GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 25/3/2007

TUẦN V MÙA CHAY

 

?   Sứ Điệp của ĐTC GPII cho Đường Thánh Giá ở Hí Trường Colosseum Thứ Sáu Tuần Thánh 25/3/2005

?  THIÊN CHÚA CHA BAN ƠN CỨU ĐỘ  CHO TẤT CẢ MỌI DÂN TỘC

? “Đụn Cát Lún Của Một Bãi Bùn Lầy”

 

 

 

?  Sứ Điệp của ĐTC GPII cho Đường Thánh Giá ở Hí Trường Colosseum Thứ Sáu Tuần Thánh 25/3/2005

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Cách đây đúng 2 năm, cũng vào ngày 25/3/2005, Lễ Mẹ Thai Lời trùng vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ đúng một tuần trước khi ngài băng hà. Hôm ấy, vì đang trải qua cuộc khổ nạn cuối đời bởi bệnh tật đã đến hồi lịch liệt, ngài đã không thể đến tham dự cử hành Đường Thánh Giá theo truyền thống hằng năm ở Hí Trường Colesseum Rôma, nơi hành quyết các vị tử đạo ngày xưa. Tuy nhiên, ngài vẫn đứng chống tay vào cây gậy của vị giáo hoàng để theo dõi biến cố quan trọng này từ tông phòng của ngài. Hôm Thứ Sáu 1/4/2005, ngay trước ngày ngài qua đời, vào lúc 6 giờ sáng, ngài đã cử hành Thánh Lễ. Khoảng 7 giờ 15 sau đó, biết rằng hôm ấy là Thứ Sáu, một ngày ngài có thói quen đi Đường Thánh Giá, ngài đã xin đọc cho ngài nghe 14 đàng thánh giá. Ngài đã chuyên chú lắng nghe việc đọc bản văn này và làm dấu Thánh Giá ở mỗi chặng. Vì không còn có thể đích thân tới tham dự Đường Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài đã gửi 1 sứ điệp ngắn gọn cho biến cố này. Vậy nội dung của sứ điệp về Đường Thánh Giá này của vị giáo hoàng tông đồ cho Lòng Thương Xót này như sau:

Anh Chị em thân mến,

Tôi ở cùng anh chị em trong bằng tinh thần ở Colosseum, một nơi gợi nhớ đến nhiều kỷ niệm và cảm xúc để sống nghi thức Đường Thánh Giá cảm động vào đêm Thứ Sáu Tuần Thánh này.

Tôi hợp với anh chị em trong lời nguyện cầu có một ý nghĩa sâu xa là “Adoramus te, Christe, et benedicimus tibi, quia per sandtam crucem tuam redemisti mundum”. Phải, chúng ta thờ lạy và chúc tụng mầu nhiệm thập giá của Con Thiên Chúa, vì chính từ cây thập tự giá này đã phát sinh một niềm hy vọng mới cho nhân loại.

Việc tôn thờ Thập Giá kêu gọi chúng ta thực hiện một cuộc dấn thân chúng ta không thể tránh: một sứ vụ đã được Thánh Phaolô diễn tả bằng những lời lẽ là “tôi làm trọn nơi xác thịt của tôi những gì còn thiếu trong những khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội” (Col 1:24). Tôi cũng hiến dâng những nỗi khổ đau của tôi để những gì Chúa muốn được thể hiện và lời của Ngài được lan truyền nơi các dân tộc. Tôi cũng gần gũi với tất cả những ai, vào lúc này đây, đang bị thử thách bởi khổ đau. Tôi cầu nguyện cho mỗi người trong họ.

Trong ngày tưởng nhớ đến Chúa Kitô tử giá tôi chiêm ngưỡng và tôn thờ Thập Giá với anh chị em và tôi lập lại những lời phụng vụ “O crux, ave spes unica!” Kính chào Thập Giá là niềm hy vọng duy nhất, xin ban cho chúng tôi nhẫn nại và can đảm cùng ban bình an cho thế giới!

Với những cảm mến này, tôi chúc lành cho tất cả anh chị em cũng như tất cả những ai tham dự Đường Thánh Giá này qua truyền thanh và truyền hình.

Vatican ngày 25/3/2005

Gioan Phaolô II

                                                                                                                                        

 

TOP

 

 

?  THIÊN CHÚA CHA BAN ƠN CỨU ĐỘ  CHO TẤT CẢ MỌI DÂN TỘC

 

ĐTC GPII - Bài Giáo Lý cho Năm Thánh 2000 Bài 32 Thứ Tư 29/11/2000

 

1.         Sách Khải Huyền vừa cho chúng ta thấy một bức họa vĩ đại, trong đó, chẳng những chúng ta thấy có đầy dẫy dân Yến Duyên được tiêu biểu qua 12 chi tộc của họ, mà còn có cả một số đông các dân tộc từ mọi miền đất và văn hóa khác nữa, tất cả đều mặc chiếc áo khoác trắng của một cõi trường sinh vinh quang diễm phúc. Với hình ảnh gợi ý này, Tôi muốn chúng ta hãy bắt đầu lưu tâm đến vấn đề đối thoại liên tôn, một chủ đề rất thích hợp với thời đại của chúng ta đây.

 

Tất cả mọi người công chính của cõi đời này đều dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, một khi họ đạt tới đích vinh quang sau cuộc hành trình dốc dác và nhọc nhằn khó đi trên con đường của cuộc sống trần gian. Họ đã trải "qua một cuộc thảm khốc kinh hoàng" và đã được thanh tẩy bởi máu của Con Chiên "đã đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội" (Mt 26:28). Như thế, tất cả mọi người trong họ đều được thông dự vào cùng một nguồn ơn cứu độ, một nguồn cứu độ Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên loài người. Vì "Thiên Chúa không sai Con Ngài đến trần gian để luận phạt thế gian, song để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Jn 3:17).

 

2.         Ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi dân tộc, như giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Noe cho thấy (x Gen 9:8-17), chứng thực tính cách phổ quát của việc Thiên Chúa tỏ mình ra cũng như của việc con người tin tưởng đáp ứng (x Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 58). Thế nên, nơi Abraham mới có việc "tất cả mọi cộng đồng trên mặt đất được chúc phúc" (Gen 12:3). Họ đang bước đi trên con đường tiến đến thành thánh để hưởng một thứ bình an làm thay đổi bộ mặt trái đất, lúc mà gươm kiếm được đúc thành cầy bừa và giáo mác thành liềm hái (x Is 2:2-5).

 

Thật là cảm động khi đọc thấy những lời này trong Sách Tiên Tri Isaia: "Các người Ai Cập sẽ cùng với những người Assyria tôn thờ (Chúa)... thành phần được Chúa các đạo binh chúc phúc rằng 'Phúc cho Ai Cập là dân của Ta, và phúc cho Assyria là công cuộc Ta làm, cùng phúc cho Yến Duyên là gia sản của Ta" (Is 19:23, 25). "Tác giả Thánh Vịnh xướng lên rằng: "Vua chúa của các dân tộc tụ họp lại với dân của Thiên Chúa Abraham. Vì những người coi sóc trái đất này đều bởi Chúa; Ngài là Đấng tối cao" (Ps 47:10). Thật vậy, tiên tri Malachi đã thực sự nghe thấy cả khối nhân loại vang tiếng tôn vinh và chúc tụng dâng lên Thiên Chúa thế này: "Từ khi mặt trời mọc lên cho tới lúc nó lặn xuống, danh của Ta cao cả nơi các dân nước, Chúa các đạo binh phán" (Mal 1:11). Đúng thế, vị tiên tri này cũng đã tự hỏi rằng: "Chúng ta không có cùng một Cha duy nhất hay sao? Thiên Chúa duy nhất đã không tạo dựng nên chúng ta hay sao?" (Mal 2:10).

 

3.         Như thế là đã có một niềm tin tưởng nào đó khi con người kêu cầu Thiên Chúa, cho dù dung nhan của Ngài còn "vô danh" (x Acts 17:23). Tất cả loài người tìm cách tỏ ra thực sự tôn thờ Thiên Chúa và hiệp thông giữa anh chị em với nhau theo tác động của "Thần chân lý thực hiện ở ngoài giới hạn hữu hình của Nhiệm Thể" Chúa Kitô (Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, 6).

 

Về vấn đề này, Thánh Irênêô nhắc lại rằng Thiên Chúa đã thiết lập với loài người bốn giao ước: nơi Adong, Noe, Moisen và Chúa Kitô (x Adversus Haereses, 3, 11, 8). Ba giao ước đầu, theo tinh thần, nhắm đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô và đánh dấu những giai đoạn Thiên Chúa đối thoại với tạo vật của Ngài, một cuộc gặp gỡ của tỏ bầy và yêu thương, của sáng soi và ân sủng, những tạo vật được Người Con qui tụ lại nên một với nhau, niêm ấn trong chân lý và đưa đến tình trạng toàn thiện.

 

4.         Theo chiều hướng này thì niềm tin nơi tất cả mọi dân tộc được bừng nở ra trong hy vọng. Niềm tin ấy chưa được hoàn toàn soi sáng bởi tất cả mạc khải, một mạc khải liên kết nó với những lời hứa thần linh và làm cho nó thành một nhân đức "đối thần". Tuy nhiên, các sách thánh của những tôn giáo khác cũng hướng về một niềm hy vọng đến độ, các cuốn sách ấy cho thấy một chân trời hiệp thông thần linh, hướng lịch sử đến một đích điểm thanh tẩy và cứu độ, phấn khích việc tìm kiếm chân lý cũng như việc bảo vệ những giá trị của đời sống, của sự thánh thiện, của đức công bình chính trực, của hòa bình và tự do. Với nỗ lực gắng gỏi cốt yếu này, một nỗ lực đối đầu ngay cả với những xung khắc của nhân loại, cảm nghiệm về đạo giáo cũng hướng con người về tặng ân đức ái thần linh cũng như về những đòi hỏi của đức ái này. Việc đối thoại liên tôn được Công Đồng Chung Vaticanô II khuyến khích phải được quan niệm theo nhãn giới ấy (x Tuyên Ngôn Nostra Aetate, 2). Việc đối thoại này được thể hiện bằng việc tất cả mọi tín đồ cùng nhau nỗ lực hoạt động cho công bình chính trực, cho tình đoàn kết và cho hòa bình an lạc. Việc đối thoại này cũng được thể hiện nơi những mối liên hệ về văn hóa, những mối liên hệ gieo mầm mống lý tưởng và siêu việt tính vào mảnh đất thường khô cằn của chính trị, kinh tế và an sinh xã hội. Việc đối thoại này giữ một vai trò quan trọng đối với Kitô hữu trong việc làm chứng trọn vẹn cho đức tin của mình nơi Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất. Cũng với đức tin này, Kitô hữu ý thức được rằng con đường dẫn đến tất cả sự thật (x Jn 16:13) đòi hỏi phải biết khiêm tốn lắng nghe để có thể khám phá ra cũng như để có thể cảm nhận được mọi tia sáng bất cứ từ đâu tới, những tia sáng bao giờ cũng là hoa trái của Thần Linh Chúa Kitô.

 

5.         "Sứ vụ của Giáo Hội là lo phát triển 'vương quốc của Chúa chúng ta cũng là vương quốc Đức Kitô của Ngài' (Rev 11:15) mà Giáo Hội được kêu gọi để phục vụ. Một phần trong vai trò của Giáo Hội là ở chỗ nhận ra rằng thực tại còn đang phát triển của vương quốc này cũng có thể xẩy ra ngoài giới hạn của Giáo Hội, chẳng hạn như nơi tâm can của những tín đồ theo các truyền thống đạo giáo khác, vì họ sống theo các giá trị Phúc Âm và cởi mở trước tác động của Thần Linh" (Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, Đối Thoại và Loan Báo, 35). Điều này đặc biệt áp dụng, như Công Đồng Chung Vaticanô II bảo chúng ta trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate, vào trường hợp những tôn giáo độc thần là Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Theo tinh thần ấy, Tôi đã diễn đạt lòng mong ước sau đây trong Chỉ Dụ về Năm Thánh: "Chớ gì Cuộc Mừng Kỷ Niệm giúp vào việc xúc tiến vấn đề đối thoại với nhau cho đến khi tất cả chúng ta, những tín đồ Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, cùng trao cho nhau lời chào chúc bình an ở Giêrusalem" (Mầu Nhiệm Nhập Thể, 2). Tôi cảm tạ Chúa đã cho Tôi, trong cuộc hành hương mới đây đến những Nơi Thánh, niềm vui của lời chào chúc này, một hứa hẹn giao hảo được đánh dấu bằng một thứ bình an chưa từng sâu đậm và bao hàm hơn như vậy.

  

(Đaminh Mraia Cao Tấn Tĩnh. Tuần san L'Oseervatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 6/12/2000)

 

 

TOP

 

? “Đụn Cát Lún Của Một Bãi Bùn Lầy”

Truyện về Một Người Con Gái Tốt Trải Qua Những Lúc Khốn Nạn

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch câu truyện “A Good Girl Who Went Through Bad Times”
của Carolyn Kollegger
trong cuốn Bàng Hoàng Trước Sự Thật 2 – Surprised By Truth 2
edited by Patrick Madrid and published by Sophia Institute Press 2000

(tiếp 20 Thứ Ba, 21 Thứ Tư, 22 Thứ Năm, 23 Thứ Sáu, 24 Thứ Bảy)

Những gì tôi đã học từ hồi còn thơ ấu

Trong những tháng ngày sau đó, tôi đã trải qua tình trạng bất lực về tinh thần; tôi đã sống trong sự tin tưởng mù quáng là Thiên Chúa sẽ dẫn tôi tới đồng cỏ phẳng lặng, xanh tươi, do Ngài chọn cho tôi. Cảm nghiệm về tình trạng bất lực và lòng tin tưởng của tôi nơi Chúa đã dạy cho tôi một bài học mãnh liệt, một bài học mà tôi chỉ từ từ mới hiểu được.

Một thai nhi bất lực và hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của thai mẫu. Nó bị bao phủ trong tăm tối, lệ thuộc vào mẹ mình hơi ấm, dưỡng chất và việc bảo vệ. Tôi đã thấy được điều này, mặc dù có một số thai mẫu phản bội lại lòng tin tưởng tuyệt đối ấy của thai nhi, như tôi đã làm qua việc phá thai, nhưng Thiên Chúa vẫn không bao giờ làm như thế. Tôi cảm thấy bình an thấm thía hơn bao giờ hết, và tin tưởng nơi Đấng là Cha hết lòng yêu thương tôi. Một người mẹ có thể phá hủy đứa con thai nhi của mình, khi nó trở nên bất tiện hay gánh nặng cho bà, nhưng bất kể chúng ta có tội lỗi thế nào, và có phản chống lại Thiên Chúa, thì Ngài vẫn trung thành và sẽ không bao giờ ruồng bỏ chúng ta là con cái của Ngài. Tôi cảm thấy an ủi nơi những lời Thánh Phaolô viết: “Nếu chúng ta bất trung thì Ngài vẫn trung thành – vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài” (2Tim 2:13).

Vì tôi giờ đây sẵn sàng lắng nghe những lời lẽ ấy mà Chúa đã gửi đến cho tôi thêm những ảnh hưởng về Công Giáo cho cuộc đời của tôi.

Có một người bạn ở giáo xứ tôi hỏi tôi vào một buổi sáng nọ: “Carolyn, bạn đã từng xem chương trình Kinh Mân Côi của chương trình truyền hình EWTN chưa? Chương trình này hay lắm, mình nghĩ bạn chắc chắn sẽ thích cầu nguyện theo chương trình này. Bạn nên bật lên mà coi!”

Tôi chưa bao giờ nghe nói đến EWTN cả, nhưng lời đề nghị hân hoan của người bạn tôi đã đủ để đánh động cái chú ý của tôi, nên tôi đã bật chương trình này lên tối hôm ấy. Tôi cảm thấy lạ lùng sung sướng thấy được cái phong phú của một chương trình xây dựng đức tin Công Giáo. Erwin thích một số điều chàng thấy, nhưng chàng vẫn bị thu hút vào những sự trần thế, bởi vậy một số lần lương tâm chàng cảm thấy áy náy khi thấy Mẹ Angelica lên tiếng trách móc và khuyến khích thành phần khán giả của mình trong việc sống đời sống thánh hảo. Đôi khi những lời của mẹ đã khiến cho chàng trở nên giận dữ, vì chàng chưa thực sự hoán cải tận đáy lòng, và tiếng mẹ kêu gọi hãy vun trồng nhân đức cũng như hãy tránh lành tội lỗi đã ray rứt những nơi đớn đau trong tâm hồn của chàng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục xem EWTN và cầu Kinh Mân Côi.

Thế nhưng, cuộc sống vẫn không trọn vẹn: ở chỗ, có những điều vẫn ngăn chặn giữa Erwin và tôi, và một cách nào đó trở thành tệ hơn nữa, vì Chúa đã cho tôi biết vấn đề gia đình quan trọng ra sao, và vai trò làm vợ của tôi sẽ không thực sự hoàn toàn trọn vẹn, bao lâu chúng tôi còn có ý định loại trừ con cái ra khỏi cuộc sống hôn nhân của chúng tôi.

Đến đây, đã có lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng, vì mối liên hệ của tôi với Erwin có thể sẽ không bền. Chàng vẫn cứ cương quyết không chịu tháo cởi ống dẫn tinh đã bị cắt cột của chàng, đến nỗi, tôi đã phải tỏ ra mạnh mẽ dứt khoát là tôi sẽ không tiếp tục sống cuộc sống hôn nhân mà lại không có con cái nữa. Đối với tôi, việc Erwin chủ trương về vấn đề này là những lý do để tôi ly dị, (giờ đây tôi biết được vấn đề không phải là như thế, song bấy giờ tôi vẫn chưa được hiểu cho lắm về Đức Tin của mình). Tôi đã tiến đến chỗ cảm thấy rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự đã chết mất rồi, và bất cứ những gì tình yêu chúng tôi một thời giành cho nhau đã nhuốm đầy những giận dữ, tội lỗi, cùng với những tố cáo lẫn nhau, khiến tôi chỉ còn một giải pháp duy nhất là thoát ly. Những gì trước đây chúng tôi liên hệ với nhau một cách dễ dàng và hạnh phúc, thì giờ đây đã quay cuồng trong một cơn lốc liên lỉ đấu tranh.

Tình trạng căng thẳng của chúng tôi gia tăng đến độ, vào một chiều kia, tôi đã đành phải bỏ cuộc sống hôn nhân và đòi ly dị. Tôi không thể tránh né được những trục trặc chúng tôi phải đương đầu nữa, và tôi không thể cứ giả vờ, cho dù với chính bản thân mình, cho rằng mọi sự như không sao hết.

Tôi đã thu đồ vào xách hành lý ra đi, nghĩ rằng tôi đã rời bỏ chàng vì thiện ích; thế nhưng, tôi biết rằng tôi vẫn còn yêu chàng, và muốn chúng tôi trở thành một cặp vợ chồng hạnh phúc. Tôi đã muốn lập gia đình, và lập gia đình với chàng, thế nhưng, tôi không thể thấy được cách thức để giải quyết vấn đề khiến chúng tôi phải phân rẽ nhau. Đêm hôm ấy, Erwin đã gọi cho tôi tại nơi tôi đang ở, và xin tôi hãy trở về nhà. Chàng nói rằng chàng yêu tôi, và sẵn sàng làm tất cả những gì cần để làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp hơn, kể cả vấn đề gia đình. Tôi đã cảm thấy hân hoan lắng dịu, và chúng tôi đã hạnh phúc tái hợp với nhau trong nước mắt, một cuộc tái hợp không bao giờ thực sự bị kết thúc nữa. Nhờ ơn Chúa, mối liên hệ tưởng chừng đã chết của chúng tôi lại hồi sinh, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi dần dần được canh tân, và cả hai chúng tôi bắt đầu, từ đó trở đi, trở thành một cặp vợ chồng vững mạnh hơn và dấn thân hơn. Thế nhưng vẫn còn những trở ngại trước mắt.

(còn tiếp) 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ