GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 30/9/2005

 

1)   XIN CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO Số 7 tại Việt Nam của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI

2) Tòa Thánh Vatican tại Cuộc Tranh Luận Chung Phiên Họp Thứ 60 của Tổng Hội Đồng LHQ

3) “Vai Trò của Giáo Hội Công Giáo trong Tiến Trình Âu Châu Hội Nhập” (tiếp)

   

 

 
XIN CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO Số 7 tại Việt Nam

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI

 

 72/12 Trần Quốc Toản. P.8, Q.3, TP.HCM

 Email: ubbaxh_vn@hcm.vnn.vn

 ĐT: 08.8208716

 VT. số 38/05/VT/UB BAXH                                Việt Nam, ngày 28-9-2005 

Anh chị em thân mến,

Đất nước chúng ta bắt đầu vào mùa bão tố hàng năm thường từ tháng 8 đến tháng 12. Chưa khắc phục được những thiệt hại từ cơn bão số 6 vừa qua, chúng ta lại phải đối mặt với những thiệt hại to lớn do cơn bão số 7 đã đổ vào một số tỉnh ven biển, từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh, ngày 27-9-2005 . Đây có thể nói là cơn bão mạnh nhất trong 9 năm qua với sức gió lên tới cấp 12. Nhờ đã chuẩn bị trước với sự tích cực phòng chống của toàn dân nên thiệt hại về nhân mạng tương đối ít. Tính đến 23g ngày 27-9, có 5 người chết 13 người bị thương. Tuy nhiên số thiệt hại về vật chất lại rất lớn do đê điều bị vỡ ở một số nơi, nước biển tràn đồng, hàng chục ngàn mẫu ruộng mất trắng và phải tẩy mặn nhiều năm sau. Nhiều nhà cửa, trường học, cơ sở, đường xá bị tàn phá hư hại. Hàng chục ngàn người lâm cảnh đói khổ, màn trời chiếu đất, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đứng trước thảm cảnh của đồng bào không ai trong chúng ta lại không xót xa và cố gắng tìm mọi phương cách cứu giúp, chia sẻ đau thương với các nạn nhân cũng như giúp đỡ nhau ổn định lại cuộc sống.

Vì vậy Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN thiết tha kêu gọi anh chị em tín hữu khắp nơi cũng như các thành viên thuộc Uỷ ban các cấp từ giáo xứ, giáo phận đến trung ương hãy tích cực góp công góp của cùng với đồng bào cả nước, không phân biệt lương giáo, cứu giúp anh em đồng bào nạn nhân bão lụt. Nhân đây một lần nữa, chúng tôi xin cám ơn anh chị em đã quảng đại giúp đỡ nạn nhân sóng thần ở các nước Đông Á và Nam Á trong tháng 12-2004.

Trong tinh thần đó, HĐGM VN chính thức mở cuộc lạc quyên trong suốt tháng Mười, tháng Đức Mẹ Mân Côi, để xin Đức Mẹ chuyển cầu cho các nạn nhân. HĐGM VN cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân đã bị chết trong cơn bão vừa qua.

Số tiền và phẩm vật thu được xin gửi về các Ban Bác ái Xã hội Giáo phận để các ban này chuyển về UB BAXH thuộc HĐGM VN,

địa chỉ: 72/12 Trần Quốc Toản, F.8, Q.3, Tp.HCM.

Điện thoại: 08 8208716.

Các ngân phiếu xin gửi về Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH, theo tài khoản ngân hàng sau đây.

(đối với người trong nước, tiền đồng Việt Nam):

Ngân hàng:   Vietcombank, chi nhánh Bến Thành

Chủ tài khoản:       Nguyễn Ngọc Sơn

Số tài khoản:          007 1002360855

Cif:                        1088791

(đối với người nước ngoài)

Bank:           Vietcombank

Bank for Foreign Trade of Vietnam

Hochiminh City Branch

Address: 29 Ben Chuong Duong Str. Dist.1

Hochiminh City, Vietnam

Tên:   Nguyễn Ngọc Sơn

Address 1B Ton That Tung, Dist 1, HCM City Vietnam

 

Account number    USA: 007137 2360 874

                             Euro: 0071142360889

Cif:                       1088791

SWIFT CODE:     BFTVVNVX 007

CHIPS UID:                    CH 343773

Chúng tôi xin Chúa ban thưởng cho lòng quảng đại của anh chị em. Cầu chúc anh chị em luôn an mạnh, dồi dào ơn Chúa và sẵn sàng ra đi phục vụ những người yếu kém như Người Mẹ Thánh của chúng ta khi đến nhà Ông Bà Dacaria (Lc 1,39-45).       

KínhThư                                                                                                                                    

                 

                   

 Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan              + Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà

Chủ Tịch UB BAXH                                                 Chủ Tịch HĐGM VN           

 

TOP

 

Tòa Thánh Vatican tại Cuộc Tranh Luận Chung Phiên Họp Thứ 60 của Tổng Hội Đồng LHQ

 

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở LHQ, hôm Thứ Sáu 23/9/2005, đã tham dự Cuộc Tranh Luận Chung Phiên Họp Thứ 60 của Tổng Hội Đồng LHQ. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của vị đại diện Giáo Hội Công Giáo nhận định và khuyến nghị.

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Cuộc thượng nghị đánh dấu 60 năm LHQ đã qua, thế nhưng, để cuộc thượng nghị ấy được hoàn trọn, công việc của chúng ta nơi đây là những gì cần phải được xây dựng trên bản văn kiện Đúc Kết của nó, hầu hoàn thành một cách sáng suốt và cương quyết những gì đã được đồng ý đối với vấn đề canh tân cải cách.

 

Tòa Thánh, khi cẩn thận theo dõi việc khai triển của bản văn kiện Đúc Kết, tán thành nhiều điều trong số những gì đã được phác họa ra. Tuy nhiên, việc thiếu đồng thuận về việc kiểm soát các thứ vũ khí và các vấn đề thôi leo thang nguyên tử là những gì đáng tiếc đã xẩy ra. Tôi cũng muốn thêm ngay từ đầu ở đây là Tòa Thánh hiểu những qui chiếu về cả hai Hội Nghị Quốc Tế ở Cairô và Bắc Kinh, cũng như về vấn đề sức khỏe sản sinh ở đoạn 57 (g) và 58 (c), theo chiều hướng là nó được bộc lộ ra nơi những Điều Hạn Chế của nó cùng với những câu giải thích ở tại những cuộc Hội Nghị ấy, tức là, khi áp dụng vào một thứ quan niệm chữa trị toàn diện về sức khỏe không coi việc phá thai hay cách để phá thai như là một chiều kích của những từ ngữ này. Ngoài những cảnh giác này ra thì bản văn kiện đây là những gì căn bản để áp dụng và tiếp tục bàn luận về vấn đề canh tân cải tổ Liên Hiệp Quốc.

 

1.         Vấn Đề Hòa Bình và An Ninh


Bởi những thảm cảnh diệt chủng, những tội ác chiến tranh, việc thanh lọc chủng tộc và những tội ác phạm đến nhân loại mà trách nhiệm bảo vệ, như bản văn kiện Đúc Kết cho thấy, đã được chấp nhận hơn nữa vì những lý do nhân đạo. Công thức tối hầu về pháp lý của nó có thể góp phần rất nhiều cho việc thăng hóa chẳng những lề luật quốc tế mà còn cả về tình đoàn kết chân thành giữa các quốc gia nữa. Để nhận định một cách kỹ lưỡng và thành tâm những căn do gây ra những tai ương do con người gây ra ấy là những gì bất khả châm chước trong việc tạo nên những biện pháp ngăn ngừa hợp thời hơn. Việc bảo vệ những ai khốn khổ và việc trợ giúp họ đi liền với việc sáng suốt phân tích và nhận thức chung về những căn nguyên gây ra những cuộc khủng hoàng về nhân đạo.

 

Việc bản văn Đúc Kết không đề cập gì tới vấn đề giải giới và thôi leo thang nguyên tử là những gì đáng quan ngại. Vấn đề võ trang nguyên tử chỉ làm tàn hại cho các dân tộc và môi sinh mà thôi; nó hủy hoại mạng sống của dân chúng và nền móng của mọi thứ kinh tế tốt đẹp. Bởi thế chúng ta cần phải nhấn mạnh tới vấn đề thôi leo thang nguyên tử. Cũng thế, chúng ta cần phải nhấn mạnh đến vấn đề hoàn toàn giải giới nguyên tử và đến hệ thống kiểm tra và bảo toàn kiên cố của cơ quan nguyên tử lực quốc tế IAEA. Không được bỏ qua một nỗ lực nào trong việc làm tiêu hao đi chẳng những vấn đề sản xuất các thứ vũ khí nguyên tử mà còn bất cứ loại buôn bán hay trao đổi những thứ vật liệu như thế nữa.

 

Tương tự như thế, thật là buồn thảm khi biết rằng việc chi tiêu toàn cầu được ước lượng cho năm 2004 lên qua 1 ngàn tỉ và có chiều hướng gia tăng, trái lại không mấy chú trọng tới tình trạng chết chóc cao gây ra bởi việc buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí nhỏ cùng những thứ khí giới nhẹ. Vấn đề tiền bạc và tình báo được sử dụng nhiều cho sự chết hơn là sự sống là một gương mù cần phải được tất cả mọi quốc gia đề cao cảnh giác.

 

2.         Vai Trò của Liên Hiệp Quốc

Dĩ nhiên, một thế giới an toàn không phải chỉ ở chỗ không có vấn đề bị đe dọa bởi chiến tranh: nó sẽ là một thế giới an toàn khi vấn đề phát triển khả thủ của nhân loại cũng được bảo đảm, qua việc quản trị toàn cầu lành mạnh nữa. Thế nhưng, dù việc quản trị toàn cầu này có lý lẽ của mình đi chăng nữa, nó vẫn thiếu đạo lý của nó, một cái gì đó cần phải được các quốc gia trên thế giới cung ứng. Chúng ta sống trong một xã hội liên thuộc nhưng mỏng dòn, và ở nhiều nơi, các thứ thiện ích tốt nhất của dân chúng không được đáp ứng đàng hoàng. Tôi chỉ xin đề cập đến ở đây ba lãnh vực đặc biệt nơi cuộc thách đố về đạo lý của vấn đề này, đó là tình đoàn kết với thành phần nghèo khổ; việc cổ võ phát động công ích; và một môi sinh khả thủ.

 

Những thành đạt nho nhỏ nơi lãnh vực cuối cùng này vẫn còn gặp nguy cơ, trong số những yếu tố khác, bởi tình trang thay đổi khí hậu, bởi những thứ bệnh hoạn mới, bởi việc hủy hoại một cách vô trách nhiệm rừng rú, bởi việc phóng uế nước nôi, bởi việc hao cạn các nguồn đánh cá, bởi việc hủy hoại các thứ chung toàn cầu như biển khơi v.v.. Ước lượng là trong 24 dịch vụ thiết yếu được cung ứng bởi các hệ thống môi sinh có 15 dịch vụ đang được sử dụng bất khả bảo trì. Cái khổng lồ của những thách đố về môi sinh ngày nay buộc chúng ta phải nghĩ lại những quan niệm của chúng ta về mối liên thuộc, về việc hợp tác toàn cầu và về trách nhiệm chung của chúng ta đối với vai trò làm quản lý trái đất này. Những sự khác nhau về cách thức giải quyết những thách đố không được trở thành những gì ngăn chặn việc đồng ý với nhau nhận định những mối đe dọa đặc biệt về môi sinh cũng như về những biện pháp chung để khắc phục chúng.

 

Một nguyên tắc chính yếu khác nữa cần phải được làm sáng tỏ nơi việc hình thành việc ủy thác quyền lực một cách xứng hợp cho các tầm cấp địa phương để bảo đảm sự hiệu năng và tính cách tin tưởng cũng được gọi là tính cách phụ trợ. Việc áp dụng nguyên tắc này sẽ nuôi dưỡng việc tôn trọng đích thực đối với các quyền lợi của chư quốc cũng như đối với tầm quan trọng của văn hóa, làm cân bằng chủ nghĩa chuyên biệt và chủ nghĩa đại đồng. Việc quản trị toàn cầu cũng cần phải giải quyết cả cái yếu kém về dân chủ nữa, để bảo đảm vấn đề toàn cầu hóa mà không loại trừ hóa. Việc giảm sút nghèo khổ, với sự tham dự của người nghèo vào vấn đề quyết định, sẽ là một thứ công lý được thể hiện qua việc dự phần.

 

Theo chiều hướng ấy, Liên Hiệp Quốc trở thành một ngưỡng vọng hòa bình và phúc hạnh trên thế giới này. Để hoàn thành ơn gọi cao cả ấy, một ơn gọi thích đáng với bản chất và phận vụ của cơ quan quốc tế này, cần phải có những đặc tính rõ ràng nơi vai trò lãnh đạo, phải có lòng can đảm từ Tổ Chức này cũng như từ những ai dự phần với nó, và phải có một nhãn quan chung nơi các nhà lãnh đạo của nó, các hợp tác viên của nó cũng như thành phần trao đổi của nó ở mọi tầm cấp, để họ có thể thành công trong việc tìm thấy con đường ngay thẳng để đạt tới các mục tiêu trước mắt.

 

(còn tiếp 1 bài nữa)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 25/9/2005

 

 

TOP

 

 

“Vai Trò của Giáo Hội Công Giáo trong Tiến Trình Âu Châu Hội Nhập”

 

(tiếp 27 Thứ Ba, 28 Thứ Tư 29 Thứ Năm)

 

7.         Với những chiều kích nồng cốt về hành động vừa được tôi nói tới, thì thật là dễ dàng nhận thấy được một số những cơ cấu tổ chức có tầm mức quan trọng khác nhau nhưng bao giờ cũng có tính cách công khai đáng kể, những cơ cấu tổ chức Giáo Hội đã cống hiến, và sẽ không bao giờ thôi cống hiến, việc đóng góp đặc biệt của mình. Những cơ cấu tổ chức này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề cập tới nơi những lần can thiệp khác nhau của ngài liên quan tới Âu Châu. Tôi sẽ ngắn gọn chia sẻ về 3 trong các cơ cấu tổ chức này.

 

a.  Gia đình. Gia đình được thiết lập trên nền tảng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ và hướng về sự sống, theo luật được Thiên Chúa in ấn nơi bản tính của con người. Tuy nhiên, chính ở Âu Châu đây mà gia đình đang bị đe dọa trong nhiều thập niên, nó thường trở thành tương đương với những cuộc kết hợp khác nhau về bản chất, một số lại còn nghịch với tự nhiên, và hành sử hoàn toàn khác đối với việc phát triển toàn vẹn của con người và xã hội.

 

Giáo Hội kêu gọi tôn trọng tự nhiên; Giáo Hội tìm cách chấm dứt tình trạng kỳ thị phạm đến gia đình gây ra bởi luật pháp coi nó ngang hàng với những thứ liên hệ về xã hội hoàn toàn khác hẳn; Giáo Hội sẽ bênh vực giới trẻ để chúng khỏi rơi vào cạm bẫy nguy hiểm do cơ hội hôn nhân đồng tính bày ra, những cuộc hôn nhân đồng tính được luật pháp cho phép và cố gắng biện minh. Trong việc làm này, Giáo Hội đang cống hiến cho xã hội Âu Châu một đóng góp quan yếu, vì gia đình là nơi tự nhiên của việc truyền đạt chẳng những sự sống mà còn cả những thứ giá trị cao quí nhất làm cho nó đáng sống, dù phải chấp nhận hy sinh một cách xứng đáng. Chưa hết, đối với Giáo Hội, gia đình Kitô hữu có một tính cách linh thánh trổi vượt hơn những yếu tố thuần tự nhiên của nó: oơ chỗ, nó phản ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, một tình yêu trong trắng và phong phú, bao giờ cũng sẵn sàng hy sinh, nói cách khác, đó là một tình yêu chân thực. Bởi thế mà không lạ gì gia đình là trọng tâm của mối quan tâm thiết tha của Giáo Hội.

 

b.  Các tổ chức giáo dục, từ mẫu giáo tới đại học. Thật là thừa thãi khi ghi nhận về sự hiện diện đặc biệt cũng như về việc đóng góp khôn sánh theo giòng lịch sử của Giáo Hội ở lãnh vực này. Giáo Hội là “Mater et Magistra”, “là Mẹ và là Thày”. Lãnh vực giáo dục là một phần rất phức tạp và rất khác biệt của xã hội hiện đại. Ở Âu Châu là nơi đang được xây dựng thì lãnh vực này thật sự vẫn ở trong thẩm quyền của quốc gia, thế nhưng việc thiết định những tiểu chuẩn chung và khả sánh về tính chất cũng như về qui tắc thẩm định là những gì bất khả tránh. Giáo Hội cần phải tiếp tục nhấn mạnh đến một số khía cạnh.

 

i.          Về các tổ chức giáo dục và việc giảng dạy cho trẻ em, Giáo Hội chủ trương rằng trách nhiệm chủ yếu cho việc giáo dục trẻ em là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ: trẻ em, ngay cả trước khi là công dân của một quốc gia, đã là con cái của họ. Các trường công chỉ có một phận vụ bổ sung mà thôi, và luật pháp cần phải lưu ý tới điều ấy. 

 

ii.          Đối với các học viện cao hơn về văn hóa, khía cạnh thiết yếu trong việc hoàn toàn tự do nghiên cứu và giảng dạy là những gì cần phải được bảo đảm cho những học viện ấy. Về vấn đề này, Đức Hồng Y Ratzinger đã cảnh giác trước cái thực sự rất nguy hiểm như sau: “Cái cứng ngắc tỏ tường về khoa học có thể che đậy một thứ giáo điều bất khả chấp, đó là giáo điều cho rằng tinh thần của con người chỉ là một thứ sản phẩm của vật chất; đó là giáo điều cho rằng các thứ luân lý là sản phẩm của hoàn cảnh và cần phải được hiểu và thực hành theo mục đích của xã hội; đó là giáo điều cho rằng bất cứ những gì nhằm mục đích hiện thực trạng thái hạnh phúc ước mong đều được phép về luân lý. 

 

Đó là tất cả những gì lật ngược các thứ giá trị xây dựng Âu Châu” (10). Giáo Hội không thể làm gì hơn là nhắc nhở rằng ngay cả khoa học, nếu nó thực sự phục vụ con người nam nữ, không bao giờ lại phát triển làm tổn thương đến phẩm vị của họ: bởi vì, con người, từ giây phút đầu tiên được thụ thai cho tới khi tự nhiên kết thúc cuộc đời, bao giờ cũng là đích điểm, chẳng khi nào là phương tiện cả. Điều này cũng cần phải nói liên quan tới những cơ hội mới mẻ của việc nghiên cứu khoa học bừng lên trong những năm gần đây nơi lãnh vực sinh truyền học.

 

iii.         Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã hết sức nhấn mạnh, Giáo Hội muốn hưởng quyền được có những học đường và đại học riêng. Việc đóng góp đặc biệt do những học viện này cống hiến cho thấy một thứ phong phú về lãnh vực giáo dục và văn hóa, như thường được thể hiện nơi các xứ sở có Giáo Hội điều hành các học đường và đại học đường của Giáo Hội. Như ở Âu Châu của các thế kỷ qua, trong tương lai cũng thế, Giáo Hội được kêu gọi để cống hiến việc đóng góp về văn hóa của mình, không phải là những gì thuộc lãnh vực thứ yếu mà bằng một đường lối sáng tạo và mới mẻ.


c. 
Các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Cùng với lịch sử về các đại học đường, ở đây chúng ta cũng không thể nầ không ghi nhận rằng lịch sử của các việc tế bần và nhà thương ở Âu Châu là một phần của lịch sử Giáo Hội, một Giáo Hội liên tục tranh đấu cho mình cái quyền hạn có được những tổ chức an sinh như thế. Không phải chỉ bằng cách hội nhập với các tổ chức do quốc gia điều hành, nhưng chính là vì sứ vụ Giáo Hội nhận được từ Chúa Kitô, sứ vụ “infirmos curate”, “chữa kẻ bệnh nạn” (Mt 10:8; Lk 10:9), và là sứ vụ theo lời khuyến cáo của Người: “Các con hằng có kẻ nghèo ở bên mình” (Mt 26:11), thành phần nghèo luôn được Chúa Giêsu nhìn nhận là chính Người (Mt 25:40).

 

Sự kiện hiển nhiên cho thấy Giáo Hội đi tiên phong trong việc cống hiến việc trợ giúp quí hóa cho nhiều người tật nguyền, cho những người nghiện hút và nghiện rượu, cũng như cho những ai bị hội chứng liệt kháng. Cả nơi lãnh vực này nữa, các cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, với khả năng chuyên nghiệp của mình, nhất là với những tiêu chuẩn về luân lý chung làm nên tinh thần của mình, chẳng những cống hiến việc phục vụ xã hội cao quí, mà còn là một yếu tố gắn bó và thăng tiến toàn bộ các cơ cấu tổ chức xã hội ở Âu Châu nữa. Việc đóng góp của các cơ cấu tổ chức thuộc Giáo Hội ấy là những gì cần phải được nhìn nhận, tỏ ra tôn trọng cái động lực chuyên biệt về luân lý của chúng.

 

d.  Để cho trọn vẹn hơn, tôi cảm thấy cần phải nói thêm về những trường hợp đóng góp khác của Giáo Hội nơi lãnh vực xã hội. Xin cho tôi được chạm đến một vấn đề tổng quát duy nhất. Đó là gần đây ở Âu Châu xẩy ra những cuộc tranh luận về vấn đề được đặt ra như sau: yếu tố nào trong hai yếu tố này là chính: yếu tố về thị trường tự do – kiểu mẫu tự do; hay yếu tố về tình trạng an sinh – kiểu mẫu dân chủ xã hội? Việc bất đồng giuưa hai quan niệm khác nhau ở Âu Châu, hay thậm chí giữa hai kinh nghiệm khác nhau về lịch sử, bởi thế đã lộ diện.

 

Không đi vào chiều kích chính trị, Giáo Hội cống hiến giáo huấn về xã hội của mình, một giáo huấn làm hòa hợp những yếu tố về ngôi vị chủ nghĩa và tình đoàn kết; như được thấy rõ nơi những bức thông điệp về xã hội của các vị Giáo Hoàng. Ở đây tôi cần trích lại những buưc Thông Điệp của Đức Gioan Phaolô II: "Laborem Exercens", "Sollicitudo Rei Socialis" và "Centesimus Annus", một chân vạc vững chắc về giáo huấn xã hội, những bức thông điệp minh nhiên qui chiếu và khai triển huấn quyền thích hợp của các vị tiền nhiệm ngài từ Đức Lêô XII tới Đức Phaolô VI. Âu Châu của những năm tới đây sẽ khá hơn nếu ghi nhớ những giáo huấn này của Giáo Hội, giáo huấn được tác động bởi một tinh thần biết bác bỏ cái đơn thuần thái quá thế nào cũng được, và biết làm việc cho cả hai, không phải bằng một thứ lai căng thực dụng mà bằng một tổng hợp được đặt nền tảng trên bản tính của con người như là một con người xã hội, và nhắm đến việc phát triển toàn vẹn nhân cách của họ.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của VIS ngày 21/9/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ