GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH

 

Dẫn nhập của người dịch: Bài nói của ĐTC Phanxicô dưới đây hôm nay không biết có phải là âm vang của loạt bài phỏng vấn với tờ Nhật Báo La Nacion hôm 4/12/2014 mà chúng ta đang theo dõi hay chăng? Thế nhưng, việc ĐTC Phanxicô đột ngột chấm dứt loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Cộng Đồng, (một đề tài rất thích hợp với ngài và còn có thể kéo dài hơn nữa), để sang loạt bài về chủ đề liên quan đến Gia Đình, mà mở đầu cho loạt bài mới này là những gì ngài muốn làm sáng tỏ về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III - 10/2014 vừa qua, ở một nghĩa nào đó, cho thấy ngài muốn cộng đồng dân Chúa khắp nơi, (ít là một thiểu số nào đó vì không đọc kỹ thượng nghị và những lời ngài nói, trái lại, chỉ nghe theo các thành kiến tư riêng của một vị nghị phụ nào đó, hoặc chỉ căn cứ vào các loại truyền thông phổ biến tin tức theo kiểu đấu đá v.v.), đang bị lẫn lộn và hiểu lầm về chung thượng nghị cũng như về riêng bản thân ngài, để nhờ đó mọi người đều được "Thần Chân Lý ... dẫn vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13).



"Hôm nay tôi thực sự muốn bắt đầu với Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới vào Tháng 10 vừa qua, một thượng nghị về đề tài 'Các Thách Đố Mục Vụ về Gia Đình trong Bối Cảnh của Công Cuộc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa'. Cần phải nhớ lại về cách thức nó triển khai và những gì nó mang lại, cách thức nó diễn tiến và những gì nó tạo được". 

ĐTC Phanxico - Giáo Lý về Gia Đình - 1 trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần ngày 10/12/2014

Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến.


Ch
úng ta đã kết thúc loạt bài giáo lý về Giáo Hội. Chúng ta tạ ơn Chúa đã giúp chúng ta có thể thực hiện cuộc hành trình này để tái khám phá vẻ đẹp và trách nhiệm của việc thuộc về Giáo Hội, của tất cả chúng ta là Giáo Hội
(Biệt chú của người dịch: Loạt bài giáo lỳ về Giáo Hội có tính cách   Cộng Đồng này của ĐTC Phanxicô, khác với loạt bài Giáo Lý Giáo Hội có tính cách Tông Truyền của ĐTC Biển Đức XVI. Loạt bài Giáo Lý về chủ đề Giáo Hội Cộng Đồng của ĐTC Phanxicô được ngài hướng dẫn trong hơn 5 tháng, từ ngày 18/6 đến 26/11/2014, bao gồm 15 bài. Nếu cần xem lại toàn bộ hay lưu trữ loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Cộng Đồng này xin bấm váo cái link sau đây:
http://thoidiemmaria.net/GIAOHOI/Giao%20Ly%20Giao%20Hoi%20Cong%20Dong/MucLuc.html . Nếu muốn coi lại toàn bộ loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Tông Truyền của ĐTC Biển Đức XVI, bao gồm 138 bài, trong thời khoảng hơn 5 năm trường, từ 15/3/2006 đến 13/4/2011, xin bấm vào cái link đầu hay 2 cái links tiếp theo sau đây: http://thoidiemmaria.net/GIAOHOI/Giao%20Ly%20ve%20Giao%20Hoi/mucluc.htm, hay http://thoidiemmaria.net/GIAOHOI/TacPham-GiaoHoiTongTruyen-I-DTCBDXVI.pdf và http://thoidiemmaria.net/GIAOHOI/TacPham-GiaoHoiTongTruyenII-DTCBDXVI.pdf)
Giờ đây chúng ta bắt đầu một đoạn đường mới, một loạt bài mới, và chủ đề của nó sẽ là gia đình, một chủ đề được xen kẽ vào thời gian ở giữa hai cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới được tổ chức vì thực tại rất quan trọng này
(Biệt chú của người dịch: Chủ đề về hôn nhân gia đình cũng đã được ĐTC Gioan Phaolô II hướng dẫn trong loạt bài giáo lý đầu tiên trong giáo triều dài 26 năm rưỡi của ngài, loạt bài được ngài khai triển theo chủ đề "tình yêu của con người theo ý định của Thiên Chúa", trong thời khoảng 5 năm 1979-1984, từ ngày 5/9/1979 đến 21/11/1984. Rất tiếc bấy giờ www.thoidiemmaria.netchưa có, cho mãi đến 8/12/2001, nên không có những tài liệu hiếm quí này của vị Thánh Giáo Hoàng triết gia nhân bản Gioan Phaolô II để cống hiến cho độc giả thân yêu như hai loạt bài giáo lý về Giáo Hội của ĐTC Phanxicô và ĐTC Biển Đức XVI). 
Bởi thế, trước khi đi sâu vào việc bàn đến một vài khía cạnh về đời sống gia đình, hôm nay tôi thực sự muốn bắt đầu với Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới vào Tháng 10 vừa qua, một thượng nghị về đề tài "Các Thách Đố Mục Vụ về Gia Đình trong Bối Cảnh của Công Cuộc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa". Cần phải nhớ lại về cách thức nó triển khai và những gì nó mang lại, cách thức nó diễn tiến và những gì nó tạo được
Trong cuộc Thượng Nghị này, truyền thông đã làm công việc của mình - có nhiều điều được mong đợi, nhiều sự cần được chú trọng - và chúng ta cám ơn họ vì họ cũng đã làm như thế một cách dồi dào. Rất nhiều tin tức, rất ư là nhiều! Phải cám ơn Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh hằng ngày đã tường trình. Tuy nhiên, quan điểm của truyền thông một cách nào đó thường theo kiểu thể thao hay kiểu niên ký chính trị, ở chỗ nói về hai đội tuyển, đấu với nhau, bảo thủ và cấp tiến. Hôm nay tôi muốn nói cùng anh chị em những gì thực sự về cuộc Thượng Nghị này
Trước hết, tôi đã xin các vị Nghị Phụ Thượng Nghị hãy lên tiếng một cách thẳng thắn và dũng cảm và lắng nghe một cách khiêm tốn, hãy can đảm nói hết những gì các vị có trong lòng. Không có vấn đề kiểm duyệt trước trong Thượng Nghị này, mà mỗi vị có thể - còn hơn thế nữa, cần phải - nói những gì ở trong lòng nữa, những gì quí vị thành tâm nghĩ tưởng. "Thế nhưng làm thế thì đâm ra tranh luận với nhau thì sao". Đúng thế; chúng ta đã chẳng nghe thấy các Tông Đồ đã tranh luận với nhau hay sao. Văn kiện còn ghi lại rằng đã xẩy ra một cuộc tranh luận mãnh liệt. Các vị Tông Đồ đã trách nhau vì các vị đang tìm kiếm ý Chúa về vấn đề thành phần dân ngoại xem họ có thể gia nhập Giáo Hội hay chăng. Đó là một điều mới mẻ. Khi một Thượng Nghị tìm kiếm ý Chúa thì bao giờ cũng có các quan điểm khác nhau, có tranh luận và điều này đâu phải là chuyện xấu! - miễn là nó được thực hiện một cách khiêm tốn và theo tinh thần phục vụ hội nghị của anh em huynh đệ. Việc kiểm duyệt trước là điều xấu. Không, không, mỗi một người cần phải nói những gì họ đã nghĩ. Sau bản Tường Trình đầu tiên của Đức Hồng Y Erdo, đã có một thời khắc mở đầu thiết yếu để tất cả mọi vị Nghị Phụ có thể lên tiếng nói, và tất cả đã lắng nghe. Và thái độ lắng nghe của các vị Nghị Phụ là những gì xây dựng. Đó là một thời khắc rất tự do, một giờ khắc mà mỗi một vị đã bày tỏ ý nghĩ của mình một cách thẳng thắn và tin tưởng. Cứ điểm cho việc chia sẻ trình bày của các nghị phụ đó là văn kiện Instrumentum Laboris, thành quả của việc tham vấn trước đó trong toàn Giáo Hội. Đến đây chúng ta cần phải cám ơn vị Bí Thư của Thượng Nghị về công việc lớn lao ngài đã thực hiện cả trước lẫn trong Thượng Nghị. Thật là những gì rất ư là tốt đẹp. 
Không có một chia sẻ trình bày nào đã đặt vấn đề về các chân lý cốt yếu của Bí Tích Hôn Phối hết, tức là về tính chất bất khả phân ly, về mối hiệp nhất nên một, về lòng thủy chung và chấp nhận sự sống (cf. Second Vatican Ecumenical CouncilGaudium et spes, 48; Code of Canon Law, 1055-1056). Không hề có chuyện đụng chạm đến những vấn đề ấy. 
Tất cả mọi điều chia sẻ trình bày của các vị nghị phụ đều được thâu lại để nhờ đó mới có thời khắc thứ hai, tức là mới có bản thảo được gọi là Tường Trình sau cuộc bàn luận. Bản Tường Trình này cũng được thực hiện bởi Đức Hồng Y Erdo, với 3 điểm, đó là lắng nghe về bối cảnh và các thách đố của gia đình; gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô và Phúc Âm về gia đình; bàn luận về các quan điểm mục vụ. 
Việc bàn luận theo các nhóm đã diễn ra căn cứ vào bản dự thảo tổng hợp ấy, và đó là thời khắc thứ ba. Bao giờ cũng thế, các nhóm được chia ra theo ngôn ngữ, vì như thế thì tốt hơn, và việc truyền đạt tốt hơn: nhóm nói tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Cuối buổi họp của mình, mỗi nhóm đã phải tường trình, và tất cả các bản tường trình theo nhóm được phổ biến ngay bấy giờ. Vì tính chất trong sáng mà tất cả đều được cung cấp để mọi người đều biết được mọi sự những gì xẩy ra. 
Tới đây - là thời khắc thứ tư - một Ủy Ban đã cứu xét tất cả mọi đề nghị từ các nhóm ngôn ngữ để làm thành một Bản Tường Trình Tổng Kết, bố cục vẫn giữ y nguyên đồ án cũ, bao gồm 3 điểm chính yếu là lắng nghe thực tại, nhìn vào Phúc Âm và dấn thân mục vụ - thế nhưng nó đã bao gồm cả hoa trái được bàn luận theo nhóm nữa. Bao giờ cũng thế, sứ điệp kết thúc của thượng nghị cũng cần phải được các vị nghị phụ phê chuẩn, một sứ điệp ngắn hơn nhưng sâu hơn là một bản tường trình. 
Đó là những gì diễn tiến của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới này. Có thể một ai đó trong anh chị em hỏi tôi rằng: "Các Vị Nghị Phụ có cãi nhau hay chăng?" Ồ, tôi không biết là các vị có cãi nhau hay chăng, nhưng các vị nói một cách mạnh mẽ, đúng, một cách chân thực. Và đó mới là tự do; thật sự là trong Giáo Hội có tự do. Hết mọi sự đã diễn ra "cum Petro et sub Petro", tức là với sự hiện diện của Giáo Hoàng là vị bảo đảm cho tất cả sự tự do và tin tưởng, và là vị bảo đảm cho tính chất chính thống. Rồi, với những gì tôi trình bày chia sẻ cuối cùng, tôi đã cống hiến một bản tổng hợp cảm nghiệm về Thượng Nghị này. 
Bởi vậy, các văn kiện chính thức được Thượng Nghị này ban hành gồm có 3 thứ như sau: Sứ Điệp Tổng Kết, Tường Trình Tổng Kết và diễn từ tổng kết. Ngoài ra không còn văn kiện nào nữa
(Biệt chú của người dịch: nếu cần xem lại 3 văn bản chính yếu được Đức Thánh Cha liệt kê trên đây xin bấm vào các links này: Sứ Điệp gửi các Gia Đình của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III - 2014Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III - 2014: Bản Tường Trình Tổng Kết Bỏ Phiếu Thứ Bảy 18/10/2014Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Bế Mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III - 2014; hay tất cả diễn tiến về thượng nghị ấy, bao gồm cả các cuộc phỏng vấn, ở cái link này: Tổng Hợp Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III - 2014)

Bản Tường Trình Tổng Kết, một văn kiện tổng hợp tất cả những chia sẻ của các giáo phận cho tới bấy giờ, đã được phát hành hôm qua và đang được gửi đến cho các Hội Đồng Giám Mục để bàn luận cho Thượng Nghị tới đầy, cuộc Thượng Nghị Thường Lệ vào Tháng 10/2015. Tôi đã nói rằng nó đã được phát hành hôm qua - nó đã được phát hành - thế nhưng hôm qua nó được phát hành kèm theo những câu hỏi đặt ra cho các Hội Đồng Giám Mục và vì thế nó thực sự trở thành Bản Hướng Dẫn cho Thượng Nghị tới đây

Chúng ta cần phải biết rằng cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới không phải là một cơ quan Lập Pháp, một thứ đại diện cho Giáo Hội này, Giáo Hội kia, Giáo Hội nọ... Không phải thế. Thật sự là có đại diện đấy, thế nhưng cấu trúc không phải như là cấu trúc lập pháp, nó hoàn toàn khác hẳn. Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới là một nơi chốn được bao bọc để Thánh Linh có thể hành động; không có vấn đề đụng độ giữa các thành phần, như ở trong cơ quan Lập Pháp là nơi cho phép đụng độ, mà là một cuộc bàn luận giữa các vị Giám Mục, một cuộc bàn luận diễn tiến sau công cuộc sửa soạn lâu dài giờ đây được tiếp tục bằng công việc khác cho thiện ích của các gia đình, của Giáo Hội và của xã hội. Nó là một tiến trình; nó là con đường cùng đồng hành bước đi bình thường. Giờ đây Bản Tường Trình Tổng Kết này được gửi đến cho các Giáo Hội riêng, vì thế, được tiếp tục nơi các Giáo Hội riêng này, là công việc của cầu nguyện, của suy tư và của việc bàn luận huynh đệ để sửa soạn cho Cuộc Họp tới đây. Đó là Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới. Chúng ta hãy ký thác cuộc thượng nghị này cho Vị Trinh Nữ là Mẹ của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta theo đuổi ý muốn của Thiên Chúa, trong việc thực hiện các quyết định mục vụ để giúp các gia đình hơn nữa và tốt hơn. Tôi xin anh chị em hãy hỗ trợ cuộc Đồng Hành trình này cho tới Thượng Nghị năm tới bằng việc cầu nguyện. Xin Chúa soi sáng cho chúng ta, làm cho chúng ta tiến tới chỗ trưởng thành về những gì, với tư cách Đồng Hành, chúng ta cần phải nói với tất cả mọi Giáo Hội. Để được như thế thì lời cầu nguyện của anh chị em là những gì quan trọng. Với cuộc Đồng Hành trình đang được bắt đầu, lời cầu nguyện của anh chị em là để cho thiện ích của gia đình. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em! 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-address-at-general-audience-on-the-family