THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

NĂM ĐẠO BINH THƯƠNG XÓT 2018

 

TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018

Ngày 15/10

Tặng quà Hội Người Mù Huyện Phú Vang Huế, tham quan Đại Nội Kinh Thành Huế,

và ghé thăm trọ ở Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL: tường trình bao gồm hình ảnh tự chụp kèm theo dẫn giải cần thiết

 

Trong cả hai chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2016 và 2018 thì đây là lần đầu tiên phái đoàn TĐCTT thừa sai ghé tham quan cố đố Huế. Mới đầu cũng chẳng có ý định tặng quà cho những người anh chị em khiếm thị ở đây, chỉ có ý định tham quan các di tích lịch sử thôi. Sau mới bao gồm cả việc tặng quà và tham quan, nhưng tham quan ít hơn và chỉ nhắm vào 1 nơi đáng đến nhất là Cung Đình Triều Nguyễn, hơn là bao gồm cả các lăng mộ và các danh lam thắng cảnh khác ở cố đô Huế này.

Việc tặng quà ở Huế là một trong hai chỗ (cùng với Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm) "phát sinh", từ ngữ được Hợp Đồng chuyên chở sử dụng. Chúng tôi đã bỏ không tới Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm trên đường từ Dòng MTG Hưng Hóa đến Đan Viện Xitô Nho Quan Ninh Bình. Nhưng lần này chúng tôi không thể bỏ qua một giáo điểm tặng quà tông đồ truyền giáo cho Hội Người Mù ở Huyện Phú Vang Huế này, cho dù chiều tối hôm trước, người viết đã phải giải quyết vấn đề được người đầu của tổ chuyên chở cho biết là sẽ không đến chỗ người mù này. Bởi vì, người viết đã báo trước việc "phát sinh" ấy từ khi còn ở Mỹ, vả lại phái đoàn TĐCTT cũng đã rút bớt chuyện viếng thăm mấy nơi khác nhau ở Huế để dành giờ cho ưu tiên của việc tông đồ truyền giáo này rồi.

Và sở dĩ phái đoàn TĐCTT chọn Cố Đố Huế để tham quan, hơn là Thủ Đô Hà Nội hay Thành Phố Sài Gòn là vì ở hai trụ chính của nước Việt Nam này khó di chuyển bằng chiếc xe lớn to cồng kềnh của chúng tôi ở đó. Mà nếu phải đi taxi thì không biết đâu mà mò, có thể lạc nhau, chờ nhau và có thể bị tài xế taxi chở đi vòng vòng để kiếm thêm tiền, như chúng tôi đã từng bị một lần vào sáng ngày mùng 8/10/2016 khi chúng tôi từ Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Thánh Hóa ở Sài Gòn ra bến đậu chiếc xe chở chúng tôi trước khi chúng tôi được chở ra phi trường Tân Sơn Nhất trở lại Mỹ.

Sáng Thứ Hai, ngày 15/10/2018, phái đoàn TĐCTT chúng tôi tham dự Thánh Lễ ở nguyện đường Lavang lúc 5 giờ, sau đó chúng tôi tham quan khu vực tôn kính Các Thánh Tử Đạo ở Việt Nam ở sau Linh Đài Mẹ Lavang mà nhiều người chúng tôi không để ý và thăm viếng, rồi chúng tôi đã dâng mình cho Đức Mẹ ngay trước Tượng Mẹ Đồng Công cùng với bài hiệu ca TĐCTT trong khuôn viên tôn kính Các Thánh Tử Đạo, rồi chụp hình lưu niệm với nhau tấm cuối cùng ở đây, trước khi lên đường vào Huế lúc 7 giờ, (trên xe chúng tôi dâng Mẹ Maria một Chuỗi Mân Côi), để kịp ăn sáng ở một tiệm bún bò Huế nổi tiếng vào lúc 8 giờ 30, (bởi tiệm đóng cửa lúc 10 giờ), và chúng tôi cũng đã hẹn gặp Cha Nguyễn Ngọc Hà, vị linh mục đặc trách Caritas TGP Huế, cũng là vị linh mục đã đến chủ sự việc tặng quà cho Hội Người Mù ở Huyện Hải Lăng chiều hôm qua, vào lúc 9 giờ ở Tòa TGM gần đó.

 

 

Trung Tâm Lavang - Những Giây Phút Cuối

 

Tòa Đức Mẹ Lavang và xương tích Các Thánh TĐ ở VN trong nguyện đường

(hình chụp từ máy của Chị Ngô Trâm)

Linh Đài Mẹ Lavang nhìn từ khuôn viên tôn kính các Thánh Tử Đạo

Đền Thánh Mẹ lavang nhìn từ Linh Đài Mẹ Lavang lúc trời bắt đầu bình minh

Từ Đền Thánh Mẹ Lavang nhìn về phía tháp chuông và cổng chính

Từ Đền Thánh Mẹ Lavang nhìn về phía nhà trọ cộng đồng của Trung Tâm Lavang

Khu rừng thưa ở cuối nhà nguyện và bên phía hông phải của Linh Đài Mẹ Lavang

từ Linh Đài Mẹ Lavang nhìn về Nhà Trọ Cộng Đồng của Trung Tâm Lavang

Điểm Tâm ở Thành Phố Huế

Đây là lần thứ hai chúng tôi bất đắc dĩ phải ăn ở ngoài, sau lần thứ nhất cho bữa tối vào lúc 6 giờ 30 chiều hôm qua ở Lavang, sau khi tặng quà ở Hội Người Mù Huyện Hải Lăng về. Tuy nhiên, cũng từ bữa điểm tâm này mới thấy cái khác biệt giữa thức ăn nấu để kiếm tiền và thực phẩm nấu bởi lòng bác ái yêu thương khác nhau đến thế nào.

Thật vậy, không ngờ ở Huế Thứ Hai 15/10/2018 hôm ấy, phái đoàn TĐCTT chúng tôi đã thưởng thức bữa sáng và bữa trưa toàn là bún bò Huế. Bữa sáng ở quán này, bữa trưa ở quán kia. Riêng đối với người viết này, vừa húp xong nước của tô bún bò Huế nổi tiếng 35 ngàn đồng VN một tô thì liền chạy ngay vào phòng vệ sinh kẻo không kịp. Bữa trưa được Cha Hà đãi ở một quán khác gần Tòa Giám Mục và khen ngon cũng thế, cho dù người viết này không dám húp nước và ăn rau sống như bữa điểm tâm nữa, cũng vẫn không "cầm lòng" được, chỉ muộn hơn 15 phút, nghĩa là kịp khoảng thời gian đi bộ từ quán ấy về tới Tòa Giám Mục là vào thẳng ngay văn phòng Caritas giải quyết nỗi "sầu riêng" của mình. Thế mà, bữa điểm tâm ở Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế vào sáng hôm sau, người viết cũng húp hết nước từ tô bún bò Huế được các thày dòng nấu cho, chẳng còn "lòng động lòng lo" nữa, hoàn toàn bình an vô sự, như bầu không khí tĩnh lặng linh thiêng của chính nơi tu trì siêu thoát ấy. Thế là người viết đã không dám dùng bữa ở bất cứ tiệm nào nữa, như 2 bữa trưa sau đó.

 

Tặng quà Hội Người Mù Huyện Phú Vang Huế

 

Sau điểm tâm, chúng tôi được Cha Hà lên xe dẫn đến Hội Người Mù ở Huyện Phú Vang Huế để tặng quà

Vì được báo xe chở mì tôm đến muộn nửa tiếng nên Cha Hà nói về quà và việc tặng quà...

Sau đó là mục văn nghệ do chính anh chị em khiếm thị trình diễn...

bằng những bài hát về Miền Trung đầy cảm động với giọng ca thật truyền cảm, khiến nhiều anh chị em TĐCTT nhức nhối

Sau bài hát dạo đầu, anh chị em khiếm thị được anh chị em TĐCTT mang đến tặng cho

mỗi người một hộp bánh để tai vừa nghe miệng vừa thưởng thức cho đỡ đói

Trong khi thưởng thức bánh, chương trình văn nghệ vẫn tiếp tục ...

với một giọng nữ chẳng thua gì chuyên nghiệp cất lên một bản hát về Miền Trung nữa như giọng nam mở đầu

cũng khiến anh chị em Nhóm TĐCTT bấy giờ không khỏi bồi hồi cảm xúc

Ở trên xe, ngồi bên cạnh Cha Hà, người viết hỏi cha lý do tại sao ở Huế có nhiều người mù đến như vậy? Cha đã cố gắng trả lời chung cho mọi người nghe, nhưng cha vẫn lợi dụng thời giờ chờ đợi xe chở mì tôm tới, chất vấn một số anh chị em khiếm thị, thì, qua những câu chuyện được một số trong những người anh chị em khiếm thị bấy giờ cho biết, có mấy người bị từ bẩm sinh, có người do bệnh tật, có người do chiến tranh, có người do chất độc da cam v.v.

Sau khi con người trẻ này vừa trình bày trường hợp bị khiếm thị của mình và đang cần giúp đỡ để chữa trị rất tốn kém...

một số anh chị em TĐCTT đã tự động kéo đến tặng tiền cho nạn nhân

để thay đổi tính cách của bài hát,

một giọng nữ đã xướng lên một bài Thánh Ca về Đức Mẹ

với tất cả tâm tình phó thác tin yêu của chị vào Mẹ cuộc đời chẳng còn nhìn thấy gì ngoài ánh sáng đức tin

Nếu 2 giọng ca nam nữ đã hát bài đời thì cũng có 2 giọng ca nam nữ hát bài đạo

người anh em khiếm thị này đã cất giọng hát bài Kinh Hòa Bình

Vừa lắng nghe hai anh chị Công giáo hát Thánh ca, anh chị em TĐCTT vừa cầu ngậm ngùi cầu nguyện cho cả 2

Để đáp lễ anh chị em khiếm thị và cùng vui với nhau, cháu Phan Hoàng Bickie, con của Chị TĐCTT Hoàng Minh...

đã thay cho anh chị em TĐCTT hát một bản về Huế tặng cho anh chị em Hội Người Mù ở Huyện Phú Vang Huế

Xe chở món quà mì tôm cuối cùng đã tới

Sau khi người viết thay mặt Nhóm TĐCTT được mời nói mấy lời đã ngỏ lời cám ơn Tổ Chức Caritas TGP Huế

và Hội Người Mù Huyện Phú Vang Huế đã cho nhóm có cơ hội được phục vụ và nhận quà của nhóm... thì

Vị đại diện cho Hội Người Mù ở Huyện Phú Vang Huế ngỏ lời cám ơn tổ chức Caritas TGP Huế và Nhóm TĐCTT

Phần quà cho anh chị em khiếm thị ở Huyện Phú Vang Huế bao gồm thùng mì,

hộp bánh, túi gia dụng nấu nướng và cuối cùng cả tiền mặt nữa.

Ở đâu cũng thế, anh chị em TĐCTT luôn chú ý quan tâm để có thể nhào vô phụ giúp bê quà tặng cho những ai cần đến mình.

Vùng trời mù lòa hầu như nhất nước Việt Nam ở Miền Trung này, (điển hình là Quảng Trị, ở Hội Người Mù Huyện Hải Lăng chiều hôm 19/10, và Huế, ở Hội Người Mù Phú Vang sáng 20/10), không ngờ đã được hoan hưởng một chút hương hoa bởi trời từ LTXC, lan tỏa ra nơi Đức Ái Kitô giáo, được Nhóm TĐCTT nỗ lực thể hiện, qua sự trợ giúp công phu đắc lực của tổ chức Caritas TGP Huế năm 2018 này.

Bánh hóa ra nhiều bao giờ cũng còn dư cần thu lại

Phái Đoàn TĐCTT được đãi bữa trưa ở ngoài tiệm

xe về đậu ở ngày trong Tòa Giám Mục TGP Huế

Hôm ấy Đức TGM Nguyễn Chí Linh... không có nhà... thì ra ngài đang ở... Cuối cùng Nhóm TĐCTT bất ngờ gặp ngài

(xin xem hình ngài ở trang Trung Tâm Mục Vụ Thánh Hóa Sài Gòn)

Thế là anh chị em nạn nhân khiếm thị ở Huế cùng với gia đình của mình có được thêm một chút hương hoa yêu thương bác ái từ trời tỏa xuống nơi buổi sáng tặng quà của hái đoàn TĐCTT qua trung gian của văn phòng Caritas TGP Huế, nơi cha Hà đã dẫn phái đoàn TĐCTT ghé thăm ở trong khuôn viên Tòa Giám Mục

Lần này cũng thế, cũng bất ngờ, nhưng phái đoàn TĐCTT vẫn trích quĩ tặng cho việc mục vụ Caritas của ngài 500 Mỹ kim

Cha Hà và các nhân viên của Văn Phòng Caritas TGP Huế, trừ TĐCTT Trần Tự Hồng đứng giữa

Phái đoàn TĐCTT theo Cha Hà đi bộ đến quán ăn trưa do ngài khoản đãi và khen ngon.

Nhưng chúng tôi vẫn thay ngài trả tiền bữa trưa, chứ không muốn vơi bớt đi một chút nào số tiền chúng tôi đã tặng ngài trước đó.

 

Ba ngày sau khi chúng tôi thăm viếng và tặng quà tông đồ truyền giáo cho 2 Hội Người Mù ở Huyện Hải Lăng Quảng Trị và Huyện Phú Vang Huế, vị giám đốc cơ quan Caritas TGP Huế đã gửi cho nhóm chúng tôi qua người viết này một email ngày 17/10/2018 như sau: Chào A Tỉnh và quý anh chị trong Nhóm. Cám ơn A Tỉnh và Nhóm TĐCTT thật nhiều, đã để lại nhiều dấu ấn đẹp cho Tụi em và 2 Hội người Khiếm thị! Ước mong quý anh chị luôn khỏe-vui! Em gửi bài viết nghe. Kính, Lm. Nguyễn Ngọc Hà".

 

THĂM VIẾNG VÀ TẶNG QUÀ CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ

 

“Mười điều răn ấy tóm về hai điều mà chớ: trước kính mến Một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”(Trích kinh Mười Điều Răn). Với tâm tình yêu thương và sự quan tâm đến những người khiếm thị, nhằm giúp họ vơi đi phần nào những khó khăn, ngày 14 và 15/10/2018, Caritas Huế phối hợp với “Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương” tại Hoa kỳ đã thăm viếng và tặng quà cho Hội người mù huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và  Hội người mù huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo thông tin từ quý Hội, Hội người mù huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị có 495 thành viên, đến từ 20 chi hội. Hội người mù huyện Phú Vang có 196 thành viên đến từ 18 chi hội. Qua tìm hiểu từ những người khiếm thị, nguyên nhân dẫn đến chủ yếu là do hậu quả của chiến tranh, bệnh tật và tai nạn. Mỗi Hội người mù có một cơ sở, là nơi quy tụ các thành viên đến làm việc, nhưng cũng chỉ được một số ít. Công việc ở Hội bao gồm các nghề mát-xa, nghề làm tăm tre, làm hương và làm chổi. Sản phẩm của Hội thường được các thành viên có khả năng buôn bán giúp nhau tiêu thụ ở các quầy hàng nhỏ lẻ hay đi bán dạo quanh các làng mạc. Riêng sản phẩm tăm tre thường được học sinh ở trường mua ủng hộ vào đầu năm học.  

Đến với các ông bà anh chị của Hội, Cha Antôn ân cần thăm hỏi và giới thiệu Nhóm Tông đồ Chúa Tình thương. Tiếp đến, vị đại diện của Nhóm có vài lời gởi đến tất cả, ông nói: “Con xin chân thành cám ơn Cha đã thu xếp, sắp đặt cho Nhóm chúng con được đến đây để thăm viếng, được biết những hoàn cảnh khó khăn của quý ông bà anh chị, nhất là được làm bàn tay nhỏ bé trao lại món quà mà Thiên Chúa đã thương ban cho chúng con.  Xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta đang hiện diện nơi đây, có một cuộc sống hạnh phúc, mà hạnh phúc nhất là sự bình an trong tâm hồn, để chúng ta biết yêu thương nhau, nâng đỡ nhau và từng bước vươn lên trong cuộc sống”.

Đáp lại tình cảm yêu thương của phái đoàn, anh chị em khiếm thị trong Hội đã có những tiết mục văn nghệ rất dễ thương, được thể hiện trong các ca khúc về Huế, cũng như những bài thánh ca tôn vinh Đức Trinh nữ Maria và ngợi ca tình thương của Thiên Chúa. Có thể thấy các anh chị, dù ánh sáng đôi mắt không còn nhưng với trực giác bẩm sinh, đã thể hiện những ca khúc rất tâm tình, mang nhiều cảm xúc; đồng thời, vị Đại diên Hội cũng đã bày tỏ sự vui mừng và lòng biết ơn sâu xa gởi đến Cha Giám Đốc, văn phòng Caritas Huế và từng người trong Nhóm Tông đồ Chúa tình thương.  

Sau phần văn nghệ, anh chị em văn phòng Caritas và Nhóm ân cần trao tặng những món quà cho bà con cùng với lời thăm hỏi động viên-khích lệ.

Trước khi chia tay, một lần nữa, ông chủ tịch Hội thay mặt bà con nói:“Chúng con rất vui mừng và sung sướng vì được Cha, quý soeur, cùng với phái đoàn quan tâm ưu ái, đã đến thăm và tặng quà. Chúng con luôn ghi nhớ tình cảm cao quý nầy, nguyện xin ơn trên tuôn đổ mọi ơn lành trên Cha và quý ân nhân. Xin luôn nhớ đên chúng con !”.                 

Tạ ơn Chúa đã cho chúng con có cơ hội được kết nối với nhau để đem tình yêu thương của Chúa đến với những anh chị em bị khiếm khuyết một phần cơ thể và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Xin Chúa thương ban sức khỏe và sự bình an cho những người đang gặp những bất hạnh trong cuộc sống, và xin Chúa cũng cho chúng con được cháy mãi ngọn lữa yêu thương mà Chúa đã mang đến trong thế gian, để chúng con chung tay góp phần xoa dịu những nỗi đau của anh chị em đồng loại.

Văn phòng Caritas Huế

 

Tham quan Cung đình Triều Nguyễn ở Cố Đô Huế

 

Sau bữa trưa, chúng tôi trở về Tòa Giám Mục để lên xe đến tham quan Cung Đình Triều Nguyễn. Cho dù Cha Hà có nhắc chúng tôi rằng ở đó nhân viên chính phủ không còn làm việc nữa, từ 12 giờ 30 đến 2 giờ 30... chúng tôi vẫn cứ đến xem sao. Và cửa vẫn mở và chúng tôi vẫn vào được như thường, không bị nhỡ, uổng một lần ghé thăm hiếm quí. Tuy nhiên, những anh chị em nào đã từng vào đó rồi thì lợi dụng cơ hội đi xích lô đến chợ Đồng Xuân ở Huế chơi trong thời gian những anh chị em khác đang tham quan Cung đình Triều Nguyễn vang bóng một thời gần 1 thế kỷ rưỡi (1802 - 1945).

mặt tiền của nơi được gọi là Đại Nội Kinh Thành Huế hay Hoàng Cung Triều Nguyễn

người chụp cố ý chụp để làm sao lấy được toàn cảnh từ trên xuống dưới ở cổng thành mà không thấy rõ sao vàng

là những gì bị che khuất bởi các cành lá...

và chỉ còn thấy có tấm vải đỏ nào đó rũ xuống như chết cứ lủng lẳng ở trên tháp ngọn thôi

Cô hướng dẫn viên mặc áo mầu tím, mang ý nghĩa trung thành như chủ trương của Hoàng Cung Triều Nguyễn

 

theo tài liệu được phổ biến thì

Đại Nội Kinh Thành Huế được xây dựng cùng với thời điểm xây dựng Kinh Thành Huế, cụ thể là từ thời vua Gia Long năm 1804 và hoàn chỉnh vào thời vua Minh Mạng năm 1833. Đại Nội Huế nằm trong Kinh Thành Huế là nơi dành riêng cho các vị vua cùng hoàng thân nhà Nguyễn. Đại Nội Huế thường là tên gọi chỉ chung cho Hoàng Thành Huế và Tử Cấm Thành....

Tính đến khi công trình hoàn thành hoàn chỉnh vào thời vua Minh Mạng, Đại Nội Kinh Thành Huế có tất cả khoảng 147 công trình. Đại Nội có phần mặt bằng gần như hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 600m. Phần tường Đại Nội được xây bằng gạch kiên cố với độ dày 1m và cao 4m. Xung quanh bờ tường đều có hào bảo vệ. Đại Nội có 4 cửa ra vào, bao gồm: cửa chính tên Ngọ Môn, cửa phía Đông tên Hiển Nhơn, cửa phía Bắc tên Hòa Bình, cửa phía Tây tên Chương Đức.

Hệ thống cung điện được bố trí theo một trục đối xứng ở giữa. Trong đó, trên trục chính ở giữa sẽ là các công trình cung điện dành riêng cho nhà vua. Còn hai bên sẽ là những cung điện được bố trí theo nguyên tắc “nam tả nữ hữu”, “văn tả võ hữu”. Về các miếu thờ cũng được sắp xếp theo thứ tự thời gian, trái trước phải sau hay còn gọi là “chiêu tả mục hữu”.

Xét về tổng quan, tuy mỗi cung điện có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng nhìn chung đều được xây dựng theo kiến trúc triểu “trùng lương trùng thiềm”. Đây là kiểu cung điện nhà kép có hai mái trên cùng một nền. Nhà được xây trên nền đá cao. Nền nhà lát gạch tráng men xanh hoặc vàng của Bát Tràng. Mái được lợp bằng ngói hình ống có tráng men, thường gọi là ngói Hoàng lưu ly hay Thanh lưu ly. Các cột trụ đều được sơn thếp với hoa văn long vân là chủ yếu. Phần nội thất của mỗi cung có sự bày trí khác nhau theo từng chức vị. Tuy nhiên đều tuân thủ phong cách “nhất thi nhất họa”, thường trang trí phòng bằng các bài thơ văn chữ Hán.

Theo các nhà nghiên cứu, trải qua thời dài cùng nhiều biến động lịch sử, hiện nay các công trình cung điện trong Đại Nội Kinh Thành Huế còn lại khá ít, chưa bằng một nửa so với số công trình ban đầu. Đến với Đại Nội Kinh Thành Huế, du khách có thể tham quan một số công trình di tích còn lưu giữ và bảo tồn đến ngày nay như:

Ngọ Môn: Đây là cổng chính của Hoàng Thành Huế, được xây dựng vào năm 1834, đời vua Minh Mạng. Tên gọi Ngọ Môn có nghĩa cổng xoay về hướng Ngọ. Trong dịch học, hướng Ngọ là hướng Nam, cũng là hướng dành cho những bậc vua chúa.

Ngọ Môn Huế

Điện Thái Hòa – Sân Đại Triều Nghi: Đây là hai địa điểm diễn ra những buổi triều nghi hay lễ quan trọng của hoàng gia như lễ đăng quang, sanh thần vua, lễ đón tiếp sứ thần, buổi đại triều… Công trình được xây dựng vào năm 1805, đời vua Gia Long.

Điện Thái Hòa ở Huế

Cung Diên Thọ và Cung Trường Sanh: Cung Diên Thọ được xây dựng vào năm 1803, là nơi sinh hoạt của các hoàng thái hậu nhà Nguyễn. Cung Trường Sanh được xây dựng vào năm 1821 cũng là nơi sinh hoạt của một số hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu.

Cung Diên Thọ ở Huế

Khu Tổ Miếu: Khu Tổ Miếu gồm có Hưng Tổ Miến thờ phụ mẫu vua Gia Long, Thế Tổ Miếu thờ những vị vua nhà Nguyễn, Triệu Tổ Miếu thờ Nguyễn Kim (thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng), Thái Tổ Miếu thờ những vị chúa Nguyễn.



























Lối từ trong Hoàng Cung ra đường phố về hướng khác hướng cổng chính







người viết đã tặng cho nữ hướng dẫn viên một chút tiền tip, nhưng cô rất tự trọng, nhất định không nhận.
Hôm sau, từ Huế về Qui Nhơn, khi ghé vào quán bên đường đi vệ sinh ở Bồng Sơn Tỉnh Bình Định mà không dùng gì của quán này,
người viết cũng đưa một chút tiền tượng trưng cho chủ tiệm, họ cũng nhất định không nhận!






phái đoàn 13 anh chị em TĐCTT tham quan Hoàng Cung đi vòng ở ngoài tường thành về cổng chính lên xe






 

 

Ghé thăm và trọ ở Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế

 

Theo tin tức, vì Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế là một trong những điểm nóng nhậy cảm về tôn giáo, nên người viết, trong điện thư xin ghé thăm và trọ ở đây từ đầu năm 2018, đã phải dò hỏi xem có OK không mới dám đến. Chiều hôm ấy, sau khi tham quan Đại Nội Kinh Thành Huế, phái đoàn TĐCTT đã về Đan Viện này một cách sớm sủa, vào lúc hơn kém 2 giờ 15 chiều, để còn có giờ đi tham quan toàn cảnh đan viện thơ mộng nhưng cũng không thiếu những di tích lịch sử hiện đại.

Khi lên tới hết dốc, đằng trước là con dốc vào đan viện, chiếc xe chở phái đoàn TĐCTT dừng lại, sửa soạn chuyển đồ xuống để từng người kéo lên đan viện. Tuy nhiên, vì gọi điện thoại cho Thày Lợi đặc trách tiếp tân trước khi đến không được, người viết đã xuống xe đi bộ lên dốc để trực tiếp gặp thày. Lên được gần hết dốc thì một thày dòng xuất hiện hỏi thăm, và biết rằng xe đang đậu ở dưới cổng liền bảo cứ mang xe lên. Thế là một số người đã xuống xe với hành lý đang chờ vui mừng kéo lên xe ngay.

Cuối cùng, nhờ 2 thày khác bấy giờ ở đó đi tìm, sau khi gọi điện thoại cũng không được, Thày Lợi quá bận ngay vào lúc ấy đã xuất hiện, và đã dẫn phái đoàn lên phòng nhận chỗ ngủ, sau đó, theo lời yêu cầu của người viết, thày đã vui vẻ dẫn phái đoàn đi tham quan đan viện 1 tiếng rưỡi đồng hồ, từ 3 giờ 30 đến 5 giờ, sau khi Nhóm TĐCTT cử hành LTXC ở nhà nguyện trong khu phòng ngủ của mình ở lầu hai, và trước khi tham dự giờ kinh nguyện ban chiều với các thày vào lúc 5 giờ 30 chiều, và ăn tối lúc 6 giờ.

Chuỗi Thương Xót

Tham Quan cảnh vật của Đan Viện

Rất tiếc cái máy phát thanh bỏ túi của người viết cố ý mang đi cho dịp này đã bị đột qụi bất ngờ không xài được nữa sau ngày thứ 3 ở trên xe

Nên thày Lợi được người viết nhắc là thỉnh thoảng xin thày đứng lại để những người đi sau có thể nghe lời thày dẫn giải

Thày Lợi cho biết tất cả mọi sự trong đan viện đều do chính tay các thày làm lấy

bao gồm cả việc làm bếp, làm vườn, làm nhà, chăn nuôi v.v.

theo đúng câu tâm niệm của dòng là "Ora et Labora - Cầu nguyện và lao động"

Thày Lợi kể rằng đan viện là đối tượng bị nhắm đến chiếm đất rất nhiều lần.

ngày xưa là rừng thông, nhưng chính quyền nói chổ nào là rừng thông là của chính phủ...

nên các thày đã phá rừng thông mà biến thành vườn thanh long

Vườn cam sản xuất thứ cam được gọi là "cam ẩn tu" này, như chúng tôi đã nghe từ Giáo Xứ Khe Sanh hôm trước, đã được 70 năm.

năm nay những trái "cam ẩn tu" đã được con buôn đến hái hết rồi, những trái cam nhỏ con, xanh xao nhưng lại ngọt ngào,

như chính người viết đã thưởng thức ở Khe sanh cũng như ở ngay đan viện này, mang về tận nhà mình ở Mỹ một trái để nhớ nhung.

Những ngôi nhà mái đỏ chen lẫn trong khu vườn thanh long và cam này của đan viện, khoảng 4-5 nơi khác nhau,
theo Thày Lợi, cần phải được xây cất để giữ đất, vì chính quyền nói chỗ nào không có nhà là của chính phủ,
nên các thày đã phải cấp tốc làm nhà giữ đất, những ngôi nhà để trống không có ai ở mà chỉ để giữ đất của đan viện.


Gần xuống hết dốc thì xuất hiện một khu nhà mà ngày xưa là một dẫy chuồng heo,

nay được sử dụng vào việc khác, duyên dáng hơn

phái đoàn tiếp tục được Thày Lợi dẫn đến một nơi lịch sử mà họ mong chờ... đó là

 

Cây Thánh Giá và Đấng Tử Giá Bị Nạn

Chúng tôi đã đền tạ Chúa Kitô Tử Giá và cầu cho phạm nhân "không biết việc mình làm".

Nhân vật hung hăng đập phá nhất đã được LTXC thương xót để bị đụng xe nằm liệt ở nhà... mà nghĩ lại

nghe tin ấy các thày đã đến thăm viếng người anh em dầu sao cũng đáng thương của mình

hành động vị tha của các đan sĩ Thiên An quả thực đã phản ảnh một Chúa Kitô tử giá: "Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm..."

theo gợi ý của người viết, anh chị em TĐCTT thay nhau lên ngắm nhìn và hôn kính Thánh Giá và Tượng Đấng Tử Giá

trong lời nguyện công khai trước đó, người viết cũng xin Chúa...

cho ai tôn kính và hôn kính Thánh Giá chẳng những không sợ hãi và tránh xa Thánh Giá

mà còn biết say mê cái thú đau thương của Chúa và với Chúa như Mẹ Đồng Công Maria

một số chị đã thú nhận rằng không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh tượng như vậy

không phải qua video clips khi còn ở Mỹ từ cả nửa năm trước nữa mà là do chính tận mắt thấy lúc bấy giờ.

(hình từ máy của chị Ngô Trâm)

Xin theo dõi các tín liệu về chung Đan Viện, cũng như về "sự cố" ở đan viện ở những cái links dưới đây:

 

Đan viện Thiên An nét đẹp "sâu lắng lạ thường" tại Huế - Vntrip.vn



Chuyện gì đang xảy ra tại Đan viện Thiên An? - BBC News Tiếng Việt

 

Đan viện Thiên An - Home | Facebook

 

Đan viện Thiên An phản đối Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế

 

Đan sĩ Đan viện Thiên An bị đánh trọng thương - Voatiengviet

 

Cháy tại Đan Viện Thiên An - RFA


Vườn Rau và Ao Cá

ngôi nhà ngói đỏ ở đây được Thày Lợi cho biết là chỉ cất chỉ 1 đêm là xong, vì có sẵn khung sườn của nó

mục đích cũng là để giữ đất, thế thôi... vì ở gần như cùng tận này chính quyền cũng có thể đột nhập vào lối hậu

Mỗi lần họ muốn tấn công đan viện, thì họ chặn hết mọi nơi

nào là cắt wifi

nào là chặn các xe vào đan viện

nghĩa là hoàn toàn cô lập hóa các thày

nhưng LTXC vẫn hiện diện thần linh nơi chung đan viện và nơi từng đan sĩ

bởi thế đan viện vẫn vươn lên trong khốn khó và càng mạnh vững đức tin hơn bao giờ hết.

Trên ngọn tháp chuông của đan viện ở tầng thứ 8 là nơi cao nhất Thành Phố Huế

Theo Thày Lợi thì đan viện bao rộng tất cả là 107 mẫu

Cách đây 10 năm đan việc đã ký nhường cho chính phủ 10 mẫu đất, từ chỗ kiến trúc con rồng (hình trên) cho đến khu nhà (hình dưới)

nhưng dự tính mở khu trung tâm giải trí ở đây bất thành, nên họ vẫn chưa hài lòng và muốn chiếm đất tiếp

mới đây họ nổi lửa lên đốt một khoảng rừng thông (chỗ bị nám trong hình trên đây) lần thứ nhất trong 3 lần

Sau đó họ đốt tiếp 2 lần nữa (ở 2 khoảng nám trong hình trên)

lần thứ ba sát khu nhà ở của đan viện và cột điện nên các thày phải lấy nước chữa lửa

 

Kinh Phụng Vụ Ban Chiều

Bữa Tối

Mấy trái "cam ẩn sĩ" - nhỏ con, xanh xao mà ngọt ngào ở trên bàn ăn cho phái đoàn TĐCTT tráng miệng sau khi thưởng thức các món ăn ngon lành do chính các nam đan sĩ ẩn tu trân trọng nấu nướng và khoản đãi, những món ăn vật chất chỉ là tượng trưng cho một thần lực được đan viện này truyền cho phái đoàn TĐCTT thừa sai tiếp tục hành trình truyền giáo loan truyền LTXC của mình.

các chị nhào vô phụ giúp các thày rửa ráy sau bữa tối, trước khi về phòng ngủ đêm.

Thế là hết một buổi chiều và một buổi sáng - đó là ngày thứ 10 trong Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 của TĐCTT

 

Vào ngày 1/11/2018, tức sau đúng nửa tháng từ ngày phái đoàn TĐCTT viếng thăm đan viện này (15/10/2018),

chính đan viện đã tổ chức suốt một tuần lễ, từ chính Lễ Các Thánh 1/11, mỗi ngày 1 tiếng ngay sau Thánh lễ sáng,

xép hàng kéo nhau xuống chính vị trí mà chính phủ bảo kê cho lấn chiếm đất của đan viện để xây cất một ngôi đình chùa gì đó.

Trong video, Nhóm TĐCTT 2018 sẽ thấy lại được Thày Lợi đang quay phim ở cái link dưới đây:


https://www.youtube.com/watch?v=fD3y6UV6alM

Lạ lùng và trùng hợp một điều là vào chính ngày 1/11 ấy, ở Hoa Kỳ, lại là ngày phổ biến cái link tường thuật việc tạ từ Đan Viện Thiên An Huế

Ngày 16/10: Tạ từ Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế và ghé thăm Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở Qui Nhơn

 và vào chính ngày giờ 31/10/2018 ở Hoa Kỳ, tức là ngày 1/11/2018 ở Việt Nam, lại là thời điểm bắt đầu tường trình về Đan Viện Thiên An Huế

Ngày 15/10: Tặng quà Hội Người Mù Huyện Phú Vang Huế, tham quan Đại Nội Kinh Thành Huế, và ghé thăm trọ ở Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế

Đúng là thiên duyên tiền định giữa phái đoàn TĐCTT thừa sai áo trắng với quí đan sĩ Biển Đức Thiên An áo đen hôm 15-16/10/2018!

 

xin đón xem

Ngày 16/10: Tạ từ Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế và ghé thăm Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở Qui Nhơn

cần xem lại

Ngày 14/10: Tặng quà Truyền Giáo ở GX Khe Sanh và ở Hội Người mù Huyện Hải Lăng Quảng Trị

Ngày 13/10: Tham quan Động Phong Nha Quảng Bình và về Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang Thừa Thiên Huế

Ngày 12/10: Tặng Quà Tông Đồ Truyền Giáo ở GX Phúc Địa và Đến Phong Nha Quảng Bình

Ngày 11/10: Mừng Dòng Xito ở Việt Nam 100 Năm Thành Lập, ghé thăm Tòa Giám Mục GP Thanh Hóa, bữa trưa và về GX Phúc Địa

Ngày 10/10: Tạ Từ Dòng MTG Hưng Hóa, ghé thăm ĐTGM Ngô Quang Kiệt và Vườn Fatima

Ngày 9/10: Sáng từ Sapa... trưa ghé Lào Cai... chiều về Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa

Ngày 8/10: Giáo Điểm Sapa - Giáo họ Hầu Thào, Giáo họ Lao Chải, và Giáo điểm San 1

Ngày 7/10: Giáo Điểm Sapa - Giáo Xứ Sapa và Giáo họ Sử Pán cùng Giáo Họ Thôn Lý

Ngày 6/10: Ghé Hà Nội và Trọ ở Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa