GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 12/12/2006

 TUẦN II MÙA VỌNG NĂM C

 

?  Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thành công trong mục tiêu đối thoại liên tôn với Cộng Đồng Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: 8- Văn Minh Tây Phương: "Không còn có thể nghe thấy Thiên Chúa nữa"

?   Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: TỪ CHÚA KITÔ, ĐẤNG TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA ĐẾN GIÁO HỘI TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA   

 

 

 

? Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thành công trong mục tiêu đối thoại liên tôn với Cộng Đồng Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nhận định, tổng hợp và tuyển dịch 

(tiếp 11 Thứ Hai)

 

Trong chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn biết mục tiêu chính yếu của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là vấn đề đại kết Kitô Giáo với Chính Thống Giáo, tuy nhiên, vào ngày đầu tiên trong 4 ngày, tức vào hôm Thứ Ba 28/11/2006, ĐTC Biển Đức XVI đã gặp hai phái đoàn quan trọng liên quan tới tôn giáo và văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ: phái đoàn thứ nhất đại diện cho Hồi Giáo, và phái đoàn thứ hai là phái đoàn ngoại giao. Với phái đoàn Hồi Giáo, ngài đã nói về mối liên hệ giữa Kitô Giáo với Hồi Giáo trong quá khứ và tương lai, và với phái đoàn ngoại giao, ngài đã nói về vị trí giao điểm về văn hóa và tôn giáo của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

 

I- Mối liên hệ giữa Kitô Giáo với Hồi Giáo trong quá khứ và tương lai

 

Nội dung của những lời ĐTC ngỏ cùng Vị Chủ Tịch Ban Giám Đốc Tôn Giáo Vụ Ali Bardakoglu cùng thành phần đại diện cộng đồng Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ hôm Thứ Ba 28/11/2006 bao gồm 4 ý tưởng chính yếu: 1) Mối liên hệ thiên định về lịch sử giữa dân nước Thổ Nhĩ Kỳ và Kitô Giáo; 2) Sứ mệnh chung của Kitô Giáo và Hồi Giáo trong giai đoạn lịch sử mới; 3) Nền tảng thần linh cho việc hợp tác phục vụ nhân loại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo; 4) Phương cách hợp tác giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo là đối thoại và tôn trọng nhau.

 

1) Mối liên hệ thiên định về lịch sử giữa dân nước Thổ Nhĩ Kỳ và Kitô Giáo

 

“Xứ sở của quí vị rất thân thương đối với Kitô hữu, vì nhiều cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã được thành lập ở nơi đây và đã phát triển một cách già giặn, được sinh động nhờ việc giảng dạy của các vị Tông Đồ, đặc biệt là Thánh Phaolô và Gioan. Truyền thống còn lưu lại cho chúng tôi biết rằng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, cũng đã sống ở Êphêsô, trong ngôi nhà của Thánh Tông Đồ Gioan.

 

“Mảnh đất cao quí này cũng chứng kiến thấy cả một cuộc triển nở của nền văn hóa Hồi Giáo ở những lãnh vực đa dạng nhất, bao gồm cả văn chương và nghệ thuật cũng như các  cơ cấu tổ chức của tôn giáo này.

 

“Có rất nhiều tượng đài của tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo chứng thực cho một quá khứ lừng lẫy của Thổ Nhĩ Kỳ. Quí vị có lý để cảm thấy hãnh diện về chúng, bảo trì chúng để số khách hành hương càng ngày càng gia tăng đổ xô về đây được chiêm ngắm ca ngợi.

 

“Tôi bắt đầu cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của mình với cùng những cảm thức được diễn đạt bởi vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Gioan XXIII, khi ngài đến đây với tư cách là Tổng Giám Mục Giuseppe Roncalli để hoàn thành vai trò làm Đại Diện Giáo Hoàng ở Istanbul: ‘Tôi cảm thấy mộ mến Thổ Nhĩ Kỳ là nơi Chúa đã sai tôi tới… Tôi yêu mến nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cảm nhận được những tính chất tự nhiên của những con người đã chiếm được chỗ đứng của mình trong cuộc hành trình văn minh’ (Journal of a Soul, pp. 228, 233-4)”.  

 

2) Sứ mệnh chung của Kitô Giáo và Hồi Giáo trong giai đoạn lịch sử mới

 

“Về phần mình, tôi cũng muốn nhấn mạnh tới các tính chất của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đây, tôi xin mượn lời của vị tiền nhiệm mới đây của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, vị đã nói nhân chuyến viếng thăm của ngài vào năm 1979: ‘Tôi tự hỏi nếu không muốn nói là khẩn nài, vào chính ngày hôm nay đây khi mà tín hữu Kitô Giáo và tín hữu Hồi Giáo đã tiến vào một giai đoạn lịch sử mới, là hãy nhìn nhận và phát triển những mối liên hệ linh thiêng nối kết chúng ta lại với nhau, để cùng nhau bảo tồn và cổ võ hòa bình, tự do, công bằng xã hội và các giá trị luân lý cho thiện ích của tất cả mọi người’ (Huấn Từ cho Cộng Đồng Công Giáo ở Ankara, ngày 28/11/1979).

 

“Những vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại qua những tháng năm từ đó tới nay; thật vậy, như tôi đã xác định ngay từ đầu giáo triều của mình, là chúng thôi thúc chúng ta hãy tiến bước thực hiện cuộc đối thoại của chúng ta một cách chân thành như bạn bè trao đổi với nhau. Khi tôi được hân hạnh gặp gỡ các phần tử của những cộng đồng Hồi Giáo ở Cologne năm ngoái vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tôi đã lập lại nhu cầu cần phải tiến tới việc thực hiện vấn đề đối thoại liên tôn và liên văn hóa một cách lạc quan và hy vọng. Nó không thể trở thành một thứ ngoại phụ tùy ý, trái lại, nó là ‘một nhu cầu thiết yếu chi phối phần lớn tương lai của chúng ta’ (Address to the Catholic Community in Ankara, 28 November 1979)”.

 

3) Nền tảng thần linh cho việc hợp tác phục vụ nhân loại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo

 

“Tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, theo các tôn giáo riêng biệt của mình, đều hướng về một thứ chân lý có tính chất linh thánh và về phẩm vị con người. Đó là nền tảng cho việc chúng ta tỏ ra tương kính và trân quí nhau, đó là nền tảng cho việc hợp tác để phục vụ hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc, là ước vọng thiết tha nhất của tất cả mọi tín hữu cũng như tất cả mọi con người thành tâm thiện chí.

 

“Trên 40 năm qua, giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II đã tác động và hướng dẫn đường lối của Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới trong những mối liên hệ với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Theo truyền thống Thánh Kinh, Công Đồng này đã dạy rằng toàn thể loài người cùng có một nguồn gốc và một đích điểm, đó là Thiên Chúa, Đấng Hóa Công của chúng ta và là đích điểm của cuoôc hành trình trần thế của chúng ta. Tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo thuộc về gia đình của những ai tin tưởng vào một Thiên Chúa duy nhất và là thành phần, theo các truyền thống riêng biệt của mình, mang dấu vết tổ phụ Abraham (cf. Second Vatican Council, Declaration on the Relation of the Church to Non-Christian Religions "Nostra Aetate" 1, 3).

 

“Mối hiệp nhất nhân bản và thiêng liêng này nơi nguồn gốc của chúng ta cũng như nơi đích điểm của chúng ta thúc đẩy chúng ta hãy tìm kiếm một đường lối chung khi chúng ta đóng vai trò của mình trong việc tìm cầu những giá trị nền tảng rất chuyên biệt của con người thuộc thời đại chúng ta. Là những con người nam nữ đạo giáo, chúng ta cảm thấy bị thách thức trước niềm mong mỏi rộng rãi muốn có được công lý, phát triển, đoàn kết, tự do, an ninh, hòa bình, bênh vực sự sống, bảo vệ môi trường và các nguồn nhiên liệu của trái đất. Cũng vì chúng ta, trong khi tôn trọng quyền tự lập hợp pháp của các trần thế vụ, cần phải đặc biệt góp phần để tìm kiếm những giải pháp xứng hợp cho những vấn đề khẩn thiết ấy”. 

 

4) Phương cách hợp tác giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo là đối thoại và tôn trọng nhau

 

“Trước hết, chúng ta có thể đáp ứng một cách khả tín cho vấn đề xuất phát một cách rõ ràng từ xã hội ngày nay, cho dù nó thường được lướt qua, vấn đề về ý nghĩa và mục đích của đời sống, đối với mỗi cá nhân con người cũng như đối với toàn thể nhân loại. Chúng ta được kêu gọi để cùng nhau làm việc, hầu giúp cho xã hội hướng tới siêu việt thế, trả về cho Thiên Chúa Toàn Năng vị trí đích thực của Ngài. Đường lối tiến tới hay nhất đó là bằng việc đối thoại chân thực giữa tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, căn cứ vào chân lý và được thúc đẩy bởi chân thành muốn hiểu biết nhau, tôn trọng những khác biệt và nhìn nhận những gì chúng ta có chung. Điều này sẽ dẫn tới chỗ tôn trọng thực sự đối với những chọn lựa hữu trách nơi mỗi người, nhất là những gì liên quan tới các giá trị nền tảng và đến niềm xác tín về tôn giáo riêng tư của họ.

 

“Để chứng minh về việc tôn trọng huynh đệ là những gì có thể giúp cho tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo làm việc với nhau, tôi xin trích lại một số lời của Giáo Hoàng Grêgôriô VII năm 1076 ngỏ cùng một ông hoàng Hồi Giáo ở Bắc Phi Châu, vị đã tỏ ra rất nhân ái độ lượng đối với tín đồ Kitô Giáo thuộc thẩm quyền của ông. Giáo Hoàng Grêgôriô đã nói về đức bác ái đặc biệt mà tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo mặc nợ nhau ‘vì chúng ta tin vào một vị Thiên Chúa duy nhất, cho dù qua các cách thức khác nhau, và vì chúng ta ca ngợi Ngài và tôn thờ Ngài hằng ngày là Đấng Hóa Công và là Vị Cai Trị thế giới’.

 

“Tự do tôn giáo, một quyền tự do được bảo đảm và hiệu nghiệm tôn trọng về cơ cấu trong thực hành, đối với cả cá nhân cũng như các cộng đồng, là những gì tạo nên cho tất cả mọi tín hữu điều kiện thiết yếu cho việc họ trung thành góp phần xây dựng xã hội, bằng một thái độ phục vụ chân thực, nhất là đối với thành phần yếu kém và nghèo nàn nhất”.

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi” - 8- Văn Minh Tây Phương: "Không còn có thể nghe thấy Thiên Chúa nữa"

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 29 Thứ Tư 11 Thứ Hai)

 

8- Văn Minh Tây Phương: "Không còn có thể nghe thấy Thiên Chúa nữa"

 

(Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Neue-Messe ở Munich)

 

“Không phải chỉ có thứ điếc lác về thể lý là những gì làm cho con người bị tách lìa khỏi đời sống xã hội; cũng có một ‘thứ khó nghe’ được Thiên Chúa quan tâm tới, và đó là những gì chúng ta đặc biệt cảm thấy khổ sở trong thời đại của chúng ta đây. Nói ngay vào vấn đề, đó là chúng ta không còn có thể nghe thấy Thiên Chúa nữa – có quá nhiều những tần số khác nhau tràn đầy tai chúng ta. Những gì nói về Thiên Chúa đều làm cho chúng ta cảm thấy như những thứ tiền khoa học, không còn hợp với thời đại của chúng ta nữa.

 

“Cùng với tình trạng khó nghe này hay tình trạng hoàn toàn điếc lác được Thiên Chúa quan tâm ấy, chúng ta thường bị mất đi khả năng nói với Ngài và nói về Ngài. Do đó chúng ta cuối cùng mất đi khả năng quan trọng của việc nhận định. Chúng ta có nguy cơ bị mất đi những cảm quan nội tại của mình. Việc làm suy yếu đi khả năng nhận định của chúng ta là những gì cướp mất một cách trầm trọng và nguy hiểm hàng loạt liên hệ của chúng ta với thực tại. Chân trời của cuộc sống chúng ta bị thu ngắn lại một cách đáng quan ngại. ……….

 

“Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy nhận thức rằng chúng ta ‘bị yếu kém’ nơi khả năng nhận định của chúng ta – ban đầu chúng ta không nhận thấy cái yếu kém như thế, vì hết mọi sự khác dường như là quá khẩn trương và hợp tình thuận lý; vì hết mọi sự dường như tiến triển bình thường, thậm chí cả khi chúng ta không còn tai mắt cho Thiên Chúa và chúng ta sống không có Ngài. Thế nhưng, có thật sự là hết mọi sự tiến triển bình thường khi không còn Thiên Chúa là yếu tố của đời sống chúng ta và của thế giới chúng ta hay chăng? ………..

 

“Nếu chúng ta chỉ mang đến cho con người kiến thức, khả năng, tài nghệ và dụng cụ về kỹ thuật, là chúng ta mang đến cho họ quá ít. Tất cả những động cơ gây bạo lực là những gì làm chủ tình hình rất nhanh: Khả năng để hủy diệt và sát hại trở thành đường lối chủ yếu để chiếm được quyền lực – một thứ quyền lực ở một mức độ nào đó phải mang lại lề luật song lại là một thứ quyền lực không bao giờ có thể làm được như thế.

 

“Việc hòa giải, và cuộc dấn thân chung cho công lý và yêu thương, đều lui bước ra xa. Không còn rõ ràng minh bạch nơi các qui chuẩn vốn giúp cho kỹ thuật được sử dụng để phục vụ cho luật lệ và yêu thương: Thế nhưng, hết mọi sự lại lệ thuộc vào chính các qui chuẩn ấy: Những qui chuẩn không phải chỉ là những thứ lý thuyết, song soi động tâm can và đưa lý trí cùng hành động của con người vào chính lộ…  

 

(xin coi tiếp mai: 9- Văn Minh Tây Phương:Thiên Chúa …  dường như đã trở thành thừa thãi, không còn chỗ đứng”)

 

 

TOP

 

 

? Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: TỪ CHÚA KITÔ, ĐẤNG TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA ĐẾN GIÁO HỘI TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA   

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

(tiếp 28 Thứ Ba)

 

6-      Chứng Từ và Sứ Vụ của Chúa Giêsu

 Chứng từ Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy về chính mình Người và là chứng từ Thánh Luca đã thu thập lại trong Phúc Âm của mình – “Tôi phải loan báo Tin Mừng về nước Thiên Chúa” (Lk.4:43) – chắc chắn có những thành quả lớn lao, vì nó gồm tóm tất cả sứ vụ của Chúa Giêsu: “Đó là điều Tôi được sai đi để làm” (ibid.). Những lời này thật sự mang một tính cách quan trọng, nếu người ta liên kết chúng với các câu trước đó, tức với những lời của tiên tri Isaia được Chúa Giêsu dùng để chỉ áp dụng cho bản thân Người: “Thần Linh Chúa được ban cho Tôi, vì Ngài đã xức dầu cho Tôi. Ngài đã sai Tôi đi mang tin mừng cho người nghèo khó” (Lk.4:18; x.Is.61:1)

 

Việc đi từ tỉnh lị này tới thị xã kia, rao giảng cho người bần cùng nhất – thường là thành phần dễ chấp nhận lời Người rao giảng nhất – tin mừng về việc Thiên Chúa hoàn thành các lời hứa cũng như Giao Ước của Ngài, là một sứ vụ được Chúa Kitô công bố là do Cha đã sai Người đi để thực hiện. Tất cả mọi khía cạnh nơi mầu nhiệm của Người – chính việc Nhập Thể, các phép lạ Người làm, giáo thuyết Người dạy, việc Người qui tụ các môn đệ, việc Người sai 12 Vị đi, thập giá và phục sinh, việc Người luôn ở cùng thành phần riêng của Người – đều là những yếu tố của hoạt động truyền bá phúc âm hóa.  

7-      Chúa Giêsu là Đấng Truyền Bá Phúc Âm Hóa Tiên Khởi

Trong cuộc Thượng Hội, các vị giám mục rất thường hay nhắc đến chân lý này: chính Chúa Giêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa (Mk.1:1; Rm. 1:1-3), là Đấng truyền bá phúc âm hóa tiên khởi và tuyệt nhất; Người đã hoàn tất mọi sự tới mức toàn hảo và cho đến độ hy hiến mạng sống trần gian của mình.

 

Đối với Chúa Giêsu, việc truyền bá phúc âm hóa thúc buộc này có nghĩa là gì? Chắc chắn, để diễn đạt cho thấy được tổng hợp đầy đủ cái ý nghĩa, nội dung và thể thức của việc truyền bá phúc âm hóa theo như Chúa Giêsu đã quan niệm và áp dụng không phải là một chuyện dễ. Dù có cố gắng để thực hiện một cuộc tổng luận đi chăng nữa cũng không bao giờ trọn vẹn. Chúng ta hãy tạm nhắc lại ở đây một vài khía cạnh thiết yếu. 

8-      Loan Báo Vương Quốc của Thiên Chúa

 Là một nhà truyền bá phúc âm hóa, Chúa Kitô trước hết loan báo về một vương quốc, vương quốc của Thiên Chúa; việc này quan trọng đến nỗi, mọi sự khác so với nó chỉ là “phần còn lại”, phần “được ban cho thêm” (x.Mt.6:33). Bởi thế, chỉ có vương quốc của Thiên Chúa mới là tất cả, và vương quốc này làm cho mọi sự khác thành thứ yếu. Bằng nhiều cách thức, Chúa Giêsu đã thích diễn tả niềm hạnh phúc được thuộc về vương quốc này (một niềm hạnh phúc ngược ngạo được tạo nên bởi những thứ bị thế gian phủ nhận) (x.Mt.5:3-12), những đòi hỏi của vương quốc ấy cùng với bản Đại Hiến Chương của nó (Mt.5-7), những người loan báo vương quốc này (x.Mt.10), các mầu nhiệm của nó (x.Mt.13), các con trẻ nhỏ của nó (x.Mt.18), việc canh thức và trung thành cần thiết đối với những ai trông đợi vương quốc này vĩnh viễn trị đến (x.Mt.24-25). 

9-      Loan Báo Việc Giải Phóng Cứu Độ

Là cốt lõi và là tâm điểm Tin Mừng của mình, Chúa Kitô đã loan báo ơn cứu độ, một đại hồng ân của Thiên Chúa, đó là việc giải phóng con người khỏi mọi sự đè nén họ, nhưng trước hết là việc giải phóng họ khỏi tội lỗi và Tên Gian Ác, bằng niềm vui nhận biết Thiên Chúa và được Ngài biết đến, được chiêm ngưỡng Ngài, và được thuộc về Ngài. Tất cả tặng ân này đã được khởi sự trong cuộc sống của Chúa Kitô, rồi cuối cùng được hoàn tất nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Thế nhưng, tặng ân ấy cần phải được kiên nhẫn ban phát theo giòng lịch sử, để nó hoàn toàn được thể hiện vào ngày Chúa Kitô đến lần sau hết, một ngày không một ai biết được ngoại trừ Chúa Cha (x.Mt.24:36; Acts 1:7; 1Thess.5:1-2). 

10.  Bằng Giá Nỗ Lực Khổ Giá

Vương quốc này và ơn cứu độ này, những từ ngữ chính của việc Chúa Giêsu Kitô truyền bá phúc âm hoá, sẵn sàng ban cho mọi người như là một ân huệ và tình thương, tuy nhiên, mỗi một người đồng thời cũng phải mãnh liệt để chiếm lấy – vương quốc này và ơn cứu độ này thuộc về kẻ mạnh, như Chúa Giêsu nói (x.Mt.11:12; Lk.16:16), bằng khó nhọc và khổ đau, bằng một đời sống theo Phúc Âm, bằng bỏ mình và thập giá, bằng tinh thần các phúc đức thật. Thế nhưng, trên hết, mỗi người chiếm lấy vương quốc này và ơn cứu độ này bằng một cuộc hoàn toàn canh tân nội tâm mà Phúc Âm gọi là metanoia; nó là một cuộc hoán cải thực sự, một cuộc đổi thay trí lòng (x.Mt.4:17).

 

(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ