GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 15/8/2006 TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN |
? “Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: ‘Tạo vật nhẫn nại đợi chờ việc tỏ hiện đó là việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa'
? Lebanon: “Những Ngày Lịch Sử Cuối Cùng”?: Tình Trạng Xung Đột giữa Do Thái và Nhóm Dân Quân Hồi Giáo Hezbollah ở Lebanon
? “Đừng bao giờ chán chường trong việc thiết dựng những cây cầu thông cảm và truyền thông giữa cảm nghiệm của giáo hội với ý nghĩ của quần chúng”
“Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do”: ‘Tạo vật nhẫn nại đợi chờ việc tỏ hiện đó là việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa'
(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Phụng Vụ Giớ Kinh Tối Đêm Canh Thức Hiện Xuống ngày 3/6/2006 với Các Phong Trào và Tân Cộng Đồng trong Giáo Hội)
(tiếp 14 Thứ Hai)
Tạo vật nhẫn nại đợi chờ việc tỏ hiện đó là việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa
Các bạn thân mến, chúng ta cần phải trở thành những người con cái này của Thiên Chúa là thành phần tạo vật đợi trông, và chúng ta có thể trở nên những người con cái ấy vì Chúa đã làm cho chúng ta như thế nơi phép rửa. Phải, tạo vật và lịch sử – cả hai đang đợi chờ chúng ta, đang chờ đợi những con người nam nữ thật sự là thành phần con cái của Thiên Chúa và tác hành như thế.
Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rằng tạo vật đã nẩy nở chung quanh các đan viện, như thể, với việc tái khơi động của Thần Linh Chúa nơi tâm can con người, ánh quang của Thần Linh Tạo Dựng cũng được hoàn trả lại cho trái đất – một vinh quang rạng ngời đã bị phủ lấp và có những lúc thậm chí bị daâp tắt đi bởi tính cách dã man của cái say mê quyền lực của con người.
Chưa hết, điều đã từng xẩy ra một lần quanh Thánh Phanxicô Assissi – nó cũng xẩy ra khắp nơi khi Thần Linh Chúa thẩm thấu linh hồn, Vị Thần Linh được bài thánh ca của chúng ta hiễn tả là ánh sáng, yêu thương và sức mạnh.
Như thế, chúng ta đã khám phá ra câu giải đáp tiên khởi cho vấn nạn Thánh Thần là gì, Ngài làm những chi và làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài. Ngài đến để gặp gỡ chúng ta nơi thiên nhiên tạo vật và vẻ đẹp của chúng.
Tuy nhiên, trong giòng lịch sử của nhân loại, có một lớp bụi bao phủ tạo vật của Thiên Chúa, một lớp bụi làm cho nó khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thấy được nơi nó hình ảnh của Đấng Hóa Công, mặc dù kiến thức về việc Thiên Chúa hiện hữu được tái khơi lên trong chúng ta mới mẻ hơn bao giờ hết, thực sự bộc phát một cách tự nhiên trước cảnh hoàng hôn trên biển cả, vào một cuộc du ngoạn núi non hay trước một bông hoa vừa rộ nở.
Thế nhưng, Vị Thần Linh Sáng Tạo đã đến hỗ trợ chúng ta. Ngài đã đi vào lịch sử và nói với chúng ta một cách mới mẻ. Nơi Chúa Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã làm người và cho phép chúng ta, có thể nói, thoáng nhìn thấy được thâm tâm của chính Thiên Chúa.
Và ở đó, chúng ta thấy một cái gì đó hoàn toàn bất ngờ: đó là, nơi Thiên Chúa, có một cái ‘Tôi’ và một cái ‘Ngươi’ hiện hữu. Vị Thiên Chúa nhiệm mầu này không phải là vị Thiên Chúa muôn đời cô độc, Ngài là một biến cố yêu thương. Nếu nhờ nhìn ngắm tạo vật chúng ta nghĩ chúng ta có thể thoáng thấy được Vị Thần Linh Sáng tạo này, thoáng thấy được chính Thiên Chúa, chứ không phải là một thứ toán học sáng tạo, như một quyền lực làm nên các thứ luật lệ của thế giới này cùng trật tự của chúng, thì bấy giờ, thậm chí dù cũng thấy như là một vẻ đẹp, chúng ta mới nhận thấy rằng Vị Thần Linh Sáng tạo này có cả một trái tim. Ngài là tình yêu.
Chúa Con, Đấng nói cho Chúa Cha, hiện hữu, và cả hai là một trong Thần Linh, Đấng có thể nói tạo nên bầu khí ban phát và yêu thương làm cho cả hai là một Thiên Chúa duy nhất. Mối hiệp nhất yêu thương là Thiên Chúa này, là một mối hiệp nhất cao cả hơn mối hiệp nhất của một phân tử bất khả phân chia bền bỉ nữa. Chính Vị Thiên Chúa Ba Ngôi là Một Vị Thiên Chúa duy nhất.
Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta có thể thoáng nhìn thấy nội tâm của Thiên Chúa. Thánh Gioan, trong Phúc Âm của ngài, đã diễn tả điều này như sau: ‘Không ai đã từng thấy Thiên Chúa; chỉ có Con, Đấng hằng ở trong lòng Cha, Đấng tỏ Ngài ra mà thôi’ (Jn 1:18).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ để cho chúng ta thấy được nội tâm của Thiên Chúa; với Người, Thiên Chúa thực sự còn từ nội tâm của mình mà đến gặp gỡ chúng ta nữa. Điều này đặc biệt xẩy ra nơi đời sống của Người, nơi cuộc khổ nạn, tử giá và Phục Sinh của Người; nơi những lời của Người.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không hài lòng với việc đến với chúng ta. Người còn muốn hơn thế nữa. Người muốn hiệp nhất hóa. Đó là ý nghĩa của các hình ảnh về bữa tiệc cưới.
Chúng ta chẳng những cần phải biết một cái gì đó về Người, mà còn nhờ Người, chúng ta cần phải được lôi kéo đến với Thiên Chúa nữa. Vì lý do này, Người đã phải chết đi và được phục sinh, vì Người giờ đây không còn được thấy ở bất cứ nơi nào nữa, mà Thần Linh của Người, Thánh Thần, thoát tỏa từ Người và thấm vào lòng chúng ta, nhờ đó, hiệp nhất chúng ta với chính Chúa Giêsu và với Chúa Cha, với Vị Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lễ Hiện Xuống là ở chỗ Chúa Giêsu, và qua Người chính Thiên Chúa, thực sự đã đến với chúng ta và kéo chúng ta đến với chính Người: ‘Người đã sai Thánh Thần đến’ – đó là những gì Thánh Kinh nói. Tác dụng của Lễ Hiện Xuống này là gì?
Trước hết tôi muốn nói tới hai khía cạnh: Thánh Thần, qua Ngài Thiên Chúa đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống và tự do. Chúng ta hãy lưu ý hơn chút nữa đến hai điều.
(
bài tiếp: Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự sống.)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/6/2006, các tiểu đề là do người dịch tự ý phân chia
Lebanon: “Những Ngày Lịch Sử Cuối Cùng”?: Tình Trạng Xung Đột giữa Do Thái và Nhóm Dân Quân Hồi Giáo Hezbollah ở Lebanon
Diễn Tiến Cuộc Xung Đột ở Lebanon: Những Ngày Cuối Cùng
Chúa Nhật 6: Nhóm Hezbollah bắn hơn 180 quả hỏa đạn sang miền bắc Do Thái. 12 quân nhân Do Thái bị tử trận gần Kfar Giladi. Một dân quân Hezbollah bị bắt và được cho là thuộc số bắt cóc hai quân nhân Do Thái hôm 12/7. Do Thái tiếp tục oanh tạc các tỉnh miền nam Lebanon cũng như những mục tiêu gần Tyre và các vùng phụ cận thuộc nam bộ thủ đô Beirut. Các lực lượng bộ binh đụng trận ở Tayba, Miskaf và Odaise. Cho tới nay có 706 người Lebanon tử vong và 95 người Do Thái bị chết.
Thứ Hai 7: Quân đội Do Thái oanh tạc al-Ghassaniye, Houla và các miền quanh Tyre thuộc miền nam Lebanon. Gần thủ đô Beirut, một cuộc tấn công vào một vùng phụ cận nam Beirut sát hại 15 người. Nhóm Hezbollah bắn ít là 140 hỏa đạn sang Do Thái, vào các tỉnh Shlomi, Kirat Shmona và Safed, cũng như vào những cánh đồng gần Tiberias và các tỉnh khác. Một số quân nhân Do Thái tử trận trong các cuộc bộ chiến ở các tỉnh Lebanon là Bint Jbeil và Debel. Số tử vong của Do Thái tăng lên 97 người, trong đó có 35 thường dân, bên Lebanon có 715 người chết, hầu hết là thường dân.
Thứ Ba 8: Do Thái thực hiện 80 cuộc oanh tạc suốt đêm, nhắm vào các dinh thự, đường xá cùng các nơi bắn phi đạn. Cuộc tấn công vào tỉnh Ghaziye ở Lebanon sát hại 8 thường dân. Nhóm Hezbollah có 7 người bị chết và 5 bị bắt ở Al Mansouri, Bint Jbeit, Ramiya và Shihin. Do Thái có 1 quân nhân chết ở Debel. Nhóm Hezbollah bắn khoảng 145 quả hỏa đạn sang miền bắc Do Thái, vào các thành phố Safed, Kiryat Shmona và Maalat, gây thui7ơng tích cho 2 thường dân. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các đại biểu thuộc phái đoàn Liên Minh Ả Rập muốn bản thảo quyết nghị do Hoa Kỳ và Pháp soạn bao gồm cả việc lực lượng Do Thái rút quân khỏi Lebanon. Lebanon cho tới nay đã tử vong 781 mạng còn bên Do Thái là 98 người.
Thứ Tư 9: Hezbollah bắn ít là 160 pháo đạn sang Do Thái, một số rơi gần Beit Shean và một số vào miền đông Jenin ở vùng Tây Ngạn. Do Thái thực hiện các cuộc oanh tạc ở Sidon, Mashghara, một con đường dẫn tới Al-Qaa và ở miền Nabatiye, chưa kể Tyre và một vùng phụ cận miền nam Beirut cũng bị. Hội Đồng Nội Các Do Thái chấp nhận nới rộng cuộc tấn công trên bộ vào các tỉnh miền nam Lebanon đánh nhóm dân quân Hezbollah. Do Thái tăng tổng số tử vong lên 120 và bên Lebanon với con số bị chết là 827.
Thứ Năm 10: Một phi đạn của nhóm Herbollah làm thiệt mạng 2 thường dân Do Thái ở Deir al Assad. Một số phi đạn trong 136 trái do nhóm Hezbollah bắn vào Kriot, gần Haifa. Do Thái tiếp tục oanh tạc các cơ sở truyền thông ở thủ đô Beirut và miền bắc thủ đô Beirut. Quân đội Do Thái chiếm đóng một khu quân sự của Lebanon ở Marjeyoun, với 1 quân nhân tử vong, và đụng độ với nhóm Hezbollah ở Khiyam. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đẩy mạnh Hội Đồng Bảo An chấp thuận dự án chấm dứt các cuộc đánh nhau vào cuối tuần. Lebannon tử vong cho tới hôm nay là 834 người, và bên Do Thái là 123.
Thứ Sáu 11: Các cuộc oanh tạc của Do Thái tấn công một đoàn tuần tiểu quân đội Lebanon đi hộ tống 1000 chiếc xe thường dân rời Marijeyoun, sát hại ít là 4 thường dân. Do Thái tiếp tục oanh tạc và bắn phá hải quân gần Tyre. Do Thái oanh tạc trúng Akkar và một cái cầu gần Abboudiyeh ở miền bắc Lebanon, và Sharkeya, Nameriya và Al Najareya ở miền nam Lebanon. Lực lượng Do Thái và Hezbollah đụng độ ở Rashaf. Hezbollah bắn 150 pháo đạn sang miền bắc Do Thái, 7 trái rơi vào các thành phố, gây thương tích cho ít là 10 người. Hội Đồng Bảo An LHQ đồng thanh chấp thuận quyết nghị 1701 chấm dứt cuộc chiến giữa Do Thái và Hezbollah ở Lebanon, một cuộc chiến gây phân tán 915 ngàn người. Bên Lebanon tử vong 861 và bên Do Thái là 125.
Thứ Bảy 12: Cuộc chiến tiếp tục xẩy ra giữa Do Thái và Hezbollah, vì quyết nghị 1701 chỉ có hiệu lực từ 8 giờ sáng Thứ Hai 14/8/2006 mà thôi. Hội Đồng Nội Các Lebanon đã đồng thanh chấp thuận ngay quyết nghị này. Quân đội Do Thái nới rộng cuộc tấn công bằng đường bộ vào những nơi xa nhất ở Lebanon. 24 quân nhân Do Thái tử vong, một con số chưa từng có trong cuộc chiến này. Bên Hezbollah có ít là 10 dân quân bị tử nạn. Con số tử vong bên Lebanon là 880, chưa kể 3.529 người bị thương, còn bên Do Thái có 92 quân nhân bị thiệt mạng và 40 thường dân bị chết, chưa kể cả ngàn người bị thương.
Chúa Nhật 13: Khoảng 250 trái phi đạn của nhóm Hezbollah bắn sang miền bắc Do Thái, vào các tỉnh Safed, Shiomi và Haifa, sát hại 1 thường dân. Do Thái oanh tạc các tỉnh Lebanon là Ali al-Nahri và Brital, chưa kể các mục tiêu ở miền nam thủ đô Beirut, sát hại ít là 11 người. Một cuộc oanh tạc của Do Thái ở gần Tyre đã làm mất điện hầu hết cả thành phố. Hội Đồng Nội Các Do Thái chấp thuận quyết nghị của Hội Đồng bảo An hôm Thứ Sáu vừa rồi. Tính cho tới ngày thứ 33 của cuộc chiến thì bên Lebanon có 890 người bị thiệt mạng, và bên Do Thái có 146 người bị chết.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tóm lược theo CNN
(bài tiếp: Giáo Hội Công Giáo: Ngày Cầu Nguyện và Thống Hối Cho Hòa Bình Trung Đông)
“Đừng bao giờ chán chường trong việc thiết dựng những cây cầu thông cảm và truyền thông giữa cảm nghiệm của giáo hội với ý nghĩ của quần chúng”
(Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ cho thành phần nhân viên Truyền Thông Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Ý Quốc ngày 2/6/2006)
Chư Hồng Y, Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm,
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Hôm nay tôi hân hoan gặp gỡ tại Vatican này thành phần nhân viên của tờ nhật báo Công Giáo Avvenire, của đài truyền hình Sat2000, của đài phát thanh InBlu, và của cơ quan báo chí SIR.
Đây là một nhóm rất quan trọng về ngành truyền thông đại chúng có liên hệ với hội đồng giám mục Ý Quốc được đại diện nơi đây có vị chủ tịch của nó là Đức Hồng Y Camillo Ruini, vị tôi trước hết gửi lời chào kính của tôi.
Rồi tôi ưu ái gửi lời chào đến mỗi một người trong anh chị em, và tôi cám ơn vị giám đốc nhật báo Avvenire và của đài truyền hình Sat2000 về những lời lẽ tốt đẹp ngỏ cùng tôi thay cho hết mọi người hiện diện nơi đây.
Quí bạn thân mến, quí bạn đang thực hiện một vai trò thật sự là quan trọng, đó là việc quí bạn thực sự góp phần vào việc liên tục dấn thân của người Công Giáo Ý Quốc trong việc mang Phúc Âm của Chúa Kitô vào đời sống của quốc gia này.
Thật thế, tôi hoan hỉ nhớ lại rằng trong những năm ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã hết sức mong ước thành lập tờ Avvenire như là một tờ nhật báo Công Giáo toàn quốc. Đó là một quyết định phấn khởi trong việc bấy giờ nới rộng việc dấn thân của anh chị em tới lãnh vực truyền thanh và truyền hình, sử dụng các kỹ thuật tân tiến nhất như sắc lệnh ‘Inter Mirifica’ mong muốn (x các khoản 13-14).
Anh chị em bởi thế đã trở nên một trong những phương tiện để gieo rắc sứ điệp Công Giáo ở Ý quốc.
Đức tin và văn hóa
Để nắm được tầm mức quan trọng tổng quát công việc được anh chị em hằng ngày dấn thân thực hiện, cần phải suy nghĩ vắn gọn về những liên hệ giữa đức tin và văn hóa như chúng đã phát triển trong mấy thập niên gần đây.
Như anh chị em quá rõ, Kitô Giáo đã giúp vào việc hình thành văn hóa Âu Châu qua các thế kỷ.
Trước sự xuất hiện của trào lưu minh tri, văn hóa Âu Châu bắt đầu càng ngày càng bị trôi giạt một cách mau chóng khỏi những nền tảng Kitô Giáo của nó. Nhất là trong giai đoạn gần đây nhất, tình trạng đổ vỡ về gia đình và hôn nhân, những cuộc tấn công sứ sống con người và phẩm giá của nó, tình trạng biến đức tin thành một cảm nghiệm chủ quan và việc tục hóa từ đó mà ra nơi ý thức của quần chúng, đều được coi như là những hậu quả nghiệt ngã và thê thảm của tình trạng tách lìa ấy.
Tuy nhiên, tại những phần đất khác nhau ở Âu Châu, có những cảm nghiệm và hình thức văn hóa Kitô Giáo đang phát triển mạnh mẽ hơn hay đang tái phục hồi tính chất sống động hơn. Đặc biệt là đức tin Công Giáo vẫn còn hiện hữu một cách thực sự nơi đời sống của dân chúng Ý quốc, và những dấu hiệu về tính chất sống động mới mẻ của nó được hiện lộ tở tường trước mắt tất cả mọi người.
Bởi thế mà, trong công việc làm của anh chị em như là những nhà truyền thông được tác động bởi Phúc Âm, vấn đề liên lỉ ý thức là những gì thiết yếu.
Như anh chị em quá rõ, các vị mục tử của Giáo Hội ở Ý quốc đang lo lắng bảo trì những hình thức Kitô Giáo xuất phát từ truyền thống cao cả của nhân dân Ý quốc và là những gì khuôn đúc đời sống cộng đồng, làm cho chúng được cập nhật hóa, thanh tẩy chúng ở những chỗ cần thiết, thế nhưng trên hết là củng cố và phấn chấn chúng.
Công việc của anh chị em còn là việc bảo trì và cổ võ các cảm nghiệm Kitô Giáo mới mẻ đang được phát sinh, và giúp chúng phát triển một ý thức rõ ràng hơn bao giờ hết về các căn gốc giáo hội của mình cùng với vai trò chúng có thể thực hiện trong xã hội và văn hóa Ý quốc.
Quí bạn thân mến, tất cả những điều ấy đều thuộc về công khó hằng ngày của quí bạn, thuộc về một công việc không phải được thực hiện một cách thuần lý trí, mà là chú trọng tới hằng ngàn khía cạnh nơi đời sống thực tiễn của một dân tộc, tới những trục trặc của nó, tới những nhu cầu của nó và tới những niềm hy vọng của nó.
Chớ gì niềm tin tưởng rằng đức tin Kitô Giáo là những gì cởi mở trước ‘những gì là chân thực, thiện hảo, công chính, tinh tuyền, yêu thương, độ lượng’ nơi văn hóa của các dân tộc, như Thánh Phaolô dạy Kitô hữu giáo đoàn Philiphê (x 4:8), bảo trì quí bạn và hiến cho quí bạn lòng can đảm để thực hiện những công khó của quí bạn.
Bởi vậy, quí bạn hãy tiếp tục nơi công việc của mình bằng tinh thần này và thái độ này, thực hiện một chứng từ ngời sáng của một đời sống Kitô Giáo sâu xa và nhờ đó liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô, để quí bạn có thể nhìn vào thế giới bằng con mắt của Người.
Quí bạn hãy sung sướng được thuộc về Giáo Hội và góp tiếng nói của mình và trí khôn của mình cho trào lưu truyền thông to lớn. Đừng bao giờ chán chường trong việc thiết dựng những cây cầu thông cảm và truyền thông giữa cảm nghiệm của giáo hội với ý nghĩ của quần chúng. Có thế quí bạn mới trở thành những vai chính của một hình thức truyền thông không lẩn tránh mà là thiết tha với việc phục vụ thành phần đồng thời của chúng ta.
Tôi tha thiết hy vọng rằng những người Công Giáo và tất cả mọi người Ý đều mong muốn những giá trị chân thực sẽ lưu tâm và nâng đỡ việc truyền thông này.
Về phần mình, tôi xin hứa với anh chị em về việc gắn bó của tôi, và để công việc của anh chị em càng sinh dồi dào hoa trái hơn, tôi thân ái ban phép lành tòa thánh cho anh chị em và gia đình của anh chị em, một phép lành ban hồng ân ánh sáng và sức mạnh chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thấm nhập vào tâm can của con cái mình mà thôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/6/2006