GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 2/9/2005

 

1) ĐTC Biển Đức XVI – Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 126 (127) cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 31/8/2005: “Không có Thiên Chúa, Tất Cả Mọi Nỗ Lực của Chúng Ta đều Thất Bại

2) Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Nhận định của một phóng viên ký giả

3) Triết Lý Thực Chứng – Hiểu Biết Là Hành Động

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI – Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 126 (127) cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 31/8/2005: “Không có Thiên Chúa, Tất Cả Mọi Nỗ Lực của Chúng Ta đều Thất Bại

 

1.         Bài Thánh Vịnh 126 (127) vừa được công bố làm hiện lên trước mắt chúng ta một cảnh tượng chuyển động, đó là một ngôi nhà đang được kiến thiết, một thành đô có lính canh, đời sống gia đình, các đội canh đêm, hoạt động hằng ngày, những bí mật lớn nhỏ trong đời sống. Tuy nhiên, bên trên tất cả những thứ ấy là một sự hiện diện quyết liệt, đó là sự hiện diện của Chúa, Đấng canh chừng các hoạt động của con người, như câu mở đầu sắc nét của bài thánh vịnh này cho thấy: “Nếu Chúa không ra tay dựng nhà thì họ chỉ luống công xây cất mà thôi” (câu 1)

 

Thật vậy, một xã hội vững vàng đã được xuất phát từ việc dấn thân của tất cả mọi phần tử của mình, thế nhưng nó cần được chúc phúc và nâng đỡ của vị Thiên Chúa mà tiếc thay là Đấng thường bị loại trừ và bỏ bê. Sách Cách Ngôn nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của tác động thần linh đối với phúc hạnh của một cộng đồng, và nó đề cao như thế một cách triệt để, khi khẳng định là “phúc lành của Chúa làm cho phong phú, và Ngài không pha trộn phúc lành ấy với sầu thương” (Pro 10:22).

 

2.         Bài thánh vịnh khôn ngoan này, hoa trái của việc suy niệm về thực tại của đời sống hằng ngày này, được xây dựng một cách thiết yếu trên một điều tương phản, đó là không có Chúa thì người ta luống công tìm cách xây dựng một ngôi nhà vững chắc, xây dựng một thành phố an toàn, làm cho lao công của con người sinh hoa kết trái (x Ps 126[127]:1-2). Trái lại, với Chúa, người ta được thịnh vượng và phong phú, một gia đình đông con cái và thanh nhàn, một thành phố đầy dự trữ và vững chắc, không liên lỉ có những âu lo và bất ổn (x câu 3-5).

Bài thánh vịnh mở đầu bằng cách qui hướng về Chúa, Đấng được diễn tả như là người thợ xây nhà và là người canh chứng thành đô (x Ps 120[121]:1-8). Sáng dậy, con người đi làm việc cần cù để nuôi gia đình mình cũng như để giúp vào việc phát triển của xã hội. Nó là công việc làm tiêu hao nghị lực của họ, làm cho trán họ đổ mồ hôi (x Gen 3:19) cả ngày trời (x Ps 126[127]:2).

3.         Đúng thế, thánh vịnh gia không ngần ngại khẳng định rằng việc lao nhọc ấy là những gì vô bổ nếu Thiên Chúa không ở bên kẻ khổ công làm việc. Trái lại, vị này cũng khẳng định là Thiên Chúa thậm chí tưởng thưởng cho giấc ngủ của bạn bè Ngài. Vậy vị thánh vịnh gia này muốn tuyên tụng vai trò chính yếu của ân sủng thần linh, những gì khiến cho hoạt động của con người được liên tục và đáng giá, cho dù có tính cách hạn hẹp và tạm bợ. Bằng việc bình thản và trung thành trao phó quyền tự do của mình cho Chúa, các hoạt động của chúng ta đồng thời cũng trở nên vững chắc, có thể sinh hoa kết trái lâu bền. Bởi thế mà “giấc ngủ” của chúng ta trở thành một cuộc nghỉ ngơi Chúa ban, một cuộc nghỉ ngơi được chúc phúc, một cuộc nghỉ ngơi để đóng chấm một thứ hoạt động mang ý nghĩa và liên tục.

4.         Đến đây chúng ta tiến sang một cảnh khác được diễn tả trong bài thánh vịnh của chúng ta đây. Chúa ban tặng ân con cái, thành phần được coi như là phúc lành và ân huệ, một dấu hiệu tiếp tục của sự sống và là dấu hiệu của một lịch sử cứu độ tiến đến những giai đoạn mới mẻ (x câu 3). Thánh vịnh gia đặc biệt đề cao “con cái được sinh ra trong thời trẻ trung của con người”: Người cha có con cái trong thời trẻ trung của mình chẳng những thấy chúng hết sức khỏe mạnh cường tráng, mà chúng còn là sự đỡ nâng của họ trong tuổi già. Bởi thế họ có thể an tâm đương đầu với tương lai, trở thành như một chiến binh, được trang bị bằng những “mũi tên” sắc nhọn và thắng đoạt là con cái của họ.

Mục đích của hình ảnh ấy, một hình ảnh theo văn hóa bấy giờ, là để hoan hưởng sự an ninh, vững chắc, sức mạnh của một gia đình đông đúc, một hình ảnh như được lập lại ở bài Thánh Vịnh sau đó 127 (128), trong đó hiện lên hình ảnh của một gia đình hạnh phúc.

Hình ảnh cuối cùng diễn tả một người cha được vây bọc bởi con cái của mình, một người cha được kính cẩn chào hỏi ở cổng thành, ở nơi sinh hoạt chung. Bởi thế, việc sinh sản là tặng ân mang lại sự sống và phúc hạnh cho xã hội. Chúng ta thấy được điều này trong thời đại của chúng ta đây đối với các quốc gia đang bị hụt hẫng, bởi cái mất mát về nhân số, cái mới mẻ, sinh động và tương lai được hiện thân nơi thành phần con trẻ. Tuy nhiên, sự hiện diện ân phúc của Thiên Chúa là nguồn sự sống và hy vọng vẫn là những gì vượt lên trên tất cả mọi sự.

 

5.         Bài Thánh Vịnh 126 (127) thường được các tác giả về tu đức dùng để thực sự đề cao việc hiện diện thần linh, một sự hiện diện quyết liệt để tiến triển trên con đường trọn lành và xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa. Bởi vậy mà đan sĩ Isaia (chết ở Gaza năm 491), khi nhắc lại trong cuốn “Asceticon” (Logos 4, 118) của mình mẫu gương của các vị tổ phụ và tiên tri thì dạy rằng: “Họ đặt mình dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa, nài xin ơn trợ giúp của Ngài, chứ không tin tưởng vào một số việc hoàn tất nào của họ cả. Và đối với họ, việc bảo vệ của Thiên Chúa là một thành trì vững chắc, vị họ biết rằng không có Chúa giúp họ trở nên bất lực và lòng khiêm tốn của họ khiến họ cùng với Thánh Vịnh gia kêu lên rằng: ‘Nếu Chúa không xây nhà thì những ai xây cất đều bị luống công vô ích. Nếu Chúa không canh chừng thành đô thì kẻ trông coi có tỉnh thức cũng bằng thừa’” ("Recueil Ascétique," Abbey of Bellefontaine, 1976, pp. 74-75).

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,

 

Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em về Bài Thánh Vịnh 126, bài thánh vịnh nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ những gì chúng ta làm hay đảm nhận chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu nó được Chúa chúc phúc. Không có Chúa, tất cả mọi nỗ lực của chúng ta sẽ hoàn toàn bị thua bại. Với Chúa, chúng ta sẽ tìm được thịnh vượng và hạnh phúc, các việc lao nhọc của chúng ta sẽ sinh hoa trái, và đời sống của chúng ta sẽ được an ninh.

 

Thánh Vịnh gia cũng nhắc nhở chúng ta rằng tặng ân con cái là một phúc lành đặc biệt của Thiên Chúa, là nguồn mạch của niềm vui và sự nâng đỡ, đặc biệt trong tuổi già. Con cái cũng là một phúc lành cho cả xã hội nữa, làm cho xã hội được đặc biệt tươi trẻ và có tương lai. Chúng ta dễ nghĩ tới những xã hội ngày nay đang thiếu mất nghị lực và hy vọng vì vấn đề giảm sút mức sinh sản. Chớ gì phúc lành của Thiên Chúa mang đến cho các xã hội ấy sự sống mới, hy vọng mới! Và chớ gì chúng ta tất cả nhìn nhận rằng với ơn Chúa giúp công việc của chúng ta mới có thể thành đạt, vì “Nếu Chúa không xây nhà thì những ai xây cất đều bị luống công vô ích”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 31/8/2005

 

TOP

 

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Nhận định của một phóng viên ký giả

 

Theo ký giả Gian Franco Svidercoschi, một người Ý gốc Balan, nhân vật đã từng theo dõi khít khao các biến cố của Công Đoàn này được bừng nổ ở các xưởng làm tầu ở Gdansk, thì các thành quả của nó chưa được người ta hoàn toàn tường tận. Trước khi làm Giáo Hoàng, ĐHY Karol Wojtyla đã cám ơn vị ký giả này về việc ông nghiên cứu về Balan. Sau đó ông đã làm phụ tá cho tờ L’Osservatore Romano. Ông còn là tác giả của văn bản truyền hình cuốn phim “Những Câu Truyện về Karol: Cuộc Đời Ẩn Kín của Đức Gioan Phaolô II”. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông đã giải thích làm thế nào các biến cố 30-31/8/1980 đã xẩy ra, một biến cố đã làm đổi thay lịch sử nhân loại.

 

Vấn:     Tại sao ông gọi nó là một cuộc cách mạng?

 

Đáp:    Vì nó đã là một cuộc cách mạng của toàn thể dân chúng. Vì qua nhiều năm, vốn đã có “những cuộc cách mạng nhỏ”, như ĐHY Stefan Wyszynski đã gọi chúng: vào năm 1956 của thành phần lao động; năm 1968 của sinh viên và thành phần trí thức; năm 1970 lại do thành phần lao động ở vùng Baltic; cho đến năm 1976 khi có một cuộc chống đối về lao động xẩy ra làm ảnh hưởng tới cuộc hiệp nhất của toàn thể xã hội.

 

Thành phần lao động chống đối và phải trả giá bằng việc bị tống ngục, thế nhưng, đó là lần đầu tiên sinh viên cũng như các nhóm xã hội khác đã tham gia với họ cách này hay cách khác. Những gì đã được kiến tạo chúng ta gọi là chủ thể của nước Balan. Từ đó mà Công Đoàn đã xuất phát.

 

Vào ngày 1/7/1980, một cuộc xuống đường đã xẩy ra. Chế độ Cộng sản đã cố gắng làm lắng dịu làn sóng, bằng việc tăng lương, thế nhưng sau đó, như một phản ứng giây chuyền, một cuộc xuống đường ở một hãng khác diễn ra, rồi lại một cuộc xuống đường khác xẩy ra gần đó. Bởi vậy mà nhà của những quân bài đã đi đến chỗ đổ nhào xuống khắp cả quốc gia.

 

Những xưởng làm tầu vùng Baltic bắt đầu xuống đường vào ngày 15/8. Đã xẩy ra một cuộc chống đối thực sự ở đó, một cuộc chống đối mạnh nhất ở toàn nước Balan.

 

Chế độ Cộng sản Ba Lan, để đương đầu với Leonid Brezhnev, nhân vật ở Moscow sợ rằng vết thương Balan sẽ lan ra khắp nơi, đã quyết định ký kết những hiệp ước nổi tiếng Gdansk giữa ngày 30-31/8.


Vấn:     Tại sao chúng đã đi vào lịch sử?

 

Đáp:    Vì chúng chẳng những là một thứ chương trình về xã hội mà còn là một thứ chương trình về đạo lý học nữa. Trong số những đòi hỏi khác còn có việc đòi hỏi các chương trình của Giáo Hội trong việc truyền thông nữa. Khía cạnh tôn giáo đạo lý đã được hiện  diện ngay trong các cuộc chống đối: đó là những hình ảnh của Đức Bà Đen và Đức Gioan Phaolô II ở những cổng của các xưởng đóng tầu Gdansk.


Vấn:     Giáo Hội đã ảnh hướng tới mức nào nơi thành phần lao động này?

 

Đáp:    Ngay cả những người thuộc về cánh tả, hay thành phần bất đồng của Cộng sản, cũng tìm thấy được sự nâng đỡ của Giáo Hội.

 

Vì đã lâu đời người ta nghĩ rằng Giáo Hội Balan là một Giáo Hội bảo thủ. Tuy nhiên, nó đã được canh tân sau Công Đồng Chung Vatican II, bởi thế, nó không bênh vực tự do riêng của mình mà là tự do của con người, bất kể đảng phái hay tôn giáo của họ.

 

Ngoài tất cả những gì thuộc về việc dấn thân này của Giáo Hội ở Balan – Stalin luôn nói rằng: Hay biết mấy nếu ĐHY Wyszynski ở về phía chúng ta – 2 năm trước đó việc tuyển bầu một vị Giáo Hoàng Balan đã diễn ra. Ngài là một loại người bảo vệ cái dù cho cuộc cách mạng đang hình thành ở Balan, thế nhưng cuộc cách mạng sẽ có một năng lực lan tràn toàn thể Đông Âu.


Vấn:     Tại sao Vị Giáo Hoàng người Balan lại quá quan trọng như thế?

 

Đáp:    Ngài quan trọng không phải là “tác giả” của cuộc sụp đổ Bức Tường Bá Linh, […] mà vì chính sự kiện có một Vị Giáo Hoàng người Balan ở Rôma, một vị Giáo Hoàng của quốc gia mà đại đa số người Công giáo trong dân chúng đã tạo nên phong trào dẫn đến cuộc xuất hiện của Công Đoàn và cuộc biến đổi Balan ấy.


Vấn:     Thái độ của bên Tây phương ra sao trước những biến đổi xẩy ra ở Balan?

 

Đáp:    Tôi nghĩ rằng bên Tây phương đã phạm một lỗi lầm lớn ở vào giai đoạn đó. Trước hết là vì nó không hiểu những gì xẩy ra ở Balan.

 

Tôi thực hiện một cuộc nghiên cứu ở Balan vào tháng 1/1977, sau khi đã ký hợp đồng với thành phần lao động, trí thức, sinh viên và thành phần bất đồng khác.

 

Bấy giờ chưa có lấy được một phóng viên báo chí Tây phương nào ở đó để chứng kiến thấy những gì đang xẩy ra. Khi phản ứng giây chuyền của việc chống đối bắt đầu xẩy ra như tôi đã đề cập đến trước đây, trong vòng 1 tháng trời, không có lấy 1 tin tức nào được tung ra về nó trên báo chí Tây phương cả. Chính vì người ta nghĩ rằng thế giới Cộng sản là một thế giới đóng kín, một thế giới đã qua, và việc phân rẽ khỏi phần Âu Châu còn lại đã vĩnh viễn được thiết định.

 

Thế nhưng đã có một con người ở Rôma, có lẽ là một con người duy nhất trên thế giới, vị tin tưởng vào cơ hội là thế giới có thể đổi thay, là Âu Châu có thể thở bằng hai buồng phổi, Tây phương và Đông phương. Đó là Đức Gioan Phaolô II. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng vào giai đoạn ấy sự hiện diện của một vị Giáo Hoàng Balan, chứ không phải vị giáo hoàng Tây phương, là những gì trọng yếu.


Vấn:     Ngày nay nơi Khối Công Đoàn này còn lại những gì?

 

Đáp:    Nhiều điều đã thay đổi. Chúng ta phải nói rằng Vị Giáo Hoàng này đã đúng khi ngài về thăm Balan và đã giảng về niềm tin: Ngài hiểu rằng, một khi các cánh cửa ở Balan và những xứ sở Đông Âu khác được mở ra, sau biến cố sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, thì một nguy hiểm lớn khác sẽ xẩy ra, đó là chủ nghĩa hưởng thụ, là một hình thức xã hội trần tục bại hoại Kitô giáo, một thứ xã hội sau đó ảnh hưởng đến Balan và các nước khác.

 

Tuy nhiên, Công Đoàn Balan là tác lực gây ra cuộc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, của Cộng sản. Bằng những đường lối kín đáo nhiệm mầu, tất cả những gì xuất phát giữa ngày 30-31/8/1980 ở vùng Baltic sau đó đã dẫn đến việc biến đổi Âu Châu.

 

Có lẽ ngày nay không ai hài lòng với một Âu Châu hiện thời, thế nhưng vẫn có một điều trọng yếu nơi Âu Châu, đó là tự do, như vị Giáo Hoàng này đã nói khi ngài đến Prague, tuyên bố một cách nào đó về việc kết thúc của Cộng sản.

 

Trước đó, những quốc gia này không có tự do, thế rồi họ đã có tự do. Có lẽ không phải là tất cả đã lợi dụng được thứ tự do chiếm được này, đầu tiên từ nhân dân Balan. Thế nhưng, ít là những con người nam nữ Đông Âu giờ đây sống với quyền tự do như những người Âu Châu của phân nữa Châu Lục còn lại này vậy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 31/8/2005

TOP

 

Triết Lý Thực Chứng – Hiểu Biết Là Hành Động

 

(Đức Biển Đức XVI với Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu qua nhận định của Hồng Y Joseph Ratzinger ngay trước khi Cố Giáo Hoàng GPII qua đời)

 

(tiếp 31/7 Chúa Nhật, 1/8 Thứ Hai, 20/8 Thứ Bảy, 29 Thứ Hai 31 Thứ Tư)

 

Thật vậy, nguyên tắc hiện nay có giá trị, theo đó, khả năng của con người được đo lường bằng bhành động của mình. Những gì con người biết phải làm ra sao thì cũng là những gì có thể được làm. Không còn vấn đề biết làm thế nào với có thể làm nữa, vì có thể phạm đến tự do, một thứ tự do là giá trị hoàn toàn tối hậu. Thế nhưng con người biết làm nhiều điều, và càng biết cách làm nhiều điều hơn nữa; và nếu cái biết cách làm này không được căn cứ vào một qui tắc luân lý thì nó trở thành, như chúng ta đã thấy, một quyền lực hủy hoại.

 

Con người biết cách tạo sinh sao bản con người, do đó họ đang làm điều ấy. Con người biết cách sử dụng con người như kho chứa cơ phận cho các người khác, nên họ làm điều ấy; họ làm như vậy vì điều này nó như là một nhu cầu cấp bách của quyền tự do họ có. Con người biết cách tạo nên các loại bom nguyên tử nên họ chế tạo ra chúng, và theo cùng một nguyên tắc, cũng được quyền sử dụng chúng. Sau hết là việc khủng bố cũng được căn cứ vào kiểu cách con người tự mình quyết định, chứ không được căn cứ vào giáo huấn của Kinh Koran nữa.

 

Việc tách lìa thực sự của triết lý Minh Tri với các căn gốc của nó cuối cùng trở thành việc khinh miệt con người. Con người, tận cùng, không có tự do, chúng ta được thành phần phát ngôn viên của các khoa học tự nhiên cho biết như thế, hoàn toàn tương khắc với khởi điểm của toàn thể vấn đề. Con người không được nghĩ rằng họ là một cái gì đó hơn tất cả mọi sinh vật khác, và vì thế cũng cần phải được đối xử như chúng, chúng ta đã được cho biết như thế thậm chí bởi thành phần phát ngôn viên khá nhất về một thứ triết lý hiển nhiên tách lìa khỏi các căn gốc nơi hồi niệm về lịch sử của con người.

 

Chúng ta tự hỏi mình hai vấn đề: phải chăng triết lý duy lý (thực chứng) hoàn toàn hợp lý, nhờ đó, nó có giá trị đại đồng, và nó là thứ triết lý trọn vẹn. Phải chăng nó là thứ triết lý tự mình đầy đủ? Phải chăng nó có thể, hay nói một cách trực tiếp hơn, nó cần phải xóa bỏ đi những căn gốc lịch sử của nó đối với lãnh vực thuần quá khứ, và do đó với cả lãnh vực của những gì chỉ có thể được coi là giá trị theo chủ quan?

 

(còn tiếp)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 26-29/7/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ