GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 9/10/2005,

TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

 

 

1)   Tôi đi dự TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI

2) ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa" (tiếp)

3) ĐTC Biển Đức XVI: Bài suy niệm tự phát ở Buổi Họp Đầu Tiên Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI (tiếp và hết)

   

 

 

Tôi đi dự TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI

Trong đời sống thường ngày ta vẫn nhận được những tấm thiệp đến từ những người thân hoặc bạn bè quen thuộc, báo tin lễ thành hôn hay vu quy của con cháu họ. Đối với người mời, thì những tấm thiệp như thế nói lên tấm thịnh tình và sự trân trọng quí mến. Và đối với những kẻ được mời, thì coi đó như một vinh dự. Vì tính chất đặc biệt của biến cố nên nếu không có lý do quan trọng, ít khi những người được mời từ chối những lời mời như vậy. Tiệc cưới càng quan trọng, thì những khách mời càng phải được chọn lọc và giới hạn. Không phải ai cũng được mời tham dự tiệc cưới của con một dân biểu, nghị sĩ, hay bộ trưởng. Càng ít người được mời tham dự đám cưới của một công chúa hay hoàng tử. Địa vị xã hội của người mời càng cao, những khách mời càng được chọn lọc, và cho đó là một vinh dự.

Mátthêu, qua thí dụ tiệc cưới đã mô tả cách đầy đủ về cách tổ chức, mời mọc, và thành phần được mời tham dự một tiệc cưới tương tự như chúng ta hôm nay, nhưng thời điểm xẩy ra cách đây 2000 năm và tại nước Do Thái. Hơn thế nữa, đây là tiệc cưới của một hoàng tử. Dĩ nhiên, đó chỉ là một thí dụ nhằm nói tới một ý nghĩa khác về mầu nhiệm Nước Trời. Nghe hoặc đọc trích đoạn Tin Mừng này một cách thận trọng, người nghe hoặc đọc sẽ thấy tính chất nhưng không của khách được mời, và từ đó, cũng nói lên tấm lòng rộng rãi của chủ mời. Theo ý nghĩa của Tin Mừng, thì khách mời ấy chính là mỗi Kitô hữu, và chủ mời, ông vua tổ chức tiệc cưới là Thiên Chúa.

Điều làm ngạc nhiên là không ai trong số những người tham dự buổi tiệc lại biết mình được mời trước đó. Nhưng đây chính là mầu nhiệm về tình thương của Thiên Chúa. Nhờ vào lòng rộng rãi của Thiên Chúa, qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta mới trở thành những khách được mời tham dự bàn tiệc Nước Trời. Kitô hữu chúng ta được như vậy, vì như lời trích đoạn Thánh Kinh hôm nay, những kẻ được mời trước đã không quan tâm, hoặc từ chối lời mời của họ, nhờ đó chúng ta trở thành những kẻ may mắn thế chỗ của họ: “Tiệc cưới đã sẵn, nhưng những kẻ được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới” (Mt 22: 8-9).

Điều này nói lên rằng mỗi Kitô hữu chúng ta được mời tham dự Bàn Tiệc Nước Trời, được mời đón nhận Tin Mừng, và làm Con Chúa một cách nhưng không. Thật vậy, có nhiều người phải trải qua bao nhiêu là thử thách, học hỏi, hoặc vất vả truân chiên mới biết, mới được nghe, và mới hiểu được Thiên Chúa. Hơn thế nữa, nhiều người dù đã được nghe, được biết, nhưng lại không giữ được mối giây tình thân với Ngài, nên đã bị loại khỏi bàn tiệc Nước Trời. Suy nghĩ về ơn được làm con cái Chúa, được gia nhập Hội Thánh Người, và được tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Kitô hữu chúng ta phải lấy làm hãnh diện, và phải coi mình như những người rất có phúc. Bởi vì cũng như lời Chúa, không phải chúng ta chọn Ngài, nhưng chính là Ngài đã chọn chúng ta từ muôn thuở.

Nhưng khi đã đón nhận, đã hiểu Ngài, thì chúng ta phải hành động như thế nào? Dĩ nhiên là không nên và nhất định không được viện dẫn lý do này khác để chối từ ơn huệ Chúa ban. Ngoài ra, Mátthêu cũng ghi lại rằng, tuy rất đông thực khách, nhưng cũng có một người có lẽ vì coi thường, hoặc khinh khi giá trị lời mời nên đã không ăn mặc chỉnh tề. Kết quả là những khách mời đã coi thường lời mời, và người được mời lại không ăn mặc xứng đáng đều đã bị quở phạt. Đó cũng là tấm gương cho những ai cố tình phủ nhận giá trị lời mời, và không hành xử như một thực khách đàng hoàng và trọng lễ nghĩa.

Tóm lại, là những thành phần được mời tham dự bàn tiệc Nước Trời, Kitô hữu chúng ta hẳn là phải lấy làm vinh dự và hạnh phúc lắm. Do đó, chúng ta phải nghĩ tới thái độ và lối sống tạ ơn bằng chính cuộc sống mình, bằng chính tấm lòng biết ơn mình. Dĩ nhiên, Thiên Chúa chẳng cần đến chúng ta biết ơn và cảm ơn Ngài, nhưng bổn phận là con, là những kẻ được Ngài tuyển chọn, chúng ta không thể nào lại không biết ơn và sống với thái độ biết ơn ấy. Mẹ Maria khi đón nhận lời mời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, đã sốt sắng dâng lời cảm tạ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và lòng trí tôi vui mừng trong Đấng Cứu Độ tôi” (Luc 1:46-47). Đó cũng là tâm tình của mỗi Kitô hữu chúng ta. Hãy tận hưởng bàn tiệc nước Trời. Hãy vui mừng vì được mời tham dự. Nhưng với lòng cảm mến, biết ơn, và sống sao cho xứng với vinh dự ấy.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

TOP

 

 

ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa"

 

(tiếp 2005 ngày 2/1 9/1 16/1,  23/1,  6/2,  13/2,  20/2,  27/2, 12/6, 18/9, 25/9, 2/10)

Chương IV

Ngày của Con Người – Dies Hominis

Chúa Nhật: Ngày của Niềm Vui, Nghỉ Ngơi và Kết Đoàn

Tầm mức trọn vẹn của Ngày Hưu Lễ

 

59.           Khía cạnh ấy của Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cho thấy một cách đặc biệt là nó đã làm trọn Ngày Hưu Lễ của Cựu Ước như thế nào. Vào Ngày Của Chúa, ngày – như chúng ta đã nói – được Cựu Ước liên kết với việc tạo dựng (x Gen 2:1-3; Ex 20:8-11) và việc Xuất Hành (x Deut 5:12-15), Kitô hữu được kêu gọi để loan truyền việc tân tạo và tân giao ước mang lại từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chẳng những không bị loại bỏ, việc mừng công cuộc tạo dựng còn trở nên sâu xa hơn nữa theo quan điểm qui về Chúa Kitô, một quan điểm theo chiều hướng dự định của Thiên Chúa là “hiệp nhất mọi sự trong Chúa Kitô, những sự trên trời cùng những sự dưới thế” (Eph 1:10). Việc tưởng nhớ đến cuộc giải phóng của Cuộc Xuất Hành cũng có được tất cả ý nghĩa của nó khi nó trở thành việc tưởng nhớ đến ơn cứu chuộc phổ quát được Chúa Kitô hoàn thành bằng Cái Chết và Phục Sinh của Người. Bởi thế, thay vì “thay thế” cho Ngày Hưu Lễ, Chúa Nhật lại làm cho ngày này được nên trọn, và ở một nghĩa nào đó, là việc kéo dài và thể hiện trọn vẹn khi lịch sử cứu độ được từ từ giãi bày, một lịch sử cứu độ đạt đến tột đỉnh của mình nơi Chúa Kitô.

 

60-           Theo quan niệm này, khoa thần học thánh kinh về “Ngày Hưu Lễ” mới được phục hồi trọn vẹn mà không dung hòa với tính chất Kitô giáo về Ngày Chúa Nhật. Nó là một thứ thần học dẫn chúng ta một cách mới mẻ và thực sự ngỡ ngàng trước mầu nhiệm của thuở ban đầu khi mà Lời hằng hữu của Thiên Chúa, bằng quyết định yêu thương tự do, tạo dựng nên thế giới từ hư không. Công việc tạo dựng được niêm ấn bằng việc chúc lành và việc thánh hiến cái ngày Thiên Chúa thôi “mọi việc Ngài đã thực hiện để tạo dựng” (Gen 2:3). Ngày nghỉ ngơi này của Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho thời gian, một thời gian theo lịch trình các tuần lễ chẳng những có tính cách qui định về ngày tháng mà còn, nói một cách nào đấy, có cả tính cách đặc biệt về thần học nữa. Việc liên tục trở về với ngày “shabbat” là những gì bảo đảm rằng không có nguy cơ về việc thời gian tự mình khép lại, vì, khi đón nhận Thiên Chúa cùng với Kairoi của Ngài, tức là cùng với những giây phút ân sủng Ngài ban và tác động cứu độ Ngài làm – thời gian vẫn hướng về vĩnh cửu.

 

61.           Vì ngày thứ bảy được Thiên Chúa chúc lành và thánh hiến mà ngày “hưu lễ” là ngày kết thúc toàn thể công cuộc tạo dựng, và bởi đó, được liên kết một cách trực tiếp với công việc của ngày thứ sáu là ngày Thiên Chúa dựng nên con người “theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài” (x Gen 1:26). Mối liên hệ chặt chẽ giữa “ngày của Chúa” và “ngày của con người” đã được các vị Giáo Phụ lưu ý tới nơi việc các ngài suy niệm về câu truyện tạo dựng trong thánh kinh. Thánh Ambrôsiô nói về vấn đề này như sau: “Bởi vậy hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã hoàn thành một công việc là nơi Ngài có thể nghỉ ngơi. Ngài đã tạo nên các tầng trời, thế nhưng tôi không đọc thấy rằng Ngài nghỉ ngơi ở đó; Ngài đã tạo nên các vì tinh tú, nên vầng nguyệt, nên thái dương, và tôi cũng không đọc thấy Ngài nghỉ ngơi nơi chúng. Trái lại, tôi đọc thấy rằng Ngài đã dựng nên con người và sau đó Ngài nghỉ ngơi, khi tìm thấy nơi con người là kẻ Ngài có thể ban phát cho họ ơn thứ tha tội lỗi của Ngài” (106). Thế nên sẽ có một mối liên kết vĩnh viễn giữa “ngày của Chúa” với “ngày của con người”. Khi giới luật thần linh dạy rằng: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho ngày này thánh hảo” (Ex 20:8), thì các giới răn còn lại để tôn kính ngày được giành cho Thiên Chúa này không còn là một gánh nặng đè lên con người nữa, trái lại, là một phương trợ giúp cho họ nhận ra việc lệ thuộc ban sự sống và giải thoát của họ vào Đấng Hóa Công, cũng như nhận ra việc họ được kêu gọi cộng tác với công cuộc của Đấng Hóa Công và việc họ lãnh nhận ân sủng của Ngài. Trong việc tôn kính “sự nghỉ ngơi” của Thiên Chúa, con người mới hoàn toàn nhận ra được bản thân mình, nhờ đó, Ngày Của Chúa mang ấn tín sâu xa việc chúc lành của Thiên Chúa (x Gen 2:3), vì thế, chúng ta có thể nói, nó được ban, cùng một cách thức, cho cả thú vật lẫn cho chính con người, một thứ “phong phú” (x Gen 1:22,28). Thứ “phong phú” này trên hết hiển nhiên là việc làm trọn vẹn, và ở một nghĩa nào đó, “làm tăng bội” chính thời gian, khiến cho con người nam nữ sâu xa cảm thấy đượn niềm vui sống động và ước muốn duy trì cùng thông đạt sự sống.

 

62.           Bởi thế, nhiệm vụ của Kitô hữu là nhớ rằng, mặc dù những thực hành về Ngày Hữu Lễ Do Thái đã qua đi, những thực hành thực sự đã được “nên trọn” nơi Chúa Nhật, thì những lý do chính yếu trong việc giữ “Ngày Của Chúa” thánh hảo – như được ấn định một cách long trọng nơi Thập Giới – vẫn là những gì có công hiệu, mặc dù chúng cần phải được tái giải thích theo chiều hướng thần học và tu đức của Ngày Chúa Nhật: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho thánh hảo, như Chúa là Thiên Chúa của các người truyền dạy các người. Sáu ngày các người cần phải làm việc và làm tất cả những việc làm của các người; thế nhưng, ngày thứ bảy là Ngày Hưu Lễ đối với Chúa là Thiên Chúa của các người. Bởi thế các người không được làm việc gì, các người hay con trai, hoặc con gái, hay đầy tớ nam, hoặc đầy tớ nữ, hay con bò hoặc con lừa, hay bất cứ một con thú nào của các người, hoặc kẻ ngoại bang nào ở trong cổng nhà của các người, hầu cho tôi trai tớ gái của các người cũng được nghỉ ngơi như các người. Các người phải nhớ rằng các người đã làm tôi mọi nơi đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa của các người đã mang các người ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ và bằng cách tay giang thẳng. Bởi thế Chúa là Thiên Chúa của các người đã truyền rằng các người hãy giữ ngày Hưu Lễ” (Deut 5:12-15). Ở đây việc giữ Ngày Hưu Lễ có liên hệ chặt chẽ với việc giải thoát Thiên Chúa đã thực hiện cho dân của Ngài.

 

63.           Chúa Kitô đến để thực hiện một cuộc tân “xuất hành”, để phục hồi tự do cho thành phần bị áp bức. Người đã thi hành nhiều lần chữ alành vào nNgày Hưu Lễ (x Mt 12:9-14 và các đoạn tương tự), chắc chắn không phải để vi phạm đến Ngày của Chúa, mà là để cho thấy trọn vẹn ý nghĩa của ngày này: “Ngày Hưu Lễ được thiết lập cho con người chứ không phải con người cho ngày Hưu Lễ” (Mk 2:27). Chống lại việc giải thích quá duy pháp lý của một số người đồng thời của mình, cũng như để khai triển ý nghĩa thực sự về Ngày Hưu Lễ theo thánh kinh, Chúa Giêsu, với tư cách là “Chúa của Ngày Hưu Lễ” (Mk 2:28), phục hồi cho Ngày Hưu Lễ việc tuân giữ tính chất giải phóng của nó, thận trọng bảo toàn các quyền lợi của Thiên Chúa cũng như các quyền lợi của con người. Đó là lý do tại sao Kitô hữu, thành phần được kêu gọi khi họ phải loan truyền việc giải phóng bởi máu Chúa Kitô, cảm thấy rằng họ có thẩm quyền chuyển ý nghĩa của Ngày Hưu Lễ sang ngày Phục Sinh. Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thực sự đã giải thoát con người khỏi một tình trạng làm nô lệ còn nặng nề trầm trọng hơn bất cứ gánh nặng nào chất trên một thành phần dân chúng bì đè nén – đó là tình trạng nô lệ tội lỗi, một tình trạng nô lệ tội lỗi khiến con người bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, tách biệt khỏi chính mình cũng như khỏi kẻ khác, một tình trạng nô lệ tội lỗi liên lỉ gieo rắc trong lịch sử những mầm mống sự sữ và bạo lực.

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Bài suy niệm tự phát ở Buổi Họp Đầu Tiên Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

 

(tiếp 5 Thứ Tư 6 Thứ Năm)

 

Thế rồi tới huấn dụ “exortamini invicem”. Việc sửa lỗi huynh đệ là một công việc của tình thương. Không ai trong chúng ta có thể thấy được bản thân mình một cách rõ ràng, có thêåthấy được những thiếu sót của mình một cách rõ ràng. Bởi thế nó là một tác động yêu thương, một tác động bổ khuyết lẫn cho nhau, giúp nhau thấy được mình hơn, và sửa chữa lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng một trong những phận vụ của đoàn tính đó là giúp đỡ lẫn nhau, cũng theo ý nghĩa của lời huấn dụ trước, để biết được những thiếu sót mà chính chúng ta không muốn thấy – “ab occultis meis munda me”, lời thánh vịnh nói thế – để giúp nhau hầu chúng ta có thể trở nên cởi mở và có thể thấy được những điều ấy.

 

Dĩ nhiên, công việc tình thương cao cả này, khi giúp nhau để mỗi người có thể thực sự thấy được tính chất nguyên vẹn của mình, và thực hiện như là dụng cụ của Thiên Chúa, đòi phải hết sức khiêm tốn và yêu thương. Chỉ khi nào việc này được xuất phát từ một con tim khiêm hạ, từ con người không đặt mình lên trên kẻ khác, người không coi mình ngon hơn kẻ khác, mà chỉ là một dụng cụ hèn mọn trong việc giúp đỡ nhau. Chỉ khi nào con người cảm thấy được đức khiêm nhượng sâu xa và chân thật này, chỉ khi nào con người cảm thấy rằng những lời lẽ ấy xuất phát từ tình yêu thương chung, từ lòng cảm mến của một đoàn thể chúng ta thuộc về và muốn cùng nhau phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta mới có thể giúp nhau với một tác động yêu thương cao cả.

 

Cũng ở chỗ này, bản văn Hy Lạp còn thêm một số sắc thái; tiếng Hy Lạp này là “paracaleisthe”; nó là căn ngữ cho chữ “Paracletos, paraclesis”, nghĩa là an ủi. Chẳng những là sửa chữa mà còn an ủi nữa, là chia sẻ những khổ đau của người khác, giúp đỡ họ trong lúc khốn khó. Và điều này đối với tôi cũng là một tác động cao cả của lòng cảm mến chân thật theo đoàn thể.

 

Trong rất nhiều trường hợp khó khăn hiển nhiên ngày nay nơi việc chăm sóc mục vụ của chúng ta, một số người thực sự tỏ ra chán chường, không biết làm sao để tiến bước. Vào lúc ấy họ cần đến niềm ủi an, họ cần một người nào đó cận kề khi cảm thấy cô đơn trong tâm can, và thi hành công việc của Chúa Thánh Thần, của Đấng Ủi An: trong việc khích lệ, trong việc đem chúng ta lại với nhau, trong việc giúp đỡ lẫn nhau, những việc được hỗ trợ bởi Thánh Thần là Vị Đại Cố Vấn, Ủi An, và Biện Hộ của chúng ta.

 

Bởi thế, đó là lời mời gọi làm cho chúng ta “ad invicem” đối với công việc của Vị Thánh Thần Ủi An. “Idem sapite”: chúng ta có thể nghe sau tiếng Latinh “sapor”, có “eundem sapore”, có cùng một cảm tính. Tiếng Hy Lạp nói “froneite”, điều giống nhau. Tức là, về bản chất, có cùng một tư tưởng như nhau.

 

Làm thế nào chúng ta, có cùng một tư tưởng về bản chất, giúp chúng ta cùng nhau hướng dẫn Hội Thánh một khi chúng có chung một đức tin là những gì không do ai trong chúng ta sáng tạo nên, nếu không phải là đức tin của Giáo Hội, nền tảng chung hướng dẫn chúng ta, và là đức tin nhờ đó chúng ta là và chúng ta hoạt động hay sao? Bởi thế, nó là một lời mời gọi hãy đặt mình một lần nữa theo tư tưởng chung này, theo đức tin đi trước chúng ta đây.

 

“Non respicias peccata nostra sed fidem Ecclesiae tuae”: Đó là đức tin của Giáo Hội mà Chúa mong thấy nơi chúng ta và cũng là đức tin thứ tha tội lỗi. Để có được niềm tin chung này, chúng ta có thể và cần phải sống đức tin này, mỗi người theo cách thức riêng của mình, nhưng bao giờ cũng biết rằng đức tin này đi trước chúng ta. Và chúng ta cần phải truyền đạt đức tin chung này cho tất cả mọi người khác.

 

Yếu tố này dẫn chúng ta tiếp tục tới lời huấn dụ cuối cùng, lời huấn dụ mang lại bình an sâu xa nơi chúng ta. Tới đây chúng ta cũng có thể nghĩ đến “touto froneite”, đến một đoạn khác của Thư gửi giáo đoàn Philiiphê, nơi đoạn mở đầu của bài đại thánh ca về Chúa Kitô, nơi vị Tông Đồ nói với chúng ta rằng: hãy có cùng một cảm xác như Chúa Kitô, hãy tiến tới chỗ “fronesis”, tới “fronein”, theo tâm tưởng của Chúa Kitô. Nhờ đó, chúng ta mới cùng nhau có đức tin của Giáo Hội, vì với đức tin này, chúng ta có cùng tâm tưởng như Chúa. Hãy cùng nhau suy nghĩ với Chúa Kitô.

 

Đó là lời huấn dụ cuối cùng trong lời cảnh giác này của Thánh Tông Đồ: hãy suy nghĩ với tâm tưởng của Chúa Kitô. Và chúng ta có thể làm điều ấy bằng việc đọc Thánh Kinh là nơi các tâm tưởng của Chúa Kitô là Lời nói với chúng ta. Theo chiều hướng này thì chúng at cần phải tuân giữ việc “lectio divina”, phải lắng nghe tâm tưởng của Chúa Kitô trong các Sách Thánh, biết nghĩ suy với Chúa Kitô, suy nghĩ theo tâm tưởng của Chúa Kitô, và như thế có cùng cảm xác của Chúa Kitô, có thể cống hiến tâm tưởng cho những người khác.

 

Thế nên, lời huấn dụ cuối cùng “pacem habete et eireneuete” hầu như là lời tóm tắt bốn lời huấn dụ trước, nhờ đó được hiệp nhất với Thiên Chúa là an bình của chúng ta, hiệp nhất với Chúa Kitô là Đấng đã nói với chúng ta rằng: “pacem dabo vobis” bình an cho các con. Chúng ta được bình an nội tâm, vì việc hợp với tâm tưởng của Chúa Kitô hiệp nhất hữu thể thực sự của chúng ta. Những khó khăn, nhưữg xung khắc của linh hồn chúng ta đều được liên kết với mạch nguồn, mạch nguồn mà chúng ta là hình ảnh, nhờ tâm tưởng của Chúa Kitô. Đó là cách phát sinh niềm an bình nội tâm, và chỉ khi nào chúng ta được hưởng niềm an bình nội tâm sâu xa này, chúng ta cũng mới trở thành con người của hòa bình trên thế giới và cho tha nhân mà thôi.

 

Bởi vậy vấn đề là phải chăng lời hứa hẹn ấy được điều kiện hóa bởi các lời huấn dụ ấy? Tức là, phải chăng chỉ khi nào chúng ta đạt được những lời huấn dụ ấy thì Vị Thiên Chúa của bình an này mới ở cùng chúng ta? Mối liên hệ giữa lời huấn dụ và lời hứa là gì?

 

Tôi có thể nói rằng nó là vấn đề song phương, tức là, lời hứa đi trước các lời huấn dụ, và làm cho các lời huấn dụ khả đạt cũng như việc thực hiện áp dụng những lời huấn dụ ấy. Trước hết đó là những gì chúng ta có thể làm, Vị Thiên Chúa của tình yêu và của an bình đã mở toang ra cho chúng ta, Ngài ở với chúng ta. Trong Mạc Khải được mở đầu bằng Cựu Ước, Thiên Chúa đã đến với chúng ta bằng tình yêu của Ngài và bằng an bình của Ngài.

 

Sau hết, nơi việc Nhập Thể, Ngài đã trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Emmanuel. Vị Thiên Chúa của an bình này ở với chúng ta là vị đã hóa thành nhục thể với nhục thể của chúng ta, với máu là máu của chúng ta. Người là con người ở với chúng ta và ôm ấp toàn thể loài người. Rồi nơi thập tự giá cũng như nơi việc xuống ngục tổ tông, Người đã hoàn toàn nên một với chúng ta. Người ra đi trước chúng ta bằng tình yêu thương của Người, và Người ôm ấp trước hết những tác hành của chúng ta. Và đó là niềm an ủi lớn lao của chúng ta. Thiên Chúa đi trước chúng ta. Người đã thực hiện hết mọi sự. Người đã ban cho chúng ta bình an, tha thứ và yêu thương. Người ở với chúng ta.

 

Và chỉ vì Người ở với chúng ta, vì chúng ta đã lãnh nhận ân sủng của Người nơi phép rửa, nơi bí tích thêm sức mà Thánh Linh là Đấng chúng ta đã lãnh nhận sứ vụ của Người nơi bí tích truyền chức thánh – giờ đây chúng ta có thể hợp tác với sự hiện diện của Người là những gì có trước chúng ta.

 

Tất cả mọi tác động của chúng ta được nhắc đến trong 5 lời huấn dụ ấy bao hàm việc cộng tác, việc hợp lực với vị Thiên Chúa của an bình là Đấng ở cùng chúng ta. Tuy nhiên, mặt khác điều này cũng đúng ở chỗ chúng ta thực sự tiến vào sự hiện diện được Ngài ban cho chúng ta đây, nơi tặng ân đang hiện hữu nơi hữu thể của chúng ta. Nhờ đó, việc hiện diện của Ngài, và việc Ngài ở cùng chúng ta, được củng cố.

 

Chúng ta hãy xin Chúa dạy cho chúng ta biết hợp tác với ân sủng có trước của Ngài để Ngài luôn thực sự ở với chúng ta. Amen!

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 4/10/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ