GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 18/8/2006

 TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

 

?  “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: Thánh Thần mang lại cho chúng ta hiệp nhất

?   Tình Yêu Mạnh Hơn Sự Chết và Tội Lỗi TC Gioan Phaolô II: Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót 30/11/1980)

?   “Vấn đề di dân và di chuyển từ các quốc gia đa số Hồi Giáo và đến các quốc gia đa số Hồi Giáo”: Tình trạng ở một số xứ sở đa số Hồi Giáo 

 

 

? “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: Thánh Thần mang lại cho chúng ta hiệp nhất

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Phụng Vụ Giớ Kinh Tối Đêm Vọng Hiện Xuống ngày 3/6/2006 với Các Phong Trào và Tân Cộng Đồng trong Giáo Hội)

 

(tiếp 14 Thứ Hai, 15 Thứ Ba, 16 Thứ Tư17 Thứ Năm)

 

Thánh Thần mang lại cho chúng ta hiệp nhất

 

Chúa Thánh Thần, trong việc ban sự sống và tự do, cũng ban phát mối hiệp nhất nữa. Đây là 3 tặng ân bất khả phân ly. Tôi đã nói quá dài; nhưng xin để tôi nói vài lời về mối hiệp nhất.

 

Để hiểu được mối hiệp nhất, chúng ta có thể thấy được một câu nói hữu ích là những gì mới đầu dường như tách chúng ta khỏi mối hiệp nhất này. Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô là người đến tìm gặp Người ban đêm với các vấn nạn trong lòng, rằng: ‘Gió muốn thổi đâu thì thổi’ (Jn 3:8). Thế nhưng, ý muốn của Thần Linh không phải là những gì độc đoán. Ý muốn của Ngài là ý muốn của sự thật và sự thiện.

 

Bởi thế, Ngài không thổi từ bất cứ nơi đâu, lúc thì từ chỗ này, lúc thì từ chỗ khác, hơi thở của Ngài không bừa bãi nhưng đem chúng ta lại với nhau, vì sự thật là những gì hiệp nhất và yêu thương là những gì liên kết.

 

Thánh Thần là Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô, Vị Thần Linh hiệp nhất Cha và Con trong Yêu Thương, một Yêu Thương Ngài ban tặng và lãnh nhận trong một Thiên Chúa duy nhất. Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau chặt chẽ tới độ Thánh Phaolô đã có lần nói: ‘Anh chị em tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô’ (Gal 3:28). Bằng hơi thở của mình, Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta hướng về Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần tác động một cách thể lý; Ngài không phải chỉ tác động một cách chủ quan hay ‘một cách linh thiêng’.

 

Chúa Kitô Phục Sinh đã nói với các môn đệ cứ tưởng là họ xem thấy một thứ ‘thần thiêng’ rằng: ‘Chính là Thày đây; hãy chạm đến Thày mà coi; vì thần thiêng làm gì có xương có thịt như các con thấy Thày có đây’ (x Lk 24:39).

 

Điều này áp dụng cho Chúa Kitô Phục Sinh ở vào hết mọi giai đoạn của lịch sử. Chúa Kitô Phục Sinh không phải là một con ma, Người không phải là một thần thiêng thuần túy, là một tư tưởng, một tư tưởng thuần túy.

 

Người vẫn là Đấng nhập thể – chính Đấng Phục Sinh đã mặc lấy xác thịt của chúng ta – và luôn tiếp tục xây dựng Thân Thể của Người, làm cho chúng ta thành Thân Thể của Người. Thần Linh thổi đâu tùy ý của Ngài, và ý muốn của Ngài là mối hiệp nhất được hiện thân, một mối hiệp nhất gặp gỡ thế giới và biến đổi thế giới.

 

Trong bức thư gửi cho giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng Thân Thể này của Chúa Kitô, là Giáo Hội, có những đầu mối (x 4:16) và thậm chí ngài còn liệt kê những đầu mối ấy: Những đầu mối này là các vị tông đồ, tiên tri, những nhà truyền bá phúc âm hóa, những vị mục tử và những giảng viên (x 4:12). Qua các tặng ân của mình, Vị Thần Linh này đã có một dung nhan đa diện – chúng ta thấy được diều này ở nơi đây. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, nếu chúng ta nhìn vào cuộc qui tụ ở Quảng Trường Thánh Phêrô này đây, thì chúng ta nhận ra rằng Ngài hằng khơi động lên những tặng ân mới; chúng ta thấy khác nhau biết bao những cơ cấu được Ngài sáng tạo và cách thức Ngài hoạt động một cách thế lý mới mẻ hơn bao giờ hết ra sao.

 

Thế nhưng, nơi Ngài, tính cách đa dạng và hiệp nhất là những gì sát cánh bên nhau. Ngài thổi đâu tùy ý của Ngài. Ngài không làm như vậy một cách đột ngột, ở những nơi bất ngờ và bằng những cách thức chưa bao giờ thấy. Và Ngài làm như thế bằng một tính cách đa dạng và thể lý biết bao! Chính tại nơi đây mà tính cách đa dạng và hiệp nhất là những gì bất khả phân ly. 

 

Ngài cần tính cách đa dạng của anh chị em và Ngài cần anh chị em cho một thân thể duy nhất, hiệp nhất với những trật tự vĩnh tồn – với những đầu mối – của Giáo Hội, với những vị thừa kế của các thánh tông đồ và với Vị Thừa Kế của Thánh Phêrô.

 

Ngài không làm suy kém đi các nỗ lực của chúng ta trong việc học biết đường lối liên hệ với nhau, thế nhưng Ngài cũng tỏ cho chúng ta thấy rằng Ngài làm việc hướng đến một thân thể duy nhất và trong mối hiệp nhất của một thân thể duy nhất. Chính nhờ thế mà mối hiệp nhất mới có được quyền lực và vẻ đẹp.

 

Chớ gì anh chị em tham phần vào việc dựng xây nên một thân thể duy nhất ấy! Các vị mục tử cần phải thận trọng đừng dập tắt Thần Linh (x 1Thes 5:19), và anh chị em sẽ không ngừng mang đến cho toàn thể cộng đồng tặng ân của anh chị em. Một lần nữa, Thần Linh thổi đâu tùy ý của Ngài. Thế nhưng, ý muốn của Ngài là mối hiệp nhất. Ngài dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô qua Thân Thể của Người.

 

Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: ‘Nhờ Chúa Kitô mà toàn thân, được liên kết chặt chẽ với nhau ở mọi phần thể khi từng phần thể hoạt động một cách xứng hợp, sẽ phát triển một cách thể lý và tự mình dựng xây  trong yêu thương’ (Eph 4:6).

 

Chúa Thánh Thần muốn thấy mối hiệp nhất, Ngài muốn cái toàn thể. Bởi thế, việc Ngài hiện diện được thể hiện trên hết ở nơi lòng nhiệt tình truyền giáo.

 

(bài tiếp: Thánh Thần mang lại cho chúng ta nhiệt tình truyền giáo)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/6/2006, các tiểu đề là do người dịch tự ý phân chia

 

 

TOP

 

 

 ? Tình Yêu Mạnh Hơn Sự Chết và Tội Lỗi 

 

TC Gioan Phaolô II: Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót 30/11/1980)

 

Đoạn 8.    Thập giá của Chúa Kitô trên đồi Canvê cũng là một bằng chứng nói lên sức mạnh của sự dữ tấn công chính Con Thiên Chúa, tấn công Đấng duy nhất trong tất cả con cái loài người, tự bản tính, tuyệt đối vô tội và không phạm tội, và là Đấng đến trong thế gian không bị ô nhiễm bởi việc bất tuân phục của Adong cũng như bởi di sản của nguyên tội. Thế mà, ở nơi đây, đúng hơn, ở nơi Người, nơi Chúa Kitô, công lý được đền thay cho tội lỗi bằng giá hy sinh của Người, bằng việc Người "vâng lời cho đến chết" (Phil. 2:8). Người là Đấng vô tội, "vì chúng ta mà Thiên Chúa làm cho Người trở thành tội lỗi" (2Cor. 5:21). Công lý cũng được đền bù bằng sự chết là cái đã có liên hệ với tội lỗi ngay từ đầu của lịch sử loài người. Sự chết đền bù cho công lý được trả giá bằng cái chết của Đấng chẳng có tội lỗi gì, cũng là Đấng duy nhất, nhờ cái chết của mình, đã có thể lấy cái chết đập chết cái chết (x.1Cor. 15:54-55). Như thế, thập giá của Chúa Kitô mà, Người Con, đồng bản thể với Cha, bị đóng đanh để đền lại cho trọn công lý Thiên Chúa, cũng là một mạc khải nền tảng về tình thương, hay nói khác đi, về tình yêu đối với cái tạo nên tận gốc rễ của sự dữ nơi lịch sử loài người, đó là tội lỗi và sự chết.

 

Thập giá là việc Thiên Chúa tự hạ sâu thẳm nhất trước con người, và cũng là cái mà con người, đặc biệt trong những lúc khó khăn và đau đớn, cảm thấy như một số phận bất hạnh. Thập giá như là một tiếp xúc giữa tình yêu hằng hữu với những vết thương đau nhất nơi cuộc hiện hữu trần gian của con người' nó là việc hoàn tất trọn vẹn chường trình thiên sai, mà có một lần, Chúa Kitô đã phác hoạ ra ở hội trường Nazarét (x.Lc. 4:18-21), và rồi Người đã lập lại cho các sứ giả được Gioan Tẩy Giả sai đến với Người (x. Lc. 7:20-23). Theo những ngôn từ có lần đã được viết trong lời tiên tri của Isaia (x.35:5'61:1-3), thì chường trình này bao hàm trong việc mạc khải tình yêu nhân hậu cho người nghèo khó, người đau khổ và những tù nhân, cho kẻ đui mù, kẻ bị áp bức và những tội nhân. Trong mầu nhiệm vượt qua, những giới hạn của sự dữ đa diện mà con người trở thành một kẻ thừa hưởng trong cuộc hiện hữu trần gian của mình đều được vượt qua: thập giá của Chúa Kitô thực sự làm cho chúng ta hiểu được những cội rễ sâu xa nhất của sự dữ được gắn liền với tội lỗi và sự chết' như thế, thập giá trở nên một dấu hiệu  chung cuộc. Chỉ vào lúc hoàn tất việc chung cuộc này, cũng như vào lúc thế giới được thực sự canh tân, tình yêu mới thắng cuộc, nơi tất cả mọi kẻ được chọn, nơi tận những gốc rễ sâu xa nhất của sự dữ, mang lại hoa trái hoàn toàn chín mùi  của mình, là một vương quốc sự sống, thánh thiện và trường sinh vinh hiển. Nền tảng của việc hoàn tất chung cuộc này đã đưộc chất chứa nơi thập giá của Chúa Kitô cũng như trong cái chết của Người. Sự việc Chúa Kitô "ngày thứ ba được phục sinh" (1Cor. 15:4) tạo nên dấu hiệu cuối cùng của sứ mệnh thiên sai, một dấu hiệu hoàn thành trọn vẹn mạc khải của tình yêu nhân hậu trên thế gian là nơi lụy thuộc sự dữ.  Đồng thời, nó cũng tạo nên một dấu hiệu báo trước "một trời mới và một đất mới" (KH 21:1), khi mà Thiên Chúa "sẽ lau khô hết nước mắt, sẽ không còn chết chóc, hay than van, kêu khóc, vì những cái trước kia đã qua đi rồi" (KH 21:4). 

 

Nơi việc hoàn tất chung cuộc này, tình thương sẽ được tỏ hiện như tình yêu, tuy nhiên, còn trong giai đoạn tạm thời này, giai đoạn lịch sử nhân loại, cũng là lịch sử của tội lỗi và sự chết, thì tình yêu, trước hết, phải được tỏ hiện ra như là tình thương và cũng phải được hiện thực như là tình thương. Chương trình thiên sai của Chúa Kitô, chương trình của tình thương, trở thành chương trình của dân Người, chương trình của Giáo Hội. Cây thập giá luôn luôn ở ngay tâm điểm của nó, vì nơi thập giá mà mạc khỉi của tình yêu nhân hậu đạt được tột đỉnh của mình. Cho đến khi "những sự trước kia qua đi" (KH 21:4), thập giá sẽ còn là điểm liên hệ với những lời khác nữa của Khải Huyền thánh Gioan: "Này đây, Ta đứng ở cửa mà gõ' hễ ai nghe thấy tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào mà ăn uống với họ và họ ăn uống với Ta" (KH 3:20). Bằng một cách thức đặc biệt, Thiên Chúa cũng mạc khải tình thương của Ngài ra khi Ngái kêu mời con người hãy 'thương lấy' Con duy nhất của Ngái, Đấng bị đóng đanh.

 

Chúa Kitô, đúng hơn, Đấng bị đóng đanh, là Lời không qua đi (x.Mt. 24:35), và Người cũng là Đấng đứng ở cửa mà gõ vào cõi lòng của mọi người (x.KH 3:20), song không ép uổng tự do của họ, trái lại, tìm cách lôi kéo tình yêu từ chính cái tự do này, một tình yêu không phải chỉ là một tác động liên kết với Con Người đau khổ, mà còn là một loại 'tình thương' được tỏ ra bởi mỗi một người trong chúng ta đối với Người Con của Chúa Cha hằng hữu. Trong cả chương trình thiên sai này của Chúa Kitô, cả mạc khải của tình thương bằng thập giá, phẩm giá của con người còn có thể nào được tôn trọng và cao trọng cao hơn nữa, vì, trong việc nhận lấy tình thương, theo một nghiã nào đó, Người cũng đồng thời là Đấng 'tỏ lộ tình thương'?

 

Tóm lại, không phải hay sao, đó là vị thế của Chúa Kitô liên quan đến con người, khi Người nói: "Khi các ngươi làm điều ấy cho một trong những anh em nhỏ mọn nhất này... là các ngươi làm điều ấy cho chính Ta" (Mt. 25:40)?  Cũng không phải hay sao, theo một nghĩa nào đó, nơi những lời của Bài Giảng Trên Núi: "Phúc cho kẻ có lòng xót thương, vì họ sẽ được thương xót" (Mt. 5:7), mà một tổng lược của toàn thể Tin Mừng, của toàn thể cuộc 'trao đổi diệu kỳ' (admirabile commercium) được chất chứa? Cuộc trao đổi này là một lề luật của chính dự án cứu độ, một lề luật đơn giản, mạnh mẽ, đồng thời cũng 'dễ dàng' nữa. Không phải hay sao, những lời của Bài Giảng Trên Núi này, ngay từ đầu nói lên cái mà 'con tim nhân loại' có thể ("được xót thương"), cũng mạc khải cho thấy, trong cùng một khung cảnh, mầu nhiệm sâu thăm nơi Thiên Chúa: đó là mối hiệp nhất khôn thấu của Cha, Con và Thánh Linh, trong đó, tình yêu, bao gồm công lý, tác động tình thương, để rồi, ngược lại, tình thương tỏ hiện sự thiện toàn của công lý?

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua đó là Chúa Kitô ở tột đỉnh của mạc khải mầu nhiệm khôn thấu nơi Thiên Chúa. Bởi thế, thật là chính xác cho những lời được công bố tại Lầu Thất Tiệc Ly sau đây được hoàn toàn thực hiện: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Gn. 14:9). Thật thế, Chúa Kitô, Đấng mà Cha đã vì loài người "không dung tha cho" (Rm. 8:32), và cũng là Đấng, bằng cuộc khổ nạn của mình và bằng cực hình thập giá, không chiếm lấy lòng thương của con người, đã mạc khải trọn vẹn, trong cuộc phục sinh của mình, tình yêu mà Chúa Cha dành cho Người và, trong Người, cho tất cả mọi người. "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" ( (Mc. 12:27). Trong cuộc phục sinh của mình, Chúa Kitô đã mạc khải cho thấy một vị Thiên Chúa của tình yêu nhân hậu, chính bởi vì Người đã chấp nhận thập giá như đường lối để phục sinh. Và chính vì lý do này mà, khi chúng ta tưởng nhớ đến thạp giá của Chúa Kitô, đến cuộc khổ nạn và tử nạn của Người, đức tin và đức cậy của chúng ta đặt trọng tâm vào Đấng Phục Sinh: tức là vào Chúa Kitô là Đấng "vào buổi tối hôm đó là ngày thứ nhất trong tuần,... đứng giữa họ" ở Lầu Thất Tiệc Ly, "nơi các môn đệ ở,... thở hơi trên họ mà nói với họ: 'Hãy nhận lấy Thánh Linh. Nếu các con tha tội cho ai thì họ được tha' nếu các con cầm tội ai thì họ bị cầm tội'" (Gn. 20:19-23).

 

Đây Người Con Thiên Chúa, Đấng nghiệm thấy một cách sâu xa, trong cuộc phục sinh của mình, tình thương được tỏ ra cho chinh Người, tức là tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn cả sự chết. Và cũng Chúa Kitô đó, là Con Thiên Chúa, Đấng vào cuối sứ vụ thiên sai của mình, cũng như, theo một nghĩa nào đó, ngay cả sau đó nữa, mạc khải chính mình ra như một mạch nguồn tình thương vô tận của cùng một tình yêu mà, trong một bối cảnh sau đó của lịch sử cứu độ trong Giáo Hội, được vĩnh viễn xác nhận mạnh mẽ hơn cả tội lỗi. (Phụ chú của người trích dịch: Ở đây, phải chăng Đức Thánh Cha có ý nối đến cả những mạc khải tư của Chúa Giêsu, như Những Lời Thỏ Thẻ trong bộ "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" này, nhất là những lời mạc khải tư của Chúa Giêsu về tình thương của Người cho nữ tu Ba-Lan Maria Faustina mà ngài, khi còn là hồng y tổng giám mục ở Cracow, đã chính thức thực hiện tiến trình phong chân phước cho chị ngày 20-9-1967 và khi làm giáo hoàng đã phong á thánh cho chị ngày 18-4-1993). Chúa Kitô vượt qua quả thực là một nhập thể của tình thương' là dấu chứng sống động của tình thương: trong lịch sử cứu chuộc cũng như trong lúc chung cuộc. Trong tinh thần đó, phụng vụ của tin mừng Phục Sinh đặt vào môi miệng chúng ta những lời Thánh Vịnh 89 (88):2 là "Muôn đời tôi sẽ ca ngợi tình thương Chúa" (Misericordias Domini in aeternum cantabo). 

 

(còn tiếp vào các ngày thứ sáu hằng tuần)

 

TOP

 

 

?   “Vấn đề di dân và di chuyển từ các quốc gia đa số Hồi Giáo và đến các quốc gia đa số Hồi Giáo”: Tình trạng ở một số xứ sở đa số Hồi Giáo 

 

(Bản Đúc Kết Đại Hội Thường Niên của Hội Đồng Tòa Thánh về Di Dân và Du Hành 15-17/5/2006)

 

(tiếp 16 Thứ Tư17 Thứ Năm)

 

Tình trạng ở một số xứ sở đa số Hồi Giáo 

17.              Mặt khác, ở các xứ sở đa số Hồi Giáo, thành phần Kitô hữu và thành phần lao công di dân, nói chung, là thành phần nghèo nàn và chẳng có quyền giao kèo thực sự, việc những nhân quyền của họ được nhìn nhận gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, thành phần lao công di dân có rất ít khả năng để sự vụ của họ được công lý tôn trọng, vì họ có thể dễ dàng bị trừng phạt hay trục xuất.

 

18.              Bởi thế Giáo Hội được kêu gọi để giúp thành phần di dân Kitô hữu ở các xứ sở đó, cũng như trên khắp thế giới, liên quan tới việc tôn trọng phạm vi luật pháp cũng như tới việc chú trọng đến vấn đề thành lập những luật lệ chính đáng về sự di chuyển của con người cùng vần đề bảo vệ theo pháp lý tất cả những ai trong cuộc. Tuy nhiên, có những tham dự viên nhắc nhở rằng, ở những xứ sở khác nhau, tình hình này cần phải như thế để thành phần công dân của những xứ sở ấy không cần phải xuất ngoại để sống còn.

 

19.              Ngoài ra, theo những chỉ dẫn của sắc lệnh công đồng ‘Christus Dominus’ (số 18), Giáo Hội phải bảo đảm rằng tín hữu, thành phần không được bản quyền địa phương phục vụ một cách thích đáng, chẳng hạn, thừa tác mục vụ trong khu vực đối với việc di chuyển của họ, hay hoàn toàn hụt hẫng thừa tác mục vụ này, có được một việc chăm sóc mục vụ đặc biệt và thậm chí là việc chăm sóc mục vụ hội nhập. Điều này cũng đúng cả ở các xứ sở đa số Hồi Giáo nữa.

 

20.              Ở những xứ sở ấy, công việc của Giáo Hội địa phương là đón nhận thành phần di dân và thành phần du hành, bất kể tình trạng thiếu thốn nhân viên và bất kể cả những cơ cấu không thích hợp.

 

21.              Về khía cạnh này, vấn đề đối thoại và hợp tác là những gì cần thiết giữa Giáo Hội nguyên thủy của thành phần di dân và thành phần du hành với giáo hội ở các quốc gia mục tiêu của họ, đối với vấn đề chăm sóc đời sống thiêng liêng của họ. Thật vậy, đó là một qui luật chung đối với tất cả mọi quốc gia (x EMCC, 70 và 50-55).

 

22.              Ngoài ra, thành phần di dân quố ctế cũng cần phải được giúp đỡ để làm cho việc đóng góp của họ vào cộng đồng họ sống, cũng như vào thành phần Dân Chúa địa phương.

 

23.              Cộng đồng tiếp nhận đồng thời cũng phải phát triển một cảm quan đoàn kết với thành phần di dân cũng như với các thành phần khác ở trong những trường hợp tương tự.

(ngày mai: Mối quan tâm của Giáo Hội nơi một vài lãnh vực của vấn đề di chuyển của nhân loại)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến hôm 22/6/2006 và được Zenit phổ biến cùng ngày

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ