HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC
Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)
CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ, CMC
Hạt Lúa Miến Mục Nát cho Mùa Thánh Đức Việt Nam
LỆNH LÊN ĐƯỜNG
Đ |
ối với hầu hết tất cả mọi người Việt Nam bỏ nước ra đi vào năm 1975 nói chung và vào cuối Thánh Tư Đen nói riêng thì phải công nhận rằng việc họ xuất ngoại là một cuộc vượt thoát, có thể so sánh với cuộc đại vượt thoát (great escape) của dân Do Thái thời xưa ra khỏi cảnh làm tôi nước Ai Cập sau 430 năm (x. Ex 12:41).
Tôi đã từng chứng kiến thấy cảnh vượt thoát thập tử nhất sinh này của đồng bào tôi ngay trong nước vào cuối Tháng 3/1975, khi tôi, vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 27/3, từ Nhà Đá (Dốc Truông) tỉnh Bình Định, Thị Xã Qui Nhơn, lái xe chạy qua Nha Trang, tới Lương Sơn Phan Rí, ngược lại Phan Rí Cửa lên thuyền (với cả xe hơi) xuôi giòng nước đến Bến Đá Vũng Tầu, và cuối cùng lái xe về tới Thủ Đức, nơi anh em chúng tôi khắp nơi đang qui tụ về theo lệnh cấp trên.
Trên suốt quãng đường đi, tôi đã chứng kiến thấy một cảnh tượng chưa từng thấy trong đời gần tam thập nhi lập của tôi bấy giờ, dù có so sánh với cuộc vượt thoát thứ nhất từ Bắc vô Nam năm 1954. Đó là cảnh đồng bào ruột thịt của tôi hoảng hốt xô nhau chạy, cắm đầu chạy, đến nỗi tự dẵm lên nhau mà chết, chứ chưa cần thấy anh chị em bộ đội cộng sản xuất hiện. Chưa bao giờ hai tiếng “cộng sản” có một mãnh lực khủng khiếp như thế. Chỉ cần nghe thấy “cộng sản sắp tới nơi rồi” là dân chúng cuống lên một cách cuồng loạn. Đèo Cù Mông ở Qui Nhơn chưa bao giờ kẹt xe như vốn xẩy ra trước và sau giờ làm việc ở các xa lộ 22, 405, 5, 91, 10, 210, 57 v.v. thuộc vùng Orange County và Los Angeles Nam California. Ở Phước Tỉnh tôi đã thấy cảnh anh chị em đồng bào của tôi, những người may mắn (như tôi) chạy được khỏi những vùng có nguy cơ bị cộng sản tiến chiếm, trở thành dân tị nạn, sống chen chúc nhau ở bất cứ chỗ nào có thể tạm trú lánh nạn, trong nhà, ngoài ngõ, thật là nheo nhóc, khổ sở!
Thế nhưng, nếu cuộc xuất hành (exodus) của dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập không phải chỉ là một cuộc vượt thoát mà còn là một cuộc lên đường, lên đường theo lệnh của Chúa truyền để về Đất Hứa (Ex 3:17), thì trong cuộc vượt thoát của Người Việt 1975, cũng âm thầm diễn ra cuộc lên đường bất ngờ của một tổ chức mà tôi là một phần tử và là một nhân chứng.
Giờ đây, nhân dịp vị ra lệnh cho tôi cùng với anh em dòng kỳ đó lên đường đã vĩnh viễn ra đi về vĩnh cửu, tôi xin tường thuật lại những gì mắt thấy tai nghe, chẳng những để góp phần ghi lại dấu vết lịch sử quê hương Việt Nam yêu dấu của một giai đoạn kinh hoàng đã qua, mà còn để nói lên niềm tin tưởng của mình vào Đấng Làm Chủ Lịch Sử loài người, Đấng Quan Phòng Thần Linh đã lợi dụng tất cả mọi sự, kể cả sự dữ do loài người (mù quáng) gây nên, để thực hiện ý định nhiệm mầu của Ngài.
Thật thế, nếu vì chủ ý tích cực để làm một việc gì thì việc làm này có tính cách là một sứ vụ (mission). Vẫn biết Người Việt 1975 nói chung và Công giáo nói riêng vượt thoát bỏ nước ra đi, trước hết là để thoát nạn cộng sản vô thần, và sau nữa là để tìm tự do. Tuy nhiên, bấy giờ không biết có ai đã nghĩ đến trường hợp nếu quả thực tìm được tự do rồi mình sẽ làm gì hay chăng. Thế mà, đối với một tổ chức bấy giờ, biến cố Tháng Tư Đen đã là cơ hội hết sức thuận để họ lên đường “Truyền Giáo”, theo như ý định và lệnh truyền của vị lãnh đạo kiêm sáng lập tổ chức này.
Ngay vào đầu tháng 4/1975, (chứ không phải cuối tháng tư đen này), sau khi anh em chúng tôi từ khắp nơi (xa nhất là Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Nhà Đá Qui Nhơn, chỗ tôi hoạt động, Cư Xá Rạng Đông cho sinh viên Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt, Trường Tiểu Học Đồng Công Lương Sơn Phan Rí, Đồn Điền Thiên Mẫu Di Linh Lâm Đồng) đông đủ đổ về khu trung tâm nhà mẹ rộng lớn với đủ mọi cơ sở ở Thủ Đức, chúng tôi đã được lệnh cấm phòng tại Đệ Tử Viện Đồng Công (bấy giờ đã giải tán các em). Hôm ấy là ngày đầu tuần lễ thứ hai của Tháng Tư. Bữa ăn trưa vừa xong, mọi người chợt thấy một loạt xe đò dài tiến vào đậu ở dọc con đường chính có hàng cây phượng vĩ của Đệ Tử Viện. Bấy giờ mọi người mới được chính thức nghe lệnh của bề trên ban ra là tất cả đều phải thu đồ lên xe ngay, (không được báo cho nhà quê hay được liên lạc gì với ngoại giới bấy giờ), để cả nhà dòng xuống Phước Tỉnh, rồi ngay tối hôm đó sẽ xuống thuyền (được thuê sẵn như những chiếc xe đò bấy giờ) ra Phú Quốc chờ dịp xuất ngoại.
(Sau bữa trưa tại Đệ Tử Viện trong ngày tĩnh tâm bất thường, một đoàn xe đò đã đột nhiên tiến vào sân … tất cả lên xe)
Cho tới nay tôi vẫn không biết được làm thế nào Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập tổ chức được gọi là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (CMC: Congregation of the Mother Co-redemptrix), ngay từ cuối tháng ba và đầu tháng tư 1975, đã biết được chắn chắn là sẽ mất nước.
Tôi có một ông chú đóng vai đại tá trong ngành chiến tranh chính trị làm việc trực tiếp với Hiệp Hội Bốn Bên bấy giờ cũng chưa hề biết những gì sắp xẩy ra cho vận nước của mình. Với kinh nghiệm sống gần gũi với ngài và được ngài trực tiếp huấn thánh 9 trong 18 năm trường, tôi vẫn cảm thấy rằng ngài được ơn linh ứng trong việc này. Ngài chẳng những có tiếng là thánh thiện mà còn được cho là khôn ngoan vượt bực nữa. Đó là lý do, vào năm 1980, tại Forworth Texas, tôi được một người trước năm 1975 làm chủ hãng cưa lớn nhất ở Tam Hà Thủ Đức, khi thấy đoàn xe đò chở cả nhà dòng đi khỏi Thủ Đức, liền thu xếp đồ để tìm đường vượt thoát, vì ông tin rằng việc Cha Thủ và cả nhà Dòng Đồng Công tự động bỏ đi như thế chắc chắn thế nào cũng có quốc biến. Chính vì nhờ Cha Thủ mà cả nhà ông đã vượt thoát được nạn cộng sản như thế mà hằng năm ông vẫn tiếp tục đóng góp ủng hộ nhà dòng để gọi là trả ơn Cha Thủ.
Tuy nhiên, những vị tiên tri Do Thái thường chịu khổ vì sứ vụ của mình thế nào, Cha Thủ cũng thế. Quả vậy, sự việc xẩy ra là khi đoàn xe đò của nhà dòng vừa xuống tới Phước Tỉnh, thì nghe thấy ông tỉnh trưởng Phước Tuy mới ra lệnh là thuyền nào ra khỏi bến sẽ bị bắn. Thế là cả nhà dòng đành phải chịu nằm ụ ở nhà nghỉ mát rộng lớn của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Phước Tỉnh. Mấy ngày sau, Cha Thủ tuyên bố là ngài và một số (150) anh em (lớn tuổi) sẽ ở lại quê hương, không đi đâu nữa, ngoài ra, thành phần các lớp khấn trẻ và thành phần đang học làm linh mục, cùng với thành phần thay ngài để lãnh đạo số anh em ra đi này, ngài truyền lệnh theo lời khấn tuân phục, phải lên đường: “Các em phải đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo”.
(Anh Cả trấn an và phần khích đoàn em của mình lên đường)
Thế nhưng, “đi” làm sao được khi mà cả lũ nằm ụ với nhau ở Phước Tỉnh hết ngày này sang ngày khác, không có một tia hy vọng nào. Trái lại, mắt thì thấy, vào tuần thứ ba của cuối tháng tư, có những chiếc tầu đậu tít mù khơi ở phía hình như là hải phận quốc tế, và tai thì nghe phát thanh là Hoa Kỳ chỉ đưa sang Mỹ 100 ngàn người làm cho họ mà thôi, bằng máy bay hay bằng chiến hạm của hạm đội thứ 7. Không khí tuyệt vọng mỗi ngày một bao phủ tâm can từng người và chung nhóm người chờ chực lên đường thi hành sứ vụ “truyền giáo” hết sức ý nghĩa và đầy lý tưởng cao cả này. Những thứ lương thực dự trữ cho mỗi người để có thể sống cả tuần lễ, nếu xẩy ra chuyện thất lạc nhau trong cuộc vượt thoát lên đường, đã sẵn sàng trong bị của từng người còn đó, nhưng lòng của hầu hết đã cảm thấy chán chường mệt mỏi hầu như không thiết gì nữa, hoàn toàn phó mặc cho vận số hên xui, dù chính tai họ có được nghe Cha Thủ tuyên bố mấy lần như đinh đóng cột là: “Các em cứ yên trí. Bao giờ cộng sản vào, các em cứ việc xuống thuyền ra khơi, thế nào cũng được tầu Mỹ vớt!”
Thật ra, ngài không chủ trương, đúng hơn không thích, sai anh em dòng của ngài sang Mỹ vì ngài quan tâm đến cái nguy hiểm của nền văn minh vật chất tân tiến đầy hưởng thụ và sống theo cá nhân chủ nghĩa làm Kitô hữu mất đức tin lúc nào không biết này, mà tự thâm tâm ngài chỉ muốn họ đi lánh nạn ở các nước lân bang Á Đông gần Việt Nam thôi, vùng đất, như Hiến Pháp dòng do chính tay ngài viết ấn định, vốn là mục tiêu truyền giáo của một hội dòng do ngài khai sinh từ đầu thập niên 1940 và được chính thức thành lập vào đầu năm 1953. Thế nhưng, trong tình huống khó sử bấy giờ, để trấn an thành phần môn sinh yếu tin của mình, ngài vẫn không ngần ngại tuyên bố những lời hết sức trái ngược với ước vọng của ngài, nhưng lại là những gì đã hoàn toàn ứng nghiệm như chân lý ấy.
Về diễn tiến và mục đích biến cố lên đường này của anh em dòng, liên quan tới cả nơi chốn ở hải ngoại, chính Cha Thủ đã tự thuật trong cuốn Lý Tưởng Thánh Đồng Công 2, trang 152-153, như sau:
“Thế là tất cả các anh em Đồng Công từ Đà Lạt, Di Linh, từ Nhà Đá, Qui Đức, từ Lương Sơn, Tu Viện Mẹ Thăm Viếng, từ Nhà Cá, nhà Thánh Gia, nhà Kitô Vương, tất cả hơn 300 người đều kéo ra Phước Tỉnh tại ngôi nhà con thuê được, cũng quá đông thành ra chật chội và lộn xộn. Ôi Mẹ, phần con thì không ở liền đây, con cứ đi về nghỉ tại Kitô Vương, ở đâu con cũng buồn bã, rất ít nói truyện. Thế là con đã quyết định cho các anh em trẻ Tập sinh, Khấn trẻ, thì đi ra nước ngoài hết; còn các an hem khấn lâu rồi, già rồi thì con cho tự do, ở nhà cũng được, đi ra cũng được. Kết quả thực sự thì gần 200 người đi cả Khấn sinh, cả Tập sinh, cả cộng sự viên (180 người), còn ở lại cũng gần 130 người khấn. Mẹ ơi, còn phần con thì sao, Mẹ quá rõ, nếu hết mọi tu sĩ đều đi ra nước ngoài, các Cha già hưu cũng đi hết thì con cũng bất đắc dĩ phải đi. Thật là miễn cưỡng nhưng con cũng khẳng định, nếu trường hợp cưỡng bách con phải đi, con sẽ đi nước Pháp, chứ con không thể ở lại nước Mỹ, dù có nhờ người Mỹ để vào nước Mỹ, thì con cũng cứ sang Pháp, chứ con nhất định không ở lại nước Mỹ. Má ơi, nhưng nói thế, nghĩ thế thôi chứ đời nào con bỏ được Quê Hương thân yêu của con. Tự thâm tâm con cảm thấy mình không thể nào đi được, nhưng bên ngoài thì con cứ ‘khích lệ anh em đi, anh sẽ đi sau cùng v.v.’ để anh em vui lòng đi ra ngoài, kẻo ở lại thì không thể giữ đời tu được v.v…. Con cứ luôn nhắc đi nhắc lại cho anh em yên tâm mà đi. Má ơi, sau khi con cắt đặt và mua được 6 chiếc tầu lớn, mỗi tầu chứa được 50 người, song con chỉ cho mỗi tầu 30 anh em Đồng Công thôi, cho nhẹ dễ chạy, sau phát thuốc, phát của ăn xong rồi, con lại trở về Kitô chiều ngày 28-04-1975.
(Bến Phước Tỉnh Sáng Chúa Nhật 27/4/1975, anh em Đồng Công xuất ngoại bắt đầu xuống 6 chiếc thuyền đánh cá được thuê sẵn, sau đêm Thứ Bảy ngủ tạm trên thuyền và sáng trở về nơi tạm trú để dâng Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng ở VN)
“Phần chung anh em cứ nghĩ rằng con về rồi lại ra đi sau, mà con bề ngoài thì không có từ giã gì cả, vì nếu nói lời gì từ giã anh em, thì tỏ ra con không đi, thành ra bề ngoài thì không có gì từ giã anh em, nhưng trong lòng trí con thật là lần sau cùng chia lìa anh em, để anh em ra đi không hẹn ngày về, tim con thật se lại, lòng đau đớn vô cùng. Nhưng con cũng có phần vui và thỏa mãn vì đã có số đông anh em sẽ giữ được luật lệ Dòng, sẽ có người giữ được tinh thần Dòng, tức là Dòng Đồng Công sẽ được tồn tại và bành trướng lớn mạnh nơi nước ngoài…”
(Lần đầu tiên được gặp Anh tại Lái Thiêu 1965)
NỘI DUNG
Một Vị Sáng Lập với Ba Di Sản
27- Di Sản Một Hội Dòng
40- Di Sản Một Chi Dòng
52- Di Sản Một Gia Đình Đồng Công
Sứ Mệnh Vượt Thoát Truyền Giáo
61- Lệnh Lên Đường
Lý Tưởng Thánh Đồng Công
122- Cha Thủ - Huấn Luyện Thánh
136- Cha Thủ - Linh Hướng Thánh