Kitô của Người là vì chung dân chúng và riêng thành phần thày dạy và có
thẩm quyền trong dân không chấp nhận chân lý này. Ngày nay cộng đồng Do Thái
giáo vẫn không tin nhân vật Giêsu Nazarét là "Đức Kitô", ai tin sẽ bị tuyệt
thông, bị loại ra khỏi Hội Đường, như Giáo Hội Công giáo cũng tuyệt thông
những ai không tin Chúa Kitô.
Thế nhưng vấn đề then chốt được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô lại cần
phải Vượt Qua? Phải chăng chỉ vì Người là "Đức Kitô", hay nói ngược
lại chính vì Người là "Đức Kitô" mà Người cần phải Vượt Qua. Như thể
mầu nhiệm Vượt Qua là những gì bất khả phân ly với Người, và đã là "Đức
Kitô" thì Người không thể nào không Vượt Qua.
Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay đã nói trước về thân phận của "Đức
Kitô" cần phải được ứng nghiệm, đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo về thân
phận là "Đức Kitô" của mình, một "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế
không oai phong quyền lực như thế gian tưởng và như dân của Người mong đợi,
mà là một "Đức Kitô" hèn yếu và vô cùng bất hạnh, như vị tiên tri đã
báo trước:
"Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi
đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt
giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi".
Đó là lý do khi vị lãnh tụ tông đồ đoàn là Phêrô, vị vừa đại diện các
tông đồ khác tuyên xưng rất chính xác về Người: "Thày là Đức Kitô",
vị đã chỉ vì kính yêu Người đã "kéo Người lui ra mà can trách Người", nhưng đã
bị Người thậm tệ quở trách hết sức nặng lời rằng: "Satan, hãy lui đi! vì
ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người". Người
không quở trách vị tông đồ lãnh đạo hoàn toàn lòng ngay này một cách âm thầm
mà là một cách công khai, như Phúc Âm thuật lại: "Người quay lại nhìn các
môn đệ và quở trách Phêrô", như thể cảnh giác cho cả tông đồ đoàn về một
sai lầm vô cùng trầm trọng cần phải tránh, không bao giờ được tái phạm.
Thật vậy, nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét nếu không phải là "Đức Kitô" thì nhân vật ấy hoàn toàn không phải là Con Thiên Chúa, không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, và vì thế cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại ("Redemptor Hominis" - "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần" đây là nhan đề cho bức thông điệp đầu tay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979).
Chính vì không chấp nhận nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này là "Đức Kitô"
Thiên Sai Cứu Thế mà Hội Đồng Đầu Mục Do Thái bấy giờ đã lên án tử cho Người
và tìm hết cách để giết Người cho bằng được bởi tay dân ngoại Rôma! Tuy
nhiên, về phía các tông đồ, cho dù có nhận biết và tuyên xưng Người là "Đức
Kitô" chăng nữa, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, các vị vẫn vấp phạm
vì Người, vị thì âm mưu phản nộp Người, vị thì công khai chối bỏ Người v.v.
Tại sao thế?
Phải chăng cho dù niềm tin của các vị thật chính xác nhưng cảm nghiệm của
chính bản thân các vị về niềm tin này vẫn chưa xác thực, bởi tâm trí của các
vị còn bị chi phối bởi khuynh hướng tự nhiên cũng như bởi lý lẽ trần gian: "vì
ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người"?
Đúng thế, đức tin là một ân ban chứ không phải xuất phát từ con người. Bản
thân của con người giống như một mảnh đất nhận được hạt giống thần linh đức
tin này, mà nếu nó là một mảnh đất tốt thì hạt giống đức tin sẽ dễ dàng nẩy
mầm và mọc lên thành cây. Kinh nghiệm cho thấy, mảnh đất nhân tính của loài
người đã trở thành xấu bởi nhiễm nguyên tội, với đầy mầm mống tội lỗi là đam
mê nhục dục và tính mê nết xấu, chưa kể đến tình trạng mù quáng của trí khôn
và bản chất yếu nhược của ý chí.
Bởi thế, bản tính của con người cần phải thích ứng với đức tin và đáp ứng
theo đức tin bằng những việc làm xứng hợp và cần thiết thì thực tại đức tin
mới có thể trở thành hiện thực nơi họ. Theo chiều hướng ấy Thánh Giacôbê
trong Bài Đọc Thứ 2 hôm nay đã đặt vấn đề hiện thực đức tin như sau:
"Nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích
gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? ... Nếu không có việc làm, là đức
tin chết tận gốc rễ"
Trong trường hợp của vị lãnh tụ tông đồ đoàn Phêrô ở bài Phúc Âm hôm nay, sở
dĩ ngài tin một đàng mà hành động một nẻo, nghĩa là "không hành động theo
đức tin", trái lại, hầu như phản nghịch nhau hoàn toàn, là vì ngài vẫn
còn bị trần gian chi phối và ảnh hưởng. Ở chỗ, theo lý luận tự nhiên, có thể
ngài đã nghĩ như thế này: nếu Thày của mình là "Đức Kitô" Thiên Sai
Cứu Thế thì Người không thể nào chết được, không thể nào lại bị khổ nạn và
tử giá như một con người bình thường, như một tội phạm.
Tội nghiệp ngài, tưởng lập luận như vậy là đúng, là phải, nên vì lòng ngay
mà ngài đã tỏ ra sốt sắng lên tiếng can ngăn Đấng ngài vốn tôn sùng và đã
bỏ hết mọi sự mà theo cho tới bấy giờ, không ngờ hậu quả hoàn toàn ngược hẳn
lại, đó là ngài đã bị một cái búa giáng xuống đầu, không còn biết
trời đất đâu nữa. Nếu trường hợp của ngài rơi vào thành phần nghe xong bài
giảng của Người về Bánh Sự Sống đến không chịu được cần phải quay
lưng bỏ đi, nghĩa là họ phải chịu cú trời giáng này, thì chắc chắc họ
sẽ không thể nào chịu nổi. Thế mà anh chàng Simon được đổi tên là Đá
cứng này vẫn vững vàng theo Chúa cho đến cùng, đúng như lời Chúa Giêsu kêu
gọi những ai muốn theo Người ở cuối bài Phúc Âm hôm nay.
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những câu Thánh Vịnh liên quan đến thân phận
của một "Đức Kitô" đích thực đúng như Thiên Chúa sai đến làm Đấng Cứu
Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, chứ không phải là một kitô giả, một
kitô theo lập luận của trần gian, theo lòng mong ước của con người tự
nhiên:
1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai
nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.
2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên
người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa:
"Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!"
3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn
giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.
4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi
không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân
sinh.
Thứ Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 11, 17-26
"Anh em họp nhau lại thì không phải là để
ăn bữa tối của Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi
chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng
là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong
cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần
phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em.
Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi
người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói,
người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là
anh em khinh miệt Cộng Ðoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì?
Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen
anh em.
Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa
điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người
cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là
Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng
một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là
Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ
đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc
Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.
Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng
bữa, anh em hãy chờ đợi nhau.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17
Ðáp: Anh
em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11,
26b).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng
ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền
tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy
Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng
con. - Ðáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong
đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu
kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù
trợ của Người. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên
Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu
mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 1-10
"Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy
lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng
xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín
bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái
đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người
rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và
chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi
Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn
đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không
xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi
mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi
cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền
tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo
đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm".
Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay
lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong
dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người
được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Bài
Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên hôm nay là bài tiếp ngay sau Bài
Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, tức ngay sau bài giảng về việc sống Lòng Thương
Xót như Cha trên trời.
Đó là lý do, mở đầu bài Phúc Âm hôm nay đã có câu móc nối một cách mạch lạc
như sau: "Sau khi đã nói hết những lời
ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Carphanaum". Qua
câu mở đầu bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu huấn dụ về
việc sống Lòng Thương Xót đây chẳng những trực tiếp cho thành phần
tông đồ môn đệ của Người khi "ngước mắt
lên nhìn các môn đệ và nói" (Luca 6:20), mà còn cho cả dân
chúng ở chung quanh các vị nữa: "Tại
đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa,
Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tyro và Sidon đến để nghe Người giảng" (Luca
6:17-18).
Nếu đối với các tông đồ môn đệ của mình, Chúa Giêsu chú trọng tới giáo huấn
thế nào, như Người đã huấn dụ các vị ở Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi
(xem Mathêu các đoạn 5-7), hay ở Loạt Dụ Ngôn về Nước Trời nhất là về ý
nghĩa sâu nhiệm của một số dụ ngôn Người giải thích riêng cho các vị (xem
Mathêu đoạn 13), hoặc ở Bữa Tiệc Ly (xem Gioan các đoạn 14-17), thì đối với
chung dân chúng Người chú trọng đến việc chữa lành cho họ hơn, vì đó là nhu
cầu của họ và đó cũng là nhu cầu tỏ mình ra của Người là Đấng Cứu Thế nơi họ
nữa.
Thật ra phép lạ chữa lành này của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã được bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên rồi (Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XII Thường Niên).
Trong bài Phúc Âm theo Thánh Luca hôm nay, nhân vật ngỏ ý xin Chúa Giêsu
chữa lành chẳng những là một người dân ngoại mà còn là một người cầm quyền
thuộc đế quốc Roma trong vùng ấy, với vai trò là "một
viên đại đội trưởng" (Bài
Phúc Âm), nhưng lại là một
viên đại đội trưởng vừa thương người vừa khiêm tốn.
Viên đại đội trưởng này thương người ở chỗ ông đã lưu tâm đến một trai đầy
tớ đang hấp hối trong nhà lúc bấy giờ và đã từng giúp đỡ dân
chúng đến độ được dân mến thương: "Một
viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý
người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người
Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. Họ đến gặp Đức Giê-su
và khẩn khoản nài xin Người rằng : 'Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn
cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng
ta'".
Khiêm tốn ở chỗ tự cảm thấy bất xứng nên không dám đến gặp Chúa và
cũng không đáng được Chúa đặt chân vào tệ xá của ông: "Đức
Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì
ông này cho bạn hữu ra nói với Người: 'Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá
như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không
nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ
của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng
có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: 'Đi !' là nó đi ; bảo người
kia : 'Đến !' là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : 'Làm cái này !' là nó
làm".
Đức bác ái và lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng có thẩm quyền này quả
thực đã cho thấy đức tin của ông ta vào Thiên Chúa, cho dù ông thuộc thành
phần dân ngoại, một đức tin chưa chắc dân Do Thái đã có, một đức tin
cứu độ. Đó là lý do Chúa Giêsu đã không thể nào không hết lời khen ông ta
trước mặt dân Do Thái rằng:
"Nghe
vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo
Người rằng: 'Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng
chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế'. Về đến nhà, những người
đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn".
Thứ Ba
Phụng
Vụ Lời Chúa
"Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi
thể của chỉ thể".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có
nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác,
thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu
phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô
lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ
gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và
là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã
thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên
tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh,
các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là
Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm
phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả
được ơn diễn giải ư? Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng
hơn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Ta
là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên
Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi
lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính
Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc,
là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen
ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh
Người. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi
Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời
đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho
những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 11-17
"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy
chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim.
Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa
thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một
bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà,
Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn tiến lại gần,
Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán:
"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên
và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa
rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm
viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi
Giuđêa và khắp vùng lân cận.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên hôm nay thuật lại việc Chúa
Giêsu tỏ mình ra qua phép lạ Người hồi sinh đứa con trai duy nhất của bà góa
thành Nain nhờ đó Người được dân chúng nhận biết:
"Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám
rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc
người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và
mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với
bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: 'Bà đừng khóc nữa!' Rồi
Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói:
'Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!' Người chết liền ngồi lên
và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và
tôn vinh Thiên Chúa rằng: 'Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta,
và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người'. Lời này về Đức Giê-su được loan
truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận".
Thế
nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, bình thường, nhất là theo chiều hưóng
của Phúc Âm Nhất Lãm, Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy có đức tin nơi con
người ta nói chung và nơi thỉnh nguyện nhân nói riêng. Nhưng ở trong trường
hợp của bài Phúc Âm hôm nay, phép lạ hồi sinh Người làm cho cậu con trai của
bà mẹ góa hoàn toàn do Người tự ý, chứ bà mẹ của người chết không hề ngỏ ý
xin hay tỏ đức tin gì hết.
Xét cho cùng thì dù Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy đức tin nơi con người
hay tự làm phép lạ cả hai đều để tỏ mình ra. Theo Phúc Âm của Thánh ký Gioan
thì thường Người tỏ mình ra để cho con người nói chung và môn đệ của Người
nói riêng tin vào Người. Bởi vì, Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12).
Mà ánh sáng không chiếu soi không còn là ánh sáng nữa. Bởi thế, Người luôn
phải đi bước trước, ở chỗ tự động tỏ mình ra bằng những "dấu lạ / sign" (từ
ngữ được Thánh ký Gioan sử dụng thay từ ngữ "phép lạ - micracle" được
Phúc Âm Nhất Lãm sử dụng).
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca cũng cho thấy trường hợp Chúa Giêsu
tự động tỏ mình ra, qua sự kiện Người làm cho đứa con trai duy nhất của
người mẹ góa hồi sinh. Thế nhưng, tại sao Người lại tự động làm phép lạ hồi
sinh đứa con bà mẹ góa này, nếu không phải, như bài Phúc Âm cho biết: "Trông
thấy bà, Chúa chạnh lòng thương".
Ở đây,
qua câu Phúc Âm này, Thánh ký Luca, một người ngoại trở lại và viết Phúc Âm
cho dân ngoại theo chiều hướng của Lòng Thương Xót Chúa, đã ghi nhận được
cả tấm lòng đầy cảm thương của Chúa Giêsu như thế, như thể chính ngài đang
có mặt vào lúc bấy giờ. Nhưng tại sao khi làm các phép lạ khác vào những lần
khác không thấy vị Thánh ký này thêm một câu tương tự như thế: "Trông
thấy ... Chúa chạnh lòng thương".
Trông thấy ai? - "Trông
thấy bà", chứ
không phải trông thấy quan tài của đứa con trai duy nhất của bà, thì
Chúa Giêsu cảm thấy thế nào? - "chạnh
lòng thương". Tại
sao vậy? Thánh
ký Luca đã gián tiếp trả lời ở ngay câu trước đó:
"mẹ
anh ta lại là một bà goá" cũng
như câu sau đó Chúa Giêsu trấn an thông cảm với bà, một cử chỉ hiếm quí hầu
như Người chưa làm với ai bao giờ: "Bà
đừng khóc nữa!"
Phải chăng Chúa Giêsu "trông
thấy bà, Chúa chạnh lòng thương" và
tỏ ra cử chỉ hết sức đặc biệt với người mẹ góa này bằng lời an ủi trấn an: "Bà
đừng khóc nữa!", là
vì bấy giờ cảnh tượng người mẹ góa đưa xác đứa con trai duy nhất của bà đã
gợi lên nơi Người hình ảnh về Mẹ của Người, người mẹ góa có một người con
trai duy nhất là Người, trong tương lai, cũng trải qua hoàn cảnh y như
của bà goá thành Nain này, khi Người là con trai duy nhất của Mẹ qua đời ở
Sọ Trường trên Đồi Canvê? Nếu đúng như thế thì phép lạ Người hồi sinh
cho đứa con trai của bà mẹ góa thành Nain này là dấu tiên báo về
Người Mẹ Đồng Công của Người trong cuộc Vượt Qua với Người vậy.
Sự kiện Chúa Kitô là Vị Mục Tử Nhân Lành "chạnh lòng thương", thương từng con chiên của mình, nhất là những con chiên bị thương tích trong tâm hồn, như thương người mẹ góa trước cái chết của người con trai duy nhất trong bài Phúc Âm hôm nay, cho thấy Người lưu ý đến từng người trong nhân loại, một nhân loại đại đồng được Người cứu độ, nhất là đối với những ai tin vào Người, qua Phép Rửa, nhờ đó trở thành chi thể của Người trong nhiệm thể Giáo Hội Người thiết lập, một nhiệm thể duy nhất có Người là Đầu và có Thánh Thần là hồn sống, như Thánh Phaolô đã nhắc nhở Kitô hữu giáo đoàn Corinto trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình".
Một khi thành phần Kitô hữu thật sự hiệp nhất nên một với Chúa Kitô bằng tất cả tấm lòng của mình, chứ không phải chỉ nhờ Phép Rửa mà thôi, bấy giờ họ mới có được tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay về Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất là tình yêu vô cùng nhân hậu nơi Con của Ngài, như sau:
1) Toàn thể địa
cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy
vào trước thiên nhan vơi lòng hân hoan khoái trá.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.
Thứ Tư
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 12, 31 - 13, 13
"Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại,
nhưng đức mến là trọng hơn cả".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn
cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi
nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì
tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được
nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng
tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là
không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình
để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.
Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố
kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không
suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân
lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất
cả.
Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị
huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng
ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều
vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như
trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng
thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua
tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn,
nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức
cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là
trọng hơn cả.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 4-5. 12 và 22
Ðáp: Phúc
thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm,
với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát
mừng Người với tiếng râm ran. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc
Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa
cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân
tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống
trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 147, 12a và 15a
Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi
khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 31-35
"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không
nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói
những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa
trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:
"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh
không nhảy múa.
"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh
không khóc".
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh,
không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có
ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè
với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính
bởi tất cả con cái mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca không
liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, mà cách bài Phúc Âm hôm qua 12 câu trong
cùng đoạn 7, và khúc 12 câu không được Giáo Hội chọn đọc này liên quan đến
vấn nạn về bản thân Chúa Giêsu được môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra
với Người và Người chẳng những đã gợi chứng cho họ biết về Người mà
còn chứng thực về Vị Tiền Hô của Người nữa (xem Luca 7:18-30), trong đó có
câu Thánh ký Luca nhận định như sau:
"Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên
Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người
Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ,
và không chịu phép rửa của ông".
Bởi
thế, thành phần được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay chính là "những
người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về
họ, và không chịu phép rửa của ông", Tiền
Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã làm phép rửa cho cả Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế. Thế
nên, thành phần vốn bị Chúa Giêsu khẳng định và khiển trách là giả
hình này đã được Chúa Giêsu sánh ví trong bài Phúc Âm hôm nay như thế này:
"Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: 'Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc'. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".
Ở đây, qua nhận định của Chúa Giêsu về thành phần biệt phái và luật sĩ này,
chúng ta thấy con người phải tuân hợp với chân lý, chứ chân lý không tuân
hợp với con người, không theo con người, không như ý nghĩ thiển cận và ý
muốn vị kỷ của con người, cho dù chân lý có thích ứng với con người, như nơi
"Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), để con
người dễ lĩnh hội và chấp nhận mà thôi.
Chính vì thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái tự phụ cho rằng
mình thông luật và cẩn thận tuân giữ luật lệ nhờ đó trở nên công chính hơn
ai hết, nên tưởng mình là đệ nhất thiên hạ về lề luật Chúa, ai cũng phải
theo như ý họ nghĩ về lề luật một cách duy luật mới được, bằng không, vẫn bị
họ cho là "bị quỉ ám", dù vị ấy có là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã
từng là đèn soi chiếu cho Đấng đến sau ngài được họ tìm đến trước đó để truy
nguyên về Đấng Thiên Sai (xem Gioan 5:35; Gioan 1:24-27), thậm chí còn bị
họ cho là "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", dù
vị ấy có là Chúa Kitô, Đấng "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), là "ánh
sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9).
Kinh nghiệm tu đức cũng cho thấy, Giáo Hội Công giáo chẳng những bị quyền
bính chính trị bách hại suốt giòng lịch sử của mình ở khắp nơi, mà
còn thường trở thành mục tiêu chống đối của chính nội bộ Kitô hữu Công giáo
của mình nữa, bao gồm cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân, theo chiều hướng cấp
tiến hay bảo thủ của họ: Giáo Hội bị coi là quá chậm chạp trước những con
mắt cấp tiến, hay ngược lại Giáo Hội bị coi là phá giới trước con mắt của
thành phần bảo thủ nếu Giáo Hội cần phải thích nghi những gì tùy phụ theo
thời cuộc để mưu ích hơn cho phần rỗi các linh hồn.
Chưa hết, thực tế phũ phàng cho thấy, theo chiều hướng canh tân cởi mở
của Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt là về phụng vụ, đã xẩy ra tình
trạng quá trớn bởi thành phần cấp tiến thừa thắng xông lên, Giáo Hội lại bị
kêu trách là tại cởi mở, trong khi các nguyên tắc về cởi mở được Giáo
Hội ấn định một cách đàng hoàng rõ ràng lại không được trung thực tuân giữ.
Thế nhưng, cuối cùng mọi sự sẽ được sáng tỏ, đúng như Chúa Giêsu đã
khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "sự khôn ngoan đã được minh chính
bởi tất cả con cái mình".
Đúng thế, chỉ có thành phần con cái ngoan ngoãn của Vị Thiên Chúa mới thấy được tất cả sự thật, nhờ Thánh Thần của Ngài ban cho ở trong họ, và chính nhờ vị Thánh Thần chẳng những là Thần Chân Lý mà còn là chính mối hiệp thông thần linh trong Ba Ngôi này, mà những người con của Thiên Chúa mới có thể tiến tới chỗ sống bác ái yêu thương hơn ai hết và hơn bao giờ hết, "không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công", những thái độ bất xứng bị Thánh Phaolô liệt kê trong Bài Đọc 1 hôm nay. Bởi vì, nếu chân lý là những gì bất biến thì lòng yêu thương là ánh sáng của chân lý cũng bất diệt, đúng như cảm nghiệm và xác tín của Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Bác ái không khi nào qua đi... Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả".
Và chỉ có thành phần là con cái Chúa, thành phần sống đức ái trọn hảo của Thiên Chúa và như Thiên Chúa, không còn sống vì mình và cho mình, với đầy những thành kiến và đố kỵ chủ quan, mới có thể cùng Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay vang lên những tâm tình hoan hỉ và ngợi khen chúc tụng như sau:
1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả
các Tông đồ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em
Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin
theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng
cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh
em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội
lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ
ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông
Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em
trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có
vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các
Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.
Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ,
và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên
Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người
không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng:
song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các
đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 28
Ðáp: Hãy
cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì
đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của
Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay
hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ
loan truyền công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ
Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa
thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 36-50
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà
đã yêu mến nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa
Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn.
Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa
trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm.
Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người,
bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã
mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà
đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi
(mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn
nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".
"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ
năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ
tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?"
Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông
đã xét đoán đúng".
Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo
Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ
nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình
mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân
Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức
chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã
yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".
Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được
tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà
lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con,
con hãy về bình an".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Bài Đọc 1 hôm qua có câu: "Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình
thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh
Thần, tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế
gian, siêu thăng trong vinh hiển", Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm
nay, một phúc âm được viết cho dân ngoại và về Lòng Thương Xót Chúa, tiếp
theo bài Phúc Âm hôm qua về một Chúa Kitô bị thành phần biệt phái và luật sĩ
cho rằng: "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", bài
Phúc Âm ghi lại một sự kiện như thể chứng thực Chúa Giêsu quả là như thế,
quả là Đấng muốn đến sống gần gũi với thành phần tội lỗi để có thể cứu chuộc
họ, để nhờ đó họ có thể nhận ra Lòng Thương Xót Chúa qua Người, ở nơi Người
và là chính Người.
Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Luca cho thấy Chúa Giêsu đã gần
gũi với một người đàn bà hư thân mất nết, một thứ gần gũi bất khả tránh
ngoài ý muốn nhưng thật cần thiết, cho dù có thể trở thành gương mù cho
người khác, như đã xẩy ra ở ngay trước mắt của vị chủ nhà biệt phái, đến độ
gia chủ lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến thấy cảnh tượng, mà đối với thành
phần coi mình là công chính bởi thông luật và duy luật, có vẻ quái gở này:
"Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình;
Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội
lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái,
liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân
Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn
chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ
rằng: 'Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình
là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!'".
Nếu trong dụ ngôn vẫn được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng, người cha
nhân hậu trong dụ ngôn chẳng những tỏ lòng thương đứa con hoang đàng trở về
mà còn thương cả đứa con cả ở nhà với ông mà lòng lại xa ông thế nào, thì
trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những tỏ lòng thương cả đứa con
hoang đàng là người phụ nữ đang hết lòng thống hối ăn năn trở về với Người
mà còn tỏ lòng thương cả vị chủ nhà công chính nhưng lầm lạc đáng thương
nữa. Đó là lý do trong khi gia chủ đang có tư tưởng ngờ vực về thế giá của
Người là vị được ông ta trân trọng mời vào nhà và dùng bữa với ông, Chúa
Giêsu đã kéo ông từ bộ óc trên đầu của ông xuống trái tim ở dưới lồng ngực
của ông, bằng một dụ ngôn vấn nạn làm ông tự suy nghĩ và đã nhận định
rất đúng:
"Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: 'Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông'. Simon thưa: 'Xin Thầy cứ nói'. 'Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?' Simon đáp: 'Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn'. Chúa Giêsu bảo ông: 'Ông đã xét đoán đúng'".
Thế rồi, căn cứ vào câu trả lời chính xác theo tự nhiên của vị chủ nhà, Chúa
Giêsu mới áp dụng vào trường hợp của người phụ nữ tội lỗi đang đụng chạm đến
Người ở ngay trước mặt ông, một con người được kể như mắc nợ nhiều hơn ông,
(chứ không phải là ông công chính theo chủ quan mà ông không mắc nợ gì với
Chúa nữa), một vị gia chủ tuy cảm phục Người đã mời Người đến nhà dùng
bữa, (một người biệt phái hiếm thấy đối với Chúa Giêsu vẫn là cái gai chướng
mắt của thành phần biệt phái và luật sĩ, dù vị chủ nhà này chưa cảm mến
Người bằng nghị viên biệt phái Nicôđêmô - Gioan 3:1-2), nhưng vẫn không tỏ
ra hết lòng cung kính Người và mến yêu Người như chính con nợ phụ nữ mà
trong đầu của ông đang có vấn đề với Chúa, như chính Người đã vạch
ra cho ông thấy trong bài Phúc Âm:
"Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: 'Ông thấy người đàn bà này
chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã
lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào
Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu
trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo
ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được
tha ít, thì yêu mến ít'".
Thế rồi, trong khi chủ nhà đang bàng hoàng choáng váng bởi những nhận định
rất chính xác về ông cũng như về người đàn bà tội lỗi đã có những
hành động đúng như những gì vị đại khách nhắc lại và so sánh với thái độ
cùng hành động của ông đối với cùng vị khách này, thì Chúa Giêsu đã phán với
người đàn bà hư thân mất nết, như con nợ nhiều gấp 10 lần vị gia chủ ("hai
con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi") rằng: "Tội
con đã được tha rồi".
Lời Người phán truyền tha tội này không ngờ lại gây phản ứng dữ dội hơn nữa,
lần này không phải chỉ riêng vị gia chủ mà bao gồm cả những khách được mời
(chắc cùng thành phần biệt phái với chủ nhà) nữa. Bởi thế, "những người
đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: 'Ông này là ai mà lại tha tội được?'". Họ
nghĩ cũng đúng thôi, vì trước mắt họ thì Chúa Kitô chỉ là một nhân vật Giêsu
Nazarét thuần túy, chứ chẳng phải thần thánh gì, chẳng phải là Con Thiên
Chúa, chẳng phải là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền tha tội cho loài
người.
Tuy nhiên, trong khi con mắt duy luật và cao ngạo của thành phần biệt phái
này không nhận ra vị thượng khách ở giữa họ như thế thì người phụ nữ lăng
loàn tội lỗi đáng kinh tởm và xa lánh đối với họ lại nhận ra Người, Đấng có
quyền tha tội lỗi cho nàng, nên nàng mới bày tỏ những cử chỉ ăn năn thống
hối tuyệt vời nhưng đầy ngứa mắt như vậy, thậm chí nàng cứ đến với Người bất
chấp các con mắt khinh người của nhóm khách biệt phái: "Chợt có một người
đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người
biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm...".
Chính vì hành động đầy tin tưởng hết sức can đảm lạ lùng hiếm có này của
người phụ nữ lạ mặt "tội lỗi trong thành" này mà cuối cùng Chúa
Giêsu đã nói với nàng rằng: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình
an".
Kinh nghiệm tu đức và mục vụ cũng cho thấy, có những tâm hồn tội lỗi lâu năm
chưa xưng tội, hay đúng hơn không dám xưng tội, vì chỉ sợ cứ sa đi ngã lại,
hay vì thấy mình tội lỗi chất chồng và càng chồng chất tội lỗi càng khó trở
về với Chúa, thậm chí còn nản chí mất lòng tin tưởng vào Lòng Thương Xót
Chúa.
Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn theo dõi và tìm kiếm từng con chiên lạc đã có cách
cứu độ của Ngài. Bởi thế, vào thời điểm ấn định, trong một hoàn cảnh thích
hợp nào đó, có những tâm hồn đã trở về với Ngài, đã xưng tội, cho dù vào
trong giờ lâm tử, và sau đó họ cảm thấy họ được giải thoát và được
tràn đầy bình an, một thứ bình an họ không thể nào có được khi họ đang sống
trong tự do theo ý họ một cách gian ác lỗi lầm, một thứ bình an thế gian mà
họ đã từng mù quáng theo đuổi và hoan hưởng không thể nào ban cho họ được
(xem Gioan 14:27).
Bởi thế, kinh nghiệm tu đức còn cho thấy, có trở về với Chúa, có chạm đến
Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải và sau đó nơi Bí Tích Thánh Thể, con người
yếu đuối với có sức để sống đức tin và đức ái, bằng không, càng ngày sẽ càng
bê bối và lún sâu xuống bùn lầy tội lỗi, đến độ, nếu không có phép lạ không
thể nào thoát khỏi vùng lầy tội lỗi ấy nữa. Nếu người phụ nữ tội lỗi trong
bài Phúc Âm hôm nay không dám đến gần Chúa và thậm chí còn dám giơ bàn tay nhơ
nhớp đã từng làm đĩ chạm đến Chúa, thì chắc nàng không bao giờ có thể được
thanh tẩy và thậm chí được biến đổi (như chúng ta sẽ thấy trong Bài Phúc Âm
ngày mai).
Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa những tâm tình tri ân cảm tạ và chúc tụng ngợi khen lòng thương xót Chúa mà chỉ có những tâm hồn như Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay và như người phụ nữ trong Bài Phúc Âm hôm nay mới cảm nghiệm và vang lên rằng:
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì
đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của
Người muôn thuở".
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 15, 12-20
"Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức
tin của anh em cũng vô giá trị".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng
Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói:
không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô
cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của
chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì
chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân
giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa
rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống
lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không
sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô
giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an
giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô
trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại
nhất.
Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là
đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15
Ðáp: Lạy
Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa
của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ
cặp môi chân thành! - Ðáp.
2) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con,
lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi
lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương
tựa tay hữu của Ngài. - Ðáp.
3) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài.
Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no
thoả nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng
lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho
con. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8, 1-3
"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy
của cải mình mà giúp Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm
làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng
đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh
tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà
Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác;
những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Bài Phúc Âm hôm nay, mở đầu đoạn 8, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua ở
cuối đoạn 7. Tức là, sau sự kiện Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là
Simon mời đến dùng bữa với ông và bạn hữu của ông, ở đó Người đã tha thứ cho
một người phụ nữ tội lỗi hết lòng ăn năn thống hối đến với Người.
Nếu bài Phúc Âm hôm qua, người phụ nữ lạ mặt như vô danh tiểu tốt này chỉ được Thánh ký Luca tiết lộ một chút xíu ở ngay đầu bài Phúc Âm đó là "một người đàn bà tội lỗi trong thành", thì hình như người phụ nữ tội lỗi ấy đã trở thành một (vẫn tiếp tục vô danh) trong những nữ môn đệ của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin
Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy
người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là
Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên
quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải
mình mà giúp Người".
Phải chăng người phụ nữ tội lỗi tỏ lòng ăn năn thống hối ấy chẳng những đã
từ bỏ đời sống tội lỗi mà còn dấn thân theo phục vụ Đấng đã vô cùng từ
bi nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình nữa, qua chi tiết được Thánh ký Luca
cho biết là: "Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ
ám".
Suy diễn này có thể đúng: người phụ nữ tội lỗi đã "đứng phía chân Người,
khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và
xức thuốc thơm" và đã được Người tha thứ: "Tội lỗi con đã được
tha... Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an", trong bài Phúc Âm
hôm qua, chính là "Maria cũng gọi là Mađalêna" trong bài Phúc Âm hôm
nay.
Thật vậy, căn cứ vào hai chi tiết trong 2 phúc âm khác, chúng ta có thể
thấy được điều này. Trước hết, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Ký đã chú
thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria
có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu
thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2), đúng như những gì
Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm qua.
Trong Phúc Âm
của Thánh ký Marco, ở đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện
ra, mà người đầu tiên được vị Thánh ký này liệt kê là “Maria Magdalene”,
một nhân vật nữ đã được thánh ký ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người
trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho
khỏi 7 quỉ” (16:9), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận
trong bài Phúc Âm hôm nay.
Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật
mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này
chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo
Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7.
Vậy Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, có
thể là một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở
Magdala (?), nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của
mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk
10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước
mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các
vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh
Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con
người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước
cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về
Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)!
Việc trong thành phần môn đệ của Chúa Kitô có cả các nữ môn đệ đi theo
Người để phục vụ Người, trong đó có Maria Mai-Đệ-Liên và nhất là
Mai Đệ Liên vốn là một con điếm và viên thu thuế Levi được gọi là Mathêu vốn
là một tay thu thuế gian tham phản quốc trước mắt dân tộc Do Thái của mình, cho thấy họ là những
con người khôn ngoan, trổi vượt, sống trong thế gian mà không thuộc về thế
gian, ở chỗ, về tiêu cực không sống theo thế gian và như thế gian, và về
tích cực họ sống với Chúa và cho Chúa, một sự sống mới, một sự sống được bắt
nguồn và xuất phát từ Chúa Kitô Phục Sinh, một sự sống mới được chứng thực
nơi thành phần môn đệ được gọi là tông đồ của Người, thành phần chứng nhân
cho sự sống mới này, chẳng những bằng chính chứng từ đời sống của mình, mà
còn bằng cả việc rao giảng của mình nữa, cho phần rỗi của tha nhân, như Thánh Phaolô
đã xác tín và loan truyền trong Bài Đọc 1 cho năm chẵn hôm nay:
"Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng
Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói:
không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô
cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của
chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì
chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân
giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa
rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống
lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không
sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô
giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an
giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô
trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại
nhất.
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49
"Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong
bất hủ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người
chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi
gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì
ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi,
chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng
thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn
mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong
khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như
lời chép rằng: "Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí
ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều
thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà
ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên
giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới
cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc
thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc
địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13
Ðáp: Tôi
sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).
Xướng: 1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa
phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy
vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi.
- Ðáp.
2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con
khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã
cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được
tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh. -
Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn
con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật
đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8, 4-15
"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ
lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người
ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
"Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt
rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác
rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi
vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất
tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai
có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý
nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu
nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà
không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là
lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe,
nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những
hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa,
nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách,
thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi
đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ
không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe
lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh
được hoa trái".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Hôm nay, Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật
lại dụ ngôn người gieo giống của Chúa Giêsu khi "có đông dân chúng tụ họp
lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu".
Hình ảnh "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến
cùng Chúa Giêsu" ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay rất thích hợp với dụ
ngôn người gieo giống là Chúa Giêsu qua vai trò giảng dạy của Ngài, những
lời giảng dạy như hạt giống gieo vào tai, vào lòng thính giả, trong đó không
phải ai cũng tiếp nhận hạt giống này như nhau, mà là khác nhau, được chính
Chúa Giêsu phân loại và tóm gọn lại thành 4 hạng trong dụ ngôn của Người như
sau:
"Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt
rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác
rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi
vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất
tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Bốn hạng hay bốn loại thính giả lắng nghe lời Chúa hay đón nhận hạt giống
lời Chúa này ra sao và được hạt giống lời Chúa tác dụng như thế nào nơi bản
thân họ, hay nói cách khác, hạt giống lời Chúa đã sinh hoa kết trái ra sao
nơi họ, tất cả đã được Chúa Giêsu dẫn giải ở phần cuối bài Phúc Âm hôm nay
theo lời yêu cầu của các môn đệ:
"Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên
vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi
lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những
người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ
tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi
gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu
có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như
hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và
thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Như thế, căn cứ vào những gì được Chúa Giêsu dẫn giải, thì trình độ lãnh
nhận hay thái độ lãnh nhận lời Chúa được chia ra làm 4 cấp theo tác dụng của
lời Chúa, thứ tự như sau:
1- "Vệ đường" - Hững hờ trong tâm linh: "Những hạt rơi bên vệ đường, tức
là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ
tin mà được cứu độ". Trường hợp này thường thấy nơi những con người
chẳng tin tưởng gì hết, ngoài chính bản thân họ, họ chủ quan, cố chấp, thành
kiến, ý riêng, hoàn toàn sống theo bản tính tự nhiên và buông thả, đến độ
không cần bị cám dỗ họ cũng sa ngã, phạm tội mà không biết, mất hết ý thức
tội lỗi v.v.
2- "Sỏi Đá" - Nông cạn trong cuộc sống: "Những hạt rơi trên đá sỏi là
những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ,
họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui". Thường
thấy xẩy ra trong các cuộc tĩnh tâm, tham dự viên rất hào hứng khi nghe
giảng, vổ tay, cười lớn, thích thú, gật gù v.v. thế nhưng sau đó vẫn tiếp
tục sống với những gì phản lại với lời giảng mà họ cảm thấy hay ho thấm thía
nhất thời.
3- "Bụi gai" - Bất ổn trong nội tâm: "Hạt rơi vào bụi gai, là những người
đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của
đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả". Có những Kitô
hữu Công giáo rất thông thuộc lời Chúa, hay lập lại Lời Chúa khi cần, nhắc
nhở Lời Chúa cho kẻ khác, và sống đời cầu nguyện một cách kỹ lưỡng hằng
ngày, cho tới khi hoạt động đụng chạm mới thấy trình độ thấm nhuần lời Chúa
của họ tới đâu.
4- "Đất
lành" - Đáp ứng trong tin tưởng: "Còn như hạt rơi trong đất tốt,
là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và
nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái". Mẫu gương cho thành phần "đất
lành chim đậu" này không ai hơn Đệ Nhất Tạo Vật về ân sủng là Mẹ Maria, nhờ
luôn suy niệm và đáp ứng lời Chúa (xem Luca 2:19,51), bởi thế Mẹ luôn đầy ân
phúc và không bao giờ giảm một chút gì ân phúc nơi Mẹ, trái lại, ân phúc
càng đầy nơi Mẹ, càng làm cho Mẹ nên giống Chúa hơn ai hết, đến độ Mẹ trở
nên rực rỡ như mặt trời (xem Khải Huyền 12:1; Diễm Tình Ca 6:10).
"Vật ngươi
gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì
ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi,
chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng
thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn
mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong
khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng".
Vấn đề chính yếu của cả Bài Phúc Âm lẫn Bài Đọc 1 hôm nay đều liên quan không phải chỉ đến hạt giống mà là đến tình trạng biến đổi của hạt giống, một hình ảnh được sử dụng để ám chỉ thân xác của con người sống trên mặt đất trần gian này, một thân xác nếu không chết đi sẽ không sống lại theo nguyên tắc tự nhiên hay định luật trong trời đất thế nào, thì cũng thân xác ấy, nếu không chết đi cho đam mê nhục dục về mặt luân lý khi còn sống trên đời này thì chẳng bao giờ có thể được biến đổi "nên giống thân xác vinh hiển của Chúa Kitô" (Philiphê 3:21).
Phải chăng đó là lý do ở đoạn cuối của Bài Đọc 1 hôm
nay, Thánh Phaolô đã đề cập đến một thứ thân xác trọn hảo như thế này:
"Nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như
lời chép rằng: 'Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí
ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều
thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà
ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên
giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới
cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc
thiên giới cũng vậy'. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc
địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy".
1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa
phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy
vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi.
2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con
khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã
cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được
tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.