GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 26/5/2007

PHỤC SINH TUẦN VII

 

?  Fatima: Định Mệnh Nhân Loại - Biến Cố Fatima có thật?

?  Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?

?  ĐTC Biển Đức XVI với Khoa Học: "Không thể nào hoàn toàn hiểu được con người, cả trong nội tại cũng như ngoại diện, nếu họ không hướng về siêu việt thể"

 

 

 

?  Fatima: Định Mệnh Nhân Loại - Biến Cố Fatima có thật?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

    “Nếu Biến Cố Fatima không có thật thì Sứ Điệp Fatima cũng chẳng quan hệ gì, Bí Mật Fatima chỉ là một thứ trò ảo thuật làm hoa mắt các kẻ tò mò, và lịch sử Fatima cũng chỉ là một câu truyện hoang đường vậy thôi. Biến Cố Fatima có thật hay chăng?” (NS/TTĐM 349, 1/2007).

     Thật vậy, theo lịch sử Thánh Mẫu, Biến Cố Fatima là Biến Cố Thánh Mẫu trọng đại nhất trong các Biến Cố Thánh Mẫu, vì Biến Cố Fatima liên quan đến vai trò của Giáo Hội cũng như đến vận mệnh thế giới. Chính lịch sử của cả Giáo Hội lẫn thế giới đã là nhân chứng cho sự thật về Biến Cố Fatima, không phải ở chỗ lịch sử Giáo Hội và thế giới là chứng nhân tận mắt nhìn thấy Biến Cố Fatima xẩy ra như 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta bấy giờ, mà là nhân chứng cảm thấy ứng nghiệm những gì đã xẩy ra tại Fatima đúng như được một trong ba nhân chứng sống động bấy giờ là Lucia thuật lại trong Hồi Ký của mình, một bộ Hồi Ký được vị chứng nhân này thuật lại từ thập niên 1930.  

     Sự thật thần linh thường được tỏ hiện nơi việc ứng nghiệm của những gì đã được báo trước. Và ngược lại, chính sự kiện xẩy ra ứng nghiệm những gì đã được báo trước đó là dấu chứng thực cho thấy sự thật thần linh hay thực tại thần linh nơi những gì đã được báo trước đó. Biến Cố Fatima cũng vậy, những gì đã xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội và trên thế giới đã chứng thực Fatima là Biến Cố có thật, Đức Mẹ quả thực đã hiện ra ở Fatima, và vì thế Fatima đúng là Chân Trời Cứu Độ, liên quan tới định mệnh nhân loại.

     Những gì đã được báo trước nơi Biến Cố Fatima đều ở trong Bí Mật Fatima. Lời tiên báo rất quan trọng có thể chứng thực Fatima là Biến Cố có thật, đó là câu kết thúc phần thứ hai của Bí Mật Fatima: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”.

     Quả vậy, những lời tiên báo trên đây đã được ứng nghiệm từng chữ, từng lời, từng đoạn, theo thứ tự đã được khẳng định.

     Trước hết, “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng”, ở chỗ nào? Phải chăng ở chỗ Mẹ đã thắng Cộng Sản, hay thực tế hơn đó là việc Mẹ làm cho Nước Nga trở lại? Tuy nhiên, việc làm cho Nước Nga trở lại chắc chắn sẽ xẩy ra, nếu hội đủ điều kiện như trời cao mong muốn, đó là, như Mẹ đã tiết lộ cho nữ tu Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1917, tại tu viện của chị ở Tuy nước Tây Ban Nha biết vào ngày 13/6/1929, đó là “đã đến lúc Thiên Chúa xin Đức Thánh Cha hiệp cùng với các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này”.

     Và điều kiện ắt có và đủ để Nước Nga trở lại này đã được nữ tu Lucia đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII trong bức thư đề ngày 24/10/1940, nguyên văn như sau: “Vào năm 1929, qua một lần hiện ra khác, Đức Mẹ đã nói với con rằng: ‘đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha và tất cả các vị Giám Mục trên thế giới thưc hiện việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Ngài hứa cứu Nước Nga bằng cách này’. … Tâu Đức Thánh Cha, Chúa nhân lành, qua một số lần truyền đạt trong tâm hồn con, đã không ngừng nhấn mạnh đến điều yêu cầu này, cuối cùng đã hứa rằng nếu Đức Thánh Cha hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, đặc biệt đề cập tới Nước Nga, thì Người sẽ rút ngắn lại tình trạng khốn khó mà Người đã quyết định sử dụng để trừng phạt thế giới về các tội ác của nó, với chiến tranh, đói kém, và bách hại Giáo Hội cùng Đức Thánh Cha…”.  (Documents on Fatima, Fatima Family Apostolate, United States of America, English edition, 1992, trang 340)

     Thế nhưng, điều kiện bề ngoài có vẻ hết sức đơn giản và dễ dàng này đã phải mất tới 42 năm trời các Vị Lãnh Đạo Đức Tin Giáo Hội Công Giáo từ đó mới có thể hoàn tất đúng như ý muốn của trời cao. Tức từ ngày 31/10/1942, Đức Thánh Cha Piô XII, vị được tấn phong lên hàng giáo phẩm vào chính ngày giờ Mẹ hiện ra ở Fatima 13/5/1917, đã hiến dâng lần đầu tiên thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào dịp kỷ niệm ngân khánh 25 năm Biến Cố Fatima, đến ngày 25/3/1984, ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp cùng các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, trước Tượng Mẹ Thánh Du Fatima được cung nghinh từ Đền Thánh Mẫu Fatima về Giáo Đô Vatican.

     Tại sao lại khó khăn như thế? Tại sao lại kéo dài như vậy? Các vị giáo hoàng có lý của các vị.

     Theo nữ tu Lucia, vào năm 1940, trong các Thư chị gửi cho Cha Linh Hướng của mình như vào những ngày 21/1, 24/4, 15/7 và 18/8, tức vào thời điểm trước ngày 24/10 là ngày chính Chị viết Thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII về điều kiện tiên quyết để Nước Nga trở lại này, chị đã nói về lý do và hậu quả của việc Đức Thánh Cha không hiến dâng Nước Nga trong Thư đề ngày 18/8 như sau:

     • “… Con nghĩ rằng Chúa lấy làm hài lòng khi biết rằng có người cố gắng làm cho Vị Đại Diện Người trên thế gian này hiện thực các ý nguyện của Người. Thế nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa làm điều ấy. Ngài nghi ngờ về thực tại của nó và ngài có lý của ngài. Chúa nhân lành của chúng ta có thể tỏ rõ ý định của Người ra bằng những sự lạ lùng, song Người muốn sử dụng cơ hội này để trừng phạt thế giới theo đức công minh của Người về rất nhiều tội ác của họ, cũng như để sửa soạn cho họ một cuộc hoàn toàn trở về với Người. Chứng cớ Người ban cho chúng ta là việc Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đặc biệt bảo vệ nước Bồ Đào Nha vì nước này đã được hiến dâng cho Mẹ… Tuy nhiên, xin cha đừng quên là bao giờ có thể xin cha hãy lợi dụng hết mọi cơ hội để lập lại điều chúng ta xin Đức Thánh Cha may ra chúng ta có thể rút ngắn thời gian này lại. Con thấy thông cảm với Đức Thánh Cha và cầu xin cho ngài bằng những lời nguyện cùng với những hy sinh khiêm hèn của con”. (cùng cuốn Documents on Fatima, trang 336)

     Đó là lý do cho thấy “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” là ở chỗ Mẹ làm cho Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga cho Mẹ để Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu Nước Nga bằng cách ấy. Mẹ đã làm thế nào, nếu không phải Mẹ đã đụng đến chính bản thân của vị giáo hoàng “totus tuus” của Mẹ, vị giáo hoàng đã bị ám sát song không chết vào chính ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra cách đó 64 năm trước, tức vào ngày 13/5/1981 tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

     Trong Bản Dẫn Giải Bí Mật Fatima phần thứ ba, Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đã nhắc đến sự kiện sau khi bị ám sát không chết, ĐTC đã đọc lại phần bí mật này, phần bí mật Ngài thấy ứng nghiệm nơi Ngài:

     • “Sau cuộc bị ám sát xẩy ra vào ngày 13/5/1981, nhận được bản văn của phần ‘bí mật’ thứ ba đem tới cho mình, Ngài không nhận ra số phận của mình trong đó hay sao? Ngài tí nữa đã bị chết, và chính Ngài đã cắt nghĩa việc sống còn của mình bằng những lời sau đây: ‘... chính bàn tay của người mẹ đã lái viên đạn và Vị Giáo Hoàng thống khổ đã khựng lại trước cửa miệng tử thần’ (13/5/1994)”.    

    Phải chăng sau khi nhận ra “dấu chỉ thời đại” qua việc can thiệp của trời cao, của bàn tay của Mẹ Maria, chẳng những Ngài đã sang tận Đền Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5/1982, sau khi bị ám sát chết hụt đúng một năm, để tạ ơn Đức Mẹ, mà còn để đáp ứng điều Thiên Chúa muốn Ngài hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội nữa. Đây là những lời trong bản kinh hiến dâng đã được ngài đã đọc tại Fatima ngày 13/5/1982 và sau đó Ngài đã chính thức cùng các vị giám mục Công Giáo trên thế giới hợp nhau đọc trong ngày 25/3/1984 tại Giáo Đô Vatican:

     • “Chúng con xin hợp với tất cả mọi vị chủ chăn trong Giáo Hội (tức là các vị giám mục trên khắp thế giới Công Giáo) làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với Thánh Phêrô... Một cách đặc biệt, chúng con xin ký thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được ký thác và hiến dâng (ở đây đặc biệt có ý nói về Nước Nga, song vì tế nhị nên không gọi đích danh mà thôi)… Xin Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chiếu tỏa ánh sáng hy vọng ra cho tất cả mọi người!” (cùng cuốn Documents on Fatima, trang 82-83)

     Những gì đã xẩy ra sau cuộc hiến dâng Nước Nga đúng như những gì Thiên Chúa muốn? Ngài có giữ lời hứa là cứu Nước Nga bằng việc hàng giáo phẩm thế giới hiến dâng này hay chăng?

     Chỉ biết rằng, vào năm 1985, tức sau biến cố hiến dâng Nước Nga một năm, thì Gorbachev đã xuất hiện, nhân vật đã làm biến đổi thế giới Cộng Sản Đông Âu và Liên Bang Sô Viết, nhân vật đã từ chức tổng thống Liên Bang Nga vào chính Lễ Giáng Sinh 25/12/1991, từ giây phút đó đã chính thức chấm chế độ Cộng Sản ở Liên Bang Nga, nhân vật sau đó cũng công nhận việc sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu là do vai trò của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

     Nếu lúc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần thứ ba 13/7/1917 tiết lộ hiện tượng “Nước Nga (bấy giờ chưa bị cộng sản hóa) sẽ gieo rắc lầm lạc (tức gieo rắc lý thuyết cộng sản) khắp thế giới”, thì việc Mẹ tiên báo “Nước Nga sẽ trở lại”, tức là việc Mẹ làm cho nước này từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản vậy. Như thế, khi Gorbachev từ chức, chế độ Cộng Sản ở Liên Bang Nga vì thế cũng tự động giải thể, thì không phải là việc “Nước Nga trở lại” hay sao, đúng như những gì Mẹ Maria tiên báo.

     Và nếu “Nước Nga trở lại” thực sự, tức không còn trở thành một thứ ngòi chiến tranh nữa, một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản, một cuộc chiến tranh, nếu xẩy ra, sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử, như tí nữa đã xẩy ra vào đầu Tháng Mười năm 1962, ngay trước khi Công Đồng Chung Vaticanô II khai mạc (11-10-1962), giữa Nga và Mỹ, khi phi đạn nguyên tử của Nga đang chĩa vào Mỹ từ Vịnh Cuba. Như thế, lời tiên báo của Mẹ Maria là sau khi “Nước Nga trở lại” rồi thì “thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình” hay sao? Thời gian hòa bình này kéo dài bao lâu, không ai biết ngoài trời cao.

     Chỉ biết rằng, 10 năm sau, tức đến 11/9/2001, (từ ngày 25/12/1991), một trận chiến tranh có tầm mức quốc tế bắt đầu diễn ra, với cuộc khủng bố tấn công vào chính hai cơ quan đầu não về kinh tế (Trung Tâm Thương Mại Thế Giới) và quân sự (Ngũ Giác Đài) của một quốc gia đệ nhất cường quốc là Hoa Kỳ, một quốc gia cũng đã ra tay tấn công khủng bố ở A Phú Hãn vào chính ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/1991, rồi sau đó, vào chính ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2003, đã cùng với lực lượng liên minh (chính yếu là Hiệp Vương Quốc) qua mặt Liên Hiệp Quốc tấn công Iraq để diệt trừ nhà lãnh đạo độc tài Saddam Hussein mà họ nghĩ rằng ông này đang có những thứ vũ khí đại công phá trong tay, rất nguy hiểm đến nền hòa bình thế giới nói chung, Trung Đông và Hoa Kỳ nói riêng.

     Nếu những lời tiên báo ở Fatima ngày 13/7/1917: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”, đã xẩy ra đúng như lịch sử chứng thực, thì Biến Cố Fatima là thật, một biến cố liên quan tới định mệnh nhân loại là phần rỗi nhiều linh hồn và hòa bình thế giới.

 

 TOP

 

? Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch

 

(tiếp 25 Thứ Sáu, 24 Thứ Năm 23 Thứ Tư)

 

Chủ Đề và Mục Đích của Đệ Ngũ Tổng Nghị Chư Vị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Caribbean

 

Chủ đề của Đệ Ngũ Tổng Nghị Chư Vị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Caribbean đó là: “Những Người Môn Đệ và Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô là để cho các dân tộc của chúng ta được sự sống nơi Người”.

 

Vấn đề liên quan tới chủ đề này được đặt ra ở đây là tại sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” truyền giáo cho một nơi chiếm cả nửa dân số Công Giáo trên thế giới? Vấn nạn này có thể được tìm thấy câu giải đáp nơi chính mục đích của biến cố Đệ Ngũ Tổng Nghị Chư Vị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, một mục đích đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI xác nhận trong bài khai mạc cho biến cố này như sau:

 

“Cuộc Đệ Ngũ Tổng Nghị này đang được diễn tiến theo chiều hướng liên tục với 4 cuộc tổng nghị trước: ở Rio de Janeiro, Medellín, Puebla và Santo Domingo. Theo cùng một tinh thần trước đây, các vị Giám Mục hiện nay muốn cống hiến một động lực mới cho việc truyền bá phúc âm hóa, nhờ đó những dân tộc này có thể tiếp tục tăng trưởng và trưởng thành về đức tin của họ và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô bằng đời sống của họ”.

 

Ở đây, nếu chúng ta nắm vững được ý nghĩa đích thực của “việc truyền bá phúc âm hóa” (evangelization) chúng ta sẽ không cảm thấy lạ lùng và thắc mắc nữa. Thật vậy, chính Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm sáng tỏ ý nghĩa của từ ngữ và hoạt động của “việc truyền bá phúc âm hóa”, trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi ban hành ngày 8/12/1975, ở đoạn 18, như thế này:

 

Đối với Giáo Hội, truyền bá phúc âm hóa nghĩa là mang Tin Mừng cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới: ‘Giờ đây Ta làm cho mọi tạo vật nên mới’ (Rev.21:5; x.2Cor.5:17; Gal.6:15). Thế nhưng, sẽ không có một tân nhân loại, nếu trước hết không có những con người mới được canh tân nhờ Bí Tích Rửa Tội (x.Rm.6:4) và nhờ cuộc sống theo Phúc Âm (x.Eph.4:23-24; Col.3:9-10). Thế nên, mục đích của việc truyền bá phúc âm hóa chính là việc cải đổi nội tâm này, và nếu cần phải diễn đạt bằng một câu nói thì cách hay nhất là nói thế này, Giáo Hội truyền bá phúc âm hóa là Giáo Hội tìm cách hoán cải, bằng nguyên thần lực của sứ điệp mà Giáo Hội công bố, lương tâm của cả cá nhân cũng như tập thể con người, những hoạt động họ làm cùng với cuộc sống và hoàn cảnh của họ”.

 

Như thế, ý nghĩa về việc truyền bá phúc âm hóa theo câu định nghĩa này của Đức Thánh Cha Phaolô VI là những gì rất thích hợp với một Mỹ Châu La Tinh đang xẩy ra trào lưu bỏ đạo theo chiều hướng thần học giải phóng. Vậy thì vị Thừa Kế Thánh Phêrô đương kim Biển Đức XVI của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã đến để “củng cố đức tin cho anh em mình” (Lk 22:32) ở chung các cuộc tông du trước và ở riêng tại Mỹ Châu La Tinh hiện nay này ra sao?

 

Trong các bài nói của mình cho chuyến tông du lần đầu tiên sang Mỹ Châu đây, Vị Mục Tử Tối Cao này đã hoàn toàn không hề đề cập gì tới cụm từ “thần học giải phóng”, song ngài đã gián tiếp nói tới nó khi đề cập đến hai thể chế xã hội, liên quan đến việc giải phóng kinh tế của con người, đã từng tác hại cho con người là cộng sản và duy tư bản; còn về hiện tượng giáo phái hay bỏ đạo, liên quan tới việc giải phóng tâm linh con người, ngài đã không ngần ngại nói thẳng tới từ ngữ và vấn đề “dụ giáo”. Tuy nhiên, cho dù ngài có thẳng thắn nhận định về những sai lầm và tai hại của hai hiện tượng này, ngài vẫn nhấn mạnh đến cốt lõi của việc giải quyết vấn đề nơi nội bộ Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh nói chung và ở mỗi người Công Giáo tại đây nói riêng, đó là việc sâu xa ý thức đức tin của thành phần môn đệ trung thành với Chúa Kitô để nhờ đó họ mới có thể thực sự trở thành chứng nhân đắc lực của Người và cho Người ở ngay chính Mỹ Châu La Tinh của họ.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

? ĐTC Biển Đức XVI với Khoa Học: "Không thể nào hoàn toàn hiểu được con người, cả trong nội tại cũng như ngoại diện, nếu họ không hướng về siêu việt thể"

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch

(tiếp 25 Thứ Sáu, 24 Thứ Năm 23 Thứ Tư)

Huấn từ cho Giáo Hoàng Đại Học Đường Gregorian ngày 3/11/2006

 

Biết Thiên Chúa chưa đủ. Để thực sự gặp gỡ Ngài, con người cũng cần phải mến  yêu Ngài nữa. Hiểu biết trở thành yêu thương.

 

Việc học hỏi Thần học, Giáo luật và Giáo sử chẳng những là việc hiểu biết về những xác quyết về đức  tin được công thức hóa theo lịch sử và việc áp dụng thực hành của nó, mà bao giờ cũng còn là một thứ kiến thức liên quan tới những niềm xác quyết ấy theo đức tin, đức cậy và đức mến nữa.

 

Chỉ có duy Thần Linh mới dò được thâm cung của Thiên Chúa (x. 1Cor 2:10); bởi vậy mà chỉ khi nào biết lắng nghe Thần Linh, con người mới có thể thấu triệt được chiều sâu của các kho tàng, khôn ngoan và kiến thức về Thiên Chúa (x Rm 11:33).

 

Chúng ta lắng nghe Thần Linh bằng việc  nguyện cầu, khi lòng chúng ta hướng v ề việc chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta nơi Người Con Giêsu Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x Col 1:15), được đặt làm Thủ Lãnh Giáo Hội và là Chúa của tất cả mọi sự (x Eph 1:10; Col 1:18).

 

Từ nguyên thủy của mình là Viện Đại Học Rôma - Collegium Romanum, Đại Học Đường Gregorian đã nổi bật về việc nghiên cứu học hỏi triết lý và thần học. Một danh sách dài tên tuổi các triết gia và thần học gia nổi tiếng đã theo nhau giữ các chức Khoa Trưởng ở Trung Tâm hàn lâm này; chúng ta c ũng cần phải thêm vào bản danh sách này các giáo luật gia và giáo sử gia danh tiếng, thành phần đã cống hiến năng lực của mình trong các bức tường thế giá này.

 

Tất cả những vị ấy đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành về kiến thức họ đã học hỏi, bởi đó, họ cũng đã góp phần vào việc phục vụ quí báu cho Tòa Thánh trong việc thi hành vai trò của Tòa Thánh về lãnh vực tín lý, kỷ luật và mục vụ. Qua việc tiến triển của các thời điểm, cần phải thay đổi cái nhìn. 

 

Ngày nay, cần phải chú ý tới cái thách đố của một nền văn hóa trần tục, một nền văn hóa ở nhiều phần đất trên thế giới có khuynh hướng càng ngày càng chối bỏ chẳng những hết mọi dấu hiệu của việc Thiên Chúa hiện diện trong sinh hoạt của xã hội và của con người, mà còn, qua một vài phương tiện, những phương tiện đánh lạc hướng và làm lu mờ đi lương tâm chính trực của con người, đang nỗ lực làm tiêu hao đi khả năng con người lắng nghe Thiên Chúa nữa.


Không thể nào không lưu ý tới mối liên hệ với các tôn giáo khác, mối liên hệ chẳng những có tính cách xây dựng nếu nó tránh đi được tất cả những gì là mập mờ làm suy yếu đi nội dung thiết yếu của niềm tin tưởng của Kitô Giáo vào Chúa Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của toàn thể nhân loại, cũng như niềm tin tưởng vào Giáo Hội, bí tích cứu độ cần thiết để cứu độ toàn thể nhân loại. 

 

Ở đây chúng ta không thể quên được các khoa học nhân bản khác đang được phát triển tại Đại Học Đường nổi tiếng này theo truyền thống vẻ vang về hàn lâm của viện Đại Học Rôma đây. Tất cả đều quá biết về cái thế giá lớn lao của Viện Đại Học Rôma này có được nơi các ngành Toán học, vật lý và thiên văn.

 

Chỉ cần nhắc lại rằng lịch “Gregorian”, một thứ lịch được gọi như thế vì nó được vị tiền nhiệm của tôi là Đức Grêgôriô XIII muốn thực hiện, và đang được sử dụng khắp thế giới, là bộ lịch được cha Christopher Clavius biên soạn vào năm 1582, một vị Giảng viên của Đại Học Đường này.

 

Chỉ cần đề cập tới cha Mattêô Ricci, vị đã mang đến tận Trung Hoa thứ kiến thức ngài có được như môn sinh của Clvius, chưa kể tới chứng từ đức tin của ngài.

 

Ngày nay, những người môn đệ trên không còn dạy ở Đại Học Grêgôriô này nữa, mà đã được thay thế bởi các khoa học nhân bản như tâm lý học, xã hội học và thông thông xã hội.

 

Bởi vậy, con người cần phải được hiểu biết sâu xa hơn, cả về chiều kích bản vị của họ lẫn chiều kích ngoại tại của họ như là một nhà kiến thiết xã hội trong công lý và hòa bình, và như một truyền đạt viên chân lý.

 

Không thể nào hoàn toàn hiểu được con người, cả trong nội tại cũng như ngoại diện, nếu họ không hướng về siêu việt thể. Không biết qui chiếu vào Thiên Chúa, con người không thể giải đáp những vấn nạn nồng cốt đang làm day dứt và mãi làm khắc khoải tâm can của họ liên quan tới cùng đích của cuộc đời họ và vì thế liên quan tới ý nghĩa cuộc sống của họ. 

 

Không căn cứ vào Thiên Chúa, con người không thể đáp ứng những vấn nạn trọng yếu đang làm bối rối và sẽ mãi làm bối rối tâm can của họ liên quan tới cùng đích đời sống của họ cũng là đến ý nghĩa của đời sống họ. Bởi thế, thậm chí họ không thể kết hiệp trong xã hội những thứ giá trị về đạo lý là những gì duy nhất có thể góp phần vào việc chung sống hợp với con người.

 

Không dựa vào Thiên Chúa thì định mệnh của con người chỉ là những gì lẻ loi sầu khổ khiến họ thất vọng mà thôi.


Chỉ khi nào biết căn cứ vào Vị Thiên Chúa Yêu Thương, Đấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô, con người mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình và mới sống trong niềm hy vọng, bất chấp có trải qua những sự dữ làm tổn thương đến đời sống của họ và xã hội họ sống.

 

Hy vọng là những gì giúp cho con người không khóa mình lại trong một thứ chủ nghĩa tuyệt mệnh tê liệt và cằn cỗi, mà là hướng về một cuộc hăng say dấn thân trong xã hội họ sống để có thể canh tân xã hội. Đó là công việc Thiên Chúa ủy thác cho con người khi Ngài tạo dựng nên họ theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài, một công việc làm cho hết mọi người được đầy tràn phẩm vị cao cả nhất có thể, nhưng cũng kèm theo cả một trách nhiệm lớn lao nữa.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ