GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 16/8/2006

 TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

 

?  “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự sống'

?   Lebanon: “Những Ngày Lịch Sử Cuối Cùng”?: Dân Do Thái nhận biết Đấng Thiên Sai: Ra Sao và khi nào?

?   “Vấn đề di dân và di chuyển từ các quốc gia đa số Hồi Giáo và đến các quốc gia đa số Hồi Giáo”

 

 

? “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự sống

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Phụng Vụ Giớ Kinh Tối Đêm Vọng Hiện Xuống ngày 3/6/2006 với Các Phong Trào và Tân Cộng Đồng trong Giáo Hội)

 

(tiếp 14 Thứ Hai15 Thứ Ba)

 

Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự sống.

 

‘Thày đến cho chúng được sự sống và là một sự sống viên mãn’, Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm Thánh Gioan (10:10). Sự sống và tự do: Đấy là những điều tất cả chúng ta đều mong ước. Thế nhưng, điều này nghĩa là gì – tức chúng ta tìm thấy ‘sự sống’ ở đâu và ra sao?

 

Tôi nghĩ rằng đại đa số nhân loại tự nhiên có cùng một quan niệm về sự sống như Người Con Hoang Đàng trong Phúc Âm. Anh ta được chia cho phần gia tài của mình, để rồi cảm thấy được tự do thoải mái; thật ra, những gì anh ta muốn là được sống không còn nặng gánh bởi những nhiệm vụ trong gia đình mà  chỉ biết sống thôi. Anh ta muốn được tất cả mọi thứ sự sống có thể cung cấp cho. Anh ta muốn hoan hưởng nó cho đến tận cùng – sống, chỉ biết sống, sống chìm đắm vào những gì là sung mãn của cuộc sống, không làm mất đi một cái gì nơi tất cả những cái đáng giá cuộc sống có thể cống hiến cho.

 

Kết cục anh ta lâm vào cảnh chăn heo, thậm chí thèm thuồng cả những con thú ấy nữa – cuộc sống của anh ta trở thành quá ư là trống rỗng và quá ư là vô dụng. Rồi cả cái tự do của anh ta cũng trở nên vô bổ.

 

Khi tất cả những gì con người muốn có nơi cuộc sống là việc chiếm hữu lấy sự sống, thì nó trở thành trống rỗng và bần cùng hơn bao giờ hết, dễ dẫn tới chỗ tìm nương tựa nơi thuốc phiện, nơi những gì thật là gian trá. Thế rồi những ngờ vực nổi lên như cho rằng sự sống phải chăng thực sự là một sự thiện. 

 

Không, chúng ta không tìm kiếm sự sống như thế. Những lời của Chúa Giêsu về sự sống viên trọn là những gì được chất chứa nơi bài giảng Vị Chủ Chiên Nhân Lành. Những lời của Người có một chiều kích lưỡng diện.

 

Liên quan tới vị chủ chiên, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Người thí sự sống của Người đi. ‘Không ai có thể lấy được sự sống của Tôi, mà là Tôi tự ý bỏ nó đi’ (x Jn 10:18). Chỉ ở nơi việc hiến ban sự sống mới tìm được sự sống; sự sống không thể nào thấy được bằng việc tìm cách chiếm hữu nó. Đó là những gì chúng ta cần phải học nơi Chúa Giêsu; và Chúa Thánh Thần dạy chúng ta rằng nó là một tặng ân tinh tuyền, nó là tặng ân ban mình của Thiên Chúa. Con người càng ban phát sự sống mình cho người khác thì lại càng dồi dào sung mãn như con sống sự sống tuôn trào.

 

Sau nữa, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng sự sống triển nở nơi việc bước đi với vị Chủ Chiên là vị quen thuộc với đồng cỏ – tức những nơi là nguồn mạch tuôn trào của sự sống.

 

Chúng ta tìm thấy sự sống nơi mối hiệp thông với Đấng đích thân là sự sống – nơi mối hiệp thông với vị Thiên Chúa hằng sống, một mối hiệp thông chúng ta được Chúa Thánh Thần dẫn vào, Đấng được bài thánh ca Giờ Kinh Tối gọi là ‘fons vivus’, nguồn mạch sự sống.

 

Đồng cỏ là nơi tuôn trào sự sống đây là Lời Chúa như chúng ta thấy trong Phúc Âm, trong niềm tin của Giáo Hội. Đồng cỏ đây là chính Thiên Chúa, Đấng chúng ta nhận biết trong mối hiệp thông đức tin nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 

Quí bạn thân mến, các phong trào được xuất phát chính là vì niềm khao khát sự sống chân thực; chúng là những phong trào về sự sống, dù ở khía cạnh nào đi nữa.

 

Ở đâu nguồn mạch sự sống chân thực không còn tuôn chảy nữa thì ở đó con người chỉ chiếm hưởng sự sống thay vì ban phát nó, và bất cứ nơi nào con người sẵn sàng hủy bỏ sự sống thai nghén vì sự sống đó dường như chiếm chỗ nơi đời sống của họ, thì ở đó sự sống của người khác bị nguy hiểm hết sức.

 

Nếu chúng ta muốn bảo vệ sự sống thì trên hết chúng ta cần  phải tái khám phá ra nguồn mạch của sự sống; bấy giờ sự sống mới tái hiện lên với tất cả vẻ đẹp và cao quí củanó; bấy giờ chúng ta mớithấy mình được Chúa Thánh Thần là nguồn sáng tạo của sự sống làm cho nẩy nở.

 

(bài tiếp: Thánh Thần mang lại cho chúng ta tự do)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/6/2006, các tiểu đề là do người dịch tự ý phân chia

 

TOP

 

 

 ? Lebanon: “Những Ngày Lịch Sử Cuối Cùng”?: Dân Do Thái nhận biết Đấng Thiên Sai: Ra Sao và khi nào?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


(tiếp
10 Thứ Năm, 11 Thứ Sáu, 12 Thứ Bảy, 13 Chúa Nhật, 14 Thứ Hai15 Thứ Ba)

Dân Do Thái nhận biết Đấng Thiên Sai: Ra Sao và khi nào?

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vào ngày Thứ Sáu 11/7/2006, đã quyết nghị 1701 là hai bên Do Thái và Hezbollah chấm dứt chiến tranh vào 8 giờ sáng Thứ Hai 14/8/2005, một quyết nghị đã được Nội Các Lebanon nhất loạt chấp nhận ngay, còn Hội Đồng Nội Các Do Thái sau những cuộc tranh biện cũng đã chấp thuận vào Chúa Nhật 13/8. Theo quyết nghị này của Liên Hiệp Quốc thì quân đội Liên Hiệp Quốc ở trong vùng này sẽ tăng lên từ 2000 tới 15 ngàn, một lực lượng quân đội sẽ được tham gia bởi 15 ngàn quân nhân Lebanon, với nhiệm vụ bảo đảm là nhóm dân quân Hezbollah không được gây rối bất cứ nơi nào giữa biên giới Lebanon-Do Thái và Sông Litani; 2 quân nhân Do Thái bị nhóm dân quân này bắt làm con tin hôm 12/7, làm bùng nổ cuộc xung đột, phải được thả tự do; lực lượng Do Thái phải rút quân khỏi Lebanon sau khi quân đội Lebanon và Liên Hiệp Quốc thi hành sứ vụ của mình.

Tình hình Trung Đông dằng dai và căng thẳng giữa hai phe Palestine và Do Thái cho tới nay khiến cho người viết cứ suy nghĩ về hai câu Thánh Kinh, một câu liên quan đến phe Palestine Ả Rập và một câu liên quan đến phe Do Thái.

Câu Thánh Kinh (Cựu Ước) liên quan đến phe Palestine Ả Rập, đó là câu Thiên Sứ phán với người nữ tỳ Ai Cập Hagar về tương lai của đứa con trai Ishmael đang ở trong bụng chị bấy giờ, đứa trẻ chị sẽ sinh ra cho ông chủ Abram của chị vì bà chủ Sarai của chị bị bất hạnh hiếm muộn: “Nó chống lại mọi người và mọi người chống lại nó” (Gen 16:12). Tình hình an ninh trên thế giới hiện nay cho thấy nạn khủng bố trên thế giới phát xuất từ dân Ả Rập Hồi giáo, và thế giới cũng đang liên kết để chống lại nạn khủng bố gây ra bởi những con người thuộc dân này.

Câu Thánh Kinh (Tân Ước) liên quan đến phe Do Thái là câu Thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định về số phận của dân ấy: “Phần dân Do Thái đã bị mù quáng cho tới khi đủ số Dân Ngoại, tới lúc ấy tất cả dân Do Thái sẽ được cứu độ” (Rm 11:25-26). Tình hình hiện nay cho thấy dân Do Thái dường như không cần mong đợi một Vị Cứu Tinh, Vị Thiên Sai nữa, vì họ không bị một quyền lực chính trị nào chi phối, như thời đế quốc Rôma, thời điểm xuất hiện nhân vật Giêsu Nazarét, trái lại, họ còn làm chủ tình hình Trung Đông nói riêng, nhất là, làm điêu đứng cả một thế giới Ả Rập Hồi giáo khổng lồ về địa dư và dân số gấp trăm ngàn lần họ.

Chúng ta không biết dân Do Thái sẽ được cứu độ bằng cách nào, chỉ biết rằng khi đủ số Dân Ngoại thì họ được cứu, thế thôi. Nhưng làm thế nào để biết được còn bao nhiêu Dân Ngoại cần phải trở về nữa mới đủ số, hay ngược lại, cứ khi nào thấy Dân Do Thái bắt đầu tỏ ra nhận biết Giêsu Nazarét là Chúa Kitô, là Đấng Thiên Sai, thì đó là dấu cho thấy đã đủ số Dân Ngoại. Tuy nhiên, trong khi mong chờ điềm trời cho thấy ứng nghiệm lời tiên báo của Thánh Phaolô về số phận của dân Do Thái, chúng ta hãy tiếp tục can thận theo dõi ‘những dấu chỉ thời đại’ nơi tình hình Trung Đông, một mảnh đất hữu thần và linh thánh nhưng liên lỉ xung khắc và trường kỳ xung đột.

Không biết cuối cùng Do Thái có làm chủ toàn cõi Trung Đông là mảnh đất dầu hỏa, nhờ đó bá chủ toàn cầu về kinh tế hay chăng? Theo lịch sử Cựu Ước của mình, thì dân Do Thái dường như chỉ trông đợi Vị Cứu Tinh khi họ bị đô hộ mà thôi, nhất là dưới thời của đế quốc Rôma, thời xuất hiện một nhân vật Thiên Sai mang danh Giêsu Nazarét. Vậy nếu họ có thể sử dụng quyền lực chính trị và quân sự để thống trị toàn cõi Trung Đông nói riêng, và trở thành bá chủ toàn cầu nói chung về phương diện kinh tế, thì liệu họ có còn trông đợi Đấng Thiên Sai nữa hay chăng?

Như thế, vì phần rỗi vô cùng quí giá và hệ trọng của thành phần được Ngài tuyển chọn, tức để làm cho dân mình có thể tiếp tục thiết tha trông đợi Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh của họ, Thiên Chúa dám để cho họ bị thua bại trong cuộc chiến tranh ở Trung Đông, thậm chí để cho họ bị khối Chư Quốc Hồi Giáo Ả Rập rất hùng hậu trong vùng Trung Đông này vốn chướng tai gai mặt trước sự hiện diện của họ và muốn ăn tươi nuốt sống họ bất cứ lúc nào có thể, làm chủ họ. Đến nỗi, họ không còn ngóc đầu dậy được nữa, đành phải quay về với Giavê Thiên Chúa tối cao của mình, xin Ngài sai Đấng Cứu Tinh tới, vị Cứu Tinh đã thực sự được Thiên Chúa sai đến, nhưng lại là vị họ phủ nhận, vị vẫn đang sống nơi Giáo Hội của Ngài cho tới tận thế, vị mà qua Giáo Hội Công Giáo, nhờ nỗ lực Đại Kết Kitô Giáo, đã đưa Châu Lục Kitô Giáo là Âu Châu đến chỗ hoàn toàn hiệp nhất, để nhờ đó, Châu Lục Kittô Giáo này chẳng những có thể đương đầu với mà còn khống chế một lực lượng đã từng muốn xâm chiếm cả Âu Châu từ thế kỷ thứ 16, song đã bị thảm bại ở Lepantô năm 1572, trước thế giới Kitô Giáo Âu Châu, nhờ sự can thiệp nhiệm mầu của Đức Bà Thắng Trận vậy!  

(xin xem lại toàn bài Lebanon: Những ngày cuối cùng của lịch sử?)

 

TOP

 

 

?   “Vấn đề di dân và di chuyển từ các quốc gia đa số Hồi Giáo và đến các quốc gia đa số Hồi Giáo”

 

(Bản Đúc Kết Đại Hội Thường Niên của Hội Đồng Tòa Thánh về Di Dân và Du Hành 15-17/5/2006)

 

Những Đúc Kết và Khuyến Dụ

 

Thành phần di dân Hồi Giáo ở các xứ sở đa số Kitô Giáo

 

1.                  Về vấn đề này, việc di dân của những người Hồi Giáo được nhận thấy là gia tăng ở các xứ sở Âu Châu và Bắc Mỹ, những xứ sở thuộc truyền thống Kitô Giáo cổ thời (xem bản hướng dẫn EMCC - "Erga Migrantes Caritas Christi", các số 59 và 65). Họ đến tìm kiếm việc làm hay nền dân chủ, hoặc để đoàn tụ gia đình.

 

2.                  Bởi thế mới cần phải khuyến khích việc hội nhập (chứ không phải việc đồng hóa) của thành phần di dân Hồi Giáo (x EMCC 2, 60-61).

 

3.                  Do đó, đặc biệt là thành phần Công Giáo được kêu gọi để tỏ ra đoàn kết với những người di dân Hồi Giáo, để cởi mở chia sẻ với họ và để hiểu biết hơn nữa về văn hóa cùng tôn giáo của họ. Đồng thời họ cũng làm chứng cho các giá trị Kitô Giáo của mình, cũng theo chiều hướng của một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa dĩ nhiên là cần phải tôn trọng quyền tự do lương tâm và tôn giáo (x EMCC, 59 và 69).

 

4.                  Điều này có nghĩa là Kitô hữu cần phải hiểu biết sâu xa hơn nữa căn tính của mình (x EMCC, 60) như là thành phần môn đệ của Chúa Kitô, làm chứng cho cán căn tính này trong đời sống của mình và tái khám phá ra vai trò của mình nơi việc tân truyền bá phúc âm hóa (x EMCC 86-88).

 

5.                  Vì vậy cần phải khẳng định việc tương kính và mối liên đới loài người, trong bầu khí an bình, lấy con người, phẩm giá của họ và quyền lợi cùng phận vụ của họ làm chính.

 

6.                  Dĩ nhiên các thứ nhân quyền và quyền tự do của con người phải đi song song với những thứ nhân quyền và quyền tự do của người khác.

 

(ngày mai: Vấn đề đối thoại)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến hôm 22/6/2006 và được Zenit phổ biến cùng ngày

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ