GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 1/9/2006 TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hội: Tuyên Xưng và Loan Truyền Tình Thương
? Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc Về Những Chính Sách Dân Số Tập Trung Vào Con Người
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Bào Phôi Thai
Giáo Hội: Tuyên Xưng và Loan Truyền Tình Thương
(ĐTC Gioan Phaolô II: Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót 30/11/1980)
13. Giáo Hội sống một sự sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và công bố tình thương, một phẩm tính diệu huyền nhất của Đấng Tạo Hoá và của Đấng Cứu Chuộc, và khi Giáo Hội mang người ta đến gần với những nguồn mạch tình thương của Đấng Cứu Thế, nguồn mạch mà Giáo Hội là người được ký thác và là chỗ chất chứa. Về phương diện này, quan trọng nhất là việc liên tục suy niệm Lời Thiên Chúa, và trên tất cả, là việc tham dự một cách ý thức và sâu xa vào Thánh Thể cũng như vào bí tích Thống Hối hay Hoà Giải. Thánh Thể mang chúng ta đến gần hơn bao giờ hết tình yêu mạnh hơn sự chết: "Vì hễ mỗi lần chúng ta ăn bánh này và uống chén này", chúng ta tuyên xưng chẳng những sự chết của Đấng Cứu Chuộc mà còn cả việc Người Sống Lại nữa, "cho tới khi Người đến" trong vinh quang (x. 1Cor. 11:26). Được cử hành để nhớ đến Người là Đấng, theo sứ vụ thiên sai của Người, đã tỏ Chúa Cha cho chúng ta, bằng những lời của Người và bằng thập giá của Người, nghi thức Thánh Thể đó cũng biểu chứng một tình yêu vô tận, tình yêu làm cho Người vì thế mới luôn luôn ước mong nên một với chúng ta và hiện diện giữa chúng ta, khi đến gặp gỡ mỗi một cõi lòng con người. Chính bí tích Thống Hối hay Hoà Giải sửa soạn đường nẻo cho mỗi một người, kể cả những ai trì trệ với những lầm lỗi nặng nề. Nơi bí tích này, mỗi người có thể cảm nghiệm thấy tình thương một cách chuyên biệt, tức là, một tình yêu còn mạnh hơn tội lỗi. Điều này đã được đề cập đến ở thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người (Redemptor Hominis)' tuy nhiên, ở đây cũng thích hợp để trở lại đề tài trọng yếu này một lần nữa.
Thật vậy, vì tội lỗi hiện diện trong thế gian mà "Thiên Chúa đã yêu thương... đến ban Con Một của Ngài" (Gn. 3:16), để Thiên Chúa, Đấng "là tình yêu" (1Gn. 4:8), không còn cách nào mạc khải chính mình ra hơn là bằng tình thương. Điều này tương hợp chẳng những với sự thật sâu thẳm nhất về tình yêu mà Thiên Chúa là, mà còn với cả sự thật nội tại về con người cũng như về thế giới là đất tạm dung của con người.
Như một sự trọn lành của Thiên Chúa vô cùng, tình thương cũng vô cùng nơi chính mình. Bởi thế, việc Người Cha sẵn lòng tiếp nhận những đứa con hoang đàng của mình trở về nhà với Ngài cũng vô cùng và vô tận. Việc sẵn lòng tha thứ và quyền năng tha thứ, liên tục chảy ra từ giá trị diệu vợi nơi hy tế của Người Con thì vô cùng. Không có một tội lỗi nào của con người có thể vượt quá quyền năng này, kể cả việc có thể giới hạn nó lại cả. Về phần của con người, quyền năng này chỉ có thẻ bị giới hạn khi họ thiếu thiện chí, thiếu sẵn lòng ăn năn hối cải, tức là nhất định cứng lòng, chống lại ân sủng và chân lý, nhất là khi đối diện với chứng từ thập giá và phục sinh của Chúa Kitô.
Bởi thế, Giáo Hội tuyên xưng và công bố việc hối cải. Việc hối cải trở về với Thiên Chúa luôn luôn bao gồm việc nhận thức được tình thương của Ngài, đó là, khám phá ra rằng tình yêu thì nhẫn nại và nhân hậu (x.1Cor. 13:4) mà chỉ có Đấng là Hoá Công cũng là Thân Phụ mới có' tình yêu mà Đấng là "Thiên Chúa và Thân Phụ của Đức Giêsu Kitô" (2Cor. 1:3) trung thành cho đến những thành quả tối hậu nơi lịch sử giao ước của Ngài với loài người: kể cả thập giá, tử nạn và phục sinh của Người Con. Hối cải trở về với Thiên Chúa luôn luôn là hoa trái của việc tái nhận thức lại Người Cha này, Đấng giầu tình thương.
Kiến thức đích thực về một vị Thiên Chúa của tình thương, một vị Thiên Chúa của tình yêu êm ái dịu dàng, là một mạch nguồn liên lỉ vô tận cho việc hối cải, một việc hối cải chẳng những là tác động nội tâm nhất thời mà còn là một thái độ thường xuyên, một trạng thái của tâm trí nữa. Những ai nhận biết Thiên Chúa như vậy, những ai 'thấy' Ngài như thế, chỉ có thể sống trong một trạng thái liên tục hối cải trở về với Ngài. Bởi vậy, họ sống trong trạng thái hối cải (in status conversionis)' và chính trạng thái hối cải này nói lên yếu tố sâu xa nhất về cuộc lữ hành của mọi người nam nữ sống trên trên trần gian (in statu viatoris). Hiển nhiên là Giáo Hội tuyên xưng tình thương của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô tử giá và phục sinh, chẳng những bằng lời nói qua việc rao giảng của Giáo Hội, mà còn, trên hết, bởi nhịp sống sâu xa nhất của toàn thể Dân Thiên Chúa. Nhờ chừng từ của cuộc sống này, Giáo Hội hoàn tất sứ vụ xứng hợp với Dân Thiên Chúa, một sứ vụ tham dự vào theo ý nghiã là tiếp nối sứ vụ thiên sai của chính Chúa Kitô.
Giáo Hội hiện đại ý thức tường tận rằng, chỉ lấy tình thương của Thiên Chúa làm nền tảng Giáo Hội mới có thể thực hiện những công việc được khởi xướng từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhất là công việc đại kết nhằm hiệp nhất tất cả mọi người cùng tuyên nhận một Chúa Kitô. Khi thực hiện nhiều cố gắng theo chiều hướng này, Giáo Hội khiêm tốn tuyên xưng là, chỉ có tình yêu mạnh hơn yếu đuối của những chia rẽ loài người mới có thể dứt khoát mang lại sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã xin với Chúa Cha, cũng là sự hiệp nhất mà Thần Linh không ngừng van xin cho chúng ta "bằng những lời than khôn tả" (Rm. 8:26).
14. Chúa Giêsu Kitô dạy rằng, con người không những nhận lãnh và cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi để "thực thi tình thương" cho nhau nữa: "Phúc cho ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương" (Mt. 5:7). Giáo Hội thấy nơi những lời này một tiếng gọi tác hành, và Giáo Hội cố gắng thực thi tình thương. Tất cả những Phúc Đức của Bài Giảng Trên Núi đều nói lên đường lối hối cải và canh tân đời sống, tuy nhiên, theo chiều hướng này, nổi bật nhất là điều chỉ về những ai có lòng thương xót. Con người đạt được tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa là tình thương của Ngài, cho đến độ chính họ được biến đổi sâu xa trong tinh thần của tình yêu đó đối với tha nhân.
Tiến trình phúc âm chân chính này không phải chỉ là một biến đổi của tinh thần được nhận thức một lần là xong: nó là cả một lối sống, một tính chất chính yếu liên tục của ơn gọi Kitô hữu. Nó bao gồm việc nhận thức liên lỉ và thực hành kiên trì một tình yêu như là một quyền năng vừa hiệp nhất vừa thăng tiến, bất chấp mọi khó khăn tự nhiên về tâm lý hay về xã hội: đó là vấn đề thực sự của tình yêu nhân hậu mà, theo yếu tính của nó, lại là một tình yêu sáng tạo. Trong những liên hệ hỗ tương giữa những con người với nhau thì tình yêu nhân hậu không bao giờ là một tác động hay tiến tình một chiều cả. Ngay cả trong những trường hợp mà mọi sự có vẻ như là chỉ có một bên ban phát và hiến tặng, còn bên kia chỉ lãnh nhận và thụ hưởng, (như trường hợp của một thầy thuốc trị bệnh, một thày giáo dạy học, các cha mẹ nâng đỡ và dưỡng nuôi con cái của mình, một người làm ơn cho kẻ thiếu thốn), thì thực ra, kẻ cho đi bao giờ cũng là người có lợi. Trong trường hợp nào đi nữa, họ cũng có thể dễ dàng thấy mình ở trong vị thế của một người lãnh nhận, một người được lợi, một người cảm nghiệm thấy tình yêu nhân hậu' họ cũng có thể thấy mình là đối tượng của tình thương.
Theo ý nghĩa này, đối với chúng ta, Chúa Kitô tử giá là một mẫu gương, một gợi hứng và một phấn khích tuyệt vời nhất. Khi chúng ta đặt mình trên mẫu gương không phải là dễ dàng này, với tất cả bản tính của con người, chúng ta có thể tỏ tình thương ra cho kẻ khác, khi biết rằng Chúa Kitô chấp nhận tình thương của chúng ta như thể nó tỏ ra cho chính Người (x.Mt. 25:34-40). Căn cứ vào mẫu gương này, chúng ta cũng phải tiếp tục thanh tẩy tất cả mọi hành động của chúng ta cũng như mọi ý hướng của chúng ta, là những gì làm cho tình thương, khi làm lành cho những người khác, bị coi như và được thực thi có một chiều. Một tác động tình yêu nhân hậu chỉ thực sự là như thế, khi chúng ta sâu xa xác tín rằng, vào lúc mà chúng ta thực hiện tác động này thì đồng thời chúng ta cũng được nhận lãnh tình thương từ con người đang chấp nhận tác động đó của chúng ta. Nếu tính chất lưỡng diện và hỗ tương này mà bị thiếu vắng thì những hành động của chúng ta chưa thật sự là những hành động xót thương, hay trong chúng ta cũng chưa hoàn toàn có một lòng hối cải tron vẹn, theo như Chúa Kitô, bằng lời nói cũng như gương lành của Người, kể cả thập giá, đã tỏ ra cho chúng ta, hoặc là chúng ta chưa được hoàn toàn thông dự với mạch nguồn vĩ đại của tình yêu nhân hậu mà Người đã mạc khải cho chúng ta.
Bởi thế, đường lối mà Chúa Kitô tỏ ra cho chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi với phúc đức liên quan đến những ai có lòng xót thương thì phong phú hơn đường lối mà đôi khi chúng ta thấy ở nơi những chủ trương của phàm nhân về tình thương. Những chủ trương này coi tình thương như là một hành động hay tiến trình một chiều, khi quan niệm và giữ một khoảng cách giữa người thực thi tình thương và người hưởng lợi tình thương. Đó là nỗ lực để giải toả những liên hệ nhân đới và xã hội khỏi tình thương mà đặt chúng lên trên căn bản duy công lý mà thôi. Tuy nhiên, những chủ trương như thế về tình thương không thấy được mối liên kết sâu xa giữa tình thương và công lý, được cả truyền thống thánh kinh nói đến, nhất là qua sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu Kitô. Nói vậy có nghĩa là, tình thương chân chính là nguồn mạch sâu thẳm nhất của công lý. Nếu tự mình, công lý xứng hợp với 'việc điều đình' cho người ta, liên quan đến vấn đề phân phối hỗ tương những phúc lợi khách quan theo một phương thức công bình, thì tình yêu, và chỉ có tình yêu, (gồm cả thứ tình yêu nhân ái mà chúng ta gọi là 'tình thương'), mới xứng hợp để lôi kéo con người về với chính Người.
Tình thương đích thực Kitô giáo, theo một nghiã nào đó, cũng là một cuộc nhập thể trọn hảo nhất của 'sự bình đẳng' giữa con người ta, và vì thế, còn là một cuộc nhập thể của công lý nữa, bởi vì, công lý trong lãnh vực của mình cũng nhắm đến cùng một kết quả. Tuy nhiên, sự bình đẳng do công lý mang lại bị giới hạn vào lãnh vực những phúc lợi khách quan và bề ngoài mà thôi, trong khi tình yêu và lòng thương xót mang lại một sự bình đẳng làm cho người ta gặp nhau trong giá trị là chính con người, với một phẩm giá xứng hợp với con người. Ngoài ra, 'sự bình đẳng' giữa người ta với nhau trong tình yêu "nhẫn nại và từ ái" (1Cor. 13:4) không làm mất đi những khác biệt: người ban phát trở nên càng quảng đại hơn, khi họ cảm thấy cùng một lúc được lợi lộc bởi người chấp nhận tặng ân của họ' ngược lại, người chấp nhận tặng ân biết rằng, khi chấp nhận tặng ân, họ cũng theo cung cách riêng của mình đang làm lành trong việc phục vụ cho mục đích cao cả của phẩm giá con người' thế là sự bình đẳng này đóng góp vào việc hiệp nhất người ta lại với nhau bằng một phương thức vững chắc hơn.
Như thế, tình thương trở nên một yếu tố không thể châm chước cho việc làm sắc bén hơn những mối liên hệ hỗ tương giữa người ta vớí nhau, trong một tinh thần hết sức tôn trọng đối với cái gì là nhân bản, cũng như trong một tinh thần huynh đệ tương giao. Không thể nào thiết lập mối giây liên kết người ta lại với nhau này, nếu họ muốn qui định những liên hệ hỗ tương giữa họ chỉ theo tầm mức của công lý mà thôi. Như thế có nghĩa là, trong mọi lãnh vực của những liên hệ nhân đới, công lý phải được 'hoàn chỉnh' đến một mức độ đáng kể bởi một thứ tình yêu mà thánh Phaolô công bố "là nhẫn nại và từ ái", hay nói cách khác, phải chiếm được những đặc tính của một tình yêu nhân hậu mang y hệt yếu tính của Phúc Âm và Kitô Giáo. Hơn nữa, chúng ta hãy nhớ rằng, tình yêu nhân hậu cũng có nghĩa là nỗi dịu dàng và cảm thông thân ái đã được đề cập đến một cách hết sức sống động trong dụ ngôn người con hoang đàng (x.Lc. 15:11-32), cũng như trong dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc cắc bị mất (x.Lc. 15:1-10)...
Xã hội có thể trở nên 'càng nhân bản hơn bao giờ hết', chỉ khi nào chúng ta đem đến cho tất cả mọi liên hệ hỗ tương tạo nên lãnh vực luân lý của nó, một thời khắc của sự thứ tha, đúng như là yếu tính của Phúc Âm. Thứ tha thể hiện trên thế gian này sự hiện diện của một tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Thứ tha cũng là điều kiện căn bản cho việc hoà giải, chẳng những trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những mối liên hệ giữa con người với nhau. Một thế giới mà sự thứ tha bị loại bỏ sẽ chẳng còn là gì khác hơn là một thế giới của công lý lạnh lùng vô cảm, mà nhân danh nó, mỗi người sẽ bất chấp nhau để đòi hỏi lấy quyền lợi riêng tư của mình' hôn là một số những loại vị kỷ khác nhau vốn ẩn náu nơi con người sẽ biến cuộc sống và xã hội loài người thành một tổ chức của kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, hay thành một thao trường cho những phe nhóm mãi mãi đối chọi nhau...
15. Giáo Hội công bố sự thật về tình thương của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô tử giá và phục sinh, và Giáo Hội tuyên xưng sự thật này bằng những đường lối khác nhau. Hơn thế nữa, Giáo Hội tìm cách thực thi tình thương đối với con người qua con người, và Giáo Hội thấy rằng trong việc thực thi tình thương này một điều kiện không thể châm chước trong việc lo cho một thế giới được tốt đẹp hơn và 'nhân bản hơn', hôm nay cũng như mai ngày. Tuy nhiên, không có thời nào và không có một giai đoạn lịch sử nào, đặc biệt vào lúc khẩn trương như thời của chúng ta đây, Giáo Hội lại có thể quên đi cầu nguyện đó là một tiếng kêu cứu đến tình thương của Thiên Chúa giữa nhiều hình thức sự dữ đang đè nặng trên nhân loại và đang đe dọa nhân loại. Đúng vậy, đây là quyền lợi và nhiệm vụ của Giáo Hội trong Chúa Giêsu Kitô, quyền lợi và nhiệm vụ của Giáo Hội đối với Thiên Chúa cũng như đối với nhân loại. Lương tâm nhân loại càng nhường bước cho việc tục hoá, mất đi cảm quan của mình về ý nghiã thật sự của từ ngữ 'tình thương', xa lià Thiên Chúa và tách khỏi mầu nhiệm của tình thương, thì Giáo Hội càng có quyền lợi và nhiệm vụ "lớn tiếng" (DT 5:7) kêu xin Thiên Chúa tình thương. Những "tiếng kêu lớn" này phải là đánh dấu của Giáo Hội trong thời đại chúng ta, những tiếng kêu thốt lên với Thiên Chúa để van xin tình thương của Ngài, một biểu dương thực sự mà Giáo Hội tuyên xưng và công bố như đã thể hiện nơi Chúa Giêsu tử giá và phục sinh, tức nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua. Chính mầu nhiệm này mang trong mình mạc khải hoàn toàn nhất của tình thương, đó là, của tình yêu mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi và mọi sự dữ, tình yêu nâng con người lên khi họ rơi vào vực thẳm và giải thoát họ khỏi những đe dọa trầm trọng nhất.
Con người hiện đại cảm thấy những đe dọa này. Điều đã đề cập đến trước đây về sự kiện này chỉ là một tóm lược đại khái vậy thôi. Con người hiện đại thường hay lo âu tự hỏi về giải pháp đối với những căng thẳng khủng khiếp đã được dựng lên trên thế giới và đang làm cho loài người rối lên. Và, nếu có những lúc con người thiếu can đảm để kêu lên lời 'xót thương', hay nếu họ cũng chẳng tìm thấy điều gì tương đương trong lương tâm rỗng không tôn giáo của họ, thì Giáo Hội lại càng cần phải thốt lên tiếng kêu này, chẩng những nhân danh riêng mình, mà còn nhân danh của tất cả mọi người nam nữ trong thời đại chúng ta...
Nhân danh Chúa Giêsu Kitô tử giá và phục sinh, trong tinh thần sứ vụ thiên sai của Người, trải qua lịch sử nhân loại, chúng ta cất tiếng của mình mà nguyện cầu, xin Tình Yêu nơi Chúa Cha, một lần nữa, thể hiện ở giai đoạn lịch sử này, và qua công việc của Chúa Con và Thánh Linh, xin Tình Yêu tỏ ra có mặt ở thế giới hiện đại của chúng ta và tỏ ra còn mạnh hơn sự dữ: hơn tội lỗi và sự chết. Chúng ta cầu xin điều này nhờ lời cầu bầu của Đấng không ngừng công bố "tình thương... từ đời nọ đến đời kia" (Lc. 1:50), và cũng nhờ lời can thiệp của những ai hoàn tất trọn vẹn những lời của Bài Giảng Trên Núi: "Phúc cho ai có lòng xót thương, vì họ sẽ được thương xót" (Mt 5:7)
(Loạt bài về Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa liên tục vào các ngày thứ sáu hằng tuần)
Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc Về Những Chính Sách Dân Số Tập Trung Vào Con Người
Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực kiêm lãnh sự của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc trình bày hôm Thứ Tư 5/4/2006 trong khóa họp thứ 39 của Ủy Ban Về Dân Số Và Phát Triển Thuộc Hội Đồng Kinh tế Và Xã Hội.
Thưa Ông Trưởng Ủy Ban,
Trước hết đại biểu tôi xin lên tiếng chúc cho cơ quan này được tốt đẹp nhân dịp khóa họp thứ 39 của Ủy Ban Về Dân Số Và Phát Triển.
Có lẽ cũng nên nhắc lại sứ vụ của ủy ban này đã phát triển ra sao qua giòng thời gian. Trong những năm tháng qua, những dự đoán khốc liệt đối với việc kiến tạo tương lai và tính cách khả thủ của dân số toàn cầu được dự phóng về con người là những gì đã dẫn tới những chính sách về dân số có tính cách cực đoan, những chính sách phải chịu trách nhiệm về những vấn đề nan giải trầm trọng khác nhau song tương đương nhau, như những vấn đề hệ trọng gây ra bởi việc thụt giảm số sinh, cũng như việc tạo nên tình trạng bất quân bình giữa nam nữ về dân số, kèm theo những hậu quả về xã hội của nó. Nếu việc phát triển dân số trên thế giới vừa là những gì khả thủ và lành mạnh, thì những chính sách bất hảo ấy cần phải được thay thế bằng những chính sách thực sự tập trung vào con người.
Ngày nay, hoạt động của ủy ban này bao gồm việc xem xét những chiều hướng và những ảnh hưởng trên dân số và trên sự phát triển như vi khuẩn liệt kháng chưa từng biết đến 60 năm trước đây, và việc di dân của các dân tộc với những hậu quả tương hợp của họ. Trong lúc dân chúng nói chung trở nên già tuổi hơn ở thế giới phát triển thì hiện tượng di dân lại đang được xem xét ở một chiều hướng khác.
Mặc dù nó là một hiện tượng có tính cách lịch sử và xẩy ra khắp nơi khắp chốn, nhưng các nỗ lực giải quyết nó và kiểm soát nó bằng phương tiện chính trị và pháp lý không phải lúc nào cũng mang lại thành quả tốt đẹp. Vì lý do ấy, đại biểu tôi đây hoan hô việc soạn thảo những tín liệu và con số thiết thực cho các quốc gia hội viên sử dụng, nhờ đó họ có thể phán đoán một cách khôn ngoan và nhân đạo hơn trong việc giải quyết bất cứ vấn đề thực sự nào xuất phát từ vấn đề di dân.
Vì việc cấu trúc hiện nay của các quốc gia mà hiện tượng di dân bất khả tránh – thậm chí chúng ta có thể nói bất khả dừng – thường được coi như là một vấn đề cần phải giải quyết. Đôi khi nó còn được tưởng tượng như là một mối đe dọa và bị mạo dụng cho lợi lộc ngắn hạn về chính trị, với giá phải trả là các quyền lợi bẩm sinh nhất của tất cả con người – quyền được sống, quyền công dân, quyền làm việc và quyền phát triển. Đó là lý do, Cuộc Đối Thoại Cao Cấp tới đây về chủ đề này là những gì hết sức hay ho; thật thế, nó là một cuộc bàn luận đã quá hạn lâu rồi về vấn đề xã hội kéo dài cùng với những hậu quả xẩy ra cho con người vượt quá 191 triệu người hay hơn đang được coi là thành phần di dân.
Đối với những quốc gia tiếp nhận di dân thì ảnh hưởng chung cuộc về kinh tế của việc di dân quốc tế xét chung được nói là tích cực. Mặc dù sự hiện diện của thành phần di dân quốc tế có thể gây ra một ảnh hưởng nghịch đảo nho nhỏ về vấn đề lương lậu của thành phần không di dân, hay có thể gây ra vấn đề thất nghiệp khi lương lậu vẫn y nguyên không thay đổi, thì những ảnh hưởng ấy thường là nhỏ ở tầm cấp quốc gia. Trài qua khoảng thời gian trung hạn và dài hạn, việc di dân thậm chí còn có thể làm phát sinh ra công ăn việc làm và mang lại lợi nhuận tổng kết về tài chính nữa. Những cuộc nghiên cứu về tình trạng luống tuổi của dân số một cách nhanh chóng cho thấy rằng thành phần di dân có thế góp phần một cách chính yếu cho tình trạng giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các thế hệ mai sau.
Ngoài ra, việc di dân của thành phần nhân viên tài khéo có thể trở thành những gì bất lợi cho viễn tượng phát triển của các quốc gia chính gốc, nhất là các quốc gia nhỏ đang phát triển bị mất đi những tỉ lệ cao về thành phần công dân tài khéo. Tuy nhiên, những người di dân tài khéo, thành phần vẫn gắn bó với quốc gia chính gốc của mình có thể kích thích việc chuyển giao về kỹ thuật và vốn liếng.
Vì vấn đề thai nghén thấp, việc tổng kết di dân tính 3 phần 4 việc phát triển dân số ở các quốc gia phát triển, và vào năm 2030, việc di dân có thể coi là tất cả việc phát triển về dân số ở các quốc gia ấy. Bởi thế, việc di dân không còn là một vấn đề về kinh tế nữa hay một vấn đề cần phải xem xét chỉ theo quan điểm hậu quả của nó đối với các quốc gia gửi tới. Cái trục trặc khác của vấn đề ở đây là ảnh hưởng về xã hội của việc di dân đối với các quốc gia đón nhận đang bị giảm sút mức độ sinh sản, giờ đây cũng cần phải được hiểu rõ ràng hơn nữa.
Những biến chuyển về nhân khẩu học nơi dân chúng ở một mức độ như thế chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả cực đoan đối với toàn cấu trúc của các quốc gia, bởi vậy mà một mặt cần phải có một sự cân bằng về lợi ích hiển nhiên về vấn đề di dân, mặt khác phải quan tâm tới ảnh hưởng xã hội của con số đông đảo di dân nơi các quốc gia nhận lãnh, nhất là khi họ chưa hội nhập.
Ngoài ra, dường như đang có một nhận thức mỗi ngày một hơn là vấn đề di dân không thể nào lại là giải quyết duy nhất cho các vấn đề về nhân khẩu học và lao động của các quốc gia nhận lãnh.
Bản văn kiện Đức Kết Thượng Nghị Thế Giới có lý để công nhận mối quan hệ giữa vấn đề di dân quốc tế với việc phát triển cùng nhu cầu cần phải đương đầu với những thách đố và cơ hội gây ra bởi việc di dân cho các xứ sở chính gốc, các quốc gia tới đến và các quốc gia chuyển tiếp. Hy vọng rằng việc giải quyết được thể hiện bởi tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới trong việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm vấn đề tôn trọng và bảo vệ các nhân quyền của thành phần di dân, thành phần lao động di dân cùng các phần tử thuộc gia đình họ sẽ được thực hiện cho lợi ích của tất cả mơi dân tộc bất kể là dân tộc nào.
Xin cám ơn Trưởng Ủy Ban
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/4/2006
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Bào Phôi Thai
(tiếp 26 Thứ Bảy bài Thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’ (morning-after pill): Tổng Thống Bush ủng hộ việc cho phép các em thiếu nữ được sử dụng; và 27 Chúa Nhật bài Các thứ hoang đường và thực tại về thứ thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’, và 28 Thứ Hai và 29 Thứ Ba bài Vấn đề ngừa thai và triệt sản liên quan tới tình trạng sức khỏe tâm thần, cảm xúc và thiêng liêng của nữ giới, 30 Thứ Tư bài Làm thế nào để tránh khỏi tình trạng giảm dân số ở các nước tân tiến trên thế giới hiện nay? và 31 Thứ Năm bài Do Thái và Công Giáo Tuyên Ngôn Tôn Trọng Sự Sống Con Người)
Hội Nghị Quốc Tế hai ngày (27-28/2/2006) ở Sảnh Đường Clementine về chủ đề “Nhân Bào Phôi Thai Trước Khi Được Cấy”, với sự tham dự của 350 nhân vật bao gồm khoa học gia, bác sĩ, chuyên viên đạo lý sinh học và thần học gia, đã được gặp gỡ Đức Thánh Cha hôm Thứ Hai 27/2, vị đã huấn dụ họ với những ý tưởng chính yếu như sau. Theo ngài, tình yêu thương của Thiên Chúa không phân biệt tuổi tác, nên Giáo Hội đã bênh vực tính chất bất khả vi phạm của họ ngay từ khi họ được thụ thai.
“Tình yêu thương của Thiên Chúa không phân biệt giữa thành phần phôi nhi mới được thụ thai trong lòng mẹ mình, với thành phần thơ nhi, thành phần giới trẻ, thành phần người lớn và thành phần lão nhân, vì nơi mỗi một người trong họ, Ngài đều thấy dấu hiệu về hình ảnh của Ngài và những gì giống như Ngài.
“Mối tình yêu thương vô bến bờ và hầu như khôn thấu này của Thiên Chúa đối với con người cho thấy những gì con người đáng được yêu thương đối với Ngài, bất kể những yếu tố khác như trí thông minh, vẻ đẹp, sức khỏe, trẻ trung, nguyên tuyền toàn vẹn v.v.
“Tóm lại, sự sống con người bao giờ cũng là một sự thiện, vì nó là một biểu hiện của Thiên Chúa trên thế giới, là dấu hiệu cho thấy việc hiện diện của Ngài, là ánh quang phản chiếu vinh hiển của Ngài.
“Thật vậy, con người được ban cho một phẩm vị cao cả, một phẩm vị được bắt nguồn từ mối liên hệ sâu xa thắt kết họ với Ngài là Đấng Hóa Công của họ: Nơi con người, nơi hết mọi người, nơi bất cứ giai đoạn hay tình trạng sự sống nào của họ, một phẩm vị chiếu tỏa chính thực tại về Thiên Chúa.
“Chính vì lý do đó mà huấn quyền của Giáo Hội đã liên lỉ rao giảng tính chất linh thánh bất khả vi phạm của hết mọi sự sống con người, từ khi nó được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi. Phán quyết về luân lý này vốn có hiệu lực ngay từ khi bắt đầu có sự sống nơi phôi bào, ngay trước no được cấy vào lòng một bà mẹ, nơi bảo vệ và nuôi dưỡng nó trong 9 tháng cho tới khi ra đời.
“Chúng ta đã cải tiến kiến thức của chúng ta rất nhiều và khá hơn, một kiến thức đồng hóa với những hạn chế của việc vô tri của chúng ta, thế nhưng, đối với trí thông minh của con người, nó dường như trở thành quá khó khăn trong việc nhận thức rằng khi chiêm ngưỡng thiên nhiên tạo vật con người thấy được dấu chỉ của Đấng Hóa Công.
“Thật thế, ai mến yêu sự thật đều phải nhận thấy rằng việc nghiên cứu những đề tài sâu xa như thế làm cho chúng ta có thể thấy được và hầu như chạm tới bàn tay của Thiên Chúa.
“Ở bên ngoài những giới hạn của các phương pháp về thử nghiệm, ở những hạn chế của lãnh vực được một số người gọi là phân tích siêu hình, nơi nhận thức của cảm quan và các thử nghiệm của khoa học chẳng những không xứng hợp mà còn thậm chí bất khả, thì ở đó chính là khởi điểm của cuộc thám hiểm về siêu việt thể, cuộc dấn thân ‘vượt thoát’”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/2/2006