GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 30/8/2006

 TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  16/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 15: Tông Đồ Gioan, Một Thần Học Gia

?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc với Tân Hội Đồng về Nhân Quyền

?   Làm thế nào để tránh khỏi tình trạng giảm dân số ở các nước tân tiến trên thế giới hiện nay?

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  16/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 15: Tông Đồ Gioan, Một Thần Học Gia

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trước những ngày nghỉ này, tôi đã bắt đầu phác tả những hình ảnh nho nhỏ về 12 Tông Đồ. Các Tông Đồ là những người đồng hành của Chúa Giêsu, những người bạn của Chúa Giêsu. Cuộc hành trình của các vị với Chúa Giêsu không phải chỉ là một cuộc hành trình về thể lý từ Galilêa tới Giêrusalem, nhưng là một cuộc hành trình nội tâm làm cho các vị biết tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, không phải một cách dễ dàng gì, vì các vị cũng là người như chúng ta.

 

Thế nhưng, chính vì lý do này, lý do vì các vị là những người đồng hành của Chúa Giêsu, là những người bạn của Chúa Giêsu, thành phần học biết tin tưởng trong cuộc hành trình không quá dễ dàng mà các vị cũng là hướng đạo viên cho chúng ta, giúp chúng ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô, yếu mến Người và tin tưởng nơi Người.

 

Tôi đã nhận định về 4 trong 12 vị Tông Đồ là Simon Phêrô, Anrê, người an hem của ngài; Giacôbê, người an hem của Thánh Gioan; và Giacôbê ‘Hậu’ là vị đã viết một Bức Thư chúng ta thấy trong tân Ước. Và tôi đã bắt đầu nói về Thánh Ký Gioan, qui tụ những sự kiện thiết yếu về cuộc đời của vị Tông Đồ này, trong buổi Giáo Lý cuối cùng trước những ngày nghỉ đây.

 

Giờ đây tôi muốn chú trọng tới nội dung của giáo huấn ngài dạy. Các bản văn chúng ta muốn khảo sát hôm nay, bởi thế, chính là cuốn Phúc Âm và những Bức Thư mang tên của ngài.

 

Một đặc tính nổi bật hiện lên nơi các bản văn của Thánh Gioan đó là tình yêu. Không phải tình cờ mà tôi muốn mở đầu cho bức Thông Điệp đầu tiên của tôi bằng những lời của vị Tông Đồ này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (Deus caritas est); ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ’ (1Jn 4:16). Thật là khó mà tìm thấy những bản văn như thế này nơi các tôn giáo khác. Bởi vậy mà những lời như thế này mang chúng ta tới chỗ đối diện với một yếu tố thực sự là đặc thù của Kitô Giáo.

 

Dĩ nhiên Thánh Gioan không phải là vị tác giả duy nhất từ thời bắt đầu Kitô Giáo nói về tình yêu. Vì đây là một cấu trúc thiết yếu của Kitô Giáo mà tất cả mọi tác giả Tân Ước đều nói về nó, mặc dù bằng những cách nhấn mạnh khác nhau.

 

Giờ đây nếu chúng ta dừng lại để suy niệm về đề tài này của Thánh Gioan thì bởi vì ngài đã nói lên những tính chất chính yếu của nó một cách cương quyết và sâu sắc. Bởi vậy mà chúng ta tin vào lời của ngài. Một điều chắc chắn đó là ngài không trình bày về bản chất của tình yêu một cách trừu tượng, triết học và thậm chí thần học.

 

Không, ngài không phải là một lý thuyết gia. Thật vậy, tự bản chất của mình, tình yêu chân thực không bao giờ chỉ là những gì có tính cách suy đoán, mà thực hiện một liên hệ một cách trực tiếp, cụ thể và thậm chí khả chứng với con người thực. Bởi vậy mà Thánh Gioan, vị Tông Đồ và là người bạn của Chúa Giêsu, làm cho chúng ta thấy được các yếu tố của tình yêu, nói đúng hơn, thấy được những giai đoạn của tình yêu Kitô Giáo, một tiến trình được đánh dấu bằng ba thời điểm.

 

Thời điểm thứ nhất liên quan tới chính Nguồn Mạch của tình yếu được vị Tông Đồ này cho thấy là Thiên Chúa, khi khẳng định ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). Thánh Gioan là tác giả Tân Ước duy nhất cống hiến cho chúng ta định nghĩa về Thiên Chúa. Chẳng hạn ngài nói rằng: ‘Thiên Chúa là thần linh’ (Jn 4:24) hay ‘Thiên Chúa là ánh sáng’ (1Jn 1:5). Ở đây ngài được minh tri công bố rằng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’.

 

Hãy chú ý là: ngài không chỉ chủ trương rằng ‘Thiên Chúa yêu thương’, hay tệ hơn nữa rằng ‘tình yêu là Thiên Chúa’! Nói cách khác, Thánh Gioan không chỉ diễn tả tác động của Thiên Chúa mà còn đi sâu tới tận gốc rễ của tình yêu nữa.

 

Ngoài ra, ngài không có ý qui một phẩm tình thần linh cho một thứ tình yêu chung chung và thậm chí phi ngôi vị; ngài không đi từ tình yêu tới Thiên Chúa, nhưng trực tiếp hướng về Thiên Chúa để xác định bản tính của Ngài bằng một chiều kích yêu thương vô cùng.

 

Làm như thế, Thánh Gioan muốn nói rằng cấu trúc thiết yếu của Thiên Chúa là tình yêu và bởi đó, tất cả mọi hoạt động của Thiên Chúa đều xuất phát từ yêu thương và thấm đẫm yêu thương, ở chỗ, tất cả những gì Thiên Chúa làm, Ngài đều làm vì yêu thương và với yêu thương, cho dù chúng ta không luôn luôn có thể hiểu ngay được đó là tình yêu, một tình yêu chân thực.

 

Tuy nhiên, đến đây, không thể nào không tiến thêm một bước nữa để giải thích rằng Thiên Chúa đã cụ thể bày tỏ tình yêu của Ngài bằng việc đi vào lịch sử của loài người qua Con Người của Chúa Giêsu Kitô, nhập thể, tử nạn và phục sinh vì chúng ta.

 

Đó là thời điểm thiết yếu thứ hai của tình yêu Thiên Chúa. Ngài không chỉ tuyên bố bằng lời nói, nhưng, chúng ta có thể nói, thực sự dấn thân mình và ‘đã phải trả giá’ bằng bản thân mình.

 

Đúng như những gì được Thánh Gioan viết, “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian”, tức là tất cả chúng ta, “mà Ngài đã ban Người Con duy nhất của Ngài’ (Jn 3:16). Bởi thế, tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại là những gì được cụ thể hóa và biểu lộ nơi tình yêu của chính Chúa Giêsu.

 

Thánh Gioan còn viết: ‘Vì đã yêu thương những kẻ thuộc về mình trên thế gian, Người đã yêu thương họ đến cùng’ (Jn 13:1). Vì tình yêu nguyên tuyền và trọn vẹn này mà chúng ta được thực sự cứu khỏi tội lỗi, như Thánh Gioan còn viết: ‘Hỡi con cái bé nhỏ của tôi… nếu có ai phạm tội thì chúng ta có một vị biện hộ trước Cha là Chúa Giêsu Kitô công minh chính trực; Người là sự đền bồi tội lỗi của chúng ta, không phải chỉ tội lỗi của chúng ta mà thôi còn tội lỗi của cả thế gian nữa’ (1Jn 2:1-2; x 1Jn 1:7).

 

Đó là cách thức tình yêu của Chúa Giêsu vươn tới chúng ta, ở chỗ, tuôn đổ Máu của Người cho phần rỗi của chúng ta! Kitô hữu, thinh lặng chiêm ngưỡng trước ‘cái thái quá’ của tình yêu này, không thể nào lại không suy nghĩ đến việc đáp ứng sao cho cân xứng. Tôi nghĩ mỗi một người trong chúng ta, luôn luôn và liên tục, cần phải tự vấn về điều này.

 

Việc tự vấn này dẫn chúng ta tới thời điểm thứ ba của năng lực yêu thương, đó là từ thành phần thụ nhân của một thứ tình yêu đi trước và trổi vượt trên chúng ta, chúng ta được kêu gọi hãy quyết tâm thực hiện một đáp đền chủ động, một đền đáp muốn thích đáng thì chỉ có thể là một đáp đền bởi yêu thương.

 

Thánh Gioan nói về một ‘giới luật’. Thật vậy, ngài đã đề cập tới những lời này của Chúa Giêsu: ‘Thày ban cho các con một giới luật mới, đó là các con hãy yêu thương nhau; như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như thế’ (Jn 13:34).

 

Chúa Giêsu muốn nói tới cái mới mẻ này ra sao? Nó nằm ở sự kiện là Người không lấy làm hài lòng khi lập lại những gì đã được Cựu Ước đòi hỏi và là những gì chúng ta đã đọc thấy trong các Phúc Âm khác: ‘Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Lev 19:18; x. Mt 22:37-39; Mk 12:29-31; Lk 10:27).

 

Nơi qui luật cổ xưa thì tiêu chuẩn này được căn cứ vào con người (‘như bản thân mình’), trong khi đó, nơi qui luật được Thánh Gioan nói tới, Chúa Giêsu cho thấy Con Người của Người như là lý do và là tiêu chuẩn cho tình yêu của chúng ta: ‘như Thày đã yêu thương các con’.

 

Chính vì thế mà tình yêu trở thành Kitô Giáo thực sự, ở chỗ, theo cả nghĩa nó phải được hướng về tất cả mọi người bất phân biệt, và trên hết, nó cần phải thực hiện bất chấp những hậu quả thái quá của nó, không có một giới hạn nào ngoài việc trở thành vô hạn.

 

Những lời ấy của Chúa Giêsu, ‘như Thày đã yêu thương các con’, cũng đồng thời vừa mời gọi chúng ta vừa làm cho chúng ta day dứt; chúng là mục đích của Kitô học có vể bất khả đạt, thế nhưng đồng thời chúng cũng là một kích thích không cho phép chúng ta thu mình lại nơi những gì chúng ta có thể chiếm đạt. Nó không cho phép chúng ta hài lòng với những gì chúng ta là mà thôi thúc chúng ta cứ tiến tới với đích điểm ấy.

 

Trong cuốn Gương Chúa Giêsu, một cuốn sách quí về tu đức nhỏ có từ cuối Thời Trung Cổ, tác giả viết về vấn đề này như sau: ‘Tình yêu của Chúa Giêsu là những gì cao quí và rộng lớn: nó thôi thúc chúng ta thực hiện những việc cao cả, và tác động chúng ta luôn mong muốn những gì là trọn lành. Tình yêu sẽ những gì hướng thượng chứ không bị gò bó vào những vật hạ đẳng. Tình yêu là những gì thanh thoát trước tất cả mọi chi phối trần gian…. Vì tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và không thể nghỉ yêu ngoài ở nơi Thiên Chúa hơn là nơi những tạo sinh. Người yêu là kẻ bay, chạy và hớn hở, họ tự do thanh thoát chứ không bị cầm giữ. Họ ban tặng tất cả cho mọi người mà lại có tất cả trong mọi sự, vì họ nghỉ yên trong một sự thiện tối hậu trên tất cả mọi sự thiện, Đấng mà từ Ngài xuất phát tất cả mọi sự thiện’ (Thomas Kempis, The Imitation of Christ, Book III, Chapter V, 3-4).

 

Còn lời nhận định nào hay hơn về ‘giới luật mới’ được Thánh Gioan nói tới đây? Chúng ta hãy cầu cùng Cha để có thể cho dù bao giờ cũng là kẻ bất toàn chúng ta vẫn có thể sống giới răn mới này mạnh mẽ tới độ chúng ta có thể chia sẻ nó với những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2006/documents/hf_ben-xvi_aud_20060809_en.html

 

 

TOP

 

 

 ? Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc với Tân Hội Đồng về Nhân Quyền

 

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của vị đại diện của Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Giovanni Lajolo, bí thư của van phòng liên hệ chư quốc, ngỏ cùng tân Hội Đồng Nhân Quyền hôm 20/6/2006.

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Trước hết tôi xin chúc mừng ông về việc ông được tuyển giữ chức giám đốc cho khóa họp này của Hội Đồng Nhân Quyền, ở vào một thời điểm rất đặc biệt đối với sinh hoạt của tổ chức Liên Hiệp Quốc, một tổ chức nhắm tới mục tiêu bảo vệ và gìn giữ các thứ quyền lợi của con người.

 

Tân Hội Đồng Nhân Quyền là những gì kiến tạo nên một giai đoạn quan trọng trong việc tranh đấu hướng đến chỗ lấy con người làm tâm điểm của tất cả mọi hoạt động chính trị, ở tầm cấp quốc gia cũng như quốc tế. Chúng ta đã tiến đến một thời điểm chính yếu, đó là vấn đề các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền xuất phát từ hội đồng này giờ đây đang tìm cách để tạo nên những phương cách liên quan tới việc gìn giữ việc hoan hưởng thực sự các quyền lợi của con người này.

 

Tòa Thánh muốn góp phần vào cuộc tranh luận hiện nay, hợp với bản chất và quan điểm đặc biệt của Giáo Hội, luôn hướng đến việc cống hiến vấn đề suy tư thiết yếu về đạo lý là những gì giúp vào những quyết định của lãnh vực chính trị cần phải thực hiện ở nơi đây.

 

Theo luật lệ và lương tâm của cộng đồng quốc tế ngày nay, phẩm giá của con người được biểu lộ như là cái mầm mống làm phát sinh ra các thứ quyền lợi, và chi phối chủ quyền cùng ý muốn độc lập của các quốc gia như là nền tảng trọng yếu của tất cả mọi thể chế pháp lý, bao gồm cả thế chế pháp lý quốc tế. Nó là một cuộc tiến hóa bất khả vãn hồi, song đồng thời cũng dễ thấy rằng nơi nhiều xứ sở việc hiện thực hóa nguyên tắc tối cao này vẫn chưa được thể hiện bằng sự tôn trọng các quyền lợi của con người.

 

Trái lại, chỉ cần thoáng nhìn vào thế giới chúng ta cũng cảm thấy lo âu về tình hình nhân quyền hiện nay. Nếu chúng ta quan tâm tới toàn thể các thứ quyền lợi được phác họa trong Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, trong các bản hiệp ước quốc tế liên quan tới các quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa, trong các quyền lợi về dân sự và chính trị, cũng như trong các hình thức khác, thì không có một quyền lợi nào mà lại không trầm trọng bị vi phạm tới ở nhiều quốc gia, tiếc thay cũng ở tại một số quốc gia phần tử thuộc tân hội đồng này nữa.

 

Chưa hết, có những chính quyền tiếp tục nghĩ rằng ở vào trường hợp cuối cùng thì quyền lực là những gì quyết định tất cả những gì liên quan tới nhân quyền, bởi thế, họ coi mình có thẩm quyền trong những việc làm sai lạc. Điển hình trong cho các thứ nhân quyền bị vi phạm nhất này, đó là việc áp đặt vấn đề kiểm soát sinh sản, là bác bỏ quyền sống ở một số trường hợp, là cố gắng kiểm soát lương tâm của người công dân và phương tiện thông tin, là phủ nhận tiến trình pháp lý công cộng và quyền được tự bênh vực, là đàn áp thành phần bất mãn về chính trị, là hạn chế việc di dân bất kể là ai, là để xẩy ra tình trạng làm việc trong các điều kiện tệ hại, là chấp nhận việc kỳ thị nữ giới, là giới hạn quyền thành lập và gia nhập hiệp hội.

 

Vai trò quan trọng của tân hội đồng nhân quyền

 

Tân Hội Đồng Nhân Quyền được kêu gọi để đóng lại cái rạn nứt giữa toàn thể những gì được phác họa trong hệ thống hiệp định về nhân quyền và thực tại của việc áp dụng những điều được phác họa ấy nơi các phần đất trên thế giới. Tất cả mọi quốc gia phần tử của hội đồng này cần phải đảm trách chung riêng việc bênh vực và cổ võ các điều được phác họa ra ấy.

 

Đồng thời việc tổ chức quân giai của các cơ cấu quan trọng nhất nơi Liên Hiệp Quốc cũng đang rõ ràng muốn thấy được tổ chức này cải tiến cái thế giá của mình trước dư luận quần chúng trên thế giới. Thật vậy, hội đồng này có thể và cần phải trở thành phương tiện hướng tất cả mọi qui chế quốc tế và quốc gia về những gì, theo ước muốn của vị Giáo Hoàng luôn ủng hộ lý tưởng cao cả của Liên Hiệp Quốc, tạo nên chính cái lý do hiện hữu của nó: ‘Việc phục vụ con người, là đảm nhận, một cách quan tâm và trách nhiệm, các vấn đề và những công việc thiết yếu nơi việc con người hiện hữu trên trái đất này, theo chiều kích và phạm vi xã hội là những gì bao gồm cả thiện ích cho mỗi một con người nữa’ (Cf. John Paul II's address to the United Nations General Assembly, Oct. 2, 1979, no. 6).

 

(mai tiếp: Quyền sống, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; Thái độ cần phải có nơi Hội Đồng Nhân Quyền)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/6/2006

 

 

TOP

 

 

?   Làm thế nào để tránh khỏi tình trạng giảm dân số ở các nước tân tiến trên thế giới hiện nay?

 

(tiếp 26 Thứ Bảy bài Thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’ (morning-after pill): Tổng Thống Bush ủng hộ việc cho phép các em thiếu nữ được sử dụng; và 27 Chúa Nhật bài Các thứ hoang đường và thực tại về thứ thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’, và 28 Thứ Hai 29 Thứ Ba bài Vấn đề ngừa thai và triệt sản liên quan tới tình trạng sức khỏe tâm thần, cảm xúc và thiêng liêng của nữ giới)

 

Trong cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit với vị chủ tịch Ý Quốc đặc trách Trung Tâm Âu Châu Nguên Cứu Về Dân Số, Môi Trường Và Phát Triển, đã nhận định về sứ điệp của Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi đại hội lần thứ XII của Học Viện Giáo Hoàng Về Các Khoa Xã Hội Học. Theo ông, để đương đầu với tình trạng giảm sút về dân số ở nhiều quốc gia tân tiến, cần phải thực hiện một cuộc đổi thay về văn hóa, hơn là kích thích về kinh tế, để cổ võ vấn đề gia đình và sinh sản.

 

Vấn:    Theo các dữ kiện của Eurostat thì không có một xứ sở Âu Châu nào có một mức độ sinh sản tương đương với mức tăng phát zero – mổi phụ nữ sinh 2.1 đứa con. Về dân số thì Âu Châu hiện nay đang bị thúc đẩy theo chiều hướng nào vậy?

 

Đáp:   Thật thế, tất cả mọi quốc gia đều ở mức độ sinh sản dưới mức có thể bù đắp thế hệ, mặc dù trường hợp khác nhau nếu mang ra so sánh theo vùng.

 

Ngày nay các quốc gia bị trầm trọng giảm sút mức độ sinh sản là ở các quốc gia Đông Âu, ở mức độ sinh sản giữa 1.1 và 1.4 người con cho mỗi người nữ, thế nhưng, nơi những xứ sở này thì việc giảm sút đột xuất tương đối cũng mới gần đây thôi và đã tăng ở mức gia tốc sau cuộc sụp đổ của đế quốc Nga Sô Viết.

 

Ở Nam Âu mức độ sản sinh cũng thấp, như ở Tây Ban Nha và Ý Quốc, nơi hiện nay mức độ sinh sản đôi khi chỉ ở giữa khoảng 1.2 đến 1.3 cho mỗi người nữ.

 

Trong khi đó, Bắc Âu, nhất là ở những xứ sở Scandinavia, tương đối ở mức độ sinh sản cao, từ 1.6 đến 1.8, và không xẩy ra những chênh lệch bất ngờ, cho dù mức độ giảm sút về sinh sản đã được bắt đầu từ các quốc gia miền này trước các quốc gia thuộc các vùng Âu Châu khác.

 

Mức độ sinh sản cao nhất là ở Ái Nhĩ Lan, mức độ 2 con một người nữ, thế nhưng đang có khuynh hướng thụt nhanh, và ở Pháp, mức độ 1.9, quốc gia duy nhất hiện nay đang đi ngược chiều với xu hướng chung.

 

Dù sao thì hiện tượng này cũng kiên cố đến nỗi trong vòng từ 20 đến 25 năm nữa có một số quốc gia Âu Châu như Ý, Đức là những nước dẫn đầu, sẽ trải qua một cuộc giảm sút thực sự về dân số, một hiện tượng đã được bắt đầu nếu nó không được che nay bằng một mức độ cao của thành phần di dân. Thế nhưng, chẳng mấy chốc kể cả mức độ di dân này đi nữa cũng không đủ mức dân số bù đắp thế hệ (tức chết nhiều hơn sinh).


Vấn:    Một sự gia tăng đáng kể nơi mức độ của thành phần trên 60 thay cho mức độ sinh sản thấp. Khuynh hướng này sẽ gây ra các hậu quả ra sao?

 

Đáp:   Có hai yếu tố cần phải được phân biệt: Trước hết, tuổi thọ bởi tình trạng cải tiến nơi những điều kiện về kinh tế, sức khỏe và vệ sinh. Đây là một hiện tượng tích cực bao gồm cả việc cải tiến về phẩm chất sự sống của những người lão niên. Tình trạng bất quân bình được quí vị diễn tả thực sự là những gì liên quan tới mức sản sinh thấp hơn.

 

Vấn đề thực sự là ở chỗ này, đó là chúng ta đang chứng kiến thấy nó nơi guồng máy an sinh xã hội, với một tình trạng mất quân bình hiển nhiên giữa thành phần dân chúng hoạt động – thành phần làm việc và đóng thuế – với thành phần dân số về hưu.

 

Thế nhưng, các hiệu quả tiêu cực còn nhiều hơn thế nữa, nhất là ở lãnh vực kinh tế: đó là lực lượng làm việc trở nên suy yếu và thành phần dân chúng làm việc trở nên cằn cỗi liên quan tới những hậu quả về khả năng canh tân và cạnh tranh. Đó là bối cảnh của vấn đề Âu Châu đang phải trả giá, chẳng hạn như so sánh với Hoa Kỳ là nơi mức độ sinh sản cao hơn.

 

Cũng có cả vấn đề về văn hóa và xã hội liên quan tới việc di dân nữa, ở chỗ, cho dù việc di dân là những gì cần thiết để thay thế cho lực lượng lao động bị suy yếu, thì mức độ của thành phần di dân lại tăng nhanh, nhất là nơi giới trẻ, khiến càng khó khăn trong vần đề hội nhập và truyền đạt về văn hóa của chủ quốc. Thường xẩy ra thái độ bài ngoại như là một phản ứng giận dữ trước tình trạng này.

 

Ngoài ra, chúng ta đừng quên những hậu quả về vấn đề an ninh, ở chỗ, một quốc gia không có trẻ em là một quốc gia thậm chí không có ước muốn chiến đấu cho các giá trị và tự do của mình – đến độ tin rằng không bõ công truyền đạt những giá trị ấy. Và bởi thế quốc gia đó đang sửa soạn để trở thành một mảnh đất bị xâm chiếm giành cho những nền văn minh đang chớm nở.


Vấn:    Từ thập niên 1960 đến 1990, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ những nguy hiểm của một ‘trái bom dân số’, trong khi thực tại lại cho thấy một ‘mùa đông dân số’. Làm thế nào những nỗi sợ hãi về tình trạng thặng dư dân số đã ảnh hưởng tới nền văn hóa và tác hành của dân chúng, nhất là của các cặp vợ chồng?

 

Đáp:   Những nỗi sợ hãi ấy chắc chắn là đóng một vai trò quan trọng, vì qua nhiều thập niên, chúng ta đã phải chịu đựng một cuộc oanh tạc về văn hóa đến độ vấn đề không có con cái hầu như là một trách nhiệm đối với xã hội.

 

Ngày nay thật ra cái hình ảnh về tình trạng hao kiệt nơi các nguồn lợi tiếp tục được viện dẫn một cách vô trách nhiệm để chinh phục các đôi phối ngẫu đừng sinh sản nữa.

 

Thậm chí còn có những thuyết về sự khẩn trương giảm bớt dân số thế giới một cách trầm trọng, để rồi từ từ sẽ tiến tới ý nghĩ có thể sử dụng tới việc triệt sinh an tử như là một phương pháp để kiểm soát dân số.


Vấn:    Nhiều quốc gia Âu Châu hy vọng giải quyết vấn đề mức độ sinh sản thấp bằng những phấn khích về tài chính và gia tăng thành phần di dân. Trong bài huấn từ của mình ở Học Viện Giáo Hoàng Về Các Khoa Xã Hội Học, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã giải thích hiện tượng suy yếu về dân số như là vấn đề thiếu yêu thương và hy vọng. Ông nghĩ sao về phương diện này?

 

Đáp:   Kinh nghiệm của một số quốc gia Âu Châu, mặc dù họ đã có nhiều thập niên về các chính sách phò sinh sản – chẳng hạn có các thứ khích lệ sản sinh, làm việc một cách uyển chuyển để có thể chăm sóc con cái và có cả một cơ cấu về dịch vụ xã hội – phải là những gì dạy cho chúng ta biết rằng những biện pháp ấy vẫn chưa đủ.

 

Chắc chắn là có những cải tiến nơi mức sinh sản, thế nhưng những cải tiến ấy vẫn chưa đủ để lật ngược khuynh hướng mùa đông dân số.

 

Tiếc thay, Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một khối chẳng mấy chốc sẽ phát hành mộtcuốn sách trắng về vấn đề này, đang di chuyển theo đúng hướng ấy, không điếm xỉa gì tới yếu tố văn hóa, tức là đến những động lực sâu xa nhất trong việc đôi phối ngẫu quyết định có hay không có con cái.

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI cuối cùng đã nhúng tay vào vấn đề, ở chỗ, vấn đề thực sự liên quan tới cái ý nghĩa được chúng ta gán cho sự sống, vì không có một động cơ nào về tài chính có thể thuyết phục được tôi có con cả, nếu tôi sống co quắp lấy bản thân và cảm thấy lo sợ tương lai.

 

Và đây là công việc lớn lao của Giáo Hội, vì chỉ nguyên việc loan báo Chúa Kitô là những gì có thể làm cho một xã hội đang cắm đầu lao mình vào tử vong tỉnh ngộ hồi sinh.

 

Bởi thế mà bài diễn từ của vị Giáo Hoàng này có vẻ như là một tiếng gọi nghiêm trọng cho cả những phần vụ của Giáo Hội nữa, khi những phần vụ ấy giải quyết vấn đề về dân số, một vấn đề được đề cao hầu như chỉ có những chọn lựa về chính trị cần được chính quyền sử dụng thôi.

 

Quốc gia thực sự có nhiệm vụ cất đi những chướng ngại vật – về kinh tế và xã hội – đối với tự do của tôi trong việc quyết định có bao nhiêu đứa con, nhưng nó cũng không thể cống hiến cho tôi những lý do sâu xa trong việc có con. Yêu thương và hy vọng có trước cả quốc gia nữa kìa.

                                                                                                                                               

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/5/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ