SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

2015-2018-2021

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXIV Thường Niên B
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật

 Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. - Ðáp.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!" - Ðáp.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. - Ðáp.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. - Ðáp. 

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

"Ðức tin không có việc làm là đức tin chết".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa. 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

Ðó là lời Chúa.

 Image result for Mk 8, 27-35

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh vẫn liên tục cho tới thời điểm này, Chúa Nhật XXIV Thường Niên, một sự sống như Chúa Kitô và với Chúa Kitô. 

Thật vậy, Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIV Thường Niên hôm nay có thể tóm gọn như sau: Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh, và vì thế ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người và với Người. 

Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh:

"Bấy giờ Người hỏi: 'Còn các con, các con bảo Thầy là ai?' Phêrô lên tiếng đáp: 'Thầy là Ðức Kitô'. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó...".  

Ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người và với Người:

"Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình". 

Có một chi tiết đặc biệt trái ngược trong bài Phúc Âm hôm nay đó là trong khi "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả" về căn tính "Thày là Đức Kitô" như câu tuyên xưng của Tông đồ Phêrô thì "Người công khai tuyên bố các điều đó" nghĩa là về cuộc vượt qua của Người, như Người vừa tiết lộ trước đó. 

Sở dĩ Người nghiêm cấm không cho các môn đệ nói ra hay loan truyền về căn tính Kitô của Người là vì chung dân chúng và riêng thành phần thày dạy và có thẩm quyền trong dân không chấp nhận chân lý này. Ngày nay cộng đồng Do Thái giáo vẫn không tin nhân vật Giêsu Nazarét là "Đức Kitô", ai tin sẽ bị tuyệt thông, bị loại ra khỏi Hội Đường, như Giáo Hội Công giáo cũng tuyệt thông những ai không tin Chúa Kitô. 

Thế nhưng vấn đề then chốt được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô lại cần phải Vượt Qua? Phải chăng chỉ vì Người là "Đức Kitô", hay nói ngược lại chính vì Người là "Đức Kitô" mà Người cần phải Vượt Qua. Như thể mầu nhiệm Vượt Qua là những gì bất khả phân ly với Người, và đã là "Đức Kitô" thì Người không thể nào không Vượt Qua.  

Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay đã nói trước về thân phận của "Đức Kitô" cần phải được ứng nghiệm, đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo về thân phận là "Đức Kitô" của mình, một "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế không oai phong quyền lực như thế gian tưởng và như dân của Người mong đợi, mà là một "Đức Kitô" hèn yếu và vô cùng bất hạnh, như vị tiên tri đã báo trước: 

"Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi". 

Đó là lý do khi vị lãnh tụ tông đồ đoàn là Phêrô, vị vừa đại diện các tông đồ khác tuyên xưng rất chính xác về Người: "Thày là Đức Kitô", vị đã chỉ vì kính yêu Người đã "kéo Người lui ra mà can trách Người", nhưng đã bị Người thậm tệ quở trách hết sức nặng lời rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người". Người không quở trách vị tông đồ lãnh đạo hoàn toàn lòng ngay này một cách âm thầm mà là một cách công khai, như Phúc Âm thuật lại: "Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô", như thể cảnh giác cho cả tông đồ đoàn về một sai lầm vô cùng trầm trọng cần phải tránh, không bao giờ được tái phạm. 

Thật vậy, nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét nếu không phải là "Đức Kitô" thì nhân vật ấy hoàn toàn không phải là Con Thiên Chúa, không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, và vì thế cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại ("Redemptor Hominis" - "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần" đây là nhan đề cho bức thông điệp đầu tay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979).

 

Chính vì không chấp nhận nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này là "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế mà Hội Đồng Đầu Mục Do Thái bấy giờ đã lên án tử cho Người và tìm hết cách để giết Người cho bằng được bởi tay dân ngoại Rôma! Tuy nhiên, về phía các tông đồ, cho dù có nhận biết và tuyên xưng Người là "Đức Kitô" chăng nữa, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, các vị vẫn vấp phạm vì Người, vị thì âm mưu phản nộp Người, vị thì công khai chối bỏ Người v.v. Tại sao thế? 

Phải chăng cho dù niềm tin của các vị thật chính xác nhưng cảm nghiệm của chính bản thân các vị về niềm tin này vẫn chưa xác thực, bởi tâm trí của các vị còn bị chi phối bởi khuynh hướng tự nhiên cũng như bởi lý lẽ trần gian: "vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người"?  

Đúng thế, đức tin là một ân ban chứ không phải xuất phát từ con người. Bản thân của con người giống như một mảnh đất nhận được hạt giống thần linh đức tin này, mà nếu nó là một mảnh đất tốt thì hạt giống đức tin sẽ dễ dàng nẩy mầm và mọc lên thành cây. Kinh nghiệm cho thấy, mảnh đất nhân  tính của loài người đã trở thành xấu bởi nhiễm nguyên tội, với đầy mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, chưa kể đến tình trạng mù quáng của trí khôn và bản chất yếu nhược của ý chí.  

Bởi thế, bản tính của con người cần phải thích ứng với đức tin và đáp ứng theo đức tin bằng những việc làm xứng hợp và cần thiết thì thực tại đức tin mới có thể trở thành hiện thực nơi họ. Theo chiều hướng ấy Thánh Giacôbê trong Bài Đọc Thứ 2 hôm nay đã đặt vấn đề hiện thực đức tin như sau: 

"Nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? ...  Nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ"

Trong trường hợp của vị lãnh tụ tông đồ đoàn Phêrô ở bài Phúc Âm hôm nay, sở dĩ ngài tin một đàng mà hành động một nẻo, nghĩa là "không hành động theo đức tin", trái lại, hầu như phản nghịch nhau hoàn toàn, là vì ngài vẫn còn bị trần gian chi phối và ảnh hưởng. Ở chỗ, theo lý luận tự nhiên, có thể ngài đã nghĩ như thế này: nếu Thày của mình là "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế thì Người không thể nào chết được, không thể nào lại bị khổ nạn và tử giá như một con người bình thường, như một tội phạm.  

Tội nghiệp ngài, tưởng lập luận như vậy là đúng, là phải, nên vì lòng ngay mà ngài đã tỏ ra sốt sắng lên tiếng can ngăn Đấng ngài vốn tôn sùng và đã bỏ hết mọi sự mà theo cho tới bấy giờ, không ngờ hậu quả hoàn toàn ngược hẳn lại, đó là ngài đã bị một cái búa giáng xuống đầu, không còn biết trời đất đâu nữa. Nếu trường hợp của ngài rơi vào thành phần nghe xong bài giảng của Người về Bánh Sự Sống đến không chịu được cần phải quay lưng bỏ đi, nghĩa là họ phải chịu cú trời giáng này, thì chắc chắc họ sẽ không thể nào chịu nổi. Thế mà anh chàng Simon được đổi tên là Đá cứng này vẫn vững vàng theo Chúa cho đến cùng, đúng như lời Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người ở cuối bài Phúc Âm hôm nay. 

Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những câu Thánh Vịnh liên quan đến thân phận của một "Đức Kitô" đích thực đúng như Thiên Chúa sai đến làm Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, chứ không phải là một kitô giả, một kitô theo lập luận của trần gian, theo lòng mong ước của con người tự nhiên: 

1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. 

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!"  

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.  

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. 

  

Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 2, 1-8

"Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn mọi người được cứu độ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó Mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý.

Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 27, 2. 7. 8-9

Ðáp: Chúc tụng Chúa, bởi Ngài đã nghe tiếng tôi van nài (c. 6).

Xướng: 1) Xin nghe tiếng con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của Ngài. - Ðáp.

2) Chúa là mãnh lực và là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài. - Ðáp.

3) Chúa là mãnh lực của dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 18

Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 1-10

"Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm".

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Lc 7, 1-10

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên hôm nay là bài tiếp ngay sau Bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, tức ngay sau bài giảng về việc sống Lòng Thương Xót như Cha trên trời.

 

Đó là lý do, mở đầu bài Phúc Âm hôm nay đã có câu móc nối một cách mạch lạc như sau: "Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Carphanaum". Qua câu mở đầu bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu huấn dụ về việc sống Lòng Thương Xót đây chẳng những trực tiếp cho thành phần tông đồ môn đệ của Người khi "ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói(Luca 6:20), mà còn cho cả dân chúng ở chung quanh các vị nữa: "Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tyro và Sidon đến để nghe Người giảng(Luca 6:17-18).

 

Nếu đối với các tông đồ môn đệ của mình, Chúa Giêsu chú trọng tới giáo huấn thế nào, như Người đã huấn dụ các vị ở Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi (xem Mathêu các đoạn 5-7), hay ở Loạt Dụ Ngôn về Nước Trời nhất là về ý nghĩa sâu nhiệm của một số dụ ngôn Người giải thích riêng cho các vị (xem Mathêu đoạn 13), hoặc ở Bữa Tiệc Ly (xem Gioan các đoạn 14-17), thì đối với chung dân chúng Người chú trọng đến việc chữa lành cho họ hơn, vì đó là nhu cầu của họ và đó cũng là nhu cầu tỏ mình ra của Người là Đấng Cứu Thế nơi họ nữa

 

Thật ra phép lạ chữa lành này của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã được bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên rồi (Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XII Thường Niên). Sở dĩ Giáo Hội muốn đọc lại câu chuyện chữa lành này có thể là vì bài Phúc Âm hôm nay được Giáo Hội chọn đọc cùng với một bài đọc Tân Ước, chứ không phải bài đọc Cựu Ước như lần trước. 


Thực
 vậy, trong Bài Đọc 1 hôm nay, khi viết cho người môn đệ Timôthêu của mình ở đầu bức thư thứ 2, Thánh Phaolô đã đề cập đến: 1- ý của Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, tức bao gồm cả dân ngoại nữa chứ không phải chỉ có dân Do Thái thôi, và 2- đâu là chân lý cứu độ mà con người cần phải nhận biết và chấp nhận để được cứu độ. Thánh Phaolô đã khẳng định về 2 yếu tố cứu độ then chốt này như sau:

 

"Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người".

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, nhân vật ngỏ ý xin Chúa Giêsu chữa lành chẳng những là một người dân ngoại mà còn là một trong "những người cầm quyền" (Bài Đọc 1)với vai trò là "một viên đại đội trưởng" (Bài Phúc Âm), nhưng lại là một viên đại đội trưởng vừa thương người vừa khiêm tốn.

 

Viên đại đội trưởng này thương người ở chỗ ông đã lưu tâm đến một trai đầy tớ đang hấp hối trong nhà lúc bấy giờ và đã từng giúp đỡ dân chúng đến độ được dân mến thương"Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng : 'Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta'".

 

Khiêm tốn ở chỗ tự cảm thấy bất xứng nên không dám đến gặp Chúa và cũng không đáng được Chúa đặt chân vào tệ xá của ông"Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: 'Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: 'Đi !' là nó đi ; bảo người kia : 'Đến !' là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : 'Làm cái này !' là nó làm". 

 

Đức bác ái và lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng có thẩm quyền này quả thực đã cho thấy đức tin của ông ta vào Thiên Chúa, cho dù ông thuộc thành phần dân ngoại, một đức tin chưa chắc dân Do Thái đã có, một đức tin cứu độ. Đó là lý do Chúa Giêsu đã không thể nào không hết lời khen ông ta trước mặt dân Do Thái rằng: 

 

"Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: 'Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế'. Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn".

 

Ở Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô khuyên người môn đệ Timôthêu của ngài "hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng". Tại sao? Tại vì, như chính ngài tiếp tục cho biết: "Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý". Trong đó, có viên sĩ quan Roma ngoại giáo trong bài Phúc Âm hôm nay, một con người dù không phải là tín đồ Do Thái giáo, thành phần vốn được Thiên Chúa tuyển chọn và tỏ mình ra cho, lại có một đức tin còn hơn cả dân Chúa, như chính Chúa Kitô đã phải lên tiếng khen tặng vị này trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

Viên sĩ quan ngoại giáo của đế quốc Roma này, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, vừa khiêm tốn lại bác ái vị tha, đã tin tưởng vào Chúa Kitô là Đấng có thể cứu chữa người đầy tớ Do Thái trong nhà của ông, đến độ Người không thể không ra tay chữa lành cho người đầy tớ của ông, đồng thời cũng là dịp để Người tỏ mình ra cho ông, vì Thiên Chúa là Đấng đã sai Người "muốn cho mọi người được cứu rỗi (bởi Người) và đến nhận biết chân lý (là Người, là tình yêu thương của Thiên Chúa nơi Người đối với loài người)". Và chính nhờ được Thiên Chúa tỏ mình ra qua Con Ngài là Chúa Kitô như thế mà viên sĩ quan này có thể vang lên bài Thánh Vịnh 27 ở bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 

1) Xin nghe tiếng con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của Ngài.

2) Chúa là mãnh lực và là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài.

3) Chúa là mãnh lực của dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ tới muôn đời.

 

Ngày 13 tháng 9

Thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử 
Thánh nhân sinh quãng năm 349 tại An-ti-ô-khi-a. Người học cao hiểu rộng, cuộc sống khắc khổ. Sau khi làm linh mục, người nhận nhiệm vụ giảng thuyết, thu hoạch được kết quả khả quan. Năm 397, người được chọn làm giám mục Công-tăng-ti-nốp. Người là mục tử tận tuỵ, lo chấn chỉnh phong hoá cho giáo sĩ và giáo dân. Vì can đảm làm chứng cho Tin Mừng và bênh vực người nghèo trước cảnh xa hoa vô tâm của người giàu, người đã bị hoàng gia ghen ghét và hai lần bị đi đày, rồi chết ở Cô-ma-na, Pon-tô nơi lưu đày, ngày 14 tháng 9 năm 407. Người đã giảng dạy nhiều và viết nhiều tác phẩm để giải thích giáo lý Công Giáo và huấn luyện đời sống Ki-tô hữu. Vì thế người được mệnh danh là “Kim Khẩu”.

 

Bài đọc 2

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi

Trích bài giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục.

Dù sóng nước mênh mông hay dông tố phũ phàng, chúng ta cũng không sợ bị chìm đắm vì chúng ta đứng vững trên đá tảng. Biển có thét gào cũng không thể làm đá tiêu tan ; sóng có trào lên cũng không thể nhận chìm thuyền của Đức Ki-tô. Vậy, chúng ta sợ gì ? Sợ chết ư ? Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Hay là sợ phải lưu đày, bạn hãy nói đi. Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài. Hay sợ tài sản bị sung vào công quỹ ? Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Tôi coi khinh những hình khổ của thế gian này và cho lợi lộc của nó là chuyện nực cười. Tôi không sợ nghèo, chẳng ham giàu có, không ngại chết, cũng chẳng muốn sống, trừ khi là để làm ích cho anh em. Vì thế, tôi nhắc lại những gì đang xảy ra và xin anh em lấy lòng yêu mến mà tin tưởng vào Chúa.

Chẳng lẽ bạn không nghe Chúa nói thế này sao : Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ ? Vậy, giữa một dân đông đảo được liên kết bằng dây bác ái, Người lại không có mặt sao ? Tôi nắm được bảo chứng của Người, tôi có dựa vào sức riêng đâu ! Lời của Người, tôi đang nắm giữ. Đó là chiếc gậy bảo đảm cho tôi được an toàn, là cảng yên hàn cho thuyền tôi cập bến. Dù cả trái đất có đảo lộn, tôi vẫn nắm giữ sắc chỉ của Chúa, vẫn đọc tâm thư của Người. Đó là tường thành che chở, là chiến luỹ bảo vệ tôi. Tâm thư nào thế ? Thưa lời này : Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Đức Ki-tô ở với tôi, tôi còn sợ gì ai ? Dù ba đào, dù biển cả, dù quan quyền hung dữ có nổi lên chống lại tôi, tất cả những thứ đó, tôi coi tựa lông hồng. Nếu không phải vì yêu mến mà anh em giữ tôi lại, thì tôi đã không ngần ngại đi nơi khác ngay hôm nay rồi. Quả thật, tôi vẫn thưa với Thiên Chúa : Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện. Con sẽ làm không phải điều người này người kia muốn nhưng là điều Cha muốn. Thánh ý Chúa là đồn luỹ bảo vệ tôi, là đá tảng kiên cố cho tôi nương tựa, là cây gậy giúp tôi vững bước. Nếu Thiên Chúa muốn thế nào, thì xin xảy ra như vậy. Nếu Người muốn tôi ở lại đây, tôi xin tạ ơn Người. Người muốn tôi đi đâu, tôi vẫn dâng lời cảm tạ.

Tôi ở đâu, anh em cũng ở đó ; anh em ở đâu, tôi cũng ở đó : Chúng ta là một thân thể ; thân không lìa đầu, đầu không lìa thân. Chúng ta xa cách nhau về nơi chốn, nhưng liên kết với nhau nhờ đức ái, đến nỗi cái chết cũng không thể phân ly. Quả vậy, dù thân xác tôi có chết, thì linh hồn tôi vẫn sống để nhớ đến đoàn dân.

Đối với tôi, anh em là đồng bào, là cha mẹ, là anh em, là con cái, là chi thể, là thân mình, là ánh sáng, mà còn êm dịu hơn cả ánh sáng ban ngày nữa. Ánh sáng ban ngày đối với tôi, đâu có quý bằng đức ái của anh em. Ánh sáng có ích cho tôi trên đời này, còn đức ái của anh em kết triều thiên cho tôi ở đời sau.

Lạy Chúa là nguồn sức mạnh cho những kẻ cậy trông, Chúa đã ban cho Giáo Hội một khuôn mặt sáng chói là thánh giám mục Gio-an Kim Khẩu, nhờ tài hùng biện lạ lùng và lòng can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách. Xin Chúa cũng ban cho chúng con được thấm nhuần lời thánh nhân giảng dạy và có sức chịu đựng như người. Chúng con cầu xin

 

Thứ Tư 26/9/2007 – Bài Giáo Lý 51 - Thánh giáo phụ John Chrysostom (tiếp)

Thứ Tư 19/9/2007, Bài Giáo Lý 50 -  Thánh Giáo Phụ Gioan Kim Khẩu

 

 


Thứ Ba

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 1-13

"Vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không ai trách cứ được: các vị phụ tá cũng vậy, phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Ðây là lời chân thật: Nếu ai ao ước chức chủ tịch giáo đoàn, thì đó là ước ao một nhiệm vụ tốt đẹp. Vậy vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không có ai trách cứ được, người chỉ kết hôn một lần, ăn ở tiết độ, khôn ngoan, thanh lịch, đoan trang, hiếu khách, biết giảng dạy, không mê rượu chè, không gây gỗ, nhưng hoà nhã: không cạnh tranh, không tham lam, nhưng biết cai quản gia đình mình, dạy con cái biết vâng phục và tiết hạnh. Nếu ai không biết cai quản gia đình mình, thì làm sao coi sóc được cộng đoàn Thiên Chúa? Vị chủ tịch giáo đoàn không phải là tân tòng, kẻo cậy mình kiêu căng mà sa vào án phạt của ma quỷ. Người phải có tiếng tốt nơi người ngoại, kẻo bị ô danh và sa lưới ma quỷ.

Cũng thế, những người phụ tá phải đoan trang, không ăn nói nước đôi, không nghiện rượu, không tìm lợi cách đê tiện, nhưng phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm thanh sạch. Những kẻ ấy phải được thử thách trước, rồi nếu không có gì đáng trách, thì mới được phục vụ. Người phụ nữ cũng vậy, phải đoan trang, không nói hành, phải tiết độ và trung tín trong mọi sự. Các vị phụ tá phải là người chỉ kết hôn một lần: biết coi sóc con cái và nhà cửa mình. Vì những phụ tá khi thi hành đứng đắn chức vụ, sẽ được lên bậc cao trọng và sẽ đầy hiên ngang trong lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 100, 1-2ab. 2cd-3ab. 5. 6

Ðáp: Con sẽ sống theo lòng vô tội (c. 2b).

Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương và đức công minh, lạy Chúa, con sẽ đàn hát mừng Ngài. Con sẽ tiến thân trên đường liêm khiết, khi nào Chúa sẽ đến viếng thăm con? - Ðáp.

2) Con sẽ sống theo lòng vô tội trong nơi cung thất của con. Con sẽ không để bày ra trước mắt một chút chuyện chi gian trá. - Ðáp.

3) Ai bí mật nói xấu người lân cận, con sẽ tiêu diệt thứ người này. Hạng người mắt nhìn cao và lòng kiêu hãnh, hạng người đó con cũng không dung. - Ðáp.

4) Mắt con theo dõi những người trung thành trong đất nước, để họ cùng được cư ngụ với con. Ai sinh sống theo đường liêm khiết, con người đó sẽ được hầu hạ con. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 11-17

"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tỏ mình ra qua phép lạ Người hồi sinh đứa con trai duy nhất của bà góa thành Nain nhờ đó Người được dân chúng nhận biết:

"Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: 'Bà đừng khóc nữa!' Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: 'Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!' Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: 'Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người'. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận".

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, bình thường, nhất là theo chiều hưóng của Phúc Âm Nhất Lãm, Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy có đức tin nơi con người ta nói chung và nơi thỉnh nguyện nhân nói riêng. Nhưng ở trong trường hợp của bài Phúc Âm hôm nay, phép lạ hồi sinh Người làm cho cậu con trai của bà mẹ góa hoàn toàn do Người tự ý, chứ bà mẹ của người chết không hề ngỏ ý xin hay tỏ đức tin gì hết. 

Xét cho cùng thì dù Chúa Giêsu làm phép lạ khi thấy đức tin nơi con người hay tự làm phép lạ cả hai đều để tỏ mình ra. Theo Phúc Âm của Thánh ký Gioan thì thường Người tỏ mình ra để cho con người nói chung và môn đệ của Người nói riêng tin vào Người. Bởi vì, Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12). Mà ánh sáng không chiếu soi không còn là ánh sáng nữa. Bởi thế, Người luôn phải đi bước trước, ở chỗ tự động tỏ mình ra bằng những "dấu lạ / sign" (từ ngữ được Thánh ký Gioan sử dụng thay từ ngữ "phép lạ - micracle" được Phúc Âm Nhất Lãm sử dụng). 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca cũng cho thấy trường hợp Chúa Giêsu tự động tỏ mình ra, qua sự kiện Người làm cho đứa con trai duy nhất của người mẹ góa hồi sinh. Thế nhưng, tại sao Người lại tự động làm phép lạ hồi sinh đứa con bà mẹ góa này, nếu không phải, như bài Phúc Âm cho biết: "Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương". 

Ở đây, qua câu Phúc Âm này, Thánh ký Luca, một người ngoại trở lại và viết Phúc Âm cho dân ngoại theo chiều hướng của Lòng Thương Xót Chúa, đã ghi nhận được cả tấm lòng đầy cảm thương của Chúa Giêsu như thế, như thể chính ngài đang có mặt vào lúc bấy giờ. Nhưng tại sao khi làm các phép lạ khác vào những lần khác không thấy vị Thánh ký này thêm một câu tương tự như thế: "Trông thấy ... Chúa chạnh lòng thương".

Trông thấy ai? - "Trông thấy bà", chứ không phải trông thấy quan tài của đứa con trai duy nhất của bà, thì Chúa Giêsu cảm thấy thế nào? - "chạnh lòng thương". Tại sao vậy? Thánh ký Luca đã gián tiếp trả lời ở ngay câu trước đó: "mẹ anh ta lại là một bà goá" cũng như câu sau đó Chúa Giêsu trấn an thông cảm với bà, một cử chỉ hiếm quí hầu như Người chưa làm với ai bao giờ: "Bà đừng khóc nữa!"

Phải chăng Chúa Giêsu "trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương" và tỏ ra cử chỉ hết sức đặc biệt với người mẹ góa này bằng lời an ủi trấn an: "Bà đừng khóc nữa!", là vì bấy giờ cảnh tượng người mẹ góa đưa xác đứa con trai duy nhất của bà đã gợi lên nơi Người hình ảnh về Mẹ của Người, người mẹ góa có một người con trai duy nhất là Người, trong tương lai, cũng trải qua hoàn cảnh y như của bà goá thành Nain này, khi Người là con trai duy nhất của Mẹ qua đời ở Sọ Trường trên Đồi Canvê? Nếu đúng như thế thì phép lạ Người hồi sinh cho đứa con ttrai của bà mẹ góa thành Nain này là dấu tiên báo về Người Mẹ Đồng Công của Người trong cuộc Vượt Qua với Người vậy

Sự kiện Chúa Kitô là Vị Mục Tử Nhân Lành "chạnh lòng thương", thương từng con chiên của mình, nhất là những con chiên bị thương tích trong tâm hồn, như thương người mẹ góa trước cái chết của người con trai duy nhất trong bài Phúc Âm hôm nay, cần phải trở thành mô phạm trọn lành và tối cao cho thành phần mục tử được Người tuyển chọn làm môn đệ tông đồ của Người cũng như thành phần thừa kế các vị. 

Phải chăng Chúa Kitô "động lòng thương" bà góa trong bài Phúc Âm hôm nay, chẳng những vì bà có đứa con trai duy nhất chết đi, khiến Người chạnh lòng nghĩ đến Mẹ của người, cũng góa bụa và có một người con trai duy nhất là Người một ngày kia cũng chết, mà còn vì chính bản thân góa bụa của bà, được Người là Đấng thấu suốt lòng trí từng người, "đoan trang, tiết độ và trung tín trong mọi sự", đúng như lời Thánh Phaolô ở Bài Đọc 1 hôm nay về thành phần "người phụ nữ" như bà cần phải sống.

Ở Bài Đọc 1, Thánh Phaolô không nói riêng nữ giới cho bằng chú trọng tới thành phần có trách nhiệm phục vụ cộng đoàn, dù chính hay phụ, họ đều phải làm sao hội đủ điều kiện và tác hành xứng với chức bậc của mình, những gì cũng đã được chất chứa trong Thánh Vịnh 100 ở bài Đáp Ca hôm nay như sau:

1) Con sẽ ca ngợi tình thương và đức công minh, lạy Chúa, con sẽ đàn hát mừng Ngài. Con sẽ tiến thân trên đường liêm khiết, khi nào Chúa sẽ đến viếng thăm con?

2) Con sẽ sống theo lòng vô tội trong nơi cung thất của con. Con sẽ không để bày ra trước mắt một chút chuyện chi gian trá.

3) Ai bí mật nói xấu người lân cận, con sẽ tiêu diệt thứ người này. Hạng người mắt nhìn cao và lòng kiêu hãnh, hạng người đó con cũng không dung.

4) Mắt con theo dõi những người trung thành trong đất nước, để họ cùng được cư ngụ với con. Ai sinh sống theo đường liêm khiết, con người đó sẽ được hầu hạ con.

 

 

Ngày 14 tháng 9

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Lễ Kính

 

 

"Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" - Dưới chân Thánh Giá trên đỉnh đồi ở Linh Địa La Salette Pháp quốc ngày 19/5/2017

 

Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành sau lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục Sinh, được xây ở Giê-ru-sa-lem trên mồ thánh (năm 335). Từ cõi chết phục sinh, Chúa Ki-tô đã chiến thắng sự chết. Thánh giá của Người tiêu biểu cho cuộc chiến thắng này. Truyền thống còn thấy ở đây dấu chỉ của Con Người, Đấng sẽ xuất hiện trên trời để loan báo ngày Người trở lại.

Sầu chất nặng, thêm giấm chua mật đắng,
Đinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn đâm thâu,
Thân nát tan, và máu nước tuôn trào
Cho vũ trụ càn khôn được thanh tẩy !

Ta tin thật : muôn rừng xanh chẳng thấy
Một cây nào : cành, hoa, quả như ngươi !
Mấy mũi đinh nhẹ quá, thập tự ơi,
Sao mang nổi tấm hình hài vô giá ?

Rủ cành xuống, hỡi cây cao bóng cả,
Giãn thớ ra cho thân cứng hoá mềm
Như chiếc giường vừa trải nệm ấm êm
Chờ Vua Cả đến đặt mình nằm xuống.

Ôi thập tự, chỉ ngươi là xứng đáng
Giá chuộc đời, đem cất giữ trong tim !
Biển trần gian, tàu cờ hiệu Máu Chiên,
Ngươi rước kẻ đắm chìm cho cặp bến.

Cung trầm bổng dệt bài ca cầu nguyện,
Xin khấu đầu thượng tiến Chúa Ba Ngôi
Đã đổ hồng ân cứu chuộc loài người
Muôn muôn thuở, xin dâng lời vinh chúc !

 

Cờ Vua Cả tung bay phất phới,
Thánh giá Người chói lọi oai phong,
Ai ngờ chính Đấng Hoá Công
Thân treo thập giá lạ lùng xiết bao.

Người chịu đóng đinh vào khổ giá,
Mũi giáo đâm thấu cả cạnh sườn,
Máu đào cùng nước chảy tuôn,
Rửa ta sạch hết ngàn muôn tội tình.

Cây tô điểm đôi cành rực rỡ,
Thấm máu Vua thắm đỏ cẩm bào,
Lựa từ gốc rễ thanh cao,
Xứng cho Thánh Thể tựa vào thân ngươi !

Phúc thay giá chuộc đời treo sẵn,
Trên cành ngươi trĩu nặng giờ đây,
Thân hình Chúa Tể quyền oai
Cứu người dương thế khỏi tay tử thần.

Ôi Tế Phẩm, Tế Đàn cao sáng
Đã chung phần khổ nạn quang vinh,
Chúa Trời hằng sống dâng mình,
Chết đi để phúc trường sinh cho đời.

Lạy thánh giá, người người hy vọng,
Trong ngày này, mở rộng thiên ân :
Tôi trung phúc đức tăng phần,
Khoan hồng tha thứ tội nhân quy hồi.

Xin tán tụng Ba Ngôi một Chúa
Chính là nguồn cứu độ trào dâng,
Nhờ ơn thập giá đỡ nâng,
Đoàn con khải thắng hát mừng thiên thu.

Bài đọc 2 phụng vụ giờ kinh sách

Thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô,
thánh giá nâng Người lên cao

Trích bài giảng của thánh An-rê, giám mục Cơ-rê-ta.

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh giá ; thánh giá đã xua tan bóng tối và đem lại ánh sáng. Chúng ta mừng lễ thánh giá, và cùng với Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa lên cao. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ trần gian và tội lỗi để được những của trên trời. Có được thánh giá là điều lớn lao biết mấy ! Ai có thánh giá là có một kho tàng. Tôi vừa dùng chữ kho tàng để chỉ điều người ta gọi, -và sự thật là như thế-, đó là của tốt nhất và đẹp nhất trong mọi của cải, vì trong đó, nhờ đó và vì đó mà tất cả điều cốt yếu của ơn cứu độ chúng ta được tạo lập và phục hồi.

Quả vậy, nếu không có thánh giá, thì Chúa Ki-tô cũng đã không bị đóng đinh, sự sống cũng đã không bị đóng đinh vào cây gỗ và nguồn mạch trường sinh, máu cùng nước thanh tẩy thế giới cũng không vọt ra từ bên sườn Người, văn khế tội nợ cũng đã không bị xé, chúng ta cũng đã không được đón nhận tự do, cũng không được hưởng nhờ cây ban sự sống, thiên đàng cũng đã không mở ra. Nếu không có thánh giá thì sự chết đã không bị quật ngã, hoả ngục cũng đã không bị tước đoạt vũ khí.

Vậy thánh giá vừa cao cả, vừa quý báu. Cao cả, vì thánh giá đã sinh ra nhiều ơn ích, bởi lẽ Chúa Ki-tô càng làm nhiều phép lạ và chịu đau khổ bao nhiêu thì Người lại càng chiến thắng lẫy lừng hơn bấy nhiêu. Quý báu, vì thánh giá vừa là sự đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là sự đau khổ, bởi vì Người đã tự nguyện chết trên đó ; là chiến tích, bởi vì ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó ; then sắt hoả ngục bị đập tan và thánh giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô, thánh giá nâng Người lên cao. Thánh giá là chén đắng Người khát khao, là bảng thâu tóm mọi cực hình Người đã chịu vì chúng ta. Thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô, điều ấy, anh em hãy nghe chính Người nói : Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình. Vậy lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh Con bên Cha. Xin ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa. Điều ấy ám chỉ vinh quang Người sẽ được trên thánh giá.

Thánh giá nâng Chúa Ki-tô lên cao, anh em biết đó, điều ấy là do chính Người nói ra : Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi. Bạn thấy đó : thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô, thánh giá nâng Người lên cao.

Xướng đáp

XÔi cây thập giá huyền diệu xiết bao, vì cành ngươi mang kho tàng châu báu, mang Đấng cứu chuộc muôn người.

ĐNhờ Chúa đổ máu đào trên thập giá, mà cả trần gian được cứu độ.

XKính chào cây thập giá đã được Chúa Ki-tô thánh hiến, được các chi thể của Người trang điểm, khác nào cây nạm ngọc dát vàng.

ĐNhờ Chúa đổ máu đào trên thập giá, mà cả trần gian được cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Chúng con cầu xin

 

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

Bài Ðọc I: Ds 21, 4-9

"Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống".

Trích sách Dân số.

Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: "Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này". Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: "Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn".

Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống". Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38

Ðáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: 1) Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa. - Ðáp.

2) Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng Thiên Chúa là Ðá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Ðấng cứu chuộc họ. - Ðáp.

3) Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Ðối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người. - Ðáp.

4) Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

"Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là [thân phận] Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 3, 13-17

"Con Người phải bị treo lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: "Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

"Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ".

Ðó là lời Chúa.

 

Thiên Chúa không dung tha cho Con Mình  

 (Bản văn suy niệm)

Le SuyTonThanhGia.mp3 (2018)

 LeSuyTonThanhGiaChuaKito.mp3 (2020)

 


Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 14-16

"Thật lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý. Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! - Ðáp.

2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. - Ðáp.

3) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 31-35

"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.

"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

Ðó là lời Chúa.

Related image

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca không liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, mà cách bài Phúc Âm hôm qua 12 câu trong cùng đoạn 7, và khúc 12 câu không được Giáo Hội chọn đọc này liên quan đến vấn nạn về bản thân Chúa Giêsu được môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra với Người và Người chẳng những đã gợi chứng cho họ biết về Người mà còn chứng thực về Vị Tiền Hô của Người nữa (xem Luca 7:18-30), trong đó có câu Thánh ký Luca nhận định như sau:

"Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông".

Bởi thế, thành phần được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay chính là "những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông", Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã làm phép rửa cho cả Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế. Thế nên, thành phần vốn bị Chúa Giêsu khẳng định và khiển trách là giả hình này đã được Chúa Giêsu sánh ví trong bài Phúc Âm hôm nay như thế này:

"Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: 'Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc'. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

Ở đây, qua nhận định của Chúa Giêsu về thành phần biệt phái và luật sĩ này, chúng ta thấy con người phải tuân hợp với chân lý, chứ chân lý không tuân hợp với con người, không theo con người, không như ý nghĩ thiển cận và ý muốn vị kỷ của con người, cho dù chân lý có thích ứng với con người để con người dễ lĩnh hội và chấp nhận (theo chiều hướng của bài Đọc 1 hôm nay)

Chính vì thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái tự phụ cho rằng mình thông luật và cẩn thận tuân giữ luật lệ nhờ đó trở nên công chính hơn ai hết, nên tưởng mình là đệ nhất thiên hạ về lề luật Chúa, ai cũng phải theo như ý họ nghĩ về lề luật một cách duy luật mới được, bằng không, vẫn bị họ cho là "bị quỉ ám", dù vị ấy có là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã từng là đèn soi chiếu cho Đấng đến sau ngài được họ tìm đến trước đó để truy nguyên về Đấng Thiên Sai (xem Gioan 5:35; Gioan 1:24-27), thậm chí còn bị họ cho là "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", dù vị ấy có là Chúa Kitô, Đấng "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9).

Kinh nghiệm tu đức cũng cho thấy, Giáo Hội Công giáo chẳng những bị quyền bính chính trị bách hại suốt giòng lịch sử của mình ở khắp nơi, mà còn thường trở thành mục tiêu chống đối của chính nội bộ Kitô hữu Công giáo của mình nữa, bao gồm cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân, theo chiều hướng cấp tiến hay bảo thủ của họ: Giáo Hội bị coi là quá chậm chạp trước những con mắt cấp tiến, hay ngược lại Giáo Hội bị coi là phá giới trước con mắt của thành phần bảo thủ nếu Giáo Hội cần phải thích nghi những gì tùy phụ theo thời cuộc để mưu ích hơn cho phần rỗi các linh hồn. 

Chưa hết, thực tế phũ phàng cho thấy, theo chiều hướng canh tân cởi mở của Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt là về phụng vụ, đã xẩy ra tình trạng quá trớn bởi thành phần cấp tiến thừa thắng xông lên, Giáo Hội lại bị kêu trách là tại cởi mở, trong khi các nguyên tắc về cởi mở được Giáo Hội ấn định một cách đàng hoàng rõ ràng lại không được trung thực tuân giữ. Thế nhưng, cuối cùng mọi sự sẽ được sáng tỏ, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình". 

Cho dù con người có phản ứng bất lợi thế nào với chân lý đi nữa, thì chân lý vẫn là chân lý, không thể bị con người bóp méo theo thiên kiến hay cảm nghiệm thiển cận của họ, như chính Chúa Kitô đã minh định trong bài Phúc Âm hôm nay: "sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình". Một trong những người con đã thực sự "minh chính" cho "sự khôn ngoan" thần linh này là vị tông đồ dân ngoại Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần, tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển".
 

"Tất cả con cái" của "sự khôn ngoan"  "minh chính" cho "sự khôn ngoan" này, như Thánh Phaolô, mới hợp với những gì Thánh Vịnh 110 ở bài Đáp Ca hôm nay nói tới:

 

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi!

2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. 

3) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân.

 

Ngày 15 tháng 9

Đức Mẹ sầu bi

lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử 

Đức Ma-ri-a đã hiệp thông sâu xa với cuộc Thương Khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc Phục Sinh của Người. Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Ma-ri-a cùng chia sẻ cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Lễ này nhắc cho chúng ta nhớ rằng : dưới chân thánh giá, tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Ki-tô, tức là Hội Thánh.


Bài đọc 2 phụng vụ giờ kinh sách

Đức Mẹ đứng gần bên thánh giá

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ.

Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng ta biết được là nhờ lời tiên báo của ông già Si-mê-ôn, cũng như chính bài tường thuật cuộc Thương Khó của Chúa. Về Hài Nhi Giê-su, ông già nói rằng : Cháu sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn bà -ông nói với Đức Ma-ri-a- bà sẽ bị nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu.

Vậy lạy Mẹ diễm phúc, một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm vào thân con của Mẹ mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Thật đúng, Chúa Giê-su, Con của Mẹ tuy là của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là riêng của Mẹ ; sau khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã không bị lưỡi gươm tàn bạo đâm thấu lòng. Lưỡi gươm đó không tha cho một người đã chết mà nó không còn làm hại được nữa, nó đã mở sườn Người ra ; nhưng chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn của Người, chắc chắn không còn đó nữa, nhưng tâm hồn của Mẹ không tránh đâu được. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng con thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác. Câu : Thưa Bà, đây là con Bà, đối với Mẹ, chẳng còn hơn một lưỡi gươm và đã chẳng đâm thâu lòng Mẹ cùng đạt tới chỗ phân cách tâm với linh sao ? Ôi cuộc trao đổi kỳ lạ ! Thánh Gio-an đã được trao cho Mẹ để thế chỗ Chúa Giê-su. Người tôi tớ thế chỗ chủ, người môn đệ thế chỗ thầy, con ông Dê-bê-đê thế chỗ Con Thiên Chúa, một người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao nghe lời này, lòng Mẹ đầy âu yếm không bị đâm thâu, trong lúc chúng con, dù lòng chai dạ đá mà chỉ nhớ tới lời đó thôi, cũng cảm thấy lòng mình tan nát ?

Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Ma-ri-a được gọi là vị tử đạo trong tâm hồn. Có ngạc nhiên chăng là kẻ quên lời thánh Phao-lô nói rằng một trong những tội tày trời của dân ngoại là vô tâm bạc tình. Một tội như thế thật xa lạ đối với lòng dạ Đức Ma-ri-a. Ước gì tội đó cũng xa lạ đối với lòng dạ các tôi tớ mọn hèn của Mẹ.

Biết đâu có kẻ chẳng nói : Nào Mẹ lại không biết trước Chúa Giê-su phải chết sao ? - Dĩ nhiên là biết. Nào Mẹ chẳng hy vọng Người sẽ sống lại ngay sao ? - Dĩ nhiên, với tất cả lòng tin. Và dù vậy, Người cũng đau khổ khi thấy Con mình bị đóng đinh, phải thế không ? - Phải, và đau khổ ghê gớm. Này người anh em, bạn là ai ? Khôn ngoan của bạn ở đâu mà bạn lại ngạc nhiên vì Đức Ma-ri-a cùng chịu thương khó hơn là vì Đức Giê-su, Con của Người chịu thương khó ? Về phần xác, Con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với Con sao ? Chính tình thương đã khiến Chúa Ki-tô chịu thương khó, và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người. Và kể từ đây, không có tình thương nào sánh nổi với tình thương đã khiến Đức Ma-ri-a cùng chịu thương khó với Con của Người.

Lời cầu phụng vụ giờ kinh sáng

Đấng cứu chuộc loài người đã chọn Đức Ma-ri-a làm Thân Mẫu, chúng ta hãy tha thiết nguyện cầu :

Chúa là con Đức Mẹ Ma-ri-a,
xin nghe lời chúng con khẩn nguyện.

Lạy Con Đức Chúa Trời hằng sống, nhờ cuộc thương khó Chúa, Chúa đã giữ gìn Thân Mẫu khỏi mọi tỳ ố do nguyên tội gây nên, - xin giữ gìn chúng con khỏi sa vòng tội lỗi.

Chúa là con Đức Mẹ Ma-ri-a,
xin nghe lời chúng con khẩn nguyện.

Chúa là Vị Cứu Tinh của nhân loại, đã đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, - xin làm cho chúng con nên cung điện Chúa Thánh Thần.

Chúa là con Đức Mẹ Ma-ri-a,
xin nghe lời chúng con khẩn nguyện.

Chúa là Thầy của các bậc thông minh thượng trí, mọi lời Chúa nói và mọi việc Chúa làm đã in sâu trong lòng Thánh Mẫu, - xin dạy chúng con biết để ý nghe lời Chúa, và ghi tạc vào lòng.

Chúa là con Đức Mẹ Ma-ri-a,
xin nghe lời chúng con khẩn nguyện.

Chúa là Đấng cứu độ trần gian, đã muốn cho Đức Mẹ đứng kề bên thập giá, - xin ban sức mạnh cho chúng con khi gặp cơn thử thách ngặt nghèo.

Chúa là con Đức Mẹ Ma-ri-a,
xin nghe lời chúng con khẩn nguyện.

Chúa là Đấng chiến thắng tử thần, đã cho Thánh Mẫu lên trời cả hồn lẫn xác, - xin hướng lòng chúng con lên thiên quốc là nơi Chúa hiển trị muôn đời.

Chúa là con Đức Mẹ Ma-ri-a,
xin nghe lời chúng con khẩn nguyện.

Lời nguyện chung cho các phụng vụ giờ kinh

Lạy Chúa, khi Đức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu mà kết hợp với Đức Ki-tô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.



Bài 48- 9/4/1997 về vai trò đồng công hợp tác của Mẹ Maria  

(ĐTC Gioan Phaolô II)

 

 LeMeDauThuong.mp3 

 

 

 


Thứ Năm

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 4, 12-16

"Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: như thế con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết. Cho tới khi cha đến, con hãy chăm chú đọc sách, khuyên bảo và dạy giáo lý. Con chớ quên lãng ân sủng trong con, là ơn đã ban cho con bởi lời tiên tri cùng với việc đặt tay của bậc Lão thành. Con hãy suy ngắm những sự đó, hãy để tâm đến các việc ấy, để mọi người đều thấy rõ con đã tiến tới. Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: hãy kiên trì trong những việc ấy. Vì khi con làm như vậy, con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 7-8. 9. 10

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Ðáp.

2) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả úy! - Ðáp.

3) Ðầu sự khôn ngoan là tôn sợ Chúa, bao nhiêu người thờ Chúa đều hành động cách khôn ngoan. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 135

Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng".

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lc 7, 36-50

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Bài Đọc 1 hôm qua có câu: "Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần, tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển", Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, một phúc âm được viết cho dân ngoại và về Lòng Thương Xót Chúa, tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua về một Chúa Kitô bị thành phần biệt phái và luật sĩ cho rằng: "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", bài Phúc Âm ghi lại một sự kiện như thể chứng thực Chúa Giêsu quả là như thế, quả là Đấng muốn đến sống gần gũi với thành phần tội lỗi để có thể cứu chuộc họ, để nhờ đó họ có thể nhận ra Lòng Thương Xót Chúa qua Người, ở nơi Người và là chính Người. 

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Luca cho thấy Chúa Giêsu đã gần gũi với một người đàn bà hư thân mất nết, một thứ gần gũi bất khả tránh ngoài ý muốn nhưng thật cần thiết, cho dù có thể trở thành gương mù cho người khác, như đã xẩy ra ở ngay trước mắt của vị chủ nhà biệt phái, đến độ gia chủ lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến thấy cảnh tượng, mà đối với thành phần coi mình là công chính bởi thông luật và duy luật, có vẻ quái gở này:

"Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: 'Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!'".

Nếu trong dụ ngôn vẫn được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng, người cha nhân hậu trong dụ ngôn chẳng những tỏ lòng thương đứa con hoang đàng trở về mà còn thương cả đứa con cả ở nhà với ông mà lòng lại xa ông thế nào, thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những tỏ lòng thương cả đứa con hoang đàng là người phụ nữ đang hết lòng thống hối ăn năn trở về với Người mà còn tỏ lòng thương cả vị chủ nhà công chính nhưng lầm lạc đáng thương nữa. Đó là lý do trong khi gia chủ đang có tư tưởng ngờ vực về thế giá của Người là vị được ông ta trân trọng mời vào nhà và dùng bữa với ông, Chúa Giêsu đã kéo ông từ bộ óc trên đầu của ông xuống trái tim ở dưới lồng ngực của ông, bằng một dụ ngôn vấn nạn làm ông tự suy nghĩ và đã nhận định rất đúng:

"Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: 'Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông'. Simon thưa: 'Xin Thầy cứ nói'. 'Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?' Simon đáp: 'Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn'. Chúa Giêsu bảo ông: 'Ông đã xét đoán đúng'".

Thế rồi, căn cứ vào câu trả lời chính xác theo tự nhiên của vị chủ nhà, Chúa Giêsu mới áp dụng vào trường hợp của người phụ nữ tội lỗi đang đụng chạm đến Người ở ngay trước mặt ông, một con người được kể như mắc nợ nhiều hơn ông, (chứ không phải là ông công chính theo chủ quan mà ông không mắc nợ gì với Chúa nữa), một vị gia chủ tuy cảm phục Người đã mời Người đến nhà dùng bữa, (một người biệt phái hiếm thấy đối với Chúa Giêsu vẫn là cái gai chướng mắt của thành phần biệt phái và luật sĩ, dù vị chủ nhà này chưa cảm mến Người bằng nghị viên biệt phái Nicôđêmô - Gioan 3:1-2), nhưng vẫn không tỏ ra hết lòng cung kính Người và mến yêu Người như chính con nợ phụ nữ mà trong đầu của ông đang có vấn đề với Chúa, như chính Người đã vạch ra cho ông thấy trong bài Phúc Âm:

"Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: 'Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít'".

Thế rồi, trong khi chủ nhà đang bàng hoàng choáng váng bởi những nhận định rất chính xác về ông cũng như về người đàn bà tội lỗi đã có những hành động đúng như những gì vị đại khách nhắc lại và so sánh với thái độ cùng hành động của ông đối với cùng vị khách này, thì Chúa Giêsu đã phán với người đàn bà hư thân mất nết, như con nợ nhiều gấp 10 lần vị gia chủ ("hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi") rằng: "Tội con đã được tha rồi".

Lời Người phán truyền tha tội này không ngờ lại gây phản ứng dữ dội hơn nữa, lần này không phải chỉ riêng vị gia chủ mà bao gồm cả những khách được mời (chắc cùng thành phần biệt phái với chủ nhà) nữa. Bởi thế, "những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: 'Ông này là ai mà lại tha tội được?'". Họ nghĩ cũng đúng thôi, vì trước mắt họ thì Chúa Kitô chỉ là một nhân vật Giêsu Nazarét thuần túy, chứ chẳng phải thần thánh gì, chẳng phải là Con Thiên Chúa, chẳng phải là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền tha tội cho loài người. 

Tuy nhiên, trong khi con mắt duy luật và cao ngạo của thành phần biệt phái này không nhận ra vị thượng khách ở giữa họ như thế thì người phụ nữ lăng loàn tội lỗi đáng kinh tởm và xa lánh đối với họ lại nhận ra Người, Đấng có quyền tha tội lỗi cho nàng, nên nàng mới bày tỏ những cử chỉ ăn năn thống hối tuyệt vời nhưng đầy ngứa mắt như vậy, thậm chí nàng cứ đến với Người bất chấp các con mắt khinh người của nhóm khách biệt phái: "Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm...". 

Chính vì hành động đầy tin tưởng hết sức can đảm lạ lùng hiếm có này của người phụ nữ lạ mặt "tội lỗi trong thành" này mà cuối cùng Chúa Giêsu đã nói với nàng rằng: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an". 

Kinh nghiệm tu đức và mục vụ cũng cho thấy, có những tâm hồn tội lỗi lâu năm chưa xưng tội, hay đúng hơn không dám xưng tội, vì chỉ sợ cứ sa đi ngã lại, hay vì thấy mình tội lỗi chất chồng và càng chồng chất tội lỗi càng khó trở về với Chúa, thậm chí còn nản chí mất lòng tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa. 

Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn theo dõi và tìm kiếm từng con chiên lạc đã có cách cứu độ của Ngài. Bởi thế, vào thời điểm ấn định, trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, có những tâm hồn đã trở về với Ngài, đã xưng tội, cho dù vào trong giờ lâm tử, và sau đó họ cảm thấy họ được giải thoát và được tràn đầy bình an, một thứ bình an họ không thể nào có được khi họ đang sống trong tự do theo ý họ một cách gian ác lỗi lầm, một thứ bình an thế gian mà họ đã từng mù quáng theo đuổi và hoan hưởng không thể nào ban cho họ được (xem Gioan 14:27).

Bởi thế, kinh nghiệm tu đức còn cho thấy, có trở về với Chúa, có chạm đến Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải và sau đó nơi Bí Tích Thánh Thể, con người yếu đuối với có sức để sống đức tin và đứa ái, bằng không, càng ngày sẽ càng bê bối và lún sâu xuống bùn lầy tội lỗi, đến độ nếu không có phép lạ không thể nào thoát khỏi vùng lầy tội lỗi ấy nữa. Nếu người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay không dám đến gần Chúa và thậm chí dám giơ bàn tay nhơ nhớp đã từng làm đĩ chạm đến Chúa, thì chắc nàng không bao giờ có thể được thanh tẩy và thậm chí được biến đổi (như chúng ta sẽ thấy trong Bài Phúc Âm ngày mai). 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, nếu so sánh tuổi thì chắc chắn người phụ nữ tội lỗi trong thành đến khóc lóc và xức dầu thơm vào chân Chúa Giêsu với vị chủ nhà thì người phụ nữ tội lỗi này trẻ hơn. Tuy nhiên, không phải vì trẻ mà không thể khôn ngoan hơn và sống tầm thường hơn người nhiều tuổi hơn. Trái lại, căn cứ vào những gì chị làm, những việc chị làm thậm chí được Chúa Giêsu khen tặng trước mặt gia chủ già đời hơn. Bởi thế mà Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay, ngài đã bảo người môn đệ Timôthêu của ngài rằng: "chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết".

Cái khôn ngoan nhất của con người đó là nhận biết Thiên Chúa, trước hết và trên hết là ở chỗ tỏ ra kính sợ Ngài, như người phụ nữ tội lỗi trong thành đã thực hiện trong bài Phúc Âm hôm nay, đúng như câu Đáp Ca thứ 3 được trích từ Thánh Vịnh 11, câu 10: "Ðầu sự khôn ngoan là tôn sợ Chúa, bao nhiêu người thờ Chúa đều hành động cách khôn ngoan. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời".

 

 

ThánhCornelioGiaoHoang-CyprianoGiamMucTuDao.mp3 (16/9)


Thứ Sáu

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 2c-12

"Phần con, hỡi con người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy giảng dạy và khuyên nhủ những điều này. Nếu ai giảng dạy điều chi khác lạ và không thành tín nắm giữ những lời giáo huấn lành mạnh của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, và giáo lý phù hợp với đạo đức, thì người đó là kẻ mù quáng vì kiêu ngạo, không hiểu biết gì, nhưng mải mê về những chuyện bàn cãi và tranh chấp danh từ. Do đó phát sinh ra sự ghen tương, tranh chấp, lăng nhục, nghi ngờ với ác tâm, và những cuộc cãi cọ dai dẳng của những người hư hỏng tinh thần và thiếu thốn chân lý. Họ coi đạo đức là một nguồn lợi. Thực ra đạo đức là nguồn lợi lớn cho những ai biết bằng lòng với số phận mình. Bởi vì chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau.

Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 48, 6-7. 8-10. 17-18. 19-20

Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3).

Xướng: 1) Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn. - Ðáp.

2) Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết. - Ðáp.

3) Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ. - Ðáp.

4) Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: "Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu", họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 1-3

"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lc 8, 1-3

Suy Niệm Cảm Nghiệm


Bài Phúc Âm hôm nay, mở đầu đoạn 8, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 7. Tức là, sau sự kiện Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simon mời đến dùng bữa với ông và bạn hữu của ông, ở đó Người đã tha th cho một người phụ nữ tội lỗi hết lòng ăn năn thống hối đến với Người.

Nếu bài Phúc Âm hôm qua, người phụ nữ lạ mặt như vô danh tiểu tốt này chỉ được Thánh ký Luca tiết lộ một chút xíu ở ngay đầu bài Phúc Âm đó là "một người đàn bà tội lỗi trong thành", thì hình như người phụ nữ tội lỗi ấy đã trở thành một (vẫn tiếp tục vô danh) trong những nữ môn đệ của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay: 

"Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người".

Phải chăng người phụ nữ tội lỗi tỏ lòng ăn năn thống hối ấy chẳng những đã từ bỏ đời sống tội lỗi mà còn dấn thân theo phục vụ Đấng đã vô cùng từ bi nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình nữa, qua chi tiết được Thánh ký Luca cho biết là: "Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám". 

Suy diễn này có thể đúng: người phụ nữ tội lỗi đã "đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm" và đã được Người tha thứ: "Tội lỗi con đã được tha... Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an", trong bài Phúc Âm hôm qua, chính là "Maria cũng gọi là Mađalêna" trong bài Phúc Âm hôm nay

Thật vậy, căn cứ vào hai chi tiết trong 2 phúc âm khác, chúng ta có thể thấy được điều này. Trước hết, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Ký đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm qua. 

Trong Phúc Âm của Thánh ký Marco, ở đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên được vị Thánh ký này liệt kê là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm nay.

Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7.

Vậy Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, có thể là một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala, một thành ở Miền Bắc Galilêa, giữa thành Tiberia nằm ở bên dưới, và thành Carphanaum nổi tiếng bên trên, "thành của Chúa Giêsu" như Thánh Mathêu gọi (9:1), nơi chị có thể ở trong thành phần tội lỗi ở nhà của chàng thu thuế Levi và được chứng kiến thấy thái độ cùng lời nói vô cùng nhâhn hậu của Người (xem Mathêu 9:10-13) nhử đó chị đã bị chinh ohục, và từ đó chị đã tìm gặp Người để tỏ lòng thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk 10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)! 

Những người phụ nữ theo Chúa Kitô được Thánh ký Luca liệt kê trong bài Phúc Âm hôm nay là thành phần khôn ngoan, thành phần được Thánh Phaolô liệt kê trong Bài Đọc 1 hôm nay, hoàn toàn khác với "những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau". Trái lại, cũng theo Thánh Phaolô trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay, họ "theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành".

Chỉ có thành phần dám từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, sống nghèo như Người, chẳng những về vật chất mà cả về tinh thần nữa, mới cảm nghiệm được tâm tình của Thánh Vịnh 48 ở bài Đáp Ca hôm nay:

1) Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn.

2) Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết.

3) Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ.

4) Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: "Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu", họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng.

 

ThanhRobertoBelamino.mp3 (17-9)


Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 13-16

"Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Ðó là lời Chúa.

Related image

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Hôm nay, Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật lại dụ ngôn người gieo giống của Chúa Giêsu khi "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu".

Hình ảnh "có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu" ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay rất thích hợp với dụ ngôn người gieo giống là Chúa Giêsu qua vai trò giảng dạy của Ngài, những lời giảng dạy như hạt giống gieo vào tai, vào lòng thính giả, trong đó không phải ai cũng tiếp nhận hạt giống này như nhau, mà là khác nhau, được chính Chúa Giêsu phân loại và tóm gọn lại thành 4 hạng trong dụ ngôn của Người như sau:  

"Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Bốn hạng hay bốn loại thính giả lắng nghe lời Chúa hay đón nhận hạt giống lời Chúa này ra sao và được hạt giống lời Chúa tác dụng như thế nào nơi bản thân họ, hay nói cách khác, hạt giống lời Chúa đã sinh hoa kết trái ra sao nơi họ, tất cả đã được Chúa Giêsu dẫn giải ở phần cuối bài Phúc Âm hôm nay theo lời yêu cầu của các môn đệ:

"Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Như thế, căn cứ vào những gì được Chúa Giêsu dẫn giải, thì trình độ lãnh nhận hay thái độ lãnh nhận lời Chúa được chia ra làm 4 cấp theo tác dụng của lời Chúa, thứ tự như sau: 

1- "Vệ đường" - Hững hờ trong tâm linh: "Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ". Trường hợp này thường thấy nơi những con người chẳng tin tưởng gì hết, ngoài chính bản thân họ, họ chủ quan, cố chấp, thành kiến, ý riêng, hoàn toàn sống theo bản tính tự nhiên và buông thả, đến độ không cần bị cám dỗ họ cũng sa ngã, phạm tội mà không biết, mất hết ý thức tội lỗi v.v.

2- "Sỏi Đá" - Nông cạn trong cuộc sống: "Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui". Thường thấy xẩy ra trong các cuộc tĩnh tâm, tham dự viên rất hào hứng khi nghe giảng, vổ tay, cười lớn, thích thú, gật gù v.v. thế nhưng sau đó vẫn tiếp tục sống với những gì phản lại với lời giảng mà họ cảm thấy hay ho thấm thía nhất thời. 

3- "Bụi gai" - Bất ổn trong nội tâm: "Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả". Có những Kitô hữu Công giáo rất thông thuộc lời Chúa, hay lập lại Lời Chúa khi cần, nhắc nhở Lời Chúa cho kẻ khác, và sống đời cầu nguyện một cách kỹ lưỡng hằng ngày, cho tới khi hoạt động đụng chạm mới thấy trình độ thấm nhuần lời Chúa của họ tới đâu.

4- "Đất lành" Đáp ứng trong tin tưởng: "Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái". Mẫu gương cho thành phần "đất lành chim đậu" này không ai hơn Đệ Nhất Tạo Vật về ân sủng là Mẹ Maria, nhờ luôn suy niệm và đáp ứng lời Chúa (xem Luca 2:19,51), bởi thế Mẹ luôn đầy ân phúc và không bao giờ giảm một chút gì ân phúc nơi Mẹ, trái lại, ân phúc càng đầy nơi Mẹ, càng làm cho Mẹ nên giống Chúa hơn ai hết, đến độ Mẹ trở nên rực rỡ như mặt trời (xem Khải Huyền 12:1; Diễm Tình Ca 6:10).

Thánh Phaolô đã khuyên dạy người môn đệ Timôthêu của ngài ở Bài Đọc 1 hôm nay là hãy trở nên một mảnh đất tốt như thế này: "con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!"

Những tâm hồn được cho là mảnh đất tốt mới có thể xướng lên Thánh Vịnh 99 ở bài Đáp Ca hôm nay, Thứ Bảy cuối tuần XXIX Thường Niên Năm C:

 

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.