Hành trình Đức tin trong bối cảnh văn minh Tây phương

 

Hãy hành trình, đừng làm mất đi cuộc hành trình đức tin, hãy tìm kiếm vẻ đẹp của đức tin,

những gì là mới mẻ và truyền thống của một đức tin biết thể hiện mình và liên hệ với vẻ đẹp tân tiến,

với thế giới ngày nay”.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Tây Ban Nha 6-7/11/2010

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

tổng hợp và tuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/travels/2010/index_spagna_en.htm, (trừ bài phỏng vấn đầu)

 

 

 

Vấn Đáp trên máy bay sang Tây Ban Nha sáng 6/11/2010 - “Chuyến đi này có hai đề tài. Đề tài về việc hành hương, về việc đang hành trình, và đề tài về sự mỹ, về việc thể hiện chân lý nơi sự mỹ, về việc liên tục giữa truyền thống và canh tân”

Khai Từ ở Phi Trường Quốc Tế Santiago de Compostela Thứ Bảy 6/11 - “Tây Ban Nha và Âu Châu hãy xây dựng hiện tại và hãy dự phóng tương lai trên nền tảng của chân lý đích thực về con người”

Viếng Thăm Vương Cung Thánh Đường Santiago de Compostela Thứ Bảy 6/11 “Việc đi hành hương thực sự có nghĩa là ra khỏi bản thân mình để gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi Ngài đã tỏ mình ra, nơi ân sủng của Ngài đặc biệt rạng ngời chiếu tỏa và mang lại dồi dào hoa trái hoán cải và thánh đức ở những ai tin tưởng”

Giảng Lễ Năm Thánh Mừng 800 Năm Cung Hiến Đền Compostelian Thánh Giacôbê tại Plaza del Obradoiro Vương Cung Thánh Đường Santiago de Compostela Thứ Bảy 6/11 Âu Châu cần phải cởi mở trước Thiên Chúa, cần phải can đảm tiến lên gặp gỡ Ngài, và với ơn của Ngài hoạt động cho phẩm giá của con người là những gì đã được các truyền thống tốt đẹp nhất của nó nhận thức”

Giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường và Bàn Thờ The Sagrada Familia ở Barcelona Chúa Nhật 7/11: Tôi coi việc cung hiến ngôi thánh đường Sagrada Familia này là một biến cố có một tầm vóc rất quan trọng, ở vào một thời điểm con người cho rằng họ có thể xây dựng đời sống của mình mà chẳng cần đến Thiên Chúa, như thể Thiên Chúa chẳng liên hệ gì với họ cả”

 

 

 

 

“Chuyến đi này có hai đề tài. Đề tài về việc hành hương, về việc đang hành trình, và đề tài về sự mỹ, về việc thể hiện chân lý nơi sự mỹ, về việc liên tục giữa truyền thống và canh tân”.

Vấn Đáp trên máy bay sang Tây Ban Nha sáng Thứ Bảy 6/11

  

Vấn: Đức Thánh Cha đã từng nói Đức Thánh Cha đang sống giáo triều của mình ‘như cuộc hành hương’ và huy hiệu của Đức Thánh Cha có hình vỏ sò. Xin Đức Thánh Cha cho chúng con biết quan điểm của Đức Thánh Cha về việc hành hương ở cả trong đời sống riêng tư lẫn tu đức của Đức Thánh Cha, cũng như những cảm giác của Đức Thánh Cha về chuyến đi tới Santiago như một người hành hương.

 

Đáp: Tôi có thể nói rằng sự kiện về ‘việc đang hành trình’ đã là một phần trong lý lịch của tôi. Thế nhưng, có lẽ đó là một khía cạnh bên ngoài. Tuy nhiên, nó đã làm cho tôi nghĩ về tính chất bất ổn định của cuộc sống này, về sự kiện đang hành trình. Dĩ nhiên, ngược lại với ý nghĩ về việc hành hương đó là vấn đề Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, không cần phải đi đâu hết. Thế nhưng, đức tin quả thực, ngay tự bản chất của mình, là một cuộc hành hương. (Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái cho thấy điều này nơi hình ảnh của Abraham, vị đã lìa bỏ quê cha đất tổ của mình để trở thành một kẻ hành hương tiến về tương lai suốt cuộc sống của mình, và việc di chuyển này của Abraham luôn là hành động của đức tin, nó là một cuộc hành trình trước hết có tính cách nội tâm, nhưng nó cũng cần phải thể hiện ra bên ngoài nữa).

 

Đôi khi cần phải thoát ra khỏi những gì là thường lệ hằng ngày, khỏi cái thế giới của thực tế và thực dụng, để thực hiện một cuộc hành trình tiến đến siêu việt, siêu vượt bản thân mình, siêu vượt cuộc sống thường nhật, nhờ đó khám phá thấy một thứ tự do mới, một thời gian để suy tư và để nhận thức mình, để thấy được người khác, thấy được Thiên Chúa. Đó là những gì việc hành trình luôn nhắm tới: (chẳng những là một thứ bỏ lại bản thân mình mà còn là một cuộc cùng hành trình nữa. Cuộc hành hương là những gì tái liên hợp, chúng ta cùng nhau tiến đến với người khác và nhờ đó cả hai tái khám phá ra nhau).

 

Rõ ràng là các tuyến đường của Santiago là một yếu tố hình thành mối hiệp nhất thiêng liêng của lục địa Âu Châu. Bằng việc hành hương đến đây, dân chúng khám phá ra chính mình, họ đã khám phá ra một căn tính chung của Âu Châu; và việc di chuyển này đang được tái diễn hôm nay đây, đang tái diễn nhu cầu cần đến cuộc di chuyển về thiêng liêng và thể lý này, nhu cầu tìm gặp gỡ nhau và nhờ đó khám phá thấy được sự thinh lặng, tự do, canh tân, Thiên Chúa.

Vấn: Đâu là ý nghĩa của việc thanh hiến một ngôi thánh đường như Sagrada Familia ở vào đầu thế kỷ 21 này? Phải chăng có một số khía cạnh nào đó trong nhãn quan của điêu khắc gia Gaudi đã gây ấn tượng đặc biệt nơi Đức Thánh Cha?

 

Đáp: Sự thật thì ngôi thánh đường này cũng là một dấu hiệu thích đáng cho thời điểm của chúng ta nữa. Theo nhãn quan của Gaudi thì có 3 yếu tố trước hết gây chú ý nơi tôi. Yếu tố thứ nhất là tính chất pha trộn của những gì là tiếp tục và mới mẻ, của truyền thống và sáng tạo. Gaudi đã dũng cảm biến mình trở thành những gì thuộc về đại truyền thống của các vương cung thánh đường. Sử dụng một phương thức hoàn toàn mới mẻ, vào thời của mình, ông đã dám biến ngôi vương cung thánh đường trở thành một nơi cho việc trịnh trọng gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Và lòng can đảm trung thành với truyền thống, nhưng bằng một tính chất sáng tạo đổi mới truyền thống và cho thấy mối liên kết cùng tiến bộ của lịch sử, là một điều đẹp đẽ. Yếu tố thứ hai, Gaudi đã chọn kiểu cấu trúc tam diện theo những cuốn sách thiên nhiên, cuốn sách Thánh Kinh và cuốn sách phụng vụ. Yếu tố này rất quan trọng. Thánh Kinh được trở thành hiện tại nơi phụng vụ, Thánh Kinh trở nên thực sự hôm nay đây, không còn là Thánh Kinh của hai ngàn năm trước, nhưng được cử hành, được trở nên thực hữu. Trong việc cử hành Thánh Kinh, thiên nhiên tạo vật nói và thấy được những gì nó cần đáp ứng, vì, như Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng, thiên nhiên tạo vật đang rên xiết - (và thay vì bị hủy diệt, coi thường) – lại đang chờ đợi con cái của Thiên Chúa; chẳng hạn như thành phần thấy thiên nhiên tạo vật trong ánh sáng của Thiên Chúa. (Như thế cái tổng hợp này giữa ý nghĩa của tạo vật, Thánh Kinh và việc tôn thờ thật sự là một sứ điệp rất quan trọng hôm nay đây).

 

Sự hòa tan giữa ý nghĩa và thiên nhiên tạo vật, giữa Thánh Kinh và việc tôn thờ, là một sứ điệp rất quan trọng cho ngày nay. Sau hết, yếu tố thứ ba đó là ngôi thánh đường này được xuất phát từ một hình thức tôn sùng mô mẫu của thế kỷ 19: Thánh Giuse, Thánh Gia Nazarét, mầu nhiệm Nazarét. Thế nhưng, việc tôn sùng thuộc quá khứ này được cho rằng có một tầm vóc rất quan trọng hôm nay đây, vì vấn đề trục trặc của gia đình, về vấn đề canh tân gia đình như tế bào căn bản của xã hội, là một đề tài quan trọng cho chúng ta thấy đường lối để xây dựng xã hội và kiến tạo một hiệp nhất giữa đức tin và đời sống, giữa tôn giáo và xã hội. Đề tài chính ở đây là đề tài về gia đình, vì Chính Thiên Chúa trở nên một con trẻ ở trong một gia đình và Người kêu gọi chúng ta xây dựng gia đình và sống trong gia đình.

 

Vấn: Gaudi và the Sagrada Familia là một biểu hiệu rất tác hiệu về mối liên hệ giữa đức tin và nghệ thuật. Đức tin ngày nay làm sao có thể tái chiếm được vị thế của mình trong thế giới nghệ thuật và văn hóa? Phải chăng đó là một đề tài quan trọng cho giáo triều của Đức Thánh Cha?

 

Đáp: Đúng thế. Các bạn biết rằng tôi đã nhấn mạnh nhiều đến mối liên hệ giữa đức tin và lý trí; rằng đức tin, đức tin Kitô giáo, có căn tính của mình chỉ khi nào cởi mở với lý trí, và lý trí trở nên chân thực nếu nó vươn mình tới đức tin. Thế nhưng, mối liên hệ giữa đức tin và nghệ thuật cũng quan trọng như thế, vì chân lý, là mục đích và đích điểm của lý trí, được thể hiện và chân thực nơi sự mỹ là ch chân lý tỏ mình ra là chân lý. (Như thế, ở đâu có sự thật thì ở đấy xuất phát sự mỹ, khi nào con người nhận thấy mình một cách thích đáng và tốt lành thì bấy giờ họ thể hiện chính mình trong sự mỹ). Mối liên hệ giữa sự thật và sự mỹ là những gì bất khả tách biệt và đó là lý do tại sao chúng ta cần sự mỹ.

 

Từ những thời xa xưa nhất của Giáo Hội, ngay cả nơi những gì thật là bình thường và nghèo khó của các cơn bách hại, đã sử dụng nghệ thuật và tranh vẽ, những diễn tả về ơn cứu độ của Thiên Chúa qua các hình ảnh của thế gian, nơi việc ca hát và sau đó qua việc xây dựng. Tất cả những điều ấy đang là và vẫn là một yếu tố cấu tạo của Giáo Hội. Đó là lý do Giáo Hội đã từng là mẹ của các thứ nghệ thuật qua nhiều thế kỷ. Những kho tàng lớn lao của nghệ thuật Tây phương – như âm nhạc, kiến trúc, tranh ảnh – đều đã được xuất phát từ niềm tin của Giáo Hội. Ngày nay có một số bất đồng, thế nhưng điều này gây tác hại cho cả nghệ thuật và đức tin. Nghệ thuật nào mất đi những gốc gác siêu việt của mình thì không còn hướng về Thiên Chúa nữa, nó là một thứ nghệ thuật què cụt mất gốc. Niềm tin nào chỉ có nghệ thuật thuộc quá khứ, không còn là đức tin trong hiện tại, và ngày nay nó cần phải thể hiện một lần nữa như là một chân lý vĩnh hằng. Vì thế việc đối thoại và gặp gỡ giữa nghệ thuật và đức tin được in ấn nơi yếu tính sâu xa của đức tin. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để cả ngày nay nữa đức tin cũng được thể hiện nơi nghệ thuật chân thực, như trường hợp của Gaudi, với những gì là tiếp tục và sáng tạo, nhờ đó nghệ thuật không mất liên lạc với đức tin.

 

Vấn: Nhiều người đã đặt vấn đề là phải chăng Tây Ban Nha, với đà gia tăng của tình trạng thế tục hóa và sa sút việc sống đạo, là một trong những xứ sở được Đức Thánh Cha coi là mục tiêu, thậm chí là mục tiêu chính, của tân hội đồng tòa thánh đặc trách tân phúc âm hóa.

 

Đáp:  Khi thiết lập tân phân bộ này, tôi thật ra đã nghĩ đến toàn thế giới, vì những trường phái mới về tư tưởng cùng với những khó khăn trong việc phản ảnh các ý niệm của Thánh Kinh và thần học đang là những gì phổ cập. Tuy vậy, dĩ nhiên vẫn có một mục tiêu và mục tiêu đó là thế giới Tây phương theo chủ nghĩa thế tục hóa của nó với việc liên tục đức tin của nó, một thế giới cần phải tìm cách canh tân bản thân mình để sống đức tin ngày nay cũng như để đáp ứng thách đố của chủ nghĩa thế tục hóa. Tất cả các xứ sở lớn ở Tây phương đều có cảm nghiệm của mình về vấn đề này, (chẳng hạn chúng ta đã hành trình đến Pháp, Cộng Hòa Tiệp, Hiệp Vương Quốc, những nơi có cùng tình trạng trục trặc này một cách đặc biệt cho từng xứ sở, cho từng lịch sử và điều này cũng thực sự xẩy ra rất đúng đối với Tây Ban Nha).

 

Tây Ban Nha, một mặt, bao giờ cũng là một xứ sở của mạch nguồn đức tin: chúng ta hãy nhớ lại việc phục hưng Công giáo ra sao trong thời đại tân tiến đặc biệt nhờ Tây Ban Nha. Thánh Ignatius of Loyola, Thánh Teresa và Thánh Gioan Thánh Giá là những nhân vật thực sự canh tân Công giáo và khuôn đúc khuôn mặt tân thời của Công giáo. Tuy nhiên, Tây Ban Nha cũng trải qua một cuộc xuất hiện chủ nghĩa tục hóa, của chủ nghĩa chống giáo hội, một chủ nghĩa thế tục hóa mạnh mẽ và hung hăng như đã xẩy ra trong thập niên 1930. Trong cuộc tranh luận này, cuộc đụng độ giữa đức tin và những gì là tân tiến, cả hai rất sinh động, đã tái diễn ở Tây Ban Nha ngày nay. Bởi thế, tương lai của đức tin và của việc gặp gỡ (gặp gỡ chứ không phải là đụng độ) giữa đức tin và chủ nghĩa thế tục đã qui tụ lại ở nền văn hóa Tây Ban Nha. Theo chiều hướng ấy, tôi đã nghĩ đến tất cả mọi quốc gia lớn ở Tây phương, nhưng đặc biệt cũng nghĩ đến Tây Ban Nha.

 

Vấn: Kể cả chuyến tông du năm tới cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã thực hiện 3 chuyến viếng thăm Tây Ban Nha, nhiều hơn bất cứ xứ sở nào khác. Tại sao lại đặc ân như thế? Phải chăng đó là dấu hiệu của lòng yêu thương và mối quan tâm đặc biệt?

 

Đáp: Theo tự nhiên thì đó là một dấu hiệu của lòng yêu thương. Có thể nói rằng tình cờ tôi đã thực hiện 3 chuyến tới Tây Ban Nha. Chuyến thứ nhất cho cuộc đại hội ngộ quốc tế các gia đình ở Valencia. Làm sao vị Giáo Hoàng lại vắng mặt nếu các gia đình trên thế giới qui tụ lại với nhau chứ? Năm tới là Ngày Giới Trẻ Thế Giới, cuộc gặp gỡ của giới trẻ trên toàn thế giới ở MaNí. Vị Giáo Hoàng không thể vắng mặt nơi một cơ hội như vậy. Sau hết, chúng ta có Năm Thánh Compostela và việc hiến dâng (sau hơn 100 năm công cuộc của ngôi vương cung thánh đường the Sagrada Familia) ở Barcelona. Làm sao vị Giáo Hoàng lại không tới chứ?

 

Vậy, tự bản chất, những cơ hội này là những thách đố, hầu như là một thúc buộc cần phải tham dự. Thế nhưng chính sự kiện cho thấy ở Tây Ban Nha có rất nhiều cơ hội chứng tỏ nó thực sự là một xứ sở đầy năng động, đầy sức mạnh của đức tin. Và đức tin đáp ứng những thách đố cũng đang xẩy ra ở Tây Ban Nha. Bởi thế, tình cớ là những gì đã đưa đẩy tôi tới đây, thế nhưng cái tình c ấy lại cho thấy một thực tại sâu xa, một mãnh lực của đức tin và mãnh lực của thánh đố đối với đức tin. 

 

(Cha Lombardi: Chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha. Giờ đây, Đức Thánh Cha có muốn nói điều gì nữa để kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng ta, có sứ điệp nào đặc biệt Đức Thánh Cha hy vọng cống hiến cho Tây Ban Nha, cho thế giới hôm nay trong chuyến đi này hay chăng?)

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Tôi muốn nói rằng chuyến đi này có hai đề tài. Đề tài về việc hành hương, về việc đang hành trình, và đề tài về sự mỹ, về việc thể hiện chân lý nơi sự mỹ, về việc liên tục giữa truyền thống và canh tân. Tôi nghĩ rằng hai đề tài này của chuyến đi đây cũng là một sứ điệp, đó là hãy hành trình, đừng làm mất đi cuộc hành trình đức tin, hãy tìm kiếm vẻ đẹp của đức tin, những gì là mới mẻ và truyền thống của một đức tin biết thể hiện mình và liên hệ với vẻ đẹp tân tiến, với thế giới ngày nay. Cám ơn các bạn)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ nguồn chính là VIS của Tòa Thánh ngày 6/11/2010 với những đoạn phụ (ở trong ngoặc đơn) từ Zenit ngày 7/11/2010

 

 

 

“Tây Ban Nha và Âu Châu hãy xây dựng hiện tại và hãy dự phóng tương lai

trên nền tảng của chân lý đích thực về con người”

 

Khai Từ ở Phi Trường Quốc Tế Santiago de Compostela Thứ Bảy 6/11

 

….. Nơi bản chất sâu thẳm nhất của mình, con người luôn hành trình để hằng tìm kiếm chân lý. Giáo Hội cũng chia sẻ niềm ước muốn sâu xa này của con người và chính Giáo Hội cố gắng hộ tống nhân loại theo những gì họ mong đợi cho tới khi hoàn toàn nên trọn. Giáo Hội đồng thời cũng theo đuổi cuộc hành trình nội tâm của mình, một cuộc hành trình, nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, dẫn Giáo Hội đến chỗ trở thành một dấu hiệu rạng ngời về Chúa Kitô trước thế giới. Sứ vụ của Giáo Hội và đường lối của Giáo Hội là ở chỗ trở thành giữa thành phần con người nam nữ một sự hiện diện luôn rạng ngời của Chúa Kitô, ‘Đấng Thiên Chúa muốn là sự khôn ngoan của chúng ta, đức công chính, ơn thánh hóa và ơn cứu chuộc cho chúng ta’ (1Cor 1:30). Đó là lý do tôi cũng hành trình tới nơi đây để củng cố anh chị em mình trong đức tin (cf. Lk 22:32).

 

Tôi đến như là một người hành hương trong Năm Thánh của Compostela này, và tôi mang theo trong lòng mình tình yêu của Chúa Kitô đã khiến Tông Đồ Phaolô khởi hành các cuộc hành trình của mình, với ước muốn cũng đến cả Tây Ban Nha (cf. Rm 15:22-29). Tôi muốn liên kết với những con người nam nữ rất đông đảo, thành phần qua các thế kỷ, đã đến Compostela từ khắp nơi ở bán đảo này, từ khắp Âu Châu và thật sự là từ khắp thế giới, để quì dưới chân Thánh Giacôbê và được biến đổi nhờ chứng từ đức tin của ngài. Họ, ở hết mọi bước đường và tràn đầy hy vọng, đã kiến tạo nên một hướng đi về văn hóa, nguyện cầu, tình thương và việc hoán cải, những gì đã hình thành nên các ngôi thánh đường và các bệnh viện, các quán trọ, các cây cầu và các đan viện. Nhờ đó, Tây Ban Nha và Âu Châu đã triển khai một thứ dung mạo thiêng liêng mang đặc tính bất khả khôn xóa của Phúc Âm.

 

Chính vì là một người rao giảng tin mừng và là chứng nhân của Phúc Âm mà tôi cũng đến cả Barcelona nữa, để nuôi dưỡng đức tin của thành phần dân chúng ân cần và năng động của nó. Một đức tin đã được gieo vãi từ lúc bình minh của Kitô giáo, một đức tin đã bừng nở và phát triển trong độ nồng ấm của vô vàn gương sống thánh đức, làm phát sinh vô số các cơ cấu tổ chức từ thiện, văn hóa và giáo dục. Một đức tin đã tác động kiến trúc sư lỗi lạc Antoni Gaudi, với lòng nhiệt thành và sự hợp tác của nhiều người, đã thực hiện ở thành phố này một kỳ công là thánh đường Sagrada Familia. Tôi hân hạnh cung hiến ngôi thánh đường này, một phản ảnh tất cả những gì là cao cả của tinh thần con người hướng về Thiên Chúa.

 

Tôi cảm thấy rất vui được ở Tây Ban Nha một lần nữa, một quốc gia đã cống hiến cho thế giới cả một chòm sao các vị đại thánh, các vị sáng lập và các thi sĩ, như Thánh Ignatius of Loyola, Teresa of Jesus, John of the Cross, Francis Xavier, giữa nhiều vị thánh khác; trong thế kỷ 20 nó đã thành lập nhiều tổ chức, nhóm hội và các cộng đồng sống đời Kitô giáo và hoạt động tông đồ, và trong các thập niên gần đây, nó đã tiến triển trong mối hòa hợp và hiệp nhất, trong tự do và hòa bình, hướng về một tương lai hy vọng và hữu trách. Được tác động bởi gia sản phong phú các thứ giá trị về nhân bản và thiêng liêng, quốc gia này cũng đang tìm cách tiến bộ giữa những khó khăn và cống hiến tình đoàn kết của mình cho cộng đồng quốc tế.

 

Những đóng góp và sáng kiến này, những gì đã làm cho quá khứ lâu dài của anh chị em nổi nang, cũng như hiện tại đây, cùng với ý nghĩa của hai nơi chốn mỹ lệ tôi sẽ viếng thăm vào dịp này, khiến tôi cũng nhìn đến tất cả nhân dân của Tây Ban Nha và Âu Châu. Như Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, vị đã từ Compostela lên tiếng kêu gọi Châu Lục cổ này hãy cống hiến một tác lực mới cho những căn gốc Kitô giáo của mình, tôi cũng muốn phấn khích Tây Ban Nha và Âu Châu hãy xây dựng hiện tại của họ và hãy dự phóng tương lai của họ trên nền tảng của chân lý đích thực về con người, trên căn bản của thứ tự do tôn trọng sự thật này và đường bao giờ tác hại nó, cũng như trên căn bản của công lý cho tất cả mọi người, bắt đầu từ thành phần nghèo khổ nhất và bất lực nhất. Một Tây Ban Nha và một Âu Châu đã quan tâm không những về các nhu cầu thể chất của dân chúng mà còn các nhu cầu về luân lý và xã hội, tinh thần và đạo giáo của họ nữa, vì tất cả những điều ấy là những đòi hỏi chân thực của chung nhân loại chúng ta và chỉ có thế mới có thể thực hiện một cách hiệu nghiệm, trọn vẹn và tốt đẹp cho thiện ích của con người………..

 

 

 

“Việc đi hành hương thực sự có nghĩa là ra khỏi bản thân mình để gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi Ngài đã tỏ mình ra, nơi ân sủng của Ngài đặc biệt rạng ngời chiếu tỏa và mang lại dồi dào hoa trái hoán cải và thánh đức ở những ai tin tưởng”.

 

Viếng Thăm Vương Cung Thánh Đường Santiago de Compostela Thứ Bảy 6/11

 

…… Việc đi hành hương không phải chỉ là việc viếng thăm một nơi chốn nào đó để ca ngợi những kho tàng của nó về thiên nhiên, nghệ thuật hay lịch sử. Việc đi hành hương thực sự có nghĩa là ra khỏi bản thân  mình để gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi Ngài đã tỏ mình ra, nơi ân sủng của Ngài đặc biệt rạng ngời chiếu tỏa và mang lại dồi dào hoa trái hoán cải và thánh đức ở những ai tin tưởng. Đặc biệt nhất là khi Kitô hữu hành hương đến Thánh Địa, đến những nơi liên quan tới cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Họ đến Rôma, thành đô tử đạo của Thánh Phêrô và Phaolô, cũng như đến Compostela, nơi, liên hệ tới việc tưởng niệm về Thánh Giacôbê, đã đón tiếp các khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới muốn củng cố tinh thần của mình bằng chứng từ đức tin và tình yêu của Vị Tông Đồ này.

 

Trong Năm Thánh của Đền Compostela này, cả tôi nữa, với tư cách là Vị Thừa Kế của Thánh Phêrô, muốn hành hương đến ‘Nhà của Thánh Giacôbê’, khi ngôi nhà này đang sửa soạn mừng kỷ niệm 800 năm thánh hiến. Tôi đến để củng cố đức tin của anh chị em, để phấn chấn niềm hy vọng của anh chị em và để ký thác cho việc chuyển cầu của vị Tông Đồ này các khát vọng của anh chị em, những chống chọi và lao nhọc của anh chị em trong việc phụng sự Phúc Âm. Khi tôi ôm lấy bức tượng khả kính của Vị Thánh này, tôi cũng cầu nguyện cho tất cả mọi con cái của Giáo Hội, một Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm hiệp thông là Thiên Chúa. Nhờ đức tin chúng ta được dẫn vào mầu nhiệm yêu thương là Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Ở một nghĩa nào đó, chúng ta được Thiên Chúa ấp ủ, được tình yêu của Ngài biến đổi. Giáo Hội là cái ấp ủ này của Thiên Chúa, cái ấp ủ khiến con người nam nữ cũng biết ấp ủ cả anh chị em mình nữa và khám phá ra nơi chính bản thân mình hình ảnh thần linh và cái tương tự thần linh là những gì làm nên sự thật sâu xa nhất cho việc hiện hữu của họ và là nguồn mạch cho những gì tự do đích thật.

 

Chân lý và tự do liên hệ chặt chẽ và thiết yếu với nhau. Việc chân thành tìm kiếm và khát vọng chân lý là điều kiện của tự do chân thực. Cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia. Giáo Hội, một Giáo Hội không ngần ngại phục vụ con người và phẩm giá của họ, chủ trương phục vụ cả chân lý lẫn tự do. Giáo Hội không thể loại trừ một trong hai, vì cái nguy hiểm là chính bản thân con người, vì Giáo Hội được tác động bởi tình yêu thương đối với con người, ‘một tạo vật duy nhất trên trái đất này được Thiên Chúa dựng nên cho họ’ (Gaudium et Spes, 24), và vì nếu không có khát vọng chân lý, công lý và tự do ấy con người sẽ đánh mất chính bản thân mình.

 

Từ Compostela, tâm điểm về lãnh vực thiêng liêng của Galicia và đồng thời là một học đường về tính chất đại đồng vô hạn, tôi muốn kêu gọi tất cả mọi tín hữu của Tổng Giáo Phận thân yêu này cũng như các tín hữu của Giáo Hội ở Tây Ban Nha, hãy sống cuộc đời được chân lý của Chúa Kitô soi động, hãy hân hoan, nhất trí và dễ dạy tuyên xưng đức tin, trong gia đình, khi làm việc và bằng việc dấn thân mình như những người công dân.………….

 

 

 

“Âu Châu cần phải cởi mở trước Thiên Chúa, cần phải can đảm tiến lên gặp gỡ Ngài,

và với ơn của Ngài hoạt động cho phẩm giá của con người là những gì đã được các truyền thống tốt đẹp nhất của nó nhận thức”

 

Bài Giảng Lễ Mừng 800 Năm Cung Hiến Đền Compostelian Thánh Giacôbê

tại Plaza del Obradoiro Vương Cung Thánh Đường Santiago de Compostela Thứ Bảy 6/11

 

……………. Từ chốn này, như một sứ giả của Phúc Âm được đóng chấm bằng máu của Thánh Phêrô và Giacôbê, tôi hướng mắt về Âu Châu là nơi đã hành hương tới Đền Thánh Compostela. Đâu là những nhu cầu, những nỗi sợ hãi và những niềm hy vọng cao cả của nó? Giáo Hội đang đóng góp đặc biệt và chính yếu những gì cho Âu Châu là châu lục qua nửa thế kỷ vẫn đang hướng chiều về các hình thức và dự phóng mới mẻ? Việc đóng góp của Giáo Hội được tập trung nơi một thực tại đơn thuần và quyết liệt đó là Thiên Chúa hiện hữu và Ngài đã ban cho chúng ta sự sống. Chỉ một mình Ngài là tuyệt đối, trung thành và không ngừng yêu thương, một đích điểm vô cùng được thoáng hiện ở đằng sau những sự thiện, sự thật và sự mỹ trên thế giới này, những sự thực đáng ca ngợi nhưng vẫn không đủ cho cõi lòng của con người. Thánh Teresa of Jesus đã hiểu được điều ấy khi ngài viết rằng: ‘Chỉ có một mình Thiên Chúa là đủ’.

 

Thảm thương thay, nhất là ở Âu Châu thế kỷ 19, đã xuất hiện một niềm xác tín rằng Thiên Chúa dường như là đối thủ của con người và là thù địch đối với tự do của họ. Bởi thế đã có một nỗ lực làm lu mờ đi niềm tin tưởng của Thánh Kinh nơi Vị Thiên Chúa đã sai vào thế gian Người Con của mình là Giêsu Kitô, để không ai bị hư đi nhưng tất cả được sự sống trường sinh (cf. Jn 3:16).

 

Tác giả Sách Khôn Ngoan, trước một thứ ngoại đạo cho rằng Thiên Chúa ghen tị hay khinh bỉ con người, đã làm sáng tỏ rằng: Nếu Thiên Chúa không yêu thương tất cả mọi sự thì làm sao Ngài lại tạo dựng nên chúng, Ngài là Đấng vô cùng toàn mãn không cn gì hết (cf Wis 11:24-26)? Nếu Ngài không muốn chăm sóc cho loài người thì làm sao Ngài lại tỏ mình ra cho họ chứ? Thiên Chúa là nguyên ủy của hữu thể  chúng ta và là nền tảng cùng tột đỉnh của tự do chúng ta chứ không phải là đối phương của nó. Con người hữu tử làm sao có thể xây dựng một nền tảng vững chắc và thành phần tội nhân làm thế nào có thể hòa giải với chính Ngài? Thực tại đệ nhất và thiết yếu này của sự sống con người làm sao lại có thể bị công khai câm nín được chứ? Cái quyết liệt nhất trong đời sống làm sao lại bị giam hãm vào lãnh vực thuần riêng tư hay bị trục xuất vào tối tăm? Chúng ta không thể sống trong tăm tối, không thấy ánh sáng mặt trời. Thế thì làm sao Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng cho mọi tâm trí, là quyền năng cho mọi ý muốn và là nam châm cho mọi cõi lòng, lại có thể bị khước từ quyền chiếu tỏa ánh sáng xua tan hết mọi tối tăm? Đó là lý do tại sao chúng ta cần nghe tiếng Thiên Chúa một lần nữa dưới bầu trời Âu Châu; chớ gì lời thánh hảo này không vang ra một cách luống công vô ích, và chớ gì tiếng ấy không bị mang ra phục vụ cho những mục đích không phải là của chính mình. Tiếng này cần phải được nói một cách thánh hảo. Và chúng ta cần phải nghe thấy tiếng ấy như thế trong đời sống thường nhật, trong âm thầm làm việc, trong tình yêu thương huynh đệ và trong những sự khó khăn xẩy ra qua năm tháng.

 

Âu Châu cần phải cởi mở trước Thiên Chúa, cần phải can đảm tiến lên gặp gỡ Ngài, và với ơn của Ngài hoạt động cho phẩm giá của con người là những gì đã được các truyền thống tốt đẹp nhất của nó nhận thức: các truyền thống chẳng những có tính cách thánh kinh, căn cứ theo thứ tự này, mà còn có tính cách cổ điển, trung cổ và tân tiến nữa, một liên kết đã làm xuất phát ra những kiệt tác lớn lao về triết lý, văn chương, văn hóa và xã hội của Âu Châu.

 

Vị Thiên Chúa này và con người này đã được biểu lộ một cách cụ thể theo lịch sử nơi Đức Kitô. Chính Đức Kitô này mà chúng ta có thể tìm thấy tất cả con đường đến Compostela, vì, ở hết mọi giao điểm, đều có một cây thập giá đón chờ và chỉ lối. Cây thập giá ấy, một dấu hiệu tối hậu của tình yêu tột độ và vì thế vừa là tặng ân vừa là ơn tha thứ, cần phải là ngôi sao soi đường chỉ lối trong đêm tối của thời gian. Thập giá và tình yêu, thập giá và ánh sáng đã từng là những gì đồng nghĩa với nhau trong lịch sử của chúng ta, vì Chúa Kitô để cho mình bị treo lên ở đó hầu cống hiến cho chúng ta chứng từ tối hậu về tình yêu của Người, mời gọi chúng ta hãy thứ tha và hòa giải, dạy chúng ta biết thắng vượt sự dữ bằng sự lành. Bởi vậy đừng thôi học những bài học của Đức Kitô chúng ta gặp gỡ ở những ngã ba đường trong cuộc hành trình của chúng ta và suốt cuộc sống của chúng ta, Đấng mà trong Người Thiên Chúa đã đến gặp gỡ chúng ta như bạn hữu, thân phụ và hướng viên. Hỡi Thánh Giá ân phúc, xin hãy luôn chiếu soi trên các mảnh đất của Âu Châu!

 

Đến đây cho tôi nói đến cái vinh quang của con người, cũng như đến những mối đe dọa cho phẩm giá của họ gây ra bởi sự hụt hẫng những thứ giá trị thiết yếu và sự phong phú của họ, cũng như từ việc loại trừ cùng với chết chóc xẩy ra cho thành phần hèn yếu nhất và nghèo khổ nhất. Người ta không thể thờ phượng Thiên Chúa mà lại không chăm sóc cho con cái của Ngài; và con người không thể được phục vụ nếu không kêu xin Đấng là Cha của mình và giải đáp vấn nạn về Ngài. Một Âu Châu của khoa học và kỹ thuật, một Âu Châu của văn minh và văn hóa, đồng thời cũng phải là một Âu Châu hướng về siêu việt thể và tình huynh đệ với các châu lục khác, và hướng về Vị Thiên Chúa hằng sống chân thực, bắt đầu với con người sống động và đích thực. Những gì Giáo Hội muốn đóng góp cho Âu Châu đó là hãy thao thức Thiên Chúa và con người, theo kiến thức về cả hai được cống hiến cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô. …

 

 

 

“Tôi coi việc cung hiến ngôi thánh đường Sagrada Familia này là một biến cố có một tầm vóc rất quan trọng, ở vào một thời điểm con người cho rằng họ có thể xây dựng đời sống của mình mà chẳng cần đến Thiên Chúa, như thể Thiên Chúa chẳng liên hệ gì với họ cả”.

 

Bài Giảng Cung Hiến Thánh Đường và Bàn Thờ The Sagrada Familia ở Barcelona Chúa Nhật 7/11

 

….. Niềm vui tôi cảm thấy khi chủ sự lễ nghi này lại càng trở nên dồi dào hơn khi tôi biết rằng đền thờ này, từ khi khởi công, đã có một mối liên hệ đặc biệt với Thánh Giuse. Tôi bị cảm kích hết sức trước tấm lòng tin tưởng của Gaudi, khi đối diện với nhiều khó khăn, ông đã đầy lòng tin tưởng vào Đấng Quan Phòng thần linh mà kêu lên rằng: ‘Thánh Giuse sẽ hoàn thành ngôi thánh đường này’. Bởi vậy, thật là ý nghĩa khi nó cũng được thánh hiến bởi một vị Giáo Hoàng mang tên thánh rửa tội là Giuse.

 

Chúng ta làm gì khi thánh hiến ngôi thánh đường này? Ở tâm điểm của thế giới đây, đặt mình trước Thiên Chúa và loài người, bằng một tác động đức tin khiêm hạ và hân hoan, chúng ta hiến dâng kiến trúc khổng lồ về thể chất này, hoa trái của thiên nhiên cùng với một sự thành đạt lớn lao của trí thông minh con người đã hạ sinh ra công cuộc nghệ thuật đây. Nó sừng sững như là một dấu hiệu hữu hình của Vị Thiên Chúa vô hình, Đấng hiển vinh được vươn tới bởi những vòng xoắn như những mũi tên hướng tới ánh sáng tối thượng cũng như tới Đấng là Ánh Sáng, là chính Tột Đỉnh và Sự Mỹ.

 

Ở nơi đây, Gaudi đã muốn liên kết cái hứng khởi nơi ông xuất phát từ ba cuốn sách đã nuôi dưỡng ông như là một con người, như là một tín hữu và như là một kiến trúc sư, đó là cuốn sách về thiên nhiên, cuốn sách về Thánh Kinh và cuốn sách về phụng vụ. Nhờ đó ông đã qui tụ lại một thực tại về thế giới với lịch sử cứu độ, một thực tại được trình thuật trong Thánh Kinh và hiện diện nơi phụng vụ. Ông đã làm cho các thứ đá, những gỗ cây và sự sống con người trở thành yếu tố tạo nên ngôi thánh đường, để tất cả mọi tạo vật có thể cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa, thế nhưng đồng thời ông cũng đã mang các hình ảnh linh thánh ra bên ngoài để bày trước mắt dân chúng mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi việc hạ sinh, khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Như thế ông đã khôn ngoan giúp xây dựng cái ý thức của loài người chúng ta, một ý thức gắn liền với thế giới này nhưng hướng về Thiên Chúa, một ý thức được Chúa Kitô soi động và thánh hóa. Làm như thế ông đã hoàn thành một trong những công việc quan trọng nhất của thời đại chúng ta, đó là việc thắng vượt những gì chia rẽ giữa ý thức của con người với ý thức của Kitô giáo, giữa việc sống trong thế giới tạm gửi này với việc hướng về sự sống trường sinh, giữa vẻ đẹp của các sự vật với Thiên Chúa là sự mỹ. Antoni Gaudi làm như thế không phải bằng ngôn từ mà bằng sỏi đá, bằng những đường nét, những mặt phẳng và những chấm phá. Thật vậy, sự mỹ là một trong những nhu cầu lớn nhất của con người; nó là nguồn gốc xuất phát những cành nhánh hòa bình của chúng ta cùng với các hoa trái của những gì chúng ta hy vọng. Sự mỹ cũng cho thấy cả Thiên Chúa nữa, vì như Ngài, một kỳ công của sự mỹ là những gì thuần tặng ban; nó mời gọi chúng ta sống tự do và kéo chúng ta ra khỏi vị kỷ.

 

Chúng ta cung hiến địa điểm linh thánh này lên Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra cho chúng ta và ban mình cho chúng ta nơi Chúa Kitô để vĩnh viễn trở thành Vị Thiên Chúa ở giữa loài người. Lời mạc khải, nhân tính của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người là ba biểu hiệu tối thượng về việc Thiên Chúa tự tỏ mình và ban mình cho nhân loại. Như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: ‘Mỗi người hãy lưu ý tới cách thức xây dựng của mình. Vì không có một nền tảng nào khác người ta có thể thực hiện ngoài Chúa Giêsu Kitô’ (1Cor 3:10-11). Chúa Giêsu là đá nâng đỡ sức nặng của thế giới này, một tảng đá bảo trì mối thắt kết của Giáo Hội và cuối cùng liên kết lại với nhau tất cả những thành đạt của con người. Nơi Người, chúng ta có được lời nói và sự hiện diện của Thiên Chúa, và từ Người Giáo Hội lãnh nhận sự sống của mình, giáo huấn của mình và sứ vụ của mình. Tự mình Giáo Hội chẳng là gì cả; Giáo Hội được kêu gọi để trở nên dấu hiệu và dụng cụ của Chúa Kitô, hoàn toàn dễ dạy đối với quyền bính của Người và trọn vẹn phục vụ theo lệnh truyền của Người. Đức Kitô duy nhất này là nền tảng của một Giáo Hội duy nhất. Ngài là tảng đá xây dựng niềm tin của chúng ta. Xây dựng trên đức tin ấy, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực chứng tỏ cho thế giới thấy dung nhan của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là Đấng duy nhất có thể đáp ứng khát vọng viên trọn của chúng ta. Đó là công việc cao cả trước mắt chúng ta: chứng tỏ cho mọi người thấy rằng vị Thiên Chúa này là một Vị Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của bạo động, của tự do chứ không phải của áp bức, của thuận hòa chứ không phải của bất hòa. Theo ý nghĩa đó, tôi coi việc cung hiến ngôi thánh đường Sagrada Familia này là một biến cố có một tầm vóc rất quan trọng, ở vào một thời điểm con người cho rằng họ có thể xây dựng đời sống của mình mà chẳng cần đến Thiên Chúa, như thể Thiên Chúa chẳng liên hệ gì với họ cả. Nơi tuyệt tác phẩm này, Gaudi chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là tầm vóc đích thực của con người; cái bí quyết của tính chất sáng tạo chân thực là ở chỗ, như chính ông nói, trở về nguồn gốc của mình là Thiên Chúa. Bằng việc hướng tâm linh của mình về Thiên Chúa, Gaudi đã có thể kiến tạo nên nơi thành phố này một địa điểm của sự mỹ, của đức tin và niềm hy vọng dẫn con người đến chỗ gặp gỡ Đấng là chính sự thật và sự mỹ. Vị kiến trúc sư này đã bày tỏ những cảm thức của mình bằng những lời lẽ sau đây: ‘Một ngôi thánh đường là điều duy nhất đáng tiêu biểu cho hồn sống của một dân tộc, vì tôn giáo là một thực tại thăng hóa nhất nơi con người’.

 

Câu khẳng định này về Thiên Chúa bao gồm cả việc khẳng định cao cả cùng với việc hết sức bảo vệ phẩm giá của mỗi một con người nam nữ và mọi con người nam nữ: ‘Anh chị em có biết rằng anh chị em là đền thờ của Thiên Chúa hay chăng?... Đền thờ của Thiên Chúa thì thánh hảo, và anh chị em là ngôi đền thờ đó’ (1Cor 3:16-17). Ở đây chúng ta thấy cái liên kết giữa sự thật và phẩm vị của Thiên Chúa với sự thật và phẩm giá của con người. Khi chúng ta cung hiến bàn thờ của ngôi thánh đường này, ngôi thánh đường có Chúa Kitô là nền tảng, chúng ta đang tỏ cho thế giới thấy một Vị Thiên Chúa là bạn của con người và chúng ta mời gọi con người nam nữ hãy trở thành bạn hữu của Thiên Chúa. Đó là những gì chúng ta được dạy trong trường hợp của Gia Kêu trong bài Phúc Âm hôm nay (Lk 19:1-10), nếu chúng ta để cho Thiên Chúa tiến vào cõi lòng của chúng ta và vào thế giới của chúng ta, nếu chúng ta để cho Chúa Kitô sống trong tâm can của chúng ta, chúng ta sẽ không hối tiếc, vì chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy niềm vui của việc chia sẻ với chính sự sống của Người, như chúng ta là đối tượng của tình Người vô cùng yêu thương.

 

Ngôi thánh đường này được bắt đầu như là một sáng kiến của Hiệp Hội Bạn Hữu của Thánh Giuse, thành phần muốn cung hiến nó cho Thánh Gia Nazarét. Thánh Gia được làm nên bởi Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse này bao giờ cũng được coi là học đường về tình yêu thương, về nguyện cầu và về việc làm. Thành phần phát động xây dựng ngôi thánh đường này muốn cho thế giới thấy tình yêu, việc làm và phục vụ được sống trước nhan Thiên Chúa, như Thánh Gia đã sống chúng. Sự sống đã thay đổi rất nhiều và cùng với nó, sự tiến bộ vượt bực đã xẩy ra nơi các lãnh vực về kỹ thuật, xã hội và văn hóa. Chúng ta không thể chỉ thỏa mãn với những thứ tiến bộ này. Cùng với chúng, cũng cần phải thực hiện cả những tiến bộ về luân lý nữa, chẳng hạn như nơi việc chăm sóc, bảo vệ và trợ giúp cho các gia đình, vì tình yêu quảng đại và bất khả phân ly giữa một con người nam và một con người nữ là môi trường và là nền tảng tác hiệu cho sự sống con người nơi việc thai nghén của nó, sinh sản của nó, phát triển của nó và tự nhiên kết thúc của nó. Chỉ khi nào có được tình yêu thương và lòng trung thành mới xuất phát và tồn tại tự do đích thực. Đó là lý do Giáo Hội chủ trương có các phương tiện thích đáng về kinh tế và xã hội để nhờ đó người phụ nữ có thể đạt được nơi gia đình mình cũng như nơi việc làm của mình tầm vóc trọn vẹn phát triển của họ, để các con người nam nữ kết hôn lập gia đình với nhau được chính phủ thực sự nâng đỡ, để sự sống của trẻ em được bênh vực như là những gì linh thánh bất khả vi phạm từ khi thụ thai, để vấn đề sinh sản được tôn trọng một cách xứng đáng và được nâng đỡ về phương diện pháp lý, xã hội và lập pháp. Bởi thế Giáo Hội chống lại hết mọi hình thức chối bỏ sự sống con người và ủng hộ hết mọi sự cổ võ trật tự tự nhiên nơi lãnh vực cơ cấu gia đình.……………..