GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 29/11/2006 TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN |
? ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 28/11 – được nghênh đón tại phi trường và đến viếng thăm Đài Tượng Niệm Mausoleum
? ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 28/11 – Diễn Từ ngỏ cùng Vị Giám Đốc Tôn Giáo Vụ Ali Bardakoglu cùng thành phần đại diện cộng đồng Hồi Giáo
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 28/11 – được nghênh đón tại phi trường và đến viếng thăm Đài Tượng Niệm Mausoleum
|
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Esenboga ở Ankara Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc 1 giờ trưa địa phương và đã được chính vị Thủ Tướng nước này là Recep Tayyip nghênh đón trong vòng 20 phút.
Hai người đã bắt tay nhau và bước đi trên nền thảm đỏ dẫn tới một căn phòng trưng bày bức chân dung của vị thiết lập nền Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ tân tiến vào năm 1923.
Vị thủ tướng này lúc đầu không tính gặp ĐTC đã nói cùng ngài khi nghênh đón ngài rằng: “Tôi muốn bày tỏ niềm hạnh phúc của chúng tôi khi thấy ngài và phái đoàn đại biểu của ngài nơi xứ sở của chúng tôi”.
Ông cũng nói với ĐTC rằng việc ngài đến viếng thăm quốc gia của ông diễn ra “vào một thời điểm rất quan trọng”. Ở đây ông đặc biệt có ý nói tới dự án về Liên Hiệp Các Nền Văn Minh mà ông đang đảm trách cùng Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan, và Thủ Tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapateno, và là một dự án sẽ được trình bày vào tháng tới tại Tổng Hành Dinh LHQ ở Nữu Ước.
Kết thúc cuộc nghênh đón với sự tham dự của các nhân vật cao cấp đôi bên, vị Thủ Tướng và ĐTC đã trao đổi tặng vật cho nhau.
|
Mở đầu cuộc nghênh đón, vị Thủ Tướng đã lên tiếng xin lỗi ĐTC vì không thể tiếp ngài lâu hơn, bởi việc ông cần phải tham dự thượng nghị NATO được tổ chức vào hôm nay và ngày mai ở Riga, nước Latvia.
Trước khi đến phi trường để nghênh đón ĐTC, vị thủ tướng nói với thành phần lập pháp thuộc đảng sùng Hồi Giáo trong quốc hội rằng ông hy vọng nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tỏ ra lịch thiệp với vị giáo chủ này, và chuyến viếng thăm của ngài sẽ là những gì cổ võ nền hòa bình thế giới:
“Chúng ta hy vọng rằng chuyến viếng thăm này sẽ góp phần tiến triển mối liên kết các nền văn minh và hòa bình thế giới. Là một quốc gia và một xứ sở, chắc chắn chúng ta sẽ tỏ ra hiếu khách theo truyền thống của mình đối với Giáo Hoàng Biển Đức XVI”.
Sau cuộc nghênh đón ĐTC, ông cho biết rằng vị giáo hoàng đã nói là ngài ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn xin gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu.
ĐTC đã nói với Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ rằng: “Tôi thực sự muốn đến Thổ Nhĩ Kỳ vì Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một chiếc cầu nối …. giữa các tôn giáo. Tôi muốn tái tấu tình đoàn kết giữa các nền văn hóa. Đó là nhiệm vụ của chúng ta”.
|
Sau khi được nghênh đón ở phi trường, ĐTC đã đi xe tới đài tưởng niệm lưu giữ hài cốt của vị tổng thống tiên khởi của nền cộng hòa tân tiến Thổ Nhĩ Kỳ, vị đã sống từ năm 1881 đến năm 1938.
Tại đây, ngài đã đặt một vòng hoa cạnh đài tưởng niệm rồi ký vào cuốn sách viếng thăm, đoạn viết bằng Anh ngữ câu sau đây:
“Nơi mảnh đất này, một tụ điểm của các tôn giáo và văn hóa khác nhau và là chiếc cầu nối giữa Á Châu và Âu Châu, tôi hân hoan lập lại những lời lẽ của vị sáng lập Nền Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Hòa Bình ở Quê Hương, Hòa Bình trên Thế Giới’”.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenitvà CNN phổ biến
ngày 28/11/2006
ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 28/11 – Diễn Từ ngỏ cùng Vị Giám Đốc Tôn Giáo Vụ Ali Bardakoglu cùng thành phần đại diện cộng đồng Hồi Giáo
|
Tôi xin tri ân về cơ hội được đến viếng thăm mảnh đất này, một mảnh đất rất phong phú về lịch sử và văn hóa, để ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của nó, để đích thân chứng kiến thấy tính chất sáng tạo của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, và để cảm nhận nền văn hóa cổ kính cùng lịch sử lâu đời của quí vị, cả về dân sự lẫn tôn giáo.
Tôi vừa đến Thổ Nhĩ Kỳ thì được ưu ái tiếp đón bởi vị Tổng Thống của nước Cộng Hòa này cùng với Đại Diện Chính Quyền. Tôi cũng rất sung sướng chào hỏi và gặp gỡ Thủ Tướng Erdogan ở phi trường. Trong việc chào hỏi các vị ấy, tôi hân hoan bày tỏ niềm cảm mến sâu xa của tôi đối với toàn thể nhân dân của xứ sở cao cả này và đến kính viếng một của vị sáng lập tân quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ là tổng thống đầu tiên Mustafa Kemal Ataturk.
Giờ đây tôi vui mừng được gặp gỡ ông, vị Chủ Tịch của Ban Giám Đốc Tôn Giáo Vụ. Tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính của tôi trước những trách nhiệm lớn lao của ông, và tôi xin gửi lời chào hỏi đến tất cả mọi vị lãnh đạo tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là Đại Tôn Muftis ở Ankara và Istanbul. Qua bản thân ông, thưa Ông Tổng Thống, tôi gửi lời chào tới tất cả mọi tín đồ Hồi Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ với lòng đặc biệt quí trọng và thân ái trân trọng.
Xứ sở của quí vị rất thân thương đối với Kitô hữu, vì nhiều cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã được thành lập ở nơi đây và đã phát triển một cách già giặn, được sinh động nhờ việc giảng dạy của các vị Tông Đồ, đặc biệt là Thánh Phaolô và Gioan. Truyền thống còn lưu lại cho chúng tôi biết rằng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, cũng đã sống ở Êphêsô, trong ngôi nhà của Thánh Tông Đồ Gioan.
Mảnh đất cao quí này cũng chứng kiến thấy cả một cuộc triển nở của nền văn hóa Hồi Giáo ở những lãnh vực đa dạng nhất, bao gồm cả văn chương và nghệ thuật cũng như các cơ cấu tổ chức của tôn giáo này.
Có rất nhiều tượng đài của tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo chứng thực cho một quá khứ lừng lẫy của Thổ Nhĩ Kỳ. Quí vị có lý để cảm thấy hãnh diện về chúng, bảo trì chúng để số khách hành hương càng ngày càng gia tăng đổ xô về đây được chiêm ngắm ca ngợi.
Tôi bắt đầu cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của mình với cùng những cảm thức được diễn đạt bởi vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Gioan XXIII, khi ngài đến đây với tư cách là Tổng Giám Mục Giuseppe Roncalli để hoàn thành vai trò làm Đại Diện Giáo Hoàng ở Istanbul: ‘Tôi cảm thấy mộ mến Thổ Nhĩ Kỳ là nơi Chúa đã sai tôi tới… Tôi yêu mến nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cảm nhận được những tính chất tự nhiên của những con người đã chiếm được chỗ đứng của mình trong cuộc hành trình văn minh’ (Journal of a Soul, pp. 228, 233-4).
Về phần mình, tôi cũng muốn nhấn mạnh tới các tính chất của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đây, tôi xin mượn lời của vị tiền nhiệm mới đây của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, vị đã nói nhân chuyến viếng thăm của ngài vào năm 1979: ‘Tôi tự hỏi nếu không muốn nói là khẩn nài, vào chính ngày hôm nay đây khi mà tín hữu Kitô Giáo và tín hữu Hồi Giáo đã tiến vào một giai đoạn lịch sử mới, là hãy nhìn nhận và phát triển những mối liên hệ linh thiêng nối kết chúng ta lại với nhau, để cungùnhau bảo tồn và cổ võ hòa bình, tự do, công bằng xã hội và các giá trị luân lý cho thiện ích của tất cả mọi người’ (Huấn Từ cho Cộng Đồng Công Giáo ở Ankara, ngày 28/11/1979).
Những vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại qua những tháng năm từ đó tới nay; thật vậy, như tôi đã xác định ngay từ đầu giáo triều của mình, là chúng thôi thúc chúng ta hãy tiến bước thực hiện cuộc đối thoại của chúng ta một cách chân thành như bạn bè trao đổi với nhau. Khi tôi được hân hạnh gặp gỡ các phần tử của những cộng đồng Hồi Giáo ở Cologne năm ngoái vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tôi đã lập lại nhu cầu cần phải tiến tới việc thực hiện vấn đề đối thoại liên tôn và liên văn hóa một cách lạc quan và hy vọng. Nó không thể trở thành một thứ ngoại phụ tùy ý, trái lại, nó là ‘một nhu cầu thiết yếu chi phối phần lớn tương lai của chúng ta’ (Address to the Catholic Community in Ankara, 28 November 1979).
Tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, theo các tôn giáo riêng biệt của mình, đều hướng về một thứ chân lý có tính chất linh thánh và về phẩm vị con người. Đó là nền tảng cho việc chúng ta tỏ ra tương kính và trân quí nhau, đó là nền tảng cho việc hợp tác để phục vụ hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc, là ước vọng thiết tha nhất của tất cả mọi tín hữu cũng như tất cả mọi con người thành tâm thiện chí.
Trên 40 năm qua, giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II đã tác động và hướng dẫn đường lối của Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới trong những mối liên hệ với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Theo truyền thống Thánh Kinh, Công Đồng này đã dạy rằng toàn thể loài người cùng có một nguồn gốc và một đích điểm, đó là Thiên Chúa, Đấng Hóa Công của chúng ta và là đích điểm của cuoôc hành trình trần thế của chúng ta. Tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo thuộc về gia đình của những ai tin tưởng vào một Thiên Chúa duy nhất và là thành phần, theo các truyền thống riêng biệt của mình, mang dấu vết tổ phụ Abraham (cf. Second Vatican Council, Declaration on the Relation of the Church to Non-Christian Religions "Nostra Aetate" 1, 3). Mối hiệp nhất nhân bản và thiêng liêng này nơi nguồn gốc của chúng ta cũng như nơi đích điểm của chúng ta thúc đẩy chúng ta hãy tìm kiếm một đường lối chung khi chúng ta đóng vai trò của mình trong việc tìm cầu những giá trị nền tảng rất chuyên biệt của con người thuộc thời đại chúng ta. Lầnhững con người nam nữ đạo giáo, chúng ta cảm thấy bị thách thức trước niềm mong mỏi rộng rãi muốn có được công lý, phát triển, đoàn kết, tự do, an ninh, hòa bình, bênh vực sự sống, bảo vệ môi trường và các nguồn nhiên liệu của trái đất. Cũng vì chúng ta, trong khi tôn trọng quyền tự lập hợp pháp của các trần thế vụ, cần phải đặc biệt góp phần để tìm kiếm những giải pháp xứng hợp cho những vấn đề khẩn thiết ấy.
|
Trước hết, chúng ta có thể đáp ứng một cách khả tín cho vấn đề xuất phát một cách rõ ràng từ xã hội ngày nay, cho dù nó thường được lướt qua, vấn đề về ý nghĩa và mụch đích của đời sống, đối với mỗi cá nhân con người cũng như đối với toàn thể nhân loại. Chúng ta được kêu gọi để cùng nhau làm việc, hầu giúp cho xã hội hướng tới siêu việt thế, trả về cho Thiên Chúa Toàn Năng vị trí đích thực của Ngài. Đường lối tiến tới hay nhất đó là bằng việc đối thoại chân thực giữa tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, căn cứ vào chân lý và được thúc đẩy bởi chân thành muốn hiểu biết nhau, tôn trọng những khác biệt và nhìn nhận những gì chúng ta có chung. Điều này sẽ dẫn tới chỗ tôn trọng thực sự đối với những chọn lựa hữu trách nơi mỗi người, nhất là những gì liên quan tới các giá trị nền tảng và đến niềm xác tín về tôn giáo riêng tư của họ.
Để chứng minh về việc tôn trọng huynh đệ là những gì có thể giúp cho tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo làm việc với nhau, tôi xin trích lại một số lời của Giáo Hoàng Grêgôriô VII năm 1076 ngỏ cùng một ông hoàng Hồi Giáo ở Bắc Phi Châu, vị đã tỏ ra rất nhân ái độ lượng đối với tín đồ Kitô Giáo thuộc thẩm quyền của ông. Giáo Hoàng Grêgôriô đã nói về đức bác ái đặc biệt mà tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo mặc nợ nhau ‘vì chúng ta tin vào một vị Thiên Chúa duy nhất, cho dù qua các cách thức khác nhau, và vì chúng ta ca ngợi Ngài và tôn thờ Ngài hằng ngày là Đấng Hóa Công và là Vị Cai Trị thế giới’.
Tự do tôn giáo, một quyền tự do được bảo đảm và hiệu nghiệm tôn trọng về cơ cấu trong thực hành, đối với cả cá nhân cũng như các cộng đồng, là những gì tạo nên cho tất cả mọi tín hữu điều kiện thiết yếu cho việc họ trung thành góp phần xây dựng xã hội, bằng một thái độ phục vụ chân thực, nhất là đối với thành phần yếu kém và nghèo nàn nhất.
Thưa Ông Chủ Tịch, tôi xin kết thúc bằng việc chúc tụng vị Thiên Chúa Tòan Năng và xót thương về cơ hội may mắn này để mang chúng ta lại với nhau vì danh Ngài. Tôi nguyện cầu để nó trở thành dấu hiệu của việc dấn thân chung của chúng ta trong vấn đề đối thoại giữa các tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, và là một phấn khích trong việc kiên trì tiến theo con đường này một cách tôn trọng và thân tình. Chớ gì chúng ta tiến đến chỗ hiểu biết nhau hơn, củng cố những nối kết tình cảm giữa chúng ta trong cùng một ước vọng chúng sống trong hòa thuận, bình an và tin tưởng nhau. Là thành phần tín hữu, chúng ta kín múc từ việc nguyện cầu của mình sức mạnh cần thiết để thắng vượt tất cả mọi dấu vết thành kiến và cùng minh chứng cho niềm tin mãnh liệt của chúng ta nơi Thiên Chúa. Chớ gì ơn phúc của Ngài mãi mãi ở với chúng ta!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 28/11/2006
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
(tiếp 21 Thứ Ba, 22 Thứ Tư, 24 Thứ Sáu, 25 Thứ Bảy, 27 Thứ Hai và 28 Thứ Ba)
6- Văn Minh Tây Phương: "Dã man và bạo lực đã trở thành trò tiêu khiển"
(Bài Giảng về Phép Rửa Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ở Nguyện Đường Sistine 8/1/2006)
“Phải, phép rửa là bí tích tháp nhập chúng ta vào mối hiệp thông với Chúa Kitô và bởi thế là bí tích hiến ban sự sống, hiến ban chính sự sống. Bởi thế chúng ta đã làm sáng tỏ cuộc đối thoại ban đầu của chúng ta với Người ở nơi đây, tại lối vào Nguyện Đường Sistine này.
“Giờ đây, sau khi làm phép nước là một cuộc đối thoại rất quan trọng thứ hai. Nội dung của cuộc đối thoại thứ hai này đó là Phép Rửa, như chúng ta thấy, là một tặng ân; tặng ân của sự sống. Thế nhưng là một tặng ân cần phải được chấp nhận, cần phải được sống với.
“Tặng ân tình thân hữu bao hàm ‘việc chấp nhận’ bạn bè và ‘việc phủ nhận’ tất cả những gì bất hợp với tình bạn này, với tất cả những gì bất xứng với sự sống của gia đình Thiên Chúa, với sự sống thật trong Chúa Kitô.
”Như thế, cuộc đối thoại thứ hai này mới bao gồm 3 ‘không’ và 3 ‘có’. Chúng ta
nói ‘không’ và từ bỏ chước cám dỗ, tội lỗi và ma qủi. Chúng ta biết những cái ấy
rõ ràng, nhưng có lẽ vì chúng ta đã nghe thấy chúng quá thường, những lời có thể
không có nghĩa lắm với chúng ta.
“Nếu thế thì chúng ta cần phải nghĩ sâu xa hơn một chút nữa về nội dung của những ‘cái không’ này. Chúng ta nói ‘không’ với những gì đây? Đó là cách duy nhất để chúng ta hiểu được những gì chúng ta muốn nói ‘có’ vậy.
“Thời Giáo Hội cổ xưa những ‘cái không’ này được tóm gọn trong một câu dễ hiểu cho người thời ấy, ở chỗ, họ nói rằng họ từ bỏ ‘pompa diabuli’, tức là từ bỏ những hứa hẹn cho một cuộc sống sung mãn, một cuộc sống hiển nhiên xuất phát từ thế giới dân ngoại, từ tình trạng buông thả của thế giới này, từ cách sống theo ý thích của mình.
“Bởi thế đó là ‘cái không’ đối với một thứ văn hóa bề ngoài là cuộc sống sung mãn, đối với những gì thật ra là một thứ ‘phản văn hóa’ của sự chết. Đó là ‘cái không’ cho những cảnh sống lấy làm vui thích với những gì là chết chóc, dã man tàn bạo và bạo lực.
“Chúng ta hãy nhớ những gì được tổ chức ở Hí Trường Colosseum hay ở đây, nơi những vườn thượng uyển của Nero, nơi người ta được đặt trên lửa như những cây đuốc sống. Dã man và bạo lực đã trở thành trò tiêu khiển, một thứ vui thú thật là trụy lạc, một thứ ý nghĩa thực sự của đời sống.
“’Cái pompa diabuli’ này, ‘cái phản văn hóa’ này của sự chết là một thứ vui thú băng hoại, nó là thứ yêu thích gian manh và lường gạt, và lạm dụng thân xác như là một thứ hàng hóa và một thứ trao đổi buôn bán.
“Và nếu giờ đây chúng ta nghĩ về nó chúng ta có thể nói rằng, trong cả thời đại của chúng ta nữa, chúng ta cũng cần phải nói ‘không’ với thứ văn hóa sự chết đang quá ư là thịnh hành.
“Nó là một thứ ‘phản văn hóa’, chẳng hạn, được biểu lộ nơi thuốc phiện, nơi cuộc thoát ly thực tại để lọt vào những gì là ảo ảnh, những gì là hạnh phúc giả tạo được thể hiện nơi gian trá, lọc lừa, bất công và khinh miệt kẻ khác, khinh khi tình đoàn kết, và khinh thường trách nhiệm đối với người nghèo và thành phần khổ đau; nó được thể hiện nơi một thứ tình dục trở thành thứ hoan hưởng hoàn toàn vô trách nhiệm, thứ tình dục làm cho con người thành một ‘vật’, có thể nói, không còn coi con người xứng đáng với một tình yêu thương cá vị cần phải thủy chung, mà là con người nên như một thứ hàng hóa, một vật thuần túy.
“Chúng ta hãy nói ‘không’ với thứ hứa hẹn hạnh phúc bề ngoài này, với ‘cái pompa’ của những gì có vẻ là sự sống nhưng thật ra chỉ là khí cụ của sự chết, và với cái ‘thứ phản văn hóa’ này, để vun trồng thứ văn hóa sự sống thay vào đó. Đó là lý do, tiếng ‘có’ của Kitô Giáo, ngay từ thời xưa tới thời của chúng ta đây, là một tiếng ‘có’ mạnh mẽ đối với sự sống. Nó là tiếng ‘có’ của chúng ta đối với Chúa Kitô, ‘tiếng có’ của chúng ta với Cuộc Chiến Thắng sự chết và là tiếng ‘có’ đối với sự sống trong thời gian cũng như trong vĩnh hằng”.
(xin xem tiếp loạt bài nghiên cứu tổng hợp hiện đại này vào những ngày liên quan tới chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC 28/11-1/12/2006)