GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 30/10/2005

TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

 

?   ĐTC Biển Đức XVI - Sứ Điệp Kỷ Niệm 40 Năm (28/10/1965-2005) Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” của CĐ Vaticanô II: “Một Kỷ Nguyên Mới cho Mối Liên Hệ với Nhân Dân Do Thái

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới” (tiếp)

?    Tượng Đức Mẹ Khóc ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Việt Nam

 

?   ĐTC Biển Đức XVI - Sứ Điệp Kỷ Niệm 40 Năm (28/10/1965-2005) Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” của CĐ Vaticanô II: “Một Kỷ Nguyên Mới cho Mối Liên Hệ với Nhân Dân Do Thái

 

Kính gửi Huynh Đáng Kính

Hồng Y Walter Kasper

Chủ Tịch Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Những Người Do Thái

 

Bốn mươi năm đã qua đi từ ngày vị tiền nhiệm của tôi là Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành Tuyên Ngôn của Công Đồng Chung Vaticanô II về mối liên hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo “Nostra Aetate”, một tuyên ngôn đã mở ra một tân kỷ nguyên của mối liên hệ với nhân dân Do Thái và cống hiến một nền tảng cho việc đối thoại chân thành về thần học. Việc kỷ niệm này cho chúng ta nhiều lý do để bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa Toàn Năng về chứng từ của tất cả những ai, bất chấp một lịch sử phức tạp và thường đau thương, nhất là sau biến cố thảm thương Shoah, một biến cố bị ảnh hưởng bởi ý hệ duy chủng ngoại đạo, đã can đảm hoạt động để nuôi dưỡng việc hòa giải và cải tiến mối thông cảm giữa những người Kitô hữu và Do Thái.

 

Trong việc đặt nền tảng cho mối liên hệ mới mẻ giữa Nhân Dân Do Thái và Giáo Hội, Bản Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải thắng vượt những thành kiến, hiểu lầm, lạnh lùng cũng như ngôn từ khinh khi và hận thú của quá khứ. Bản Tuyên Ngôn này đã từng là cơ hội để hiểu biết và tôn trọng nhau hơn, để hợp tác và thường thân tình giữa những người Công giáo và Do Thái hơn. Bản Tuyên Ngôn này cũng thách đố họ trong việc nhìn nhận những nguồn gốc thiêng liêng chung của họ và cảm nhận gia sản phong phú về đức tin của họ nơi Vị Thiên Chúa Duy Nhất là Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã thiết lập giao ước với Dân Tuyển Chọn, đã tỏ cho biết các giới răn của Ngài, và đã dạy là hãy hy vọng vào những lời hứa hẹn cứu độ mang đến niềm tin tưởng và niềm ủi an cho các cuộc chiến đấu trong cuộc đời.

 

Nhân dịp kỷ niệm này, dịp chúng ta nhìn lại 4 thập niên của những giao tiếp tốt đẹp giữa Giáo Hội và Nhân Dân Do Thái, chúng ta cần lập lại việc dấn thân của chúng ta cho những gì vẫn cần phải được thực hiện. Về vấn đề này, từ những ngày đầu tiên Giáo Triều của mình, nhất là trong cuộc tôi viếng thăm mới đây tại Hội Đường Do Thái ở Cologne, tôi đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ của mình trong việc bước đi theo vết chân của vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

 

Việc đối thoại giữa người Do Thái và Kitô hữu cần phải được tiếp tục để làm thăng hoa và đào sâu các mối giây thân hữu đã từng được phát triển, trong khi đó cũng cần phải thực hiện việc giảng dạy và giáo lý để bảo đảm là mối liên hệ với nhau của chúng ta được trình bày theo chiều hướng của các nguyên tắc được Công Đồng này đề ra. Nhìn đến tương lai, tôi hy vọng rằng trong cả việc đối thoại về thần học cũng như nơi các giao tiếp và hợp tác hằng ngày, Kitô hữu và người Do Thái sẽ cống hiến một chứng từ chung, có sức thu hút hơn bao giờ hết, cho Vị Thiên Chúa Duy Nhất và cho các giới luật của Ngài, cho tính cách linh thánh của sự sống, cho việc cổ võ phẩm vị con người, cho quyền lợi của gia đình và cho nhu cầu xây đắp một thế giới công lý, hòa giải và hòa bình cho các thế hệ mai hậu.

 

Nhân dịp kỷ niệm này, xin huynh tin tưởng rằng tôi nguyện cầu cho huynh và cho những ai trợ giúp huynh, cũng như cho tất cả những ai dấn thân nuôi dưỡng việc hiểu biết và cộng tác hơn giữa Kitô hữu và Do Thái hợp với tinh thần của “Nostra Aetate”. Tôi thân ái xin Chúa ban phúc lành khôn ngoan, vui mừng và an bình cho tất cả mọi người.

Tại Vatican ngày 26/10/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/10/2005

 

 

TOP

 

 

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”

 

(tiếp 27 Thứ Năm, 28 Thứ Sáu 29 Thứ Bảy)

 

Trong phiên họp chung thứ 20 hôm Thứ Sáu 21/10/2005, các vị nghị phụ đã chấp thuận Sứ Điệp của Thượng Nghị Giám Mục gửi Dân Chúa khi kết thúc biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI. Sau đây là nguyên văn bản sứ điệp này:

 

Những Thách Đố Cho Một Cuộc Canh Tân về Thánh Thể

 

12.       Đời sống của các Giáo Hội chúng ta cũng được đánh dấu bằng những bóng tối và những trục trặc chúng ta không thể bỏ qua. Trước hết, chúng ta nghĩ đến tình trạng mất cảm thức tội lỗi và cuộc khủng hoảng liên lỉ nơi việc thực hiện Bí Tích Thống Hối. Cần phải tái nhận thức được ý nghĩa sâu xa của bí tích ấy; bí tích này là việc hoán cải và là một cách chữa trị quí báu được Chúa Kitô phục sinh cống hiến để thứ tha tội lỗi (x Jn 20:23) cũng như để gia tăng tình yêu đối với Người cũng như với anh chị em của chúng ta.

 

Thật là lạ lùng khi nhận thấy rằng càng ngày càng nhiều giới trẻ, khi được học hỏi giáo lý đàng hoàng, thực hành việc xưng thú tội lỗi của họ, chứng tỏ rõ ràng cái ý thức về việc hòa giải cần thiết để xứng đáng Hiệp Lễ. 

 

13.       Tuy nhiên, việc thiếu hụt các vị linh mục để cử hành Thánh Thể Chúa Nhật làm cho chúng ta cảm thấy rất ư là âu lo và mời gọi chúng ta hãy nguyện cầu và chủ động hơn nữa trong việc cổ võ ơn gọi linh mục. Có một số vị linh mục, vì trường hợp khó khăn cả thể, đã buộc phải cử hành nhiều lần và đi từ nơi này đến nơi khác để hết sức đáp ứng nhu cầu của tín hữu. Các vị thật đáng cho chúng tôi hết lòng cảm nhận và liên kết. Chúng tôi cũng gửi lời cám ơn đến nhiều vị thừa sai nhiệt thành loan báo Tin Mừng khiến chúng tôi cho đến hôm nay vẫn trung thành với lệnh truyền của Chúa trong việc ra đi khắp thế giới và làm phép rửa nhân danh Người (x Mt 28:19).

 

14.       Đàng khác, chúng ta cũng cảm thấy lo âu vì tình trạng thiếu vắng linh mục khiến không thể cử hành Thánh Lễ, cử hành Ngày của Chúa. Có những hình thức khác nhau của việc cử hành đã diễn ra ở các châu lục khác nhau bởi thiếu linh mục. Tuy nhiên, có thể và cần phải được phát động và giải thích hơn nữa việc thực hành “mối hiệp thông thiêng liêng” rất thân thương với truyền thống Công giáo để giúp cho tín hữu trong cả việc chịu lễ theo bí tích một cách tốt đẹp hơn, lẫn việc mang lại niềm ủi an chân thực cho những ai, vì những lý do khác nhau, không thể lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô bằng cách hiệp lễ. Chúng tôi tin rằng việc thực hành này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho những ai lẻ loi cô độc, nhất là những người bị tật nguyền, già lão, những người bị tù tội và tị nạn.

 

15.       Chúng tôi biết tới nỗi buồn sầu của những ai không thể đến với việc hiệp thông bí tích vì tình trạng gia đình của họ không hợp với giới luật của Chúa (x Mt 19:3-9). Một số người ly dị tái hôn đau lòng chấp nhận việc họ không thể hiệp lễ và họ hiến dâng nó cho Chúa. Những người khác không hiểu được việc hạn chế này và sống với một tâm trạng nản chán. Chúng tôi xin tái xác nhận là, dù chúng tôi không tán thành việc lựa chọn của họ (x CCC 2384), họ vẫn không bị loại trừ khỏi đời sống của Giáo Hội. Chúng tôi xin họ hãy tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, nhờ đó, họ có thể nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ, đời sống yêu thương và hoác cải của họ. Chúng tôi muốn nói cùng họ là chúng tôi gần gũi họ biết bao ở lời nguyện cầu và quan tâm mục vụ. Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa cho chúng ta biết trung thành tuân theo ý muốn của Người.

 

16.       Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, ở một số miền, đang bị suy giảm cảm quan về điều linh thánh, chẳng những ảnh hưởng tới việc tín hữu chủ động và hữu hiệu tham dự Thánh Lễ, mà còn đến cả cách thức can phải cử hành cũng như đến chứng từ Kitô hữu được kêu gọi thực hiện. Chúng tôi tìm cách phục hồi, nhờ Thánh Thể, cảm quan và niềm vui thuộc về cộng đồng Công giáo, vì tình trạng gia tăng số người bỏ Giáo Hội xẩy ra tỏ tường ở một số quốc gia. Sự kiện suy thoái Kitô giáo đòi phải thực hiện việc đào luyện tốt đẹp hơn đời sống Kitô hữu trong gia đình, nhờ đó, việc sống bí tích được phục hồi và đích đáng cho thấy cái nội dung của đức tin. Thế nên chúng tôi kêu gọi những người làm cha làm mẹ, các vị mục tử và các giáo lý viên hãy hoạt động cho việc tái thiết một đường lối cho vấn đề truyền bá phúc âm hóa và giáo dục đức tin vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ này.


17.       Trước vị Chúa của lịch sử và tương lai của thế giới, thì thành phần nghèo khổ của hết mọi thế hệ và của ngày hôm nay đây, con số những nạn nhân của bất công cùng với tất cả những ai bị lãng quên trên thế giới gia tăng hơn bao giờ hết này đang là những gì thách đố chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cho đến tận thế. Những nỗi khổ đau này không thể là những gì ở ngoài lề việc cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm triệu mời chúng ta tất cả hoạt động cho công lý và cho việc biến đổi thế giới một cách chủ động và ý thức, theo đường hướng giáo huấn xã hội của Giáo Hội là giáo huấn cổ võ tính cách chủ yếu và phẩm vị của con người.


”Chúng ta không thể đánh lừa mình: tình yêu thương nhau và nhất là việc chăm sóc chúng ta tỏ ra cho những ai đang cần đến chúng ta sẽ là những gì cho thấy rằng chúng ta sẽ được nhận biết là thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô (x Jn 13:35; Mt 25:31-46). Đó là tiêu chuẩn sẽ chứng thực tính chất chuyên chính của việc chúng ta cử hành Thánh Thể” (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, Mane nobiscum Domine, 28).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2005

 TOP

? Tượng Đức Mẹ Khóc ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Việt Nam

LTS. Chúng tôi nhận được tin này từ điện thư của Công Giáo Việt Nam tối ngày Thứ Bảy 29/10/2005, tin được trích từ tờ báo điện từ take2tango.com. Chúng tôi không biết sự kiện ra sao. Do đó, chúng tôi phổ biến với tính cách dè dặt. Lý do là vì, nếu quả thật sự kiện hoàn toàn không sai thì là điều cần phải loan truyền càng sớm càng tốt. Khi phổ biến sự kiện lạ về Thánh Mẫu này, sự kiện xẩy ra vào ngay ngày Thứ Bảy cuối Tháng Mân Côi, trong năm 2005 là năm đầy những biến cố làm cho con người cảm thấy hoang mang trước bao nhiêu là dấu chỉ thời đại đang chú ý: Chị Lucia là một vị thụ khải Fatima cuối cùng qua đời ngày 13/2, Đức Gioan Phaolô II qua đời ngày 2/4, bão tố xẩy ra khắp nơi (ở New Orleans Hoa Kỳ tháng 8-9, ở Việt Nam 9-10), Lở Đất ở Guatemala Trung Mỹ (9/10), Động Đất ở Pakistan (8/10), Thánh Địa lại trở nên bạo loạn (26-27/10), Iran muốn loại trừ Do Thái khỏi bản đồ thế giới (26-28/10/2005), đại dịch cám gia cầm đang tràn lan tới Âu Châu (từ tháng 10) v.v. Biến cố được loan tải này làm cho chúng tôi nhớ đến lời của một vị linh mục lão thành nổi tiếng hiện còn sống ở Việt Nam viết trước Đại Năm Thánh 2000 cho một hội đoàn do ngài thành lập những lời lẽ (chúng tôi còn giữ bức thư tay ngài viết) như sau:

"Anh chị em còn nhớ đến quê hương Đất Tổ là rất đúng rất hay, vì quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta tuy bé nhỏ và bề ngoài coi như là bất hạnh, nhưng lại được Cha Má trên trời ưu ái đặc biệt tuyển chọn làm nơi Vinh quang vĩ đại cho Chúa Giêsu và Mẹ rất thánh của Người trong Kỳ Tái lâm. Cũng như xưa Chúa chọn dân Do Thái làm nơi sinh ra và chết, thì Chúa cũng chọn Dân tộc Việt Nam làm nơi Chúa Giêsu và Mẹ Thánh của Người sẽ Tái Lâm và ở với con cái Việt Nam như vậy. Gần đây và rất gần đây rồi... Chúa Giêsu và Mẹ Maria xuống ở với dân tộc Việt Nam chúng ta và làm cho Dân Tộc Việt Nam bé nhỏ và coi như bất hạnh, được trở thành Vinh Quang Vĩ Đại cho toàn thể nhân loại, như một Thiên Đàng trần gian vậy. Anh chị em Tin tưởng chờ đợi, đón nhận Tình yêu thương bao la vô biên của Cha Má trên trời đối với dân tộc Việt Nam bé nhỏ của chúng ta".

Dĩ nhiên hiện tượng Thánh Mẫu mới được loan tin xẩy ra ở Việt Nam và những lời lẽ trên đây của vị linh mục ở Việt Nam là những gì không buộc phải tin. Chúng tôi chỉ phổ biến để tùy độc giả cảm nghiệm. Biết đâu đó thực sự lại là những dấu chỉ thời đại thì sao? Điều quan trọng là chúng ta cần phải làm sao để luôn tỉnh thức hầu kịp thời đáp ứng. Sau đây là nguyên văn bản tin chúng tôi nhận được xin mời quí vị đọc rồi suy nghĩ và chờ đợi.

"Hàng chục ngàn người đang bao quanh nhà thờ Đức Bà để xem một hiện tượng chấn động... Đức Mẹ Khóc - Giòng lệ chảy bắt đầu từ lúc 4 giờ chiều ngày 29 tháng 10 - 2005  và tiếp tục lăn trên má. Số người đổ xô về ngày một đông, phái viên điện báo Take2Tango đã thu được đoạn phim hình ảnh sống động đó và sẽ chiếu Online cho mọi người cùng xem vào đêm hôm nay - tối thứ bảy. Tin hay không tin xin bạn xem đoạn phim để biết rỏ....

"Chi tiết sơ khởi: 8 giờ tối 29 tháng 10 - 2005 ... Tôi nhận được 1 tin nhắn nóng hổi: 'Chị ơi, chị có tin là TƯỢNG ĐỨC MẸ NHÀ THỜ ĐỨC BÀ đang khóc, nhiều người đổ ra xem, chị đến đó đi'... Tôi ngờ vực, chưa tin và nghĩ có lẽ do nước mưa nhưng cũng rủ một người em chạy xe ra Nhà thờ Đức Bà để coi sự thật ra sao...?. Tới nơi , tôi thấy rất nhiều người và xe đã đứng đầy nơi đây. Tôi len vô đám đông và tới gần Tượng Đức Mẹ... Tôi thấy rùng mình khi thấy rõ giọt nước mắt chảy từ nơi khóe mắt phải của Đức Mẹ rớt xuống cằm... Không ai có thể giải thích nổi giọt nưóc mắt đó từ đâu... chỉ có điều ai cũng công nhận rằng đó rõ ràng là giọt nước mắt thật sự chảy ra từ Bức Tượng Đức Mẹ...

"Tôi quay về nhà lấy máy hình để ghi lại hiện tượng đó... Lúc đó là khoảng 23 giờ khuya ... Lúc này các ngả đường xung quanh Nhà Thờ Đức Bà người xe chật cứng như nêm... Có lẽ đã có vài chục ngàn người tập trung nơi đây để chứng kiến cảnh tượng có một không hai này... Tôi cố gắng lắm mới len nổi thân hình vô được gần Tượng Đức Mẹ ... Các Giáo dân Sàigòn đã đổ dồn về nơi đây, người tụng kinh, người thút thít khóc...

 

"Họ cho rằng đây là điềm gì gở đối với nhân gian... Cho rằng nước mắt nhỏ ra từ Bức Tượng Đức Mẹ là khóc cho thế gian đầy tội lỗi... và cho rằng sẽ có biến chuyển gì lớn sắp tới... Tôi không theo Đạo Chúa... Nhưng cũng nghĩ rằng đó là dấu hiệu báo điềm gì đó chẳng lành cho một Dân Tộc hay cả Thế Giới đau thương này...

 

"Tôi nghe kể lại là khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tháng 10,  có một giáo dân đã nhìn thấy nước mắt chảy từ khoé mắt Tượng Đức Mẹ, rồi tin đó dần được lan ra khắp nơi...  Lần đầu tôi nhìn thấy lúc 20 giờ giọt nước mắt chảy từ khóe mắt phải tới cằm... khi quay lại để ghi hình lúc 11 giờ đêm, thì giọt nước mắt đó đã chảy tới dưới cằm xuống cổ... Nó càng minh chứng đó thực sự là giọt nước mắt chảy ra từ Tượng Đức Mẹ ...

 

"Biết bao nhiều giáo dân đã đổ về đây cầu nguyện... Cảnh sát , Công an, đúng đầy đường để giữ an ninh sợ có gì xách động... Thật là một  hiện tượng lạ lùng không thể giải thích !!!"

 

xin mời mọi người cùng xem...

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ