Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Am 8,
4-7
"Chống lại những kẻ lấy tiền mua
người nghèo".
Trích sách Tiên tri Amos.
Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ
nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi
bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày
Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và
làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy
người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát". Vì Giacóp kiêu căng, Chúa
đã thề rằng: "Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho
đến cùng".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 112,
1-2. 4-6. 7-8
Ðáp: Hãy
ngợi khen Chúa, Ðấng nâng cao kẻ túng thiếu (c. 1a & 7b).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những
người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được
chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Ðáp.
2) Chúa siêu việt trên hết thảy chư
dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa... và Người để mắt nhìn coi
khắp cả trên trời dưới đất. - Ðáp.
3) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ
bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những
bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Tm 2,
1-8
"Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi
người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô
Tông đồ gởi Timôthêu.
Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin,
khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những
bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức
và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên
Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.
Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng
Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con
người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng
tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao
giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân
ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu
nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh
tranh.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17,
17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời
Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc
16, 10-13 {hoặc 1-13}
"Các con không thể làm tôi Thiên
Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn
đệ rằng: {"Một
người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí
của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao
đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm
quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ
tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón
tiếp tôi về nhà họ'.
"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến
và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp:
'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống
mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc
nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng:
'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất
lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng
loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
"Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng
tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón
tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}
"Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng
trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối
trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian
dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?
"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai
chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ
nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C hôm nay thật ra Giáo Hội chỉ
buộc đọc một số câu vắn gọn như sau (3 câu cuối trong 13 câu đầu tiên của
đoạn 16 Phúc Âm Thánh Luca):
“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: ‘Ai trung tín trong việc nhỏ,
thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian
dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của
gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con? Không đầy tớ nào có
thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ
này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi
tiền của được’".
Căn cứ vào đoạn Phúc Âm chính yếu buộc phải đọc cho Chúa Nhật XXV Thường
Niên Năm C này thì chúng ta thấy nếu Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIV
Thường Niên Năm C liên quan đến thành phần lầm lạc đáng được xót thương, thì
Phụng Vụ tuần này liên quan đến thành phần đầy tớ đối với những gì được trao
phó cần hoàn thành theo ý chủ.
Mối liên hệ giữa Phụng Vụ Lời Chúa tuần trước và tuần này, như trên đây nhận
định và phân tích, dường như theo chiều hướng là một khi con người được
thương xót thế nào thì cũng phải thương xót như vậy, không được lạm dụng hay
hưởng thụ, nghĩa là phải chia sẻ, phải áp dụng lòng thương xót mình đã lãnh
nhận cho những đối tượng đáng thương như mình.
Trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay chúng ta thấy có 2 loại đầy tớ, 2 thành phần
hoàn toàn phản nghịch nhau: một bất trung gian dối và một trung tín phục vụ.
Thành phần bất trung gian dối ở Bài Đọc 1 và thành phần trung tín phục vụ ở
Bài Đọc 2.
Đúng thế, trước
hết là thành
phần bất trung gian dối ở Bài Đọc 1, được Tiên Tri Amos diễn tả về chính mưu
gian của họ như sau:
"Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat
để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân
giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng
thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát".
Thành phần đầy tớ bất trung gian ác này là ai, nếu không phải là chung dân
Do Thái, thành phần được Thiên Chúa tuyển chọn và tỏ mình ra cho họ, để họ
nhận biệt lòng thương xót của Ngài, nhờ đó họ sống lòng thương xót như Ngài,
nhất là khi đối xử với tha nhân đồng loại hay đồng hương của mình. Và đó là lý do, dân Do
Thái đã bị chính vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu của họ nghiêm chỉnh cảnh báo
ở cuối Bài Đọc 1 hôm nay rằng: “Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã
thề rằng: ‘Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến
cùng’".
Sau nữa là thành phần đầy tớ trung tín phục vụ, được điển hình nhất nơi
trường hợp của Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, vị tông đồ đã cảm nhận
được lòng thương xót Chúa đối với bản thân tội lỗi lầm lạc của mình, nhưng
vẫn được tin tưởng sai đi làm chứng cho ân sủng thần linh, là tất cả
sự thật về ơn cứu độ và lòng thương xót Chúa, như Thư gửi môn đệ Timôthêu
của ngài ở Bài Đọc 2 hôm nay cho thấy:
“Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài
người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu
chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng
tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ
không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý”.
Đúng thế, chân lý được vị tông đồ dân ngoại Phaolô này rao giảng liên quan
đến ơn cứu độ của vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu muốn cho hết mọi người được
cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô là dấu chứng của lòng thương xót thần linh, nhờ
việc họ chấp nhận chứng từ là Đức Giêsu Kitô ấy, nghĩa là nhận biết chân lý
nơi Đấng Trung Gian duy nhất này, như vị tông đồ dân ngoại đã khẳng định nơi
phần đầu Bức Thư gửi môn đệ Timôthêu ở Bài Đọc 2 hôm nay:
“Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý. Vì chỉ
có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là
Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay
cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người”.
Chính vì ơn cứu dộ do lòng thương xót Chúa có tính cách phổ quát cho chung
loài người và cho riêng những ai tin tưởng, nhờ nhận biết chân lý cũng là
chấp nhận Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Trung Gian Duy Nhất, nghĩa
là
những ai cảm thấy nghèo hèn trước nhan Thiên Chúa và chỉ còn biết hy vọng
vào Ngài, mà câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay mới vang lên những lời
kêu gọi “Hãy
ngợi khen Chúa, Ðấng nâng cao kẻ túng thiếu”, chất
chứa đầy niềm chúc tụng ngợi khen của con người, kèm theo những ý thức thần
linh chân thực nhất về Thiên Chúa ở những câu xướng như sau:
1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi
khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn
đời.
2) Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang
của Chúa... và Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất.
3) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ
nơi phần thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân
vương của dân Người.
Thứ
Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài
Ðọc I: (Năm
II) Cn
3, 27-34 {hoặc 27-35}
"Chúa ghê tởm những kẻ lừa
dối".
Trích sách Châm Ngôn.
Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có
thể làm việc lành; nếu con làm được việc lành, thì chính con hãy làm.
Con chớ nói với người bạn của con rằng: "Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ
cho ngươi", khi con có thể cho ngay.
Con chớ mưu toan gây ác cho bạn
hữu của con, khi nó tin tưởng vào con. Con chớ cạnh tranh với người ta
cách vô cớ, khi chính người đó không làm điều gì ác cho con. Con chớ
ganh tị với người bất chính, và chớ noi theo đường lối của nó. Vì Chúa
ghê tởm những kẻ lừa dối, và Chúa ở thân mật với những kẻ đơn sơ. Chúa
gửi đến nhà kẻ gian ác sự khó nghèo, còn nhà người công chính sẽ được
chúc phúc. Chính Chúa nhạo báng những kẻ gian dối, và ban ơn cho những
kẻ hiền lành. [Người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh quang, nhưng phường
ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.]
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14,
2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa,
người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa (c. 1b).
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và
thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa
lời vu khống. - Ðáp.
2) Người không làm ác hại đồng
liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân,
nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.
3) Người không xuất tiền đặt nợ
thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những
điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm
nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh
em. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8,
16-18
"Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai
đi vào đều thấy sự sáng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng
rằng: "Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng
đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì
kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho
người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có,
sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Cảm Nghiệm
Đã có càng thêm - không có càng mất
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ
Hai Tuần XXV Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp liền với bài Phúc Âm Thứ
Bảy Tuần trước, Tuần XXIV Thường Niên.
Thật vậy, ngay sau khi
nói với đám đông dân chúng
tuốn đến nghe Người và Người đã giảng dạy họ bằng
dụ ngôn người gieo giống trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, Chúa
Giêsu, trong bài Phúc Âm hôm nay, liền
giảng tiếp vỏn vẻn trong 3 câu Phúc Âm như
là những gì liên hệ với nhau bất khả phân ly trong cùng một bài giảng
của Người, đó là:
"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng
đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì
bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta
lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức
anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay
cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."
Đúng thế, dụ ngôn người gieo
giống trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước liên quan đến 4 loại thính
giả, và 3 câu Phúc Âm hôm nay có liên hệ hết sức mật thiết với nhau ở
chỗ: "Vậy
hãy để ý tới cách thức anh em nghe". Thế nhưng tại
sao Chúa Giêsu lại ghép cách thức nghe lời Chúa với việc thắp đèn lên
cho sáng tỏ chứ?
Phải chăng ở đây Chúa Giêsu có ý nói
rằng Chúa là người gieo giống, là Đấng rao giảng hạt giống lời
Chúa, chẳng
còn muốn gì hơn là làm sao cho lời của Người sinh hoa kết trái nơi con
người, nơi những người nghe lời của Người, mà "lời Chúa là đèn soi
chân con bước,
là ánh sáng dẫn lối con đi"
(Thánh Vịnh 119:105), thì
cũng có
nghĩa là Người
muốn thắp lên trong mỗi một con người ngọn đèn lời của Người, nếu họ
biết lắng nghe và đáp ứng lời
của Người, nhờ đó,
lời của Người cho dù đầy
sâu nhiệm "bí ẩn" cũng sẽ
"trở nên hiển hiện", dù
lời của Người như
có vẻ "che giấu" trong tâm
hồn của mỗi một người nghe lời của Người, cũng
sẽ trở
nên cụ
thể trước mặt mọi người qua đời
sống chứng nhân của họ, như
"được đưa ra ánh sáng" vậy.
"Chẳng
có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà
người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng"
ở đây còn có nghĩa là con người ta không thể che giấu được những gì ở
trong lòng mình là nguồn mạch tất cả những gì là xấu xa tội lỗi mà họ
muốn giấu nhưng lại cứ lộ ra bởi lòng đầy nên mới trào ra ngoài miệng
(xem Luca 6:45).
Người ta có thể căn cứ vào lời nói và việc làm hay phản ứng của chúng ta
để biết chúng ta thuộc hạng người nào, trình độ tu đức đức tin tới đâu,
có thực sự sống lời Chúa hay chăng, thuộc thành phần theo đạo hay đạo
theo v.v.
Đó là lý do cũng trong cùng Bài Phúc Âm hôm nay, ngay sau đó, Chúa Giêsu
đã vừa nhắc nhở vừa cảnh giác thành phần Kitô hữu môn đệ của Người rằng
"hãy
để ý tới cách thức anh em nghe". Nếu chúng ta coi trọng lời
Chúa, đặt lời của Người trên hết mọi sự ở thế gian này, không có gì quan
trọng như Lời Người, giành thời giờ hằng ngày để nghiền gẫm, thưởng thức
Lời của Người, nhờ đó Lời Người sẽ biến đổi con người chúng ta nơi những
gì chúng ta phán đoán, chọn lựa, phát biểu, tác hành và phản ứng, và như
thế, chúng ta trở nên thành phần "đã có lại được cho thêm", càng trở nên
dồi dào với các hoa trái thiêng liêng bất diệt vô cùng phong phú xuất
phát từ Lời Chúa.
Trái lại, nếu chúng ta để cho các công việc hằng ngày của chúng ta úp
lên trên Lời Chúa là ánh sáng cần soi tỏ trong cuộc đời của chúng ta, để
cho các lo toan bận bịu phụ thuộc (cho dù cần đến đâu chăng nữa) của
chúng ta (so với Lời Chúa) lấn át Lời Chúa, ưu tiên hơn Lời Chúa, thì
chúng ta sẽ chẳng biết đâu mà phán đoán cho đúng, chọn lựa cho khôn, tác
hành cho khéo và phản ứng cho đẹp, để rồi tất cả những gì chúng ta làm
cho dù được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì không phải chúng ta thực sự
là thành phần mà "ngay
cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất"
đúng như lời Chúa Giêsu cảnh báo trong câu cuối cùng của bài Phúc Âm hôm
nay hay sao?
Nếu biết lắng nghe, chấp nhận
và đáp ứng lời của Chúa, như một mảnh đất tốt, thì mảnh đất nhân tính
tốt của con người lắng nghe ấy sẽ trở sinh hoa trái, như thể "ai
đã có (lời
Chúa),
thì được cho thêm (hoa trái)", trái
lại, thành phần nghe lời Chúa như một vệ đường hay như sỏi đá hoặc như
bụi gai, thì lời Chúa Giêsu kết luận ở cuối bài Phúc Âm hôm nay đã
khẳng định: "còn
ai không có (ám
chỉ lời
Chúa chẳng công hiệu gì nơi họ như thể họ chẳng có lời Chúa, chẳng hề
nghe lời Chúa),
thì ngay cái họ tưởng là có (như đức
tin họ lãnh nhận khi lãnh nhận Phép Rửa, như việc lành phúc đức họ làm
là những gì họ tưởng là có), cũng
sẽ bị lấy mất (như
người đầy tớ được
trao cho một nén chẳng sinh lợi nên bị tước luôn - xem Mathêu 25:28-29)".
Nếu hiểu câu Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm
hôm nay:
"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng
đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng",
và nếu thành phần "đốt đèn"
được Chúa Giêsu ám
chỉ trong Bài Phúc Âm là những ai, trong đám "dân chúng" là đối
tượng nghe Người bấy giờ, làm lành, hay nói đúng hơn, là làm gương sáng
qua các việc lành họ làm, thì Sách Châm Ngôn trong Bài Đọc 1 hôm nay rất
chí lý khi có lời huấn dụ rằng:
"Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có thể làm việc lành; nếu con làm
được việc lành, thì chính con hãy làm. Con chớ nói với người bạn của con
rằng: 'Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ cho ngươi', khi con có thể cho
ngay". Trái lại, họ còn tránh gây ra gương mù bằng các hành động
tiêu cực của họ nữa, như cùng Bài Đọc 1 hôm nay cảnh giác:
"Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con, khi nó tin tưởng vào
con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ, khi chính người đó
không làm điều gì ác cho con. Con chớ ganh tị với người bất chính, và
chớ noi theo đường lối của nó".
Thành phần "đốt
đèn" bằng các việc lành trong đời sống
gương sáng của mình, và tránh đi tất cả những gì là gương mù gương xấu
của mình như thế, phải được gọi là "người công chính", những con người,
như Câu Họa của Bài Đáp Ca hôm nay cho biết "cư
ngụ trên núi thánh Chúa". Thật vậy, Thánh Vịnh 14 ở Bài Đáp Ca hôm
nay đã diễn tả về những con người công chính, cả về mặt tích cực lẫn
tiêu cực, trong đời sống của họ như sau:
1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong
lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
2) Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân
cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại
người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có
lung lay.
Ngày 19 tháng 9:
THÁNH GIA-NU-A-RI-Ô
Giám Mục Tử Đạo
*
Gương Thánh nhân
Thánh Gia-nu-a-ri-ô, sống vào thế kỷ thứ ba. Lòng nhân đức và tài trí
thông minh của ngài đã đưa ngài lên chức Giám mục giáo phận Bê-nê-ven.
Ngài hết sức từ chối chức vị cao trọng đó, vì ngài khiêm tốn, thấy mình
bất xứng trước mặt Chúa. Nhưng Đức Giáo Hoàng ra lệnh, nên thánh nhân
không dám từ chối.
Từ ngày lãnh chức Giám mục, thánh nhân càng sống khắc khổ nghiêm nhặt
hơn, cố ý hãm mình dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho hàng giáo sĩ và đoàn
chiên. Ngài luôn sống gần gũi, khuyến khích họ trung thành bền đỗ phụng
sự tôn thờ Chúa, vì Hội thánh lúc đó đang bị hoàng đế Đi-ô-lê-si-en bách
hại, nhiều người đã bị bắt, bị giết vì đạo, nhưng cũng có số người vì
nhát đảm đã bỏ Chúa tế thần.
Thánh nhân rất đau lòng mỗi khi nghe tin con chiên chối đạo. Ngày nọ,
khi biết có 4 Ki-tô hữu bị tống giam vì đức tin, ngài lén đến thăm họ,
khuyên bảo họ can đảm tuyên xưng Chúa Ki-tô. Viên tổng trấn thành phố
hay tin liền ra lệnh bắt giữ ngài. Hôm sau, ông truyền dẫn ngài đến và
bảo:
- Hãy tế thần đi, ngươi sẽ được sống.
Thánh nhân trả lời:
- Tôi không thờ lạy bụt thần ma quỷ như các ông. Tôi chỉ thờ một Thiên
Chúa là Đấng Tạo hóa cao cả hơn hết.
Viên tổng trấn ra lệnh bỏ ngài vào lò lửa cho chết cháy. Nhưng Chúa cứu
ngài bình an vô sự như ba thanh niên Do-thái xưa. Và người ta giam ngài
vào ngục. Từ đây, thánh nhân vui mầng gặp lại các con chiên của mình.
Ngài khuyên bảo họ:
- Chúng con hãy can đảm lên, đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà
không làm gì hại được linh hồn. Chúng con hãy kính sợ Đấng phạt chúng
con trong hỏa ngục, hãy trung thành theo Đấng đó, để được sống đời đời.
Ít hôm sau, viên tổng trấn dạy dẫn ngài ra và bảo:
- Ngươi hãy tế thần đi, ta sẽ cho về với đồ đệ ngươi.
Thánh nhân đáp:
- Quan cứ luật mà xử tội, không bao giờ tôi bỏ Chúa mà theo ma quỷ được.
Đứng trước lòng kiên trung của thánh nhân, viên tổng trấn không còn cách
nào hơn là ra lệnh chém đầu ngài.
Thánh nhân đã được phúc tử đạo năm 305, dưới thời hoàng đế
Đi-ô-lê-si-en. Năm 1493 di hài của ngài được dời về Náp-lơ, và được dân
thành tôn làm thánh bổn mạng. Họ rất tin tưởng ngài, chạy đến nhờ ngài
cầu thay nguyện giúp mỗi khi gặp gian nan khốn khó. Tương truyền thánh
nhân đã cứu họ khỏi nạn núi lửa Vê-su và máu ngài đã làm nhiều việc lạ,
nhưng không có bằng chứng nào chắc chắn về các hiện tượng nầy.
* Quyết tâm
Noi gương thánh Gia-nu-a-ri-ô, tôi trung thành bền đỗ theo giúp việc
Chúa cho đến chết, và hằng ngày mời gọi nhiều người cùng trung thành với
Chúa, sẵn lòng chịu khổ cực vì Chúa.
* Lời nguyện
Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con tưởng niệm thánh Gia-nu-a-ri-ô tử đạo.
Xin Chúa rộng ban cho chúng con mai sau được cùng thánh nhân hưởng hạnh
phúc trên trời. Chúng con cầu xin...
Nguồn: http://www.giaophanvinhlong.net
Ngày 16/11/2021, giữa đại dịch toàn cầu vẫn còn hoành hành, trong chuyến
Hành Hương Đức Tin - Chứng Tích Phục Sinh 12 ngày 8-19/11/2021,
phái đoàn TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương) đã từ Bắc và Trung Ý Nam Ý ở
thành phố Napoli (Naple) để kính viếng Vương cung Thánh đường Mẹ Mông
Triệu TGP Napoli, nơi còn lưu giữ hài tích của Thánh nhân.
Thánh Januarius, tên tiếng Ý là thánh Gennaro, là thánh quan thầy của
Napoli. Nên hình ảnh của ngài xuất hiện ngay trên tường giữa lòng thành phồ.
Ngài là giám mục của thành phố này vào thế kỷ thứ 3. Ngài đã tử đạo trong
cuộc bách hại của hoàng đế Diocletianus. Xương và máu của ngài được kính
trong nhà thờ chính tòa Napoli.
Máu thánh nhân hóa lỏng ít nhất 3 lần mỗi năm: ngày lễ kính thánh nhân 19/9;
thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng 5; và ngày 16/12, là ngày kỷ
niệm núi lửa Vesuvius phun trào.
Nguyện đường bên trong Vương Cung Thánh Đường Mẹ Mông Triệu TGP Napoli, ở
bên cánh phải, là nơi lưu giữ Máu của vị thánh.
Ngày 21/9/2008, tại thành phố cảng Naples của Ý, một lọ chứa khối chất rắn
đậm màu, được cho là máu khô của giám mục Januarius, lại một lần nữa hóa
lỏng trước ánh mắt ngỡ ngàng của dân chúng.
Phép lạ “máu đông hóa lỏng” này đã xuất hiện rất nhiều lần kể từ thời Trung
Cổ cho đến nay.
Hiện tượng kì lạ này tuy được những tín đồ Công giáo sùng bái như một phép
màu, nhưng vẫn còn để ngỏ một lời giải thích thỏa đáng từ giới khoa học.
(hầm mộ của vị thánh trong vương cung thánh đường)
Chiếc lọ được xem như một thánh tích nổi tiếng của Thiên Chúa giáo, đặt
trang nghiêm trong nhà thờ chính tòa Naples.
Bề ngoài trông lọ khoảng 60ml, chứa một khối vật chất đặc khô chiếm nửa
bình.
Cứ đến các tháng 5, 9, 12, khi thực hiện nghi lễ truy tôn Thánh Januarius,
chiếc lọ được đưa ra, xoay chuyển để “phép màu” xuất hiện:
khối vật chất ấy hóa lỏng ra, có khi ngay lập tức, có khi từ từ, vài giờ đến
vài ngày… sau đó đông lại như cũ.
Không những thế, một số hiện tượng khác cũng được ghi nhận như: sôi, sủi
bọt, đổi màu từ đỏ thẫm sang đỏ hồng, thậm chí khi cân thấy tăng khối
lượng!!!
Có lúc khối ấy không hóa lỏng hết mà nổi thành viên nhỏ trên lớp chất lỏng.
Khi phép lạ xảy ra, khối máu khô, có màu đỏ ở một mặt của bình đựng thánh
tích trở thành chất lỏng bao phủ gần như toàn bộ mặt kính.
Lần gần đây nhất máu không hóa lỏng là vào tháng 12/2016. Phép
lạ đã xảy ra trong khi Napolis bị phong tỏa vì đại dịch virus corona vào
ngày 2/5.
Đức Hồng Y Sepe đã dâng thánh lễ truyền chiếu trực tiếp và ban phước cho
thành phố với thánh tích của máu hóa lỏng.
Ngài tuyên bố: “Ngay cả trong thời gian đại dịch virus corona, qua lời
chuyển cầu của thánh Januarius, Chúa đã cho máu hóa lỏng!”. (CNA 19/09/2020)
Thứ Ba
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc
I: (Năm
II) Cn
21, 1-6. 10-13
"Những câu Cách Ngôn khác nhau".
Trích sách Châm Ngôn.
Lòng vua ở trong tay Chúa, như những
dòng nước chảy, Người muốn hướng nó về đâu tuỳ ý Người. Mọi đường lối của
người ta đối với họ là ngay thẳng, nhưng Chúa cân nhắc tâm can. Thực hành
công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ. Mắt tự cao là lòng kiêu
ngạo: đèn kẻ gian ác là tội lỗi. Toan tính người cần mẫn luôn dẫn tới sự dồi
dào, còn mọi kẻ biếng nhác luôn gặp nghèo khó. Ai dùng lưỡi gian dối thu
tích kho tàng, là người hư hốt vô tâm, nó sẽ rơi vào lưới sự chết.
Tâm hồn người tội ác mơ ước sự dữ, nó
không thương xót người lân cận. Khi kẻ hung bạo bị sửa phạt thì người bé nhỏ
sẽ khôn ngoan hơn, và nếu nó theo người khôn ngoan, nó sẽ được thông minh.
Người công chính nhìn xem lòng kẻ tội ác, để cứu nó thoát khỏi tai hoạ. Ai
bịt tai không nghe tiếng người nghèo khó, thì lúc chính nó kêu cầu, cũng
chẳng ai nghe.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 1.
27. 30. 34. 35. 44
Ðáp: Lạy Chúa, xin
hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài (c. 35a).
Xướng: 1) Phúc đức những ai theo đường
lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. - Ðáp.
2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn
lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Ðáp.
3) Con đã chọn con đường chân lý, con
quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin dạy con, để con vâng theo luật
pháp Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Ðáp.
5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ
thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng. - Ðáp.
6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn
luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118,
18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin
giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng
theo luật đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8,
19-21
"Mẹ và anh em Ta là những người
nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến
tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo
tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". Người
trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và
đem ra thực hành".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Cảm Nghiệm
Tình Nghĩa Thần Linh
Hôm
nay, Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên, bài
Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cũng rất ngắn ngủi, chỉ có 3 câu, tiếp ngay
sau Bài Phúc Âm hôm qua về chiều hướng lời Chúa nơi con người thắp sáng trần
gian, và có liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua về ý nghĩa của nó, về mối liên
hệ đích thực giữa Người với những ai giữ lời Chúa, đó
là bài Phúc Âm trong đó
Chúa Kitô khẳng định về mối liên hệ thiêng liêng với Người:
"Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không
thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: 'Có mẹ và anh em
Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy'. Người trả lời với họ rằng: 'Mẹ và anh em
Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành'".
Đúng thế, qua câu khẳng định về
tình nghĩa thiêng liêng với Người này, Chúa
Giêsu chẳng những không
phủ nhận mối liên hệ tự
nhiên về huyết nhục, nhất là đối với Người Mẹ của Người, mà còn đề cao Mẹ
của Người hơn nữa, như muốn nhấn mạnh rằng Mẹ Maria của Người chẳng những có
phúc hơn tất cả mọi người phụ nữ trên trần gian này, vì đã được thụ thai và cưu mang Người (xem Luca 11:27) là "Lời đã hóa thành
nhục thể" (Gioan 1:14), là "Con Thiên Chúa", là "Con Đấng
Tối Cao" (Luca 1:32,35), mà
còn "có phúc" hơn tất cả mọi con người trên trần gian này chỉ "vì đã tin" (Luca 1:45), tin phục những gì đã truyền đạt
cho Mẹ.
Chính "đức tin tuân phục"
(Roma 1:5) của Mẹ mới làm và đã làm cho Mẹ nên một với Con của Mẹ, mới làm
cho Mẹ xứng đáng đồng công cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Con Mẹ và
với Con Mẹ, nhất là khi Mẹ đứng kề bên Thánh Giá của Người (xem Gioan
19:25). Mẹ là đệ nhất môn đệ của Con Mẹ, là môn đệ tuyệt hảo nhất của Con
Mẹ, đúng như Con Mẹ mong muốn, ở chỗ Mẹ là "người
nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Mẹ
không thể nào có thể "đem ra thực hành" lời Chúa nếu không "nghe
lời Thiên Chúa",
như khi Mẹ nghe thấy câu
trả lời của Thiếu nhi Giêsu Con Mẹ 12 tuổi trong đền
thờ sau 3 ngày lạc mất,
một lời mà Mẹ không nắm bắt được ý
nghĩa của nó (xem
Luca 2:50), nhưng Mẹ vẫn
lấy "đức tin tuân phục" để "xin
vâng" như trong Biến Cố Truyền Tin (xem Luca 1:38), hay như khi Mẹ chứng
kiến thấy những dấu lạ
Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lưu giữ tất cả
những sự ấy mà suy niệm trong lòng, chẳng
hạn như sự
kiện ba chiêm tinh vương gia đông phương đến bái thờ Hài nhi Giêsu Con Mẹ
(xem Luca 1:19).
Bởi thế, Mẹ thật sự là Mẹ của
Chúa Kitô, Lời Nhập Thể cả về phương diện thể
lý lẫn phương diện thiêng
liêng. Nếu về phương diện
tự nhiên, Mẹ đã hạ sinh nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét thuộc giòng
dõi Đavít, thì về phương diện siêu nhiên, nhờ đức tin tuân phục của Mẹ,
Mẹ đã thụ thai Lời Nhập Thể và Lời Nhập Thể đã chiếm đoạt Mẹ, biến Mẹ thành
phương tiện thông ban ơn cứu độ,
một ơn cứu độ trước
tiên được thông ban cho thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, qua lời chào đầy
Thánh Linh của Mẹ (xem Luca 1:41-44), và sau đó, cũng nhờ lời chuyển cầu
thần thế của Mẹ, bằng vai trò trung gian môi
giới giữa Con Mẹ và loài người, Chúa Giêsu lần đầu
tiên đã tỏ vinh quang của Người ra cho các môn đệ của Người ở tiệc cưới Cana, làm cho các vị
tin vào Người (xem
Gioan 2:1-11).
Chính
nhờ tâm hồn đầy "đức tin tuân phục" của Mẹ
mà chẳng những tâm
hồn đầy ân phúc của Mẹ thực sự là Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị, mà
nhờ đó cả thân xác trọn đời trinh nguyên của Mẹ nữa cũng đã hoàn toàn trở
thành Đền Thờ vô cùng xứng đáng cho
Lời Nhập Thể ẩn ngự
trong suốt
9 tháng mở đầu
cho cuộc sống trần gian của Người.
Trong Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã ngấm ngầm và gián tiếp lợi dụng
chính gương
"nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" của Mẹ Người,
như mô phạm lý tưởng nhất cho những gì Người muốn huấn dụ thành phần "đám
đông" dân chúng đang nghe Người bấy giờ, để khuyên dạy họ hãy đặt trọng
tâm vào Thiên Chúa hơn vào bản thân mình, tức là vào việc
"nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" như Mẹ, hơn là chỉ vênh vang
được liên hệ với Chúa, là mẹ và là anh em của Chúa, một tâm trạng và thái độ
không hề có nơi Mẹ của Người.
Mẹ đã
liên lỉ
"nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" đến độ chính Lời Chúa làm chủ
và điều khiển cõi lòng cùng cuộc đời của Mẹ, một tâm trạng và tình trạng
siêu nhiên, có thể nói được Sách Châm Ngôn trong Bài Đọc 1 hôm nay bóng bẩy
diễn tả rằng:
"Lòng vua ở trong tay Chúa, như những dòng nước chảy, Người muốn
hướng nó về đâu tuỳ ý Người". Nhờ đó Mẹ không bao giờ làm theo ý riêng
của mình, bằng không, Mẹ đã đánh mất căn tính "đầy ơn phúc" của Mẹ và nơi
Mẹ, vì Mẹ quá biết rằng, đúng như Sách Châm Ngôn hôm nay nhận định:
"Mọi đường lối của người ta đối với họ là ngay thẳng, nhưng Chúa cân
nhắc tâm can. Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy
lễ".
Mẹ đã sống đúng với tất cả những gì được Thánh Vịnh 118 ở Bài
Đáp Ca hôm nay diễn tả, hay nói đúng hơn, Mẹ là hiện thân và mô phạm của tất
cả những ai sống trọn Thánh Vịnh 118 này, những ai như Mẹ, "lưu giữ và
suy niệm trong lòng" (Luca 2:19,51), nghĩa là luôn biết chuyên chú đến
Thiên Chúa hơn là bản thân, đến Lời Chúa hơn là ý mình, đến mạc khải thần
linh của Chúa hơn là ngẫu tượng nhân tạo của loài người, ở chỗ:
"Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường
lối chỉ thị Ngài" (câu 35a):
1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân
trong luật pháp của Chúa.
2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm
các điều kỳ diệu của Ngài.
3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ
của Ngài.
4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng
vâng theo luật đó.
5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong
đường lối này con sung sướng.
6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn
luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.
Ngày 20 tháng 9
Thánh An-rê Kim Tê-gon, thánh Phao-lô Chung Ha-san và các bạn, tử
đạo
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Nhờ việc
tông đồ của một số giáo dân, đức tin Ki-tô giáo đã đi vào Hàn Quốc
đầu thế kỷ XVII.
Dù thiếu
các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng
đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo
dân, cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người
Pháp bí mật đến xứ này.
Giáo đoàn
này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866 và 1867,
đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu
tiên người Hàn Quốc, cha An-rê Kim Tê-gon. Cha là một mục tử hăng
hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phao-lô Chung
Ha-san.
Còn những
vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có gia đình, người
già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng
cho Chúa Ki-tô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.
1. Đôi
dòng lịch sử
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Andrê Kim và Thánh
Phaolô Chung cùng các bạn tử đạo tại Giáo Hội Đại Hàn.
Phải nói Giáo Hội Đại Hàn đã được bắt đầu như một phép lạ. Nói theo cái
nhìn của Chúa Giêsu thì Giáo Hội đó được bắt đầu như một hạt cải nhỏ bé
nhưng bây giờ nó đã lớn lên, lớn lên mạnh mẽ và oai hùng trước sự kinh
ngạc vả cảm phục của nhiều người.
Nào có ai ngờ được rằng chỉ có một người. Người đó tên là Li Sung Hung.
Người ta gọi Li Sung Hung là một học giả. Li Sung Hung đã đến Bắc Kinh
năm 1784. Li Sung Hung được học đạo và rửa tội tại đây. Sau khi được trở
thành một Kitô hữu, Li Sung Hung thấy mình là người được hạnh phúc. Li
Sung Hung đã không muốn một mình vui hưởng niểm hạnh phúc đó. Li Sung
Hung muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho đồng bào ruột thịt trên quê
hương đất nước của mình. Thế là chỉ với một ít sách báo, tài liệu hiếm
hoi, Li Sung Hung đã lên đường về nước rồi với nhiệt tình nóng bỏng
truyền giáo, Li Sung Hung đã làm cho ngọn lửa Đức tin được bùng cháy
lên.
Việc làm lúc đầu tưởng chừng chỉ là đơn độc và khó lan truyền, thế nhưng
như lời Chúa tiên báo ngọn lửa đó đã bùng cháy lên.
Một Giáo Hội đã được thành hình. Không linh mục, thậm chí không có một
nhà truyền giáo, chỉ có một giáo dân, rồi từ từ lan toả, từ từ lớn lên,
bất chấp mọi trở ngại, bất chấp mọi khó khăn nhất là những hiểu lầm lúc
khởi đầu.
Rồi ngay sau đó, nhờ những nỗ lực của một nhóm học giả Hàn quốc tìm tòi,
nghiên cứu về đức tin công giáo qua các sách vở mà ông Li Sung Hung đã
mang về từ Trung Hoa, những người giáo dân Hàn quốc này bắt đầu dạy giáo
lý cho những người khác và rửa tội cho họ. Mãi tới 11 năm sau (1784-
1795), nhờ sự học hỏi tìn hiểu sâu rộng, nhóm giáo dân công giáo đầu
tiên này mới bắt đầu nhận thấy: họ
cần có một linh mục.
Thế là một đại diện ngoại giao đoàn đã được gửi sang Bắc kinh. Đức giám
mục Bắc kinh đã chấp thuận ngay lập tức. Và vào năm 1795, cha Chumuymô,
vị linh mục thuộc giáo phận Bắc kinh đã chính thức được cử sang Đại hàn
và trở thành nhà truyền giáo đầu tiên tại đây.
Giáo hội Đại Hàn bắt đầu lớn lên và càng ngày càng lớn nhanh, lớn mạnh.
Thế nhưng cũng như bất cứ Giáo hội nào của Chúa, như một định luật
chung, cứ bắt đầu thành hình, lớn lên là bắt đầu chịu nhiều cản trở, cấm
đoán cản ngăn, thậm chí nhiều khi còn đi đến chỗ bị bắt bớ tiêu diệt.
Giáo Hội Đại hàn đã phải trải qua một cơn đại hoạ kéo dài 100 năm như
thế.
Trong khoảng thời gian kéo dài gần 100 năm đó, lịch sử còn ghi lại con
số 103 vị tử đạo. Trong số 103 vị tử đạo này có 92 giáo dân thuộc đủ mọi
giai cấp trong xã hội, 45 người nam và 47 phụ nữ. Nổi bật nhất là vị
linh mục đầu tiên tại đất nước Hàn quốc là Andrê Kim Têgôn và mười nhà
truyền giáo Pháp. Trong số 103 vị tử đạo, 79 vị đã được phong chân phước
năm 1925, họ là nạn nhân của cuộc bách hại đầu
tiên,
và 24 vị được nâng lên hàng chân phước năm 1968, là nạn nhân của cuộc
bách hại sau này.
Cha Chumuymô cũng được phúc tử đạo. Cùng chịu tử đạo với ngài lúc đó, có
khoảng 300 người mới trở lại đạo.
Bên cạnh đó, người ta không thể không nhắc đến ông Phaolô
Chung,
một nhân công trong một xưởng dệt dây thừng, một gương mặt tiêu biểu cho
những người công nhân, đã được rửa tội năm 30 tuổi, và đã hoạt động tích
cực trong việc truyền bá đức tin công giáo bằng cách giấu ẩn các tín hữu
trong vùng khi họ đến nhận lĩnh các bí tích. Ông đã bị bắt vào năm 1839,
bị tống ngục và bị tra tấn dã man. Vì không chịu đựng được những cực
hình, ông đã đồng ý chối đạo, và được trả lại tự do. Tuy nhiên, sau đó
ông hối hận và trở lại nói với chánh án, là ông muốn rút lại lời tuyên
bố chối đạo. Một lần nữa, ông bị bắt giam tù và bị đánh đập. Ông chết vì
các vết thương làm độc, năm ấy ông 41 tuổi.
Năm 1984, Giáo hội công giáo Hàn quốc mừng lễ kỷ niệm 200 năm ngày học
giả trẻ tuổi Li Sung Hung đến Bắc Kinh năm 1784, được rửa tội tại đây,
đoạn trở về quê hương với một số sách đạo và một ánh lửa đức tin, để rồi
sau đó làm bùng cháy ngọn lửa đức tin công giáo tại Hàn quốc.
Ngày 6.5.1984, tại Seoul, Nam Hàn, trong một thánh lễ
phong thánh đầu tiên được
cử hành ngoài Rôma kể từ thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã
nâng 103 vị tử đạo lên bàn thờ và gọi dịp này là ngày vui mừng nhất,
ngày trọng đại nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Hàn quốc.
2. Bài
học đáng nhớ: Vai
trò của những người giáo dân trong công việc mở mang nước Chúa.
Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã nói rất mạnh: "Thời gian mà các tín hữu chỉ
đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt niềm tin ở sự
can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái mình."
Quả thực ngày nay khi nhìn vào Giáo Hội tại Đại Hàn, không ai mà không
nhận thấy các tín hữu của họ đã đóng một vai trò hết sức năng động và
hữu hiệu trong đời sống của Giáo Hội.
Ước gì mỗi người trong giáo xứ chúng ta cũng ý thức được vai trò của
mình trong công việc xâ dựng giáo xứ mình như thế.
Hai ông giáo dân gặp nhau giữa phố chợ. Ông thứ nhất nói:
- Ông có nghĩ rằng chúng ta nên giúp cha xứ một tay không?
Ông thứ hai đáp:
- Tôi cũng thường nghĩ tới chuyện đó, nhưng sao tôi thấy hình như
ngài đã chọn riêng vài người phụ giúp rồi, tôi không muốn chen vào
nhóm đầu não này.
- Ừ, ông sẽ thấy nhóm này luôn quanh quẩn bên cha xứ, cứ như họ
thuộc một hội kín có mật khẩu nào đó.
Một trong những người thuộc nhóm giúp cha xứ, mà hai ông này đang
nói tới, tiến đến góp lời:
- Thực ra cũng có nhóm môn đệ nòng cốt, nếu các ông muốn tham gia,
tôi sẽ tiết lộ mật khẩu cho.
Hai người kia đồng thanh:
- Nào, nói cho chúng tôi nghe đi.
Ông kia đáp:
- Khi cha đến xứ mình, trước hết, ngài cần nhiều đôi tay góp sức.
Ngài đã mời được nhiều người, nhưng chỉ những người biết mật khẩu
mới ở lại giúp ngài. Mật khẩu là: “Xin
Vâng.”
(John C.Hicks)
Bài đọc 2
Anh em và các bạn rất thân mến, trước hết hãy suy nghĩ cho thấu
đáo : từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật
thế nào. Sau đó, hãy suy gẫm xem vì lý do và ý định nào Thiên
Chúa đã dựng nên từng người theo hình ảnh của Chúa và giống như
Người.
Vậy, nếu trong thế giới đầy hiểm nguy và khốn khổ này, chúng ta
không nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, thì có sinh ra và
sống ở trên đời cũng chẳng ích lợi chi. Mặc dù nhờ ơn Thiên Chúa
chúng ta chào đời, cũng nhờ ơn Thiên Chúa chúng ta lãnh nhận bí
tích Thánh Tẩy, được gia nhập Hội Thánh, trở thành môn đệ của
Chúa và mang danh Người, nhưng hữu danh vô thực nào có ích chi ?
Nếu thế, sinh ra trên đời và gia nhập Hội Thánh thật là vô ích ;
hơn thế nữa, đó còn là phản bội Chúa và cưỡng lại ơn Người. Thà
không sinh ra còn hơn là lãnh nhận ơn Chúa mà xúc phạm đến
Người.
Hãy xem người nông dân lo công việc đồng áng thế nào : người ấy
cày bừa đúng thời vụ, rồi bỏ phân và gieo hạt giống quý báu,
không quản ngại lao nhọc nắng nôi. Đến mùa gặt, nếu thấy những
bông lúa nặng trĩu, ông ta quên cả mồ hôi và nỗi vất vả, lòng
hân hoan vui sướng, hạnh phúc tràn trề. Còn nếu thấy những bông
lúa lép xẹp nếu chỉ thu được rơm rạ và những hạt lúa lép, người
nông dân lại nhớ đến mồ hôi và nỗi lao nhọc vất vả, và trước đã
chăm sóc thửa ruộng đó bao nhiêu thì nay lại càng bỏ hoang nó
bấy nhiêu.
Tương tự như thế, Thiên Chúa nhận mặt đất làm thửa ruộng của
Người, nhận chúng ta là những con người làm thóc giống, ban ân
sủng làm phân bón. Người còn lấy máu mình mà tưới trên chúng ta
nhờ việc nhập thể và cứu chuộc, để chúng ta có thể lớn lên và
trở thành bông lúa chín vàng. Đến ngày phán xét là lúc thu
hoạch, người nào nhờ ân sủng mà thành bông lúa chín, sẽ được
hưởng Nước Trời với tư cách nghĩa tử của Thiên Chúa. Còn ai
không thành bông lúa chín, sẽ trở nên kẻ thù của Thiên Chúa, dù
trước đó chính họ đã từng là nghĩa tử của Người, và sẽ bị trừng
phạt đời đời theo tội trạng của họ.
Anh em rất thân mến, anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta là Đức
Giê-su, khi xuống thế gian đã chịu muôn vàn đau khổ, đã lấy cuộc
Thương Khó của mình mà thiết lập Hội Thánh và lấy cuộc Thương
Khó của các tín hữu mà làm cho Hội Thánh được lớn lên. Quyền lực
thế gian mặc sức đàn áp và chống đối, cũng đã chẳng bao giờ
thắng được Hội Thánh. Sau khi Chúa lên trời, kể từ thời các Tông
Đồ cho đến nay, Hội Thánh đã lớn lên ở khắp nơi giữa những gian
truân.
Còn nay, suốt năm, sáu mươi năm trở lại đây, kể từ lúc Hội Thánh
có mặt trên đất Triều Tiên của chúng ta, các tín hữu cũng đã
nhiều lần bị bách hại. Ngay cả ngày nay, cuộc bách hại cũng còn
đang khốc liệt, đến nỗi nhiều người bạn chia sẻ cùng một niềm
tin, trong đó có tôi, đang chịu cảnh ngục tù, cũng như chính anh
em đang sống giữa cảnh gian truân. Chúng ta đã làm nên một thân
thể như thế, làm sao lòng chúng ta lại chẳng buồn, làm sao chúng
ta không cảm thấy nỗi buồn chia ly theo tình cảm con người ?
Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, ngay cả sợi tóc nhỏ nhất trên
đầu, Thiên Chúa cũng quan tâm, và quan tâm bằng sự thông suốt vô
cùng của Người. Vậy, sao lại coi một cuộc bách hại lớn như thế
là cái gì khác chứ không phải là mệnh lệnh của Thiên Chúa, hoặc
là phần thưởng hay thậm chí là hình phạt của Người ?
Vậy, chúng ta hãy tuân theo ý Thiên Chúa, anh em hãy hết lòng
chiến đấu cho thủ lãnh trên trời là Đức Giê-su, và đánh bại ma
quỷ của thế gian này là kẻ đã từng bị Đức Ki-tô đánh bại.
Tôi xin anh em : đừng sao lãng tình bác ái huynh đệ, nhưng hãy
giúp đỡ lẫn nhau, hãy kiên trì cho tới khi Thiên Chúa thương xót
mà cất nỗi gian truân khỏi chúng ta.
Chúng tôi ở đây gồm hai mươi người và nhờ ơn Chúa chúng tôi vẫn
còn khoẻ mạnh. Sau này nếu có ai chịu tử hình, tôi xin anh em
đừng lơ là gia đình của người đó. Tôi còn nhiều điều phải nói
nữa, nhưng làm sao có thể diễn tả hết bằng giấy trắng mực đen ?
Đến đây tôi xin ngừng bút. Vì chúng tôi sắp bước vào cuộc chiến
đấu, tôi xin anh em luôn sống trung thành để cuối cùng chúng ta
được hưởng niềm vui với nhau trên trời. Trong tình yêu thương,
tôi xin hôn chào anh em.
Lời nguyện
Lạy Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ muôn dân, Chúa đã mời gọi
dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin Công Giáo để gia nhập cộng
đoàn dân Chúa chọn, Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng
nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh
An-rê Kim, Phao-lô Chung cùng các bạn, tử đạo. Xin nhậm lời cầu
nguyện của các ngài mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài
để lại, là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm
mắt lìa đời. Chúng con cầu xin
Thứ Tư
Ngày 21 tháng 9
Lễ Thánh
Matthêu, Tông Ðồ
Lễ Kính
Sở dĩ trong hình Thánh Mathêu trên đây có cả hình con sư tử, là vì Phúc
Âm của ngài là 1 trong 4 Phúc Âm,được vì trong thị kiến của Sách Khải
Huyền 4:6-7 và Ezekien 1:10, là 1 trong 4 Con Vật "đầy mắt" (thần linh
khôn ngoan):
Cuốn phúc âm đầu tiên ấy được ví như con sư tử, phúc âm thứ 2 của Thánh
Marco được ví như con bò tơ, phúc âm thứ 3 của Thánh Luca được vì như
Con Vật có mặt con người, và phúc âm thứ 4 của Thánh Gioan như phượng
hoàng,
Bài Ðọc I: Ep
4, 1-7. 11-13
"Chu toàn chức vụ, xây dựng
thân thể Chúa Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân
trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em
đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu
đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an
hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng
như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa,
một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người,
Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi
người.
Nhưng mỗi người trong chúng ta đã
được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho
kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng,
kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn
bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi
người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên
Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Ðức Kitô viên mãn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18,
2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang
cùng trái đất (c. 5a).
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật
vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này
nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng không
phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã
vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca
ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa,
ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9,
9-13
"Hãy theo Ta". - Và ông ấy đứng
dậy đi theo Người.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua,
thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông:
"Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi
dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng
bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy
vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn
uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?" Nghe vậy, Chúa Giêsu
bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau
yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ,
chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng
kêu gọi người tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.
Dẫn Nhập
(Đaminh Maria cao tấn tĩnh:)
Mỗi vị thánh đều
phản ánh 1 tia sáng nào đó từ Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian"
(Gioan 8:12), một "Ánh Sáng đã chiếu trong tăm tối..." (Gioan 1:5) là
thế gian tội lỗi này, khi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và
"ánh sáng thật đã chiếu soi mọi người đã đến trong
thế gian này" (Gioan 1:9) vẫn còn tiếp tục
phản chiếu nơi thành phần môn đệ của Chúa Kitô:
"Các con là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14).
Trong số các thánh,
quan trọng nhất phải kể đến các Thánh Tông Đồ, được Giáo Hội cử
hành từng vị ở bậc Lễ Kính (feast, có kinh vinh danh và phụng vụ Lời
Chúa hợp với chung các vị hay từng vị), vì các tông đồ được Chúa Kitô
tuyển chọn để làm chứng nhân tiên khởi của Người, và làm nền tảng của
Giáo Hội Người thiết lập (Epheso 2:20). Đức tin
của Kitô hữu hậu sinh chúng ta là đức tin tông truyền từ các tông đồ,
những người môn đệ tiên khởi của Chúa Kitô, được sống cận kề với Người
từ đầu đến cuối, nhờ đó các vị mới tận mắt thấy, tận tai nghe và chính
tay được đụng chạm đến Người (xem 1Gioan 1:1-3).
Trong số các Thánh
Tông Đồ, thì chỉ có 2 vị được tặng thêm danh hiệu Thánh Sử
thôi, đó là 2 vị thánh viết 2 cuốn Phúc Âm: Thánh Mathêu và Thánh Gioan,
còn Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Thánh Giuđa (không phải Giuđa phản
bội) chỉ viết các thư còn lưu lại trong sổ bộ Tân Ước, cũng không được
tước hiệu Thánh Sử. Thánh Mathêu viết Phúc Âm bằng
tiếng Do Thái (Hebrew) và viết cho dân Do Thái, (trong khi Thánh
Gioan viết cho Giáo Hội và Thánh Luca cho Dân ngoại, bởi đó gia
phải về Chúa Giêsu được Thánh Luca liệt kê về tới tận 2 nguyên tổ của
chung loài người), nên
Thánh Mathêu liệt
kê Gia Phả về Chúa Giêsu từ Abraham trở xuống, và hay
trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước để chứng thực Chúa Kitô chính là Thiên Sai
của dân Do Thái.
Thánh Mathêu có khuynh hướng tổng hợp, nên chúng ta thấy trong Phúc Âm
của ngài có
Bài Giảng
Trên Núi (đoạn 5-7), Bảy Dụ Ngôn Nước Trời (đoạn 13), Khiển Trách biệt
phái và luật sĩ (đoạn 23), Tận Thế (đoạn 24-25)
v.v.
ĐTC
Biển Đức XVI: Thứ Tư 30/8/2006 - Bài 17
Anh Chị Em thân mến:
Để tiếp tục loạt chân dung về 12 Tông Đồ, loạt chân dung được bắt đầu
một ít tuần trước đây, hôm nay chúng ta suy niệm về Thánh Mathêu.
Phải chân nhận rằng hầu như không thể mô tả trọn vẹn hình ảnh của ngài,
vì tín liệu về ngài hiếm có và không đầy đủ. Những gì chúng ta có thể
làm đó là mô tả không nhiều lắm về tiểu sử của ngài nhưng những gì được
Phúc Âm cống hiến cho chúng ta.
Ngài bao giờ cũng có tên trong danh sách 12 vị được Chúa Giêsu tuyển
chọn (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13). Tên của ngài, theo tiếng
Do Thái, có nghĩa là ‘tặng ân của Chúa’. Cuốn Phúc Âm đầu tiên trong sổ
bộ thánh kinh là cuốn phúc âm mang tên của ngài, cho chúng ta thấy trong
danh sách 12 Vị ngài có một tính chất rất đặc biệt, đó là ‘viên thu thế’
(Mt 10:3).
Đó là lý do ngài được đồng hóa với con người ngồi ở phòng thuế, kẻ được
Chúa Giêsu kêu gọi theo Người. ‘Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó Người
thấy một người tên là Mathêu đang ngồi ở phòng thuế, và Người nói cùng
anh rằng: ‘Hãy theo Tôi’. Và ngài đã chỗi dạy theo Người’ (Mt 9:9).
Thánh Marcô (x 2:13-17) và Luca (x 5:27-30) trình thuật lời kêu gọi con
người ngồi ở phòng thuế, nhưng các vị gọi ngài là ‘Levi’. Việc tưởng
tượng ra cảnh được diễn tả trong Phúc Âm Thánh Mathêu 9:9 cũng đủ để nhớ
đến bức họa vĩ đại của Carabaggio, được giữ ở Rôma đây, nơi Thánh Đường
Thánh Louis của Pháp.
Một chi tiết mới về thân thế của ngài được các Phúc Âm nhắc tới, đó là,
trong đoạn Phúc Âm, trước trình về về lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài, có
nói tới chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capernaum (x Mt 9:1-8;
Mk 2:1-12), liên quan tới Hồ Tibêria, gần Biển Galilêa (x. Mk 2:13-14).
Người ta có thể suy diễn là Thánh Mathêu đã thực hiện nhiệm vụ của một
viên thu thuế ở Capernaum, ở ngay ‘bên biển’ (Mt 4:13), nơi Chúa Giêsu
là một vị khách thường xuyên của gia đình Thánh Phêrô.
Căn cứ vào những nhận định sơ sài từ Phúc Âm này, chúng ta có thể thực
hiện một số chia sẻ như sau. Trước hết là Chúa Giêsu đã đón nhận trong
nhóm bạn hữu thân thiết của mình một con người, theo quan niệm ở Do Thái
thời ấy, được coi là một tội nhân công khai.
Thật ra Mathêu chẳng những là nhân viên quản trị về tiền bạc, một việc
được coi là không tinh sạch vì nó xuất phát từ con người xa lạ với thành
phần dân Chúa, mà còn hợp tác với thẩm quyền ngoại bang, tham lam bẩn
thỉu, có thể ấn định việc cống nộp một cách tùy tiện.
Vì những lý do đó, có vài lần các Phúc Âm đã đề cập chung ‘thành phần
thu thuế và tội lỗi’ (Mt 9:10; Lk 15:1), ‘thành phần thu thuế và gái
điếm’ (Mt 21:31). Ngoài ra, các Phúc Âm còn thấy nơi thành phần thu thuế
một mẫu gương tham lam nữa (x Mt 5:46: họ chỉ yêu thương những ai thương
yêu họ) và đã đề cập đến một người trong họ là Gia Kêu, như ‘người
trưởng ban thu thuế, và giầu có’ (Lk 18:11).
Căn cứ vào những chi tiết ấy vấn đề cần phải chú ý là Chúa Giêsu không
loại trừ một ai ra khỏi tình thân hữu của Người. Hơn thế nữa, chính lúc
Người ngồi ở bàn ăn trong nhà viên Thu Thuế Mathêu, trả lời những ai cảm
thấy ngứa mắt trước sự kiện qui tụ thường xuyên song bất xứng của Người,
Người đã tuyên bố điều quan trọng này là ‘Những ai khỏe mạnh thì không
cần đến thày thuốc, chỉ có những ai yếu bệnh mới cần; Tôi đến không phải
để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân’ (Mk 2:17).
Lời loan báo tốt đẹp này của Phúc Âm thực sự là ở chỗ đó, ở chỗ Thiên
Chúa cống hiến ân sủng của Ngài cho thành phần tội nhân! Ở một đoàn
khác, bằng một dụ ngôn nổi tiếng về người Pharisiêu và người thu thuế
cùng lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu thậm chí cho thấy một người thu
thuế vô danh nêu gương khiêm nhượng tin tưởng vào tình thương thần linh:
Trong khi người Pharisiêu ngạo nghễ về tình trạng trọn lành luân lý của
mình, thì ‘người thu thuế, đứng ở đằng xa, không dám ngước mắt lên trời,
chỉ biết đấm ngực mà rằng: Lạy Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’
Và Chúa Giêsu nhận định rằng: ‘Thày cho các con biết người này về nhà
được công chính chứ không phải người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ
xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’ (Lk 18:13-14).
Bởi thế, qua hình ảnh Mathêu, các Phúc Âm cho chúng ta thấy một cái
ngược đời thực sự, đó là ai có vẻ xa vời nhất với thánh đức lại có thể
trở thành một mô phạm trong việc chấp nhận lòng thương xót Chúa, giúp họ
có thể thoáng thấy được những hiệu năng của lòng xót thương này nơi cuộc
sống của họ.
Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostom đã có một nhận định đáng kể. Ngài
nhận định rằng nơi trình thuật về ơn gọi thì chỉ có một vài người được
kêu gọi là có liên quan tới công việc họ đang hành sự. Phêrô, Anrê,
Giacôbê và Gioan đã được kêu gọi khi các vị đang đánh cá; Mathêu được
kêu gọi khi anh đang thu thuế.
Chúng là những công việc có tầm vóc không quan trọng là bao, Thánh
Chrysostom nhận định: ‘không còn gì đáng ghê tởm hơn là viên thu thuế và
không gì tầm thường hơn là việc đánh cá’ ("In Matth. Hom":
PL 57, 363).
Bởi thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu cũng vươn tới cả thành phần ở tầm
cấp thấp kém, thành phần làm những việc tầm thường của mình.
Một ý tưởng khác cũng xuất phát từ trình thuật Phúc Âm, đó là việc
Mathêu tức khắc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ‘Ông đã đứng lên đi
theo Người’. Lời vắn gọn của câu này nhấn mạnh đến tính cách tức khắc
nơi việc Mathêu đáp lại lời kêu gọi.
Đối với ông thì điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi sự, nhất là một nguồn
lợi tức vững chắc, mặc dù thường bất chính và bất xứng. Hiển nhiên là
Mathêu hiểu rằng mối thân tình với Chúa Giêsu không cho phép anh tiếp
tục những hoạt động không đẹp lòng Chúa.
Người ta có thể dễ dàng trực giác thấy rằng vấn đề này cũng có thể được
áp dụng cho hiện nay nữa, ở chỗ, ngày nay người ta cũng không thể chấp
nhận việc gắn bó với những gì bất xứng hợp với việc theo Chúa Giêsu, như
những thứ giầu sang gian dối. Có lần Người đã công khai phán rằng: ‘Nếu
anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán những gì mình có mà cho kẻ khó để
có được nước trời; rồi hãy đến mà theo Tôi’ (Mt 19:21).
Đó chính là những gì Mathêu đã làm: Anh đã chỗi dậy đi theo Người! Nơi
việc ‘đứng dậïy’ này người ta có thể thấy được việc ly thoát với tình
trạng tội lỗi, đồng thời, thấy được cả việc ý thức gắn bó với một sự
sống mới, chính trực, hiệp thông với Chúa Giêsu.
Sau hết, chúng ta nhớ lại rằng truyền thống của Giáo Hội sơ khai đồng ý
với việc gán tác giả quyền của cuốn Phúc Âm thứ nhất cho Mathêu. Việc
này được bắt đầu với Papias, vị giám mục của Gerapolis ở Phrygia, vào
khoảng năm 130.
Vị giám mục này viết rằng: ‘Mathêu đã viết những lời của Chúa Giêsu bằng
tiếng Do Thái, và mỗi người giải thích những lời ấy tuỳ họ có thể’ (in
Eusebius of Caesarea, "Hist. eccl.", III, 39, 16). Sử gia Eusebius còn
thêm chi tiết là: ‘Mathêu, vị trước đó đã giảng dạy cho người Do Thái,
khi quyết định đi đến với cả các dân tộc khác nữa, thì đã viết bằng
tiếng mẹ đẻ của mình Phúc Âm ngài đã loan truyền: Nhờ đó ngài đã thay
thế, bằng bản viết của mình, những gì họ, thành phần ngài lìa bỏ, bị mất
mát đi bởi việc ra đi của ngài’ (Ibid., III, 24, 6).
Chúng ta không còn bản Phúc Âm được Thánh Mathêu viết bằng tiếng Do Thái
hay Aramaic, mà là bản Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp là bản được lưu lại cho
tới chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục nghe, ở một nghĩa nào đó, tiếng nói
thuyết phục của người thu thuế Mathêu, vị mà khi trở thành tông đồ đã
tiếp tục loan truyền cho chúng ta tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp này của Thánh Mathêu, chúng ta hãy suy
niệm sứ điệp ấy luôn mãi để chúng ta có thể cương quyết dứt khoát chỗi
dạy theo Chúa Giêsu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ
biến ngày 30/8/2006
Bài đọc 2
Đức Giê-su đã nhìn thấy ông, yêu thương và tuyển chọn ông
Trích bài giảng của thánh Bê-đa Khả Kính, linh mục.
Đức
Giê-su thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở bàn thu thuế. Người bảo
ông : Anh hãy theo tôi. Người thấy
không phải với con mắt thể xác, cho bằng với cái nhìn đầy tình thương sâu
xa. Đức Giê-su thấy người thu thuế ; Người nhìn ông với tình thương và có ý
chọn ông, nên bảo ông : Anh hãy theo tôi !
Nhưng hãy theo có nghĩa là hãy bắt
chước, không phải chỉ theo bằng bước chân mà nhất là bằng cách ăn thói ở.
Quả thật, ai nói mình ở lại trong Đức
Ki-tô thì phải đi trên con đường Người đã đi.
Và
ông đứng dậy đi theo Người. Chẳng có gì lạ khi thoạt nghe tiếng Chúa truyền,
người thu thuế từ bỏ ngay những lợi lộc trần gian ông đang quản lý, và một
khi đã coi thường sự giàu sang, ông dấn thân bước theo Đấng mà ông thấy
chẳng có chút của cải nào. Thật vậy, chính Chúa, Đấng bên ngoài dùng lời nói
để gọi ông, thì bên trong dùng sự thúc đẩy vô hình mà dạy ông bước theo
Người, vì Người tuôn đổ vào lòng trí ông ánh sáng của ơn thiêng khiến ông
hiểu được rằng Đấng kêu gọi ông từ bỏ của cải tạm bợ trên trần gian, cũng có
quyền ban kho tàng chẳng hư nát trên trời.
Đức Giê-su đang dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi
đến cùng ăn với Người và các môn đệ. Như thế,
một người thu thuế trở lại đã nêu gương cho nhiều người thu thuế và tội lỗi
biết sám hối và được ơn tha tội. Đây thật là một điềm tốt : vì thoạt khi vừa
trở lại, người sau này sẽ trở thành tông đồ và thầy dạy đức tin đã kéo theo
mình một đoàn tội nhân đến lãnh ơn cứu độ, và ngay khi đức tin của ông còn
phôi thai, ông đã bắt đầu làm công việc loan báo Tin Mừng, công việc mà sau
này ông sẽ hoàn thành mỹ mãn, khi đã tiến bộ trên đường nhân đức. Nếu chúng
ta muốn tìm hiểu sâu xa hơn câu chuyện trên đây, thì nên biết rằng không
phải Mát-thêu chỉ thết Chúa một bữa tiệc vật chất trong ngôi nhà của ông ở
trần gian, mà còn dọn cho Người một bữa tiệc trong ngôi nhà tâm hồn ông với
tất cả niềm tin yêu, điều đó còn quý hơn nhiều, bởi chính Chúa đã phán : Này
đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà
người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.
Chúng ta nghe tiếng Người và mở cửa ra đón Người, khi chúng ta sẵn sàng vâng
theo những lời khuyên nhủ kín đáo hay rõ ràng của Người, và ra sức chu toàn
những điều ta biết mình phải thi hành. Người vào nhà để Người cùng với chúng
ta và chúng ta cùng với Người ăn bữa tối, vì Người ngự trong tâm hồn những
kẻ được tuyển chọn, nhờ hồng ân tình yêu của Người. Nhờ đó, Người luôn nuôi
dưỡng họ bằng sự hiện diện quang minh của Người, để họ ngày càng vươn tới
những ước vọng cao siêu và để chính Người được thưởng thức những khát vọng
cao cả của họ như một thứ cao lương mỹ vị.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là
Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhậm lời thánh nhân cầu
thay nguyện giúp mà cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình
gắn bó với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp
nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn của đại diện các tạp chí trên thế giới
của Dòng Tên Cuộc
phỏng vấn dài này kéo dài 3 buổi khác nhau, tại chính phòng trọ của ngài ở
Casa Santa Marta trong Tháng 8/2013.
Jorge Mario Bergoglio là ai?
Tôi hỏi thẳng Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: "Jorge Mario Bergoglio là ai?"
Ngài chăm chăm nhìn vào tôi một cách trầm lặng. Tôi hỏi ngài xem tôi có được
hỏi ngài câu này hay chăng. Ngài gật đầu và trả lời rằng: "Tôi không biết
phải diễn tả làm sao cho thích đáng nhất đây... Tôi
là một tội nhân.
Đó là một định nghĩa chính xác nhất.
Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương. Tôi là một tội
nhân".
Đức Giáo Hoàng tiếp tục chia sẻ và tỏ ra tập trung vào vấn đề như thể ngài
không ngờ về một câu hỏi như thế, như thể ngài bị bắt buộc phải chia sẻ
thêm. "Đúng thế, có lẽ tôi có thể nói rằng tôi hơi khéo léo một chút, rằng
tôi có thể thích ứng với các hoàn cảnh mà nói, thế nhưng tôi cũng thật sự là
hơi ngây ngô thẳng thắn. Phải đấy, thế nhưng cái tóm gọn đúng nhất, cái xuất
phát từ trong lòng và tôi cảm thấy đúng nhất là thế này: Tôi là một tội nhân
được Chúa đoái thương". Và ngài lập lại rằng: "Tôi
là một kẻ được Chúa đoái thương.
Tôi luôn cảm thức được câu tâm niệm của mình, Miserando atque Eligendo (vì
thương mà chọn) là những gì rất đúng với tôi".
Câu tâm niệm này được lấy từ các Bài Giảng của tác giả Bede the Venerable,
vị viết trong phần dẫn giải của mình về câu truyện Phúc Âm liên quan đến
việc Thánh Mathêu được Chúa Giêsu kêu gọi: "Chúa Giêsu đã trông thấy một
người thu thuế, và vì Người nhìn anh ta bằng những cảm xúc yêu thương nên đã
chọn anh ta, Người đã nói cùng anh ta rằng: 'Hãy theo Ta'". Đức Giáo Hoàng
còn thêm: "Tôi nghĩ động danh từ Latinh miserando này không thể dịch sang cả
tiếng Ý lẫn tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch nó bằng một động danh từ
(gerund) khác vốn không có, đó là misericordiando ('mercy-ing' - việc thương
xót)".
Đức Giáo Hoàng tiếp tục chia sẻ mà nói, khi nhẩy qua một đề tài khác: "Tôi
không biết rõ về Rôma. Tôi biết một ít điều thôi. Những điều này bao gồm Đền
Thờ Đức Bà Cả; tôi thường đến đó. Tôi biết Đền Thờ Đức Bà Cả, Đền Thờ Thánh
Phêrô... thế nhưng khi tôi cần phải đến Rôma thì tôi bao giờ cũng ở (vùng
lân cận) của Via della Scrofa. Từ đó, tôi thường viếng thăm Nhà Thờ Thánh
Louis Pháp Quốc và tôi đến đó để chiêm ngưỡng bức họa liên quan đến 'Ơn Gọi
của Thánh Mathêu' của Caravaggio.
"Ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Thánh Mathêu. Tức là tôi. Tôi cảm thấy như
ngài". Đến đây Đức Giáo Hoàng trở nên quyết liệt, như thể ngài cuối cùng đã
thấy được hình ảnh ngài đã tìm kiếm: "Chính
cử chỉ của Thánh Mathêu đã tác động tôi: Ngài
giữ lấy tiền của ngài như muốn nói rằng 'Không, không phải là tôi! Không,
tiền bạc này là của tôi'. Đấy,
tôi đó, một tội nhân đã được Chúa hướng nhìn tới. Và
đó là những gì tôi đã nói khi các vị hỏi tôi rằng tôi có chấp nhận được
tuyển bầu làm giáo hoàng hay chăng". Bấy giờ vị giáo hoàng này đã thầm thĩ
bằng tiếng Latinh rằng: "Tôi
là một tội nhân, nhưng tôi tin vào tình thương vô biên và nhẫn nại của Đức
Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, và tôi chấp nhận bằng tinh thần thống hối".
Thứ Tư
(Nếu
ngày này trong tuần không bị trùng với và bị át đi bởi Lễ Kính Thánh Mathêu
tông đồ như năm 2022)
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc
I: (Năm
II) Cn
30, 5-9
"Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng
để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ".
Trích sách Châm Ngôn.
Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong
lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời
Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều
này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá
và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ
ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa
rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa
của con.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 29.
72. 89. 101. 104. 163
Ðáp: Lời Chúa là
đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).
Xướng: 1) Xin đưa con xa cách con
đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. - Ðáp.
2) Ðối với con, luật pháp do miệng
Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp
kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.
4) Con kiềm hãm con xa mọi điều gian
ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài. - Ðáp.
5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh
mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà. - Ðáp.
6) Con ghét và ghê tởm điều gian dối,
con yêu chuộng luật pháp của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa
Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 1-6
"Người sai các ông đi rao giảng
nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông
đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa
lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và
chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang
gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào
nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón
các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm
chứng tố cáo họ". Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng,
và chữa lành bệnh tật khắp nơi.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Cảm Nghiệm
Thiên Chúa muốn tỏ mình ra qua con
người, dù họ là ...
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên, không
tiếp nối bài Phúc Âm hôm qua, mà bỏ qua hết 34 câu còn lại của đoạn 8
Phúc Âm Thánh ký Luca, một khúc phúc âm bao gồm 3 sự kiện chính yếu
sau đây:
1- Chúa Giêsu dẹp yên bão tố khi được các môn đệ đánh
thức lúc Người ngủ trên thuyền (câu 22-25),
một sự kiện đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Ba Tuần
XIII Thường Niên;
2- Người ra tay trừ quỉ cho một
người trần truồng ở Gerasene (câu 26-39), một
sự kiện cũng đã được
Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Tư Tuần
XIII Thường Niên; và
3- Người chữa
lành người đàn bà loạn huyết 12 năm và hồi sinh đứa con gái của vị
trưởng hội đường (40-56), một sự kiện cũng đã được
Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên.
Bài Phúc Âm hôm
nay bao gồm 6 câu đầu của đoạn 9 Phúc Âm Thánh Luca, liên quan đến biến
cố Chúa Giêsu sai 12 tông đồ "đi
rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân", một
biến cố cũng đã được Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại cho Thứ
Năm Tuần XIV Thường Niên.
Tuy nhiên, nếu bài
Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên liên
quan đến bài đọc 1 được trích từ Sách Khởi Nguyên
(44:18-21,23-29;45:1-5): Phụng
Vụ Lời Chúa - Tuần XIV Thường Niên, thì bài
Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay liên quan đến
Sách Esdra
/ Ezra.
Nguyên văn nội
dung của bài Phúc Âm hôm nay như thế này: "Khi
ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và
quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người
sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người
bảo các ông rằng: 'Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và
bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở
lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì
khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố
cáo họ'. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và
chữa lành bệnh tật khắp nơi".
Chỉ có
trong Phúc Âm Thánh Luca mới có hai lần Chúa Kitô sai đi: lần đầu Người
sai 12 tông đồ như trong bài Phúc Âm hôm nay (9:1-6) và lần hai Người
sai 72 môn đệ (xem Luca 10:1-20). Nếu để ý chúng ta thấy hai thành phần
được Người sai đi rất khác nhau ít là ở mấy điểm chính yếu sau đây: 1-
trong khi 72 môn đệ được sai đi cứ từng cặp 2 người một, (phải chăng đó
là lý do chúng ta mới thấy 2 môn đề đi về làng Emmau với nhau được Thánh
ký Luca thuật lại - 24:13-35), còn 12 tông đồ thì không cần; 2- trong
khi các tông đồ được Chúa Giêsu ban cho quyền trừ quỉ và chữa lành thì
72 môn đệ lại không được Người chính thức ban cho quyền này khi các vị
được sai đi như các tông đồ.
Về quyền trừ quỉ (liên quan đến phần hồn) và chữa lành (liên quan đến
phần xác) là những gì xuất phát từ Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô, Đấng cứu độ
con người cả hồn lẫn xác, bằng cuộc Vượt Qua sự chết mà vào sự sống của
Người, hoàn toàn chiến thắng tội lỗi (do ma quỉ) và sự chết (do tội lỗi
của loài người). Ơn Cứu Độ cả hồn lẫn xác của con người này được Chúa
Kitô thông ban cho Giáo Hội của Người để Giáo Hội thay Người ban phát
cho các linh hồn qua các Bí Tích Thánh, và quyền ban phát các Bí Tích
Thánh cũng là thông ban Ơn Cứu Độ này của Chúa Kitô chỉ ở nơi các tông
đồ cùng các vị thừa kế của các ngài là hàng giáo phẩm của Giáo Hội trên
khắp thế giới qua giòng thời gian.
Tuy có quyền trừ quỉ đấy nhưng nếu bản thân của chính các vị tông đồ
không thánh thiện thì các ngài cũng chẳng trừ được quỉ, như đã từng xẩy
ra (xem Marco 9:18-19,28-29). Đúng thế, nếu các tông đồ còn ham mê thế
gian trần tục vốn thuộc về vương quốc của ma quỉ, hay còn ham danh tranh
giành nhau theo tinh thần kiêu căng tự phụ của ma quỉ, thì các ngài
thuộc về ma quỉ và là tay sai của ma quỉ thì làm sao các ngài có thể trừ
được chính ma quỉ là chủ tể của các ngài chứ. Đó là lý do, trong Bài
Phúc Âm hôm nay, vì việc truyền giáo là việc của Thiên Chúa nên những ai
được sai đi truyền giáo phải hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, hơn là vào
những cái phụ thuộc vật chất và quá quan tâm đến những gì thứ yếu hơn
những cái chính yếu là Nước Chúa.
Đúng thế, những ai được sai đi truyền giáo phải hoàn toàn tin tưởng vào
Ngài, hơn là vào những cái phụ thuộc vật chất và quá quan tâm đến những
gì thứ yếu hơn những cái chính yếu là Nước Chúa, nghĩa là hãy để Chúa
làm chủ bản thân mình và hoạt động của mình, nhất là các hoạt động thuộc
sứ vụ truyền giáo do chính Người chỉ định họ và sai họ đi thực hiện, như
Sách Châm Ngôn trong Bài Đọc 1 hôm nay cảm nhận:
"Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương
tựa vào Người", Đấng quan phòng thần linh chắc chắn sẽ đích thân
chẳng những lo việc truyền giáo của Ngài, mà còn lo cho cả chính thành
phần thừa tác viên của Ngài nữa, chứ không để "con ăn mày và cũng
đừng để con giàu có".
Và một khi
"Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con"
nơi bản thân và hoạt động của thành phần thừa sai truyền giáo, như Câu
Họa của Bài Đáp Ca hôm nay chân nhận vừa rồi, thì tâm tình và nguyện ước
của họ không thể không phản ảnh nội dung của Thánh Vịnh 118, với những
câu được Giáo Hội sử dụng thích hợp cho Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban
luật pháp của Ngài cho con.
2) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc
châu báu muôn ngàn.
3) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như
cõi trời cao.
4) Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn
dạy của Ngài.
5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi
đường lối gian tà.
6) Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của
Ngài.
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc
I: (Năm
II) Gv
1, 2-11
"Chẳng có chi mới lạ dưới mặt
trời".
Trích sách Giảng Viên.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi
phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân. Ích lợi gì cho
con người làm lụng vất vả dưới mặt trời? Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác
lại đến: nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời. Mặt trời mọc lên rồi lại lặn
xuống, trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên. Gió thổi về hướng nam, rồi quay về
hướng bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ.
Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển
không đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi.
Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và
không ai có thể cắt nghĩa tại sao. Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe
hoài cũng không thoả.
Sự đã qua là gì? Chính nó là sự sẽ có.
Sự đã xảy ra là gì? Chính nó là sự sẽ xảy ra. Chẳng có chi mới lạ dưới mặt
trời, cũng chẳng ai nói được rằng: "Ðây cái này mới". Vì nó đã có từ lâu đời
trước chúng ta. Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu
sau này; cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 3-4.
5-6. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Thân lạy
Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên
nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa
khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
- Ðáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ
màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt,
buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày
giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ
còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ
ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin
cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay
chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c
và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin
dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của
Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 7-9
"Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi,
ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết
tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông
Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra";
kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì
nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm
những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Cảm Nghiệm
Con Cáo Hêrôđê
Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên Giáo Hội đã chọn đọc bài
Phúc Âm của Thánh ký Mathêu có
nội dung về biến cố Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị chém đầu với
lời mở đầu của quận vương Hêrôđê liên quan đến danh tiếng của Chúa
Giêsu: Phụng
Vụ Lời Chúa - Tuần XVII Thường Niên. Hôm
nay, Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh
ký Luca cũng lập lại lời của vị quận vương này về
danh tiếng của Chúa Giêsu liên quan đến cái chết của Tiền Hô Gioan Tẩy
Giả.
Tuy nhiên, trong khi Phúc Âm Thánh Mathêu bao gồm cả tiến
trình xẩy ra việc lấy thủ cấp của vị thánh này và chỉ nói vỏn vẻn đến
cảm nhận của quận vương Hêrôđê,
thì Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay lại không
thuật lại tất cả diễn tiến xẩy ra biến cố ấy, nhưng bao gồm cả các cảm
nhận khác cùng với cảm nhận của
chính quận
vương Hêrôđê về Chúa Giêsu:
"Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã
làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: 'Ông Gioan đã từ cõi chết sống
lại'; còn kẻ khác lại nói: 'Ông Êlia đã hiện ra'; kẻ khác nữa nói rằng:
'Một tiên tri thời xưa đã sống lại'. Nhưng Hêrôđê thì nói: 'Ông Gioan
trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như
thế?' và vua tìm cách gặp Người".
Trước hết, chúng ta
thấy rằng, nhờ
Phúc Âm của Thánh ký Luca chúng ta có thể suy ra là cảm nhận của quận
vương Hêrôđe trong bài Phúc Âm của Thánh
ký Mathêu có
thể đã bị ảnh hưởng bởi cảm nhận của một
vị quần
thần nào đó của
vua: "vì
có kẻ nói rằng: 'Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại'",
và vua chỉ lập lại cảm nhận ấy như là cảm nhận của vua về Chúa Giêsu
thôi: "Thời
ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ
hầu cận rằng: Đó
chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có
quyền năng làm phép lạ" (14:2)
Qua cảm nhận này của quận
vương Hêrôđê, người ta có cảm tưởng là vị quận vương này vừa đánh trống
vừa ăn cướp, đúng là một "con cáo" (Luca 13:32) muốn "tìm giết"
cả Người nữa, như Người đã được một số người biệt phái mật báo cho biết
sau này (xem Luca 13:31). Còn trong bài
Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, ông ta lại có vẻ khách quan
hơn, thiện chí hơn và tỏ
ra thân
thiện hơn với Chúa Giêsu: "Khi
ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì
phân vân... 'Ông
Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những
điều như thế?' và vua tìm cách gặp Người".
Ở đây, trong bài Phúc Âm của
Thánh ký Luca, vị quận
vương Hêrôđê này chỉ tỏ
ra thắc mắc mà thôi,
chứ không suy diễn rồi đi đến quả quyết chủ quan một cách hống hách
ngang tàng như trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, và
chính vì
thắc mắc nên ông mới
muốn "tìm
cách gặp Người".
Không ngờ, ước nguyện
muốn được gặp Người của ông cuối cùng cũng đã được đáp ứng, khi tổng
trấn Philatô, nghe biết Chúa Giêsu gốc gác thuộc về miền Galilêa là
vùng thuộc thẩm quyền của vị quận vương này, đã giải giao Người cho ông, và khi nghe
thấy thế ông đã tỏ ra "hết sức vui mừng để gặp Người", nhưng ông đã
hoàn toàn thất vọng
khi gặp Người, bởi ông chỉ muốn "xem Người làm một phép lạ nào đó",
mà không được toại nguyện nên ông cùng đám vệ binh của ông đã tỏ
ra khinh chê nhạo báng Người (xem Luca 23:6-12).
Phải chăng Kitô hữu
chúng ta đôi khi cũng chỉ muốn "tìm
cách gặp Người" như
quận vương Hêrôđê này để được "xem Người làm một phép lạ nào đó", ở
chỗ Người ban cho chúng ta những điều chúng ta xin Người, nhất là trong
cơn gian nan khốn khó hoạn nạn của chúng ta, cần được cứu vớt nhanh bao
nhiêu có thể, lạ bao nhiêu có thể theo lòng mong ước chủ quan thiển
cận của chúng ta, nhưng xin mãi mà Người vẫn im lìm chẳng nhúc nhích gì,
khiến chúng ta cảm thấy chán ngán Người, xa lánh Người và thậm chí chối bỏ
Người cùng nguyền rủa
Người?
Đối với những thứ ước nguyện như thế, như của quận vương Hêrôđê trong
Bài Phúc Âm hôm nay, hay các thứ mộng mơ tương tự của phàm nhân, chỉ
thuần tự nhiên và trần tục, thì theo Sách Giảng Viên trong Bài Đọc 1 hôm
nay, chỉ là
"phù vân trên mọi phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều
là phù vân. Ích lợi gì cho con người ... Chẳng có chi mới lạ dưới mặt
trời".
Trái lại, đối với con người sống trên trần gian này, cái khôn ngoan
nhất họ cần phải tìm kiếm nhất, cần phải nhận thức và khát khao cùng ước
nguyện trên hết mọi sự và trước hết mọi sự, đó là những gì ở nơi Câu Họa
của Bài Đáp Ca hôm nay:
"Thân
lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia".
Tại sao vậy? Chính Thánh Vịnh 89, được Giáo
Hội trích dẫn một số câu cho Bài Đáp Ca hôm nay, đã trả lời cho họ như
sau:
1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua
đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về
bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ
mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi
và nó héo khô.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng
trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ
lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con
mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng
ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra,
xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc
I: (Năm
II) Gv
3, 1-11
"Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua
thời gian của chúng".
Trích sách Giảng Viên.
Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn
vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì
cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ
lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành.
Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc,
thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian
nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian
gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có
thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ.
Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng,
thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời
gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công lao vất
vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài
người phải chịu đựng.
Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian
Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người
không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1a
và 2abc. 3-4
Ðáp: Ôi Ðá Tảng
của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)
Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc
tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải
phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa
chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió
thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94,
8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay
các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9,
18-22
"Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.
Con Người phải chịu nhiều đau khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu
nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông
rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì
bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một
trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần
các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô
của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà
rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và
các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Cảm Nghiệm
Căn Tính Thần Linh nơi Nhân Vật Lịch
Sử Giêsu Nazarét
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXV
Thường Niên, trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Marco của Chúa Nhật
XXV đầu tuần vừa rồi, cũng như trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu
cho Thứ Năm Tuần XVIII Thường
Niên.
Cả 3 bài Phúc Âm đều thuật lại sự kiện dân chúng nói
chung và các môn đệ nói riêng cảm nhận về căn tính của Chúa Giêsu: "Phần các
con, các con bảo Thày là ai?". Ở Phúc Âm của
Thánh ký Marco thì câu trả lời của vị đại diện tông đồ đoàn bấy giờ là
Thánh Phêrô đã
thưa ngắn nhất: "Thày là Đức Kitô" (8:29), và ở Phúc Âm của Thánh
ký Mathêu câu trả lời của ngài lại dài nhất: "Thày là Đức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống" (16:16), còn ở bài Phúc Âm của Thánh ký Luca
hôm nay câu trả lời của ngài vừa phải, hòa hợp giữa 2 câu trả lời ngắn
dài trên đây: "Thầy
là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".
Câu trả lời tuyên xưng đức
tin của Thánh Phêrô được 3 Phúc Âm trong bộ Phúc Âm Nhất lãm thuật lại
hơi khác nhau về văn tự, nhưng nội dung vẫn như nhau. Ở chỗ "Thày
là Đức Kitô" (Phúc Âm Thánh Marco), cho dù "Đức
Kitô" ấy "của
Thiên Chúa" (Phúc Âm Thánh Luca) hay là "Con Thiên Chúa hằng sống"
(Phúc Âm Thánh Mathêu). Bởi vì, tự bản chất "Đức Kitô" phải là
Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bằng không, không phải là "Đức
Kitô".
Tuy nhiên, theo mạc khải
thần linh, "Đức Kitô" này, "Đức Kitô" được chung dân chúng
cảm nhận như là
một vị đại tiên tri,
như Gioan Tẩy Giả hay như Elia, cũng như được riêng các tông đồ tuyên
xưng đúng như căn tính của Người, đúng như sự thật nơi nhân vật lịch
sử Giêsu Nazarét này, lại có một dung nhan lưỡng diện, chẳng những có
mặt phải mà còn có cả mặt trái nữa.
Vậy nếu mặt phải của dung
nhan lưỡng diện này của "Đức Kitô" là gì, nếu không phải là
"Con
Thiên Chúa hằng sống"
(Phúc Âm Thánh Mathêu), thì
mặt trái của dung nhan Người là gì, nếu không phải là Đấng Vượt Qua, như
cả 3 Phúc Âm Nhất lãm này cho thấy, hay trong bài Phúc Âm của Thánh ký
Luca hôm nay thuật lại: "Con
Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật
sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Chính
mặt trái nơi dung
nhân của "Đức
Kitô" này đã
khiến cho chung dân Do Thái, đặc biệt là thành phần thày dạy lề luật của
họ là luật sĩ và biệt phái, nhất là Hội Đồng Đầu
Mục Do Thái lãnh đạo
trong dân,
thậm chí bao
gồm cả thành phần
môn đệ thân tín nhất của "Đức Kitô" là các tông đồ, tất cả đều
vấp phạm vì Người, tức không nhận ra Người, đến độ phản nộp Người, chối
bỏ Người, lên án Người, thách đố nhạo báng Người xuống khỏi thập giá để
họ tin Người quả thực là Đấng Thiên Sai (xem
Mathêu 27:39-42; Marco
15:29-32; Luca 23:35).
Thật vậy, làm sao dân
Do Thái nói chung và các tông đồ môn đệ của Người nói riêng có thể nhận
ra Người và chấp nhận Người được, nếu qua lời tiên báo về cuộc vượt qua
của Người lần thứ nhất này trở thành hiện thực, khi mà một "Đức Kitô"
khôn ngoan giảng dạy và quyền năng chữa lành ấy lại có một dung nhan
thật trái khuấy, hoàn toàn bị biến dạng trông vô cùng ghê rợn, đến độ
Người không còn dung nhan hình hài gì nữa (xem Isaia 52:14), thậm chí
Người còn trở nên như sâu bọ đất không còn là người (xem
Thánh Vịnh 22:7), một
sự thật quá ư là phũ phàng và vô cùng bất xứng với danh phận vô cùng uy
nghi cao cả và thiện
hảo của một Đấng Thiên Sai, "Con
Thiên Chúa hằng sống".
Trong đời sống tu đức cũng
thế, theo bản tính và khuynh hướng tự nhiên, không ai trong loài người
nói chung và Kitô hữu nói riêng lại yêu thích đau khổ thử thách, trái
lại, còn tìm cách xa lánh và tiêu diệt nó bao nhiêu có thể. Bởi thế, ai
cũng sung sướng khi được may lành và chúc phúc trong cuộc sống, cũng
như nơi
mọi việc mình làm, nhất là khi được ơn an ủi lúc mới bước
chân vào đường trọn lành hay khi mới tĩnh tâm xong v.v. Thế nhưng
khi đụng độ với đau khổ, tức khi giáp mặt với một "Đức Kitô" khổ
nạn và tử giá đầy thương tích vô cùng khủng khiếp và ghê rợn, mới
biết được cường độ đức tin của chúng
ta mạnh mẽ tới đâu,
mức độ đức cậy của chúng
ta vững chắc tới
chừng nào, và nhiệt độ đức mến của chúng
ta sốt nóng tới
độ nào!
Tuy nhiên, sở dĩ dân chúng nói chung và môn đệ thân tín của Chúa Kitô
nói riêng chưa thể chấp nhận được cái mặt trái đầy những phũ phàng ấy:
"Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị
các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày
thứ ba sẽ sống lại", đến độ Người đã phải "ngăn cấm các ông
không được nói điều đó với ai", điều được tông đồ Phêrô vừa tuyên
xưng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa", là vì chưa tới lúc hay tới độ
họ hiểu được, cho tới khi sự thật vô cùng huyện nhiệm này được hiện
thực, nhất là khi họ nhận được Thần Chân Lý là Đấng "dẫn họ vào tất
cả sự thật" (Gioan 16:13).
Đó là lý do Sách Giảng Viên trong Bài Đọc 1 hôm nay mới chí lý cảm nhận
rằng:
"Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua
thời gian của chúng... Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời
gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa...
Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng... con người
không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối".
Bởi thế, đối với Thiên Chúa, con người hãy tin tưởng cậy
trông vào Đấng Quan Phòng thần linh, không bao giờ bỏ họ, nhưng luôn
chăm lo cho họ, vào thời điểm của Ngài và bằng phương thế khôn ngoan của
Ngài, đúng như cảm nhận của các câu Thánh Vịnh 143 ở Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là
chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ
con nương náu.
2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa
thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng
thoáng qua.
Ngày 23 tháng 9
Thánh Pi-ô Pi-ết-ren-si-na, linh mục
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Thánh nhân sinh tại làng Pi-ết-ren-si-na gần Bê-nê-ven-tô nước Ý năm
1887. Người vào tu dòng Anh Em Hèn Mọn, ngành Ca-pút-xi-nô, và sau khi
thụ phong linh mục đã tận tình lo việc mục vụ nhất là tại tu viện ở thị
trấn Xan Gio-van-ni Rô-tôn-đô miền Pu-li-a. Trong tinh thần cầu nguyện
và khiêm nhường, người phục vụ dân Chúa qua việc linh hướng, bí tích Hoà
Giải và việc săn sóc giúp đỡ những người ốm đau, nghèo khổ. Người đã
được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô chịu đóng đinh và ngày 23
tháng 9 năm 1968, người kết thúc cuộc hành trình ở thế gian này.
Cuộc đời cha thánh Piô
Cha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887 tại Pietrelcina, được gọi tên là
Francesco Forgione. Ngài lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo
đức. Lúc khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt
với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng
vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu
nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng
Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.
Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng
Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô.
Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm
1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52
năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối
với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại
thời hiện đại.
Vào ngày 20/9/1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ,
Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài
được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn. Sau biến cố ấy, cuộc
đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội
và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa
vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép
cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than
trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau
năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về
sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924. Sau khi
được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người
đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người,
ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để
chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó
ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài
thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số
chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời
của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
(đoạn
này trích từ
https://dongten.net/2019/09/22/hanh-cac-thanh-23-09-thanh-pio-nam-dau/)
Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha
ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương
binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt
vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau
khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên
rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi năm
1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được
bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm
được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà
Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường
bệnh. Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của
Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng;
còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi
áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm. Một
trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo
đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài
không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không
bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết
định của các giới chức trong Giáo Hội. (đoạn
này trích từ
https://dongten.net/2019/09/22/hanh-cac-thanh-23-09-thanh-pio-nam-dau/)
Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các
phép lạ kèm theo: nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở
hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết
biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta
khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất
là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.
Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được
Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu
nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều
đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời
cha Piô” có kể lại rằng:
“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi
giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài
không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.
Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài
và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể
cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những
tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh
kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại
được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó
và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có
lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.
Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20
tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài
sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong
một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ,
như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ
thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.
Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc
đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy
ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của
Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng
ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một
cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của
ngài khụy xuống vũng máu.
Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt
đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy.
Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói
buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng
đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn
vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp
tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên
vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại,
và ngài há hốc mồm để thở.
Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy,
đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể
bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước.
Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về
đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.
Ngài rên rỉ, "Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu."
Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ
vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan
rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài
ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết
vì vết thương này hay không.
Ngài cầu xin, "Xin đừng để con khiếp sợ."
Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và
xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương
thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự
thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và
vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.
Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi
biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt
ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…
Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu
thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi,
sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm
dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng
Appenine, hai năm trước khi ngài chết.
Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa
huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm
thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân
chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước
lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như
trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh
Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng,
Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc
dù thân thể người đó rất sạch sẽ.
Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi
của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập
tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của
cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải
ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc”.
Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ
đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc
đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết
thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác.
Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh
hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài
nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn
còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ
và xin tôi cầu nguyện”.
Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn
lành cho nhiều người.
Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn
nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”,
trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam
Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó
được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho
giáo dân có thể trông thấy ngài.
Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường
chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000
người.
Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng
trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có
đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời
tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968”.
Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi
lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh
thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.
Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép
dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ
Chúa.
Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.
Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan
Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của
linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại
thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio
đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà
thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.
Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các
nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa.Và sau khi có phép lạ được thừa
nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân
phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ
thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.
Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của
em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể
giải thích được trên bình diện khoa học.
Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức
Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm
sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.
Cha Thánh Piô và các Đẳng Linh Hồn.
Cuộc đời cha Piô là trang sử lạ thường ghi dấu các cuộc hiện ra của
Thiên Thần, Các Thánh, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Các Đẳng Linh Hồn. Có
thể nói được rằng, Cha thánh Pio sống cùng lúc ở hai thế giới: một
hữu hình và một vô hình, thiêng liêng.
Xin trích thuật 3 câu chuyện Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin Cha
thánh Pio cầu nguyện cho.
Một buổi tối, Cha Pio đang nghỉ ở tầng trệt của Cộng Đoàn nơi căn
phòng dành đón tiếp khách lạ. Lúc ấy Cha Pio chỉ có một mình và vừa
đặt lưng nằm xuống thì bất thình lình một người đàn ông xuất hiện,
mình trùm kín chiếc áo choàng đen. Ngạc nhiên, Cha Pio tức khắc đứng
bật dậy và hỏi cho biết ông là ai và muốn gì. Người khách lạ cho
biết ông là Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Ông nói: Con là Pietro Di
Mauro, tức Nicola và có biệt danh “Precoco”. Con bị chết trong trận
hỏa hoạn xảy ra vào đêm 18-9-1908, tại chính Tu Viện này, lúc ấy bị
truất hữu và biến thành Viện Tế Bần. Con bị cháy giữa các ngọn lửa,
ngay trên tấm nệm rơm, lúc đang ngủ say, trong căn phòng số 4. Con
hiện về từ Luyện Ngục. Thiên Chúa Nhân Lành cho phép con đến xin Cha
dâng một Thánh Lễ với ý chỉ cầu cho con vào sáng ngày mai. Nhờ Thánh
Lễ này con mới có thể vào được Thiên Đàng.
Cha Pio hứa sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho ông. Chính Cha kể lại như sau.
Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng Linh Hồn Luyện Ngục ra tận
cửa Tu Viện. Và tôi chỉ ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với Linh
Hồn Luyện Ngục khi ra tới thềm, bởi vì, người đàn ông đang đi bên
cạnh tôi bỗng nhiên biến mất. Tôi thành thật thú nhận lúc ấy tôi cảm
thấy hoảng sợ. Tôi đi thẳng đến phòng Bề Trên là Cha Paolino da
Casacalenda. Cha Bề Trên nhận ra nét kinh hoảng của tôi. Sau khi
nghe tôi giải thích và xin phép dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau cầu
cho Linh Hồn Luyện Ngục, Cha Bề Trên hiểu lý do và chấp thuận ngay
lời xin.
Vài ngày sau, vì bị tính tò mò thúc đẩy, Cha Bề Trên Paolino muốn
làm cuộc kiểm chứng. Cha ra tòa thị chính thành phố San Giovanni
Rotondo và xin phép xem Cuốn Sổ Tử của thành phố vào năm 1908. Và
đúng như lời tôi kể, trong Sổ Tử tháng 9 năm 1908 có ghi mấy hàng:
Ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong trận hỏa hoạn Viện Tế Bần có một
người bị chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola.
Cha thánh Pio kể một câu chuyện khác.
Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông
thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang
lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối.
Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến
lại gần và nói:
- Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu
phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!
Nhưng một giọng nói - không phải của thầy Leone - trả lời:
- Con không phải thầy Leone!
Tôi hỏi lại:
- Vậy thầy là ai?
Tiếng nói trả lời:
- Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện
này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch
và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và
thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì
tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị
hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân,
trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với
Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam
cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.
Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi
Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa
Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này
thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi.
Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái
tim. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên
tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh
Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở
lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!
Câu chuyện thứ ba xảy ra vào buổi tối tháng 2 năm 1922, nơi Tu Viện
San Giovanni Rotondo. Chính Cha Pio kể lại.
Tối hôm ấy tôi xuống phòng chung nơi có đốt lửa để sưởi. Bỗng tôi
trông thấy 4 tu sĩ, chưa bao giờ gặp, đang ngồi chung quanh ngọn
lửa, đầu phủ mũ cappuccio và giữ thinh lặng. Tôi cất tiếng chào:
“Sia lodato Gesù Cristo - Ngợi khen Đức Chúa Giêsu Kitô”, nhưng
không ai trả lời. Ngạc nhiên, tôi chăm chú nhìn kỹ 4 tu sĩ để xem họ
là ai thì thấy rằng đó là 4 tu sĩ lạ, tôi chưa bao giờ gặp. Cùng
lúc, tôi có cảm tưởng các tu sĩ này đang chịu đau khổ. Tôi lập lại
lời chào, vẫn không ai trả lời. Tôi trở lên phòng Cha coi nhà khách
và hỏi xem có tu sĩ khách nào đến Tu Viện không. Nghe vậy, Cha Bề
Trên, lúc ấy là Cha Lorenzo da San Marco in Lamis trả lời ngay:
- Cha Pio à, đâu có tu sĩ khách nào đến đây vào một đêm đông tuyết
lạnh như thế này!
Tôi nói với Cha coi nhà khách:
- Cha à, có 4 tu sĩ ngồi sưởi nơi phòng chung. Tôi cất tiếng chào
nhưng không ai trả lời. Tôi nhìn kỹ thì thấy đó là các tu sĩ lạ!
Cha coi nhà khách nói:
- Có lẽ khách lạ đến mà tôi không biết chăng? Vậy chúng ta cùng
xuống xem!
Khi chúng tôi trở lại phòng chung thì không còn ai. Phòng chung vắng
lặng như tờ.
Tôi hiểu ngay đây là 4 tu sĩ quá cố, đang làm việc đền tội nơi xưa
kia họ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tôi thức trắng suốt đêm đó để cầu
nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Chúa cho 4 tu sĩ sớm được
giải thoát khỏi chốn Luyện Hình và về Thiên Đàng vui hưởng Nhan
Thánh Chúa.... “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy
Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời
con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có
ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng
con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy
trông ở lời Người. Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi
hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi,
Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người
chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên
muôn vàn” (TV130). (”Grande Opera Mariana GESÙ E MARIA”,
Aprile-Giugno 2007 n.2 Anno VIII, trang 19-20 + P. Alessio Parente,
”Padre Pio e le anime del Purgatorio”, 1999, trang 158; Sr. Jean
Berchmans Minh Nguyệt).
https://tinvuiviet.net/vi/news/Ton-giao-24/Cha-Thanh-Pio-nam-dau-thanh-518/
Các phép lạ đầy hài hước của Cha Pio
Các phép lạ hiện đại ít được biết của Cha Piô
Các lời nói hóm hỉnh của Cha
Piô
Một
ngày với Cha Piô
Bài đọc 2
Những viên đá xây nên đền thờ vĩnh cửu
(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách 23/9 lễ nhớ Thánh Piô 5 Dấu)
Trích thư của thánh Pi-ô Pi-ết-ren-si-na, linh mục.
Thiên Chúa là nhà Nghệ Sĩ đã tìm cách chuẩn bị những viên đá để
xây nên ngôi đền vĩnh cửu, bằng những nhát đục đẽo miệt mài và
gọt giũa chuyên cần, tài khéo. Đó là điều mẹ rất dịu hiền của
chúng ta là Hội Thánh Công Giáo ca ngợi trong bài thánh thi lễ
cung hiến thánh đường. Và thật như vậy.
Bất cứ linh hồn nào được dành cho vinh quang vĩnh cửu có thể
được coi cách rất đúng như viên đá, để xây nên ngôi đền vĩnh
cửu. Kiến trúc sư xây nhà trước hết phải gọt đẽo những viên đá
xây ngôi nhà đó. Ông phải dùng búa dùng đục mà làm. Cha trên
trời cũng làm như thế đối với các linh hồn được tuyển chọn.
Những linh hồn này, do sự khôn ngoan và quan phòng tuyệt vời của
Người, đã được dành riêng từ thuở đời đời để xây dựng ngôi đền
vĩnh cửu.
Vậy linh hồn được dành cho hưởng vinh quang vĩnh cửu để trị vì
cùng Đức Ki-tô, cũng phải được gọt giũa bằng những nhát búa nhát
đục. Thiên Chúa là nhà Nghệ Sĩ dùng những thứ đó để chuẩn bị đá
là những tâm hồn được tuyển chọn. Những nhát búa, những nhát đục
đẽo đó là gì ? Chị ơi, đó là các bóng tối, những sự sợ hãi,
những cám dỗ, những sự buồn phiền trong tâm trí, những nỗi sợ
hãi về đường thiêng liêng, với chút sầu não, và cả những đau đớn
trong thân xác.
Vậy, chị em hãy tạ ơn lòng lành vô cùng của Cha muôn đời, vì
Người đối xử như vậy đối với linh hồn chị em, linh hồn đã được
dành sẵn cho ơn cứu độ. Tại sao không hãnh diện vì cách cư xử
đầy tình nghĩa của người cha tốt nhất trong các người cha ? Chị
em hãy mở tâm hồn ra cho Thiên Chúa là vị lương y của các linh
hồn và phó thác mình vào cánh tay chí thánh của Người, với đầy
lòng tin cậy. Người xử với chị em như những người được tuyển
chọn để theo sát Đức Giê-su trên con đường dốc lên đồi
Can-va-ri-ô. Tôi vui mừng và vô cùng cảm động, khi nhìn thấy ân
sủng hoạt động nơi chị em thế nào.
Chị em đừng hoài nghi rằng mọi sự xảy đến cho linh hồn chị em là
do Chúa xếp đặt. Vì thế đừng sợ rằng mình sa vào sự dữ hoặc xúc
phạm đến Thiên Chúa. Chị em chỉ cần biết rằng : trong toàn bộ
cách sống, chị em đã không bao giờ xúc phạm đến Chúa, trái lại
Người đã được tôn vinh mỗi ngày một hơn.
Nếu Đấng Phu Quân vô cùng nhân hậu của linh hồn chị em ẩn mình,
thì, không phải như chị em nghĩ, là vì Người muốn trả thù sự bất
trung của chị em, mà chỉ là vì Người thử thách sự trung thành và
kiên trì của chị em và chữa trị chị em cho khỏi một số bệnh tật,
mà con mắt xác thịt không nhìn thấy, là những bệnh tật và sai
lỗi ngay cả người công chính cũng không thoát khỏi. Thật vậy,
Sách Thánh nói : Người
công chính ngã bảy lần.
Chị em hãy tin tôi : giả như tôi không biết là chị em buồn sầu
như vậy, thì tôi sẽ kém vui, vì tôi sẽ hiểu là Chúa ban cho chị
em ít viên ngọc hơn. Hãy xua đuổi như những cám dỗ các hoài nghi
ngược lại... Cũng hãy xua đuổi những hoài nghi về cách sống của
chị em, nghĩ rằng chị em không nghe tiếng Chúa kêu gọi và bỏ
ngoài tai những lời mời ngọt ngào của Đấng Phu Quân. Tất cả
những điều đó không phát xuất từ thần khí tốt mà là từ thần khí
xấu. Đó là những mưu ma chước quỷ nhằm làm cho chị em rời xa sự
hoàn thiện, hay ít là chậm bước trên con đường tiến về đó. Chị
em đừng nản lòng !
Khi Đức Giê-su tỏ mình ra, chị em hãy tạ ơn Người ; nếu Người ẩn
mình, cũng cứ tạ ơn Người : đó là những trò vui của tình yêu.
Tôi muốn chị em cùng Đức Giê-su trao phó mạng sống trên thập giá
và cùng Đức Giê-su kêu lên : Đã
hoàn tất.
Lời nguyện (Phụng Vụ Giờ Kinh Sáng
ngày 23/9 Lễ Thánh Piô 5 Dấu)
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Pi-ô,
linh mục, ơn đặc biệt là được chung phần thập giá với Con Chúa,
và nhờ thừa tác vụ của thánh nhân, Chúa đã tái thực hiện những
kỳ công của lòng Chúa thương xót. Nhờ lời thánh nhân chuyển cầu,
xin cho chúng con luôn được kết hợp với cuộc Thương Khó của Đức
Ki-tô để mai sau đạt tới vinh quang phục sinh. Chúng con cầu xin
Xin xem tiếp 3 phụ bản và một số hình hiện đại về Cha Thánh Piô Năm
Dấu ở phần cuối cùng sau ngày Thứ Bảy
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc
I: (Năm
II) Gv
11, 9 - 12, 8
"Trong những ngày thanh xuân, ngươi
hãy nhớ đến Ðấng Tạo thành ngươi; trước khi tro bụi sẽ trở về đất và hồn sẽ
trở về cùng Chúa".
Trích sách Giảng Viên.
Hỡi thiếu niên, hãy hân hoan trong
thời niên thiếu và tâm hồn ngươi hãy hưởng hạnh phúc trong những ngày thanh
xuân, hãy sống theo đường lối tâm hồn ngươi, và theo cái nhìn của mắt ngươi.
Nhưng ngươi hãy biết rằng Thiên Chúa sẽ xét xử ngươi về những điều đó. Ngươi
hãy loại bỏ sự giận ghét khỏi lòng ngươi, và hãy khai trừ sự gian ác khỏi
xác thịt ngươi: vì tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không.
Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ
đến Ðấng Tạo thành ngươi, trước khi thời gian đau khổ tới và trước khi tới
thời gian mà ngươi sẽ nói: "Tôi không thích"; trước khi mặt trời, ánh sáng,
mặt trăng, tinh tú sẽ ra tối tăm, và trước khi mây đen kéo lại sau trận mưa,
khi kẻ giữ nhà run sợ, khi những kẻ anh dũng khiếp nhược, khi còn ít bà xay
bột cũng ngưng việc, khi mấy bà nhìn qua cửa sổ mà chẳng thấy gì, khi cửa
phố phường khép lại và tiếng cối xay nhỏ dần, khi người ta nghe tiếng chim
kêu mà chỗi dậy và tiếng hát của các thiếu nữ tắt dần đi, ở những nơi cao
người ta run sợ và trên đường đi người ta cũng khiếp đảm.
Hạnh đào sẽ trổ hoa, châu chấu sẽ béo
mập, cây phong điểu sẽ đâm chồi nảy lộc, vì con người sắp đi về nhà vĩnh
cửu, và kẻ than khóc rảo quanh mọi phố phường.
Trước khi dây bạc đứt tan, và bình
vàng vỡ nát, chiếc vò bể tan bên bờ suối, trục quay nước giếng gãy tan tành,
và tro bụi sẽ trở về đất, hồn sẽ trở về cùng Chúa, Ðấng đã tác tạo nó.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi
phù vân, và mọi sự đều là phù vân.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 3-4.
5-6. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Thân lạy
Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên
nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa
khiến con người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
- Ðáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ
màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt,
buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày
giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ
còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ
ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin
cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con; sự nghiệp tay
chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra. - Ðáp.
Alleluia: Tv 114,
13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành
trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9,
44b-45
"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông
không đám hỏi Người về lời ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả
các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con,
các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay
người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các
ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Cảm Nghiệm
Thân phận của một Đức Kitô đích thực
Bài Phúc Âm cho Thứ
Bảy Tuần XXV Thường Niên hôm
nay về hình
thức cũng
không tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua ở cùng đoạn 9 của Phúc Âm Thánh ký
Luca,
nhưng về nội dung lại có tính cách liên tục và đồng
nhất.
Thật vậy, Giáo Hội đã không chọn đọc đoạn Phúc Âm về điều kiện làm
môn đệ của Chúa Kitô (9:23-27), về biến cố biến hình trên núi
(9:28-36), và về
sự kiện Người trừ quỉ
cho một bé trai (9:37-43a), tương
tự như Giáo Hội đã bỏ 2 trong 3 biến cố này ở Phúc Âm Thánh ký Marco
trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Năm B Thường Niên đầu tuần này, mà chỉ
lấy đoạn Phúc Âm về lời Chúa Giêsu tiên báo lần hai cuộc vượt qua
của Người.
Đúng thế, bài Phúc Âm
hôm nay của Thánh ký Luca là bài Phúc Âm ghi lại lời Chúa Giêsu tiên
báo lần thứ hai về cuộc vượt qua của Người:
"Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc
Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: 'Phần các con,
các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp
vào tay người đời'. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị
che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không
dám hỏi Người về lời ấy".
Như đã cảm nhận về dung
nhan lưỡng diện của
"Đức Kitô" trong bài
Phúc Âm hôm qua, một dung nhan có bộ mặt
trái rất ư là
kinh hoàng khiến cho chính vị trưởng tông đồ đoàn là Thánh Phêrô
cũng phải vấp phạm. Bởi thế, sau khi tiết lộ về mầu nhiệm vô cùng bí
mật này, Người chỉ
dám tiết
lộ sau khi đã
thấy được đức tin thật chính xác của
thành phần môn đệ tông đồ của Người, và
Người cũng đã phải tìm cách củng cố cho đức tin của các vị nữa, bằng
cách Người đã tỏ vinh quang của Người ra cho các vị một cách rạng
ngời, qua việc Người biến hình trên núi cao, ám chỉ cuộc phục sinh
khải hoàn của Người, như cả 3 Phúc Âm Nhất lãm đều thuật lại sau lần
tiết lộ đầu tiên ấy.
Trong bài Phúc Âm
của Thánh ký Luca hôm nay cũng thế, trước khi Người báo trước cuộc
vượt qua của Người lần thứ hai, một mầu nhiệm chưa thể nào thấu hiểu
và chấp nhận được đối với trí khôn phàm nhân của các tông đồ, cũng
như nhất là đối với tâm thức của các vị về một Đấng Thiên
Sai đầy quyền năng giải phóng vẫn thường thấy trong Lịch sử Cứu Độ
của Dân Do Thái, Người
cũng phải lợi
dụng: "Ðang
lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người
phán cùng các môn đệ..." về mầu
nhiệm ấy, một mầu nhiệm quan trọng đến độ Người đã nhấn mạnh với các
tông đồ rằng: "các
con hãy ghi vào lòng những lời này...".
Phần các tông đồ,
thành phần đã từ bỏ mọi sự mà theo Người, không biết có phải hoàn
toàn vì lý do trần tục hay chăng, ở chỗ các vị hy
vọng sau
này có
thể được vẻ vang bởi các vị đã trở thành chân tay thân
tín của chính Đấng Thiên Sai đầy uy quyền của
Thiên Chúa, như
các vị đã có lần tranh nhau ngôi thứ, được Thánh ký Marco thuật lại
trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B? Cho dù
không hoàn toàn như thế, nhưng đứng trước một mầu nhiệm siêu
việt ấy, Phúc Âm hôm nay đã cho biết: "các
ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không
lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy".
Trong Bài Phúc Âm hôm nay có một chi tiết
rất lạ lùng và phản nghịch nhau một cách chát chúa, đó là: "Ðang
lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người
phán cùng các môn đệ rằng: '... Con Người sẽ phải bị nộp vào tay
người đời'". Chi tiết hoàn toàn tương khắc nhau một cách chát
chúa, đó là đang khi Chúa đang nổi tiếng, càng ngày càng được dân
chúng hâm mộ, kính phục và theo đuổi, thì Người lại nói về thân phận
mà chẳng ai ngờ, chẳng ai muốn và có thể là chẳng ai muốn theo Người
nữa. Nếu nói theo kiểu trần gian thì đúng là Người chẳng khôn ngoan
tí nào, chỉ làm cho mình bị tổn thương trầm trọng và thiệt hại nặng
nề mà thôi.
Thế nhưng, Người không thể nào không
nói, hay cứ tiếp tục che đậy sự thật quá phũ phàng về Người, một
cách lừa đảo, chỉ có lợi cho mình mà không có lợi cho người, nhất là
thành phần môn đệ theo Người, để tùy họ tự quyết và lượng sức xem có
còn muốn tiếp tục theo Người nữa chăng, nếu còn thì họ hãy sửa soạn
sẵn sàng một tương lai mù mịt đen tối chụp xuống đời họ. Đó là lý do
mới có lời khuyên chí lý của Sách Giảng Viên trong Bài Đọc 1 hôm nay
cho riêng thành phần trẻ trung, như trường hợp các môn đệ của Chúa
Giêsu, những tâm hồn non dại trong Phúc Âm hôm nay, khi "các
ông không lĩnh hội được ý nghĩa".
"Hỡi thiếu niên, hãy hân hoan trong thời niên thiếu và tâm hồn
ngươi hãy hưởng hạnh phúc trong những ngày thanh xuân, hãy sống theo
đường lối tâm hồn ngươi, và theo cái nhìn của mắt ngươi.... Trong
ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Ðấng Tạo thành ngươi, trước khi
thời gian đau khổ tới và trước khi tới thời gian mà ngươi sẽ nói:
'Tôi không thích'; trước khi mặt trời, ánh sáng, mặt trăng, tinh tú
sẽ ra tối tăm, và trước khi mây đen kéo lại sau trận mưa, khi kẻ giữ
nhà run sợ, khi những kẻ anh dũng khiếp nhược,... và tro bụi sẽ trở
về đất, hồn sẽ trở về cùng Chúa, Ðấng đã tác tạo nó'".
Đúng thế, tự mình, theo bản tính hạn hẹp và
bất lực của loài người, họ thật sự là non dại, nếu không có Chúa,
nếu Chúa không ở cùng họ, ban ơn cho họ, thành phần muốn trở thành
người lớn, nghĩa là muốn khôn ngoan thì cần phải biết bám lấy Chúa:
"Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua
đời kia", một tâm tình được
bộc phát nguyên văn trong Câu Họa của Bài Đáp Ca hôm nay, một Câu
Họa bao gồm tất cả nhận thức chân thực về thời gian ngắn ngủi, về
cuộc đời tạm bợ mau qua của con người, về Thiên Chúa hằng hữu và sự
sống bất diệt:
1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm
qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người
trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như
cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó
bị xén đi và nó héo khô.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được
lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ?
Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng
con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được
hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con; sự nghiệp tay chúng con
làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra.
3 Phụ Bản về Thánh Piô Năm Dấu:
(tiếp theo ngày Thứ Sáu là ngày lễ kính
ngài trên đây)
fr.aleteia.org,
2017-04-24
Chúng ta biết Thánh Dòng Capuxinô của San Giovanni Rotondo không
tránh được thử thách nhưng ngài cũng có rất nhiều ơn lớn đền bù lại.
Tuy nhiên ít ai biết tính hài hước của ngài!
San Giovanni Rotondo là một thành phố của bang Foggia trong vùng
Pouilles miền Nam nước Ý. Cha Thánh Pio đã sống ở đây từ năm 1916
cho đến khi ngài qua đời năm 1968. Trước đây San Giovanni Rotondo là
thành phố sống về chăn nuôi, trồng trọt nhưng bây giờ San Giovanni
Rotondo là thành phố du lịch trù phú nhờ khách đi hành hương về thăm
Cha Pio kể từ những năm 1930.
Đi đứng
cẩn thận nghe!
Một ông đi đến tận San Giovanni Rotondo để gặp Cha Pio, nhưng có rất
đông người ở đó nên ông phải đi về nhà mà không gặp được ngài. Trong
lúc ông đi xa tu viện, thì ông ngữi thấy một mùi hương từ các thánh
tích của cha và ông cảm thấy mình được an ủi.
Vài tháng sau, khi ông đi qua một vùng núi, ông cũng ngữi thấy một
mùi hương như vậy. Ông ngừng lại và ông ngây ngất trong một lúc khi
ngữi thấy mùi hương thơm ngát. Khi sực tỉnh lại thì ông thấy mình ở
bên bờ vực thẳm, không có mùi hương của Cha Pio thì e ông đã tiếp
tục đi tới.
Ông quyết định đi về San Giovanni Rotondo ngay lập tức để cám ơn Cha
Pio. Khi ông đến tu viện, Cha Pio từ trước đến giờ chưa bao giờ gặp
ông, ngài gọi ông lại vừa cười vừa nói: “Con của ta, lần sau đi đứng
cẩn thận nghe!”.
Dưới tấm
nệm
Một phụ nữ bị bệnh nhức đầu kinh khủng đến mức bà quyết định để một
tấm hình của Cha Pio dưới gối, hy vọng cơn đau sẽ hết. Sau nhiều
tuần, cơn nhức đầu vẫn còn; tính khí nóng nảy của người Ý làm bà
than lên: “Này Cha Pio, cha không làm cho con hết bệnh, con phạt
cha, con để cha dưới tấm nệm”.
Vài tháng sau bà đến San Giovanni Rotondo để xưng tội với Cha Pio.
Bà vừa quỳ vào tòa giải tội thì cha nhìn bà chăm chăm, cha đóng cánh
cửa tòa giải tội một cái rầm. Bà hoảng người, bà không hiểu tại sao
cha phản ứng như vậy, bà không thốt nên lời. Vài phút sau, cánh cửa
tòa giải tội mở ra, Cha Pio vừa cười vừa nói với bà: “Đúng là con
không hài lòng phải không? Để thế cho con biết, cha cũng không hài
lòng khi con để cha dưới nệm!”.
Các lời
khuyên của Cha Pio
Một linh mục Argentina nghe tiếng các lời khuyên của Cha Pio, linh
mục quyết định đi đến tận Ý với mục đích duy nhất là xin lời khuyên
quý báu của ngài để ngài hướng dẫn mình trong đời sống thiêng liêng.
Khi đến nơi, linh mục đi xưng tội với cha và về nhà mà không nhận
một lời khuyên nào.
Về lại Argentina, linh mục rất thất vọng, cha thấy có nhu cầu phải
nói cho mọi người biết. Linh mục lấy làm tiếc: “Tôi không hiểu tại
sao Cha Pio không nói gì với tôi. Vậy mà tôi đi từ Argentina qua Ý
để chỉ muốn nghe lời khuyên của ngài… Cha Pio đọc được trong tư
tưởng người khác, ngài biết là tôi đến chỉ để xin ngài lời khuyên”.
vv và vv…
Cha than phiền đến mức mà các giáo dân bắt đầu hỏi cha: “Cha, cha có
chắc là Cha Pio không nói gì không? Cha Pio có làm cử chỉ gì khác
thường không?”.
Vị linh mục từ từ suy nghĩ và cuối cùng cha nhớ lại Cha Pio có làm
một cử chỉ hơi là lạ. Cha giải thích cho các giáo dân: “Ngài ban
phép lành cuối cùng cho tôi, ngài làm dấu thánh giá cực kỳ chậm, đến
mức tôi nghĩ, e chẳng khi nào xong?” Nghe xong, các giáo dân kêu
lên: “Vậy là Cha Pio đã cho cha lời khuyên! Cha, cha ban phép lành
quá nhanh, giống như cha làm nguệch ngoạc cho xong chứ không phải
làm dấu thánh gia!ù”. Nghe xong, vị linh mục vui mừng vì cuối cùng
cha biết được lời khuyên đặc biệt của Cha Pio.
Người giữ
nhà và các tên trộm
Các tên trộm hoành hành ở một khu phố Rôma làm cho một người dân ở
đó không đi thăm Cha Pio được. Nhưng cuối cùng ông đi, ông khóa cửa
kỹ và “ra điều kiện” cho Cha Pio: “Cha, bây giờ con đi thăm cha
nhưng cha giữ nhà cho con…”.
Khi đến San Giovanni Rotondo, ông xưng tội với Cha Pio. Ngày hôm
sau, ông đến chào cha để đi về, cha trách ông: “Con, con còn ở đây
à? Cha đang toát mồ hôi giữ cửa cho con!”.
Ông đi về nhà ngay lập tức, lòng chưa hiểu ngài muốn nói gì với
mình. Về đến nhà, ông nhận ra bọn trộm đã đến, chúng đã bẻ ống khóa
nhưng trong nhà không mất gì hết”.
Trẻ con
và kẹo bánh
Một phụ nữ đã lâu không đến thăm Cha Pio, bà khổ sở nghĩ cha đã quên
mình. Như thường lệ, một buổi sáng nọ, sau khi phó giao con gái mình
cho cha che chở, bà đi lễ. Khi về nhà, bà thấy con mình đang ăn kẹo
ca-ra-men. Ngạc nhiên bà hỏi con “ai cho con kẹo?”. Đứa bé vui vẻ
chỉ hình Cha Pio treo bên trên cái “cũi em bé” mà mỗi lần bà đi vắng
chốc lát bà để con vào đó. Nghe con kể, bà mẹ không lấy làm quan
trọng gì.
Sau một thời gian, lại lo không biết Cha Pio đã quên mình chưa, bà
đến thăm cha. Sau khi xưng tội, bà hôn tay cha. Khi đó cha vừa cười
vừa hỏi bà: “Con, con cũng muốn cây kẹo ca-ra-men phải không?”.
Một người
sói tóc
Một người bị rụng tóc nhưng dứt khoát không muốn mình bị sói. Một
ngày nọ ông đến gặp Cha Pio và xin cha: “Xin cha cầu nguyện để tóc
của con đừng rụng nữa”.
Chính lúc đó thì Cha Pio đi xuống cầu thang. Ông lo lắng nhìn cha
mong cha trả lời cho mình. Khi đến gần cha, ông thấy nét mặt của cha
thay đổi, và với một cái nhìn như đề nghị một cái gì với ông, ngài
chỉ một người đang ở sau lưng ngài, ngài nói với ông: “Con giới
thiệu con với ông ấy đi”. Ông quay lại thì thấy một linh mục sói tóc
hoàn toàn, cái đầu láng bóng như tấm gương. Và mọi người cười ngất.
Ném giày
Một giáo dân của Cha Pio bị đau răng khủng khiếp, đau đến mức không
chịu nổi, vợ của ông đề nghị: “Tại sao anh không cầu nguyện với Cha
Pio để cha chữa cho bớt đau? Đây, hình của cha đây, anh cầu nguyện
với cha đi”. Ông chồng giận dữ la hét: “Đau răng như thế này, em
không có thuốc men gì mà bắt anh cầu nguyện hả?”. Ông cầm chiếc giày
ném hết sức mình vào hình của Cha Pio.
Vài tháng sau bà vợ thuyết phục được chồng đi xưng tội với Cha Pio ở
San Giovanni Rotondo. Ông quỳ trong tòa giải tội và ông đọc một dọc
các tội của mình. Nghe ông đọc xong, cha Pio nói với ông: “Có tội
nào con quên không?”. “Dạ hết rồi!”. “Hết thật rồi à? Vậy còn
tội con ném chiếc giày ngay mặt cha thì sao?!”
Một lời
chào “lớn thật lớn!”
Cô con gái thiêng liêng của Cha Pio ở lại San Giovanni Rotondo ba
tuần với mục đích duy nhất là được xưng tội với cha. Không xưng
được, cô chưa muốn về lại Thụy Sĩ vì cô quá buồn. Bỗng cô nhớ, mỗi
ngày cha thường ra cửa sổ ở căn phòng nhỏ của ngài để ban phép lành.
Lòng đầy hy vọng, cô nghĩ, ít nhất là mình có thể nhận phép lành của
cha trước khi về. Cô đi nhanh về phía tu viện. Trên đường đi, cô
mong: “Mong sao cha chào cho riêng mình một lời chào “lớn thật lớn”.
Khi đến tu viện, cô chỉ thấy còn vài người rải rác. Cha Pio đã ban
phép lành. Cha đã chào tất cả mọi người, cha dùng khăn tay trắng
phất phất để chào và cha đã về phòng nghỉ ngơi.
Một nhóm phụ nữ lần hạt mân côi ở đó cho cô biết như vậy, cô đừng
hoài công chờ. Cô không thất vọng, cô quỳ xuống cùng với các bà
khác, trong lòng thầm thì: “Không sao, con chỉ mong có được lời chào
“lớn thật lớn” cha dành riêng cho con. Vài phút sau, cửa sổ căn
phòng Cha Pio mở ra và cha ban phép lành lại, cha dùng tấm khăn trải
giường phất phất thay vì dùng khăn tay trắng như thường lệ. Ai cũng
cười, một bà còn nói: “Nhìn kìa, hôm nay cha điên rồi!”.
Người con gái thiêng liêng của cha cảm động, nước mắt tuôn trào vì
cô biết, đó là lời chào “lớn thật lớn” mà cô đã xin cha chào cô.
Đứa con
trai và các viên kẹo
Từ lâu đứa con trai của một ông đội dân vệ mơ có chiếc xe lửa bằng
điện. Ngày Lễ Ba Vua sắp đến, em đến trước ảnh Cha Pio treo trên
tường hứa: “Cha Pio nghe con nè, nếu cha làm sao cho con có một
chiếc xe lửa bằng điện, con sẽ cho cha một túi kẹo”.
Ngày Lễ Ba Vua đến, đứa con trai nhận được chiếc xe lửa em mong chờ
lâu nay. Sau đó, em theo dì đến Giovanni Rotondo thăm cha. Cha Pio
âu yếm cười hỏi em: “Còn túi kẹo của cha đâu?”.
Vì hai
trái vả!
Một ngày nọ, một bà rất sùng kính Cha Pio đã ăn quá hai trái vả. Bị
dày vò vì nghĩ mình tham ăn, bà hứa là sẽ đi xưng tội với cha khi có
dịp.
Và dịp may đến, bà đi San Giovanni Rotondo. Sau khi xưng tội xong,
bà lo lắng xưng thêm: “Thưa cha, con có cảm tưởng con đã quên một
tội và có thể đây là một tội khá khá nặng”. Cha trả lời: “Con đừng
lo, hai trái vả thì chẳng có gì là nặng!”.
Con nghĩ
là cha sẽ lấy nàng sao?
Cha Pio cử hành một thánh lễ hôn phối. Khi đến lúc quan trọng của
buổi lễ, vì quá xúc động, chú rể không tài nào nói “vâng” theo nghi
thức được.
Cha Pio chờ một lúc, rồi cha cười khuyến khích anh, nhưng cố gắng
bằng mấy anh cũng không nói được, cuối cùng cha la lên: “Con muốn
nói “vâng” hay con nghĩ chính cha sẽ lấy… cô dâu?!”.
Cha, xin
cha cầu nguyện cho các con còn nhỏ của con
Một bà rất mộ đạo, bà không cách nào ngủ được nếu không giao phó tất
cả con mình cho Cha Pio. Chiều nào bà cũng quỳ trước ảnh của Cha Pio
và xin: “Cha Pio, con xin giao phó các con của con cho cha”.
Trong ba năm trường, tối nào cũng lặp lại một lời cầu nguyện này,
cuối cùng bà đến được San Giovanni Rotondo. Khi bà gặp cha, bà nói:
“Thưa cha, con xin giao phó các con của con cho cha”. Cha trả lời:
“Con của cha, cha biết. Đã ba năm nay, ngày nào con cũng lặp lại
cùng một chuyện, mỗi ngày!”.
Còn con
thì con cười chế nhạo phải không?
Một phụ nữ ngưỡng mộ Cha Pio, mỗi ngày bà đều có thói quen quỳ cầu
nguyện trước ảnh Cha Pio để xin cha ban phép lành cho mình. Chồng
của bà cũng rất ngưỡng mộ cha, nhưng ông không thể nào nhịn cười vì
ông thấy vợ mình làm quá. Tối nào cũng lặp lại cảnh này giữa hai vợ
chồng.
Có dịp hai vợ chồng cùng đi thăm Cha Pio. Ông chồng nói với cha:
“Thưa cha, tối nào vợ con cũng xin cha ban phép lành”, Cha Pio trả
lời: “Còn con thì con cười chế nhạo phải không?”.
Marta An Nguyễn dịch
San Giovanni Rotondo là một
thành phố của bang Foggia trong vùng Pouilles miền Nam nước Ý. Cha
Thánh Pio đã sống ở đây từ năm 1916 cho đến khi ngài qua đời năm
1968. Trước đây San Giovanni Rotondo là thành phố sống về chăn nuôi,
trồng trọt nhưng bây giờ San Giovanni Rotondo là thành phố du lịch
trù phú nhờ khách đi hành hương về thăm Cha Pio kể từ những năm
1930.
catholicnewsagency.com, Elise Harris, 2016-09-22
Nổi tiếng trên thế giới với tên ngắn gọn “Cha Piô”, Cha Thánh Piô
Pietrelcina được xem là một trong “các thánh tích cực nhất” của Giáo
hội. Ngài tiếp tục làm phép lạ cho những ai cầu bàu đến ngài.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AIIC, linh mục John Paul Zeller,
Dòng Phanxicô Truyền giáo ở Birmingham, Alabama, nước Mỹ đã tuyên
bố: “Cha Thánh Piô là một trong những người cầu bàu rất mạnh … Một
linh mục nói với tôi, có thể đây là một trong các thánh tích cực
nhất của Giáo hội”.
Linh mục Zeller có được thánh tích Cha Piô, cha cho biết chính mình
đã là chứng nhân của nhiều phép lạ sau khi cầu bàu với thánh tích
của ngài trong tay.
Mới đầu cha Zeller không sốt sắng đặc biệt gì với Cha Piô, nhưng một
năm sau khi đi San Giovanni Rotondo về và sau lần phong thánh Đức
Gioan-Phaolô II năm 2014, thì cha có một lòng sốt sắng với Cha Piô.
San Giovanni Rotondo là nơi Cha Piô đã ở suốt đời và phục vụ tại đó.
Sau khi tìm hiểu cuộc đời của Cha Piô, cha Zeller rất xúc động, cha
lấy hết can đảm để xin một trong các bề trên ở San Giovanni Rotondo
thánh tích của Cha Piô. Bề trên cho không những một mà hai thánh
tích, đó là mẫu băng có dính máu Cha Piô trong các dấu thánh của
ngài.
Cha Piô sinh ngày 25 tháng 5-1887 trong một gia đình mộ đạo ở
Pietrelcina, nước Ý. Cha có tên thật là Francesco Forgionele. Năm 15
tuổi cha vào Dòng Capuxinô. Cha nhận dấu thánh suốt 50 năm trong
cuộc đời của mình. Cha đã làm rất nhiều điều kỳ diệu và phép lạ,
chữa lành, soi thấu tâm hồn, bay lên khỏi mặt đất, ở hai nơi cùng
một lúc.
Linh mục Zeller cho biết, sau khi nhận hai thánh tích, cha trao lại
cho cộng đoàn của mình do Mẹ Angelica thành lập một thánh tích và
mình được phép giữ một thánh tích.
Cha nói: “Tôi luôn giữ thánh tích này trong người, vì tôi là Giám
đốc tổ chức hành hương của trụ sở EWTN ở Birmingham, nên tôi có dịp
cầu nguyện với nhiều người”.
Cha giải thích: “Tôi cầu nguyện với nhiều người và có những trường
hợp được chữa lành. Nhiều người đến sau một tháng, có khi sau một
năm cho tôi biết họ đã được lành nhờ cầu nguyện với thánh tích”.
Một kinh nghiệm như vậy đã xảy ra các đây vài tháng trong lần chữa
lành ở đền thánh Trái Tim Cực Thánh ở Hanceville nhân ngày lễ Đức Mẹ
Fatima, cha và hai linh mục khác cầu nguyện với hai thánh tích của
Cha Piô, cùng với chiếc găng của Cha Piô thuộc về Mẹ Angelica. Khi
cầu nguyện, một phụ nữ bị đau thần kinh tọa đến xin cầu nguyện cho
bà. Sau này bà đến nói với cha, khi về chỗ ngồi, bà nói với chồng
“tôi đã được lành”.
Chứng thần kinh tọa là bệnh đau lưng, rất đau và thường không dứt
hẳn nhưng phụ nữ này đã được lành hẳn sau khi cầu nguyện với thánh
tích.
Một trường hợp khác, sau một thời gian không lâu nhận thánh tích,
cha Zeller có dịp nói chuyện với bạn của mình và biết con gái 12
tuổi của họ bị đau tai lâu năm. Cha hỏi em bé xem cha có được cầu
nguyện với thánh tích cho em không, em đồng ý, “tôi cho mẹ em và cho
em thấy thánh tích và tôi hỏi em đau tai nào!”
Cha kể, khi cha vừa đặt thánh tích vào tai và bắt đầu cầu nguyện thì
em té xuống đất. “Em hoàn toàn tuột khỏi tay tôi. Tôi có thể níu em
lại, nhưng tôi không biết chuyện gì xảy ra, tôi rất sợ có chuyện gì
xảy đến cho em, nhưng em hoàn toàn vuột khỏi tay tôi và té xuống
đất. Cha cho biết khi mình đang lo thì mẹ của em bình tĩnh và nói
‘có thể là được chữa trong Thần Khí’”.
Cha nói: “Nhiễm trùng tai hoàn toàn khỏi hẳn, từ lúc đó theo những
gì tôi biết thì em không còn bị nhiễm trùng lại”.
Trong một trường hợp khác, có một phụ nữ bị đau tim trong vòng 40
năm, bà đau suốt đời, cha cho biết mình không có thì giờ để biết
thêm nhiều chi tiết nhưng bà khỏi hẳn sau khi cầu nguyện với thánh
tích của Cha Piô.
Cha giải thích: “Đây là câu chuyện dài hơn thế, nhưng bà lành hẳn”.
Cha cũng nhắc đến một trường hợp khác, một bà vừa đến nói với cha,
bà được lành bệnh nhờ cầu nguyện với thánh tích.
Nhắc đến các việc chữa lành lành, cha Zeller nhấn mạnh, không phải
cha chữa lành nhưng nhờ lời cầu bàu với Cha Piô.
Cha cho biết, cách đây vài năm mình không có một lòng sốt sắng đặc
biệt với Cha Piô, linh mục nói, cha cảm nhận có một nối kết bất ngờ
đến với mình vì Cha Piô chọn cha chứ không phải ngược lại.
Cha tuyên bố: “Một trong các giáo sư chủng viện thường hay nói với
chúng tôi, chúng ta không chọn các thánh, chính các thánh chọn chúng
ta. Nếu chúng ta có một cảm tính đặc biệt với thánh nào… Tôi nghĩ
thật sự các thánh đã chọn chúng ta, chứ không phải chúng ta chọn các
ngài”.
Cha Thánh Piô là “ người anh em vui vẻ”, cha Zeller giải thích mình
luôn nghĩ Cha Piô “rất nghiêm” và sợ cầu bàu với cha, sợ Cha Piô
nghiêm với mình. Tuy nhiên trong chuyến đi đến San Giovanni Rotondo,
cha hiểu Cha Piô hơn, theo cha Zeller, bề ngoài Cha Piô có vẻ nghiêm
là vì “ngài biết khi giáo dân không ăn năn hối cải”.
Cha nói: “Cha Piô lo cho sự cứu rỗi các tâm hồn. ngài quan tâm và
mang lòng thương xót Chúa, mang sự tha thứ của Chúa đến cho giáo
dân”.
Hàng năm vào tháng 9, nhân kỷ niệm ngày Cha Piô qua đời, giáo dân
khắp nơi tụ về giáo xứ Rôma San Salvatore ở Lauro, bên cạnh Piazza
Navona, Rôma, một trung tâm dành cho các sinh hoạt liên hệ đến ngày
lễ của Cha Piô. Tại đây có rất nhiều thánh tích của Cha Thánh Piô,
áo măng-tô, găng tay, khăn các phép và khăn thấm máu trong các dấu
thánh cha mang suốt 50 năm đời mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tượng
Cha Piô giúp Chúa Giêsu vác thánh giá ở nhà thờ Rôma San Salvatore
Trích
sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Carlo Campanini là một trong các người con thiêng liêng được Cha Piô
yêu mến, ông cũng là một diễn viên nổi tiếng, một ngày nọ ông nói
với chúng tôi: “Cha Piô thích kể chuyện đùa, về chuyện này cha giỏi
hơn tôi. Cha nắm được nghệ thuật làm ngắn gọn và đối đáp như một
diễn viên lớn”. Trên lãnh vực này, chúng ta có thể tin ở ông.
Một ký giả nổi tiếng viết: “Cha Piô là người có tài kể chuyện, sống
động và xuất sắc. Đặt cha vào chân tường, cha có thể dụ dỗ rất giỏi
để thoát ra. Nếu chưa thoát ra được, cha sẽ làm cho người đối diện
lạc hướng bằng những lối đi kỳ quái, những lời nói châm biếm. Cha có
thể viện đến tài bắt chước của nghệ sĩ mà một thính giả thông minh,
dù đã cảnh giác cũng không thể không mến chuộng. Nhưng nhất là nghệ
thuật ăn nói hóm hỉnh, một năng khiếu hiếm hoi không ai là không
thấy”.
Hơn nữa nghệ thuật ăn nói hóm hỉnh của cha không bao giờ là ngẫu
nhiên, cha dùng nó trong sứ vụ chức thánh của mình. Những câu chuyện
hài của Cha Piô thì nhiều vô số kể. Tôi chỉ ghi lại một số chuyện để
độc giả có một khái niệm về tính hài hước của cha.
Một tân
binh chuẩn bị đón vua
Một trung sĩ chuẩn bị cho một tân binh để anh này trả lời các câu
hỏi của vua khi vua đến thăm trại. Ông trung sĩ dạy cho anh học
thuộc lòng các câu vấn đáp sau:
– Anh mấy tuổi?
– Hai mươi hai tuổi.
– Anh phục vụ được bao nhiêu năm rồi?
– Hai năm.
– Anh nguyện phục vụ ai nhất: vua hay tổ quốc?
– Cả hai!
Ông vua đến, và xui xẻo cho anh, ông vua không hỏi theo thứ tự mà
anh tân binh học, nhưng hỏi như sau:
– Anh phục vụ được bao nhiêu năm rồi?
– Hai mươi hai năm.
– Anh mấy tuổi?
– Hai.
Ông vua sốt ruột kêu lên:
– Hoặc là anh ngu, hoặc tôi ngu!
Anh tân binh trả lời:
– Cả hai!
Cha Piô
cười trong khi nghe giảng
Một trong các bạn tu của Cha Piô thấy cha cười đang khi nghe giảng.
Người bạn hỏi thẳng cha: “Cha, vì sao hôm qua cha cười khi nghe
giảng về cái chết?”
Cha Piô trả lời bằng tiếng địa phương vùng Napoli: “Tôi phải làm gì
bây giờ? Tôi không thể nhịn được: một vài người giảng làm cho mình
cười bất cứ cái gì, kể cả cái chết!”
Cha Piô
không sợ sét đánh
Một ngày nọ, Cha Piô và một bạn đồng tu ở trong hành lang khi có cơn
giông bảo sấm sét lớn. Bạn của cha thấy sét đánh rất gần. Sợ hãi,
ông nói với cha và lưu ý cha vì họ ở gần cột điện, ông nói: “Cha, ít
nhất mình đi xa cột điện này. Ngày hôm qua, sét đánh chết mười
người!” Cha Piô trả lời: “Vậy thì sao phải sợ, mình không bị hiểm
nguy này, mình chỉ có hai!”
Cha Piô…
chỉ có hai mươi xu
Một ngày nọ, Cha Piô kể cho các bạn nghe câu chuyện những ngày đầu
cha nhận năm dấu thánh. Đó là năm 1922 hoặc 1923.
Một thợ chụp hình muốn khai thác sự kiện này, ông chụp vài tấm hình
Cha Piô. Trên thực tế, nó không thành công cho mấy nhưng ông cũng in
ra, ông giao cho một chú bé và nói nó đi bán hai mươi xu một tấm.
Chú bé không khôn ngoan, lảng vảng ở khu vực gần tu viện, em thấy
cha nghiêng người qua cửa sổ, vẻ mặt dễ sợ hét to: “Thằng bé kia! Ta
sẽ trừng trị con, con đã bán ta vì hai mươi xu!” Đứa bé sợ quá bỏ
chạy.
Cha Piô quay lại với các bạn và nói: “Dù vậy, ít nhất người ta có
thể bán tôi đắt hơn!”
“Đi nói
với giáo sư Lunedei…”
Một diễn viên nổi tiếng kể một trong những người bạn của anh được
một giáo sư bác sĩ rất giỏi ở Florence săn sóc, người bạn kể với bác
sĩ là ông muốn đến San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô. Vị giáo sư
than trời: “Sao! Bạn đi gặp ông cuồng loạn đó sao? Về mặt khoa học,
đó là người cuồng loạn! Cứ nghĩ đến Chúa Giêsu bị đóng đinh thì dấu
thánh sẽ đến!”
Các lời nói này không làm lung lay ông, ông lên đường. Khi gặp Cha
Piô và xưng tội xong, ông kể cho Cha Piô nghe lời ông bác sĩ nói.
Cha trả lời: “Khi con về gặp giáo sư bác sĩ, con nói ông nên nghĩ
nhiều về con bò để xem mình có mọc sừng không!”
Tổng
thống nước Cộng hòa đến thăm…
Một ngày nọ, Tổng thống nước Cộng hòa Antonio Segni đến thăm Cha
Piô. Ông giới thiệu phái đoàn đi cùng, trong đó có dân biểu Russo.
Khi Cha Piô nghe chữ “Russo” (Nga)
Cha Piô hỏi: “Trọng kính Đức Vua, vì sao Ngài chỉ mang đến một người
Nga đến? Xin Ngài mang nhiều người Nga đến cho tôi!”
“Với cái
đầu của con…”
Một trong các bà được cho là người làm “say đắm”, theo năm tháng bà
già đi, xấu đi và chỉ còn là cái bóng của mình.
Bà bắt đầu suy nghĩ đến những chuyện phù du của cuộc đời và cảm thấy
cần bám vào các giá trị vững bền. Bà quyết định đi xưng tội với Cha
Piô.
Nhưng để đến gần cha, bà phải ghi tên và chờ đến lượt mình. Bà không
nản lòng, ngược lại là đàng khác, để chắc ăn được gặp cha, bà ghi
tên hai lần. Bà kiên nhẫn chờ và khi đến lượt mình, bà đi xưng tội.
Ngày hôm sau đến lần thứ nhì, nhưng khi cha thấy bà, cha nói: “Con
mới xưng tội hôm qua, con cần gì ở cha nữa?”
– Nhưng từ hôm qua đến nay, con có thể có thêm tội!
– Đi đi! Với cái đầu của con, không phải dễ phạm tội như con nghĩ
đâu!”
Một sự
tiếp đón trớ trêu
Một ngày nọ có hai nghệ sĩ đến thăm Cha Piô. Khi cha thấy họ ở hành
lang, cha kêu lên: “Nhìn kìa các vẻ mặt này!”
Sau đó, người tháp tùng giới thiệu họ với cha: “Thưa cha, các nghệ
sĩ này bây giờ quyết định không làm việc với cái chân của họ nữa, họ
bắt đầu làm việc với cái đầu”, Cha Piô cắt gọn: “Thì họ cứ làm! Quan
trọng là họ sửa sai”.
Rồi khi từ giã họ, cha nói: “Quý vị tiếp tục hạ mình nhé! Tóm lại,
quý vị chưa bao giờ được vinh dự! Quý vị thay đổi ngay, nếu không
tôi đuổi quý vị!”
“Nào, đã
đến lúc!”
Linh mục Costantino Capobianco kể, với thời gian cha không còn nghe
gì và cha rất khổ vì bị như vậy. Để giúp cha, cha Bề trên mua cho
cha máy trợ thính, cha nghe được hơn.
Một ngày nọ, trong một buổi trò chuyện, Cha Piô hỏi xem nếu không có
máy trợ thính cha Costantino có nghe được không. Cha trả lời mình sẽ
không nghe được gì. Cha Piô xin cha rút máy ra một lúc, và khi cha
Costantino rút máy ra, Cha Piô nói với các bạn: “Nào, bây giờ mình
có thể nói xấu cha Costantino!”
“Vậy thì
lỗi ở ai?!”
Cha Carmelo da Sessano là cha Bề trên tu viện khi cha nhận lệnh của
Rôma, cho phép một nhóm nhân viên đài truyền hình đến quay phim một
vài sinh hoạt hàng ngày của Cha Piô. Cha Piô phải chịu vì cha Bề
trên xin Cha Piô để cho họ làm. Cha nghĩ là họ sẽ không quay lâu.
Khi cha rời phòng để xuống nhà nguyện dâng thánh lễ thì cha thấy
nhóm quay phim đang chuẩn bị quay. Rồi cha đến dâng lễ ở bàn thờ
Thánh Phanxicô nơi cha dâng lễ thời đó. Nhưng khi nghe tiếng máy
quay phim kêu rè rè thì cha bực mình, quay phắt lại và kêu lên:
“Hoặc là quý vị ngừng, hoặc là tôi ngừng! Tôi đi và tôi không làm
lễ!”
Và thế là họ phải ngưng quay phim như dự trù, nhưng sau đó họ cũng
quay lại, lúc được lúc không các sinh hoạt trong ngày của Cha Piô,
ngài thì cố gắng không để ý nhiều chừng nào hay chừng đó và cũng
giảm quay phim nhiều nhất có thể. Khi quay xong, cha Bề trên cho Cha
Piô biết, tất cả nhân viên quay phim muốn cám ơn cha và muốn được
cha ban phép lành. Cha Piô chấp nhận và tiếp nhóm quay phim, họ xin
lỗi đã làm phiền cha; rồi họ cũng nói không phải lỗi của họ, họ chỉ
tuân hành lệnh của cấp trên.
Khi đó Cha Piô cha phản hồi với giọng yếu ớt: “Quý vị nhận lệnh và
đó không phải là lỗi của quý vị. Cha bề trên tu viện nhận lệnh và đó
không phải lỗi của cha. Các cha bề trên Tỉnh Dòng nhận lệnh và đó
không phải lỗi của họ. Vậy thì… lỗi của ai?…”
“Cha phải
ban phép lành như thế nào đây? Đổ một xô nước trên đầu con sao?”
Cô Grazia, một nông dân 29 tuổi bị mù từ bẩm sinh, cô thường hay đi
lễ ở ngôi nhà thờ nhỏ của tu viện San Giovanni Rotondo. Một ngày nọ
Cha Piô hỏi cô Grazia cô có muốn thấy không. Cô trả lời rất muốn,
miễn là ơn này không làm cho cô phạm tội. Cha nói cô sẽ lành và cha
gởi cô đến bác sĩ Durante, một bác sĩ giải pháp rất giỏi ở Bari.
Khi khám cho cô, bác sĩ nói giải phẫu cũng sẽ không làm cho cô
thấy.. Ông khuyên cô nên xin Cha Piô làm phép lạ… Nhưng vợ của ông
bác sĩ có mặt ở đó, bà nói nếu Cha Piô gởi bệnh nhân này đến là dấu
hiệu bác sĩ có thể làm một cái gì. Vì sao mình không thử? Được
thuyết phục, ông bác sĩ mổ cho bệnh nhân.
Ông mổ một con mắt… và cô Grazia thấy được với con mắt này. Ông mổ
con mắt thứ nhì và Grazia thấy cả hai mắt. Ông bàng hoàng và không
thể tìm được một lời giải thích nào đứng vững! Khi về lại San
Giovanni Rotondo, cô Grazia chạy như bay đến cám ơn Cha Piô. Cô quỳ
gối xuống trước mặt cha, người lần đầu tiên cô thấy, cô nói cho cha
biết niềm vui, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của mình. Cha Piô đứng
bất động nhìn cô, im lặng và mỉm cười. Cô Grazia xin cha ban phép
lành, cha làm dấu thánh giá trên trán cô. Nhưng cô Grazia cứ nài nỉ:
“Xin cha ban phép lành cho con, xin cha ban phép lành cho con!”
Rốt cùng Cha Piô phải kêu lên: “Cha phải ban phép lành như thế nào
đây? Đổ một xô nước trên đầu con sao?!”
Marta An Nguyễn dịch
Ngày 16/11/2021, giữa đại dịch toàn cầu vẫn còn hoành hành, trong chuyến
Hành Hương Đức Tin - Chứng Tích Phục Sinh 12 ngày 8-19/11/2021,
phái đoàn TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương) đã đến San Giovanni
Rotondo để kính viếng Cha Thánh Piô Năm Dấu
vào một buổi sáng mưa duy nhất trong suốt thời gian hành hương, và
đã chụp được một số hình ảnh sau đây:
Một ngày kia, người con gái thiêng liêng của Cha Thánh Piô 5 dấu thưa
cùng ngài rằng: "Bởi thế mà Cha là tất cả mọi sự của mọi người" (Tu
dunque, sei tutto de tutti"), ngài liền trả lời rằng:
"Tôi không là tất cả của mọi người. "Mỗi
người trong các con có thể nói rằng: Cha Piô là của tôi"
(No,
sono tutto di ognuno. Ognuno
di voi può dire: “Padre Pio è mio!“). Câu
tiếng Ý trước bệ chân tượng của ngài là như thế.
Bàn thờ này đã từng là nơi cử hành Thánh lễ rất sốt sắng của Cha Thánh
Piô 5 Dấu
Tòa giải tội đã từng được Cha Thánh Piô 5 Dấu bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày
để cho LTXC có thể gặp gỡ và băng bó nhiều bao nhiêu có thể các tâm hồn
"tan nát khiêm cung" của tội nhân tìm về với LTXC.
Biết bao nhiêu là thư tù linh hướng ngài viết. Có lẽ chỉ vì mất giờ đọc
từng bức thư này trong tiến trình điều tra phong thánh cho ngài mà đã
phải mất 15 năm (1982-1997) ngài mới được ĐTC GP II phong á thánh.
Chính số thư từ khổng lồ chưa từng thấy này tự chúng đã là một sự lạ cả
thể về vị thánh rồi, ở chỗ, cả ngày ngài giải tội và dâng lễ hằng giờ
đồng hồ, thì còn giờ đâu mà ngài đã viết vô vàn thư từ như thế chứ?!
Thân thể của
ngài trước đây được trưng bày trong ngôi mộ ở Nhà Thờ Đức Mẹ Ban Ơn này,
nhưng nay đã được dời về Đền Thánh Piô 5 Dấu, không còn ở ngay chỗ này
nữa.
Ngày nay có khoảng 7 triệu khách hành hương hằng năm đến hành hương, Nhà
Thờ Đức Mẹ Ban Ơn không thể nào đáp ứng nhu cầu hành hương của số lượng
người khổng lồ như thế,
mới xuất hiện Nhà Thờ Thánh Piô, nơi có thể chứa được 7 ngàn người ở bên
trong, chưa kể bên ngoài quảng trường dọc theo nhà thờ còn có thể chứa
được thêm cả ngàn người nữa.
Các đau khổ không lúc nào từ bỏ Cha Pio. Vào cuối năm 1966, Cha không
thể đứng để cử hành thanh lễ, bắt buộc phải ngồi trong suốt thánh lễ.
Cha cũng không thể đi từ phòng ở đến Tòa giải tội đặt trong nhà thờ. Ngày
20 tháng 9 năm 1968, kỷ niệm 50 năm lãnh nhận dấu thánh. Trong dịp
này, Ðại hội quốc tế các nhóm cầu nguyện được tổ chức; nhưng Cha Pio
không thể tham dự, vì ngài sắp qua đời. Lúc 2g30 ngày 23 tháng 9 năm
1968, Cha đã tắt thở. Lúc các Bác sĩ và các Tu sĩ mặc áo lễ cho Cha,
các vết thương biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết nào cả.