GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 26/3/2007 TUẦN V MÙA CHAY |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay 25/3/2007 về Biến Cố Truyền Tin và Các Vị Tử Đạo Thừa Sai
? "Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này"
? “Đụn Cát Lún Của Một Bãi Bùn Lầy”
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay 25/3/2007 về Biến Cố Truyền Tin và Các Vị Tử Đạo Thừa Sai
Anh Chị Em thân mến!
Ngày 25/3 là lễ trọng Truyền Tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Năm nay trùng hợp với Ngày Chúa Nhật Mùa Chay và vì thế sẽ được cử hành vào ngày mai. Dù sao tôi cũng muốn đề cập tới mầu nhiệm đức tin diệu kỳ này mà chúng ta chiêm ngưỡng hằng ngày khi nguyện Kinh Truyền Tin.
Biến cố truyền tin, một biến cố được thuật lại ở đầu Phúc Âm Thánh Luca, là một biến cố khiêm hạ của loài người, một biến cố âm thầm – không ai thấy nó, không ai biết về nó, ngoài Mẹ Maria – thế nhưng, đồng thời nó lại là một biến cố quyết liệt đối với lịch sử nhân loại. Khi vị Trinh Nữ này thưa tiếng ‘xin vâng’ với lời loan báo của thiên thần, thì Chúa Giêsu được thụ thai và cùng với Người cả một kỷ nguyên lịch sử được mở màn, một kỷ nguyên được biến cố Phục Sinh làm nên như là ‘một giao ước mới và vĩnh viễn’.
Thật vậy, tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria là phản ảnh tiếng ‘xin vâng’ của Chúa Kitô khi Người vào trần gian, như được ghi nhận trong Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn giải thích về bài Thánh Vịnh 39: ‘Như đã viết về tôi trong sách, Ôi Thiên Chúa, này tôi xin đến để thực thi ý Chúa’ (Heb 10:7). Đức vâng phục của Người Con được phản ảnh nơi đức vâng lời của Người Mẹ, nhờ đó, nhờ cuộc gặp gỡ giữa hai tiếng ‘xin vâng’ ấy, mà Thiên Chúa đã có thể mặc lấy dung nhan con người. Đó là lý do tại sao biến cố truyền tin cũng là một lễ có tính cách Kitô học, vì nó cử hành một mầu nhiệm chính yếu của Chúa Kitô, đó là mầu nhiệm nhập thể của Người.
‘Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như Lời của ngài’. Lời đáp ứng của Mẹ Maria với thiên thần là những gì được vươn tới Giáo Hội, một Giáo Hội được kêu gọi để làm cho Chúa Kitô hiện diện trong lịch sử, cống hiến tính cách thuận lợi của mình để Thiên Chúa tiếp tục viếng thăm nhân loại bằng tình thương của Ngài. Tiếng ‘xin vâng’ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria như thế được lập lại nơi tiếng ‘xin vâng’ của các thánh nhân, nhất là những vị tử đạo, những vị bị sát hại vì Phúc Âm.
Tôi nhấn mạnh đến điều này bởi vì hôm qua, ngày 24/3, ngày kỷ niệm ĐTGM Oscar Romero ở San Salvador bị ám sát chết, chúng ta cử hành Ngày Cầu Nguyện và Chay Tịnh cho Các Vị Tử Đạo Thừa Sai là các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, những vị ngăn chặn khi các vị thi hành sứ vụ của mình trong việc truyền bá phúc âm hóa và cải tiến nhân loại.
Những vị tử đạo này, như chủ đề của năm nay viết là ‘hy vọng cho thế giới’, vì các vị làm chứng rằng tình yêu của Chúa Kitô mạnh hơn bạo lực và hận thù. Các vị không tìm kiếm việc tử đạo, nhưng các vị sẵn sàng hiến mạng sống mình để trung thành với Phúc Âm. Việc tử đạo của Kitô giáo chỉ chính đáng khi nó là một tác động yêu thương cao cả đối với Thiên Chúa cũng như với anh chị em của chúng ta.
Trong mùa Chay này, chúng ta thường chiêm ngưỡng Đức Mẹ lúc Mẹ ở trên Đồi Canvê hoàn tất tiếng ‘xin vâng’ Mẹ đã thưa ở Nazarét. Liên kết với Chúa Kitô, chúng từ của tình Cha yêu thương, Mẹ Maria đã sống cuộc tử đạo trong tâm hồn Mẹ. Chúng ta hãy tin tưởng kêu xin Mẹ chuyển cầu để Giáo Hội, trung thành với sứ vụ của mình, can đảm làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trước toàn thể thế giới.
(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXII như sau:)
Chúa Nhật tuần tới, chúng ta cử hành trọng thể phụng vụ Lễ Lá để bắt đầu Tuần Thánh. Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 22 sẽ được diễn ra trong khung cảnh ấy.
Đề tài năm nay dựa theo giới răn của Chúa Giêsu, đó là ‘Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như thế’ (Jn 13:34). Để chúng ta sửa soạn cho ngày này và cử hành Lễ Phục Sinh, tôi mời gọi giới trẻ của Giáo Phận Rôma hãy tham dự phụng vụ thống hối do tôi chủ sự vào chiều Thứ Năm, 29/3, tại Đền Thớ Thánh Phêrô. Những ai muốn đến với bí tích xưng tội, một cuộc thực sự gặp gỡ tình yêu thương của Thiên Chúa, một tình yêu thương mà hết mọi người cần đến để sống trong hân hoan và an bình.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/3/2007
? "Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này"
Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy Lễ Mẹ Thai Lời ngày 25/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô
Quí Hồng Y và Thượng Phụ thân mến,
Quí Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô!
Tôi cảm thấy hết sức hân hoan chủ sự đồng tế này với các vị tân hồng y sau cuộc mật nghị hồng y hôm qua, và tôi thấy là thích đáng thực hiện cuộc mật nghị hồng y này vào ngày lễ trọng Truyền Tin. Thật vậy, trong việc nhập thể của Con Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy nguồn gốc của Giáo Hội. Hết mọi sự được bắt đầu từ đó. Hết mọi sự hiện thực của Giáo Hội về lịch sử và từng cơ cấu thuộc tổ chức Giáo Hội cần phải được hình thành bởi nguồn mạch nguyên khởi này.
Chúng phải được hình thành bởi Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng chúng ta liên lỉ chúc tụng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mà nhờ Người ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha được hoàn tất. Tuy nhiên, ngày của mọi ngày hôm nay đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh này của mầu nhiệm ấy – khía cạnh suối nguồn thần linh tuôn chảy qua một mạch nước đặc biệt đó là Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã nói về điều này bằng hình ảnh ‘aquaeductus’ sống động (cf. "Sermo in Nativitate B.V. Mariae": PL 183, 437-448). Thế nên, khi cử hành việc nhập thể của Người Con, chúng ta không thể không tôn vinh Mẹ của Người.
Lời thiên thần loan báo cho Mẹ, Mẹ đã chấp nhận, và khi Mẹ đáp lại bằng tất cả tâm hồn của mình là ‘Này tôi… xin vâng như lời ngài truyền’ (Lk 1:38), thì Lời hằng hữu bắt đều hiện hữu như là một con người trong thời gian.
Mầu nhiệm khôn lường này không ngừng trở thành những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng từ đời nọ đến đời kia. Thánh Âu Quốc Tinh tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa ngài và vị thiên thần Truyền Tin, khi đặt vấn đề là: ‘Ôi Thiên Thần, xin nói cho tôi hay là tại sao điều này đã xẩy ra nơi Mẹ Maria?’ Câu trả lời được vị thiên sứ đáp lại chất chứa chính những lời chào kính: ‘Kính mừng đầy ơn phúc’ (x Sermo 291.6). Thật vậy, vị thiên thần, ‘khi hiện ra với Mẹ’, đã không gọi Mẹ theo tên trần gian của Mẹ là Maria, mà bằng tên thần linh của Mẹ, ‘Đầy ơn phúc – gratia plena’, một tên theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘yêu dấu’ (x Lk 1:28) vì Mẹ luôn được Thiên Chúa biết đến và mang dấu vết Thiên Chúa. Giáo phụ Origen đã nhận định rằng không có danh xưng nào như thế được ban cho bất cứ một con người nào, và là một danh xưng duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh (cf ‘In Lucam’ 6:7).
Nó là một danh hiệu ở thể thụ động, thế nhưng ‘cái thụ động’ này của Mẹ Maria, Vị luôn được và đang được Chúa mãi mãi ‘yêu thương’, bao gồm việc tự do ưng thuận của Mẹ, việc đáp ứng cá nhân và nguyên vẹn của Mẹ: Khi được yêu thương, Mẹ Maria hoàn toàn chủ động, vì Mẹ chấp nhận một cách quảng đại làn sóng yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Mẹ. Cả ở việc này nữa, Mẹ cũng là người môn đệ trọn hảo của Con Mẹ, Đấng hiện thực tất cả tự do của mình qua việc tuân phục Chúa Cha.
Trong bài đọc thứ hai, chúng ta nghe một đoạn tuyệt vời được tác giả của bức Thư gửi Do Thái viết khi dẫn giải Thánh Vịnh 39 theo ý nghĩa nhập thể của Chúa Kitô: “Khi Chúa Kitô vào trần gian, Người đã thưa… ‘Này Con đây, Con xin đến để làm theo ý Cha, Ôi Thiên Chúa’” (10:5-7). Trước mầu nhiệm của hai lời ‘Này con đây’ của Chúa Kitô và Vị Trinh Nữ, lời này phản ảnh trong lời kia, làm nên câu Amen duy nhất dâng lên ý muốn yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy đầy những ngỡ ngàng và tri ân cảm tạ, và chúng ta cúi mình xuống tôn thờ.
Chư huynh thân mến, thật là một ân huệ cao cả biết bao khi thực hiện việc cử hành ý nghĩa này vào Lễ Trọng Truyền Tin đây! Chúng ta có thể nhận được dồi dào ánh sáng biết bao từ mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta làm thừa tác viên của Giáo Hội đây! Nhất là các vị tân hồng y thân mến, chư huynh có thể lãnh nhận nhiều bổ dưỡng là chừng nào cho sứ vụ làm ‘Nghị Viên’ cao cả của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô! Cơ hội thích đáng này giúp chúng ta coi biến cố hôm nay đây, một biến cố nhấn mạnh đến nguyên tố Phêrô của Giáo Hội, theo chiều hướng của một nguyên tố khác, đó là nguyên tố Thánh Mẫu, một nguyên tố thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’.
Trong linh đạo của ngài, cũng như trong thừa tác vụ liên lỉ của ngài, sự hiện diện của Mẹ Maria như là Người Mẹ và là Nữ Vương của Giáo Hội đã trở thành hiển nhiên trước mắt mọi người. Nhất là ngài đã quảng bá sự hiện diện từ mẫu của Mẹ nơi vụ ám sát ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Để tưởng nhớ biến cố bi thương này, ngài đã đặt một bức ảnh Đức Trinh Nữ bằng vi thạch ghép trên cao Tông Dinh Giáo Hoàng, nhìn xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, để hỗ trợ những giây phút chính yếu và diễn tiến hằng ngày cho giáo triều dài lâu của ngài. Đúng một năm từ khi giáo triều của ngài đi vào giai đoạn cuối cùng, giai đoạn vượt qua đầy khổ đau nhưng thực sự là vinh thắng. Tấm hình Truyền Tin, hơn bất cứ tấm hình nào khác, giúp chúng ta thấy rõ lý do tại sao hết mọi sự trong Giáo Hội trở về với mầu nhiệm Mẹ Maria chấp nhận Lời thần linh, nhờ đó, qua tác động của Thánh Linh, giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại mới được hoàn toàn niêm ấn.
Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này, trong chân trời đầy ân phúc của lời Mẹ ‘xin vâng’ theo ý muốn của Thiên Chúa. Mối liên hệ này với Mẹ Maria tự nhiên khơi lên trong tất cả chúng ta một âm hưởng rất mến thương, thế nhưng, trước hết nó có một giá trị khách quan. Giữa Mẹ Maria và Giáo Hội thực sự có một mối liên hệ tự nhiên, được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh qua quyết định khéo léo của mình, trong việc đưa phần về Đức Trinh Nữ vào đoạn kết của hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ về Giáo Hội.
Đề tài về mối liên hệ giữa nguyên tố Phêrô và nguyên tố Thánh Mẫu cũng được thể hiện nơi biểu hiệu chiếc nhẫn mà tôi sắp sửa trao cho chư huynh. Chiếc nhẫn này luôn là dấu hiệu của hôn ước. Hầu hết tất cả chư huynh đã được một chiếc nhẫn vào ngày được tấn phong lên hàng giáo phẩm, như biểu lộ lòng trung thành và việc dấn thân của chư huynh trong vấn đề trông coi Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô (x. Nghi Thức Tấn Phong Giám Mục). Chiếc nhẫn tôi trao cho chư huynh hôm nay đây, chiếc nhẫn hợp với phẩm tước hồng y, là để xác nhận và củng cố việc dấn thân ấy, việc dấn thân cũng xuất phát từ tặng ân hôn ước, từ việc nhắc nhở cho chư huynh nhớ rằng trước hết và trên hết chư huynh cần phải mật thiết kết hợp với Chúa Kitô để hoàn thành sứ vụ của chư huynh là thành phần phù rể của Giáo Hội.
Chớ gì việc chư huynh chấp nhận chiếc nhẫn này, đối với chư huynh, là việc chư huynh lập lại tiếng ‘xin vâng’ của mình, tiếng ‘này con đây’ của chư huynh, ngỏ cả cùng Chúa Giêsu là Đấng đã chọn chư huynh và ủy nhiệm chư huynh, lẫn Giáo Hội, một Giáo Hội chư huynh được kêu gọi để phục vụ bằng tình mến yêu của một người bạn đời. Bởi vậy mà hai chiều kích của Giáo Hội là Thánh Mẫu và Phêrô, gặp nhau ở giá trị cao cả của ‘đức ái’ là đức làm trọn mỗi nguyên tố. Thánh Phaolô nói rằng đức ái là đặc sủng ‘cao trọng nhất’, là ‘đường lối tuyệt hảo nhất’ (1Cor 12:31,13:13).
Hết mọi sự trên thế giới này sẽ qua đi. Trong cõi vĩnh hằng chỉ có tình yêu mới tồn tại mà thôi. Vì lý do này, Chư Huynh thân mến, lợi dụng dịp thuận lợi của mùa Chay này, chúng ta hãy quyết tâm bảo đảm là hết mọi sự trong đời sống riêng tư của mình, cũng như trong hoạt động của Giáo Hội chúng ta tham phần, đều được tác động bởi đức ái và dẫn tới đức ái. Cả về khía cạnh này nữa, chúng ta được chiếu soi bởi mầu nhiệm chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Thật vậy, việc đầu tiên Mẹ Maria làm sau khi lãnh nhận sứ điệp của Thiên Thần là ‘vội vã’ lên đường tới nhà của người chị họ Isave để phục vụ người chị này (x Lk 1:39).
Động tác của Vị Trinh Nữ này là một động tác của đức ái chân thực, một động tác khiêm tốn và can đảm, được tác động bởi niềm tin tưởng vào lời Chúa và được Thánh Linh động viên trong lòng. Những ai yêu thương thì quên mình và dấn thân phục vụ tha nhân.
Ở đây chúng ta có được hình ảnh và mô phạm của Giáo Hội! Hết mọi cộng đồng giáo hội, như Người Mẹ của Chúa Kitô, đều được kêu gọi hoàn toàn quảng đại chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng đến ngự trong Mẹ và dẫn Mẹ bước đi trên con đường yêu thương. Đó là con đường tôi đã chọn để khai triều của mình, khi mời gọi mọi người, bằng bức thông điệp đầu tiên của mình, trong việc xây dựng Giáo Hội trong đức ái như một ‘cộng đồng yêu thương’ (x Thiên Chúa Là Tình Yêu, phần 2).
Trong việc theo đuổi mục tiêu này, Chư Huynh Hồng Y khả kính, việc gắn bó về tinh thần và việc chủ động hỗ trợ của chư huynh là những gì hỗ trợ và an ủi tôi rất nhiều. Tôi cám ơn chư huynh về điều ấy, đồng thời tôi mời gọi tất cả mọi người trong chư huynh, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, hãy liên kết với nhau trong việc kêu cầu Thánh Linh, xin cho Hồng Y Đoàn được nhiệt thành hơn trong đức ái mục vụ, hầu giúp cho toàn thể Giáo Hội chiếu rạng tình yêu của Chúa Kitô trên thế giới, để chúc tụng và tôn vinh Ba Ngôi Chí Tháhh. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/3/2006
“Đụn Cát Lún Của Một Bãi Bùn Lầy”
Truyện về Một Người Con Gái Tốt Trải Qua Những Lúc Khốn Nạn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch câu truyện “A Good Girl Who Went Through Bad Times”
của Carolyn Kollegger
trong cuốn Bàng Hoàng Trước Sự Thật 2 – Surprised By Truth 2
edited by Patrick Madrid and published by Sophia Institute Press 2000
(tiếp 20 Thứ Ba, 21 Thứ Tư, 22 Thứ Năm, 23 Thứ Sáu, 24 Thứ Bảy, 25 Chúa Nhật)
Chúa Kitô đã đưa tôi trở về
Giây phút hoàn toàn thay đổi của Erwin xẩy ra muộn màng, một giây phút xẩy ra do
cú đấm song chiêu của việc tôi yêu cầu ly dị, một giây phút chẳng mấy chốc sau
đó đã kéo theo tình trạng tàn lụi về tài chính của chúng tôi. Khi tôi mau chóng
rời bỏ khỏi cuộc đời cũ quay nhanh của mình thì nghề nghiệp trần thế của tôi
cũng tới hồi kết thúc. Chúng tôi càng ngày càng bị nguy kịch về tài chính, rồi
chẳng bao lâu chúng tôi đã mất hết mọi sự, bao gồm cả, tạ ơn Chúa, một số tình
hữu nghị trần tục nhất và tàn tệ nhất của chúng tôi.
Có những lúc khốn khó nhưng Thiên Chúa đã an bài cho chúng tôi. Ngài đã thay thế
những mối liên hệ tồi bại bằng những liên hệ thánh hảo để giúp cho chúng tôi đổi
thay và sống gần gũi Ngài hơn. Có một người bạn mới đã thuyết phục được Erwin đi
tham dự một cuộc tĩnh tâm Cursillo. Khi Erwin trở về, chàng nói rằng chàng muốn
tháo cởi ống dẫn tinh đã bị cắt cột của chàng. Nó là một trong những cuộc giải
phẫu đớn đau nhất người đàn ông phải chịu; mức độ thành công lại không cao, và
cho dù cuộc giải phẫu có thành đạt chăng nữa cũng khó nói chính xác bao giờ việc
dẫn tinh mới tái hành sự. Ở trường hợp của chúng tôi, có lẽ, đáp lại những lời
nguyện cầu của tôi cho có được một cơ hội nữa, vấn đề đã xẩy ra công hiệu liền.
Khi Thiên Chúa tỏ bày tình thương của Ngài thì hãy lui xuống! Các bạn không thể
nào đáp trả được Ngài đâu. Chúng tôi đã dâng lên cho Ngài hai trái tim của chúng
tôi, và Ngài đã ban lại cho chúng tôi đến bốn quả tim, đó là Zachary Paul, Zoe
Elizabeth, Noah Lucas và Mia Maria Katherina. Thiên Chúa cũng biến Erwin trở
thành một người chồng thượng hạng và là một người cha mà nam giới có thể thủ vai.
Đời sống giờ đây đã đổi khác. Con người đã bị tôi hận ghét là người bạn thân
nhất của tôi, là người chồng của tôi. Gia đình của chúng tôi là một gia đình
đoan trang, chúng tôi hiếm đi đâu về đêm. Erwin có một hãng làm đồ gỗ để trang
hoàng trong nhà, và gia đình chúng tôi sống bằng duy lợi tức của chàng mà thôi,
nhờ đó tôi có giờ với con cái và dạy dỗ chúng ở nhà. Chúng tôi không xem truyền
hình nhiều (ngoại trừ EWTN), và chúng tôi cũng không hào hứng với những thứ phim
ảnh hiện đại. Gia đình chúng tôi đi lễ hằng ngày và cầu kinh Mân Côi hằng ngày.
Thật là tuyệt vời. Một nghề nghiệp làm ra nhiều tiền lắm bạc có thể mua được
nhiều thứ, nhưng nó vẫn không bao giờ có thể mua được những gì chúng tôi hiện
nay đang có, đó là những lời khen tặng của Chúa Giêsu.
Thời gian bất ổn và tin tưởng tôi đã chịu đựng là những gì hệ trọng đối với việc
chữa lành của tôi. Thời gian đó đã dạy cho tôi biết chúng ta bất xứng với tình
yêu của Thiên Chúa ra sao, thế nhưng, Ngài cao cả và xót thương biết bao trong
việc vẫn tỏ ra yêu thương chúng ta. Bằng tình yêu của mình, Ngài đã nâng chúng
ta lên với chính mình Ngài, nếu chúng ta để Ngài làm điều ấy, và giúp chúng ta
nên tốt lành cùng thánh hảo, như Ngài là Đấng toàn thiện và toàn hảo. Cho dù tôi
có quên đi Vị Thiên Chúa của Giáo Hội Công Giáo hồi thiếu thời, Ngài cũng vẫn
không lãng quên tôi. Khi tôi bị lạc mất trong hoang địa Hồ Ly Vọng, Ngài đã đến
kiếm tìm tôi, một người Cha yêu thương đến để giải cứu cho đứa con gái nhỏ bé
của mình.
Tôi không thể diễn tả hết niềm vui về việc nhận thức rằng Ngài đã tìm thấy tôi
và Ngài đã dẫn tôi trở về.
• Ôi các tầng trời, hãy hát lên, Ôi trái đất, hãy hân hoan, hỡi các núi đồi, hãy
xướng ca. Vì Chúa an ủi dân Ngài và tỏ lòng xót thương với thành phần sầu khổ
của Ngài. Thế nhưng Sion nói: ‘Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa đã lãng quên tôi’. Có
thể nào một người mẹ lại bỏ quên đứa con thơ nhi của mình chứ, mà lại không chăm
sóc cho đứa con của lòng mình hay chăng? Cho dù bà có bỏ quên đứa con của mình
đi nữa, Ta sẽ chẳng bao giờ quên con đâu. Này đây Ta đã viết tên con trong lòng
bàn tay của Ta, các bức tường của con hằng ở trước nhan Ta” (Isa 49:13-16).