GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 1/11/2005 |
? Tòa Thánh Lên Tiếng về Tình Hình Thánh Địa và Trung Đông, đặc biệt Phản Đối Lời Tuyên Bố của Tổng Thống Iran Muốn Loại Trừ Do Thái
“Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới” (tiếp và hết)
? Tượng Đức Mẹ Khóc ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Việt Nam (tiếp): Những phủ nhận ban đầu
Tòa Thánh Lên Tiếng về Tình Hình Thánh Địa và Trung Đông, đặc biệt Phản Đối Lời Tuyên Bố của Tổng Thống Iran Muốn Loại Trừ Do Thái
Vào chiều ngày Thứ Sáu, 28/10/2005, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls, đã phổ biến một văn bản liên quan tới chung tình hình Thánh Địa, Trung Đông và riêng lời tuyên bố của Tổng Thống Iran về Do Thái, nguyên văn như sau:
«Những biến chuyển trầm trọng ở Thánh Địa trong mấy ngày qua đã khiến Tòa Thánh hết sức quan tâm, để hợp cùng toàn thể cộng đồng quốc tế, bày tỏ việc mạnh mẽ lên án của mình đối với những hành động bạo lực - cuộc khủng bố tấn công ở Hadera cùng việc trả đũa sau đó - bất cứ những hành động bạo lực ấy gây ra bởi phe nào, cũng như đối với những tuyên bố hết sức hệ trọng và bất khả chấp trong việc chối bỏ quyền hiện hữu của Nước Do Thái.
«Nhân dịp này, Tòa Thánh tái khẳng định quyền của cả người Do Thái cũng như Palestine đều được sống trong an bình và an ninh, mỗi bên trong Quốc Gia chủ quyền của mình.
«Tòa Thánh đồng thời cũng cảm thấy có nhiệm vụ lập lại lời kêu gọi của mình với những vị lãnh đạo của tất cả mọi dân tộc ở Trung Đông là hãy lắng nghe nỗi khát vọng hòa bình và công lý xuất phát từ thành phần dân chúng này, hãy tránh đi những hành động cùng với những quyết định gây ra chia rẽ và chết chóc, và hãy can đảm cương quyết dấn thân kiến tạo những điều kiện tối thiểu nhất cho việc tái đối thoại với nhau là đường lối duy nhất để bảo đảm tương lai của hòa bình và thịnh vượng cho con cái của mảnh đất này».
Hôm nay, Chúa Nhật 30/10/2005, Tổng Thống Iran Ahmadinejad nói rằng những lời yêu cầu của ông mới đây đòi xóa tên Do Thái trên bản đồ thế giới là một phần của chính sách ấn định của Iran nhất định không thay đổi.
Thật vậy, bóng tối lại bao trùm Thánh Địa. Đầu năm 2005 mở ra một chân trời rất rạng ngời cho Thánh Địa khi hai vị lãnh đạo cao cấp của Do Thái là Sharon và Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Abbas gặp nhau vào ngày 8/2/2005, với những lời tuyên ngôn ngưng chiến và quyết tâm tiến tới hòa bình giữa đôi bên. Thế rồi, bên Do Thái, bất chấp những chống đối nội bộ, cũng đã thực hiện lời hứa quyết rút kui khỏi giải Gaza vào ngày 11-12/9/2005, sau 38 năm chiếm đóng khu vực này.
Tuy nhiên, bầu trời hòa bình vẫn có một cái gì đó mờ mịt mung lung làm sao ấy, cho tới khi khủng bố bạo loạn lại bắt đầy xẩy ra và tái diễn cảnh mắt đền mắt răng đền răng giữa đôi bên như đã từng xẩy ra từ mùa thu năm 2000. Đúng thế, tiến trình hòa bình như hy vọng đã vươn lên từ đầu năm 2005 sau 8 tháng lầm lì chậm bước đã bắt đầu bị khựng lại vào chiều hôm Thứ Tư 26/10/2005, khi nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo tự nhận mình đã thực hiện cuộc tự sát khủng bố tấn công vào một khu chợ trời, 40 dặm hay 64 cây số ở miền bắc thủ đô Tel Aviv, gây thiệt mạng cho 5 người Do Thái, và làm 28 người bị thương, trong đó có 6 người trọng thương. Cũng ở hiện trường Hadera thuộc miền trung nước Do Thái này đã xẩy ra cuộc tấn công vào tháng 10/2003, sát hại 14 người ở gần một chiếc xe buýt đầy người.
Một nhân vật tuyên bố mình đại diện cho nhóm khủng bố tấn công cho CNN biết lý do tại sao xẩy ra vụ này là vì muốn trả đũa Do Thái đã hạ sát một trong những lãnh tụ của nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo này hôm Thứ Hai 24/10/2005 ở vùng Tây Ngạn. Lực lượng Do Thái công nhận có làm điều ấy, tức đã hạ sát Fathalla Saadi, 26 tuổi, cùng với một số trong nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo của anh này ở Tulkarem, là vì, cũng vào hôm Thứ Hai, lực lượng Quốc Phòng Do Thái cho biết qua một văn thư rằng Saadi đang mưu đồ thực hiện một cuộc khủng bố tấn công bao gồm “việc ôm bom tự vẫn trong vùng Do Thái trong vòng mấy ngày nữa”.
Trưởng ban thương thảo của Palestine là Saeb Erakat nói rằng Thẩm Quyền Palestine lên án cuộc khủng bố tấn công hôm Thứ Tư của nhóm Thánh Chiến Quân Hồi Giáo: “Chúng ta không muốn trở lại với cái vòng lẩn quẫn tội phạm. Bạo lực trả đũa bạo lực, đạn tên trả đũa đạn tên, chúng ta đã từng như thế vậy trước đây rồi. Do Thái và Palestine sẽ phải trả giá rất nặng nếu không thôi chấm dứt bạo động”.
Phần Do Thái, phát ngôn viên của Thủ Tường Ariel Sharon, bãi bỏ lời lên án của bên Thẩm Quyền Palestine và trực tiếp tấn công nhân vật lãnh đạo là Tổng Thống Thẩm Quyền Mahmoud Abbas, cũng mang danh là Abu Mazen, như kiểu “tội qui vu trưởng”, ở chỗ “ngồi khoanh tay chẳng làm gì cả”: “Nếu Abu Mazen không có những hành động thực sự nghiêm khắc để chấm dứt khủng bố tấn công – bằng cáh tống giam thành phần khủng bố, giải giới các nhóm võ trang – thì sớm muộn họ hãy canh chừng ông ta”.
Cuộc khủng bố tấn công Do Thái hôm Thứ Tư vừa rồi là những gì tái diễn hai cuộc xẩy ra trước đó trong thời gian hai bên đang cố gắng thực hiện lộ trình hòa bình ký kết với nhau từ tháng 2/2005. Ngày 28/8, một cuộc khủng bố tấn công ôm bom tự sát đã gây thương tích cho 21 người ở một tỉnh miền nam Beersheba.
Trước những cuộc khủng bố tấn công từ bên Palestine như thế, Do Thái đã không nhường nhịn nữa. Bởi thế, sau mấy tiếng đồng hồ Thủ Tướng Sharon thề sẽ đập tan thành phần khủng bố để trả đũa cuộc khủng bố tấn công của họ, chiều tối hôm Thứ Năm, 27/10/2005, lực lượng Do Thái đã dội bom để triệt hạ một chiếc xe chở dân quân Palestine ở phía bắc Thành Gaza, hạ sát 7 người, trong đó có một chỉ huy trưởng Thánh Chiến Quân Hồi Giáo là Shadi Mohanna và 3 phần tử trong nhóm, chưa kể 3 thường dân cũng bị lây, trong đó có 1 em trai 15 tuổi và một nam nhân lục tuổi, cùng với 14 người khác bị thương, một số bị trọng thương.
Vị thủ tướng Do Thái còn tuyên bố rằng ông sẽ không gặp Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine cho đến khi vị lãnh đạo Palestine tỏ ra “những hành động nghiêm trọng và tỏ tường chống lại nạn khủng bố”. Vị thủ tướng này cũng chấp thuận một số biện pháp chống khủng bố tấn công, kể cả việc hạ sát và giam giữ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu của VIS ngày 31/10/2005 và CNN ngày 27-28/10/2005
“Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”
(tiếp 27 Thứ Năm, 28 Thứ Sáu, 29 Thứ Bảy, 30 Chúa Nhật và 31 Thứ Hai)
Trong phiên họp chung thứ 20 hôm Thứ Sáu 21/10/2005, các vị nghị phụ đã chấp thuận Sứ Điệp của Thượng Nghị Giám Mục gửi Dân Chúa khi kết thúc biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI. Sau đây là nguyên văn bản sứ điệp này:
Để Tất Cả Được Hiệp Nhất Nên Một
24. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lập lại việc Giáo Hội hết sức dấn thân cho việc đại kết. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về mối hiệp nhất này (x Jn 17:21), vì tất cả chúng ta đều là chi thể của gia đình Thiên Chúa nhờ Phép Rửa chúng ta lãnh nhận, với đặc ân có cùng một phẩm vị căn bản và được tham phần vào tặng ân sự sống thần linh theo bí tích đặc biệt ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy buồn lòng về tình trạng phân chia làm ngăn trở việc cử hành Thánh Thể chung. Chúng ta muốn gia tăng lời nguyện cầu cho mối hiệp nhất trong các cộng đồng, việc trao đổi các tặng ân giữa chư Giáo Hội cùng các cộng đồng giáo hội, cũng như việc giao tiếp tương kính và huynh đệ giữa mọi người, nhờ đó chúng ta hiểu biết nhau hơn và yêu thương nhau hơn, tôn trọng và cảm nhận những khác biệt của nhau cùng với những giá trị chung của chúng ta. Những qui lệ xác đáng ấy của Giáo Hội cho thấy chúng tôi chủ trương muốn chia sẻ Thánh Thể với anh chị em chưa hoàn toàn hiệp thông với chúng tôi. Một thứ luật phép lành mạnh là những gì ngăn ngừa tình trạng lẫn lộn cùng những cử chỉ bất khôn có thể mang lại tai hại hơn nữa cho mối hiệp thông chân thực.
25. Là Kitô hữu, chúng ta gần gũi với những thành phần miêu duệ khác của Abraham, đó là những người Do Thái, những con người đầu tiên thừa hưởng Giao Ước, và những người Hồi giáo. Trong việc cử hành Thánh Thể, chúng tôi cũng tin rằng chúng ta, theo lời của Thánh Âu Quốc Tinh, là “một bí tích nhân tính” (Thánh Đô Thiên Chúa, 16), là tiếng vang của tất cả mọi lời nguyện cầu và van xin từ đất dâng lên Thiên Chúa.
Kết Luận: Một Nền Hòa Bình Tràn Đầy Hy Vọng
Anh Chị Em thân mến,
26. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa về cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI này, một cuộc thượng nghị, được triệu tập 40 năm sau Công Đồng Chung Vaticanô II, đã giúp cho chúng tôi trở về với nguồn mạch của mầu nhiệm Giáo Hội. Bởi thế chúng ta bế mạc Năm Thánh Thể ở một cao điểm, một cao điểm vững mạnh nơi mối hiệp nhất và canh tân nơi lòng nhiệt thành tông đồ truyền giáo.
Vào đầu thế kỷ thứ tư, việc thờ phượng của Kitô giáo vẫn còn bị các thẩm quyền của Đế Quốc Rôma cấm đoán. Các Kitô hữu ở Bắc Phi Châu, quyết tâm cử hành Ngày của Chúa, đã coi thường lệnh cấm ấy. Họ đã chịu tử đạo, vì họ tuyên bố rằng họ không thể sống mà không cử hành Thánh Thể Chúa Nhật. 49 vị Tử Đạo ở Abitene, hiệp với rất nhiều vị thánh và chân phước lấy Thánh Thể làm tâm điểm của đời mình, đang nguyện cầu cho chúng ta đang ở vào đầu tân thiên kỷ này. Các vị dạy chúng ta biết trung thành với việc qui tụ lại của Tân Ước với Chúa Kitô Phục Sinh.
Vào lúc kết thúc cuộc Thượng Nghị này, chúng tôi cảm thấy cái An Bình đầy hy vọng của hai người môn đệ đi về làng Emmau, những con người được Chúa Kitô Phục Sinh làm cho bừng nóng tâm can. Các vị đã chỗi dậy và vội vã trở về Giêrusalem để chia sẻ niềm vui của mình với anh chị em trong đức tin của các vị. Chúng tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ hân hoan đến gặp gỡ Người trong Thánh Thể, và anh chị em sẽ cảm nghiệm được cái chân thực nơi lời Người đã nói: “Và đây Thày ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Anh Chị Em thân mến, xin Bình An ở cùng anh chị em!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2005
?
Tượng Đức Mẹ Khóc ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Việt Nam:
Những phủ nhận ban đầu
Vào chiều Thứ Bảy 29/10/2005, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã loan báo như sau:
“Sáng nay, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thực hiện một cuộc hành hương riêng tư đến đền Thánh mẫu ‘Mẹ Ân Sủng’ ở Mentorella (trong giáo phận Tivoli, giáo tỉnh Rôma). Ở đó ngài đã cử hành Thánh Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria, rồi trở về Tông Dinh Vatican vào buổi trưa”.
Đức Gioan Phaolô II cũng đã đến viếng Đền Thánh Mẫu Mentorella vào ngày 29/10/1978, một cuộc hành hương đầu tiên trong giáo triều của ngài ở ngoài Rôma.
Chính vào Ngày Thứ Bảy cuối Tháng Mân Côi 2005 này, ở Việt Nam đã xẩy ra hiện tượng Thánh Mẫu: Tượng Đức Mẹ Khóc ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Việt Nam, như đã được loan tin từ hai ngày vừa qua (31 Thứ Hai và 30 Chúa Nhật).
Sau đây là một bản tin của báo
Tiền Phong, dựa vào tin của báo SGGP, hôm Chủ Nhật, 30/10/2005, lúc 13:19 giờ về
hiện tượng này như sau.
“Tin đồn
thất thiệt gây kẹt xe nhiều giờ liền
|
Lúc 20 giờ ngày 29/10, một vụ kẹt xe lớn kéo dài nhiều giờ
liền xảy ra tại một số tuyến đường xung quanh khu vực tượng Đức Mẹ trước nhà thờ
Đức Bà (thuộc phường Bến Nghé quận 1).
Nguyên nhân do một số người phát hiện một vệt trắng xuất hiện bên má phải của
tượng Đức Mẹ và phao tin thất thiệt "Đức Mẹ khóc" làm nhiều người hiếu kỳ tụ tập
xung quanh khu vực này. Ghi nhận tại hiện trường, đây là khu vực ánh sáng yếu
nên dễ gây sự ngộ nhận.
Công an phường Bến Nghé và Công an quận 1 đã có mặt kịp thời để điều phối giao
thông và giữ an ninh trật tự. Ngay trong đêm phóng viên đã gặp và trao đổi với
linh mục Huỳnh Công Minh - Tổng đại diện Giáo phận TPHCM, Chánh xứ nhà thờ Chánh
Tòa - về vấn đề này.
Linh mục Huỳnh Công Minh khẳng định: "Đây là tin đồn thất thiệt. Vì tượng đặt
ngoài trời không lau chùi nên có thể có vết này, vết khác sau khi mưa. Và có thể
có nhiều người có lòng tin, nhìn vào cứ tưởng Đức Mẹ khóc, chứ không dựa trên cơ
sở nào.
Sáng nay (30/10), khi làm lễ tại nhà thờ, tôi sẽ thông báo đến các linh mục
trong toàn thành phố, lưu ý bà con giáo dân không nên nghe theo tin đồn gây mất
trật tự và ảnh hưởng xấu về đạo".
Thoidiemmaria đồng thời cũng nhận được trực tiếp riêng một điện thư từ ntntrinh@hyundai-vinashin.com hôm nay, Thứ Hai 31/10/2005, nguyên văn như sau:
TPHCM: Tượng Đức Mẹ khóc ở nhà thờ Đức Bà?
Các cha xứ đạo Công giáo ở TPHCM khẳng định tin đồn "Đức Mẹ khóc" là không có cơ sở nhưng trong ngày 30/10, hàng ngàn người vẫn đổ về khu vực trước chân tượng Đức Mẹ để cầu nguyện và... mua ảnh!
Lúc 22 giờ 40 ngày 29/10, điện thoại di động của chúng tôi nhận được tin nhắn của một người bạn: "Ở nhà thờ Đức Bà, Đức Mẹ đang khóc". Gọi điện cho một người bạn thường đi đêm, anh cũng trên đường đến "hiện trường" và lọt giữa một vụ kẹt xe kéo dài trên đường Nguyễn Du (P.Bến Nghé, Q.1), do dòng người hiếu kỳ cứ mỗi lúc một đông tề tựu về trước tượng Đức Mẹ để xem một vệt trắng bên má trái chảy dài từ hốc mắt xuống đến cằm.
Đến sáng 30/10 thì lực lượng công an đã phải dựng hàng rào phong tỏa toàn bộ các ngả đường dẫn vào khu vực nhà thờ Đức Bà, ngăn không cho ô tô và xe gắn máy vào để bảo đảm trật tự cho dòng người tham quan tượng Đức Mẹ.
Trao đổi với chúng tôi, một quan chức của UBND Q.1 nói rằng chính quyền sẽ nỗ lực làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân đến tham quan tượng Đức Mẹ chứ không bình luận gì về vấn đề này.
Có mặt tại hiện trường suốt ngày hôm qua, chúng tôi ghi nhận việc tham quan của người dân, dù mỗi lúc một đông, già có, trẻ có... nhưng đã diễn ra trong cảnh trật tự. Hầu hết những phụ nữ lớn tuổi và trẻ em đi theo đều không tiếp cận được khu vực trước mặt và dưới chân tượng Đức Mẹ để có thể nhìn thấy vệt trắng thì đã có sẵn những bức ảnh chân dung Đức Mẹ được những người "nhạy bén" ở khu vực nhà thờ Đức Bà bán lại với giá 10.000 đồng (ảnh khổ 10x15 cm) và 5.000 đồng (khổ 9x12 cm) một tấm.
Một số người tỏ ra "chuyên nghiệp" thì lủng lẳng trước ngực những chiếc ống nhòm loại lớn nhưng cũng chỉ ngắm một chút thì tản ra chiếm lĩnh những băng ghế đá ngồi nghỉ chân rồi tháo lui theo hướng đường Lê Duẩn. Nhưng dòng người mới cứ liên tục đổ về, tề tựu trước tượng Đức Mẹ và cầu nguyện...
|
Thực ra từ ngay trong đêm 29/10, linh mục Huỳnh Công Minh, Chánh xứ nhà thờ Đức Bà cùng với cấp dưới của mình đã có mặt tại hiện trường để giải thích cho mọi người rằng không có cơ sở nào để nói Đức Mẹ khóc, nhưng vẫn không giải tán được đám đông.
Đến sáng 30/10, một số tờ báo ngày đã đăng ý kiến của linh mục Chánh xứ nhà thờ Đức Bà, nguyên văn như sau: "Đây là tin đồn thất thiệt. Vì tượng đặt ngoài trời không có lau chùi nên có thể có vết này vết khác sau khi mưa. Và có thể có nhiều người có lòng tin, nhìn vào cứ tưởng Đức Mẹ khóc, chứ không dựa trên cơ sở nào...".
Và trong khi đám đông hàng trăm người vẫn tập trung trước tượng Đức Mẹ thì trong ngày hôm qua, các lễ ở nhà thờ Đức Bà vẫn diễn ra bình thường, các cha đạo thậm chí đã không đề cập gì đến "hiện tượng" ấy trong phiên lễ.
Còn tại Tòa Tổng giám mục ở đường Nguyễn Đình Chiểu, cả hai cổng đều im ỉm đóng suốt trong ngày hôm qua khi chúng tôi tìm đến. Qua nhiều cuộc điện thoại, thấy chúng tôi nài nỉ xin gặp Đức Hồng y, nhân viên trực tổng đài của Tòa Tổng giám mục khuyên: "Cha Chánh xứ nhà thờ Đức Bà đã phát biểu trên báo rồi, các anh cứ đọc đi, hỏi nữa cũng vậy thôi".
Theo Võ Khối, Báo Thanh niên