GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 11/1/2007 TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN HẬU GIÁNG SINH |
? “Cái tương quan giữa đề tài ‘Thiên Chúa’ với đề tài ‘hòa bình’ là một khía cạnh quyết liệt của 4 chuyến Tông Du của tôi trong năm nay” - Chuyến Tông Du Valencia Tây Ban Nha: Một Cuộc Tra Vấn Về Ý Nghĩa Con Người
? Những lời khẳng định trong Sứ Điệp Hòa Bình 2007 “Con Người Là Trọng Tâm Của Hòa Bình” cần phải ý thức và áp dụng thực hành
? “Vào lúc mở màn cho năm này, chúng ta được mời gọi chú trọng tới tình hình thế giới, cũng như quan tâm tới những thách đố chúng ta được kêu gọi để cùng nhau giải quyết” - “Những Yếu Tố Tích Cực”
“Cái tương quan giữa đề tài ‘Thiên Chúa’ với đề tài ‘hòa bình’ là một khía cạnh quyết liệt của 4 chuyến Tông Du của tôi trong năm nay” - Chuyến Tông Du Valencia Tây Ban Nha: Một Cuộc Tra Vấn Về Ý Nghĩa Con Người
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Thẩm Định với về Giáo Triều của ngài trong Năm 2006 dịp Chúa Giáng Sinh cho Giáo Triều Rôma ngày Thứ Sáu 22/12/2006
(tiếp 10 Thứ Tư
, 9 Thứ Ba)
Chuyến Viếng Thăm Valencia, Tây Ban Nha, theo chiều hướng của đề tài về hôn nhân và gia đình. Thật là tuyệt vời được lắng nghe, trước dân chúng qui tụ lại từ tất cả mọi châu lục, những chứng từ của các đôi phối ngẫu – được chúc phúc bởi số đông con cái – những người đã đến với chúng ta và nói về cuộc hành trình riêng của họ sống Bí Tích Hôn Phối và sống trong một gia đình đông đảo của họ.
Họ không giấu diếm sự kiện là họ cũng gặp phải những ngày khó khăn, họ cũng trải qua những giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, chính nhờ nỗ lực hằng ngày hỗ trợ nhau, chính nhờ việc chấp nhận nhau hằng được đổi mới nơi những cuộc thử thách gắt gao hằng ngày, bằng việc sống và chịu đựng hoàn toàn trung thành với sự ‘chấp nhận’ ban đầu của họ, chính vì con đường Phúc Âm ‘đánh mất bản thân mình’ này, mà họ đã trưởng thành, đã tái khám phá ra được chính mình và cảm thấy hạnh phúc. Việc họ ‘chấp nhận’ nhau một cách nhẫn nại trong cuộc hành trình ấy cũng như bằng sức mạnh của Bí Tích được Chúa Kitô dùng để thắt buộc họ lại với nhau, đã trở thành một việc ‘chấp nhận’ cao cả đối với chính họ, đối với con cái của họ, đối với Thiên Chúa Hóa Công cũng như đối với Đấng Cứu Chuộc là Chúa Giêsu Kitô. Bởi đó, từ chứng từ của các gia đình ấy mà chúng ta cảm thấy được cả một triều sóng hân hoan, không phải là thứ hớn hở nông nỗi và nhỏ giọt chắng mấy chốc biến tan, mà là một niềm vui được phát triển trong khổ đau, một niềm vui thấu tận thâm tâm và thực sự cứu chuộc con người.
Trước những gia đình ấy có cả con cái của họ, trước những gia đình có các thế hệ nắm tay nhau và tương lai hiện lộ, vấn đề của Âu Châu, một Âu Châu dường như không còn muốn có con cái nữa, đã thẩm thấm vào linh hồn của tôi. Đối với thành phần ngoài thì Âu Châu này dường như là kiệt quệ, nó thật sự dường như muốn bỏ cuộc lịch sử. Tại sao lại xẩy ra những điều như thế chứ? Đây là một vấn nạn lớn. Những câu giải đáp chắc chắn là rất phức tạp. Trước khi tìm những câu trả lời, cần phải cám ơn nhiều cặp vợ chồng ở Âu Châu chúng ta vẫn còn ‘chấp nhận’ con cái ngày nay và chấp nhận những thử thách kèm theo, đó là những vấn đề về xã hội và tài chính, cùng với những lo toan và tranh đấu, từ ngày này sang ngày khác; việc dấn thân đòi phải cung cấp cho con cái những gì cần tiết để tiến tới tương lai. Khi đề cập tới những khó khăn này thì có lẽ những lý do cũng trở nên rõ ràng hơn cho thấy lý do tại sao nhiều người cảm thấy cái nguy cơ quá to tát trong việc có con cái.
Một đứa con cần đến sự yêu chiều chuyên chú. Điều này có nghĩa là chúng ta phải cống hiến cho con cái mình một số giờ giấc nào đó của chúng ta, thời giờ của đời sống chúng ta. Thế nhưng, chính cái ‘nguyên liệu’ này của đời sống – đó là thời gian – dường như lại trở thành khan hiếm hơn bao giờ hết. Thời gian thuận lợi của chúng ta chỉ vừa đủ cho cuộc sống riêng của chúng ta; làm sao chúng ta có thể bỏ nó đi, cống hiến nó cho một ai khác chứ? Có thời giờ và cống hiến thời giờ – đối với chúng ta thì đây là một đường lối cụ thể nhất để học biết hiến thân mình, đánh mất bản thân mình để tìm thấy chính mình vậy.
Ngoài vấn đề ấy còn có cả một bài toán khó khăn nữa, đó là vấn đề chúng ta cần phải áp dụng những qui luật nào để bảo đảm rằng đứa con của chúng ta đi theo đường ngay nẻo chính, và khi thực hiện như thế, làm thế nào chúng ta cần phải tỏ ra tôn trọng tự do của nó đây? Vấn đề này cũng trở thành rất khó khăn, vì chúng ta không còn nắm vững được những qui chuẩn trong việc truyền đạt; vì chúng ta không còn biết thế nào là sử dụng đúng đắn tự do, thế nào là đường lối đúng đắn để sống, thế nào là xác đáng về luân lý, và trái lại thì đâu là những gì bất khả chấp.
Tinh thần tân tiến đã mất đi sức chịu đựng của mình, và việc thiếu sức chịu đựng này là những gì cản trở chúng ta trở thành những kẻ chỉ vẽ đường ngay nẻo chính cho người khác. Thật thế, vấn đề này còn sâu xa hơn nữa kìa. Con người đương thoơi cảm thấy bất ổn về tương lai. Có được phép hay chăng tung một con người nào đó vào một tương lai bất định? Tức phải chăng là một điều tốt khi trở thành một con người? Tình trạng thiếu tự tin sâu xa này – cộng với ước muốn có được trọn cuộc sống cho riêng mình – có lẽ là lý do sâu xa cho thấy lý do tại sao cái nguy cơ có con cái đối với nhiều người là những gì bất khả chấp nhất. Thật thế, chúng ta có thể truyền đạt sự sống một cách hữu trách, nếu chúng ta có thể truyền đạt một cái gì đó ngoài chính sự sống thuần sinh lý, và cái đó là một thứ ý nghĩa có thể thắng vượt ngay cả trong những cuộc khủng hoảng sẽ xẩy ra trong lịch sử, và là một lòng tin tưởng nơi niềm hy vọng mạnh hơn những đám mây mù che phủ tương lai.
Trừ phi chúng ta học biết một cách mới mẻ những nền tảng của cuộc sống – trừ phi chúng ta khám phá một cách mới mẻ cái chân thực của đức tin – bằng không chúng ta càng ngày càng ít có thể trao tặng cho kẻ khác tặng ân sự sống và công việc của một tương lai bất định.
Sau hết, liên quan tới vấn đề này còn là vấn đề của những quyết định tối hậu, đó là con người có thể bó buộc mình mãi mãi hay chăng? Họ có thể nào tỏ ra ‘chấp nhận’ cả cuộc đời của mình hay chăng? Phải, họ có thể chứ. Họ đã được dựng nên cho điều ấy mà. Chính vì thế mới có tự do của con người mà bởi vậy cái môi trường linh thánh của hôn nhân cũng mới được thiết lập và phát triển, trở thành một gia đình và xây dựng tương lai.
Tới đây, tôi không thể không nói lên mối quan tâm của tôi về việc hợp pháp hóa những cặp vợ chồng kiểu de facto. Nhiều cặp này đã chọn sống như thế, vì – ít là tạm thời – họ không cảm thấy có thể chấp nhận việc chung sống hôn nhân theo pháp lý và bị bắt buộc. Bởi vậy mà họ thích sống trong trạng thái kiểu thuần de facto. Khi tạo nên những hình thức mới theo pháp lý làm tương đối hóa hôn nhân thì chính pháp luật cũng thực sự phủ nhận mối liên hệ vĩnh viễn của hôn nhân nữa.
Trong trường hợp này, việc quyết định đối với những ai đã từng cảm thấy hôn nhân không phải là chuyện dễ dàng gì thì lại càng trở thành những gì khó khăn hơn nữa. Bởi thế, đối với các thứ kiểu vợ chồng khác, còn có cả một cuộc tương đối hóa tính cách khác biệt về phái tính.
Cuộc liên kết giữa một người nam và một người nữ là những gì đang được đặt ngang hàng với cuộc cặp đôi giữa hai con người đồng phái tính, và là những gì ngấm ngầm nói lên những việc làm này là những chủ trương sai lạc, ở chỗ chúng loại trừ đi khỏi con người tất cả tầm quan trọng của nam tính và nữ tính, như thể đó là một vấn đề thuộc yếu tố thuần sinh lý.
Những lý thuyết như vậy chủ trương rằng con người – tức lý trí của họ và ước muốn của họ – muốn tự động quyết định những gì họ là hay những gì họ không là. Theo đó, tính chất thể lý bị khinh thường, kéo theo hậu quả là con người, trong việc tìm cách để được giải phóng khỏi thân xác của mình – khỏi ‘lãnh giới sinh lý’ – lại đang đi tới chỗ hủy hoại chính mình.
Nếu chúng ta bảo nhau rằng Giáo Hội không được can thiệp vào những vấn đề như thế, thì chúng ta không thể nào không trả lời những vấn nạn sau đây: phải chăng chúng ta không quan tâm tới con người hay sao? Các tín hữu, căn cứ vào nền văn hóa cao cả của tôn giáo mình, chẳng lẽ không có quyền thực hiện một công bố về tất cả những điều ấy hay sao? Phận sự của họ – của chúng ta – không phải là việc lên tiếng bênh vực con người, một tạo vật chính ở nơi mối hiệp nhất bất khả phân ly xác hồn, là hình ảnh của Thiên Chúa hay sao? Chuyến Viếng Thăm Valencia, đối với tôi, đã trở thành một cuộc tra vấn về ý nghĩa của con người.
(ngày mai: Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc: “làm sáng tỏ vấn đề về ‘Thiên Chúa’”)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh Vatican (trừ những tiểu đề được chính người dịch tự phân đặt theo ý tứ được chính tác giả bày tỏ)
? Những lời khẳng định trong Sứ Điệp Hòa Bình 2007 “Con Người Là Trọng Tâm Của Hòa Bình” cần phải ý thức và áp dụng thực hành
Phân tích học hỏi Sứ Điệp Hòa Bình 1/1/2007 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn c ầu của Tòa Thánh Vatican
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20061208_xl-world-day-peace_en.html
(Tiếp 10 Thứ Tư; 9 Thứ Ba; 8 Thứ Hai; 6 Thứ Bảy; 5 Thứ Sáu)
Có thể nói, Sứ Điệp Hòa Bình 2007 “Con Người Là Trọng Tâm Của Hòa Bình” là những gì tiếp nối cho Sứ Điệp Hòa Bình 2006, sứ điệp đầu tiên của vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn nhấn mạnh đến lý trí, điển hình nhất là qua những bài diễn từ của ngài trong chuyến tông du Bavaria Đức Quốc (9-14/9/2006) và Thổ Nhĩ Kỳ (28/11/-1/12/2006). Đúng thế, nếu Sứ Điệp Hòa Bình 2006 của ngài là “Hòa Bình trong Chân Lý” thì chân lý đây là ở nơi chính con người, nơi chính phẩm vị và các thứ nhân quyền bẩm sinh của họ, những yếu tố trực tiếp liên hệ một cách bất khả phân ly với bản tính tự nhiên của con người, mà nếu không được nhìn nhận, tôn trọng và bênh vực sẽ chắc chắn không thể nào có, cũng chẳng bao giờ có hòa bình thực sự và bền vững. Vậy, theo chiều hướng của cả hai Sứ Điệp Hòa Bình 2006 và 2007 thì không thể nào có hòa bình nếu thiếu chân lý, tức là nếu không hoàn thành dự án thần linh được biểu lộ nơi hữu thể con người.
Tuy nhiên, muốn áp dụng thực hành bất cứ một điều gì, chẳng những cần phải tìm hiểu nó, (như đã cố gắng phân tích trên đây về Sức Điệp Hòa Bình 2007), mà còn phải ý thức những gì mình đã tìm hiểu nữa, để các tư tưởng được chúng ta nghiền ngẫm thực sự và hoàn toàn trở thành niềm xác tín của chúng ta, như đồ ăn thức uống được tiêu hóa rồi sinh hóa thành máu thịt của mình, thành sinh lực sống động. Đó là lý do chúng ta cần đặc biệt chú ý hơn và nhớ kỹ hơn một số tư tưởng trọng yếu nơi Sứ Điệp Hòa Bình 2007 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
1. Việc tôn trọng con người là những gì cổ võ cho hòa bình, và trong việc xây dựng hòa bình thì cần phải có một nền tảng trọn vẹn thực sự về nhân bản. (đoạn 1)
2. Vì người ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa mà mỗi một cá nhân con người có được phẩm vị của một con người; họ nam hay nữ cũng không phải chỉ là một cái gì đó mà là một con người nào đó, có khả năng tự thức, tự sở hữu, tự hiến thân và hiệp thông với người khác. (đoạn 2)
3. Nhờ ân sủng, mỗi người được kêu gọi tới việc giao ước với Đấng Hóa Công, được kêu gọi để đáp ứng Ngài bằng niềm tin yêu là những gì không một thụ tạo nào khác có thể thay thế được họ (Cf. Catechism of the Catholic Church, 357). (đoạn 2)
4. Hòa bình là một khía cạnh nơi hoạt động của Thiên Chúa, được biểu lộ cả nơi việc tạo dựng nên một vũ trụ thứ tự lớp lang và hòa hợp, cũng như nơi việc cứu chuộc một nhân loại đang cần được phục hồi từ tình trạng lệch lạc của tội lỗi. Như thế, việc Tạo Dựng và việc Cứu Chuộc cống hiến một yếu tố giúp chúng ta bắt đầu hiểu được ý nghĩa của đời sống chúng ta trên thế gian này. (đoạn 3)
5. Bộ qui luật cho tác hành của cá nhân cũng như cho các mối liên hệ hỗ tương giữa con người với nhau theo công lý và tình đoàn kết, là những gì được ghi khắc nơi lương tâm của con người, nơi phản ảnh dự án khôn ngoan của Thiên Chúa. (đoạn 3)
6. Không được coi các chuẩn định của luật tự nhiên như là những chỉ thị áp đặt ngoại tại, như là những gì hạn chế tự do của con người. Trái lại, cần phải đón nhận chúng như là một tiếng gọi trung thành thực hiện dự án thần linh phổ quát được ghi khắc nơi bản tính của con người. (đoạn 3)
7. Nhiệm vụ tôn trọng phẩm vị của mỗi một con người, một phẩm vị tự bản chất phản ảnh Đấng Hóa Công mà bởi đó có nghĩa là con người không thể bị sử dụng tùy nghi theo ý muốn. Tất cả những ai có quyền hành hơn về chính trị, kỹ thuật hay kinh tế không được sử dụng quyền hành này để phạm tới các quyền lợi của những người khác mang thân phận thấp kém hơn. Hòa bình được căn cứ vào việc tôn trọng các quyền lợi của tất cả mọi người. (đoạn 4)
8. Quyền sống và quyền tự do bày tỏ niềm tin tưởng của cá nhân đối với Thiên Chúa không phải là những gì lệ thuộc vào quyền bính của con người. Hòa bình đòi phải thiết lập một biên giới rõ ràng giữa những gì thuộc quyền sử dụng của con người và những gì không, nhờ đó, mới tránh được những thứ xâm nhập bất khả chấp vào gia sản của những thứ giá trị chuyên biệt của con người. (đoạn 4)
9. Việc phá thai và việc thí nghiệm phôi thai bào con người là một thứ trực tiếp chối bỏ thái độ chấp nhận người khác như là những gì bất khả châm chước để thiết lập những mối liên hệ hòa bình bền vững. (đoạn 5)
10. Có những chế độ áp đặt một tôn giáo duy nhất trên mọi người, trong khi các chế độ trần thế thường không dẫn tới chỗ có nhiều cuộc bách hại dữ dội cho bằng tới việc nhạo báng theo chiều hướng văn hóa các niềm tin tôn giáo. Trong cả hai trường hợp, nhân quyền căn bản của con người đều không được tôn trọng, gây ra hậu quả trầm trọng đến cuộc chung sống thuận hòa. Tình trạng này chỉ có thể cổ võ một thứ tâm thức và văn hóa không lợi ích gì cho hòa bình cả. (đoạn 5)
11. Một yếu tố nồng cốt cho việc xây dựng hòa bình đó là việc nhìn nhận cái quyền bình đẳng thiết yếu của con người xuất phát từ phẩm giá siêu việt chung của họ. Sự bình đẳng về phương diện này là sự thiện thuộc về tất cả mọi người, một sự thiện được ghi nhận nơi một ‘thứ văn phạm’ có thể suy diễn từ dự án thần linh của việc tạo dựng; nó là một sự thiện không thể bị coi thường hay khinh thường nếu không muốn gây ra những hậu quả trầm trọng nguy hại tới hòa bình. (đoạn 6)
12. Việc hủy hoại môi trường, việc sử dụng không thích đáng hay vị kỷ, và việc giành giật tích trữ các nguồn nhiên liệu của trái đất này là những gì gây ra các tình trạng bất bình, xung khắc và chiến tranh, chính vì chúng là thành quả của một quan niệm phi nhân nơi việc phát triển. (đoạn 9)
13. Nếu vấn đề phát triển được thu hẹp vào chiều kích kinh tế kỹ thuật, không đếm xỉa gì tới chiều kính tôn giáo luân lý, nó sẽ không phải là một thứ phát triển trọn vẹn về nhân bản, mà là một thứ méo mó một chiều, sẽ tiến tới chỗ làm bùng nổ các thứ khả năng hủy hoại của con người. (đoạn 9)
14. Chúng ta cần phải có một nhãn quan về con người không bị lây nhiễm bởi các thứ thành kiến về ý hệ và văn hóa, hay bởi những thứ khuynh hướng lợi lộc về chính trị và kinh tế là những gì có thể gây ra hận thù và bạo động. (đoạn 10)
15. Vẫn biết rằng các thứ quan niệm về con người là những gì khác nhau tùy theo văn hóa. Tuy nhiên, điều không thể chấp nhận được ở đây là việc gieo rắc các quan niệm về nhân loại học chất chứa các mầm mống hận thù và bạo lực. Cũng không thể chấp nhận được các quan niệm về Thiên Chúa phấn khích thái độ bất dung nhượng và việc sủ dụng bạo lực chống lại kẻ khác. (đoạn 10)
16. Chiến tranh nhân danh Thiên Chúa bao giờ cũng là những gì bất khả chấp! (đoạn 10)
17. Khi một quan niệm nào đó về Thiên Chúa là nguyên nhân gây ra các hành động tội ác thì nó là dấu hiệu cho thấy rằng quan niệm đó đã trở thành một thứ ý hệ rồi vậy. (đoạn 10)
18. Ngày nay, hòa bình chẳng những bị đe dọa bởi tình trạng xung khắc giữa những quan niệm giảm thiểu về con người, nói cách khác, giữa những thứ ý thức hệ. Hòa bình cũng còn bị đe dọa bởi thái độ dửng dưng coi thường đối với những gì tạo nên bản tính thực sự của con người nữa. (đoạn 11)
19. Nhiều người đương thời của chúng ta thực sự chối bỏ sự hiện hữu của một bản tính con người đặc biệt và bởi đó mở đường cho những dẫn giải quá trớn nhất về những gì thiết yếu cấu tạo nên con người. (đoạn 11)
20. Một quan niệm ‘yếu kém’ về con người, một quan niệm dọn chỗ cho hết mọi quan niệm, ngay cả quan niệm kỳ quái nhất, chỉ là quan niệm thiên về hòa bình một cách bề ngoài vậy thôi. Thực ra nó cản trở việc đối thoại đích thực và mở đường cho những thứ áp đặt độc đoán, cuối cùng biến con người thành mất khả năng tự vệ, với hậu quả là con người trở thành một mồi ngon cho áp bức và bạo lực. (đoạn 11)
21. Chỉ khi nào các thứ nhân quyền được dựa vào những đòi hỏi khách quan của một bản tính con người do Hóa Công ban cho, thì những thứ quyền lợi được qui cho họ mới có thể được xác nhận mà không sợ bị xung khắc mà thôi. Các thứ nhân quyền đều bao hàm cả những thứ nhiệm vụ tương hợp nữa… Không minh bạch như thế thì ‘các thứ nhân quyền’ cuối cùng sẽ đi đến chỗ lệ thuộc vào việc tùy nghi quyết định của các chủ thể khác nhau: có những trường hợp thì con người mang một phẩm giá cùng những quyền lợi tồn tại bao giờ cũng có giá trị ở mọi nơi và đối với mọi người, có trường hợp con người có một phẩm vị được đôåi thay cùng với những quyền lợi liên tục được mặc cả, tùy theo nội dung, thời điểm và địa điểm. (đoạn 12)
22. Các thứ quyền lợi được diễn tả trong Bản Tuyên Ngôn Chung của Liên Hiệp Quốc được tuân giữ trên căn bản không phải chỉ vì chúng là những quyết định được chuẩn nhận bởi một hội đồng, mà là những gì căn cứ vào chính bản tính của con người và phẩm giá bất khả chuyển nhượng của họ như là một con người được Thiên Chúa dựng nên. Bởi thế, điều quan trọng là các cơ quan quốc tế đừng làm mất đi cái nền tảng tự nhiên về nhân quyền này. Nó sẽ giúp cho họ có thể tránh khỏi nguy cơ, bất hạnh thay luôn xẩy ra, trong việc chiều theo một thứ dẫn giải thuần thực chứng về những quyền lợi này. (đoạn 13)
23. Đường lối để bảo đảm một tương lai hòa bình cho hết mọi người chẳng những ở nơi các bản thỏa ước quốc tế về vấn đề thôi leo thang các thứ vũ khí nguyên tử, mà còn ở việc dứt khoát dấn thân tìm cách giảm bớt chúng và cuối cùng giải giới chúng. (đoạn 15)
24. Nơi Chúa Kitô, chúng ta có thể thấy được lý do tối hậu trong việc trở thành những đối thủ hào hùng cho phẩm vị con người và là những kiến trúc viên can trường xây dựng hòa bình. (đoạn 16)
(ngày mai: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh thêm về ý tưởng nồng cốt trong sứ điệp chủ đề “Con Người –Trọng Tâm của Hòa Bình” )
“Vào lúc mở màn cho năm này, chúng ta được mời gọi chú trọng tới tình hình thế giới, cũng như quan tâm tới những thách đố chúng ta được kêu gọi để cùng nhau giải quyết” - “Những Yếu Tố Tích Cực”
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Phái Đoàn Ngoại Giao của Quốc Đô Vatican ngày 8/1/2007
(Tiếp 10 Thứ Tư)
“Những Yếu Tố Tích Cực”
Việc tổng quan ôn lại các vấn đề cần quan tâm này không được phân tâm chúng ta khỏi những yếu tố tích cực đánh dấu thời đại tân tiến này. Tôi cần phải đề cập đến trước hết là việc gia tăng ý thức về tầm quan trọng của vấn đề đối thoại giữa các nền văn hóa và giữa các tôn giáo. Đây là một nhu cầu sống còn, đặc biệt là trước những thách đố tất cả chúng ta đang phải đương đầu đối diện liên quan tới gia đình và xã hội. Ngoài ra, tôi muốn chú trọng tới nhiều khởi động trong lãnh vực này nhắm mục đích xây dựng những nền tảng chung cho việc chung sống hợp hòa.
Cũng thật là hợp thời đúng lúc để nhận thấy có một ý thức đang gia tăng nơi cộng đồng thế giới về những thách đồ khổng lồ trong thời đại của chún g ta, và những nỗ lực được thực hiện để biến đổi ý thức này thành hành động cụ thể. Trong nội bộ Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Nhân Quyền được thiết lập năm ngoái, hy vọng rằng cơ quan này sẽ tập trung hoạt động của mình v ào việc bênh vực và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người, nhất là quyền sống và quyền tự do tôn giáo. Nói đến Liên Hiệp Quốc, tôi cảm thấy cần phải tri ân cảm tạ nhắc tới Ông Kofi Annan về công việc thành đạt trong thời gian giữ vai trò làm Tổng Thư Ký của ông. Tôi cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới vị thừa kế ông là Ban Ki-moon, vị mới đây đã đảm nhận trách vụ mới của mình.
Trong lãnh vực phát triển, có những khởi động khác nhau đã được thực hiện, những việc được Tòa Thánh không thôi tiếp tục ủng hộ nâng đỡ, đồng thời lập lại rằng những dự phóng ấy không phải là những gì thay thế cho việc quyết tâm của các quốc gia phát triển trong việc cống hiến .7% tổng sản lượng quốc gia của mình cho vấn đề cứu trợ quốc tế. Một yếu tố quan trọng khác trong cuộc tranh đấu tổng hợp để loại trừ nghèo khổ, ngoài vấn đề cứu trợ – một vấn đề người ta chỉ có thể hy vọng là sẽ gia tăng – đó là vấn đề ý thức hơn nữa về nhu cầu cần phải chiến đấu với tình trạng băng hoại và cổ võ việc quan trị tốt đep. Chúng ta cũng cần phải phấn khích và tiếp tục thực hiện những nỗ lực từng được thực hiện trong việc bảo đảm các thứ nhân quyền cho cá nhân con người cũng như cho các dân tộc, để bảo vệ một cách hữu hiệu hơn các thành phần dân sự.
(ngày mai: “Tình hình chính trị” ở Phi Châu)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh Vatican (trừ những tiểu đề được chính người dịch tự phân đặt theo ý tứ được chính tác giả bày tỏ)
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20070108_diplomatic-corps_en.html