GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 31/10/2005

 

?   ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 31 Thường Niên về Việc Mừng Kỷ Niệm 40 Năm CĐC Vaticanô II ban hành 5 Văn Kiện

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới” (tiếp)

?    Tượng Đức Mẹ Khóc ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Việt Nam (tiếp): TƯỢNG ĐỨC MẸ Ở SÀI GÒN KHÓC ĐANG DIỄN BIẾN RA SAO?

 

?   ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 31 Thường Niên về Việc Mừng Kỷ Niệm 40 Năm CĐC Vaticanô II ban hành 5 Văn Kiện

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Bốn  Mươi Năm trước đây, vào ngày 28/10/1965, khóa họp thứ bảy của Công Đồng Chung Vaticanô II được diễn ra. Khóa họp này được tiếp nối nhanh chóng bởi 3 khóa khác, và khóa cuối cùng vào ngày 8/12, kết thúc Công Đồng này. Trong thời khoảng cuối cùng của biến cố lịch sử của giáo hội ấy, một biến cố được bắt đầu 3 năm trước đó, một số lớn các văn kiện của công đồng đã được chuẩn nhận. Một số văn kiện này là những văn kiện nổi tiếng và thường được trích dẫn. Những văn kiện khác ít tiếng tăm hơn nhưng cũng đáng ghi nhớ, vì chúng giữ được giá trị của mình và cho thấy tính cách hợp thời của mình, ở một nghĩa nào đó, lại còn gia tăng nữa.

 

Hôm nay, tôi muốn nhắc lại 5 văn kiện được Người Tôi Tớ Chúa là Giáo Hoàng Phaolô VI cùng với các vị nghị phụ của công đồng ký nhận ngày 28/10/1965. Những văn kiện ấy là sắc lệnh “Christus Dominus” về thừa tác vụ mục tử của các vị giám mục; sắc lệnh “Perfectae Caritatis” về việc canh tân đời sống tu trì; sắc lệnh “Optatem Totius” về việc đào luyện linh mục; tuyên ngôn “Gravissimum Educationis” về việc giáo dục Kitô giáo, và sau hết là tuyên ngôn “Nostra Aetate” về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

 

Các đề tài về việc đào luyện linh mục, về đời sống tận hiến và về thừa tác vụ của hàng giáo phẩm đã là đối tượng của 3 thượng nghị giám mục thế giới trong thời khoảng 1990, 1995 và 2001. Các đề tài ấy được tái bàn và đào sâu hơn nữa giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, như được chứng thực trong các tông huấn hậu thượng nghị do vị tiền nhiệm của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II ban hành, đó là “Pastores Dabo Vobis”, “Vita Consecrata” và “Pastores Gregis”.

 

Tuy nhiên, được biết đến ít hơn là văn kiện về giáo dục. Giáo Hội bao giờ cũng dấn thân cho việc giáo dục giới trẻ, thành phần được công đồng này gán cho “một tầm quan trọng tối đa”, vì cả đời sống của con người lẫn sự tiến bộ của xã hội (lời mở đầu của văn kiện này). Cho tới ngày hôm nay, ở kỷ nguyên truyền thông toàn cầu này, cộng đồng giáo hội thấy tầm quan trọng của thể chế giáo dục nhìn nhận tính cách chính yếu của con người là một ngôi vị, hướng về sự thật và sự thiện. Thành phần giáo dục tiên khởi và chính yếu là cha mẹ, được xã hội dân sự hỗ trợ theo nguyên tắc phụ trợ (x khoản 3).

 

Giáo Hội, được Chúa Kitô trao phó công việc loan truyền “con đường sự sống” (x ibid.) cảm thấy rằng Giáo Hội có một trách nhiệm đặc biệt về vấn đề giáo dục. Giáo Hội cố gắng hoàn thành sứ vụ này bằng những cách thức khác nhau: nơi gia đình, tại giáo xứ, qua các hội đoàn, các phong trào và các nhóm dấn thân huấn luyện và truyền bá phúc âm, và nhất là ở các trường học, các học việc cao cấp và các đại học đường (x các khoản 5-12).

 

Tuyên ngôn “Nostra Aetate” cũng có một tầm vóc quan trọng hiện nay, vì nó ảnh hưởng tới thái độ của cộng đồng giáo hội đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Căn cứ vào nguyên tắc “tất cả mọi dân tộc làm nên một cộng đồng duy nhất” và Giáo Hội có sứ vụ “nuôi dưỡng mối hiệp nhất và bác ái” giữa các dân tộc (khoản 1), Công Đồng này “không phủ nhận những gì thánh hảo và chân thực” nơi các tôn giáo khác và loan báo cho tất cả mọi người biết Chúa Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, nơi Người con người tìm thấy “tầm mức trọn vẹn của đời sống đạo giáo” (khoản 2). Với bản tuyên ngôn “Nostra Aetate”, các Vị Nghị Phụ Công Đồng Vaticanô II đã nêu lên một số sự thật trọng yếu: ở chỗ rõ ràng nhắc nhở mối liên kết đặc biệt thắt nối Kitô hữu với người Do Thái (khoản 4); nhấn mạnh đến việc Giáo Hội quí trọng những người Hồi giáo (khoản 3) và những tín đồ thuộc các đạo khác (khoản 2); và nhấn mạnh đến tinh thần huynh đệ đại đồng cấm thái độ kỳ thị hay bắt hại đạo giáo (khoản 5).

 

Anh Chị Em thân mến, trong khi tôi mời anh chị em hãy tiếp tục nắm giữ những văn kiện này một lần nữa, tôi xin an hem hãy cùng tôi cầu cùng Trinh Nữ Maria để Mẹ giúp tất cả mọi tín hữu tin vào Chúa Kitô luôn sinh động tinh thần của Công Đồng Chung Vaticanô II, hầu góp phần vào việc thiết lập trên thế giới mối tình huynh đệ đại đồng đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa về con người được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

 

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC tiếp bằng lời kêu gọi như sau:)

 

Như tất cả chúng ta đều biết, vào ngày 8/10/2005 vừa qua, một trận động đất dữ dội đã xẩy ra ở miền đất Kashmir, nhất là bên phía Pakistan, gây chết chóc trên 50 ngàn người cùng với những thiệt hại khủng khiếp. Cũng trong trường hợp này, những hình thức tỏ ra đoàn kết thì nhiều, nhưng nhu cầu đường như lại lớn hơn việc cứu trợ cho tới nay. Bởi thế, tôi xin lập lại lời kêu gọi của tôi với cộng đồng quốc tế, để gia tăng nỗ lực trong việc hỗ trợ những con người đang chịu khổ đau quá nhiều.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/10/2005

 

 

TOP

 

 

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”

 

(tiếp 27 Thứ Năm, 28 Thứ Sáu, 29 Thứ Bảy 30 Chúa Nhật)

 

Trong phiên họp chung thứ 20 hôm Thứ Sáu 21/10/2005, các vị nghị phụ đã chấp thuận Sứ Điệp của Thượng Nghị Giám Mục gửi Dân Chúa khi kết thúc biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI. Sau đây là nguyên văn bản sứ điệp này:

 

Các con sẽ là Chứng Nhân của Thày

 

18.       “Chúa Giêsu, vì yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian thì Người đã yêu thương họ đến cùng”. Thánh Gioan cho thấy ý nghĩa của việc Thiết Lập Thánh Thể trong đoạn trình thuật về việc rửa chân (x Jn 13:1-20). Chúa Giêsu tự hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ của Người như là một dấu hiệu tình Người yêu thương đã vượt ra ngoài tất cả mọi giới hạn. Cử chỉ tiên báo này cho thấy việc Người tự hạ của ngày hôm sau, tự hạ cho đến chết trên Thập Giá; một hành động xóa tội lỗi của trần gian, và tẩy rửa hết mọi tội lỗi của linh hồn chúng ta. Thánh Thể là tặng ân của tình yêu, là cuộc hội ngộ với Vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta và là một mạch nước vọt lên sự sống trường sinh. Thành phần giám mục, linh mục và phó tế chúng ta là những chứng nhân đầu tiên và là những người tôi tớ trước hết cho tình yêu này.


19.       Quí Linh Mục thân mến, chúng tôi nghĩ đến anh em rất nhiều trong những ngày này. Chúng tôi nhìn nhận lòng quảng đại của anh em và những thách đố của anh em. Trong mối hiệp thông với chúng tôi, anh em mang lấy gánh nặng của việc hằng ngày phục vụ Dân Chúa về phương diện mục vụ. Anh em loan báo Lời Chúa, và anh em để ý tới việc dẫn đưa tín hữu tới với mầu nhiệm Thánh Thể. Ân huệ biết bao thừa tác vụ của anh em! Chúng tôi cầu nguyện với anh em và cho anh em, để cùng nhau chúng ta trung thành với tình yêu của Chúa. Chúng tôi xin anh em, cùng với chúng tôi và theo gương của Đức Thánh Cha Giáo Hoàng Biển Đức XVI trở thành “những nhân viên khiêm tốn trong vườn nho của Chúa”, sống đời linh mục trung kiên. Xin bình an của Chúa Kitô được anh em ban cho các tội nhân thống hối cũng như cho các cuộc qui tụ Thánh Thể, tuôn đổ xuống trên anh em cũng như trên các cộng đồng sống nhờ chứng bởi của anh em.

 

Chúng tôi tri ân nhớ đến việc dấn thân của các vị phó tế vĩnh viễn, của các giáo lý viên, của những cán sự mục vụ và của nhiều giáo dân hoạt động cho cộng đồng. Chớ gì việc phục vụ của anh chị em luôn sinh hoa kết trái và quảng đại, được dưỡng nuôi bằng mối hiệp nhất trọn vẹn về tinh thần và hành động với các vị Chủ Chiên ở những cộng đồng của anh chị em!

 

20.       Quí anh chị em thân mến, chúng ta được kêu gọi, ở bất cứ bậc sống nào, sống ơn gọi phép rửa của chúng ta, bằng cách mặc lấy những tâm tình của Chúa Kitô (x Phil 2:2), khiêm tốn thích thuận với nhau, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Tinh yêu thương nhau của chúng ta không phải chỉ là việc bắt chước Chúa, mà là một chứng cớ sống động về việc hiện diện ban sự sống của Người giữa chúng ta. Chúng tôi chào thăm và cám ơn tất cả anh chị em sống đời tận hiến, thành phần được tuyển chọn để làm vườn nho cho Chúa tự nguyện làm chứng cho Tin Mừng của Vị Hôn Phu đang đến (x Rev 22:17-20). Chứng từ Thánh Thể của anh chị em trong việc phục vụ Chúa Kitô là một tiếng kêu của tình yêu trong đêm tăm tối của thế gian này, một âm vang của các bài Thánh Mẫu ca cổ kính là bài Mẹ Đứng Bên Thập Giá Stabat Mater và bài Ngợi Khen Magnificat. Xin Người Nữ Thánh Thể tuyệt vời, đầu đội triều thiên tinh tú, đầy yêu thương, Vị Trinh Nữ Mông Triệu và Hoài Thai Vô Nhiễm, coi sóc anh chị em trong việc anh chị em phụng vụ Thiên Chúa và phục vụ người nghèo, với niềm vui Phục Sinh, mang hy vọng đến cho thế giới.

 

21.       Giới trẻ thân mến, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lập đi lập lại rằng quí bạn không mất đi một sự gì khi quí bạn hiến thân cho Chúa Kitô. Chúng tôi xin lập lại một lần nữa những lời mạnh mẽ và rõ ràng của ngài trong Thánh Lễ đăng quang để hướng quí bạn về niềm hạnh phúc chân thực, song hoàn toàn tôn trọng quyền tự do của quí bạn: “Đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy đi một sự gì của quí bạn, mà Người ban cho quí bạn hết mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người thì chúng ta nhận lại gấp trăm. Đúng thế, hãy mở, mở rộng của cho Chúa Kitô – và quí bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực”. Chúng tôi hết lòng tin tưởng nơi khả năng của quí bạn và niềm ước mong của quí bạn muốn làm triển nở những giá trị tích cực trên thế giới này, cũng như muốn thay đổi những gì là bất chính và bạo lực. Xin quí bạn hãy tin tưởng vào sự nâng đỡ và nguyện cầu của chúng tôi, để cùng nhau chúng ta có thể chấp nhận cái thách đố trong việc xây dựng tương lai với Chúa Kitô. Quí bạn là “những người lính canh ban mai” và là “những người thám hiểm tương lai”. Quí bạn đừng bỏ qua việc kín múc nguồn nghị lực thần linh nơi Thánh Thể để thực hiện những đổi thay cần thiết.

 

Với các chủng sinh trẻ đang sửa soạn cho thừa tác vụ linh mục, và là những người chia sẻ với thế hệ của mình những niềm hy vọng tương lai, chúng tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng của chúng tôi mong muốn thấy việc đào luyện của quí bạn được thấm nhiễm linh đạo Thánh Thể chân thực. 

 

22.       Các đôi phối ngẫu Kitô hữu cùng gia đình của anh chị em thân mến, ơn gọi nên thánh của anh chị em được khởi đầu như là một Giáo Hội tại gia, được nuôi dưỡng ở Bàn Tiệc Thánh Thể. Niềm tin tưởng của anh chị em nơi Bí Tích Hôn Phối biến đổi mối hiệp nhất vợ chồng của anh chị em thành Đền Thờ của Thánh Thần, thành một mạch nguồn dồi dào cho sự sống mới, làm phát sinh con cái là hoa trái của tình anh chị em yêu thương nhau. Chúng tôi thường nói về anh chị em ở Thượng Nghị này, vì chúng tôi biết được cái mỏng dòn và bất ổn lung lay của thế giới ngày nay. Xin anh chị em hãy cứ vững mạnh trong cuộc anh chị em gắng gỏi giáo dục đức tin cho con cái của anh chị em. Anh chị em là nguồn phát sinh ra ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đừng quên rằng Chúa Kitô ngự nơi mối hiệp nhất của anh chị em; Người chúc phúc cho nó bằng tất cả ân sủng anh chị em cần để sống ơn gọi của anh chị em một cách thánh đức. Chúng tôi khuyến khích anh chị em hãy duy trì việc cả gia đình của mình tham dự  Thánh Thể Chúa Nhật. Có thế, anh chị em mới làm vui lòng Chúa Giêsu là Đấng đã phán “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thày” (Mk 10:14).

 

23.       Chúng tôi muốn ngở lời đặc biệt với tất cả những ai khổ đau, nhât là các bệnh nhân và tật nguyền, những người được liên kết với cuộc hy tế của Chúa Kitô bằng nỗi đớn đau của họ (x Rm 12:2). Nơi nỗi đớn đau của anh chị em trên thân thể và trong cõi lòng, anh chị em tham phần một cách đặc biệt vào hy tế Thánh Thể và anh chị em là những chứng nhân đặc biệt của tình yêu xuất phát từ Thánh Thể. Chúng tôi tin tưởng rằng ở vào lúc chúng ta cảm thấy nỗi yếu hèn và hạn hữu của mình thì sức mạnh của Thánh Thể là những gì rất caân thiết. Liên kết với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, chúng tôi thấy được giải đáp cho nỗi thương đau và chết chóc, nhất là khi bệnh tật tấn công các em bé vô tội. Chúng tôi gần gũi với tất cả anh chị em, nhấtt là những người anh chị em đang hấp hối và đang lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô như Của Ăn Đàng cho cuộc hành trình cuối cùng về Nước Chúa.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2005

 TOP

? TƯỢNG ĐỨC MẸ Ở SÀI GÒN KHÓC ĐANG DIỄN BIẾN RA SAO?

Cho đến trưa Chúa Nhật hôm nay (30/10/2005), vẫn còn hàng ngàn người tập trung dưới chân tượng đài Đức Bà Hoà Bình, trước nhà thờ Chánh toà Sài Gòn đọc kinh Mân Côi, ca hát, cầu nguyện và nhiều người đã… khóc. Người ta thắp nến, dâng hoa, phủ phục xin ơn ngay dưới chân bệ đá.

Kể từ 8 giờ tối, dòng người không ngớt đổ về quảng trường Công xã Paris, cho đến sáng nay và chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới. Một đêm “canh thức” chưa từng có sau 30 năm đã được rất đông các giáo hữu đến quan sát nhưng rồi “không chịu về” và “quyết ở lại canh chừng cho đến sáng”. Và thấy củng có một số đông tín hữu qùi xuống cầu nguyện, ca hát thánh ca.

Theo một nguồn tin không chính thức, câu chuyện bắt đầu từ một em bé bán vé số quanh khu vực tượng đài. Khoảng 2 giờ chiều thứ Bảy (29/10/2005), như thường lệ, em vẫn hay ngồi nghỉ trưa tại đây. Mặc dù “không có đạo” nhưng em rất thích nhìn ngắm gương mặt đẹp tượng người phụ nữ đứng sừng sững giữa quảng trường lộng gió này. Và chính em đã phát hiện những dòng nước từ mắt, chảy dài trên má và đọng lại nơi cằm của tượng Đức Mẹ. Ngay lập tức tin này được truyền đi nhanh chóng.

Sáng nay, khi chúng tôi đến, tất cả các nẻo đường dẫn vào nhà thờ chánh tòa Sài Gòn đều bị phong tỏa bởi lực lượng cảnh sát giao thông, công an và dân quân tự vệ. Chỉ cho phép đi bộ vào quảng trường. Tất cả các bãi xe xung quanh đều không nhận giữ xe nữa! Với lý do “hết chỗ”? Khó khăn lắm chúng tôi mới kiếm được nơi để gửi xe an toàn cách đó gần cả cây số. Chúng tôi vào theo ngả đường Nguyễn Du. Mọi người đứng, ngồi, qùy đủ mọi tư thế dưới chân tượng Đức Mẹ. Chưa bao giờ kinh Kính Mừng lại được “râm ran” khắp khu trung tâm nổi tiếng của Sài Gòn. Hết tốp này, đến tốp khác xướng kinh. Mệt thì tìm bóng cây nghỉ ngơi, khỏe thì lại đọc kinh tiếp. Các bài hát về Đức Mẹ vang lên gần xa. Rất nhiều người trong số họ không phải là người Công giáo. Nhưng chính họ lại có vẻ bàn tán và “say mê” Đức Mẹ của “người có đạo” ghê gớm. Có người đã thức trắng đêm qua.

Quả thực, chúng tôi nhìn thấy đường nước mắt rất rõ chảy ra từ giữa mắt bên phải tượng và đọng lại nơi cằm. Có nhiều nguồn tin hôm qua cho rằng cả hai mắt đều chảy nước.

Theo chúng tôi, số người tuôn về nhà thờ chánh tòa Sài Gòn sẽ còn rất đông, khi mà giáo dân các tỉnh thành lân cận đã hay tin.

Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng cho đến 5 giờ chiều nay (30/10/2005) thì đã thấy có rất nhiều người đứng bán ảnh chụp Đức Mẹ Khóc bên các lối đi nẻo đường chung quanh công trường tượng đài Đức Mẹ nhà thờ chính tòa Saigòn..

Quốc Ngọc & Vũ Nguyễn

xin mời mọi người cùng xem...

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ