GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 16/10/2005 Tuần 29 Thường Niên |
? Cuộc Họp Báo sau cuộc tường trình bán kết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI
? ĐTC Gioan Phaolô II: Tông Thư Ngày Của Chúa - Ngày nghỉ ngơi
? Iraq Trưng Cầu Dân Ý bản Hiến Pháp Dân Chủ
Cuộc Họp Báo sau cuộc tường trình bán kết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI.
Trong cuộc họp báo đầu tiên diễn ra vào ngày Thứ Năm 13/10/2005 sau phiên họp chung thứ XVI để tường trình tạm kết giai đoạn (10 ngày) vừa qua của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, nhiều vấn đề được đặt ra bởi thành phần phóng viên báo chí và đã được các vị nghị phụ, nhất là 3 vị đồng chủ tịch, trả lời. Chẳng hạn như vấn đề hủy bỏ luật độc thân linh mục, vấn đề hiệp lễ của thành phần ly dị tái hôn bất giải hôn, vấn đề lễ Latinh v.v.
Vấn đề hủy bỏ luật độc thân linh mục
Theo các nghị phụ của cuộc thượng nghị này thì tình trạng thiếu linh mục là một quan tâm lớn của Giáo Hội, nhưng nó chỉ là một triệu chứng của vấn đề chứ không phải là căn nguyên của vấn đề.
ĐHY Telesphore Topppe, TGM Ranchi Ấn Độ, một trong ba vị đồng chủ tịch của thượng nghị này, đã trả lời cho phóng viên báo chí về vấn đề thượng nghị này có thể hủy bỏ luật độc thân linh mục của Giáo Hội Latinh và truyền chức cho thành phần có gia đình để giải quyết cuộc khủng hoảng về ơn gọi hay chăng, như sau:
“Tình trạng thiếu linh mục không phải là một căn nguyên mà là một triệu chứng. Vấn đề thực sự là do bởi tình trạng khủng hoảng về đức tin, trong khi chức linh mục là hoa trái đức tin của cộng đồng. Không có đức tin, cũng chẳng có linh mục, chẳng có ơn gọi”.
Tiếp lời vì TGM trên, một vị đồng chủ tịch thượng nghị khác là ĐHY Juan Sandoval Iniguez, TGM Guadalajara Mễ Tây Cơ, cho biết thêm:
“Tình trạng thiếu linh mục là một hầu quả. Nguyên nhân đó là việc thiếu đức tin, thiếu nhãn quan về vấn đề thiêng liêng đạo đức, về siêu việt tính. Tất cả những sự ấy có thể được tóm gọn lại thành một chữ: đó là bị tục hóa. Nhất là chúng ta cần phải giảng dạy, cần phải sử dụng đến Lời Chúa và dẫn giải Lời Chúa chẳng những bằng sự khôn ngoan và thông thạo của mình, mà còn bằng chứng từ của chúng ta nữa, để Lời Chúa tác động các cõi lòng”.
“Việc sử dụng thành phần lập gia đình sống đời Kitô hữu tốt đẹp ‘viri probati’, như được một số quí vị trong hội trường đề cập tới, là một vấn đề chứ không phải là một giải đáp”, như trường hợp Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương theo tập tục này đã gặp phải. “Họ không có giờ để học hỏi cho thừa tác vụ của họ, vì họ cần phải chăm sóc vợ con của họ. Đôi khi họ lại ly dị nữa”.
Đức Giám Mục hưu trí Sofron Stefan Mudry giáo phận Ivano-Frankivsk, nước Ukraine, một giáo phận Công Giáo theo lễ nghi Hy Lạp cho linh mục lập gia đình đã lên tiếng trong cùng cuộc họp báo này rằng, ở giáo phận của ngài có 360 trong 400 vị linh mục có gia đình, và ngài công nhận rằng tình trạng của các giáo sĩ lập gia đình “rất là khó khăn”.
“Một số trong họ không có nhà khi họ bị Cộng Sản tịch biên. Họ không thể chuyển từ giáo xứ này sang giáo xứ khác, vì họ có gia đình. Nhiều vấn đề về xã hội và nhân bản xẩy ra. Chúng tôi không có gì phhản đối bậc sống này cả”, ngài làm sáng tỏ thêm vấn đề, vì nó là truyền thống Giáo Hội Đông phương đã có từ ban đầu. “Những linh mục lập gia đình bảo trì các nhà thờ ở Ukraine khi những vị sống độc thân bị giam giữ”.
Tuy nhiên, trích lại lời của một vị nguyên TGM Ukraine thuộc Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, ĐGM Mudry cho biết rằng “nếu chúng ta muốn cứu vãn Giáo Hội của mình, chúng ta cần ít là 50% linh mục độc thân”.
ĐHY Angelo Scola,
TGM Venice Ý quốc, vị tổng phối kết viên của thượng nghị, trong bản tường trình
đúc kết những phát biểu của nghị phụ trong thời gian qua, riêng về dự định
truyền chức cho thành phần có gia đình, đã viết:
“Một số vị nghị phụ Tây Phương đã đề cập tới việc truyền chức cho thành phần có gia đình đối với các Giáo Hội của các vị, cống hiến cho mỗi người chúng ta những yếu tố để cẩn thận nghiên cứu cho vấn đề Giáo Hội Latinh quyết định trong việc liên kết sống độc thân với vai trò linh mục thánh chức”. Vị tổng phối kết này còn cho biết có một số vị giám mục dđ4 bày tỏ cho thượng nghị biết rằng “những giả thuyết về vấn đề ‘vivi probati’ truyền chức cho thành phần lập gia đình là một đường lối không nên theo đuổi”.
Việc Hiệp Lễ và Thành Phần Tái Hôn Bất Giải Hôn
ĐHY Francis Arinze, tổng trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích, vị đệ nhất chủ tịch của thượng hội giám mục lần này, khi ngỏ lời cùng cuộc họp báo hôm nay, Thứ Năm 13/10/2005, đã căn cứ vào các lời phát biểu của các vị nghị phụ để làm sáng tỏ vấn đề được thành phần phóng viên báo chí đặt ra liên quan tới việc hiệp lễ của thành phần ly dị rồi tái hôn nhưng không được giải hôn rằng: “Chúng tôi không coi vấn đề này là một thứ luật của Giáo Hội mà là luật của Chúa”.
Vị hồng y này giải thích như sau: “Nếu hai người lấy nhau, và nếu cuộc hôn nhân thành hiệu trước Chúa và Giáo Hội, thì cho dù cuộc hôn nhân ấy có bị đổ vỡ chăng nữa, chúng tôi không có quyền giải một cuộc hôn nhân đã hiệu thành trước Chúa và Giáo Hội. Vậy thì phải làm sao đây? Điều duy nhất đó là thương cảm họ vì họ phải chịu đựng, còn có người nói rằng họ có thể tìm một người chồng hay người vợ khác để chung sống với nhau rồi Hiệp Lễ như thường. Họ là phần tử của Giáo Hội, nhưng trong tình trạng này họ không thể – gắn bó với sự thật của đời sống – tham dự vào việc Hiệp Lễ. Chúng tôi chỉ là thừa tác viên mà thôi, nên chúng tôi cần phải trả lẽ trước mặt Chúa”.
Trong bản tường trình đức kết tạm thời được phổ biến hôm Thứ Tư 112/10, vcị tổng phối kết viên là ĐHY Angelo Scola, đã giải thích rằng đây là vấn đề đã được một số nghị phụ đặt ra khi nhấn mạnh đến “tầm mức quan trọng của một nỗ lực cẩn thận về mục vụ”: “Có hai vị nghị phụ kêu gọi đi sâu vào những đường lối xót thương. Đặc biệt có 1 vị kêu gọi các giám mục hãy hăng say phát động chiều kích mục vụ nơi các tòa án giáo hội, với những giản dị hóa có thể về các thứ phần hành và phương thức khi không cần phải có những thứ ấy”.
Trong cuộc họp báo cùng ngày 13/10, ĐHY Juan Sandoval Iniguez, TGM Guadalajara, Mễ Tây Cơ, một trong 3 vị đồng chủ tịch của thượng nghị này, đã làm sáng tỏ vấn đề thế này:
“Theo sự thật về giáo luật thì cần phải thực hiện việc công bố vô hiệu thành cuộc hôn phối. Điều yêu cầu ở đây là đừng có vấn đề quan liêu nhờ đó tiến trình diễn tiến được mau chóng hơn để giúp cho người ta”.
Vấn đề cử hành Lễ Latinh theo Công Đồng Chung Triđentinô
Cũng trong buổi họp báo hôm nay, cho dù có nhiều vấn đề rất nóng bỏng được bàn đến trong cuộc thượng nghị lần này, nhưng có một vấn đề “không được một nghị phụ nào bàn tới”, đó là vấn đề cử hành Lễ Latinh theo Công Đồng Chung Vaticanô II. Chính vị đệ nhất chủ tịch của thượng nghị này là ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích, Arinze, đã mang vấn đề này ra trong cuộc họp báo này: “Nó không phải là vấn đề ưu tiên đối với thượng nghị này, vì không ai nói đến nó. Vấn đề chúng tôi từng bàn tới là vấn đề nhiều người không đi Lễ, và những người đi Lễ lại không hiểu – họ lên Hiệp Lễ nhưng không đi xưng tội như thể họ là những người vô tội vậy”.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của Zenit ngày 13/10/2005
ĐTC Gioan Phaolô II: Tông Thư Ngày Của Chúa - Ngày nghỉ ngơi
(tiếp 2005 ngày 2/1, 9/1, 16/1, 23/1, 6/2, 13/2, 20/2, 27/2, 12/6, 18/9, 25/9, 2/10, 9/10)
64. Qua một số thế kỷ, Kitô hữu đã giữ Ngày Chúa Nhật thuần túy như là một ngày để thờ phượng mà thôi, không mang lại cho ngày này ý nghĩa đặc biệt của một ngày Hưu Lễ nghỉ ngơi. Chỉ sang thế kỷ thứ tư luật dân sự của Đế Quốc Rôma mới công nhận cái tính cách tái diễn hằng tuần, quyết định rằng vào “ngày của mặt trời”, các vị thẩm phán, dân chúng ở các thành phố và những công ty kinh doanh khác nhau đều nghỉ việc (107). Bởi thế Kitô hữu hớn hở thấy được những ngãng trở được loại bỏ, những ngãng trở mà cho tới bấy giờ đôi khi đã khiến cho việc tuân giữ Ngày của Chúa phải anh hùng lắm mới làm nổi. Bấy giờ họ có thể tha hồ nguyện cầu chung với nhau mà không còn bị gặp trở ngại nữa (108).
Do đó thật là sai lầm khi thấy nơi khoản luật về nhịp điệu của tuần lễ này chỉ là một trường hợp lịch sử thuần túy không có một ý nghĩa đặc biệt nào đối với Giáo Hội, và là những gì Giáo Hội có thể tự nhiên bỏ qua. Ngay cả sau khi Đế Quốc này bị sụp đổ, các Công Đồng vẫn không ngừng chú trọng đến vấn đề dàn xếp để làm sao thực hiện việc nghỉ ngơi Chúa Nhật. Nơi những xứ sở có thiểu số Kitô hữu, và nơi các ngày lễ theo niên lịch không trùng với Chúa Nhật, thì Chúa Nhật vẫn là Ngày Của Chúa, ngày tín hữu đến với nhau thành cộng đồng Thánh Thể. Thế nhưng thực hiện việc này cần phải có những hy sinh thực sự. Kitô hữu không cho là chuyện bình thường khi Chúa Nhật, ngày của việc hân hoan cử hành, không phải là một ngày nghỉ ngơi, và nếu không có đủ thời giờ tự do thảnh thơi thì họ phải khó khăn lắm mới giữ cho Ngày Chúa Nhật được thánh hảo.
65. Trái lại, mối liên hệ giữa Ngày của Chúa và ngày nghỉ ngơi nơi xã hội dân sự có một ý nghĩa và tầm quan trọng vượt ra ngoài quan điểm Kitô giáo chuyên biệt. Việc luân chuyển giữa vấn đề làm việc và nghỉ ngơi, một thứ luân chuyển được kiến tạo nơi bản tính của con người, là những gì theo ý muốn của chính Thiên Chúa, như được thể hiện qua câu truyện tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên (x 2:2-3; Ex 20:8-11): nghỉ ngơi là một điều “linh thánh”, vì nó là cách thức con người rút khỏi chu kỳ đôi khi quá đòi hỏi của các công việc trần gian để tái ý thức rằng hết mọi sự đều là việc làm của Thiên Chúa. Có nguy cơ là quyền năng phi thường trên thiên nhiên tạo vật do Thiên Chúa ban cho con người có thể khiến họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng Hóa Công mà mọi sự phải lụy thuộc. Chúng ta lại càng cần phải nhìn nhận việc lụy phục này trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại mà khoa học và kỹ thuật đã làm gia tăng ngoài sức tưởng tượng cái quyền năng được con người thực hiện qua việc làm của họ ấy.
66. Sau hết, cũng không được quên rằng ngay cả trong thời đại của chúng ta đây, đối với nhiều người, việc làm là những gì rất cùng cực, hoặc bởi những điều kiện làm việc thảm thương và lâu giờ – nhất là nơi những vùng nghèo khổ trên thế giới – hay vì tính cách dai dẳng của quá nhiều trường hợp bất công và khai thác giữa người với người ở những xã hội tân tiến hơn về kinh tế. Qua nhiều thế kỷ, khi ấn định luật lệ liên quan đến việc nghỉ ngơi Chúa Nhật (109), Giáo Hội trước hết đã nghĩ tới công ăn việc làm của thành phần tôi tớ và lao động, chắc chắn không phải là vì thứ công ăn việc làm này kém giá đối với những đòi hỏi thiêng liêng của việc giữ Ngày Chúa Nhật, nhưng vì cần phải điều chỉnh cho tốt đẹp hơn việc làm giảm bớt gánh nặng của nó, nhờ đó giúp cho mọi người có thể giữ Ngày của Chúa thánh hảo. Về vấn đề này, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, trong Thông Điệp Rerum Novarum, đã nói về việc nghỉ ngơi Chúa Nhật như là quyền lợi của người công nhân cần phải được Quốc Gia bảo toàn (110).
Trong môi trường lịch sử của chúng ta đây vẫn cần phải có trách nhiệm để bảo đảm là hết mọi người có thể được hoan hưởng tự do, nghỉ ngơi và xả hơi theo như phẩm giá con người đòi hỏi, cũng như được thể hiện những nhu cầu về tôn giáo, gia đình, văn hóa và giao hệ, những nhu cầu khó có thể đáp ứng nếu không được bảo đảm ít là một ngày trong tuần để con người có thể vừa nghỉ ngơi vừa mừng lễ. Bình thường thì quyền lợi nghỉ ngơi này của người công nhân bao hàm quyền làm việc của họ, và, như chúng ta chia sẻ về vấn đề Kitô giáo hiểu biết Ngày Chúa Nhật, chúng ta không thể không nhớ tới, bằng một cảm quan liên kết sâu xa, nỗi khốn khó của vô số con người nam nữ, vì thiếu việc làm, đã bị ở trong tình trạng vô công rỗi nghề vào những ngày làm việc trong tuần nữa.
67. Nhờ việc nghỉ ngơi Chúa Nhật mà những quan tâm và việc làm hằng ngày mới có thể được định hướng một cách thích đáng, ở chỗ, các thứ vật chất được chúng ta quan tâm hướng về những giá trị thiêng liêng; trong một lúc gặp gỡ nào đó hay ở một cuộc trao đổi ít bị dồn nén hơn, chúng ta thấy được chân dung của con người chúng ta đang sống với. Ngay cả những vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật đi nữa – những vẻ đẹp thường bị lọ lem bởi ước muốn khai thác thường quay lại phản chống chính con người – cũng có thể được tái khám phá và trọn vẹn hoan hưởng. Là ngày con người thảnh thơi với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân, Chúa Nhật trở thành thời điểm con người có thể nhìn thấy một cách mới mẻ những kỳ diệu của thiên nhiên tạo vật, khiến họ say mê với cái hòa hợp một cách lạ lùng và diệu vợi là những gì, theo Thánh Ambrôsiô, phối kết nhiều yếu tố của vũ trụ này thành một “liên kết hiệp thông và an bình”, bằng “một thứ luật bất khả vi phạm của hợp hòa và yêu thương” (111). Những con người nam nữ bấy giờ có một cảm quan sâu xa hơn, như Thánh Tông Đồ nói, đó là “hết mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, và không cần phải bỏ đi điều gì nếu biết lãnh nhận với lòng tri ân cảm tạ, vì bấy giờ nó được lời Chúa và việc nguyện cầu thánh hiến” (1Tim 4:4-5). Nếu sau 6 ngày làm việc – thực ra được nhiều người giảm xuống còn 5 – người ta tìm giờ xả hơi và chú trọng hơn nữa đến các khía cạnh khác của đời sống của mình, thì việc tìm giờ này tương ứng với nhu câu thực sự hoàn toàn hợp với quan điểm của sứ điệp Phúc Âm. Bởi thế mà thành phần tín hữu được kêu gọi làm thỏa đáng nhu cầu này một cách nhất trí với việc tỏ bày niềm tin chung riêng của họ, như được thể hiện nơi việc cử hành và thánh hóa Ngày của Chúa.
Thế nên, cũng trong những hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đây, Kitô hữu bình thường cần phải chiến đấu để bảo đảm rằng luật pháp dân sự tỏ ra tôn trọng nhiệm vụ giữ Ngày Chúa Nhật thánh hảo của họ. Bất cứ ở vào trường hợp nào, theo lương tâm, họ buộc phải sắp xếp việc nghỉ ngơi Chúa Nhật của mình ở chỗ khiến họ có thể tham dự Thánh Thể, kiêng việc làm và những sinh hoạt không hợp với việc thánh hóa Ngày của Chúa, một ngày có đặc tính hân hoan và nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác (112).
68. Để việc nghỉ ngơi không thoái hóa thành trống rỗng hay chán chường, cần phải thực hiện vấn đề thăng tiến tâm linh, được thanh thơi hơn, có những cơ hội để chiêm niệm và hiệp thông huynh đệ. Thế nên, trong số những hình thức về văn hóa và giải trí được xã hội cung cấp cho, người tín hữu cần phải chọn những gì thích đáng nhất với một đời sống theo các qui định của Phúc Âm. Như thế việc nghỉ ngơi Chúa Nhật mới trở thành việc “loan báo”, khẳng định chẳng những tối thượng quyền của Thiên Chúa, mà còn cả cái ưu tiên và phẩm giá của con người đối với những đòi hỏi của đời sống xã hội và kinh tế, và ở một nghĩa nào đó ngưỡng vọng đến “trời mới” và “đất mới”, ở đó, việc giải thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho các thứ nhu cầu sẽ được kết thúc và hoàn tất. Tóm lại, Ngày của Chúa nhờ đó mới là ngày của con người nữa theo nghĩa đích thực nhất.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
? Iraq Trưng Cầu Dân Ý bản Hiến Pháp Dân Chủ
|
Theo tiến trình dân chủ hóa Iraq, một cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra vào hôm Thứ Bảy 15/10/2005. Và nếu cuộc trung cầu dân ý này thành công, đến ngày 15/12. tức 2 tháng sau, Iraq sẽ có một cuộc tổng tuyển cử. Sau đó, tiểu ban Hội Đồng Toàn Quốc sẽ tài thẩm định bản hiến pháp với hạn chót phải xong là ngày 15/4/2006, rồi tiếp theo là việc điều chính hiến pháp, hạn cuối phải xong là ngày 15/6/2006. Cuối cùng là một cuộc trưng cầu dân ý khác về bản hiến pháp được thử nghiệm rồi được điều chỉnh này.
Thế nhưng, để thực hiện cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử Iraq này, ngay tuần lễ trước đó đã xẩy ra rất nhiều cuộc khủng bố tấn công, đến nỗi, lực lượng an ninh của cả Iraq lẫn linh minh đã phải tận lực canh phòng và làm việc (nhất là ở các trạm phiếu) mới bảo đảm được cuộc trưng cầu dân ý lịch sử chưa từng có này, tuy không thoát được một số cuộc tấn công xẩy ra nhưng không có gì trầm trọng
Tổng Thống Jalal Talabani và Thủ Tướng Ibrahim al-Jaafari là những vị bỏ phiếu đầu tiên. Trong số 26 triệu dân, có 15.5 triệu là hợp lệ để bỏ phiếu.
|
Tuy việc kiểm phiếu đang được diễn tiến nhưng người ta tiên đoán là sự việc sẽ xẩy ra tốt đẹp, tức là dân chúng sẽ chấp thuận bản hiến pháp, vì phái Hồi giáo đông nhất ở Iraq là Sunni đã bỏ không chống đối nữa từ hôm Thứ Tư 12/10/2005, bởi hội đồng chuyển tiếp đồng ý sẽ cứu xét đến những thứ thay đổi trong cơ cấu khi thực hiện cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12/2005 tới đây.
Nhóm Hồi giáo Ả Rập Sunni đã chống lại các khoản cho những vùng của nhóm Hồi giáo Shiites ở miền nam cũng như các vùng của người Kurdish ở miền bắc quyền tự lập hơn. Họ cũng chống lại các khoản loại trừ những yếu tố của Đảng Baath của Phái Sunni dưới thời nhà cựu độc tài Saddam Hussein.
Bản hiến pháp sẽ bất thành hiệu nếu nó bị bác bỏ bởi ít là hai phần ba cử tri ở tối thiểu 18 tỉnh hạt của quốc gia này. Nếu các nhóm Ả Rập Hồi Giáo Sunni chống lại bản văn kiện này thì có thể bản hiến pháp sẽ không được chấp thuận nếu 4 tỉnh hạt phần đông là người Hồi giáo Sunni cư trú bỏ phiếu chống. Ngược lại, nếu bản hiến pháp được chấp thuận, thì nhân dân Iraq sẽ tiến tới chỗ tổng tuyển cử vào tháng 12 để chọn ra một chính phủ không tạm thời như giai đoạn chuyển tiếp nữa, nhờ đó, lực lượng liên minh có thể rút khỏi Iraq.
|
Cả hai phe phò và chống bản hiến pháp đều có những lời lẽ trên truyền hình chẳng hạn như: “Chúng ta hãy bỏ phiếu cho một tương lai tốt đẹp hơn, chứ không phải là một quá khứ hãi sợ”; “Chúng ta hãy bỏ phiếu cho sức mạnh của chúng ta chứ không phải nỗi yếu hèn của chúng ta”; “Hãy chống lại cuộc xâm chiếm bằng việc bỏ phiếu chống bản hiến pháp này”.
Nhóm chống bản hiến pháp phàn nàn rằng dân chúng Iraq đã không có đủ cơ hội để thẩm định bản hiến pháp phức tạp, vì có nhiều người mới nhận được bản hiến pháp này mấy ngày trước đây thôi. Có một số lãnh đạo nhóm Sunni chống bản hiến pháp cho rằng bản hiến pháp này là kết quả của thành phần lãnh đạo nhóm Shiites quá thân thiện với nước Iran láng giềng oơ gần vùng nhóm Shiites cư trú.
Cuộc trưng cầu dân ý này có liên hệ tới các mục tiêu của ba nhóm ở đất nước này: nhóm thứ nhất là phong trào do Hoa Kỳ điều hướng mong muốn thấy có được một Iraq dân chủ, nhóm thứ hai là những bè phái về sắc tộc và tôn giáo tranh giành quyền lực chính trị, và nhóm thứ ba là nhóm khởi loạn sử dụng những chiến thuật khủng bố để phát động chủ nghĩa bảo thủ Hồi giáo.
|
Thành quả của cuộc trưng cầu dân ý này một là tích cực hai là tiêu cực. Nếu tiêu cực thì có thể là dấu hiệu tốt, bằng nếu tích cực, nghĩa là bản hiến pháp được chấp thuận hợp lệ, thì, một là, theo Salih al-Mutlag, người lãnh đạo liên minh 10 phái Sunni, “sẽ có 3 nước ở Iraq: một miền chính phủ cực Hồi giáo Shiite ở miền nam, một chính quyền cực đoan Sunni ở trung Iraq, và một chính quyền vô chủ nghĩa ở miền bắc (ám chỉ miềm của người Kurdish)”; hai là dẫn đến tình trạng bạo loạn chiến tranh hơn nữa, như ước đoán của Michael Rubin, một phân tích chính sách ở Trung Đông, “vì nó cho thấy rằng thành phần Ả Rập Sunni vận động một cuộc bỏ phiếu mà vẫn bị thua như thường, do đó, họ có thể cảm thấy càng bị tước đoạt quyền lợi của họ hơn”.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu và tín liệu của CNN ngày 14 và 15/10/2005