SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014
2015 - 2018 - 2021
Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20
"Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục
nhã".
Trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) "Chúng ta hãy vây
bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối
việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ
luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi
những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì
nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi
tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó
có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục
nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
Ðáp: Chúa
đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân
danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin
nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin. - Ðáp.
2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và
bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước
mặt mình. - Ðáp.
3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng
đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ
ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 3, 16 - 4, 3
"Hoa quả của công chính được gieo vãi trong
bình an cho những người xây đắp an bình".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở
đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì
trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy
lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối.
Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp
an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào
không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể
anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau.
Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ.
Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là
vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng
thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 29-36
"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất,
thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi
xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người
dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ
giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông
không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người
hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc
đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống,
gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự
làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Rồi Người đem một em bé lại đặt
giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những
trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón
tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai
Thầy".
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm theo Thánh ký Marco được
Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật XXV Năm B tuần này không tiếp theo ngay sau
bài Phúc Âm cũng của cùng vị thánh ký này của Chúa Nhật tuần trước. Giáo
Hội đã bỏ 29 câu đầu của đoạn 9, bao gồm 3 sự kiện: 1- biến hình liên
quan đến việc xuất hiện của Elia (9:1-13) và 2- trừ quỉ cho một bé trai
(9:14-29), mà chỉ lấy có 6 câu sau đó liên quan đến lời tiên báo của Chúa
Giêsu lần 2 về cuộc vượt qua của Người, một mô phạm bất khả thiếu cho thành
phần các môn đệ của Người.
Về nội dung thì bài Phúc Âm Chúa Nhật
tuần này hơi giống với bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước (xem Marco
8:27-35). Ở chỗ, nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước ghi lại lời Chúa Giêsu
báo trước cuộc vượt qua của Người lần thứ nhất, liên quan đến điều kiện quan
thiết bất khả thiếu để có thể theo Người là Đấng Vượt Qua, thì bài Phúc Âm
Chúa Nhật tuần này cũng thuật lại lời Chúa Giêsu báo trước cuộc vượt qua của
Người lần thứ hai, liên quan đến tinh thần cần phải có nơi thành phần môn đệ
của Người để có thể chấp nhận Người.
Chúa Giêsu báo trước về cuộc vượt qua
của Người lần thứ hai: "'Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ
giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại'. Nhưng các ông
không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người."
Tinh thần cần phải có nơi thành phần
môn đệ của Người để có thể chấp nhận Người: "Các ngài tới Capharnaum. Khi
đã vào nhà, Người hỏi các ông: 'Dọc đàng các con tranh luận gì thế?' Các ông
làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ
Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: 'Ai muốn làm lớn
nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người'. Rồi Người đem
một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: 'Ai đón nhận
một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình
Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón
tiếp Ðấng đã sai Thầy'".
Mục đích của Giáo Hội chọn đọc 2 bài Phúc Âm cho Chúa Nhật tuần trước và tuần này tương tự như nhau, trong đó, bao gồm cả định mệnh cần phải vượt qua của Chúa Kitô lẫn số phận của thành phần môn đệ theo Người, như để nói lên rằng môn đệ không hơn Thày, tôi tớ không hơn chủ, Thày thế nào trò cũng vậy, không thể nào khác hơn, không còn lựa chọn nào khác.
Đó là lý do, nếu trong bài Phúc Âm Chúa
Nhật tuần trước, Tông Đồ Phêrô đã bị Chúa Giêsu thậm tệ khiển trách vì có
tâm tưởng ngay lành nhưng lệch lạc không đúng ý Thiên Chúa thế nào, thì
trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này Chúa Giêsu cũng đã, cho dù nhẹ nhàng và
dịu dàng hơn, dạy cho các tông đồ biết các ngài không thể nào sống theo
khuynh hướng ham danh tham quyền tự nhiên, trái lại, cần phải có tinh thần
nhỏ bé và phục vụ theo gương của Người, bằng không, các vị không thể nào
theo Người cho tới cùng, không thể nào sống đúng với vai trò chứng nhân của
các vị.
Hành động và lời nói của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này hơi lạ, nhưng chắc chắn chúng phải bao hàm một ý nghĩa gì đó rất sâu xa. Lạ là ở chỗ để giải quyết vấn đề tranh chấp giữa các môn đệ về quyền bính xem ai hơn ai kém, sau câu trả lời "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người", Chúa Giêsu còn "đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: 'Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy'".
Phải chăng hành động Chúa Giêsu "đem
một em bé lại đặt giữa các ông" ám chỉ tinh thần đơn sơ bé nhỏ phải là
mẫu sống cho chung các vị và cho từng vị? Có thể các vị đã biết được tinh
thần hy sinh phục vụ bất vụ lợi của Thày các vị, qua lời nói và việc làm của
Người như các vị đã nghe và đã thấy, nên khi các vị được Người hỏi "'Dọc
đàng các con tranh luận gì thế?'", thì "Các vị nín thinh, vì dọc đàng các vị tranh
luận xem ai là người lớn nhất"?
Và phải chăng cử chỉ của Người
sau đó đã "ôm em bé mà nói với các ông rằng: 'Ai đón nhận một trong những
trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy'", là
cử chỉ Ngưới muốn ám
chỉ các vị cần phải trân quí và gắn bó sống tinh thần bé nhỏ thì các vị mới
có thể chấp nhận Người, mới có thể "đón tiếp chính mình Thầy", bằng
không, như ở đầu bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "các vị không hiểu
lời đó và sợ không dám hỏi Người"?
Đối với thành phần còn thuộc về thế gian, còn suy nghĩ theo tự nhiên loài người hơn là theo Thiên Chúa (xem Mathêu 16:23) thì họ cho rằng đường lối cạnh tranh hơn thua là chính đáng, và bản thân họ phải chiếm được tất cả những gì là hay nhất, tốt nhất và lợi nhất, hơn tất cả những người khác, trái lại, họ không bao giờ chấp nhận thấy ai hơn họ hay đụng chạm đến họ, dù đối tượng ấy không có ý gì, hoàn toàn do chủ quan và thành kiến sẵn có của họ mà thôi, đúng như Bài Đọc 1 hôm nay về thành phần những kẻ gian ác:
"Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó
không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển
trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem
điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho
nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên
Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó.
Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại
không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói,
thì người ta sẽ cứu nó!"
Thế mà, thành phần gian ác đầy ý đồ xấu xa và tác hại đối phương của mình như thế chẳng những không làm hại được đến những tâm hồn ngay lành chân chính là đối thủ không đội trời chung của họ, trái lại, càng làm cho đối phương của họ có dịp chứng tỏ đức công minh chính trực đích thật và trọn hảo của mình, ở chỗ tin tưởng vào Chúa hơn lúc nào hết và hơn ai hết:
1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân
danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin
nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.
2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và
bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước
mặt mình.
3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng
đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ
ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
Thứ Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Cn 3, 27-34 {hoặc 27-35}
"Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối".
Trích sách Châm Ngôn.
Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có thể làm việc
lành; nếu con làm được việc lành, thì chính con hãy làm. Con chớ nói với
người bạn của con rằng: "Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ cho ngươi", khi con
có thể cho ngay.
Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con,
khi nó tin tưởng vào con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ, khi
chính người đó không làm điều gì ác cho con. Con chớ ganh tị với người bất
chính, và chớ noi theo đường lối của nó. Vì Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối,
và Chúa ở thân mật với những kẻ đơn sơ. Chúa gửi đến nhà kẻ gian ác sự khó
nghèo, còn nhà người công chính sẽ được chúc phúc. Chính Chúa nhạo báng
những kẻ gian dối, và ban ơn cho những kẻ hiền lành. [Người khôn ngoan sẽ
thừa hưởng vinh quang, nhưng phường ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.]
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy
Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa (c. 1b).
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi
công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu
khống. - Ðáp.
2) Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không
làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai
tôn sợ Chúa. - Ðáp.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng
không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì
muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận
lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8, 16-18
"Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào
đều thấy sự sáng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng:
"Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó
trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm
mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta
biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được
cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi".
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXV
Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp liền với bài Phúc Âm Thứ Bảy Tuần trước,
Tuần XXIV Thường Niên.
Thật vậy, ngay sau khi nói
với đám đông dân chúng tuốn đến nghe Người và Người đã giảng dạy họ bằng dụ
ngôn người gieo giống trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, Chúa
Giêsu, trong bài Phúc Âm hôm nay, liền giảng tiếp vỏn vẻn trong 3 câu
Phúc Âm như là những gì liên hệ với nhau bất khả phân ly trong cùng một bài
giảng của Người, đó là:
"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt
trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà
lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết
và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai
đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng
sẽ bị lấy mất."
Đúng thế, dụ ngôn người gieo giống trong
bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước liên quan đến 4 loại thính giả, và 3 câu
Phúc Âm hôm nay có liên hệ hết sức mật thiết với nhau ở chỗ: "Vậy
hãy để ý tới cách thức anh em nghe". Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu lại ghép
cách thức nghe lời Chúa với việc thắp đèn lên cho sáng tỏ chứ?
Phải
chăng ở đây Chúa Giêsu có ý nói rằng Chúa là người gieo giống, là Đấng
"gieo"
giảng hạt giống lời Chúa, chẳng còn muốn gì hơn là làm sao cho lời của
Người sinh hoa kết trái nơi con người, nơi những người nghe lời của Người,
mà "lời Chúa là đèn soi chân con bước, là ánh sáng dẫn lối con đi"
(Thánh Vịnh 119:105), thì cũng có nghĩa là Người muốn thắp lên trong mỗi một
con người ngọn đèn lời của Người, nếu họ biết lắng nghe và đáp ứng lời của
Người, nhờ đó, lời của Người cho dù đầy sâu nhiệm "bí ẩn" cũng sẽ "trở
nên hiển hiện", dù lời của Người như có vẻ "che giấu" trong tâm
hồn của mỗi một người nghe lời của Người, cũng sẽ trở nên cụ thể trước mặt
mọi người qua đời sống chứng nhân của họ, như "được đưa ra ánh sáng"
vậy.
Nếu biết lắng
nghe, chấp nhận và đáp ứng lời của Chúa, như một mảnh đất tốt, thì mảnh đất
nhân tính tốt của con người lắng nghe ấy sẽ trở sinh hoa trái, như thể "ai
đã có (lời Chúa),
thì được cho thêm (hoa
trái)", trái lại, thành phần nghe lời Chúa như
một vệ đường hay như sỏi đá hoặc như bụi gai, thì lời Chúa Giêsu kết luận ở
cuối bài Phúc Âm hôm nay đã khẳng định: "còn
ai không có (ám chỉ lời Chúa chẳng công hiệu gì nơi họ như
thể họ chẳng có lời Chúa, chẳng hề nghe lời Chúa),
thì ngay cái họ tưởng là có (như đức tin họ lãnh nhận khi lãnh nhận
Phép Rửa, như việc lành phúc đức họ làm là những gì họ tưởng là có), cũng
sẽ bị lấy mất (như
người đầy tớ được trao cho một nén chẳng sinh
lợi nên bị tước luôn - xem Mathêu 25:28-29)".
Còn những ai "thắp đèn" rồi khôn ngoan "để trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng" thì được Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay "người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa" (câu họa). Bởi vì, như 3 câu xướng của Bài Đáp Ca này, họ thành phần những con người:
1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
2) Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không
làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai
tôn sợ Chúa.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
Thứ Ba
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Cn 21, 1-6. 10-13
"Những câu Cách Ngôn khác nhau".
Trích sách Châm Ngôn.
Lòng vua ở trong tay Chúa, như những dòng nước
chảy, Người muốn hướng nó về đâu tuỳ ý Người. Mọi đường lối của người ta đối
với họ là ngay thẳng, nhưng Chúa cân nhắc tâm can. Thực hành công bình và
bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ. Mắt tự cao là lòng kiêu ngạo: đèn kẻ
gian ác là tội lỗi. Toan tính người cần mẫn luôn dẫn tới sự dồi dào, còn mọi
kẻ biếng nhác luôn gặp nghèo khó. Ai dùng lưỡi gian dối thu tích kho tàng,
là người hư hốt vô tâm, nó sẽ rơi vào lưới sự chết.
Tâm hồn người tội ác mơ ước sự dữ, nó không
thương xót người lân cận. Khi kẻ hung bạo bị sửa phạt thì người bé nhỏ sẽ
khôn ngoan hơn, và nếu nó theo người khôn ngoan, nó sẽ được thông minh.
Người công chính nhìn xem lòng kẻ tội ác, để cứu nó thoát khỏi tai hoạ. Ai
bịt tai không nghe tiếng người nghèo khó, thì lúc chính nó kêu cầu, cũng
chẳng ai nghe.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 1. 27. 30. 34. 35. 44
Ðáp: Lạy
Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài (c. 35a).
Xướng: 1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh
tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. - Ðáp.
2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của
Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Ðáp.
3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm
theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp
Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Ðáp.
5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị
Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng. - Ðáp.
6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn luôn,
cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn
con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8, 19-21
"Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời
Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người,
nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho
Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". Người trả lời
với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra
thực hành".
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên,
bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cũng rất ngắn ngủi, chỉ có 3 câu, tiếp
ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua về chiều hướng lời Chúa nơi con người thắp sáng
trần gian, và có liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua về ý nghĩa của nó, về mối
liên hệ đích thực giữa Người với những ai giữ lời Chúa, đó là bài Phúc Âm
trong đó Chúa Kitô khẳng định về mối liên hệ thiêng liêng với Người:
"Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến
tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo
tin cho Người rằng: 'Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy'. Người
trả lời với họ rằng: 'Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và
đem ra thực hành'".
Đúng thế, qua câu khẳng định về tình
nghĩa thiêng liêng với Người này, Chúa Giêsu chẳng những không phủ nhận mối
liên hệ tự nhiên về huyết nhục, nhất là đối với Người Mẹ của Người, mà
còn đề cao Mẹ của Người hơn nữa, như muốn nhấn mạnh rằng Mẹ Maria của Người
chẳng những có phúc vì đã được thụ thai và cưu mang Người (xem Luca 11:27)
là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), là "Con Thiên
Chúa", là "Con Đấng Tối Cao" (Luca 1:32,35), mà còn "có phúc
vì đã tin" (Luca 1:45), tin phục những gì đã truyền đạt cho Mẹ.
Chính "đức tin tuân phục" (Roma
1:5) của Mẹ mới làm và đã làm cho Mẹ nên một với Con của Mẹ, mới làm cho
Mẹ xứng đáng đồng công cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Con Mẹ và với
Con Mẹ, nhất là khi Mẹ đứng kề bên Thánh Giá của Người (xem Gioan 19:25). Mẹ
là đệ nhất môn đệ của Con Mẹ, là môn đệ tuyệt hảo nhất của Con Mẹ đúng như
Con Mẹ mong muốn, ở chỗ Mẹ là "người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực
hành".
Mẹ không thể nào có thể "đem ra thực
hành" lời Chúa nếu không "nghe lời Thiên Chúa", như khi Mẹ nghe
thấy câu trả lời của Thiếu Nhi Giêsu Con Mẹ 12 tuổi trong đền thờ sau 3 ngày
lạc mất, một lời mà Mẹ không nắm bắt được ý nghĩa của nó (xem Luca 2:50),
nhưng Mẹ vẫn lấy "đức tin tuân phục" để "xin vâng" như trong
Biến Cố Truyền Tin (xem Luca 1:38), hay như khi Mẹ chứng kiến thấy những dấu
lạ Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lưu giữ tất cả
những sự ấy mà suy niệm trong lòng, chẳng hạn như sự kiện ba chiêm tinh
vương gia đông phương đến bái thờ Hài Nhi Giêsu Con Mẹ (xem Luca 1:19).
Bởi thế, Mẹ thật sự là Mẹ của Chúa
Kitô, Lời Nhập Thể cả về phương diện thể lý lẫn phương diện thiêng liêng.
Nếu về phương diện tự nhiên, Mẹ đã hạ sinh nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét
thuộc giòng dõi Đavít, thì về phương diện siêu nhiên, nhờ đức tin tuân phục
của Mẹ, Mẹ đã thụ thai Lời Nhập Thể và Lời Nhập Thể đã chiếm đoạt Mẹ, biến
Mẹ thành phương tiện thông ban ơn cứu độ, một ơn cứu độ trước tiên được
thông ban cho thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, qua lời chào đầy Thánh Linh
của Mẹ (xem Luca 1:41-44), và sau đó, cũng nhờ lời chuyển cầu thần thế của
Mẹ, bằng vai trò trung gian môi giới, Chúa Giêsu lần đầu tiên đã tỏ mình ra
cho các môn đệ của Người ở tiệc cưới Cana làm cho các vị tin vào Người (xem
Gioan 2:1-11).
Chính nhờ tâm hồn của đầy "đức tin
tuân phục" của Mẹ mà chẳng những tâm hồn đầy ân phúc của Mẹ thực sự
là Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị, mà nhờ đó cả thân xác trọn đời trinh
nguyên của Mẹ nữa cũng đã hoàn toàn trở thành Đền Thờ vô cùng xứng đáng cho
Lời Nhập Thể ẩn ngự trong suốt 9 tháng mở đầu cho cuộc sống trần gian của
Người.
1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa.
2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.
3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài.
4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó.
5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.
6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.
Thứ Tư
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Cn 30, 5-9
"Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con
giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ".
Trích sách Châm Ngôn.
Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là
thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa,
kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và
xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời
gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho
con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa
là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 29. 72. 89. 101. 104. 163
Ðáp: Lời
Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).
Xướng: 1) Xin đưa con xa cách con đường gian
dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. - Ðáp.
2) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng
chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp,
lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.
4) Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ
trọn những lời răn dạy của Ngài. - Ðáp.
5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi
thế con ghét mọi đường lối gian tà. - Ðáp.
6) Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu
chuộng luật pháp của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì
quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 1-6
"Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên
Chúa và chữa lành bệnh nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại,
ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các
bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành
bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả,
chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào,
thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con,
thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố
cáo họ". Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa
lành bệnh tật khắp nơi.
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm
hôm nay, Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên, không tiếp nối bài Phúc Âm hôm qua, mà
bỏ qua hết 34 câu còn lại của đoạn 8 Phúc Âm Thánh ký Luca, một khúc phúc âm
bao gồm 3 sự kiện chính yếu sau đây:
1- Chúa Giêsu
dẹp yên bão tố khi được các môn đệ đáng thức lúc Người ngủ trên
thuyền (câu 22-25), một sự kiện đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho
ngày Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên;
2- Người ra
tay trừ quỉ cho một người trần truồng ở Gerasene (câu 26-39), một sự kiện
cũng đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Tư Tuần XIII Thường
Niên; và
3- Người chữa
lành người đàn bà loạn huyết 12 năm và hồi sinh đứa con gái của vị trưởng
hội đường (40-56), một sự kiện cũng đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại
cho ngày Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên.
Bài Phúc Âm
hôm nay bao gồm 6 câu đầu của đoạn 9 Phúc Âm Thánh Luca, liên quan đến biến
cố Chúa Giêsu sai 12 tông đồ "đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa
lành bệnh nhân", một biến
cố cũng đã được Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại cho Thứ Năm Tuần XIV
Thường Niên.
Tuy nhiên,
nếu bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên liên
quan đến bài đọc 1 được trích từ Sách Khởi Nguyên (44:18-21,23-29;45:1-5): Phụng Vụ Lời
Chúa - Tuần XIV Thường Niên, thì bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm
nay liên quan đến Sách Châm Ngôn.
Nguyên văn
nội dung của bài Phúc Âm hôm nay như thế này: "Khi ấy, Chúa Giêsu gọi
mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ
và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước
Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: 'Khi đi đàng, các
con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo.
Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai
không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân
lại, để làm chứng tố cáo họ'. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao
giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi".
Nguyên
văn Bài Đọc 1 hôm nay về tâm nguyện được chất chứa trong Sách Châm
Ngôn như sau: "Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là
thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa,
kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và
xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời
gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho
con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa
là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.
Đâu là ý
nghĩa liên kết giữa bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 hôm nay? Ý nghĩa liên kết giữa
bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 cho năm chẵn hôm nay là ở chỗ hãy tin
tưởng vào Chúa trong mọi sự, nhất là khi được tuyển chọn và sai đi làm việc
của Người, Đấng sẽ đích thân lo hoàn tất việc của mình, bằng đường lối và
vào thời điểm của Người, qua những con người thừa sai được Chúa Giêsu trong
Bài Phúc Âm hôm nay khuyên: 'Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ
mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo", một tinh thần bần
cùng nghèo khó hoàn toàn tin tưởng phó thác vào chính Đấng sai đi, đã được
tác giả Sách Châm Ngôn trong Bài Đọc 1 hôm nay phản ảnh một phần nào, khi vị
tác giả này bày tỏ ước nguyện của mình chỉ muốn sống vì Chúa và lo sợ mất
lòng Chúa như thế này: "Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho
con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa
là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con".
Chỉ có những ai biết kính sợ Thiên Chúa, ở chỗ chẳng những hết sức xa tránh tất cả những gì là gian ác của trần gian, mà còn hết lòng trân quí những huấn lệnh chân thiện tối thượng của Thiên Chúa, mới có được những tâm tình và ước nguyện lành thánh của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Xin đưa con xa cách con đường gian
dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con.
2) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
3) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp,
lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.
4) Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài.
5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà.
6) Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài.
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gv 1, 2-11
"Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời".
Trích sách Giảng Viên.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân:
phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân. Ích lợi gì cho con người
làm lụng vất vả dưới mặt trời? Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến:
nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời. Mặt trời mọc lên rồi lại lặn xuống,
trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên. Gió thổi về hướng nam, rồi quay về hướng
bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ.
Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển không
đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi.
Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và không ai
có thể cắt nghĩa tại sao. Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe hoài cũng
không thoả.
Sự đã qua là gì? Chính nó là sự sẽ có. Sự đã
xảy ra là gì? Chính nó là sự sẽ xảy ra. Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời,
cũng chẳng ai nói được rằng: "Ðây cái này mới". Vì nó đã có từ lâu đời trước
chúng ta. Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu sau này;
cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Thân
lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c.
1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa
hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con
người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". - Ðáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng
buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi
chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để
chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để
tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình
của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho
chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay
chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con
về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 7-9
"Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này
là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các
việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi
chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói
rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan
trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như
thế?" và vua tìm cách gặp Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Thứ Bảy Tuần
XVII Thường Niên Giáo Hội đã chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu có nội
dung về biến cố Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị chém đầu với lời mở đầu của quận
vương Hêrôđê liên quan đến danh tiếng của Chúa Giêsu: Phụng Vụ Lời
Chúa - Tuần XVII Thường Niên. Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký
Luca cũng lập lại lời của vị quận vương này về danh tiếng của Chúa Giêsu
liên quan đến cái chết của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả.
Tuy nhiên,
trong khi Phúc Âm Thánh Mathêu bao gồm cả tiến trình xẩy ra việc lấy thủ cấp
của vị thánh này và chỉ nói vỏn vẻn đến cảm nhận của quận vương Hêrôđê, thì
Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay lại không thuật lại tất cả diễn tiến xẩy
ra biến cố ấy, nhưng bao gồm cả các cảm nhận khác cùng với cảm nhận của
chính quận vương Hêrôđê về Chúa Giêsu:
"Khi ấy, quận
vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có
kẻ nói rằng: 'Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại'; còn kẻ khác lại nói: 'Ông
Êlia đã hiện ra'; kẻ khác nữa nói rằng: 'Một tiên tri thời xưa đã sống lại'.
Nhưng Hêrôđê thì nói: 'Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm
nghe đồn làm những điều như thế?' và vua tìm cách gặp Người".
Trước hết,
chúng ta thấy rằng, nhờ Phúc Âm của Thánh ký Luca chúng ta có thể suy ra là
cảm nhận của quận vương Hêrôđe trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu có
thể đã bị ảnh hưởng bởi cảm nhận của một vị quần thần nào đó của vua: "vì
có kẻ nói rằng: 'Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại'", và vua chỉ lập lại
cảm nhận ấy như là cảm nhận của vua về Chúa Giêsu thôi: "Thời ấy, tiểu
vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận
rằng: Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có
quyền năng làm phép lạ" (14:2)
Qua cảm nhận
này của quận vương Hêrôđê, người ta có cảm tưởng là vị quận vương này
vừa đánh trống vừa ăn cướp, đúng là một "con cáo" (Luca 13:32) muốn "tìm
giết" cả Người nữa, như Người đã được một số người biệt phái mật báo cho
biết sau này (xem Luca 13:31). Còn trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm
nay, ông ta lại có vẻ khách quan hơn, thiện chí hơn và tỏ ra thân thiện hơn
với Chúa Giêsu: "Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa
Giêsu đã làm thì phân vân... 'Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này
là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?' và vua tìm cách gặp Người".
Ở đây, trong
bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, vị quận vương Hêrôđê này chỉ tỏ ra thắc mắc
mà thôi, chứ không suy diễn rồi đi đến quả quyết chủ quan một cách hống hách
ngang tàng như trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, và chính vì thắc mắc
nên ông mới muốn "tìm cách gặp Người".
Không ngờ, ước
nguyện muốn được gặp Người của ông cuối cùng cũng đã được đáp ứng, khi tổng
trấn Philatô, nghe biết Chúa Giêsu gốc gác thuộc về miền Galilêa là
vùng thuộc thẩm quyền của ông, đã giải giao Người cho ông, và khi nghe thấy
thế ông đã tỏ ra "hết sức vui mừng để gặp Người", nhưng ông đã hoàn
toàn thất vọng khi gặp Người, bởi ông chỉ muốn "xem Người làm một phép lạ
nào đó", mà không được toại nguyện nên ông cùng đám vệ binh
của ông đã tỏ ra khinh chê nhạo báng Người (xem 23:6-12).
Phải chăng Kitô
hữu chúng ta đôi khi cũng chỉ muốn "tìm cách gặp Người" như quận
vương Hêrôđê này để được "xem Người làm một phép lạ nào đó", ở chỗ
Người ban cho chúng ta những điều chúng ta xin Người, nhất là trong cơn gian
nan khốn khó hoạn nạn của chúng ta, cần được cứu vớt nhanh bao nhiêu có thể,
lạ bao nhiêu có thể theo lòng mong ước chủ quan thiển cận của chúng
ta, nhưng xin mãi mà Người vẫn im lìm chẳng nhúc nhích gì, khiến chúng ta
cảm thấy chán ngán Người, xa lánh Người và thậm chí chối bỏ Người cùng
nguyền rủa Người?
1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình
của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho
chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay
chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gv 3, 1-11
"Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời
gian của chúng".
Trích sách Giảng Viên.
Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới
bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có
thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái
đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời
gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì
cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian
nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian
gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có
thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ.
Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng,
thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời
gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công lao vất vả của
mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người
phải chịu đựng.
Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn,
và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu
được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4
Ðáp: Ôi
Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)
Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa!
Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa
là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom,
con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng,
đời người ta như bóng thoáng qua. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn
nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 18-22
"Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người
phải chịu nhiều đau khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng
một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những
đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan
Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các
tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con,
các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên
Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con
Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ
từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm
của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên, trùng với bài
Phúc Âm của Thánh ký Marco của Chúa Nhật XXV đầu tuần vừa rồi, cũng như
trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Năm Tuần XVIII Thường
Niên.
Cả 3 bài
Phúc Âm đều thuật lại sự kiện dân chúng nói chung và các môn đệ nói riêng
cảm nhận về căn tính của Chúa Giêsu: "Phần các con, các con bảo Thày là
ai?". Ở Phúc Âm của Thánh ký Marco thì câu trả lời của vị đại
diện tông đồ đoàn bấy giờ là Thánh Phêrô đã thưa ngắn nhất: "Thày là Đức
Kitô" (8:29), và ở Phúc Âm của Thánh ký Mathêu câu trả lời của ngài lại
dài nhất: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (16:16), còn ở
bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay câu trả lời của ngài vừa phải, hòa hợp
giữa 2 câu trả lời ngắn dài trên đây: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".
Câu trả lời
tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô được 3 Phúc Âm trong bộ Phúc Âm Nhất lãm
thuật lại hơi khác nhau về văn tự, nhưng nội dung vẫn như nhau. Ở chỗ "Thày
là Đức Kitô" (Phúc Âm Thánh Marco), cho dù "Đức Kitô" ấy "của Thiên
Chúa" (Phúc Âm Thánh Luca) hay là "Con Thiên Chúa hằng sống"
(Phúc Âm Thánh Mathêu). Bởi vì, tự bản chất "Đức Kitô" phải là Con
Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bằng không, không phải là "Đức
Kitô".
Tuy nhiên, theo
mạc khải thần linh, "Đức Kitô" này, "Đức Kitô" được chung dân
chúng cảm nhận như là một vị đại tiên tri, như Gioan Tẩy Giả hay như Elia,
cũng như được riêng các tông đồ tuyên xưng đúng như căn tính của Người, đúng
như sự thật nơi nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này, lại có một dung nhan
lưỡng diện, chẳng những có mặt phải mà còn có cả mặt trái nữa.
Vậy nếu mặt
phải của dung nhan lưỡng diện này của "Đức Kitô" là gì, nếu không
phải là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Phúc Âm Thánh Mathêu), thì mặt
trái của dung nhan Người là gì, nếu không phải là Đấng Vượt Qua, như cả 3
Phúc Âm Nhất lãm này cho thấy, hay trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm
nay thuật lại: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các
thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống
lại".
Chính mặt trái
nơi dung nhân của "Đức Kitô" này đã khiến cho chung dân Do Thái, đặc
biệt là thành phần thày dạy lề luật của họ là luật sĩ và biệt phái, nhất
là Hội Đồng Đầu Mục Do Thái lãnh đạo trong dân, thậm chí bao gồm cả thành
phần môn đệ thân tín nhất của "Đức Kitô" là các tông đồ, tất cả đều
vấp phạm vì Người, tức không nhận ra Người, đến độ phản nộp Người, chối bỏ
Người, lên án Người, thách đố nhạo báng Người xuống khỏi thập giá để họ tin
Người quả thực là Đấng Thiên Sai (xem Mathêu 27:39-42; Marco 15:29-32; Luca
23:35).
Thật vậy, làm
sao dân Do Thái nói chung và các tông đồ môn đệ của Người nói riêng có thể
nhận ra Người và chấp nhận Người được, nếu qua lời tiên báo về cuộc vượt qua
của Người lần thứ nhất này trở thành hiện thực, khi mà một "Đức Kitô"
khôn ngoan giảng dạy và quyền năng chữa lành ấy lại có một dung nhan
thật trái khuấy, hoàn toàn bị biến dạng trông vô cùng ghê rợn, đến độ Người
không còn dung nhan hình hài gì nữa (xem Isaia 52:14), thậm chí Người
còn trở nên như sâu bọ đất không còn là người (xem Thánh Vịnh 22:7), một sự
thật quá ư là phũ phàng và vô cùng bất xứng với danh phận vô cùng uy nghi
cao cả và thiện hảo của một Đấng Thiên Sai, "Con Thiên Chúa hằng sống".
Trong đời sống
tu đức cũng thế, theo bản tính và khuynh hướng tự nhiên, không ai trong loài
người nói chung và Kitô hữu nói riêng lại yêu thích đau khổ thử thách, trái
lại, còn tìm cách xa lánh và tiêu diệt nó bao nhiêu có thể. Bởi thế, ai cũng
sung sướng khi được may lành và chúc phúc trong cuộc sống, cũng như nơi mọi
việc mình làm, nhất là khi được ơn an ủi lúc mới bước chân vào đường trọn
lành hay khi mới tĩnh tâm xong v.v. Thế nhưng khi đụng độ với đau khổ, tức
khi giáp mặt với một "Đức Kitô" khổ nạn và tử giá đầy thương tích vô
cùng khủng khiếp và ghê rợn, mới biết được cường độ đức tin của chúng
ta mạnh mẽ tới đâu, mức độ đức cậy của chúng ta vững chắc tới chừng nào, và
nhiệt độ đức mến của chúng ta sốt nóng tới bao nhiêu!
Đúng vậy, đúng như Sách Giảng Viên đã kết luận
trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã
làm từ đầu đến cuối", mà chính vì thế, cho dù các vị tông đồ nói chung
và vị trưởng tông đồ đoàn Simon Phêrô nói riêng, cho dù đã tuyên xứng chính
xác về căn tính của Thày mình "là Đấng Kitô của Thiên Chúa", các vị vẫn
không thể nào tự mình có thể hiểu thấu và chấp nhận một sự thật hết sức phũ
phàng đối với các vị, đó là sự thật: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ,
bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày
thứ ba sẽ sống lại".
1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.
2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gv 11, 9 - 12, 8
"Trong những ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ
đến Ðấng Tạo thành ngươi; trước khi tro bụi sẽ trở về đất và hồn sẽ trở về
cùng Chúa".
Trích sách Giảng Viên.
Hỡi thiếu niên, hãy hân hoan trong thời niên
thiếu và tâm hồn ngươi hãy hưởng hạnh phúc trong những ngày thanh xuân, hãy
sống theo đường lối tâm hồn ngươi, và theo cái nhìn của mắt ngươi. Nhưng
ngươi hãy biết rằng Thiên Chúa sẽ xét xử ngươi về những điều đó. Ngươi hãy
loại bỏ sự giận ghét khỏi lòng ngươi, và hãy khai trừ sự gian ác khỏi xác
thịt ngươi: vì tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không.
Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Ðấng
Tạo thành ngươi, trước khi thời gian đau khổ tới và trước khi tới thời gian
mà ngươi sẽ nói: "Tôi không thích"; trước khi mặt trời, ánh sáng, mặt trăng,
tinh tú sẽ ra tối tăm, và trước khi mây đen kéo lại sau trận mưa, khi kẻ giữ
nhà run sợ, khi những kẻ anh dũng khiếp nhược, khi còn ít bà xay bột cũng
ngưng việc, khi mấy bà nhìn qua cửa sổ mà chẳng thấy gì, khi cửa phố phường
khép lại và tiếng cối xay nhỏ dần, khi người ta nghe tiếng chim kêu mà chỗi
dậy và tiếng hát của các thiếu nữ tắt dần đi, ở những nơi cao người ta run
sợ và trên đường đi người ta cũng khiếp đảm.
Hạnh đào sẽ trổ hoa, châu chấu sẽ béo mập, cây
phong điểu sẽ đâm chồi nảy lộc, vì con người sắp đi về nhà vĩnh cửu, và kẻ
than khóc rảo quanh mọi phố phường.
Trước khi dây bạc đứt tan, và bình vàng vỡ nát,
chiếc vò bể tan bên bờ suối, trục quay nước giếng gãy tan tành, và tro bụi
sẽ trở về đất, hồn sẽ trở về cùng Chúa, Ðấng đã tác tạo nó.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân, và
mọi sự đều là phù vân.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Thân
lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c.
1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa
hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con
người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". - Ðáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng
buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi
chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để
chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để
tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình
của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho
chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con; sự nghiệp tay
chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra. - Ðáp.
Alleluia: Tv 114, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong
mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 44b-45
"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám
hỏi Người về lời ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc
Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con
hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người
đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông
không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Ðó là lời Chúa.
Suy
Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm cho
Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên hôm nay về hình thức cũng không tiếp theo bài
Phúc Âm hôm qua ở cùng đoạn 9 của Phúc Âm Thánh ký Luca, nhưng về nội dung
lại có tính cách liên tục và đồng nhất.
Thật vậy, Giáo Hội đã không
chọn đọc đoạn Phúc Âm về điều kiện làm môn đệ của Chúa Kitô (9:23-27), về
biến cố biến hình trên núi (9:28-36), và về sự kiện Người trừ quỉ cho một bé
trai (9:37-43a), tương tự như Giáo Hội đã bỏ 2 trong 3 biến cố này ở Phúc Âm
Thánh ký Marco trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Thường Niên đầu tuần này,
mà chỉ lấy đoạn Phúc Âm về lời Chúa Giêsu tiên báo lần hai cuộc vượt qua của
Người.
Đúng thế, bài Phúc Âm hôm nay của Thánh
ký Luca là bài Phúc Âm ghi lại lời Chúa Giêsu tiên báo lần thứ hai về cuộc
vượt qua của Người:
"Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả
các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: 'Phần các con,
các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay
người đời'. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các
ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy".
Như đã cảm nhận về dung nhan lưỡng
diện của "Đức Kitô" trong bài Phúc Âm hôm qua, một dung nhan có
bộ mặt trái rất ư là kinh hoàng khiến cho chính vị trưởng tông đồ đoàn là
Thánh Phêrô cũng phải vấp phạm. Bởi thế, sau khi tiết lộ về mầu nhiệm vô
cùng bí mật này, Người chỉ dám tiết lộ sau khi đã thấy được đức tin
thật chính xác của thành phần môn đệ tông đồ của Người, và Người cũng đã
phải tìm cách củng cố cho đức tin của các vị nữa, bằng cách Người đã tỏ vinh
quang của Người ra cho các vị một cách rạng ngời, qua việc Người biến hình
trên núi cao, ám chỉ cuộc phục sinh khải hoàn của Người, như cả 3 Phúc Âm
Nhất lãm đều thuật lại sau lần tiết lộ đầu tiên ấy.
Trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm
nay cũng thế, trước khi Người báo trước cuộc vượt qua của Người lần thứ hai,
một mầu nhiệm chưa thể nào thấu hiểu và chấp nhận được đối với trí khôn phàm
nhân của các tông đồ, cũng như nhất là đối với tâm thức của các vị về
một Đấng Thiên Sai đầy quyền năng giải phóng vẫn thường thấy trong Lịch sử
Cứu Độ của Dân Do Thái, Người cũng phải lợi dụng: "Ðang lúc mọi người
thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn
đệ..." về mầu nhiệm ấy, một mầu nhiệm quan trọng đến độ Người đã
nhấn mạnh với các tông đồ rằng: "các con hãy ghi vào lòng những lời
này...".
Phần các tông đồ, thành phần đã từ bỏ
mọi sự mà theo Người, không biết có phải hoàn toàn vì lý do trần tục hay
chăng, ở chỗ các vị hy vọng sau này có thể được vẻ vang bởi các vị đã trở
thành chân tay thân tín của chính Đấng Thiên Sai đầy uy quyền của Thiên
Chúa, như các vị đã có lần tranh nhau ngôi thứ, được Thánh ký Marco thuật
lại trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Thường Niên đầu tuần này? Cho dù
không hoàn toàn như thế, nhưng đứng trước một mầu nhiệm siêu việt ấy,
Phúc Âm hôm nay đã cho biết: "các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che
khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi
Người về lời ấy".
Phụng Vụ Lời Chúa nói chung và các bài Phúc Âm nói riêng (nhất là hôm qua và hôm nay đều về lời tiên báo cuộc vượt qua liền nhau) cho ngày thường trong Tuần XXV Thường Niên này, từ Thứ Hai tới hôm nay cuối tuần, dường như đều hướng về những gì là chân chính và thiện hảo trước nhan Thiên Chúa và theo ý muốn của Thiên Chúa. Bởi đó, các Bài Đọc 1 cho năm chẵn của tuần này, được trích từ các sách Cựu Ước khác nhau, như Sách Châm Ngôn (Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư) và Sách Giảng Viên (Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy), đều có liên quan đến những gì là chân thật bất biến và những gì là trần gian giả tạo.
Trong Sách Giảng Viên ở Bài Đọc 1 hôm nay, tác giả của nó đã nhắc nhủ và
huấn dụ thành phần thiếu niên rằng:
"tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không"... "vì
con người sắp đi về nhà vĩnh cửu"... "Phù vân trên mọi phù vân, và
mọi sự đều là phù vân".
1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng
buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi
chiều nó bị xén đi và nó héo khô.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con; sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.