GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 19/9/2005

 

1)   ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV 18/9/2005 về Thánh Thiện và Bí Tích Thánh Thể

2)   Một Linh Mục thừa sai Dòng Phanxicô bị đâm chết ở Congo vì bất ngờ cán chết một em gái nhỏ 3 tuổi

3)   NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ (tiếp)

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV 18/9/2005 về Thánh Thiện và Bí Tích Thánh Thể

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vì Năm Thánh Thể đang đi đến hồi kết thúc, tôi muốn tiếp tục một lần nữa một đề tài đặc biệt quan trọng, một đề tài rất thân thương với tâm hồn của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là mối liên hệ giữa sự thánh thiện là con đường và là mục tiêu của Giáo Hội cũng như của mỗi người Kitô hữu với Thánh Thể.

 

Đặc biệt là hôm nay đây tôi muốn nói với các vị linh mục để nhấn mạnh rằng cái bí mật của việc thánh hóa họ là ở nơi Thánh Thể. Vì chức thánh, linh mục lãnh nhận tặng ân và việc dấn thân lập lại theo bí tích những cử chỉ và lời nói được Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly thiết lập việc tưởng nhớ đến Cuộc Vượt Qua của Người.

 

Nơi đôi tay của các vị phép lạ cả thể của tình yêu này được lập lại, từ đó, ngài được kêu gọi biến mình thành chứng nhân và là người rao giảng, từng ngày một cách trung thành hơn (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, 30).

 

Bởi thế mà vị linh mục, trước hết mọi sự, cần phải là con người tôn thờ và chiêm ngưỡng Thánh Thể, từ lúc ngài cử hành bí tích này.

 

Chúng ta quá biết rằng sự thành hiệu của bí tích không lệ thuộc vào sự thánh thiện của vị cử hành, thế nhưng công hiệu của bí tích này đối với ngài và đối với người khác sẽ dồi dào hơn ở chỗ ngài sống bằng một đức tin sâu xa, một tình mến nồng nàn và một tinh thần thiết tha nguyện cầu.

 

Trong năm này, phụng vụ cho chúng ta thấy những mẫu gương nơi các vị thừa tác viên bàn thờ thánh đức, những vị đã tìm thấy sức mạnh để bắt chước Chúa Kitô từ mối thân tình hằng ngày với Người nơi việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể.

 

Mấy ngày trước đây chúng ta đã cử hành lễ Thánh Gioan Chrysostom, vị thượng phụ Constantinople vào cuối thế kỷ thứ 4. Ngài được cho là “kim khẩu” vì tài lợi khẩu phi thường của ngài, thế nhưng ngài cũng được gọi là “tiến sĩ Thánh Thể” vì tính cách vĩ đại và uyên thâm nơi giáo huấn của ngài về Thánh Thể.

 

Phụng Vụ Thánh, một phụng vụ được cử hành ở các Giáo Hội Tây Phương nhiều hơn và mang tên của ngài cùng với câu tâm niệm của ngài – “Một con người đầy nhiệt tâm đủ để biến đổi cả một dân tộc” – cho thấy tính chất hiệu năng của tác động Chúa Kitô nơi các bí tích của Người.

 

Trong thời đại của chúng ta, nổi bật là hình ảnh Thánh Pio Pietrelcina, vị chúng ta sẽ nhớ đến vào Thứ Sáu tới đây. Khi cử hành Thánh Lễ, ngài đã sốt sắng sống lại mầu nhiệm Canvê cùng với đức tin và hết lòng sùng mến. Thậm chí những dấu tích Thiên Chúa ban cho ngài cũng đã là những biểu lộ cho thấy việc ngài hết sức nên giống Chúa Giêsu tử giá.

 

Khi nghĩ tới các vị linh mục say mê Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên được Thánh Gioan Maria Vianney, một vị linh mục coi xứ khiêm tốn ở họ Ars vào thời Cách mạng Pháp. Bằng một đời sống thánh thiện và lòng nhiệt thành mục vụ, ngài đã có thể làm cho tỉnh nhỏ ở Ars thành một cộng đồng Kitô hữu mô phạm được Lời Chúa và các phép bí tích làm sinh động.

 

Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, đặc biệt cầu xin cho tất cả mọi vị linh mục trên thế giới, để các ngài có thể gặt hái được trong Năm Thánh Thể này hoa trái của một tình yêu đổi mới đối với bí tích được các ngài cử hành.

 

Chớ gì các vị, nhờ lời chuyển cầu của Trinh Mẫu Thiên Chúa, bao giờ cũng có thể sống và làm chứng cho mầu nhiệm được trao phó trong tay các vị vì phần rỗi thế giới.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 18/9/2005 

 

 

TOP

 

Một Linh Mục thừa sai Dòng Phanxicô bị đâm chết ở Congo vì bất ngờ cán chết một em gái nhỏ 3 tuổi

 

Linh mục người Ý dòng Phanxicô là cha Angelo Redaelli, 40 tuổi, hôm Thứ Hai 12/9/2005, đã bị đâm chết bởi thân quyến của một em nhỏ 3 tuổi, một em nhỏ bị cha bất ngờ cán chết ở vùng Obuye, khoảng 800 cây số (500 dặm) phía bắc thủ đô Braozzaville Cộng Hòa Congo.

 

Theo Cơ Quan Tín Vụ Truyền Giáo cho biết thì ĐTGM Andres Carrascosa Coso đã chủ tế thánh lễ an táng của cha hôm Thứ Tư, có các vị giám mục thuộc hàng giáo phẩm nước này đồng tế, và hằng ngàn người tham dự, trong số đó có dân cư địa phương, có tu sĩ nam nữ, các phong trào và hội đoàn giáo xứ, chật cả vương cung thánh đường Braozzaville.

 

Cha Francesco Bravi là phó tổng về trên dòng Phanxicô, đã nói với tờ nhật báo Avvenire Ý quốc rằng vị linh mục bị sát hại này bấy giờ lái chiếc xe Land Rover “đã thấy một chiếc xe đầy người đậu ở bên đường, có lẽ vì tai nạn xẩy ra, và ngài đã giảm tốc độ rồi”, nhưng khi ngài lái qua chỗ này thì “bất ngờ một em gái nhỏ xuất hiện”, nên ngài không thể nào tránh đụng phải em.

 

Vị linh mục này đã ngừng ngay xe lại, xuống xe, và những người theo ngài cũng thế, 5 tu sĩ người Congo và 3 nữ tu dòng Thánh Clara, nhưng không làm sao cứu sống em nhỏ được nữa. Thế là họ hàng thân thuộc của em bé ấy đã nhào tới tấn công đâm chém vị linh mục, làm cho những người theo ngài bỏ chạy trốn vào rừng.

 

Cha Ernesto Breozza thuộc tỉnh dòng Phanxicô Lombard đã cho cơ quan tín vụ Fides biết rằng cái chết của vị linh mục nạn nhân ấy là “do hoàn cảnh thê lương chứ không do thù hận chống lại các vị thừa sai tí nào cả”.

 

Cha Giulio Albanese, một vị linh mục người Comboni và là ký giả đã nhận định trên Đài Phát Thanh Vatican rằng: “Cần phải nhớ rằng những thứ tấn công ở các trường hợp như thế là những gì rất thường xẩy ra nơi các xứ sở của vùng hạ mạc Sahara Phi Châu”. Vị linh mục này còn cho biết thêm rằng, bởi thế mà đừng có ngừng lại sau khi xẩy ra tai nạn, và hãy chạy ngay đến trạm cảnh sát.

 

Cha Bravi phó giám tỉnh đã cắt nghĩa trên Đài Phát Thanh Vatican rằng cha Angelo nạn nhân đã dừng lại, mặc dù đồng bạn của ngài “thôi thúc ngài hãy đến ngày trạm cảnh sát, vì bấy giờ sợ có gì bất hạnh xẩy ra chăng. Cha Angelo quyết định dừng lại, tôi nghĩ rằng vì lúc ấy, lương tâm của ngài, chiều kích của một người an hem và của nhà truyền giáo, không cho phép ngài làm bất cứ một điều gì khác”.

 

Trong bài giảng cho thánh lễ an táng của vị linh mục nạn nhân, ĐTGM Carrascosa đã nói rằng: “Chính vì yêu thương ngài đã quyết dừng lại để giúp em gái nhỏ, và cũng vì yêu thương mà ngài đã hiến mạng sống mình”.

 

Hiện diện trong thánh lễ an táng còn có các viên chức chính quyền, như bộ trưởng an ninh Paul Bot; bộ trưởng nội vụ Francois lbovi, tổng giám đốc cảnh sát Jean-Francois Ndengue, và một nhân viên của bộ ngoại giao là Daniel Ouassa.

 

Cha Angelo Redaelli, vị đã sống hai năm ở giáo xứ Makua, thuộc Giáo Phận Owando, và ở một trung tâm thuộc thủ đô Braozzaville giúp trẻ em buị đời, sẽ được an táng ở Turate, Ý quốc.

 

TOP

 

NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

 

LM Peter Joseph

 

(tiếp 15 Thứ Năm, 16 Thứ Sáu, 17 Thứ Bảy 18 Chúa Nhật)

 

Thẩm quyền luận xét và bổn phận vâng lời

 

Không có một tư nhân nào có thẩm quyền luận xét chính thức và tối hậu để đi đến phán quyết các cuộc mặc khải cá nhân là xác thực hay không.

 

Thẩm quyền cầm cân nẩy mực về sự xác thực của một mặc khải cá nhân trước tiên nằm trong tay vị Giám Mục địa phương.

 

Các cuộc hiện ra tại Lourdes, Knock, Fatima, Beauraing, Banneux - chỉ xin kể một vài nơi tiêu biểu - đã được chuẩn nhận bởi các Giám Mục địa phương. Các Vị Giáo Hoàng đương thời không hề đưa ra lời minh định về các chuyện này. Theo giáo luật thực hành thời nay, Giám Mục địa phương phải bổ nhiệm một Ủy Ban để điều tra và đưa ra luận xét về bất cứ cuộc mặc khải cá nhân nào đó (nếu ngài nhận thấy đáng phải điều tra), tuy nhiên Toà Thánh có thể can thiệp vào khi thấy cần hoặc khi được vị giám mục địa phương yêu cầu. Đàng khác, ngài cũng có thể yêu cầu Hội Đồng Giám Mục của quốc gia ngài giúp đỡ trong tiến trình điều tra và đưa ra phán quyết.

 

Giáo luật cấm và coi là phạm tội nếu một ai truyền bá những mặc khải cá nhân chưa được chuẩn nhận bởi giám mục địa phương, Hội Đồng Giám Mục, hoặc Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh Vatican. Có người biện bạch: “Tôi cứ tin cho tới khi nào Đức Giáo Hoàng tuyên bố là sai lầm thì sẽ thôi.” Đây là một hướng dẫn vô dụng trong vấn đề này - Rất họa huần Đức Giáo Hoàng mới loan báo việc chuẩn nhận hay bác bỏ một mặc khải.

Ngay cả trong trường hợp Giám Mục địa phương có sự sai lầm khi không chuẩn nhận một mặc khải chính xác, thì việc vâng phục vẫn phải được coi là trọng. Giáo luật cho là phạm tội nếu người nào không tuân phục (Giáo quyền) đi truyền bá mặc khải cá nhân, thế nhưng không có tội nếu người ta không truyền bá một mặc khải cá nhân nào đó. Luật này áp dụng cho cả người thị kiến cũng như người tin theo. Trong thực tế người tự cho mình được thị kiến bất tuân phục một lệnh hợp lý của Giám Mục, và cứ cho rằng Thiên Chúa đang phù hộ cho hành động của mình, thì đây chính là dấu chỉ rõ ràng tín điệp ấy không phát nguồn từ Thiên Chúa. Ngay cả khi một mặc khải xác thực được chuẩn nhận, thì chính Thiên Chúa cũng không muốn hay khuyên nhủ người thị kiến nên truyền bá điều mặc khải trái với sắc lệnh hợp pháp yêu cầu ngưng điều đó của vị Giám Mục. Thực tế cho biết rằng có nhiều dịp trong đời sống của Thánh Nữ Têrêsa Thành Avila (chết năm 1582) Thánh Nữ Margaret Mary (chết năm 1690) và Nữ Tu Josefa Menendez (chết năm 1923) là những người Chúa đã chỉ thị cho họ công bố sự việc, tuy nhiên Bề Trên của Họ đã ngăn cấm. Vậy họ đã làm gì? Họ vâng lời các bề trên là người phàm trần. Và Chúa đã nói gì với Họ? Ngài phán: “Chúng con đã làm một việc đúng khi chúng con vâng lới người thay mặt Ta.”

Mỗi người đều tự do đưa ra ý kiến riêng của mình, nhưng mọi người đều cần đặt mình dưới sự xét đoán của Giáo Hội bằng việc thực thi đức vâng lời. Điều tôi muốn nói ở đây là bạn được tự do bất đồng ý kiến (vì Giám Mục không phải là người không có thể sai lầm trong vấn đề này), thế nhưng bạn có bổn phận thực hành đức vâng lời đối với ngài, có nghĩa là bạn không được phép hành động chống lại sắc lệnh của ngài, bạn không được truyền bá mặc khải nào đó khi ngài không chuẩn nhận là xác thực, cũng như bạn không được tiếp tục nói công khai rằng mặc khải đó là chính xác. Bạn hãy nhớ điều này, một hội đồng của Giáo Hội có thể đưa ra lệnh bác bỏ vì những lý do mà hội đồng không tiện nói ra một cách công khai, chẳng hạn như hội đồng có thể tìm thấy những điều không tốt về người thị kiến, nhưng không muốn tuyên bố công khai những điều đó ra, dù rằng nói ra sẽ có lợi về việc minh chứng lệnh bác bỏ là đúng và có thể giúp cho mọi người dễ chấp nhận hơn.

 

(còn tiếp)

 

Bản dịch của Thảo Nguyên

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ