GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 29/8/2006 TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8/2006 tại Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Toma Villanova ở Castel Gandolfo
? Kitô Giáo và Văn Hóa: “Triết Lý và Lịch Sử về Các Văn Liệu Kitô Giáo: Một Thư Viện Thần Linh”
? Vấn đề ngừa thai và triệt sản liên quan tới tình trạng sức khỏe tâm thần, cảm xúc và thiêng liêng của nữ giới
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8/2006 tại Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Toma Villanova ở Castel Gandolfo
Chư Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến,
Trong ca vịnh Ngợi Khen, một bản đại thánh ca của Đức Mẹ chúng ta vừa nghe trong Phúc Âm, chúng ta thấy một số lời lạ lùng. Mẹ Maria nói: ‘Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc’.
Người Mẹ này của Chúa Kitô đã nói tiên tri về việc Giáo Hội mãi mãi sau này sẽ ca ngợi Thánh Mẫu, việc tôn sùng Thánh Mẫu của dân Chúa cho đến ngày cùng tháng tận.
Trong việc ngợi khen Mẹ Maria, Giáo Hội không sáng chế ra một cái gì đó ‘thêm vào’ Thánh Kinh: Mẹ đã đáp ứng lời tiên tri được Mẹ lên tiếng vào lúc ân sủng ấy.
Và những lời lẽ của Mẹ Maria không phải chỉ là những lời lẽ riêng tư, có thể là những lời độc đoán. Bà Isave, được tràn đầy Thánh Thần như Thánh Luca cho biết, đã vang tiếng kêu lên rằng: ‘Phúc cho em là người đã tin tưởng’. Và Mẹ Maria, cũng được tràn đầy Thánh Linh, tiếp tục và hoàn tất những gì bà Isave nói, khi xác quyết rằng: ‘Mọi thế hệ sẽ khen em diễm phúc’.
Đây thực sự là một lời tiên tri được Thánh Linh tác động, nên khi tôn kính Mẹ Maria, là Giáo Hội đáp lại mệnh lệnh của Thánh Thần; Giáo Hội làm những gì Giáo Hội cần phải làm.
Chúng ta không chúc tụng Thiên Chúa một cách đầy đủ khi câm nín về các thánh nhân của Ngài, nhất là về Mẹ Maria, ‘một vị thánh’ đã trở thành nơi trú ngụ của Ngài trên trái đất này.
Thứ ánh sáng đơn thuần và muôn mầu vain thể này của Thiên Chúa xuất hiện trước mắt chúng ta chính ở nơi tính cách khác nhau và phong phú của nó chỉ trên dung nhan của các vị thánh, thành phần thực sự phản ảnh ánh sáng của Ngài.
Và chính lúc nhìn lên dung nhan của Mẹ Maria mà chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn hơn bất cứ một cách nào khác vẻ đẹp, sự thiện hảo và tình xót thương của Thiên Chúa. Nơi dung nhan của Mẹ chúng ta thực sự thấy được ánh sáng thần linh.
‘Muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc’. Chúng ta có thể chúc tụng Mẹ Maria, chúng ta có thể tôn kính Mẹ Maria vì Mẹ là vị ‘diễm phúc’, Mẹ được diễm phúc đến muôn đời. Và đó là chủ đề của thánh lễ này. Mẹ được diễm phúc vì Mẹ được liên kết với Thiên Chúa, Mẹ sống với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa.
Vào tối vọng cuộc khổ nạn của mình, khi từ giã các môn đệ của mình, Chúa Kitô đã nói: ‘Trong nhà Cha của Thày có nhiều chỗ… Thày đi để dọn chỗ cho các con’.
Khi thưa ‘Này tôi là tỳ nữ Chúa; tôi xin vâng như lời sứ thần truyền’, Mẹ Maria đã thực hiện việc sửa dọn cho Thiên Chúa một chỗ trú ngự trên trần gian này; với thân xác và linh hồn của mình, Mẹ đã trở nên nơi trú ngự và do đó đã hướng trái đất về trời cao.
Trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Thánh Luca, bằng những ám chỉ khác nhau, làm cho chúng ta hiểu rằng Mẹ Maria là Hòm Bia Giao Ước thực sự, rằng mầu nhiệm về đền thờ – nơi Thiên Chúa trú ngự trên trái đất – đã được hoàn tất nơi Mẹ Maria. Thiên Chúa, Đấng trở nên hữu hình trên trái đất này, thực sự trú ngự nơi Mẹ Maria. Mẹ Maria trở nên lều tạm của Ngài. Những gì được tất cả mọi nền văn hóa ước mong – đó là việc Thiên Chúa ngự giữa chúng ta – đã được thể hiện nơi đây.
Thánh Âu Quốc Tinh nói rằng: ‘Trước khi thụ thai Chúa Kitô trong thân thể của mình Mẹ đã thụ thai Ngài nơi tâm hồn của Mẹ’. Mẹ đã giành chỗ cho Chúa nơi tâm hồn của Mẹ, nhờ đó thực sự trở thành đền thờ đích thực, nơi Thiên Chúa đích thân nhập thể, nơi Ngài trở nên hữu hình trên trái đất này.
Bởi vậy, là nơi trú ngự của Thiên Chúa trên trái đất này, mà chỗ trú ngự đời đời đã được dọn sẵn nơi Mẹ; nó đã được dọn sẵn cho đến muôn đời. Và điều này đã tạo nên tất cả nội dung của tín điều mông triệu của Mẹ Maria, tín điều cả xác lẫn hồn hiển vinh lên trời, một tín điều được diễn tả ở đây bằng những lời ấy. Mẹ Maria được ‘diễm phúc’ vì – trọn vẹn cả xác lẫn hồn cho tới muôn đời – Mẹ đã trở nên nơi trú ngự của Chúa.
Nếu điều ấy đúng thực như thế thì Mẹ Maria không chỉ mời gọi chúng ta ca ngợi và tôn kính, mà Mẹ còn hướng dẫn chúng ta, tỏ cho chúng ta biết con đường sống, tỏ cho chúng ta thấy làm thế nào để chúng ta được diễm phúc, làm thế nào để tìm thấy con đường dẫn đến hạnh phúc.
Chúng ta hãy lắng nghe lại một lần nữa những lời của bà Isave đã được nên trọn nơi ca vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria: ‘Phúc cho em vì đã tin tưởng’. Tác động đầu tiên và cốt yếu để trở thành nơi trú ngự của Thiên Chúa, nhờ đó tìm được hạnh phúc vĩnh viễn đó là tin tưởng: đó là niềm tin, tin tưởng vào Thiên Chúa, vài vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô và làm cho mình được nghe thấy nơi lời thần linh của Thánh Kinh.
Tin tưởng không phải là vấn đề thêm thắt ý nghĩ này với những ý nghĩ khác. Và niềm xác tín, niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa hiện hữu, không phải là một thứ tín liệu như bất cứ tín liệu nào khác. Đối với hầu hết các tín liệu thì chẳng có gì khác đối với chúng ta về tính cách thực hư của nó; nó không thay đổi gì cuộc đời của chúng ta hết. Thế nhưng, nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì đời sống này rỗng tuyếch, tương lai chẳng có gì. Song nếu Thiên Chúa hiện hữu thì hết mọi sự đều biến đổi, sự sống là ánh sáng, tương lai của chúng ta ánh sáng và chúng ta được hường dẫn để biết cách sống. Bởi vậy mà tin tưởng là những gì tạo nên hướng đi nống cốt cho đời sống chúng ta.
Tin tưởng tức là thưa ‘Vâng, con tin rằng Chúa là Thiên Chúa, con tin rằng Chúa Chúa đang hiện diện giữa chúng con nơi Người Con nhập thể của Chúa’, xin hướng dẫn đời sống của con, xin thúc đẩy con sống gắn bó với Thiên Chúa, kết hiệp với Thiên Chúa nhờ đó con có thể tìm được nơi cư ngụ của con và đường lối để sống động.
Tin tưởng chẳng những là đường lối suy nghĩ hay là một tư tưởng; như nó đã được đề cập tới, nó còn là đường lối hành động, là một cách thế sống. Tin tưởng nghĩa là đi theo con đường được lời Chúa vạch vẽ ra cho chúng ta. Ngoài tác động đức tin trọng yếu này, một tác động của cuộc đời, một chủ trương được duy trì cho cả cuộc sống, Mẹ Maria còn thêm những lời khác nữa, đó là ‘Ngài xót thương những ai kính sợ Ngài’.
Cùng với toàn thể Thánh Kinh, Mẹ Maria nói đến ‘lòng kính sợ Chúa’. Có lẽ đây là một câu chúng ta ít quen thuộc và không thích lắm. Thế nhưng, ‘lòng kính sợ Chúa’ không phải là những gì khổ ải; nó là một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Là con cái, chúng ta không băn khoăn lo lắng về Cha nhưng chúng ta kính sợ Thiên Chúa, một mối quan tâm không hủy hoại tình yêu làm nền tảng cho cuộc sống của chúng ta.
Lòng kính sợ Chúa chính là cảm quan trách nhiệm mà chúng ta buộc phải có, trách nhiệm đối với phần thế giới đã được trao phó cho chúng ta trong cuộc đời của chúng ta. Nó là một trách nhiệm đối với việc quản trị cho đàng hoàng tốt đẹp cái phần thế giới và lịch sử ấy, và nhờ đó con người giúp vào việc xây dựng thế giới chính trực, góp phần vào cuộc chiến thắng của sự thiện và bình an.
‘Muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc’: Điều này có nghĩa là tương lai, những gì sẽ tới, đều thuộc về Thiên Chúa, trong bàn tay của Thiên Chúa, nghiã là chính Thiên Chúa là Đấng chiến thắng.
Ngài không chiến thắng con mãnh long được bài đọc một hôm nay nói tới, một con rồng biểu hiệu cho tất cả những gì là quyền năng bạo động trên thế giới này. Những quyền năng ấy dường như là những gì bất khả khống chế nhưng Mẹ Maria nói với chúng ta rằng chúng không phải là là những gì vô địch đâu.
Người nữ – như bài đọc thứ nhất và Phúc Âm cho chúng ta thấy – là nhân vật mạnh mẽ hơn, vì Thiên Chúa là Đấng quyền năng hơn. Dĩ nhiên, so với con rồng, được trang bị rất dữ dội, thì người nữ là Mẹ Maria này, là Giáo Hội đây, dường như yếu thế hay bất lực.
Và Thiên Chúa thực sự yếu thế trên thế gian này, vì Ngài là tình yêu và tình yêu là những gì dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, Ngài năm trong tay tương lai: chính tình yêu, chứ không phải hận thù, là những gì chiến thắng; chính bình an là những gì cuối cùng sẽ chiến thắng vậy.
Đó là một niềm an ủi lớn lao nơi tín điều mông triệu hiển vinh về trời cả hồn lẫn xác của Mẹ Maria. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về niềm an ủi này, nhưng chúng ta cũng thấy nơi niềm an ủi ấy như là một cuộc chúng ta cần phải quyết tâm đứng về bên thiện hảo và bình an. Chúng ta hãy nguyện cầu cùng Mẹ Maria, nữ vương hòa bình, giúp cho hòa bình được chiến thắng hôm nay đây: ‘Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con! Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 27/8/2006
? Kitô Giáo và Văn Hóa: “Triết Lý và Lịch Sử về Các Văn Liệu Kitô Giáo: Một Thư Viện Thần Linh”
Tác giả cuốn sách “Triết Lý và Lịch Sử về Các Văn Liệu Kitô Giáo: Một Thư Viện Thần Linh” là Giovanni Maria Vian, giáo sư triết lý giáo phụ học ở Đại Học La Sapienza Rôma, đã phân tích ý nghĩa của các bản văn Thánh Kinh từ nguyên khởi của các bản văn này cho tới nay. Theo ông, mặc dù Kitô Giáo là yếu tố của văn hóa nhưng trổi vượt trên văn hóa. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông nhận định rằng Kitô Giáo tự bản chất không phải là một thứ văn hóa.
Vấn: Là một nhà ngữ học giáo phụ, ông có nghĩ cần phải nói về Kitô Giáo như là một thứ ‘văn hóa’ hay chăng?
Đáp: Tuyệt đối là không, niềm tin vào Chúa Giêsu – như mạc khải tối hậu của Thiên Chúa – là một cái gì đó trổi vượt trên mọi thứ văn hóa.
Tuy nhiên, Kitô Giáo – được xây dựng thực sự trên việc nhập thể của Lời Thần Linh trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa – được bắt rễ nơi các nền văn hóa khác nhau, các nền văn hóa mà Kitô Giáo trổi vượt nhưng đồng thời cũng bất khả phân ly.
Vấn: Việc hiện hữu của nền văn hóa Kitô Giáo được xác nhận từ khi nào?
Đáp: Như đã đề cập tới, người ta có thể nói về một thứ căn tính Kitô Giáo được bắt đầu phân biệt khỏi Do Thái Giáo ngay từ hậu bán thế kỷ thứ nhất. Cần phải đợi tới những thập niên đầu của thế kỷ thứ hai mới nhận định được các dấu vết của ý thức về văn hóa Kitô Giáo có những mầu sắc khác với những nền văn hóa khác vào thời ấy.
Bởi thế mà vào thế kỷ thứ hai đã có thứ văn hóa Kitô Giáo Á Châu – tức là, thứ văn hóa được biểu lộ nơi những gì là Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay – và vào thế kỷ thứ ba, văn hóa Kitô Giáo Alexandria là những gì nổi bật, với những đại tiêu biểu là giáo phụ Origen và là thứ văn hóa có một ảnh hưởng vĩ đại trong lịch sử.
Cuộc lan truyền cả thể của Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, và với Hoàng Đế Constantine, việc nhìn nhận quyền tự do tôn giáo cho Giáo Hội Kitô Giáo, trong số các ảnh hưởng khác, đã có một ảnh hưởng lớn mạnh đối với đức tin Kitô Giáo nơi thế giới Hy La ở tất cả mọi trình độ văn hóa, từ thành phần trí giả học thức, như Eusebius ở Caesarea và Giêrônimô, cho đến tâm thức bình dân.
Từ đó, Kitô Giáo đã liên kết một cách bất khả phân ly với lịch sử của thế giới Địa Trung Hải và thế giới Đông Âu cùng tây Âu, dĩ nhiên không bỏ qua thành phần Kitô hữu ngoài Âu Châu, từ trung Á và Ấn Độ tới phía đông, từ Ethiopis tới miền nam.
Vấn: Các bản văn giáo phụ cần phải được coi như là những bản văn khác. ‘Những bản văn khác’ đây nghĩa là gì?
Đáp: Đơn giản thôi, đó là các bản văn Kitô Giáo cần phải được học hỏi – bao gồm cả các bản văn Thánh Kinh – như các bản văn trần tục được học hỏi vậy. Tức là, theo nguyên tắc phi thành kiến về ý hệ – phò hay chống, vẫn cần phải nhớ là, theo quan điểm lịch sử thì nó là vấn đề về các bản văn tôn giáo.
Vấn: Ngày nay chúng ta có thể học được gì nơi gia sản Alexandria?
Đáp: Một đàng là việc chú trọng tới các văn bản. Người ta bao giờ cũng cần phải tìm về tận gốc, tuy nhiên vẫn ý thức rằng mọi bản văn có một ý nghĩa sâu xa, vượt ra ngoài chữ nghĩa, nhất là các bản văn thánh kinh.
Đàng khác chúng ta có thể học lòng nhiệt thành trong việc liên hệ với thế giới văn hóa bên ngoài.
Vấn: Ông trích dẫn nhiều ấn bản Thánh Linh trong sách của ông. Theo quan điểm của ông là một học giả thì ấn bản nào khá nhất?
Đáp: Các ấn bản thánh kinh khá nhất là những ấn bản can thận theo các nguyên bản – Do Thái, Aramaic và Hy Lạp – cũng như theo các ấn bản cổ – Hy Lạp và Latinh. Chúng là các ấn bản được trau chuốt trong thế kỷ 20 với một nỗ lực ngữ học lớn lao vẫn đang không ngừng diễn tiến. Chúng là các bản văn nhắm đến thành phần chuyên viên và không thể liệt kê họ ở đây.
Tuy nhiên, vì nguồn gốc và mục đích đại kết của mình mà cuốn ‘Tân Ước Hy Lạp’ cũng cần phải được đề cập tới – cuốn sách được Chư Hội Liên Hiệp Thánh Kinh phát hành lần đầu tiên vào năm 1966 – vào lần ấn bản điều chỉnh năm 1993. Nó là một bản văn nhắm tới những ai muốn chuyển dịch từ nguyên ngữ thành các ngôn ngữ được ngày nay sử dụng.
Nổi bật trong những bản dịch đương thời – cũng vì sự chú giải tuyệt vời của mình – là cuốn “Thánh Kinh Giêrusalem”, được tu sĩ dòng Đaminh thuộc Trường Thánh Kinh École Biblique phát hành ở Pháp năm 1955, với những ấn bản điều chỉnh vào năm 1973 và 1998.
Nó là một ấn bản rất quan trọng mà hiện nay đang được điều chỉnh, cho đến độ mẫu thức của nó vẫn được sử dụng một cách rộng rãi nơi các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Tây Ban Nha.
Vấn: Thư Viện Thần Linh này được bắt đầu và chấm dứt ở đâu?
Đáp: Thư Viện Thần Linh là lời diễn tả của Thánh Giêrônimô mang ý nghĩa ‘các sách về Thiên Chúa’, bởi thế được bắt đầu từ các tác giả đầu tiên của những bản thánh kinh, những vị viết các bản văn thánh kinh này suốt thiên niên kỷ thứ nhất trước Chúa Kitô Giáng Sinh.
Từ đó, những cuốn sách này đã không ngừng làm phát sinh ra các bản văn khác, những văn bản tiếp tục những bản văn thánh kinh và vẫn còn dẫn giải về những bản văn thánh kinh. Chỉ vì một lý do dễ hiểu, đó là lời lẻ của loài người không thể nào diễn tả cho hết được Lời Thần Linh là lời luôn hiện hữu khôn cùng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 22/8/2006
Vấn đề ngừa thai và triệt sản liên quan tới tình trạng sức khỏe tâm thần, cảm xúc và thiêng liêng của nữ giới
(tiếp 26 Thứ Bảy bài Thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’ (morning-after pill): Tổng Thống Bush ủng hộ việc cho phép các em thiếu nữ được sử dụng; và 27 Chúa Nhật bài Các thứ hoang đường và thực tại về thứ thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’, và 28 Thứ Hai phần 1 bài Vấn đề ngừa thai và triệt sản liên quan tới tình trạng sức khỏe tâm thần, cảm xúc và thiêng liêng của nữ giới)
Vấn: Bà đã thấy ra sao về hiệu quả tổng quan của việc ngừa thai và triệt sản liên quan tới các mối liên hệ và đức tin?
Đáp: Khi việc hiện diện của Thiên Chúa và thần linh bị tống khứ khỏi cuộc giao hợp thì tặng ân giao hợp tình dục này bị bóp méo đi. Đang xẩy ra tình trạng phân ly giữa thần học cùng việc thực hành đức tin với tặng ân tính dục.
Tình trạng phân ly này có thể đưa đến chỗ mất đi sự thân mật và lòng tin tưởng. Tôi tin rằng tình trạng phân ly ấy là những gì xẩy ra giữa cá nhân và người bạn của mình, cũng như giữa cá nhân với Thiên Chúa. Những gì là mầu nhiệm không còn nữa và khả năng liên kết với Thiên Chúa như là thành phần đồng tạo dựng sự sống bị dứt điểm.
Tia sáng của cái linh thiêng chúng ta được chia sẻ với Thiên Chúa nơi khả năng ban tặng sự sống bị lịm tắt mất, và cái cảm nghiệm về mối thân mật hôn nhân có thể bị tối tăm phủ kín, hơn là cảm nghiệm được một phép lạ thần linh của ân sủng, của yêu thương, của hứng khởi và của hoan lạc.
Vấn: Đâu là một số những tác dụng ngấm ngầm gây ra bởi các thứ thuốc ngừa để phá thai (abortifacient contraceptives) và triệt sản?
Đáp: Một số phụ nữ cảm thấy có lỗi, đau khổ và giận dữ đối với những thứ thuốc phá thai, vì nó đã làm cho bụng dạ của họ bị biến thành một môi trường bất lợi cho đứa bé đang phát triển vào thời điểm sự sống nguyên khởi của bé.
Nhiều phụ nữ, thành phần nhận ra rằng họ đã trải qua những tháng năm chối từ tặng ân sự sống vì việc họ lệ thuộc về các phương pháp ngừa thai hóa chất hay mổ xẻ, cảm thấy một cảm quan mất mát và đớn đau thực sự.
Những phương sách mổ xẻ có thể gây ra một mối giận dữ và buồn khổ bất ngờ, có thể đùng một cái gây ra những trục trặc về hôn nhân, sau khi ống dẫn trứng bị cột lại và ống dẫn tinh bị cắt đi. Phương cách mà một cặp vợ chồng hy vọng sẽ được tự do thoả mãn và hoan hưởng tình dục ấy họ thường có thể lại cảm thấy như là một cái gì đó không còn hứng thú, một cái gì xa cách, một cái gì nghi nan và một cảm giác hết sức chia lìa.
Vấn:
Điều gì thường khiến cho con người nhận thức rằng việc sử dụng phương pháp
ngừa thai và các phương sách mổ xẻ trong quá khứ có thể sẽ trở thành căn nguyên
gây cho họ bị sầu đau hay đưa đến tình trạng bất hòa trong đời sống của họ?
Đáp: Tôi tin rằng đối với một số người đó là một ơn đặc biệt – một giây phút giác ngộ (a moment of illumination). Đó là một ý thức nẩy lên trong họ lúc họ nguyện cầu. Tôi đã từng thấy những con người nhận được minh tri vì họ đặc biệt chú trọng tới việc chữa lành những cái mất mát trong bụng dạ của họ, những gì thường xẩy ra ở những chương trình như Rachel’s Vineyard.
Những người khác, những người đang hy vọng vào những thứ thuốc cùng trị liệu thụ tinh cũng có thể cảm thấy một nỗi sầu đau nhức nhối khi họ xót xa và tiếc nuối nhớ lại những tháng năm họ đã sống cuộc đời thanh xuân của mình cố gắng tránh né việc thụ thai. Những người khác cũng có thể nhận thấy các cảm giác kín đáo khi đó đọc một cuốn sách về việc kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên và học được khoa học cho việc ngừa thai.
Đối với một số khác, khi họ biết đến ‘khoa thần học về thân thể’ thì họ bắt đầu tiến trình hoán cải, nhìn nhận là họ đã khép kín bản thân biết bao trước tặng ân sự sống và coi con cái như là một gánh nặng hơn là phúc lành. Tôi biết ông Christopher West có những buổi trình bày cũng mang lại suy tư và cảm xúc cho nhiều cặp vợ chồng.
Vấn:
Có thể làm những gì để bắt đầu chữa lành cho những ai cảm thấy mối sầu đau
này?
Đáp: Những ai từng bị thương tích bởi những thứ thuốc phá thai có thể được chữa lành và hòa giải. Sự thật về phẩm giá của con người và tặng ân tính dục là một sứ điệp của tin mừng và sự giải phóng – chứ không phải là một cuộc lên án và kết tội.
Chúng ta cần phảiyêu thương chuyển đạt sự thật của Chúa Kitô cho thế giới tân tiến này. Chúng ta càng phó mình cho thẩm quyền của Thiên Chúa, chúng ta càng trở thành những dụng cụ cho tình yêu và tình thương của Ngài, và thành một nhân chứng sống động cho Phúc Âm sự sống.
Đối với những ai tìm cách hòa giải những vết thương ấy, thì Rachel’s Vineyard là nơi tốt đẹp để bắt đầu. Nó cung cấp một môi trường an toàn để tìm cách xây dựng đời sống của chúng ta, vào sâu trong thẳm cung của linh hồn, và nhìn nhận nỗi đớn đau gây ra bởi tặng ân tính dục của chúng ta đã không được trân trọng như là một tác động linh thánh.
Việc than khóc và sầu thương là những mốc đường cần thiết cho cuộc hành trình của chúng ta, để cuộc sống của chúng ta có thể tiếp tục một cách trọn vẹn là tầm mức Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đạt tới. Khi tiến trình nhìn nhận tội lỗi và thống hối này được hoàn tất thì phát hiện một cuộc tái sinh và phục sinh.
Việc gặp gỡ Chúa Kitô sẽ lật tẩy cái dối trá của việc ngừa thai và mang lại cho chúng ta niềm xác tín sâu xa cùng ân phúc để bảo về phẩm giá con người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/7/2006