GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 28/11/2006

 TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ: hướng về biến cố, tình hình phản hồi và mục tiêu tông du

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”

?   Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ: hướng về biến cố, tình hình phản hồi và mục tiêu tông du

 

Hướng về biến cố

 

Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16/11/2006, Đức Thánh Cha Biến Đức XVI đã đề cập tới chuyến tông du của ngài tới Thổ Nhĩ Kỳ như sau:

 

“Anh chị em thân mến: Như anh chị em đã biết là vào mấy ngày nữa đây tôi sẽ đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Từ giây phút này, tôi muốn gửi lời chào thân ái tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thân yêu, một dân tộc có cả một sự phong phú lớn lao về lịch sử và văn hóa. Tôi xin bày tỏ lòng cảm mến và chân tình với quốc gia này cùng quí vị đại diện của quốc gia ấy.

 

“Với lòng cảm mến, tôi muốn gặp gỡ cộng đồng Công Giáo, một cộng đồng luôn được ấp ủ trong lòng tôi, và hiệp nhất tình huynh đệ với Giáo Hội Chính Thống, nhân dịp Lễ Thánh Tông Đồ Anrê.

 

“Bằng niềm tin tưởng, tôi muốn theo gót các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, và tôi xin Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII từ trên trời bảo vệ, vị đã là khâm sứ của Tòa Thánh 10 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ với đầy lòng quí mến và trân trọng đất nước ấy. Tôi xin tất cả mọi anh chị em hãy đồng hành với tôi bằng lời nguyện cầu để chuyến hành trình này mang lại nhiều kết quả theo ý Chúa”.

 

Tình hình phản hồi

 

Thật vậy, kể từ sau lời ngài trích dẫn ở bài nói tại Đại Học Regensburg hôm Thứ Ba 12/9/2006 trong chuyến tông du Bavaria Đức Quốc vào thời khoảng 9-14/9/2006, một lời trích dẫn liên quan tới Hồi Giáo, ngài đã bị thế giới Hồi Giáo kịch liệt phản đối, nhất là đã bị nhóm khủng bố Al Queda đe dọa sát hại mạng sống của ngài.

 

Trước tiên, hậu quả trước mắt là một nữ tu dòng Consolata là Leonella Sgorbati, người Ý, 65 tuổi, đã bị bắn chết ngày 17/9/2006 ở Somalia, và một linh mục Chính Thống Giáo ở Iraq là Amer Iskender đã bị chặt đầu hôm 11/10.

 

Còn ở chính Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 1/11/2006, một thanh niên 26 tuổi tên là Ibrahim Ak đã bắn 4 phát súng chỉ thiên trước Tòa Lãnh Sự Ý ở Istanbul.

 

Một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở xứ sở này của tác giả Yucel Kaya là cuốn “Tấn Công Giáo Hoàng: Ai sẽ Giết Chết Biển Đức XVI ở Istabul?”

 

Vị thủ tướng và bộ trưởng tôn giáo vụ đều tìm cách thoái thác việc gặp gỡ Đức Thánh Cha.

 

Đảng Saadet ở nước này đã tổ chức nhiều cuộc xuống đường, nhất là vào hôm thứ Tư 22/11/2006, đã chiếm đóng nhà thờ St. Sophia ở Haghia như để ngăn chặn không cho ngài đến cầu nguyện tại đây.

 

Vậy chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thành công hay thất bại?

 

Vị Giám Mục đại diện Tòa Thánh ở Anotolia là Luigi Padovese đã nói với mạng điện toán toàn cầu Zenit hôm Thứ Hai, 27/11/2006, áp ngày của cuộc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tông du Thổ Nhĩ Kỳ, rằng:

 

“Tất cả mọi thứ sửa soạn cho cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã kết thúc. Các cuộc xuống đường hôm Chúa Nhật ở Istanbul và Bursa đã có một tác dụng phản hồi đối với những ai tìm cách thực hiện một cuộc phản đối tập thể.

 

“Trái lại, chúng góp phần vào việc lôi kéo quần chúng chú ý hơn nữa tới việc viếng thăm của Đức Thánh Cha...

Vấn đề đáng lưu ý ở đây là tất cả các tờ nhật báo quốc gia quan trọng nhất thuật lại cuộc xuống đường này đều đề cập tới những lời được Đức Giáo Hoàng nói hôm Chúa Nhật trong buổi Nguyện Kinh Truyền Tin.

 

“Sự đổi thay này đã góp phần vào việc làm dịu đi những thứ căng thẳng trong những tuần qua. Hiển nhiên là con mắt của thế giới giờ đây đang chú trọng tới Thổ Nhĩ Kỳ và đây là một cơ hội độc đáo để nó tỏ ra cho thấy bộ mặt dân chủ và dân sự của quốc gia này.

 

“Giờ đây tất cả những gì chúng ta có thể làm là nguyện cầu để mọi sự được xuôi may. Từ những dấu chứng tôi thấy được, tôi tin rằng đây là lần đầu tiên một chuyến đi của Đức Thánh Cha được nhiều lời nguyện cầu như thế”.

 

Tới giây phút chót, vị thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là Recep Tayyip Erdogan, vị thành lập Đảng phò Hồi Giáo Cho Công Lý và Phát Triển vào năm 2001 nhờ thế đã thắng cuộc tuyển cử quốc hội năm 2002, vị đã có ý định tránh gặp Đức Thánh Cha lấy cớ phải đi họp NATO ở Latvia vào Thứ Ba và Thứ Tư tuần này, đã quyết định nghênh đón Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Esemboga ở Ankara.

 

Mục tiêu tông du

 

Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có 3 mục tiêu, một về mục vụ, một về đại kết và một về đối thoại liên tôn.

 

Về mục tiêu mục vụ, ngài đến để củng cố đức tin cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé ở đây, một cộng đồng theo 4 lễ nghi khác nhau là Latinh, Công Giáo Armenia, Công Giáo Syria và Chaldea. Tổng số người Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có 72 triệu dân và 99% Hồi Giáo, là 32 ngàn người, tức 0.04% trong tổng số dân. Cộng Đồng Công Giáo nhỏ bé ở đây có 47 giáo xứ, được trợ giúp bởi 6 vị giám mục, 13 linh mục triều, 55 linh mục dòng, 4 thày phó tế, 12 nam tu (không chức linh mục), 84 nữ tu, 8 truyền giáo giáo dân và 28 giáo lý viên. Ở Thổ Nhĩ Kỳ người Công Giáo không được nhìn nhận theo pháp lý.

 

Đức Thánh Cha sẽ cử hành 2 Thánh Lễ với tín hữu Công Giáo: lễ một vào Thứ Tư ở đền Thánh Mẫu quốc gia ở Meyem Ana Evi, tức là nhà của Maria Mẹ Chúa Giêsu, ở Êphêsô, thành phố diễn ra việc Công Đồng Chung Êphêsô công bố thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Mẹ. Thánh Lễ thứ hai sẽ được cử hành vào Thứ Sáu, ngày cuối cùng của chuyến tông du, ở Vương Cung Thánh Đường Công Giáo mang tên Thánh Linh.

 

Về mục tiêu đại kết, ngài sẽ đến Istanbul để đáp lời mời của Đức Thượng Phụ Hoàn Vũ ở Constantinople là Bartholomew I, vị đã hiện diện vào lúc mở màn cho giáo triều của ngài. Qua việc viếng thăm này, ngài muốn củng cố một trong những ưu tiên của ngài là tìm cách thực hiện cuộc đại kết Kitô Giáo, như ngài đã minh định trong bài giảng của ngài với hồng y đoàn ở Nguyện Đường Sistine hôm 20/4/2005 ngay sau ngày ngài được bầu làm giáo hoàng.

 

Đó là lý do vào hôm Thứ Tư 29/11, ngài sẽ tham dự một cuộc họp nguyện cầu và đối thoại với vị giáo phụ Chính Thống Giáo này. Tột đỉnh của chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra vào Thứ Năm là thời điểm ngài viếng thăm vị thượng phụ hoàn vũ để cử hành mừng Lễ Thánh Anrê là người anh em của Thánh Phêrô.

 

Sau khi ngài tham dự Giờ Thần Vụ là một cuộc cầu nguyện ngắn chung và trưng bày một phiến đá tưởng niệm ba vị Giáo Hoàng đã viếng thăm tòa thượng phụ này là Đức Gioan XXIII, như vị đại diện tòa thánh, Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Biến cố đại kết này sẽ được kết thúc bằng việc đọc và ký kết một bản tuyên ngôn chung giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Batholomew I.

 

Trong cùng ngày giành cho Đại Kết này, ngài sẽ viếng thăm cả Đức Thượng Phụ Mesrob II Mutafyan, ở tổng hành dinh của Thượng Phụ Tông Tòa Armenia. Đây là một trong 15 Giáo Hội Chính Thống Giáo chưa hoàn toàn hiệp nhất với Giáo Hội Rôma, mặc dù trong các thập niên gần đêy đã có những bước tiến khả quan trong việc tiến đến mục tiêu đại kết.

 

Mục tiêu đại kết còn khiến ngài tiếp cả vị Tổng Giám Mục Chính Thống Syria và một số vị lãnh đạo cộng đồng Tin Lành.

 

Về mục tiêu liên tôn với Hồi Giáo nhân chuyến viếng thăm một quốc gia hầu như toàn tòng Hồi Giáo này, vào hôm Thứ Ba, ngài sẽ viếng thăm Mausoleum of Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938), vị sáng lập và là vị tổng thống tiên khởi cho nên cộng hòa tân tiến của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Sau cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo chính quyền, ngài ngỏ lời củng vị chủ tịch tôn giáo vụ của xứ sở này, có thể bao gồm những gì liên quan tới việc đối thoại và chung sống giữa các tín đồ Hồi Giáo vàtín đồ  Kitô Giáo.

 

Để tỏ lòng tôn kính Hồi Giáo, ngài đã yêu cầu được đến viếng thăm Đền Thờ Xanh vào chiều Thứ Năm, một đền thờ lớn nhất ở Istanbul. Mục đích đối thoại liên tôn còn dẫn ngài sẽ đến thăm Vị Đại Tôn Sư của Thổ Nhĩ Kỳ cuùg ngày sau đó nữa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp theo VIS và Zenit 

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 21 Thứ Ba, 22 Thứ Tư, 24 Thứ Sáu, 25 Thứ Bảy27 Thứ Hai)

 

5- Văn Minh Tây Phương: "Chủ nghĩa tuyệt mệnh và chủ nghĩa cực bảo thủ ... khinh thường con người và sự sống con người"

 

(Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006)

 

“Ngày nay, hòa bình đích thực tiếp tục bị tổn thương và bị loại trừ bởi nạn khủng bố với những đe dọa và các cuộc tấn công đẩy thế giới vào một tình trạng sợ hãi và bất an. Các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II thường nêu lên trách nhiệm ghê gớm của thành phần khủng bố phải chịu, đồng thời các vị cũng lên án các sách lược bất lương và chết chóc của họ. Những hành động ấy thường là hoa trái của chủ nghĩa tuyệt mệnh là chủ nghĩa được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả bằng những lời lẽ như sau: ‘Những ai sát hại bằng những hành động khủng bố thực sự là những người chán chường về nhân loại, về sự sống, về tương lai. Theo quan điểm của họ thì cần phải thù ghết và hủy diệt đi tất cả mọi sự’ (Message for the 2002 World Day of Peace, 6).

 

“Chẳng những chủ nghĩa tuyệt mệnh mà còn cả chủ nghĩa cuồng tín là chủ nghĩa ngày nay thường đươc gán cho cái tên là chủ nghĩa cực bảo thủ, cũng tác dụng và khích động ý nghĩ và hoạt động khủng bố nữa. Ngay từ ban đầu, Đức Gioan Phaolô II đã thấy được cái nguy hiểm bùng phát này dưới hình thức bảo thủ cuống tín, và ngài đã nghiêm nghị lên án nó, trong khi đó ngài cảnh cáo những nổ lực muốn áp đặt hơn là trình bày cho người khác tự tình chấp nhận theo niềm xác tín của họ về sự thật. Ngài đã viết: ‘Việc cố gắng áp đặt lên kẻ khác bằng phương tiện võ lực những gì mình coi là chân lý là việc vi phạm tới phẩm vị của con người, và trên hết là phạm đến Thiên Chúa nơi họ là hình ảnh của Ngài’ (cùng nguồn vừa dẫn).

 

“Quan sát kỹ lưỡng thì cả chủ nghĩa tuyệt mệnh và chủ nghĩa cực bảo thủ được chúng ta đang nói đến đây đều có cùng một thứ liên hệ sai lầm đối với sự thật, ở chỗ, thành phần tuyệt mệnh chối bỏ chính sự hiện hữu của sự thật, trong khi thành phần bảo thủ cuồng tín chủ trương có thể áp đặt sự thật bằng võ lực. Cho dù có nguồn gốc và bối cảnh văn hóa khác nhau, cả hai đều cho thấy thái độ nguy hiểm tỏ ra khinh thường con người và sự sống con người, trên hết là chính Thiên Chúa. Thật vậy, cái thành quả thê thảm chung này xuất phát từ một thứ méo mó đối với sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa: chủ nghĩa tuyệt mệnh thì chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa cùng với việc hiện diện quan phòng của Ngài trong lịch sử, trong khi chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín lại bôi nhọ dung nhan yêu thương của Ngài, thay thế Ngài bằng những thứ ngẫu tượng được tạo nên theo hình ảnh riêng của nó. Khi phân tích những căn nguyên gây ra hiện tượng khủng bố hiện nay, cần phải cứu xét tới chẳng những các căn nguyên về chính trị và xã hội của nó mà còn cả những động lực sâu xa của nó về văn hóa, tôn giáo và ý hệ nữa”.  

 

(xin xem tiếp loạt bài nghiên cứu tổng hợp hiện đại này vào những ngày tới hướng về chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC 28/11-1/12/2006)

 

 

TOP

 

 

?   Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

(tiếp 24 Thứ Ba bài "Bột Thế Gian", 31/10 Thứ Ba bài "Men Đức Tin", 7/11 Thứ Ba bài "Bột Dậy Men", 14 Thứ Ba bài "Lúa Mục Nát" 21 Thứ Ba bài "Tái Phúc Âm")

 

1-   Mối Quan Tâm Đặc Biệt đến Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa

Nỗ lực loan báo Phúc Âm cho con người ngày nay, thành phần đang ôm ấp hy vọng, đồng thời cũng thường bị sợ hãi và buồn khổ đè nén, là một việc phục vụ cho cộng đồng Kitô hữu cũng như cho toàn thể nhân loại.

 

Bởi thế, nhiệm vụ làm cho anh em mình vững mạnh - một nhiệm vụ Chúa đã trao cho Chúng Tôi trong vai trò làm người Kế Vị Thánh Phêrô, một nhiệm vụ đối với Chúng Tôi là một “mối bận tâm hằng ngày”, là một chương trình sống cũng như hoạt động, và là một việc dấn thân quan trọng của Giáo Triều Chúng Tôi – càng là việc tỏ ra cao quí và cần thiết hơn đối với tất cả chúng ta, vì nó là vấn đề phấn khích anh em chúng ta trong sứ vụ của họ là các nhà thừa sai, để trong thời điểm bất ổn và lầm lạc này, họ có thể hoàn tất công việc ấy bằng yêu thương, lòng nhiệt thành và niềm vui mỗi ngày một hơn. 

2-   Vào Dịp Ba Biến Cố Xẩy Ra

      Đó chính là điều chúng tôi muốn làm ở đây, vào cuối Năm Thánh này, một năm Giáo Hội, “bằng nỗ lực loan báo Phúc Âm cho mọi dân tộc” (x. Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 1: AAS 58 – 1966, p. 947), chỉ có một mục tiêu nhắm đến là chu toàn nhiệm vụ của mình trong việc làm sứ giả cho Tin Mừng của Chúa Kitô – một Tin Mừng được loan báo qua hai huấn dụ căn bản: đó là “hãy mặc lấy con người mới” (x. Eph. 4:24, 2:15; Col. 3:10; Gal. 3:27; Rom. 13:14; 2Cor. 5:17) và “hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2Cor.5:20).

 

Chúng Tôi cũng muốn làm điều này vào dịp kỷ niệm 10 năm kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, một công đồng có những mục tiêu cuối cùng được tóm gọn trong mục tiêu duy nhất này, đó là mục tiêu làm cho Giáo Hội của thế kỷ 20 xứng hợp hơn bao giờ hết với việc loan báo Phúc Âm cho con người của thế kỷ 20.

 

Chúng Tôi còn muốn làm điều này vào dịp một năm sau Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Lần Ba, một thượng hội ai cũng quá rõ đã chú trọng đến việc truyền bá phúc âm hóa; và Chúng Tôi càng muốn làm điều này theo lời yêu cầu của chính các vị Nghị Phụ. Thật vậy, vào lúc kết thúc cuộc Thượng Hội đáng nhớ này, các Nghị Phụ đã hết sức tin tưởng và chân thành quyết định để lại cho vị Mục Tử của Giáo Hội hoàn vũ các thành quả gặt hái được từ tất cả mọi công khó của các vị, khi nói lên rằng các vị mong đợi nơi ngài một cái gì thúc đẩy mới mẻ, có khả năng tạo nên trong Giáo Hội, vẫn còn gắn bó sâu sa với quyền năng và sức mạnh của ngày Lễ Hiện Xuống, một giai đoạn mới cho việc truyền bá phúc âm hóa (Diễn từ kết thúc Thương Hội Giám Mục Thế Giới Lần Ba của ĐTC Phaolô VI ngày 26/10/1974: AAS 66 – 1974, pp. 634-635. 637).

 

3-  Đề Tài thường được Giáo Triều Tôi Chú Trọng

 Chúng Tôi đã nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của đề tài truyền bá phúc âm hóa này ở nhiều dịp, như lần trước khi diễn ra cuộc Thượng Hội Giám Mục. Vào ngày 22/6/1973, Chúng Tôi đã nói với Hồng Y Đoàn rằng: “Những điều kiện của xã hội chúng ta đang sống đòi buộc tất cả chúng ta phải điều chỉnh lại các phương pháp, phải tìm kiếm mọi phương tiện để học cách mang sứ điệp Kitô giáo đến cho con người tân tiến. Bởi vì con người tân tiến ngày nay chỉ có thể tìm thấy giải đáp cho các vấn nạn của mình, cũng như tìm thấy nghị lực trong việc dấn thân hoạt động cho mối đoàn kết nhân loại, nơi sứ điệp Kitô giáo mà thôi” (AAS 65 –1973, p. 383). Ngoài ra, Chúng Tôi còn nói, để đáp ứng một cách thỏa đáng cho những đòi hỏi của Công Đồng trong việc kêu gọi chúng ta chú trọng đến vấn đề này, chúng ta nhất định phải để ý đến di sản đức tin Giáo Hội có nhiệm vụ cần phải bảo trì một cách trọn vẹn, cũng như có nhiệm vụ trình bày cho con người ở thời đại chúng ta, một cách dễ hiểu và hấp dẫn bao nhiêu có thể.

 

4-  Hợp Với Thượng Hội Giám Mục Thế Giới 1974

Việc trung thành với cả sứ điệp thuộc trách nhiệm của mình, cũng như việc trung thành với thành phần con người cần chúng ta truyền đạt một cách sống động và nguyên tuyền sứ điệp này, là nồng cốt chi phối việc truyền bá phúc âm hóa. Nó đặt ra ba vấn đề nóng bỏng luôn được Thượng Hội Giám Mục 1974 nhắc tới, đó là:

*       

      Trong thời điểm của chúng ta đây, những gì đã xẩy ra cho tiềm lực của Tin Mừng, một tin mừng có thể tác dụng mạnh mẽ trên lương tâm con người?

 

*    Quyền lực của phúc âm có khả năng biến đổi con người ở thế kỷ này đến độ nào và bằng cách nào?

 

*    Để quyền lực của Phúc Âm có thể gây ảnh hưởng thì phải dùng đến các phương pháp nào?

 

Những thắc mắc này rõ ràng cho thấy vấn nạn căn bản Giáo Hội đang tự hỏi mình hôm nay đây, một vấn nạn có thể được diễn đạt bằng những từ ngữ sau đây: sau Công Đồng và nhờ Công Đồng, một thời điểm Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, ở vào ngay khúc quanh của lịch sử này, Giáo Hội có thấy rằng, hay không thấy rằng, mình được trang bị kỹ lưỡng hơn trong việc loan báo Phúc Âm, cũng như trong việc đưa sứ điệp này vào lòng người bằng một niềm xác tín, bằng tự do thanh thoát và có công hiệu?

 

5-   Mời Gọi Suy Niệm 

Tất cả chúng ta đều có thể thấy được tính cách khẩn trương trong việc đáp ứng một cách trung thực, khiêm cung và can trường trước vấn nạn này, cũng như trong việc theo đó mà tác hành.

 

Trong việc “để ý quan tâm đến tất cả mọi Giáo Hội” (2Cor.11:28), Chúng Tôi muốn giúp cho anh em mình, cũng như cho con cái nam nữ của mình, đáp lại những thắc mắc này. Những lời của Chúng Tôi phát xuất từ Cuộc Thượng Hội Giám Mục xúc tích, và có mục đích thực hiện việc suy niệm về vấn đề truyền bá phúc âm hóa. Chớ gì những lời này mời gọi được toàn thể Dân Chúa tụ hợp trong Giáo Hội thực hiện cùng một việc suy niệm này; và chớ gì những lời ấy gây nên một thúc đẩy mới đối với mọi người, nhất là đối với những “ai đang kiên trì rao giảng và truyền dạy” (1Tim.5:17), để mỗi một người trong họ có thể “hiên ngang rao giảng sứ điệp chân lý” (2Tim.2:15), và có thể hoạt động như một giảng viên Phúc Âm, thong dong thi hành thừa tác vụ của mình một cách hoàn hảo.

 

Chúng ta dường như thấy được tầm quan trọng chính yếu nơi một huấn dụ như vậy, vì việc trình bày sứ điệp Phúc Âm không phải là một đóng góp tùy ý cho Giáo Hội. Nó là một nhiệm vụ của Giáo Hội do lệnh truyền của Chúa Giêsu, để nhờ đó con người có thể tin tưởng mà được cứu độ. Sứ điệp này thực sự là cấn thiết. Nó có một không hai. Nó không thể thay thế được. Nó không được phép dửng dưng, trộn lẫn hay dung hợp. Nó là vấn đề phần rỗi của con người ta. Nó là vẻ đẹp của Mạc Khải mà nó biểu trưng. Nó có sẵn một sự khôn ngoan không phải của thế gian. Nó có thể tự mình khuấy động đức tin – một đức tin dựa vào quyền năng của Thiên Chúa (x.1Cor.2:5). Nó là sự thật. Nó kiếm được thành phần tông đồ hiến tất cả thời giờ và nghị lực của mình cho nó, và nếu cần hy sinh cả mạng sống của mình cho nó nữa.

 

(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ