DẪN NHẬP:


Quí CRM rất thân mến của em trong Lòng Đồng Công của Mẹ Chúa Cứu Chuộc,

Cảm nhận

Người Anh Cả của chúng ta đã cách mạng một cái lệ riêng cho dòng Anh thành lập, liên quan đến ngày tháng mừng kỷ niệm mà theo trần gian gọi là ngân khánh 25 năm, kim khánh 50 năm và ngọc khánh 75 năm. Dòng Đồng Công chúng ta, cũng mừng ngân khánh, kim khánh và ngọc khánh như ai, nhưng lại căn cứ vào tuổi đời của Chúa Mẹ, siêu nhiên hơn: ngân khánh 15 năm (tuổi Mẹ Maria thụ thai Lời Nhập Thể), kim khánh 33 năm (Tuổi đời của Con Thiên Chúa Làm Người) và ngọc khánh 70 năm (Tuổi đời của Mẹ Maria). Thời điểm mừng 70 Năm Ngọc Khánh Thành Lập Dòng, một hội dòng truyền giáo theo bản chất như qui định trong Hiến pháp của dòng, được Anh Cả sáng lập, theo mầu nhiệm quan phòng thần linh, lại trùng hợp với thời điểm Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực thực hiện một Hành trình Hiệp thông Tham gia Sứ vụ Truyền giáo (For a synod Church: Communion, Participation and Mission).

Nhờ Mẹ Maria chúc tụng ngợi khen LTXC về sự hiện hữu, sống động và phát triển của dòng trong suốt 70 năm qua (2/2/1953 - 2023), và cùng nhau CRM chúng ta bày tỏ lòng tri ân cảm tạ Anh Cả, một QP được Thiên Chúa sử dụng tận tình, đến độ, đã cho Anh được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, trở thành như một hạt lúa miến mục nát đi (xem Gioan 12:24), nhất là từ thời điểm sau khi Anh (2007) về với Đấng đã tuyển chọn Anh lập dòng, hội dòng của Anh, khai dòng 70 năm trước đây, nhờ đó có thể và xứng đáng trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như hiện nay, cả ở nơi chính anh em dòng, cũng như ở trong xã hội dân sự, qua các việc bác ái xã hội của dòng, nhất là ở tại các cánh đồng truyền giáo xuyên Việt từ bắc vô nam, như phái đoàn THĐC 2022 chúng em đã đích thân chứng kiến và cảm nhận. 

Riêng bản thân em, một cựu tu sĩ Đồng Công 18 năm 2 tháng (21/6/1964 - 20/8/1982), thú thật, mỗi lần dòng có biến cố đặc biệt nào, nhất là biến cố Anh Cả qua đời, em càng cảm thấy gắn bó với dòng hơn. Cũng từ khi nghe tin Anh Cả bắt đầu ngã bệnh hôm 8/8/2006, em đã bắt đầu viết về Anh. Em đã dẫn gia đình của em về thăm Anh lần cuối vào chính năm mừng bách niên trăm tuổi của Anh (1906-2006), trong chuyến hồi hương lần đầu tiên sau 31 năm (1975-2006). Em đã gọi điện thoại xin Anh Kiên lấy hẹn cho em được gặp Anh Cả, và em đã được hân hạnh gặp lại vị linh hướng huấn thánh cho em nửa tiếng hôm Thứ Sáu 7/7/2006 tại phòng của Anh ở Nhà Mẹ Thủ Đức. Cuối cùng, em đã xin Anh ban phép lành cho em trước khi vĩnh biệt Anh, và em đã khóc khi lĩnh phép lành cuối cùng của Anh!

Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ - Lý Tưởng Thánh Đồng Công

Anh Cả - Di Sản Thánh Đồng Công

Lý Tưởng Thánh Đồng Công của Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ cho Thành Phần Giáo Dân

Anh Cả - Một Con Trẻ

Đoàn Sủng Thánh Việt Nam

Vấn Đề Mẹ Đồng Công 

Linh Đạo Đồng Công

Sống Đời Tận Hiến Toàn Thiêu: Xin Chiếm Đoạt Con


Nếu Anh Cả là một hạt lúa miến QP mục nát đi (xem Gioan 12:24) thì hội dòng Đồng Công được Anh thành lập cũng theo
Linh Đạo Lúa Miến, như Anh đã nhấn mạnh đến 3 tinh thần chính của dòng là bỏ mình, tận hiến yêu thương. Đúng thế, hạt lúa miến muốn sinh hoa trái đức ái trọn hảo là yêu thương thì chẳng những phải được gieo xuống đất ở chỗ bỏ mình, mà còn phải bị mục nát đi ở chỗ tận hiến bản thân cho Chúa để Chúa muốn làm gì thì làm nơi mình. Vậy để biết tu sĩ Đồng Công đã thực sự bỏ mình và tận hiến ra sao, thì chỉ cần xem họ sống yêu thương tới mức nào, vì yêu thương là hoa trái tất yếu được trổ sinh. Và để dơn giản hóa 3 tinh thần của Linh Đạo Lúa Miến này, Anh Cả đã sống và đã linh hướng cho các em của Anh sống thơ ấu thiêng liêng, được đồng hóa với đời tận hiến.  

Linh Đạo Lúa Miến chính là Linh Đạo Giêsu Maria: Một Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nhưng đã không tự coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã hóa ra như không (bỏ mình), đã vâng lời cho đến chết dù có phải chết trên thập tự giá (tận hiến), nên đã được Thiên Chúa tôn vinh và mọi loại xưng tụng Người là Chúa (yêu thương) - xem Philiphe 2:6-11. Một Mẹ Maria là tôi tớ Chúa (bỏ mình), hoàn toàn thuộc về Chúa là chủ tể của Mẹ, nên Mẹ đã xin Chúa hãy làm nơi Mẹ những gì Ngài muốn (tận hiến), và nhờ có Chúa ở cùng, Mẹ đã vội vã lên đường viếng thăm (yêu thương) - xem Luca 1:38-39). Chính Chúa Giêsu đã ví mình như hạt lúa miến gieo xuống đất (nhập thể), mục nát đi (tử giá) để sinh nhiều hoa trái (phục sinh) thế nào thì Anh Cả cũng được như vậy.

Theo tâm lý, nếu càng yêu càng khổ thì chỉ vì yêu nên thánh và lập dòng cho người Việt Nam nên thánh mà Anh Cả đã chất ngất khổ đau vì Lý tưởng Thánh Đồng Công. Anh không khổ sao được khi thấy các em của anh, bỏ hết mọi sự thế gian mà còn luyến tiếc một cái gì đó phụ thuộc, dù tự nó cần thiết và tốt lành, như học hành, linh mục, không nhắm tới đích điểm Thánh Đồng Công, nên mới xẩy ra biến cố mở sổ khấn năm 1968 - quí hồ tinh bất quí hồ đa. Anh không khổ sao được khi thấy những tâm hồn hăng say nên thánh, rồi lại bỏ ra. Anh không khổ sao được khi anh biết có một số anh em dòng ngấm ngầm vận động truất phế anh. Anh càng khổ hơn nữa khi có người em, vì tham quyền, bất chấp thủ đoạn, đã nội phản anh, gây ra một cơn sóng thần, tí nữa nhận chìm dòng xuống lòng đại dương lịch sử.

Em càng viết về Anh Cả và về Dòng, thì lại càng thấy những gì là tinh hoa cao quí em đã trải qua và hoan hưởng trong thời gian còn ở trong dòng, mà chính lúc ấy em chưa ý thức được hoàn toàn và sâu xa như khi em đã vào đời và nhìn lại. Tất cả con người cao tấn tĩnh hiện nay và cho tới nay, sau khi xuất dòng đều phát triển từ cựu tu sĩ Tâm Phương của Đồng Công. Như em vẫn tự nhận và nói với anh em dòng em là Đồng Công nằm vùng, và tất cả những gì em có được và làm được, khiến không ít người, bao gồm cả anh em dòng, lạ lùng và khen tặng, đều xuất phát từ vốn liếng Đồng Công của Anh Cả và của Dòng. Em phải chân nhận rằng Đồng Công được Anh Cả sáng lập là việc của Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa đã Hiển Linh nơi hạt lúa miến mục nát QP, nơi tinh thần anh em dòng & hoa trái tông đồ.

Thiên Chúa đã quả thực hiện diện và tỏ hiện rất tỏ tường qua bản thân Anh Cả cũng như nơi chung hội dòng Anh được Chúa tác động thành lập 82 năm trước đây (1941-2023), bằng không, hội dòng Đồng Công đã không thể tồn tại cho tới nay, chứ chưa nói đến phát triển về cả nhân sự (đặc biệt là dồi dào linh mục), hoạt động (tông đồ, mục vụ và truyền giáo) và không gian (gần như khắp nơi cả ở VN lẫn HK). Chỉ cần nhìn thấy các cơ sở của Dòng tràn lan ở Đồi Thủ Đức từ năm 1955, cùng với các cơ sở của dòng ở những nơi khác, như ở Giáo phận Qui Nhơn từ năm 1957, Giáo phận Buôn Mê Thuột từ năm 1959, Giáo phận Đà Lạt từ năm 1968, và Giáo phận Nha Trang từ năm 1974, cũng đủ rõ: tiền ở đâu để dòng có thể tự lập mưu sinh lại còn xây dựng các cơ sở bác ái hầu như miễn phí như thế!?! 

Cùng phái đoàn TĐCTT 8 người thực hiện chuyến Hành Trình Truyền Giáo Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta Ấn Độ 14 ngày 11-24/10/2022, em đã thấy được một Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) quả thực hiện diện và tỏ hiện ở Calcutta, đến độ đã biến Calcutta trở thành một Thánh địa Thương xót, nơi chảy sữa yêu thương và mật thương xót từ hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, một dòng đồng thời với Dòng Đồng Công, được giáo phận công nhận vào năm 1950, sau Đồng Công 2 năm. Trong chuyến Hành trình Việt Nam Truyền giáo Đồng Công 24 ngày 7-30/11/2022, qua các khu vực truyền giáo từ bắc vô nam của Đồng Công, em cũng thấy Thiên Chúa hiện diện và tỏ hiện qua các tu sĩ thừa sai Đồng Công nơi Mùa gặt Thương xót đang được trổ sinh từ hạt lúa miến mục nát QP!

Chia sẻ


Từ cảm nghiệm thần linh của em, sau hai hành trình truyền giáo chỉ cách nhau 2 tuần, cả ở Calcutta Ấn Độ lẫn Đồng Công Việt Nam, một cảm nghiệm về một Vị Thiên Chúa thần linh đã thực sự hiện diện và tỏ hiện trên trần gian này, qua những con người hèn yếu dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội lữ hành cho tới ngày cùng tháng tận của thế giới loài người đáng thương này, nhất là vào thời điểm từ thế kỷ 20, một thế kỷ với 2 thế chiến I và II, kèm theo 2 chế độ Phát xít và cộng sản, nhưng lại là Thời điểm Thương xót bùng lên từ Balan với nữ tu Faustina, và hiện thực nơi một Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta giữa thế giới Ấn giáo Ấn Độ, và nơi Anh Cả cũng như nơi hội dòng Đồng Công của Anh, em mới hứng khởi biên soạn, nghiên cứu và trình thuật toàn bộ "Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng" này. 
Bởi thế, sau khi em tường thuật xong toàn bộ Hành trình VN Truyền giáo ĐC 2022 của THĐC vào ngày 31/12/2022, em nghĩ ngay đến biến cố 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng (hơn là Lập Dòng là ngày 21/11/1941, hay Thành Dòng là 15/12/1952, ngày Tòa Thánh ký văn thư công nhận Đồng Công là dòng), và em đã bắt đầu thực hiện toàn bộ hình ảnh lịch sử 70 Năm Ngọc Khánh Đồng Công Khai Dòng. Bộ hình ảnh này theo chiều hướng được Chúa dạy trong Phúc Âm là "lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ" (Mathêu 13:52): những hình ảnh  do em tự tìm kiếm, hay từ một số quí anh liên hệ ở trong dòng, nhất là từ tài liệu 80 Năm Đoàn Sủng Dòng 2021, còn những hình ảnh mới do chính em chụp từ hai chuyến về VN với THĐC 2017 và 2022, như em đã phổ biến trước đây. 

Còn về những chi tiết lịch sử em lấy từ 2 nguồn sau đây:

1- Đa số từ tài liệu "80 năm đoàn sủng Đồng Công" được phổ biến năm 2021, do Anh Vũ Tân Niên, CRM (LK VII) chủ biên, kèm theo những chi tiết cần thiết mà chính em là người trong cuộc còn nhớ;

2- Một ít, nhất là những gì liên quan đến Anh Cả, từ bộ "Hạnh tích Đấng Sáng Lập Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc" 4 tập (2020-2021) được biên soạn bởi 1/7 tổ phụ dòng là Anh Nguyễn Đức Kiên, CRM.

 

Bắt đầu từ ngày mai, Thứ Ba 17/1/2023, cho tới Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023, ngày khai dòng đúng 70 năm trước, xin mời CRM cùng nhìn lại 70 năm qua của dòng, 70 năm ân tình thánh tuyệt vời, 70 năm bụi gai Đồng Công bốc cháy mà không bị thiêu rụi, trái lại, còn trở thành một bụi lửa, một cuộc thần hiển (theophany) rực rỡ của Vị Thiên Chúa vô cùng thiện hảo, khôn ngoan và toàn năng, chủ tể của tất cả mọi sự trên trần gian này, 70 năm qua sẽ hiện lên trước mắt thành phần CRM chúng ta những di ảnh hiếm quí bất ngờ, kèm theo nhiều chi tiết lịch sử cần biết không thể bỏ qua, những sự kiện làm nên Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc Đồng Công thân yêu của chúng ta ở đất nước Việt Nam và ở trên trần gian này, mà em sẽ phổ biến thứ tự từng ngày một, theo bố cục và nội dung như sau:  

Nội dung

 

1941 - Đồng Công Thai Sinh 

 

1955 - Đồng Công Nẩy Sinh

 

Các cơ sở Đồng Công ở Thủ Đức và Lái Thiêu từ 1955:

Nhà Mẹ, Khu Kitô Vương, Khu Nhà 30 Gian,

Tu Viện Khiết Tâm Tam Hà, Tu Viện Tiệc Ly Lái Thiêu,

Đệ Tử Viện, Giáo sĩ Dưỡng đường, Trường Đồng Công

 

Các cơ sở Đồng Công ở Giáo phận Qui Nhơn từ 1957:

 Trung Học Toàn Mỹ Mỹ Chánh, Nhà Qui Đức, Nhà Mẹ Nhà Đá

 

Các cơ sở Đồng Công ở GP Buôn Mê Thuột từ 1959:

Sở Phước Thiện Đồng Công và Giáo xứ Châu Ninh

 

GP Đà Lạt từ 1968:

Tu viện Thiên Mẫu và Cư xá Sinh viên Rạng Đông

 

GP Nha Trang từ 1974:

Trường tiểu học Đồng Công Lương Sơn Phan Rí

 

1975 - Đồng Công Vượt Qua

 

1987 - Đồng Công Khổ Nạn 

 

1993 - Đồng Công Hồi Sinh

 

2006 - Đồng Công Mục Nát

 

2012 - Đồng Công Trổ Sinh

 

Việt Nam - Truyền Giáo

Hoa Kỳ - Mục Vụ

 

Đồng Công Bé Nhỏ

 

Đồng Công Hiệp Thông

 

Trên Trời: Những Anh Em đã ra đi trước

Dưới Đất: Những Di Sản Đồng Công

 

2023 - Đồng Công Thần Hiển

 

Nên Thánh Đồng Công

Linh Mục Đồng Công

Truyền Giáo Đồng Công

 

 

Hy vọng đây chỉ là một chút thiện chí nỗ lực mở đầu, được nghiên cứu và phổ biến bởi một THĐC, nhân dịp tròn 70 năm Ngọc Khánh Khai Dòng, và sẽ được hoàn chỉnh hơn, với những hình ảnh được thêm vào sau này nữa, từ những anh em CRM nào còn giữ, kèm theo các chi tiết lịch sử khác, mà em chưa có về riêng Anh Cả cũng như về chung dòng. Xin chân thành và hết lòng đa tạ Quí CRM.

em tâm phương cao tấn tĩnh  

 

 

 

 

mà còn ngay từ khi Đấng sáng lập được sinh ra, vị theo thiên định đã được Thiên Chúa tuyển chọn lập dòng Đồng Công cho Ngài trên đất nước VN và cho Người VN

Thực thể Công giáo Đồng Công chính thức thụ thasi và cưu mang từ ngày Lễ Mẹ Đau Thương 4/4/1941, và được khai sinh

chẳng những từ khi dòng được Tòa Thánh châu phê Hiến pháp ngày 15/12/1952 và khi dòng mừng Thành Lập ngày 2/2/1953

Ông bà Cố thân sinh ra vị sáng lập Dòng Đồng Công - Ngài ra đời vào ngày 29/11/1906 và là người con thứ 6 trong gia đình 11 người con, như gia đình Thánh Têrêsa Avila

Trong số 11 anh chị em (4 vị ở hình trên, từ trái sang phải): Bác Liêm, con thứ 3: cộng sự viên ĐC; Bác Yến, con thứ 5, có người con trai tên Thành đã tu ĐC nhưng xuất, chưa khấn hứa gì;

Cô Thoa, con thứ 9, đã vào tu trong Nhà phước, nhưng phải về vì bệnh và ở vậy cho tới chết; Chú Trần Đình Tôn, con trai út, vào tu ĐC, được đổi tên thành Trần Trung Chính, hết hạn khấn tạm thì hồi tục.

Nhà thờ Đồng Quan, nơi vị sáng lập đã được rửa tội vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1906,

và đồng thời cũng là nơi vị sáng lập dòng Đồng Công đã tập tu đến 7 lần thời còn thiếu nhi, dù giáo xứ và nhà thờ gần ngay nhà của ngài.

Ngôi nhà trên đây, theo các nhân chứng còn sống sót, cho biết là nơi gia đình Cha Thủ đã sinh sống.

Ngôi Nhà Thờ Đồng Quan nhìn từ khoảng đường xuất phát di tích nhà của gia đình Đấng Sáng Lập ngày xưa - tu ngay gần nhà như thế mà ngài vẫn 7 lần...!

Như Giona cho dù có lẩn trốn thì lệnh Chúa truyền vẫn hoàn thành theo ý Ngài thế nào...,

thì ngày 22/5/1937, Cha Thủ đã được thụ phong linh mục - Cha Thủ và Cha Nghĩa Phụ Thạc ngày hồng ân hôm ấy (hình trên)

Đại Chủng viện Quần Phương của Giáo phận Bùi Chu, nơi Anh cả làm Giáo sư triết học và Linh hướng 5 năm, cũng là nơi Anh được ơn soi động lập dòng

 

THỜI KỲ CƯU MANG

1. Tư tưởng mới lạ: Lập Dòng

Ngày 3-4-1941, nhằm ngày Thứ Năm Tuần Thụ Nạn (Passio) theo lịch Phụng vụ trước Đại Công Đồng Vaticanô II (ĐCĐVII) cũng là Thứ Năm đầu tháng, theo lệ thông thường của Đại Chủng viện (ĐCV) Quần Phương, địa phận Bùi Chu, các cha giáo và chủng sinh phải Hồi Tâm tháng. Anh Cả bấy giờ là Cha Linh hướng ĐCV giữ nhiệm vụ giảng thuyết. Từ 3 giờ sáng Thứ Năm ấy, Anh đã thức dậy nguyện ngắm, dọn mình dâng Thánh Lễ và dọn bài giảng. Một tư tưởng mới lạ đột nhiên xuất hiện: đó là ý tưởng “Lập Dòng” mà từ xưa tới nay Anh không hề nghĩ tới. Nó cứ bắt Anh phải suy nghĩ, như một sức lực vô hình làm cho trí khôn bị lôi cuốn vào vấn đề lập Dòng. Nhưng Anh phải cố gạt bỏ như chước cám dỗ để lo dọn bài giảng hồi tâm tháng cho ĐCV.

2. Ngẫu nhiên hay Tiền định?

Như Anh Cả cho biết, đêm Thứ Năm đó rạng Thứ Sáu, ngày Giáo Hội dâng lễ kính Đức Mẹ Đau Thương theo lễ nghi trước ĐCĐVII, khoảng 3 giờ sáng, Anh thức dậy, chưa kịp than thở gì với Chúa, Mẹ, thì cái tư tưởng kỳ lạ kia chộp ngay lấy tâm trí Anh, giống cảnh tượng bác mèo nhịn đói lâu ngày rình mò chú chuột rồi vồ được. Bác mèo vừa bắt được chú chuột, tha hồ mà nhai nghiến nhai ngấu; trong giây phút, chú chuột đã biến thành đồ ăn ngon cho bác mèo. Tư tưởng “Lập Dòng” tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt suốt từ 3 giờ tới 5 giờ sáng ngày lễ Mẹ Đau Thương, tâm trí Anh hoàn toàn thụ động, bị thu hút. Dù sao, tâm trí Anh lúc đó vẫn còn thong dong, nên trí khôn và ý muốn Anh đã cưỡng lại bằng tư tưởng “Lập Dòng sao được?”. Lập tức có tiếng vô hình nhưng rất chắc chắn đáp lại “Lập Dòng được, vì đã có nhiều người mới lập Dòng, như Thánh An-phong-sô lập Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Gioan Boscô lập Dòng Truyền giáo vv…”. Đối với Anh, từ 8 năm nay, Anh không bao giờ nghĩ tới việc lập Dòng mà chỉ nghĩ tới đi tu Dòng. Anh đã xin vào mấy Dòng, các Dòng đều đón nhận hết, nhưng sau cùng Anh thấy hợp với Dòng Châu Sơn và đã quyết định vào. Đang ôm ấp ý định ấy thì đêm Thứ Năm rạng Thứ Sáu lễ kính Mẹ Đau Thương như đã nói trên, một tiếng êm ái dịu dàng trả lời cho Anh rằng: “Mình có vào các Dòng đó cũng có thể nên thánh được. Nhưng thực sự các Dòng ấy họ không cần mình. Trái lại, đang có rất nhiều linh hồn, nhất là người Việt Nam muốn nên thánh, muốn theo Chúa đặc biệt mà không có chỗ, cũng không có người hướng đạo chỉ dẫn, họ rất cần mình,sao mình lại vào một nơi không ai cần mình mà bỏ rất nhiều linh hồn đang cần đến mình?”.

3. Băn khoăn, do dự...

Rồi trong giây lát, tâm trí Anh tự cảm thấy mình hoàn toàn bất lực đối với một công trình lớn lao đó. Một tiếng lấn át, trả lời ngay rằng:“Mình chỉ là người xướng xuất, chỉ là người xung phong trước tiên rồi các người khác theo sau, họ sẽ làm hết, đâu mình có phải làm”. Thế là Anh bị chinh phục. Nhưng phút chốc, Anh thấy hiện ra trước mặt sự khó khăn đối với các Bề Trên, các linh mục nhất là với Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, làm cho tâm hồn Anh run sợ và ngại ngùng trong việc quyết định.

4. Ánh sáng siêu nhiên đã khuất phục Anh…

Đang lúc Anh cảm thấy chán ngán, thì lại có tiếng nói vô hình siêu việt vừa trả lời, vừa ban sức mạnh phá tan sự chán ngán: “Khó thật nhưng đối với Thiên Chúa thì rất dễ dàng, Chúa sẽ làm được hết”. Tiếng nói tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt đã hoàn toàn khuất phục con người Anh, làm cho Anh đang là một con người thụ động suốt 22 năm trời, trở thành con người chủ động, tìm đường lối giúp người khác nên thánh, tìm phương pháp giải phóng người Việt Nam để Tình Yêu Chúa chiếm đoạt. Như vậy từ ngày đó (ngày 4-4-1941) cuộc sống của Anh trở nên nếp sống thật lý tưởng là lập một Dòng mới, hợp với thời đại, với dân tộc để huấn luyện người Việt-Nam làm thánh.

5. Chuẩn bị mọi phương tiện

a) Bàn hỏi

Cha giải tội thường xuyên là Cha già Huệ, Giám Đốc ĐCV đương thời. Sau khi xưng tội, Anh kể việc được ơn soi sáng lập Dòng. Nghe xong, Ngài hơi e dè, nhưng khuyên bảo phải cầu nguyện nhiều, chứ không ngăn cản gì hết.

Rồi Anh trình bày việc đó với Cha già Liễn là Cha giải tội ngoại lệ của Anh. Ngài rất đồng ý và ủng hộ mọi mặt.

Sau cùng, Anh bàn hỏi với Cha linh hướng là Cha Cung, Giám Đốc Trường Thử địa phận. Ngài được liệt vào hàng đạo đức, thánh thiện nhất địa phận. Ngài vừa khuyến khích, ủng hộ, vừa nâng đỡ Anh trong bước đường truyền giáo và trong lý tưởng Đồng Công.

Như vậy việc bàn hỏi các Cha khôn ngoan và đạo đức thật là tốt đẹp. Anh không còn nghi ngờ gì về ơn Mẹ soi sáng lập Dòng nữa.                                          

b) Rút khỏi ĐCV

Đã định lập Dòng thì phải nghĩ ngay đến việc bỏ ĐCV. Việc này không phải là chuyện dễ, nhất là đối với Đức Cha, nhưng nhất định phải xin Đức Cha. Rất may, Đức Cha không từ chối, chỉ khất một thời gian.

c) Tìm hiểu Giáo Luật, Hiến Pháp

Trước hết Anh tìm hiểu Giáo Luật về cách thức lập Dòng và biết được rằng Tòa Thánh chỉ cấm lập Dòng với Lời Khấn trọng thể, chứ không cấm lập Dòng đơn thệ và các Tu hội. Tiếp đến việc viết Hiến Pháp. Anh xin mượn luật các Dòng để nghiên cứu. Hiến Pháp được viết ra, luôn được sửa chữa theo thời gian, nhưng được giữ kín, không cho ai biết. Mãi tới năm 1949-1950 mới tạm xong và nhờ một người dịch sang tiếng Pháp. Khoảng năm 1951, lại nhờ một Cha Dòng Đaminh, người Tây Ban Nha, Giáo sư ĐCV Nam Định, dịch sang tiếng Latinh rồi xin Đức Cha Phạm Ngọc Chi gửi sang Tòa Thánh. Ngày 15-12-1952, Tòa Thánh ký nhận và gửi về Việt Nam, đồng thời ban phép lập Dòng.

d) Chọn tên Dòng mới

Anh Cả cho biết mãi quãng 1948-1949, Anh mới nhất định lấy tên là: Dòng Mẹ Đồng Công (Societas Mariae Coredemptricis), dù Anh đã dùng danh hiệu Mẹ ĐC (Maria Coredemptrix) trong bản kinh Tận Hiến cho Mẹ từ năm 1941.

đ)Tìm người cộng tác

Người hứa với Anh tại ĐCV Quần Phương đi theo Anh là anh Đinh viết Quyết. Anh ghi lại lời than thở với Mẹ: “Đây mới là người cộng tác thật với Anh đúng nghĩa, vì chính anh Quyết mới là người muốn theo con để làm thánh”. Anh cũng cho biết, đích làm thánh mới chính là mục tiêu Mẹ soi cho Anh khi lập Dòng mới, để huấn luyện cho anh em làm thánh, còn vấn đề Truyền giáo chỉ là muc đích tùy thôi.

e) Chuẩn bị tâm hồn Tận hiến cho Mẹ

Theo Anh, việc quan trọng nhất để chuẩn bị cuộc Truyền giáo là dọn lòng để Tận hiến cho Mẹ. Anh dọn sẵn được một kinh để khi nào Tận hiến thì đọc. Ngày 21-11-1941 là ngày rất trọng đại đối với Anh, bề ngoài thì chẳng có gì. Ngày đó là lễ kính Mẹ Dâng Mình trong Đền thánh, Anh chọn để bắt đầu cuộc đời truyền giáo và lập Dòng mới. Nhờ Thiên thần bản mệnh báo thức thay đồng hồ, để khỏi làm phiền các cha giáo ngủ tại các phòng bên cạnh, Anh đã thức dậy trước 12 giờ đêm. Anh dọn mình mấy phút, rồi đúng 12 giờ, đầu ngày 21-11-1941, Anh đọc bản kinh Tận hiến trịnh trọng và sốt sắng. (Bản kinh này bằng Latinh nhan đề: “Consecratio Mariae Coredemptrici”). Đây là lần đầu tiên Anh Tận hiến cho Mẹ theo kiểu mẫu Thánh Luy Maria Grignion de Montfort.

g) Trưởng Ban Truyền giáo (TBTG) trong địa phận

Trước Tết Nhâm Ngọ - 1942, Anh Cả được ĐC Đaminh M. Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục địa phận Bùi Chu chấp thuận cho rời ĐCV Quần Phương với nhiệm vụ Trưởng Ban Truyền Giáo trong địa phận Bùi Chu.

Anh vâng lời Đức Cha lãnh chức TBTG địa phận, đồng thời để thí nghiệm và tìm nơi để lập Dòng mới. Đức Cha muốn Anh lấy Tòa Giám Mục làm Trung Tâm Truyền giáo. Anh xin vâng ý Đức Cha, mặc dầu trong thâm tâm Anh cảm thấy lấy Tòa Giám mục làm Trung Tâm Truyền giáo rất bất tiện. Thế là ngày 2-2-1942, lễ Mẹ Dâng Con, Anh bắt đầu thi hành sứ mạng Truyền giáo.

Mấy môn đệ tiên khởi

Sau việc giảng phòng cho Dòng Kín, quãng đầu tháng Hai năm 1942, Anh bắt đầu đi tìm nơi làm trụ sở Truyền giáo. Việc đầu tiên là phải tìm một người bạn đồng hành. Cha Luận giới thiệu cho một thanh niên là anh Vũ Đức Tiên. Anh Tiên là người xin đi truyền giáo và hiến thân trong bậc tu trì sau anh Quyết. Đáng lẽ anh Quyết là bạn đồng hành thứ nhất trên đường truyền giáo, nhưng còn phải ở lại giúp ĐCV cho đến hết tháng 5, 1942 mới theo được. Trong hai, ba tháng đầu chỉ có anh Tiên đi theo Anh. Đến cuối tháng 5 sang tháng 6, tháng 7 mới thêm anh Quyết, Trần Trung Chính, Trần Đình Cẩm và anh Phú (tân tòng quê Quần Phương).

“Người cộng tác thực sự với lý tưởng Đồng Công trong âm thầm đầu tiên với con tại ĐCV là em Philipphê M. Đinh Viết Quyết, nhưng em còn mắc trở phải ở lại ĐCV đến hết tháng 5 năm mới theo con.  Và em Augustinô M. Vũ Đức Tiên là người xin đi truyền giáo và hiến thân trong bậc tu trì sau em Quyết. Từ đây là cơ hội thuận tiện cho việc thí nghiệm và tìm nơi để lập dòng mới. Thế là ngày 2.2.1942, lễ Mẹ Dâng Con, đứa con dại của Mẹ và em Tiên bắt đầu thi hành sứ mạng truyền giáo. Ba tháng sau, phái đoàn đã có 6 người.

”Phái đoàn đến các điểm truyền giáo: giúp đỡ các thày truyền giáo về vật chất, nhất là đàng tinh thần mới là việc chính. Mẹ đã cho con biết rõ công việc thật là phức tạp, nguy hiểm cho linh hồn các thày giáo… Lập tức con hoạch thảo một chương trình huấn luyện tinh thần giảng đạo: Tĩnh tâm mỗi tam cá nguyệt một ngày, và mỗi năm tám ngày tại họ Đại Yên là trụ sở tạm để huấn luyện, nghỉ ngơi cho mấy anh em có ý vào dòng mới, cũng là nơi các thày ở các điểm truyền giáo đến gặp gỡ, bàn hỏi.”

Chương trình truyền giáo

Chương trình truyền giáo được thu gọn trong 4 điểm:

a/ Đi thăm các nơi truyền giáo tức là các nhà giáo

b/ Nâng đỡ các thầy giáo về vật chất;

c/ Giúp đỡ các thầy giáo về tinh thần;

d/ Tìm, chọn, định nơi làm trung tâm Truyền giáo.

 

Phải chăng "từ 3 giờ đến 5 giờ (sáng) ngày Lễ kính Mẹ Đau Thương, tâm trí con bị thu hút cách mãnh liệt..."

mà hội dòng Anh Cả lập liên quan đến Mẹ Đồng Công đã được chính thức hóa vào thời điểm dòng trở thành "Hội Truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công" (Pia Unio) trong GP Bùi Chu ngày 15/8/1948.

 

“Ngày 21 tháng 11 năm 1941 là lễ kính Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thánh thật là ngày quí trọng đối với con để khởi sự cuộc đời truyền giáo và lập dòng mới. Đúng 12 giờ đêm đầu ngày 21.11.1941, con trịnh trọng sốt sáng đọc bản kinh Tận Hiến Cho Mẹ theo kiểu mẫu Thánh Grignion de Montfort. Tận hiến xong, con đọc 150 kinh Mân Côi rồi đi ngủ lại…”

Và Anh Cả chủ trương dòng mới này phải tận hiến cho Mẹ, dòng này gồm linh mục, tu sĩ, người có học, người ít học, người lớn tuổi vào cũng được. Về sau trong nhiều lần huấn dụ anh em, Anh nhắc về ngày xa xưa Anh tận hiến mình và hội dòng mai sau cho Đức Mẹ.

Bức Tâm Thư Cuối Cùng

Tâm Thư Anh Q.P. Gửi Anh Em ĐC (Dịp lễ Me Dâng Minh 21-11-2003)

Đây là búc Tâm Thư cuối cùng Anh Cả gửi chung anh em Dòng trước khi Anh lìa bỏ anh em để về với Chúa, Mẹ.

       Các em thân mến,

       Chúng ta hân hoan mừng lễ Mẹ Dâng Mình trong đên thờ, cũng là kỷ niệm 62 năm Anh chính thức hiến dâng Dòng Đồng Công cho Mẹ. Nhân dịp này, Anh muốn nhắc lại với anh em mấy điều can hện đến ý nghĩa ngày lễ Mẹ và ngày kỷ niệm ấy.

       Về ý nghĩa ngày lễ Mẹ Dâng Mình, ta biết khi vừa tròn 3 tuổi, Mẹ đẫ quyết định xin cha mẹ đưa lên đền thờ Giêrusalem để dâng mình tận hiến cho Thiên Chúa, thực hiện ý muốn cúa Mẹ ngay từ khi còn trong lòng mẹ.Việc dâng mình này như vậy là xảy ra trước cả việc Mẹ được thiên thần truyền tin cho biết Mẹ sẽ chịu thai Con Thiên Chúa, trước cả việc Mẹ dâng Chúa trong đền thánh mà ta mừng vào ngày 2 tháng 2.Thành ra chính ngày Mẹ Dâng Mình trong đền thờ là ngày bắt đầu sứ mạng Đồng Công Cứu Chuộc của Mẹ, chứ không phải ngày Mẹ thưa “Xin Vâng” với sứ thần Gabrie. Thật vậy, nếu Mẹ không tự nguyện dâng mình tận hiến cho Thiên Chúa trong đền thờ, thì xem ra Mẹ không có thời gian dài để chuẩn bị dón nhận Tin Mưng khi Chúa muốn xuống thai trong lòng Mẹ. Và xem ra Mẹ không có nhiều thời giờ trầm lặng để chiêm niệm ơn cứu chuộc sẽ ban cho thế gian, mặc dầu Mẹ đã biết và hiểu ý nghĩa của Sách Thánh nói về việc cứu chuộc ấy.

       Nếu Mẹ không tự nguyện dâng mình tận hiến cho Thiên Chúa trong đền thờ, thì ta không có tấm gương trầm lặng, mai danh ẩn tích nào của Mẹ, để soi dẫn ta trên đường tu trì theo lý tưởng ĐC. Khi Đồng Công đang ở giữa một thế kỷ đầy ồn ào nhộn nhịp, phóng tâm ra ngoài, thích nhảy nhót, một thế gian sa đọa, một nền văn minh sự chết.   

       Nếu Mẹ không dâng mình tận hiến trong đền thờ, thì biết đâu sẽ không đưa tới  cuộc Mẹ kết hôn thánh thiện trinh trong với Cha Thánh Giuse, và không có cuộc thiên thần đến báo tin cho Mẹ biết Mẹ sẽ là Mẹ Chúa Cứu Thế. Nghĩa là không có việc Chúa Giêsu đến cứu thế gian và việc Mẹ đồng công với Chúa trong cuộc cứu chuộc ấy. Ta đã biết ngày 2-2 là ngày Chúa mạc khải việc Mẹ đồng công cứu chuộc, chứ không phải là Mẹ bắt đầu đồng công với Chúa.Cho nên ngày lễ Mẹ Dâng Mình đúng là ngày Mẹ bắt đầu sứ mệnh ĐC cao cả của Mẹ.

       Do những giả thuyết ấy, ta nói thêm rằng chính Thiên Chúa đã soi sáng cho Mẹ dâng mình tận hiến cho Chúa, để Chúa bắt đầu thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại, như Chúa đã hứa với nguyên tổ. Và ta cũng nói thêm rằng, vì Mẹ tự tình nguyện tân hiến cho Chúa như vậy, nên Chúa được tự do sử dụng bản thân và cuộc đời Mẹ, ban cho Mẹ có đủ nghị lực chấp nhận và mang gánh nặng Đồng Công Cứu Chuộc.

       Chính vì thế, xét về sứ mệnh Mẹ ĐC thì, có thể nói, lễ Mẹ Dâng Mình trọng hơn lễ Truyền Tin cho Mẹ và lễ Mẹ Dâng Chúa trong đền thờ.Điều đó vạch ra cho tu sĩ ĐC  chúng ta một bổn phận tăng bội, thêm vào bổn phận tuân giữ ba Lời Khấn như các Dòng tu khác, là ta phải ra sức sống đúng đời Tận hiến cho Mẹ.Ta đã tình nguyện sống đời tận hiến qua ba Lời khấn rồi, ta còn tự tình sống đời tận hiến cho Mẹ nữa. Nếu ta sống đúng đời tận hiến cho Mẹ, thì đời ta sẽ nở thành đóa hoa thơm hương đẹp sắc, nhất định sẽ làm cho đời sống tận hiến qua ba Lời Khấn kết thành một quả thơm ngọt dâng lên Thiên Chúa. Sống đời tận hiến cho Mẹ, ấy là chính ta đồng công với Mẹ để hoàn thành sứ mạng “vác cả gánh nặng thế giới trên vai”, mà đem về cho Thiên Chúa. 

       Về ý nghĩa việc tận hiến ĐC ngày lễ Mẹ Dâng Mình, Anh đã nói rõ trong tâm thư Ngọc Khánh Tận Hiến ngày 21-11-1991. Xin hết mọi anh em đọc lại rất kỹ tâm thư ấy. Anh viết tâm thư ấy trong tù ở trại Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nghĩa là trong lúc bề ngoài còn rất tối tăm, chưa có tia sáng hi vọng nào là Anh sẽ được tha về. Nhưng bấy giờ Anh đã có nhiều thời giờ suy niệm để viết bức thư ấy. Ở đây, Anh chỉ xin trích lại một đoạn ngắn nói về nhiệm vụ tận hiến của người ĐC, tức là đoạn IV trong thư.

       “Về điểm này, bản thân của từng người các em đã tự tình hiến dâng cho Má khi nhập Tập viện.Vậy nếu các em không phải là người tráo trở,xỏ xiên, đánh lừa Má, thì thật sự các em không còn có quyền gì trên bản thân các em nữa. “Xin Mẹ điều khiển theo ý Mẹ’.Xcin các em từng ng, hãy xem lại kinh Tận Hiến cho Tyrasi Tiom Mẹ khi nhập Tập viện. Như vậy, qua việc Tận hiến cho Trái Tim Mẹ, theo pháp lý và theo ý nghĩa thật sự Tận Hiến toàn thân cho Mẹ, trước mặt Giáo Hội và trước mặt cả Thiên Đàng, các em đã tự tình nguyện trở nên bào thai, trẻ sơ sinh của Mẹ rồi, để noi theo nếp sống bào thai và trẻ sơ sinh của Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng Đồng Trinh Vô Nhiễm Má; Ngôi Lời là Thiên Chúa toàn năng, thông biết vô cùng, đã trở nên bào thai, làm con trẻ non nớt, lệ thuộc vào Mẹ hoàn toàn, thì tất cả các em đã có trí năng và ý chí tự do của một người lớn, trưởng thành, đã học biết, đã ý thức đủ về việc tận hiến toàn thân cho Mẹ trước khi vào Tập viện, và cả một năm Tập, học hỏi cách sống tận hiến cho đúng ý nghĩa của nó, rồi hằng  ngày ban sáng đọc kinh Dâng Đoàn, có ý nhắc lại việc Tận hiến, cho ai nấy khỏi quên mình đã tận hiến, để luôn sống đúng tận hiến...”.     

       Sau đó, Anh nói về sự tận hiến thật là bỏ mình liên lỉ, đánh bại “thần tôi vĩ đại vô cùng, chai đá vô cùng, cứng cổ vô cùng, trơ trẽn vô cùng... không chạm đến ông thì coi như bớt khổng lồ, nhưng khi có ai đá động gì đến thân ông ... thì ôi thôi ! khổng lồ của ông nó vươn lên tận trời, chẳng coi Chúa, Mẹ là gì, chẳng coi chức linh mục, lời khấn, tận hiến ra gì hết”. 

       Vậy nhân dịp lễ Mẹ Dâng Mình năm 2003 này, điều Anh tha thiết xin các em là “các em hãy thương cảm trái tim đau thương quặn thắt của một người nô bộc yếu hèn, đêm ngày đói lả, khát bỏng, đang quằn quại trong thất vọng lo âu”, như Anh đã nói trong tâm thư “Puer natus est” (2.2.1986), là sống đúng tinh thần tận hiến Đồng Công.

       Ngày Mẹ dâng mình trong đền thờ, Mẹ đã bắt dầu sứ mạng ĐC của Mẹ, thì ngày Anh tận hiến cho Mẹ, trong tư cách đại diện cho tất cả anh em ĐC sau này, đó chính là ngày Dòng ĐC bắt đầu sứ mạng cứu thế giới cuối thời của mình, như Mẹ đã từng nhắn nhủ tất cả chúng ta.

       Kính chúc các em một tình yêu mến Cha, Má thật chí thiết say mê.

Xin cầu cho Anh rất tội lỗi.   

Ký tên ĐM Thủ

 

                       

Chọn nơi làm Trung tâm Truyền giáo

Anh Cả và nhóm anh em vừa đi thăm các nhà giáo, vừa tìm nơi làm Trung tâm Truyền giáo. Sau khi Anh Cả gặp và bàn với Cha Dụ, cha xứ Dương A, ngài bằng lòng cho Anh đóng Trụ sở Truyền giáo tại họ Đại Yên thuộc xứ ngài. Anh xin tạm mượn nhà phòng của họ Đại Yên làm Trụ sở để có chỗ tụ tập, huấn luyện, nghỉ ngơi cho mấy anh em: Quyết, Tiên, Phú, Hùng, Chính, Cẩm, Luận và Nhạc Vân. Kinh, lễ thì làm tại nhà thờ họ Đại Yên Nội; còn ăn, ngủ tại nhà phòng. Nhà phòng này cũng là nơi tụ họp các Thầy giáo khắp nơi đến để gặp gỡ, bàn hỏi. Vì nhà phòng quá chật, không thể làm Trung tâm Truyền giáo được, sau gần một năm, anh em bắt đầu dọn làm nhà mới cũng trong đất họ Đại Yên Nội. Xây cất được vài tháng, chưa kịp xong, Đức Cha đến kinh lý xứ Dương A. Ngài tới thăm họ Đại Yên Nội, thấy xây nhà mới, Ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài cũng không muốn cho Anh Cả ở Đại Yên nữa. Thế là vỡ hết mộng! Anh em rất buồn, nhưng Anh Cả vẫn bình tĩnh, vì đã biết trước những khổ giá sẽ luôn chồng chất và theo dõi Anh, nhất là những khổ giá Chúa ban qua tay Đức Giám Mục địa phận.

Dù vậy còn chút an ủi là bà Lý Luyện ở họ Phú Hải, có một sở đất và một ngôi nhà lớn, tỏ ý muốn dâng cúng cho Anh để làm Nhà Dòng mới và làm Trụ sở Truyền giáo. Nhưng Đức Cha nghe biết lại muốn lấy khu sở đó làm nhà nghỉ mát cho Trường Thần học, ngài không muốn cho làm Trụ sở Truyền giáo. Theo ý Đức Cha, Anh Cả và anh em bỏ Đại Yên đến tạm trú tại họ Hà Lạn để đi thăm các họ giáo thuộc miền Quất Lâm, Sa châu, Ngưỡng Nhân ...

Cầu nguyện luân phiên, phân tán lên Phú Thọ

Tại Hà Lạn, anh em đêm ngày suy tính, cầu nguyện để biết ý Mẹ. Cả tháng Năm và tháng Sáu năm 1943, Anh Cả cắt phiên anh em thay nhau cầu nguyện suốt đêm ngày. Hết hai tháng, thì bàn tính cho các anh Quyết, Tiên, Cẩm, Hoạt lên Phú Thọ, đồng thời, Anh đệ đơn xin Đức Cha cho thôi việc Truyền giáo trong địa phận. Đức Cha trả lời: “Đồng ý cho Cha thôi Trưởng Ban Truyền giáo địa phận và đặt Cha làm cha xứ Dương A thay Cha Dụ”.

          Anh Cả đã thuât lại biến cố này như sau: “Rời khỏi Đại Yên, chúng con đến Hà Lạn, trọn tháng Năm và tháng Sáu năm 1943, toàn khấn hứa cùng cầu nguyện trong nhà thờ, sau đó đệ đơn xin Đức Cha cho thôi việc truyền giáo. Được Đức Cha đồng ý. Tháng Bảy năm 1943, con được thư Đức Cha sai đi coi xứ Dương A. Thật là may mắn, vì trong một năm rưỡi truyền giáo nay đây mai đó chẳng có trụ sở nhất định để huấn luyện thánh, huấn luyện tông đồ.

Cầu được ước thấy: Cha xứ Dương A

Khoảng thượng tuần tháng Bảy, đang khi ở Hà Lạn, Anh được thư Đức Cha cho đi coi xứ Dương A. Thật là may mắn! Anh và mấy anh em vui mừng tạ ơn Mẹ. Ngày 11 tháng Bảy năm 1943, Anh và anh em cùng nhau tới xứ Trung Lao, vì Cha Già Cung, Cha Linh hướng của Anh, đang làm quản hạt và coi xứ Trung Lao. Anh em nghỉ ngơi mấy hôm rồi đúng ngày 16-7-1943, lễ Mẹ Carmêlô, bắt đầu đi nhận xứ Dương A. Đây là Trụ sở đón nhận và huấn luyện các tu sĩ Đồng Công (ĐC) tiên khởi, như được Anh Cả thuật lại như sau: “Ngày 16.7.1943, ngày lễ Mẹ Núi Carmêlô, sáu anh em chúng con đến nhận xứ Dương A. Đây mới là Trụ Sở đón nhận và huấn luyện các tu sĩ Đồng Công tiên khởi. Sau một tháng số người lên đến 14.”

 

 

Thật vậy, ngài đã dạy triết kiêm linh hướng ở Đại Chủng Viện Quần Phương Giáo phận Bùi Chu gần 5 năm (1937-1942) ngay sau khi được thụ phong linh mục...

Sau đó ngài xin đi truyền giáo và giữ vai trò trưởng ban truyền giáo, nhưng lang thang, không có trụ sở nhất định, của Giáo phận Bùi Chu 17 tháng (1942-1943)...

Ngài đã được sai phái về Xứ Dương A từ ngày 16/7/1943, nơi ở tạm thời cho những con người tiên khởi đã theo ngài hay muốn "đến mà xem" (Gioan 1:39) chỗ của vị nổi danh là "Cha Thánh Thủ" bấy giờ.

Nhà thờ Giáo xứ Dương A, nơi Anh Cả phục vụ với tư cách là mục tử chăn dắt mục vụ cho đàn chiên Chúa đầu đời linh mục của ngài.

 Nhà xứ Giáo xứ Dương A

 

TRỤ SỞ ĐỒNG CÔNG TIÊN KHỞI
(16.7.1943 – 11.7.1946)

1. Tình Cảnh xứ Dương A

Dương A là một xứ đạo rộng lớn, nhưng hẻo lánh, nằm trên một bãi đất bồi của sông Hồng Hà. Dương A thuộc quận Nam Trực, tỉnh Nam Định, cách quận lỵ chừng 20 cây số, cách tỉnh lỵ 15 km, cách Tòa Giám Mục Bùi Chu khoảng 30 km.

Xứ Dương A thuộc hạt Báo Đáp. Khí hậu Dương A tốt lành, mát mẻ. Giáo dân toàn xứ gần 2.500 người, hầu hết làm nghề nông, một năm hai mùa, một mùa lúa và một mùa khoai ngô. Dân xứ hầu hết nghèo túng. Xứ Dương A gồm 9 họ lẻ và một họ giáo: - Họ xứ Dương A –Bồng Lai –Đại Yên Nội –Đại Yên Ngoại – Cửu Yên –Nam Hà Ngoại – Nam Hà Nội – An Thuần – Đậu Xá và họ giáo Phú Hào. Đến cuối đời Đồng Công, xứ Dương A được thêm họ giáo Ngọc Thỏ.

2. Quan tân, chế độ tân

Chiều ngày 16-7-1943, Anh Cả và mấy anh em sau đây đến nhận xứ Dương A: Chính, Hùng, Tiên, Phú, Luận. Rất may là có Thầy Viên coi xứ cho cha xứ trước, còn ở lại giúp cha xứ mới ít lâu. Việc đầu tiên, theo Anh nghĩ, là đi thăm từng gia đình từ họ nhà xứ đến các họ trong xứ để cảm thông, hiểu biết cách sinh sống của giáo dân. Bất cứ giầu, nghèo, sang, hèn đều được Anh và anh em đến thăm hết. Tiếp đến kỳ làm phúc, Anh và anh em lại đi thăm từng nhà, kêu mời họ đi xưng tội, nghe giảng, nghe sách ngắm. Hầu hết giáo dân hưởng ứng, nhất là khi thấy cha, thầy dễ dãi, chịu khó, dùng bữa chung với nhau, bình dân, họ càng cảm phục.

Từ trước tới nay, kỳ làm phúc là kỳ các gia đình trong họ phải lo lắng, vay mượn để làm cỗ thật lớn cho cha, thầy, mỗi mâm cơm có đến 15, 20 món coi rất ngoạn mục, nhưng những người phải góp tiền làm cơm cho cha, thầy rất khổ sở. Từ ngày về xứ Dương A, đến kỳ đại phúc, Anh Cả cho anh em đi thăm nhà ông trùm, dặn dò kỹ lưỡng: “Cha, Thầy chỉ dùng cơm với một hai món ăn thôi, nếu làm nhiều món là cha sẽ bỏ tiền ra, làm cơm tự túc, không nhờ nữa”. Thế là Anh đã bãi bỏ được phong tục quan liêu “ngồi mát ăn bát vàng”.

3. Đất lành chim đậu

Dương A bây giờ trở thành nơi đón nhận và huấn luyện tu sĩ ĐC và nơi chứa khách tứ phương lui tới: - các thầy từ các nhà giáo trước đã quen thuộc, nay đến thăm; - các thầy giáo chán việc truyền giáo của địa phận, muốn đến để tu thân; - các chiến sĩ ngoài đời đến để bàn hỏi, muốn làm tông đồ giáo dân. Cũng có những thanh niên, vì nghe cha Thủlập Dòng mới, muốn biết và tìm hiểu. Do đó, xứ Dương A nay trở nên sầm uất, tiếng đồn khắp địa phận.

4. Anh em ĐC tiên khởi

Về Dương A được ít ngày, anh Quyết được gọi về giữ việc nội thiện vì người đông, khách nhiều mà không ai lo việc cơm nước. Sau mấy tháng ở Dương A, số anh em tăng thêm khá đông: Các anh Trịnh Văn Chí, Lê An Lạc, Trần Quốc Thanh, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Chính Trung; các anh Trọng, Huyên, Nhạc Vân, Phương; các anh Trần Trọng Nhân, Hoàng Xuân Uy và riêng anh Trần Minh Khoát đi đi, về về, sau khi Cha Hiểu, cha quan thày qua đời, mới đến hẳn, sau cùng là anh Lưu.

5. Lý do phân tán mỏng

Tiếng đồn tại Dương A có Dòng mới lan tràn khắp địa phận. Nhiều thầy giáo bỏ xứ, các con bỏ cha quan thầy, chủng sinh bỏ chủng viện ra đi, làm cho tin đồn Cha Thủ lập Dòng lại càng xôn xao hơn. Đức Cha, các cha trong địa phận đều thắc mắc, nghi ngờ, bàn tán... Anh Cả phải nghĩ đến việc phân tán anh em đi các nơi. Một phần để bảo vệ ơn tu Dòng của anh em, đồng thời rèn tập cho anh em có tinh thần tháo vát, biết sống tự lập, truyền giáo bằng hành động, bằng nếp sống thánh thiện, không ngại gian nan, đau khổ; một phần để bầu khí giữa Anh và Đức Cha, các cha bớt căng thẳng.

6. Lên rừng tự lực mưu sinh

Đầu tiên Anh cho một số anh em lên Phú Thọ tăng gia, bổ sung cho anh em đã lên trước. Đó là các anh Trọng, Huyên, Nhạc Vân, Lạc, Quý, Chí, Thanh và Bác Đoàn Liêm. Các anh này lên miền Phú Thọ, Chapa, Yên Bái, nhưng lên từng đợt khác nhau để mua đất trồng ngô, sắn…Có anh lên ở 5, 7 tháng rồi về; có anh ở lại vài năm; có anh ở lại mãi đến thời gian về Liên Thủy năm 1946-1947.

7. Vào miền Nam tìm địa điểm

Cha H., một cha trong Hội Correctio Fraterna, được Đức Cha Hồ cử vào Nam coi sóc giáo dân Bùi Chu làm trong các đồn điền cao xu của công ty người Pháp. Ngài giới thiệu và hứa hẹn sẽ giúp đỡ anh em Đồng Công nếu vào Nam. Cha Kh. vào Nam sau cũng hứa giúp đỡ. Trước hết, Anh Cả cho chú Cẩm (em ruột Anh) vào Nam quan sát đất đai và giàn xếp với Cha H. rồi mới cho anh em vào. Có 7 anh em: Nhân, Uy, Cẩm, Phương, Luận Tiên, Hoạt. Nhưng thật đáng tiếc! Những anh em này vào Nam rất khổ cực vất vả, không được giúp đỡ như đã hứa, vì hai cha H. và Kh., dù có thiện chí cũng chỉ là dì ghẻ, và anh em là như những nàng dâu, thành ra bị tan nát, cuối cùng chỉ còn một mình anh Tiên bền chí theo đường thánh thiện và đã về Liên Thủy.

8. Trọ học tại Hà Nội

Để xây đắp tương lai Dòng, Anh Cả cho một số anh em đi học tại Hà Nội, gồm các anh Chính, Trung, Kiên, Thanh, Lưu. Các anh học được ít lâu cũng phải rút về vì vấn đề đất nước và CS.

Hết mọi anh em trên đây đều đã đến nhập tu tại Dương A và đã đi truyền giáo từ Dương A, như anh Lạc giúp họ An Thuần, anh Chí coi họ Bồng Lai, anh Phương coi họ Phú Hào v.v… Người ở ít nhất là một vài tuần như hai anh Nhân và Uy là các thầy có thế giá nhất trong địa phận, phải khấn hay hứa truyền giáo rồi xuất thân đi liền, để làm cho Đức Cha, các cha bớt khó chịu với cha xứ Dương A.

9. Dương A sống đạo

Thời cha xứ trước cũng như khi cha xứ sau mới về, lễ thường hằng ngày chỉ được 5, 7 người tham dự; lễ cả, đáng lẽ phải đi lễ tới 1500 người (số giáo dân là 2500 người) mà chỉ được 400 hay 500 người. Nhờ việc thăm viếng các gia đình, nhất là thăm hỏi từng người trong xứ do thầy Viên và mấy anh em phụ trách, mới khám phá ra là đa số giáo dân nghèo túng, làm không đủ ăn còn lấy tiền đâu mà may sắm quần áo. Những người nghèo chỉ có bộ đồ đi làm, không có áo dài đi dự lễ. Chầu Th. Thể cả năm chỉ được mấy ngày lễ trọng, như Sinh Nhật, Phục Sinh, Thăng Thiên, Mẹ Lên Trời, các Thánh, Ch.Th.Thần, ngoài ra không có chầu gì cả.

Còn một vấn đề rất quan trọng là có một số khá đông người lớn bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm, tới hơn 200 người: người bỏ 3 năm, người bỏ 5, 6 năm, 10 năm, 15, 20 năm. Một ít người bỏ lâu nhất là 30 năm. Anh Cả, thầy Viên và anh em đi lại khuyên bảo nhiều ngày mà kết quả rất ít. Thế là Anh Cả và anh em cùng nhau tổ chức tận lực để giúp giáo dân cả hồn lẫn xác:

* Phần thiêng liêng:

- Tôn Trái Tim Mẹ làm Nữ Vương gia đình;

- Tổ chức xưng tội, rước lễ ngày Thứ Bảy đầu tháng;

- Tổ chức chầu Mẹ trong ngày Thứ Bảy đầu tháng.

* Phần xác:

- Tổ chức phát quần áo cho người nghèo toàn xứ;

- Tổ chức Tiểu công nghệ cho dân nghèo trong xứ.

10. Anh em ĐC thời “đạo cũ”

Trong thời kỳ truyền giáo cũng như ở Dương A, vì Chúa, Mẹ chưa đổi, nên dù Anh Cả có lý tưởng huấn luyện thánh cho anh em, và về phía anh em, dù có muốn làm thánh lắm, cũng chẳng tiến được mấy! Tự đáy lòng, Anh rất mong cho anh em nên thánh, Anh rất yêu mến anh em, yêu hơn hết mọi sự trần gian, vì là lý tưởng Mẹ trao cho Anh, nhưng bề ngoài Anh chỉ gọi anh em là chú, anh này, anh kia…Còn các thầy thì vẫn gọi là thầy. Thường anh em gọi Anh là Cha… Vì yêu thương nên Anh thích ở cùng phòng với anh em, ăn chung một bàn, một mâm. Anh em nói với nhau thì nhiều truyện, nhưng khi gặp Anh là hết truyện!

11. Ra lệnh câu lưu cha xứ

Đang khi Anh Cả và anh em ĐC tiên khởi hoạt động cho các linh hồn, nhất là hoạt động chống CS, thì khắp địa phận đồn thổi, xôn xao về cha xứ Dương A lập Dòng. Một số thầy giảng như thầy Nhạc Vân, thầy Nhân, Uy, Thanh, Chí, Huyên ra đi khỏi địa phận. Mấy chủng sinh Kiên, Trung, Quý, Luận v.v. bỏ chủng viện! Thế là càng xôn xao, làm cho Đức Cha rất khó chịu! Đức Cha hội bàn rồi nhất định cho cha xứ Dương A về câu lưu tại Bùi Chu. Nhưng ý Chúa, Mẹ chắc khác, thành ra Đức Cha lại đổi ý là cho cha Thủ về coi xứ Liên Thủy.

12. Chuẩn bị ... để đổi xứ

Khoảng hạ tuần tháng 6, 1946, bất thình lình, Cha Tước đưa thư Đức Cha dến. Anh Cả mở ra mới biết là thư đổi xứ Dương A về xứ Liên Thủy. Anh Cả bàn với anh em là phải thi hành cấp tốc! Anh Cả cho sắm mọi vật cần thiết để trao xứ cho cha Cường. Phải làm sao khi cha xứ mới đến đã có đủ tiện nghi, dù là vật nhỏ mọn như mực, bút, giấy v.v… Khi đã liệu đầy đủ, Anh Cả trao cho anh Quyết và một vài anh em ở lại trao xứ cho cha Cường. Đến đúng ngày Đức Cha chỉ định trao xứ mà vẫn không thấy cha Cường tới. Hết hạn, Anh Cả và mấy anh em lên đường về nhận xứ Liên Thủy.

13. Lý do lên đường cấp tốc

Tại sao phải làm cấp tốc như thế? Anh Cả nghĩ cần phải đổi xứ, vì một năm CS nắm chính quyền rồi mà chẳng hoạt động được gì trong giáo xứ, nên giữa giáo dân và VM cũng căng thẳng lắm! Hơn nữa, một ít quan viên họ xứ Dương A thấy cha xứ và các thầy ĐC không xây cất nhà xứ, chỉ ớ nhà lá lụp xụp, nên họ cũng không thích mấy, vì họ thấy xứ mình thua kém nhiều xứ khác. Do đó, Anh Cả quyết vâng lời Đức Cha đổi đi xứ khác. Anh không báo cho quan viên hàng xứ biết việc đổi xứ, nên Anh và anh em bỏ xứ ra đi, không ai tiễn chân, không từ giã chi hết, trừ một mình ông Trùm Hiện. Cũng chỉ có một mình ông Trùm Hiện đưa chân cha xứ và các thầy. Anh Cả xin ông Trùm trở về, đừng đi nữa, nói mãi ông mới chịu về.

14. Một cách nói lối tài tình

Khi Anh Cả và anh em đến đò Sòng thì gặp ông lão quen đưa thư Đức Cha đi các nơi, các xứ. Anh Cả rất quen mặt ông, nhưng ông không biết Anh là cha xứ Dương A. Anh Cả hỏi ông xem ông đưa thư cho ai. Khi biết là đưa thư cho cha xứ Dương A, Anh mời ông đi ngay, còn Anh và anh em cứ tiếp tục đi Liên Thủy, vì Anh nghĩ lúc này Anh không còn là cha xứ Dương A nữa.

15. Ngạc nhiên và ngạc nhiên

Khi về tới Bùi Chu, Anh Cả lên gặp Đức Cha ngay. Đức Cha ngạc nhiên hỏi:

- Ô hay! Cha không nhận được thư tôi gửi à?

- Thưa Đức Cha, Anh Cả trả lời, con chẳng nhận được thư nào khác của Đức Cha, con chỉ nhận được thư Đức Cha dạy con về coi xứ Liên Thủy thay cha Thừa. Con đã trao xứ cho cha Cường và sổ sách xứ Dương A xong cả rồi. Đức Cha không nói gì thêm, nhưng cũng không phản đối việc cho Anh Cả đổi về Liên Thủy.

Sau đó Anh từ giã Đức Cha rồi cùng anh em sang Liên Thủy gặp Cha Thừa. Cha Thừa càng ngạc nhiên, vì trước có thư Đức Cha nói đổi xứ, nhưng sau Đức Cha trừu lại, không đổi nữa. Anh Cả thưa với Cha Thừa là Anh vừa gặp Đức Cha và Đức Cha tỏ ý theo thư trước là đổi xứ. Cha Thừa xin khất mấy hôm để chuẩn bị.

Anh Cả từ giã cha Thừa và cùng anh em đi thăm mấy xứ lân cận. Đến đúng ngày 11-7-1946, Anh và anh em đến nhận xứ Liên Thủy. Cha Thừa bằng lòng trao xứ, mặc dù hơi gò ép, nhưng rồi cũng vui vẻ cả.

“Tiếng đồn Dương A có dòng mới đã lan ra khắp địa phận… sinh ra bao thắc mắc, nghi ngờ, bàn tán chê bai… Do đó để bảo vệ ơn gọi tu dòng của anh em, đồng thời rèn tập cho các chí nguyện sinh có tinh thần biết sống tự lập, biết truyền giáo bằng hành động, tỏ gan anh hùng, khắc phục gian khổ; lập tức con phân tán anh em:

1/ Lên Phú Thọ, Chapa, Yên Bái để mua đất trồng bắp, mì.

2/ Mặt khác, cho phái đoàn bảy anh em vào Nam để tìm trụ sở cho dòng, trong khi có hai cha hứa hẹn giúp đỡ, nhưng khi anh em đã hiện diện thì chẳng được giúp đỡ nên bị tan nát, chỉ còn sót lại em Augustinô M. Vũ Quang Tiên (1910 - 28.5.1997).

3/ Để xây đắp tương lai cho dòng mới, con đã cho năm anh em đi Hà Nội học.”

 


Ngày 20 tháng 6 năm 1946, Anh Cả được thư Đức Cha Đaminh M. Hồ Ngọc Cẩn rời xứ Dương A đến nhận xứ Liên Thuỷ.

“Con lo sắm sửa mọi vật dụng cần thiết để trao cho cha xứ mới: cho người đi mua gà, chó, bàn ghế, nồi niêu bát đĩa, dù là vật rất nhỏ mọn như bút mực, giấy viết thư, các dụng cụ thường dùng… sửa sang lại nhà cửa cho thật sạch sẽ, chỉnh tề để trao xứ.

”Ngày 11 tháng 7 năm 1946, con và mấy anh em tới nhận xứ Liên Thuỷ. Giáo xứ này gồm 4 họ đạo: nhà xứ, họ Liên Thượng, họ Hạ Linh và họ Trung Lễ, toàn thể trên dưới 2100 nhân danh.”

Liên Thuỷ! Tổ Ấm Đồng Công, nơi đón nhận và huấn luyện tu sĩ Đồng Công, nơi đã lãnh nhận biết bao ơn đặc biệt bởi Trời ban xuống qua Trái Tim rất Thánh Giêsu Maria, nơi đã diễn ra biết bao kỷ niệm muôn đời đáng ghi nhớ của dòng bé mọn Đồng Công. Mẹ đưa chúng con tới Liên Thuỷ thật là sự yêu thương đặc biệt của Trái Tim Mẹ dành cho các con dại Đồng Công.

 

Bởi thế, Giáo xứ Liên Thủy, gần Tòa Giám mục, mới là nơi được Trời cao ấn định khai sinh Dòng Đồng Công

Nhà xứ Liên Thủy, 2 bên tường còn hình 16 vị chánh xứ, Cha Thủ đầu tiên (bên trái và hình phóng to dưới đây).

thì vì đã tuyển chọn Cha Thủ sáng lập Dòng Đồng Công, Đấng Quan phòng thần linh đã chuyển ngài về làm Chánh xứ GX Liên Thủy năm 1946, sau khi làm linh mục 9 năm.

Nhà thờ Giáo xứ Liên Thủy

 

ĐOÀN ĐỒNG CÔNG LIÊN THỦY
(11.7.1946 – 2.2.1953)

1. Tình hình xứ Liên Thủy

Liên Thủy là một xứ thuộc địa phận Bùi Chu, cách Tòa Giám Mục hơn 1 cây số. Liên Thủy gồm 4 họ: họ nhà xứ, họ Liên Thượng, họ Hạ Linh, họ Trung Lễ. Nhân danh toàn xứ hơn kém 2.100 người. Đặc điểm xứ Liên Thủy là có 4 nhà Phước: Mến Thánh Giá Liên Thượng, Đaminh Trung Lễ, riêng họ nhà xứ có hai: 1 Đaminh và 1 Mến Thánh Giá. Giáo dân hầu hết làm nghề nông, một năm hai mùa lúa, nhưng nghèo túng. Mỗi họ chỉ được 5, 7 gia đình dư ăn đôi chút.

Anh Cả đãtâm sự với anh em: “Mẹ đưa anh em ĐC về Liên Thủy, thật là một sự hướng dẫn, yêu thương đặc biệt của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Muốn lập Dòng để huấn luyện thánh bền vững, phải có một nơi thuận tiện cho mọi người lui tới, phải được Bề Trên thay mặt Chúa, Mẹ nhìn nhận hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp, để những ai muốn gia nhập Dòng không phải e dè, sợ sệt. Nhưng bề ngoài, Đức Cha và Hội Đồng cố vấn của Ngài thì khác: các ngài có ý đưa Anh về đây để khỏi nhận các thầy, khỏi lập Dòng, dễ bề kiểm soát!”.

2. Kêu gọi anh em trở về

Việc đầu tiên Anh Cả làm khi về đây là cho người gọi anh em trên Phú Thọ, Chapa về, để tránh VM lừa bịp. Sau mấy tuần lễ, anh em các nơi về tới nhà hết, trừ các anh em đã vào Nam và anh Trọng ở Phú Thọ không về, vì đã quá ăn sâu. Đây các anh em tiên khởi có mặt tại Liên Thủy: Khoát, Quý, Lạc, Chí, Thanh, Kiên, Trung, Chính, Cẩm, Liêm, Lưu, Quyết, Tuệ (tức Tín), Nhạc Vân, Tú, Phú. Các anh em tham gia mọi công tác trong nhà, ngoài vườn, ngoài ruộng, làm hết việc nhà, lại còn đi giúp dân nữa.

3. Vạn sự khởi đầu nan

Tại xứ Liên Thủy, khi anh em ĐC đến, giáo dân đều nhập nhiễm tinh thần VM. Già trẻ, thanh niên, nhi đồng đều hăng say hoạt động cho VM, vì Đức Cha, các cha xứ phần nhiều ủng hộ VM, lại còn khuyến khích gia nhập các ngành hoạt động của VM. Nếu không có ơn Chúa, Mẹ phù trợ, anh em ĐC không thể ở đây được, trông gì cải thiện cả một xứ!

Khi vừa đến đây, anh em ĐC đã bị dân xứ phê bình, nghi ngờ rồi, vì họ đã một năm bị nhồi sọ về chủ nghĩa CS. Anh em nghe thấy họ bàn tán với nhau: “Ông cha này yếu mảnh khảnh mà đảm đương được một xứ lớn hơn 2.000 người và 4 Nhà Phước? Cha xứ trước chỉ có một hai thầy thôi, còn cha này người đông như kiến, lấy của đâu mà nuôi? Chỉ ăn hại nhà xứ! Hay cha xứ lập Đảng gì đây?”.

Nghe giáo dân bàn tán, Anh Cả tưởng lờ đi, họ nghĩ sao, mặc họ, mình có lý của mình. Nhưng qua mấy tuần, Anh thấy cần phải thanh minh, giải độc cho một số anh em ĐC, để còn làm việc tông đồ, đâu mình có phải tu rừng, nên nhờ ngày lễ cả đông đủ toàn xứ, Anh giảng một bài thật hùng hồn, mạnh mẽ, làm cho giáo dân từ đó về sau, chẳng ai dám nói gì nữa. Dần dần, họ thông cảm đời sống các con Mẹ và lại quí mến các thầy.

4. Giải độc cho giáo dân

Việc đầu tiên phải làm là cải hóa và cứu thoát giáo dân khỏi tinh thần CS: hầu hết các bài giảng ngày Chúa nhật cha xứ đều nói về Đức Tin và bài bác CS, cho tới cuối năm 1949 sang đầu năm 1950, mới bớt, vì kỳ đó, CS VM đã rút lui, nhường chỗ cho quân Viễn chinh Pháp và nhân dân tự vệ. Ngoài ra, khi gặp bất cứ ai, chung đoàn thể hay riêng cá nhân, cha xứ đều rỉ tai cho họ biết: “VM chính là CS!”. Anh Cả cũng cho anh em có khả năng đến các họ, khuyên bảo riêng cho họ hiểu VM là CS trá hình, độc ác, vô nhân đạo v.v… Chính cha xứ cũng năng đến các họ để khuyên bảo, thăm viếng các gia đình, đặc biệt giúp những người nghèo, trừ cho hết nạn ăn mày trong xứ.

5. Cấm treo cờ CS

Việc tiếp theo cha xứ làm là cấm treo cờ đỏ sao vàng hay cờ Pháp trong nhà thờ, cấm mang cờ đỏ sao vàng khi đi rước kiệu, khi đưa xác người chết. Lệnh ra cho các ông trùm họ làm xôn xao cả xứ. Chủ tịch ban hành chánh xã Liên Thủy và ông chính trị viên đến hạch cha xứ tại sao cha lại cấm như thế, công an huyện sẽ về bắt cha. Cha xứ trả lời: “Xin ông chủ tịch bình tĩnh và đứng đắn. Tôi đâu có cấm cờ đỏ sao vàng. Tôi chỉ cấm treo trong nhà thờ, khi đi rước kiệu và khi dự lễ an táng, chứ tôi đâu có cấm dùng các nơi? Vả lại theo luật quốc tế, phụng tự là hoàn toàn tự do. Chỉ có CS vô thần mới cấm đạo! Còn công an huyện mà bắt được tôi? Tôi đố ông mời công an về bắt tôi đấy?”. Họ ra về với bộ mặt tức tối và phao tin đồn: “Nay mai công an huyện về bắt cha xứ!”. Tin đồn: nay mai bắt, tháng này bắt, tháng khác bắt, mà chẳng thấy bắt gì hết.

Một hôm, trước lễ Giáng Sinh khoảng năm 1946-1947, tối ngày 24 tháng 12, có lệnh cấm làm lễ nửa đêm! Có mấy tên công an đến nằm rình trong một nhà giáo dân sát cạnh nhà xứ. Ông Trùm xứ đến nói nhỏ với các thầy: “Đêm nay nhất định họ bắt cha xứ!”. Nghe vậy, anh em nhà, nhất là thầy Hào, thầy Tuệ lo lắng xin cha xứ trốn sang Bùi Chu, nhưng cha xứ không đi. Có anh em xin Anh Cả đêm nay ra phòng áo hay tìm chỗ khác ngủ, Anh cũng quyết định ngủ nguyên chỗ cũ. Sáng dậy, cha xứ còn làm lễ trọng thể cho giáo dân tham dự, đêm đó chẳng xảy ra rắc rối gì.

6. Lệnh gọi hầu tòa

Sau mấy ngày, Đức Cha Hồ gọi cha xứ Liên Thủy sang Tòa Giám mục. Cha xứ sang chào Đức Cha. Ngài hỏi:

- Cha làm thế nào mà công an huyện đến kêu tôi? Sao cha chửi Chính phủ?

- Thưa Đức Cha, cha xứ nói, con đâu có chửi Chính phủ. Con chỉ chửi CS thôi. Còn Chính phủ mặc kệ họ, con đâu có dám chửi!

- Cha về ý tứ kẻo họ bắt đấy!

Đó là lời sau cùng Đức Cha nói với cha xứ Liên Thủy trước khi ra về.

Anh Cả cho biết đãthưa với Mẹ: “CS bực tức với con lắm! Mẹ không cho phép là nó bị buộc tay, chả dám làm gì con hết”. Lệnh cha xứ cấm treo cờ đỏ sao vàng trong nhà thờ, cấm mang theo khi đi rước kiệu, lệnh đã ban ra là phải kiểm soát. Họ nhà xứ cũng như các họ lẻ, dịp lễ quan thày họ, hay Tháng Hoa Mẹ, thế nào họ cũng tổ chức rước kiệu. Anh Cả cho anh em đi các họ xem họ có tuân lệnh không. Chính Anh cũng năng đi cho lễ tại các họ để xem xét, nhà thờ nào treo cờ là ông trùm bị khiển trách. Khi có cuộc rước kiệu cũng thế, nếu có cờ mà không bỏ xuống, cha xứ không đi theo kiệu. Lệnh cấm treo cờ trong nhà thờ và mang theo khi đi rước kiệu thật vất vả, nhưng không xảy ra chuyện gì đáng phàn nàn cả.

7. Một cuộc rước kiệu đầy gay cấn!

Cuộc rước kiệu tháng Hoa Mẹ của đoàn thanh niên du kích họ Trung Lễ được tổ chức vào cuối tháng Năm năm 1947, là sôi nổi, sinh ra việc xáo trộn giữa cha xứ và chủ tịch hành chính xã Trung Lễ.

Chủ tịch Huy trước là một đoàn trưởng Thanh niên Công giáo. Từ ngày VM nắm chính quyền, H. trở thành một đảng viên say mê VM vào hạng nhất quận Xuân Trường. Chủ tịch H. cũng là hướng dẫn cầm đầu đoàn Du kích Trung Lễ. Đoàn này xin nhận trách nhiệm tổ chức cuộc rước kiệu Mẹ cuối tháng Hoa. Họ đã lĩnh phép cha xứ. Thầy Tín được phái đi xem xét cuộc rước kiệu.  Thầy Tín về báo cáo: “Trong các trạm rước, nhất là trạm chính cuối nhà thờ, có treo cờ đỏ sao vàng”. Cha xứ nói thầy Tín báo cho chủ tịch cầm đầu Du kích hạ cờ xuống hết, nếu không hạ cờ, cha xứ sẽ không đi rước kiệu. Thầy Tín cho biết họ đã hạ cờ xuống, trừ cờ treo trước trạm chính cuối nhà thờ. Cha xứ và các thầy sang cuối nhà thờ để sửa soạn kiệu. Cha xứ ra lệnh chót: xin hạ cờ kia xuống, nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì rút lui. Cha xứ liền mời giáo dân vào nhà thờ chầu Mình Thánh trọng thể. Thế là mọi người vào nhà thờ chầu Thánh Thể. Sau giờ chầu, cha xứ nói ít lời thông cảm với giáo dân và qui trách nhiệm việc xáo trộn, làm mất cuộc rước kiệu Mẹ cho mấy người theo lý thuyết CS và giải thích: CS chủ trương vô thần, phá đạo, phá gia đình, tổ quốc, phá trật tự xã hội! Sau cùng mọi người ra về lúc đã 8 giờ tối.

Về tới nhà xứ, anh em ĐC ghe thấy tiếng loa vang dội từ phía nhà thờ Trung Lễ: “Đả đảo ông cụ theo Tây! Đả đảo ông cụ liêm gót giầy Tây!”.

Anh Cả nói Anh đãvề phòng thưa với Mẹ: “Con và anh em con chịu chửi gì cũng được, miễn là cứu được dân xứ khỏi lầm lạc, khỏi mất Đức Tin thôi, Mẹ nhỉ!”.

8. Kết quả tất cả là nhờ Mẹ

Qua hai năm kể từ ngày về nhận xứ, cha xứ nhận thấy tình thế và lòng trí giáo dân khác nhiều lắm. Cám ơn Trái Tim Mẹ đã chiếm ngự xứ Liên Thủy! Họ nhà xứ hoàn toàn chán ghét VM. Họ Trung Lễ chỉ còn 5, 7 người, họ Hạ Linh còn 5 người, họ Liên Thượng còn tới 20 thanh niên theo sát VM. Bao nhiêu người khác đều đã trở về với Mẹ. Đó là ơn đặc biệt Mẹ đã ban cho Liên Thủy cũng như đã ban cho Dương A, để người ta nhận biết những con dại Mẹ ĐC là chân tay Mẹ dùng để chống lại vô thần duy vật.

9. Anh em ĐC ngày càng tăng số

Đức Cha đưa Anh Cả về Liên Thủy là để dễ kiểm soát, khỏi nhận các thầy. Nhưng không ngờ sự việc lại trái ngược: số người đến đây lại càng ngày càng đông. Năm đầu tiên về Liên Thủy, anh em cũ và mới đã gần 30. Nhiều tu sĩ bên Phát Diệm và cả bên Thái Bình cũng tìm đến Liên Thủy để xin tu Dòng.

Tiếng đồn đến tai Đức Cha. Ngài gọi Anh Cả sang hỏi: “Sao cha lại lập Dòng?”. Anh Cả thưa: “Thưa Đức Cha, nếu con lập Dòng phải có phép Đức Cha. Con chỉ huấn luyện các thanh niên thiện chí để làm tông đồ truyền giáo”. Đức Cha dịu dần vì thấy Anh Cả chẳng làm gì trái luật pháp, chỉ huấn luyện tông đồ truyền giáo, và lại giúp Đức Cha trong việc sửa lại ba Nhà Phước tại Liên Thủy.

10. Lòng nhiệt thành của anh em ĐC gây ác cảm

Lại thêm một lý do làm cho các con Mẹ ĐC ở Liên Thủy bị phản đối nặng nề là nhiều thầy đang giúp các xứ trong địa phận bỏ ra đi vì không hài lòng với nếp sống cũ, đòi hỏi nếp sống mới. Các đấng phụ trách thấy vậy đâm ra suy tư, bàn tán về các anh em ĐC của Cha Thủ.

Các anh em được sai đi giúp các xứ có cha cộng sự, vì sốt sắng, muốn truyền bá ba Mệnh Lệnh Fatima, muốn cổ động lòng sùng kính Đức Thánh Cha tại những nơi người ta chưa hiểu biết đủ, nên anh em ĐC bị coi là rối đạo. Có anh em muốn tuyên truyền Dòng mới cho các thầy, muốn nhiều người đi theo mình, rỉ tai các thầy, làm cho các ngài cũng muốn bỏ các cha. Thế là anh em ĐC bị mang tiếng gây raphong trào phản đối mạnh mẽ giữa anh em và các cha, đến nỗi trong tuần cấm phòng trong địa phận năm 1947 và 1948, rất nhiều cha bàn tán về Liên Thủy, khen thì ít, chê thì nhiều. Nhiều cha trước đây thân thiết, nay trở thành thù địch!

Ngược lại, kỳ này Đức Cha khác hẳn. Ngài rất hài lòng vì Anh Cả giúp Ngài đắc lực trong việc sửa lại các Nhà Phước và việc mở rộng Trường Thử để nhận các trẻ em đi tu làm linh mục, không huấn luyện tại các xứ. Hơn nữa, Đức Cha cũng chẳng thấy có gì đáng trách nơi anh em ĐC. Nhưng vì phong trào phản đối quá mạnh, Đức Cha không biết xử đối thế nào?

11. Lệnh trình diện khẩn cấp!

Áp ngày lễ Thánh Đaminh, Bổn Mạng Đức Cha (4-8-1948), Đức Cha ban lệnh cho Anh Cả sang Bùi Chu trình diện: “Mai, quãng 3 giờ chiều, mời Cha sang hội với các cha”. Anh em nghe tin đó, tổ chức cầu nguyện tha thiết, ai ai cũng lo sợ, vì chẳng biết việc gì sẽ xảy ra. Riêng Anh Cả tỏ ra rất bình tĩnh, mặc dù không biết hội với các cha về vấn đề gì.

Về mục này, xin vui lòng đọc cuốn LTĐC Tập I, từ trang 157 đến hết trang 162, vì đây là một vấn đề quan trọng, cần phải được đọc nguyên văn Anh Cả viết, mới biết rõ sự thật đầy đủ.

Kết quả cuộc hội họp: Kể từ ngày đó, Đức Cha tỏ ra rất thương đoàn con Mẹ ĐC. Ngài còn gặp Anh Cả nhiều lần nữa, thúc giục Anh làm đơn xin thành lập Hội Truyền giáo, Ngài sẽ chấp thuận cho.

 

Hai tháp ở khuôn viên cuối nhà thờ, tháp bên trái từ ngoài cổng nhìn vào được xây năm 1937, năm Vị Chánh xứ Trần Đình Thủ đã được thụ phong linh mục

Cung thánh của Nhà thờ Liên Thủy

Trong Giáo xứ Liên Thủy có các Giáo họ, trong đó có Giáo họ Trung Lễ, gần Giáo xứ Liên Thủy nhất, có thể nhìn thấy hay đi tắt từ Nhà xứ Liên Thủy

 

 

Nhà thờ Giáo họ Trung Lễ, 1 trong 4 Giáo họ thuộc Giáo xứ Liên Thủy.

Cha Thủ làm Chánh xứ Liên Thủy từ năm 1946, một nơi Tòa Giám mục dễ kiểm soát hoạt động của một nhóm theo Cha Thủ.

Tuy nhiên, nhóm theo Cha Thủ bấy giờ, từ Giáo xứ Dương A và càng gia tăng, lại được chính ĐC Hồ Ngọc Cẩn hợp thức hóa là Unio Pia Đồng Công ngày 15/8/1948

 

HỘI TRUYỀN GIÁO ĐỨC MẸ ĐỒNG CÔNG

1. Hội Pia Unio

Sau ngày họp Hội Đồng địa phận bất thưòng, Anh về kể lại mọi vấn đề liên quan tới anh em và cám ơn Mẹ đã cho con cái Mẹ được minh oan. Đức Cha lại gọi Anh sang Tòa Giám mục, nói Anh về làm ngay đơn để Ngài chấp thuận cho thành lập Hội Truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công, trụ sở đặt tại Liên Thủy. 

Chiều ngày 14-8-1948, Anh Cả sang Tòa Giám mục nộp đơn. Đức Cha ký sắc lệnh cho thành lập Hội Truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công (Pia Unio), sắc lệnh đề ngày 15-8-1948. Đức Cha còn ra thư luân lưu trong toàn địa phận nữa. Anh đem về nhà giữ trong công hàm một bản Sắc lệnh, còn một bản Đúc Cha lưu trữ tại công hàm Tòa Giám Mục. (Nếu muốn, xin đọc bản Sắc Lệnh Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn ký ban phép thành lập Hội Pia Unio trong LTĐC, t. I, trang 188, xuất bản năm 1971).

Toàn thể anh em rất vui mừng hoan hỉ, tổ chức Lễ Tạ Ơn rất trọng thể chính ngày lễ Mẹ Lên Trời, 15-8-1948.

 

2. Lệnh đổi xứ

Đầu tháng 10, 1948, Đức Cha lệnh cho cha xứ Liên Thủy đổi đi xứ Trung Lao. Đức Cha cho biết: “Xứ Trung Lao VM dữ quá, không cha nào dám nhận. Đàng khác Trung Lao rất giầu có, ruộng đất nhiều, nhà cửa rộng rãi, dư nuôi đủ ba bốn chục anh em”. Anh Cả vâng lời và xin đi ngay kẻo trống việc ra thì khó lòng đi nổi. Anh kín đáo trao xứ cho Cha Toản đang làm phó xứ Liên Thủy, rồi đi Trung Lao với 3, 4 anh em. Sau 3 ngày, Anh biết rõ không thể ở Trung Lao được, vì ngay khi vừa đến, VM đã cấm chợ liền mấy ngày, bao vây nhà thờ, nhà xứ và tuyên truyền: “Bọn phản động rất đông đảo, mấy chục người đã đến chiếm đóng xứ Trung Lao”. Ngày Chúa nhật 11-10-1948, lễ Mẹ Thiên Chúa (theo lịch Phụng vụ trước khi ĐTC Phao-Lô VI đặt lễ này vào ngày Đầu năm dl.), cha già Thừa chánh xứ, dâng lễ I, từ giã giáo dân, trao cho cha xứ mới. Anh dâng lễ II, không nói gì, không chào ra mắt giáo dân gì hết.

3. Một cuộc trắc nghiệm tâm lý

Dâng lễ, cám ơn Chúa xong, Anh về nhà xứ, gặp ngay quan viên, trùm trưởng xứ và cả chủ tịch hành chánh xã đang từ giã cha xứ cũ. Sau đó, Anh lên tiếng hỏi họ: “Trước hết, tôi và anh em tôi rất đông, từng 30, 40 người. Tôi là người chống Cộng, đả Cộng khắp nơi, như các ông đã nghe biết. Vậy các ông có đồng ý nhận cha xứ mới không?”. Tất cả mọi người đều xin cho cha xứ cũ ở lại. Thế là Anh và mấy anh em trở về Liên Thủy, vào thẳng Tòa Giám mục bái trình Đức Cha. Anh thưa ngay: “Thưa Đức Cha, hàng xứ họ yêu cầu cha xứ cũ ở lại, họ không nhận con”. Đức Cha trả lời: “Thôi, cha cứ về coi xứ Liên Thủy như trước”. Anh và anh em ra về, chưa đến nhà xứ, thì dân làng, quan viên, ông bà già, thanh thiếu niên nam nữ ra đầy đường, hò reo, mừng vui, kéo chuông, thúc trống ầm ĩ như ngày Chúa sống lại. Anh và anh em về tới nhà xứ khoảng 6 giờ chiều ngày 11-10-1948 và ở lại đây cho đến ngày 4-8-1954.

4. Đổi cha xứ bất thành

Sau khi mấy sĩ quan Pháp gặp cha xứ Liên Thủy về, Cha Chính địa phận lệnh cho Anh Cả đổi đi xứ Hạc Châu. Anh Cả thưa cha Chính là đổi xứ lúc này thật phiền phức vì nhà xứ Hạc Châu quá nhỏ, chỉ đủ cho 3, 4 người, mà anh em ĐC lại đông tới hai ba chục người. Anh xin cha Chính cho biết lý do đổi xứ. Cha Chính trả lời là các sĩ quan Pháp cho ngài biết cha xứ Liên Thủy và các người của cha theo CS, chống quân đội Liên Hiệp.  Anh Cả thưa lại là Cha Chính quá biết chúng con theo CS hay không, và chúng con chỉ có hai bàn tay trắng thì chống quân đội Liên Hiệp thế nào được; chúng con chỉ chống quân đội Pháp hãm hiếp đàn bà trong xứ, cướp của dân chúng thôi. Cha Chính nghe, thụ lý, rồi nói: “Vậy xin cha thôi việc đổi xứ”.

5. Vào Hội Đồng Tư Vấn địa phận

Vào khoảng cuối năm 1949, Tòa Thánh đặt Đức Cha Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, làm nhiếp chính địa phận Bùi Chu. Đức Cha Lê đặt cha xứ Liên Thủy và cha Vận làm Tư vấn cho địa phận, cha Chính Uyên làm cha Chính đại diện Ngài coi sóc địa phận Bùi Chu. Về chính trị thì cả Phát Diệm và Bùi Chu được quân đội Liên hiệp Pháp trấn giữ. Từ ngày quân Pháp chiếm đóng Bùi Chu, Liên Thủy, xứ Liên Thủy yên tĩnh trở lại, coi như hết CS, nhưng mấy xã chung quanh Liên Thủy như Xuân Hy, Hoành Quán vẫn còn đầy CS. 

6. Hội Truyền giáo ĐC suýt chết yểu

Cũng khoảng cuối năm 1949 sang đầu năm 1950, Cha Chính cho mời cha xứ Liên Thủy sang Bùi Chu họp Hội Đồng Tư Vấn (HĐTV). Thành phần HĐTV gồm 5 cha: cha Chính, Đại diện Đức Cha Lê, cha Vận, Tư vấn I, cha xứ Liên Thủy, Tư vấn II, cha Bí thư Diên và cha Quản lý Huân. Đó là 5 vị cai trị địa phận Bùi Chu. Vì tòa Giám mục trống ngôi, Hội Đồng chỉ có việc xử lý thường vụ, không thể làm được việc gì quan trọng đáng kể cả.

Anh em nhà được tin, cứ công tác, làm việc v.v. như đã quen. Anh Cả cũng bình tĩnh như vô sự vậy. Trước khi vào họp Hội Đồng, cha Huân mách nhỏ Anh:“Họ sẽ nói gì về Hội cha sao đấy”. Anh Cả nghe vậy chẳng nghĩ gì, vì Anh biết chắc sẽ không có gì xảy ra.

Khi các vị vừa an tọa, cha Bí Thư lên tiếng xin cha xứ Liên Thủy trao cho ngài tờ Sắc lệnh cho thành lập Hội Truyền giáo do Đức Cha Hồ ban. Anh Cả nói với cha Bí Thư là trong công hàm Tòa Giám mục (TGM) còn giữ một bản. Câu truyện còn dài, nếu cần, xin đọc tiếp từ cuối trang 198 đến hết trang 199 LTĐC t.I, 1971. Sau cùng, Cha Chính nói: “Vậy từ nay, xin cha đừng nhận các thầy vào Hội của cha nữa”. Cha Bí Thư tiếp lời: “Xin ghi biên bản lưu lại là từ nay, xin cha xứ Liên Thủy đừng nhận các thầy của địa phận nữa”. Và Hội Đồng Tư vấn bế mạc.

          Khi Anh Cả về tới nhà, anh em hỏi han rối rít. Anh kể hết đầu đuôi câu truyện cho anh em biết. Cám ơn Mẹ luôn yêu dấu, hướng dẫn, phù trợ con cái Mẹ!

 

Cung thánh của Nhà thờ Giáo họ Trung Lễ

Cũng trong mầu nhiệm quan phòng thần linh, vị chủ chiên thứ 2 của GP Bùi Chu là ĐC Phạm Ngọc Chi, lại giúp cho Hội Đạo Đức Đồng Công ấy thành một hội dòng trong Giáo Hội.

Ngày 4.8.1950, địa phận Bùi Chu có tân Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Ngài hứa sẽ hết sức ủng hộ cho dòng chóng thành lập…  Sau khi đã có Bản Hiến Pháp, Anh Cả đệ trình Đức Cha giữa năm 1952. Ngài gửi sang Rôma xin duyệt y.

Vào dịp lễ Giáng sinh năm 1952, Tòa Thánh gửi hiến pháp của Dòng Đồng Công (đã được thẩm tra) về Bùi Chu. Tòa Thánh ấn định hẳn đây là một dòng đơn thệ (congregatio), và phê chuẩn hiến pháp ngày 15.12.1952. Đồng thời, Toa Thánh cho phép Đức cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi ban sắc lệnh thành lập dòng theo giáo luật. Theo lời Đức cha, đó là một ơn đặc biệt cho Dòng Đồng Công, vì thời gian thẩm tra hiến pháp ấy, với lối làm việc nghiêm cẩn của Tòa Thánh Rôma, là một thời gian mau chóng có thể nói là kỷ lục.

Sau một tuần chín ngày tạ ơn long trọng, Anh Cả chọn ngày 2.2.1953, lễ Đức Mẹ Dâng Chúa trong Đền Thờ, làm ngày thành lập Dòng.

  

Ngôi nhà lợp rạ ở Liên Thủy vẫn còn sót lại khi hình được chụp vào năm 2002;

 Khu Nhà xứ Liên Thủy, nơi anh em dòng sinh hoạt (1947-1954), cho dù đã có trụ sở ở Giáo họ Trung Lễ năm 1953

Là một hội dòng chính thức trong Giáo Hội thì phải có trụ sở, nơi chính ĐC Phạm Ngọc Chi cung cấp cho dòng ở đầu Nhà thờ Giáo họ Trung Lễ, nơi còn dẫy tường lịch sử.

Xét về vị trí của trụ sở đầu tiên của dòng khi được khai sinh, thì chính ở vị trí của ngôi nhà (hình trên), cũng ở đầu Nhà thờ và sát với dẫy tường lịch sử của dòng còn tồn tại tới nay

 

Lễ Khai Dòng (x. LTĐC I, tr. 220-222)
a/ Chuẩn bị: Từ khi được tin chính thức Tòa Thánh chấp nhận cho thành lập dòng Dòng Đồng Công cho đến ngày 2-2-1953, toàn thể anh em dòng đều rộn rã chuẩn bị, sửa sang nhà cửa, mượn đồ lề, vải vóc để trang hoàng nhà thờ Liên Thủy và phòng tiếp tân. Anh em tưởng đã mượn được nhiều vải trắng, có gỗ, có tre, có lực, muốn làm gì cũng được, định thoát cảnh nghèo của Chúa Kitô, chẳng nghĩ gì đến đặc tính của Đồng Công là phải thông phần đau khổ của Chúa để cứu rỗi các linh hồn. Anh em định làm một chiếc phòng lớn để tiếp đón quan khách và dọn tiệc mừng. Anh em đã dựng được một khung nhà lớn ngay trước nhà chính xứ Liên Thủy, chỉ chờ mặc áo cho nó. Nhưng ý Chúa, Mẹ lại khác xa ý anh em. Tha hồ cho anh em cầu xin, trời cứ mưa tầm tã, liên lỉ! Chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ Thành lập Dòng, anh em buồn rầu, phải bỏ ý định tiếp tục chương trình, vì không kịp thời giờ nữa. Anh em phải quay về cảnh nghèo cố hữu là dọn dẹp nhà chính của xứ Liên Thủy để tiếp tân và đãi tiệc. Trời vẫn cứ mưa! Đến ngày áp và chính ngày lễ, trời mới bớt mưa, có thể đi lại được, nhưng đường đi thì trơn và lầy lội bẩn thỉu.

b/ Lễ Thành lập dòng trọng thể: Sáng ngày 2-2-1953 lúc 8 giờ, một cuộc đón rước hai Đức Cha Phạm Ngọc Chi và Lê Hữu Từ tuy đơn sơ nhưng thật đông đảo. Hai Đức cha đi thuyền từ Bùi Chu sang tới cầu đá trước nhà thờ Liên Thủy. Anh em Đồng Công và giáo dân dàn hàng đón rước hai đấng từ cầu cá vào nhà thờ. Đức Cha Phạm Ngọc Chi chủ lễ hát trọng thể, Đức cha Từ chầu lễ theo nghi thức Giám mục. Đức cha Hoàng văn Đoàn vắng mặt vì nhận được thư mời quá trễ. Cha Trần Thái Đỉnh giảng một bài thật hùng hồn và đầy ý nghĩa. Tham dự Thánh Lễ còn có Cha Chính Lục và khoảng 40, 50 cha các xứ về, không kể số đông giáo dân các xứ lân cận và chính xứ Liên Thủy. Cha Chính Lục vừa gặp Cha xứ Liên Thủy trước mặt hai Đức cha và nhiều cha đến dự lễ, ban cho cha xứ một nụ hôn hòa bình. Và từ đó về sau, Cha Chính đối xử với Cha xứ Liên Thủy trất thân thiết hơn trước nhiều. Sau Thánh lễ khai mạc, khoảng 12 giờ trưa, hai Đức cha, Cha Chính, các cha cùng với quí khách đều dự tiệc đợt 1 tại nhà chính Xứ Liên Thủy. Vì nhà chật, toàn thể anh em Đồng Công dùng tiệc đợt II.

  

Trong lễ Khai dòng, có 2 vị giám mục là Đức Cha Phạm Ngọc Chi và Đức Cha Lê Hữu Từ, còn Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, OP, không kịp sắp xếp vì nhận thư mời muộn

Có khoảng 40-50 quí cha ở các xứ về tham dự; Cha Trần Thái Đỉnh giảng lễ

Anh Cả xướng tên những anh em gia nhập Tập viện đầu tiên của Dòng vào chính ngài Khai Dòng

Mặc dầu Anh Cả chưa vào nhà tập lớp đầu, nhưng Anh vẫn được đặt làm Giám đốc Dòng Đồng Công. Về sau, chính Đức cha Chi đã xin Tòa Thánh cho Anh được miễn vào nhà tập, và được khấn trọn đời ngay. Khi di cư vào Nam Việt, Anh đã khấn trọn đời tại nhà thờ Gia Định ngày 2.2.1955 trước mặt Đức cha Chi, đương thời phụ trách di cư tại miền Nam Việt Nam.

 

Ngày khai dòng cũng là ngày bắt đầu năm tập của 36 anh em (bao gồm cả 3 vị Linh mục triều) Lớp tập tiên khởi của dòng.

Lớp Tập Đồng Công tiên khởi

(x. LTĐC I, tr. 222-228, 231-250)

Ngày 2.2.1953, ngày thành lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc cũng là ngày bắt đầu năm tập tiên khởi của Dòng. Lớp tập này gồm có tất cả 36 tập sinh, gồm 3 linh mục và 33 anh em. Các môn học của năm tập cũng giống như ngày nay.

Một năm tập trôi qua trong hy sinh, vất vả vì chiến tranh. Anh em tập sinh phải lưu động đi về (tối đi ngủ nhờ, sáng về công tác, học tập...). Ngày lễ Truyền Tin 25.3.1954, lớp tu sĩ đầu tiên của Dòng tuyên khấn với thời hạn một năm theo hiến pháp cũng tại nhà thờ Liên Thủy, trước mặt Đức Giám mục giáo phận cùng với sự tham dự và giảng thuyết của Đức cha Hoàng Văn Đoàn, Giám mục Bắc Ninh.

Tiếp liền lớp Nhất đã khấn, ngày 2.4.1954 lớp thử mới được giới thiệu với con số 50 người chuẩn bị mặc áo tập vào tháng 9.1954. Nhưng chương trình không thực hiện được vì tình hình đất nước đã thay đổi. Chính quyền mới đã tiếp thu toàn bộ khu vực Bùi Chu từ tháng 6.1954.

Trụ sở Tập Viện:

            Tòa Thánh thẩm tra và ký nhận Hiến Pháp (HP) Dòng ngày 15-12-1952. Sau những ngày chan chứa mừng vui, tạ ơn vì đã có HP, tức là Giáo Hội chính thức ban phép lập Dòng, Anh Cả nghĩ ngay tới việc tổ chức Tập viện. Với tập quán cố hữu, Anh Cả dành nhiều giờ suy nghĩ, cầu nguyện, bàn hỏi để chọn ngày Lễ Khai Mạc Dòng mới, đồng thời lựa một số anh em cho Lớp Tập đầu tiên, vì Đoàn Đồng Công lúc đó đã có tới 120 anh em, trong số đó 32 người đã khấn theo qui chế của Đoàn.

             Ngày Khai Dòng được xác định: Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Con vào Đền Thờ, cũng là ngày Lớp Tập đầu tiên chính thức bắt đầu thời kỳ Tập, mồng 2 tháng 2 năm 1953.

            Với tấm lòng ưu ái, Đức Cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi sắp xếp ổn thỏa di chuyển Nhà Phước Trung Lễ sang Bùi Chu, để lấy khu đất Nhà Phước đó cho Dòng Đồng Công làm trụ sở. Đây là món quà Đức Cha Phêrô tặng cho Dòng mới. Khu đất nằm về phía đầu Nhà thờ Trung Lễ, rộng khoảng 4 mẫu gồm ao hồ, ruộng và mấy nhà trệt đơn sơ, hợp với nép sống các dì phước thời đó. Cần nhiều chỉnh trang mới hợp với sinh hoạt Đồng Công. Chính tại khu đất này, một nhà mới được kiến tạo làm Tập viện đầu tiên của Dòng. Đây là dẫy nhà 10 gian, dài 40 mét, rộng 5 mét, tường xây, mái lá, bền đất, có nhiều cửa sổ cao thoáng, ghép kính sáng sủa, hè trước được tráng xi măng tiện cho việc đi lại khi mưa. Tuy nhỏ bé, thiếu tiện nghi, nhưng nhà này lại được hân hạnh là nơi huấn luyện Lớp Tập đầu tiên của Dòng. Chính tại đây, 36 anh em Lớp Tập đầu tiên sinh hoạt trong bầu khí thánh thiện, với nhiều kỷ niệm buồn vui khó quên. Dẫy nhà mới này dùng làm phòng ngủ và lớp học. Còn ẩm thực thì hằng ngày, sáng, trưa, tối đều về bên nhà xứ Liên Thủy -  lúc đó là trụ sở của nhóm anh em Đệ Tử lớn – dùng chung với Cộng Đoàn.

    2. Thành phần Lớp Tập:

            Gồm 36 anh em, một số đã theo Anh Cả từ rất sớm, ngay khi Anh mới được ơn soi sáng lập Dòng, thời kỳ Anh giữ chức Giáo sư và Linh hướng tại Đại Chủng Viện Quần Phương (1938-1942), hay những năm Anh coi xứ Dương A (1942-1946). Trong số 36 anh em có 3 linh mục triều thuộc giáo phận Bùi Chu, vốn có lòng quí mến Anh Cả, mang nhiều cảm tình với lý tưởng Đồng Công, nay được phép Đức Giám Mục cho nhập Dòng. Ba linh mục được đổi tên mới, vào Nhà Tập lớp đầu tiên: Cha Từ đổi là Lễ, Cha Tước là Khải và Cha Trung là Hoàn.

              Dụng ý của Anh Cả khi chọn những tên mới ý nghĩa này cho ba linh mục vào Nhà Tập đầu tiên là để kỷ niệm ngày rất vui mừng, đáng ghi nhớ mãi mãi trong Lịch sử của Dòng: ngày Đoàn Con Đức Mẹ Đồng Công được chính thức thành một Dòng tu trong Giáo Hội. Ngày đó chính là:

LỄ KHẢI HOÀN

             Danh sách 36 anh em được công bố:  Lễ, Khải, Hoàn, Quyết, Lạc, Chính, Quý, Tín, Cương, Độ, Thiên, Đại, Vạn, Lương, Khoan, Mưu, Tự, Thiện, Đạo, Thành, Thạch, Khang, Trưởng, Vinh, Tuế, Nhân,Việt, Nam, Cách, Tư, Đồng, Đức, Hiến, Trung, Dũng, Ninh.

    3. Chuẩn bị vào Tập viện:

             Anh Cả hay hội anh em để giải thích ý nghĩa Năm Tập theo Giáo luật, nói cho biết tầm quan trọng của thời kỳ Tập, vì tới lúc đó chưa ai quen tổ chức Nhà Tập, nên mọi sự còn bỡ ngỡ. Ngoài việc hội chung lớp, Anh Cả còn thường gặp riêng từng người, thúc giục anh em cố gắng nên thánh, sống tốt để dọn mình vào Nhà Tập. Anh Cả nhấn mạnh đến trách nhiệm những Tập sinh đầu tiên của Dòng mới, có tầm mức hệ trọng, cần làm gương sáng, làm nền tảng cho các lớp Tập sau. Với tất cả tâm huyết xây dựng, Anh Cả hội chung, gặp riêng để khuyên nhủ, nhắc nhở và thúc giục các anh em trong việc quyết tâm nên thánh.

             Chuẩn bị gần cho ngày Tận hiến, bắt đầu Năm Tập là một tuẩn phòng trang trọng, đủ 8 ngày trước lễ Mẹ Dâng Con. Chính Anh Cả giảng phòng và huấn đức (Đức Cha Chi giảng một bài). Đầy đủ 36 anh em sốt sắng tham dự tuần phòng.

    4. Lễ Khai Dòng – Lễ Tận Hiến:

             Lễ Khai Dòng và đồng thời là lễ Tận Hiến khá long trọng, được cử hành tại Nhà Thờ xứ Liên Thủy, có sự hiện diện của hai vị Giám mục, Đức Cha Lê Hữu Từ và Đức Cha Phạm Ngọc Chi, với sự tham dự của trên 30 linh mục Bùi Chu và Đại diện các Dòng trong giáo phận Bùi Chu lúc đó, như Dòng Bệnh viện, Đaminh, Mân Côi, Mến Thánh Giá, Dòng Chúa Cứu Thế …

 

 ANH CẢ VÀ BẢY TỔ PHỤ CỦA DÒNG ĐỒNG CÔNG
Hàng trên từ trái sang phải:
- Anh Gioan Vianey M. Vũ Vĩnh Quí, LK I
- Anh Anrê M. Lê An Lạc, LK I
- Anh Cả Đaminh M. Trần Đình Thủ, LM sáng lập Dòng Đồng Công
- Anh Barnabê M. Nguyễn Đức Kiên, LK III
- Anh Giuse M. Trần Minh Khoát, LK II
- Anh Tôma M. Trịnh Văn Chí, LK III
Hàng dưới từ trái sang phải:
- Anh Philipphê M. Đinh Viết Quyết, LK I
- Anh Giacôbê Hậu M. Trần Quốc Thanh, LK III

CChọn  khẩu hiệu Dòng (tháng 2-1953) :

 

              Vào Nhà Tập đươc khoảng hai ba tuần, thì có một buổi hội đặc biệt, tạm gọi là “buổi hội chọn khảu hiệu Dòng”. Hôm ấy, sau khi nhắn nhủ anh em Tập sinh gắng nên thánh, sống khiêm tốn, bác ái thật theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Anh Cả cho biết ý của Anh là muốn chọn một khẩu hiệu nói lên tinh thần căn bản của Dòng, với đặc tính hướng dẫn tinh thần cho các phần tử Dòng bây giờ và mãi mãi sau này. Như các Dòng đàn anh, mỗi Dòng đều có khẩu hiệu rất ý nghĩa: Thánh Tổ phụ Biển Đức muốn cho Dòng Ngài chuyên cầu nguyện và lao động, đã chọn khẩu hiệu “Orare et Laborare”. Dòng Thuyết giáo chuyên rao giảng Chân lý thì chọn “Veritas”.  Dòng Tên qui mọi công việc làm sáng danh Chúa, chọn câu “Ad Majorem Dei Gloriam”.   Dòng Mến Thánh Giá nhận khẩu hiệu “Per Crucem Ad Gloriam” để suy gẫm và theo sát Chúa Kitô Tử Giá …

       

       Anh Cả khuyên các Tập sinh suy nghĩ, cầu nguyện rồi chọn một câu Thánh Kinh, một lời ý nghĩa của Đức Mẹ, một tư tưởng sâu sắc của các Thánh mang tính cách thần học, tu đức, rồi cho Anh Cả biết. Sẽ có một buổi hội đúc kết. Thời gian để suy nghĩ và cầu nguyện là một tháng.

 

             Đứng trước một việc mang tính cách hệ trọng cho cả Dòng, lại chưa bao giờ nghĩ tới, tâm trí những Tập sinh non nớt đều ngổn ngang nhiều cảm nghĩ ngỡ ngàng, vừa suy tư, vừa trân trọng. Thật ra, chẳng phải chỉ có các Tập sinh anh em không linh mục, chưa đủ kiến thức triết học, thần học tu đức, mà cả ba Tập sinh Linh mục cũng ngạc nhiên không kém. Dù vậy tất cả đều lấy làm hân hạnh được cùng với Anh Cả xây dựng tương lai cho Dòng. Ai nấy chăm chú suy gẫm, cầu nguyện xin ơn soi sáng. Nhiều chọn lựa, nhiều ý kiến được trình bày trong phiên hội đúc kết, vừa vui, vừa đơn sơ, rất cởi mở trong tình huynh đệ hồn nhiên của gia đình Dòng. Có ý kiến quá ngây ngô làm cho mọi người cười rũ rợi. Anh Cả cũng cười, cười như chưa từng thấy vậy bao giờ. Dầu sao, đó cũng là thiện chí xây dựng của anh em. Tuy nhiên, theo nhận xét của Anh Cả, thì chưa thấy ý kiến nào đủ tiêu biểu ý nghĩa cốt yếu của tinh thần Dòng, và do đó cũng không đủ ý lực hướng dẫn tinh thần cho anh em bây giờ cũng như trong tương lai được. Trước nhận xét minh bạch và dứt khoát của Anh Cả, anh em xin Anh cho biết phần lựa chọn của Anh. Lúc đó, Anh Cả mới bật mí. Và lời chọn của Anh Cả chính là lời Chúa Kitô trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu đoạn 20, câu 28:

 

“NON MINISTRARI SED MINISTRARE”

 

           Câu Phúc Âm được viết đầy đủ:  

        La ngữ: “Sicut Filius hominis non ministrari, sed ministrare et dareanimam suam redemptionem pro multis”.

        Việt ngữ: “Cũng như Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”.

 

            Trong sự ngạc nhiên sung sướng và cảm phục, một tràng pháo tay hoan hô dài hầu vô tận đón chào khẩu hiệu của Dòng do chính Vị Sáng Lập lựa chọn và long trọng tuyên bố. Sau tràng pháo tay hoan hô, Anh Cả giải thích ý nghĩa khẩu hiệu cho anh em. Anh nói: Tận hiến Đồng Công là triệt để bắt chước Chúa Kitô. Khẩu hiệu nói lên lý tưởng cao cả, đồng thời là tư tưởng chủ lực hướng dẫn anh em Dòng. Tư tưởng chi phối hành động. Giáo lý và gương khiêm hạ của Chúa Kitô muôn đời tồn tại, để hướng dẫn nhân loại nói chung, và con cái Mẹ Đồng Công nói riêng trong suốt cuộc đời Tận hiến.

 

            Khẩu hiệu này từ đó được in trên Hiến Pháp, trên các giấy tờ chính thức của Dòng, kẻ thành những hành chữ rất đẹp, trình bày ở những nơi công cộng để anh em chiêm ngắm, suy niệm và uốn nắn cách sống của mình hợp với gương Chúa. Một hàng chữ lớn đục bằng carton dầy treo ngang gian Cung Thánh nhà nguyện chính, vừa trang trọng, vừa nghiêm chỉnh, nhắc nhở anh em mỗi khi vào nhà nguyện đọc thành chữ lời Chúa mà nâng tâm trí lên với Ngài.

 

            Một lần, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn tới thăm Nhà Dòng, được hướng dẫn vào Nhà Nguyện viếng Thánh Thể, Đức Cha cứ mải miết ngắm nhìn hàng chữ “Non Ministrari Sed Ministrare” giăng cao trên Cung Thánh. Ngài như ngây ngất  đăm chiêu, miên man suy nghĩ … Ai cũng biết Đức Cha Đoàn thông thạo Thánh Kinh, đã từng là giảng sư môn học này tại Học viện Đaminh. Sau cùng Đức Cha hỏi anh tiếp tân hướng dẫn: “Ai đã chọn khẩu hiệu này cho Dòng?”. Khi được thưa là chính Cha Bề Trên. Đức Cha vừa cảm phục, vừa tấm tắc khen ngợi khẩu hiệu mang ý nghĩa sâu xa và phong phú, đồng thời cầu chúc anh em ĐC  cố gắng thực thi chân lý gói ghém trong khẩu hiệu đó.   

 

 

Các cơ sở Đồng Công ở Thủ Đức và Lái Thiêu từ 1955:

Nhà Mẹ, Khu Kitô Vương, Khu Nhà 30 Gian,

Tu Viện Khiết Tâm Tam Hà, Tu Viện Tiệc Ly Lái Thiêu,

Đệ Tử Viện, Giáo sĩ Dưỡng đường, Trường Đồng Công

 

Các cơ sở Đồng Công ở Giáo phận Qui Nhơn từ 1957:

 Trung Học Toàn Mỹ Mỹ Chánh, Nhà Qui Đức, Nhà Mẹ Nhà Đá

 

Các cơ sở Đồng Công ở GP Buôn Mê Thuột từ 1959:

Sở Phước Thiện Đồng Công và Giáo xứ Châu Ninh

 

Các cơ sở Đồng Công GP Đà Lạt từ 1968

Tu viện Thiên Mẫu và Cư xá Sinh viên Rạng Đông

 

Cơ sở Đồng Công GP Nha Trang từ 1974

Trường tiểu học Đồng Công Lương Sơn Phan Rí

 

 

 

SSuy nghĩ và Quyết Định Di cư vào miền Nam:

 

             Khấn được hơn ba tháng, thì tình hình Viêt Nam trớ nên sôi động, rối beng, và sau cùng đưa tới việc chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới cho hai miền Nam Bắc. Anh Cả thật đau khổ, thương xót cho số phận Viêt Nam.Về anh em Dòng, Anh Cả rất phân vân, suy nghĩ…không biết phải làm sao lúc này? Nếu cho anh em đi theo các tổ chức hành chánh và quân đội quốc gia – lúc đó được người Pháp bảo trợ - vào Nam, sẽ bị tiếng theo Tây, là điều Anh Cả không khi nào chấp nhận. Nếu ở lại thì liệu Đoàn Em non nớt có thể đối phó với những mưu mô xảo quyệt của trào lưu vô thần đang dồn toàn lực cướp giật, lôi kéo mọi người về phía họ được không?

 

              Anh Cả cầu nguyện và tổ chức các nhóm thay phiên ngày đêm chầu Mẹ, nài xin Mẹ ra tay cứu giúp Đoàn Con bé nhỏ của Mẹ. Đang lúc đó, Anh Cả được tin Hiệp định Genève qui định mọi người Việt lúc này có quyền tự do chọn nơi cư trú, hoặc miền Nam do Chính phủ quốc gia điều khiển, hoăc miền Bắc thuộc chính thể Cộng sản. Như tìm được tia sáng giúp quyết định, Anh Cả dứt khoát chọn nơi sinh sống tương lai cho anh em Dòng: Di cư vào miền Nam.

 

              Tức tốc Anh sai người đi báo tin cho những anh em đã tạm lánh nạn về quê, liệu cách về ngay Liên Thủy để tìm đường vào Nam. Và chính Anh cũng sẽ lựa chọn ngày thuận tiện ra đi, chỉ để anh Linh mục Lễ với ba anh đệ tử lớn ở lại miền Bắc giúp xứ Liên Thủy. Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, cuộc di cư lịch sử đã mau chóng được khởi sự từ đầu tháng 8 năm 1954. Hai nhóm chính theo hai đường khác nhau: một nhóm đi ngả Nam Định ra trú tại Hà Nội; một nhóm đi lối Thái Bình sẽ tạm trú tại Hải Phòng. Rồi tùy nghi tìm phương tiện vào Nam. Chúa quan phòng cho cả hai nhóm, dù đi bằng phương tiện khác nhau: nhóm trú tại Hà Nội đi máy bay sáng 13/8, còn nhóm ở Hải Phòng đi với Anh Cả bằng tàu thủy đã khởi hành từ mấy hôm trước. Nhưng cả hai nhóm lại cùng tới Sàigòn vào thứ Sáu lúc 3 giờ chiều, ngày 13-8. Đó là ngày giờ kỷ niệm Chúa chịu chết, đồng thời cũng là ngày giờ Mẹ ly trần. Thật ý nghĩa làm sao sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa!

 

DÒNG ĐỒNG CÔNG DI CƯ - 1954

 Hiệp Định Genève ngày 20.7.1954 chia đôi đất nước Việt Nam thân yêu. Anh Cả và anh em dòng phải rời khỏi Liên Thuỷ ngày 4.8 để ra Hải Phòng. Ngày 10.8.1954 từ biệt Hải Phòng, anh em và rất nhiều người dân cùng cảnh ngộ xuống một tàu buôn của người Pháp Ville de Haiphong thuộc hãng Denis Frères. Tàu nhổ neo hồi 10 giờ giã biệt miền Bắc, lướt sóng hướng vào miền Nam Việt Nam tự do. Ngày 13.8.1954, con tàu cập bến Khánh Hội, Sài Gòn hồi 15:00, được phái đoàn tiếp cư của Chính Phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo, đưa một số ít người tị nạn đến tạm trú tại trường tiểu học Võ Tánh, Phú Nhuận. Chiều tối, các em học sinh tự nguyện đến thăm hỏi, với đèn nến trên tay đi thắp sáng khắp khuôn viên trường học - một nghĩa cử tốt đẹp của tình huynh đệ tương thân tương ái, tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng thật đáng ghi nhớ trong tâm tư người tỵ nạn. Ngày 16.8.1954, ngay trong sân trường Võ Tánh, Anh Cả cùng anh em Đồng Công và giáo dân dâng Lễ Tạ Ơn Chúa đã dẫn đưa đoàn con tới miền đất tự do.

Mấy ngày sau, anh em đi Biên Hoà tạm trú nơi trường tiểu học Trịnh Hoài Đức một tuần lễ, tiếp đến đi Mỹ Tho, trú ngụ trong khu vườn của ông Jacque Lê Văn Đức ở Bình Đức. Chưa ổn, đoàn xe lại rầm rộ chở anh em tới Sađéc ngày 25.8, tạm trú trong một biệt thự thuộc giáo xứ Sađéc bên sông Cửu Long. Một lần nữa, ngày 3.12.1954 anh em di đến khu tiểu chủng viện Nam Vang Sacré-Coeur đã bỏ hoang tại Cù Lao Giêng, Long Xuyên. Trong thời gian này có thêm 18 anh em lớn bé nhập tu, nâng tổng số toàn dòng trên 100 nhân khẩu. Gần một năm sau, tại Cù Lao Giêng bất ổn… nên anh em phải di chuyển cấp tốc cùng rất nhiều vật dụng sang biệt thự bên Sađéc và, ngày 21.11.1955 chuyển dần đến định cư tại xã Tam Bình, Thủ Đức. Sự kiện di chuyển đến Thủ Đức là do chính Đức Cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi gợi ý.

Ville de Haiphong thuộc hãng Denis Frères, tầu buôn cùa người Pháp cho AE DC và đồng bào di cư, cập bến Khánh Hội, Sài Gòn lúc 3 giờ chiều ngày 13.8.1954 (hinh minh hoa)

 

ANH EM DI CƯ TẠM TRÚ NHIỀU NƠI TẠI MIỀN NAM (1954-1955)

1.Trường Tiểu học Võ Tánh, Phú Nhuận:

        Đây là nơi đầu tiên anh em tạm cư khi tới miền Nam. Đến đây, anh em cảm thấy mệt mỏi nhiều vì mấy ngày trên tàu, ăn ngủ không ra gì. Mãi sáng ngày 16-8-1954, anh em mới dâng lễ Tạ ơn được.Nhưng số người di cư quá đông, chỗ ở lại chật chội, những nhu cầu cần thiết như nhà vệ sinh quá ít, nên anh em chỉ ở đây được hơn một tuần thôi, buộc lòng phải tìm chỗ khác.

2.Trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, Biên Hòa:

        Sau khi cho người đi xem đất vùng Biên Hòa, thì ngày 21-8-1954, anh em rời trường Võ Tánh lên trường Trịnh Hoài Đức, thuộc tỉnh  Biên Hòa. Sáng hôm sau, 22-8-1954, anh em dâng lễ trọng thể kính Khiết Tâm, xin Mẹ chúc lành cho nơi ở mới này. Đang lúc anh em thu dọn chỗ ở, Anh Cả nhận được tin Đức Cha Chi muốn Đồng Công nhường khu đây cho Trường Thần học Bùi Chu và đến Tam Hiệp, một khu đồi đất xấu, chưa có ai ở.  Khu này đã được Ủy ban Hỗ trợ định cư của Chính phủ chia thành lô để đưa dân di cư đến, Đồng Công cũng được chia cho một lô. Nhưng Anh Cả không muốn cho anh em đến ở đây, nên cho người tìm nơi khác.

    3.Tại họ Bình Đức, Mỹ Tho: 

            Tạm trú ở trường Trịnh Hoài Đức được một tuần, anh em lại cùng nhau đi đến họ Bình Đức, tỉnh Mỹ Tho, trú tại nhà ông Lê Văn Đức, một giáo dân giầu có và sẵn sàng đón tiếp. Tuy vậy, sau vài ngày ở đây, Anh Cả nhận thấy rất nhiều bất tiện, không thể ở đây lâu hơn được. Rất may, đang khi tìm nơi thuận tiện, anh em được Cha sở xứ Hòa Khánh, Sađéc, mời đến xứ ngài. Thật là một ơn Chúa dành cho các con Mẹ Đồng Công!

     4. Thành phố Sađéc:

            a/ Tại Xứ Hòa Khánh:

            Ngày 31-8-1954, Anh Cả cho anh LM Bùi Công Đắc và một ít anh em xuống Sađéc trước để quan sát. Nhận thấy Cha xứ nhân ái, đạo đức, chân thành, nên ngày 3-9-1954, chính Anh Cả và một số anh em cũng xuống Sađéc để chuẩn bị chỗ ở cho anh em. Đúng ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 5-9-1964, toàn thể anh em còn ở Bình Đức đi xe xuống Sađéc, dọn mừng lể Bổn Mạng I của Dòng. Tại đây, nhà ở tương đối mát mẻ, bên cạnh sông Hậu Giang. Nhà dành cho anh em cách xa nhà xứ, nên rất tiện cho anh em tạm trú. Ngày 15-9-1954, lễ Mẹ Đau Thương được mừng rất trọng thể vì là lễ Bổn Mạng I của Dòng, đồng thời tạ ơn Mẹ đã lo liệu cho anh em nơi ở tạm gọi là tốt đẹp. Hằng ngày ở đây, anh em sống vui, phấn khởi về tinh thần cũng như thể xác.

            b/  Quyết định bỏ xứ Hòa Khánh:

            Theo Anh Cả, giáo dân Hòa Khánh dần dần tỏ ra quí mến các cha, các thày Dòng và có vẻ lãnh đạm với Cha xứ. Anh Cả đã cảm thấy như thế, nên Anh quyết định bỏ Sađéc mặc dù cha xứ vẫn còn thích cho Nhà Dòng ở lại.                                                                                                                                                                                                                        

     5. Di cư xuống Cù Lao Giêng:

           a) Chúa và Mẹ xếp đặt chỗ ở cho chúng ta:

                Thời kỳ đó, địa phận Nam Vang (Cam Bốt) do một Giám mục người Pháp, quí danh Chabalier cai quản, gồm cả tỉnh Long Xuyên và Cần Thơ (của Việt Nam). Nghe tin Dòng Đồng Công đang tạm trú tại Sađéc, Đức Cha Chabalier nhắn tin mời nhà Dòng xuống ở tại khu Trường Thần học cũ của địa phận Nam Vang tại Cù Lao Giêng. Hai anh LM Phạm Văn Hóa và Bùi Công Đắc được sai sang Nam Vang gặp Đức Cha Chabalier. Ngài rất vui vẻ đồng ý bằng giấy tờ cho Dòng Đồng Công đến ngụ tại Trường Thần học đó. Ngài lại còn ban cho Nhà Dòng một lô gỗ tốt đã xẻ thành ván, 30 cây gỗ lớn chưa xẻ và một số tiền lớn nữa. Thật là một tấm lòng quảng đại, bác ái, vị tha, vô vị lợi! Trong dịp này Anh Cả có ghi lại những đức tính cao đẹp của một số người Âu- Mỹ giống Đức Cha Chabalier, như Đức Cha Gioan Cassaigne (Đức Cha Sanh, người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, coi trại cùi Di Linh), Đức Cha Munhagorri Trung (cai quản địa phận Bùi  Chu), Bác sĩ Tôma Dooley, người Mỹ (giúp bệnh nhân di cư 1954.

             b) Anh em rời Sađéc đến Cù Lao Giêng:  

             Theo lời Anh Cả trong cuốn Lý Tưởng Đồng Công tập I, trang 268-269, cho biết lý do Đồng Công bỏ Sađéc: “Giáo dân Hòa Khánh dần dần tỏ ra quí mến các cha, các thầy Dòng và ơ hờ lãnh đạm với Cha Sở. Bao nhiêu lỡi lạt quà bánh cứ đem vào Nhà Dòng. Trái lại nhà xứ chả có gì lỡi lạt hết!Tuy Cha Xứ rất đạo đức, giá không có các cha Dòng thì chắc chả sao! Nhưng vì có ngay trước mắt họ, các Cha, các Thày Dòng không đưa theo một thân nhân quê quán nào hết. Trái lại, thấy Cha Sở nhà đông người, đầy những thân nhân quê quán, nam có, nữ có v.v… sao mà không nghịch mắt họ. Giá dân chúng có mến các Cha Dòng, Thày Dòng, họ đừng biếu xén lỡi lạt gì thì cũng chẳng sao. Nhưng vì họ đã thích là họ biếu tặng, luật Tạo Hóa là thế, nên chắc chắn sẽ sinh mất lòng Cha Sở. Quả đúng vậy, và có lẽ ngài đã hơi khác đối với các linh mục Dòng, còn đối với con, thì ngài còn thích và rất muốn cho Dòng ở lại.Nhưng con thấy cần phải giải quyết, kẻo lỡ đến ngày ngài tỏ ý đuổi mình đi thì sao? Vì nhà cửa đất đai hoàn toàn lệ thuộc Cha Xứ, mình đâu có quyền!”.

       Sau khi Đức Cha Chabalier người Pháp, Giám mục chính  tòa Nam Vang bên Cambốt cai quản cả Long Xuyên, Cẩn Thơ, đồng ý cho ở tại Chủng viện Cù Lao Giêng, anh em Đồng Công lên cám ơn Cha Sở Sađéc và thuê thuyền lớn chở người và tất cả đồ đoàn trực chỉ Cù Lao Giêng, xã Tân Mỹ, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên ngày 3-12-1954.  Như thế, tạm cư tại Sađéc từ 5-9-1954 và rời bỏ ngày 3-12-1954, đúng ba tháng kém 2 ngày.

           Nhận thấy Đức Cha, người Pháp tốt lành rộng rãi, Anh Cả đã thưa với Mẹ như sau:

           “Nhân dịp Đức Cha Chabalier người Pháp, Giám mục chính tòa Nam Vang bên Cam-bốt, cai quản cả Long Xuyên, Cần Thơ, nghe tin Dòng Đồng Công đang tạm cư ở Sađéc, ngài nhắn tin mời Nhà Dòng xuống ở tại khu Trường Lý Đoán cũ Sacré Coeur tại Cù lao Giêng, lập tức con cho hai anh em linh mục Phạm Văn Hóa và Bùi Công Đắc sang gặp Đức Cha. Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, Đức Cha rất đồng ý bằng giấy tờ cho Dòng Đông Công đến ở tại Chủng viện Cù Lao Giêng. Ngài ban cho Dòng một lô gỗ tốt đã xẻ thành ván đáng giá mấy chục vạn, lại cho thêm 30 cây gỗ lớn chưa xẻ, và gửi thêm cho Dòng 15 vạn bạc nữa. Khi hai anh em linh mục gặp Đức Cha Chabalier rồi về cho con biết tự sự, lập tức con cho em Đinh Vương Thạch và một ít anh em xuống Cù Lao Giêng trước để công tác thu dọn nhà cửa” (ngày 3-11-1954 xuống đợt I và ngày 2-12-1954 xuống đợt II (x.LTĐC I, tr. 269-273).                      

             Miền sông nước phương tiện chuyên chở không gì tiện và rẻ bằng thuyền. Hôm đó là ngày 3-12-1954 lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, nhà Dòng thuê một chiếc canô người Hòa Hảo chở tất cả anh em và đồ đạc xuống Cù lao Giêng. Bến đậu cách Chủng viện vài trăm mét, tất cả anh em hứng khởi khuôn đồ đạc đi vào Chủng viện.

              Ngày 3-12-1954, anh em Đồng Công cám ơn và từ giã Cha xứ Sađec để đi Cù Lao Giêng thuộc xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, bằng đường thủy. Anh em ở đây cho đến ngày 21-11-1955 (Lễ Mẹ Dâng Mình) thì về Thủ Đức. Như vậy anh em tạm trú ở Cù Lao Giêng gần được một năm. Trong thời gian này, nhiều biến cố đáng kể đã xảy ra, như : lớp Tập II  bắt đầu từ ngày 15-12-1954 ; Anh Cả vĩnh thệ ngày 2-2-1955 trước mặt Đức Cha Phạm Ngọc Chi tại Nhà Thờ Gia Định;Vị đại ân nhân của Dòng, Đức Cha Chabalier qua đời; Lớp khấn I khấn lại với thời hạn 3 năm ngày 25-3-1955. Đồng thời xuất hiện Mặt trận Tình Yêu Liên Minh do ba anh lớp Khấn I Phạm Đông Quang, Trần Trung Chính và Trần Trung Thực khởi xướng; Hoạt động chống Cộng của anh em ĐC không mấy tốt đẹp; Tìm địa điểm tại Thủ Đức…

    6. Tìm địa diểm tại Thủ Đức:

            Nhận thấy hoạt động chống Cộng của anh em tại Cù Lao Giêng không mang lại ảnh hưởng tốt đẹp cho dân chúng địa phương, lại còn nguy hại cho đời sống tu trì, Anh Cả buộc lòng phải tìm nơi tạm trú khác. Anh cho hai linh mục đến gặp Đúc Cha Bình, Giám mục địa phận Cần Thơ, một giáo phận vừa mới được Tòa Thánh cho thiết lập ngày 20-9-1955, để xin cho Dòng được đặt trụ sở tại đó, nhưng không được chấp nhận. Anh phải cho anh em về miền Thủ Đức tìm địa điểm. Rất may là một ông chủ đất tại vùng này đồng ý cho Dòng đến ở, lại còn bằng lòng bán cả khu đất của ông cho Dòng. Anh Cả liền cho mấy anh em đến trước sửa soạn để có thể đưa Nhà Dòng về đây dịp lễ Mẹ Dâng Mình (21-11-1955).

7.Rút khỏi Cù Lao Giêng đột ngột và cấp tốc:

           Đời sống tu viện tại Cù Lao Giêng rất êm đềm vắng vẻ, ít khách tới thăm viếng, vì ở Cù Lao nên việc đi lại cũng bất tiện. Nhưng vào tháng 11 trở nên bất ổn vì chính trị rắc rối tại ngoài ấp. Bề Trên thấy không ổn, hơn nữa việc liên lạc với bên ngoài, nhất là trên Sài-gòn quá bất tiện. Đức Cha Chi cũng muốn Dòng về Sàigòn cho cha con và các Dòng giáo phận được dễ dàng liên lạc với nhau, nên Anh Cả quyết định bỏ Cù Lao rất kín đáo âm thầm.

           Anh Cả phải ra lệnh cấp tốc và bí mật được diễn tả như sau: “Chiều tối 20-11-1955, cho xuống thuyền hết các đồ lề. Một chiếc thuyền rất lớn trọng tải phải tới hơn 50 tấn, anh em thu đồ xuống thuyền suốt đêm. Sáng 21-11-1955, Lễ Mẹ Dâng Mình, làm lễ, dự lễ thật sớm, trời còn rất tối; vào quãng 5 giờ sáng 21-11-1955, thuyền nhổ neo bắt đầu chạy hướng về Sađéc.Độ 8, 9 giờ ngày 21-11-1955, con thuyền đã đưa hơn 100 anh em với hơn 30 tấn cập bến Sađéc. Thế là hết mọi anh em lên chào Cha Sở Sađéc. Người mời trọ tạm nơi đã ở trước. Sau ngày 21-11-1955 độ hơn một tuần, đoàn con Mẹ với 30 tấn đồ mới về tới Thủ Đức bằng xe hơi” (LTĐC tập I, trang 293).

           

Biệt thự tại địa sở Hòa Khánh Sađéc tạm trú ngày 25/8/1954

Chủng viện Thánh Tâm cũ của địa phận Nam Vang Cù Lao Giêng, An Giang, nơi AE tạm trú đến tháng 11.1955

ANH CẢ ĐAMINH MARIA
TRẦN ĐÌNH THỦ VĨNH KHẤN

*

Anh Cả vĩnh khấn trong Dòng Đồng Công tại nhà thờ Gia Định - Sài Gòn ngày 2.2.1955 lễ Mẹ Dâng Chúa Con Trong Đền Thờ.

Anh không phải qua khoá tập và các đợt khấn tạm, do văn thư chấp thuận của Thánh Bộ Truyền Giáo số Prot. N. 2102/54, ký ngày 28.5.1954.

Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chủ tế lễ khấn.

Anh Cả vĩnh khấn (hình trên và hình dưới) tại nhà thờ Gia Định, Sài Gòn ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh 2.2.1955

Anh không phải qua khóa tập và các đợt khấn tạm, do văn thư chấp thuận của Thánh Bộ Truyền Giáo số Prot. N. 2102/54 ký ngày 28/5/1954

 

 

 

NHÀ MẸ DÒNG ĐỒNG CÔNG TẠI THỦ ĐỨC ĐẦU TIÊN TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM

Cổ xưa, người địa phương sinh sống tại quận Thủ Đức gọi khu đồi thuộc xã Tam Bình là đồi “tha ma Thủ Đức”, vì thấp thoáng đó đây có những phần mộ xây bằng đá tổ ong. Khu đồi trước đây là đồn điền cao su của một Pháp kiều, ông đã trở về cố hương. Hội dòng đã bỏ ra 160.000 đồng để mua đất đồi này theo phương thức đấu giá ở Toà Hoà Giải Sài Gòn do án số 26/BD/56 ngày 24 tháng 4 năm 1957.

Dòng Đồng Công sở hữu khu đất trên rộng tổng cộng hơn 34 mẫu tây gồm lô 1: 168.969 m2  thuộc xã Tam Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, và lô 2: 171.626 m2  thuộc xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hoà (về sau thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ngoài ra, hội dòng còn thuê một khu đất rộng 12.544 m2 của bà Lâm Thị Thanh - khu này thuận hợp cho việc kinh doanh đào ao nuôi cá và sản xuất cá giống. Nơi đây là tu viện Khiết Tâm bao gồm cơ sở ấn loát Sao Mai, phòng phát hành Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ. Cũng nên ghi thêm rằng đất thuê của bà Thanh, hàng năm nhà dòng vẫn nạp thuế đầy đủ cho chính phủ tới khoảng năm 1987. Sau cùng, Anh Cả bị giam tù từ năm 1987, và sau khi Anh được trả tự do ngày 18.5.1993, Anh về tu viện Khiết Tâm, từ đó, nơi đây chính là Nhà Mẹ Dòng của chúng ta đến nay (2021).

 

Cổng Tu viện Nhà Mẹ Dòng Thủ Đức năm 1956, nhưng đến năm 1967 bị phá đi để nhường chỗ cho khu Giáo sĩ Dưỡng đường Đồng Công được nới rộng hơn

 

KIẾN THIẾT TOÀN KHU NHÀ MẸ DÒNG TẠI THỦ ĐỨC                                                                                              

----------

 NHÀ MẸ DÒNG                                                                                                                

(1955-1987)

 

1.    Nhà Mẹ Chính Thức Đầu Tiên Của Dòng:

       a/ Anh Cả tâm sự với Mẹ:

            Khi về Thủ Đức, Anh cho biết đã thưa với Mẹ: “Après la pluie, le beau temps” (Sau trận mưa rào, trời thanh quang), đó là tục ngữ Pháp, nhà nho cũng tương tự “Khổ tận cam lai”; tục ngữ Việt Nam cũng phụ hoạ “Bĩ cực thái lai”.

            “Mẹ ơi, những đứa con nhỏ xíu của Mẹ ôm ấp theo lý tưởng Đồng Công của Mẹ cũng được một phần sát nghĩa, Mẹ cũng kéo chúng con theo vết chân Mẹ, vì từ ngày thai nghén cho đến khi về đất Thủ Đức, ba chìm bảy nổi chín long đong, sóng gió ba đào xô xô đẩy đẩy, lang thang giạt giào trên toàn đất khách quê người, đúng cảnh sống vô gia cư, chết vô địa táng!”  (x. LTĐC. II tr. 7).

           b/ Quyết định kiên thiết Nhà Mẹ tại Thủ Đức (1955):

            Thật vậy, từ trước tới nay, Dòng Đồng Công chỉ ở các nhà xứ như Dương A, Liên Thuỷ hay nơi mượn như Sađéc, Cù Lao Giêng. Nay về Thủ Đức nơi mình tậu được thành đất, thành nhà riêng của mình. Như đã nói trên đây,  anh em Dòng tạm trú ở Cù Lao Giêng được gần 12 tháng thì tình hình có vẻ không ổn vì du kích nằm vùng quấy rối, nên Anh Cả nhất quyết tìm nơi khác dời đi.

       Theo Anh Cả, Thánh ý Má thật sâu nhiệm: Trước đây, Đức Cha Chi hay gởi thư nhắc nhở mời về gần Sài Gòn ở. Khi Đức Cha được bà Huỳnh Ngọc Hồ nhượng cho một sở đất rộng lớn gần quận Thủ Đức để đón tiếp đồng bào di cư, cha Lý Văn Hảo được Đức Cha ủy thác sử dụng mở trại và dặn dành một khu cho Dòng Đồng Công. Đức Cha có biên thư cho Anh Cả nói rõ ưu ái này và Ngài lại ân cần nhắc tới khi Anh Cả về vĩnh thệ tại nhà thờ Gia Định ngày 2.2.1955.  Sau khi suy đi xét lại cân nhắc hơn thiệt, Anh Cả quyết định  đưa Nhà Mẹ về Thủ Đức. Và ngày 30.9.1955 Anh Cả dứt khoát cụ thể cho xây dựng nhà cửa ở Thủ Đức như  được trình bày sau đây.

          2.    Mạt bằng Nhà Mẹ:  

a/ Tả cảnh khu vực:

       Thủ Đức là một quận thuộc tỉnh Gia Định: Bắc và đông bắc giáp quận Dĩ An tỉnh Biên Hoà (bây giờ là tỉnh Bình Dương); và giới hạn nơi sông Đồng Nai. Tây giáp huyện Lái Thiêu tỉnh Bình Dương; nam và đông nam giới hạn bởi sông Sài Gòn. Mặt bằng quận rộng tới mấy ngàn mẫu tây. Quận Thủ Đức nổi danh, vì có trường huấn luyện hạ sĩ quan lớn lâu đời. Mặt bằng Dòng Đồng Công ở là khu đồi thoai thoải trống trải. Dân gian còn gọi là đồi tha ma Thủ Đức, vì rải rác đó đây có những mồ mả, chỗ tập thể, chỗ mồ mả gia đình. Dân cư thưa thớt, chỉ có mấy người địa phương. Trước kia đây là đồn điền cao su của người Pháp. Hiện khu Đệ tử còn một hồ bơi lớn lát gạch men đẹp đẽ có suối chảy qua. Chiến tranh 1945 giữa Việt Minh và Pháp, quân đội Pháp đã thu gom một số dân ở rải rác trong rừng đem về gần chỗ nhà Dòng cắm dùi, và dần dần rừng cao su cũng bị đốn quang, chủ đồn điền về Pháp, chỉ để đại diện ở giữ đất. Gần nhà Dòng cũng đã có mấy trại di cư thưa thớt: - Trại 1 tức xứ Tam Hải; - Trại 2 tức xứ Tam Hà;- Trại 3 tức xứ Thánh Khang.

             b/ Nhà Dòng mua hẳn khu vực (đồn điền cũ của người Pháp):

             Sau khi biết chủ đất, nhà Dòng đã mua lại hơn 34 mẫu tây, giá 160.000 đồng (LTĐC II tr. 9). Việc mua diễn tiến như sau: Anh linh mục Phạm Quang Thiều (Từ) tục danh Xuân An (thay Dòng đứng mua) bằng cách đấu giá tại toà án Sài Gòn, do án ngày 26.4.1957- số 26/BD/56 của Toà Sơ thẩm Sài Gòn. Rồi ngày  01.5.1964, linh mục Phạm Quang Thiều làm giấy bán cho Dòng Đồng Công mà anh Đinh Chí Cương làm dại diện Dòng tại xã Tam Bình. Ông Lê Văn Nguyên đại diện xã Tam Bình thị nhận ông Phạm Quang Thiều và ông Đinh Chí Cương ký trước mặt ông ngày 02.5.1964. Sau đó chữ ký ông Nguyên được ông Phó Quận Trưởng Thủ Đức là Huỳnh Thúc chứng thực ngày 02.5.1964.

              c/ Sở Đất của Khu vực:

             Khu vực có 5 sở đất: Ba sở tại đất tỉnh Biên Hoà, hai sở tại đất tỉnh Gia Định.

        * Ba sở đất  ở xã An Bình, Tổng An Thủy, tỉnh Biên Hoà:  - Sở I: Số bản đồ 50, tờ thứ 7, diện tích 14 mẫu 20.00;  - Sở II: Số bản đồ 375, tờ thứ 7, diện tích 0 mẫu 78.50;  - Sở III: Số bản đồ 37412, tờ thứ 7, diện tích 2 mẫu 17.76.

       * Hai sở tại xã Tam Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định:  - Sở I: Số bản đồ 322, tờ thứ 3, diện tích 122.450m2, loại đất: trồng cao su;  - .Sở II: Số bản đồ 403, tờ thứ 3, diện tích 46.570 m2, loại đất: trồng cao su.

       Như thế ba sở ở xã An Bình, Dĩ An là 171.626m2. Hai sở ở xã Tam Bình, Thủ Đức là 168.960m2.     Tổng cộng: 171.626 + 168.960 = 340.586m2 = 34ha 05a 86ca (Hơn 34 mẫu tây).

3.    Kiến Thiết ( tháng 11- 1955):

            a/ Một nhóm anh em bắt đầu xây cất:

        Cuối tháng 11.1955 thì mọi người từ Sađéc về hết Thủ Đức. Tức tốc bắt tay vào việc: Đo đạc, tính toán, vẽ sơ đồ, lo sắm vật liệu xây cất.

           Thật ra, như trên đã nói ngày 30.9.1955, Anh Cả vời anh Đạo lên căn dặn, các anh Hoàng, Viễn, Mẫu cộng tác và đặt anh Tự lúc đó đang ở nhà thờ Bà Chiểu làm trưởng nhóm nhắc nhở anh em thánh hóa công việc lao nhọc xây cất nhà ở Thủ Đức.

            Ngày đầu tháng Mân Côi 1955, bốn anh lên đường tới nhà thờ Bà Chiểu chuyển đạt lệnh Anh Cả cho anh Tự và đó nghi ngơi mua sắm vật dụng.  Sáng 3.10.1955 đúng ngày kính thánh Têrêsa Hài Đồng, năm anh đáp xe đò đi thị trấn Thủ Đức rồi sang xe thổ mộ vào trại Tam Hà gặp cha xứ Lý Văn Hảo. Hồi 11 giờ tới nơi, cha  Hảo vui vẻ đón tiếp và cho mượn ngôi nhà hai gian lợp lá, vách đất, chưa có cửa, dài năm mét, rộng bốn  mét, đồ đạc trống trơn ngoài một chõng tre thô kệch. Tất cả nhà trong trại lúc đó không quá 40 chiếc, cái nào  cũng tiều tuỵ và độ 25 nhà không người ở.  Hôm sau, anh Đạo đo đất, nhắm hướng cắm cọc làm nhà trên khu đất rộng 2.500 mét vuông do cha Hảo chỉ. Anh Hoàng ra thị trấn Thủ Đức tới tiệm Phước Tường Phát mua  cây, sắm vật liệu. Anh Mẫu nội thiện, anh Tự giúp anh Viễn tạo cửa và các việc lặt vặt. Thợ mộc thợ nề người Trung Lễ ở Cù Lao Giêng tởi giúp.

            Gần một tháng trời, dẫy nhà thứ nhất chạy từ đông sang tây dài 60 mét rộng 8 mét mặt về hướng bắc, xây tường gạch blốc, cột kèo gỗ dầu, lợp tôn, láng nền xi măng.

             Vào lễ Các Thánh 1.11.1955, nhà tạm xong; theo lệnh Anh Cả, các anh phải trở về Cù Lao Giêng. Trước khi thầy thợ chia tay, anh Hoàng vào làng Nam mua heo về mừng nhà mới, có đầy đủ nghi thức “chào cờ” mặc niệm và biếu cha Hảo. Vừa lúc chuẩn bị lên đường, về Cù Lao Giêng thì được thư Anh Cả lệnh phải làm thêm 20 căn nhà nữa, thế là khăn gói lại mở ra bắt tay vào việc ngay. Anh Hoàng lên ngựa sắt ra tiệm gỗ Phước Tường Phát, chỉ một tuần lễ sau đã có gỗ đủ cho 15 gian chở vào, còn 5 gian nửa tới sau vài ngày. Anh Tự về Bà Chiểu mua tôn, anh Đạo cắm cọc nhà mới từ đầu nhà đã làm phía đông ngược lên phía bắc.

            b/ Chính Anh Cả  đốc thúc làm việc – Đội Truyền Tin II tuyên khấn lần đầu:

            Đang lúc công trường bề bộn ngổn ngang thì hai chiếc xe đò chở LớpTập II tới chiều 21.11.1955. Hôm sau Anh Cả tới, không nghỉ ngơi, Anh Cả thân hành đốc thúc dựng lều căng bạt, phân chia nơi ăn chốn tạm thời. Mấy ngày sau anh em, đồ đạc về đầy đủ. Tất cả mọi người không trừ ai đều xắn tay thay áo để xô vào kiến thiết: Đào giếng, dẫn nước, thợ xây, thợ mộc, làm gạch xi măng, đóng bàn ghế...

            Qua sự giúp đỡ các anh mới tới, trong 15 ngày, 12 căn nhà nữa được dựng lên, hầu hết dùng làm Nhà Nguyện tạm thời, sửa sang sạch sẽ đặt Mình Thánh Chúa và để đêm đến chầu đền tạ. Tuy tạm nhưng cũng đựợc hân hạnh đón tiếp Đức Cha Phạm Ngọc Chi tới chứng kiến lời tuyên khấn của đội Truyền Tin II vào ngày 25.3.1956. Sau khi Nhà Nguyện chính thức hoàn thành, nhà này dành cho các em Đệ tử nhỏ một thời gian, rồi đến Đệ tử lớn.Với sự cố gắng vượt chỉ tiêu, trong vòng 8 tháng trời đã hoàn thành được ba dẫy nhà tôn, xây gạch xi măng và bổ túc ngôi nhà Tập cho đủ 16, 17 căn. Một kỷ lục xây cất cấp tốc nhưng đường hoàng.

             c/ Khu Nhà Mẹ đươc hoàn thành (Tháng 8-1956):

            Cuối tháng 8.1956 đã hoàn thành khu vực Nhà Mẹ Thủ Đức. Một dẫy nhà Tập gồm 16, 17 căn (cả cũ cả mới) và 6 căn nhà khách hướng nam nằm dài suốt từ nhà khách tới nhà bếp. Dẫy thứ hai gồm 20 căn, tức nhà bếp, nhà cơm, nhà kịch, nhà hội. Dẫy thứ ba dài độ 28 căn cho Đệ tử trẻ, Đệ tử lớn, Tu sĩ khấn ở và làm lớp học, nằm dài suốt từ nhà khách cho đến gần tới Ký Ttúc  xá. Dẫy thứ tư là nguyện đường lớn, cao 14 mét, dài độ gần 50 mét, rộng 22 mét.

4.  Có Mẹ mọi lẽ đều xuôi -             

     a/ Nhờ Mẹ lo liệu, mấy cơ sở khu vực Nhà Mẹ được hoàn thành:

             Cám ơn Mẹ đã lo liệu cho đoàn con nhỏ của Mẹ có khu vực đất cát, nhà cửa tạm đầy đủ cho quãng 200, 300 người ở. Thật là Mẹ coi sóc chăm nom cho lũ trẻ của Mẹ rất chu đáo cả hồn lẫn xác. Mẹ quá rõ, khi về Thủ Đức thì trong túi chỉ còn độ 30 vạn bạc, vừa xây cất nhà cửa, vừa mua đất cát, vừa ăn uống tiêu pha cho 150 người, thế thì còn tiền đâu mà xây cất khu Nhà Mẹ? Nguyên khu Nhà Mẹ, phí tổn xây cất, gỗ, tôn, xi măng, cát v.v... mà đã phải mất tới 70, 80 vạn bạc rồi, còn tiền mua đất và đào ao nuôi cá chép cũng phải tốn hơn 30 vạn bạc nữa. Thế mà chính Mẹ đã lo liệu cho có đủ tiền mua đất, đào ao nuôi cá, xây cất khu vực Nhà Mẹ đầy đủ hết, mà không phải nhờ đến một người nào khác ngoài Mẹ ra... Tiền mua đất (16 vạn), tiền đào ao nuôi cá chép (gần 20 vạn), tiền kiến thiết khu vực Nhà Mẹ Thủ Đức (gần 80 căn nhà xây lợp tôn), gần 80 vạn bạc mà lại đủ tiền kiến thiết xây nhà Hưu dưỡng các cha, 20 căn nhà gỗ, xây tường lợp lá, khu Trường học và Ký túc xá Đồng Công hơn 30 căn nhà lá xây tường, cột gỗ, mà không một ân nhân nào hết, dù đạo dù đời, ngoại trừ mỗi Bà Mẹ Đồng Công Vô Nhiễm của Đoàn con (x.LTĐC II tr. 11,12).

              

Đài Đức Mẹ ở giữa khuôn viên Nhà Mẹ, từ cuối Nhà nguyện trông xuống và từ Nhà tập trông lên

Nhà Nguyện từ Phòng Anh Cả nhìn lên

b/ Công trình kiên thiết thật đáng kể – Đặc biệt là Nhà Nguyện chính:

             Tư liệu về kiến thiết và tiền bạc để xây dựng trên đây đều lấy trong cuốn Lý Tưởng Đồng Công tập II. Anh Cả viết tóm gọn cho ta một cái nhìn tổng quát, nhưng nếu phân tách ra, ta thấy đây là một công trình đáng kể. Ta thử tưởng tượng ba dẫy nhà hình chữ U: một chiều 22x4=88m, một chiều 20x4=80m, một chiều 28x4=112m. Cộng lại là 280m, xây tường, lợp tôn, nền láng xi măng. Rồi một Nguyện đường cao 14m, rộng dài 22x50 xây tường lợp tôn. Ta sẽ thấy một công trình rất là đồ sộ mà chỉ thi công trong vòng tám tháng trời. Ban đầu không thuê mướn thợ ngoài nhiều, anh em nhà làm hầu hết. Mãi sau khi công việc đã vãn mới thuê thêm mấy người thợ ở Dương A xây chân tường và lề nhà để anh em nghỉ và học.

             Chỉ huy thi công là anh Trần Trung Chính  (em ruột Anh Cả); thợ mộc, anh Viễn làm phó cả. Công trình nặng nhất là ngôi Nhà Nguyện đồ sộ. Cột gỗ dầu vuông mỗi chiều 40cm dài 8, 9 thước. Vì kèo đồ sộ 16m cộng thêm hai vì phụ là 6m. Cả một đống gỗ bự, anh em phải bào, đục dẽo toàn bằng đồ thường, không có một chút máy móc nào. Hì hục mấy tháng trời mới ráp xong các vì kèo, cột. Tới khi kéo lên mới éo le. Toàn dùng mưu lược và nhân lực giây rợ. Vì mỗi kèo quá nặng nề nên kéo vì thứ nhất đã bị đổ, đành phải ngưng mấy ngày sửa chữa và tính kế hoạch. Cuối cùng cũng đã thượng kèo an toàn, không ai bị xây sất gì. Tạ ơn Má. Khi dựng lên xong mới thấy công trình đồ sộ, cả một rừng gỗ mọc lên coi dễ sợ. Rồi tới lợp mái tôn quá rộng. Xây tường bằng gạch blốc xung quanh cao tới 4, 5m. Tất cả anh em đều phấn dấu thi công không biết mệt, không biết nản. Một việc nhẹ nhưng phải kiên trì là đổ nền cao 40cm, cung thánh buồng áo 80cm. Không mua một xe đất nào, chỉ đào ở sân chung quanh để để lên. Thời kỳ này là mùa nắng, đất đây là cát pha đất sét. Khi mưa thì nhão nhoẹt, khi nắng thì quéo lại, bổ búa chim muốn nảy lửa; thế mà các em Đệ tử Magnificat như  đám kiến tha mồi, cứ khiêng từng ký đất đổ mỗi khi một ít cho đủ 500 khối đất, coi rất nản, nhưng rồi cũng xong. Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

           c/ Thành hình Nhà Nguyện chính:

           Khi Nhà Nguyện đã thành hình, khâu thợ mộc bắt đầu đóng ghế. Ghế nhà nguyện thật tuyệt góp nhiều kinh nghiệm mới phát hiện ra loại ghế ngồi rất dễ chịu, không mỏi lưng khi chầu Chúa, nhưng cũng dễ “ngất trí”.  Có đóng cho nhà khách vài chiếc phòng đợi, khách phê bình là các ghế ở các dòng, thì ghế của Dòng Đồng Công là ngồi thoải mái nhất.  Ghế làm bằng gỗ thông viện trợ  đã xẻ đúng kích cỡ của mình, cứ bào đi rồi ghép vào theo mẫu mực đã đục sẵn, xong xuôi mới đánh véc- ni là tuyệt kỹ. Đóng gần 100 ghế và bàn quỳ. Ghế này còn tồn tại tới 1987 thì mất cùng số phận với toàn bộ tài sản của Dòng.

          Đây là cuộc kiến thiết kỷ lục mau lẹ. Lúc bấy giờ anh em ai cũng hăng say tích cực xây dựng. Anh em đều nhất trí như một, anh chỉ huy nói gì là làm ngay không kể nặng nhọc. Công việc còn dở về đêm xin phép đốt đèn măng xông, đèn đất làm tới xong. Nhà Tập cũng vừa học vừa làm, học rút gọn đủ chương trình cần thiết rồi tham gia công tác. Cũng có đôi ba anh khuân vác làm quá sức bị suy sụp. Nhưng sau dần cũng khoẻ lại tuy không được như cũ. Nghĩ lại kỳ kiến thiết cấp tốc, ai cũng sờ sợ và thấy sức mình sao bấy giờ khoẻ thế!

        Làm thế nhưng ăn uống bình thường, không có bồi dưỡng nửa buổi hay bia cam gì ráo trọi. Khát thì có nước sạch thôi. Khi xong không có đi tắm biển giải lao...

           Vì cần thiết, mãi sau có chữa nhà cơm Ký Túc Xá làm phòng y tế, một căn phòng công nghệ và một căn phòng giặt song song với Hội trường. Và song song với đường, có làm mười mấy căn để làm phòng Tiếng Loa Mẹ, mấy phòng học, phòng văn hoá. Ngày 28.8.1968 thời anh Xuân làm Gám đốc, ngôi nhà 15 gian đã được xây cất song song với suối cạn đầu Nhà Nguyện.  

 

Một phần nửa cuối nhà nguyện. Cửa và ghế nhà nguyện toàn bằng gỗ thông

 

L Lễ khấn trọn đầu tiên của Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc:

 

            a/ Lễ Khấn Trọn đầu tiên được tổ chức hết sức long trọng (25-3-1958):

 

           Tất cả các Ban đều vui tươi, hăng hái, tích cực chuẩn bị những gì có thể đóng góp làm cho buổi lễ thêm long trọng, sốt sắng:  Ban trang Trí với cờ xí, biểu ngữ, hoa cảnh;  Ban Cung Thánh sửa soạn các đồ thờ phượng: chén thánh, áo lễ, khăn bàn thờ;  Ban Ca nhạc luyện tập, ghép đi ghép những bài hát ba bốn bè trầm bổng, không chỉ cho Thánh Lễ Khấn, mà còn tập những bài hát vui chào mừng, cám ơn Đức Cha, mừng chúc lớp Vĩnh Thệ đầu tiên của Dòng;  Ban Tiếp Tân bận rộn với việc đón Quí  Khách; Ban Nội Thiện cặm cụi dọn những món hợp khẩu vị cho một số khá đông anh em Dòng và quí khách;  Ban Văn Nghệ phải tập dượt mấy đoản kịch sáng giá, với những điệu vũ mềm mại, hấp dẫn mừng các khấn sinh… Dù Nhà Dòng mới tới Thủ Đức, đang thời kỳ bề bộn kiến thiết, tất cả còn giản dị, Nhà Nguyện lúc ấy chỉ là mấy gian nhà tôn mới làm, nhưng cũng được trang hoàng lộng lẫy. Ai nấy đều cảm động tạ ơn Tình Thương bao la của Chúa và Đức Mẹ hằng phù trợ Dòng, đồng thời cảm phục các con cái Mẹ Đồng Công giầu khả năng, nhiều sáng kiến…

 

             b/ Cử Hành Thánh Lễ Khấn:

 

             Sáng ngày 25-3-1958,  Đức Cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi tới dự Thánh Lễ theo nghi thức Giám Mục và chứng kiến Lễ Khấn. Anh Cả, Bề Trên Cả của Dòng, Chủ sự Thánh Lễ và nhận Lời Khấn tại Nhà Nguyện đơn sơ của Dòng như đã nói trên.  Sau Thánh Lễ, Đức Cha được mời về Nhà Khách và dùng bữa trưa. Anh Cả và anh em cám ơn Đúc Cha đã ưu ái tới  dự Lễ Khấn. Nhận thấy tận mắt những tiến triển của Dòng với một tương lai nhiều hứa hẹn, lúc nào Đức Cha cũng tỏ ra hớn hở tươi vui.

 

           c/ Anh em mới Vĩnh Thệ tiếp tục nhiệm vụ:

 

           Sau những ngày tạ ơn, một số anh mới vĩnh thệ được cắt đặt vào các nhiệm vụ: Giáo sư, Giáo viên Trường Đồng Công, Phụ trách Đệ Tử Viện, Ký Túc xá, Ban Tiếp tân, Ban Y tế, đi học Đại Chủng viện Xuân Bích, Đại Học Sàigòn … Dù sao, Anh Cả vốn quan tâm nhắc nhở những tu sĩ mới khấn phải chú ý cố gắng trung thành và tiến thêm. Tuy nhiên, kinh nghiệm  cho thấy: thời gian là yếu tố rất quan trọng luyện lọc, thử thách ý chí con người. Cứ tưởng sau những năm suy nghĩ, cầu nguyện và hăng hái thề hứa trọn đời với lý tưởng như thế, sẽ không còn ai “dứt gánh giữa đường” nữa. Nhưng thảm hại thay, với thời gian, cả những anh được coi như cột trụ của lớp cũng bị giao động, rồi đi tới chỗ rút lui hoặc bị loại. Thêm vào đó, một số anh em đã lần lượt qua đời.

 

TU VIỆN THÁNH GIA THỦ ĐỨC (1963-1987)

1.Tu Viện Thánh Gia Bố Đức được thành lập trước (1959-1972):

       Anh Cả cho biết năm 1959, Anh và một ít anh em đã lên lao động và sản xuất tại quận Bố Đức, tỉnh Phước Long, có ý lập một khu vực trồng tỉa để nuôi anh em và các Cha già hưu. Năm sau, Anh lại đưa một số anh em lên khai phá đất dể trồng bí (bí xanh). Không có nước tưới, thành thất bại, cuối năm chỉ thu được vài tấn chở về Thủ Đức. Cũng đã trồng được một mẫu cam chanh, hằng năm thu hoạch để lấy tiền nuôi anh em ở đây. Anh cho lập một Tu viện nhỏ với tên Thánh Gia, đồng thời lập một xứ dạo (gần 1000 giáo dân Bắc). Linh mục đầu tiên là Nguyễn Quang Thiều (Từ) lên khai thác gần một năm rồi về Thủ Đức. LM Đỗ Tri Tâm lên thay, vừa phụ trách Tu viện, vừa làm cha xứ. Anh Tâm cũng kiến thiết được một nhà thờ gỗ lớn, một ngôi Trường Trung Tiểu học, một nhà hội quán. Sau anh Tâm, đến anh Tân, anh Thịnh và cuối cùng là anh Hào. Khoảng năm 1972, chiến tranh xảy tới càng ngày càng gay gắt, anh em đành bỏ về, phó mọi sự cho Mẹ. Anh Hào và mấy anh em chạy về Thủ Đức, sót lại anh Cửu. Rất may, anh Cửu bị tù mấy năm, rồi sau giải phóng Sài-Gòn, Mẹ cũng đưa anh  về Thủ Đức an lành. Thế là Tu Viện Thánh Gia Bố Đức hoàn toàn bị giải tán.

2. Hình Thành Tu Viện Thánh Gia Thủ Đức:

       a/ Lý do Thành Lập:

       Sau khi HĐTQ quyết định di chuyển Nhà Mẹ ra giáp phận Qui Nhơn, Anh Cả thành lập một Tu viện trong khu vực Nhà Mẹ để thay thế Nhà Mẹ canh giữ khu vực, đặc biệt phụ trách Giáo Sĩ Dướng Đường với danh hiệu Tu Viện Thánh Gia Thủ Đức, mặc dù khi đó Tu viện Thánh Gia Bố Đức còn hoạt động. Lý do chọn Bổn Mạng Thánh Gia cho Tu viện mới là do anh Xuân sau này.

         b/  Dỡ đi một số nhà trong Khu vực Nhà Mẹ để kiến thiết các nơi khác:

        Kinh Thánh nói: Có thời xây dựng, có thời phá đổ (Gv. 3,3). Trên đây là xây dựng kiến thiết cơ sở. Sau đây nói về số phận những dẫy nhà  đã cấp tốc xây lên một thời gian kỷ lục. Ta lấy hướng từ nhà Tập nhìn lên nhà Nguyện để xác định các dẫy nhà cho tiện:

-- Dẫy bên tay mặt dỡ đi quá nửa quãng năm 1960 để làm thêm nhà tĩnh tâm Lái Thiêu.                                                 

-- Dẫy Nhà Tập dỡ  để xây nhà Hưu năm 1968. Vì từ Lớp Tập 9 đã chuyển ra Qui nhơn.         

-- Dẫy nhà Văn hoá song song với đường vì không người ở, dỡ đi ngày 15.4.1970.                                                             

-- Dẫy nhà bếp nhà Cơm, nhà Hội, phòng Y tế sau giải phóng đã được dỡ đi, bán để mua gạo.

        c/  Dỡ Nhà Nguyện Chính:  Vì số người đi quá nhiều, nên Nhà Nguyện rộng không cần và mối mọt cũng đục khoét quá nhiều, đã được dỡ đi tháng 4 năm 1970. Biết bao công mới xây dựng được Nhà Nguyện đồ sộ. Khi dỡ chỉ cần năm anh Hoè, Huy, Đệ, Trực, Thoại. Khi đưa vì kèo xuống, anh Thoại đã mượn xe Cần Cẩu của quân đội hạ dần. Hạ vì một và hai, ba xuống êm nhẹ. Tới mấy vì sau tự dưng nó đổ ầm một lúc năm, sáu vì. Xuýt nữa đập nát đầu xe Cần cẩu đậu cách đầu vì độ 1 mét. Một phen hú via!

            Ngày 29.4.1970, mượn xe ủi quân đội ớ Thành Ông Năm về san bằng nền Nhà Trường ngoại trú chỗ lồi lõm, nền nhà đã dỡ ở phía trong Tu viện cho bằng phẳng để trồng rau cỏ hay cây ăn trái.

2.Quản Trị Tu Viện Thánh Gia:

            Khi Tu viện mới được thành lập, mọi việc trong nhà đều do Anh Cả quyết định.  Giúp việc Anh Cả có anh Bí Thư và Quản Lý. Bí Thư là anh Phạm Trung Thành và Quản Lý là anh Lê An Lạc. Sau đó, Anh Cả trao cho anh LM Nguyễn Cao Trương (lớp Khấn VI) tạm coi Tu viện mấy tháng đợi anh Đặng Ngọc Hưởng thụ phong linh mục ngày 5.9.1963 tại Qui Nhơn về thay thế.

 

Đầu tháng 12.1965 anh em tại vùng Thủ Đức làm giờ đền tạ dịp Thánh Tượng Mẹ Thánh Du Quốc Tế...

 sau đó kiệu Mẹ ở bên ngoài Nhà nguyện

Anh Micae M. Nguyễn Trung Giáo Vĩnh Khấn trước Anh Cả chủ tế ngày 25.3.1960 tại Nhà Mẹ Thủ Đức.

Sinh hoạt trong tu viện Thánh Gia: 

            -- Có thể tạm chia ra 5 thời kỳ:

    1. Từ đầu tới khi dời Nhà Mẹ ra Qui Nhơn: Tháng 11.1955 - 5.1963.                                                                   

2. Từ khi có Ban Trị Sự riêng tới tạm đóng cửa Trường ĐC: Tháng 5.1963 - 4.1970.        

3. Từ khi đóng cửa Trường ĐC tới ngày đất nước thống nhất: Tháng 4.1970 - 30.4.1975.           

4. Từ tháng 4.75 đến ngày Anh Cả đi tù về 29.4.77.                                                                               

5. Từ ngày 29.4.77 tởi ngày Đại nạn 15.5.1987.

              -- Thời kỳ 1: 11.1955 - 5.1963:

                Thời kỳ này tất cả Dòng tập trung vào Tu viện Nhà Mẹ Thủ Đức. Mấy tháng đầu toàn lực đổ vào việc xây dựng. Sau đó sinh hoạt thiêng liêng và bên ngoài trở lại bình thường và có mức tăng tiến đáng kể như trên đây đã nói là làm khuôn mẫu cho các tu viện sau này noi theo.

              -- Thời kỳ 2: 5.1963 - 4.1970: 

               Khi Nhà Mẹ dời ra Qui Nhơn thì nhà Tập, các lớp nhỏ và anh em hữu trách theo Anh Cả ra Qui Nhơn. Tu viện Thánh Gia bớt người, chỉ đủ để làm các công tác cần. Các giáo chức dạy học Trường Đồng Công còn khá đông. Các việc thiêng liêng không thay đổi. Nhưng các sinh hoạt bên ngoài đã giảm đi rất nhiều. Không còn các tối dạ hội lớn. Chỉ còn thỉnh thoảng có chiếu bóng, hay phát thanh về các Năm Thánh của Dòng. Cuộc sống có vẻ âm thầm hơn. Có tổ chức gì bên ngoài như rước kiệu thì tập trung tất cả anh em các Khu, Sở, Đệ tử viện lại.

              --Thời kỳ 3: 4.1970 – 4.1975:

               Ngày 8.4.70, Trường ĐC tạm đóng cửa, số đông các giáo chức ra Qui Nhơn. Tu viện Thánh Gia chỉ còn 25 anh em, và phần đông cao tuổi kể cả các anh cộng sự. Cảnh tu viện lúc này âm thầm buồn tẻ, rồi cảnh phá đổ nhà dư thừa, phá luôn nhà nguyện lớn. Có anh viết thư nói Thủ Đức đã “desolata facta est: Trở nên tiêu điều như thành thánh Gia Liêm xưa”.

            Ta hãy đọc lại đoạn tin nhà Thủ Đức trong Nội San Annuntiatio: Anh em ra đi, một phần lớn đồ lề còn ngổn ngang khắp lối, mà quay đi nhìn lại, anh em Thủ Đức phần đông lọm khọm cả rồi, ban ngày thì mỗi người một việc, nên anh Giám Đốc tổ chức công tác toàn viện thu nhà vào 2 buổi sau cơm tối, có nhờ một số học sinh đang tạm trú tại Ký Túc Xá sang giúp. Một buổi thu đồ từ nhà lá lên nhà 15 gian, một buổi thu từ Trường ngoại trú vào Ký Túc Xá.

             Ngày 15.4.1970, nhà lá gần đường bắt đầu gỡ xuống; 

-  ngày 17.4, anh em bên Kytô sang mua dỡ trường ngoại trú 10 gian; 

-  ngày 25, 2 gian nhà điện và ngày 27 đến lượt nhà khách cũng bị hạ luôn. Khách mua gỗ, mua gạch, mua đồ phát mại luôn luôn tấp nập tới khuân ra.

Từ ngày 29.4, xe ủi của Thành Ông Năm tới san bằng nền nhà trường và các chỗ lồi lõm trong khuôn viên Tu viện để trồng màu và cây ăn trái cho tiện.

             Nhưng dần dần cũng tăng nhân số và khách vãng lai đông nên “cảnh Thành Thánh cũng không đến nỗi hoang vắng điêu tàn” và dần dần sức sống lại bừng lên. Giờ giấc giữ như cũ, nhưng hoạt động  bên ngoài không còn gì. Tu viện có chương trình canh tác vì đất đaí có vẻ rộng rãi.

            Từ niên khoá 1973 –1974, Trường Đồng Công và Ký túc xá mở lại, sức sống Tu viện Thánh Gia cũng loé lên ấm cúng vui vẻ hơn. Niên khóa 1974 -1975, Anh Giám Đốc Lê An Đại kiêm luôn Giám đốc Ký túc xá, sinh hoạt có vẻ bừng lên.

            Vào thời kỳ 2 và 3 các Tu viện, Khu, Sở hay liên kết với nhau khi tổ chức những lễ lạy hay Tuần Tết, thi hành Năm Thánh Thể, Năm Bác Ái, Tuần mừng lề Bổn mạng Anh Cả...,các anh Giám đốc các nơi họp nhau  để bàn  định chương trình thi hành chung với nhau. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”  là như thế. Thi hành liên miên như vậy gây tình bác ái, khăng khít vui vẻ với nhau, và cũng làm nên chuyện. Các khu ít người khỏi lẻ loi, anh em ra vào qua lại, tay bắt mặt mừng có vẻ tình nghĩa đặm đà.

(xin xem tiếp 2 thời kỳ 4 và 5 ở cuối phần này)

TỔNG TU NGHỊ I DÒNG ĐỒNG CÔNG LỄ TRUYỀN TIN CHO MẸ - 25.3.1956

trong hai gian nhà nguyện tạm thời tại Nhà Mẹ Dòng, thuộc xã Tam Bình, Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định - Sài Gòn.

 

Theo cuốn “Lý Tưởng Đồng Công”, do Anh Cả Đaminh M. Trần Đình Thủ, LM Sáng Lập Dòng Đồng Công hồi ký, ngày 25.3.1956 - Lễ Truyền Tin Cho Đức Maria, lớp tập II tiên khấn.

Chiều cùng ngày, Anh Cả triệu tập Tổng Tu Nghị gồm 26 anh em lớp khấn I và 38 tân khấn sinh (lớp khấn II).

Tổng Tu Nghị này đã bầu chọn Tổng Hội Đồng Cố Vấn của hội dòng:
- Tổng Giám Đốc, Anh Đaminh M. Trần Đình Thủ
- Tổng Phụ Tá I, Anh Giuse M. Phạm Duy Lễ
- Tổng Phụ Tá II, Anh Hilariô M. Đỗ Tri Tâm
- Tổng Phụ Tá III, Anh Luca M. Phạm Duy Từ
- Tổng Phụ Tá IV, Anh Gioan M. Đoàn Phú Xuân
- Tổng Thư Ký, Anh Phaolô M. Nguyễn Mạng Cách
- Tổng Quản Lý, Anh Anrê M. Lê An Lạc

 

ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG I - Lễ Mẹ Lộ Đức 11.2.1965
Tại Tu Viện Tiệc Ly, Lái Thiêu Tỉnh Bình Dương
*
Đại Hội bàn về:
1. Lòng sùng kính Thánh Thể Chúa Giêsu.
2. Lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria.

Kết quả là Đại Hội chấp thuận đưa vào Tục Lệ Dòng việc lập Tết Thánh chính ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu,
và Tết Đức Mẹ dịp lễ Sinh Nhật Đức Maria ngày 8 tháng 9 trong năm.

 

 

ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG II
Tại Thủ Đức, 24.6.1968
*
Đại Hội này mở một cửa ngõ để giải gỡ những “mối lòng thòng …” của một số anh em có xu hướng tục hoá đời tu,

được cơ hội bỏ cuộc, để anh em còn lại được an tâm tiến bước trên đời dâng hiến.

 

Đại Hội đã đưa ra các nghị quyết:
1/ Tháo lời khấn Toàn thiêu cho anh em toàn dòng.
2/ Anh em vĩnh khấn từ lớp khấn I đến hết lớp khấn V được tự do xuất dòng.
3/ Các tu sĩ hạn thệ phải chịu sát hạch về khả năng vĩnh khấn, nhất là hỏi ý kiến toàn dòng trong quốc gia đương sự sinh sống.

Kết quả một số rất ít anh em vĩnh khấn trao trả cho hội dòng tràng chuỗi Mân Côi để rũ áo ra đi.

 

 

 

ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG III
Lễ Chúa Phục Sinh, ngày 6.4.1969
*
Mục đích Đại Hội:
1. Tìm phương thức bảo vệ đức tin truyền thống của bậc tu trì.
2. Thực hiện chỉ thị của Thánh Bộ Tu Sĩ.
3. Chức Phó Tế vĩnh viễn.
4. Y phục của Cộng Sự Viên.


Đại Hội khai mạc hồi 15:00 tại nguyện đường Tu Viện Thánh Gia Đồng Công, Thủ Đức, bế mạc lúc 19:15.
Đại Hội gồm 43 nghị huynh và 2 nhân viên kỹ thuật.
Đây là Đại Hội Bất Thường III trong dòng.

Chú thích: Muốn biết về Đại Hội này xin tìm đọc thêm trong Nội San Annuntiatio tháng 5 năm 1969, trang: 3-5, 18-22, 24-30.

 

 

 

ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG IV
Tháng 9 năm 1980

Đại Hội này họp trong dãy phòng gồm 4 gian nhà ngủ và làm việc của lớp khấn XII B .

Có thể gọi đây là Đại Hội Mở Rộng bởi có số đông anh em trong dòng tại VN tham dự.
Đại Hội bàn việc giáo dục đào tạo trau dồi kiến thức, nhân cách, đức tính xã hội, con người ý chí…, về đầu tóc, y phục,
chấm dứt dùng áo khẩu mang thường ngày, thay vào đó là mặc áo “Đại Hội”,
một kiểu áo sơmi dài trên đầu gối chừng 2 tấc, giờ chầu Mình Chúa có mặc áo khẩu.

Dẫy hội trường, từ nhà cơm về hướng Ký túc xá và Đệ tử viện Đồng Công, song song với Nhà Nguyện, phía bên trái, từ cuối nhà nguyện lên

Được phép Anh Cả, Anh Gioan M. Đoàn Phú Xuân xây dãy nhà này dành cho AE cao tuổi sinh sống năm 1967

 

--Thời kỳ 4: Từ 30.4.1975 -- 29.4.1977: 

             Ngày 30.4.1975 là ngày Cộng Hoà miền Nam thất thủ, Cộng sản cai trị toàn quốc. Đó là thời kỳ hoang mang và tằn tiện nhất. Vì chế độ tư bản sụp đổ, chế độ vô sản cầm quyền nhất là vào tháng 9 đánh tư sản mại bản. Tất cả toàn dân tằn tiện để sống. Mọi thứ công việc đều vào hợp tác xã, vào tập đoàn.

         *Về Thời biểu: Vần đề chương trình giờ giấc tu viện luôn luôn trung thành với Hiến pháp, Tục lệ. Anh em khích lệ và thúc đẩy nhau cậy trông phó thác vào Chúa, Mẹ. Lúc này phải thực hành cuộc đời tận hiến, sống bằng Đức Tin sắt đá. Những lý thuyết sống Đức Tin, bấy giờ phái đem ra hiện thực.

             Tất cả anh em trong tu viện Thánh Gia và Hưu Dưỡng còn độ 50 người chia ra làm hai hộ: -  Các anh dạy học và giúp nhà trường họp thành 1 hộ số hiệu 33A/2. Anh Hải chủ hộ và hộ viên có 15 anh em;  -  Anh em bên Tu viện Thánh Gia và các cha hưu lập thành một hộ hưu dưỡng số hộ là 34/2 ấp Phú Châu, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, tp. Hồ Chí minh. Hộ viên được 24 người.     

            * Về tài chính: Từ năm 1971 tới 1975, Nhà Cá vẫn cung cấp cho tu viện Thánh Gia mỗi tháng 12 vạn và Hưu Dưỡng các cha 8 vạn. Bây giờ Nhà Cá không còn nhà in, nhà báo, nên không còn cung cấp được nữa. Tất cả các nơi tự cung cấp lấy tài chính.

            Tu viện Thánh Gia tăng gia sản xuất: nuôi heo, nuôi thỏ, nuôi gà. Trồng cây ăn trái phần nhiều vú sữa. Và đất nào có thể đều được cầy bừa lên trồng khoai, mì, đậu phộng, đậu đen và rau cỏ. Gạo hàng tháng Nhà nước bán rẻ theo đầu người; nhu yếu phẩm cửa hàng bán theo số hộ viên. Giật đầu cá vá đầu tôm, anh em chắt chiu xoay xở cũng nuôi nhau được không đến nỗi chật vật lắm, cũng không sung túc lắm. Nghĩa là cuộc sống cũng phải tiết kiệm, bớt tiêu những thứ  không cần thiết. Trong thời gian Anh Cả bị tù đày Di Linh, anh Xuân phụ trách anh em thay. Anh Xuân, sau khi vượt biên không thành, đã lập hộ Phú Túc, xứ Túc Trưng. Hằng tháng anh về Tu viện Thánh Gia để gặp gỡ, huấn đức anh em, và giải quyết các khúc mắc.

            -- Thời kỳ 5: Từ 29.4.1977 tới 15.5.1987:  

             Ngày 29.4.1977 Anh Cả từ nhà giam Sài Gòn được tha về. Tất cả nhà vui mừng và bầu khí hy vọng bùng lên. Dần dần Nhà Mẹ nhận thêm đệ tử, tương lai Dòng tươi sáng hơn. Một số cuộc tổ chức vào dịp các lễ lớn cũng nhóm lên, và anh em Tu viện Thánh Gia được tham dự vui vẻ. Đời sống tu dòng cũng linh động để tiến trên đường tu đức. Các tổ chức đều bên Nhà Mẹ, Tu viện Thánh Gia tham dự và đóng góp thôi.

             Cuộc sống thời gian này đều đều trôi. Vì có Anh Cả, đầu tàu vững chắc, anh em sống yên hàn không phập phỏng. Thời kỳ này nhận được nhiều Tâm thư tự trời cao, anh em cũng bừng lên lòng yêu Mẹ và tràn trề hy vọng. Nhiều Tâm thư được đem ra học hỏi để hiểu thấu đáo lòng trời cao chỉ giáo.

            Sống trong xã hội chủ nghĩa, luôn bị quản lý nhân khẩu chặt chẽ nên nhiều khi ban đêm bị công an vào khám xét hộ khẩu, làm mất giấc ngủ không ít. Thỉnh thoảng cũng được mời ra hội trường họp hội, có khi rất hồi hộp. Ban đầu còn đóng góp đi làm thủy lợi, đào kênh vét rạch và đắp đê ngăn lũ... Anh em cũng răm rắp tuân theo tuy hơi mệt. Tu viện Thánh Gia là nhà hưu dưỡng nên việc đóng góp lao động cũng được chước chuẩn khá nhiều. Cuộc sống không có gì rầm rộ, tiếp xúc với đời cũng không có gì. Phần đông anh em cao tuổi. Hộ 33A/2 bên nhà trường còn nhiều người trẻ hơn. Tuy chia hai hộ nhưng sau khi “mất dạy” anh em cũng nhập một tu viện, về hành chính thì chia hai hộ, nhưng mọi sinh hoạt chỉ là một thôi. Đời sống đều đều trôi cho đến ngày 15.5.1987 thì dầu sôi lửa bỏng ập đến (sẽ nói trong phần kết).+

       Sau khi anh Minh Đăng bị tai nạn xe đụng chết ngày 31.10.1981, anh Gioan Bosco M. Phạm Ngọc Liên được cử sang làm Giám đốc Tu viện Thánh Gia. Tất cả sinh hoạt của Tu viện tuần tự nhi tiến. Nhưng một đại biến cố quan trọng làm kết thúc tu viện Thánh Gia như sau:

            Ngày 15.5.1987 lễ Thánh Giuse Quản Gia, có sự đột nhập của công an quận Thủ Đức. Hôm đó bữa trưa có giết chó ăn mừng lễ Thánh Quản Gia, đành phải chậm lại vì sự cố xảy ra. Rồi trưa 16.5.1987, công an khám hành chánh, tối có sự lộn xộn lớn giữa dân chúng và công an. Việc lộn xộn xảy ra tiếp đó, và dân chúng tấp nập vào chuyển đồ đạc sách vở ra nhà dân, sinh bất ổn tới sáng 20.5.1987.

            Đêm không giờ, đoàn công an và xe cộ tới mấy trăm người áp đảo các khu từ Nhà Mẹ sang Hưu Dưỡng. Và 3 giờ công an đưa toàn bộ anh em Dòng không bị bắt ra khu Khiết Tâm Nhà Cá. Anh Giám đốc, anh phụ tá I và một số anh vào sổ bìa đen bị bắt đưa đi giam tại Phan Đăng Lưu, Sài Gòn (đại biến cố đã được tả tỉ mỉ ở tiểu sử đội Truyền Tin). Thế là Tu viện Thánh Gia cùng số phận với Nhà Mẹ, bị Nhà Nước tịch thu từ đêm 20 sang ngày 21.5.1987. Ngày nay đứng ngoài nhìn vào còn trơ gan cùng tuế nguyệt một dãy nhà xây 15 gian làm trường dạy nghề và Nhà Nước xây trường cấp ba khá khang trang, mang tên Trường Tam Phú, nằm choán trọn mặt bằng tu viện Thánh Gia đã vang bóng một thòi.  

 

 

Khu Kitô Vương

 

 

KHU KITÔ VƯƠNG

Nơi đã diễn ra bao sự kiện lớn nhỏ… Khi là chốn Anh Cả cưu mang tu hội Khiết Tâm (1956), thời gia tăng trồng cây ăn trái (1957), kỳ khác các Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương làm chủ (1963),

lúc là nơi Anh Cả và các giáo sư dạy lớp thần năm II, và triết năm I (1964 - 1965), thời lại phát triển ngành chăn nuôi (trại gà Thiện Chí 1966 - 1973),

vinh hạnh nhất là thành trì mang danh Tổng Hành Dinh của Vương Quốc Đồng Công Thơ Bé (1974 - 1975), sau hết là sa mạc - ốc đảo yêu thương (1977- 1987).

Khu Kitô Vương còn gọi là Khu B, với diện tích 4 mẫu tây vuông vức, thuộc ấp Bình Đường, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hoà, về sau thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đã diễn ra bao sự kiện lớn nhỏ… Khi là chốn Anh Cả cưu mang tu hội Khiết Tâm (1956), thời là nơi gia tăng trồng cây ăn trái (1957), kỳ khác các Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương làm chủ (1963), khi là nơi Anh Cả và các giáo sư dạy triết thần năm 1964 - 1965, có thời phát triển ngành chăn nuôi - trại gà Thiện Chí 1966 - 1973, vinh hạnh nhất là thành trì mang danh Tổng Hành Dinh của Vương Quốc Đồng Công Thơ Bé 1974 - 1975, sau hết là sa mạc - ốc đảo yêu thương 1977 - 1987. Từ 15 tháng 5 năm 1987, các cán bộ công an tới làm việc cho là anh em ở bất hợp pháp nên cưỡng chiếm hết số gạo dự trữ, dân chúng quanh vùng cho rằng nhà dòng sẽ mất trắng nên ai nấy mặc sức hôi của rồi phá bình địa! Từ đây nhà nước chiếm hữu.

Toàn thể anh em dòng ở tại khu Kitô Vương, gồm cả 2 lớp thần và lớp triết, ngày 20.5.1965

Ngay đằng sau Khu Nghĩa Trang của dòng là Khu Kitô Vương, một khu vực (THĐC không thể thăm cả 2 lần 2017 và 2022), như trên đầu đã nói, rộng khoảng 4 mẫu đất, thuộc Quận Di An, Tỉnh Biên Hòa, nhưng lại là một khu đất cuối cùng giáp với khu đất chính 30 mẫu của dòng. Thật vậy, nếu Khu Mẫu Tâm không thuộc về 30 mẫu đất đầu tiên của dòng thế nào thì khu Kitô Vương này cũng thế, cho dù nó cũng được người Pháp nhường lại cho dòng năm 1955. Tuy nhiên, khu này đầu tiên được sử dụng không thuần túy cho dòng, mà là cho các tu hội khác. Trước tiên, như trên đã lược tóm, là cho Hội Dòng Khiết Tâm từ năm 1956, nhưng trở về lại với Đồng Công năm 1957, sau khi Đức Cha Phạm Ngọc Chi giải tán Hội Dòng Khiết Tâm. Rồi năm 1959 đến dòng nữ Trinh Vương Mẫu Tâm, cho đến năm 1963 dòng nữ này đã không thể tiếp tục và trả lại cho Đồng Công.

 

Bởi thế, bắt đầu từ năm 1963 Anh Đinh Quang Trí được chỉ định kiến thiết Nhà Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công cho tới khi có Khu Hưu Dưỡng chính thức cho các cha ở sát với đầu khu 30 mẫu của dòng, gần bên ngoài dẫy tập viện và nhà cơm của dòng. Sau khi các cha dọn về khu mới thì Khu Kitô Vương đã biến thành Trại Gà Thiện Chí, nơi em đã từng phục vụ làm bếp 2 năm (1968-1970), cho đến năm 1973 thì trại gà Thiện Chí đóng cửa, bấy giờ có Anh Lưu Chủ (trong phái đoàn về VN lần này) trong số anh em lo thu dọn bán các đồ đạc của trại gà này trong vòng 2 tháng. Vừa bán xong các trại gà ở miền nam cũng bắt đầu giải tán trước tình hình kinh tế thừa thắng xông lên của hiện tượng chim cút, nên anh em Đồng Công được tiếng khen là "khôn thế".

 

Biến cố Bãi Trại gà Thiện Chí ở Khu Kitô diễn tiến như sau. Khoảng đầu tháng 4-1973, khi ở Kitô, Anh Cả nhận thấy trại gà Kitô rất nguy hiểm, mặc dù trại gà đã cung ứng cho một số tiền khá lớn, ngang với số tiền TTH và KTX ĐC đã cung ứng cho Dòng (từ năm 1956-1975). Anh thấy rõ anh em ở đây xuống tinh thần, thiếu thủ lãnh lành nghề, tiền vào, thánh thiện bò ra, nếu cứ để mãi thế, anh em sẽ dần dà chán tu. Đó là về mặt tinh thần. Về vật chất, vì thiếu thuốc, gà mái giống đêm ngủ thở khò khè, trứng đẻ kém chất, ấp nở thành con rất ít và yếu kém. Thế là Anh suy nghĩ cầu xỉn, rồi quyết định bãi trại gà.

 

Sau khi bàn với HĐTQ, Anh tuyên bố cho anh em biết quyết định. Anh cho bán gà cấp tốc. Trong vòng một tháng, 15 ngàn gà biến đi hết. Anh em phục vụ tại trại gà hầu hết vui mừng vì tinh thần thánh thiện như thoát ly trần tục, vươn lên tới Chúa dễ dàng, tuy cũng có số ít anh em tiếc xót. Mấy trại gà chung quanh cho ĐC kỳ quậc. Nhưng chỉ vài tuần sau, các trại gà miền Nam cũng từ từ giải tán, vì thức ăn của gà khan hiếm, thuốc cho gà tự rưng biến mất. Các chủ trại gà gần ĐC, khi gặp anh em ĐC phụ trách trại gà Thiện Chí, tự bật miệng nói: “Sao ĐC khôn thế?”. Nhờ vậy, ta thấy rõ bàn tay khôn ngoan của Mẹ đã chỉ dẫn Đoàn con Mẹ trong mọi hoạt động tinh thần cũng như vật chất. Xin chúc tụng, tạ ơn Mẹ muôn đời!


Từ đây, khu Kitô trở nên tĩnh mạc, chỉ có hơn 10 tu sĩ canh tác và canh giữ, để trong tương lai, Chúa, Mẹ sẽ dùng cho nhiều biến cố vĩ đại.
Thật thế, đầu niên khóa 1974-1975, Thần học và Nhà Mẹ từ Nhà Đá về đóng tại đây. Sang đầu năm 1975, Triết năm II và cả Tu viện Thiên Mẫu Di Linh cũng về Kitô. Anh Cả cho là Chúa, Mẹ dùng khu này như một ốc đảo kín đáo, huấn luyện hết lớp khấn 12, trong 6 năm CS bao trùm chiếm giữ miền Nam. Cũng nên nhắc lại ở đây là cuối tháng 6-1973, Anh Cả về Qui Đức, thu xếp cho lớp linh mục II gồm 7 anh (do Đức Cha Đoàn truyền chức) hoạt động. Lớp linh mục này làm cho Anh Cả và Nhà Dòng rất vui, nên Anh nghĩ ngay đến việc mở lại TTTH ĐC và KTX tại Thủ Đức để làm hài lòng các Cha và phụ huynh chung quanh vùng Sàigòn, Hố Nai v.v... Anh tân linh mục Nguyễn Trung Giáo được gọi về làm Giám Đốc Trường và KTX, nhiều Cha và phụ huynh tỏ ra vui mừng, hớn hở, vì họ được toại nguyện là có nơi giáo dục con cái họ...

 

Thế nhưng, Khu Kitô Vương này đã trở nên một mốc điểm lịch sử vào những tháng ngày cuối cùng trước khi miền nam bị "giải phóng". Ở chỗ, vì Qui Nhơn bất an nên Nhà Mẹ Nhà Đá phải tạm dời về Khu Kitô Vương từ Tháng 6-1974. Lớp Triết 3 (với 12 anh được chịu chức ở HK năm 1977) đang học ở Di Linh cũng về Khu Kitô Vương. Từ Tháng 2/1975, vì biết trước thế nào miền nam cũng bị "giải phóng", Anh Cả đã gọi tất cả anh em ở khắp nơi về Thủ Đức, đổ dồn lại Khu Kitô Vương, nơi Anh Cả đã cho làm thêm 3 giẫy nhà 10 gian cho anh em có chỗ ở, nhưng sau đó ngưng lại vì anh linh cảm thấy tình hình bị "giải phóng" đến nơi rồi, khi anh thấy tình trạng rút quân từ miền trung về từ tháng 12/1974. Cho tới sáng ngày 5/4/1975 thì tất cả anh em dòng bất ngờ được lệnh Anh Cả tĩnh tâm ở bên Khu Đệ Tử Viện, và sau bữa trưa anh em được lệnh cùng nhau xuống hết Phước Tỉnh ... ngay chiều hôm đó, tạm lành nạn cộng sản... 

Anh em lao động kiếm sống ở Khu Kitô Vương này sau 30.4.1975 (hình trên và 2 hình dưới)

Sáng ăn cháo, ngày tay làm hàm nhai

Tinh thần tự lực mưu sinh Đồng Công sinh động ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự.

Thứ 7 hằng tuần, Anh Cả từ Nhà 30 gian sang khu Kito Vương huấn dụ

Mỗi tuần 3 ngày, Anh Cả từ Tu viện Tiệc Ly Lái Thiêu về Khu Kitô Vương dạy học

T Nhà Đá Qui Nhơn xa xôi, Anh Cả về Khu Kitô Vương giảng tĩnh tâm năm cho AE miền nam tháng 3.1968

 

 

KHU NHÀ 30 GIAN THỦ ĐỨC

Địa chỉ: 33B/2 ấp Phú Châu, xã Tam Bình

Nhà 30 gian, cụm từ đã có từ năm 1959, khi Anh Cả trù liệu cho mỗi đội khấn có nơi an tĩnh làm việc. Anh trao công trình xây cất dãy nhà này cho đốc công Phêrô M. Nguyễn Cao Hoàng LK III, và sau có anh Anselmô M. Lâm Giang LK IV tiếp tay. Dãy nhà 30 gian lợp ngói, cùng mái hiên chạy chung quanh, tổng cộng chiều dài tới 128m và rộng 13m. Dãy nhà toạ lạc trong 4 mẫu đất theo hướng Bắc-Nam, ngay cạnh khu đệ tử viện. Dãy nhà trên nền đất cao từ hướng Bắc thoai thoải dốc xuống vào hướng Nam, bởi vậy nền đầu dãy nhà ở hướng Bắc (phía công lộ) cao khoảng 3 tấc, kéo dài vào hướng Nam cao hơn mặt đất 2,50m. Lợi dụng độ chênh lệch, các cố vấn và viên đốc công đồng ý để tránh mất nhiều công sức nhân công đào đất đổ nền thì, xây hầm nổi dưới 3 gian nền nhà để chứa nước mưa.
 
Toàn bộ số gỗ xà kèo đòn tay cho dãy nhà được “comment” từ hãng cưa Lý Tốt tại quận lỵ Thủ Đức. Khung, cửa cao 3 thước đặt hàng tại Hố Nai, như vậy tường nhà cao đến 4 thước, với mái ngói cao dốc, nền nhà cao và hướng nhà Bắc - Nam tạo không gian thông thoáng 4 mùa đón gió mát mẻ trong lành… Qua 10 năm sau, số anh em khấn ở nhà 30 gian tản mát dần tới những tu viện, khu sở khác, nhất là một số đông anh em ra Nhà Mẹ Nhà Đá thì, theo ý Anh Cả, anh giám đốc lưỡng viện (tu viện Thánh Gia và trường Đồng Công + luu học xá) Gioan M. Đoàn Phú Xuân đã trao khu nhà 30 gian cho đệ tử viện sử dụng ngày 28 tháng 4 năm 1969. Đây là thời cơ cho khung trời đệ tử viện nở rộng, cùng với một sân chơi bóng rộng thênh thang, phẳng đẹp ngoài sự mong ước của phụ trách đoàn cùng niềm hân hoan đón nhận của toàn thể đệ tử sinh.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, trong chế độ cộng sản, Anh Cả bị bắt giam ngót nghét 2 năm đến 29 tháng 4 năm 1977, Anh được trả tự do, Anh về sinh sống tại khu nhà 30 gian, từ đây thành Nhà Mẹ Dòng. Dòng như sống lại với các sinh hoạt: thêm anh em nhập dòng, tổ chức gia đình tận hiến… nhất là khai diễn Tổng Tu Nghị IV vào ngày 15 tháng 9 năm 1977. Mười năm sau, ngày 15 tháng 5 năm 1987 mừng 10 năm tôn nhận Cha Thánh Giuse làm Quản Gia Dòng, thật bất ngờ, các cán bộ công an nhà nước ập vào thấy Anh Cả đang hướng dẫn một số anh chị em giáo dân thụ huấn về tinh thần tận hiến, họ lục soát nhà, tịch thu nhiều sách vở… lập biên bản… khu Kitô Vương, tu viện Thánh Gia cùng Giáo Sĩ Dưỡng Đường cũng đồng số phận… Thấy vậy đồng bào các giáo xứ lân cận đến bảo vệ nhà dòng. Nhưng cán bộ ra sức áp đảo cho đến quá nửa đêm 21 tháng 5 năm 1987 nhà nước cưỡng chiếm toàn bộ các khu sở của dòng tại quận Thủ Đức (trừ khu ao cá). Sau đó họ biến khu nhà 30 gian thành bệnh viện tâm thần./.

Sau 2 năm tù, 1975-1977, Anh Cả về khu Nhà 30 gian này, và khu này trở thành Nhà Mẹ từ ngày 29/4/1977

Tng Tu Nghị IV 15/9/1977 diễn ra ở đầu Nhà 30 gian, với Hội đồng Tổng Cố vấn 1977-1987

Quí anh Thính, Khoát, Tường... tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, vào tập viện tại Nhà 30 Gian.

 Anh Cả gặp gỡ AE LK III nội ngoại (còn tu hay đã xuất) vào ngày kỷ niệm 25 năm tận hiến cho Mẹ 8.9.1956-1981 tại Nhà 30 gian

Tại Nhà Mẹ 30 gian, mỗi tuần, Anh Cả tự lo cho phòng riêng của mình. Hình Anh Niên chụp 1986.

Anh Cả nghỉ trưa tại phòng của Anh trên nóc bể nước mưa 70 m khối ở Nhà 30 gian, nơi đệ tử sinh tâm phương này đã từng gánh nước cho Đệ tử viện năm 1965-1966

Nhà Mẹ 30 gian, sau đại nạn 1987 bị nhà nước cưỡng chiếm ngày 21 tháng 5, từ đây trở thành bệnh viện tâm thần, đúng như THĐC 2017 đã chứng kiến (hình dưới)

 

Khu nhà 30 gian này có là một mốc điểm lịch sử quan trọng của dòng.

Đó là vào lúc 9:30 sáng ngày 15 tháng 5 năm 1987, khu nhà này bất chợt được công an huyện Thủ Đức (khoảng 40 người) ập vào đòi kiểm kê hộ khẩu.

Trong lúc đó đang có khóa Gia Đình Tận Hiến Đồng Công cho 62 giáo dân. Tới 12 giờ trưa, sau khi lập biên bản, họ cho mọi người giải tán. Nhưng đó chỉ là âm mưu cho bước kế tiếp của họ....

Ngày hôm sau, 16/5, Cha Thủ được mời ra huyện làm việc.

Đến 12 giờ Cha Thủ được chở về có 40 nhân viên công an hộ tống, thành phần lợi dụng chở cha về tận nơi để ập vào nhà dòng kiểm soát, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Họ đã vào phòng Cha Thủ kiểm từng cuốn sách, từng mẫu ảnh.

Đến 3 giờ chiều họ đòi sang cả Khu Kitô Vương thuộc Tỉnh Sông Bé là nơi không thuộc thẩm quyền của họ để lục soát.

Cuối cùng họ đã tố cáo nhà dòng có những sách vở tài liệu chống cộng và có cả súng ống bên Khu Kitô Vương (mà họ đã gài sẵn để làm bằng cớ).

Sau đó họ còn cho một vị linh mục nhạc sĩ đã từng tu ở Đồng Công sau sang Dòng Đaminh (biệt danh Th.Cm) đến tham quan hiện trường và viết một bài theo như họ tố cáo với các bằng chứng cụ thể.  

 

TU VIỆN KHIẾT TÂM - ĐỒNG CÔNG THỦ ĐỨC


Từ xa xưa, khu Bảy Mẫu thuộc quận Thủ Đức là vùng đất thấp, bỏ hoang. Sau khi anh em Đồng Công định cư tại đồi Thủ Đức cuối năm 1955…, đến năm 1957 thì, dòng thuê một phần trong khu đất 7 mẫu của bà Lâm Thị Thanh, từ đây, hàng năm nhà dòng đã đóng thuế đầy đủ theo luật định. Khu đất trũng dòng đã thuê rộng 12.544 m 2 thuận hợp cho việc kinh doanh nhiều hồ nuôi cá, sản xuất cá giống, nuôi heo, nuôi gà, rồi đến việc lắp ráp cỗ máy xay sản xuất bột mì hầu mong thêm kinh phí cho dòng.

Khoảng năm 1965, nơi đây trở thành tu viện Khiết Tâm bao gồm cơ sở ấn loát Sao Mai. Đến sau 30 tháng 4 năm 1975, dãy nhà phát hành sách báo trở thành nhà thờ bán công với danh xưng “Nhà Thờ Thánh Tâm”. Do đại nạn xảy ra nơi hội dòng hồi trung tuần tháng 5 năm 1987, Anh Cả và anh em bị nhà nước ghép tội… bị bắt giam. Nhà Thờ Thánh Tâm đóng cửa. Từ đây, Dòng Đồng Công còn lại duy nhất tu viện Khiết Tâm gồm một số anh em lớn tuổi ở, trong khi số đông anh em trẻ phiêu bạt… lập những tổ nhỏ, làm ăn sinh sống qua ngày để giúp nhau theo đuổi lý tưởng hiến dâng.

Sau đúng 6 năm tù giam, Anh Cả được trả tự do ngày 18.5.1993, Anh về tu viện Khiết Tâm, từ đây trở thành Nhà Mẹ Dòng. Cũng từ đây, vì nhu cầu, nên lấp các hồ cá để kiến thiết những dãy lầu cho chúng ta hiện nay (2021 - Tân Sửu). Ngôi Nhà Mẹ Dòng Đồng Công toạ lạc tại 521 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức./.

 

Tu Viện Khiết Tâm bao gồm ao cá, chăn nuôi heo gà và ấn quán Sai Mai từ sau năm 1960

Dẫy nhà in ấn và phát hành NS Trái Tim Đức Mẹ

 

NHÀ IN SAO MAI (Trong Khu Khiết Tâm 1965-1975)

1.    Thành Lập:

       Đầu năm 1965, anh Lê An Nhân, phụ trách phòng phát hành Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ (NSTTM), được phép Anh Cả cho lập nhà in tại Thủ Đức. Mục đích là in Nguyệt San để anh em đỡ phải đi lại Sài Gòn nhiều; còn lại thì in sách báo và các dịch vụ lặt vặt cho Dòng hay cho người đến đặt in.

       Địa điểm nhà in mới được đặt tại nhà máy xay củ mì cũ trong khu Ao Cá (khu Khiết Tâm), sau khi đã sửa nhà máy xay khoai mì thành nhà in. Nhà in lấy lại tên “Nhà In Sao Mai”  ở Hà Nội trước.

2.    Hoạt Động

     a/ Xếp đặt Máy móc dụng cụ:  Các máy in mua tại Sài Gòn lần lượt được chở về lắp ráp. Hai máy in tipô lớn để in sách báo, máy pê-đan để in ác mặt hàng lặt vặt, một máy xén lớn. Và tiếp đến là các tủ chữ bằng chì đúc đủ loại, đủ kiểu xếp đầy nhà.

    b/ Làm phép Nhà in và máy móc:  Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các máy móc và dụng cụ nhà in,  sáng ngày 5-8-1965, lễ Mẹ Xuống Tuyết, anh Lê An Nhân đã mới anh LM Mát-thêu Phạm Văn Hóa đến làm phép Nhà in và các máy móc, sau đó các máy bắt đầu khởi động.

     c/ Anh em phụ trách và thợ làm việc:  Số anh em và các thợ làm việc thời ky đầu mới thành lập Nhà in  như sau:

     *Ban Giám Đốc Nhà in Sao Mai:                                                                                                          

- Giám Đốc: Anh Lê An Nhân                                                                                                                       

- Quản Lý: Anh Lê An Lạc                                                                                                                          

- Phụ trách vê máy in: Aa. Nguyễn Quang Chinh, Nguyễn Văn Hiến                                                             

- Máy xén; Anh Trần Đức Đãng                                                                                                                    

- Phụ trách ngành xếp chữ: Aa.. Đoàn Đức Khiêm, Phạm Gia Kiệm                                                                 

- Máy đúc chì: Anh Nguyễn Khởi

       *Các thợ mượn ở ngoài cùng làm với anh em nhà:  

- Ngành máy in: Các anh Nguyễn Bé, Nguyễn Hùng, Trần Quang Sách v.v...                              

- Ngành thợ xếp chữ: Anh xếp Truyền, anh Chí, anh Bé và một số thợ tập việc                             

- Ngành xếp và đóng sách báo: Aa. Đoàn Đại Bàng, Trịnh Xuân Bách, và một số các cô cậu choai choai mượn ở ngoài.                                                                                                                 

- Trông về Kỹ thuật và sửa bài: Aa. Nguyễn Mạnh Cách, Đoàn Đức Khiêm

    Thợ thì có thợ chính (anh Truyền). Hễ có việc là anh ấy nhận và đi báo cho thợ làm với anh. Máy lớn có một thợ máy. Máy nhỏ có hai thợ chia nhau ra, có việc thì làm.

       d/ Công việc in sách báo:  Khi có sách người ta đưa đến đặt in thì đưa cho thợ chính để anh ấy tính xem hết bao nhiêu tiền, rồi mới nhận và bắt đầu làm. Anh ấy sẽ tính xếp lọi chữ gì?  Trình bày cuốn sách làm sao?  Cũng như bây giờ, anh em dàn  trang trong máy vi tính vậy. Khi in thì in thành từng tập, sách mỏng 8 trang, sách vừa vừa 16 trang, sách dầy 32 trang.  Xong tập đó thì đưa cho một anh em nhà đọc. Đọc lần nhất – gọi là “ông cò” -  các chữ sai, thiếu sót này khác anh sẽ sửa rồi đưa cho thợ. Thợ sẽ sửa theo ý kiến của “ông cò”. Tiếp theo là “vỗ” gọi là “vỗ bài”: vỗ lại các bài đã sửa. Đến lượt một anh khác xem rồi cho người đưa lên cho anh Quản lý Lê An Lạc, để anh trao cho người đặt.Họ đưa về nhà xem: Sai những chỗ nào, hoặc đổi hay có y kiến những cỗ nào họ sẽ viết vào giấyđưa cho các thầy. Các Thầy lại đưa cho thợ sủa lại theo ý tác giả. Xong lại chuyển cho tác giả lần thứ hai. Xem xong, được ý họ, họ ký cho về Nhà in. Cho lên khuôn cho thợ in. Trong khi chờ đội như vậy thì vẫn tiếp tục làm tép thứ hai, thứ ba, thứ bốn cho đến khi xong cuốn sách. Xong đâu đấy thì bắt đầu đóng, khâu vào nhau. In bìa thì in ớ Sài Gòn. Sau nhà có máy in offset mới in được bìa, nhưng 4 mầu thì phải in 4 lần, thành thử nó tốn công. Thuê in thì người Tàu họ làm rẻ, nhanh. Sách khi in xong thành tập thì đóng vào, xén, vô bìa rồi anh Quản lý Lạc trao cho tác giả.

3.    In và Phát hành Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ

       a/ Việc chính của Nhà in: In báo Trái Tim Mẹ là công việc chính của nhà in. Báo khi in xong thì trao cho ban Phát hành (Aa. Thụy, Tôn). Các anh gói lại thành gói rồi chuyển giao  tận tay cho các độc giả. Nhà in bây giờ đã có mấy chiếc xe hơi để chở hàng và các việc lặt vặt. Những nơi xa xôi như miền Tây thì nhờ xe quân nhạc, họ chở đi giao cho những chỗ nào họ có thẻ giúp mình  được. Thỉnh thoảng đi mua giấy cũng nhờ xe quân nhạc chở cho một xe giấy (việc này do anh Lạc ngoại giao). Sau đó lại tiếp tục các kỳ báo vì mỗi tháng phát hành báo một lần. Khi in báo, các việc khác phải ngừng lại vì báo phải được ưu tiên. Xong báo mới tiếp tục các công việc in ấn khác. Báo thì các độc giả đăng  ký mua năm. Tiền báo thu hằng năm hoặc trong năm các độc giả trả dần.

      b/ Thuê thợ ngoài và trả lương: Công việc nhà in cần phải làm nhanh chóng để giao cho khách hàng, anh em nhà vì phải chu toàn các việc thiêng liêng, nên không thể làm nhiều giờ được, do đó phải thuê các thợ ngoài vào làm là vậy. Ngoài một số thợ mướn tại địa phương, có một số người ở Mỹ Chánh chạy vào làm dưới quyền anh Lạc. Tháng tháng trả lương. Các thợ xếp chữ với thợ chính thì được nhiều được ít tùy thợ chính tính sổ. Xếp chữ tính số trang, nhiều trang được nhiều tiền. Một số thợ làm công nhật, trả lương theo ngày.

4.    Thay đổi anh em phụ trách Nhà in, Tòa Báo – In sách đạo đời

       a/ Thay đổi anh em phụ trách: Trong thời gian 10 năm (1965-1975), nhân sự làm việc tại nhà in có nhiều thay  đổi. Năm 1970, anh Phạm Thiên Chỉ làm Giám đốc nhà in thay anh Nhân, anh Đinh Chí Đệ làm phó Giám đốc, anh Nguyễn Vinh Dự điều hành thợ.  Sang năm 1972, anh Chỉ bệnh, phải nghỉ và anh Đệ làm Giám đốc. Tòa Báo Trái Tim Mẹ thì anh Minh Đăng vẫn làm Chủ nhiệm, anh Trần Quóc Thanh làm phó Chủ nhiệm, kiêm Trưởng nhóm phát hành.

       b/ In sách đạo đời:  Ngoài các số báo Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ phát hành hàng tháng, trong 10 năm, Nhà in Sao Mai cũng đã in được một số sách, xin ghi lại đây:                 

- Quyển “Lạc quan trên miền Thượng”, cha Quang đặt in cho giáo phận Đà Lạt;                  

-  Các sách của anh Trần Đình Cẩm: Anh văn, bài tập, luyện thi, “Giảng văn Đệ Tứ”;             

- Ông Đan Văn đặt in mấy cuốn Việt văn: Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ;                                                   

- Tác giả Nguyễn Toan Ánh in về vùng Cao nguyên. Khi in gần xong thì tác giả đưa các hình người dân tộc đặt in ở chỗ khác đến đẻ dán vào phụ bản. Máy nhà lúc đó không in được hình, mà cũng không được phép in những hình ảnh không đứng đắn.

       Các sách do anh em nhà xuất bản dùng trong Dòng hay phổ biến ra ngoài thường cũng in tại nhà in Sao Mai, như: Vinh Quang Đức Mẹ, Tâm Tình Chúa Giêsu dịch giả Phạm Duy Lễ (anh Giản); Luyện Đức Khiêm Nhượng do LM Đoàn Phú Xuân; Nội san Annuntiatio của gia đình ĐC từ năm 1969-1975 và các sách khác...

5.    Đóng cửa Nhà In Sao Mai

       Gần đến ngày 30-4-1975, Anh Cả cho anh em làm tại Nhà in nghỉ việc, đi ra Phước Tỉnh. Không có tầu, nên anh em được lệnh trở về Thủ Đức mở cửa Nhà in cho thợ làm việc lại: lúc ấy còn ông Năm, ông Trường. Anh Cẩn (Hiến) cộng sự ... Sau ngày 30-4, anh em có in cho Nhà Nước một số báo mở màn cuộc chiến thắngở vùng này (naykhông còn), không lấy công xá gì.Sau đó đóng cửa và chi tiền lương nghỉ việc cho thợ đầy đủ, rồi tuyên bố từ nay trở đi không làm nữa. Các máy móc một số vừa bán, vừa tặng Nhà Nước, anh Nhân mua một vài máy nhỏ. Nhà in Sao Mai, Thủ Đức từ đó đóng cửa và trở thành khu Ao Cá.

 

 

 

CÔNG CUỘC TÔNG ĐỒ - LÒNG ƯỚC MONG


Từ năm 1943, Anh Cả đã cổ động lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ ở một số giáo xứ, giáo họ tại Bùi Chu, Bắc Việt Nam và Anh ước mong có một tờ báo để truyền bá ba Mệnh Lệnh Fatima…

Sau đó ở Hà Nội - 1948, một số tông đồ nhiệt thành bên Cha Jeffro - Đỗ Minh Thể, Dòng Đaminh tại Ngọc Hà phát động Phong Trào Đền Tạ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ.

Phong Trào này đã qui tụ được rất đáng kể số hội viên tham gia, nhưng không được bao lâu bị ngưng do biến cố di cư 1954.

Khi đã vào miền Nam tự do, Cha Thể được những chiến sĩ nòng cốt trong Phong Trào đề nghị ngài xin Anh Cả tiếp nhận Phong Trào và Nguyệt San…
Sau đó, Anh Cả nhận được thư Cha Thể, và cụ thể hơn ngài còn đến Thủ Đức gặp Anh Cả đề nghị Anh tiếp nối công cuộc tông đồ với Phong Trào Đền Tạ Trái Tim Mẹ và Nguyệt San.
Anh Cả rất đỗi vui mừng thuận ý và trao phó công việc cho hai anh Phanxicô Assisi M. Nguyễn Minh Đăng và Bonifaxiô M.Hoàng Thiện Giản.

Hai anh vừa hân hoan vừa dè dặt không dám quyết đáp trước sự việc hầu như quá tầm tay mình. Các anh được Anh Cả khích lệ: “Có Mẹ mọi nhẽ đều xuôi”.

 

Thế là công cuộc tông đồ bằng việc tái phát động Phong Trào Đền Tạ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được Giáo Quyền

khi ấy là ĐứcCha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, Giám Mục GP Sài Gòn chuẩn nhận ngày 19.3.1960.

Và Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ được Bộ Thông Tin ban hành Nghị Định số 120/BTT/NĐ chấp thuận ngày 1 tháng 7 năm 1960;

sau đó số báo đầu tiên ra mắt vào tháng 8 năm 1960. Cho đến biến cố của đất nước, 30 tháng 4 năm 1975 tại miền Nam không còn cơ hội hoạt động.

 

hải ngoại là Hoa Kỳ, NS TTĐC được tục bản vào cuối năm 1977, với 2 anh tân linh mục phục vụ là Nguyễn Mạng Cách LK1 và Phạm Ân Sử LK3

Dầu sao, trong Cộng đồng Dân Chúa VN HK thì cũng vẫn xuất hiện sau Nguyệt San Dân Chúa, do Cha Việt Châu, SSS, cựu tu sĩ Đồng Công chủ trương và thực hiện.

Tuy nhiên, chỉ có NS TTĐM mới in tiếng Việt đầu tiên trong làng báo chí Việt Nam hải ngoại, trước cả tờ báo đạo Dân Chúa, và 2 tờ báo đời Hồn Việt và Trắng Đen.

Bởi vì, khi em được Anh tân Giám tỉnh Nguyễn Đức Kiên sai xuống Houston, từ Trại heo Thiên Mẫu Ash Grove Missouri, để lập Sao Mai Printing ở Houston TX thay thế cho trại heo,

em đã lợi dụng thời gian đi tìm mua máy in cho nhà in Sao mai để đồng thời cũng tìm kiếm bộ chữ tiếng Việt.

 

Không ngờ em đã kiếm được thật, ở hãng AM Varityper, một bộ chữ đã được một người Việt Nam nào đó đặt làm mà không lấy, như ông Manager Robertson cho em biết.

Chi phí cho cả bộ máy tiếng Việt (máy đánh chữ, máy in chữ và giấy in chữ) cùng với bộ chữ tiếng Việt này là 10 ngàn MK thời năm 1980.

Và Anh Liêm LK 7 đã được Anh Kiên sai xuống để được họ huấn luyện cho biết cách sử dụng bộ máy và bộ chữ tiếng Việt này suốt một tháng trời.

Sau đó em lại được Anh Kiên sai phái về làm quản lý NS TTĐM (1980-1982) mới thấy tiến trình in chữ Việt ban đầu ở HK này thật là phức tạp.

 

Thật vậy, muốn chữ Việt hiện lên thì phải đánh bằng máy của cùng hãng và phải sử dụng một loại giấy đặc biệt của họ,

rồi thứ giấy đã được đánh máy này muốn hiện lên chữ Việt Nam lại còn phải được in ra bởi một thứ hóa chất từ một bộ máy hiện chữ khác của họ.

Bởi thế nên vào đầu thập niên 1990, khi vừa xuất hiện các font chữ VNI ở Orange County CA hay font chữ CMC ở Carthage MO (do Anh Nguyễn Châu Diên LK IXA sáng chế),

nhất là khi có loại chữ Unicode quốc tế để sử dụng cho mọi thứ máy vi tính (PC: Personal Computer) quá tiện lợi, thì các thứ máy móc AM Varityper này đã bị sa thải liền.

 

Cha Jeffro - Đỗ Minh Thể, Dòng Đaminh tại Ngọc Hà

phát động Phong Trào Đền Tạ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ.

 

 

Các ấn bản tiêu biểu của NS TTĐM được in ấn ở Khu Khiết Tâm và phát hành ở Việt Nam từ 8/1960 đến 4/1975

 

 

Các ấn bản tiêu biểu của NS TTĐM được tục bản và phát hành từ thư viện lầu 3 ở trụ sở Chi Dòng Carthage Missouri Hoa Kỳ từ Giáng sinh 12/1977

 

 

Tu viện Tiệc Ly Lái Thiêu Bình Dương

 

 Hội dòng bán tu viện Tiệc Ly - Lái Thiêu 

Tu viện Tiệc Ly ở Lái Thiêu, Bình Dương, nơi đã diễn ra Tổng Tu Nghị 2 ngày 19/3/1963, và là nơi chỉ có Đội VIII khấn ở đây.

L

 

LÁI THIÊU, NHÀ TĨNH TÂM (1959-1968)

Xin lưu ý: Nhà Tĩnh Tâm Lái Thiêu không ở trong khu Nhà Mẹ, nhưng liên kết rất mật thiết với Nhà Mẹ, Tu viện Thánh Gia, Khu Kitô Vương, vì là nơi anh em tĩnh tâm chung riêng, hàng tháng, hàng năm..., nên được xếp đặt vào khu Nhà Me.

1.   Tìm nơi tĩnh tâm:        

       Một cuộc tìm tòi nơi tĩnh tâm cũng là một biến cố đáng ghi nhớ. Nỗi niềm băn khoăn của Anh Cả là tìm một nơi an tĩnh để làm nơi cấm phòng cho anh em. Cuối năm 1957 Anh Cả và mấy anh nữa mở cuộc picnic đi tìm chỗ. Ta hãy nghe Anh Cả thưa với Mẹ: “Mẹ ơi, Mẹ xúi giục con nhiều lần rồi mà con chưa thực hiện được là phải tìm nơi cho các con nhỏ của Mẹ hồi tâm tháng, hồi tâm năm, hồi tâm vào nhà tập, hồi tâm khấn tạm, hồi tâm khấn trọn v.v... Nhưng để Mẹ hoạt động và đổ ơn xuống trên các tâm hồn con nhỏ của Mẹ, thì rất cần nơi tĩnh mịch lắng dịu mát mẻ cho cái xác thì hồn mới dễ cầm trí, dễ nghe tiếng Mẹ. Vì nhà Thủ Đức vừa nóng vừa bất tiện...Con và một ít anh em cuốc bộ đi đến rừng Phong Phú, cắm trại tại rừng Phong Phú ban ngày, ban đêm thì trú tại đình Phong Phú ... Hai ba lần như vậy..., mà cũng chẳng tìm được nơi nào vừa ý...  Sau cùng đi về phía tỉnh Thủ Đầu Một, vào các khu rừng hai bên quốc lộ, lần mò mãi hết khu rừng này sang khu rừng khác... May quá Mẹ ơi, đi qua xứ Lái Thiêu, qua chợ Lái Thiêu, đi mấy cây số gặp một chiếc cầu lớn bắc qua sông, thấy có rừng măng cụt rộng bát ngát từng mấy chục mẫu tây, thế là chúng con hô nhau dừng lại bên quốc lộ đi Thủ Đầu Một, Phước Long, về bên trái một rừng măng cụt già cỗi nhưng đầy bóng mát, ở lại nghỉ mệt, xem xét, hỏi han..., lại rủ nhau đi sâu vào gần 100 mét, càng thấy thích thú mát mẻ, lại yên tĩnhi, Mẹ ơi. Con và anh em đi hỏi chủ đất mượn cắm trại mấy ngày, chủ đất đồng ý. Thế là con và anh em cắm trại tại rừng măng cách quốc lộ độ gần 100 mét (và từ đây đến tu viện Tiệc Ly Lái Thiêu độ 500 thước nữa)”(x. LTĐC II, tr.20-21).

     2. Những cuộc Tĩnh Tâm: 

 

             Thời gian lặng lẽ trôi, ba năm khấn tạm của Lớp Khấn I vượt qua như bóng câu… Anh Cả chủ tâm chuẩn bị cho Lớp Khấn I vĩnh thệ, được xác định vào Lễ Tuyền Tin 25.3.1958. Lần hội nào cũng được Anh nhắc để anh em chuẩn bị xa gần với những mốc thời gian: một năm, sáu tháng, ba tháng, một tháng … Rồi vì tính cách quan trọng của tuần tĩnh tâm khấn trọn, Anh Cả xoay giở tìm nơi cấm phòng. Nhiều địa điểm được đề nghị: trung tâm này, nhà Dòng nọ … Nhưng sau cùng Anh Cả chọn rừng Măng cụt tại Bình Nhâm, Lái Thiêu. Chừng dăm hôm trước khai mạc phòng, phái đoàn Anh Cả đã tới rừng măng chuẩn bị: nơi làm nhà kho, làm bếp, mấy nhà vệ sinh tạm thời … Rồi ba bốn chiếc bạt (tentes) đơn sơ được dựng lên làm nơi ngủ. Còn tất cả đều thể hiện ngay tại vườn Măng. Lá Măng khô được dàn đều, mấy chiêc chiếu trải ra, ai nấy liệu thế ngồi bệt trên những đám lá khô ấy. Đó là địa điểm nghe huấn đức, sách thiêng liêng, hội kiểm thảo, dùng bữa v.v… Chỉ trừ Thánh Lễ sáng, Ông Bà Bảy gần đó cho nhờ mấy gian nhà khách của gia đình dể cử hành. Thật là tuần phòng mang tính cách mạng đáng ghi nhớ dịp Vĩnh thệ của Lớp Khấn I Dòng Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc.

 

             Ít lâu sau, Anh Cả đã mua một khu rừng Măng cụt, sát bên sông Lái Thiêu. Một số cây Măng bị đốn đi, khu đất được vượt cao, làm nhà nguyện, nhà ngủ, phòng ăn … thành một Tu Viện, mang tên “Nhà Tiệc Ly Lái Thiêu”, chuyên làm nơi hồi tâm tháng, năm cho anh em Dòng.

 

              Cấm phòng tại rừng Măng cụt Lái Thiêu đủ 8 ngày. Sau đó về Thủ Đức trước lễ hai hôm, tức chiều 23.3. Thời gian chen kẽ này – được coi là những ngày phòng rộng – nên anh em dọn khấn trọn có thể lo mấy việc lặt vặt như hớt tóc, giặt gỵa … Nhưng vẫn chưa được nói truyện, chưa được gặp khách, phải thinh lặng, hồi tâm, âm thầm cầu nguyện cho tới ngày khấn: Lễ Truyền Tin, 25.3.1958. Việc gặp cha mẹ, thân nhân, quí khách chỉ được phép sau khi khấn, dù có vị đã đến nhà Dòng cả mấy ngày trước. 

            Đầụ tháng 3,1958 cũng tại rừng măng này mượn để cấm phòng dọn khấn trọn cho lớp I, 25.3.1958. Nhờ những ngày cắm trại nghỉ mát, những ngày cấm phòng khấn trọn cho lớp I đây mà Anh Cả đã liệu mua được gần 2 mẫu tây rừng măng kề ngay bên sông lớn chạy tới Sài-Gòn, bề rộng sông tới hơn 200 thước. Từ rừng măng này ra tới quôc lộ (Sài Gòn — Bình Dương) độ 6, 7 trăm thước. Rất cám ơn Mẹ đã liệu cho các con trai Mẹ một khu đất thật lý tưởng để lấy lại sức sống siêu nhiên”.

            Từ ngày có nơi tĩnh tâm Lái Thiêu, từ năm 1959 tới 1967, hồi tâm tháng mỗi tháng 2 Chúa nhật thay phiên nhau. Từ chiều thứ Bảy anh em có xe hơi chở hay đi xe đạp hoặc đi bộ từ Thủ Đức lên Lái Thiêu. Và 5  giờ chiều Chúa nhật lại trở về nhiệm sở. Hồi tâm năm 2 lượt, mỗi lượt 7, 8 ngày để thay phiên nhau... Tóm lại, từ ngày có khu vực tĩnh tâm Lái Thiêu thì hết mọi cuộc hồi tâm chung Dòng, hồi tâm riêng từng lớp khấn, từng nhóm, từng cá nhân v.v... đều kéo đến nhà Tiệc Ly này hết. Qua đó đường tiến đức của mỗi anh em Dòng được đón nhận nhiều hồng ân Chúa, Mẹ đã vươn cao một bậc đáng kể.

            Khu vực này đã tiếp đón Đại Công Hội II Thường Lệ năm 1963 và một Đại Hội Bất Thường năm 1965. Khu này ngưng hoạt động từ 1968 vì mất an ninh, lại không còn linh mục dâng lễ, thành ra bất đắc dĩ phải nhường lại cho giáo phận Phú Cường với giá 2 triệu rưỡi bạc (x. LTĐC II tr. 24).

 

Tại TV Tiệc Ly, Lái Thiêu, Bình Dương, Anh Cả lo hoàn tất bản Tục Lệ Dòng trước dịp Đại Công Hội Dòng lần thứ II năm 1963.

 

ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG I

Lễ Mẹ Lộ Đức 11.2.1965

Tại Tu Viện Tiệc Ly, Lái Thiêu

Tỉnh Bình Dương

*

Đại Hội bàn về:

1. Lòng sùng kính Thánh Thánh Thể Chúa

    Giêsu.

2. Lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức

    Mẹ Maria.

Kết quả là Đại Hội chấp thuận đưa vào Tục

Lệ Dòng việc thiết lập Tết Thánh Thể chính

ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, và Tết Đức Mẹ dịp lễ Sinh Nhật Đức Maria ngày 8 tháng 9 hàng năm.  

Sau khi được bầu làm Tổng Giám Đốc, Anh Cả Đaminh Maria tuyên xưng đức tin trước bàn thờ của Tổng Tu Nghị II 25.3.1963

Hai hình dưới đây rõ hơn 2 hình trên

Tân Hội Đồng Tổng Quản khóa 1963 - 1970 bên sông Lái Thiêu

Các nghị huynh của Tổng Tu Nghị II dịp lễ Truyền Tin 25.3.1963, tại Nhà Tiệc Ly, Lái Thiêu, Bình Dương

Các nghị huynh Đại Hội Bất Thường I, ngày 11.2.1965 tại Lái Thiêu, Bình Dương

 

 

 

 

 

 

ĐỘI “MAGNIFICAT” TIỀN THÂN “ĐỆ TỬ VIỆN” ĐỒNG CÔNG

Đội Magnificat gọi tắt là “Manhi” trong thời gian Dòng Đồng Công còn là Hội Giảng Đạo (Unio pia) Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (1948). Đội gồm 15 em lớn nhỏ. Đội thành lập tại Thuỷ Nhai, Bắc VN ngày 7.11.1948 do cha Giuse Phạm Quốc Toản (Anh Ba) coi sóc, anh Trần Công Lý làm đội trưởng. Khoảng cuối tháng 1 năm 1953, Bề Trên di chuyển Đội Manhi về Trung Lễ gần Nhà Chính của Đoàn. Mỗi ngày các em phải 3 lần qua 200 thước về Nhà Chính để dùng cơm, thời gian này anh Phạm Đức Hiên làm đội trưởng thay anh Lý.

Sau khi di cư từ Bắc vào miền Nam Việt Nam năm 1954, tạm trú tại Cù Lao Giêng, hội dòng đón nhận thêm 19 anh em lớn bé, trong số này nhập Đội Manhi 9 em nâng sĩ số Đội lên 24. Ngày 21.11.1955, Anh Cả di chuyển toàn thể anh em đến định cư tại Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định. Hai năm sau, các dãy nhà tại khu Nhà Mẹ và nhà hưu dưỡng linh mục đã hình thành ổn định. Đến khoảng cuối năm 1958, riêng số em Đội Manhi tăng nhanh chóng lên khoảng 200. Anh Cả thấy giáo dân gần xa muốn dâng con em vào tu, nên Anh cho di chuyển Đội Manhi sang khu C, một khu rộng rãi cách Nhà Mẹ 200 thước. Vì hoàn cảnh chưa đủ điều kiện nên mỗi ngày các em phải sang Nhà Mẹ theo các lớp học và dùng cơm sáng trưa chiều…  

Trải qua 15 năm dài từ ngày thành lập Đội Magnificat (1948), nay do hoàn cảnh đã thuận tiện, Hội Đồng Tổng Quản Dòng ra thông cáo ngày 2.7.1963 lễ Mẹ Thăm Viếng đương thời - Bổn Mạng Đội - lập Đội Magnificat thành Đệ Tử Viện của Dòng, đồng thời cử anh Bôniphaxiô M. Nguyễn An Trị (LK III) làm giám đốc đầu tiên của Đệ Tử Viện.    

 

Một trong những đệ tử sinh kỳ cựu ngay từ đầu của dòng ở Trung lễ Bắc Việt

Khi còn ở ngoài bắc, dòng đã có một số anh em, vừa lớn vừa bé, theo đuổi lý tưởng thánh Đồng Công, nhưng chưa vào Nhà Thử và Nhà Tập hoặc Khấn Hứa. Năm 1954, khi di cư vào nam, dòng bấy giờ có 30 anh em tu sĩ (Lớp Khấn 1) và khoảng 100 đệ tử sinh lớn bé. Ở Khu 30 mẫu Nhà Mẹ Thủ Đức, những anh em lớn hợp thành Đội Fiat, còn nhỏ thuộc Đội Magnificat, sống tách biệt nhau. Từ năm 1955, các đệ tử lớn dần dần được chọn vào nhà thử và nhà tập rồi khấn hứa. Cho đến ngày 1/7/1963 chỉ còn lại có 20 anh lớn, trong khi đó các đệ tử nhỏ càng ngày càng tăng, có năm lên tới 80 em.

 

Đó là lý do mới cần có Khu Đệ Tử Viện riêng, ở trên phần đất của Dòng Thăm Viếng là dòng được Đức Cha Phạm Ngọc Chi nhờ Anh Cả coi sóc, sau này có Dòng Trinh Vương ở Bùi Môn thay thế. Khu Đệ Tử Viện có 10 căn nhà lá, 5 căn nhà nguyện và ít căn nhà bếp, nhà kho, dung nạp được khoảng 200 đệ tử sinh. Thời em vào tu năm 1964, đệ tử sinh vẫn sang nhà dòng, qua khu ký túc xá, để ăn ngày 3 bữa, chứ chưa có nhà bếp nấu riêng như sau này.

 

Cũng kể từ năm 1964, bắt đầu có lớp thử rộng, cũng gọi là lớp tiền tập, ở đệ tử viện, cho các đệ tử sinh được chọn làm Thỉnh sinh, rồi vào nhà thử hẹp trước khi nhập Tập viện ở Nhà Mẹ Thủ Đức như Lớp tập VIII, hay Nhà Mẹ Qui Nhơn như lớp tập IX, hoặc Nhà Mẹ Di Linh như lớp tập X và XI. Lớp đầu tiên từ đệ tử viện lên thử ngặt và tập viện này là lớp Khấn VIII, với 44 em, trong đó không ai ngờ, một anh em trong họ, Anh Piô Maria Nguyễn Quang Đán, CRM, đã trở thành vị tổng phục vụ thứ hai của dòng, 2 nhiệm kỳ liền (2012-2023). Đến năm 1966, 2 năm sau, có thêm một lớp nữa, nhưng ở Nhà Đá, với 46 em, thuộc Đội IX A, trong đó có đứa em tâm phương này, tu năm 1964, một lớp tu hơn 100 đệ tử sinh, sau này tất cả đều thuộc Đội IX (ở cả 3 đợt khấn A, B và C).

 

Dãy nhà lá 10 gian đầu tiên (1958) của khu Manhi (Đội Magnificat sau này là Đệ tử viện), cách khu Tu viện Thánh gia Nhà Mẹ 200 mét

Sân Đệ Tử viện, từ phía Nhà Mẹ Dòng sang, ở góc Nhà nguyện và Phòng Anh Giám đốc, để từ góc này tiến ra nhà thủy tạ hơi xoải xuống bên dưới

Bàn thờ trên cung thánh của Đệ tử viện năm 1959

Anh Cả huấn dụ Đệ Tử sinh năm 1965

Giờ Đền tạ Đức Mẹ

Anh Linh mục Minh Đăng giảng dịp Tượng Mẹ Fatima Thánh du ghé Đệ tử viện tháng 11/1965

 

Ngày 4/5, trước sự hiện diện của Anh Cả, Anh Trần Trung Giáo bàn giao vai trò Đội Trưởng Đội Magnificat cho Anh Bono Nguyễn An Trị

Từ trái sang phải: Aa Giáo, Sáng, Ái, Cần (đứng sau) Anh Cả, Trị và Hòa.

 

 

Vào Lễ Mẹ Thăm Viếng 2/7/1963 (theo phụng lịch trước Công đồng Vaticano II bấy giờ) Đội Magnificat trở thành Đệ Tử viện - Từ trái sang phải:

Hàng đầu: Anh Trị (3) - Giám đốc, Anh Chương (5), Anh Hướng (2); Hàng giữa: Anh Khanh (5) - Quản lý, Anh Cả, Anh Ngọc (3) - Giám học;

Hàng cuối: Anh Thiện (1) - Y tế, Anh Tín (5) - Ca nhạc, Anh Tôn (5) - Thể thao, Anh Thần (4) - Giám thị

Quí Anh Phụ trách ĐTV Giáng sinh 1963: Từ trái sang phải Aa. Chương, Cần, Trị, Thần, Ngọc, Ái, Sáng, và Hòa

 

Anh Cả họp với Ban Giám đốc Đệ Tử Viện để bàn quyết vấn đề cho ĐTV ăn riêng (sau khi Đội IX đã nhập Tập viện ở Nhà Đá),

và các anh phụ trách cũ rõ nhất, từ hình nhìn ra, là Anh Giám đốc Bono Nguyễn An Trị (bên phải Anh Cả) và Anh Giám Thị Trần Trung Thần (bên trái Anh Cả)

DANH XƯNG “ĐỘI TRƯỞNG” ĐỘI MAGNIFICAT TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐỘI - 7.11.1948

      1. Hilariô M. Trần Công Lý (1948); 2. Simon M. Phạm Đức Hiên (1950); 3. Gioan Vianê M. Vũ Vĩnh Quí, Lk I (1956); 4. Inhaxiô M. Lê An Đại, Lk I (1958); 5. Batôlômêô M. Đỗ Thái Hoà, Lk III (1960)

      6. Micae M. Nguyễn Trung Giáo, Lk II (1959-4.5.1963); 7. Bôniphaxiô M. Nguyễn An Trị, Lk III, anh làm Phó Giám Thị ngày 3.7.1961 - và ngày 4.5.1963 anh làm Đội Trưởng thay anh Giáo.

DANH XƯNG “GIÁM ĐỐC” TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐỆ TỬ VIỆN

          Ngày 2.7.1963 lễ Mẹ Thăm Viếng đương thời, bổn mạng Đội Magnificat,

Tổng Hội Đồng Dòng ra thông cáo lập Đội Magnificat thành ĐỆ TỬ VIỆN, đồng thời cử anh Bôniphaxiô M. Nguyễn An Trị làm GIÁM ĐỐC đầu tiên của Đệ Tử Viện.

      8. Năm 1971, anh Athanaxiô M. Bùi Anh Tuấn, Lk III làm Giám Đốc thay anh Trị; 9. Năm 1972, anh Tuấn trao lại nhiệm vụ Giám Đốc cho anh Trị, anh Trị tiếp tục nhiệm vụ cho tới 30.4.1975.

 

Có 3 Lớp khấn liên quan hơn đến Đội Manhi / Magnificat cho tới 1963 đó là LK VII và VIII, cũng như đến Đệ Tử Viện Đồng Công là LK IX

 

Nghi thức gia nhập Hướng đạo ở Đệ tử viện Đồng Công

Hình thức bao gồm cả những nghi thức đạo đức của hội dòng nữa, chứ không thuần thế tục

 

Lớp khấn 7 khi còn ở Đệ tử Viện ở đầu Dẫy Nhà 30 gian

Từ trái sang - Hàng trên cùng Anh Trần Thanh Liêm (thứ 1), Anh Tuynh (5), Anh Hoán (6); Hàng 2: Anh Trần Ngọc Diệp (3)

 

Các em tổ trưởng (1961-1962) thời vẫn còn Anh Đội trưởng Trần Trung Giáo 1963

Từ trái sang Hàng 1: Aa. Huỳnh (1), Thoại (2), Diệp (4); Hàng trên cùng: Liêm (1 ngồi trước cột), Tuynh (3)

 

Lớp Khấn 8 khi mới là thỉnh sinh ở Đệ Tử Viện, và là lớp khấn duy nhất ở Lái Thiêu,

(Lới khấn 1 ở Trung Lễ Bắc Việt, còn từ lớp khấn 2 tới lớp 7 ở Thủ Đức, nguyên lớp khấn 9 cả 3 đợt a-b-c đều ở Qui Nhơn, Lớp 10-11 ở Di Linh),

Từ trái sang: Aa.Giáo (Đội trưởng), Ánh (tu năm 1958, nhưng ở lại chờ vào Đội IXA), Đán, Triêm, Triều, Đường, AQP, Quán, Trường, (?), Đương, (?), Đích, Chu, và (?)

Toàn bộ lớp Khấn VIII khi còn là Thỉnh sinh ở ĐTC (1963-1964) dưới thời tân Đội trưởng Bono Nguyễn An Trị

Nhóm thỉnh sinh Đội IXA khi còn ở Đệ tử viện

Từ trái sang phải - Đứng: Các chú (theo tên mới): Luận/Riêm, Linh/Long, Lâm, Hồng, Chuyên và Hữu (đã chết ở Fort Worth TX), ...

Ngồi: Các chú (theo tên mới): (?), Cảnh/Thành, (?), Toản/Thiên và Bản

Các thỉnh sinh Đội IX khi còn ở ĐTV lần đầu tiên được gặp Anh Cả ở Lái Thiêu cuối năm 1965 thì thích quá sức ...

 ... Không ngờ Đấng sáng lập dòng là Anh Cả, của cả Đệ tử sinh mới tu, sao mà trẻ trung dễ thương, bình dân và hòa đồng đến thế, khiến cả các em lẫn Anh giám đốc hớn hở cười!

 

Mấy chú đệ tử (LK IX) lớp tu 1964 nô đùa như trẻ nhỏ (Parvuli - khẩu hiệu của Đội),

từ trái: Chú Đức (IXC - Ước) cũng giống như và có thể là Phục, chú Tĩnh (IXA - tâm phương), chú Thông (IXC - Cầu) và chú Huấn (IXC - Huyến)

Các chú Đệ tử sinh ngày xa xưa ấy sao mà dễ thương như vậy, từ trái sang phải: Quí chú (IXC) Trân, Phụng, Doãn (Đức bầu - đứng) và Nghinh

 

Nhóm tốp viên được Anh Phụ trách Hoàng Anh Thăng là Đội trưởng dìu dắt, trong đó có một số anh thuộc lớp khấn 10 sau này:

 Từ trái sang phải theo thứ tự 1 hàng, các em (theo tên mới): Dương/Kính (thứ 2 - ngồi), Nhuận (9 - ngồi), Tiệp (10 đứng sau 9) và Khánh (ngoài cùng bên phải)

Văn nghệ mừng Giáng sinh 1963: Chiếc đàn Guitar to dài gần bằng chú nghệ sĩ đệ tử sinh

Hướng đạo sinh Đệ tử Đồng Công đang sinh hoạt ở Phước Tỉnh, trong thời khoảng sau khi lớp tập IXA nhập tập viện 1966 và trước khi lớp tập IXC vào nhà tập năm 1969

Đệ tử sinh cùng các anh phụ trách - hình chụp ở đầu Nhà 30 gian năm 1964, nơi THĐC 2017 đã ghé thăm để tiến sâu vào khu ĐTV ĐC thân yêu

Trong hành trình 2017 THĐC đã về thăm Khu Nhà 30 Gian và tiện thể thăm lại Đệ tử viện ở sâu phía trong, phía đầu có bể nước và có các bậc thang.

Khu bãi cỏ thưa thớt cây cối (hình trên) ở trước mặt Nhà 30 gian là sân banh đá của Đệ Tử Viện ngày xưa

Dẫy nhà bệnh xá này ở đầu Nhà 30 gian, bên mảnh đất của Đệ tử viện ngày xưa

Ở đầu dẫy nhà bệnh xá là khu chăn nuôi cũng thuộc mảnh đất Đệ Tử viện ngày nào

 

Phía bên kia thẳng dẫy bệnh xá cũng thuộc đất Đệ tử viện, khu các sân bóng chuyền cùng với lối sang Nhà Mẹ khi Đệ tử sinh chưa ăn riêng.

Khu đệ tử viện Đồng Công này cũng có một mốc điểm lịch sử của dòng, đó là vào ngày 5/4/1975,

toàn thể anh em dòng từ khắp nơi được lệnh Anh Cả về Thủ Đức qui tụ lại bất ngờ tham dự tĩnh tâm vào sáng hôm đó,

để rồi sau bữa trưa lại bất ngờ được lệnh Anh Cả âm thầm (không được báo cho gia đình) lên đường rời bỏ quê hương đất nước ngay.... 

 

 

 

Bấy giờ tai thì nghe lệnh mắt đồng thời lại thấy các chiếc xe đò Đức Hòa từ đâu theo nhau kéo vào sân đệ tử viện để đón anh em dòng,

 để từ đó anh em dòng xuống Phước Tỉnh, bao gồm luôn Anh Cả, người Anh đã thuê sẵn thuyền chở ra Đảo Phú Quốc ngay hôm ấy, rồi chờ thời cơ từ đó sang các nước Đông Nam Á,

vừa để tạm lánh nạn cộng sản sắp chiếm trọn miền nam theo như Anh linh tính, vừa để truyền giáo cho các dân tộc lân bang Việt Nam hầu như theo Phật giáo và Khổng giáo...

Thế nhưng.... (xin xem tiếp phần: 1975 - Đồng Công Vượt Qua)

 

 

 

Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công

 

 

GIÁO SĨ DƯỠNG ĐƯỜNG ĐỒNG CÔNG

Từ những tháng năm hội dòng còn ở Liên Thuỷ, Bắc Việt Nam, tâm tư Anh Cả đã rất quan tâm đến các linh mục. Về sau, khi hội dòng di cư vào miền Nam Việt Nam tự do và định cư tại Thủ Đức, việc thiết lập cơ sở của dòng đã tạm ổn định. Anh Cả thấy cần phải thành lập ngay một khu dành cho các cha an dưỡng. Các ngài đã hy sinh đời mình cho giáo hội, phục vụ các linh hồn. Đến cuối đời, các ngài đã tàn hơi kiệt sức cần có nơi nghỉ ngơi, dọn mình về Nhà Chúa.

Thế nên, Anh Cả cho làm tạm bảy gian nhà lá và ngày lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15 tháng 8 năm 1956 nhà hưu mở cửa đón nhận các cha. Nơi đây, chính một số anh em dòng trực tiếp giúp đỡ các ngài
theo tinh thần Tin Mừng của Thày Chí Thánh
rao truyền: “Không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20:28).

Dãy nhà lá đầu tiên mở cửa đón nhận các cha đến an dưỡng 15.8.1956

Mặt tiền của Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công Thủ Đức

Đức Khâm Sứ Angelo Palmas của Tòa Thánh Roma ở Việt Nam đến thăm các cha hưu năm 1965

ĐC Raphael Nguyễn Văn Diệp, GM Phó Vĩnh Long đến hưu năm 2000, Ngài qua đời ngày 20.12.2007

Lễ mừng Đức Cha Raphael Nguyễn Văn Diệp 50 năm Linh mục (7/12/1954-2004)

Anh em dòng, bao gồm Anh Cả, chúc mừng Đức Cha

Quí Cha hưu dưỡng cũng có những giây phút giải khuây

Anh Tổng Phục Vụ Pio Maria Nguyễn Đán chúc mừng các cha hưu dịp lễ Mẹ Thiên Chúa 2011, bổn mạng GSDĐ

 

Quí Cha già được anh em dòng phục vụ ở Giáo sĩ Dưỡng đường Đồng Công,

trừ vị đứng ngoài cùng bên phải là Lm Mai Hữu Tường, CRM, phục vụ viên chính của các ngài 10 năm.

 

 

Trường Trung Tiểu Học - Ký Túc Xá Đồng Công Thủ Đức

 

Trường Đồng Công được thành lập tại Thủ Đức   

1. Chủ Trương của Trường (theo Anh Cả):   

         Ngay từ đầu, Anh Cả chủ trương, Dòng Đồng Công đâu là lập trường tại đó, vì có nâng cao dân trí việc cải tạo con người mới có kết quả vững chắc, mới dễ dẫn chân lý, văn minh vào cho bàn dân thiên hạ. Vì thế từ sơ khai ở xứ Liên Thuý, đã mở trường Đấng Đồng Công cho anh em nhà học và nhận một số học sinh ngoại trú. Tại Cù Lao Giêng khi tạm ổn định đã mở trường trung tiểu học Đồng Công Cù Lao Giêng, sau di lên Thủ Đức. Di cư lên Thủ Đức, trong khi lập sơ đồ Nhà Mẹ, Anh Cả cũng cho phóng đồ cắm đất làm trường Trung Tiểu Học Đồng Công trên mặt bằng 32 mẫu tây mua của chủ đồn điền cao su Pháp kiều        Mặt bằng trường cỏ con suối cạn làm ranh giữa tu viện Thánh Gia và Ký túc xá phía nam. Phía bắc lả hàng rào kẽm gai phân ranh với Nhà 30 gian. Phía tây giáp với nhà dân giáo xứ Châu Bình. Phía đông giáp với dần địa phương. Mặt bằng độ 3 mẫu tây, chia làm hai phẩn: Phía tây bắc dành cho Ký túc xá; phía đông nam làm trường ngoại trú. Nhà trường có hai sân banh: Một sân lớn cách xa trường độ 70m mặt bằng nằm trên đất ấp Bình Đường, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hoà (bây giờ là tỉnh Bình Dương); một sân banh nhỏ trước trường ngoại trú.

            Có một sự rắc rối là trên mặt bằng có mấy nhà người địa phương đang ở. Muốn cho đẹp thửa đất và giữ an ninh trật tự tốt là xin mấy nhà này dời đi góc khác cũng trên đất của Dòng. Một số đã nghe ra tai tự họ dời đi xa hơn đó là gia đình bà Năm Kịch, bà Bay Hằng, Hai Quặm. Còn lại hai người nhât định không đi là ông Năm Tửu và ông Sáu. Đã nhờ đến toà án can thiệp, ông Năm thua kiện, nhưng nhất định không đi. Cảnh sát đã định dùng biện pháp mạnh là kéo sập nhà, nhưng đức bác ái không cho phép. Sau nhờ anh Toàn đang làm chánh xứ Châu Bình ra rỉ rón thuyết phục và đổi đất rộng lớn cho ông. Ông bằng lòng dời đi. Còn ông Sáu cũng xin một số bồi thường hậu hĩ và học sinh ra rỡ nhà, khuân đồ đạc tới chỗ ông ở.

3. Xây cất trường ốc:

              Song song với việc xây cất Nhà Mẹ, nhà trường cũng khởi công sau Nhà Mẹ mấy tháng. Ban đầu dựng một dãy nhà: Một gian văn phòng, bôn lớp tiểu học (bây giờ gọi là cấp 1) và bốn lớp trung học đệ nhất cấp (bây giờ gọi là cấp 2). Mỗi lớp 2 gian vị chi là 17 gian. Tiểu học lợp lá; phòng ốc trung học và văn phòng xây đàng hoàng mái tôn, nền tráng xi măng (Phòng ốc xây do viện trợ Công Giáo yểm trợ). Lôi vào có một công rộng bảng đề: Trường Trung Tiểu Học Đồng Công.

           Khu vực Ký túc xá cất một nhà lợp lá, xây tường, nền đất từ cổng vào song song với suối cạn độ chừng 15 gian: 2 gian gần cổng làm văn phòng, một gian cuối bán hàng, còn bao nhiêu ngăn phòng để Ký túc sinh ngủ. Sau hai năm lát nền bằng gạch bát tràng. Với số phòng này có thể nhận được gần trăm Ký túc sinh.

            Ký tức sinh ăn ở tại trường nên một số nhà vệ sinh cần được xây thêm. Mấy năm sau xây nhà cầu nước và bồn tắm cạn, một số nhà giặt, mấy nhà tắm, mấy chục vòi tắm tập thế; một bồn nước cao độ 4m.

         Năm 1958, cất Nhà Nguyện 5 gian lợp lá xây tường khá khang trang để làm việc phụng vụ chung.

          Năm 1963 thay dần nhà lá, xây một nhà tầng: một trệt, một lầu. Lầu trên làm phòng ngủ, tầng trệt làm phòng hoc. Và dãy nhà ngủ ngăn lại làm phòng học thay cho các lớp học lợp lá ngoại trú bị tháo gỡ đi.

           Năm 1968 xây một toà nhà ba tầng: một trệt, hai lầu. Tầng trệt làm phòng học, phòng thí nghiệm, phòng giám thị, bàn giấy hiệu trưởng và giám học. Hai lầu làm phòng ngủ. Như thế các nhà ngủ lợp lá bị tháo gỡ đi. Nhà Trường có vẻ khang trang. Trong khu chỉ còn một dẫy nhà gỗ lợp tôn là hội trường, nhà chơi và nhà cơm. Cũng chuẩn bị xây lại Nhà Nguyện khang trang hơn.

4.    Đường hướng giáo dục:

             Mục đích mở trường để dạy văn hoá theo chương trình chính phủ đề ra như mọi trường trong nước. Nhưng cũng để giáo dục học sinh trở thành những con người tốt hữu ích cho bán thân, gia đình và xã hội như trong Ngũ Thư có đề cập: tu thân, tề gia, trị quốc, binh thiên hạ. Sau đây là đường hướng giáo dục của trường Đồng Công:

            Khẩu hiệu của trường nói lên mục đích của nền giáo dục tại các trường do tu sĩ Dòng phụ trách. Khẩu hiệu đó là:

                  “Văn hoá phụng sự đời sống      -       Cao thượng đắp xây vinh quang”

          Như thế, mục đích của trường là đào tạo con người toàn diện về trí, đức, thể dục theo tinh thần Phúc Âm. Việc giáo dục này dựa trên các nguyên tắc sau đây:

          a/ Kiến tạo bầu khí gia đình trong Nhà Trường, nhất là tại các Ký Túc Xá:

            Mọi người sống với nhau trong tình yêu thương của Chúa. Đội ngũ giảng huấn từ Hiệu trưởng,Giám học, Giám thị đến các giáo viên đều xưng là anh và gọi các học sinh là em. Các em cũng tự xưng là em và gọi các anh trong ban giảng huấn là anh. Mỗi lớp có một anh phụ trách sinh hoạt gọi là Hướng dẫn viên.

           b/ Tự do có hướng dẫn:

            Tôn trọng nhân phẩm, sáng kiến của các học sinh, khích lệ và khen thưởng hơn là trừng phạt. Tôn trọng tự do chân chính của học sinh nhưng luôn hướng dẫn họ xử sự đúng tự do, khỏi những lạm dụng quá trớn.

            Tuy là trường Công Giáo, có giờ giáo lý, nhưng để các học sinh tự do tín ngưỡng, không buộc hết các em nội trú giữ các giờ phụng vụ. Các em ngoài Công Giáo tự do tham dự nếu họ muốn.

             c/ Tôn trọng bản sắc dân tộc:

             Giáo dục Đồng Công đề cao những tinh hoa của truyền thống văn hóa Việt Nam và Đông Phương, lấy đức hạnh làm đầu, coi tín nghĩa là nền tảng, đề cao lòng yêu nước, yêu gia đình, dạy cho trẻ em biết tự hào về lịch sử dân tộc và ý chí xây dựng một nước Việt Nam tốt đẹp.

               d/ Đi sát với thực tế cuộc sống:

               Ngoài chương trình giảng dạy theo Bộ Quốc Gia Giáo Dực và môn Giáo Lý, các học sinh còn được tập luyện để sống sát với thực tế xã hội và cuộc sống, như trong các buổi du ngoạn, cắm trại ngoài trời các em tổ chức các cuộc chơi lớn theo kiểu Hướng Đạo, nấu ăn, văn nghệ, tiếp tân, tổ chức các lễ hội Giáng Sinh, Trung Thu v.v...

            Các em nội trú được chia thành từng nhóm tự quản tổ chức nếp sống kỷ luật.

             Kê cả sau khi rời trường, các em có thể được tiếp tục giáo dục qua Hội Cựu Học Sinh.

            đ/ Công cuộc giáo dục là do học đường và gia đình cùng làm:

             Để việc giáo dục được kết quả, luôn có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Gia đình luôn nhận được thông báo về học vấn và hạnh kiểm của nhà trường để các vị phụ huynh biết rõ kết quả của con em và sẵn sàng đề đạt các nguyện vọng, các ý kiến đóng góp với nhà trường.

             e/ Ưu tiên cho các học sinh nghèo:

               Học phí luôn ở mức thấp, kể cả lệ phí nội trú. Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được giảm tuỳ theo trường hợp. Tuy có sự hiểu lầm nơi một số phụ huynh cho rằng thu học phí hạ thì giá trị giáo dục không cao bằng các trường học phí cao, nhưng dần dần ngưòi ta dã hiếu sự nâng đỡ các học sinh nghèo của nhà trường.

     5. Tổ chức:

            --Nhà Trường:

           a/ Ban Đều hành: Nhà trường đơn giản như những trường có qui củ của quốc gia. Trên hết là Ban điều hành gồm có: Hiệu trưởng, Giám học, Giám thị, Hiệu đoàn trưởng.

              b/  Ban Giảng huấn: Ban này gồm các giáo sư (trung học), các giáo viên (tiểu học).

              c/ Mỗi lớp học: Lớp nào cũng có : Anh giáo hướng dẫn và ban điều hành lớp: lớp trưởng, lớp phó.

              Để việc học có kết quả, anh Giám thị có tồ chức thi đua giữ kỷ luật và thi đua chăm học. Mỗi tháng có tính điểm để trao bằng khen và cờ danh dự để khích lệ học sinh luôn tiến lên. Mỗi lục cá nguyệt cũng tính điểm và trao bằng, cờ danh dự...

            Tạo bầu không khí vui tươi và phát triển năng khiếu, anh Hiệu đoàn trưởng hay anh hướng dẫn tổ chức các buổi đi du ngoạn hay cắm trại theo kiểu Hướng Đạo trong những kỳ nghỉ lễ hay đầu kỳ nghỉ hè.

            Quan trọng trực tiếp khích lệ, cổ võ học tập và giữ kỷ luật là anh hướng dẫn mỗi lớp. Anh phái có ổc tổ chức và sáng kiến để dẫn học sinh lớp anh phụ trách sống vui tươi và đạt kết quả tốt về học vấn cũng như kỷ luật, hạnh kiểm.

              d/ Lễ phát thưởng cuối năm: Cuối mỗi năm trước khi nghỉ hè, nhà trường tổ chức lễ phát thưởng cho những học sinh xuất sắc, tiến bộ về học vấn và hạnh kiểm. Lễ phát thưởng này rất quan trọng. Thường mời tới dự các vị cao cấp trong chính phủ ngành giáo dục hay quan chức tỉnh, quận; phụ huynh học sinh lẽ dĩ nhiên được mời hết. Tổ chức phát thưởng đã vậy, còn kèm theo văn nghệ, ca, vũ, nhạc, kịch của trường hay mời những ban văn nghệ nổi tiếng như Quân nhạc Yên Thế,  Thủ Đức, nhóm diễu AVT, nghệ sĩ ưu tú. Như thế, lễ phát thưởng cuối năm một mặt khích lệ các học sinh gắng tiến lên, một mặt cũng để giới thiệu và quảng cáo trường. Phần thưởng cho các học sinh xuất sắc, và đặc biệt cho các học sinh có cố gắng tiến bộ qua các kỳ thi cả về học vấn và hạnh kiểm.

           -- Ký Túc xá:

              a/ Mục đích mở Ký Túc Xá (KTX): Mục đích chính của phụ huynh gửi con em vào Ký Túc xá là để rèn luyện nhân cách cùng với sự tiến bộ học vấn. Vì gửi vào KTX cũng tốn kém, cha mẹ phải hy sinh, nhất là các gia đình ít khá giả. Vì thế ban Giám đốc phải tìm cách huấn luyện cho các học sinh đạt kết quả như phụ huynh đặt kỳ vọng. Đông đảo thanh thiếu niên ở dầm dề tại trường 24 trên 24. Tính nết mỗi em mỗi khác. Rát nhiều em tinh nghịch, mất nết, cực chẳng đã, cha mẹ mới gửi tới trường để rèn lại nhân cách. Đến nỗi có nhiều phụ huynh cho rằng đây là trường huấn luyện cao bồi.Vì thế tổ chức một KTX và huấn luyện đạt kết quả cao không phải là dễ mà rất phức tạp. Nhưng cảm tạ Chúa, Mẹ sau 14 năm mở KTX đã có những kết quả khả quan. Tới nỗi khi tạm đình dạy học năm 1970, nhiều phản ứng tiếc xót từ các phụ huynh, và họ đã làm đơn xin các linh mục và Giám mục giáo phận can thiệp. 

              b/ Tổ chức: Ban đầu KTX biệt lập với nhà trường nên tổ chức riêng biệt. Tùy các học sinh theo tuổi lớn nhỏ để chia vào từng cơ, cơ lớn tới nhỏ: Cơ Hùng Binh, Cơ Rạng Đông, Cơ Bồ Câu. Cơ chia ra nhiều tổ. Mỗi cơ và tổ có ban điều hành: Cơ trưởng, cơ phó, tổ trưởng, tổ phó. Cơ các em nhỏ ít biết làm việc phải nhờ mấy em lớn tới giúp điều hành cơ và tổ. Đứng đầu hết có một hay hai anh hướng dẫn chịu trách nhiệm điều động trong cơ. Chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi và sinh hoạt đều theo từng cơ cho dễ điều động. Khi đi học thì theo lớp và tùy theo ban Giám hiệu. Chế độ tổ chức theo cơ được ba niên khóa rưỡi tức từ năm 1056 tới giữa năm 1959, nghĩa là khi thống nhất tổ chức KTX và Nhà Trường.

            Khi thống nhất giữa ban Giám đốc KTX và ban Giám hiệu thì hệ thống tổ chức sẽ theo lớp. Mỗi lớp một đơn vị có trưởng lớp, phó lớp, ban trật tự …, nhưng luôn có anh hướng dẫn chịu trách nhiệm mỗi lớp. Anh hướng dẫn cũng là một giáo sư có dạy môn nào trong lớp ấy. Khi thống nhất giữa KTX và nhà trường không còn xảy ra xích mích giữa hai nơi như trước kia, tuy không có gì đáng trách lắm. Việc giáo dục cũng nhẹ nhàng và nhất thống, học sinh cũng dễ chịu khỏi một cổ hai tròng.

           --Thời dụng biểu KTX và sinh hoạt:

            4g30: Thức   -    5g: Suy niệm 20 phút   -    5g30: Thánh Lễ    -    6g30: Điểm tâm.

            6g45: Chuẩn bị ra lớp      -    7g: Học                  -    11g: Nghỉ học.

            11g15: Dùng bữa trưa      -    12g: Nghỉ trưa       -    13g : Thức, tắm.

            14g: Học tư                      -   16g: Chơi                 -   17g: Nghỉ, tắm.

            17g30: Bữa tối   -   19g: Đọc kinh tối, kiểm điểm    -    19g30: Học   -    21g: Ngủ

              Đại cương là thế. Nhưng thời dụng biểu phải khít các giờ để học sinh không có giờ phá, nghịch, lang bang.

 

Trường Trung Tiểu Học và Ký Túc Xá Đồng Công ở Thủ Đức từ năm 1956

Dẫy lầu được ông Đinh Văn Nam chủ thầu 

Dẫy lầu chính do Anh Đinh Quang Trí (LK 2) đốc công xây cất vào năm 1965

Ban giáo chức của trường.

 

 

Trong số học sinh nội trú, tiêu biểu có Anh Lm Vũ Khiêm Cung (lớp khấn VI), Anh Trần Ngọc Trác (LK VIII), Anh Lm Vũ Minh Nhiên (LK XI),

em tâm phương (LK IXA) với số ký danh 379 (học sinh nội trú niên khóa 1957-1958 mang số ký danh 379, tức học sinh nội trú thứ 379 kể từ đầu)

 

 

Trên đây là một số hình ảnh lịch sử hiếm quí cũ xưa về Trường trung tiểu học Đồng Công bao gồm cả lưu trú / nội trú,

dưới đây là những hình ảnh năm 2017 trước mắt phái đoàn 8 anh em THĐC

 

Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức có tất cả 17 lớp học, từ tiểu học tới đệ nhi cấp, bao gồm cả nội trú.

Khu nội cho 500 em, gồm một dẫy nhà 2 lầu, một dẫy nhà 3 lầu để dạy học, và 3 dẫy nhà trệt,

mỗi dẫy dài 20 căn để làm nhà chơi, nhà ăn và nhà sinh hoạt, chưa kể đến một nhà nguyện cho học sinh nội trú.

Hiện nay khu nội trú đã trở thành Trường Trung Học Cơ Sở (THCS) Thái Văn Lung (hình dưới). 

 

 

Khu ngoại trú có 12 lớp học, cho 600 học sinh, hiện nay khu ngoại trú này đã trở thành Trường Tiểu Học Văn Hải (hình dưới).

 

 

Hồi em còn là học sinh tiểu học ở đây (1957-1958), bấy giờ nhà trường chưa xây cất đầy đủ như được diễn tả trên đây, về sau này, học sinh lớn nhỏ đều ra khu ngoại trú học.

 

 

Hiệu trưởng đầu tiên là Anh Đoàn Phú Xuân cho tới khi anh du học Roma; Giám đốc ký túc xá đầu tiên là Anh Phạm Nam Việt, quản lýAnh Nguyễn Đức Khoan.

Quí anh phụ trách: Anh Phạm Tiến Đức LK1 phụ trách coi sóc cơ/phòng nội trú 5 là cơ/phòng của em, Anh Nguyễn Châu Đạt LK2 coi cơ/phòng 2 nhỏ nhất v.v.

Sau 13 năm phục vụ, vào tháng 6/1969, vì lý do đặc biệt nội bộ dòng, vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công, trường đã tạm đóng cửa trước nỗi luyến tiếc của hầu như tất cả các phụ huynh.

Bởi có một số phụ huynh quá tiếc xót nên đã kêu tới các Đấng bản quyền có liên hệ với Dòng Đồng Công, như ĐTGM Nguyễn Vămn Bình, ĐC Hoàng Văn Đoàn và ĐC Nguyễn Văn Hiền.

Chính nỗi tiếc xót và những lời Anh Cả nghe trực tiếp các Đấng nói với anh về biến cố đóng cửa trường này đã cho thấy hiệu năng của việc Dòng Đồng Công giáo dục giới trẻ ra sao:

 

ĐTGM Nguyễn Văn Bình viết: "Tôi không nói Trường Đồng Công có ảnh hưởng khắp thế giới, nhưng thật sự Trường Đồng Công có ảnh hưởng khắp miền Nam như vậy mà sao cha lại bãi?"

Đức Cha Hoàng Văn Đoàn khi gặp Anh Cả: "Sao Cha lại bãi Ký túc xá và Trường đang hoạt động xuôi chảy tốt đẹp như vậy?"

Đức Cha Nguyễn Văn Hiền chỉ nói đơn sơ với Anh: "Cha bãi trường à? Hoài nhỉ!"

 

Anh Cả chỉ thân thưa vắn gọn với các ngài như thế này:

"Thưa Đức Cha, con không bãi đâu, con chỉ tạm ngưng hoạt động ít năm để sửa chữa và kiến thiết lại thôi..." (với ĐTGM Bình)

"Vì con cần phải chỉnh đốn lại nội bộ" (với Đức Cha Hoàng Văn Đoàn)

 

Và quả thực, sau đó Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức đã mở lại vào năm 1973 cho đến hết niên khóa 1976-1977,

do đó một số anh em mới khấn Đội X ở Di Linh đã được sai phái về phục vụ vào năm 1974: Aa Thuật, Tài, Khoa, Hữu, Mẫn;

Đội IX cũng có Aa Luận, Cầu, Ánh v.v. Đội VIII có Anh Đàm v.v.

 

 

Anh Cầu / Thông (LK IXC), dạy toán, đang làm trọng tài cho cuộc đá banh tại trước sân trường sau khi trường được tái mở cửa.

 

Trong biến cố này chúng ta còn thấy một điều nữa, đó là đa số các cơ sở của Dòng Đồng Công, ngoại trừ ở Thủ Đức thuộc TGP Sài Gòn, và cơ sở cuối cùng ở Lương Sơn Phan Rí thuộc GP Nha Trang,

ngay từ đầu có liên hệ với ĐC Hoàng Văn Đoàn GP Qui Nhơn và ĐC Nguyễn Văn Hiền GP Đà Lạt.

Riêng với ĐC Nguyễn Văn Hiền GP Đà Lạt, vị đã đón nhận dòng, trong thẩm quyền lúc ấy của ngài, từ năm 1957, khi dòng vừa lập Sở Phước Thiện và Giáo xứ Châu Ninh, 2 nơi sau này thuộc GP Buôn Mê Thuột.

 

Sự kiện đóng cửa rồi mở cửa ở Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức này khác với Trường Trung Học Đồng Công Toàn Mỹ ở Mỹ Chánh và Trường Đồng Công Nhà Đá.

Lý do chính yếu phải đóng cửa Trường Đồng Công Thủ Đức là vì an ninh nội bộ trong dòng, còn ở Mỹ Chánh và Nhà Đá là vị an ninh thời cuộc bấy giờ liên quan đến cộng sản.

 

Trường Trung Học Toàn Mỹ ở Xã Mỹ Chánh quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định đóng cửa từ ngày 29/9/1964, và mở lại từng phần sau 1968 cho tới 1974, và

Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Nhà Đá ở Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định đóng cửa năm 1971, tái mở một chút gần 2 tháng rồi đóng nữa cho tới 10/1974 mở lại.

Cuối cùng thì dù là ở đâu, Thủ Đức Sài Gòn hay Qui Nhơn Bình Định, không còn đóng rồi mở nữa mà là đóng luôn sau quốc biến năm 1975 cho tới bây giờ.

 

Có một điềm lạ đó là cho dù anh em dòng đã thôi phục vụ trước 1975 và đã biến thành Trường Trung Học Cơ Sở Nguyễn Văn Lung sau năm 1975 thời cộng sản,

thế mà giữa chóp đỉnh ở lầu nhà chính của Khu Trường Trung Tiểu học Đồng Công này vẫn còn Tượng Đức Mẹ đứng đó, không ai hạ bệ Mẹ xuống.

 

8.Thành quả : 

          

a/ Sĩ số: Niên khóa đầu tiên tức 1956-1957, số học sinh từ lớp 4 tới lớp đệ ngũ có tới gần 300 em, trong đó có tới 70 em Ký túc sinh. Nhà trường chủ trương không quảng cáo rầm rộ, chỉ thông tin vừa đủ; nhưng số học sinh mỗi ngày một đông, đặc biệt Ký túc sinh; một phần chuyền hơi cho nhau, một phần kết quả giáo dục có chiều hướng tốt, cải tạo được nhiều em hướng về đường thiện; cũng một phần vì nâng đỡ người nghèo, nên học phí tương đối hạ. Niên khóa 1969-1970 đã có gần 500 Ký túc sinh, ngoại trú gần 1.000 học sinh. 

           b/ Lực học: Thi đậu trung học phổ thông đệ nhất cấp (lớp 9) niên khoá 1957- 1958 đậu tới 80%. Tỉ lệ khá cao, sánh với toàn quốc đậu là 60%. Các năm sau tỉ lệ lên trên 90%, còn học sinh các lớp đều tiến triển khá. Rất ít em bị ở lại lớp, vì những em kém đã có bổ túc các môn chính ở tháng hè, dạy hai tháng, các em kém có thể theo kịp chúng bạn. Việc học tập, phụ huynh rất tín nhiệm ở nhà trường vì bài vở làm rất đều đặn và mỗi tháng điểm rất phân minh; có thể thấy rõ sự tiến lùi của con em để tuỳ đó cha mẹ khen thưởng hay khích lệ gắng tới trong tháng sau.

           c/ Hạnh kiềm: Phụ huynh luôn được tiếp xúc với anh Hiệu trưởng hay Văn phòng để biết rõ về hạnh kiểm con em. Tương đối ký túc sinh đã vào ký túc xá đều được biến đổi người nhiều người ít, vì đã có kỷ luật, thời khóa biểu nghiêm túc. Giữ tập thế nên ai cũng phải ép mình vào khuôn phép ít là bề ngoài. Việc phá phách ít nhiều cũng còn, vì tính irẻ năng động. Phá phách nghịch ngợm, chứ về tính nết ương ngạnh, gàn dỡ, đồi bại thì thế nào cũng phải bỏ. Ớ tại trường các em dễ vào kỷ cương, nhưng ngày về phép hay nghỉ hè lâu ở nhà mới biết rõ sự cải hoá các em đã tới đâu! Những trường hợp đó, phụ huynh phải cho nhà trường biết để rèn luyện các em hơn. Những em quá khó dạy, nhà trường buộc lòng đề nghị với phụ huynh đổi đi nơi khác.

           Với chương trình giáo dục nhà trường, không nhiều thì ít các em đều tiến bộ qua sự báo cáo của phụ huynh. Một số em có những kết quả rất khả quan, nhiều em xin trở lại đạo Công Giáo, một số nhỏ được ơn kêu gọi tu trì dòng hay triều như sẽ nói sau. Riêng các em Công Giáo, nhà trường luôn tổ chức các lớp giáo lý về xưng tội, rước lễ lần đầu hay Thêm sức. Em tâm phương là chú bé lới Tư niên khóa năm 1957-1958, với số ký danh 379 này, đã được xưng tội rước lễ ngày Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/1958. Mấy năm một lần có tổ chức lớp Rước lễ Bao đồng đế các em có dịp ôn lại hay sửa lại ý thức về kỳ rước lễ lần đầu cho có căn bản vững vàng hơn.

 

 

Trường Đồng Công nào cũng thế, chỉ có các cha các thày Đồng Công đích thân dạy cho nam sinh thôi, không thuê người ngoài, nhờ đó giúp cho học sinh của mình vừa giỏi vừa đạo hạnh.

Trong số các học sinh của Trường Trung tiểu học Đồng Công Thủ Đức, ít là có mấy tên tuổi nổi tiếng làm nên lịch sử, đó là Trần Thế Vinh, Hà Thúc Sinh và Trần Thái Văn.

 

 

(3 tấm hình dưới đây được lấy từ trên google)

 

Phi Công Trần Thế Vinh – Phi Vụ Cuối Cùng – dòng sông cũ

 

Trần Thế Vinh, sinh năm 1946, nhà ở Tam Hà Thủ Đức, một đại úy phi công anh dũng

Đại úy Vinh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời chưa tròn 26. Chiến tích trong một tuần lễ hạ 24 chiến xa của Việt cộng đã khiến anh trở thành một huyền thoại của Không lực VNCH.

 

Album Tủi Nhục Ca-Hà Thúc Sinh - YouTube

 

Hà Thúc Sinh, sinh năm 1943, học sinh của Anh Đồng Tiến (LK 2), sĩ quan hải quân, văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ, sống ở Diego CA, nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam hải ngoại,

với cuốn sách Đại Học Máu và cuốn băng Tủi Nhục Ca qua giọng hát Khánh Ly, trong đó có bài hát Chàng Thi Sĩ (hình trên, với mặt thật của tác giả) và bài Đoạn Đường Núi Sọ.

 

Bad news for Van Tran, Latino voters don't support Republican candidates –  New Santa Ana

 

 

Trần Thái Văn, sinh năm 1964, là con của giáo sứ Anh Văn Trần Văn Điền, THĐC LK 2, ở Westminster California, là dân biểu tiểu bang California một thời (2004-2010)

 

 

Trường Đồng Công Thủ Đức nổi tiếng cả sau 1975 - Năm học 1975-1976:

            * Các trường tại miền Nam khai giảng hơi muộn. Trường Đồng Công nhận đưc quãng 300-400 học sinh. Cấp ba chỉ học hết tháng hè, sau đó các em được chuyển ra học tại trường Thủ Đức và Nguyễn Hữu Huân, là hai trường cấp ba của huyện Thủ Đức.

             * Khai mạc năm học hoàn toàn theo chế độ mới: Chào cờ, sau bài quốc ca vẫn hát bài Hiệu Ca Đồng Công, trống khai trường, diễn văn của thầy Hiệu trưởng hiệu triệu học sinh, đọc thư Bác Hồ gửi học sinh...

             * Chương trình học hoàn toàn theo như  Bộ Giáo Dục đề ra:  Chỉ có ban Giám hiệu và giáo viên là anh em nhà. Đệ tử Đồng Công (ở Nhà 30 gian) cũng ra trường học chung với học sinh, ngồi hơn một bàn, quãng 6 anh em.

             Trong hoàn cảnh đất nước mới thay ngôi đổi chủ và của nhà Dòng trong thời gian mới mở trường lại, còn nhiều hạn chế về nhân sự này khác, nhưng nhờ Mẹ Đồng Công nâng đờ và ban ơn, năm học 1975-1976 đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp về các mặt đức dục, trí dục, thể dục. Trong năm học đã có các cuộc thi đua văn nghệ, tranh tài các bộ môn thể thao: Bóng đá, bóng bàn, cầu lông, banh tù... giứa các lớp và với các trường khác. Lần triển lãm học cụ các trường, trường Đồng Công cũng nổi bật. Năng lực học sinh rất khá, được Phòng Giáo Dục đánh giá cao qua lần thi đua “Dạy tốt học tốt” cho các trường tại huyện Thủ Đức.

               Tháng 12.75, Phòng Giáo Dục huyện Thủ Đức tổ chức cuộc thi đua “Dạy tốt học tốt” cho các trường cấp 1, 2 trong huyện Thủ Đức về các mặt: Kỷ luật, giáo viên lên lớp đúng giờ, cách giảng dạy, học sinh tiếp thu bài tốt... Kiểm tra quãng tháng 12.75, đợt một là đoàn kiểm tra liên trường do Phòng Giáo Dục huyện Thủ Đức chỉ đạo, mỗi môn có một người. Trong những ngày kiểm tra, học sinh đến lớp đúng giờ, đoàn kiểm tra đến sớm và xem xét kỷ luật học sinh. Đoàn cũng xem cách tổ chức của trường và dự giờ từng bộ môn của các giáo viên, rồi đoàn họp với các giáo viên và chấm điểm.

             Đặc biệt ở trường Đồng Công, trước đợt kiểm tra, anh Hiệu trưởng có hỏi ý kiến anh Xuân, Tổng phụ tá thay Anh Cả điều hành toàn Dòng khi ấy, được anh cho biết ý kiến: Anh em đừng cố gắng đạt thành tích cao kẻo sau phiền phức. Phải giữ tiềm lực, tránh  nổi nang quá kẻo sau họ để ý! Biết ý anh Tổng, anh em họp nhau nhất trí sẽ không tranh đua với các trường khác, chỉ dạy như vẫn dạy từ đầu đến giờ. Sau những ngày thi đua, đoàn kiểm tra nhận xét: Các trường khác khi chấm, giáo viên thường xin tăng điểm để lấy thế giá, còn trường Đồng Công, các giáo viên đều xin hạ điểm dù được điểm cao. Sau cuộc kiểm tra, ban kiểm tra không tiếc lời khen ngợi các giáo chức trường Đồng Công. Kết quả cuộc thi đua “Dạy tốt học tốt” trường Đồng Công đứng nhất toàn huyện, hơn cả trường công lập Linh Trung, về phương pháp dạy, tận tâm, kỷ luật tốt v.v... Sự đánh giá này của Phòng Giáo Dục huyện Thú Đức cho thấy là trường Đồng Công dạy rất tốt từ trước tới nay. Phòng Giáo Dục và các trường ở Thủ Đức ngỡ ngàng thấy trường Đồng Công ở vùng quê hẻo lánh mà có năng lực tốt vậy. Sau đó, gian hàng triển lãm học cụ của trường Đồng Công cũng được chiếu cố nhất các gian hàng triển lãm học cụ của các trường Thú Đức.

             It ngày sau cuộc thi, anh Thần đi họp với hiệu trưởng các trường. Các trường công lập cũ phản đối ban kiểm tra thiếu công minh nên trường Đồng Công mới nhất! Thấy thế, anh Thần xin nhường cho trường Linh Trung đứng nhất. Hội nghị không đồng ý vì ban kiếm tra đã làm việc và việc được xếp hạng nhất là kết quả cho thấy năng lực của trường. Trường Linh Trung công lập cũ mất mặt nên đề nghị kiểm tra lại trường Đồng Công.

            Anh Thần về hội giáo viên, xin anh em liệu dạy sao cho mình kém đi một chút, kẻo mình cứ phái đi làm mẫu mất giờ anh em. Lần kiểm tra này, đoàn kiểm tra sẽ đến bất chợt, kiểm tra đột xuất khi các giáo viên lên lớp theo thời dụng biểu. Cách thức kiểm tra sẽ đồng loạt và chặt chẽ hơn về kỷ luật trật tự học sinh; rồi kiếm tra hồ sơ, bằng cấp của giáo viên, hồ sơ các lớp... về mặt tổ chức, văn phòng trường Đồng Công đã làm đầy đủ hồ sơ về từng giáo viên, sắp xếp thứ tự hồ sơ các lớp, sổ sách đầy đủ cho mỗi lớp học.

            Sau nửa ngày làm việc, ban chiều đoàn kiểm tra ra về. Mấy ngày sau họ báo lại điểm trường Đồng Công y như trước, dù anh em đều xin hạ điểm nhưng không được. Để giữ tiếng cho trường Linh Trung, ban kiểm tra chia các trường ra hai khối công lập cũ và mới. Trường Linh Trung đứng nhất khối công lập cũ, trường Đồng Công đứng nhất công lập mới. Nếu tính chung các trường công lập, trường Đồng Công đứng nhất. Từ đó trường Đồng Công nổi tiếng trong cả huyện Thủ Đức.

 

 

 

 

 

Trường Trung Học Toàn Mỹ ở Xã Mỹ Chánh quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định Qui Nhơn

 

 

SƠ LƯỢC VỀ TRƯỜNG TRUNG HỌC TOÀN MỸ     

                                                      Tại Xã Mỹ Chánh - Quận Phù Mỹ - Tỉnh Bình Định     

              

Đầu tháng 9 năm 1957, Đức Cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn, Ngài tỏ ý xin Anh Cả cho một số anh em dòng ra giáo phận Ngài để truyền giáo. Đáp lời Ngài, Anh Cả phái một linh mục là anh Matthêô M. Phạm Văn Hoá (Đức Phương) và hai anh Đaminh M. Đoàn Đức Khiêm (Văn Uyên) và Giuse M. Phạm Văn Nhất (Đức Khiêm) làm thành phái đoàn truyền giáo đầu tiên lên đường ngày 16 tháng 10 năm 1957.

                   

1.    Đoàn Truyền giáo ĐC chọn Mỹ Chánh làm trụ sở chính:

         Phù Mỹ là một trong 12 quận thuộc tỉnh Bình Định, nằm về phía Bắc và Đông Bắc cách thị xã Qui Nhơn 60 km, diện tích chừng 527 km vuông, dân số 114.000 người (thống kê 1958-1959). Mỹ Chánh là một trong 15 xã thuộc quận Phù Mỹ, diện tích 57 km vuông và dân số 14.583 người, cử tri 7631, nóc gia 2576, đảng viên CS 700 người,tập kết ra Bắc 500 người. Khi phái đoàn Truyền giáo Dòng Đồng Công đi hoạt động ở giáo phận Qui Nhơn, đã rảo khắp các xã thuộc quận Phù Mỹ, quan sát, tìm hiểu, nhận định thế thái, thấy cần phải mở trường dạy học để có cơ hội tiếp xúc với quần chúng nhân dân, mở mang trí tuệ, trình bày chân lý, ý nghĩa cuộc sống hiện tại và tương lai v.v…

Sau một thời gian tương đối đã chọn Mỹ Chánh để xây dựng cơ sở chính, vì Mỹ Chánh ở vào vị trí trung tâm, khí hậu mát mẻ,  tiện đường giao thông đi lại các xã, kinh tế đa dạng, nổi tiếng về muối (muối đề gi), có chợ phiên An Lương mỗi tháng họp 6 lần vào các ngày 3-8, 13-18, 23-28 theo Âm lịch. Dân chúng Bình Định nói chung hiếu học, xã Mỹ Chánh có trình độ văn hóa bậc nhất Phù Mỹ, nhưng vì tài chính eo hẹp, hầu hết chỉ qua cấp một. Cả quận chưa có trường Trung học, muốn học cấp hai trở lên, phải đi Qui Nhơn hoặc Bồng Sơn, ít người có khả năng theo đuổi! Vì thế khi nghe tin mấy ông thầy Công giáo mở Trường Trung học, người người già trẻ lớn bé đều vui mừng phấn khởi …

Lại nữa, nếu cất nhà thờ ngay khi người ta chưa tin Chúa, hoặc đã tin, nhưng vì đức tin còn non yếu, nếu gặp khó khăn thử thách, có thể sống đạo nhếch nhác đến bỏ đạo và nhà thờ sẽ trống rỗng! Bởi vậy, trước tiên ban truyền giáo nghĩ ngay đến việc giáo dục tất sẽ có cơ hội thuận tiện để tiếp xúc với quần chúng, làm quen gây thiện cảm, dần dần đưa họ về chính lộ. Tình hình lúc này, ông Quận Trưởng Phù Mỹ đang vận động xây cất trường trung học bán công, phía Phật giáo, họ cũng đang rục rịch mở trường…

Trước  những lý do trên, việc  cấp  bách là các  chiến  sĩ truyền giáo Đồng Công tiên  khởi quyết  định xúc tiến ngay công việc mở trường trung học. Nhưng là công việc của gia đình dòng - có tính cách pháp nhân, để giải quyết, anh Hoá bay về Thủ Đức thưa Anh Cả sự  việc… Được Anh Cả  chấp  thuận cho mở trường.

2.    Kiếm đất xây Trường:

         Kiếm được khu đất đủ rộng để xây trường Trung học không phải dễ, nhất là đối với những người xa lạ ở đâu tới!  Đang lúc lo đêm, tính ngày tìm địa điểm xây trường, may mắn gặp ông Trần Thanh, người làng Vạn Phúc, phủ Diễm Châu, tỉnh Nghệ An là công chức Nhà Nước được điều về Phù Mỹ có nhiệm vụ thu thuế muối, rất nhiệt thành trong việc giúp đỡ Cha Hóa mua đất cất trường. Khởi đầu gặp khó khăn, nhưng nhờ tài ngoại giao khôn khéo thuyết phục ông Nguyễn Phương bán cho Cha Hóa mảnh đất bỏ hoang, ruộng không ra ruộng, ao chẩng ra ao. Ông Lê Phổ có bãi đất cát nằm cạnh sông, nước mặn không cầy cấy được nên mua với giá rẻ mạt chỉ hết 2.500 đồng, Văn tự đoạn mại ký ngày 4.2.1957. Sau tháng sau bãi đất hoang đã có diện tích 6.000 mét vuông, bằng phẳng rất đẹp do cả nhân công lao động, khiêng gánh cát ở lòng sông cạn gần đó bồi đắp lên. Nhiều người qua lại không tiếc lời khen ông Cha nhìn xa thấy rộng…

3.    Khởi công xây Trường với tên Toàn Mỹ:

          Ngày 12.12.1958, Thầy Đinh Minh Đạo, chuyên viên xây cất của Dòng, nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kiến trúc lên đường đi Mỹ Chánh. Sau một tuần khảo sát thực địa, ngày 20.12.1958 khởi công xây trường hình dáng chữ T, nét ngang nằm trên dài 60 m, rộng 10m, nét thẳng đứng là Nhà Thờ. Trong khi công việc xây cất tiến hành, Cha Hóa, Hiệu Trưởng, đích thân lo, cũng được tập thể  Hội Dòng quan tâm cân nhắc, tên gọi phải có ý nghĩa với cả tâm tình “Tốt đạo đẹp đời”.

        Cái hay là quận Phù Mỹ có 15 xã, xã nào cũng bắt đầu bằng chư “Mỹ” (đẹp): Mỹ Chánh, Mỹ Thọ, Mỹ Thành … tất cả đều đẹp gọi là Toàn Mỹ. Theo truyền thông Công Giáo, mỗi người hoặc mỗi công trình to lớn đều cậy nhờ một Đấng thánh bảo trợ, cũng như ta thường lấy tên vị anh hùng dân tộc để đặt cho trường học, đường phố v.v… Trường Toàn Mỹ được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria tước hiệu Vô Nhiễm, hoàn toàn xinh đẹp, “Tota Pulchra Est Maria” tức Toàn Mỹ. Cũng nên nói thêm, trường Toàn Mỹ đúng như tên gọi dành cho tuổi trẻ các xã của Phù Mỹ, nhưng cánh cửa vẫn mở rộng hân hoan đón nhận những ông chủ tương lai cả đất nước ở bất cứ đâu tới …

4.    Ghi danh nhận học sinh – Khai giảng:

          Ngày 13.7.1969, hai Thầy Vũ Thanh Thiên và Trần Quốc Thanh tới Mỹ Chánh bắt đầu ghi danh nhận học sinh lớp đệ thất tức lớp 6 ngày nay.

       Ngày 15.8.1959, giai đoạn xây dựng hoàn tất, lễ Khánh Thành có ông Quận trưởng Phù Mỹ, chính quyền thôn, xã và khá nhiều thân hào nhân sĩ Mỹ Chánh tham dự trong bầu khí vui tươi, phấn khởi.

       Năm học đầu tiên (1959-1960) khai giảng vào đầu tháng 9, 1959 chỉ có 4 lớp Đệ Thất, mỗi lớp tren 40 học sinh, đến từ nhiều xã trong và ngoài quận Phù Mỹ, đặc biệt cả trường từ Ban Giảng huấn tới học sinh toàn dân tóc ngắn Khánh thành, nhưng công việc xây cất chưa hoàn tất, hai ông Xuyến và Nại là đệ tử ruột của Thầy Đạo cứ miệt mài đúc gạch chuẩn bị lên lầu để đáp ứng nhu cầu số học sinh cho năm sau cao hơn năm trước. Năm học 1960-1961, trường đã có lớp học trên lầu, có trạm xá phát thuốc miễn phí, quán cơm xã hội giúp học sinh nghèo bữa cơm trưa. Một dẫy nhà 10 gian nằm sát bên hồ cá nên thơ dành làm Ký túc xá cũng hoàn thành cuối năm học 1962-1963. Lần đầu trường có học sinh dự thi Trung học phổ thông kết quả rất khích lệ, tỷ lệ số đậu (99%) cao hơn cả trường công. Toàn Mỹ lúc này mới thật khang trang thoáng mát bên dòng sông Bến Trễ. Có những tấm ảnh đứng trên cầu Hiền Lương thực hiện rất nên thơ (tên Hiền Lương mới phát sinh vì nhà ông Lê Bảo gần chân cầu, đối diện với cổng trường có hai chị em tên Liên, Trường ngoại hình đủ tiêu chuẩn làm hướng dẫn viên du lịch hoặc tiếp viên hàng không, (không phải cầu Hiền Lương qua sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17).

                                    

 

Đầu tháng 9 năm 1957, Đức Cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn, Ngài tỏ ý xin Anh Cả cho một số anh em dòng ra giáo phận Ngài để truyền giáo. Đáp lời Ngài, Anh Cả phái một linh mục là anh Matthêô M. Phạm Văn Hoá (Đức Phương) và hai anh Đaminh M. Đoàn Đức Khiêm (Văn Uyên) và Giuse M. Phạm Văn Nhất (Đức Khiêm) làm thành phái đoàn truyền giáo đầu tiên lên đường ngày 16 tháng 10 năm 1957.

Khi các chiến sĩ truyền giáo đến vùng dân ngoại thuộc quận Phù Mỹ tìm hiểu… thì biết rằng quận Phù Mỹ hiện nay chưa có trường trung học, và đại đa số phụ huynh đang ước mong có nơi cho con em thụ huấn. Lại nữa, nếu cất nhà thờ ngay khi người ta chưa tin Chúa, hoặc đã tin, nhưng vì đức tin còn non yếu, nếu gặp khó khăn thử thách, có thể sống đạo nhếch nhác đến bỏ đạo và nhà thờ sẽ trống rỗng! Bởi vậy, trước tiên ban truyền giáo nghĩ ngay đến việc giáo dục tất sẽ có cơ hội thuận tiện để tiếp xúc với quần chúng, làm quen gây thiện cảm, dần dần đưa họ về chính lộ. Tình hình lúc này, ông Quận Trưởng Phù Mỹ đang vận động xây cất trường trung học bán công, phía Phật giáo, họ cũng đang rục rịch mở trường…

Trước  những lý do trên, việc  cấp  bách là các  chiến  sĩ truyền giáo Đồng Công tiên  khởi quyết  định xúc tiến ngay công việc mở trường trung học. Nhưng là công việc của gia đình dòng - có tính cách pháp nhân, để giải quyết, anh Hoá bay về Thủ Đức thưa Anh Cả sự  việc… Được Anh Cả  chấp  thuận cho mở trường. Việc tiếp theo là tìm tên trường xét theo hai phương diện:

- Cần có tiếng gì nhắc đến Đức Mẹ là Đấng cưu mang, bảo trợ và duy trì công cuộc truyền giáo, đặc biệt tôn vinh Đức Mẹ là quan thày.

- Tên trường cần danh từ mang được ý nghĩa địa danh vì trường đặt tại xã Mỹ Chánh, một xã trong mười lăm xã thuộc quận Phù Mỹ mà xã nào cũng có chữ đầu là “MỸ”. Sau khi nêu các lý do, Anh Cả đã góp ý nên đặt tên trường là: TOÀN MỸ. Toàn Mỹ, ghép bởi hai chữ TOÀN là tất cả - hoàn toàn (tota) và MỸ là đẹp.

- Toàn Mỹ là hoàn toàn xinh đẹp (Tota pulchra), chỉ Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của trường. Đúng như lời giáo hội ca tụng Mẹ: Tota pulchra es, o Maria! Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều trông nhờ ở Mẹ. Nay lấy tên là trường TOÀN MỸ, nhận Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng thật chí lý lắm vậy.

Sau khi chọn tên trường, tiếp đến việc mua đất để xây cất…

Anh Cả nhờ Phanxicô M. Đinh Minh Đạo từ Thủ Đức ra Mỹ Chánh tiếp nhận công trình ngày 12 tháng 12 năm 1958, và anh khởi sự công việc vào hôm sau, thứ Bảy. Trong khi đó, anh Hoá tiến hành xin phép mở trường… chính anh giữ chức hiệu trưởng, anh Vũ Thanh Thiên đảm trách Giám Học, anh Trần Quốc Thanh đảm trách việc Văn Phòng, và thời gian đầu này, anh Hoá đã thuê mười giáo chức ngoài đến dạy.

Ngày 13 tháng 7 năm 1959, văn phòng trường trung học Toàn Mỹ mở cửa bắt đầu ghi danh nhận học sinh lớp đệ thất (tức lớp 6).

Giai đoạn xây cất trường gồm trệt và một lầu tuy chưa hoàn tất, nhưng theo truyền thống Công Giáo, là con cái của Mẹ, thích chọn ngày lễ kính Mẹ để tôn vinh Mẹ, để cảm tạ Mẹ đã ban cho bước đầu xây dựng được thuận lợi ngoài sự ước mong, thế nên Ban Giám Hiệu quyết định tổ chức lễ khai giảng vào ngày lễ Mẹ Mẹ Lên Trời 15 tháng 8 năm 1959, có sự hiện diện của ông Quận Trưởng quận Phù Mỹ, chính quyền xã, thôn và khá nhiều thân hào nhân sĩ tham dự. Năm học mới có bốn lớp đệ thất, sĩ số mỗi lớp trên 40 học sinh nam đến từ nhiều xã trong và ngoài quận Phù Mỹ.  

Tiếp đến niên khoá thứ hai 1960 - 1962, trường đã có lớp học trên lầu, có trạm phát thuốc miễn phí, có quán cơm phục vụ học sinh nghèo, và một dãy nhà nằm bên hồ cá làm ký túc xá cũng hoàn thành. Khu trường Toàn Mỹ khang trang, thoáng mát soi bóng trên sông Bến Trễ nên thơ, nơi đây cũng chính là trung tâm truyền giáo mà anh em Đồng Công phục vụ trong  giáo phận Quy Nhơn này.

Trong thời khoảng 1968 đến 1974 ấy, anh em Đội IX, sau lần khấn đầu tiên vào Lễ Mẹ Chuộc Nô 24/9/1967 ở Qui Đức Qui Nhơn, một số anh em đội đã được sai phái đến phục vụ ở Trường Toàn Mỹ này, nơi Anh Tuyên (LK 3) đang trực và Anh tân Linh mục Phạm Tiến Đức làm đầu, và em tâm phương này cũng đã được ở đây một thời gian ngắn, để phục vụ làm bếp cho các anh cùng lớp khấn dạy học, cho đến khi bị thương hàn, rồi sau đó được thuyên chuyển về Trại gà Thiện Chí của Dòng ở Khu Kitô Vương Thủ Đức năm 1968 cho đến năm 1970. Cũng trong thời khoảng ấy, các lớp không dạy đủ các môn học theo chương trình nhà nước, mà có thể gọi là bổ túc văn hoá thì đúng hơn, và số học sinh chỉ trên dưới 300 em cả nam lẫn nữ.  

Anh em dòng ban bí tích Thánh Tẩy ở Mỹ Chánh.

Trong thời gian ngắn ngủi ở Mỹ Chánh này, em đã từng chứng kiến thấy một đám tang, có 2 người khiêng quan tài, và một người đàn bà lẽo đẽo theo sau, không một tiếng khóc, vì quá đau thương, đã cạn khô nước mắt!

5.    Đóng cửa Trường (29-9-1964):

         a/  Lý do: Vui chưa qua, sầu đã tới. Một cuộc chia ly vô cùng đau xót: Chiến sự mỗi lúc gia tăng, trường phải đóng cửa (29.9. 1964). Thầy vội vã ra đi, trò ở lại ngơ ngác… Chỉ có số nhỏ được mấy Thầy bảo lãnh vào Nam tiếp tục học hành hoặc đi với gia đình tìm cuộc sống mới.

        b/ Nhìn lại quá khứ: Hơm 40 năm nhìn lại, nhiều cậu bé học sinh Toàn Mỹ năm xưa đến từ những làng quê nghèo túng, cứ hết giờ học lại phải cắt cỏ chăn trâu, vất vả phụ giúp gia đình lúc này đã thành ông nội, ông ngoại ở thành phố có cuộc sống ổn định; con cái học hành thành đạt kỹ sư, tiến sĩ, không ít người đang sống ở các nước văn minh Âu, Mỹ. Đôi khi thầy trò cũ gặp nhau được nghe tiếng nói của con tim: “Không có Toàn Mỹ chúng con không có ngày nay”. Được làm con Cha trên trời còn tốt hơn, rất tiếc nhiều người chưa cảm nhận được điều đó ! …

       Sau biến cố Tết Mậu Thân, từ 1968 đến 1974, nhiều lần trường Toàn Mỹ mở cửa lại nhưng đóng mở, mở đóng theo tình hình an ninh … Trường sở chỉ sửa lại qua loa. Lúc này không dạy đủ các môn theo chương trình nhà nước, gọi là lớp học tình thương hoặc bổ túc văn hóa mới đúng. Không còn Toàn Mỹ, chỉ còn một Mỹ là Mỹ Chánh, vậy mà có lúc số học sinh tới hơn 300 em. Dạy miễn phí cả nam lẫn nữ. Các Thầy thường ở Phù Mỹ hoặc Nhà Đá, khi nào tình hình an ninh cho phép, đạp xe tới dạy, vào lúc bất ổn kéo về Phù Mỹ hoặc Nhà Đá.Thời gian chế độ thay đổi (1975) thầy một nơi, trò một ngả, trên mọi niền đất nước, hay lưu trú nước ngoài tìm sống …

       Ngày 8.12.1999,  hội Ái Hữu cựu học sinh Toàn Mỹ được hình thành với sự dẫn dắt ưu ái của Cha Linh hướng Phạm Anh Thân (RIP 2005), các thầy cố vấn Vũ Thanh Hải, Đoàn Đức Khiêm, Trần Nam Việt, Phạm Văn Thế … Các thầy cũ trò xưa dân dần qui tụ để ôn lại những kỷ niệm ngày nào nơi mái trường đáng nhớ.

       c/ Những người đã góp công của xây Trường: Nhìn lại thời gian, những người góp công, góp của làm nên ngôi trường Toàn Mỹ đã về thế giới bên kia:                                    

-  Cha Hiệu Trưởng Phạm Văn Hóa, người Sáng Lập trường.                                                                               

-  Thày Giám Học Vũ Thanh Thiên.                                                                                                        

- Thày Sinh ngữ Trần Quốc Thanh                                                                                                                    

- Thầy Đinh Minh Đạo, thiết kế xây dựng trường.                                                                                                   

- Thầy Trần Gia Thế, Quản lý mua vật liệu xây dựng trường.                                                                    

- Thầy Nguyễn Khoa Vinh, giáo viên Việt Văn, tác giả bài ca trường Toàn Mỹ.

-  Các ông Trần Thanh, ông Xuyến, ông Nai là những người có công lớn trong nững ngày đầu xây dựng trường. Chắc các vị trên đang hưởng phúc quê trời mỉm cười với chúng ta đang thừa hưởng nếp văn hóa của Toàn Mỹ.

       Đất Mỹ Chánh còn đó, ngôi trường mang tên Toàn Mỹ không còn nữa, nhưng trong lòng các cậu bé học sinh Toàn Mỹ năm nào luôn sống mãi những gì đẹp nhất của thời học sinh nơi quê cũ.

 

Anh Linh mục Matthêu M. Phạm Văn Hóa (1914-1987) Trưởng Ban Truyền Giáo và thiết lập trường trung học Toàn Mỹ

Sau khi Trường Trung Học Đồng Công Toàn Mỹ bị đóng cửa bất đắc dĩ năm 1964, nhân dịp Dòng chuyển Nhà Mẹ ra Qui Nhơn, ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp, Anh Cả cùng với khoảng chừng 20 anh em đã xuống Mỹ Chánh vào đầu Tháng 6/1967 để tìm cách tu sửa và tái mở cửa.

Trong thời gian 2 tuần ở đây, anh em đã đi tắm bải biển Tân Thành 2 lần, cách Mỹ Chánh 15 cây số. Lần nhất Anh Cả cũng tắm với anh em, nhưng tới 3 giờ chiều thì về. Lần hai Anh không tắm nữa, nhưng đi tham quan khu vực địa phương vắng vẻ và nhuốm mầu u ám đến rợn người này, tới độ Anh Cả không dám tiếp tục đi thăm dò và giục anh em nhanh chóng trở về, kèm theo lời căn dặn: "Từ nay không đi tắm bể Tân Thành nữa. Thay vì tắm bể Tân Thành thì gắng tắm bãi bể Trung Xuân thôi". Rất tiếc, sau đó hơn 1 tháng, ngày 15/7/1967, một số anh em tắm ở Trung Xuân, còn đa số vẫn thích ở Tân Thành, nên xin Anh Cả, vị đã trả lời cho các anh này rằng: "Tùy ý các em, anh không cấm..."

Sáng ngày 16/7 anh còn nói rõ cho 15 anh em ra đi không hẹn ngày về rằng Anh không thích cho đi tắm bể Tân Thành nữa, vì Anh linh cảm thấy dấu không lành! Và đúng như vậy, cho tới 4 giờ chiều hôm ấy vẫn chưa thấy 15 anh em về, Anh không còn muốn ăn, muốn nói gì nữa. Đêm Anh ngủ được 2-3 tiếng. Cả ngày thừ người ra. Ban đêm cứ khóc hoài vì thương nhớ anh em. Cuối cùng Anh phải về Nhà Đá để giúp cho Lớp Tận IXA dọn mình khấn lần đầu 24/9/1967 ở Qui Đức, vì tình hình đột xuất bất ổn ở Nhà Đá bấy giờ. Còn 15 anh em thì cho tới 1975 và sau 1975 cũng chẳng thấy gì...Đó là Quí Anh: 

 Isiđôrô M. Hiếu, vt, lớp khấn II 

 Bênađô M. Khai, vt, lớp khấn II

Tôma M. Viễn, vt, lớp khấn III

Athanasiô M. Thiệp, vt, lớp khấn III

Batôlômêô M. Thông, vt, lớp khấn III

 Tađêô M. Hạnh, vt, lớp khấn IV

 Rômualđô M. Huân, vt, lớp khấn V

Isiđôrô M. Ngoạn, vt, lớp khấn V

 Gioan TG. M. Khải, ht, lớp khấn VI

 Anrê Corsinô M. Tinh, vt, lớp khấn VI

 Gioan Đamascênô M. Kha, ht, lớp khấn VI

 Ambrôsiô M.  Bài, ht, lớp khấn VII

 Albertô M. Bửu, ht, lớp khấn VII

Ambrôsiô M.  Luyện, ht, lớp khấn VII

  Phêrô M. Bản, nt, lớp khấn IX

 

 

Qui Đức

 

 

DÒNG ĐỒNG CÔNG TẠI QUY ĐỨC TỈNH BÌNH ĐỊNH - GIÁO PHẬN QUY NHƠN

Để Hội Dòng có cơ hội phát triển, và sau khi được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, TGM Saigon cho Nhà Mẹ của Dòng tại Thủ Đức rời khỏi giáo phận Ngài, đồng thời được Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn OP, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn đón nhận cho Anh Cả di chuyển Nhà Mẹ vào giáo phận Ngài.

Được như ý nguyện, khoảng tháng 9 năm 1963, Anh Cả di chuyển Nhà Mẹ ra khu trung tâm truyền giáo, nơi đây cũng là trường trung học Toàn Mỹ của Dòng tại xã Mỹ Chánh, quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cách thị xã Quy Nhơn 75 cs về hướng đông. Nhưng không được bao lâu, Anh Cả nhận thấy có điều không ổn về đức bác ái… nên đầu tháng 1 năm 1964, Anh đã xin Đức Cha giáo phận rời Nhà Mẹ vào cạnh khuôn viên nhà thờ Quy Đức thuộc ấp Tháp Đôi, ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Thửa đất này rộng 400 thước vuông đã có sẵn 2 ngôi nhà nhỏ do anh Matthêô M. Phạm Văn Hoá, Lm Lk II, giới thiệu mua lại của ông bà Nguyễn Văn Lộc (quen gọi là ôb Hưng). Thấy quá chật chội, Anh Cả cho anh Phanxicô M. Đinh Minh Đạo, Lk I xây nên ngôi nhà có lầu: dành 3 gian làm nhà nguyện, 2 gian phòng học cho lớp triết, thần, cùng mấy gian khác để anh em sinh hoạt… Mấy năm sau vì cần thiết, Anh Cả cho làm thêm những gian nhà sàn ván gỗ hầu dung nạp được số đông anh em cư ngụ. Nhưng cũng quá chật chội, Nhà Mẹ được di chuyển ra Địa Sở Nhà Đá - Phù Mỹ vào cuối năm 1965, đầu năm 1966. Sau đó, vì chiến tranh lại phải di vào Quy Đức. Cho đến tháng 8.1974 vì thời cuộc trong toàn miền Nam Việt Nam biến động, nên Anh Cả di Nhà Mẹ từ Quy Đức - Quy Nhơn về Khu Kitô Vương Thủ Đức. Và giữa tháng Ba năm 1975, hội dòng bỏ ngỏ vĩnh viễn trụ sở Quy Đức.

Ngoài ra cần ghi lại đây là, khi Hội Dòng hiện diện trên miền Trung này, Bề Trên đã cho anh em mua một ngôi nhà ngói 3 gian để làm nơi dừng chân cạnh khuôn viên nhà thờ Phù Mỹ. Về sau các linh mục nhà ta đã thay nhau coi sóc giáo xứ này, và cả xây một dãy nhà trong khuôn viên nhà thờ để mở các lớp tiểu học miễn phí.

              

Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn OP, vị ân nhân đặc biệt của dòng, ăn sáng tại Nhà Mẹ Đồng Công Quy Đức, Quy Nhơn, 1972.

 

Nhà dòng cũng có một nhà vào đầu năm 1964 ở Qui Đức trong Thị xã Qui Nhơn, thuộc Giáo phận Qui Nhơn.

 

Lớp thần học II của Dòng ở Qui Đức trước khi Nhà Mẹ từ Thủ Đức được chuyển ra Qui Nhơn tại Nhà Đá, để làm nơi Dòng tự đào luyện linh mục của dòng:

Hình trên tuy mờ vẫn có thể nhận ra bóng dáng của Anh Minh Đăng (đầu trái) đang giảng dạy, hàng 1: từ trong ra: Aa Đức, Xuân, Nam; hàng 2: Aa Giáo, Kiên, Tự

Hàng trên, không kể Anh Cả: Aa. Minh Đăng, Nam, Tự, Xuân - hàng dưới: Aa Đức, Giáo, Kiên

Lớp thần học III: Quí Anh Giáo, Huyên, Lượng, Thiên, Sơn, Ban, Liên cam kết... trước khi tiến chức LM năm 1973

 

 

NHÀ MẸ DÒNG ĐỒNG CÔNG TẠI ĐỊA SỞ NHÀ ĐÁ

 

Xã Mỹ Hiệp - Quận Phù Mỹ - Tỉnh Bình Định 

Dịp lễ Giáng Sinh năm 1965, Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn, OP, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn nhờ Hội Dòng coi sóc Địa Sở Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ cách thị xã Quy Nhơn 60 cây số.

Đầu năm 1966, Anh Cả cùng anh em tới địa sở trên, kiến thiết 3 dãy nhà lập thành hình chữ U, với ngôi nhà 8 gian lớn hơn ở giữa làm nhà nguyện, và được Đức Cha giáo phận ưng thuận cho di Nhà Mẹ từ Quy Đức ra đây. Đồng thời Anh Cả cũng cho kiến thiết hai dãy nhà khang trang để mở trường trung tiểu học như một cơ sở truyền giáo của dòng. Tới cuối tháng 3 năm 1971, vì thiếu an ninh trầm trọng phải đóng cửa trường học, triệt hạ các dãy nhà và di chuyển anh em vào lại Quy Đức.

Trung tuần tháng 4 năm 1974, Anh Cả cho tái thiết trụ sở Nhà Đá, cùng có một số ít anh em ở để mở lại trường. Nhưng sau đó, tình hình chiến sự trở nên khốc liệt, người ta dự đoán rất có thể giao thông Trung - Nam bị cắt đứt, nên ngày 21.8.1974, Anh Cả cùng Tổng Hội Đồng Cố Vấn quyết định di chuyển Nhà Mẹ về Khu Kitô Vương, Thủ Đức với sự chấp thuận của ĐC Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám Mục gp Quy Nhơn và ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, giáo khu Saigon.

Cho đến giữa tháng 3 năm 1975, anh em Dòng gấp rút di tản, vĩnh viễn bỏ ngỏ tất cả các trụ sở của mình nơi giáo phận Quy Nhơn.

Nhà Đá đã từng là Nhà Mẹ thứ hai sau Nhà Mẹ tiên khởi lâu đời ở Thủ Đức. Theo lịch sử dòng thì Nhà Mẹ của dòng hầu như di động theo nhu cầu linh mục phải được chính dòng đào tạo. Tức là ở đâu dòng có thể đào tạo linh mục được thì xin Vị giám mục ở đó cho phép lập Nhà Mẹ. Do đó Nhà Mẹ cứ phải di chuyển theo nhịp tranh thủ linh mục của dòng và cho dòng, có lúc ở Khu Kitô Vương, hay ở Tu viện Thiên Mẫu Di Linh v.v. Căn cứ vào hậu trường tranh thủ linh mục Đồng Công như thế mới biết Nhà Đá, cho dù không phải là Nhà Mẹ tiên khởi của Dòng từ thời điểm ban đầu khi dòng mới từ bắc vô nam, nhưng đã từng trở thành Nhà Mẹ cưu mang các vị linh mục tiên khởi của dòng do chính dòng đào tạo, thành phần lãnh đạo dòng sau này.

 

Tuy nhiên, Dòng đã phải trả một giá khá cao cho các đợt linh mục được chính dòng cưu mang và sinh hạ này, vì Nhà Đá là một địa sở hầu như không vị thừa sai trong Giáo Phận Qui Nhơn dám nhận và dám đến. Không biết có phải vì thế, một đàng vì nguy hiểm, một đàng tin vào "Cha thánh Thủ" có tiếng từ ngoài bắc, mà Đức Cha Hoàng Văn Đoàn và Hội Đồng Giáo Phận Qui Nhơn đã trao cho Dòng Đồng Công địa sở Nhà Đá hay chăng?

 

Chính Anh Cả đã chấp nhận bằng tất cả lòng tin tưởng phó thác vào Trời Cao, miễn là dòng có thể tự đào tạo linh mục, thành phần linh mục được ngài coi trọng đến độ đã tuyển chọn rất kỹ lưỡng, "quí hồ tinh bất quí hồ đa", một niềm tin tưởng cậy trông đã được ngài đã bày tỏ trong cuốn Lý Tưởng Đồng Công như thế này: "Con đưa anh em ra đây, nhiều anh em yếu đức tin, thiếu lòng phó thác nơi Mẹ, lại cho là con liều lĩnh, đưa anh em vào hang cọp. Nhưng có Mẹ cọp cũng chẳng làm hại Đoàn Con Mẹ không phải một tháng, một năm, mà trong sáu năm trường Mẹ ạ". Bởi theo địa dư chính trị thì Nhà Đá là con đường ruột của việt cộng ở trên núi, từ Mỹ Chánh đến An Trinh và Phù Mỹ, một vùng đất chính dòng vào ngày 16/7/1967 đã bị mất tích 15 anh em dòng

Đúng vậy, vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1965, Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn, OP, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn nhờ Hội Dòng coi sóc Địa Sở Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ cách thị xã Quy Nhơn 60 cây số. Đầu năm 1966, Anh Cả cùng anh em tới địa sở trên, kiến thiết 3 dãy nhà lập thành hình chữ U, với ngôi nhà 8 gian lớn hơn ở giữa làm nhà nguyện, và được Đức Cha giáo phận ưng thuận cho di Nhà Mẹ từ Quy Đức ra đây. Đồng thời Anh Cả cũng cho kiến thiết hai dãy nhà khang trang để mở trường trung tiểu học như một cơ sở truyền giáo của dòng. Tới cuối tháng 3 năm 1971, vì thiếu an ninh trầm trọng phải đóng cửa trường học, anh em dòng cấp tốc triệt hạ các dãy nhà và di chuyển anh em về Quy Đức ở Thị xã Qui Nhơn.

Trung tuần tháng 4 năm 1974, Anh Cả cho tái thiết trụ sở Nhà Đá, cùng có một số ít anh em ở để mở lại trường, trong đó em tâm phương đã được Anh Cả sai phái từ Lương Sơn Phan Rí ra. Bấy giờ Anh Linh mục Trần An Tĩnh làm Giám đốc, có quí Anh Đạt (LK II), Anh Cao Xuân Cảnh và Anh Lưu Chủ (cùng đội IX) v.v.. Nhưng sau đó, tình hình chiến sự trở nên khốc liệt, người ta dự đoán rất có thể giao thông Trung - Nam bị cắt đứt, thêm vào đó, Đức Cha Hoàng văn Đoàn chết ở Sài Gòn, và Đức Cha Huỳnh Đông Các lên thay, nên ngày 21.8.1974, Anh Cả cùng Tổng Hội Đồng Cố Vấn quyết định di chuyển Nhà Mẹ về Khu Kitô Vương, Thủ Đức với sự chấp thuận của ĐC Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám Mục GP Quy Nhơn và ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, giáo khu Saigon. Thế là Tháng 9/1974, Nhà Mẹ và Lớp Thần Học III (15 anh em ở Qui Đức bấy giờ) được dời về Khu Kitô Vương. Cho đến cuối tháng 3 năm 1975, đúng ngày Thứ Năm Tuần Thánh 27/3, toàn thể anh em Dòng tử thủ bấy giờ đã gấp rút di tản, vĩnh viễn bỏ ngỏ tất cả các trụ sở của mình nơi giáo phận Quy Nhơn.

Nhà Mẹ (từ 1966) ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định Qui Nhơn, nơi đã có 3 lớp thần học đầu tiên do dòng đào tạo,

có toàn bộ Lớp khấn IX A.B.C, và biến cố Tổng Tu Nghị III 1970,

trước khi chỗ này được chính anh em phá bỏ năm 1971, rồi được tái thiết vào năm 1974,

cho tới Thứ Năm Tuần Thánh 3/1975 anh em dòng (trong đó có em) rút quân cùng các nơi về hết Thủ Đức theo lệnh Anh Cả;

hiện nay đang được Nhà Nước biến đổi theo nhu cầu địa phương này

 

 

Lớp linh mục đầu tiên được chính dòng đào tạo ở Nhà Mẹ Nhà Đá và được thụ phong ở Giáo phận Qui Nhơn năm 1967 (từ trái):

Anh Xuân (LK2), Anh Kiên (LK3) và Anh Đức (LK1); Anh Nam đã ra triều ở Qui Nhơn

 

 

Vấn đề linh mục Đồng Công do chính dòng đào tạo

 

Câu chuyện chuyển Nhà Mẹ ra Giáo Phận Qui Nhơn, chỉ vì nhu cầu linh mục dòng cần phải được chính dòng đào luyện, là cả một vấn đề gay go và kéo dài. Thật vậy, sau khi dòng di cư vào nam năm 1954, và sau khi đã ổn định ở Thủ Đức, Anh Cả liền nghĩ đến việc huấn luyện anh em và phát triển dòng ở trong miền đất mới free cộng sản này.

 

Trước hết Anh Cả ngỏ ý xin Đức Cha Phạm Ngọc Chi cho dòng mở lớp triết học, vị giám mục đại ân nhân thứ hai của dòng, (sau vị đại ân nhân thứ nhất là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, vị giám mục đã cho dòng thành Hội Đạo Đức vàop năm 1948, bước đầu tiên để thành dòng), đã giúp dòng trong việc được tòa thánh hợp thức hóa vào cuối năm 1952. Thế nhưng ngài không đồng ý, bởi trong Sắc Lệnh ngài ban hành của ngài bấy giờ trong Giáo Phận Bùi Chu để thành lập Dòng Đồng Công là Dòng Giáo Dân (Congregatio Laicalis).

 

Tuy nhiên, theo hiến pháp dòng (khi em còn ở trong dòng) thì Dòng Đồng Công được ghi rõ ràng là "dòng giáo sĩ", và Hiến Pháp Dòng đã được Tòa Thánh châu phê là "dòng giáo sĩ" từ cuối năm 1952, (chứ không phải dòng giáo dân, thuần túy làm frere như các Sư Huynh Dòng Gioan Lasan chuyên giáo dục thanh thiếu niên nghèo), trong đó hiến pháp dòng xác định rõ thành phần linh mục cần phải có để phục vụ anh em dòng cả về hành chính quản trị phụng vụ lẫn phụng vụ mục vụ, nhưng chỉ ở con số 1/3 trong tổng số anh em dòng.

 

Sau đó, Anh Cả đã xoay sở cách khác. Vào năm 1960, Tổng Giáo Phận Sài Gòn có tân Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình. Anh Cả đã ngỏ ý xin ngài mở lớp triết học cho các anh em dòng được chọn học làm linh mục. Ngài đồng ý. Và đó là lý do lớp triết đầu tiên được mở màn với 7 anh: Độ, Đức, Nam, Tự (4 anh Đội I), Xuân (Đội II), Giản và Kiên (Đội III). Tuy nhiên, khi học hết hai năm triết vào năm 1963 thì bị ngưng lại, bởi Đức Tổng đặt điều kiện nếu nhà dòng muốn mở khoa thần học, đến độ nếu Anh Cả chấp nhận thì dòng không còn quyền lợi gì về linh mục và cũng không có quyền tuyển chọn linh mục theo nhu cầu của dòng.

 

Nên lưu ý ở đây là, Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn đã quá biết dòng đang cho anh em theo học linh mục ở Chủng Viện Xuân Bích (Sulpice) ở Sài Gòn, nên có thể vì thế mà ngài đặt vấn đề khi dòng xin mở khoa thần học, khi dòng còn ở tầm cấp giáo phận, lệ thuộc vào ngài, chưa thuoọc cấp giáo hoàng, ngoài quyền hạn của ngài. Những anh em linh mục đầu tiên của dòng học ở Chủng Viện Xuân Bích và được thụ phong bởi ngài thứ tự như sau:

Anh Augustino Đặng Ngọc Hưởng (thụ phong ngày 5-9-1963);

Anh Matthia Trần An Tĩnh (thụ phong ngày 15-12-1963, anh là nghĩa tử của Anh Minh Đăng, từ Dòng Chúa Cứu Thế chuyển sang, đã học xong chỉ còn chờ thụ phong);

Anh Trần Đình Trung (đã xuất), Anh Philiphê Phạm Đức Thịnh  Anh Ignatio Lê An Đại (cả 3 thụ phong ngày 29-6/1966).

Trước khi có các đợt linh mục đầu tiên thuần túy của dòng và từ dòng này, dù được đào luyện từ bên ngoài, Thiên Chúa cũng liệu cho dòng có một số linh mục triều gia nhập dòng chỉ vì lòng kính phục Anh Cả. Đó là các vị linh mục (thứ tự theo năm chịu chức) sau đây:

Anh Trần Thế Hào (21-5-1932)

Anh Nguyễn Minh Đăng (29-5-1941)

Anh Vũ Long Toàn (1942)

Anh Đỗ Tri Tâm (4-8-1945)

Anh Phạm Văn Hóa (4-8-1946)

Anh Phạm Duy Lễ (chết ngày 21/6/1957)

Anh Bùi Khải Hoàn (14/12/1947)

Anh Nguyễn Hiến Tân (1-6-1951)

Chưa kể hai Anh Phạm Văn Từ  Cao Hiến Trương (đã xuất).

Chính vì nhu cầu linh mục bất khả thiếu cho dòng trong tương lai mà Anh Cả đã hết sức nỗ lực để thực hiện cho bằng được. Vào năm 1962, Anh đã lên Đồng Xoài xin phép chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ mua 3500 mẫu rừng ở Quận Đôn Luân, Tỉnh Phước Long, để trồng cao su. Bấy giờ khu Đồng Xoài Phước Long này thuộc Giáo Phận của Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, nên Anh Cả đã ngỏ ý dời Nhà Mẹ về đấy để có thể mở học viện thần học, và đã được ngài chấp thuận với điều kiện chính ngài sẽ khảo hạch tín lý thần học của các thày được tuyển chọn thụ phong linh mục. Anh Cả đồng ý liền.

 

Thế là tiến trình làm nhà mẹ cho dòng ở địa phương mới này được bắt đầu. Anh em trồng được 100 cây chôm chôm và mấy chục cây sầu riêng, hơn một mẫu mía, gần 30 mẫu cao su, và mới kiến thiết được 2 cái nhà, mỗi nhà có 6-7 căn mái lợp lá và tường vây gỗ, thì bất ngờ bùng nổ chiến tranh ở Quận Đôn Luân, chỉ cách dòng có 6-7 cây số, nhưng dòng vẫn cố trụ cho tới năm 1964 mới hoàn toàn chịu đầu hàng triệt thoái rút lui vì bấy giờ giao thông hoàn toàn bị bế tắc.

 

Vào thời điểm cuối đường hầm ấy của dòng trong việc tuụ đào luyện linh mục cho dòng đã xuất hiện một tia sáng. Đó là chính khi lớp triết đầu tiên của dòng vừa học xong năm triết thứ hai vào năm 1963 thì lại là thời điểm Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Hoàng Văn Đoàn làm giám mục chính tòa Giáo Phận Qui Nhơn. Thế là Anh Cả chộp ngay lấy cơ hội hiếm có. Anh đích thân ra Qui Nhơn gặp ngài để xin chuyển Nhà Mẹ và Thần Học Viện của dòng về Giáo Phận Qui Nhơn của ngài. Ngài đồng ý.

 

Thế là Nhà Mẹ được chuyển ra Mỹ Chánh Qui Nhơn là giáo điểm truyền giáo đầu tiên của dòng từ năm 1957, nơi có Trường Toàn Mỹ (sở dĩ có tên Toàn Mỹ này là vì ở vùng này các nơi đều có tên là Mỹ, như các Xã Mỹ Chánh, Mỹ Thọ, Mỹ Hòa, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Phong, Mỹ Cát thuộc Quận Phù Mỹ), nơi Đội IX, sau khi khấn lần đầu ở Qui Đức ngày 24/9/1967, cách đây 50 năm, đã được sai đến vào năm 1967 để dạy học, có em tâm phương phục vụ bếp núc cho anh em, dưới quyền quản trị của Anh Giám Đốc Phạm Tiến Đức bấy giờ.

 

Tuy nhiên, số phận của Dòng Đồng Công không thể tách lìa với vận mệnh gian nan khốn khó hoạn nạn của đất nước, từ ngoài bắc vô nam, từ trong nước ra hải ngoại v.v. Bởi thế, trong khi lớp thần học 1 đã bắt đầu năm thứ nhất ở Qui Đức ngay trong Thị Xã Qui Nhơn, thay vì ở Mỹ Chánh xa xôi, cách Tòa Giám Mục cả 150 cây số, với đường đi hiểm trở và nguy hiểm, thì vào giữa mùa hè năm 1964, khắp tỉnh Qui Nhơn xẩy ra biến cố biểu tình của Phật giáo, ban ngày Phật giáo xuống đường, ban đêm Việt cộng hò hét, anh em không thể nào học được. Đó là lý do Anh Cả phải xin Đức Cha Đoàn cho phép anh em tạm dời về Thủ Đức tiếp tục thần học năm thứ 2, tại Khu Kitô Vương. Ở đây, có thêm các Anh Thiên (Đội I), Anh Hiếu  Anh Sáng (Đội II), Anh Ái  Anh Hòa (Đội III) được tuyển chọn vào năm triết thứ 1, và tiếp tục học ở đây cho tới Tháng 6/1966, thời điểm Đội IXA của em ra Qui Nhơn vào Nhà Thử ngặt và sau đó vào Tập Viện.

 

Sau năm thần học thứ 2 của lớp linh mục đầu tiên 7 người, Đức Cha Đoàn buộc anh em phải trở lại Qui Đức Qui Nhơn để học thần học năm thứ 3, để rồi, vào lễ Hiện Xuống năm 1966, anh em đã được chịu chức Cắt Tóc để được gia nhập hàng Tư Giáo ở 4 chức nhỏ. Sau cùng, vào ngày 29/1/1967, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, vị đại ân nhân thứ ba của dòng, (sau vị đại ân nhân thứ 2 là Đức Cha Phạm Ngọc Chi và vị thứ nhất là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn), đã phong chức linh mục cho 4/7 anh đợt linh mục đầu tiên, đó là: Anh Phạm Tiến Đức  Anh Trần Đức Nam (Đội I - Anh Nam là giáo sư tu đức của Đội IXA, đã xuất trong thời kỳ Đội IX còn ở Qui Nhơn 1968-1970), Anh Đoàn Phú Xuân (Đội II) và Anh Nguyễn Đức Kiên (Đội III), 4 anh linh mục đầu tiên được chính dòng (nói đúng hơn được chính Anh Cả) đào luyện.

 

Vào ngày 2/2/1973, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn lại phong chức linh mục cho đợt linh mục thứ hai do chính dòng đào luyện, đó là: Anh Cyrillo Vũ Thanh Thiên  Anh Polycarp Trần Thái Sơn (Đội I), Anh Micae Nguyễn Trung Giáo  Anh Giacôbê Vũ Đại Lượng (Đội II), Anh Giuse Phan Ngọc Huyên (Đội III), Anh Tadêô Nguyễn Ngọc Ban (Đội IV), và Anh Gioan Bosco Phạm Ngọc Liên (Đội V). Một anh linh mục chịu chức lẻ ở Việt Nam sau 1975 là Anh Nguyễn Tri Thức (Đội III) ngày 2-6-1976.

 

Đợt linh mục thứ ba cũng do dòng đào tạo, vừa hoàn toàn 7 năm học linh mục nhưng chưa kịp chịu chức thì Đức Cha Hoàng Văn Đoàn qua đời, đồng thời bấy giờ lại xẩy ra tình hình đất nước biến đổi một cách mau chóng đến độ anh em dòng, theo ý Đấng sáng lập: "giữ lấy dòng và truyền giáo", đã xuất ngoại sang Hoa Kỳ, nơi đã có 12 vị linh mục Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại, phát xuất từ Dòng Đồng Công, vào ngày 27/5/1977, đó là 12 tu sĩ Đồng Công sau đây: Anh Nguyễn Mạng Cách  Anh Đỗ Đình Vạn (Đội I), Anh Ngô Châu Minh  Anh Mai Vĩnh Lộc (Đội II), Anh Đỗ Thái Hòa, Anh Nguyễn Công Hoan, Anh Trần Công Lý, Anh Phạm Ân Sử  Anh Phạm Minh Vận (Đội III), Anh Đoàn Quang Báu, Anh Đinh Vương Cần  Anh Nguyễn Thành Huynh (Đội IV).

 

Đợt linh mục thứ tư, tuy không chịu chức ở Việt Nam như 2 đợt đầu, nhưng cũng bắt đầu học linh mục từ Việt Nam trước 1975. Em tâm phương này không được chứng kiến thấy lớp linh mục này có học linh mục từ Việt Nam hay chăng, như hai lớp linh mục đầu ở Nhà Đá Qui Nhơn, nhưng vẫn tin như thế. Bởi chính bản thân em, khi được Anh Cả sai phái về Lương Sơn để dạy học, sau 2 năm phục vụ ở Tiểu Chủng Viện Simon-Hòa Đà Lạt (1972-1974), đã bảo em rằng học Latinh với Anh Phan Thiện Giản cũng ở đó bấy giờ. Rất tiếc em không được hân hạnh học với học giả và văn sĩ Đồng Công Phan Thiện Giản, vị từng học linh mục lớp đầu tiên, là dịch giả của một số tác phẩm nổi tiếng về đạo, (bút hiệu Phạm Duy Lễ, tên của một anh linh mục triều vào dòng Đồng Công đã qua đời), và là thày dạy Latinh cho nhiều anh em học linh mục của dòng, vì vào tháng 10/1974, em lại được lệnh Anh Cả ra Nhà Đá dạy học rồi về làm bếp cho tới khi di tản về Thủ Đức vào cuối Tháng 3/1975.

 

Đợt linh mục thứ tư của dòng bắt đầu học linh mục ở Việt Nam nhưng hoàn tất học trình linh mục ở Mỹ và chịu chức ở Mỹ, tất cả là 3 đợt 10 anh, trong đó bao gồm cả các anh từ Đội Khấn V tới Đội Khấn VII. Thứ tư như sau: 

Chịu chức ngày 13/6/1981: Anh Bùi Anh Tuấn  Anh Nguyễn Linh Uy (Đội III), Anh Nguyễn Huy Chương (Đội V), Anh Vũ Khiêm Cung (Đội VI); riêng Anh Trần Ngọc Diệp (Đội VII ) - chịu chức trong Ngày Thánh Mẫu 8/1982; 

Chịu chức ngày 31/5/1983: Anh Đỗ Linh Sáng (Đội II), Anh Đinh Thành Bắc (Đội V), Anh Lương Minh Tuất  Anh Nguyễn Quang Đán (Đội VIII); riêng Anh Phạm Quang Huy (Đội III) - chịu chức ngày 28/11/1985.

 

Đợt linh mục thứ năm: Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn linh mục được dòng đào tạo, đặc biệt bởi chính Anh Cả và đối với anh em tu trước năm 1975, thì sau thời gian Anh Cả trở về từ ngục tù cộng sản năm 1993, còn có 5 anh nữa, chịu chức cả ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ. Ở Việt Nam: Anh Phạm Cao Đích (Đội VIII), Anh Nguyễn Ngọc Lâm (Đội IXA) và Anh Đinh Viết Phục (Đội IXC) - chịu chức vào tháng 5/2001; Ở Hoa Kỳ: Anh Vũ Kim Ngân (Đội VIII từ VN sang HK) - chịu chức ngày 4/6/2000; Anh Trần Hữu Thảo (Đội IXA từ VN sang HK) - chịu chức ở Hoa Kỳ ngày 2/6/2002. Sau đợt linh mục thứ năm này, những anh em tu trước năm 1975 thuộc các lớp khấn từ Đội IX trở lên, còn một anh nữa là Anh Phụng (IXC), được thụ phong với 8 anh nữa, trước khi Anh Cả qua đời 3 ngày, tức vào ngày 18/6/2006.

Tng Tu Nghị III ngày 15/9/1970 ở Nhà Mẹ Qui Nhơn, với Hội đồng Cố vấn 1970-1977

 

Tổng Tu Nghị III 1970 bao gồm và kết hợp đủ mọi lớp khấn trọn của dòng từ 1 tới 9, và trong thành phần nghị viên đại biểu này có một số gương mặt quen thuộc dễ dàng nhận diện đó là:

I- Aa Thịnh, Đồng; II- Aa Tràng, Tiến, Đệ; III Aa Hòa, Hưởng, Hoàng, Tuấn, Trị, Lý; IV- A. Minh Đăng; V Aa Tĩnh, Liên; VI- A. Cung; VII- Aa Huỳnh, Diệp, Ân; VIII- Aa Chu, Đích, Hùng; IX- Hừng, Lâm, Luân

 

 

Từ khi nhập Tập viện, những ai theo đuổi Lý tưởng Thánh Đồng Công đều phải bắt đầu tập sống đời Tận hiến cho Mẹ Maria nghĩa là sống bé nhỏ cũng là đời sống Đồng Công.

 

Trong bài viết cho chung dòng, kỷ niệm 30 năm khai mạc Năm Thơ Ấu Thiêng Liêng của dòng, nhân dịp mừng 33 năm lập dòng (2/2/1953-1986), Anh Cả huấn dụ như sau:

"Nếp sống Thơ Ấu Thiêng Liêng của các tu sĩ ĐC và nếp sống Tận hiến cho Trái Tim Mẹ của Đồng Công, danh từ thì khác nhau, bản chất yếu tính hoàn toàn là một...

Sự tận hiến cho Mẹ là đường đi lên của trẻ thơ"

 

Nghi thức nhập Tập viện của Dòng Đồng Công có một tính cách và nghi thức đặc thù, đó là Tận hiến cho Mẹ Maria, Nhờ Mẹ đến Chúa / Per Mariam ad Jesum,

theo đường lối của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), và vì thế tập sinh Đồng Công phải học hiểu tác phẩm Thánh Mẫu của ngài là "Thành thực Sùng kính Mẹ Maria"

 

 

Trong cuốn Lý Tưởng Đồng Công II, Anh Cả kể như thế này về Nhà Đá và Đội IXA như sau:

"Từ ngày Nhà Mẹ ĐC lập cư tại Nhà Đá đến khi bỏ Nhà Đá (1966-1971), hầu đêm ngày , ban ngày Quốc gia có lính gác từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều rút về Phù Mỹ, ban đêm CS làm chủ hoàn toàn, hội họp, mít tinh chung quanh Nhà Dòng. Nhiều đêm chiến tranh bùng nổ ngay bên cạnh Nhà Dòng.

Nhưng anh em Dòng cứ sinh sống vui vẻ như thường, đặc biệt đáng chú ý là dịp lớp IX 'tận hiến cho Mẹ' ngày 8-9-1966. Tối 7-9-1966, anh em tổ chức kiệu Mẹ rất long trọng chung quanh Nhà Nguyện Dòng, hát xướng, đèn nến sáng rưc trời, mừng Tết Mẹ.. Không ngờ chung quanh khu vực Nhà Dòng, bộ đội CS bố trí, nhăm nhe nổ súng. Đêm ngủ, nhiều anh em  không ngủ được, lo lắng, hồi hộp... nhưng qua đêm, sáng ngày 8-9, lễ hát trọng thể, lễ Tận Hiến của lớp IX. Sau lễ, mọi việc tiếp tục như ngày Tết Mẹ. Ngày hôm sau (9-9) mới là ngày nguy hiểm , hãi hùng cho các con nhỏ của Mẹ.

Khoảng 11-12 giờ sáng, Đại bác từ Phù Mỹ,Bồng Sơn, Phù Cát thi nhau nổ chung quanh Nhà Dòng, cách hàng rào Nhà Dòng chỉ 4, 5 mét thôi, thế mà Đức Micae gìn giữ không để  mảnh đạn nào rơi vào các con Mẹ. Qua cơn hãi hùng đó lại tiếp đến một cơn nguy kịch vô cùng hơn trước: số là sau khi đại bác nổ rền hơn 1 tiếng đồng hồ, một tiểu đội bộ binh từ Phù Cát xuống để giải vây cho khu vực Nhà Dòng, họ bắn rền chung quanh khu vực Nhà Đá. Một số tập sinh nghe tiếng súng, liền chạy từ Nhà Dòng ra Nhà Thờ Nhà Đá, chưa kịp vào Nhà Thờ, lính đang tuần tiễu quanh khu vực, thấy một số 4, 5 tập sinh chạy ra, ngờ là Việt cộng, xả ngay vào nhóm người đó mấy tràng  trung liên, 100% là chết hết, vì chỉ cách độ 10 mét thôi. Đạn cứ bay vèo vèo qua đầu tập sinh mà chẳng làm một vết thương nào. Đó là sự che chở đặc biệt của Mẹ để biện hộ bênh vực cho các con Mẹ đối với một số sanh em cho Anh Cả là liều lĩnh, đưa con vào miệng cọp".

 

 

 

Đội IXA nhập tập viện ở Nhà Đá Qui Nhơn hôm Lễ Sinh Nhật Mẹ 8/9/1966, nhưng hom sau, ngày 9/9, vừa ngủ trưa thì đã phải chạy lánh bom đạn đến độ tí mất 6 mạng.

 em tâm phương người đi cuối trong 6 anh em từ tập viện chạy ra Nhà thờ Nhà Đá trốn,

nhưng khi cả nhóm chạy bọc đầu nhà thờ, bởi những anh ra trước sợ việt cộng không dám mở cửa,

và khi em chợt thấy viên đạn bay qua mặt trúng tường nhà thờ rơi xuống đất, đã hét to "mình bị bắn rồi",

thế là cả đám càng cuống lên chạy bất tử, nhanh hơn bao giờ hết, đến độ em bấy giờ chạy đúng là như bay, chân như ở trên không, không chạm đất,

và đám tân tập sinh thoát nạn này gồm có Aa Điện (Hừng) + Quyết (Học) + Thuyên (Thuận) + Dụng + Toản (Thiên), tâm phương (Tĩnh)

 

Hàng ngồi trên cùng của các tân tập sinh áo trắng hôm vào tập viện 8/9/1967 lịch sử ấy, từ trái sang phải là tân Tập sinh tên Bản,

1 trong 15 anh em dòng đi tắm bãi biển Tân Thành cách Mỹ Chánh 15 cây số đã bị mất tích từ ngày 16/7/1967 cho tới sau 1975 cũng chẳng thấy ai trở về!

 

 

Nhà thờ ở Nhà Đá xã Phú Hiệp, quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định Qui Nhơn, nơi cả dân chúng lẫn các tu sĩ Đồng Công trốn lánh bom đạn mỗi khi hai bên bất ngờ đụng độ.

Anh em dòng sống ở Nhà Mẹ Nhà Đá này thỉnh thoảng vẫn nghe thấy ca nông của lính cộng hòa từ hướng Quận Phù Mỹ bắn lên, và nghe thấy rõ ràng mảnh ca nông rào rào trân mái nhà.

 

Trong thời gian Đội IXA ở đây, em tâm phương này đã chẳng những là "nạn nhân" của sự cố ngày 8/9/1967, mà còn là chứng nhân về những gì xẩy ra cho dòng cũng như cho dân chúng quanh vùng. Đội IXA có những thời gian đã từng đi bộ từ Nhà Đá về Quận Phù MỸ cách 6 cây số hằng ngày để ngủ qua đêm, sáng về tái sinh hoạt, để tránh nguy hiểm khi lính quận không đóng ở đó. Có những đêm anh em trong dòng nghe thấy bên quốc gia mở loa chiêu hồi bên kia, rồi cũng có một đêm nào đó bên kia chiêu hồi bên này, nhưng bên quốc gia chiêu hồi bên "nẩu" nhiều hơn.

 

Ban đêm thì Nhà Đá là thế giới của việt cộng chính qui và du kịch địa phương, trong số đó có cả học sinh của các thày đi tập kích vác súng về thăm bạn bè vào những lúc an toàn. Muốn tồn tại ở đây thì phải có hai lòng. Hay như các con chó không bao giờ sủa, vì chúng có thể bị cắt lưỡi hết rồi. Lính quận đã từng xử tử dân chúng bị nghi là du kích vào tảng sáng khi nhà dòng đang dâng lễ, sau đó dân bị đuổi ra sống ở sát đường lộ gần nhà dòng, không được sống ở mãi bên trong đường rầy xe lửa gần núi nữa. Thế rồi ra ngoài gần đường, nhà dân lại bị lính Mỹ bắn bừa vào để đề phòng du kích bất ngờ tấn công khủng bố họ. Dân chúng khổ ơi là khổ. Nhưng đa số trong họ vẫn không chịu di tản kiếm sống nơi khác an toàn hơn, vì đó là quê cha đất tổ của họ...

 

Từ cửa cuối Nhà thờ nhìn vào và nhìn lên cung thánh

Từ lòng Nhà thờ nhìn qua cửa cuối nhà thờ

Lớp thỉnh sinh / tiền tập X được Anh Cả cho đi thăm trụ sở của dòng tại Nhà Đá, tỉnh Bình Định, do đó trong hình cũng có cả một số anh em lớp khấn 9 mừng đón.

 

Ghềnh Ráng cảnh đẹp như thế này (hình trên, chụp trong chuyến THĐC 2022) thì làm sao mà cho nhà dòng được chứ!

 

 

Năm 1967, sau khi khấn lần đâu ngày 24/9, và trong khi chờ đợi bài sai đi phục vụ ở các nơi trong dòng, như Mỹ Chánh, Trại gà Thiện Chí là Khu Kitô Vương Thủ Đức, hay Đồn điền Thiên Mẫu Di Linh v.v.

anh em đội IX đã được phép Anh Cả đi ra Cù Lao Xanh du ngoạn và tắm biển.

(Hình chụp trên đây hôm mùng 10 tháng 7 năm 2019 trong chuyến Hành Trình Việt Nam Hội Ngộ Yêu Thương với Nhóm TĐCTT)

 

 

Đúng là Cù Lao Xanh, vì nước biển ở đây xanh thật là xanh, xanh dương mầu lá cây, trông thật ngoạn mục.

Nước biển ở Cù Lao Xanh mặn hơn ở các nơi khác và trong vắt, dù ở trong bờ, đến độ có thể nhìn thấy đáy của nó;

tất nhiên, về nồng độ mặn, không bằng ở Utah Mỹ quốc, nơi cứ bơi thì tự nhiên nổi, dù không biết bơi,

nhất là không bằng ở Biển Chết bên Thánh Địa, nơi không thể chìm, cứ nắm ngửa ra thảnh thơi trên mặt nước, dù không biết bơi. 

(Hình chụp trên đây hôm mùng 10 tháng 7 năm 2019 trong chuyến Hành Trình Việt Nam Hội Ngộ Yêu Thương với Nhóm TĐCTT)

 

 

Em đã thực hiện 4 hành trình xuyên Việt từ bắc vô nam, 2016, 2018, 2019 với Nhóm TĐCTT và 2022 với THĐC, 

nhưng trong khi hầu như toàn quốc đang biến hình theo thời đại thì chỉ thấy có 2 nơi vẫn còn như xưa và tệ hơn xưa, đó là Cầu Long Biên ở Hà Nội và Nhà thờ Nhà Đá Qui Nhơn.

 

 

Khoảng trống này, ở phía bên trái, cách 1 mảng tường cụt đầu, đứng từ trong nhà thờ chụp ra, trước kia là cửa từ phía Nhà Mẹ ra nhà thờ để vào phía trên nhà thờ, gần cung thánh,

cửa mà em và 5 anh em tập sinh Lớp khấn IXA đã gõ cửa để vào lánh nạn trưa 8/9/1967, nhưng không ai mở cho vì sợ nhỡ ra người của bên kia thì sao...

nên phải chạy bọc đầu nhà thờ để qua cửa ở bên kia, do đó, bị quân ta được lệnh phục kích ở nghĩa trang đầu nhà thờ tưởng địch đang lẩn quẩn ở đó bắn nhầm.

Chinh vì bắn nhầm không trúng mà quân ta mới bắn chặc đầu bằng một quả moọchê trên nóc nhà thờ,

khiến các anh và dân trong nhà thờ đang ẩn nấp bị thương một số bởi gạch ngói trên mái rơi xuống, sáng choang nhà thờ khi em vào được bên trong từ cuối nhà thờ.

 

 

Phái đoàn 30 anh chị em TĐCTT năm 2018 được em dẫn đến thăm Nhà thờ Nhà Đá và đang từ cuối Nhà thờ vòng ra nghĩa trang thai nhi ở phía đầu Nhà thờ,

nơi lính quốc gia phục kích và đã bắn nhầm 6 tân tập sinh IXA hôm 8/9/1966, trong đó có em.

 

Có nhiều lần, vì tình hình an ninh, nhất là về đêm, khi không có lính của Quận Phù Mỹ canh giữ,

anh em Đội IXA phải đi bộ 6 cây số từ Nhà Đá Dốc Truông xã Mỹ Hiệp về cơ sở của dòng ở sát Nhà thờ Quận Phù Mỹ ngủ qua đêm.

 

Đúng thế, khi Hội Dòng hiện diện trên miền Trung vào cuối thập niên 1950 này,

Bề Trên đã cho anh em mua một ngôi nhà ngói 3 gian để làm nơi dừng chân cạnh khuôn viên nhà thờ Phù Mỹ.

Về sau các linh mục nhà ta đã thay nhau coi sóc giáo xứ này, và cả xây một dãy nhà trong khuôn viên nhà thờ để mở các lớp tiểu học miễn phí.

 

 

Cơ sở của Dòng ở Quận Phù Mỹ sát mặt đường, ở đằng sau nhà là Nhà thờ Phù Mỹ, nơi anh em dòng phục vụ.

(Hình chụp vào ngày 27/9/2016 trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt I với Nhóm TĐCTT khi ghé trọ đêm hôm ấy)

 

 

Đây là con đường lộ, ở đằng sau Nhà xứ Giáo xứ Phù Mỹ, từ đường chính vào, một con đường lộ dẫn đến xã Mỹ Chánh, cách quận Phù Mỹ 15 cây số,

con đường lộ anh em dòng vẫn đi từ Nhà Đá xuống Mỹ Chánh hay ngược lại, nhưng lần nào cũng dừng chân tại cơ sở của Dòng ở Quận Phù Mỹ.

(Hình chụp vào ngày 27/9/2016 trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt I với Nhóm TĐCTT khi ghé trọ đêm hôm ấy)

 

 

Khu Nhà Mẹ, năm 2022 này, đang được biến thành khu Trường Mẫu Giáo Phú Hiệp, như ở bên kia đường cũng là một học đường từ Trường Trung Tiểu Học Đồng Công trước 1975.

Bên trong bức tường đang xây cho khu Trường Mẫu Giáo Tam Hiệp này (hình trên) là chính khu vực của Nhà Mẹ Dòng Đồng Công 1966-1975.

 

Trường Đồng Công ở Nhà Đá Mỹ Hiệp, dấu hiệu để ngày nay nhận ra khu nhà dòng ngày xưa, ở bên kia đường,

băng sang từ cuối lối dốc Nhà Mẹ xuống, giờ đây đã trở thành Trường Trung Học Cơ Sở Mỹ Hiệp.

 

Nhờ Gió Bẻ Măng – Bãi Trường ĐC Nhà Đá:

        Nhờ việc ném lụu đạn vào đám học sinh Trưởng ĐC Nhà Đá, truyền đơn, vu khống Nhà Dòng, đe dọa anh em, Anh Cả tuyên bố tại Nhà Đá: “Kể từ nay, đóng cửa Trường Trung Tiểu học ĐC Nhà Đá, di chuyển Nhà Mẹ Dòng lên Qui Đức”. Hết mọi anh em to ra sung sướng, reo hò mừng rỡ! Sau đó, gần 80 tu sĩ miệng nói, mình làm, rỡ phăng 35 căn nhà cột, xà ... đưa lên mấy xe vận tải, chở về Qui Đức, Ghềnh Ráng trong một buổi chiều, khu Trại Huấn Luyện Dân Vệ được Ông Võ Trấp hứa cho nhà dòng, nhưng sau mới biết rằng ông ấy định bán cho dòng chứ không cho. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, khu Nhà Mẹ trở thành trơ trọi, chỉ còn nhà khách 5 căn gần cổng, một dẫy nhà ngủ, nhà cơm, nhà bếp (20 căn). Việc làm quá cấp tốc, bất ngờ, làm cho chính quyền Quận và Tỉnh Bình Định, tỏ ra không đồng ý với Nhà Dòng, họ cho là Nhà Dòng làm xáo trộn hoang mang dân chúng. Về phần đạo, Đức Cha, Cha Chính và các cha cũng tỏ dấu tiếc xót, nhửng lại rất hài lòng, thương hại Dòng ĐC đã ở trong nơi mất an ninh 6, 7 năm rồi. Phần dân chúng, nhất là dân chúng quanh vùng Nhà Đá, học sinh và phụ huynh tỏ thái độ buồn rầu luyến tiếc, phản đối bọn chùa An Trinh ném đá giấu tay.

       Việc bãi Trường ĐC Nhà Đá có ảnh hưởng sâu xa trong dân chúng, nên Anh Cả buộc lòng phải cho một số anh em dùng học sinh  của Trường viết nhiều truyền đơn phản đối bọn ném đá giấu tay, vu khống cho Nhà Dòng v.v... rồi nhờ học sinh đem dán khắp nơi  trong Quận Phù Mỹ, mấy xã chung quanh. Cách này làm cho dân chúng hiểu Nhà Dòng bỏ Nhà Đá, bãi Trường ĐC ... là do CS gây nên, thành ra dân chúng rất oán giận CS.

       Anh em Dòng lên đóng tại Qui Đức đông người, chật chội lắm, nhưng chỉ trong vòng vài tuần, đã mọc thêm 3 nhà lầu, tạm đủ chỗ ăn ngủ cho từng người, còn mấy tấn đồ phải gửi bên nhà ông Hưng... Dù vậy, anh em cũng vui như Tết, vì đã thoát khỏi Nhà Đá.

       d/ Phản Ứng Đối Với Việc Bãi Trường Nhà Đá:

          **  Phụ huynh và học sinh từ Phù Mỹ lên Qui Đức xin mở lại trường: 

         Sau khi anh em đến ở Qui Đức được vài tuần, bất ngờ vào khoảng 10 giờ sáng, một đoàn xe đò chở đầy người chừng hơn 2,000 gồm phụ huynh và học sinh ĐC Nhà Đá từ Phù Mỹ lên gặp Anh Cả. Họ trao cho Anh một lá đơn dài 4, 5 trang giấy lớn có chữ ký của 3, 4 phụ huynh và một số đại diện học sinh mời Cha, Thầy trở lại Nhà Đá, mở lại Trường cho niên khóa 1971-1972 vào tháng 9-1971. Anh Cả tiếp đoàn người nhọc mệt, thảm não buồn rầu. Anh nói vui cho họ vui mà chẳng thấy họ vui. Họ cứ nài xin cho được nguyện vọng của họ. Anh cho biết lúc đó Anh cảm thấy đau lòng thương họ như thương những người con mình sinh ra vậy. Anh phân vân không biết trả lời cho họ làm sao! Anh cầu xin Mẹ và Mẹ soi cho Anh trả lời thế này: “Anh em cứ an tâm, tôi sẽ cố liệu để mở trường lại cho anh em, nhưng tôi muốn hết mọi phụ huynh và học sinh toàn trường một ngày gần đây họp tại Nhà Đá vào ngày ..., anh em có đồng ý không?”. Thế là họ vỗ tay lâu giờ, cười nói ầm cả khu vực Qui Đức nghe được, rồi đoàn xe từ từ chạy về Phù Mỹ.

            ** Anh Cả xuống Nhà Đá và cho mở lại trường:

           Mấy ngày sau khi gặp đoàn người Phù Mỹ lên xin, Anh Cả và một ít anh em xuống ở Nhà Đá, dò la tin tức CM phản ứng việc bãi trường ra sao và chờ ngày Đại Hội phụ huynh và học sinh như đã nói trước. Khoảng trung tuần tháng 5-1971, lúc 10 giờ đêm trước ngày Đại Hội phụ huynh, học sinh, CM phát thanh lớn tiếng gần Nhà Dòng như sau: “CM không phá hại cơ sở từ thiện bác ái, xin cơ quan từ thiện, trường học cứ ở lại phục vụ đồng bào”. Họ cứ loa đi, loa lại 4, 5 lần như vậy, làm cho Anh hiểu ngay CM không có âm mưu phá trường, không vu khống Nhà Dòng. Chủ mưu phá trường là chính mấy tên du kích cùng với trường Tiểu học của chùa An Trinh, không thể chịu được ảnh hưởng thế giá lớn của Trường ĐC.

       Sau mấy ngày tiếng loa của CM tuyên truyền thì đến ngày Đại Hội, phụ huynh, học sinh tới chật cuối Nhà Thờ Nhà Đá, khoảng 1.500 người. Anh Cả tuyên bố: “Nhà Dòng bãi Trường là vì kẻ thù ném đá giấu tay, vu khống, đe dọa, ám sát học sinh. Nếu Nhà Trường còn dạy thì họ sẽ làm hại ám sát học sinh, con cái của quí ông quí bà, thì Nhà Dòng phải chịu vạ lây, thành ra buộc lòng tôi phải bãi trường; nếu quí phụ huynh hứa nhất định bảo vệ Nhà Trường, thì tôi có thể mở lại Trường v.v...” Mọi người vỗ tay và thưa nhất định bảo vệ trường sở.

       Thế là ngày 15-9-1971, một số anh em về ở lại Nhà Đá trong 30 căn nhà còn lại để phụ trách dạy Trường. Khoảng tháng 10-1071, dạy học chưa đầy 2 tháng, Anh Cả nhất định bãi hẳn Trường Trung Tiểu học, vì các phụ huynh không đủ khả năng bảo vệ an ninh cho Trường. Anh thương hại một số học sinh nghèo dốt, nên cho tiểu học và 3, 4 lớp trung học di chuyển về khu vực chung quanh Nhà Thờ Phù Mỹ, vừa dạy học, vừa truyền giáo cho tới tháng 10-1974, di chuyển từ Phù Mỹ trở lại trường Nhà Đá, dạy học cho đến ngày giải phóng, tháng 4-1975.

      1.    Tái Thiết Nhà Đá      

Ngày 15.4.1974 từ Đồng Lạc, Anh Cả và anh em lớp tập XI và 4 anh lớp khấn X khởi hành ra Quy Nhơn để tái thiết Nhà Đá. Trước đó 19.3.1974, Anh Cả cũng đã thực hiện một chuyến thám sát Nhà Đá để tính toán những gì liên hệ gần xa thuộc chương trình tái thiết này. Không hiểu tạo sao lần này tái thiết Nhà Đá lại tẻ lạnh buồn bã. Anh và anh em đều ăn ngủ tại Nhà Thờ Nhà Đá. Thật hỏa tốc, chỉ 1 tháng 15 ngày đã tạm hoàn thành 2 dãy nhà tổng cộng 20 gian gồm nhà nguyện, hội trường, nhà ngủ và nhà cơm. Cuối tháng 6-1974, tái thiết gần xong 2 dẫy nhà, một dẫy 15 căn, một dẫy 10 căn, chắc chắn hơn lần trước đề phòng bão. Sau đó,Anh cho 15 anh em Thần học tại Qui Đức xuống tiếp tục thay cho Tập sinh phải về lại Tu viện Di Linh. Về gần Di Linh, Anh được tin như sét đánh bên tai: Đức Cha Hoàng Văn Đoàn qua đời tại Sài Gòn, đã buồn lại buồn thêm. 

 

Khi lớp IXC ra nhà thử ở Nhà Đá, Anh Cả gọi Anh Cầu ra làm Cộng sự và nói em đi làm Văn phòng và dậy Toán lớp Nhất và Nhì.
Lúc đó anh Cầu mới 16 tuổi, chưa có thẻ căn cước và giấy Miễn Quân dịch, nhỡ bị cảnh sát hỏi và bắt lính.
Nên Anh Cương có làm cho anh Cầu thẻ chứng nhận Tu sỹ để anh Cầu, một tu sĩ thiếu niên, đóng vai ngoại giao như Anh Cương,
lái xe Vespar lên Quy Nhơn để vào Ty Học Chánh làm giấy tờ cho trường và liên lạc với hãng RMK ở sở Mỹ giúp xây nhà trường.

"Đến lúc này em vẫn còn run! Chưa hiểu sao Anh cả sai em 16 tuổi làm những việc này. Trong khi Anh Thu kỳ đó lại đang làm Hiệu trưởng của trường?" - Anh Cầu bộc lộ với em như vậy!

 

Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Nhà Đá ở Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định ở bên kia đường ấy, nơi Anh Thu LK 5 làm hiệu trưởng, như anh cũng đồng thời làm hiệu trưởng cả ở Lương Sơn Phai Rí, đã bị đóng cửa vào năm 1971, nhưng được mở lại từ Tháng 10/1974. Đúng thế, cuốn phim bộ nhiều tập về cơ sở của Dòng ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp đã được tiếp tục như thế này: sau khi trường đóng cửa, đông đảo phụ huynh cùng kéo nhau lên để gặp Anh Cả ở Qui Đức, nơi Anh Cả và anh em rút về sau khi đóng cửa trường, và họ đã chịu điều kiện của Anh Cả, Anh Cả đã cho trường tái mở  Nhưng gần 2 tháng sau, thấy vẫn không ổn, phụ huynh vẫn không thể đáp ứng việc bảo vệ an ninh cho trường, nên Anh Cả lại đành phải đóng cửa cho tới 10/1974 mở lại, với Đội XI tập sinh ra kiến thiết Khu Nhà Đá chỉ vì Anh Cả thương cảm dân chúng vùng này, không thể bỏ rơi họ.

 

Chính trong thời gian cuối cùng năm 1974-1975 của anh em dòng ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp này, em, từ Tu viện Mẹ Thăm Viếng và Trường Đồng Công Lương Sơn Phan Rí được lệnh Anh Cả trở ra Nhà Đá dạy học, sau đó về làm bếp, đã trở thành chứng nhân về tình hình thật là bất ổn và bất an hơn bao giờ hết trong thời gian ấy, như các trường hợp đột ngột ám sát các nhân vật quốc gia và phá cầu đường vào lúc bất ngờ nhất trong ngày.

 

Thật vậy, áp dụng trò điệu hổ ly sơn, bằng cách bên trong vùng núi và đường rầy xe lửa, có những tiếng súng bắn chát chúa, để lính ở đồn gần nhà dòng chạy về đồn hết, nhờ đó các tay du kích có thể ám sát ông xã trưởng ngồi nhậu với lính còn lại một mình trong quán. Rồi trò tấn công lô cốt lính canh cầu ngay sáng sớm (hơn là về đêm), dù hai bên cầu đêm nào cũng được giăng thép gai, và dưới gầm cầu cũng thép gia, họ vẫn tấn công bằng một hỏa lực rất mạnh, đến độ lính không thể nào chui ra khỏi lô cốt, để một tên đặc công ném lựu đạn vào lô cốt cho lính chết hết trong đó.

 

Chính em đã thấy một cái thây không đầu khi đi chợ Phù Mỹ về, đó là cái thây của viên sĩ quan mà chúng em vẫn gọi là Đại úy Phước, Đại Đội Trưởng đóng ở Phù Cát, bị du kích việt cộng rình bắn ở Dốc Truông gần nhà dòng từ Quận Phù Mỹ về, họ đã bắn hai lần khiến em từ xa, ở gần trung đoàn 22, đã thấy bốc lên một cột khói, khi đến nơi, (dù bấy giờ đường xe chạy bị chặn hoàn toàn, nhưng bởi lính trung đoàn 22 nể thày tâm phương cho thày đi về kịp nấu bữa trưa cho nhà dòng, nhưng chết ráng chịu), em thấy bên kia đường là một chiếc xe díp đang bốc cháy có cả tài xế chết trong đó, còn ngay lề đường bên này là cái xác không đầu của Đại Úy Phước. Lính của ông từ Phù Cát được tin báo đến ngay mà chẳng tìm thấy tông tích gì.

Vì tính cách lịch sử liên quan đến Dòng nói chung, và liên quan tình trạng sống còn của em ở nơi đây nói riêng, mà hầu như 4/5 lần về Việt Nam xuyên Việt từ bắc vô nam thế nào em cũng phải ghé trở lại thăm trụ sở của Dòng ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp đầy ấn tượng này, cho tới nay là 4 lần: 2016 và 2018 với Nhóm TĐCTT & 2017 và 2022 với phái đoàn THĐC.

 

 

 

 

 

SỞ PHƯỚC THIỆN ĐỒNG CÔNG

Tại quận Đồng Xoài (Đôn Luân) – tỉnh Phước Long

Đầu năm 1962, chính quyền do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, đã khởi xướng công cuộc phát triển về kinh tế, để thực hiện chương trình, chính quyền phân lô đất rừng để trao cho các hội đoàn khai thác. Phước Long là một tỉnh mới được thành lập ngày 24.7.1961, và được quan tâm để phát triển công nghiệp, nhất là giống cây cao su. Do vậy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nhã ý mời Anh Cả Đaminh Maria Trần Đình Thủ tới Dinh Độc Lập để thăm hỏi về mức sinh hoạt của dòng để có thể giúp đỡ dòng thêm cơ hội sinh sống và phát triển.…

Sau cuộc hội kiến giữa Tổng Thống Diệm và Anh Cả, Anh đã nhận được hồ sơ đất rừng do Tòa Tỉnh Trưởng Gia Định đưa tới hồ sơ về 3000 mẫu đất rừng dành cho Dòng, thuộc quận Đồng Xoài, tỉnh Phước Long...

Có bản địa đồ đất rừng trong tay, đầu tháng 3 năm 1962, phái đoàn Anh Cả đến Đồng Xoài, được nhân viên của chính quyền địa phương dẫn tới vùng đất rừng nơi cột mốc cây số 10 đến cây số 13 trên quốc lộ 13 đúng như trên bản địa đồ. Nơi đây, đối diện với đồn lính Dân Vệ cạnh một sóc người X’ Tiêng, và cách quận Đồng Xoài 9 km.

Từ khi dòng nhận đất rừng, anh em đã dựng được gần chục gian nhà cấp 4 và có khoảng hơn 10 anh em sinh sống. Anh tổng quản lý Anrê M. Lê An Lạc cùng số ít anh em ấy đã trồng được 30 mẫu cao su, hơn mẫu mía, chuối, dứa, rau cải… Nhưng không được bao lâu thì toàn vùng này mất an ninh nên Anh Cả cho anh em rút hết về tu viện Tiệc Ly, Lái Thiêu, bình Dương vào đầu tháng 10 năm 1964./.

Thật vậy, theo tài liệu từ https://nhathoconggiao.com/danh-sach-nha-tho/nhatho/nha-tho-giao-xu-chau-ninh, trong đó, nguồn của tài liệu này (lấy ở cuốn Hồi ký Cha Bề Trên Đaminh Maria Trần Đình Thủ) thì "Lý Do và Thực Hiện" cơ sở này như sau:

"Đầu năm 1962, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo khởi xướng thành lập các khu dinh điền khai phá rừng thuộc tỉnh Phước Long giáp quận Tân Uyên tỉnh Bình Dương làm khu dinh điền trồng cao su.

"Cha Bề Trên Đaminh Maria Trần Đình Thủ nhờ Cha Thiều và Thầy Cương xin chính quyền khai thác 3.500 mẫu đất rừng quận Đôn Luân (Đồng Xoài) từ cây số 10, 5 đến 13,5 tính từ quận Đôn Luân (Đồng Xoài) đi Bù Đăng thuộc quyền Đức Cha Hiền ở giữa lô đất (1.500 mẫu) của Dòng Trinh Vương và Dòng Đaminh (1500 mẫu).

"Đức Cha Hiền (biệt chú của em: hồi ấy chưa có Giáo phận Buôn Mê Thuột với vị giám mục tiên khởi là Đức Cha Nguyễn Huy Mai, và cho tới khi có tân giáo phận vào năm 1967 này, Cơ Sở Phước Thiện Đồng Công mới không còn thuộc GP Đà Lạt nữa), đồng ý cho đưa Nhà Dòng lên đất mới. Cha con rủ nhau lên cắm đất ở Đồng Xoài, 70 mẫu cho tu viện rồi cho “quân quốc” ồ ạt lên xây dựng. Tuy vất vả lao nhọc nhưng đã trồng được hơn 100 cây chôm chôm, mấy chục cây sầu riêng, hơn mẫu mía, gần 30 mẫu cao su. Và xây dựng được 2 chiếc nhà, mỗi cái 6, 7 căn lợp lá, vây gỗ. Dựng một nhà nguyện bằng gỗ, một hội quán và vài lớp học, và được hơn chục gia đình giáo dân tới sinh sống.

"Thật là may, chưa kịp đưa toàn bộ phận lên thì chiến tranh bùng nổ tại quận lỵ Đôn Luân cách đất nhà dòng 6, 7 cây số. Cứ đêm đến các “bác” vào mua gạo, dấm muối làm cho mọi người teo tim quặn ruột, nhưng cũng cứ tiếp tục trồng tỉa đất đai cho tới 1964 mới rút khỏi Đồng Xoài hoàn toàn, vì giao thông bế tắc, không sống nổi, kéo nhau về Thủ Đức".

 

Nhà thờ Châu Ninh Bố Đức, Phước Long 1959

 


DƯỚI ĐÂY LÀ LỊCH SỬ GIÁO XỨ CHÂU NINH VÀ TU VIỆN THÁNH GIA BỐ ĐỨC


Cũng theo cùng cái link tài liệu về Cơ Sở Phước Thiện trên đây, và cũng đã được minh xác rằng (rút ra ở cuốn hồi ký Cha Bề Trên Đaminh Maria Trần Đình Thủ) thì lịch sử Giáo xứ Châu Ninh và Tu viện Thánh gia Bố Đức như thế này:

"Khoảng năm 1969, tôi đưa một số thày lên lao động và sản xuất tại tỉnh Phước Long, quận Bố Đức, có ý lập ở đây một khu vực trồng tỉa để nuôi dưỡng anh em Dòng Đồng Công và quý Cha già hưu dưỡng ở Giáo sĩ Dưỡng đường Đồng Công.

Rừng lồ ô tràn lan, anh em khai phá rất vất vả, công phu quá xá, máy cày, máy ủi chả có, toàn làm bằng cuốc xẻng. Thế mà cũng đã khai phá được 2 mẫu tây lồ ô và đã trồng được mấy ngàn gốc bí xanh. Không có nước tưới thế là thất bại, kết cục cuối năm chỉ thu được vài tấn bí chở về Thủ Đức. Tại đây cũng đã trồng được gần mẫu cam chanh, hàng năm thu hoạch để lấy tiền nuôi anh em ở đây. Tại đây đã lập được một tu viện nhỏ gồm 2 dãy nhà, một rẫy 5, 6 căn, một dãy 3, 4 căn, đó là khu vực tu viện.

"Cũng tại đây đã lập được một Giáo xứ (gần một ngàn giáo dân Bắc), gồm một Nhà thờ gỗ lớn, lợp tôn do Linh mục Hilariô Maria Đỗ Tri Tâm kiến thiết, một ngôi trường trung tiểu học, một nhà hội quán. Tại đây vốn có một Linh mục coi xứ và làm đầu trong tu viện. Linh mục đầu tiên là Luca Mria Phạm Quang Thiều lên khai thác và làm Cha xứ gần một năm khai thác thì về Thủ Đức. Linh mục đầu tiên vừa làm Cha xứ vừa làm đầu tu viện là Linh mục Đỗ Tri Tâm. Linh mục Tâm đổi đi thì Linh mục Nguyễn Hiến Tân thay thế. Sau đến Linh mục Phạm Đức Thịnh; cuối cùng là Linh mục Trần Thế Hào.

"Cũng tại đây, quản lý Lê An Lạc vào số Tổ phụ đầu tiên của Dòng Đồng Công đã lên ở và trồng được gần 30 mẫu cao su, làm lụng thật công phu vất vả tới 3, 4 năm; gần ngày lấy mủ thì phải bỏ về vì mất an ninh. Thế là cao su cũng thất bại ráo trọi: Chiến tranh nguy ngập quá, đành phải bỏ mặc cho Đức Mẹ. Linh mục Hào và mấy anh em bỏ chạy về Thủ Đức hết, khoảng năm 1972. Còn sót lại thày Gioan Maria Nguyễn Lương Cửu bị tù mấy năm rồi về giúp lại xứ Châu Ninh. Sau giải phóng mấy năm cũng tìm về tới Thủ Đức".

Cũng theo cùng cái link tài liệu về Cơ Sở Phước Thiện trên đây, thì lược sử của Giáo xứ Châu Ninh có thể tóm gọn như sau:
Năm 1958, khởi công xây dựng Thánh Đường, và hoàn tất năm 1959. Thánh đường là bằng cột gỗ, vách ghép ván…
Năm 1960, Giáo xứ mời các Soeurs Dòng Trinh Vương về cộng tác. Trường học và nhà giáo lý được xây dựng và hình thành công cuộc đào tạo đức tin cho mọi thành phần Dân Chúa.
Năm 1968, biến cố Tết Mậu Thân khiến giáo dân sơ tán một phần lớn.
Năm 1972, chiến cuộc xảy đến ác liệt, không thể ở lại, tay xách nách mang, giáo dân mỗi người chạy mỗi ngã… ly tan không hẹn ngày hội ngộ.
Năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, dân chúng về đây tìm đất sinh sống, Nhà thờ bị hư hại nặng nề, và trở thành nhà kho, nhà máy xay xát lương thực.
Năm 1980, ông Đôminicô Phạm Văn Chước đứng đơn xin lại Nhà thờ với chứng tích là Cây Thánh Giá trên đỉnh nóc, và một tháp chuông bằng gỗ cũng đã bị sập. 
Năm 1982, có sự giới thiệu và chấp thuận của Đức Cha giáo phận Phú Cường, ông Đôminicô Chước, được phép Đức Cha cất giữ Mình Thánh Chúa tại nhà, để phòng cho những người già, hấp hối.

Năm 1990, đất nước đã có nhiều đổi mới, có 7 vị, đại diện giáo dân đứng ra làm đơn xin chính quyền giao trả lại Nhà thờ,với diện tích đất là 5.215 m2

Năm 1990 – 1992, số giáo dân nghe biết có nơi thờ tự, gọi mời nhau đến dọn dẹp vệ sinh, tạm thời dùng các tấm bạt che kín chung quanh tránh nắng bụi, gió mưa. Và cũng từ đó bắt đầu lại những giờ kinh sớm chiều, và có các vị linh mục như sau:
Năm 1992, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hậu; Năm 2001, cha Gioan Baotixita Trần Đức Châu; năm 2011 cho tới ít là 2016, cha Phanxico Xavie Nguyễn Ngọc Hoàng...


DANH SÁCH Linh mục
Phục vụ tại Giáo xứ Châu Ninh ngay từ đầu toàn là anh em linh mục Đồng Công, toàn là Quí Anh linh mục từ triều vào Đồng Công theo Anh Cả, thứ tự như sau


1/ Linh mục Luca Maria Phạm Quang Thiều, CMC

 


Sinh năm 1918 tại Bạch Long, Tiền Hải, Thái Bình Thuộc Giáo xứ Bạch Long, Giáo phận Thái Bình. Học tiểu chủng viện Ninh Cường. Học Đại chủng viện Quần Phương. Thụ phong Linh mục năm 1948 tại Bùi Chu.
Phục vụ tại Giáo xứ Châu Ninh 1962-1963. Công trình đã thực hiện: xây dựng nhà xứ. Năm 1963, cha chuyển sang giáo phận Xuân Lộc. Qua đời tại Giáo xứ Ngọc Lâm năm 2004

2/ Linh mục Hilariô Maria Đỗ Tri Tâm, CMC


Sinh năm 17/10/1918 tại Trung Lễ, Bùi Chu Thuộc Giáo xứ Liên Thủy, Gp. Bùi Chu. Học tiểu chủng viện Ninh Cường năm 1933. Học ĐCV Quần Phương năm 1937. Thụ phong Linh mục ngày 4/8/1945 do Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn tại Bùi Chu
Phục vụ tại Giáo xứ Châu Ninh 1963-1964. Công trình đã thực hiện: dựng xây ngôi Nhà thờ bằng gỗ và trường học. Năm 1993 nghỉ hưu. Qua đời ngày 17/12/2000 tại Dòng Đồng Công, Thủ Đức. 

3/ Linh mục Augustinô Maria Nguyễn Hiến Tân, CMC



Sinh năm 26/3/1922 tại Cao Xá, Hưng Yên Thuộc Giáo xứ Cao Xá, Gp Thái Bình Học tiểu chủng viện Ninh Cường năm 1938. Học ĐCV Quần Phương năm 1942. Thụ phong Linh mục ngày 01/6/1951 do Đức Cha Phạm Ngọc Chi tại Bùi Chu.
Phục vụ tại Giáo xứ Châu Ninh 1964- 1968. Công trình đã thực hiện: dựng nhà giáo lý, mời dòng Trinh Vương cộng tác. Nghỉ hưu năm 1996. Qua đời ngày 01/10/2010 tại Dòng Đồng Công.

4/ Linh mục Philipphê Maria Phạm Đức Thịnh, CMC


Sinh năm 21/02/1920 tại Nghĩa Hưng, Nam Định Thuộc Giáo xứ Lý Nghĩa, GP. Bùi Chu. Học tiểu chủng viện Ninh Cường. Học Đại chủng viện Quần Phương và Thánh Giuse Sài Gòn. Thụ phong Linh mục ngày 21/11/1966 tại Quy Nhơn.
Phục vụ tại Giáo xứ Châu Ninh 1968-1969. Bị bệnh và qua đời ngày 10/09/1990 tại Dòng Đồng Công 

5/ Linh mục Tôma Maria Trần Thế Hào, CMC



Sinh năm 20/03/1900 tại Hải Hậu, Nam Định Thuộc Giáo xứ Ninh Mỹ, Giáo phận Bùi Chu. Học tiểu chủng viện Ninh Cường năm 1918. Học Đại chủng viện Trung Linh – Khoái Đồng, Nam Định năm 1922. Thụ phong Linh mục ngày 21/05/1932 do Đức Cha Trung ở Khoái Đồng. Phục vụ tại Giáo xứ Châu Ninh 1969-1972. Năm 1975 sang Hoa Kỳ và qua đời ngày 04/11/1984 tại Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ.

Từ năm 2011, LM Chính xứ: P.X. Nguyễn Ngọc Hoàng, Địa chỉ: Xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, Bình Phước... nhưng từ năm 2019, Đức Cha Giáo phận Buôi Mê Thuột đã trao trả lại cho Dòng Đồng Công, từ đó anh em dòng đã trở lại, với Anh Lm Pet Khoa M Phạm Đức Vỹ, CRM cho tới nay, vị linh mục trẻ đầy nhiệt huyết truyền giáo và tài ngoại giao đã có thể mau chóng kiến thiết được Khu Nhà Mục vụ kiêm Nhà xứ, và hiện đang xây dựng ngôi Nhà thờ mới, như phái đoàn THĐC 2022 đã ghé thăm hôm 19/11/2023 (xem các hình bên dưói), và chứng kiến thấy một sức sống mới đang bừng nở ở nơi đây, qua các công trình xây cất đồ sộ trên chính mảnh đất lịch sử của Dòng từ cuối thập niên 1950 đầy gian nan khốn khó chiến tranh này. Anh Hân già (LK 5), khi còn ở Tu viện Thiên Mẫu Di Linh, đã kể cho em, anh Tịnh (LK 6), Anh Giác (LK 8) v.v. nghe là có lần anh cùng với anh em dòng ở đó bị anh em bộ đội xông vào nhà dòng trói lại, rằng: "Giải phóng cái chó gì mà trói người ta lại như thế này!"

Cha Hùng / Vĩ mắc áo thâm chùng đen

Năm 2020, THĐC HK đã đóng góp 9 ngàn 800 MK để phụ giúp vào công trình xây dựng tu viện của anh em dòng ở mảnh đất sát cạnh Giáo xứ Châu Ninh này, một tu viện vẫn chưa khởi công, vì ưu tiên mục vụ trước

Khu đất vẫn còn trống, đôi khi được các tổ chức xã hội hay dân chúng mướn để làm nơi sinh hoạt, như em thấy chiều hôm 19/11/2023

 


Giáo xứ Châu Bình ở Thủ Đức từ năm 1956 và Giáo Xứ Châu Ninh ở Bố Đức từ năm 1959 là một cặp Nhà thờ (cũng "Châu": Châu bình - Châu ninh; và cũng "đức": Thủ đức - Bố đức),

cả hai đều ở trong đất của dòng và đều được anh em dòng coi sóc từ đầu cho tới nay.

Do đó, không lạ gì 4 trong 10 vị linh mục đầu tiên phục vụ Giáo xứ Châu Bình (hình trên), theo thứ tự, cũng là 4 vị trong 5 vị đã phục vụ Giáo xứ Châu Ninh (hình từng vị phục vụ GX Châu Ninh ở phần trên đây).

 

 

 

 

 

 

Giáo phận Đà Lạt cũng có liên hệ từ đầu với Cơ sở của Dòng ở Giáo Phận Buôn Mê Thuột,

vì Cơ sở của dòng khi chưa có Giáo phận Buôn Mê Thuột bấy giờ thuộc Giáo Phận Đà Lạt

 

Tu Viện Thiên Mẫu Di Linh 

 

THIÊN MẪU ĐỒNG CÔNG  TẠI THÔN ĐỒNG LẠC, XÃ ĐINH TÚC, HUYỆN DI LINH, TỈNH LÂM ĐỒNG.

PHẦN I

Duyên Do - Duyên Kỳ Ngộ - Mua Đồn Điển Trà

        Duyên Do:     

       Khoảng năm 1967, một cánh thư của Đức Cha Simon-Hòa, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt bay tới Anh Cả tại Nhà Mẹ Nhà Đá, thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ thuộc tỉnh Bình Định (Qui Nhơn). Trong thư Đức Cha tỏ ý xin Anh Cả phái một thày đến làm việc trong Tiểu Chủng Viện Simon-Hòa, Đà Lạt. Anh Cả chấp thuận yêu cầu của Đức Cha, liền cử Anh Micae M. Nguyễn Trung Giáo (Lớp khấn II) tới đó. Trong thời gian anh Giáo làm việc ở tiểu chủng viện, dầu chỉ là một ông thày đóng vai giám thị, nhưng với tư cách làm việc khôn ngoan và tế nhị trong xử thế, anh được cha Giám Đốc và toàn ban phụ trách viện mến phục. Các chú chủng sinh đều tín nhiệm, quí mến anh. Nơi anh, có nét son đáng nhớ là anh năng cổ động lòng sùng kính Đức Mẹ cùng vận động để thiết lập Tòa Mẹ ở những nơi xứng đáng. Những đề nghị xây dựng của anh đều được ban quản trị và các thày trong viện dễ dàng đồng thuận. Anh cũng khéo léo giúp các chủng sinh có lòng yêu thương người nghèo, nên sau kỳ nghỉ hè, nghỉ tết, chủng sinh trở lại chủng viện đã đóng góp cho anh được một số tiền đáng kể để chia sẻ cho những người thiếu thốn…

       Duyên Kỳ Ngộ

       Một ngày nọ, anh Giáo gặp hai chị dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tới tiểu chủng viện tĩnh tâm, nơi có chị em đồng viện giúp việc bếp núc, hai chị mách cho anh Giáo biết bên cạnh cơ sở các chị tại Đồng Lạc, Di Linh có đồn điền trà của gia đình một người Pháp muốn bán để về nước… Anh Giáo tỏ chuyện này với anh Gioan M. Đinh Quang Trí (Lk II). Dầu đang bận bịu với phương án kiến thiết cư xá sinh viên Rạng Đông tại Đà Lạt, song anh Trí cũng muốn đi ngay với một trong hai chị dòng (chị Tư) để tận mắt quan sát đồn điền, hôm đó là ngày 15.10.1969. Tới Đồng Lạc, anh cuốc bộ gần 200m; hiện ra trước mắt anh ngôi nhà sàn cao khỏi mặt đất hơn một thước, mái tôn, chung quanh vây bằng ván gỗ sơn xanh đã bạc màu, tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải dốc. Ông bà chủ thấy anh Trí mang áo dòng vội ra chào cha, anh Trí nhanh miệng vui vẻ thanh minh…; anh theo ông bà lên phòng khách. Qua câu chuyện xã giao, được biết quý danh đầy đủ của ông chủ là Charles Lacouture, bà vợ ông người Việt. Ông chủ nói thành thạo tiếng Việt giọng Nam Bộ. Ông thành thực bày tỏ không muốn bán sở trà, mà còn muốn gởi xác tại đây. Nhưng hiện nay, vì số phận của người Pháp không còn được như trước, nên ông phải đưa gia đình trở về quê hương. Ông là người Công Giáo tốt, muốn để sở trà này cho một cơ sở trong đạo với giá phải chăng.

       Đồn điền này của gia đình Charles, nguyên trước đây ông Charles là đại sứ Pháp tại Cao Miên. Sau khi nghỉ việc tại tòa đại sứ, ông đưa gia đình sang Việt Nam sinh sống. Ông tìm đến vùng cao nguyên Di Linh và ông mua lại đồn điền này của hai người sắc tộc là K’ Tai và K’ Bren; văn tự đề ngày 10.3.1939. Thời chiến tranh Nhật, ông Charles đành  phải bỏ dở. Qua mười năm, tức ngày 15.4.1949, ông nhờ trắc địa viên P. Forli ở Di Linh lập bản đồ cho sở. Ít lâu sau ông thất lộc, để lại cơ sở cho hai người con, một gái một trai. Người chị ngại ở đồng rừng nên bán cả phần đất của mình cho em là Charles Lacouture. Ông này tận lực khai thác từ năm 1954 được 47 mẫu trên ngọn đồi 57 mẫu (10 mẫu dành cho thôn làng), trong đó trồng 9 mẫu cà phê và hơn 30 mẫu trà, nhiều cây ăn trái như bơ, mít và một số cây khác không đáng kể. Vì có nhiều mẫu trà nên người ta thường gọi tắt là sở trà. Trong 47 mẫu, ông chủ đã dành gần một mẫu làm khu nhà ở, hiện có ngôi nhà sàn gồm 4 phòng, mỗi phòng rộng 16 thước vuông, giữa nhà là một khoảng trống trưng bày bàn thờ và dùng làm phòng khách. Ngay bên ngôi nhà về phía trong có bể chứa 30 thước khối nước ngầm dưới mặt đất; tiếp đến một nếp nhà thấp làm bếp, một căn bỏ trống và một phòng ngủ; lui về phía bên, một dãy nhà chín gian làm kho, nơi xay cà phê, chỗ để máy móc, nông cụ gồm 3 máy cày tay, một máy xay cà phê, một bồn chứa nước dung tích 1000 lít, một máy nước 15 mã lực đẩy nước từ hồ dưới thung lũng dẫn qua 350m ống chì 72 và 1.000m ống chì 34 đặt khắp đồn điền để tưới, và nhiều dụng cụ khác.

       Sở trà này tọa lạc cạnh quốc lộ 20, nơi cây số 229, thuộc ấp Đồng Lạc, xã Đinh Túc, huyện Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng. Gần sở trà, có một làng người kinh chừng 200 nhân danh và một buôn dân tộc K’ Ho độ 2.000 người, có trường tiểu học do mấy chị dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm điều khiển. Bên kia quốc lộ, chênh chếch về phía Di Linh, có cơ sở của địa phận Đà Lạt, do một cha thừa sai người Pháp, quý danh François de Reynies (Nhất) đến khai phá để lập Trung Tâm Bác Ái – Foyer Charité. Lui lên phía trên 9 cây số là xã Phú Hiệp có chừng 1.500 tín hữu Công Giáo. Cạnh sở trà này có đồn binh khoảng một trung đội đồn trú.  

       Sau đó bốn hôm tức 19.10.1969, anh Trí lại rủ cả anh Giáo xuống thăm đồn điền. Cả hai anh em gật gù ưng ý, bèn nhắn tin ra Anh Cả, nhưng không có hồi âm. Ngày 13.11, anh Trí bay ra Qui Nhơn, gặp Anh Cả ở Qui Đức thưa lại chuyện này. Tin mua đồn điền trà Di Linh nhỏ to lan ra, một số anh em cho rằng mình sao làm nổi đồn điền rộng lớn đó! Anh Trí giải thích: ông Tây cà mèng còn làm được, bao nhiêu chỗ khác người ta cũng đã làm… 

       Ngày 19 tháng 11, Anh Cả cử anh Tổng Quản lý Phêrô M. Nguyễn Cao Hoàng (Lk III) và anh Phanxicô S. M. Đinh Chí Cương (Lk VI) cùng với anh Trí đi thăm đồn điền… Phái đoàn đại diện nhận thấy sở trà này có thể mua được. Trở về Qui Nhơn, các anh trình bày với Anh Cả... Để cho chắc chắn, lại một lần nữa Anh Cả phái anh Phêrô M. Trần Gia Thế (Lk II) và anh Trí đến Đồng Lạc… Lần này hai anh ở hẳn một tuần để tìm hiểu thêm sinh hoạt của đồn điền, về chủ, về những người làm công và quan sát toàn cảnh đồn điền. Khi đã cẩn thận cân nhắc trước sau… cuối cùng hai anh đề cập với ông bà chủ về giá cả đồn điền. Lẽ tất nhiên, trên thương trường đôi bên đều tranh thủ phần lợi về phía mình, rốt cuộc ông bà Charles Lacouture đưa giá 4.000.000 (bốn) triệu đồng VN. Biết được giá này, hai anh quay về Qui Nhơn trình bày sự việc với Anh Cả.

       Quyết Định Mua Sở Trà Đồng Lạc Di Linh

       Chúng ta biết, Anh Cả vốn có chủ trương giúp cho anh em luyện tập tinh thần chịu khó, tự công sức mình lao động “Tay làm hàm nhai”, không sống dựa. Lại nữa, nơi đây rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh, xa thành phố nhộn nhịp, rất thuận lợi cho việc huấn luyện tu sĩ và tổ chức các tuần tĩnh tâm. Thế nên, Anh Cả cùng với Hội Đồng Tổng Quản trong phiên họp bất thường ngày 1 tháng 12 năm 1969 thảo luận về việc mua đồn điền trà Di Linh. Toàn thể Hội Đồng đã bỏ phiếu chấp thuận. Ngay từ đây, Anh Cả đã dâng sở trà cho Đức Mẹ và đặt tên: Tu Viện Thiên Mẫu Đồng Công – tôn vinh Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng I và nhận Đức Tổng Thần Micae, bổn mạng II để xin Ngài phù giúp đoàn con của Mẹ và canh chừng cho cả đồn điền khỏi mưu mô lũ quỉ dữ ranh ma quấy phá.

       Tin từ trung ương Nhà Mẹ Nhà Đá bay tới tu xá Mẹ Nữ Vương, Đà Lạt cho Anh Phanxicô Assisi M. Nguyễn Minh Đăng (Lk IV), Giám Đốc nơi đây biết quyết định mua sở trà Đồng Lạc, Di Linh và Anh Cả chính thức phái anh Trí đi lo thủ tục giấy tờ.   

        Đức Giám Mục giáo phận viếng thăm     

       Xin ghi lại ở đây một chi tiết là, khi biết Dòng Đồng Công mua đồn điền trà tại Di Linh, Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền hết sức tán thành và ủng hộ. Ngài  vui vẻ và cầu chúc Nhà Dòng được mọi may mắn. Ngài khích lệ: “Như thế mới là cộng tác thực sự với Chúa. Chúa ban đất đai cho con người canh tác, để tự lực mưu sinh mà thờ phượng Chúa, đồng thời làm đẹp trái đất, chứ không phải cứ tu sĩ thì có quyền làm những công việc dễ kiếm lời, hoặc để người ta bưng bát tới dưng hầu”. Đó chính là tinh thần của Chúa Giêsu: “Không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20: 28),  và Công Đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về tu sĩ đã đề cập đến.

       Thủ tục hành chính – Thanh toán việc mua khu vực  

       Như trên, anh Đinh Quang Trí được Anh Cả ủy thác việc mua sở trà Đồng Lạc, anh liền tiến hành việc làm giấy tờ sang tên, bắt đầu từ xã lên quận, qua tỉnh và sang phòng địa chính, nếu làm mau cũng phải mất một năm, ít nhất 6 tháng. Nhưng chỉ trong ba ngày văn tự đã hoàn tất cách nhanh chóng. Phải chăng đây là việc Trời Cao đã muốn? Tất cả những người biết việc đều cho đây là một điều lạ, một kỷ lục trong thủ tục hành chánh và địa bạ. Hôm đó là ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thứ Hai 8.12.1969. Thấy kết quả công việc lo giấy tờ quá nhanh chóng trước mắt và bên bán không phải mất đồng nào “vào cửa quan”, ông bà chủ Lacouture sung sướng, cảm động đến phát khóc - nghe rằng thời đó, thường phải mất tới một triệu bạc mới bán được một đồn điền to lớn như thế!

       Tưởng cũng nên ghi lại chi tiết trong chuyện trao đổi về giá cả đồn điền giữa phía nhà Dòng, anh Đinh Quang Trí đại diện và ông bà chủ Charles Lacouture lúc khởi đầu đã đồng thuận với giá đồn điền là 4.000.000 (bốn) đồng VN, nhưng trong thời gian trước khi về Pháp, do tình hình chiến sự tại VN, giá cả thị trường mỗi ngày một tăng cao và cũng do phía Nhà Dòng chậm trễ thanh toán, nên ông bà chủ làm reo:  không chấp nhận số tiền như đã thỏa thuận; ông bà đòi Nhà Dòng phải trả đến bảy triệu đồng! Rốt cuộc chúng ta biết Anh Cả luôn coi nhẹ đồng tiền, mà trọng Đức Bác ái, nên đã chấp nhận trả đủ 7 triệu đồng cho gia đình chủ.

Theo pháp lý, sở trà Lacouture Đồng Lạc đã thuộc sở hữu Dòng Đồng Công. Chừng giữa tháng 2 hoặc đầu tháng 3, chủ cũ sẽ trao hẳn cho Dòng, nhưng Anh Cả muốn nhận vào chính ngày lễ Mẹ Dâng Chúa trong Đền Thánh, 2.2.1970, mừng lễ bạc Anh khấn Dòng - mốc thời gian 15 năm, theo Quy Luật cũ của Dòng. Ngày này, chính Anh hoặc sẽ cử một linh mục và một số anh em tới dâng lễ đầu tiên tại sở trà để tôn kính Mẹ.

Khởi Công Kiến Thiết   

       Sau khi nhận sở trà ngày 2.2.1970, anh Tổng Quản Lý Phêrô M. Nguyễn Cao Hoàng (Lk III) tới Đồng Lạc, lo mua sắm vật liệu xây cất, một số anh em từ Nhà Mẹ Qui Nhơn đến, từ Thủ Đức lên. Tuy thời gian anh em đặt chân tới đây lần đầu tiên còn lạ nước lạ cái nhưng cũng chóng quen thủy thổ. Hàng ngày sáng chiều anh em hăng hái, mỗi người một việc… Trước tiên, anh Hoàng điều động anh em dựng lên dãy nhà 5 gian gồm 2 gian dành làm nhà nguyện, 3 gian anh em ở. Dãy nhà này rộng 12m dài 20m lợp tôn, chung quanh ghép ván gỗ.

       Ngày 18.2.1970, Anh Cả, anh Philipphê M. Phạm Đức Thịnh, Linh Mục lớp khấn  II và 12 anh em tháp tùng đáp máy bay từ Qui Nhơn tới sân bay Liên Khương, và từ Liên Khương lên Đà Lạt 30km bằng xe của hãng Air Việt Nam. Phái đoàn Anh Cả tới tu xá Mẹ Nữ Vương-Đồng Công nghỉ đêm. Hôm sau 19.2, Anh Cả nghỉ lại tu xá chữa bệnh, bởi hôm trước sương chiều dày đặc nên Anh nhiễm cảm nặng, và 4 anh em đã ở lại với Anh Cả. Như vậy còn lại 8 mạng cùng anh Thịnh xuống Đồng Lạc tham gia công tác với số anh em đã đến trước; hơn hai tuần qua chờ đợi anh Thịnh đến, anh em tại đây đã cậy nhờ Cha François de Reynies (Duy Nhất là tên Việt của ngài) gần đó dâng lễ. 

       Ngày 23.03.1970 thứ Sáu, Anh Cả và 4 anh em tháp tùng từ tu xá xuống. Tới ấp Đồng Lạc, bên tay mặt quốc lộ là một sóc người dân tộc; bên trái quốc lộ, đi vào con đường đất dài chừng 200m gập ghềnh, lần đầu tiên Anh Cả đặt chân trước khu nhà trên đỉnh đồi trà Đồng Lạc. Để anh em di chuyển dễ dàng, hai ngày sau, Anh Cả đốc thúc anh em vận dụng toàn lực chỉnh trang con đường từ nhà ra mặt lộ. Tiện đây xin nhắc đến một trường hợp, Anh Cả đến thăm một sở nọ của Dòng, thấy đường đi lối lại lủng củng, lởm chởm, Anh Cả nói: “như nhà vô chủ!” Chi tiết nhỏ này cho ta biết rằng, Anh Cả rất quan tâm đến đời sống thực tế hàng ngày của anh em, đó là bên ngoài. Vậy đời sống tâm linh của anh em thì Anh Cả quan tâm săn sóc biết chừng nào nữa! như có lời: “Cha Má ban Anh Cả nuôi sống hồn xác các con, chính ngài lo lắng đến phần rỗi và chăm sóc tới mọi nhu cầu cho hạnh phúc đời đời của mỗi con và toàn Dòng”.

Ngày 12.4.1970, đang giờ nghỉ trưa, có tiếng bánh xe lạo xạo trên con dốc vào tu viện, một chiếc vận tải cỡ trung, như đã rất quen thuộc bò vào giữa sân đậu lại, thì ra anh Inhaxiô M. Nguyễn Đức Tuynh (Lk VII) trong xe ra – tu viện nhờ anh mua xe này. Từ nay “cháu nó” nhận công tác chuyên ngành… Jeep là tên cháu, từ Mỹ quốc mới nhập tịch.

       Chương trình kiến thiết khu mới cho đến tháng tư 1970 được thêm 6 gian làm nhà cơm, bếp, nhà kho, chỗ rửa chén đĩa, và sàn giặt. Tiếp theo để tu viện được an toàn, và cũng ngăn cản được phần nào thú hoang vào phá phách cây cối, thì ngày 2.5.1970, Nhà Mẹ tiếp viện cho cơ sở 10 anh em lớp Triết: Vạn, Minh, Lộc, Lý, Vận, Sử, Vĩnh, Hoan, Cần, Báu và 2 anh Khẩn, Phụng (Lk IX). Nghỉ  ngơi mấy ngày, các anh tra tay làm một hàng rào vĩ đại. Sau hai tuần lễ anh em nhọc mệt chiến đấu trong cảnh núi đồi đã hoàn thành nhanh chóng một vòng đai rộng đến 20 mẫu tây, tổng cộng trên 4 cây số! Vì nhu cầu xây dựng, số anh em mỗi ngày một thêm đông, nên Anh Cả cho đúc trên đỉnh đồi một hồ chứa đến 10 thước khối nước do máy dưới chân đồi của chủ cũ bơm lên đủ dùng cho cả nhà.

Thành Lập Tu Viện

       Ngày 21.6.1970, Anh Cả ký thông cáo số 142/TC/TGĐ (Hội Đồng Tổng Quản họp ngày hôm trước) đã quyết định:

       - Thành lập tu viện Di Linh, lấy tên là Tu Viện Thiên Mẫu, Đồng Công.

       - Tôn nhận Mẹ Thiên Chúa làm Bổn Mạng.

       - Giám Đốc: Anh Philipphê M. Phạm Đức Thịnh (Lk II).

       - Phụ Tá I: Anh Đaminh M. Nguyễn Công Đồng (Lk I).

       - Phụ Tá II, kiêm Quản Lý: Anh Matthêô M. Đặng Kim Mô (Lk II).

 

 

TU VIỆN THIÊN MẪU - ĐỒNG CÔNG ĐỒN ĐIỀN TRÀ - ĐỒNG LẠC - DI LINH


Từ ngày 8 tháng 12 năm 1968, Dòng Đồng Công sở hữu chủ đồn điền trà tại thôn Đồng Lạc, xã Đinh Túc thuộc quận Di Linh, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Nhà dòng mua lại của ông Charles Lacouture, Pháp kiều với giá bảy triệu bạc Việt Nam thời đó.
Nguyên trước kia, cụ thân sinh của ông Lacouture là đại sứ Pháp tại Thái Lan, cụ đã về hưu và sang Việt Nam tìm nơi sinh sống.

Cụ tìm đến vùng cao nguyên Di Linh mua đồn điền này của hai người K’ Ho là K’ Tai và K’ Brel - văn tự đề ngày 10.3.1939.
Đồn điền rộng 47 mẫu tây chiếm gần hết quả đồi, người K’ Ho quen gọi là đồi Duệ (xóm Duệ), và gọi là đồn điền trà vì có tới 30 mẫu trà trải rộng trên quả đồi,

trong khi chỉ có 9 mẫu cà phê, một số cây ăn trái như bơ, mít và gần 10 mẫu đất còn bỏ hoang.

Nơi đây nằm cạnh quốc lộ 20 đường lên Đà Lạt, khí hậu mát mẻ, Anh Cả đã lập một tu viện mang danh tu viện Thiên Mẫu - Đồng Công,

nhất là đây thích hợp cho việc Anh huấn luyện lớp tập X, lớp tập XI cùng cả một lớp triết;

và còn thuận tiện để tập cho mọi anh em biết chịu khó “tay làm, hàm nhai”.

Nhà nguyện Tu viện Thiên Mẫu Đồng Công ở Đồn điền (trà, bơ, mít) Di Linh Đồng Lạc, tọa lạc trên đồi trà ở xóm Duệ

                  

Từ năm 1972, tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam cho đến 1975 mỗi ngày một thêm khốc liệt hơn… Anh Cả đã sớm cho ngót trăm anh em di tản từ tu viện Thiên Mẫu - Di Linh về Thủ Đức ngày 31.1.1975. Ngày 30.4.1975, quân Bắc Cộng tiến chiếm miền Nam Việt Nam. Anh Cả hy vọng rằng trong chế độ mới có thể đưa anh em trở lên Di Linh theo đuổi ơn gọi tu trì và canh tác để sinh sống. Thế nên, đầu tháng 5.1975, hơn 10 anh em khấn cùng cộng sự viên và 38 tiền tập sinh với nhiều tấn lương thực chuyển lên tu viện Thiên Mẫu.

Nhưng, sau khi hoàn thành những chuyến di chuyển theo dự tính thì, sáng sớm ngày 2 tháng 6 năm 1975, tu viện bị các cán bộ cao cấp trong Uỷ Ban Quân Quản quận Di Linh phong toả và bắt tất cả tới trại giam quận. Đồng thời Anh Cả, anh Hân
và Quân bị quản thúc ở tu viện. Ngày 12.6.1975, các cán bộ
bắt luôn Anh Cả đi giam tại những nơi như Di Linh, Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn… Ngày 20.4.1977, nhà nước cưỡng chiếm toàn bộ tu viện Thiên Mẫu cùng đồn điền trà, cà phê trên đồi Duệ Đồng Lạc.

Ngay hôm đó, cán bộ đưa ba anh Hân, Quân trả về nhà 30 gian và, Anh Cả còn bị đưa đi Sài Gòn tiếp tục làm việc. Ngày 29.4.1977, Anh Cả được trả tự do theo quyết định của ông Cao Đăng Chiếm, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ. Anh về Thủ Đức trên
chiếc xích lô máy của một giáo dân thuộc giáo xứ An Lạc, Sài
Gòn. Anh sống tại khu nhà 30 gian, nơi đây trở thành Nhà Mẹ Dòng, cho đến ngày 21.5.1987 nhà nước cưỡng chiếm luôn!

           

Anh Tịnh và Khâm phụ trách việc truyền giáo cho người K' Ho tại Đồng Lạc - Anh Tịnh (LK 6) đang dẫn họ vào khuôn viên Tu viện Thiên Mẫu xã Đồng Lạc quận Dijring (Di Linh) tỉnh Lâm Đồng

Anh chị em dân tộc trước nhà khách của Tu viện Thiên Mẫu Dijring sau khi được anh em dòng khoản đãi bữa ăn

 

 Anh em dòng thực hiện công tác kiến thiết khu dưỡng lão cho người K' Ho neo đơn, cao tuổi vùng Di Linh, Thành lập vào năm 1974, nhưng bị chính quyền mới giải tán ngày 16/6/1975.

Đây là nhóm AE Đội XI, nhập Tập viện năm 1972 ở Tu viện Thiên Mẫu Di Linh, từ trái sang phải, ai quen biết có thể nhận diện như sau:

Người duy nhất đứng cuối cùng bên trái là Anh Nguyễn Quang Đán, Phó giáo tập (Đội X và XI), đệ nhị Giám tỉnh chi dòng và cũng là đệ nhị Tổng Phục vụ toàn dòng (2012-2023);

Người cười cười ngồi ngay trước cột nhà là Anh Vũ Minh Nhiên, đệ lục Giám tỉnh Chi dòng và cũng là đệ tam Tổng Phục vụ toàn dòng;

Người ngồi hàng đầu, không mũ, đăm chiêu nhìn xuống là chàng Nguyễn Minh Ngọc, chuyên viên video NTM và đương kim thư ký THĐC (2019-2023);

Người ngồi hàng thứ hai, ngay sau Anh Ngọc và trước Anh Nhiên là Anh Bùi Hồng Việt đang ở San Jose CA;

Hàng thứ nhất, Anh Khiết (thứ ba) và Anh Đương (không mũ cuối phải và đã trở về tỉnh dòng tu lại).

 

Rất tiếc em chỉ ở Đồn điền Thiên Mẫu Di Linh 2 năm (1980-1982), khi mới có mấy anh em ban đầu (Aa Thịnh LK1 Giám đốc, Mô LK2 nội thiện, Hân LK5, Tịnh LK6, Khâm LK7, Giác LK 8, Chỉnh LK9),

sang năm 1981 có thêm Lớp tập X đông hơn, vui hơn, cho đến thời điểm thiên định, nghĩa là sau khi bất ngờ thử thách trắc nghiệm em về Lý tưởng Thánh Đồng Công,

Anh Cả đã sai em vào phục vụ Tiểu Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt (1972-1974), tiếp theo thời của Anh Trần Trung Giáo LK 1 (1968-1970).

Đồng Lạc Di Tản

       Ngày 31.1.1975, từ sáng sớm, dãy tập viện, khu nhà bếp đồ đạc đóng gói xếp ngổn ngang, đồ phế thải đầy các bồ rác. Chương trình các giờ chung trong viện vẫn tiếp diễn bình thường. Sau ca đức ái, trong ít phút điểm tâm, những lời chào chúc nhau trước khi chia tay về Thủ Đức công tác xây cất Nhà Mẹ như Anh Cả đã định cả tháng trước. Có anh dè dặt nhỏ to đề cập đến chuyện “rút quân” bởi chiến sự căng thẳng...!

       Ngay từ sáng sớm, chật vật nhất là anh quản lý Nguyễn An Phong khéo léo mướn ngay được 2 xe vận tải lớn, và điều động anh em phụ xếp lên xe, nào là gạo, thực phẩm khô, vải vóc cùng đồ cắt may, giường sắt, nói chung các thứ đồ cần thiết phải đưa khỏi tu viện.

       Bảng thông báo chung nhà: lớp triết ngưng việc ôn bài, toán này lo việc bếp nước, toán kia thu xếp nhà cửa thứ tự… Và số đông anh em đã được báo dùng cơm sớm lúc 10:00. Chuyện “di tản” mới thực sự bùng nổ từ lúc này.

       Khoảng 10:35, sau cơm, toàn thể anh em tới phòng Anh Cả. Anh cho biết lý do cuộc đi: công tác xây cất Nhà Mẹ Thủ Đức, đồng thời tránh những bất trắc có thể xảy ra trong dịp tết sắp tới.

       Khoảng 12:45, công việc thu xếp tạm ổn. Vài chuyến xe đã khởi hành… Chuyến chót là xe Anh Cả, anh em tháp tùng, lớp Triết cũng lên đường rời khỏi Đồng Lạc hồi 13:45 trực chỉ Nhà Mẹ Thủ Đức. Còn lại trên 10 anh em, dù biết mình ngày mai cũng biệt khỏi chốn này, thế mà đứng nhìn những chuyến xe chuyển bánh trong lòng cũng thấy trống trải, xôn xao…

Đồng Lạc – Nội Các Mới

       Ngày 1.2.1975 sáng nay, danh tánh anh em tử thủ dưới mái nhà Thiên Mẫu mới được tiết lộ dứt khoát: Anh Giám Đốc Nguyễn Toàn Ban, anh Khâm, Tịnh và 2 anh Tử Thái, Ngọc Đăng được gán ghép như sau:

       Phụ Tá Ngoại Vụ kiêm An Ninh  : Tịnh

       Phụ Tá kiêm Quản Lý : Tử Thái

       Hỏa Đầu Quân : Ngọc Đăng

       Anh Giám đốc cho phép nhà bếp được mở tiệc mừng Tân Nội Các và chia tay… Chuyến xe Dodge của anh quản lý Phong cũng giã từ đồi trà thân thương hồi 12:45, đẩy xa anh em khỏi ngôi tu viện ghi dấu biết bao kỷ niệm êm đềm... Bóng hình cây Thánh Giá trắng cao chót vót trên đỉnh nguyện đường Thiên Mẫu nhỏ dần, màu vàng tươi viện dưỡng lão cũng khuất dạng!… Anh em bâng khuâng bịn rịn... Chuyến xe qua khỏi Di Linh, Liên Đầm, ghé chào biệt anh em tại đồn điền Djiratô và đồn điền trà Đại Nga mỗi nơi mấy phút vừa để đưa tin tu viện mình, vừa để chúc xuân mới Ất Mão. Chiếc Dodge về tới khu Nhà Mẹ Thủ Đức vào chiều 1.2.1975, mặc dầu dọc đường “cháu nó” cũng dở chứng 2 lần: xẹp bánh xe.

 

 

 

Cư xá Sinh Vên Rạng Đông Đà Lạt

 

 

 

CƯ XÁ SINH VIÊN RẠNG ĐÔNG TRÊN ĐỒI ĐA THIỆN - ĐÀ LẠT (6.1969 – 30.3.1975)

          Anh Cả Đaminh Maria Trần Đình Thủ, Linh mục Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công, với tình yêu Thiên Chúa cao độ, Anh hằng ấp ủ trong tâm trí những ước vọng chỉ nhắm tới điều làm sáng danh Chúa và lợi ích cho tha nhân, nhất là người Việt Nam nhận biết Chúa, làm thánh. Tình yêu nảy sinh nhiều sáng kiến, do vậy mà Anh hăng say dẫn anh em Dòng trên đường theo Chúa và cùng lôi kéo nhiều người đến với Chúa. Việc thành lập CƯ XÁ SINH VIÊN RẠNG ĐÔNG, ĐÀ LẠT là một trong những công cuộc truyền giáo của Dòng cũng nằm trong tôn chỉ đó.            

   Chủ trương của Anh Cả khi thành lập Cư Xá Sinh Viên Rạng Đông - Đà Lạt, không phải là làm kinh tế mà vì bác ái từ thiện. Mục đích việc thành lập Cư Xá là góp phần kiến tạo cho tổ quốc Việt Nam một số người có đầu óc lãnh đạo, gián tiếp truyền thông tình yêu say mê của Chúa và Đức Mẹ cho những sinh viên thiện chí. Khởi công kiến thiết Cư Xá ngày 25.3.1970. Hàng năm, mỗi đầu năm học mới, Cư Xá tiếp nhận thêm sinh viên mới không phân biệt tôn giáo. Tổng số sinh viên năm 1975 là 140. Theo đồ án khởi đầu, Cư Xá sẽ đón nhận đến 500 sinh viên, nhưng công trình kiến thiết bị ngưng dang dở bởi biến cố đau thương 30 tháng 4 năm 1975.

PHẦN I

Một Nguyên Nhân

      Tới Đà Lạt, phái đoàn đến trọ tại Dòng các Cha Đaminh số 16 đường Bá Đa Lộc, nơi anh Phanxicô M. Nguyễn Minh Đăng (K. IV), đang trọ để theo học trong Giáo Hoàng Học Viện Piô X (do các Cha Dòng Tên điều khiển). Dịp này, Anh Cả muốn tìm nơi cho anh em Dòng ở để theo học Đại Học (Đại Học do Hội Đồng Giám Mục miền Nam Việt Nam thành lập). Ý của Anh Cả là cố giới hạn anh em Dòng theo học ở các Đại học tại Sài Gòn, vì môi trường nhộn nhịp dễ bị phân tâm và không mấy hợp với đời sống tu trì. Vả lại từ lâu trước, Anh Cả đã muốn thành lập một trụ sở cho Dòng tại ấp Du Sinh Đà Lạt để anh em có thể tạm nghỉ và lưu học Đại học – sau đã bỏ địa điểm ấy. Từ đó Anh vẫn để ý tìm kiếm… Vậy, bây giờ là lúc thuận tiện, anh Minh Đăng thưa với Anh Cả về biệt thự của ông Đỗ La Lam, người thân quen từ trước ở số 12 đường Quang Trung rằng, Ông Lam muốn bán hoặc cho thuê để đưa gia đình về Sài Gòn. Biết vậy, Anh Cả cho anh Đinh Chí Cương đến xem thử. Ông Lam rất vui mừng vì hôm ấy là thứ Bảy, 30 tháng 3 năm 1968 – ngày thứ 8 trong tuần cửu nhật kính Thánh Cả Giuse mà ông Lam đã xin anh Minh Đăng hợp ý khấn Thánh Cả để giải quyết vấn đề nhà của ông. Thực ra đã hơn một tháng qua, ông Lam nhờ anh Minh Đăng giới thiệu cho các Cha Dòng Tên vì các ngài   đang tìm mua hoặc thuê nhà để lập Scholasticat, các ngài ưa khu này, nhưng còn chờ lệnh. Mặt khác ông Lam nhờ Kiến Ốc Cục niêm yết cho thuê nhà.

     

      Một Ân Nhân:

           Sáng Chúa Nhật 31.3.1968, ông Lam đích thân đến trụ sở Dòng Đaminh gặp Anh Cả thảo luận hồi lâu… và ông mời Anh Cả đến nhà ông, Anh Cả nhận lời mời. Cùng ngày, một gia đình từ Sài Gòn lên xin thuê dài hạn, còn muốn đặt tiền trước sáu tháng. Lại thêm một nhóm bác sĩ cũng đến xin thuê để mở bệnh viện…

           Ngày cuối tuần cửu nhật, ông Lam có nói với anh Minh Đăng: Thánh Cả Giuse đã cho ba giải pháp, nhưng con chọn giải pháp để Cha Bề Trên Dòng Đồng Công thuê hay mua tùy ý, vì từ khi mới tậu nhà này của một người Pháp, vợ chồng con đã dâng kính Đức Mẹ, xin Mẹ làm Nữ Vương gia đình chúng con. Bởi vậy con đã dựng đài Mẹ ngay mặt tiền với bảng đồng khắc chữ:

              DOMINARE NOSTRI TU ET FILIUS TUUS

Xin Mẹ và Con Mẹ thống trị chúng con – (Judith VIII, 22)

            Hôm sau, Anh Cả đến thăm gia đình anh Thành (Âutinh M. Phạm Trung Thành ‘K. I’ đã rời khỏi dòng từ cuối năm 1964, bây giờ anh làm việc trong cơ quan USAID Đà Lạt). Dịp này, Anh Cả tặng gia đình anh một pho tượng Đức Mẹ trắng tinh, cao 5 tấc với những đường nét đơn sơ, mỹ thuật. Sau đó, anh Thành chở Anh Cả và mấy anh em tới thăm gia đình ông Đỗ La Lam như đã hẹn trước.  

           Chiếc xe hai cầu đúng hiệu người ta quen dùng trên các miền đồi núi, anh Thành cho xe chạy theo con đường bên bờ hồ Xuân Hương, ngả vào đường Quang Trung, qua nhà ga hỏa xa Đà Lạt khoảng chừng dăm bảy trăm mét khu đất rộng, cỏ xanh bên trái. Phía tay mặt, là cổng số 12 bằng gỗ sơ sài, bình dị đã mở. Ông bà Lam trong nhà vui vẻ ra đón tiếp Anh Cả cùng phái đoàn. 

           Tuy là ngôi biệt thự có lầu, nhưng xây cất đã gần ¼ thế kỷ theo kiểu nhà bên Âu châu vùng xứ lạnh, trông đơn sơ, thanh bần, cảnh quan không vẻ sang trọng. Nó tọa lạc giữa khu đất bằng phẳng rộng tới 3.000 thước vuông vức trong một vùng khá yên tĩnh, thanh bình. Sau khi ông bà chủ nhà dẫn Anh Cả đi quan sát tận mắt khu nhà, Anh tỏ vẻ ưng ý.

 

PHẦN II

Thành Lập Tu Xá

        Sau khi bàn bạc… Anh Cả quyết định cho một số anh em đến khu nhà 12 Quang Trung để trọ học, và Anh gọi đây là khu Thánh Mẫu Vương, chỉ ngày 31 tháng Năm mừng Lễ Mẹ Nữ Vương làm Bổn Mạng (theo lịch cũ). Sau đó, Anh Cả chỉ định anh em tới địa điểm mới này:

 - Anh Phanxicô Assisi M. Nguyễn Minh Đăng (K. IV)

 - Anh Barnaba M. Trần Đức Nam (K. I)

 - Anh Tôma M. Lê An Nhân (K. I)

 - Anh Âutinh M. Phạm Châu Thụy (K. III)

 - Anh Isiđôrô M. Đinh Thành Bắc (K. V)

 - Anh Gioan KK M. Trần Minh Đoán (K. VI)

- Anh Gioan Đamas M. Nguyễn Ngọc Cường (K. VI)

- Anh Inhaxiô Loyola M. Trần Công Hoán (K. VII)

 - Anh Piô X M. Nguyễn Quang Đán (K. VIII)

 - Anh Phanxicô Xaviê M. Lương Minh Tuất (K. VIII)

           Anh Tôma M. Lê An Nhân được chỉ định làm quản lý khu Thánh Mẫu Vương. Anh tân quản lý đã tận tâm lo liệu mọi sự cần chuẩn bị mừng lễ Bổn Mạng sắp tới. Thực là tháo vát kỷ lục trong “nghề”! Chỉ qua ít tuần lễ, khu bé nhỏ này đã có bộ mặt như một “tu viện” thực danh.

        Lúc này, anh Minh Đăng  đề nghị lên Anh Cả: Trong việc giao tiếp với Giáo quyền cũng như Chính quyền, xin dùng danh từ theo luật: TU XÁ ĐỒNG CÔNG (domus non formata) để phân biệt danh từ Dòng (domus conventualis) và Tu Viện (domus formata). Anh Cả đồng ý. Ngày 24.5.1968, anh Minh Đăng đã thưa lên Đức Cha Đà Lạt Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt về quyết định của Dòng. Đức Cha chấp thuận cho thành lập Tu Xá Đồng Công với lễ mừng Bổn Mạng đầu tiên, 31.5.1968.

      

         Mừng Lễ Bổn Mạng – Đức Giám Mục giáo phận đến Dâng Lễ:

            Ba ngày trước lễ Bổn Mạng, anh quản lý điều hành, cùng anh em dốc toàn lực sửa soạn đại lễ. Ngày 29, 30 tháng 5 Tu Xá hân hạnh tiếp đón Quý Anh Đại diện Nhà Mẹ Quy Nhơn, tu viện Đồng Công Thủ Đức, Đệ Tử viện, khu Kitô Vương, khu Khiết Tâm Thủ Đức và Đại Diện tu viện Đồng Công Lái Thiêu.

       Sáng ngày Lễ, Đức Cha Đà Lạt tới làm phép Nguyện Đường và dâng Thánh Lễ Đồng Tế với anh Minh Đăng, anh Anrê M. Trần Đình Trung (K. I), anh Matthia M. Trần An Tĩnh (K. V). Đoàn con Mẹ Đồng Công ca hát vang trời.

            Cùng ngày hôm ấy, Đức Cha phê vào đơn thỉnh nguyện:

    “Tôi vui mừng chấp thuận theo các thỉnh cầu. Nguyện xin Mẹ Maria đã góp phần lớn lao vào việc cứu rỗi nhân loại chúc phúc và thông ban cho mọi anh em trong nhà lòng mến Chúa, yêu người hằng cháy phầng phầng trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ”.

                                          Đà Lạt, ngày lễ Mẹ Nữ Vương, 31 tháng 5 năm 1968

                                                       (ấn ký) + Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền      

                                                                             Giám mục

       

        Địa Điểm:

             Tu xá Thánh Mẫu Vương thành lập trong khu đất rộng, như trên ta đã biết. Mặt tiền là đường Quang Trung, hướng nhà về phía Đông – Bắc, cách ga xe lửa Đà Lạt không xa. Trong khu có những cây thông lớn, những cây tùng xanh rậm, nhiều loại cây ăn trái: Đào, Hồng, Mận, Cam, Quít, Chanh, Bơ, Táo tây, Thạch lựu. Chỉ có 2 loại: Đào, Mận là đáng ăn, còn các thứ khác không hợp thủy thổ - Từ lề đường công cộng trở vào 30 thước đến ngôi nhà lầu, tầng trên có 4 phòng ở, 1 phòng chứa đồ. Tầng dưới  gồm nhà nguyện, phòng tiếp tân, một phòng ngủ rộng, nhà cơm, bếp, nhà xe, cả tầng trên và tầng dưới đều có phòng tắm, vệ sinh – đàng sau nhà lầu có 1 nhà trệt 3 căn, có bếp, nhà vệ sinh (trước đây người Pháp làm cho người giúp việc ở). Đằng sau nhà trệt có xây hồ chứa được 4 khối nước. Mặt tiền về phía trái có đài Mẹ Thắng Trận (Mẹ La Vang) ở vào địa điểm cao. Vào mùa mưa khu này mới có đủ nước, anh quản lý đã liệu đào thêm một cái giếng.

               Tổ Chức Nội Bộ :

             Theo Hiến pháp và Quy Luật Dòng đã có, ở đây chỉ thích nghi ít điều để thời gian thuận tiện cho anh em sinh viên theo học. Nhân sự và trách nhiệm:

1. Anh Phanxicô Assisi M. Nguyễn Minh Đăng, Giám đốc.

2. Anh Barnaba M. Trần Đức Nam, thủ ngân.

    3. Anh Luy Gonzaga M. Trần Công Hoán, nội thiện kiêm quản lý.

4. Anh em khác chia nhau các công tác…

           Theo ý Đức Cha Đà Lạt, anh Minh Đăng nhận dâng lễ cho giáo họ Thống Nhất (gần Tu xá), Anh Cả đồng ý và cũng thuận để anh Minh Đăng giải tội cho dòng nữ Chúa Quan Phòng (mới lập scholasticat tại số 25 Quang Trung), và các sơ được anh Nam đến dâng lễ hàng ngày.

        Như trên ta đã  biết, anh Minh Đăng là sinh viên học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, sinh viên già nhất của Trường từ xưa tới nay, và là sinh viên duy nhất của Dòng học tại đây. Một điều hiếm hoi nữa vừa là sinh viên, vừa là giáo sư vì các Cha Dòng Tên nhờ anh dạy môn giảng thuyết cho Trường. Dù sức khỏe không được khá, nhưng anh cũng đang nghiên cứu đề tài về “Đức Mẹ trong Công Đồng Vaticanô II”. Các anh Bắc, Đoán, Cường, Đán, Tuất theo học Đại học. Hai anh Thụy và Hoán trau dồi sinh ngữ tại Tu xá. Ở đây, anh em vui vẻ chung sống trong tình huynh đệ con Mẹ Đồng Công. 

Bước Đầu – Chuẩn Bị Xây Dựng Cư Xá:

         Ngày công tác đầu tiên, làm 6 gian nhà kho, mái lợp tôn, ván gỗ chung quanh. Đó cũng là nơi cho anh em dùng bữa trưa, tạm trú khi nắng mưa. Thời gian này, tất nhiên sau một ngày công tác, anh em vẫn tập trung tại 12 Quang Trung. Nên mỗi sáng, số anh em công tác lên xe Lam, vượt qua 3 cây số trong giá lạnh để tới đồi Đa Thiện. Một ngày mới bắt đầu… cưa, bào, làm khung cửa sẵn sàng cho những dãy nhà sắp mọc lên. Đường lên đồi đất dốc dác, khi mưa trơn trượt lên xuống rất bất tiện. Bởi vậy, công việc trải đá làm nền móng mặt đường, cho xe công binh lăn đường, đóng cọc rào ranh giới khu Cư Xá là những việc cấp thiết, cần làm ngay. Thời gian này, trên đồi chỉ có anh em nhà, chưa đến lúc phải mướn công nhân.

           Những người con của Mẹ Đồng Công vẫn có thói quen chọn ngày lễ về Chúa, về Mẹ để dâng lên những ý nguyện… xin ơn hộ phù, xin chúc lành trước khi bắt đầu một công việc. Nhất là đây, một công trình lớn – trong chương trình Truyền giáo gồm cả giáo dục mà Anh Cả Sáng Lập Đaminh Maria nhắm tới, đặc  biệt, nó còn thể hiện câu châm ngôn của Dòng: “Không để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20, 28).

             Ngày Khởi Công Xây Dựng:

           Sáng  Lễ Thiên Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ,  25 tháng 3 năm 1970, anh Trí, anh Hoàng tới công trường đo đạc, vạch vẽ sắp đặt nền móng cho 2 dãy nhà đầu tiên sẽ mọc lên. Được thời cơ thuận tiện, và phải gấp rút, nên cần đến số đông công nhân nam nữ. Đa số họ là những người dân địa phương Đà Lạt, chỉ ít người từ Thủ Đức, Sài Gòn được điều lên. Quang cảnh tương đối tấp nập: chỗ này xe cát, xe gạch, đá các cỡ, gỗ ván, sắt các loại; chỗ kia xi măng đang bốc xếp vào kho chứa; chỗ khác cả anh em nhà cùng công nhân đào chân móng… Đây chú Phẩm, chuyên nghiệp về sắt thép, chú làm việc rất tận tâm vui vẻ, coi công việc như của gia đình mình. Chú làm ở đây từ đầu cho tới ngôi nhà cuối cùng trên ngọn đồi này. Chú là bào đệ của chủ công trình họ Đinh. Người họ Đinh kiêm luôn chủ thầu, cũng là người chạy vật tư, và đóng cả vai người giao dịch với các cấp ty sở, cho đến ông Đầu tỉnh Thị Xã Đà Lạt này. Những mặt hàng Đà Lạt không có, thì anh báo cho các đại lý tại Sài Gòn họ sẽ điều các chuyến vận tải lớn chuyển  lên. Riêng các bức “tà luy” thì dùng chính đá ngầm trên mặt đất đồi này do thợ chuyên nghề chẻ đá, chẻ ra để xây. Và họ đúc vô số gạch (táp lô) mà vật liệu là đá dăm, xi măng, cát để dùng vào những chỗ cần thiết, chắc chắn.

            Nói về nước sinh hoạt thì gay lắm! Đó cả là một vấn đề. Bởi vùng Đà Lạt trùng trùng điệp điệp những núi với đồi. Lại nữa, toàn bộ đường ống dẫn nước trong thành phố thọ đã nhiều chục năm: Ống sắt dẫn nước rỉ sét, đóng cặn bên trong quá dày, khiến nước chảy nhỏ giọt. Thế nên, thời gian đầu công trình, anh Niên phải xách xe Lam, chạy 2 cây số, đến nhà máy bên hồ Xuân Hương lấy nước chở lên đồi cho thợ đảo hồ, và cả tiếp tế cho Tu Xá 12 Quang Trung nữa. Tất nhiên vẫn phải cậy nhờ Ty Cấp Nước cho xe bồn chở nước lên để phục vụ việc xây cất.

Tiếp Tục Công Việc Xây Dựng – Thêm Anh Em Cộng Tác:

       Hơn hai tháng qua, con đường nội bộ Cư Xá vẫn chờ đợi một tiết mục cuối cùng. Nay Tháng Hoa Mẹ về nó mới được tiếp tục tráng nhựa do nhân viên của ty Công Chánh Đà Lạt hướng dẫn anh em thực hiện theo phương cách cũ xưa của lục lộ Pháp quốc.

             Thời gian trôi, công việc trên đồi được chủ thầu Đinh Quang Trí và kỹ sư đốc công Nguyễn Cao Hoàng rất ăn ý với nhau, ngài kỹ sư tai trang bị máy trợ thính, chạy tới chạy lui trực tiếp bám sát các nhóm thợ chuyên môn và các toán công nhân nên các công việc tuần tự tiến hành đều đặn, xuôi chảy nhanh chóng. 

           Ngày đổ bê tông sàn dãy nhà lầu thứ nhất đã tới. Toàn thể công việc trên đồi hoàn toàn là thủ công nên đòi hỏi công nhân dốc toàn lực và liên tục. Tất cả anh chị em công nhân, anh em công tác chính qui và cả linh mục nhà vốn dĩ đã quen không từ việc gì đều bắt tay vào việc. Đang lúc công trường tấp nập ấy, bỗng một ông cảnh sát đến bắt chuyện với ngài chủ thầu họ Đinh:

          - À thày, mấy thày mà cũng làm những việc này cơ à?

           - Cả ông cha nữa ấy chứ, vừa nói anh Trí vừa chỉ tay lên anh Tĩnh mặc áo bà ba đang xúc đá ở xa xa:

           - Đấy, ông cha quyền Giám đốc của chúng tôi đấy. Tay làm hàm mới có nhai   chứ ông! 

          Ông cảnh sát ngỡ ngàng không biết nói gì thêm nữa.

           Dịp khác, công việc đang bề bộn, lại được anh em sinh viên nhà nghỉ xả hơi mấy ngày sau kỳ thi, chủ thầu khéo lợi dụng mời lên đồi cùng với toán khuân vác gỗ lên xe. Không biết được ai giới thiệu, ông chủ hãng cưa hối hả bước tới chỉ vào anh em nhà lớn tiếng với người làm: “Đây xem này, mấy ông thày đại học đấy. Các thày mà cũng đi làm!” Nhóm thợ trước vui vẻ nhưng khi nghe thấy vậy tỏ ra kính nể hơn.

          Trong khi công trường đang ngổn ngang như thế, thì tại Tu Xá 12 Quang Trung, chủ nhà Minh Đăng hân hạnh đón nhiều quý khách đạo đời – đa số thuộc thành phần giáo dục như: Đức Giám Mục Nguyễn Ngọc Quang, Tân Chưởng Ấn Đại Học Đà Lạt, các Cha Viện Trưởng Đại Học, Cha Viện Trưởng Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Huế, một số Giáo Sư Chủng Viện, một số Giáo Sư trong Viện Đại Học, Sư Huynh Giám Đốc Lasan Kỹ Thuật, còn các Sơ, Công Chức, Sinh Viên không ít. Cuộc gặp gỡ thân tình này đã giúp thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa Đồng Công và “thiên hạ”.

          Cũng trong thời gian này, Anh Cả đến Tu Xá 12 Quang Trung thăm anh em.  Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền nghe biết, ngay buổi chiều hôm ấy, Ngài tự lái chiếc xe Peugeot 4 chỗ của Ngài đến thăm Anh Cả. Hai vị gặp gỡ, trao đổi chuyện trò rất tâm đắc, ngoài trời đã tối mịt, chương trình nhà đã quá giờ cơm tối, anh em đợi khá lâu hai vị vẫn chưa chấm dứt, được lệnh anh   Phụ Tá nổi hiệu báo giờ cơm, thế nhưng cả nhà cũng phải đợi khá lâu nữa Đức Thày mới ra về.  

           Tân Giám Đốc Cư Xá:

             Theo thông cáo số 145/TC/TGĐ, ngày 25.7.1970, Anh Cả cử anh Matthêô M. Phạm Văn Hóa (K. II) giữ chức Giám Đốc Cư Xá Rạng Đông thay anh Minh Đăng. Anh Minh Đăng sẽ là Giám Đốc Tu Viện Thánh Gia, Đồng Công Thủ Đức. Anh Minh Đăng đổi nhiệm sở, để lại niềm luyến tiếc cho Tu Xá cùng các giới trong miền Đà Lạt.

          Trên đồi Đa Thiện từ ngày khởi đầu, công việc kiến thiết Cư Xá đến bây giờ đã trải qua hơn7 tháng trời, Cha Má thương cho hình thành được dãy nhà một lầu một trệt. Dãy thứ nhất này tọa lạc bên phải tính từ cổng Cư Xá đi lên, mặt tiền hướng về thành phố Đà Lạt, sau lưng còn đất trống, rộng lên tới sát đỉnh đồi. (Không lâu, từ trên đỉnh đồi này, chạy xuống tới chân đồi phía sau thuộc chủ quyền các Nữ Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương sẽ thiết lập cư xá cho nữ sinh viên). Từ cổng Cư Xá đi lên phía trái là dãy nhà thứ 2. (Sẽ xây tiếp dãy nhà thứ 3 - nhà trệt, nối liền dãy 2). Các dãy lầu phía trái dành cho sinh viên nội trú. Đến lúc này đã gần ngày khai giảng đầu năm học mới, nên phải cấp tốc, dốc toàn lực thu xếp các hạng mục cần thiết tuy chưa được hoàn chỉnh, nhưng cũng cố thực hiện cho được câu cha ông để lại: “Ta về ta tắm ao ta…”.

Lệnh Di Chuyển Về Cư Xá Mới

            Theo chỉ thị của các Bề Trên dành cho anh em chính đinh tại Tu Xá ngày 27.10.1970, di chuyển toàn bộ tiến chiếm cao ốc trên đồi Đa Thiện, từ giã khu nhà 12 Quang Trung mà ông bà chủ Đỗ La Lam từ bấy lâu (hơn 30 tháng) đã có lòng quảng đại cho đoàn con của Mẹ Đồng Công trú nhờ.

         Từ khi được lệnh, anh em tại Tu Xá đóng gói tất cả vật dụng chung, riêng và chuyển dần lên đồi Đa Thiện, chiếm trọn dãy nhà một lầu, một trệt dành cho anh em nhà. Tầng trệt có phòng tiếp khách, phòng Trưởng Ban Tiếp Tân, phòng Anh Giám Đốc, một phòng cơm vừa đủ chỗ cho 40 người, một phòng kho và một gian bếp, vệ sinh… Lầu trên, Anh Phụ Tá phân chia cho mỗi anh em một phòng nhỏ gọn. Như ta biết, toàn thể các dãy nhà lầu của Cư Xá xây dựng trên vùng cao nguyên xứ lạnh, người ta phải thiết kế hành lang ở giữa lòng nhà (để tránh được mưa, gió lạnh) 2 bên là các phòng ở. Trên lầu này, cách riêng dành ra 3 gian làm Nhà Nguyện tạm thời, nơi đây không được rộng, chỉ đủ chỗ cho anh em nhà và số ít sinh viên Công Giáo nội trú dự Thánh Lễ mỗi ngày.

Rạng Đông Trình Làng: Ngày 16-1-1971:

         Cư Xá Rạng Đông mọc sù sụ trên đồi Đa Thiện đã nhiều tháng qua, nhưng chưa chính thức ra mắt với bà con cô bác Đà Lạt. Anh Giám Đốc Matthêu dành ngày 16.1.1971 để mời Đức Giám Mục địa phận, Ông Tỉnh Thị Trưởng, Ông Phó Thị Trưởng, Cha Viện Trưởng Lê Văn Lý tới thăm Cư Xá. Gia đình Cư Xá chúc Xuân và tỏ lòng tri ân đã cho Dòng thành lập Cư Xá tại Đà Lạt này, cùng mời các vị dự tiệc mừng Xuân… Trước khi Quý Khách ra về, các vị còn hoa bút lượn những lời cầu chúc trên sổ vàng Cư Xá. (Ban sáng, Đức Cha đã tới làm phép Nhà Nguyện và dâng Thánh Lễ).

          Kiến Thiết Hội Trường:

         Qua Tết Tân Hợi – 1971, kỹ sư đốc công Nguyễn Cao Hoàng, và có sự hiện diện của một số anh em đặt viên đá đầu tiên cho ngôi nhà lầu thứ 4: Tầng trệt sẽ là Hội trường - đôi khi anh em sinh viên tổ chức văn nghệ, hoặc chiếu phim. Nơi đây tạm làm nhà cơm đủ chỗ cho 200 sinh viên nội trú. Phía sau có 2 gian bếp và phòng kho. Tầng trên là những gian phòng xinh xắn dành cho anh em sinh viên. Xin ghi lại đây qua năm đầu các sinh viên đã đóng góp tiền cơm cho nhà thầu lo liệu về các bữa ăn, nhưng sau đó có những lời than của anh em sinh; Anh Cả từ Di Linh phải lên Cư Xá tập hợp sinh viên: “Chúng tôi không ngu gì xây dựng nên Cư Xá này rồi bớt xén tiền ăn của anh em…”; thế là từ đó nhà thầu nghỉ việc. Để giải quyết vấn đề, các Bề Trên liền thuê nhóm khác đến chỉ có việc nấu nướng. Còn người đi chợ, Anh Cả phái anh Matthêu M. Vũ Đức Kim (K VIII) Phụ Trách việc nhận tiền của ban sinh viên, đi chợ mua hàng về, tất nhiên anh Kim nhận một công tác không công.   

         Các Bậc Vị Vọng ĐếnThăm Cư Xá :

          Trung tuần tháng 7.1971, Rạng Đông hân hạnh đón tiếp nhiều quý khách, trong số đó có Đức Giám Mục Ban Mê Thuột Phêrô Nguyễn Huy Mai, ĐGM Long Xuyên Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Cha Thư Ký HĐGM Nam Việt Nam Trần Văn Hiến Minh, Cha Thư Ký Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại VN Trần Ngọc Thụ, Quý Cha Giám Đốc, một số Giáo Sư Đại / Tiểu Chủng Viện, một số Linh Mục, Tu Sĩ các dòng tu, một số Giáo Sư Đại học, Sỹ Quan, giới Văn Nghệ Sĩ, ấy là chưa kể giới Sinh Viên.

            Đặc biệt, buổi sáng một ngày cuối tháng 7, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, Giám Mục Giáo  phận Quy Nhơn và Đức Cha Phạm Ngọc Chi, Đà Nẵng đến Cư Xá đồng tế - Hai Ngài là đại ân nhân của Dòng. Sau khi ăn sáng, các ngài chuyện trò rất thân tình với anh em và lấy hình lưu niệm.

   Đức Tổng Bình Sàigòn Đến Thăm Cư Xá:

          Lần đầu tiên Đức Cha Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Giáo Khu Sài Gòn đến thăm Cư Xá thật bất ngờ, dù vậy, loáng cái đã có số đông anh em sinh viên vây quanh Ngài. Kẻ hôn nhẫn, người bẩm lạy cung kính. Đức Tổng mở lời: “Hôm nay tôi đến để biết Cư Xá. Vì mắc trở nên không đi thăm toàn khu được. Lần sau tôi đến ăn cơm với sinh viên và chơi lâu hơn”. Tiếp đến, Ngài hỏi đôi điều về Cư Xá, đồng thời Ngài nhắn nhủ, khích lệ, chúc Cư Xá phát triển tốt đẹp. Đức Tổng chụp chung kỷ niệm với anh em, được dịp phó nhòm Mỹ Tín nháy lia lịa. Ngài bắt chuyện với một vài sinh viên đứng cạnh… Với nét vui tươi chân tình, Đức Tổng khuyến khích: “Anh em hãy gắng công, cố sức học hành nhá, cố gắng nên người tốt cho quê hương đất nước ta… Chúng tôi già, chúng tôi chết, đến anh em thay thế. Nên anh em cố gắng luyện thành tài. Đất nước sẽ nhờ ở tương lai anh em nhiều lắm. Khi nào thấy mình biếng nhác thì anh em nghĩ đến đất nước, tức thì sự biếng nhác của anh em không còn nữa.” Đó là lời nhắn nhủ chân tình trước khi Đức Tổng từ biệt Cư Xá. 

Thêm Anh em nhập Cư Xá, học tại Viện Đại Học:

             Ngày 1.9.1971, gần tới năm học, có các anh Tađêô M. Trần Trung Thần (K. IV), anh Giêrônimô M. Phạm Xuân Thu (K. V), anh Stêphanô M. Phạm Cao Đích và Piô M. Trần Long Chu (K. VIII) nhập Cư Xá để theo học đại học. Anh Thần nhận nhiệm vụ Đặc Trách sinh viên nội trú thay anh Nguyễn Trung Giáo về Nhà Mẹ dòng tiếp tục vào ban Thần Học. Anh Thu và Đích nhận trách vụ Phụ Tá bên anh Thần. Ba tân sinh viên Thần, Đích và Chu cùng theo 1 phân khoa luôn luôn bên nhau mài đũng trên ghế đại học. Riêng anh Đích học hết 2 năm thì về Thủ Đức nhận nhiệm vụ Giám Thị tại Đệ Tử Viện (về sau, anh trở lại Cư Xá để theo học năm cuối cùng ‘1974 – 1975’). Trong thời gian này, khu nhà anh em có thêm anh Athanasiô M. Nguyễn Linh Uy (K. III) Phụ Trách anh em sinh viên tu sĩ.                         

Đội X, khi còn là thỉnh sinh ở ĐTV, trước khi vào Nhà tập ở TV Thiên Mẫu Di Linh, đã ghé tham quan Cư xá Rạng Đông ngày 26.3.1971

Những Sinh viên năm đầu tiên ở Cư xá Sinh viên Rạng Đông của dòng 20.6.1971

Ban Giám đốc (Anh Lm Hóa Giám đốc, và Aa Giáo LK I và Thần LK IV) và ban đại diện sinh viên ở Cư xá Sinh viên Rạng Đông ngày 20.6.1971

Lập Ban Chấp Hành Sinh Viên Nội Trú:

            Năm nay, Ban Đặc Trách sinh viên nội trú muốn lập ra Ban Chấp Hành để phụ giúp trong việc điều hành khu nội trú, bằng cách gợi ý cho anh em sinh viên để họ tự tìm đồng chí hướng làm thành một liên danh. Ban Đặc Trách chỉ chấp thuận cho 2 liên danh ra tranh cử. Họ đã chọn một buổi sáng Chúa Nhật để tổ chức cuộc tranh luận giữa hai liên danh, đôi bên lần lượt đưa ra đường lối của liên danh mình để thu phục cử tri ủng hộ bên mình, có lúc cũng sôi nổi đáo để. Một điều kiện được đặt ra sau khi tranh cử đã có kết quả, bên nào thua phải hợp tác với bên thắng, không được phá rối, không thắng được thì phải hợp tác để xây dựng, tự tạo cho mình phong cách đứng đắn, trưởng thành. Tổ chức sự việc này là tập cho sinh viên ít hiểu biết để chuẩn bị về tương lai.

Niên Học Mới 1971-1972:

             Sáng ngày 12.11.1971, một băng rôn ấn tượng, chữ đỏ đậm nét: “Gia Đình Rạng Đông Chào Mừng Các Bạn Mới” kéo ngang cổng Cư Xá. Mấy tháng hè Cư Xá vắng vẻ đìu hiu, nay nhường lại cho Cư Xá cảnh quan đậm những nét tươi vui đầy sinh động. Người người đi lại tấp nập tìm về phòng cũ. Tân sinh viên kiếm danh tánh mình trưng sẵn ngay trước mỗi căn phòng. Tất cả niềm hân hoan tỏ hiện trên những dung mạo trai trẻ đầy sức sống. Tình anh em phát lộ… Họ là những người từ Gia Định, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc tới, từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang vào, và Bình Định nữa – Lm. Anrê Hoàng Minh Tâm thuộc Địa phận Quy Nhơn, theo học phân khoa Chính trị Kinh Doanh… Tất cả đến 60 lận. Có một điều trước khi sinh viên muốn nhập Cư Xá Rạng Đông, lẽ  tất nhiên họ viết một đơn xin và trực tiếp gặp gỡ anh Đặc Trách và cả những sinh viên sau kỳ hè trở lại Cư Xá cũng phải làm một đơn xin tiếp tục ở lại Cư Xá, chờ đợi để Ban Đặc Trách sẽ giải quyết…       

 

Năm 1973, Anh Cả ra xe về từ trên phòng cha Lê Văn Lý, viện trưởng viện của Đại Học Công Giáo Đà Lạt,

nơi anh em dòng theo học: Aa. Chu LK8, Thư, Lâm và Học 3LK9 v.v., hay phục vụ A. Trác LK8.

 

Cư xá Sinh viên Rạng Đông của Đồng Công ở gần Đại Chủng Viện Minh Hòa mới của GP Đà Lạt, nơi Anh Nguyễn Cao Đàm LK 8 được Anh Cả sai phái tới phục vụ (1973-1975), đồng thời với em bên Tiểu chủng viện Simon Hòa (1972-1974).

Đại Chủng Viện Minh Hòa mới của GP Đà Lạt bấy giờ có Cha Nguyễn Văn Nhơn là giám đốc và Cha Bùi Văn Đọc là giáo sư, không ngờ cả 2 vị này sau 1975 đã trở thành 2 vị TGM ở 2 TGP Hà Nội và Sài Gòn. Cư xá Sinh viên Rạng Đông của Đồng Công cũng ở gần Cư xá của các Sơ Trinh Vương, trong khi các sơ ở trên đồi cao thì cư xá Rạng Đông ở sườn dồi bên dưới.

 

Trong thời gian phục vụ ở TCV Simon Hòa gần Đập Đa Thiện, em cũng hay thường ghé thăm anh em dòng ở Cư xá Rạng Đông không xa, nhất là chở Anh Hoàng Trọng Tín LK 5, một người anh bẩm sinh về nhạc, nhưng anh đã không dám nhận tạm coi sóc Ca đoàn Hồn Nước của nhạc sĩ Hải Linh, theo lời ngỏ nhờ của vị nhạc sĩ này, trước khi ông du học lấy tiến sĩ nhạc ở Pháp quốc, thế mà anh cũng vẫn khiêm tốn cùng em đi tham dự lớp ca trưởng đặc biệt của Nhạc sĩ Hải Linh dạy riêng cho những ai yêu nhạc, tại Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt năm 1983-1984, nơi cũng gần Cư xá Rạng Đông. Năm 1984, Anh Cả tính sai em vào Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt này để làm quản lý cho đại học này, một vai trò sau đó đã được Anh Trác LK VIII đảm nhiệm hơn là em. Câu chuyện làm quản lý cho Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt xẩy ra như thế này:

 

Cuối niên khóa 1970-1971, Cha Viện Trưởng Đại Học Đà lạt đến tận Tu viện Thiên Mẫu Di Linh gặp và xin Anh Cả cho một Thầy ĐC làm Quản lý cho Đại Học, lại cũng khẩn khoản xin Nhà Dòng nhận coi sóc Cư xá sinh viên nam Trương Vĩnh Ký. Nghe vậy, Anh xin khất Cha Viện Trưởng để suy nghĩ và hỏi ý Mẹ rồi trả lời sau. Trước đây, chức vị Quản lý Đại Học do các Sư Huynh Dòng La San nắm giữ, nhưng khi có Cư xá Rạng Đông, các Sư Huynh muốn bỏ, vì không kham nổi; đàng khác Cha Viện Trưởng cũng muốn lấy lại trao cho Dòng ĐC. Sau khi suy nghĩ, bàn hỏi và dò xét, Anh đã trả lời Ngài là chấp nhận cả hai việc như Ngài xin. Từ niên khóa 1971-1972, Anh cho anh Trí làm Quản lý cho Đại Học Đà Lạt. Trong thời gian làm Quản lý, anh Trí sửa sang, chỉnh trang lại các nơi trong khu Đại Học.

 

Nhờ Mẹ phù trì, anh Trí dã làm cho bộ mặt Đại Học trở nên xinh đẹp, tươi trẻ và ngoạn mục. Các Đức Giám Mục, các khách lữ hành qua lại viếng thăm đều khen ngợi Viện Đại Học, đến nỗi cuối năm 1972, sinh viên trong Viện làm tờ báo ca ngợi Thầy Quản lý. Cha Viện Trưởng cũng nhờ anh Trí làm cố vấn, nên mọi sự việc trong Viện đều vào ngăn nắp tử tế. Có một số giáo sư trước đây làm mưa, làm gió trong Viện, nay bị chặn lại, nên đã gây tiếng vang: “Mọi sự trong Viện Thầy Trí làm hết, Thầy làm quân sư cho Cha Viện”. Tiếng vang này đã lọt vào tai Cha Viện, làm cho Ngài cũng phải nghĩ ngợi. Được công nhân và sinh viên cho Anh Cả biết sự việc ngấm ngầm muốn hạ bệ anh Trí, Anh kiểm chứng thực hư và thấy đúng như thế, nên Anh đến gặp ngay Cha Viện, xin rút chân Quản lý khỏi Viện, cho anh Trí về học làm linh mục. Vì Cha Viện nài nẵng xin cho anh Trí thêm một năm nữa, nhưng Anh Cả chỉ đồng ý giúp thêm một năm nữa, và cho anh Trác thay anh Trí trong niên khóa 1973-1974. Tháng 9-1974, Anh Cả cho anh Trác về Nhà Dòng, rút hẳn chân Quản lý khỏi Viện, như đã được Cha Viện đồng ý năm trước.

 

Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre thăm cư xá, nơi cũng được ghé thăm bởi ĐHY Thánh bộ Truyền giáo Agnelo Rossi ngày 13/8/1974

Il Cardinale Agnelo Rossi, primo Decano latinoamericano del ...

(hình lấy từ google search)

Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo Rôma đến thăm:            

             Lúc 11:30 ngày 13.8.1974, một nhân viên của Đại Học Viện cấp báo cho Anh Giám Đốc Minh Đăng: Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo sẽ tới thăm Cư Xá. Anh em Cư Xá hân hoan nhanh chóng tập họp đón Ngài.

             Đức Hồng Y Agnelo Rossi tuy còn trẻ nhưng phong thái rất đạo mạo. Đi theo Ngài có Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre tại VN và Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình, Cha Viện Trưởng Viện Đại Học và 2 cha thông dịch: Trần Ngọc Thụ và Trần Đức Long. Sau khi viếng Thánh Thể Chúa, các Ngài đứng tại thềm Nguyện Đường hỏi han về Cư Xá… Dầu trời lất phất mưa, song các ngài không ngại, vẫn băng qua khu nhà sinh viên, ghé vô quan sát một phòng. Anh em theo sát gót. Anh Giám Đốc dẫn phái đoàn tới Hội Trường. Đức Tổng Trưởng đúng phong độ một nhà quan sát, nghe nhiều hơn nói. Tuy biết tiếng Anh và Pháp, nhưng ngài dùng tiếng Ý. Riêng Đức Khâm Sứ muốn tìm hiểu, trao đổi nhiều hơn về sinh hoạt trong Cư Xá… Chừng 20 phút trôi qua, trước khi phái đoàn giã từ, Đức Hồng Y ưu ái ban phép lành cho anh em.

           Quả là một hân hạnh lớn cho Cư Xá Rạng Đông cũng như cho con cái Mẹ Đồng Công, bởi trong chuyến phái đoàn tới thăm Đà Lạt, nhiều cơ sở đàn anh, đàn chị đã không được dịp may này. Sự kiện Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, vị Đại Diện Đức Thánh Cha Phaolô VI trong lịch trình đi kinh lý những miền truyền giáo, ngài đã tới một Dòng truyền giáo bản quốc Việt Nam lại không hợp lý lắm sao?

Nước Đến Chân Rồi!

           Kỹ sư Nguyễn Cao Hoàng đang nghỉ tại khu Khiết Tâm (Nhà Cá, nhà in Sao Mai và cũng là nhà phát hành Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ), anh mới kết thúc công tác giúp các nữ tu Đaminh Xuân Hiệp, Thủ Đức – nay ngày 12.3, anh sẵn sàng vâng lệnh các Bề Trên, lại có mặt trên Cư Xá này để tiếp nối việc xây cất tầng lầu Nhà Nguyện chính thức. Thế nhưng, Chúa Quan phòng đã định liệu khác… Trước thời cuộc của đất nước đổi thay quá đột ngột…  nên công tác xây cất bị bãi bỏ. Ngay lúc này, anh Hoàng phải cấp tốc rời khỏi Cư Xá, cùng với đoàn người đông vô số kể, hối hả di tản khỏi Đà Thành trong lo âu, hốt hoảng… nhưng anh được Mẹ Đồng Công ưu ái, phái các Thiên Thần dẫn đưa về tới khu Khiết Tâm bình an trong ngày của Mẹ, thứ Bảy 22.3.1975.                 

         Người Tử Thủ Anh Dũng:

             Anh Stêphanô M. Phạm Cao Đích (K. VIII) đang theo học Đại Học năm thứ 4, anh Matthêô M. Vũ Đức Kim (K. VIII) người lo ẩm thực cho sinh viên, và sinh viên Đặng Bá Diệp, cả 3 đã gan lì cho đến sáng ngày 30 tháng 3 năm 1975, sau khi khóa chặt mọi cửa phòng “ … ”, rồi cũng phải vội vã từ biệt Cư Xá thân yêu không hẹn ngày trở lại!  Tất cả rời khỏi Cư Xá trên chuyến Lambro do anh Kim điều khiển cho xe hòa vào dòng người di tản xuống khỏi miền cao nguyên, bỏ của chạy lấy thân, nhưng đi được một quãng, tiếc của, anh em trở lại cố gắng cho xe nổ máy chạy tiếp, rồi sau cũng vào tới Phan Thiết, từ đây theo đường biển hướng về Vũng Tàu.             

         Cư Xá Sinh Viên Rạng Đông Hạ Màn:

            Tới đây đã rõ hoàn cảnh bi thương của giải đất miền Nam Việt Nam thân yêu… khiến đồ án Cư Xá bị ngưng dang dở. Cư Xá Sinh Viên Rạng Đông hoạt động từ  bấy lâu, chỉ vỏn vẹn được già 5 năm, giờ đây đến ngày hạ màn!... để lại biết bao kỷ niệm thân thương luyến nhớ nơi nhiều người, nhiều giới... "Xin hướng lòng chúng con nghiêng về Thánh Ý ”  (Tv 139,36)

 

 

TU VIỆN LƯƠNG SƠN (1974-1975)

      Cuộc Hành Trình Truyền Giáo

       Ngày 5.8.1973, Anh Cả và phái đoàn 15 anh em từ Di Linh ra Quy Nhơn,  mừng bổn mạng Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn… Trên đường trở lại Di Linh, có anh Nguyễn Đức Mậu (K. IX) hướng dẫn Anh Cả và phái đoàn dừng chân tại Phan Rí (địa danh đầy đủ là Phan Rí Cửa hay Phan Lý Chàm ‘Chăm’) vào thăm cha Hỷ xin nghỉ đêm. Anh Cả và cha Hỷ gặp nhau lần đầu, hai ngài chuyện trò về cánh đồng truyền giáo thật tâm đắc, và Anh tỏ ước muốn mở trường học tại vùng này, cha Hỷ nhiệt tình giới thiệu Anh Cả liên lạc với ông quận trưởng Hòa Đa…

       Ngày 13.8.1973, từ Di Linh, Anh Cả và đoàn tháp tùng lên đường ra Phan Rí. Lần này, cũng có anh Mậu, nhưng anh dẫn Anh Cả cùng phái đoàn đến Cha Giuse Phạm Hùng Tịnh, chánh xứ Hoà Thuận, gần Chợ Lầu nghỉ đêm. Cha xứ Hòa Thuận quản nhiệm luôn xứ Lương Sơn. Dân địa phương quen gọi ngài là “Đức Cha Tịnh”. Ngài là cha thiêng liêng của anh Mậu, trước đây, ngài đã nhờ để anh thưa Anh Cả về cánh đồng truyền giáo vùng này, một vùng khá rộng lớn. Nếu tính từ Bình Thuận (Phan Thiết) ra tới Ninh Thuận (Phan Rang) dọc theo quốc lộ 1 chạy dài khoảng 160 cây số, người ta chỉ thấy có 4 thánh đường. Dân chúng ít học, trẻ nhỏ nhiều mà trường học lại ít. Hôm nay, Anh Cả đến thăm Cha Tịnh trao đổi về việc tìm đất canh tác và mở trường học…           

       Như trên, chính Anh Cả đã gặp Cha Hỷ và Cha Tịnh. Anh được biết tổng quát tình hình phía chính quyền và dân chúng địa phương. Thoạt đầu, Anh phái anh Đinh Chí Cương và Phạm Thiên Vương (cùng lớp khấn VI), anh Vũ Tân Niên lái xe ra Phan Rí với chủ đích theo ý Anh Cả chào ông Quận trưởng để thăm dò kiếm đất mở trường học và canh tác. Phái đoàn ngoại giao của Dòng vào thẳng bàn giấy làm việc của ông Quận trưởng người Chăm – miền này có nhiều người Chăm, trước đây là vương quốc của họ. Anh Cương mở đầu mấy câu xã giao rồi trực tiếp vào việc xin ông cho Dòng mở trường học và đất canh tác trong địa hạt của ông. Ông ưng thuận và dẫn đi chỉ cho một khu đất cạnh quốc lộ 1, nơi cây số 1727 cách bờ biển chừng 300 thước. Khu đất thuộc xã Thượng Văn và cách Hội đồng xã chừng 1 cây số.

       Ngày 5.9.1973, từ Di Linh, Anh Cả và đoàn tháp tùng cất bước ra Phan Rí, đến xã Thượng Văn tận mắt xem khu đất do ông Quận trưởng người Chăm đã chỉ để  hoạch định chương trình… và từ đây, phái đoàn của Anh Cả ra Qui Nhơn. Ngày 9.9.1973, Anh Cả và đoàn tháp tùng rời Qui Đức trở về Di Linh… 

       Như đã định hôm nay ngày 8.10.1973, Anh Cả sẽ ra Phan Rí, nhưng Anh linh tính sao đó đã hoãn chuyến đi. Chỉ một giờ sau, bão Opal bất ngờ ào tới, trong tích tắc lật luôn mái nhà 4 gian chứa đồ của anh em, rất may không có mưa. Sau đó Anh đã đốc thúc anh em sửa sang lại những hư hỏng. Được biết hôm qua, lễ Mẹ Mân Côi, đội VII kỷ niệm 10 năm khấn, cũng sáng đó Anh Cả cho họ du ngoạn Nha Trang. Tài xế Luy Gonzaga M. Trần Ngọc Thoại chở anh em đội của anh chạy tới đèo Ngoạn Mục vào đúng ngày gió bão hoành hành đánh phá nhiều cây trên đường đèo ngã đổ, vì thế xe phải quay về hướng Vũng Tàu, cả đội VII lại có cơ hội viếng núi Chúa, và vùng vẫy trên sóng biển.

       Hai ngày sau, tức 10.10.1973, Anh Cả và đoàn tháp tùng ra Thượng Văn, tới khu đất đã được ông Quận cho, với đoàn xe gồm 3 chiếc chở tôn, gỗ cây, kẽm gai, cọc… Đoàn quân tiền phong mượn tạm đất trống cạnh nhà dân gần ngã 3 Duồng để dựng lên ngôi nhà 2 gian nhỏ. Với những tay nhà nghề chỉ một buổi chiều đã hoàn tất kể cả việc anh em tháo vát thiết kế một bàn thờ tiền chế để Anh Cả dâng lễ vào sáng hôm sau. Dân chúng qua lại ngỡ ngàng thấy ngôi nhà mọc lên mau chóng, tò mò đứng xem trầm trồ nhỏ to với nhau: “mấy ông thày làm nhà sao mau chóng quá vậy!”

       Ông Quận Trưởng Đánh Tháo?

       Sáng 11 tháng 10, quân ta đến khu đất, đo đạc, rào đường ranh giới. Nhưng đang khi đóng cọc, căng dây, một sự cố ngoài ý muốn của con cái Mẹ: ông Quận trưởng đã đánh tháo, bằng cách cho lính của ông căng những lều nhỏ để cho thiên hạ biết rằng đất đã có chủ! Họ tỏ ý: “Nếu các cha, các thày muốn khai thác khu đất này thì xin cho tiền công khai hoang.” –  Sự thực đó là khu cát nhiều hơn đất, Có thể nói là hoàn toàn hoang trống, cây cối lưa thưa, nhỏ thấp. Đúng hơn, khu này là một giải đất cát rộng chừng nửa cây số, chạy dài song song với quốc lộ 1, một bên là biển Đông. Nếu lâu ngày, lâu tháng gió biển sẽ thổi cát tràn phủ cả quốc lộ! Bên kia quốc lộ có vô số mồ mả cổ xưa của những dòng họ thuộc vương quốc Chăm? Biết thế, Anh Cả dứt khoát bỏ ngay khu này… Nhưng sáng nay, Anh Cả chưa dâng lễ cho anh em, bởi có anh thấy Anh Cả lay thử bàn thờ nhỏ xinh giữa ngôi nhà có lẽ không đủ chắc chắn, lại coi bộ xú xớ, nên Anh và phái đoàn đã đến nhà thờ xứ Long Hương gần đấy dâng lễ, sau đó phái đoàn về Di Linh. 

       Sáng ngày 14.10.1973, một số anh em với 2 xe nhà trở ra Phan Rí triệt hạ ngôi nhà tại xã Thượng Văn mà 3 ngày trước phái đoàn đi mở nước Chúa đã cho cấp tốc mọc lên, nhưng ý Chúa không muốn cho con cái Ngài trụ ở vùng này. Sau khi hoàn tất công việc, anh em trở về Đồng Lạc, chỉ để lại một hàng rào dở dang bằng cây cà phê. 

       Một Kế Hoạch Mới

       Được Anh Cả dặn trước, trên đường về Di Linh, 2 lái cho xe hướng tới xã Lương Sơn thuộc quận Hòa Đa, vô gặp ông xã trưởng tại hội đồng xã tỏ ý muốn của Anh Cả mở trường tại quý xã và cần đất đai để canh tác… “Dược” là quý danh ông xã trưởng, ông sẵn lòng… Ngay lúc đó ông yêu cầu chở ông vào hướng Phan Thiết, tới một khu đất hoang cách trung tâm xã khoảng 10 cây số. Nơi đây, trước kia là một thôn ấp ngay cạnh quốc lộ 1, vì thiếu an ninh nên dân làng đã bỏ đi từ lâu, chỉ còn trơ trọi dấu vết mấy nền nhà cũ kỹ. Cạnh thôn ấp là bạt ngàn rừng thưa (về sau chính nơi này là 100 mẫu mà Dòng làm chủ). Trước khi giã từ, anh Niên đã xin ông xã tấm bản đồ xã của ông. Tấm bản đồ bao gồm đến hàng ngàn mẫu tây, rất chi tiết đến từng con đường mòn, đường xe bò, cầu cống…   

       Ngày 8.11.1973, Anh Cả và đoàn tháp tùng tới nhà xứ Hòa Thuận nghỉ đêm. Hôm sau, 9. 11, Cha Tịnh cùng phái đoàn Anh Cả vào Phan Thiết. Trên đường qua nhà xứ Lương Sơn, từ đây đi vào 10 cây số, anh tài cho xe dừng lại ở cột cây số 1667 để chỉ cho Anh Cả và Cha Tịnh biết khu đất rừng do ông xã trưởng Lương Sơn đã giới thiệu… Vài phút sau, xe tiếp tục chuyển bánh vào tỉnh Bình Thuận (thị xã Phan Thiết),  tới nhà riêng ông trưởng ty điền địa. Tuy rằng đôi bên gặp nhau lần đầu mà ông trưởng ty cũng tỏ ra vui vẻ ân cần tiếp đón hai cha… Anh Cả được cha Tịnh giới thiệu và Anh Cả đề cập ngay vào vấn đề xin đất rừng canh tác cùng mở trường. Ông trưởng ty sẵn lòng chấp thuận lời yêu cầu, ông dành cho Dòng 100 mẫu tây tại cây số 1668 bên quốc lộ 1. Thừa cơ hội, Cha Tịnh cũng xin được 100 mẫu bên cạnh khu đất dòng mình… Từ giã ông trưởng ty, phái đoàn trở về Lương Sơn. Anh Cả còn bàn thảo với Cha Tịnh để mua lại 2 mẫu đất của nhà xứ Lương Sơn để kiến thiết trường học. Qua 3 ngày làm việc tại Lương Sơn, chiều ngày 11 tháng 11, Anh Cả và đoàn tháp tùng trở về Di Linh.

       Ngày 10.12.1973, phái đoàn của Anh Cả lại ra xứ Lương Sơn. Bởi nhà Dòng ở xa nên Anh Cả ra đây để cậy nhờ cha Tịnh, có lẽ cả ông Nguyễn Bá Thiên, chánh trương giáo xứ Lương Sơn, và người ta cũng thường gọi là ông phó Thiên lo làm giấy tờ đất đai, chủ yếu là việc mở trường học tại xã này, bởi vậy, cha Tịnh cho mời ông xã trưởng vào nhà xứ để Anh Cả và 2 vị thảo luận. Anh Cả cũng giới thiệu tên tuổi, căn cước của 2 anh khấn trọn nhập hồ sơ. Hai ngày sau, 12 tháng 12, Anh Cả và phái đoàn giã từ Lương Sơn trở về Di Linh. 

    Bức Điện Mang Tin Vui

       Anh Cả đang suy tính những công việc sắp tới tại Lương Sơn, và nhắc nhở anh em có phận sự chuẩn bị những thứ cần thiết, thì bỗng một anh trong ban tiếp tân đưa vào cho Anh Cả một bức điện tín với mấy chữ rất vắn tắt từ Bình Thuận, do Cha xứ Lương Sơn báo tin “giấy tờ đất đã xong”. Như vậy, nhờ ơn Chúa, trong 2 tuần qua công việc làm giấy tờ hai nơi, 2 mẫu đất đầu xã Lương Sơn để xây cất trường học cùng khu nhà anh em ở, và đất rừng thật mau chóng xuôi thuận. Mọi sự đã sẵn sàng. Ngày 1.1.1974, từ Di Linh, một chuyến vận tải lớn chở lưỡi cày và những vật dụng cần thiết cho việc kiến thiết..., máy cày lớn, Anh Cả, anh em tháp tùng và một số anh em đội X, vài cộng sự viên, tất cả trực chỉ Lương Sơn. Phái đoàn nhà ta vào nhà xứ tạm trú. Còn chú máy cày nhà ta chạy qua Phan Rang, bỗng 2 bánh trước nổ tung, máy cày lao xuống ruộng khô bên đường! Khi đó anh em mới được biết: 2 bánh trước bị xiết trên đường dài bởi đầu máy rất nặng đè làm nóng và mòn, tức thì sự cố xảy ra! Từ đó mới biết rằng máy cày di chuyển trên đường dài vẫn phải kéo theo bộ lưỡi cày để giúp cân bằng tải trọng toàn thân xe.

       Hôm sau, Anh Cả dâng lễ tại nhà thờ Lương Sơn và anh em cùng dự lễ với giáo dân. Vì cha xứ Phạm Hùng Tịnh thường xuyên ở xứ Hòa Thuận, trong thời gian này có phái đoàn con Mẹ Đồng Công ở trọ nên giáo dân mới được dự lễ hằng ngày. Mọi sự cần cho ban sáng đã xong, Anh Cả và anh em lên xe với cuốc xẻng, giáo mác vào nông trại 100 mẫu. Chính nơi đây người dân gọi là Bầu Ốc.    

       Khởi Công Làm Đường Ranh

       Bìa rừng, nơi quang đãng không cây cối, đất pha cát, là một vùng lượng mưa ít nhất trong năm. Dân chúng địa phương trồng bạt ngàn loại dưa trái lấy hạt làm món nhấm nháp cho thêm vui ngày tết. Trước mắt mọi người, một giải đất hoang như đã nói ở trên, trước đây là một thôn ấp từ khoảng 10 năm nay vì thiếu an ninh nên dân làng đã bỏ đi hết, bây giờ chỉ còn lại dấu vết mấy nền nhà cũ kỹ. Theo như địa đồ của ty Điền Địa Phan Thiết cấp phát cho dòng, trong khoảng từ cột cây số 1667 đến gần cột 1668 có chừng 7 mẫu ngay mặt đường. Sau khu đất mặt tiền này, tiếp vào trong (rừng) bị thắt lại là một miếng đất hẹp hơn, phỏng chừng mấy sào, vào trong lại  nở ra, ăn sâu vô trong rừng thưa… Anh Cả rất vất vả cùng với đoàn em xông pha với họa đồ, cùng giáo mác, cuốc, xẻng trên tay phát cỏ chặt cây tìm cột mốc theo thứ tự ABC…, đóng cọc làm đường ranh. Vấn đề ẩm thực cho bữa trưa, đã có vài anh em nấu nướng trong nhà xứ chuyển vô rẫy. Ăn đã vậy, còn nghỉ trưa cho giãn xương cốt thì anh em được tự do kiếm bóng mát ngả lưng ít phút rồi nghe hiệu lệnh tiếp tục công việc… Khi mặt trời ngả bóng, đoàn tự nguyện lại lên xe trở về nhà xứ, cơm chiều sớm, kinh kệ, nghỉ đêm. Công việc cứ thế cho đến mấy ngày sau anh em đã tiến sâu vào vùng đất thấp hơn, giữ được nước, người dân địa phương gọi là bào, bởi vậy người ta gọi là Bào Lương (gần xã ‘Lương’ Sơn). Theo địa đồ, cột mốc bên bào đây là giới hạn 100 mẫu. Từ đây trở ra quốc lộ ước chừng 700 thước. Anh Cả đã cho đào một giếng rộng đến 2 thước. Thành giếng đất cát nên anh em được dân địa phương góp ý phải để nước (không hút nước lên) mà đào vì nước sẽ giữ được thành đất cát ít lở. Anh Anphong M. Nguyễn Khẩn Trương đội XI (anh của anh Albetô M. Nguyễn Minh Chiến (K. XII3) hì hục mò mẫm, đào, cuốc bì bõm trong nước đứt rời luôn ngón chân cái của mình. Anh đau đớn leo được lên bờ giếng. Một anh khác nhanh trí nhảy xuống mò lấy ngón chân anh bạn, và tức tốc chở anh Trương cùng ngón chân xấu số, vượt 45 cây số vào bệnh viện Phan Thiết chắp lại. Sau một tuần lễ, anh Niên chở anh Trương bằng xe Honda vào bệnh viện thị xã Phan Thiết cắt chỉ. Tại phòng cắt chỉ không có kéo cắt! Bệnh nhân ngồi đợi một hồi lâu mới thấy cô y tá trở lại với cây kéo… Từ đó bàn chân anh Trương được lành lặn y nguyên. Từ bào trở ra, đoàn công tác tiếp tục tìm đến cột mốc cuối cùng ở gần sát quốc lộ.        

       12.1.1974 – Ngày Tạ Ơn

       Nửa tháng trời qua, Anh Cả và đoàn người vất vả cực nhọc chặt cây, phát cỏ, tìm cột mốc. Ngày sống giữa rừng, đêm lại về nhà xứ ngủ nhờ. Với tuổi tác, mặc dù có nhọc nhằn vất vả nhiều, nhưng Anh Cả cũng được một phần an tâm vì đã tìm thấy đầy đủ cột mốc, làm đường ranh giới, định vị được nông trại của mình. Hôm đó là ngày 11 tháng 1 năm 1974. Anh Cả chọn ngày hôm sau, 12 tháng 1 để dâng lễ Tạ Ơn ngay tại “cơ sở” – nơi hoang dã – mới này mà Chúa và Mẹ đã lo liệu cho dòng. Từ sáng tinh sương, chiếc xe đưa Anh Cả và đoàn em từ nhà xứ Lương Sơn vào nông trại, căng dù để dâng thánh lễ đầu tiên kính Mẹ Thăm Viếng. Anh Cả có giảng trong thánh lễ, và Anh đặt tên cho khu này là TU VIỆN ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG (ngay bên quốc lộ, tạm thời có trưng một bảng nhỏ bằng gỗ, rộng  cỡ 40x60 với danh hiệu: ‘TU VIỆN ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG – ĐỒNG CÔNG’). Dĩ nhiên nhà bếp cũng theo qui định muôn thuở làm bữa tiệc trưa kiểu buffet tươm tất. Nhưng chương trình xây cất lên tu viện ở nông trại, nơi đồng không mông quạnh này lại phải chờ tình thế thuận tiện… Đồng thời Anh Cả muốn kiến thiết ngay cơ sở trường học tại xã Lương Sơn cho kịp khai giảng vào đầu tháng 9 tới. Thế nên, việc đầu tiên Anh Cả cùng anh em phải về Thủ Đức lo mua sắm vật liệu cho trường mới...    

          Ngày 21.1.1974, Anh Cả và đoàn tháp tùng đi Quy Nhơn chúc Tết Đức Cha Hoàng Văn Đoàn. – Đồng thời một chuyến xe khác chở mấy anh em lớp khấn X và 10 tập sinh XI ra Lương Sơn chuẩn bị công tác. – Năm nay, Anh Cả hiện diện tại Nhà Mẹ Quy Đức, tối 29 Tết Giáp Dần, Anh Cả chúc tuổi anh em. Trong bầu khí đầm ấm gia đình, một anh em đã hỏi Anh Cả về chuyện làm ăn ở khu đất mới Lương Sơn. Anh nói vắn tắt là: “Chúa và Mẹ ban cho gặp nhiều may mắn, nhưng cũng không tránh khỏi những vất vả, khó khăn. May mắn là vì đã sớm chiếm được thiện cảm dân chúng địa phương, may mắn trong việc lo thủ tục giấy tờ về đất rừng để làm nông trại và lập tu viện cách dễ dàng mau chóng. Nhưng phải vất vả vì khi khai thác một khu rừng hoang thì có trăm ngàn công việc… Nào là đất cát chai cứng, thiếu nước nôi, cỏ cây bừa bãi khó cày. Chỉ nguyên việc đốn cây, phát cỏ tìm cột mốc, làm đường ranh mà gần 20 anh em cũng phải nướng vào đấy sít soát nửa tháng trời. Rồi những thiếu thốn về nơi ăn, chốn nghỉ… ‘Thật là đủ mọi cái thiếu, thiếu mọi cái đủ!’ Còn vật giá leo thang nữa chứ! Muôn khó khăn cực nhọc đó đã cô đọng lại câu: Nếu không vì ích chung, vì các linh hồn thì chỉ ngồi ở nhà đọc sách sẽ sướng hơn”.

       Ngày 24.1.1974 – mồng 2 Tết, Anh Cả và đoàn tháp tùng rời Qui Đức Qui Nhơn vào Phan Rí, tới nhà xứ Lương Sơn trú nhờ. Nếu kể những chuyến qua lại miền Phan Rí, Lương Sơn này, có lẽ đây là lần thứ 8 Anh Cả đặt chân tới.

       Trước khi những ngôi nhà sắp được xây lên, Anh Cả có biên thư cho Đức Cha  Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục giáo phận Nha Trang xin phép mở trường học tại khu đất 2 mẫu Lương Sơn, Đức Cha rất tán thành điều thỉnh nguyện. Và để tỏ lòng tích cực giúp đỡ, Ngài gợi ý cho Anh Cả lập dự án để Ngài xin ngân khoản giúp, nhưng Anh Cả đã từ chối khéo. Thực sự lúc này nhà Dòng cũng cạn tiền, đến nỗi có lần Anh đã phải cử đặc phái viên về Di Linh bán cà phê kiếm vài trăm ngàn yểm trợ…

       Một điểm nữa cũng nên nêu ra ở đây, dịp tết này Anh Cả trở lại Lương Sơn thì được biết có sự lấn đất và phá rối công việc canh tác của Dòng, cả sự ước lượng sai của trắc địa viên khi vẽ bản đồ 100 mẫu đất rừng, bây giờ chỉ còn khoảng trên dưới 70. Sự kiện này, đối với Anh Cả là chuyện không lớn. Để giữ hòa khí với dân chúng địa phương theo tinh thần bác ái Kitô giáo, Anh sẵn lòng bỏ qua bằng một câu tế nhị: “còn ngần ấy đất canh tác cũng mệt rồi”.

       Khởi Công Kiến Thiết

       Sáng mồng 6 Tết – 28.1.1974, ngày khởi công đợt 1. Trước tiên, bắt tay xây cất khu nhà cho anh em ở trên nửa phần đất 2 mẫu tây – tại cây số 1657 ngay đầu xã (Anh Cả đã mua lại của xứ Lương Sơn) một dãy nhà 10 gian cách mặt quốc lộ chừng 5 chục thước. Dãy nhà này dành làm nhà nguyện, nhà ngủ, các phòng làm việc, và một dãy 7 gian là nhà cơm, nhà bếp, phòng đồ và khu vệ sinh… Khu nhà này được che chắn cẩn thận vì đây là miền có nhiều luồng gió mạnh đưa cát từ phía biển thổi vào. Hai dãy đã hoàn thành vào ngày thứ Bảy đầu tháng 2.3.1974 và đồng thời Anh Cả đặt anh Giacôbê M. Vũ Hữu Lượng (K. II) làm giám đốc tạm thời. Anh Lượng là bác sĩ Tây y nhà vườn và anh cũng giầu khả năng về  Đông y, chưa hết, anh còn là đấng có quyền tế lễ nữa. Đầu tháng trước, anh đang là trưởng ban quản lý và ban y tế Nhà Mẹ tại Qui Nhơn, nay anh hiện diện đây thật hợp với sở trường nơi cánh đồng truyền giáo Lương Sơn, Sông Lũy, Sông Mao, và cần cả đến những ngón xoay trở của anh trong việc khai thác cánh rừng Bào Lương. Như đã định, hôm sau, ngày 3.3.1974 Anh Cả cắt đặt 21 anh em gồm cả khấn, tập và cộng sự ở lại đây tiếp tục công tác, rồi Anh và một số anh em  trở về Di Linh.

       Số anh em còn tại Lương Sơn, một phần lo chỉnh trang khu nhà anh em ở, một phần xây cất cơ sở trường học. Theo dự định, khu trường gồm 2 dãy nhà, một dãy 10 gian và 1 dãy 7 gian. Cần gấp cho việc xây cất khu trường học, nên ngày 5.3. 1974, Anh Cả điều thêm tới Lương Sơn 2 anh Gioan M. Lâm Quang Dụ và Tôma M. Lê Minh Trạc cùng lớp khấn X, hai nhân vật trai trẻ, nhiệt thành, nhanh nhẹn, thành thạo trong xây dựng.

        Xây Cất Trường Học

       Để kiếm thêm vật liệu xây dựng đợt 2, Anh Cả phái một số chiến sĩ lao động về Thủ Đức rỡ tôn, gỗ tại khu Kitô Vương; xi măng, gạch từ ngả Thủ Đức, Biên Hòa; bàn ghế từ cư xá Rạng Đông Đà Lạt; máy điện, máy nước san sẻ từ tu viện Thiên Mẫu Di Linh, tất cả chuyển ra Lương Sơn. Với đoàn người hùng hậu, trẻ trung, quen việc, không lâu, một dãy nhà 10 gian đủ cho 5 lớp học sừng sững mọc lên, không đồ sộ nhưng cũng gây tò mò cho người qua lại. Kế tiếp, một dãy 7 gian xuất hiện không kém khang trang dành cho văn phòng, phòng trữ dụng cụ học sinh, phòng đồ linh tinh. Ngoài ra còn để một phòng phát thuốc cho người nghèo.

       Như thế, người ta sẽ thấy khu vực này một phần là tu viện, ngày ngày mấy ông thày vô rừng rẫy canh tác, và phần kia là trường sở do các giáo chức đội khấn X ân cần chắt chiu bầy trẻ thơ.

       Công việc kiến thiết trên, đối với Anh Cả cũng như các em của Anh đâu có gì lạ lẫm, nhưng trước mắt thiên hạ quả là gây ngỡ ngàng cho họ! Có thể họ sẽ tự hỏi những người tu hành này sao họ hy sinh thế? Họ là những trang thanh niên còn nhiều mộng mơ, họ đang làm đẹp quê hương mình, họ lấy sức mình, lấy cả “ngón chân” mình mà giúp đỡ dân nghèo; lại nữa, ngân khoản bởi đâu? Đó cũng là điều không những người ngoài mà cả đến một số anh em dòng cũng thắc mắc, có anh  tò mò muốn biết trong khi người giữ túi tiền cũng không ngần ngại tỏ lộ: cho đến thời điểm này, chi phí toàn bộ đã lên đến trên 10 triệu bạc, không kể những gì nhà dòng có sẵn. Thật là Thiên Chúa đang hành động trong Anh Cả và đoàn em của Anh! Rồi đây nếu chiến chinh không làm ngăn trở thì công việc của Thiên Chúa qua chúng ta sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng của không biết bao nhiêu người…

        Ngôi Trường Mới

       Nhiều tuần lễ dốc công chỉnh trang ngôi trường đến nay đã được bộ mặt hấp dẫn hơn, với những bức tường phủ màu vàng tươi, một loạt khung cửa lắp ghép mica nhiều màu kéo sự chú ý của người qua lại. Lúc này, mặc dầu nhà trường chưa chính thức phổ biến tin mở trường, nhưng mấy ngày qua, các phụ huynh đã lục tục dẫn con em họ đến ghi danh, nhận chỗ. Trên sổ ghi danh, nhân viên văn phòng đếm thoáng qua đã có đến trên 150 em.  

       Thành Lập Tu Viện

       Trong phiên họp Hội Đồng Tổng Quản Dòng ngày 2.7.1974 tại Đồng Lạc Di Linh đã đồng thuận thiết lập tại xã Lương Sơn thuộc quận Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận một tu viện mới, lấy danh hiệu là TU VIỆN ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG, và tuyển cử:

       - Giám Đốc: Anh Gioan Boscô M. Phạm Ngọc Liên (K. V)

       - Phụ Tá I: Anh Antôn M. Cao Tấn Phương (K. IX)

       - Phụ Tá II: Anh Hilariô M. Nguyễn Trung Khánh (K. X)

       Sau đó, ngày 16.7.1974, Anh Tân Giám Đốc chọn anh Gioan Êuđê M. Trần Đình Diễm (K. X) làm Thư Ký tu viện.

       Chiều 30.7.1974, chiếc xe Daihatsu quen thuộc từ quốc lộ quẹo vào tu viện chở theo 6 anh em tăng cường cho tu viện. Như thế nhân số tại đây lên đúng 20, con số rất tùng tiệm cho việc giảng dạy trong niên khóa tới và cả công việc trong nông trại Bào Lương.

       Anh Cả Viếng Thăm

       Để tiết kiệm ngân khoản, ngày 14.8.1874, Anh Cả và đoàn tháp tùng tới tu viện bằng xe chạy diezel đi mượn, đỡ tốn tiền hơn xe GMC (Mỹ quốc) của Anh – 100 cây số ngốn hết đúng 20 lít xăng, xót lắm! Chuyến xe chở đầy dụng cụ học sinh cho 2 trường Lương Sơn và Nhà Đá, cùng mấy tạ gạo và một xe Honda.

       Ban Điều Hành Trường

       - Hiệu Trưởng: Anh Giêrônimô M. Phạm Xuân Thu (K. V)

       - Giám Thị: Anh Philipphê M. Trần Công Uẩn (K. X)

       - Hiệu Đoàn Phó: Anh Henricô M. Nguyễn Đình Hán (K. X)

       - Giám Học: (còn khuyết)

       Tu Viện Trình Làng     

       Như dự định, Anh Cả đến tu viện út này để mừng Tết Đức Mẹ 8.9.1974. Một số đại diện các tu viện, khu, sở trong Dòng đã đến từ hai ngay trước. Theo ý Anh Cả, anh em đi mời một số linh mục ân nhân đến dự tiệc, gồm có Cha Hạt Trưởng Oanh, Cha Tịnh, Hỷ và Cha Sở Phan Rí Thành, trước là để có dịp cám ơn các ngài đã giúp đỡ Dòng, sau là làm quen với các vị hơn. Cuối bữa tiệc, Anh Giám Đốc tu viện có đôi lời cám ơn Quý Cha đã không ngại hiện diện. Tiếp đó, Anh Cả ngỏ lời cám ơn Quý Cha đã góp công sức, dù không cho vật chất, tiền tài, nhưng đã tận tình giới thiệu cho Dòng có đất để lập tu viện, và mở cơ sở trường học để truyền giáo. Cha Hạt Trưởng cũng lên tiếng cám ơn Cha Bề Trên Cả, các cha, các thày đã vì Chúa bỏ mình, chẳng quản phí tốn, thời giờ, công sức mình đến Lương Sơn mở trường; đây là phương cách hữu hiệu trong việc truyền giáo của quý Dòng. Các ngài đặt nhiều hy vọng nơi hội Dòng, một mai đây sẽ góp công đem lại nhiều kết quả tốt đẹp về nhiều mặt, nhưng nhất là việc mở mang nước Chúa và giáo dục thanh thiếu niên. Sau khi quan khách ra về, Anh Cả và đoàn tháp tùng lên đường trở về Di Linh.

       Ban Giám Đốc – Ngày Ra Mắt   

       Nhằm ngày quan thày của trường 15.9, Ban Giám Hiệu trường chính thức ra mắt bà con thiên hạ. Sau ba tuần tập dượt, với sự hiện diện của Anh Hiệu Trưởng Phạm Xuân Thu và Ban Giáo Chức, buổi lễ bắt đầu hồi 8:30. Sau đó, mở màn một cuộc tranh giải túc cầu giữa 2 lớp lớn (lớp 6 và 7) diễn ra thật hào hứng. Tuy thời gian tập dượt chưa đủ quen chân mà cũng có nhiều pha gay cấn khiến khán giả hồi hộp…

       Sinh hoạt trong trường đến nay mới gần nửa tháng đã kéo được sự chú ý của nhiều phụ huynh, thế nên, họ vẫn còn dẫn con em đến xin nhập học dài dài… Dù có sự dèm pha, ngăn cản của một vài trường trong vùng, họ rỉ tai nhau cho con em học các ông thày rồi sau các ông bắt theo đạo hết! Nhưng vì ý ngay lành, vì chấp nhận cái khó trong công cuộc mở nước Chúa phải vượt qua, vì đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ (Mt 20: 28), nhất là được ơn Chúa phù trợ nên số học sinh tính đến ngày 20.9.1974 đã lên tới 270 em.

       Cần Một Hàng Rào

       Từ khi tu viện mới có lác đác mấy anh em, mấy bà, mấy cô chiều chiều trong nương rẫy về qua tu viện, họ dừng chân xa xa, thả mấy quả bầu, quả bí lại bên đường. Cám ơn Chúa, Đức Mẹ, các thày hiểu ý là họ cho, ra khuân vào xài đỡ. Phận phụ nữ họ tế nhị thế đấy.

       Tu viện Thăm Viếng tọa lạc trên hai mặt đường, phía mặt tiền tu viện hướng Đông Bắc là quốc lộ 1, phía hông là con đường làng đi ra ruộng rẫy, nên dân địa phương đôi khi họ đi tắt ngang qua sân tu viện; vả nữa để đề phòng có thể bị lấn chiếm… nhất là cần giữ được cảnh thâm nghiêm của tu viện và sự nghiêm túc cho cả nhà trường, thế nên các vị hữu trách có sáng kiến trong sự hợp tác của học sinh qua chương trình “sinh hoạt học đường”, và chiến dịch “làm đẹp mái trường em” để cùng chung sức thiết lập một hàng rào quanh 2 mẫu – cả tu viện và trường học. Nhưng trước đó, anh phụ trách đã mướn xe ủi sân trước tu viện và khu trường học cho các em vui chơi, lợi ích cho sức khỏe của bày trẻ đang lớn. Một việc đáng kể nữa, anh giám thị phát động trồng những loại cây thông reo, điệp, me tây gần đường rào làm bóng mát, càng tăng thêm cho cảnh quan vẻ khang trang hấp dẫn.

      Gieo Niềm Vui

      Chiều 25.11.1974, phái đoàn Anh Cả đến Lương Sơn thăm tu viện út. Anh tới đây với mục đích khuyến khích tinh thần trách nhiệm người tu sĩ đích danh, người chiến sĩ truyền giáo trong môi trường giáo dục. Và Anh cũng cho anh em được chung vui với toàn thể con cái Mẹ Đồng Công sự kiện di chuyển Nhà Mẹ Dòng từ giáo phận Qui Nhơn về Thủ Đức thuộc giáo phận Sài Gòn. Vì thế, sáng 26.11,  thánh lễ thật long trọng để hợp tâm tình với toàn Dòng cảm tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, đồng thời xin ơn phù hộ trong thời gian tương lai. Lẽ tất nhiên tiệc trưa mừng lớn do ý Anh Cả, anh em tháp tùng sắm sẵn đồ nhắm đưa từ Di Linh ra.

 

 

Năm 1974, sau thời gian 2 niên khóa (1972-1974) phục vụ ở Tiểu Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, em được Anh Cả chỉ định về Lương Sơn Phan Rí.

Bấy giờ Anh Phạm Ngọc Liên (LK 5) làm giám đốc, Anh Thu (LK 5 Phạm Sĩ Hiệp đã qua đời ở New Orleans LA đầu năm 2006) làm hiệu trưởng, và Anh Phan Thiện Giản LK III cũng hưu ở đó,

và đa số toàn là anh em Đội X ở Di Linh tới để xây cất cơ sơ mới nhất này và sau đó dạy học ở đây luôn:

Aa Khánh, Diễm, Chúc, Ngạn, Hán, Trạc, Trưng, Uẩn, Hựu, Tiệp, Dụ, Toán, Quỳnh, Quốc, Tụng, Nhu.

 

 

Trường ĐC Lương Sơn sau 30.4.1975, nhà nước xây dãy lầu phía sau. Ảnh 2002

 

Sau thời gian ngắn ở Tu viện Mẹ Thăm Viếng Lương Sơn Phan Rí với vai trò là quản lý,

Anh Cả chuyển em ra Trường Trung Học Đồng Công ở Nhà Đá để dạy đệ nhị cấp, sau đó ít lâu Anh Cả bảo em làm bếp thay Anh Trân cùng đội.

Những anh em ở Nhà Đá năm 1974-1975 bao gốm mấy anh đội trên, như Anh Lm Trần An Tĩnh (LK 5) làm Giám đốc, và Anh Nguyễn Châu Đạt (LK 2),

đa số là anh em Đội IX, vì Nhà Đá (cả 3 đợt IX a-b-c) đều vào nhà tập và khấn đầu (1966-1970): Aa Cao Xuân Cảnh (9A), Lưu Chủ (9B), Phạm Ngọc Đỉnh (9A), tâm phương (9A)

 

Cuối cùng toàn bộ anh em Đồng Công ở Nhà Đá rút quân vào chính ngày Thứ Năm Tuần Thánh 27/3/1975,

bằng chiếc Daihatsu về Phán Rí Cửa, rồi cả người lẫn xe xuống thuyền về Bến Đá Vũng Tầu để từ đó về Thủ Đức.

Quí anh em Đồng Công ở Lương Sơn Phan Rí này cũng thế, cũng được lệnh Anh Cả rút quân từ Tháng 3/1975,

bởi Anh linh cảm thấy đất nước đã đến lúc lâm nguy, đến độ Anh phải lo và đã lo cho anh em dòng xuất hành - Vượt Qua

 

 

 

 

Những Ngày Cuối Cùng

Nhà Mẹ Thủ Đức

       Ngày 31.1.1975, chiều nay, Nhà Mẹ đón anh em di tản từ Di Linh về tị nạn, với những xe đầy ắp gạo, giường chiếu cùng nhiều thứ lỉnh kỉnh… Con cái đông, nhu cầu nhiều đòi hỏi cấp bách, Anh Cả cho kiến thiết ngay những phòng ngủ, phòng ăn, lớp học… Chỉ trong mấy ngày vắn vỏi, các tay thợ lành nghề, nhiều sáng kiến của đoàn quân XI đã hoàn thành mau lẹ các công tác trên.    

Tâm Tình Người Anh

       Ngày 10.2.1975, trước giao thừa Ất Mão, Anh Cả gặp gỡ toàn thể anh em miền Thủ Đức: “Năm cũ chúng ta đã chịu ơn Chúa rất nhiều, trong khi đó khắp nơi, ít là trong nước Việt Nam, từ Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phước Long, Tây Ninh không phải nghìn gia đình mà hàng vạn gia đình chạy xô, khổ sở đói khát; nhiều gia đình không có nhà ở, không có của ăn. Hiện những gia đình quanh chúng ta không phải chạy, nhưng trong những ngày tết chưa chắc có miếng thịt; có gia đình chỉ cố sao chạy lấy bữa gạo. Đó là sự thật Anh biết và các em cũng biết.

       “Đấy là phần xác, còn phần linh hồn biết bao khổ sở, làm cho lòng họ như co thắt  lại. Người có đạo thì cũng teo lại, nhiều người tuy có Đức Tin nhưng rất yếu ớt, hầu như chán nản thất vọng, vì gặp những đau khổ chồng chất tinh thần cũng như thể xác.

       “Trái lại, anh em chúng ta lại được Thiên Chúa và Đức Mẹ săn sóc cho từng li từng tí, cả bề trong lẫn bề ngoài. Những của ăn thiêng liêng là Lời Chúa, giáo lý, tín lý thì các em quá đầy đủ, trong khi khắp nơi người ta thiếu thốn đủ sự. Nhiều người dù giáo hữu, tu sĩ, hay linh mục nhập nhiễm những thuyết giả mà bỏ cả đức tin! Trong khi đó, anh em chúng ta có thể nói được hầu hết là những người đã khấn trong Dòng Đồng Công thì còn Đức Tin toàn vẹn. Anh cho rằng trong chúng ta không một ai mất Đức Tin. Đó là điều chúng ta phải biết ơn Chúa lắm lắm!

       “Chúa lo cho chúng ta muôn ơn hồn xác, không biết đâu mà kể…  Bởi vậy chúng ta phải cảm tạ ơn Chúa hết lòng hết sức. Chúng ta cũng không cám ơn cho đủ, nên phải cậy nhờ Mẹ và các thánh để cảm tạ Chúa thay cho chúng ta.  Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh thật khó khăn. Trong khi thế giới, đức tin bị lu mờ, trước mắt chúng ta nhan nhản những gương mù, nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta còn giữ được đức tin. Chúng ta đã chịu ơn nhiều thì cũng phải trả ơn nhiều.

       “Trong năm qua đã vậy, còn năm mới sắp đến; xin Chúa, Đức Mẹ ban cho hết mọi anh em không những là giữ ĐứcTtin toàn vẹn, còn lòng yêu Chúa phải hăng say… Anh nói những điều thực tế chứ không nói văn hoa, là Anh hằng xin Chúa và Đức Mẹ, xin rất nhiều lần và Anh ước vọng rằng, trong năm mới này, các em phải ăn ở xứng với ơn Chúa đã thương chúng ta, đã gọi chúng ta làm tu sĩ, linh mục Đồng Công. Để xứng với ơn gọi đó, tất nhiên các em biết Chúa đòi các em điều gì rồi. Dù là tu sĩ hay linh mục, chúng ta giữ lời khấn, hiến pháp, luật lệ mà điều đó nhất định giữ được; nhưng vô ích nếu thiếu lòng yêu là cốt lõi của cả đời này lẫn đời sau. ‘Thiên Chúa là Tình yêu’ – 1 Ga 4, 8. Chúa cho chúng ta được theo đuổi tình yêu trọn hảo, đó là ơn rất đặc biệt, nhưng Chúa cho người nào người ấy mới hiểu được. Các em cố sống làm sao cho xứng bậc Chúa đã kêu gọi. Xin anh em trong năm mới đừng ai sống tầm thường. Hãy xem, trót đời Đức Mẹ có hoạt động gì? Khi còn tại thế, Mẹ đâu có lập cơ quan từ thiện, hay đi rao giảng, nhưng  Mẹ chỉ yêu mến, có thế thôi. Chúa chỉ muốn có Tình yêu. Nếu chúng ta thực tình dành trọn Tình yêu cho Chúa, thì đó là điều quí báu nhất mà Chúa muốn.

       “… Tình thế đất nước hiện nay không sáng sủa gì, nhưng đừng lo vô ích, dù đen tối đến đâu mặc lòng, với Chúa muốn thì chỉ một tích tắc đã ra khác, không ai ngờ được; có khi Chúa dùng Cộng Sản để thanh lọc chúng ta. Chúng ta phải biết phó thác, cậy trông hoàn toàn, mặc dầu trong tình thế đen tối nhất… Sự thánh thiện vượt trên mọi biến cố chính trị, mà chúng ta đang theo đuổi sự thánh thiện. Là người Việt Nam, chúng ta liên hệ, gắn bó với sự thăng trầm của đất nước…

       “Trước đây, cuối năm 1963, tình thế lúc ấy nguy ngập, sợ rằng Cộng Sản sẽ chiếm cả miền Nam này, nên Anh đã cố xoay trở tìm chỗ chạy mà cũng chẳng tìm ra, rồi cũng thế thôi…! Bây giờ Anh không lo lắng gì nữa, Chúa cho bình tĩnh, sẵn sàng đón nhận… vì đã có Chúa. Nếu các em cứ thánh thiện thì chúng ta ở với “ai” cũng được; nếu Chúa để họ ghét mình, giết mình thì được tử đạo. Đừng lo lắng vô ích. Các em cứ an tĩnh, phó thác, cậy trông vào Chúa, Ngài luôn ở gần ta, yêu ta vô cùng thì còn khiếp sợ gì nữa. Quỉ sứ cũng phải tùy phục Đức Chúa Trời, huống hồ…!”       

       Tết Ất Mão – 11.2.1975

       Mồng Một Tết, trùng lễ Mẹ Lộ Đức, anh em thuộc các tu viện, khu, sở miền Thủ Đức tụ họp dự thánh lễ Đầu Xuân chúc tuổi nhau tại lưu xá Đồng Công. Nhiều anh em đã đưa ra nhận định: từ bao năm, hôm nay mới được thấy lại cái cảnh “anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp đông vui thế này!”.    

       Khởi Công Kiến Thiết Nhà Mẹ

       Ngày 15.2.1975 – mồng 5 tết Con Mèo, thời gian mua sắm vật liệu xây cất tạm ổn. Đồ án và kỹ thuật xây cất, Anh Cả trao phó cho anh Nguyễn Cao Hoàng, một kỹ sư lão luyện trong ngành xây cất của Dòng. Việc đốc công và thực hiện đồ án do anh em đội khấn XI đảm nhiệm. Những ai được hân hạnh ngó thấy đồ án cũng cho rằng ngoạn mục lắm! Khu nhà mới sẽ kiến thiết từ phía trước dãy nhà ngói, lấn qua vườn mít tới sân đá bóng. Khu nhà đang ở sau này sẽ là khu nhà bếp, nhà chứa đồ… Nhiều nhà tiên đoán có tầm cỡ đã căn cứ vào cái quan niệm “chung sống…”, chấp nhận mọi thử thách, roi vọt của Chúa trong bài Anh Cả chúc anh em dịp đầu xuân Ất Mão trước đây 5 ngày, mà đoán rằng trụ sở Nhà Mẹ sẽ vĩnh viễn tại Thủ Đức này, không còn mơ màng tới Úc châu hay Phi Luật Tân như dự định thuở nào Từ sau tết, tại Đồng Lạc Di Linh chưa có gì “xảy ra…” nên các anh Đồng, Triệu, Hoàng b, Thao, Nhân, Bách, Hữub (về sau Hữu b là Lm. Vinh Sơn M. Mai Hữu Tường ‘Lk XIIa’)  từ Nhà Mẹ Thủ Đức trở lên Di Linh.

Dự Án Cư Xá Sinh Viên Tương Lai             

       Trong một ngày nọ, Anh Cả bàn với vị Tân Tiến Sĩ – Gioan M. Đoàn Phú Xuân vừa ở Roma (30/1/1975) về rằng, nếu một mai khu Nhà Mẹ đã ổn, Anh Cả sẽ cho thiết lập cư xá sinh viên ngay khu đất gần Nhà Mẹ này nữa. Vì hiện nay, chính phủ đang di các trường Đại học trong thành phố Sài Gòn ra những khu vực cạnh xa lộ Thủ Đức hoặc Biên Hòa. Lập cơ sở giúp đỡ sinh viên lúc này là một vấn đề khẩn yếu và rất lợi ích cho việc tông đồ truyền giáo của Dòng. Dựa theo đó, người ta đồn đoán cụ Tân Tiến Sĩ có lẽ sẽ giữ một vai trò then chốt trong dự án này.

Lớp Dự Tu XII – Thời Ly Loạn

       Cũng đầu tháng 3.1975, tình hình đất nước mỗi ngày một thêm lâm nguy, vì thế có sự quyết định của Hội Đồng Nội Các Chính Phủ VNCH động viên cả các tu sĩ tuổi 17, 18, 19 và 20. Bởi vậy, để thích ứng với hoàn cảnh, Anh Cả đã họp bàn với anh em hữu trách Đệ Tử viện tuyển gấp một lớp tiền tập XII dưới những tuổi đó để duy trì được chương trình huấn luyện mỗi 2 năm một lớp tập.

Những Thử Thách – Những Hoạch Định

       Ngày 13.3.1975, với đà hăng say sẵn có, các chiến hữu đội XI đã không quản ngại nắng cháy da của miền Thủ Đức, mới có hơn 3 tuần lễ, mà cột, kèo, rui, mè, hoành, xà dọc, xà ngang đã tươm tất. Nhưng với thời gian xây cất lại trúng vào mùa nắng gắt, đất chai cứng khó thực hiện được nền nhà cao, khiến anh em rất băn khoăn tính tới tính lui để liều thuê xe ủi, nhưng giá giờ ủi quá cao, liền bó tay. Lúc đó mới nguyện cầu phó thác dâng lên Cha Má Trên Trời giải gỡ khó khăn cho đoàn con thơ nhỏ… Nhờ tài xoay xở ngoại giao của anh Đinh Chí Cương, ngày 16.3 anh đã mượn được máy ủi của công binh Việt Nam tại căn cứ Long Bình tới giúp. Chỉ trong 3 ngày, chiếc máy ủi chẳng những hoàn tất được 23 gian nền nhà, mà còn chũi bình địa vườn mít, làm xong nền nhà nguyện và hội trường tương lai cao đến 1m, rộng 24 và 74 mét dài, tính nhẩm cũng đến 2 ngàn thước khối đất. Theo dự trù, khi công trình xây dựng hoàn tất sẽ tiếp đến việc trồng cây ăn trái trước sau các dãy nhà, vừa để lấy bóng mát, vừa để làm đồ tráng miệng trong bữa ăn. Giống cây được chọn mà nhiều người ưa thích đó là cây vú sữa. Thật lưỡng tiện!

       Ngày 14.3, thấy Cộng quân ồ ạt tiến đánh vùng Tây nguyên, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bàn bạc với các tướng tá quyết định bỏ ngỏ vùng này, vì không đủ khả năng bảo vệ, sự kiện này dẫn đến cuộc di tản, nói đúng hơn là chạy giặc.

       Ngày 15.3.1975, công việc xây cất Nhà Mẹ dừng lại. Anh Cả cho lệnh báo cho anh em miền Qui Nhơn, Lương Sơn, Đà Lạt, Di Linh khẩn cấp di tản về Thủ Đức. Anh em các nơi này hòa nhập theo làn sóng thường dân, cùng với quân đội ồ ạt tháo chạy tràn lan như nước vỡ bờ. Họ từ các tỉnh miền Trung cuốc bộ gồng gánh, tay xách nách mang hoặc di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào có thể với tâm trạng lo âu, hoảng hốt, sợ sệt… hướng về phía Sài Gòn, Vũng Tàu. Cuộc di tản vĩ đại phát sinh nên những trại tỵ nạn chiến tranh (trại Tiếp Cư). Toàn thể các trường trung, tiểu học, ký túc xá từ Vũng Tàu tới Sài Gòn, trường Đồng Công, nhà 30 gian ĐC, rừng cao su cạnh trại gà Thiện Chí Đồng Công, trường mẫu giáo Mẫu Tâm của các Chị Trinh Vương… tắt rằng bao nhiêu cơ sở là bấy nhiêu trại tiếp cư. Dân tỵ nạn sống nhờ hảo tâm của các công ty, các phái đoàn, các tổ chức đến giúp đỡ. Chính một số anh em Dòng cũng tham gia vào ban điều hành mấy trại gần nhà.

 

 

ANH CẢ, VỚI LÒNG CẬY TRÔNG TÁO BẠO


Từ sau Tết Ất Mão - 1975, không biết số phận của đất nước ra sao, trong khi tại miền Nam Việt Nam chiến sự ngày càng chuyển biến khốc liệt hơn, Anh Cả có linh tính chắc chắn rằng sẽ mất nước!

Do đó, Anh đã hoạch định cho anh em dòng rời khỏi đất nước bằng đường thuỷ - với “một lòng cậy trông táo bạo, một niềm phó thác liều lĩnh”

- nên trong buổi tĩnh tâm ngoại lệ vào sáng ngày 5 tháng 4 năm 1975, Anh phát lệnh cho anh em ra đi… “để giữ lấy dòng và phát triển việc truyền giáo”.

 

Sau trưa cùng ngày, 200 con tim rời Thủ Đức trực chỉ Phước Tỉnh, trú ngụ tại nhà nghỉ của Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đợi thời cơ…
Chiều 26.4.1975, tỉnh Bà Rịa ăn pháo kích của Cộng Quân, cắt đứt giao thông Sài Gòn - Vũng Tàu. Anh em vội xuống thuyền... tuy nhiên lại trở về ngủ qua đêm.

Sáng hôm sau, Chúa Nhật 27.4.1975 sau Thánh lễ, anh em đã kéo nhau xuống thuyền để sang Bến Đá.

Nhưng chính trưa hôm ấy, khi thấy Bến Đá cũng bị pháo kích bốc khói đen lên, các thuyền chở anh em dòng cùng các thuyền khác trực chỉ hải phận quốc tế.

 

Đúng thế, sự kiện anh em dòng Đồng Công ra đi từ đầu tháng tư, chứ không phải khi "nước đến chân mới chạy" vào cuối tháng 4 như hầu hết mọi người,

mà tính cách bỏ nước ra đi của anh em Đồng Công là một cuộc Vượt Qua, vượt qua sự chết cộng sản mà vào sự sống đức tin truyền giáo.

Do đó, họ không tháo chạy mà là xuất hành, là lên đường theo sứ vụ đặc biệt của mình, biến thời cơ quốc biến thành cơ hội truyền giáo,

y hệt những gì đã xẩy ra ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, thời Giáo Hội ở Giêrusalem sau khi Phó tế Stephanô bị sát hại, 

đã được dịp vươn ra khỏi biên giới Thành Giêrusalem là giáo đô Do Thái giáo,

trở thành Giáo Hội Công giáo cho toàn thể muôn dân và cho đến tận cùng trái đấtt cho đến bây giờ và tới ngày cùng tháng tận của mầu nhiệm cánh chung (xem Tông Vụ 1:8; 8:1,4)

 

Lên đường từ Thủ Đức xuống Phước Tỉnh

 

Sáng Thứ Bảy mùng 5/4/1975, anh em dòng từ các nơi (Nhà Đá Qui Nhơn, Đà Lạt, Lương Sơn Phan Rí v.v.) qui tụ về Thủ Đức, trước hết cùng nhau dự tĩnh tâm theo lệnh của Anh Cả.

Nhưng sau bữa trưa tự nhiên thấy một đoàn xe đò Đức Long 4-5 chiếc ở đâu kéo tới sân Đệ tử viện, nơi anh em dòng tĩnh tâm sáng hôm ấy.

Sau đó mới biết là mọi người phải lên xe, không được báo cho nhà quê, đi xuống Phước Tỉnh, để ngay hôm đó, cả dòng, bao gồm luôn Anh Cả, xuống thuyền ra Phú quốc tạm trú...

Không ngờ, đột nhiên nghe thấy lệnh của Ông Tỉnh trưởng Phước Tuy bấy giờ là Đại tá Công binh Nguyễn Văn Thường, bất cứ thuyền nào ra khỏi bến sẽ bị bắn.

Thế là tất cả bị kẹt lại ở Nhà mát của Dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, nhưng sau đó gần 1 nửa về lại Thủ Đức với Anh Cả ở lại VN không đi nữa, còn lại thì phải chờ đợi trong lo âu thất vọng...

 

Từ lo âu bất an đến sứ mệnh lên đường

 

Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện nhiều ngày, Anh Cả quyết định cho tất cả anh em ra Phước Tỉnh để tìm cách vượt biên, thoát khỏi chế độ CS mặc dù chưa biết đi đâu. Anh em đều mau mắn vâng lời.  Cũng có anh em cho rằng việc quyết định của Anh Cả như vậy thật là khó hiểu, nhưng không ai dám phản đối. Cha xứ Phước Tỉnh biết thế cũng nói Đồng Công ra đi như vậy là liều lĩnh, vì đi mà không biết đến nơi nào.

        2. Anh Cả tuyên bố Phân tán anh em tại Phước Tỉnh:

        Anh Cả buộc lòng phải tuyên bố phân tán anh em Dòng: Một phần ra đi, một phần ở lại quê hương:

* Anh em trẻ Tập sinh, Khấn trẻ thỉ ra nước ngoài hết;                                                                                              

* Anh em khấn lâu rồi, già rồi thì tự do, ở nhà cũng được, ra đi cũng được.

       Kết quả thực sự là 180 người xuất ngoại, còn ở lại nhà 130 người khấn. Phần riêng Anh Cả, thì Anh cho biết, nếu hết mọi tu sĩ đều ra nước ngoài, các cha Hưu Dưỡng cũng đi hết, bất đắc dĩ Anh cũng phải ra đi. Nhưng Anh khẳng định, nếu trường hợp cưỡng bách phải đi, Anh sẽ đến nước Pháp, chứ không ở lại nước Mỹ, dù có phải nhờ người Mỹ để vào Mỹ, Anh cũng cứ sang Pháp, nhất định không ở lại Mỹ. Nói thế, nghĩ thế thôi, chứ đời nào Anh bỏ được Quê Hương thân yêu. Tự thâm tâm, Anh không thể nào đi được, nhưng bên ngoài, Anh cứ “khích lệ anh em đi, Anh sẽ đi sau cùng v.v...” để anh em vui lòng ra đi, kẻo ở lại không giữ được đời tu ... Anh Cả còn cho mua mấy chiếc tầu lớn, mỗi chiếc chứa được 50 người, nhưng chỉ cho 30 thôi để tầu nhẹ, dễ chạy. Anh cũng phát thuốc, phát đồ ăn cho mọi anh em ra đi. Sau cùng, Anh ban phép lành, xin Chúa, Mẹ ban cho anh em đi bằng an.

        3. Anh Cả và một số anh em trở về Thủ Đức:

        Chiều cùng ngày phát lệnh lên đường cho thành phần anh em được ấn định, Anh Cả và một số anh em ở lại quê nhà trở về khu Kitô Vương. Phần đông anh em nghĩ rằng Anh về rồi sẽ đi sau, mà Anh bề ngoài cũng không có từ giã gì cả, vì nếu nói lời từ giã, thì tỏ ra Anh không đi. Khi Anh ban phép lành cho anh em, trong lòng trí Anh nghĩ thật là lần sau cùng chia lìa anh em, để anh em ra đi không hẹn ngày về, tim Anh se lại, đau đớn vô cùng. Nhưng Anh cũng có phần vui và thỏa mãn vì có số đông anh em sẽ giữ được luật lệ Dòng, giữ được tinh thần Dòng, tức là Dòng Đồng Công sẽ được tồn tại và bành trướng, lớn mạnh nơi hải ngoại. Còn Anh và những anh em ở lại quê hương, chỉ mong được phúc tử đạo thì may mắn lắm, nếu không thì cũng mong chết dần, chết mòn cho đến hết thì thôi. Anh và HĐTQ đã chấp thuận trao cho anh Xuân đứng đầu thay Anh, coi sóc, giáo huấn, giữ gìn, nuôi dưỡng anh em Dòng tại hải ngoại. Vì thế, khi về Thủ Đức, Anh ra lệnh ngay cho anh Xuân, với bất cứ giá nào, phải vượt biên để sang nước ngoài ở với anh em.

 

 

Thật vậy, suốt 21 ngày trời, 170 anh em dòng cả ngày rỗi rãi, trong khi mắt nhìn ra khơi thì thấy những chiếc tầu Mỹ to lớn ở hải phận quốc tế,

thì tai lại nghe radio thấy thông báo là chỉ có 100 ngàn người làm cho Mỹ mới được Mỹ đem sang Mỹ thôi, như thế thì anh em dòng bị kẹt lại rồi.

 

Để trấn an anh em dòng, Anh Cả đã xuống Phước Tỉnh để trấn an họ, và nói những lời khẳng định như đinh đóng cột vậy, theo viễn kiến dự tưởng của Anh:

"Các em đừng sợ. Bao giờ cộng sản ùa vào thì các em cứ xuống thuyền tiến ra hải phận quốc tế, thế nào tầu Mỹ họ cũng đón"

 

Không ngờ câu nói dứt khoát tràn đầy tin tưởng này xẩy ra y như vậy - hoàn toàn ứng nghiệm như một lời tiên tri.

Rất tiếc khi em được gặp Anh Cả chiều Thứ Sáu ngày 7/7/2006 em quên không hỏi anh rằng tại sao anh lại biết là quốc biến ngay từ đầu tháng 4/1975?

 

Theo em hiểu thì căn cứ vào tình hình đất nước bấy giờ đang bị lực lượng miền bắc ồ ạt từ miền trung tràn xuống miền nam sau khi Mỹ rút lui sau Hiệp định Paris 1973,

Anh Cả có linh tính miền nam sẽ bị miền bắc giải phóng, nên anh em dòng nói chung, nhất là giới tu sĩ trẻ của dòng nói riêng, không thể chung sống với cộng sản, nên phải "Vượt Qua"!

 

Từ Phước Tỉnh sang Bến Đá

 

Thế rồi tối Thứ Bảy 26/4/1975, nghe thấy nguy tín, anh em dòng đã mau chóng xuống thuyền, nhưng sau đó trở về để sau lễ sáng Chúa Nhật 27/4/1975, tất cả đều xuống thuyền qua Bến Đá.

Sáng hôm đó, anh em quân đội xuất hiện ngay bến thuyền và muốn xuống thuyền để thoát chạy theo hướng của họ,

nên không thuyền nào dám chở, do đó họ đã bắn vào thuyền, vào dân nằm bẹp tránh đạn.

Vì thế thuyền nào cũng bỏ chạy từ Phước Tỉnh sang Bến Đá

Hai anh em trong phái đoàn THĐC 2022 là Anh Uẩn và em tâm phương, trong số 170 anh em dòng sáng Chúa Nhật 27/4/1975, đã trở lại với Bến Đá ngày 26/11/2022

 

Từ Bến Đá ra Hải phận Quốc Tế

Thế rồi sau khi thấy Bến Đá bị pháo kích khói mịt mù, không ai bảo ai, thuyền nào cũng bỏ chạy ra hải phận quốc tế, nhắm hướng có những chiếc tầu khổng lồ của hạm đội VII Hoa Kỳ.

Tới nơi thì thuyền nào càng đến sau thì những người trên thuyền ấy càng phải nhẩy từ thuyền này tới thuyền khác, xà lan này qua xà lan khác để tới được tận chân mạn tầu Mỹ cao như nhà 10 tầng.

 

Từ thuyền đánh cá bé nhỏ lên tầu khổng lồ của hạm đội Hoa Kỳ

Tất cả đều phải chờ đợi cho chiếc rọ chuyển đồ lên tầu, được thả xuống dể kéo cứ khoảng 15-20 người một lần từ dưới mạn thuyến lên bên trên tầu.

 Trong đoàn người đang đứng đợi được kéo lên đây, em thấy có Aa Phách và Hoán (LK VII) và Anh Cầu (LK IXC)

 

Riêng em có phận sự làm đầu bếp cho thuyến trung ương, nhưng bị mửa ra mật xanh không còn muốn sống nữa, cho tới khi thấy tầu Mỹ.

Và em đã đừng ở trên mui một chiếc thuyền ngay vị trí cái rọ được thả xuống, để bám lấy giây cáp của nó và đứng trên mui của cái rọ này, chứ không vào trong rọ.

 

Tuy nhiên, sau khi bất ngờ nghe thấy tiếng súng nổ của người lính nào đó, tầu bắt đầu rời đi, khiến cho số còn sót lại đêm đó lênh đênh giữa biển khơi, không biết sống chết của họ ra sao...

Để sửa soạn cho cuộc Vượt Qua 1975 này, mỗi anh em dòng được cấp phát cho một bao lương thực dự trữ cho những lúc cần thiết, và họ đã mang ra sử dụng ngay trên tầu, lúc thật là thiếu thốn

Dù là mì tôm cũng không có nước nóng mà ăn, dù có ăn mì cũng không có đũa hay bát gì hết, mà sửa của Mỹ phát cho thì khó uống, không giống như sữa đặc có đường vốn hợp khẩu vị Việt Nam.

Do đó, anh em cũng như dân chúng bắt đầu tích lũy đủ thứ cần thiết, nào ống loong để làm bát ăn và ly uống v.v.

Trên tầu suốt cả 10 ngày không hề tắm rửa, người bẩn thỉu hôi hám, thậm chí có anh mất cả giầy dép phải đi chân không, không dám bước khi khi trời nắng nóng đến bỏng chân v.v.

Anh em Đồng Công ở trên mấy chiếc tầu khác nhau, riêng nhóm anh em dòng, trong đó có em, đi trên 2 chiếc tầu Trans Colorado rồi Greenville Victory, từ VN ghé Subic Bay tới Đảo Guam.

 

Từ tầu vượt biển xuống các hải đảo của Mỹ - Guam và Wake

 

 

Từ những chiếc Tầu của Hạm Đội VII của Mỹ đón dân tỵ nạn VN tại Hải phận quốc tế đổ họ xuống Đảo Guam để ở tạm trong các trại chuyển tiếp trước khi được vào nội địa Hoa Kỳ.

Em nhớ mãi kỷ niệm hy hữu tếu ngạo giang hồ khi gần xuống tấu và sau khi xuống đảo Guam, đó là

Khi nghe thấy phái đoàn VN được thẩm quyền HK sai phái lên các tầu chở đồng bào VN tỵ nạn cập đảo rằng đồng bào đừng lo, ở trên đảo có đầy đủ mọi sự, nhưng chẳng ai tin.

Bởi thế, khi xuống tầu để tiến vào hội trường, thì phái đoàn tỵ nạn VN như là một lũ ăn mày ăn xin, mặt mày lem luốc, áo quần xốc xếch, lại đeo thêm lủng lẳng loong trước ngực, chân không hay đi dép cọc cạch,

trước mặt hai hàng người bản quốc Hoa Kỳ ăn mặc chỉnh tế đón rước thân tình, cho tới khi đoàn người tỵ nạn bần cùng khốn khổ tiến vào trong hội trường rộng lớn, đã có đầy các bàn thực ẩm và giải khát,

phái đoàn tỵ nạn Việt Nam mới tin, tin thật là tin, đến độ không ai bảo ai, tự động bắt đấu trút bỏ hết mọi sự thuộc con người cũ mà sửa soạn mặc lấy con người mới...

Rất tiếc, khi đã quá tin thì lại bị hớ một vố đau nữa, đó là khi trút bỏ tất cả mọi thứ quần áo bẩn thỉu để sửa soạn đi lãnh quần áo mới được phát cho... thì toàn là những thứ thùng thình và thênh thang,

quần mặc có thể kéo lên tới cố, không cần áo, còn áo thì che từ cố xuống tới đầu gối và gió bốn phương tám hướng tha hồ mà lùa mát rượi vào toàn thân của họ, nhất là vao ngay thời điểm mùa hè vừa tới v.v.

Đảo Guam (trái) và Đảo Wake (phải) - hình từ google search

3 tị nạn Đồng Công (từ trái sang) Aa. Hoan LK 3, Chương LK 5 và Cung LK 6, thảnh thơi dạo biển trên Đảo Wake

 

Anh em dòng ở cả hai đảo Guam và Wake. Từ hải phận quốc tế từ Việt Nam sang tới Guam mất 9 ngày, từ 1-9/5,

Đa số anh em dòng ở bên Đảo Guam, số còn lại, bao gồm cả nhóm trung ương thì ở Wake Island, vì khi đến Guam ngày 9/5, Đảo đã hết chỗ, chưa kịp làm thêm,

nên phái đoàn anh em CMC trung ương phải bay sang Đảo Wake ngay chiều hôm đó bằng chiếc C-130, rồi ở Đảo Wake nhỏ bé này 2 tháng rưỡi, từ 10/5 đến 25/7/1975.

Giáo dân Công giáo là thành phần thoát chạy từ Việt Nam vào cuối tháng 4 hay đầu tháng 5, đều kéo đến với các cha các thày Đồng Công để tham dự cầu nguyện và phụng vụ, ở cả 2 đảo.

 

Từ các hải đảo Guam và Wake vào các Trại chuyển tiếp ở nội địa Hoa Kỳ

 

 

Theo giòng người Việt tháo chạy bằng đường biển cho khỏi quê hương sau quốc biến 30/4/1975, anh em dòng Vượt Qua cũng từ các Đảo Guam và Wake lên máy bay vào nội địa Hoa Kỳ

và được đưa đến 1 trong 4 trại tỵ nạn sau đây: Camp Pendleton California, Fort Indianatown Gape Pennsylvania, Fort Chaffee Arkansas, và Eglin Air Force Base Florida.

Anh em dòng cũng bị phân tán ra 3 trại khác nhau, trừ trại tị nạn ở Florida, còn đa số đến trại For Chaffee AR, nơi gần Carthage Missouri nhất

 

 

 

TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG - ƠN CHÚA QUAN PHÒNG


Nhóm anh em Đồng Công di cư đầu tiên từ đảo Guam chuyển đến trại tị nạn Fort Chaffee AR trên đất Hoa Kỳ.

Anh em được Cha Thomas Andrew, Phó Tuyên Uý trại tị nạn hiểu biết hoàn cảnh và nguyện vọng của toàn thể anh em dòng.

Ngài tình nguyện giúp đỡ liên lạc… đồng thời khích lệ anh em vững tin vào tình yêu Chúa Quan Phòng.

Chính nhờ vị ân nhân này, Hội Đồng Cố Vấn Địa Phận Springfield dưới quyền Đức Cha Benardo Law sẵn sàng bảo trợ và nhận mọi phần tử Đồng Công vào giáo phận mình.

 

Sau đó một tuần, Đức Cha Law đến thăm hỏi, dâng lễ và tiến hành thủ tục bảo trợ.

Cùng đi với Ngài có Cha Chủ Tịch Hiệp Hội Các Dòng Nam Tu tại Hoa Kỳ và Cha Giám Tỉnh Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm,

 vị chấp thuận cho anh em Đồng Công mượn khu chủng viện Our Lady of The Ozarks tại Carthage, Missouri.
Mọi thủ tục tạm xong, ngày 30.6.1975, nhóm 48 anh em đầu tiên này từ trại tị nạn được chở tới Carthage.

Đức Cha Law, Giám Mục sở tại, các vị ân nhân tới chủng viện tiếp đón chào mừng anh em nhập địa phận.

 

Chủng viện của Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm quản trị đã đóng cửa từ năm năm qua nhưng vẫn được Cha John Weissler bảo trì chu đáo.

Do biến cố 30.4.1975 ấy, anh em phiêu bạt được đón vào các đảo tỵ nạn, và cuối cùng anh em ở đảo Wake cũng tụ họp đông đủ tại Carthage.


… Sau khi tường trình với Toà Thánh việc bảo trợ,

Đức Cha Law được Thánh Bộ Truyền Giáo uỷ thác nhiệm vụ bản quyền đối với Anh Em Đồng Công Hải Ngoại do văn thư Protocol số 4546/75 ký ngày 16.9.1975.
Thời gian trôi từ 30.6.1975 đến tháng 5.1981, Tỉnh Dòng mua toàn bộ chủng viện Our Lady of the Ozarks tại Carthage.

 

 

Một số anh em lớp khấn IX thuộc nhóm Trung Ương Đồng Công đến Fort Chaffee ngày 25/7/1975

 

Nhóm trung ương hàng trước từ trái sang phải: Aa. Sinh LK7, Tiến LK2, Đại LK1, Sơn LK 1, Sử LK3 và Anh Hoan LK3

 

 

Nhóm anh em dòng từ Đảo Guam đến trại Fort Chaffee này trước nhóm trung ương từ Đảo Wake

 

 

Cha Mc Andrew. vị linh mục làm môi giới cho anh em dòng với Đức Cha Bernard Law

 

 

 

Anh em dòng lần đầu tiên được gặp Đức Cha Law ở Trại Fort Chaffee, nên mặc áo dòng đàng hoàng tề chỉnh để cho ngài thấy tu sĩ Đồng Công như thế nào trong bộ tu phục của dòng.

 

 

 

Từ các Trại Chuyển tiếp về Trụ sở đã được An bài cho anh em dòng

 

 

Khi khu Nhà Đá 3 lầu này gần hoàn tất được Dòng Các Cha Thừa Sai Vô Nhiễm The Oblate Immaculate of Mary xây dựng ở Carthage Missouri để làm chủng viện của dòng...,

đâu ngờ rằng, từ năm 1972 đã phải đóng cửa bởi hiếm ơn gọi... và chờ một nhóm tu sĩ Việt Nam vừa vặn sống ở nơi này 3 năm sau, như thế ngôi nhà xây từ năm 1925 này cho 50 năm sau vậy!

 

 

như để giành chỗ cho Đồng Công 3 năm sau, thuê với giá tượng trưng tiêu biểu 1 MK hàng năm..., .

cho tới khi anh em thành Chi Dòng, thì giá bán chỉ có nửa triệu MK vào năm 1980, trong khi bên Tin Lành sẵn sàng mua với giá 10 triệu MK

 

Em là một trong số nhỏ anh em dòng được Anh tân Giám Tỉnh Kiên sai đi gây quĩ mua trụ sở cho tỉnh dòng.

Với tư cách là quản lý NS TTĐM (1980-1982), em đã sang California để thực hiện sứ vụ gây quĩ mua trụ sở của tỉnh dòng.

Theo em biết thì số tiền đóng góp của cộng đồng dân Chúa bấy giờ đủ để trả off / trả hết, nhưng Anh Kiên lại muốn trả từ từ...

 

 

Trưa ngày 8/8/1975, ngày Quan Thày của Anh Cả, khi chiếc xe bus chở phái đoàn anh em trung ương từ trại Fort Chaffee về, vừa thấy khu nhà này, em đã thốt lên "giống như Dinh Độc Lập vậy"

 Đúng là phép lạ Chúa làm qua đức tin vượt thời không của Anh Cả vào LTXC, Đấng đã đưa anh em, dòng sang HK và tưởng rằng tan dòng nếu cứ 2-3 anh em đi theo một bảo trợ người Mỹ như các gia đình khác,

thì ở đâu xuất hiện 1 Cha Mc Andrew, rồi đến vị đại ân nhân là Đức Cha Bernard Law, để có một nơi ở vừa đủ cho 170 anh em bấy giờ, và được ngài tiếp tục nuôi anh em ăn học cùng tiêu xài trọn năm đầu tiên

 

 

Xe bus đưa anh em từ Trại Fort Chaffee tiểu bang Arkansas về khu 40 mẫu của Các Cha Thừa Sai Mẹ Vô Nhiễm ở Carthage Missouri

Hai anh đầu tiên (từ trái) là Aa Tài LK 10 và Sử LK 3, 2 anh sau là Thuần LK 9 và Tuân LK 3, mừng rỡ chào anh em dòng đã về trước ra đón nhau:

Có tất cả 9 đợt anh em từ 3/4 trại chuyển tiếp ở nội địa Hoa Kỳ về tái tụ với anh em dòng từ khi phân tán nhau ở VN, trên các thuyền, các tầu, các đảo, các trại tị nạn và chuyển tiếp khác nhau:

Ngày 30/6/1975, nhóm 48 anh em Đồng Công tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Fort Chaffee Arkansas đầu tiên về ban sáng;

Ngày 30/6/1975 còn có 23 anh em từ Trại Chuyển Tiếp Pendleton California đợt 1 về lúc chiều tà;

Ngày 1/7/1975 hôm sau nhóm 6 anh em đợt 2 từ Trại Chuyển Tiếp Pendleton CA về nơi đã có 71 anh em hôm qua ở khu vực Our Lady of Ozark Carthage bang Missouri

Ngày 13/7 nhóm anh em Đồng Công tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Indiantown Gap bang Pennsylvania đợt 1 về tái tụ với anh em dòng ở Carthage bang Missouri

Ngày 18/7 Kỷ niệm nhóm anh em Đồng Công tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Fort Chaffee AR đợt 2 về đoàn tụ Đồng Công

Ngày 24/7 nhóm anh em Đồng Công tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Pendleton CA đợt 3 về với anh em dòng

Ngày 1/8 nhóm 5 anh em Đồng Công tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Indiantown Gap PA về đợt 2 

Ngày 8/8 nhóm trên 60 anh em Trung Ương tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Fort Chaffee AR về trụ sở chính ở Carthage MO

Ngày 3/9 nhóm cuối cùng 3 anh em Đồng Công tị nạn từ Trại Chuyển Tiếp Pendleton CA về Carthage  MO đợt 4 

Rất tiếc một số anh không về, như Anh Cường LK 6, Anh Huỳnh LK7, cùng với 2/3 đệ tử cồ đi chuyến xe thăm anh em dòng ở Phước Tỉnh Thứ Bảy 25/4 không thể về bởi đường bị VC chặn!

 

Nhóm Trung Ương ở Wake Island 2 tháng rưỡi (10/5-25/7/1975) và ở Trại chuyển tiếp Fort Chaffee AR 2 tuần (25/7-8/8/1975), cuối cùng về Carthage ngày 8/8/75, chụp với ĐC Law

những bữa ăn đầu tiên ở Cafeteria nhà ăn của các Cha Thứa Sai Vô Nhiễm, với Đức Cha Law và Cha Weisseler bấy giờ đang đại diện dòng coi sóc cơ sở này

Đức Cha Law cũng bình dân hòa đồng với anh em dòng, rất dễ tiếp cận ngài, như Anh Cả, rất hợp với tinh thần Đồng Công 

Nhóm Đồng Công tị nạn không ngờ lại được lọt vào một chỗ quá sức tượng tượng như thế này, đang hoan hưởng phong cảnh bao rộng trước mặt Nhà Đá 3 lầu

Hình trái: Cha Mc Andrew và quí anh đã từng liên lạc với ngài ở Trại Fort Chaffee về tương lai dòng (từ trái): Aa. Lý LK 3 (thứ 2), Đoán LK 6, Cha Andrew, Aa Vận LK 3 và Ban LK 4;

Hình phải: Sau khi tạm ổn định và sinh hoạt tu trì tại đây, các thân nhân của anh em biết tin liền kéo nhau đến thăm, cùng với các khách Mỹ Việt đến thăm dòng...

 

Từ 7 vị linh mục khi ra đi 1975 lên 19 vị năm 1977 và hơn 100 vị vào cuối năm 2022 (kể cả 25 chết, 7 về VN và ít là 4 ra triều)

(12 tân Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1977 từ Dòng Đồng Công - đầu tiên sau 1975)

 

12 phó tế Đồng Công đi đầu linh mục đoàn trong lễ truyền chức linh mục của các anh 

Đức Cha Bernard Law truyền chức Lm cho 12 anh em lớp thần học III đã học xong ở VN, tại Nhà Thờ Chính Tòa Springfield Thứ Bảy ngày 28/5/1977

Ngài tiếp tục truyền chức Lm cho anh em Đồng Công các đợt tiếp theo, như lớp của Aa Đán, Tuất v.v. ngay trong Ngày Thánh Mẫu

Không kể các anh linh mục đã học xong thần (12 vị), những anh thuộc lớp thần 3 do dòng đào tạo, và triết ở Việt Nam (10 vị, bắt đầu từ LK 5 tới VII), thuộc lớp thần 4 kể từ khi dòng được tự đào tạo linh mục ở Nhà Mẹ Nhà Đá Qui Nhơn, nhưng vì quốc biến 1975, 22 anh này đã được truyền chức linh mục ở Hoa Kỳ

Ngày 27/5/1977: Anh Nguyễn Mạng Cách  Anh Đỗ Đình Vạn (Đội I), Anh Ngô Châu Minh  Anh Mai Vĩnh Lộc (Đội II), Anh Đỗ Thái Hòa, Anh Nguyễn Công Hoan, Anh Trần Công Lý, Anh Phạm Ân Sử  Anh Phạm Minh Vận (Đội III), Anh Đoàn Quang Báu, Anh Đinh Vương Cần  Anh Nguyễn Thành Huynh (Đội IV).

Ngày 13/6/1981: Anh Bùi Anh Tuấn  Anh Nguyễn Linh Uy (Đội III), Anh Nguyễn Huy Chương (Đội V), Anh Vũ Khiêm Cung (Đội VI); 

Ngày 7/8/1982: Anh Trần Ngọc Diệp (Đội VII ) bị dời lại 1 năm và được thụ phong một mình trong Ngày Thánh Mẫu 1982;

Ngày 31/5/1983: Anh Đỗ Linh Sáng (Đội II), Anh Đinh Thành Bắc (Đội V), Anh Lương Minh Tuất  Anh Nguyễn Quang Đán (Đội VIII); 

Ngày 28/11/1985: Anh Pham Quang Huy (Đội III).

 

Lớp linh mục thứ 1 - thành phần đã vĩnh thệ ở Việt Nam và di tản từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong đó bắt đầu có các anh đa số thuộc Đội 9 (4/5), chịu chức từ năm 1987 - 1989, gồm có 5 anh, thứ tự như sau: Anh Nguyễn Hồng Ân (Đội VI), Anh Nguyễn Mạnh Thư  Anh Cao Xuân Cảnh (Đội IXA) - chịu chức ngày 6/8/1987;  Anh Đỗ Cao Tùng  Anh Nguyễn Châu Diên (Đội IXA) - chịu chức ngày 31/5/1988.

Lớp linh mục thứ 2 - trong đó có quí anh tu ở Việt Nam trước năm 1975 nhưng vĩnh thệ bên Hoa Kỳ, nghĩa là bắt đầu có các anh linh mục Đội X (3/7), chịu chức từ năm 1989 đến 1991, gồm có 7 anh, thứ tự như sau: Anh Đinh Viết Luận (Đội IXA)Anh Nguyễn Hải Dương, Anh Nguyễn Hữu Ngạn  Anh Thân Như Hữu (Đội X) - chịu chức ngày 28/5/1989; Anh Ngô Đức Vượng (Đội VI), Anh Ngô Hoàng Khôi  Anh Nguyễn Đức Thuần (Đội IXC) - chịu chức ngày 9/6/1991.

Lớp linh mục thứ 3 - trong đó có quí anh tu ở Việt Nam trước năm 1975 nhưng vĩnh thệ bên Hoa Kỳ,  bắt đầu  các anh linh mục thuộc lớp khấn XI (5/13), chịu chức từ năm 1992 đến năm 1996, gồm có 13 anh, thứ tự như sau: Anh Trần Ngọc Thoại (Đội VII) và Anh Vũ Minh Nhiên (Đội XI) - chịu chức ngày 31/5/1992; Anh Hoàng Anh Thăng (Đội IV), Anh Đỗ Quang Chinh (Đội IXB) và Anh Trần Minh Duệ (Đội XI) - chịu chức ngày 5/6/1993; Anh Nguyễn Đức Huyến (Đội IXC), Anh Nguyễn Trung Khánh  Anh Phạm Trung Thực (Đội X), Anh Phạm Hữu Độ  Anh Trần Thế Lực (Đội XI) - chịu chức ngày 4/6/1994; Anh Trần Thanh Liêm (Đội VII), Anh Trần Đình Diễm (Đội X) và Anh Phạm Ngọc Bích (Đội XI) - chịu chức ngày 2/6/1996.

Lớp linh mục thứ 4 - trong đó bắt đầu có quí anh tu ở Hoa Kỳ, bắt đầu có hầu hết lớp khấn XII (9/11), chỉ còn 2 anh tu trước 1975 ở Việt Nam, chịu chức từ năm 1997 đến 2003, gồm có 11 anh, thứ tự như sau: Anh Nguyễn Trọng Thưởng (người đệ tử đầu tiên bên Mỹ, đã xuất) - chịu chức ngày 1/6/1997; Anh Trần Hưng Long  Anh Đoàn Quang Diệm (Đội XII) - chịu chức ngày 30/5/1999; Anh Vũ Hữu Mục (Đội IX), Anh Âu Quốc Thanh (Đội XII) - chịu chức ngày 4/6/2000; Anh Cao Vũ Nghi (Đội XII) - chịu chức ngày 2/6/2001; Anh Vũ Minh Trân (Đội XII) - chịu chức ngày 2/6/2002; Anh Phạm Kim Bân, Anh Trần Bình Khả  Anh Lê Phúc Điềm - chịu chức ngày 7/6/2003; Anh Nguyễn Tuấn Bình - thụ phong ngày 29/5/2004.

Lớp linh mục thứ 5 - lớp linh mục này hoàn toàn là những anh em tu ở Hoa Kỳ, bắt đầu có đa số lớp khấn XIII (8/11), không còn một anh nào tu ở Việt Nam trước năm 1975 nữa, chịu chức từ năm 2005 đến 2009, gồm có 13 anh: thứ tự như sau: Anh Đào Duy Kiêm (Đội XII)  Anh Trần Quốc Toản (Đội XIII) - thụ phong ngày 4/6/2005;  Anh Phạm Đức Sinh  Anh Trần Vi (Đội XII), Anh Phạm Ngọc Trác, Anh Vũ Toàn Khoa  Anh Nguyễn Huy Châu (3 anh Đội XIII) - thụ phong ngày 3/6/2006; Anh Nguyễn Tuấn Nhã (Đội XII)  Anh Hoàng Nghĩa Hiệp (Đội XIII - đã nhập GP Venice Florida)  Anh Lâm Bá Trọng (Đội XIII) - thụ phong ngày 12/1/2008; Anh Nguyễn Hoan Lương  Anh Nguyễn Châu Hy (cả 2 Đội XIII) - thụ phong ngày 10-1-2009.

 

 Lớp linh mục thứ 6 - lớp linh mục bắt đầu có đa số lớp khấn XIV (8/13) tu ở Hoa Kỳ, gồm có 13 anh, chịu chức từ năm 2009 đến 2012, thứ tự như sau: Anh Nguyễn Trung Chánh (Đội XIII), Anh Đỗ Thanh Cao  Anh Ngô Tiến Hóa (cả 2 Đội XIV) chịu chức ngày 6-6-2009;  Anh Trần Trung Thành (Đội XIII), Anh Đỗ Long Vân  Anh Trần Hà Nhuận (cả hai Đội XIV) - chịu chức ngày 5-6-2010 (hai anh Đội XIV này đang thử nghiệm để ra nhập địa phận thích hợp với mình); Anh Trương Trường Kỳ  Anh Hoàng Việt Thắng (cả 2 Đội XIV) - chịu chức ngày 4-6-2011; Anh Trần Thế Mạc (Đội X), Anh Nguyễn Ngọc Quang (Đội XII), Anh Vũ Toàn Tri (Đội XIII), Anh Nguyễn Tâm Năng  Anh Vũ Lưu Truyền (cả 2 Đội XIV) - chịu chức ngày 2-6-2012.

 

Lớp linh mục thứ 7 - lớp linh mục bắt đầu có lớp khấn XV (3/9) tu ở Hoa Kỳ, gồm có 9 anh, chịu chức từ năm 2014 đến 2017, thứ tự như sau: Anh Đinh Tuyến Viễn, Anh Trương Thịnh Đạt, Anh Đỗ Văn Kiệt (cả 3 Đội XIV), Anh Tạ Tân Văn (Đội XV) - chịu chức ngày 8-6-2014; Anh Nguyễn Tuấn Bảo (Đội XIV), Anh Trần Hiền Vương  Anh Hoàng Hải Đăng (Đội XV) - chịu chức ngày 11-6-2016; Anh Nguyễn Đức Học (Đội XII) và Anh Phạm Thuận Tự (Đội XV) - chịu chức ngày 10-6-2017.

 

Lớp linh mục thứ 8 - lớp linh mục hoàn toàn là lớp khấn XV, gồm có 4 anh: Aa. Đào Đức Pháp (XV) và Nguyễn Huy Mạch (XV) - chịu chức ngày 15/6/2019, nhưng trong 2 anh này đều từ Nhà Mẹ qua, Anh Mạch sau khi thụ phong đã xin về lại Nhà Mẹ. 2 năm 2020 và 2021 vị đại dịch nên tiến trình thụ phong linh mục cũng bị ảnh hưởng cho đến năm 2022 với 2 anh: Phạm Hồng Ân (XV) và Phạm Duy Quý (XV) - chịu chức ngày 15/1/2022.

Tóm lại, cho tới cuối năm 2022 số linh mục tỉnh dòng còn là 72, chưa bao gồm 25 anh đã qua đời (xin xem hình ảnh anh em qua đời của tỉnh dòng ở phần Đồng Công Hiệp Thông), 7 anh về VN (Aa. Đại và Đức LK 1, Kiên và Tuân LK 3, Thăng LK 4, Ngạn LK X, Nhiên LK XI, không kể Anh Uy LK 3 ở HK lại chết ở VN, và 2 anh Ngân LK VIII và Thảo LK IXA từ VN sang HK), và ít là 4 anh đã ra triều (Aa. Thưởng LK XII, đệ tử sinh đầu tiên của dòng ở hải ngoại; Hoàng Hiệp Nghĩa LK XIII - 2017 chính thức nhập ĐP Venice, FL; Trần Hà Nhuận LK XIV - 2018 chính thức nhập ĐP Great Falls-Billings, MT; Đỗ Long Vân LK XIV - 2021 chính thức nhập TGP Miami, FL). Nếu không kể 7 linh mục từ VN sang HK năm 1975 (Aa. Đại, Thiên và Sơn LK 1, Lượng LK 2, Ban LK 4, Tĩnh LK 5, Hào LK 7; Anh Kiên LK 3 từ Roma trực tiếp sang HK năm 1975 là 8, khi anh em Đồng Công mới từ các hải đảo Guam và Wake vào nội địa và đang ở trại chuyển tiếp Fort Chaffee Arkansas) thì Tỉnh dòng đã thêm được, từ năm 1977 cho đến hết năm 2022, tất cả là 100 vị, nghĩa là trong vòng 47 năm ở HK Tỉnh dòng mỗi năm trung bình thêm được 2 vị linh mục Đồng Công để kịp đáp ứng nhu cầu mục vụ càng ngày càng đòi hỏi.

 

 

Từ Lễ truyền chức 12 tân Linh mục Đồng Công 1977 đến Ngày Thánh Mẫu 1978

Ngày Thánh Mẫu được tổ chức năm 1978 (tháng 6) sau 1 năm biến cố 12 tân linh mục Đồng Công năm 1977 (tháng 5)

Bốn năm đầu NTM được tổ chức vào Tháng 6, nhưng từ năm 1982, năm thứ 5, được chuyển vào tuần đầu Tháng 8 hằng năm 

Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT), do THĐC tâm phương phục vụ, tham dự NTM 2017, mừng 100 Năm Thánh Mẫu Fatima, với cờ hiệu TĐCTT và Cờ Mẹ Việt Nam

Biến cố chính hay tột đỉnh của NTM là cuộc cung nghinh Tượng Mẹ Fatima Thánh du quốc tế được lưu giữ và tôn kính trong Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

 

Nếu cuộc cung nghinh Tượng Mẹ Fatima Thánh du Quốc tế là biến cố chính yếu và là tột đỉnh của Ngày Thánh Mẫu hằng năm do tỉnh dòng tổ chức cho chung Cộng đồng dân Chúa, cả từ VN sang,

thì về địa thế, Tượng đài Đức Mẹ Tỵ Nạn lại là tâm điểm chẳng những ở Công trường Nữ Vương Hòa Bình mà còn trong các Ngày Thánh Mẫu nữa.

Tượng Mẹ đứng trên sóng gió ba đào đang cứu vớt con dân Việt vượt biển... thật là ý nghĩa, rất thu hút côộg đôồg dân Chúa vì đánh trúng tâm can mang thân phận tha hương của họ...

Đài Mẹ Tỵ Nạn này được họa sĩ kiêm kiến trúc sư THĐC Nguyễn Kiểm / Mỹ (LK IXC) vẽ mẫu năm 1981 ở Houston Texas, theo ý muốn của Anh Baran Đỗ Thái Hòa, phó bề trên tỉnh dòng bấy giờ.

Lúc ấy em đang ở Houston, nơi em được anh tân Giám tỉnh Barnabê Nguyễn Đức Kiên sai xuống 10/1980 để mở Sao Mai Printing, thay Trại nuôi heo Thiên Mẫu ở Ash Grove Missouri của tỉnh dòng.

Anh Kiểm cho em biết Anh Hòa nhờ anh ấy vẽ một đài Đức Mẹ, nhưng không cho biết như thế nào, ngoài ý tưởng duy nhất là Đài Đức Mẹ tỵ nạn, thế thôi.

Khi nghe Anh Kiểm nói là Đài Đức Mẹ Tỵ Nạn em liền bật miệng nói ngày: "Đức Mẹ Tỵ Nạn thì đứng trên sóng gió ba đào". Anh như bắt được nhịp liền tiếp: "Đức Mẹ đứng trên bọt biển".

Thế là hình ảnh tượng đài đã xuất hiện trong đầu vị kiến trúc sư vẽ mẫu, do đó nên mới có 3 ngọn sóng và trên 3 ngọn sóng là các bọt biển làm bệ chân cho Mẹ Tỵ Nạn đứng cứu dân Việt vượt biển.

 

 

Anh Kiểm đã trao bản Blue Print chính cho Anh Hòa và bản phụ tặng cho em, được em giữ cho tới hôm nay, trong đó, kiến trúc sư này đã ghi ở góc phải cuối:

ngày 28/5/1981 (bên trái) và Nguyễn Đức Mỹ (bên phải)

Đài Đức Mẹ Tỵ Nạn đã được hoàn thành kịp Ngày Thánh Mẫu 1982, nhưng Tượng Mẹ Tỵ Nạn được đắp tượng gia Thăng chưa kịp xong, nên vẫn c9ược he vải trắng năm ấy,

nhưng đã Tượng Đài Mẹ Tỵ Nạn đã được khai trương vào chính Ngày Thánh Mẫu 1983,

trùng với thời điểm Tượng Mẹ Fatima Thánh Du quốc tế từ Trung Tâm Fatima về luôn với Tỉnh dòng cho các Ngày Thánh Mẫu,

và ở trong nguyện đường Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ của Tỉnh dòng cho tới nay, nhưng hàng năm Tượng Mẹ vẫn đến với các cộng đoàn dân Chúa do anh em Tỉnh dòng phục vụ.

 

Từ Nhóm Đồng Công tỵ nạn 1975 đến Tỉnh Dòng Mẹ Mông Triệu Hoa Kỳ 1980

 

 

Anh em tỵ nạn Đồng Công theo nhau từ 3/4 trại tạm cư trên nội địa Hoa Kỳ là Pendleton CA, Indiana Town Gap PA, và Fort Chafee Arkansas lần lượt về Carthage Missouri.

Những năm đầu con số đệ tử sinh rất nhiều, vì tỉnh dòng nhận tu từ lớp 9, nhưng tới thời Giám tỉnh Duệ phải xong trung học đã mới nhận.

Hình ảnh từ thuở ban đầu này của dòng tại Hoa Kỳ, khi số anh em Đồng Công ở Mỹ chưa trở thành một Tỉnh dòng,

đã chứng thực lệnh truyền của Anh Cả ở Phước Tỉnh đã hoàn toàn ứng nghiệm: "Các em đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo".

Cho dù nơi đàn em của anh đến "để giữ dòng và để truyền giáo" không phải ở Đông Nam Á như anh mong muốn, mà là ở Mỹ là nơi anh không muốn.

Nhưng dầu sao sự hiện diện của 170 anh em dòng (trong đó có 7 linh mục) tại Mỹ từ năm 1975 đã cho thấy anh em ra đi theo sứ vụ chứ không phải chỉ chạy loạn. Tuyệt vời!

 

Ngày 25/10/1980, qua văn thư số 4931, Bộ Truyền giáo thành lập Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ linh mục Banabê M. Nguyễn Đức Kiên làm Giám tỉnh đầu tiên.

Trong Văn thư này, Toà Thánh cũng ủy thác cho Tỉnh Dòng "chăm sóc phần thiêng liêng cho Kitô hữu Công giáo Việt nam tị nạn tại Hoa Kỳ", như văn thư dưới đây:

 

Bản tiếng Việt trên đây được dịch từ bản tiếng Anh sau đây:

 

MỘT BIẾN CỐ VĨ ĐẠI TRONG DÒNG ĐỒNG CÔNG

(Ngày 16-5-1987)

 

1. Khám hộ khẩu khu Nhà Mẹ

       a/  Ngày 15-5-1987, lúc 9  giờ sáng (Lễ Thánh Giuse Quản Gia), công an Thủ Đức vào khám hộ khẩu Nhà 30 gian, nhà Hưu Dưỡng. Họ giữ mọi người có mặt trong hai nhà đó. Lúc ấy có hai lớp Tận Hiến bên Nhà Mẹ: Đứng lớp nam là anh Thần, lớp nữ là Anh Cả. Họ bắt làm biên bản, tra hỏi tại chỗ. Nhưng sơ hở của công an là không có sứ vụ lệnh của Thành phố, nên Anh Cả chuỷển bại thành thắng, Anh trách móc họ lớn tiếng. Trong khi đó, bên Hưu Dưỡng, các người không có thường trú phải làm bản tự kiểm. Khi Nhà Mẹ chiến thắng thì các nhà kia cũng được giải tỏa, không phải làm bản tự kiểm nữa. Khu Kitô Vương (Bình Đường) cũng giao động, tháo máy rônêô, máy xén giấy đem vùi trốn nạn.

       b/ Tưởng thế qua luôn, nhưng ngày hôm sau, 16-5-1987, có giấy mời Anh Cả và anh Thần ra Ban An Ninh Huyện làm việc lúc 8 giờ sáng. Hai anh chở Anh Cả, anh Thần  bằng xe Honđa ra Ban An Ninh huyện ở đường Nguyễn Hữu Huân làm việc. Khoảng 10 giờ 30, một công an lái xe Jeep chở xe Anh Cả về nhà Dòng, anh Thần về sau. Quá 12 giờ trưa, công an vào Nhà Dòng đọc lệnh khám hành chánh. Họ đi các phòng khám sách vở, máy móc. Họ thu từng đống sách hồ ghi chống Cộng, có biên bản ghi sách vở, đồ đạc cũng bị thu. Chừng 20 giờ, bên Nhà Mẹ dân chúng kéo vào, không cho đem đồ bị thu ra cổng. Công an muốn ra, phải dắt xe qua lối nhà Hưu Dưỡng.

       Bên khu Kitô, có xe vào chở gạo đi, bị ném đá, công an phải nổ súng mới thoát được. Dân chúng kéo nhau tới ngày càng đông. Họ vào Nhà 30 gian giải thoát những anh em bị kẹt ở nhà bí mật. Sau cùng một số thanh niên có ám hiệu cởi trần, xắn quần dài lên, không mặc quần cộc (có vài công an mặc quần áo cộc bị đánh ngất). Anh em được giải cứu (trên 100)  đã mệt lử ra nhà dân lối ao cá. Số dân kéo vào đông nhất lúc khoảng 23 giờ đêm. Công an phải nhờ cha Minh, cha Chí xứ Thánh Khang sang can thiệp để giải tán dân chúng. Giáo dân tưởng công an bắt hai cha, nên họ giật chuông, kéo cả sang Nhà Dòng, thành ra càng lộn xộn tới độ không dàn xếp được. Nhiều công an bị đánh, anh em Dòng phải ra can.

       c/ Sáng 7 giờ ngày 17-5-1987, một đại đội công an thành phố võ trang, có cả máy phóng thanh mới giải thoát đem các đồ tịch thu đi được.

       d/ Ngày 18-5-1987 lúc 18 giờ, Anh Cả và 4 anh Thần, Phụng, Thảo, Chi đi xe máy lên Sàigòn tìm luật sư Nguyên làm đơn khiếu nại gửi đi minh oan. Đơn khiếu nại được gửi qua Bưu điện tới các cơ quan chức năng. Sau tìm được một luật sư giỏi thời cũ làm đơn khiếu nại dài hơn và lý sự đầy đủ hon. Cũng gửi đến các cơ quan nhiều nơi trong nước và mấy báo đài ngoại quốc như Veritas, BBC v.v... Anh Cả ra đi là có ý ở ngoài vòng kiểm soát để làm đơn khiếu nại.

       đ/ Đơn khiếu nại thứ hai cũng được gửi qua Chi Dòng bên Mỹ: Chi Dòng dịch sang tiếng Anh và gửi đi rất nhiều nơi, xin can thiệp với Nhà Nước Việt Nam cho Dòng, nhất là cho Anh Cả, năm nay đã 81 tuổi được khỏi tù, như: Tòa Thánh Vatican, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Reagan Hoa Kỳ, nhiều Tòa Đại Sứ các nước tại Hoa Kỳ, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và tại Hoa Kỳ, nhiều vị Hồng Y và Giám Mục tại Hoa Kỳ v.v... Riêng với Tổng Thống Hoa Kỳ, anh Giám Tỉnh ĐC tại Mỹ xin đích thân vào Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ, được chấp thuận vào Văn Phòng Tổng Thống, gặp Bà Thư Ký, người Công giáo, trao thư và đơn khiếu nại nói trên. Tổng Thống Reagan đã nhận thư và ngày Thánh Mẫu năm đó (tháng 8, năm 1987) cho một nhân viên Văn Phòng đến tận Nhà Chi Dòng trao Văn thư và nói Tổng Thống rất tiếc không can thiệp trực tiếp với Chính Phủ Việt Nam được vì hai nước chưa có ngoại giao, nhưng sẽ tìm cách can thiệp khác (Văn thư đó vẫn còn trong công hàm Nhà Dòng).

       Vài năm sau, Đức HồngY Bernard Law, TGM Boston (vị bảo trợ Chi Dòng) sang thăm Việt Nam. Nhà Chi Dòng có xin Ngài, nếu có thể, can thiệp với Chính Phủ VN cho Anh Cả được khỏi tù. Khi trở lại Mỹ, Ngài cho Nhà Dòng biết Ngài đã gặp mấy nhân viên cao cấp trong Chính phủ VN, và họ hứa sẽ giải quyết sớm vấn đề Anh Cả.

       Không biết có phải vì nhận được nhiều đề nghị của các Đấng Bậc, các quốc gia, mà án tù của Anh Cả được giảm từ 20 năm xuống còn 6 năm?

       e/ Sáng ngày 17-5- 1987, sau khi công an đi rồi, dân chúng lại tuốn đến. Vì biết rằng thế nào Nhà Nước cũng tịch thu đồ đạc Nhà Dòng, nên họ hè nhau khuôn vác hết các đồ ra ngoài..., kể cả rỡ nhà bên khu Kitô. Phần nhiều họ đem ra hội quán Châu Bình và các tư gia cất dùm Nhà Dòng, nhưng dần dần vì lòng tham một số người cũng chiếm đoạt.                 

       g/ Từ sáng 17, 18, 19 tháng 5-1987, Công việc thu cất đồ thật là tấp nập. Tối ngày 18-5, khoảng 21giờ, có cuộc đụng độ giữa nhóm canh gác Nhà Dòng và mấy công an chìm. Vì một công an tên Dũng đấm gẫy mấy cái răng một cậu bé, nhóm canh gác xung lên, đánh Dũng ngất đi lọt vào đám thép gai. Họ kéo Dũng ra cạnh nghĩa trang Châu Bình để chờ xe đến cấp cứu, nhưng anh ta đã tỉnh. Sáng ngày 20-5, mấy công an võ trang đi lại trên đường gần Nhà Dòng để giữ an ninh, rồi tấp nập nhiều công an, quân đội về quanh khu vực, canh gác ...

 

Anh Cả bị bắt lần 2 ngày 2/7/1987, sau ngày 16/5/1987 là ngày các cơ sở của dòng bị phong tỏa, và sau khi bị xét xử độc đoán đã bị ngục tù lần 2, tù chung thân từ ngày 18/5/1987.

 

Theo giấy mời của chính quyền địa phương ngày 15/5/1987, 9 giờ sáng ngày 18/5/1987, Anh Cả được anh Lê Đình Lãm chở ra Quận Thủ Đức

 

 

Sáng ngày 16/5/1987, Anh Cả đọc thư mời của CA trước khi anh Trần Trung Thần chở Anh ra Quận ngày 16-05-1987. Khi Anh Cả ra huyện thì CA vay Nhà Dòng bắt Ae Dòng

 

Anh Cả và Anh Em bị bắt

       a/ Anh Cả bị bắt: Sau khi đơn khiếu nại được gửi đi các nơi, Anh Cả đến ở mấy nhà người quen tại Sàigòn. Anh Phụng và mấy anh em thỉnh thoảng tới thăm Anh Cả. Công an rình khắp các phố, biết được nơi Anh Cả ở nên họ vào bắt Anh đang lúc mặc áo lễ tại nhà bà Liễu. Về sau, công an cho biết: họ để ý có vài anh em mặc quần đen, áo sơ mi trắng ra vào nhà đó, họ vào khám và bắt được Anh Cả và 3 anh Chi, Quốc, Thuận. Ngày đó là 2-7-1987.

       b/ Anh em bị bắt:  Đêm 16-5-1987 tại khu Kitô, 5 anh; đêm 21-5  tại Nhà Mẹ 9 anh; tại Thánh Gia 4 anh; ngày 21-6 tại Nhà Cá 3 anh; ngày 14-9 tại Nhà Cá 1 anh; tại Đồng Nai: anh Xuân (20-5), anh Đích (29-5), anh Thiện (7-87), anh Lâm (8-87); tại Sàigòn: anh Phụng (13-6), anh Nghiệp (20-7).

1.    Lại Khám Hộ Khẩu - Kiểm Soát Nhà Hưu Dưỡng - Cha Thịnh chạy trốn bị bắt và giam tù 3 tháng

          --Khám hộ khẩu:

          Khoảng 20 giờ, hai anh Đệ, Trực về đến nhà thấy vắng tanh, vắng ngắt. Vừa mới ngủ được một chập, đồng hồ điểm 0 giờ ngày 20/5 thì có tiếng gọi, đập cửa  phòng, nói khám hộ khẩu. Mở phòng ra, thì ôi thôi! To nhỏ với vài chục công an, súng ống đàng hoàng hỏi hộ khẩu. Biết cớ sự chẳng lành, nói hộ khẩu ông Đạt giữ. Nghe tên ông Đạt, công an khoái quá, hỏi: Ông Đạt đâu? – Ở trong kia, tôi đi tìm, công an rầm rập đi theo. Sau khi biết là ông Đạt có tên trong sổ bìa đen, nên họ theo để bắt ông Đạt. Nhưng Đạt đây là Vũ Thanh Hải, không phải Châu Đạt (bìa đen).Vừa đi, tôi vừa la lớn “Anh Đạt ơi đưa hộ khẩu khám đây”. Có ý la lớn báo động để chuồn. Nhưng vào khu Thánh Gia cũng đầy công an rồi.

       --Kiểm soát Nhà Hưu Dưỡng:

       Sau đó, họ đưa tất cả ra nhà khách Hưu dưỡng. Ngồi ở nhà khách, tôi thấy có Cha Nhân, Cha Vượng, Cha Cẩm, anh Quy và mấy cán bộ. Qua câu chuyện, ông cán bộ nói về ông Thủ phản động, chống đối. Cha Nhân quặc lại ngay và điều qua, tiếng lại thành to tiếng, có mòi cán bộ đuối lý phát khùng, các người khác phải giàn hòa, ông cán bộ lỉnh đi chỗ khác.

       Các phòng bật điện sáng tối đa để công an kiểm soát có sót ai không. Rồi họ bảo lấy ít đồ để ra khu Thánh Tâm. Công an đã kiểm soát khu Thánh Tâm lúc 21 giờ rất kỹ, không bắt được gì vì các anh ngay từ chiều đã thanh tẩy cẩn thận. Chúng tôi về phòng lấy chăn mùng, lúc đó công an nói ra vài bữa rồi về. Họ nói thế mà ai cũng tin mới chết chứ! Thành ra chỉ lấy mấy đồ cần thiết. Sau mới biết: Nói dối như Vẹm !

        Kỳ khôi nhất là người coi khách – anh Thủy – khi công an vào gõ cổng, tiếp đón rồi, anh tìm phòng vắng nằm ngủ tỉnh bơ. Khi khám phòng, anh bỏ chạy, công an thấy có giường mùng, họ nghi có người đã chạy trốn, hạch lạc hoài, nhưng đâu có ai nghĩ là anh Thủy. 

         --Cha Thịnh chạy trốn, nhưng rồi cũng bị bắt:

        Đêm đó, cha Thịnh lẹ chân, chạy lên ban công ngoài sàn hát trốn, mãi tới 2 ngày sau ngài vẫy tay làm hiệu, ông Ngọc, nhà trước cổng Hưu Dưỡng, trông thấy. Khi khám phá ra, ngài đã đi rồi. Ngài định ra đầu thú, nhưng khi xuống không có ai hỏi han gì, ngài leo tường ra ngoài lối nhà anh Sinh và đi trốn tuốt luốt. Mấy tháng sau, được tin cha Thịnh bị bắt ở nhà cha Cư, trụ sở Đúc Cha Của xưa ở Bình Nhâm, Lái Thiêu. Nghe rằng cha Thịnh khai lung tung, có cả xác Mỹ ở Nhà Dòng. Cha Cư phải ra đối chất mấy lần mới xong. Cha Thịnh bị giam ba tháng, rồi ngài về Long Thành, nơi ngài ở trước khi vào Nhà Hưu Dưỡng.

 

    2. Tất cả đều phải ra Nhà Cá - Công an khám xét khu Nhà Hưu – Anh em bị bắt

       --Anh em ra Nhà Cá:

        Ngày 20-5-1987, khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi phải lần lượt đi hàng một, tay xách, nách mang ra Nhà Cá độ 40 người. Dân chúng ở trong nhà ngó ra coi rất thảm, vì có người như ông Trường, cộng sự viên phải chống hai gậy, phần đông già cả. Người trẻ chỉ có các anh Niệm, Hiệp, Trực.

       --Công an khám xét thật kỹ, nhưng chẳng bắt được gì đáng kể:

        Tối hôm đó có tới cả ngàn công an, bộ đội tới bao vây, cả đội quân khuyển. Anh Hân bị chó cắn áo lôi ra, đang khi nấp ở đài Mẹ giữa sân. Xe cộ rất nhiều, tới mấy chục chiếc lớn nhỏ. Ngay sân cổng Hưu Dưỡng, gần chục xe lớn nhỏ. Công an, bộ đội gác một vòng đai rất rộng: Từ ngã ba Tam Hà lên tới xã Tam Bình, vỏng ra xa lộ tới Tam Hải, Khiết Tâm. Vì thật ra, họ nghi có một lực lượng rất lớn sẽ phảiđối phó, nhất là dân chúng. Lực lượng thì chẳng có gì, dù một cây gậy, còn dân chúng đã giải tán ngay tối hôm trước và chính đêm nay, bọn thanh niên cho về hết, vì nghĩ có lẽ yên tĩnh thôi. Nhưng Cha Má định vậy, đêm đó, ai lảng vảng ngoài đường gần khu vực ĐC, đều bị tóm hết. Năm tên dân phòng ấp Bình Dương, Sông Bé đóng chót ở sân banh, cũng bị bắt lên xe bịt bùng, trong đó có cậu Châu, con bà Ba Vấn. Chiều ngày hôm sau, 5 người này được tha về, một phen hú vía! Anh em bị bắt ra xe bịt bùng. Cán bộ lái xe văng tục: Đm, cả một lực lượng lớn bao vây, mà chỉ bắt được mấy thằng què !!!

       3. Bị giam lỏng tại Nhà Cá - Được về lấy đồ - Các cha hưu rút lui - Linh mục ĐC bị bắt – Anh Tân được tha tù

       --  Bị giam lỏng tại Nhà Cá:

       Anh em và các cha hưu dưỡng coi như bị giam lỏng tại khu vực Nhà Cá. Các cha hưu gồm có: cha Nhân, cha Cẩm, cha Vượng, cha Phát. Các cha Dòng gồm có: anh Tâm, anh Toàn, anh Thức (sở tại). Sáng lế các cha đồng tế chật chội nhưng cũng xong. Mọi sự trong nhà được sắp xếp thật chật vật, thiêu thốn, nhưng không đến nỗi túng cực. AnhTâm chủ lễ ở nhà, còn anh Toàn chủ lễ tại nhà thờ Châu Bình.

         -- Được phép về nhà lấy đồ:

         Vì đêm ra đi vội vàng, đồ đạc thiếu thốn, mấy anh em được phép về nhà lấy đồ. Anh Thủy lấy đồ, lấy cả xe đạp nhà khách. Anh Hải lấy đĩa, muỗm gỹa (chỉ lấy đủ thôi). AnhToàn lấy ít đồ riêng. Tuyệt đối không ai được lấy giấy tờ, sách vở. Cũng được về lấy mấy lần nữa, nhất là phòng các cha. Phòng cha Nhân có ít rượu lễ và một hộp đựng 3 chỉ vàng, 20 đô la. Anh Đệ vào chỗ bí mật để lấy thì công an Bộ khám phá ra trước, anh ta bắt lập biên bản và niêm phong có 5 chữ ký. Mãi mấy tháng sau phải làm đơn xin mới lấy lại được và trao trả ngài. Cha Cẩm bảo lấy một va-ly tư trang. Anh Hải không mở nổi khóa vì không có chìa, anh cạy rỡ vào thì thấy có một hộp sắt tây, mở ra, anh lanh tay cất ngay được 4  (?) lượng vàng lá; còn 3 chỉ anh nộp cho công an Bộ. Sau hỏi xin công an cấp cao, ông này bảo trả cho người ta, nên cha Cẩm tạm giữ được đồ dưỡng lão. Phòng ngài còn nhiều sữa, vải, mất hết, vì các người bảo vệ vào lối cửa sau, đưa đi sạch. Thật ra bấy giờ anh em cũng nhát, không ai liều lĩnh, thành ra không dám mang ra nhiều đồ tư trang. Ai cũng nghĩ đi mấy hôm rồi về, không ngờ ra đi không có ngày về. Vỉ sợ đưa đi rồi lại đưa về vô cùng phiền toái. Không ai cần đem ra nhiều.

      -- Vấn đề lấy đồ, có hai lần đại thể:

      *a/ Các cha làm đơn xin lấy các đồ lễ: Sau 2 tuần họ cho anh em vào khá đông, lấy hết đồ lễ, chén lễ, chuông ...

      *b/ Khi trao cho xã, xã cho vào lấy các đồ cá nhân. Cũng lấy được một lô áo quần, chăn màn, ít cốc, chén, phải chở mấy xe ba gác. Gọi là có cái để dùng, thật ra, họ đã ăn cắp hết, không còn gì đáng kể. Anh em cũng chẳng thiết tha gì, còn thì dùng, hết thì thôi. Với lại đồ dùng cá nhân tạm đủ, dùng vào việc chung mới thiếu, nhưng thu gọn vào một khu, cũng tạm đủ. Nhất là vì Anh Cả, anh em đã bị bắt, giam tù, anh em còn lại ở nhà chẳng thiết tha gì nữa.

       --Việc điều khiển khu Nhà Cá – Công an canh phòng – Các cha hưu rút lui:

        *a/ Việc điều khiển khu Nhà Cá trước đã được Anh Cả trao cho anh Thức. Nay anh Thức xin nhường lại như sau: - Phụ trách: Anh Tâm; - Quản lý: Anh Dự; - Chủ hộ: Anh Cương.

       *b/ Công an canh phòng, không cho ai ra vô, còn họ ra vào mặc tình. Người ngoài đầu tiên được vào thăm là cô Phán và cô Quy, sau một tuần và có phép của Công an. Công an canh phòng gay gắt anh em tại đây tới 3 tháng, rồi mới nới lỏng.

       *c/ Các cha hưu dưỡng nhận thấy tình hình ở Nhà Cá rất căng thẳng, nên dần dần rút lui về nhà hưu giáo phận cũ. Cha Nhân về an dưỡng tại nhà Hưu Hà Nội; cha Vượng về nhà Hưu Phát Diệm, Gò Vấp; cha Cẩm thì về nhà chú em tại Hàng Xanh.

       --Các linh mục Đồng Công bị bắt – Anh Tân được tha tù:

        Ngày 21-6-1987, Công an mời anh Tâm, anh Thức, anh Hải mang theo quần áo lên xe Jeep đi Phan Đăng Lưu để được điều tra. Anh Toàn sau khi “làm việc” ở trụ sở xã 2 tuần (15 đến 30 tháng 9) thì ngày 3-10-1987 cũng phải đi Phan Đăng Lưu làm việc tiếp. Như vậy, các linh mục ĐC bị bắt đem đi hết, chỉ còn lại cha già Phát hưu dưỡng bất toại, ngỗi xe lăn.

       Thánh ý Chúa nhiệm mầu, anh Nguyễn Hiến Tân được tha về sau 13 năm bị giam trong trại tập trung cải tạo. Ngày 13-9-1987, anh Đệ và anh Niệm được tin, lên Gò Vấp thăm anh Tân tại nhà bà chị dâu. Anh Tân nói ngày mai 8 giờ sẽ về Nhà Cá ở với anh em. Đúng 8 giờ, có tới vài chục công an rầm rập vào Nhà Cá đọc lệnh bắt anh Toàn đi làm việc, và được đặc ân làm việc tại trụ sở xã. Trong khi đó, anh em chỉ sợ anh Tân lò mò về đúng giờ hẹn thì nhỡ to. Anh Đệ ngồi ngó thẳng ra cổng canh chừng. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu lại đến, mãi tới 10 giờ anh Tân mới về, khi đó công an đã rút đi hết. Trong hai tuần lễ, anh Tân ôn lại mọi nghi lễ dưới sự chỉ dẫn của anh Toàn. Như thế, Tu viện luôn có linh mục để làm việc phụng sự hoàn hảo tôn thờ Thiên Chúa.

 4. Nhà Nước muốn lấy Khu Ao Cá

       Sau khi anh Toàn đi rồi, Nhà Nước muốn lấy Khu Ao Cá. Mặt trận Huyện một tuần vào hai, ba lần, có lần đưa thêm cả cha Chí hay cha Minh để vận động anh em ở tạm chỗ nào chờ ngày xét xử. Tiếp Mặt trận có các anh Tân, Đệ, Cương thay nhau và cứ khất lần. Cũng sợ họ đuổi đi, nên các anh tính toán mượn chỗ nào, hay là làm nhà ở Nghĩa Địa. Cha Luật đồng song với anh Cương nói sẵn sàng đón tiếp anh em ĐC tới xứ ngài là Bình Chiểu. Các anh cũng sang hỏi khu Gioan Tiền Sử (Từ Đức) có căn nhà độ 10 gian bỏ không, họ bằng lòng. Nhưng sau cùng anh em nhất định ở lại đây. Anh Cương xin gặp Đức Tổng Bình để biết phải đối phó với Nhà Nước thế nào. Đức Tổng  cũng nghĩ chỉ nên giữ người khấn trọn lại thôi, các người khác cứ cho về quê.Vì thế, anh Cương nói khó với các anh cộng sự tạm về ở nhà bà con. Các cộng sự viên hiện có: ông Trường, ông Diệc, ông Vị, ông Chi, anh Lý, anh Chưa, anh Lễ, anh Tiên. Cho đi như thế tỏ ra có thi hành lời yêu cầu của Nhà Nước, chứ không ngoan cố và để dễ nói truyện với họ.

      Sau thấy Mặt Trận làm gắt quá, anh em lại phải xin Đức Tổng Nguyễn Văn Bình can thiệp. Đức Tổng Bình gửi thư cho Tổng Bí Thư  Nguyễn Văn Linh, đại ý nói: “Nơi đây chỉ còn ít thầy già đã khấn trọn đời rồi, không còn bà con thân thuộc, xin Cụ cho ở lại khi Tòa Án xử xong vụ án Đồng Công rồi mới định đoạt”. Tổng Bí Thư Linh đồng ý như Đức Tổng Bình xin. Đức Tổng Bình dã báo cho anh Cương, cho Huyện Thủ Đức, cho xã thế nào không biết. Anh em chỉ thấy một điều là từ đây không bị họ quấy rầy nữa và được sống yên ổn.

       5. Trước Vành Móng Ngựa

       Ba ngày từ 27 đến 30 tháng 10-1987, Anh Cả và một số anh em bị đưa ra Tòa xét xử. Anh Cả và anh Đạt bị kết án tù chung thân với các tội danh:

1)   Phá hoại đoàn kết dân tộc;

2)   Tuyên truyền chống phá Cách Mạng;

3)   Phá rối an ninh trật tự công cộng;

4)   Khủng bố.

       Ngoài ra còn một số anh bị án tù từ 20 năm trở xuống. Chẳng anh em nào được biện hộ hay bào chữa gì cả.

6.   Báo Giải Phóng Đăng Lại Phiên Tòa Xử Anh Cả và Anh Em

       Ngày 30-10-1987, TANDTP tuyên án: Phạt Trần Đình Thủ và Nguyễn Châu Đạt tù chung thân, 21 tên khác chịu án 4-20 năm tù ở.

Hơn 3000 người có mặt tại chỗ theo dõi phiên tòa từ 27 đến 30-10-1987.

       Sau ba ngày rưỡi xét xử, chiều ngày 30-10-1987, tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TANDTPHCM) kết thúc phiên tòa xét xử Trần Đình Thủ và 22 tên đồng bọn can tội:

-        Phá hoại chính sách đoàn kết;

-  Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa;

-       Phá rối an ninh, khủng bố và che giấu tội phạm.

       Trừ Nguyễn Thị Liễu, người đã che giấu Trần Đình Thủ tại nhà y thị ở số 114 Đường Cách Mạng Tháng 8, ph.17 Tân Bình. Trần Đình Thủ và số tay chân của y đều phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia nêu trên và đã bị tuyên án tù chung thân (Trần Đình Thủ, Nguyễn Châu Đạt) hoặc tù ở từ 4 đến 20 năm. 

Anh Cả và 21 anh em dòng trước vành móng ngựa ở Tòa Án Sài Gòn ngày 30/10/1987

ĐƠN KHIẾU NẠI

      1. Tìm Luật sư để làm đơn Khiếu Nại gửi tới các cơ quan:

        Ngày 18-5-1987, lúc 6 giờ chiều, 4 anh Thần, Phụng, Thảo, Chi đi xe máy, chở Anh Cả lên Sài Gòn đến nhà luật sư Nguyên nhờ làm Đơn Khiếu Nại để gửi đi minh oan. Đơn Khiếu Nại được gửi qua Bưu điện Thành phố đến các cơ quan chức năng. Mấy ngày sau, anh em lại tìm được một luật sư giỏi thời cũ, nhờ làm đơn dài hơn và lý sự hơn. Đơn này được gửi tới nhiều cơ quan trong nước, đồng thời gửi đến mấy báo đài ngoại quốc như Veritas, BBC v.v...

        Chúng ta biết Anh Cả ra khỏi Nhà Dòng chiều ngày 18/5/1987 chỉ có mục đích ở ngoài vòng kiểm soát để làm Đơn Khiếu nại cho dễ dàng thôi.

        2. Đơn Khiếu Nại được gửi sang Chi Dòng bên Hoa Kỳ:

        a/ Chi Dòng gửi Đơn Khiếu Nại đi nhiều nơi: Đơn Khiếu Nại thứ hai cũng được gửi sang Chi Dòng ĐC bên Mỹ để phổ biến. Chi Dòng nhận được Đơn, liền dịch sang tiếng Anh và gửi đi nhiều nơi, xin can thiệp với Nhà Nước Việt Nam cho Dòng, nhất là cho Đấng Sáng Lập Dòng, năm nay đã 81 tuổi được thoát khỏi tù. Đơn Khiếu Nại được đặc biệt gửi tới: Tòa Thánh Vatican, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ, hầu hết các Tòa Đại Sứ các nước tại Hoa Kỳ, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và tại Hoa Kỳ, nhiều vị Hồng Y, Giám Mục trong quốc gia Hoa Kỳ. Có nhiều Tòa Đại Sứ đã trả lời cho Chi Dòng biết là họ đồng ý can thiệp với Chính phủ Việt Nam như Chi Dòng đề nghị.

       b/ Gửi Đơn Khiếu Nại tới Tổng Thống Hoa Kỳ: Anh Giám Tỉnh ĐC tại Hoa Kỳ đã đích thân xin vào Tòa Bạch Ốc, nộp Đơn Khiếu nại. Được chấp thuận, anh Giám Tỉnh cùng với mấy người quen thông thạo tiếng Anh ở thành phố Boston, vào Văn Phòng Tổng Thống, gặp Bà Thư ký, người Công giáo, trao thư và Đơn Khiếu Nại. Sau Bà Thư ký cho biết Tổng Thống Reagan đã nhận thư và Đơn Khiếu Nại.

       c/ Tổng Thống Mỹ sai nhân viên Văn Phòng dến Nhà Chi Dòng:  Nhân dịp Ngày Thánh Mẫu (tháng 8-1987), Tổng Thống đã phái một nhân viên Văn phòng đến tận Nhà Chi Dòng trao Văn thư trả lời cho anh Giám Tỉnh. Anh Trưởng Ban Tổ chức Ngày Thánh Mẫu đã mời nhân viên Văn phòng Tổng Thống tham dự Thánh Lễ đại trào trước Nhà chính của Chi Dòng. Thánh Lễ này là Thánh Lễ quan trọng nhất Ngày Thánh Mẫu, được cử hành vào chiều Thứ Bảy kính dâng lên Mẹ  Fatima, thường có sự tham dự của nhiều vị Giám Mục Mỹ và ngoại quốc.

       Liền sau Thánh Lễ, vị Đại diện Tổng Thống được mời trình bày ý kiến của Tổng Thống về việc can thiệp với Chính phủ Việt Nam cho Dòng Đồng Công và riêng Vị Sáng Lập Dòng. Đại ý, ông cho biết Tổng Thống tỏ ra sẵn sàng, nhưng rất tiếc không thể can thiệp trực tiếp với Chính phủ Việt Nam được vì lý do hai nước chưa có ngoại giao. Tổng Thống hứa sẽ tìm cách can thiệp khác. Sau đó Đức Cha John Leibrecht, Giám Mục giáo phận sở tại, yêu cầu không dịch bài nói của vị Đại diện Tổng Thống sang tiếng Việt cho dân chúng tham đự Thánh Lễ vì có tính cách chinh trị.

 (Văn thư Tổng Thống Reagan vẫn còn được giữ trong công hàm Nhà Chi Dòng).

       d/ Nhờ Đức Hồng Y Bernard Law, TGM thành phố Boston, bang Massachusetts, can thiệp:  Nhân dịp Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục Boston (vị Bảo trợ Chi Dòng khi còn là Giám Mục giáo phận Springfield-Cape Girardeau, Missouri), sang thăm Việt Nam, Nhà Chi Dòng xin Ngài, nếu có thể, can thiệp với Chính Phủ Việt Nam cho Anh Cả được tha tù. Khi trở lại Mỹ, Ngài cho biết đã gặp mấy nhân viên cao cấp trong Chính Phủ Việt Nam và đề cập tới việc xin cho Vị Sáng Lập Dòng ĐC ra khỏi tù. Họ đã hứa với Ngài sẽ giải quyết sớm vấn đề Ngài trình bày.

        Không biết có phải vì nhận được đề nghị từ nhiều nơi tại Mỹ cũng như trên như nhiều nước trên thế giới gửi tới Chính phủ Việt Nam xin tha tù cho Linh mục Trần Đình Thủ,Vị Sáng Lập Dòng Đồng Công, mà án tù của Cha được giảm từ 20 năm xuống còn  6 năm thôi? 

Được giảm án tù:

Ngày 7-9-1988, Anh Cả và anh Đạt được đưa ra Tòa Phúc Thẩm  giảm án tù chung thân xuống còn 20 năm.

4.   Sinh Hoạt Của Anh Cả Trong Tù

        a/ Các tù nhân xử đối với Anh Cả: Khi vừa nhập trại tù Z 30, các tù nhân chính trị bị nhốt tại đây coi thường Anh Cả, vì họ đọc trong báo chí và xem truyền hình về vụ án ĐC thấy có nhiều vu khống, chụp mũ, bịa đặt . Nhưng sau một thời gian, họ nhận ra là họ bị lầm vì  những bịa đặt đó. Họ lại tỏ ra kính trọng, mến phục Anh Cả hết mình. Trái lại, Anh Cả giúp đỡ tù nhân 2 trại tù A và B: Tại trại Z30 A, tù nhân thật là khốn khổ: ban ngày phải lao động cực mệt, lại phải cái bụng đói meo, vì mỗi người chỉ được nửa ký gạo chia làm 3 bữa, không có thức ăn, chỉ có cơm thôi. Cảm thương những anh em tù, nhất là tù chính trị, có người không bước đi được, Anh Cả cho mỗi tháng một con heo, Anh còn cho nhà bếp nuôi heo thêm để giết cho tù nhân ăn. Bên trại Z30 B, Anh cho mỗi tháng một số tiền (có lẽ 500.000 đồng), để nhà bếp thêm cho mỗi người chút canh, chút thịt ... Đây là nói chung cả trại. Riêng một số cá nhân, mỗi tháng Anh cho một lá phiếu 20.000 đồng.

       b/ Anh Cả đi thăm hỏi các bạn tù:  Nhân ngày Tết Nguyên Đán đầu tiên trong tù, Anh Cả xin cán bộ trực trại cho phép đi thăm và chúc Tết từng phòng giam các bạn tù. Họ rất xúc động, mến phục vì biết Anh Cả là linh mục Công giáo tốt lành ...

       c/ Giúp đỡ tù nhân: Nhận thấy nhiều tù nhân đói khát, không ai thăm nuôi, Anh rất thương họ bất kỳ họ là ai, già trẻ, Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, sư sãi, linh mục... Những ai đến với Anh hay nhờ chuyển cầu, đều được Anh tận tình giúp đỡ.

       d/ Đặc biệt nâng đỡ tù nhân chính trị già yếu, bệnh tật: Anh Cả tỏ lòng thương cách riêng những bạn tù chính trị già yếu, bệnh tật, không người thăm nuôi. Anh an ủi, giúp đỡ họ bằng cách cho họ mỗi tháng một chi phiếu 20.000 đồng (tù nhân không được giữ tiền mặt, chỉ mua bằng tích-kê).

       * - Một hôm có một bạn tù già yếu, bệnh tật, ốm yếu hấp hối. Một người cùng phòng giam cho Anh Cả biết hoàn cảnh người xấu số. Anh mau mắn giúp cho số tiền mua thuốc và đồ ăn. Ông này lại sức, thoát chết. Sau ít lâu, ông được tha về và được bảo lãnh đi Mỹ, vì trước ông làm cho Mỹ.

  * - Một bạn tù khác là sĩ quan VNCH, vì bị o ép quá mà mất trí, thành nhát sợ, đi đứng không nổi, được Anh Cả giúp đỡ hằng tháng. Ông sĩ quan này dần dần tỉnh lại.

       * - Một ông tù chính trị khác quê ở Qui Nhơn. Ông đã được anh Đỗ Tri Tâm rửa tội ở trại Xuân Phước, cũng được Anh Cả tận tâm giúp đỡ. Sau này ông được tha về với gia đình đã rời vào Phan Rang.

       *- Một ông khác nữa không được ai thăm nuôi, Anh Cả giúp mỗi tháng 20.000 đồng. Ông bị bệnh, được đưa lên bệnh xá để trị bệnh. Ông nói với đứa cháu muốn xin được Rửa tội. Anh Cả bảo anh Hà đổ nước cho ông và đặt tên thánh là Giuse. Sau mấy ngày, ông được Thánh Giuse rước về trời.

       đ/ Giúp đỡ những tù nhân hình sự: Họ đến với Anh Cả vào giờ trưa vắng cán bộ trực. Ngoài việc giúp đỡ vật chất, Anh còn ban Bánh Hằng Sống cho họ là Lời Chúa. Anh dạy Giáo lý cho họ và sau cũng được một số trở lại Công giáo.

       e/ Giúp đỡ các cán bộ: Cán bộ thường đến với Anh Cả ban đêm. Anh nói với họ đường hay lẽ phải, họ đã nhận ra cái xảo trá của ma quỉ và từ bỏ hàng ngũ trở về dường chính. Những người này được Anh giúp cho có công ăn, việc làm và sống lương thiện. Có ít là 4 cán bộ và gia đình trở lại Công giáo.

        - Cũng không thiếu công an ác cảm với Anh Cả, chèn ép đủ thứ, lại còn vu khống cho Anh là giúp tù nhân, cốt ý kéo họ về phe mình... Một anh công an áp chế Anh nhất bị gọi về Hà Nội không biết ví lý do gì. Anh này đến với Anh Cả lúc đêm tối, xin tiền hành lý. Vì tấm lòng nhân ái, Anh cho anh công an thất sủng này 500.000 đồng (số tiền khá lớn trong thời gian 1991). Anh nói với anh Hà: “Anh không có ai là kẻ thù”. Có một cán bộ nuôi heo, heo bị bệnh, bán không được, đến xin Anh giúp, Anh rộng lòng thương mua dùm và trao cho nhà bếp nấu nướng cho các bạn tù ăn.

         g/ Với những tù nhân người không Công giáo: Có những người Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo ... cũng đến với Anh Cả, xin giúp đỡ. Anh chia sẻ vật chất và tinh thần cho họ. Có thầy chùa áo nâu được Anh giúp đỡ, khi được tha tù về, đã đến thăm Anh tại Nhà Dòng. Bên cạnh phòng giam của Anh, có một cây xoài cán bộ cho tù nhân đấu giá hằng năm. Mùa xoài năm 1993, người đấu giá không có tiền trả, đã đến xin Anh Cả giúp. Anh chấp nhận mua toàn bộ cây xoài đó, nói với họ hái hết mọi trái đưa vào phòng giam của Anh, Anh đã phát hết cho các bạn tù, ai nhanh chân thì được.

    h/ Đối với chung anh em tù:

       *- Để bữa ăn hằng ngày được khá hơn: Hàng tháng Anh Cả tặng chung một con heo, trao cho nhà bếp phân chia đồng đều cho mọi người. Với anh em đạo Cao Đài, Hòa Hảo ... ăn chay trường, phần thịt của họ được bán đi, mua thứ khác cho họ dùng. Công an muốn giữ việc phân chia thay nhà bếp, nhưng Anh Cả không chịu (vì chắc thịt đến tay tù nhân chỉ còn mỡ thôi!).

       * - Để giải trí và bớt thương nhớ gia đình: Khi vào tù được mấy tháng, Anh Cả đã cho trại một Tivi hiệu Philippe mầu rất đẹp và một đầu máy chính tay anh Đệ nhờ mối lái đi mua đem vào.

       *- Để trừ diệt muỗi rừng: Ở khu nhà tù, chốn rừng thiêng nước độc, muỗi nhiều như trấu, dù có màn, nhưng muỗi đói tìm mọi cách chui vào hút máu. Cán bộ bác sĩ đã khôn khéo trình bày với Anh Cả, Anh cho liền 500.000 đồng để mua chai thuốc muỗi. Thuốc được hòa tan với nước và 500-600 chiếc màn được nhúng vào. Như thế, muỗi hết cách làm ăn. Công hiệu thuốc kéo dài được 6, 7 tháng. 

 

Anh Hinh ở giữa, cháu anh Matthêô M. Đặng Kim Mô (LK II), người trung gian giữa ae ĐC và trại tù, người thứ 3 là anh Gioan M. Bùi Chu Tràng (LK II). 

2 tuần 1 lần anh em dòng được đến trại tù K3 thăm Anh Cả - từ trại tù anh đáng tiến tới phòng khách (hình trên)

Anh Niên (LK VII - hình trên và hình dưới), người trước 1975 vẫn là tái xế cho Anh Cả, cùng một số anh em dòng bất ngờ đến thăm Anh Cả ngoài dự tính

 

 Hết giờ thăm nuôi, Anh Cả trở vào trại tù

Anh Cả trở về trại tù trong mưa gió.

Ngục tù mùng 3 Tết Kỷ Tị ngày 6/2/1989

Ngày 22/5/1990, Anh Cả cắt bánh tạ ơn Chúa mừng 53 năm thụ phong linh mục.

Trong phòng khách của trại tù Z30A cách ngã 3 Ông Đồn (Long Khánh) khoảng 4 km, và cách Thủ Đức 100 km, 
nơi Anh Cả Đaminh M. Trần Đình Thủ và mấy AE bị giam giữ (trại tù tỏ ra dễ dãi với phía ĐC nên 2 tuần AE được đến thăm Anh Cả & AE 1 lần).
Một dịp Tết nọ có ít AE ĐC với hơn 100 giáo dân đến thăm Anh Cả, họ đưa 1 tràng pháo dài đến đốt mừng Xuân Mới.
Trong hình trên đây: Anh Bonifasio M. Hoàng Thiện Giản LK III ngồi dựa lưng vào tường song cửa, ngay bên Anh Cả (đang chống tay dưới cằm),
Anh Bênađô M. Bùi Khải Hoàn LK I, thay Anh Cả Sáng Lập Dòng Trinh Vương, ngồi bên trái Anh Cả. 
Đối diện với Anh Cả là Lm Augustinô M. Nguyễn Hiến Tân LK II, đại diện Anh Cả coi sóc AE tại hồ cá (khu Khiết Tâm) và AE đang phiêu bạt do đại nạn 1987.

Ngày 24 Tết Nhâm Thân 1992, Anh Bùi Khải Hoàn dẫn phái đoàn Trinh Vương vào thăm cùng chúc mừng tết Anh Cả 

Ngày 14 tháng 12/1992, Anh Cả dùng bữa với phai đoàn các chị Trinh Vương

21 anh em cũng bị kết án tù cùng ngày với Anh Cả, nhưng bị ngục tù ở những nơi khác nhau.

Trong chế độ hà khắc hai anh tật nguyền chống nạng là Hà (LK 4) và Giản (LK 3) cũng không được miễn trừ;

riêng Anh Giản đã biến thời gian ở trong ngục tù thành thời gian dịch cuốn Thần Đô Huyền Nhiệm từ Pháp ngữ về cuộc đời Đức Mẹ,

một tác phẩm đã được Anh Tuân LK 3 in ấn và phổ biến khi Anh Tuân đang phục vụ ở Đền Thánh Mẹ Dâng Con Corona California.

Anh Mai Hữu Nghị (Lớp khấn III, Tổng Phụ Tá 4) đang kéo xe nông sản từ rẫy về Trại tù Xuân Phước (A 20)

 

 

Anh Lm Liên (LK V) và Anh Hà (LK IV) tật nguyền trở về Trại tù K3

 3 anh (từ trái) Lâm (LK 9A), Thiện (LK1) và Anh Đích (LK8) trong Trại tù B5 Biên Hòa;

Trong khi đó, chung anh em dòng, riêng quí anh trẻ, tản mác khắp nơi, sống rải rác và lén lút âm thầm kín đáo, thành từng tổ hầm trú Đồng Công.

Anh Lm Nguyễn Hiến Tân đến thăm các tổ của anh em

 

 

 Aa. Nghị và Thức ở Trại tù Xuân Phước Tuy Hòa năm 1993 được anh em dòng thăm nuôi bằng Honda vượt qua 600 cây số

Từ ngày đại nạn của dòng anh em dòng trốn chạy nhưng vẫn hợp sức vô rừng kiếm cây, xây tổ, như tổ tiền tập

Anh em cố gắng tự lực mưu sinh với nhau bao nhiêu và những gì có thể, tu như kiểu Thánh Charles de Faucould (hình trái);

Sau vụ lúa, anh em Đội XII6 đánh luống chuẩn bị trồng khoai lang

Anh Quan hái cà phê cho chủ rẫy anh đang trọ nhờ,

sau này đỡ hơn anh về Sài gòn đạp xích lô,

hay có một số còn hành ghế quét vôi, quét sơn cho Dòng Saint Paul Sài Gòn.

 

 

Tổ của Anh Thu hành nghề sản xuất tượng ảnh.

 

 

Mặc dù sống thầm lặng chui rúc nhưng anh em vẫn theo dõi tình hình qua báo chí

 

 

Lạ lùng thay, trong chính thời thế anh em dòng đang tản mác khắp nơi, sống chui rúc,

thế mà trong rẫy sâu vẫn có nhiều chí nguyện sinh Đồng Công, nơi quí anh Lm thay nhau đến dâng lễ Chúa Nhật

 

 

Đọc bài này, chi tiết cuối cùng trong bài viết khiến cho độc giả giật mình, vì không ngờ 1 vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng như Anh Cả mà lại thèm thuồng miếng ăn hay tranh giành miếng ăn tầm thưòng khi thấy mình không có. Nhưng, với một vị linh mục từng nổi tiếng trong giới Công giáo là "Cha Thánh Thủ" từ ngoài Bắc, vì ngài đã sống đời khổ hạnh, ăn uống kham khổ, thì miếng ăn này đâu có là gì, nhất là lại là món quà từ Lễ Phật Đản nữa. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đây là một tuyệt chiêu về hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, ở chỗ, lợi dụng mình chưa có quà, Anh Cả đã đích thân đến chúc mừng vị hòa thượng và tỏ ra trân trọng món quà mừng Lễ Phật Đản, giáo tổ của vị này.

 

Ở đây chúng ta nên chú ý thêm 1 điều này nữa đó là Anh Cả không phải chỉ được giáo dân Công giáo kính mến, thành phần bình dân tầm thường quí trọng, mà ở đây, được một vị hòa thượng Phật giáo trí thức nổi tiếng kính nể. Thật vậy, Hòa thượng Thích Đức Nhuận là một bậc trí giả, ở chỗ vừa là giáo sư triết học Phương Đông của đại học Vạn Hạnh, như trường hợp của học giả giảng sư Công giáo Nhân tử Nguyễn Văn Thọ, vừa là chủ bút của của nguyệt san Vạn Hạnh và Hóa Đạo, cũng là chánh thư ký viện Tăng Thống Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (từ 1967 đến 1973). Năm 1985, vị hòa thượng này đã bị chính quyền mới kết án âm mưu, tổ chức chống cách mạng, như trường hợp của Cha Thủ năm 1987, do đó 2 vị có cùng thời gian được gặp gỡ và làm bạn với nhau. Ngài ngồi tù 9 năm, và về chùa Giác Minh tĩnh tu vào năm 1993, cùng năm Cha Thủ không được ở tù nữa, bất ngờ về với anh em dòng ở Thủ Đức ngày 18/5.

 

Sở dĩ có mối liên hệ nẩy sinh giữa Cha Trần Đình Thủ, là vì 2 vị đều có cùng một chí hướng và tâm huyết. Trong khi Cha Thủ yêu quê hương dân nước và liên lỉ cầu nguyện để dân nước của mình "thoát nạn cộng sản vô thần", thì vị hòa thượng này cũng công khai chống lại thảm nạn vô tổ quốc và phi nhân bản sau quốc biến 1975. Năm 1977, vị hòa thượng này đã bất khuất tung chưởng (vì thế bị tù): “Nạn nước không từ ngoài tới, mà bi thảm thay, lại do chính con người Việt Nam, mất linh hồn, chối bỏ dân tộc, từ chối giá trị làm người, cam tâm làm tôi tớ cho ngoại bang... xô đẩy đồng bào đất nước ta vào cuộc chiến tranh lửa đạn, một cuộc chiến tranh tàn bạo, nhơ bẩn, phi lý, chỉ nhằm phục vụ ý thức hệ và quyền lợi của khối Quốc tế Vô Sản… Hiện đồng bào mọi giới đang phải nép mình sống cuộc đời tù ngục, mất hết tự do kể cả thứ tự do tối thiểu cần có dành cho con người là quyền cư trú, đi lại, làm ăn sinh sống cũng đã bị nhà nước ngụy quyền cộng sản hạn chế, ngăn cấm.”

 

Chính vị hòa thượng viết bài về Cha Trần Đình Thủ và hòa thượng Thích Đức Nhuận trên đây còn bày tỏ cảm nhận của mình về chung anh em tù nhân Đồng Công, đặc biệt là Anh Linh mục Liên (LK 5 sau này bị tâm thần), cũng ở Trại tù Xuân Lộc Đồng Nai đối với bản thân ngài cũng như đối với chung các tù nhân khác như sau:

 

 

 

Đôi dòng tiểu sử Cha Đaminh Maria

Sau 6 năm bị giam tù, Anh Cả được trả tự do:

       Thật là bất ngờ, nhưng  không ngoài ý định quan phòng của Thiên Chúa, sau 6 năm bị giam cầm (1987-1993), Anh Cả đã được Nhà Nước trả tự do vô điều kiện ngày 16-5-1993, đánh dấu một trang sử mới của Hội Dòng. Kể từ ngày đó (1993) cho đến nay (2004) Dòng ĐC đã trở thành một vương quốc nhỏ có đày đủ vương quyền của Mẹ Maria: Anh Cả vui khỏe, anh em được bình an tu tác, Hội Dòng tăng triển cả về mặt vật chất lẫn tinh thần và nhân số. Ai nhìn vào Hội Dòng cũng phải cho là một phép lạ liên lỉ. Các lớp Tập, Khấn phát triển đều đều và hầu như cả nhà được Anh cả cho học Triết, Thần để làm linh mục. Phải chăng đây là Đại Lễ Phục Sinh và Hiện Xuống mới của Hội Dòng?

Ngày 18-5-1993, Anh Cả từ chốn lao tù trở về với đoàn em nhỏ bé. Thật vậy, cả Hội Dòng như được “hồi sinh” sau 6 năm Anh Cả bị giam tù. Ngày 22-5-1993, toàn thể anh em Dòng đang tản mác các nơi các xứ (Trừ những anh còn bị giam) đều về tề tựu chung quanh Anh Cả, để chúc mừng, kỷ niệm 56 năm Linh mục của Anh. Anh đã nhắn nhủ hết mọi anh em cố giữ đời sống tru trì trong thế giới vô thần duy vật ngày nay.

       Từ khi Anh Cả trở về, anh em Đội dần dần được gọi về theo diện đoàn tụ gia đình (ODP). Vì nhu cầu người đông, nhà cửa thì ít, nên các dẫy nhà dần dần được nới rộng ra và làm mới thêm.

Anh Cả cho mở tiệc ăn mừng ba ngày liền để tạ ơn Chúa, Mẹ đã đưa Anh về với Hội Dòng sau sáu năm dài đằng đẵng, nay mây mù đã trôi qua, bình minh đã ló rạng cho Hội Dòng.

     Anh về đến Hội Dòng tức tốc chỉnh đốn lại trong ngoài, thúc giục anh em tăng bội lòng yêu mến Cha Má say mê, và các linh hồn. Anh Cả cho gọi một số anh em về gấp để chỉnh trang, kiến thiết thêm nhà ở, nhà cơm... khi đã tạm ổn định, Anh Cả cho gọi tiếp các anh còn đang ở ngoài về, riêng anh em đội XII.4, Anh Cả vẫn cho ở ngoài để đi học.

Ngày 15.3.1994, nhân sự Nhà Cá tăng lên đến tám chín chục, gấp ba lần hộ khẩu thường trú.

Anh Cả cho mở lại Lớp Thần khóa IV và V- Triết khóa VI và Latinh:     

    a/ Lớp Thần IV và V:                                                                                                                      

     Sau một tháng trở về, Anh Cả đã cho anh em lớp Thần khóa IV và V tiếp tục học lại. Lúc này anh em Đội XII1 ở lớp Thần khóa V chỉ còn 9 anh em trong tổng số 12 người trước biến cố 1987 là các anh Hùng, Cường, Mẫn, Việt, Tòng, Tường, Quốc, Tài, Luật (Thôi ba anh Khoát, Quảng, Thuận).

  b/ Lớp Triết khóa VI và Lớp Latinh:   

   

     Quãng 3 tháng sau, ngày 7-10-1993, lễ Mẹ Mân Côi, Anh Cả mở thêm lớp Triết khóa VI dành cho những anh em còn lại của Đội XII 1..2.. 3 và thêm anh Lãng Đội XII4. Đồng thời cũng mở lớp Latinh cho các anh em thuộc các Đội từ XII 4 đến XII 7.

 

       Số anh em Đội XII 1 theo học lớp Triết khóa VI là 9 người: Chi, Thanh, Quí, Ái, Thuấn, Thính, Bình, Quế, Phán. Riêng anh Trần Quang Tuần theo học lớp Latinh.

Nhằm mục đích đào tạo những linh mục thánh thiện cho Giáo Hội và Hội Dòng trong tương lai, ngày 07.10.93 Anh Cả cho mở lớp La ngữ do anh Giản dạy và tháng 6.1994 bắt đầu lớp Triết gồm các anh 12 1,2,.3. Đây là lớp Triết khá đông kể từ khi có Dòng: 46 sinh viên. Anh Cả dạy Triết kinh viện vào thứ Hai đến thứ Sáu. Anh Giản dạy Triết sử vào sáng thứ Bảy và anh Giáo dạy Giáo sử học chiều thứ Bảy.

       Vào ngày 3.7.95 có 45 anh em vào lớp Thần, đội 123 có 17 anh. Anh Cả dạy Tín lý từ thứ Hai đến thứ Sáu, 5 giờ một tuần. Anh Giáo dạy môn Luân lý 4 giờ mỗi tuần. Anh Xuân dạy môn Thánh Kinh (ba giờ một tuần), Giáo luật (hai giờ một tuần), và môn giảng thuyết. Anh Tâm dạy Phụng vụ một giờ một tuần.

      Lớp Thần này được đào tạo tốc hành nên mọi môn học đã được hoàn thành tốt đẹp vào đầu năm 1997. Bế mạc là ngày lễ Mẹ Dâng Con 2.2.97 anh em được lãnh thừa tác vụ giúp lễ và đọc sách. Lúc này anh em 123 còn 16 người. Hai anh Chung, Thập xin thôi. Anh Thập (rút lui) bỏ cuộc ngay vào ngày 2.2.97. Sau khi học xong, anh em lại tham gia vào các công việc bình thường của Dòng cho đến nay. Tiến lên linh mục hay không cứ phó mặc cho Chúa, Mẹ và các Bề Trên. Khi có giờ anh em đưa bài ra ôn, còn đích chính đời tu cứ phải tiếp tục theo đuổi là yêu mến Chúa, Mẹ và cứu các linh hồn...

Sau bao năm trông đợi, nhờ ơn Chúa thương, ngày 1-12-2002, anh Trần Tuấn Cường đã được lãnh chức linh mục tiên khởi của Đội XII 1 tại Việt Nam. Và 4 tháng sau khi chịu chức, ngày 4-3-2003, anh Cường đã được Anh Cả đặt làm Đội Trưởng thay anh Vù Thanh Tòng.

       Không đầy một năm sau, ngày 22-9-2003, thêm hai anh Nguyễn Minh Mẫn và Vũ Thanh Tòng lãnh chức linh mục.

      Như vậy, tính vào thời điểm hiện nay (2004), anh em Đội XII1 có tất cả 12 người: 19 tu sĩ và 3 linh mục. Một anh em bên Chi Dòng và 21 anh em sống tại Nhà Mẹ Việt Nam. Dù cho thời cuộc đất nước đổi thay, Hội Dòng có chuyển biến, ly tán – anh em Đội chỉ còn vỏn vẹn 1/3 (22/66) nhân số –Đội Mẹ Trinh Vương XII 1 vẫn cương quyết giữ vững một lòng trung kiên, yêu thương, nâng đỡ, dắt dìu nhau, để cùng sánh vai nhịp bước với anh em toàn Dòng, hăng say tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường theo đuổi Lý Tưởng Đại Thánh ĐC Thơ Bé.

Ngày 21-11-1993, Anh Cả mở Chương Trình đón Chúa Tái Lâm:

Từ lễ Mẹ Dâng Mình, 21-11-1993, Anh Cả mở chương trình đón Chúa tái lâm, mỗi ngày thêm 2 giờ chầu Thánh Thể tư, mỗi giờ đọc 100 kinh Mân Côi, kinh cầu cho Việt Nam, kinh đền tạ Thánh Tâm Chúa, đền tạ Trái Tim Mẹ, kinh Thánh Giuse, Thánh Micae... Còn giờ thì tác động mến yêu và âm thầm cầu nguyện nhiều cho thế giới, Giáo Hội, Hội Dòng... Nhờ thế, anh em có cơ hội củng cố lại đời sống nội tâm sau 6 tháng sống giữa thế trần.

      

Đội 12.4 Biến động đêm ba mốt              

      Cuộc sống đang bình lặng trôi đi, thì bỗng vào đêm 23 tháng 12, anh Kiệt thuộc lớp 123 được mời đi thăm “nhà đá” huyện Thủ Đức. Cho đến đêm 31 tháng 12 - đêm cuối năm dương lịch - khoảng 8g tối, khu Kitô Vương đang yên tĩnh chuẩn bị bước vào giờ chầu tối, bỗng thấy xuất hiện các anh lớp 121, 122, 123 hối hả từ nhà Mẹ chạy qua “tỵ nạn” một cách âm thầm nhưng có vẻ căng thẳng, thế là buổi chầu tối bị ngưng lại để nghe ngóng tình hình, thì ra có nguồn tin cho biết có lẽ “họ” muốn bao vây nhà 30 gian, nên Anh Cả cho các anh di tản qua khu Kitô Vương. Đêm hôm đó các anh nằm ngủ la liệt ở các hành lang, nhà cơm, nhà nguyện, cung thánh… đâu đâu cũng thấy ngổn ngang người là người như “khoai” vậy; và đó cũng là một đêm nhớ đời vì làm mồi cho lũ muỗi đói, trong khi các chú tập sinh thì cứ vẫn giường cao mùng kín, nghĩ mà thương các anh! Nhiều anh em tập sinh đã chia sẻ bớt chăn mền, để giúp cho các anh được chừng nào hay chừng ấy. Nhưng nào có yên, khoảng nữa đêm thì một chú rắn hổ hành khá bự bò vào nhà cơm thăm các thầy, làm cho các thầy lại một phen nhốn nháo, nhưng chú rắn hổ hành không gặp may vì đụng ngay thầy Chuẩn thuộc ban bồi dưỡng y tế, thầy đã tóm cổ nhốt lại để ngày mai nấu cháo bồi dưỡng cho các thầy bị bệnh.

     Suốt “ba ngày đêm gian khổ”, khu Kitô Vương trở nên quá tải, đến bữa cơm các thầy phải ăn đứng, mà cũng chẳng có cơm nữa nên phải ăn bánh mì thay cơm, nước sinh hoạt không đủ phải chia giờ ra mà tắm, đêm về thì cứ hàng hiên làm giường, nhưng các anh vẫn vui tươi hồn nhiên không có gì là lo lắng sợ sệt, vì có Ba Giuse là “bức tường sắt thép” bảo vệ cơ mà!

    Tình hình vẫn chưa lắng dịu, một số anh em cần phải trở về Nhà Mẹ để làm những việc cần thiết, còn đa số phải ở lại “tỵ nạn” khu Kitô Vương. Anh Cả cho xây dựng hai dãy nhà lá cấp tốc, có những tấm nhựa xanh che chắn ở dưới nên được gọi là khu nhà “xanh”. Mỗi dãy năm gian thấp lè tè nối ngay vào đầu dãy nhà ngói, được thi công “tốc hành” theo kiểu “dã chiến” hoàn toàn bằng tre và lá mà thôi. Nhà tập cũng chia bùi sẻ ngọt với các anh khấn là dồn bớt lại để nhường chỗ cho các anh khấn tạm ở.


            
c. Đội XII2 Khần lần 2–Chạy loạn–Lễ khấn phải hoãn

Tuần phòng dọn mình khấn lần hai êm ả trôi qua. Nhưng vào giờ chót, vì lý do an ninh, nên Anh Cả đã quyết định cử hành lễ vào buổi tối 31-12-1983 thay cho sáng mai. Khoảng 19g30, Thánh Lễ khấn bắt đầu, Anh Cả chủ tế cùng với ba linh mục Dòng đồng tế: Aa. Tâm, Liên, Thức. Anh Thìn và anh Mẫn Đội XII1 giúp lễ. Chuông rung báo hiệu, hai anh giúp lễ tiến ra thì có tin bào bất an đột xuất, anh em tham dự ngơ ngác vì chỉ thấy giúp lễ mà không thấy linh mục. Thế là không ai bảo ai biết là có vấn đề, rồi “chuồn êm” qua Ki-tô Vương. Thánh Lễ phải đình lại, vì quá gấp, nên anh em chỉ “củ’ được một chiếc áo Dòng đen, còn đồ đạc thì để ngày mai. Kiểu này, nếu mà so sánh với dân Do Thái ăn lễ Vượt Qua thì phải nói rằng trên cơ đấy. Còn nếu áp dụng Thánh Kinh “Con Người không có chỗ dựa đầu”, anh em kẻ trên bàn cơm không phải để ăn, mà để dựa đầu ngủ qua đêm; người dưới đất nằm hành lang Nhà Nguyện, nhà cơm, không mùng mền, chăn chiếu, muỗi tha hổ “đánh chén” các thầy. Chưa yên đâu, còn cả Satan đội lốt rắn hổ hành bự con vào thăm viếng. Đêm đó anh Chuẩn kẹt 99 dậy để “xả” đụng ngay trước mặt, anh liền lấy xăng đan nện cho chết tốt, rắn chầu diêm vương. Sáng hôm sau, anh Niên và anh Thần định đem máy chụp sang lấy hình Satan đội lốt, nhưng không kịp nữa, vì nó đã vào nồi của Y tế rồi còn đâu. 

d/ Đội XII2 trong thời gian bị truy nã 

Biến cố 1987 của Hội Dòng ĐC ảnh hưởng nặng tới ơn gọi của anh em Đội XII2, như cơn bão Isabel thổi vào Hoa Kỳ với vận tốc gió 18 km/giờ làm nhà cửa, đường xá, cây cối và con người xác xơ. Do đó, những cánh chim XII2 gẫy cánh bắt đầu từ anh Danh, kế đến là 2 anh Kỳ, Ninh. Sau đó anh Khắc đã vượt biên giới sang Hoa Kỳ, sống ở nhà Chi Dòng được một thời gian rồi cũng “giã từ vũ khí”.

       Trong thời gian truy nã gắt gao, đa số anh em sống âm thầm ở gia đình hay ẩn thân nay đây mai đó. Nhưng cũng có một số anh em XII2 lên vùng xứ lạnh Bảo Lộc khai hoang lập nghiệp gồm các anh: Nha, Ánh, Chuẩn, Duy, Quan, Tráng, Pháp, ngày đó là ngày 27-7-1987. Làm được gần một năm, đến ngày 17-6-1988, anh em sang nhượng rẫy cho người khác vì: Đường xá xa xôi không quen công việc rẫy ruộng, nên đành “bỏ của chạy lấy người”, chuyển phương hướng khác.

       Trong số 7 anh em lao dộng ở xứ lạnh bảo Lộc, có một anh xin chọn nơi này làm quê hương “thôi các anh về đi, em ở lại quê vậy”. Đó là anh Duy tung cánh chim tìm về “tổ ấm”. Rồi bỏ vùng xứ lạnh Bảo Lộc, anh em tản mát các nơi, các chốn. Nhưng ngày 22-2-1988, lễ Mẹ Dâng Con, anh em Đội cũng có cuộc gặp gỡ nhau khá đầy đủ tại rẫy của anh chị Soát ở Long Khánh, Xuân Lộc. Thứ đến là lễ Mẹ Trinh Vương, Bổn Mạng Đội, 22-8-1988, anh em gặp gỡ trao đổi và sinh hoạt tại nhà anh Ninh ở Hố Nai, Biên Hòa (Giáo xứ Đại Lộ, Hố Nai II). Ngày 15-9-1988, lễ Mẹ Đau Thương, Bổn Mạng I của Dòng, anh em lại gặp gỡ, an ủi, khích lệ nhau bảo vệ ơn gọi ĐC tại nhà anh Tráng (lúc đó đang làm Đội Trưởng). Anh Tráng ở Hố Nai, giáo xứ Kẻ Sặt.

e/ Đội 123 Về quê lánh nạn hơn một tháng 

Ngày 3-3-1982, Công an Huyện Thủ Đức mời Anh Cả và các anh Liên, Hải, Thần ra làm việc, đe dọa sẽ kiểm tra và truy quét Nhà Dòng. Để tránh khó xử, nếu Nhà Nước bất thần ập vào lục soát, Bề Trên đã cho hầu hết các lớp khấn sơ tán về gia đình. Riêng anh em đệ tử 123 chưa nắm vững có phải sơ tán hay không, nên vẫn sinh hoạt như thường lệ, nhưng anh em khuyên nhủ nhau cho dù có thế nào, cũng cố giữ vững ơn gọi tu trì. Đến sáng ngày 5-3-1982, sau ca Đức Ái, anh Ngân phát tiền hành lý cho đệ tử về quê lánh nạn. Hơn 1 tháng ở nhà quê, thì khoảng ngày 13-4-1982, anh em được lệnh trở lại Nhà Dòng, vì mọi sự đã bình an. Anh em rất vui mừng phấn khởi tạ ơn.

d/ Công An khám nhà – Anh Cả và một số anh em bị bắt, số khác chạy  tán loạn  –Dân chúng vào Nhà Dòng chuyển đồ:

Sáng Thứ Sáu 15-5-1987 mừng lễ Thánh Giuse Quản Gia Dòng, Công an huyện Thủ Đức vào kiểm tra hành chánh Nhà Mẹ, bắt hai khóa huấn luyện Gia Đình ĐC, các ông, các bà phải giải tán về gia đình, không bắt được anh em nào cả. Bên Kitô Vương mừng lê Thánh Quản Gia chỉ có món rau và món canh, còn món mặn và tráng miệng ăn bù vào ban chiều, vì không dám sang Nhà Mẹ mang về. Sáng hôm sau, Thứ Bảy, 16-5-1987, Anh Cả được mời ra huyện”làm việc”. Khoảng 10 giờ, thì Công an huyện, thành và cả Sông Bé phối hợp vào Nhà Mẹ. Anh em không có hộ khẩu, lánh vào phòng kỹ thuật  đến đêm 16 rạng ngày 17-5-1987 mới được người ngoài vào đưa ra và tản về nhà. Còn tại khu Kitô Vương, từ 12 giờ trưa, anh em chỗi dậy, người thì thu dọn đồ đạc cho gọn ghẽ, kẻ thì khấn Thánh Giuse. Khoảng 13 giờ họ ập vào, anh em kẻ vượt qua hàng rào chạy ra phía ấp Bình Đường, kẻ chạy ra ngoài xa lộ Đại Hàn ...Anh em chưa biết đi về đâu thì gặp anh phó Mục phát tiền bảo về quê ngay. Thế là anh em chỉ vận bộ đồ công tác cũ kỹ về với cha mẹ! Còn lại tại khu Kitô Vương hai anh Tước và Thập bị bắt cùng với 3 anh nữa. Khoảng 21g30, họ đưa 4 anh ra trại Thủ Đức, anh Tước ở lại chứng kiến họ đưa 3 chiếc xe tải vào chở gạo đi, rồi đến khuya cũng ra trại Thủ Đức. Khu Kitô Vương còn mỗi anh Vọng là chủ hộ.

       Sáng Chúa Nhật, 17-5, dân chúng đưa xe ba gác vào giúp các thầy chuyển đồ đạc. Số khác lợi dụng vào hôi của...Chỉ vài ngày sau, khu Kitô Vương đã trở thành bình địa, nhà của bị đập tan nát, cây cối bị cưa sạch! ...

       Tại Nhà Mẹ, Thứ Hai, 18-5-1987, Anh Cả đi lánh nạn, đến ngày 2-7-1987 bị bắt tại Đường Cách Mạng Tháng Tám, Sài-Gòn. Các anh có hộ khẩn bên Nhà Mẹ bị bắt giữ, các anh bên Thánh Gia và Nhà Hưu Dưỡng dồn ra Nhà Cá. Toàn bộ các Tu viện ĐC tại Thủ Đức bị lấy hết!

       Anh em tản về nhà quê hoặc họ hàng thân thuộc đều bị truy lùng rất gắt gao, cha xứ cũng kêu gọi ra trình diện để Nhà Nước khoan hồng. Thật là một giai đoạn “thử thách nặng nề” giữa một xã hội với biết bao khó khăn: nào lạ người, lạ cảnh, lạ nếp sống, nào bắt bớ, nào lo kiếm sống, nào lo giữ đời tu... Tương lai đầy mây phủ mịt mù không biết rồi sẽ ra sao?...

 

Ngày trở về của Anh Cả: 18-5-1993

        Ngày 18-5-1993, Anh Cả được Nhà Nước trả tự do không điều kiện: Tin Anh Cả được về loan đi rất nhanh tới mọi anh em sống rải rắc khắp nơi. Niềm vui lại bừng lên! Anh em phấn khởi về khu Khiết Tâm chào thăm Anh. Một buổi sáng, Anh gặp gỡ chung anh em được tổ chức và ba ngày mừng liên tiếp.

Thời biểu các cuộc đón tiếp, thăm hỏi và loan tin các nơi

       a/ Ngày 18-5-1993:

-- 11g.30:  Anh Ánh tới Nhà Cá báo tin Anh Cả về, đem xe lên đón, vì lúc 9 giờ, người ở Long Khánh báo tin chính xác.

-- 12 giờ, mướn xe 15 chỗ đi đón, có hai anh Đệ và Nhất (phó nhòm) và mấy anh nữa.

-- 14 giờ 15, xe tới nơi, nhưng xe Jeep của trại tù đã đưa Anh Cả đi rồi, có ông Tiêm phó trại, và ông Bảy cho giấy xuất trại và đưa chân.

-- 16 giờ 30, xe Jeep tới Ủy Ban xã Tam Phú. Xảy ra hơi rắc rối là giấy tha tù cho về hộ 33 B/2, nhưng thực tế là về Nhà Cá 1/5 Bình Phú. Anh Cả cự lại hồi lâu.

-- 17g05, Anh Cả từ Ủy Ban xã Tam Phú về Nhà Cá.

-- 17g30, xe đón sẩy mới về chào Anh Cả. Khi xe đón lên tới trại tù, đợi mãi, hỏi ra mới biết Anh Cả đã về rồi. Cha xứ Đào, Châu Bình ra chào thăm Anh Cả.

       b/ Ngày 19-5-1993:

-- 8g30, Anh Cả ra Phường cho biết giấy chứng nhận xuất trại tù.

-- 9 giờ, Fax cho Tỉnh Dòng tại Hoa Kỳ báo tin Anh Cả đã được tha tù, về khu Khiết Tâm.

-- 11 giờ, Điện đàm, điện tín, thư từ cho anh Đán, anh Kiên bên Tỉnh Dòng. Giáo dân Châu Bình lần lượt vào chào thăm Anh Cả.

       c/ Ngày 20-5-1993:

--6g15, đài Vatican loan tin.

--6g30 sáng, đài Veritas loan tin.

Các người ở xa lần lượt đến chào thăm Anh Cả.

--8 giờ, anh Nghiệp đi lấy giấy Quyết Định tại Tòa Án.

--16 giờ, cha Huỳnh Công Minh, Chánh xứ Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn, cũng là Cha Chính Tổng Giáo phận tới thăm Anh Cả.

       d/ Ngày 21-5-1993:

--13g30, Đức Cha Lê Phong Thuận, giáo phận Cần Thơ, đi xe Honda 78 tới thăm Anh Cả chừng 20 phút.

--16 giờ, giáo dân mấy xứ gần Nhà Dòng tới thăm Anh Cả rất đông. Ông Thi, thân phụ Anh Đan, đại diện, dâng lời chúc mừng. Anh Cả phải ra đầu nhà lầu để chào đón.

       đ/ Ngày 4-6-1993:

       Đức Tổng Bình tới thăm Anh Cả độ 20 phút.

Anh em dòng hoan hỉ đón mừng Anh Cả đột nhiên xuất hiện trở về với dòng

Anh Lm Bùi Khải Hoàn đại diện anh em tạ ơn Chúa Mẹ chúc mừng Anh Cả trở về; Anh Cả đáp lời kèm theo huấn từ tin tưởng sống thánh

Ngày 18.5.1993, Anh Cả được trả tự do sau đúng 6 năm tù giam tại trại Z 30 A, Đồng Nai,
Anh đang đưa giấy xuất trại cho anh Đinh Chí Đệ để trình Phường Tam Phú, Thủ Đức.

Qua điện thoại, Anh Cả cám ơn anh em tỉnh dòng mừng Anh trở về

 

Anh Đoàn Phú Xuân bị tù ở Trại giam Z30D và Anh Trần Minh Quân

 Cả hai trình diện Anh Cả sau khi được thả về

 

 

Tổng Hội Đồng Phụ Tá mới:

       a//Tuyên bố Tổng Hội Đồng Phụ Tá mới:

       Ngày 22-5-1993, anh em được triệu tập về để Anh Cả gặp. Đúng 9 giờ Anh Cả huấn đức, rồi tuyên bố các anh Tổng Phụ Tá (TPT) và những anh tạm thay thế:

- Tổng Giám Đốc: Anh Cả tiếp tục nhiệm vụ   như trước

- Tổng Phụ Tá I: Anh Gioan M. Đoàn Phú Xuân (còn trong tù)

       - Tổng Phụ Tá II: Anh Barnaba M. Nguyễn Đức Kiên (còn bên Chi Dòng)

- Tổng Phụ Tá III: Anh Inhaxiô M. Lê An Đại (bên Chi Dòng)

- Tổng Phụ Tá IV: Anh Gioan Êuđê M. Mai Hữu Nghị (còn trong tù)

- Tổng Thư Ký: Anh Bênêđictô M. Nguyễn Thiên Phụng (còn trong tù)

- Tổng Quản Lý: Anh Gioan M. Bùi Chu Tràng (còn lẩn trốn)

    b/ Anh em tạm thay thế:

- Anh Đệ thay 3 anh Xuân, Nghị, Phụng

- Anh Tân thay 2 anh Kiên, Đại.

- Anh Dự thay anh Tràng.

       Anh Hoàn đại diện anh em lên chúc mừng Anh Cả và các anh thay thế trong Tổng Hội Đồng Phụ Tá mới. Anh em về kể là tạm đủ và Anh cho mừng bữa tiệc lớn ngày Đoàn tụ.

       Giáo dân tiếp tục tới rất đông, đặc biệt GĐTH để được thăm, chúc mừng Anh Cả và xin huấn đức.

 

Cảnh trong hình là trung tâm khu Nhà Mẹ Khiết Tâm (2001).
Đài Mẹ thấy rõ chữ TOTUS TUUS, đối diện với dãy nhà một lầu (tầng trên), tầng dưới (tầng trệt) có phòng Anh Cả ở giữa.
Phòng Anh Cả đối diện với đài Mẹ. (Sân sau lưng đài Mẹ), sân ở giữa dãy tập viện với đài Mẹ.
Bên trái hình là dãy nhà 2 lầu + 1 trệt gọi là lầu Trái Tim Mẹ Toàn Thắng (bị khuất), bên phải hình có hồ cá tra và dãy lầu tiền chế.

Sau chẵn đúng 6 năm tù bao gồm cả ngày bị giam nhốt và ngày được thả về trùng hợp (18/5/1987-1993), Khu Khiết Tâm đã trở thành Nhà Mẹ từ ngày 18/5/1993

 

Anh Em Về Đoàn Tụ:

       Tu viện Khiết Tâm ở ngay trước đồn Công an và Ủy Ban, nên không thể tu chui như trước được, phải lấy lý do nào đây?

      a /Vì bức tường hàng rào khu vực đã xập xệ, cần phải thuê người sửa chữa. Đây là một lý do khẩn thiết. Nhà Dòng thuê 15 người thợ xây (anh em tu sĩ). Sau 2 tuần, lại xin thuê nữa, rồi sau 2 tuần, xin thuê lại lần ba. Công an nói xã không có quyền cho ba lần, phải làm đơn xin Huyện. Huyện không cho, phải làm sao bây giờ?

        b/ Lời tuyên bố của Ban Tôn Giáo:

       Rất may, mới đây ông Vũ Quang, Trưởng Ban Tôn giáo tụ họp Liên Tu sĩ, đã tuyên bố: “Chúng tôi mắc nợ các Dòng tu theo Nghị định số 69/HĐBT mà chúng tôi chưa thi hành với quí vị. Vậy từ nay các Dòng tu được tự do nhận người vào tu, với điều kiện  làm đủ thủ tục nơi tu và nơi thường trú (nghĩa là có giấy tạm vắng và tạm trú)”.

       c/ Đơn xin tạm trú:

       Biết thế, anh Đệ làm đơn xin cho 15 anh có giấy tạm vắng được tạm trú nơi Nhà Dòng, và nhờ cha Đỗ Quang Chí là Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Huyện Thủ Đức chuyển cho ông Tiêu, Chủ tịch Mặt trận Huyện, để ông Tiêu chuyển tới Công an. Coi như thành công. Qua mấy tháng lại làm đợt nữa độ 20 anh, rồi 30 anh, 5 lần như thế, mọi việc đều ổn. Anh Đệ tiếp tục làm đơn đưa thẳng ra Phường, cũng êm xuôi. Về sau cứ thế, nên đã đưa được hết mọi anh em tu sĩ về Nhà Dòng.,                                                                                                                                                                                   

       Còn các em Đệ Tử, anh Hùng và anh Tràng đã huấn luyện trên rừng rẫy, nay thuê nhà trọ ở quanh Nhà Dòng, tới khi Công an phường Thuận An, Sông Bé không chịu, phải xin đưa về Nhà Dòng và được ở luôn tới nay.

Tiếp Tục Sinh Hoạt Bình Thường:

       a/ Sinh hoạt như trước:

      Anh em tu sĩ Dòng lại tiếp tục sinh hoạt đàng hoàng, nhận Đệ tử, Tập sinh, Khấn hứa... Mọi tổ chức bình thường, kể cả GĐTH ĐC đều được hoạt động, tổ chức như trước. Tuy mất mát về vật chất, nhưng tinh thần được thoải mái thông thoáng.

       b/ Mở lớp Triết và Thần Học:

       Sau khi anh em về hết, Anh Cả bắt đầu mở lớp Triết và Thần tại phòng Hội ngay cạnh Nhà khách (đầu Nhà cơm gần bờ ao). Công an vào thăm anh em, gặp lúc Anh Cả đang dạy học. Mấy hôm sau, Ban Tôn giáo Thành tới Huyện Thủ Đức, mời Anh Cả ra làm việc, anh Đệ cũng đi theo.

       Trưởng Ban Tôn giáo nói, đã có Chủng viện dạy Triết và Thần học, các nơi khác không được dạy. Ông thuyết cho một hồi. Anh Cả ngồi nghe, không nói gì. Về nhà, Anh bảo học ở nhà cuối cùng cạnh Nhà Nguyện B (dãy nhà Hưu Dưỡng bây giờ). Vì không ai nghe thấy, Anh cứ tiếp tục dạy, chẳng còn ai cấm đoán nữa.

       Cũng có vài lần, Ban Tôn giáo mời Anh Cả lên Sàigòn sửa sai cái gì đó, hai anh Đệ và Giáo cũng đi theo. Anh Cả rất ít nói, cứ ắng ngồi nghe, không hạch hỏi gì hết.

Đối phó với Nhà Nước và các địa phương: 

      a/ Ban đầu Nhà Nước còn nghi ngờ:

      Đối với Nhà Nước, lúc đầu không có gì căng thẳng lắm. Thỉnh thoảng, Công an và Ban Tôn giáo  mời Anh Cả ra Huyện, Thành làm việc. Có điều khó khăn nhất là số người đến tu. Anh em hữu trách đã liệu cho anh em nào về, phải xin được giấy tạm vắng ở nhà quê. Vậy mà Thành phố cũng nói cho các xã đừng cấp giấy tạm vắng. Như trường họp anh Phùng ở Tân Mai, khi ra xin, họ nói ngay thành phố Hồ Chí Minh không cho cấp giấy tạm vắng cho các anh. Một số anh khác cũng bị từ chối.

       Công an cũng thuê người ghi số xe hơi vào Nhà Dòng, anh em chẳng coi ra gì, chỉ Bề Trên phải để ý chút thôi. Mình có phản động gì mà sợ? Họ gài người vào tu, Anh Cả cũng không quan tâm lắm, Anh chỉ ý tứ không nói gì động đến Nhà Nước.

      b/ Các địa phương:

     Lúc đầu các cấp địa phương cũng dè dặt, nhất là các nơi xa, họ vì sợ mình làm rầy rà. Sau khi tiếp xúc với mình, họ cũng biết sự thật. Nói đúng ra, Dòng tu nào cũng bị xử đối như thế, chỉ bớt chút thôi.

      c/ Tiếp tục trở nên bình thường:

      Có lẽ sau khi Anh Cả được tha tù về độ một năm, các dịp lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, nhân viên Xã, Huyện, Thành tới chúc mừng Giáng Sinh, chúc tuổi Anh Cả. Anh đáp lễ rất hậu. Cá nhân tới chúc mừng, như trường hợp công an Tâm ở Thành mà có liên quan tới Huyện, khi đến chúc mừng, Anh cũng mừng lại khá như vậy. Có lần Tết, anh em tặng cho mỗi người đến mừng Nhà Dòng, Anh Cả cũng bảo mừng lại họ rất tử tế. Xem ra, ai cũng hài lòng.

      Khi dân chúng bị bão lụt, thiên tai, Anh Cả thường đóng góp và trao thẳng cho Ban Vận động của Nhà Nước.

      Sau một năm tiếp xúc bình thường với Nhà Nước, ngày 4-4-1994, Anh Cả trao Thừa Tác vụ cho 10 anh đang học Thần học, nhưng chỉ làm âm thầm trong nhà thôi.







Khung cảnh ở bức hình 2001 sau này trở thành khu đầu Nguyện đường của Nhà Mẹ (hình trên):
Sân ở giữa: bên trái sân là Lầu Trái Tim Mẹ Toàn Thắng, bên phải trước đây là dẫy nhà tiền chế.

Ngôi nhà có phòng Anh Cả

Hồ Thánh Giuse ở hành lang về phía cổng Nhà Mẹ, ngay gần trước Phòng Cha Sáng Lập

Anh Cả  Sống Rất Cởi Mở, Vui Tươi, Tha Thứ Lỗi Lầm

       a/ Đối với Anh em tại quê nhà:

       Trong những ngày cuối đời, Anh Cả tỏ ra rất rộng rãi, vui vẻ với tất cả mọi anh em. Anh thường hay nâng các ngày lễ lên bậc Lễ trọng, cho dùng bữa khá lắm, nhất là bữa trưa để bù lại những ngày anh em phải trốn chạy. Trong các ngày đó, Anh cho mua nhiều sô-cô-la, kẹo, rồi sau bữa trưa, chính tay Anh phát cho anh em xả láng. Có anh trữ được cả thùng như thùng đựng sữa, để Tết mang về cho nhà quê.

       Tất cả anh em đều nhận thấy rõ ràng, về cuối đời tính tình Anh rất cởi mở, rất dễ tha thứ lỗi lầm, dễ ban phép cho anh em khi đến xin, mà không cần hỏi lý do. Bởi vậy, có ít nhiều anh em lợi dụng xin đi phép hay xin tiền đưa về nhà quê cho cha mẹ, anh chị em xây nhà cửa. Có anh phạm những lỗi lầm rõ ràng, được anh em khác tố cáo với Anh Cả, Anh rất sẵn sàng tha thứ khi anh em lầm lỗi đến thành thực xin tha.     

       Chính Anh Cả cho biết có lần một anh đến đứng cửa phòng Anh, xin phép ra ngoài, Anh quay mặt ra, chưa kịp nói gì thì anh kia đã chạy đi rồi. Sau này, Anh cũng không tỏ ra khó chịu hay quở trách gì.

       b/ Đối với Anh em bên Tỉnh Dòng về thăm Nhà Mẹ:

       Anh Cả rất niềm nở quí mến, đón tiếp anh em bên Tỉnh Dòng về thăm Anh và anh em Nhà Mẹ. Mỗi khi có anh em bên Mỹ về, Anh cũng thường cho mừng như ngày lễ trọng, và gặp gỡ anh em bằng cuộc chuyện trò thật vui vẻ.

 

Anh Cả đang dâng Dòng cho Đức Mẹ

Các giáo sư & AE lớp triết thần dâng mình cho Đức Mẹ trước năm học

Anh Cả đọc kinh Mân Côi sau cuộc cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ

Anh Cả dâng dòng dịp Tết Mẹ 8.9.1997.

 

 

Anh Cả cùng các Tổng Cố Vấn dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ dịp lễ Mẹ Thiên Chúa 1994, bổn mạng Tổng Hội Đồng.

Anh Cả chủ tế dâng lễ đồng tế, có Anh Xuân, dịp lễ bổn mạng dòng 1994

Hàng ngày Anh Cả dâng lễ tư trong phòng áo

Anh Cả nhận lời tiên khấn của AE lớp XII đợt 7 ngày 8.9.1994, lễ Sinh Nhật Mẹ

Cùng với anh em dòng, Anh Cả cung nghinh Tượng Mẹ Lavang đang qua khu tập viện

 

Lớp khấn 2 kỷ niệm 40 năm khấn dòng, 25/3/1956-1996, cũng tại Nhà Mẹ Khiết Tâm: Anh Đoàn Phú Xuân (bên trái Anh Cả từ trái sang), nguyên Tổng Phục Vụ I

Ngoài ra, từ trái vào còn có Anh Tràng (thứ 2), Anh Giáo (thứ 4), Anh Hiên (ngoài cùng bên phải), 3 vị tiêu biểu em có thể nhận diện, còn 1 số biết mặt lại quên tên

Anh Cả huấn thánh cho anh em dòng, ở chỗ: "Hãy tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước hết" (Mathêu 6:33), chứ phải chỉ được học hành hay làm linh mục.

 

Trong thời gian từ khi đi tù về ngày 18/5/1993 cho đến khi qua đời, Anh Cả chuyên chú vào việc củng cố tinh thần dòng cho anh em dòng và đào tạo sẵn một số học linh mục,

không năng nổ và sinh động như ngày nay, trước hết, một phần vì thời cuộc bấy giờ cần phải thầm kín, đến độ có lúc đã bị mang tiếng Dòng Đồng Công là Dòng Đóng Cổng.

Nhưng thời gian bế quan đóng cổng này lại rất cần thiết bất khả thiếu, để thời kỳ làm kén này mới có thể tiến đến thời điểm thành bướm mầu bay lượn.

Cứ nhìn vào tấm hình trên đây, chụp năm 1994, chỉ 1 năm sau Anh Cả ở tù về, thì đủ biết sức thu hút ơn gọi của Anh Cả mãnh liệt đến đâu nơi thành phần giới trẻ Việt Nam,

trong khi đó, sau 1987, dòng tưởng đã bị triệt tiêu, trái lại, nhiều anh em không bị tù như Anh Cả và 21 anh em khác, vẫn trung kiên với một hội dòng hầu như đã mất tương lai.

Xin xem thêm video về Anh Cả ở cái link sau đây

Sinh hoạt hằng ngày của Anh Cả

 

 

 

 

 

Đúng ngày lễ Thánh Đaminh, Bổn Mạng Anh, 8-8-2006, Anh phải đi Bệnh viện. Trưa hôm đó, Anh xuống nhà cơm bằng xe lăn, nhìn Anh vẫn hồng hào, nhưng anh em thấy sức khỏe Anh có vấn đề. Sau cơm trưa, Anh cảm thấy mệt, anh Xuân và anh em xin đưa Anh đi Bệnh viện, Anh đồng ý. Thế là anh em chuẩn bị xe đưa Anh đi ngay, sợ Anh đổi ý, không đi nữa, vì trước đây đã có lần như vậy.

       Thật ra, đôi chân của Anh Cả đã yếu từ cả năm nay rồi. Anh Cả thường nói với Trưởng Ban Y tế: “Chân của Anh mà giống như chân mượn của ai. Em có tìm được thuốc gì chữa đôi chân của Anh không?”. Anh Minh thưa với

Anh Cả: “Em đã hỏi nhiều Bác sĩ nhưng họ đều nói: đó là do tuổi già chứ không phải bệnh, nên chỉ uống thuốc bổ thôi”. Anh Minh cũng đã mua nhiều loại thuốc bổ, thuốc chích cũng như thuốc uống, cả thuốc Bắc nữa mà kết quả không khả quan. Hằng ngày Anh cũng đi dạo chung quanh nhà với hai anh dìu hai bên.

       Lần này Anh Cả đi bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khi tới phòng Cấp Cứu, mọi người trong phòng bệnh, cả Bác sĩ, y tá đều ngạc nhiên, vì ông cụ gần 100 tuổi, mà còn đẹp lão, hồng hào như vậy. Anh Cả ngồi trên xe lăn, có 4, 5 anh em đi theo để giúp chụp CT, XO, Siêu âm... Xong mọi thứ, Anh Cả đòi về... Hôm sau, Bác sĩ khám bệnh cho biết, không có mạch máu vỡ, mà chỉ bị nghẹt một lúc, nên tay chân bị ảnh hưởng. Lúc này sức khỏe Anh Cả xuống nhiều, chân tay đều yếu, Anh không thể ngồi dậy, nếu không có người đỡ. Dù vậy, Anh cũng cứ đòi về và ra lệnh đưa Anh về nhà. Bác sĩ cũng phải chịu để cho Anh về. Tới nhà, Anh mệt rũ rượi trên xe lăn vào phòng, anh em dọn sẵn giường để Anh nằm như Bác sĩ nói, nhưng Anh cũng nhất định nằm trên đệm dưới đất như trước. Kể từ đây Anh Cả bắt đầu bước vào chặng đường Tử Nạn của Anh.

       Anh Cả nói với anh em: “Có chết, Anh cũng chết ở nhà, chứ không vào Bệnh viện nữa”. Về nhà được mấy ngày, bệnh càng thêm nặng. Anh chỉ xử dụng được một tay và một chân, còn bên kia bị liệt. Từ đây, mọi việc như ăn uống, vệ sinh, tắm rửa... Anh phải lệ thuộc vào anh em. Anh em tắm cho Anh như một em bé bằng cách bơm nước vào một bồn nước rồi đặt Anh vào đó. Anh Cả nhìn thấy, nghe được, trí khôn vẫn tỉnh táo, mà không đi được, nói chẳng ra tiếng... Còn đau khổ nào hơn thế? Phải chăng Anh đang bị đóng đinh trên thập giá và Anh cũng phải kêu lên như Chúa Giêsu: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”

       Khoảng 6 tháng trước khi Anh qua đời, Anh bị mắc một chứng bệnh rất lạ, đầu tiên từ đầu tới chân xuất hiện những chấm đỏ như bị rôm sẩy, lớn dần; khi đó Anh giống như người đi Vũng Tàu, tắm biển và bị cháy nắng vậy, đen đủi, khiến cho nhiều người không nhận ra, rồi bắt đầu lột da từ đỉnh đầu cho đến gót chân. Các bác sĩ đến khám cho biết là xuất huyết dưới da, nhưng lý do thì không hỉểu được. Khi da lột xong, Anh Cả lại hồng hào, trắng trẻo như trước. Nhưng chỉ được khoảng một tháng, lại bắt đầu xuất hiện những chấm đỏ và lại lột da...

       Anh Cả đi Bệnh viện lần cuối cùng lúc cả nhà đang tĩnh tâm năm. Anh bị sốt nên không phản đối khi anh em ngỏ ý đưa Anh đi Bệnh viện. Lần này Anh không đòi về như những lần trước và sức khỏe đã phục hồi sau gần một tuần nằm Bệnh viện. Thế nhưng Anh bị strock một lần nữa và lần này Bác sĩ đưa Anh vào phòng Săn Sóc đặc biệt. Phòng này thân nhân không được vào săn sóc, tất cả do Bác sĩ và y tá phụ trách, đảm nhận, thân nhân chỉ được vào thăm 4 lần: sáng, trưa, chiều, tối, mỗi lần khoảng 1 tiếng, thay phiên nhau, mỗi lần chỉ được 2 người. Ta có thể coi đây là lưỡi đòng đâm thâu vào trái tim đau khổ của Anh Cả, vì suốt cuộc đời Anh không bao giờ muốn xa đoàn em, chỉ trừ lúc Anh bị giam tù riêng thôi. Anh Minh đã nhờ Bác sĩ đưa lên gặp Phó Giám Đốc Bệnh viện để xin phép ngoại lệ vào thăm nuôi Anh, nhưng bị từ chối. Nhìn qua cửa kính, thấy Anh chồm người lên, nhìn quanh như muốn tìm anh em, cánh tay còn hoạt động bị cột lại vùng vẫy như muốn gọi anh em tới, khiến nhiều anh em không giữ được giọt lệ vì thương Anh.

       Mấy hôm đầu vào thăm, Anh Cả còn mở mắt và nhận biết, nhưng sau, Anh bị hôn mê, chung quanh đầy máy móc, toàn thân gần đầy dây, ống ... Từ đây anh em thay nhau túc trực bên ngoài để theo dõi sự sống còn của Anh, vì thấy sự ra đi của Anh chỉ còn từng giờ. Anh Xuân thì muốn bằng mọi giá kéo dài sự sống của Anh. Anh Minh trình bày với Bác sĩ nguyện vọng đó và Bác sĩ cũng đồng ý nên tiếp tục chích thuốc cho Anh.

       Ngày 18-6-2007, 10 anh em được lãnh chức linh mục. Ngày hôm sau, các anh tân linh mục lần lượt vào thăm Anh Cả, để cám ơn công nuôi dưỡng, dạy dỗ... Dù nằm bất động, Anh chắc vẫn biết và có lẽ chờ đợi những món quà này trước khi về trình diện cùng Chúa.

Anh Cả bắt đầu nằm xuống ngày 8/8/2006... liệt bệnh... cho tới khi qua đời ngày 21/6/2007

 

"Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý.

Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Gioan 21:18)

"Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: 'Hãy theo Thầy'." (Gioan 21:19)

"Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Gioan 12:24).

Anh Cả được Chúa gọi về

       a/ Trong Bệnh viện:

       Tối ngày 21-6-2007, lúc 8g15, Anh Cả trút hơi thở cuối cùng, chấm dứt những ngày đền tội ở đời này để trở về cùng Đấng mà suốt đời Anh đã kính yêu tôn thờ. Anh ra di trong cô đơn, không một anh em nào bên cạnh, mặc dù bên ngoài phòng Săn Sóc đặc biệt, anh em vẫn túc trực ngày đêm. Lúc Anh bị nguy kịch, các bác sĩ đang làm hồi sức cấp cứu, có một Sơ làm y tá trong phòng ra báo cho anh em biết để cầu nguyện. Khi máy móc y khoa trần gian không còn làm gì được nữa, Anh Cả trút hơi thở cuối cùng.

       Thế là cuộc đời rất dài hơn một thế kỷ của Đấng Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công được Thiên Chúa Toàn Năng chấm dứt.

       Y tá ra báo cho anh em vào để ký giấy tờ. Anh Minh và vài anh cùng với Sơ y tá vào, đứng bên thi thể còn ấm của Anh để cầu nguyện cho Anh, hay nói đúng hơn là xin Anh hãy nhớ đến và cầu cho anh em còn ở chốn khách đời này, được ơn trung thành và nên thánh trong lý tưởng Đồng Công. Đồng thời, Nhà Dòng ở Thủ Đức báo tin Anh qua đời sang Tỉnh Dòng bên Mỹ và các nơi liên hệ, như Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn, Nhà Nước Việt Nam... cả các đài phát thanh như Vatican, Veritas...

       b/ Đưa Thi Thể Anh Cả về Nhà Dòng:

       Sau đó, anh em xin xe Bệnh viện đưa xác Anh Cả về Nhà Dòng tại Thủ Đức. Toàn thể anh em ở nhà được báo tin trước, nên đã mặc tu phục dứng đón chờ. Thật là xúc động khi thấy người Anh Cả dấu yêu của mình vĩnh biệt ra đi về Nhà Cha. Khoảng 4giờ sáng hôm sau, anh em Dòng cử hành nghi thức nhập quan, rồi rước linh cữu Anh lên Nhà Nguyện A, gần cổng chính để phục tang Anh tại đó. Nơi đây, mọi người có thể tới kính viếng dễ dàng và cầu cho linh hồn Cha Cố đáng kính Đaminh Maria chóng được về hưởng Nhan Thánh Chúa trên Thiên Đàng. Đồng thời xin Ngài cầu bầu cho những người còn trên trần gian được sống tốt lành, thánh thiện theo gương Ngài, để sau cuộc sống đời này cũng được cùng Ngài lãnh phần thưởng Chúa dành cho nơi vĩnh phúc. Amen!

Xe cứu thương đưa thi thể Anh Cả về Nhà Mẹ; Dù vô cùng tiếc nhớ, anh em vẫn hát Magnificat tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội ở Việt Nam một vị linh mục như Anh Cả.

 

Trước ngày lễ an táng

       a/ Các cuộc viếng thăm:

       Khi linh cữu Anh Cả còn được đặt tại Nhà Nguyện Dòng, rất nhiều Đấng Bậc trong Giáo Hội Việt Nam đến thăm viếng và cầu nguyện cho Anh.

    --- Trước hết chúng ta phải kể hai Đức Cha miền Bắc, Đức Cha Yến, GM Phát Diệm, và Đức Cha Đệ, GM phụ tá Bùi Chu, nhân dịp thăm Đức Cha Nguyễn Văn Diệp, GM phó Vĩnh Long hưu tại Dòng, đến viếng xác Cha Sáng Lập Dòng vừa qua đời, được đặt tại Nhà Nguyện.

     --- Tiếp theo là Đức Cha Châu Ngọc Tri, GM Đà Nẵng, mặc dù xa cách 1.000 cây số đối với Sàigòn, đã đến viếng xác và cầu nguyện cho Cha Sáng Lập. Phải kể Ngài là vị Giám Mục đầu tiên đến viếng. Ngài lại còn hứa, hôm lễ an táng, sẽ đến dâng lễ đồng tế.

    --- Rồi tới Đức Cha Nguyễn Chu Trinh, GM Xuân Lộc, đến viếng xác, cầu nguyện cho Cha Cố, và nói hôm lễ an táng, Ngài không đến dự được vì phải đi họp tại Hà Nội.

    --- Còn Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigòn, báo tin sẽ tới dự lễ an táng, nhưng rồi báo lại là không tới được vì lý do sức khỏe. Đức Cha phụ tá Sàigòn gặp tai nạn cũng không đến được.

    --- Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, GM Vĩnh Long, trên đường tới Nhà Dòng, đã điện thoại báo tin trước, và khi đến nơi là lúc 12g30 trưa. Anh em Dòng coi khách chuẩn bị bữa trưa mời Ngài và hai cha phụ tá đi theo. Nhưng sau khi gặp nói chuyện với Cha Tổng vụ Dòng, các Ngài xin vào Nhà Nguyện viếng xác và cầu nguyện cho Cha Sáng Lập rồi mới dùng bữa. Trong khi viếng xác Cha Sáng Lập, Đức Cha Tân tâm sự với Ngài rất thân thiết, và xướng bài hát: “Khi Chúa thương gọi con về...”, mọi người hiện diện hát theo... Rồi Đức Cha lại tâm sự và bắt hát: “Vì Danh Chúa nhân từ, xin cho linh hồn Cha Đaminh Maria được lên chốn nghỉ ngơi...”. Sau đó, Cha Tổng Vụ Dòng nói mấy lời cảm tạ Đức Cha, và mời Ngài cùng với hai cha phụ tá vào dùng bữa tại phòng khách của Dòng.

     --- Còn nhiều Giám Mục khác muốn đến nhà Dòng để phân ưu và dự lễ an táng Cha Sáng Lập, nhưng có vị yếu bệnh, có vị quá nhiều công việc đã được ghi sẵn trong lịch riêng, có vị lại ở ngoại quốc, như Đức Cha Tứ, Phú Cường đang ở Rôma, nên không thể đến được.

      Nhiều Đấng đã gửi điện tín hay điện thoại phân ưu và lời cầu cho Cha Sáng Lập, như:

   --- Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, GM Hà Nội; ĐC Vũ Huy Chương, GM Hưng Hóa; ĐC Cao Đình Thuyên, GM Vinh; ĐC Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang; ĐC Nguyễn Soạn, GM Qui Nhơn v.v...

    --- Ngoài ra, đài Veritas Á châu loan tin Cha Cố Đaminh Maria qua đời và đọc tiểu sử Ngài vào sáng và tối Thứ Bảy, 23-6-2007; đài Truyền hình Thành phố Sàigòn cũng loan tin về cái chết của Linh mục Sáng Lập Dòng ĐC vào những ngày này. Nhờ vậy, có nhiều người biết và đến Dòng để viếng xác và dự lễ an táng Ngài, kể cả một số người đến từ ngoại quốc, như Mỹ, Úc Châu... Riêng đài Veritas đọc một bài dài về tiểu sử của Cha Đaminh M. Trần Đình Thủ và cái chết của Ngài.

       Nói về những cuộc viếng xác Anh Cả, chúng ta phải kể, trong mấy ngày đặt tại Nhà Nguyện, có khoảng 100 linh mục đến dâng lễ, mỗi ngày có 8 Thánh Lễ, hầu hết là đồng tế, trên 1.000 người đến viếng và tham dự các Thánh Lễ, cầu cho Anh. Tổng cộng khoảng 160 phái đoàn đến kính viếng, không kể cá nhân và các nhóm nhỏ.

       Các Sơ miền Bắc trong hai Dòng Thăm Viếng và Trinh Vương thuộc giáo phân Bùi Chu cũng vào kính viếng. Các Sơ miền Nam, nhất là Dòng Trinh Vương Bùi Môn chia nhau đến viếng rất nhiều. Có Sơ còn hôn lên linh cữu Cha Cố Đaminh Maria hồi lâu, tỏ lòng thương tiếc, kính tôn và cầu khấn Ngài.

       Còn có cả các nhà sư, đại diện ba chùa đến viếng: Chùa Châu Hưng, chùa Vạn Đức và chùa Vạn Hạnh.

       Chúng ta không thể quên mấy nhóm các em người dân tộc Thượng: một nhóm ở Định Quán do cha xứ Định Quán dẫn đến, một nhóm từ Lái Thiêu do các Sơ dòng Thánh Phaolô hướng dẫn. Các em đọc kinh cũng như hát bằng tiếng dân tộc để cầu cho Cha Cố Đaminh.

       Cũng nên ghi lại: Có trên 200 vòng Hoa và bức Trướng phân ưu được đặt quanh linh cữu tại Nhà Nguyện.

       b/ Tâm Tình Tiễn Biệt Anh Cả của Anh Em đại diện Dòng và các Cựu Tu sĩ ĐC trong và ngoài nước:

   --- Anh Em Đại diện Dòng:

       Tối ngày áp lễ an táng Anh Cả, lúc 7g30, toàn thể anh em mặc áo Dòng và khăn tang trắng, đứng chung quanh linh cữu, cử hành nghi thức tiễn biệt Vị Sáng Lập Dòng. Anh Tổng Vụ Gioan M. Đoàn Phú Xuân, Đại diện toàn thể anh em Dòng; anh Micae M. Trần Minh Duệ, đại diện anh em Tỉnh Dòng Hoa Kỳ; anh Barnaba M. Nguyễn Đúc Kiên, Tổng Phụ Tá II, đại diện anh em lớn tuổi; anh Inhaxiô M. Vũ Tân Niên, lớp khấn Bảy, đại diện anh em trẻ, dâng lời tiễn biệt lớn tiếng. Nghi thức này đã làm rất nhiều anh em xúc động, có anh không cầm được giọt lệ, tuy không kể ở đây, nhưng đã có anh em ghi nhận đầy đủ.

   --- Đại diện Cựu Tu sĩ ĐC tại Việt Nam cũng như hải ngoại:

       Lời tâm sự dài, nhưng đại ý là tỏ lòng thương tiếc Anh, cảm phục những gương mẫu hy sinh, khó nghèo, nhưng luôn vui tươi, đón tiếp anh em đến thăm, khi Anh còn sống, dù anh em không còn tu trong Dòng. Anh em cựu tu sĩ xin ghi tạc công ơn giáo huấn, tình thương của Anh đối với anh em, lại còn xin hứa: - Quyết tâm duy trì tinh thần giáo huấn chủ trương nên thánh - Thực hiện và duy trì Đức Bác Ái của con Mẹ ĐC – Quyết tâm hằng ngày thực hiện tinh thần Tận Hiến cho Trái Tim Mẹ.

 

Đại diện anh em dòng, Anh Tổng PV Xuân, kế vị Anh ngỏ lời tri ân Anh; Phái đoàn anh em Tỉnh Dòng HK cũng về tạ ơn Anh

Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh; Các Sơ Dòng Trinh Vương tỏ lòng thương tiếc và ngỏ lời tri ân cảm tạ Anh Cả

Viếng xác và cầu nguyện: 1- Phái đoàn thân nhân của Anh Cả; 2- Phái đoàn tăng ni Phật tử; 3- Phái đoàn ban tôn giáo Quận Thủ Đức

 

1.   CHÍNH NGÀY ĐẠI LỄ AN TÁNG

       a/ Chuẩn bị:

       Trong đêm cuối cùng phục tang Cha Sáng Lập Dòng, anh em và ít người thuộc dòng tộc Ngài canh thức bên linh cữu.

        Có một điều lạ là dù xác Ngài đã đặt đây mấy ngày mà đôi bàn tay Ngài vẫn mềm mại như tay người sống. Cả Nhà Dòng đều thấy như vậy, nhưng không hiểu được tại sao. Một tin vui khác là sau khi Ngài qua đời 3 ngày,   Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, TGM thành phố Hồ Chí Minh, ký Sắc Lệnh phê chuẩn Hiến Pháp Dòng mà anh Tổng vụ Xuân đã đệ trình mấy tháng trước đây.

       Những ngày trước lễ an táng, bầu trời vẫn u ám, thỉnh thoảng có mưa nhỏ cho đến chính ngày lễ. Ban Quản lý Nhà Dòng đã thuê được một chiếc tăng thật lớn che tất cả sân nhà Dòng, nơi cử hành Thánh Lễ, đồng thời sắm hàng ngàn áo mưa và một số dù, mỗi chiếc có thể che được 10 người. Sân Nhà Dòng có thể chứa được chừng gần 5.000 người, không kể trên bục cao, nơi đặt bàn thờ và 200 ghế ngồi cho các linh mục đồng tế.

      Lúc 6 giờ sáng, trời vẫn âm u và lất phất mưa bay. Khoảng 6g30, trời bắt đầu sáng dần, mây tan biến lúc nào không biết. Đến 7 giờ, chuẩn bị rước linh cữu từ Nhà Nguyện xuống trước lễ đài, mặt trời lộ hẳn, không còn áng mây nào che khuất, ánh sáng chiếu xuống làm khô hết các ghế ngồi và những chỗ ẩm ướt. Từ đó, trời nắng đẹp cho đến hết Thánh Lễ lâu chừng 1giờ 30 phút, trừ một lần trời đe dọa mưa nhẹ, thỉnh thoảng có cơn râm, trời mát, rồi lại nắng.

       Cũng từ 6 giờ sáng, những người tới dự lễ an táng đã lải rải đến Nhà Dòng: có đủ mọi thành phần già trẻ, giáo dân, thân nhân Cha Cố Đaminh, một số cựu tu sĩ, bác sĩ, y tá, phóng viên, các tôn giáo bạn, các vị sư, giới chính quyền cấp xã, Huyện và nhân viên Ban Tôn giáo tp Hồ Chí Minh ... Tất cả đều giữ thinh lặng, trật tự và trang nghiêm với vẻ thánh thiêng lạ thường.     

        b/ Cử hành Thánh Lễ:

       Đúng 7g30, đoàn rước tiến ra bàn thờ dâng lễ, đi đầu là Thánh Giá nến cao, tiếp đến khoảng 200 linh mục, sau cùng là hai Đức Giám Mục, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Đà Nẵng, chủ tế và giảng lễ, Đức Cha Raphae Nguyễn văn Diệp, Giám mục phó Vĩnh Long, đồng tế.

      Trên lễ đài, chúng ta thấy: hàng đầu gần Bàn Thờ, đứng giữa là Đức Cha Tri, bên phải là Đức Cha Diệp, bên trái là Cha Gioan M. Đoàn phú Xuân, Tổng vụ Dòng Đồng Công, rồi hai bên là Cha Giuse Đinh Châu Trân, đặc trách Ủy Ban Tu sĩ tổng giáo phận Sàigòn, Đức Viện phụ Đaminh Phạm Văn Hiền, dòng Phước Sơn. Hàng sau là 200 linh mục, trong đó, chỉ có 20 linh mục ĐC. Ở phía dưới sát lễ đài còn hơn 10 linh mục đồng tế, vì trên không còn chỗ.

       Sau khi ca đoàn gồm 40 tu sĩ ĐC và 30 sơ Trinh Vương Bùi Môn, hát ca Nhập Lễ, Đức Cha Châu Ngọc Tri mở đầu Thánh Lễ với cung giọng thật trang nghiêm sốt sắng. Mọi người tiếp tục cùng dâng Thánh Lễ. Sau bài Phúc Âm do Cha Barnaba M. Kiên công bố, Đức Cha chủ tế đứng giảng tại chỗ. Bài giảng khá dài, nhưng rất cảm động (có anh đã ghi riêng đầy đủ). Đại ý như sau: “Đức Cha tỏ bày sự kính trọng và ca ngợi Cha Cố Đaminh. Cũng như sau khi Chúa Giêsu chịu chết, Hội Thánh bắt đầu phát triển và các Tông đồ đi rao giảng khắp nơi. Qua cái chết của Vị Sáng Lập, Dòng ĐC cũng sẽ phát triển trên mọi phương diện như vậy, vì Ngài về gần Chúa và Đức Mẹ, lời cầu của Ngài cho Hội Dòng và mọi anh em sẽ đắc lực hơn khi Ngài sống ở trần gian”. Cuối bài giảng, Đức Cha thưa với Cha Cố Đaminh: “Con chúc mừng Cha Cố đã được Chúa gọi về. Con xin Cha Cố cho con gửi lời kính thăm Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, Giám Mục tiên khởi Đà Nẵng, là vị tiền nhiệm của con”. 

       Từ đầu Thánh Lễ tới khi Rước Lễ là khoảng một giờ. Có 20 Cha cho rước lễ, tất cả tu sĩ nam nữ đều rước lễ, giáo dân ít người rước lễ nên cũng chóng xong.

       Sau Thánh Lễ, cha GM. Đoàn Phú Xuân, Tổng vụ Dòng thay mặt tất cả anh em Dòng, kính mời mọi người ngồi và dâng lời cảm tạ hai Đức Cha và các Cha đồng tế, rồi cha quay xuống cám ơn các giới chính quyền, các tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đồng dự lễ. Trong khi đó, các tu sĩ ĐC đều đứng, hợp ý cảm tạ với Cha Tổng vụ.

       Cám ơn xong, Cha Inhaxiô M. Lê An Đại, Tổng Phụ Tá I của Dòng, cử hành nghi thức tiễn biệt Cha Sáng Lập theo đúng Nghi Lễ Giáo Hội. Tiếp dến cuộc rước linh cữu Ngài ra nơi an nghỉ cuối cùng.

 

 

Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, chủ tế và giảng lễ an táng Anh Cả, một vị giám mục,

như ngài thú nhận với em khi em được gặp ngài ở Mỹ, "tôi không hề biết Cha Thủ",

và ngài còn tự động cho em biết thêm rằng ngài đã đọc một số bài viết của em về Anh Cả trong tinmung.net của Nhà Mẹ dòng,

và ngài đã sử dụng các chi tiết về Anh Cả ấy trong bài giảng của ngài.

Trong khi đó, các vị giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bấy giờ, kể cả ở TGP Sài gòn không hề tới.

Lần đầu tiên với tư cách là tân Tổng Giám Mục Sài Gòn, Đức Gioan B. Nguyễn Minh Mẫn (1998-2014) đến thăm Anh Cả cùng anh em dòng năm 1998 

 

Tiễn Đưa Người Quá Cố ra Nơi An Nghỉ:

a/ Cuộc Tiễn Đưa Tiến Hành: 

       Thánh Giá nến cao đi đầu, sau là nữ tu, rồi nam tu sĩ, giáo dân và các cha tiếp theo. Hai Đức Cha cũng đi với đoàn rước (Đức Cha Diệp vì yếu nên phải ngồi xe). Có một nhà sư tay dắt một chú tiểu chừng 7, 8 tuổi, có lẽ vừa dự lễ, cũng ra đi, nhưng đi ngoài hàng. Hai bên đường, nhiều người chụp ảnh quay phim coi như một dịp hiếm có của một đám tang nhiều linh mục, tu sĩ để tang như vậy. 

      Chúng ta không quên cám ơn chính quyền Quận Thủ Đức đã cho cán bộ công an chặn các lối vào đường từ Nhà Dòng đến Nghĩa Trang ĐC gần một cây số, không cho xe cộ hay người đi qua, để cuộc rước linh cữu Cha Sáng Lập Dòng ra Nghĩa Trang được diễn ra đều đặn, tốt đẹp.

       b/ Nghi Thức tiễn biệt lần chót tại Nghĩa Trang Dòng theo Nghi Lễ Giáo Hội và lời cảm tạ sau cùng:

      Khi linh cữu tới nơi, Cha Micae M. Trần Minh Duệ, Giám Tỉnh ĐC bên Hoa Kỳ được mời cử hành nghi thức tiễn biệt Cha Cố Sáng Lập lần chót theo đúng Nghi Lễ Giáo Hội, trước khi linh cữu Ngài được đặt xuống huyệt. Biết rằng huyệt đã được xây bằng nền đá hoa ngay dưới chân Tượng Chúa Tử Giá, Đức Mẹ Đồng Công và Thánh Gioan Tông Đồ tại lễ đài Nghĩa trang Dòng.

      Nghi thức tiễn biệt xong, hai Đức Cha, tất cả các cha rảy Nước Thánh trên linh cữu Cha Cố Sáng Lập.

     Tiếp đến, Cha Giám Tỉnh xin thay mặt toàn thể Hội Dòng lần cuối cùng, nói mấy lời vắn tắt cảm tạ hai Đức Cha, quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, giới chính quyền và tất cả mọi người hiện diện. Rồi mọi người đọc chung kinh Vực Sâu cầu cho linh hồn Linh Mục Đaminh Maria được an nghỉ.

       Anh Em Dòng đặt linh cữu xuống huyệt, đậy nắp cẩn thận... Ai nấy ra về trong thinh lặng, âm thầm, thương nhớ người quá cố.

       Có nhiều sự lạ xảy ra trong những ngày phục tang Anh Cả mà chúng ta không hiểu được, chỉ biết đón nhận thôi.

      Sau cùng, chúng ta phải tạ ơn Chúa và công nhận rằng: Nhờ ơn Chúa, mọi vấn đề, mọi chương trình từ đầu tới cuối cuộc an táng Đấng Sáng Lập Dòng đều tiếp diễn một cách tốt đẹp, quá sự mong ước của Nhà Dòng.

 

 

Thân phận của vị linh mục nổi tiếng thánh đức,

được Chúa dùng để sáng lập nên một hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên của Giáo Hội ở Việt Nam cho người Việt Nam,

cuối cùng đã được thông phần vào cuộc khổ nạn và tử giá với Chúa Kitô,

không phải chỉ ở ngoài thân xác, mà nhất là ở trong tâm hồn của ngài,

khi ngài bị chính "kẻ ăn đồng bàn với con giơ gót đạp con" (Gioan 13:18),

và qua cuộc đời của ngài, khi ngài bị các vị lãnh đạo Công giáo Việt Nam dường như tỏ thái độ "bỏ rơi", "xa tránh",

nhất là dòng ngài còn gần như bị xóa sổ ở TGP Sài gòn nữa!

 

Thế nhưng, vị sáng lập dòng chủ trương và sống bình dân như thế nào thì chết cũng được chết một cách bình dân như vậy,

giữa thành phần giáo dân và tu sĩ tầm thường,

không có tính cách long trọng và hoành tráng tí nào,

nhờ bởi có sự hiện diện và tham dự đông đảo của các đấng bậc vị vọng trong hàng Giáo phẩm của Hội đồng Giám mục bấy giờ.

 

Dầu sao, khách quan thì đó cũng là một cơn sóng thần bất ngờ nổi lên vào cuối đời của Vị sáng lập Dòng Đồng Công và sau khi ngài vừa qua đi;

nhưng dòng ngài sau đó chẳng những vẫn tồn tại mà còn phát triển bề ngoài hơn bao giờ hết đã chứng tỏ

Dòng Đồng Công không phải từ loài người, mà là việc của Thiên Chúa nên không ai có thể phá được (xem Tông Vụ 5:39).

Nhờ ngài đã trở nên một hạt lúa miến bị mục nát đi như vậy mà dòng của ngài càng ngày càng trổ sinh hoa trái thiêng liêng,

nơi chính tinh thần anh em dòng ngài, mà còn nơi một "Mùa gặt Thương xót" nữa.

 

Cùng với Cộng đồng Dân Chúa, cả giáo sĩ lẫn tu sĩ và giáo dân,

anh em Đồng Công chúng em xin tiễn đưa Người Anh Cả khả kính khả ái của chúng em đến nơi an nghỉ cuối cùng của Anh trên trần gian này,

nhưng chúng em vẫn theo đuổi Lý tưởng Thánh Đồng Công của Anh,

cho tới khi chúng ta được đoàn tụ trong thực tại hiệp thông thần linh với Thiên Chúa duy nhất 3 Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

 

 

 

 

Ngày 4/11/2006, Ngày Mẹ Huấn Thánh, Anh Cả chính thức trao quyền cho Anh Xuân để anh thay Anh Cả phục vụ toàn dòng (hình chụp dịp lễ Chúa Phục Sinh 1994)

 

Có thể nói năm 2012 là mốc điểm trổ sinh của hội dòng Đồng Công ở Việt Nam. Bởi vì, sau khi Anh Cả là Đấng sáng lập qua đi như "hạt lúa miến mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái" (Gioan 12:24), được một thời gian, thì trong nhiệm kỳ đầu tiên (2007-2012) thời Anh Tổng Phục Vụ Đoàn Phú Xuân, người kế vị đầu tiên của Đấng sáng lập trong việc chẳng những bảo tồn mà còn phát triển dòng nữa, anh em dòng, những anh đã được Anh Cả chọn học làm linh mục và đã học xong, bắt đầu được thụ phong linh mục một số đợt, cho tới năm 2012, khi dòng tiếp tục được Anh Nguyễn Quang Đán, theo đà trổ sinh từ vị tiền nhiệm, phát triển dòng trong 2 nhiệm kỳ (2012-2022) của anh trong vai trò Tổng Phục Vụ II.

Phát triển dòng ở đây không phải chỉ ở nơi nhân sự và cơ sở, mà còn ở nơi con số linh mục của dòng, một yếu tố bất khả thiếu để có thể phát triển về mặt truyền giáo, một sứ vụ chính yếu của một dòng truyền giáo như dòng Đồng Công. Tuy nhiên, trong thời gian Anh Cả còn sống sau khi ở tù bất ngờ được về với anh em dòng vào năm 1993, từ đó mới chỉ có lưa thưa lẻ tẻ một số anh được thụ phong linh mục: 1/2000, 3/2001, 1/2002, 2/2003, 1/2006, và 9/2007 trước khi Anh Cả qua đời 3 ngày. Nghĩa là mới chỉ có 17 vị. Tuy nhiên, vì tình trạng khan hiếm linh mục, chưa đủ linh mục ở Việt Nam, nên Anh Kiên và Anh Đại sau năm 2000 đã từ Hoa Kỳ về phụ Anh Cả quản trị Dòng. Thế nhưng từ năm 2008, sau khi hạt lúa miến QP mục nát đi, con số linh mục dòng bắt đầu thừa thắng xông lên: 12/2008 + 7/2009 + 10/2010 + 7/2011 + 8/2012 + 16/2013 + 18/2014 + 8/2015 + 18/2016 + 36/2017 + 15/2018 + 11/2019 + 5/2020 + 12/2021 + 1/2022. 

Sau đây là danh sách linh mục dòng từ năm 2000 tới 2022, năm nào cũng có, không nhiều thì ít, liên tục, trừ 2 năm 2004 và 2005.

2000 ANH NGÂN

2001 Aa. ĐÍCH, LÂM, PHỤC

2002 Aa. THO, CƯỜNG

2003 Aa. MN, TÒNG

2006 ANH SƠN

2007 Aa. QUÝ, TẶNG, LÃNG, TRIỆU

2008 Aa. THUN, ÁNH, SỸ, BÌNH, NHA, THAO, TÚY, PHÙNG, VĨ, GIA, TRIU, TOÀN

2009 Aa. ỜNG, THỌ, VŨ, CN, ĐÌNH, NHU, NG

2010 Aa. KIỆT, THIẾT, DÂN, ĐĂNG, V. DUY12, QUANG, TẤN, DUY, TRUYỀN, CƯỜNG13

2011 Aa. ÂN, ANH TRINH, NINH, LAM, SỦNG, THẾ

2012 Aa. HUY13 TUẦN, THẬN, LÂN, TÍNH, NGUYỆN, NHẠC, ĐOÁN

2013 Aa. HIỆP12, NHT, THÍNH, HƯƠNG, KHI, LINH, TRANG, TRIT, ĐIN, LĨNH, UY, TUÂN13 CHIẾN, TÍN, HUYẾN, PHÁT   

2014 Aa. XUYÊN, HUYÊN, BNG, LƯU, ĐOAN, TOÁN, LUÂN, ĐỈNH, CHÂU, THỊNH, THỤC, SINH, KHUYẾN, HÀO, THÂN, LĂNG, CHN, X.HÀO13

2015 Aa. THIỆN12, CƯƠNG, KHOA, HIU, TRỰC12, ANH, HOT, TRNH

2016 Aa. KHANH, PHAN, TRẠNG, TRIÊM, CHUNG, CẨM, LẬP, TRỰC, THUYẾT, TUẤN, TUỆ, CHUYÊN, TRƯỜNG, VÕ, PHÁN, KIM, NHIM, SAN

2017 Aa. TR, A, PHỤNG, LUT, BNG, NHT, ĐÍNH, ĐIN, RNG, THÀNH, NGC, DANH, DIỄN, THUẬN, ĐNG, ĐO, MNH14,

                DOÃN, CHUẨN, VƯƠNG, DU, VIÊN, CHƯƠNG, KHÔI, TRƯỞNG, Y PHAN, VƯỢNG, TRIỂN, CƠ, HẢO16 , SÁNG, TRÁNG, LC, ĐNG, DUYT, TUYÊN16

2018 Aa. NHÀN, TO, HIN, CÁC, VŨ16, TỜNG16,PHIÊN, HẠ, TƯ, CHÁNH, N.CHÂU12, PHONG, KHOA13, TĨNH, THỐNG

2019 Aa. HOAN, HUẤN, HUY, KHANG, MẠCH, VÂN, LỘC16, TRÚC, TẬP, TUẤN16, VINH

2020 Aa. TÚ, GIÁM, ĐƯỜNG, ANH VƯƠNG17

2021 Aa. LIÊM, LY, TUY, HẬU, HOÁ, QUANG17  HỒNG, NHÃ, THUẬT, PHI, KHIẾT, THOẠI 

2022 Anh ĐỐC

Thời điểm năm 2012, 10 năm trước đây, dòng đã có thêm, từ sau khi Anh Cả trở về năm 1993, 17 vị linh mục, và 44 vị nữa từ khi Anh Cả chết năm 2007 cho tới năm 2012, một lực lượng 61 vị linh mục vừa đủ để chẳng những phục vụ đời sống thiêng liêng và quản trị nội bộ dòng càng ngày càng phát triển về nhân số cũng như về các trụ sở mới, cùng với các việc mục vụ về nhiều lãnh vực khác nhau, mà còn bắt đầu có thể phục vụ công việc chính yếu mà dòng nhắm đến theo bản chất vừa giáo sĩ vừa truyền giáo của mình, đó là truyền giáo. Bởi thế, ngay năm 2012 đã có 2 anh em dòng xuất hiện tại Giáo Phận Bắc Ninh, phục vụ ở Giáo xứ Đại Điền, trong đó, có một anh em đầu tiên trong dòng được Đức Cha giáo phận ở vùng truyền giáo truyền chức cho, trước khi ủy thác cho anh vai trò Phó xứ Đại Điền. Để rồi, càng truyền giáo đắc lực anh em dòng lại càng được mời gọi đến nhiều nơi ở các giáo phận khác nữa, nhờ đó dòng lại càng tăng thêm nhiều linh mục thừa sai hơn, những anh em linh mục được chính các Đấng bản quyền ở các địa phương truyền giáo phong chức.

Cho tới nay, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, số anh em linh mục dòng hiện còn sống là 268 vị: 196 ở Việt Nam từ năm 2000, và 72 ở Hoa Kỳ từ sau năm 1975, chưa kể còn khoảng 100 vị phó tế ở Việt Nam nữa đã sẵn sàng và đang chờ thời cơ. Thậm chí sau này, số linh mục dòng ở Việt Nam, càng ngày càng dồi dào, có thể, theo dự tính của vị tân Tổng Phục Vụ III Vũ Minh Nhiên, còn được "xuất cảng" sang Mỹ để hỗ trợ việc mục vụ của Tỉnh dòng, nơi cũng đã có cả 100 vị linh mục (con số từ 7 vị năm 1975), nhưng các vị linh mục từ đội XI trở lên (từ VN sang HK 1975) giờ đây đã chết (25 vị, bao gồm cả 7 vị về ở Nhà Mẹ Việt Nam là Aa. Kiên, Đại, Ngạn, Nhiên và 3 anh đã qua đời là Aa Đức, Tuân và Thăng), chưa kể 3 linh mục trẻ đã ra triều, hoặc già đã về hưu hay đang yếu bệnh cần thay thế. Tổng cộng cả ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam số linh mục Đồng Công do chính dòng đào tạo ở Việt Nam, cùng với số linh mục tỉnh dòng ở Hoa Kỳ được đào tạo ở ngoài, đã lên trên 300 vị, nếu bao gồm cả những anh đã qua đời cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, và một số linh mục trẻ ở tỉnh dòng đã ra triều.

 

 

Trong tấm ảnh gần như toàn cảnh Thành phố Thủ Đức trên đây, nơi còn sót lại của dòng ở đồi Thủ Đức, không đáng tịch biên như những cơ sở khác của dòng ở Thủ Đức,

nơi chỉ toàn là ao cá và chuồng heo xưa của dòng, không ngờ, nhờ thân phận thấp hèn hẩm hiu ấy, như làng quê Belem bé mọn đã trở thành nơi cho Vua dân Do Thái giáng sinh,

mảnh đất thả cá và nuôi heo ấy đã từ từ lột xác biến hình thay dạng trở thành Nhà Mẹ khang trang rộng rãi cho 5-6 trăm anh em dòng chung sống...

(vị trí Nhà Mẹ trong tấm hình trên ở bên trái, với 3 giẫy nhà, giẫy mái trắng bằng, giẫy mái đen nhô lên có Thánh giá trên đỉnh và Tượng Mẹ bên dưới, và giẫy mái ngói đỏ)

Khu mục vụ của dòng ở Nhà Mẹ

Tháp chuông trong khuôn viên Nhà Mẹ, ở đầu nhà nguyện, phía bên hành lang hội trường và các văn phòng

Nhà Mẹ - Góc Tây Nam

Góc Nguyện đường Nhà Mẹ và Lầu Trái Tim Mẹ có lối dẫn ra cổng Nhà Mẹ

Bên trong Nguyện đường Nhà Mẹ

Lầu Thánh Tâm Chúa, hướng thẳng lên Nguyện đường Nhà Mẹ, nơi lầu 1, bên phải, có phòng của các cha hưu dưỡng cùng nhà nguyện của quí cha

Lầu ở bên phải Nguyện đường, tầng dưới cùng bao gồm văn phòng và hội trường, dẫn tới Lầu Thánh Tâm Chúa

Lầu Trái Tim Mẹ Toàn Thắng, bên phải Lầu Thánh Tâm Chúa hướng về Nguyện đường

Khu Mục Vụ Đồng Công ở mặt tiền của Nhà Mẹ Thủ Đức

Phục vụ nhu cầu ảnh tượng, sách đạo và phụng vụ Công giáo trong Khu Mục Vụ Đồng Công ở mặt tiền của Nhà Mẹ Thủ Đức

Tu viện Mẹ Dâng Mình bên Khu Mẫu Tâm Thủ Đức

 

Trong khi Dòng Đồng Công ở Thủ Đức bị chính quyền tịch thu hết mọi nơi ngoài trừ Khu Ao Cá và Nghĩa Trang,

thì Dòng Trinh Vương lại không bị họ tịch thu Khu Trường Học và Nội Trú ở gần nhà dòng, chỉ bị lấy mất một nửa.

 Giờ đây, Khu Khiết Tâm này đã giành cho hhơn 100 anh em Đồng Công sang ở và sinh hoạt cho đỡ chật chội bên khu Nhà Mẹ ở Khu Ao Cá Mẫu Tâm.

(hình chụp ngày 10/7/2017 trong chuyến về VN với thân hữu Đồng Công)

 

 

Cộng đoàn và Nhà Tĩnh Tâm Emmau ở Thủ Đức cho cộng đồng Dân Chúa

Để thấy được tình trạng Trổ Sinh mãnh liệt và nhanh chóng ra sao, sau khi Hạt lúc miến QP mục nát đi năm 2007,

xin xem tiếp trong mạng điện toán toàn cầu www.tinmung.net của dòng, và ở cột bên trái xin xem phần "80 Năm Đoàn Sủng Dòng" ở mục "Các Cộng Đoàn ở Việt Nam"

 

Ở đây em chỉ xin trưng dẫn một số khu vực truyền giáo của dòng từ bắc vô nam mà phái đoàn THĐC 2022 chúng em đã được phúc ghé thăm và tặng quà truyền giáo,

gồm có, theo thứ tự GP Hưng Hóa, GP Lạng Sơn, GP Bắc Ninh, GP Kontum, GP Buôn Mê Thuột, GP Long Xuyên, GP Mỹ Tho GP Xuân Lộc:

 

 

Cộng đồng dân Chúa ở Nhà thờ Hòa Phú mới được Giáo phận Long Xuyên nâng lên bậc Giáo xứ năm 2016.

Như Giáo xứ Châu Ninh ở GP Buôn Mê Thuột và Giáo xứ Châu Bình ở TGP Sài Gòn, Giáo xứ Hòa Phú ở GP Long Xuyên này cũng thuộc đất nhà dòng, nơi có Tu viện Thánh Giuse như dưới đây:

(những hình ảnh sinh hoạt giáo dân đông người được bao gồm ở Tu Viện Thánh Giuse trên đây là hình ảnh Nhóm TĐCTT ghé thăm và tặng quà truyền giáo ngày 5/10/2016)

Em tâm phương ở tấm hình 3 anh em, từ trái sang: Anh Triệu, em và Anh Bính, người anh chở em đi xe gắn máy (hình cuối giữa) thăm 1 giáo điểm gần Giáo xứ Hòa Phú

 

Rất tiếc em không có đủ tài liệu như các tấm trưng dẫn trên đây về 4 nơi nữa mà THĐC 2022 chúng em cũng đã ghé thăm, đó là:

1- Giáo họ Hạ Lũng GP Lạng Sơn của Anh Tới/Thiết; 2- Giáo xứ Xẻo Tam GP Long Xuyên của Anh Toán; 3- Giáo điểm ở GP Mỹ Tho của Anh Lĩnh; 4- Giáo điểm ở GP Xuân Lộc của Anh Hiệp/Chi

 

 

 

 

 

Ngày 25/10/1980, qua văn thư số 4931, Bộ Truyền giáo thành lập Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, trong đó,

Toà Thánh cũng ủy thác cho Tỉnh Dòng "chăm sóc phần thiêng liêng cho Kitô hữu Công giáo Việt nam tị nạn tại Hoa Kỳ", như được lập lại ở văn thư dưới đây:

Văn thư của Đức Cha Bernard Law, Giám mục Giáo Phận Springfield-Cape Girardeau, được công khai phổ biến trên NS TTĐC số 41,

để giới thiệu với Cộng đồng Dân Chúa VN ở Hoa Kỳ về Tân Tỉnh đòng Đồng Công kèm theo vai trò mục vụ của dòng với chung Cộng đồng này.

5 đệ tử đầu tiên (áo trắng đứng đầu) tại Hoa Kỳ, trong đó có Em Thưởng (ngoài cùng bên phái) đã làm linh mục và đã ra triều

 

Thơ anh QP viết cho Tu Sĩ Đồng Công HK sau khi Anh ra khỏi tù lần thứ nhất năm 1977, dịp xuân Mậu Ngọ 1978, trùng vào dịp anh em tỉnh dòng ở tấm hình trên

(nếu không đọc được bản viết tay của Anh Cả thì đọc ngay sau đó, phần em đánh máy lại nguyên văn toàn bộ thư của Anh, với những chỗ em tự nhấn mạnh bằng mầu)

 

    

 

Kính gởi các anh em Đồng Công tại Mỹ Quốc

Các em Yêu của anh

Xin Cha Má ôm ẵm thánh hóa các em cách rất đặc biệt, bền dai trong cung lòng đồng trinh vô nhiễm của Má…

Các em yêu ơi, đây là lần đầu tiên anh được tiếp truyện với các em trên giấy tờ từ ngày anh em xa lìa nhau (26-4-1975), đây là một cơ hội rất may cho anh đề viết cho các em thôi, chứ các em chắc chắn không có cơ hội viết cho anh đâu nhé(nói viết trực tiếp cho nhau), nếu các em có viết cho anh thì chỉ nên viết trực tiếp cho em Giản, rồi em Giản sẽ trao cho anh thôi, anh bị bắt và giam giữ cách rất nghiêm nghị, và khắt khe từ 12–6-1975 tại Di Linh đến ngày 29-4-1977 thì được tha về nhà dòng Thủ Đức. Thôi các em miễn thứ cho anh việc kể truyện về anh để khi gặp nhau sẽ nói, còn bây giờ xin các em chịu khó nghe truyện về đạo đức thôi nhé, các em hài lòng chứ? 

1. Trước hết anh xin lưu ý các em với bất cứ giá nào cố gắng giữ toàn vẹn Đức Tin cổ truyền, giữ như bản tuyên xưng Đức Tin Đồng Công mà chúng ta quen đọc trong ngày Chúa Nhật Đầu tháng, xin các em còn sống nếp sống Đồng Công như các em vốn đã sống khi còn ở quê Hương Việt Nam, giữ đúng hiến pháp, tục lệ, tinh thần dòng, đừng muốn buông thả, đừng muốn tháo khoán nhá, kẻo dần dần sẽ làm cho các em mất Đức tin mà các em không biết, nếu cần thiết thay đổi và thích nghi với khí hậu, với hoàn cảnh địa phương, thì chỉ nên thay đồi và thích nghi những cái vụn vặt bề ngoài mà xét ra cần thiết thật thôi, chứ những cái vụn vặt bề ngoài mà xét ra không cần thiết thật, thì cũng không nên thay đổi, về điểm này chắc các em cũng đồng ý với anh chứ?

2. Điểm thứ 2 anh muốn nêu lên, với các em là nếp sống quá tự do của Âu Mỹ, về điểm này cũng xin các em vui lòng nghe anh nhắc lại một biến cố lịch sử vô cùng cao trọng, một cử chỉ thật anh dũng và quảng đại làm vui nhộn cho thiên đàng, làm áp lực tức tối và căm phẫn cho hỏa ngục là các em đã sáng suốt, ý thức đầy đủ, là chính các em ý thức tự nguyện hiến dâng cho Thiên Chúa Ý muốn riêng của các em là của lể toàn thiêu liên lỉ hợp với lời Fiat đầy quả cảm, anh hùng của Má Đồng Công Vô Nhiễm trong ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa cha để cứu vãn các linh hồn, có đúng không các em? Thế thì cái tự do quá trớn của con người tự nhiên của chúng ta đã bị tiêu hủy bởi nguyên tắc do lời khấn vâng lời trọn hảo của các em rồi đâu còn chỗ đứng nữa? Vì thế, anh nài xin các em cố gắng sống sao cho hợp tình, hợp lý đúng theo ba lời khấn dòng, cố gắng sống theo tinh thần dòng, khép mình theo kỷ luật để nhờ thiện chí và ý muốn quảng đại của các em, mà các gốc rễ tự do luôn còn tồn tại trong con người của các em, được luôn phát sinh những hoa trái tốt lành theo ý Thiên chúa, theo chiều hướng con cái Chúa, tức là tâm hồn bình an hăng say yêu Chúa Mẹ, yêu nhau tha thiết, trọng kính tha nhân, khiêm nhượng hiền lành, tùng phục trọn hảo, thơ bé, lệ thuộc, khiết tịnh, nghèo hèn v.v. là những hiệu qủa tốt lành do sự tự do của con cái Chúa, chứ các em đừng để tại các em mà sinh ra hoa trái xấu xa, trái ý muốn của Thiên Chúa, trái đường hướng của con cái Chúa, tức là yêu thế tục, yêu cái tôi vĩ đại kiêu căng, tự đại, tự phụ, chống đối, bất tuân phục, khiếp đau khỗ, sỉ nhục v.v. đó là cái thong dong của thần dữ phát sinh đấy các em ạ, các em có còn tin được những lời anh nói đây? Đó là anh giúp các em xét mình đấy, chứ anh chưa giám kết án các em đâu nhe.

3. Điều thứ 3 là anh muốn góp ý với các em là xin các em hết sức đề phòng với nếp sống duy vật bên ấy là muốn sống đầy đủ, thoải mái vật chất trái với đức nghèo mà các em đã sáng suất tự nguyện tuyên khấn công khai trước mặt Giáo Hội, trước mặt công Đoàn Đồng Công. Về điểm này theo hoàn cảnh địa phương mà các em đang sống, chắc có nhiều điều châm chước và thích nghi để các em dễ sống và sinh hoạt nổi, nhưng chỉ nên châm chước và thích nghi những cái cần thiết thật để sống chung với xã hội bên ấy thôi, ngoài ra xin các em cố gắng khép mình vào kỷ luật (hiến pháp, tục lệ, tinh thần) dòng cho nghiêm chỉnh, các em đừng tách rời khỏi nếp sống tu trì đích thực của chúng ta là luôn noi gương nghèo của Phúc Âm, của Chúa Giêsu và của Má Đồng Công mà chúng ta quen giữ bên quê hương Việt Nam của chúng ta.

Các em yêu ơi, anh nhớ lại khi anh dựa theo ý Cha Má dẫn đưa các em ra phước Tỉnh chờ đi ngoại quốc là cha Má cố Ý sai các em đi mang ánh sáng Phúc Âm, mang chân lý ngàn đời, mang cái tinh thần của Mẹ Đồng Công, để soi sáng, để chinh phục thế giới vô thần duy vật, chứ không cố ý để các em hàng phục trước bả tình tiền vinh hoa thế tục phải không các em?

Các em yêu, em Xuân có kể truyện cho anh thời kỳ Xuân du học tại Roma, kỳ nghỉ hè có dịp đi tham quan nước Mỹ ít tuần, chính Xuân đã được gặp, ở it ngày với mấy vị nữ tu người Mỹ, chính Xuân đã dùng cơm với các bà và đã thấy mấy bà ăn khem khổ quá cực hơn anh em Đồng Công bên Việt Nam hàng ngày, bữa cơm của các bà là bánh mì, ít rau và chút ít cá khô thế thôi. Các em thấy vậy, ở nơi phồn thịnh vật chất dư thừa mà còn có chí, có gan sống nghèo theo gương Chúa Mẹ, thật quý báu quá các em ạ, đó là anh gợi ý cho các em, đề phòng canh chừng những xì căng đan vĩ đại của nhiều linh mục đã đi du học tại Mỹ quốc, ít năm sau về Việt Nam hoàn toàn hàng phục, ngã quị (một cách đê hèn, nhục nhã cho Giáo Hội) do bả tình tiền vinh hoa của Mỹ. Các em yêu, như anh biết thì Chúa Mẹ và Thánh Cả Giuse đã ban nhiều ơn rất đặc biệt, bên trong, bên ngoài, bao phủ gìn giữ các em để các em không có sự hàng phục đê hèn, không có sự ngã quỵ nhục nhã (trừ 1 số ra đi), dù sao các em cũng phải rất canh chừng và đề phòng khắt khe mới trông tránh khỏi bả tình vinh hoa của Mỹ quốc.

4. Điều thứ 4 anh muốn lưu ý các em cố gắng hết sức có thể để giữ gìn và phát triển mạnh mẽ lòng yêu say Chúa Mẹ, đây là điểm chính yếu, cốt cán của đời sống tu trì chúng ta, đó là chính mạch khí mọi hành động của chúng ta hàng ngày có gíá trị trước tôn nhan Chúa Mẹ, đây là chính dầu thơm nước mát làm cho nếp sống tu trì trở nên xinh đẹp, thanh xuân tươi trẻ hùng tráng, nếu mà thiếu nó, đời sống tu trì sẽ trở nên nặng nề, ngột ngạt, khó thở, bất mãn, ham đời, xuất tu v.v.

5. Điểm sau cùng anh muốn lưu ý các em là xin các em hãy thành thực tự đáy lòng sống với nhau bằng đức ái trọn hảo, biết trọng đức yêu nhau hơn mọi tư lợi, cố gắng giữ đức yêu nhau hơn mọi tư lợi hằng thiết tha yêu mến nhau trong tư tưởng, lời nói, hành động, luôn đoán ý lành cho nhau, nhịn nhục những khuyết điểm của anh em, biết tha thứ cho nhau trong mọi lúc, đừng đoán xét ai và vui lòng chịu người ta xét đoán, trọng kính mọi anh em mà không đòi được anh em trọng kính, đừng phê phán bình phẩm nói hành ai, mà sẵn sàng chịu chê bai đàm tiếu.

Các em ơi, vì các em là thành phần Đức tin hoàn hảo mà, các em đâu có quên. Yêu nhau là mến Chúa, yêu nhau là thước đo Thánh Thiện, đặc tính cá biệt của tu sĩ Đồng Công là yêu nhau để lôi kéo nhiều linh hồn về với lòng yêu bao la toàn năng, vĩnh cửu.

Các em ơi, đây là món qùa Đầu Xuân Mậu Ngọ. Xin các em cầu cho anh rất tội lỗi. 

ĐMThủ

 

Tâm điểm lầu 1 của Nhà 3 tầng, bên trong cửa ngay sau lễ đài, là Tượng Mẹ Mông Triệu, danh hiệu của tỉnh dòng, và sau lưng tượng là Hội trường

Cả hai lầu trong hội trường Nhà 3 lầu của Tỉnh dòng này chứa được 500 người

Góc vườn trước Nhà 3 Lầu có lối (quẹo bên trái từ cửa ra, lối linh mục đoàn tiến ra lễ đài vào NTM hàng năm) dẫn tới Nguyện đường Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ (hình dưới)

Nguyện đường Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Lối vào công trường Mẹ Tỵ Nạn từ phía đường Highland ở Carthage

 

 

 

Anh em tỉnh dòng với Đức Hồng y đại ân nhân Bernard Law mừng 50 năm Linh mục (21/5/1961-2011)

và 2 Đức Cha GP Springfield Cap Giradeau là GP của trụ sở tỉnh dòng, cùng Cha Andrew, vị linh mục mối giới giữa dòng và Vị đại ân nhân này ở trại Fort Chaffee Arkansas.

 

 

Đồi Canvê, cũng trong khu vực của tỉnh dòng, khu vực được mua thêm sau này cho khách hành hương NTM hằng năm được rộng chỗ sinh hoạt hơn.


Xin xem tiếp các links dưới đây về tình trạng phát triển lạ lùng của Tỉnh dòng Mẹ Mông Triệu Hoa Kỳ


1. 
Mục Vụ Giáo Xứ   -   Album phục vụ

bullet  2. Các cộng đoàn



 

 

 

Lịch sử 70 năm Ngọc Khánh của Dòng Đồng Công nhỏ bé tầm thương "như một hạt cải bé nhỏ nhất trong các hạt" (xem Mathêu 13:32), trong các dòng tu tiền bối Âu Tây ở Việt Nam, thậm chí ngày xưa còn bị khinh thường, quê mùa, chậm tiến. Thế nhưng, cho đến nay, hội dòng này, với quyền năng của Đấng Quan Phòng thần linh vô cùng khôn ngoan, đã như thể "trở thành một cây vĩ đại" (xem Mathêu 13:32), cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ: Ở Việt Nam - qua sự hiện diện và việc đắc lực truyền giáo của hội dòng ở hầu hết các cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội ở Việt Nam từ bắc vô nam, được các đấng bản quyền địa phương mời gọi phụ giúp phục vụ; ở Hoa Kỳ - qua sự hiện diện và việc đắc lực mục vụ của anh em linh mục tỉnh dòng ở rất nhiều Giáo xứ, Cộng đoàn, bao gồm cả của Mỹ, được các đấng bản quyền địa phương mòi gọi hợp tác phục vụ, nhất là qua Ngày Thánh Mẫu hằng năm ở trụ sở của tỉnh dòng Carthage Missouri.

 

Hiện tượng trở thành một cây vĩ đại như thế không thể nào xẩy ra theo tự nhiên, trái lại, theo tự nhiên, nó đã chết yểu từ lâu, nhất là khi xẩy ra những cơn sóng cả dập dồn nổi lên liên tục từ khi lập dòng cho tới khi Đấng sáng lập qua đi, nhất là đợt sóng thần 2006-2007, ngay thời gian Đấng sáng lập đang trải qua cuộc khổ nạn cả về tâm thần lẫn thể xác, cho tới tận lúc ngài qua đi. Thế mà sự hiện diện của hội dòng này vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển lạ lùng như thế, như chúng ta đã thấy ở phần "Đồng Công - Trổ Sinh" thứ 7 vừa rồi, không phải từ một hạt cải nhỏ bé nhất hay chăng, nghĩa là, từ tinh thần tận hiến của dòng, một tinh thần tận hiến, theo đấng sáng lập, được đồng hóa với và hiện thực nơi linh đạo thơ ấu thiêng liêng, do chính Đấng sáng lập đã là gương sống và huấn dụ cho những tâm hồn muốn theo đuổi Lý tưởng Thánh của Anh, với Anh và như Anh. Sau đây là chính những lời huấn dụ bằng văn từ của ngài, như một di sản để lại cho hội dòng được ngài sáng lập 70 năm trước.

Bức Thư Anh Cả viết năm 1965 cho các em Thỉnh Sinh Đội IX ở Đệ Tử viện để đáp lại những gì các em đã viết cho Anh,

trong đó, dù vắn gọn, nhưng đủ bao gồm cả mục đích lập dòng của anh là "làm đại thánh Việt Nam trên Nước trời", nhờ đó mới có thể "làm tông đồ trong thời kỳ cuối đời",

đồng thời Anh cũng huấn dụ về đường lối nên thánh đó là sống bé nhỏ, "theo Chúa Hài Đồng sống đời nghèo nàn, vâng lời", như Anh "là một linh mục tội lỗi nhất loài người",

và đó là lý do chính Anh Cả đã chọn khẩu hiệu cho Đội IX là "Sicut Parvuli - Như những trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3)

 

 

Trên đây là hình chụp từ tập sách được Anh tổ phụ Nguyễn Đức Kiên soạn dọn và phổ biến năm 2022, dưới đây là nguyên bản anh viết (ở trang 4-6).

Sở dĩ em phải làm cả hai kiểu vừa hình ảnh vừa nguyên bản là vì lợi ích chung, cách riêng cho những ai cần trích dẫn thì copy từ nguyên bản cho dễ.

 

 

                                                                                                              PHẦN I                                                                                                           

                                                           ĐƯỜNG THƠ ẤU PHÚC ÂM                                                            

DO ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG PHÁC HỌA

+  Bài nhất : Đôi nét chính yếu Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng :

    (Đây là nguyên văn bài viết do chính Anh Cả biên ngày 8-7-1972)

A.    Nền tảng Phúc Âm:

    - 1.“Nếu các con không trở nên và ăn ở như trẻ nhỏ, thì các con không được vào Nưới Trời” (Mt 18, 3).

   -  2.“Ai hạ mình xuống như trẻ này, đó là người lớn nhất trên Nước Trời” (Mt 18, 4).

   -  3.“Lạy Cha, Con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu kín những việc này nơi các người khôn ngoan và thông thái, mà Cha lại tỏ ra cho những người trẻ thơ”(Mt 11, 25).

     Vậy nên xét xem cái gì thuộc về Bản Tính Tuổi Trẻ, cái gì là Đặc Tính của Tuổi Trẻ.

        B..Bản Tính Tuổi Trẻ :

        Bản tính của tuổi trẻ trong đàng thiêng liêng là:

1/ Hoàn toàn bất lực trong mọi lãnh vực.                                                        

2/ Hoàn toàn sống dựa vào người Mẹ, như là phần thể của người Mẹ, không lìa được sự gìn giữ dưỡng nuôi bồng bế của Mẹ.

         ** 1. Hoàn toàn bất lực: Hoàn toàn bất lực, vì theo Tín lý, Chúa dựng nên ta bởi hư vô; trước khi dựng nên ta, ta là hư vô hoàn toàn. Chúa không dùng quyền vạn năng của Người mà kéo ta ra khỏi hư vô, thì muôn đời ta còn là hư vô. Nhưng khi Chúa đã đưa ta ra khỏi hư vô mà làm cho ta nên một sự hữu, thì tự ta không thể tồn tại được, cần Chúa dùng quyền vạn năng Người mà bảo tồn ta, thì ta mới tồn tại được. Đó là điều thuộc Đức Tin, và Triết học cũng minh chứng như vậy.

     Dầu ta được Chúa dựng nên và bảo tồn, nhưng nếu Chúa không trợ lực và không đánh động ta trước, thì ta vẫn hoàn toàn bất lực, ta không thể làm được việc gì hết. Đó là cái bất lực thứ ba của các  loài thụ tạo trong lãnh vực tự nhiên thôi, chứ chưa nói đến hành động siêu nhiên. Còn trong lãnh vực siêu nhiên, ta càng bất lực như Đức Tin dạy và chính Chúa Kitô đã tuyên bố: “Không có Cha, các con không thể làm gì được” (Ga 15, 5).

     ** 2. Hoàn toàn sống dựa: Điều thứ hai cũng thuộc yếu tính đời sống thơ ấu thiêng liêng là hoàn toàn sống dựa, sống lệ thuộc vào Thiên Chúa : Dù hiện hữu. dù tồn tại, dù hành động trong hiện tại, quá khứ và tương lai, hết thảy đều tin tưởng, phú tháchoàn toàn nơi quyền vạn năng và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, lòng trí phải thoát ly hết mọi thụ tạo, duy tình yêu Thiên Chúa lôi kéo thu hút trí lòng họ.

     Đó là hai yếu tính thuộc đời sống thơ ấu thiêng liêng theo Phuc Âm.

C.    Những đặc tính của Tuổi Trẻ :

 

Những đặc tính phụ thuộc của tuổi trẻ thiêng liêng:

1. Trong sạch.

2. Đơn sơ hồn nhiên.

3. Thật thà thẳng thắn.

4. Dễ dạy, dễ tin.

    Đó là bốn đặc tính (proprietates) của tuổi trẻ.

     ** Trong sạch:Trong sạch của tuổi trẻ, không những là sạch các tội trọng nhẹ, nhất là phải hiểu sạch tội tà dâm. Trẻ con thấy người nữ người nam như nhau, con mắt, lòng trí và con tim đều trong trắng vẹn sạch, không yêu nhăng nhít, chỉ yêu và dính liền với Mẹ thôi.

      ** Đơn sơ hồn nhiên : Đơn sơ là không phức tạp, không lèo lá, không chải chuốt, không rào đón, trong có thế nào, ngoài cũng vậy. Một là một, hai là hai, có là có, không là không, tốt là tốt, xấu là xấu. Chúa bảo ta phải đơn sơ như chim bồ câu, nhưng phải khôn ngoan như con rắn. Hồn nhiên là bộ điệu không gò bó, không bị cưỡng ép, không sợ sệt, vui tươi không nghĩ ngợi, vô tư không lo lắng. Đó là tâm hồn quân bình.

       ** Thật thà thẳng thắn :  Không nói dối, không làm gì dối trá, không ở cách dối trá, không nói quanh quéo, không làm quanh quéo, không ở cách quanh co, trong ngoài trung thực. Đó là người thực thà. Một người thẳng thắn là một  người trong ngôn, hành, phán đoán không thiên vị, không thiên tả, không chủ quan, không yên trí, cứ sự thật, cứ thẳng mực tầu.

       **  Dễ dạy, dễ tin : Trẻ thơ chưa có ý niệm, chưa có kiến thức gì, nếu không dễ dạy dễ tin, thì muôn đời dốt nát. Đức tính dễ dạy dễ tin trong đường thơ ấu thiêng liêng cũng vậy, nếu không dễ dạy dễ tin các điều Chúa mạc khải, Chúa phán dạy trong Kinh Thánh,Chúa Thánh Linh soi động, nếu không dễ tin các điều giáo huấn của các thánh, các bề trên, thì làm gì hiểu được chân lý siêu nhiên? Làm gì thấu hiểu được tinh thần Phúc Âm” ? Làm gì trở nên người siêu thoát? Làm gì trở nên giống Chúa Kitô, giống Mẹ và các thánh được? Nhưng trái lại đối với các nhầm lạc, các triết thuyết giả, các tư tưởng trần tục, các phán đoán nhận thức phản Phúc âm, phản chân lý Đức Tin, thì chớ dễ tin dễ dạy, kẻo ta sẽ trở thành tà thần phản Chúa.

       Lời Anh Cả ghi cuối cùng: Trên đây là vài tư tưởng về con đường thơ ấu thiêng liêng Chúa dạy trong Phúc âm, Anh chỉ tên nó cho các em biết … Cần các em suy niệm, rồi chính Chúa và Mẹ sẽ dạy vẽ rất rõ ràng trung thực cho các em, nếu các em thật khiêm nhượng.

Những gì được Anh Nguyễn Đức Kiên trích lại trong tập "Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng Đồng Công" (2022) trên đây là toàn bộ Luật Bé Nhỏ Anh Cả đã viết để đáp ứng lòng khao khát của em.

Khi em không còn tiếp tục ở trong dòng nữa từ ngày 20/8/1982, sau 18 năm 2 tháng theo đuổi ơn gọi Đồng Công, em đã lưu lại bảo vật hiếm quí riêng tư được chính ta Anh Cả viết cho em cho dòng ở văn phòng tỉnh dòng.

Do đó, Anh Kiên mới có để trích dẫn như thế, và vì thế, cho dù không còn thấy đâu bản viết tay quí báu của Anh Cả chăng nữa, thì đây cũng là chứng tích cho thấy tâm tưởng của Anh Cả về nếp sống bé nhỏ Đồng Công.

 

Em đã email xin Anh Thư ký Tỉnh dòng hiện nay là Anh linh mục Hưng Long lục soát lại trong văn khố của dòng xem có thấy hay chăng, và em đã nhận được hồi âm qua email ngày 12/1/2023 như sau:

"Còn cuốn Luật Bé Nhỏ mà Anh Cả viết tay cho Anh, rất tiếc em tìm không thấy.

Đây là cơ hội cho em có dịp xem lại các tài liệu trong văn phòng, nhưng em đã tìm đi tìm lại 2 lần rất kỹ những folders:

bút tích Anh QP, thư từ Anh QP, hồ sơ của AE Xuất, tab Anh Phương (Tĩnh), folder sổ tâm hồn của Anh, sổ khấn, và một số folders khác liên quan, nhưng không thấy đâu cả.

Em cũng tiếc và cũng buồn vì không thấy tài liệu quí giá này. Hy vọng có dịp hỏi Anh Em nào làm văn phòng ngày xưa xem có manh mối thấy hoặc cất ở đâu không?"

 

 

Cũng trong tập "Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng Đồng Công" (2022) trên đây, Anh Kiên cũng trích lại một bài viết dài rất tuyệt vời của Anh Cả 

từ giữa trang 8 (tiếp theo phần liên quan đến Luật Bé Nhỏ) - Bài hai: Nếp sống Thơ bé Đồng Công, cho đến hết các trang ở bên dưới tấm hình "kỷ niệm 33 năm thành lập dòng".

 

(Trước hết em xin trích lại nguyên bản Anh Kiên biên soạn, sau đó là hình chụp các trang về "Bài hai: Nếp sống thơ bé Đồng Công" ở các trang 8-18 của tập sách này)

 

 

Bài hai : Nếp sống Thơ Bé Đồng Công

   (Đây là bài Anh Cả viết dưới hình thức một bức tâm thư gửi toàn thể anh em Đồng Công để kỷ niệm 30 năm Khai mạc Năm Thơ Ấu Thiêng Liêng của Dòng, nhân dịp mừng 33 năm Thành Lập Dòng – ngày 2-2-1986)

  

 “Puer natus est nobis – Một hài nhi sinh ra cho chúng ta” (Is 9, 6)

A.    Sự Thơ Bé, Lệ Thuộc của Chúa Giêsu

       Anh em thân mến,

       Hài Nhi đây, nếu là con người thuần túy thì cũng rất đỗi vui mừng cho nhân loại vì thêm được một người cho nhân loại; con người có một linh hồn cao trọng quí đẹp hơn tất cả thế giới hữu hình này, vì linh hồn được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng giống ảnh tượng Người.  Xin mở ngoặc “Đây chúng ta nói chuyện với những người anh em của ánh sáng chân lý Đức Tin, chân lý vô ngộ, chứ không nói với thế giới vô thần duy vật, họ đã tráo lộn đồng hóa với kiêu ngạo dâm ô, với tội lỗi đam mê, họ phá thai, giết người như một xảo kế để hưởng thụ”, xin đóng ngoặc.  

       Nhưng Hài Nhi nhà tiên tri nói đây là Hài Nhi của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời là Thiên Chúa tự hữu, hằng có đời đời – Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Vì yêu thương loài người, muốn cứu rỗi, thánh hóa loài người, muốn vạch ra cho loài người con đường cứu rỗi, con đường thánh hóa tuyệt hảo để chống lại đường lối kiêu căng của bè lũ Satan hỏa ngục, chống lại con đường phá hoại bất tuân của tổ tông Adong-Evà, Ngôi Lời đã tự hủy mình, đã tự hạ mình là một bào thai, là một hài nhi trong cung lòng Đồng Trinh Vô Nhiễm Mẹ Maria, sống giữa loài người, trong đoàn lũ con cháu Adong-Evà, hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian và không gian, hoàn toàn tùng phục lệ thuộc vào ý muốn sắp xếp, định đoạt của Cha Má đưới đất cũng như trên trời, để lấy lại cho tất cả con cháu Adong-Evà sa ngã một sức mạnh vô song, thắng vượt hỏa ngục, một sự tự do thánh thiện trở nên con cưng yêu Cha Má, đạt tới hạnh phúc trường sinh vĩnh cửu trên Nước Trời.

       Ôi! Nếp sống Bào Thai Thơ Nhi quí đẹp tuyệt vời, rực rỡ chói chang, sáng láng vô cùng, làm cho các tầng trời vui mừng khoái lạc phi thường.  Gloria in excelsis Deo đem lại cho trái đất Mùa Xuân cứu rỗi, một chòi lộc báo hiệu Nước vinh quang sắp xuất hiện, hết mọi người thành tâm thiện chí đều được an vui thỏa dạ - et in terra pax hominibus bonae voluntatis (Lc 2, 14).

        ** Tùng phục và lệ thuộc Mẹ Maria :

      Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, đã trở nên một trẻ thơ. Nhưng về thể lý, Chúa Giêsu đâu có đứng nguyên làm trẻ thơ mãi. Người lớn lên dần, trở thành một thiếu niên, một thanh niên cho tới 30 tuổi, vẫn ở chung nhà với Cha Má, tùng phục lệ thuộc vào Cha Má như người con ngoan thảo. Thánh Kinh đã ghi rõ: “…et erat subditus illis” (Lc 2, 51).Khi gần tới tuổi 30, Con gọi Mẹ đi nói truyện: “Hỡi Mẹ - Chúa nói – đây là hữu thể con người đích thực do thể chất của Mẹ ban cho Con. Mẹ đã nuôi dưỡng Con bằng sữa của Mẹ, bằng bàn tay lao nhọc của Mẹ, vì thế Con nhìn nhận Con là Con của Mẹ một cách rất khít khao, tình thiết hơn hết mọi người con đối với mẹ mình. Này Mẹ, Con xin phép Mẹ để Con đi làm tròn ý Cha trên trời …”. Đó là ít lời Chúa nói với Mẹ để xin phép và từ giã Mẹ trước khi xuất gia đi truyền giáo công khai. Mẹ cũng theo sát Con trên đường truyền giáo, nhưng Mẹ không đi sát kề bên Con, chỉ theo Chúa xa xa vậy. Nhưng Chúa đến thành nào, Mẹ cũng vào thành đó, giảng dạy giúp đỡ cách âm thầm trong các gia đình thôi, để việc giảng dạy công khai của Chúa Giêsu không bị trở ngại, mà lại có phần kết quả mỹ mãn về phía dân chúng do sự cầu nguyện hường dẫn và khuyến khích của Mẹ. Khi gần hết thời kỳ giảng dạy, sáng ngày Thứ Năm trong tuần (quen gọi là Tuần Thánh), Chúa Giêsu lấy tình con cái tùng phục lệ thuộc quyền người mẹ, xin phép Mẹ để thi hành mệnh lệnh Cha trên trời : “Hỡi Mẹ - Chúa Giêsu nói – Con xin phép Mẹ để Con đi chịu thương khó và chịu chết cho nhân loại. Với tính cách là Mẹ thật của Con, xin Mẹ hãy chấp nhận cho Con nộp mình cho lý hình giết Con để phục mệnh Cha trên trời…”. Đến đây, ta đã thấy Chúa Giêsu đã tùng phục lệ thuộc vào Cha Má dưới đất khi bé nhỏ, lúc trưởng thành và cho đến khi chết trên thập giá. Bây giờ ta xem Chúa Giêsu đã sống thơ bé, tức là tùng phục lệ thuộc vào Chúa Cha thế nào?

          ** Tùng phục và  lệ thuộc Chúa Cha :

       “Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Ph 2, 8). Trên đây là lời thánh Phaolô nói về sự tùng phục lệ thuộc của Chúa Giêsu từ khi ngự xuống lòng Trinh Nữ làm Bào Thai cho đến chết trên thập giá, tất cả đều do ý muốn Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu cũng nói trong Phúc Âm: “Ta từ trời xuống , không phải để theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38); nơi khác : “Ta không làm gì bởi tự Ta, Ta luôn làm như ý Cha” (Ga 6, 29-30); đến nỗi trước khi chết, Người vào vườn Cây Dầu, linh hồn buồn bã quá, miệng nói ra với môn đệ: “Linh hồn Thầy buồn sầu quá đến chết được”. Người phải kêu van Cha: “Lạy Cha, nếu đẹp lòng Cha, xin Cha cất chén này cho Con, nhưng đừng theo ý Con, cứ theo ý Cha” (Mt 26, 36-39). Chúa nói đi nói lại với Cha Người ba lần như một trẻ thơ kêu van với cha vậy. Nhưng dù sao, Người cũng hoàn toàn lệ thuộc tùng phục lệnh thánh của Cha. Như vậy theo lời Chúa Giêsu nói trên, tất cả mọi hành động của Chúa Giêsu từ đầu thai cho đến chết trên thập giá – dù nhỏ, dù cả thể lớn lao, gồm tất cả biến cố trên đời sống nhân tính, thiên tính của Người – đều do Người tùng phục lệ thuộc trọn vẹn vào Thánh ý Cha trên trời. Người đã thành một nô bộc của Thánh ý tối thượng, một đời sống bé thơ trọn vẹn và cao cả.

       Anh em thân mến, xem ít hàng chữ trên đây, chúng ta chỉ thấy Chúa Giêsu hoàn toàn tùng phục lệ thuộc vào Cha Má dưới đất cũng như trên trời, còn đối với các thụ tạo cấp dưới thì sao?

       ** Tùng phục loài người :

       Tinh thần thơ ấu thiêng liêng bao trùm tất cả mọi hành động, mọi ngôn từ, mọi biến cố. Đời sống trần gian của Chúa Cứu Thế đã tới chót đỉnh hoàn hảo và cao cả đối với Cha Má dưới đất cũng như trên trời. Đối với các thụ tạo cấp dưới, tinh thần và sự lệ thuộc tùng phục của Chúa Cứu Thế càng sáng tỏ minh nhiên trước mặt cả loài người, nhất là dân Do Thái như các thánh ký tường thuật. Vừa sinh ra được 8 ngày, Chúa đã phải chịu cắt  bì theo luật Mai-sen như một tội nhân, sinh được 40 ngày phải vào đền thờ xin nộp tiền lễ vật để tẩy uế cũng do phải giữ luật Maisen; bị đem trốn chạy sang Ai Cập tránh cái chết dã man do lệnh Hêrôđê như người hèn nhát; theo lệnh thiên thần phải trở về Nagiaret. Hằng năm các lễ trọng của Do Thái, Chúa đi dự lễ như người thường dân; trước ba năm truyền giáo công khai,nhập với bọn thường dân đến xin Gioan làm phép rửa cho như một tội nhân; bị tên phản loạn Satan đem lên nóc nhà thờ, đem lên đỉnh núi cao để dụ dỗ, xúi giục theo hắn. Chúa không từ chối cái hôn gian tà phản bội thày của tên Giuđa; ngoan ngoãn nộp mình cho bọn lính trói giặt cánh khỉ giong đi nộp cho hai ông Anna và Caipha. Chúa tỏ ra nhân từ và hiền lành hầu tòa trước mặt Anna, Caipha và Philatô như một tên tội ác. Chúa bị bọn lính hung tàn lột áo đánh đòn, sỉ vả, dày xéo như con sâu bọ đất. Chúa vâng  lời bọn lý hình vác cây thập giá đến Núi Sọ, chúng truyền nằm ngửa trên cây thập và đóng đinh vào đó. Chúa đã trở nên như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không hề mở miệng. Đang bị đóng đanh trên thập giá, gần chết, Chúa mới mở miệng: “Lạy Cha, xin Cha tha tội cho chúng, vì chúng nhầm không biết” và : “Lạy Cha, Con đã hoàn tất mọi việc Cha trao cho Con, Con xin phó dâng linh hồn Con trong tay Cha” (Lc23, 46).

   Đấy tấm gương sáng chói về sự phục tùng lệ thuộc trọn lành cao chót, tột đỉnh trong đời sống Thơ Ấu thiêng liêng, đời sống tận hiến cho Mẹ của tu sĩ Đồng Công.

 

B.    Nếp sống Thơ Bé Đồng Công

       1.Tận hiến cho Mẹ:

       Anh em thân mến,

       Tất cả đều do lòng thương yêu bao la vô biên Ba Ngôi Thiên Chúa quan phòng sắp xếp định đoạt, chứ không phải do công lao ý muốn của loài người “neque volentis neque currentis, sed miserentis est Dei – không phải kẻ muốn, không phải người chạy, nhưng do lòng xót thương Thiên Chúa”(Rm 9, 16).Huống nữa, vai trò Đồng Công của chúng ta, chính Cha Má đã quan phòng xếp đặt cho Hội Dòng hèn mọn bé nhỏ của chúng ta từ ngày thai nghén manh nha  (4-4-1941), ngày nứt mộng đâm chồi (15-8-1948), ngày thành cây kết quả (2-2-1953). Chúng ta đối với Cha Má, tất cả đều mặc cái hình thức vô tài bất lực, tất cả đều mang nếp sống của trẻ thơ, hoàn toàn lệ thuộc tùng phục, tin tưởng cậy trông phó thác, bám bíu vào Cha Má trên trời, theo gương Chúa Hài Nhi Thơ Bé, Người Anh Cả của chúng ta. Đúng thế, anh em thân mến, ánh sáng dịu dàng của Chúa Thánh Linh và Mẹ Maria vừa hé mở (4-4-1941) thì Anh đã đón nhận, suy nghĩ, cầu nguyện bàn hỏi hơn 6 tháng, và sau khi đã chắc chắn, tin tưởng vào Chúa, Mẹ, thì ngày 21-11-1941, Anh đã đọc bản kinh dâng hiến toàn thân và tất cả Hội Dòng trong tương lai cho Mẹ hết. Từ đây nếp sống tận hiến cho Mẹ và nếp sống Bào Thai Thơ Bé Đồng Công khai mào. Cũng từ đây, tất cả những ai xin gia nhập Dòng mới, đều được tận hiến cho Mẹ, sau khi đã thử thách ít ngày hoặc ít tháng;  cho đến ngày Dòng được thành Hội truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công, tất cả những ai được tuyển chọn chính thức gia nhập Hội Truyền Giáo Đ.C., thì chính ngày gia nhập được Tận hiến lại cho Mẹ; cứ tiếp tục như vậy, từ ngày 15-8-1948 cho đến ngày 2-2-1953 là ngày Dòng được thành lập chính thức theo Giáo Luật, các anh em được tuyển chọn làm tu sĩ tiên khởi đã tận hiến lại cho Mẹ. Và từ đấy (2-2-1953) cho đến bây giờ (1986) và cho đến hết đời, tất cả những ai muốn gia nhập Tập viện Dòng ĐC, hoặc cả lớp, hoặc cá nhân đều phải học hỏi về việc Tận hiến và sống Tận hiến ít là một tháng trước khi vào Tập viện. Chính ngày gia nhập Tập viện, phải đọc kinh Tận Hiến. Cũng trong thời gian Tập, phải tập sống nhờ Mẹ, với Mẹ …như Hiến Lệ đòi buộc. Thêm vào đó, hằng ngày, suốt từ khi Dòng còn là Hội Đạo Đức cho đến bây giờ, vào ban sáng trước giờ nguyện ngắm, vốn đọc kinh dâng mình và dâng tất cả anh em Dòng cho Trái Tim Mẹ; cũng hằng ngày, phần đông các Đội Khấn, hoặc cả Đội, hoặc ít là khi có 3, 4 anh em cùng Đội ở chung với nhau tại Nhà Mẹ hay tại các nhà khác, trước kinh Đức Ái, đều dâng Đội lại cho Trái Tim Mẹ. Tiếp đến hằng năm, trong 3 ngày trọng đại nhất của Dòng, gọi là ba ngày Tết của Hội Dòng: Ngày Sinh Nhật Chúa Hài Nhi, Sinh Nhật Mẹ, Tết Dân Tộc, tại Nhà Mẹ, ngày áp Tết trước nửa đêm, Anh Tổng Giám Đốc đọc kinh dâng toàn Dòng cho Trái Tim Mẹ; tại các Tu viện, Khu, Sở, anh Giám Đốc thay cho mọi anh em trong nhà tôn nhận Mẹ là Từ Mẫu, là Giám Đốc chỉ huy, điều khiển mọi công việc trong nhà, nhất là hướng dẫn trí lòng mọi anh em trong Tu viện, Khu, Sở; cũng hằng năm, ngày lễ Trái Tim Mẹ, ngày lễ Mẹ Đau Thương, tất cả mọi anh em tại Nhà Mẹ, tại các Tu Viện, Khu, Sở của Dòng đều đọc kinh Tận Hiến lại cho Mẹ. Lễ Quan Thầy của các Đội Khấn, của các Ban tại Nhà Mẹ cũng như tại các Tu Viện, Khu, Sở, các Đội, các Ban, tât cả đều đọc kinh Tận Hiến cho Mẹ.

 

2.     Đời Tận Hiến và Nếp Sống Thơ Ấu Thiêng Liêng là Một :

 

Anh em thân mến,

        Có lẽ anh em thắc mắc: Sao Anh toàn nói về Tận Hiến thế? Anh xin trả lời cho các em thế này:

       Trước hết, xin anh em hồi tưởng lại các điều chúng ta đã học về Tận Hiến hơn một tháng trước khi vào Tập Viện, nhất là xin các em đọc kỹ lại bức Tâm Thư Yêu Thương Má gửi cho Tập Sinh – Nô Lệ Tình Yêu – ngày 10-9-1980, chắc các anh em đã thấy ngay rằng: Nếp sống Thơ Ấu Thiêng Liêng của các tu sĩ Đ.C. và nếp sống Tận Hiến cho Trái Tim Mẹ của Đ.C. danh từ thì khác nhau, bản chất yếu tính  hoàn toàn là một, vì cái cốt yếu của đời sống Thơ Bé và đời sống Tận Hiến là hoàn toàn tùng phục, hoàn toàn lệ thuộc vào Cha Má. Thế nên đời sống Tận Hiến của ĐC bắt đầu từ đâu, thì nếp sống Thơ Bé ĐC cũng khai sinh từ đó. Nói một cách khác cho dễ hiểu hơn là sự Tận Hiến cho Mẹ là con đường đi lên của trẻ thơ, là mô phỏng con đường mà chính Chúa Giêsu Hài Nhi đã sống, đã đi qua để đến với chúng ta, thì chính Chúa cũng muốn chúng ta đi vào con đường đó là đời sống Thơ Bé để gặp Người, trở nên Người – một Giêsu Thơ Bé; nên chính Người đã ngăm đe và hứa hẹn: “Nếu các con không trở lại và sống như bé thơ thì các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ này, người đó là kẻ cả trên Nước Trời” (Mt 18, 3-4). 

 

3.     Rất ít anh em ĐC sống Thơ Bé :

       Quả thật, nếu sự Tận Hiến cho Mẹ là con đường, là nếp sống của trẻ thơ, thì ai càng sống sát khít với tinh thần Tận Hiến thì càng là trẻ thơ (Tinh thần Tận Hiến là hoàn toàn bỏ mình, hoàn toàn tùng phục, hoàn toàn lệ thuộc vào Cha Má). Trong thực tế, hết mọi thành phần của Dòng ĐC, ít là hết mọi Tập sinh, hết mọi Khấn sinh, tất cả đều đã Tận Hiến mà rất ít là Bé Thơ, rất đông là khổng lồ vĩ đại. Lý do là vì sự Tận Hiến cho Mẹ có phần hình thức: đọc kinh Tận Hiến, đọc ba Lời Khấn Dòng, giữ Hiến Lệ …thì tất cả mọi Tập sinh, Khấn sinh đều đã đọc, đã giữ bề ngoài cả thật; còn tinh thần của sự Tận Hiến là trong nội tâm, linh hồn, trí lòng luôn sát khít với tình yêu Chúa, Mẹ, với tha nhân cho thật chí thiết say mê, làm chủ điều khiển được các đam mê dục vọng, các ước muốn tự nhiên trong mọi hoạt động hằng ngày của linh hồn và thân xác, nghĩa là hoàn toàn bỏ mình, tùng phục lệ thuộc vào Cha Má trọn vẹn, đây chính là nếp sống Thơ Ấu thiêng liêng của Dòng, lại rất ít anh em ĐC đạt tới.

 

       Đây là lý do rất ít anh em ĐC thơ bé:

     a/ Có lẽ vì chưa được thâm tín sâu xa giá trị một linh hồn bé nhỏ trước mặt Cha Má, vì Đức Tin kém yếu lờ mờ, thành ra vô tri bất mộ.

     b/ Lẽ nữa là vì tính tự nhiên thích phóng khoáng, thích rộng rãi, thần tôi ưa được đề cao biệt đãi, hưởng thụ, tự kiêu, tự đại, tự ái.

     Nếu đúng như vậy thì chúng ta tự mâu thuẫn rồi, vì đi tu là vào con đường hẹp, con đường từ bỏ mình cơ mà, cứ sống mâu thuẫn thì đời nào đạt được tinh thần Thơ Bé của Chúa Kitô.

 

4.     Sống đời Bé Thơ để dáp yêu Cha Má :

 

     Vậy chúng ta, tất cả anh em mang danh hiệu ĐC, hãy sáng suốt nhận định, hãy can đảm anh dũng, hùng mạnh vươn lên với ánh sáng của Chân Thiện Mỹ, bằng cách dấn thân sống đích thực Tận Hiến, “Nô Lệ Tình Yêu”. Đó là con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng để đáp yêu Cha Má đã dành cho chúng ta một tình yêu cá biệt. Anh em ơi, đúng thế, Cha Má trên trời đã dành cho chúng ta một tình yêu cá biệt; cá biệt là Cha Má chỉ ban cho Hội Dòng của chúng ta thôi, như chính Mẹ đã xác nhận trong Tâm Thư gửi ngày 20-9-1980 rằng: “Con hãy nói cho anhem hiểu biết và ý thức sâu xa rằng: một Hội Dòng bé nhỏ mà đã được cả Thiên Đàng đem trọn nguồn yêu thương đến để che chở bênh vực, giúp đỡ, hướng dẫn, sửa chữa … đó là một việc vĩ đại, kỳ lạ, độc đáo, chưa từng có trong lịch sử các dòng tu trong Giáo Hội”.

 

5.     Con đường Đại Thánh Đồng Công:

     Con đường Tận Hiến cho Mẹ, Lệ Tình Yêu Mẹ, đó là con đường Thơ Ấu ĐC, là nếp sống đẹp lòng Cha Má nhất, dễ dàng nhất, đó là con đường Đại Thánh Đồng Công.

     a/ Đẹp lòng Cha Má nhất:

     Đẹp lòng vừa ý Cha Má nhất, vì “được kể vào số giống hệt Con Chiên Thánh, được theo Con Chiên đi khắp mọi nơi trong triều Đình Thiên Quốc”(TT Chúa 22-5-1977). “ Chỉ có những tâm hồn khiêm tốn và những tâm hồn trẻ nhỏ làm vui thỏa được Cha. Chính các chúng mới là niềm vui của các tầng trời, được Cha Cả ngự trên trời yêu thương âu yếm cách đặc biệt; các chúng khác nào bó hoa muôn sắc thơm tho trước tòa Thiên Chúa, Thiên Chúa vui hưởng sự thánh đức của chúng” (TT Chúa 22-12-1975). 

     b/ Dễ dàng nhất:

     Dễ dàng nhất, vì khi ta đọc truyện các Thánh trong lịch sử Giáo Hội, ta thấy hầu hết các vị thánh đó đều đã ăn chay, kiêng thịt, đánh tội, mặc áo nhặm, thức khuya, dậy sớm, khổ chế thân xác đủ thứ, như: Thánh Simon Cột, Thánh Phaolô, Thánh Antôn tu rừng, Thánh Đaminh, Thánh Phanxicô Nghèo, Thánh Bênêđictô, Thánh Bênađô, Thánh Inhaxiô Lập Dòng tên, Thánh Gioan Vianney coi xứ Ars, Thánh Phanxicô Xaviê … và tất cả các Thánh từ thế kỷ đầu của Giáo Hội đến ngày nay đều mang một hình thức, một sắc thái hãm mình khổ chế gắt gao, tử bỏ, nhiệm nhặt, làm cho mọi người khi nghĩ đến sự làm thánh thì coi như một việc siêu quần vượt chúng, sinh nhi tri chi, chứ không phải do ý chí luyện tập được. May thay, Chúa, Mẹ nhân từ thương xót loài người, Cha Má mở tay rộng rãi ban cho nhân loại một vị thánh tân thời, vừa sức yếu đuối, vừa tầm tay của chúng ta, đó là chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chị được phong thánh như một mẫu gương, một nếp sống thánh bình thường, giản dị, đơn sơ, ít khắt khe cầu kỳ, tức là Chị đã khai sinh con đường Thơ Bé Thiêng Liêng để làm Đại Thánh.

     Nhưng anh em thân mến, Cha Má còn yêu thương chúng ta cách rất đặc biệt, là đã ban cho chúng ta một con đường Thơ Bé cao hơn, nhẹ nhõm dễ dàng hơn, bảo đảm Đại Thánh hơn là : Con Đường Thơ Ấu làm Nô Lệ Tình yêu Mẹ.

     c/ Làm thế nào để tới Con Đường Đại Thánh Đồng Công?

     Đây là con đường Đại Thánh Đồng Công:Tin Thơ Trẻ, Cậy Trông Thơ Trẻ, Mến Yêu Thơ Trẻ.

     Thế nào là Tin Thơ Trẻ, Cậy trông Thơ Trẻ, Mến yêu Thơ Trẻ? Các em đã nghe, đã biết đủ rồi, chỉ cần các em thật muốn: là cầu nguyện thiết tha, với ơn Cha Má luôn sẵn sàng trợ giúp, dùng hết ý chí gan góc kiên trì, mạnh tay bóc lột, bóp chết Thần Tôi – là vị thần kiêu căng, ngạo nghễ, gan lì chống đối Chân Thiện Mỹ. Tình yêu Cha Má không ngừng đâu các em ạ. Chúng ta chưa vươn lên con đường Thơ Ấu ĐC chỉ tại vị thần kiêu căng ngạo nghễ gan lì trong nhà chúng ta chưa bị hạ bệ, hắn còn ẩn núp trong xó nhà, chỗ kín đáo làm ta không khám phá ra, hoặc khám phá ra rồi mà chúng ta con nể vì nương tay với hắn, chưa có gan, chưa mạnh tay tàn nhẫn hạ bệ hắn xuống. Chỉ có vậy thôi.

6.     Má khát mong mọi người ĐC nên vị Đại Thánh:

       Vậy để kết luận câu truyện về con đường Thơ Ấu ĐC, Anh nài xin tất cả anh em chúng ta hãy chiều nể nương theo: “Má khát mong cho từng người và hết mọi người ĐC… được trở nên một vị Đại Thánh”. Hãy thương cảm trái tim đau thương quặn thắt của một người nô bộc yếu hèn đêm ngày đói lả khát bỏng, đang quằn quại trong thất vọng lo âu. Chúng ta hãy cố gắng thật với bất cứ giá nào, trút bỏ dứt khoát con đường thờ tôi của tà thần. Hãy bước lên, hãy vươn lên, hãy sống thật con đường Thơ Bé Hài Nhi Giêsu trong tận thẩm Cung Lòng Đồng Trinh Vô Nhiễm Mẹ Maria, trên cánh tay êm ấm dịu hiền thần linh của Cha Đồng Trinh Ngôi Lời Nhập Thể, chắc chắn sẽ làm cho cả Thiên Đàng vui mừng đặc biệt, đem lại cho khắp trần gian một an bình hạnh phúc, vinh dự cho quê hương đất Việt chúng ta.

      Mong thay !                                 

Ký tên:Đaminh Maria Thánh Giá

*****

Thật vậy, nguyên tắc và đường lối nên thánh, linh đạo Kitô giáo không phải ở chỗ bản thân Kitô hữu lớn lên, phát triển tấm vóc thiêng liêng, cho bằng nhỏ đi...

Đúng như lời Tiền hô Gioan Tẩy giả đã chân nhận:

"Người cần phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại" (Gioan 3:30)

"lớn lên" ở đây là Chúa Kitô, chứ không phải bản thân Kitô hữu,

bởi thế Người sẽ nhỏ đi khi bản thân Kitô hữu "lớn lên", tự phụ, tự cao, tự đại, tự kiêu, tự ái v.v.

Do đó, chỉ khi nào bản thân Kitô hữu "nhỏ đi" thì Chúa Kitô mới "lớn lên" trong họ,

mới tăng trưởng nơi họ, mới có thể sống trong họ" (Galata 2:20), làm chủ họ...,

 

cho tới khi Chúa Kitô đạt tới tầm vóc thành toàn của Người nơi họ (xem Epheso 4:13),

đến độ, họ trở thành một Alter Christus về tu đức,

cho dù họ đã là một Alter Christus theo năng quyền tư tế đại diện Người khi cử hành phụng vụ chăng nữa,

một Alter Christus về tu đức sống đức ái trọn hảo của Người, với Người và như Người,

để nhờ đó, qua họ, như một bí tích sống động của Người, Người được nhân loại nhận biết và yêu mến.

 

Trong cuốn "Trở Nên Như Trẻ Nhỏ", tác phẩm 12/102 của em (1988-2022), xuất bản 6/1994,

em đã kèm theo 3 mẫu tự khẩu hiệu Sống Thánh Chứng Nhân của em là BVL: Bá Vũ Ly theo âm của chữ Latinh "Parvuli" (Mt. 18:3)

đằng sau tên của em, như 3 mẫu tự CMC sau tên của em khi em còn là tu sĩ Đồng Công,

một tác phẩm em cũng đã cho đăng lại toàn bộ Luật Bé Nhỏ này của Anh Cả ở phần phụ bản cuối sách,

đồng thời em, ở dưới cuối bản Luật Bé Nhỏ của Anh Cả, em cũng kèm theo Kinh nguyện sau đây:

 

 

Kinh Cầu Xin Ơn Sống Thơ Ngây Bé Mọn

 

(Trích kinh nguyện của Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, Vị Sáng Lập Dòng Đồng Công, soạn dọn Mừng Giáng Sinh năm 1964)

 

Hỡi Chúa Hài Nhi! Chúa là Tạo Hóa muôn loài, cầm quyền sinh tử vạn vật. Chúa vì yêu chúng con, Chúa đã tự hạ làm con trẻ thơ ngây bé mọn, Chúa đã sinh ra bởi lòng Mẹ Trinh Khiết, Chúa chịu ẵm bế trên tay thanh sạch Đức Trinh Nữ Maria, để dậy cho nhân loại chúng con tinh thần Thơ Ấu.

 

Ôi Giêsu, Bạn thiết yếu của chúng con! Đây chúng con đầy thiện chí, đầy cương quyết, nguyện yêu Chúa hết trí lòng, dầu con đường Tình yêu Chúa đầy gian nan đau khổ, đầy hiểm hóc, đầy chông gai, chúng con nguyện yêu Chúa đời đời, yêu Chúa mãi mãi không hề ngơi.  Nhưng hỡi Giêsu Bé nhỏ!  Để chúng con được nên giống Chúa, được theo con đường thơ ấu Chúa muốn dậy chúng con, chúng con nài xin Chúa:

  1. Ban ơn Thánh Hóa đặc biệt cho chúng con, để hồn xác chúng con được luôn trong sạch như trẻ thơ, trí lòng được luôn Khiêm-Nhượng Tùng-phục, dễ nghe theo chân lý đường trọn lành của phúc âm.
  2. Xin Chúa ban ơn thánh phi thường dàn dụa, để tâm hồn chúng con được luôn đơn sơ, cởi mở, chân thành, thật thà trên tay Mẹ cũng như trong tay các Bề trên Đại diện Chúa Mẹ.
  3. Hỡi Chúa Giêsu Bạn trung thành rộng rãi vô biên của chúng con!  Xin đổ nguồn ơn thánh dự dật, để chúng con biết sống vui tươi hồn nhiên, với một lòng cậy trông, phú thác hoàn toàn nơi Chúa Mẹ, không lo quá khứ, cũng chẳng màng chi tới tương lai, để chúng con từ nay trở nên Giêsu Bé nhỏ trong tay Mẹ, nhờ Mẹ cứu các tội nhân, cứu nước Việt nam, quê hương thân yêu của chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trước Nhan Thiên Chúa trên Trời, quí anh đã ra đi trước cũng hiệp thông với anh em dòng trên trần thế

để ngợi khen cảm tạ LTXC dịp 70 Năm Ngọc Khánh Lập Dòng

 

 

            

 

 

THĐC cả trong 2 hành trình 2016 (trên) và 2018 (dưới), khi Về Nguồn Đồng Công ở Nhà Mẹ Thủ Đức, trước hết, đã đến viếng mộ Anh Cả và anh em dòng với tâm tình hiệp thông cầu nguyện

 

 

 

 

 

           Stt        Phương danh                                                     Ngày qua đời

       1      Giuse M. Khắc, csv                                                                   10.03.1945

       2      Ông cố Đaminh M., thân phụ Anh Cả                                    10.07.1945

       3      ĐC. Đaminh M. Hồ Ngọc Cẩn, ân nhân                                 27.11.1948

       4      Barthôlômêô M. Lễ, khấn tg/ĐĐC                                          08.08.1951

       5      Vinh Sơn M. Thái, lmcs                                                            08.04.1952

       6      Giuse M. Quân, đt                                                                     30.08.1952

       7      Đaminh M. Hợp, đt                                                                    26.06.1953

       8      Giuse M. Lễ, lmht, lớp khấn I                                                  21.06.1957

       9      Marcô M. Tiếp, csv                                                                   19.08.1957

    10      Vinh Sơn M. Khải, lmcs                                                           03.09.1957

    11      Bà cố Maria, thân mẫu Anh Cả                                               09.11.1958

    12      Đaminh M. Thưởng, đt                                                              12.04.1959

    13      Micae M. Tuyển, tts, lớp khấn V                                             19.05.1959

    14      Marcô M. Quốc, ht, lớp khấn IV                                             08.02.1960

    15      Đaminh M. Thụy, csv                                                               22.03.1961

    16      Cyrillô M. Đoan, ht, lớp khấn V                                              19.08.1961

    17      Tađêô M. Trình, ht, lớp khấn IV                                              13.09.1961

    18      Giuse M. Cống, csv                                                                   16.04.1962

    19      Vinh Sơn M. Liễn, lmcs                                                            14.11.1962

    20      Phêrô M. Trưởng, vt, lớp khấn I                                              22.03.1964

    21      Đaminh M. Nhân, csv                                                               22.04.1966

    22      Marcô M. Bằng, vt, lớp khấn IV                                              29.07.1967

    23      Đaminh M. Tường, csv                                                             31.12.1967

    24      Albertô M. Bách, ht, lớp khấn VII                                           14.03.1968

    25      Giuse M. Bảo, đt                                                                        23.07.1968

    26      Anphongsô M. Sủng, ht, lớp khấn VIII                                   10.08.1968

    27      Phêrô M. Ninh, csv                                                                    27.08.1968

    28      Gioan B. M. Sỹ, csv                                                                   29.12.1968

    29      Raymunđô M. Yên, ht, lớp khấn IX                                        12.01.1969

    30      Đaminh M. Luận, csv                                                                15.04.1969

    31      Đaminh M. Cung, csv                                                               02.02.1970

    32      Gioakim M. Khoa, lmcs                                                            05.07.1970

    33      Giuse M. Khoát, vt, lớp khấn II                                               02.10.1970

    34      Gioan Bosco M. Tuệ, vt, lớp khấn V                                      31.10.1970

    35      Gioan B. M. Thọ, csv                                                                03.11.1970

    36      Giuse M. Bảng, csv                                                                   13.02.1971

    37      Đaminh M. Chiểu, csv                                                              14.02.1971

    38      Antôn Dac. M. Cầm, ht, lớp khấn IX                                      13.04.1971

    39      Hilariô M. Bảo, ht, lớp khấn I                                                  18.06.1972

    40      Đaminh M. Tháp, csv                                                                15.08.1972

    41      Tôma M. Phát, ht, lớp khấn X                                                  01.02.1974

    42      ĐC. Đaminh M. Hoàng Văn Đoàn, OP., ân nhân                  20.05.1974

    43      Augustinô M. Xương, csv                                                         06.06.1974

    44      Phanxicô As. M. Nhượng, vt, lớp khấn IV                             08.07.1974

    45      Lêô M. Lập, ht, lớp khấn IX                                                     04.09.1974

    46      Anphongsô M. Trung, đt                                                          20.05.1975

    47      Giacôbê M. Thanh, vt, lớp khấn III                                         28.05.1975

    48      Phanxicô X. M. Tốn, vt, lớp khấn II                                        23.06.1975

    49      Phêrô M. Thế, vt, lớp khấn II                                                   18.01.1977

    50      Augustinô M. Bản, csv                                                             14.07.1977

    51      Ignatio M. Lương, vt, lớp khấn I                                              29.07.1977

    52      Đaminh M. Quế, csvth                                                              09.07.1978

    53      Gioan Kim Khẩu M. Tịnh, vt, lớp khấn VI                            18.07.1978

    54      Vinh Sơn M. Kiểm, csvth                                                         19.07.1979

    55      Gioan B. M. Đãng, csvth                                                          03.11.1979

    56      Albertô M. Chức, vt, lớp khấn VII                                          21.03.1980

    57      Phêrô M. Đức, csv                                                                     17.09.1980

    58      Vinh Sơn M. Liêm, tts, lớp khấn XII                                       02.11.1980

    59      Đaminh M. Hưởng, csvth                                                         10.12.1980

    60      Gioan B. M. Tường, csv                                                            19.01.1981

    61      Gioan M. Truy, csv                                                                   04.05.1981

    62      Giuse M. Thôi, csv                                                                    06.07.1981

    63      Đaminh M. Lung, csvth                                                            07.10.1981

    64      Phanxicô As. M. Đăng, lmvt, lớp khấn IV                             31.10.1981

    65      Anselmô M. Hưng, vt, lớp khấn IV                                         17.11.1981

    66      Giuse M. Phượng, csvth                                                            18.12.1981

    67      Đaminh M. Tín, csv                                                                   18.03.1982

    68      Anselmô M. Xuyên, vt, lớp khấn IV                                       15.06.1982

    69      Carôlô B. M. Bá, ht, lớp khấn IX                                             15.10.1982

    70      Basiliô M. Hậu, vt, lớp khấn III                                               03.11.1983

    71      Giuse M. Liêm, csv                                                                   19.12.1983

    72      Tôma M. Ký, vt, lớp khấn III                                                    12.03.1984

    73      Anrê M. Lạc, vt, lớp khấn I                                                      05.04.1984

    74      Giuse M. Triết, csv                                                                    09.07.1984

    75      Tôma Aquinô M. Hào, lmvt, lớp khấn VII                             04.11.1984

    76      Gioan M. Tân, csv                                                                     21.11.1984

    77      Gabriel M. Tiến, vt, lớp khấn II                                               22.02.1986

    78      Giuse M. Thuyết, csvth                                                            03.11.1986

    79      ĐC. Đaminh M. Lê Hữu Cung, csv                                          15.03.1987

    80      Matthêu M. Hóa, lmvt, lớp khấn II                                          21.03.1987

    81      Luca M. Đạc, csv                                                                       20.05.1987

    82      Phanxicô X. M. Vượng, lmcsvth                                             20.09.1987

    83      Giuse M. Trường, csv                                                                24.10.1987

    84      ĐC. Phêrô M. Phạm Ngọc Chi, ân nhân.                                21.01.1988

    85      Phanxicô Salêsiô M. Cương, vt, lớp khấn VI                         21.04.1988

    86      Phanxicô Salêsiô M. Hòe, vt, lớp khấn VI                             07.11.1988

    87      Giuse M. Vị, csv                                                                        14.11.1988

    88      Giuse M. Diệc, csv                                                                    28.11.1988

    89      Phanxicô X. M. Đạo, vt, lớp khấn I                                         02.04.1989

    90      Camillô M. Hiệp, vt, lớp khấn III                                            05.05.1989

    91      Phanxicô As. M. Thắng, vt, lớp khấn IV                               17.06.1989

    92      Phillipphê M. Thịnh, lmvt, lớp khấn II                                   10.09.1990

    93      Basiliô M. Tuyên, vt, lớp khấn III                                           02.05.1991

    94      Gioan TG. M. Toàn, lmvt, lớp khấn VI                                   23.06.1991

    95      Tôma M. Tín, vt, lớp khấn V                                                    09.12.1991

    96      Bêđa M. Trực, vt, lớp khấn IV                                                 24.04.1992

    97      Phaolô M. Hy, csvth                                                                  12.07.1992

    98      Giêrônimô M. Chi, csv                                                             18.08.1993

    99      Vinh Sơn M. Trọng, lmcsv                                                       10.06.1994

 100      Antôn M. Tín, csv                                                                      13.11.1994

 101      Giuse M. Huyên, lmvt, lớp khấn III                                        16.05.1995

 102      Phaolô M. Hạnh, csv                                                                 22.09.1995

 103      Marcô M. Văn, vt, lớp khấn IV                                                24.12.1995

 104      Anrê M. Quyền, vt, lớp khấn VI                                              10.04.1996

 105      Rômualđô M. Hân, vt, lớp khấn V                                          06.06.1996

 106      Phêrô M. Cung, csv                                                                   03.08.1996

 107      Gioan M. Cửu, vt, lớp khấn II                                                  21.11.1996

 108      Phêrô M. Hoàng, vt, lớp khấn III                                             02.03.1997

 109      Georgiô M. Vọng, vt, lớp khấn I                                              13.03.1997

 110      Augustinô M. Tiên, csvth                                                         28.05.1997

 111      Đaminh M. Lý, csvth                                                                24.01.1998

 112      Matthia M. Thủy, vt, lớp khấn V                                             22.05.1998

 113      Matthêu M. Mô, vt, lớp khấn II                                               12.09.1998

 114      Phaolô M. Lễ, csvth                                                                  24.08.1999

 115      Marcô M. Qui, vt, lớp khấn IV                                                28.05.2000

 116      Hilariô M. Tâm, lmvt, lớp khấn II                                           17.12.2000

 117      Carôlô B. M. Thủy, ht, lớp khấn XV                                       30.09.2001

 118      Cyrillô M. Thiên, lmvt, lớp khấn I.                                         26.11.2002

 119      Bônifaciô M. Trị, vt, lớp khấn III                                            21.02.2003

 120      Simon M. Hiên, vt, lớp khấn II                                                16.06.2003

 121      Polycarpô M. Sơn, lmvt, lớp khấn I                                        21.06.2003

 122      Piô X M. Dự, vt, lớp khấn II                                                     24.01.2004

 123      Hilariô M. Lý, lmvt, lớp khấn III                                             21.04.2004

 124      Luca M. Phúc, vt, lớp khấn II                                                   02.10.2004

 125      Giacôbê M. Nam, vt, lớp khấn XIII                                         06.03.2005

 126      Bênađô M. Hoàn, lmvt, lớp khấn I                                          03.02.2006

 127      Giacôbê M. Lượng, lmvt, lớp khấn II                                      16.02.2006

 128      Phêrô Đamianô M. Tỉnh, vt, lớp khấn XVI                            06.03.2006

 129      Phanxicô As. M. Công, vt, lớp khấn IV                                  15.07.2006

 130      Phaolô M. Cách, lmvt, lớp khấn I                                            31.12.2006

 131      Athanasiô M. Uy, lmvt, lớp khấn III                                       10.01.2007

 132      Phêrô M. Minh, lmvt, lớp khấn II                                            15.01.2007

 133      Piô X M. Hải, vt, lớp khấn II                                                    26.01.2007

 134      Anh Đaminh Maria, Lm., Đấng Sáng Lập                              21.06.2007

 135      Tađêô M. Thần, lmvt, lớp khấn IV                                          11.10.2007

 136      Athanasiô M. Tuấn, lmvt, lớp khấn III                                   18.10.2007

 137      Barthôlômêô M. Sử, lmvt, lớp khấn III                                   07.11.2007

 138      ĐC. Raphael Nguyễn Văn Diệp, ân nhân                               20.12.2007

 139      Gioan Vianney M. Nhân, vt, lớp khấn XI                              22.01.2008

 140      Tôma M. Tuấn, vt, lớp khấn XII4                                             13.04.2008

 141      Gioan M. Trí, lmvt, lớp khấn II                                                04.07.2008

 142      Maximilianô M. Luận, vt, lớp khấn XV                                 13.10.2008

 143      Tôma M. Chí, vt, lớp khấn III                                                   29.11.2008

 144      Philipphê M. Quyết, vt, lớp khấn I                                          23.12.2008

 145      Matthia M. Chương, lmvt, lớp khấn V                                    28.01.2009

 146      Phaolô M. Đạt, vt, lớp khấn II                                                  11.03.2009

 

(15 ANH EM DÒNG 147-161 ĐI TẮM Ở BÃI BIỂN TÂN THÀNH TỪ NGÀY 15/7/1967 VÀ BỊ MẤT TÍCH

 147      Isiđôrô M. Hiếu, vt, lớp khấn II                                               16.07.2009

 148      Bênađô M. Khai, vt, lớp khấn II

 149      Tôma M. Viễn, vt, lớp khấn III

 150      Athanasiô M. Thiệp, vt, lớp khấn III

 151      Batôlômêô M. Thông, vt, lớp khấn III

 152      Tađêô M. Hạnh, vt, lớp khấn IV

 153      Rômualđô M. Huân, vt, lớp khấn V

 154      Isiđôrô M. Ngoạn, vt, lớp khấn V

 155      Gioan TG. M. Khải, ht, lớp khấn VI

 156      Anrê Corsinô M. Tinh, vt, lớp khấn VI

 157      Gioan Đamascênô M. Kha, ht, lớp khấn VI

 158      Ambrôsiô M.  Bài, ht, lớp khấn VII

 159      Albertô M. Bửu, ht, lớp khấn VII

 160      Ambrôsiô M.  Luyện, ht, lớp khấn VII

 161      Phêrô M. Bản, nt, lớp khấn IX

CHO TỚI SAU 1975, THẬM CHÍ CHO TỚI 2009 VẪN CHẲNG THẤY TĂM TÍCH, KỂ NHƯ ĐÃ CHẾT)

 

 162      Piô X M. Chu, vt, lớp khấn VIII                                              16.07.2009

 163      Ephrem M. Cung, lmvt, lớp khấn VI                                       02.10.2009

 164      Augustino M. Hưởng, lmvt, lớp khấn III                                27.12.2009

 165      Tađêô M. Ban, lmvt, lớp khấn IV                                            29.06.2010

 166      Augustino M. Tân, lmvt, lớp khấn II                                       01.10.2010

 167      Marcô M. Kính, vt, lớp khấn II                                                05.01.2011

 168      Phêrô M. Lợi, vt, lớp khấn XIV                                               21.02.2011

 169      Ignatio M. Quan, vt, lớp khấn XII1                                          07.05.2011

 170      Antôn Pađua M. Huấn, vt, lớp khấn XIII                                28.09.2011

 171      Gioan Đamascênô M. Phước, vt, lớp khấn VI                       23.12.2011

 172      Nicôla M. Thụy, vt, lớp khấn XII8                                           20.03.2012

 173      Giacôbê M. Thể, vt, lớp khấn XII3                                          28.04.2012

 174      Timôthêô M. Lộc, lmvt, lớp khấn II                                        28.04.2012

 175      Luca M. Vạn, lmvt, lớp khấn I                                                 02.07.2012

 176      Augustinô M. Khanh, lmcsvth                                                 02.10.2012

 177      Đaminh M. Khiêm, vt, lớp khấn V                                          22.01.2014

 178      Bônifaciô M. Giản, vt, lớp khấn III                                         15.03.2014

 179      Phaolô M. Thanh, lmvt, lớp khấn XII1                                    10.07.2014

 180      Marcô M. Báu, lmvt, lớp khấn IV                                           01.08.2014

 181      Giuse M. Chưa, csvth                                                                08.08.2014

 182      Micae M. Duệ, lmvt, lớp khấn XI                                            03.10.2014

 183      Đaminh M. Nghĩa, csvth                                                           26.01.2015

 184      Tôma M. Tứ, vt, lớp khấn II                                                     04.03.2015

 185      Gioan M. Điềm, vt, lớp khấn XIV                                           11.03.2015

 186      Isiđôrô M. Tâm, vt, lớp khấn XVI                                           08.04.2015

 187      Luca M. Hà, vt, lớp khấn II                                                      05.07.2015

 188      Gioan TG. M. Tôn Anh, vt, lớp khấn XVII                            28.08.2015

 189      Phaolô M. Phẩm, lmvt, lớp khấn XII7                                     28.08.2016

 190      Gioan Êuđê M. Huy, lmvt, lớp khấn III                                  20.09.2016

 191      Anselmô M. Cần, lmvt, lớp khấn IV                                       29.01.2017

 192      Ambrôsiô M. Niệm, vt, lớp khấn VII                                      07.02.2017

 193      Matthia M. Tĩnh, lmvt, lớp khấn V                                         08.05.2017

 194      Gioan Êuđê M. Nghị, vt, lớp khấn III                                      25.10.2017

 195      Gioan M. Xuân, nguyên TPV, lớp khấn II                              28.11.2017

 196      ĐHY Bernard Law, ân nhân                                                     20.12.2017

 197      Gioan Bosco M. Đức, lmvt, lớp khấn I                                   17.02.2018

 198      Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, ân nhân                               07.03.2018

 199      Bêđa M. Tuyến, vt, lớp khấn IV                                              03.04.2018

 200      Gioan M. Tràng, vt, lớp khấn II                                               02.05.2018

 201      Luy Gonzaga M. Bính, lmvt, lớp khấn XII1                           24.06.2018

 202      Henricô M. Hán, vt, lớp khấn X                                              14.11.2018

 203      Matthêu M. Biểu, vt, lớp khấn XII4                                         21.02.2019

 204      Anrê M. Sáng, lmvt, lớp khấn II                                              24.05.2019

 205      Ignatio Antiochia M. Dương, lmvt, lớp khấn X                     14.09.2020

 206      Marcô M. Huynh, lmvt, lớp khấn IV                                      18.11.2020

 207      Camilô M. Tuân, lmvt, lớp khấn III                                         12.04.2021

 208      Đaminh M. Học, vt, lớp khấn XIII                                           26.04.2021

 209      Micae M. Giáo, lmvt, lớp khấn II                                            03.07.2021

 210      Giuse M. Tuyến, csv                                                                 05.08.2021

 211      Cyrillo M. Chính, vt, lớp khấn V                                            12.08.2021

 212      Phaolô M. Tâm, csv                                                                   01.09.2021

 213      Phanxicô M. Thăng, lmvt, lớp khấn V                                    04.09.2021

 214      Tađêô M. Thức, lmvt, lớp khấn IV                                          22.01.2022

 215      Phanxicô M. Phú, vt, lớp khấn IV                                           21.02.2022

 216      Gioan Bosco M. Liên, lmvt, lớp khấn V                                18.06.2022

 217      Martinô M. Lãm, vt, lớp khấn IX                                            08/07/2022

 218      Laurensô M. Tưởng, vt, lớp khấn XII3                                               25/07/2022

 219      Giosaphat M. Khoa, ht, lớp khấn XXVI                                23/08/2022

 220      Isiđôrô M. Bắc, lmvt, lớp khấn V                                            16.10.2022

221 Stephano M. Đàm, vt, lớp khấn VIII                                           3/2/2023

 






THĐC HK Đại Hội II 2019 vẫn không quên, nên đã viếng mộ và nguyện cầu cho anh em Tỉnh dòng và THĐC đã qua đời tại nghĩa trang của Tỉnh dòng ở Carthage Missouri







 

 

 

 

 


Nếu ở Nhà Mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta Ấn Độ có phòng Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta sáng lập, bên mộ phòng của Mẹ thế nào,

thì ở Nhà Mẹ CRM cũng có Phòng Cha Sáng Lập như vậy - sau này nếu cải mộ ngài lên, có thể thấy được bằng chứng để dòng bắt đầu tiến trình phong thánh cho ngài,

sau đó dời hài cốt của ngài về chính Nhà Mẹ, như Đền Thờ Thánh Phêrô, tiêu biểu cho nền tảng của Giáo Hội Chúa Kitô, ở ngay trên mộ Thánh Phêrô vậy!

Bởi không có Vị sáng lập Đaminh Maria Trần Đình Thủ được Thiên Chúa dùng thì cũng chẳng có Nhà Mẹ và các Cơ sở khác của dòng.

 

 

Di sản của Anh Cả không phải chỉ nguyên Hội Dòng tu sĩ Đồng Công, kiêm cả Tỉnh Dòng Hoa Kỳ, cùng với các cơ sở trước 1954, 1987 và sau 1993, cả quốc nội lẫn hải ngoại,

nhất là Tinh Thần Thơ Ấu Thiêng Liêng, cùng với các di vật cá nhân của Anh khi Anh còn trên trần gian này, những di vật biết đâu sau này trở thành hài tích của một vị Hiển Thánh,

mà còn bao gồm cả thành phần giáo dân trong Lý Tưởng Thánh Đồng Công của ngài là 2 tổ chức Thân hữu Đồng Công (1974) và Gia đình Đồng Công (1977)

 

Theo ý của Vị sáng lập Đồng Công cho VN nên thánh, bao gồm cả giáo dân, nên GĐTHĐC / GĐTHCRM đã được chấp nhận hình thành từ Tổng Tu Nghị IV ngày 15.9.1977 tại Nhà Mẹ Thủ Ðức

 

 

Cũng theo ý hướng lập dòng cho VN nên thánh của Vị sáng lập mà Hội Thân Hữu Đồng Công đã được Anh Cả thành lập ngày 27/4/1974, trước tổ chức GĐTHĐC năm 1977

 

 

THĐC HK và VN hội ngộ lịch sử lần đầu tiên tại Nhà Mẹ ngày 29/11/2022, Ngày Đoàn Sủng Dòng và cũng là Sinh Nhật Anh Cả 116 tuổi, ở cái link dưới đây:

https://drive.google.com/file/d/1GeXxtORGNc8B2_w3Xx_SNoRMLPM95Aen/view?usp=sharing

Video Anh Cả huấn dụ THĐC ở Việt Nam

 

THĐC HK được Anh đệ nhất Giám tỉnh Barnaba Nguyễn Đức Kiên thành lập ngày 16/12/1982 - THĐC hải ngoại tham dự Hội Ngộ I 2015 cùng với toàn thể anh em chi dòng ở tại trụ sở Tỉnh dòng

 

 

Thư Anh Cả viết cho THĐC HK dịp mừng 15 năm thành lập ở Hải ngoại (1982-1997)

(nếu không đọc được bản viết tay của Anh Cả thì đọc ngay sau đó, phần em đánh máy lại nguyên văn toàn bộ thư của Anh, với những chi tiết em tự nhấn mạnh bằng mầu)

 

 AJMJ

Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

Tam Bình,Thủ Đức TPhồ chí minh

 Kính gởi các anh em ái hữu Đồng Công tại Mỹ Quốc,

               Các em Thân Yêu

            Nguyện xin cha Má ban cho các em  lòng tin yêu mãnh liệt và táo bạo, nhất là tuyệt đối vào Cha Má trong thời buổi cuối cùng này, để anh  em được cứu rỗi.

            Anh rất cám ơn các em, dù xa xăm, làm ăn vất vả mà các em còn nhớ đến anh, thật là lòng yêu quý báu.

            Để nhắc cho các em và các gia đình của các em, anh xin tất cả gia đình các em hãy cố gắng lần hạt Mân Côi tối mỗi ngày để Mẹ bang trợ các em và tất cả gia đình các em cách rất đặc biệt để khỏi mất đức tin trong thời buổi đen tối và cuối cùng này, vì hiện nay cả thế giới bị bao trùm một bóng tối khủng khiếp kể cả Giáo Hội.

           Anh cần phải giới thiệu với các em và cả gia đình các em một dụ ngôn rất thời sự của thời kỳ cuối cùng này để các em và gia đình các em đọc hàng ngày sau 50 kinh văn côi để suy niệm và sống đúng với thời cuộc cuối cùng này đó là dụ ngôn cỏ lòng và lúa miến Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Matthew đoạn 13 từ câu 24 đến câu 30, đó là dụ ngôn Chúa nói, rồi tiếp đến cũng đoạn 13 từ câu 36 đến hết câu 43 là chính Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cỏ lòng cho các môn đệ. Vậy theo dụ ngôn và lời Chúa cắt nghĩa dụ ngôn thì Phúc Âm gieo từ trời xuống đất chỉ có 20 thế Kỷ thôi, từ năm 2000 trở đi, chỉ còn lại không còn được 1 thế kỷ. Từ năm 2000 là bắt đầu thời kỳ Giáo Hội vinh quang, thời kỳ Chúa tái lâm, Chúa tái lâm được chừng 25 năm thì hết thời kỳ Chúa Tái Lâm, tiếp thời kỳ quỷ vương và tận thế.

Xin các em cầu cho anh tội lỗi

ĐMThủ 

 

Em xin biệt chú về lời có tính cách tiên đoán nhưng lại hình như đang ứng nghiệm ở đây:

"Từ năm 2000 là bắt đầu thời kỳ Giáo Hội vinh quang, thời kỳ Chúa tái lâm, Chúa tái lâm được chừng 25 năm thì hết thời kỳ Chúa Tái Lâm, tiếp thời kỳ quỷ vương và tận thế."

Thật vậy, "được chừng 25 năm", nghĩa là cho tới Năm Thánh 2025 của Giáo Hội. Thế mà, chứa tới 25 năm, mới được 20 năm đã có những dấu hiệu bất thường như dấu chỉ thời đại cho thấy sắp chấm dứt "thời kỳ Giáo Hội vinh quang", tức "hết thời kỳ Chúa Tái Lâm". Do đó, nhân loại đang trải qua nào là thiên tai đại dịch năm 2020, nào là đủ mọi thứ thiên tai năm 2021, nào là nhân tai chiến tranh năm 2022 bởi Nga xâm chiếm UIkraine cho tới bây giờ và không biết sẽ kéo dài cho tới bao giờ, mà nếu Nga thua, như họ đã công khai đe dọa, thì ngày tận thế sẽ xẩy ra bởi chiến tranh nguyên tử, thế chiến thứ 3, một thế chiến thực sự đang xẩy ra tại đất nước Ukraine giữa các cường quốc bằng các thứ vũ khí tối tân, thậm chí bao gồm cả vũ khí tối tân nhất là nguyên tử.

Nếu loài người càng văn minh về khoa học với kỹ thuật, và càng văn hóa về nhân bản với nhân quyền càng trở nên vô thần duy vật, càng hiện sinh hưởng thụ, càng bạo loạn và hận thù ghen ghét sát hại nhau, thì đó không phải là dấu chỉ thời đại cho thấy "hết thời kỳ Chúa Tái Lâm" ở nơi "thời kỳ Giáo Hội vinh quang", khi Giáo Hội loan báo tin mừng cứu độ khắp nơi trên thế giới (xem Mathêu 24:14), qua các chuyến tông du của các ĐTC từ Công đồng Chung Vaticano II giữa thập niên 1960 cho đến nay, cũng như qua đức ái trọn hảo của Dòng Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cùng dòng của Mẹ ở khắp thế giới, một đức ái trọn hảo liên quan đến cuộc chung thẩm (xem Mathêu 25:31-46), thì sau đó "tiếp thời kỳ quỷ vương và tận thế" hay sao?

Là thành phần CRM nói chung và THĐC nói riêng, qua bức thư này của Anh gửi cho riêng THĐC chúng ta, chúng ta hãy chờ xem sau khi đã nghe thấy những lời tiên báo công khai không sợ sai lầm này của Anh Cả, người Anh cũng đã từng tiên đoán về thời cuộc ở Việt Nam không sai, và Đấng Quan Phòng thần linh đã hiện thực ý nguyện của Anh được chính Chúa tác động qua lệnh truyền "các em ra đi để giữ lấy dòng và truyền giáo" nơi nhóm 170 anh em dòng Vượt Qua năm 1975, như CRM chúng ta ra đi năm 1975, dù còn trong dòng hay ra khỏi dòng đều là chứng nhân.

Là môn đệ Chúa Chúa Kitô, Đấng cũng đã báo trước, trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, những dấu hiệu cho thấy ngày cùng tháng tận, liên quan đến nạn gian dối lừa đảo chưa từng thấy (xem Mathêu 24:5,11,23-24), như các fake news và thuyết âm mưu lan tràn và trắng trợn chưa từng thấy ngày nay, liên quan đến cả thiên tai lẫn nhân tai (xem Mathêu 24:6-7,9-10,12), như đang liên tục xẩy ra ở cấp độ phá kỷ lục gần đây và hiện tại, nhất là đến tình trạng khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội (xem Mathêu 24:15,29), như nạn Âu Mỹ Kitô giáo duy nhân bản tác hành như một vị chúa tể có quyền quyết định tất cả mọi sự, nạn linh mục lạm dụng tình dục, nạn bỏ đạo tập thể ở Giáo Hội Đức quốc v.v., chúng ta càng cần phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng đáp ứng những gì chính Chúa đã dạy chúng ta trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 21 câu 28 như sau: "Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc." Nghĩa là chúng ta hãy sống đức tin, bằng "tỉnh thức (đứng thẳng) và cầu nguyện (ngẩng đầu)" (Mathêu 26:41).

 

 

XIN ANH CHUYỂN CẦU


Linh mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ là Người Anh Cả
 của những tâm hồn theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công
  -  Xin Anh chuyển cầu cho chúng em luôn sống thánh chứng nhân xứng đáng với danh phận và sứ vụ của một người môn đệ Chúa Kitô như Anh 

 

Anh Cả là một QP (Quorum Primus) - Đệ nhất tội nhân (1Timothêu 1:15) của Lòng Thương Xót Chúa 

- Xin Anh chuyển cầu cho chúng em cũng biết mình vô cùng đáng thương trước nhan Chúa, để có thể xót thương như mình đã được Chúa thương xót

Anh Cả là một con dân Việt Nam tha thiết với dân nước và cầu nguyện cho tiền đồ quê hương tổ quốc của mình

- Xin Anh chuyển cầu cho chúng em sống đức tin thắng thế gian (xem 1Gioan 5:4) như 117 Vị Thánh Tử Đạo ở Việt Nam để làm tông đồ truyền giáo cho dân nước Việt Nam

 Anh Cả là vị linh mục được Thiên Chúa tuyển chọn để sáng lập Dòng Đồng Công cho người Việt Nam nên Thánh

  - Xin Anh chuyển cầu cho chúng em biết giữ lấy dòng và truyền giáo bằng tinh thần Đồng Công của Anh trong môi trường tông đồ của chúng em

 

 Anh Cả là một con trẻ totus tuus chỉ biết sống ngây thơ phó thác cho Mẹ Đồng Công trong hết mọi sự

- Xin Anh chuyển cầu cho chúng em sống đời tận hiến, bằng cách "đem Mẹ về nhà mình" (Gioan 19:27), để có thể đáp lời Mẹ dạy là "hãy làm theo những gì Người bảo" (Gioan 2:5)

    

      Anh Cả là một tâm hồn sống nội tâm gắn bó với Chúa Kitô đến độ được Người đồng hóa với cuộc khổ nạn đau thương của Người, khi Anh bị cầm tù, bị phản bội, và bị chết thảm thương bởi liệt bệnh 

    - Xin Anh chuyển cầu cho chúng em được cảm nghiệm thấy cái thú đau thương, thậm chí còn có thể biến đau thương thành niềm vui (xem Gioan 16:20) trong cuộc đời chứng nhân tông đồ của mình

Anh Cả là vị linh hướng huấn thánh cho những tâm hồn nào chỉ biết tìm kiếm Nước Chúa trên hết và theo đuổi sự công chính của Chúa trước hết (xem Mathêu 6:33)
 - Xin Anh chuyển cầu cho chúng em biết dứt khoát không bắt cá 2 tay (xem Mathêu 6:24), trái lại, luôn hiên ngang và kiên trung theo đuổi con đường hẹp dẫn đến sự sống (xem Mathêu 7:13). 

 

 Anh Cả là vị sáng lập chủ trương tự lập mưu sinh ngay từ khi lập dòng cho tới khi qua đời, hoàn toàn tin tưởng vào Đấng quan phòng thần linh, thậm chí còn cho đi những gì mình đang thiếu thốn 
- Xin Anh chuyển cầu cho chúng em biết sống an vui trong tất cả mọi sự, bằng lòng tin tưởng vào vị Thiên Chúa khôn ngoan thực hiện mọi sự cho lợi ích của những ai kính mến Ngài
(xem Roma 8:28) 

 

Anh Cả là vị tông đồ Thánh Mẫu Fatima luôn nguyện cầu cho Trái Tim Mẹ toàn thắng trên quê hương và thế giới vô thần duy vật 

 - Xin Anh chuyển cầu cho chúng em trở thành đạo binh tông đồ thương xót trong Thời điểm Thánh Mẫu của Mẹ, cho phần rỗi của "những linh hồn cần đến LTXC hơn" (Mẹ Fatima 13/7/1917)

 Anh Cả là vị thừa sai thương xót như chính tinh thần của dòng: sống bình dân phục vụ như Chúa Kitô, Dung nhan Thương xót của Chúa Cha 

- Xin Anh chuyển cầu cho chúng em biết "ngồi vào chỗ cuối cùng" (Luca 14:10), như Người Tỳ Nữ Xin Vâng Maria (xem Luca 1:38), để chúng em xứng đáng và có thể "non ministrari sed ministrare" (Mathêu 20:28)

Anh Cả là một con người được sinh vào trần gian trên quê hương đất nước Việt Nam để sống chết cho dân tộc Việt Nam được an vui sống đạo và cho hội dòng Đồng Công của Anh được thánh thiện 

- Xin Anh chuyển cầu cho chúng em cũng biết yêu thương dân nước Việt Nam của mình, nhất là bằng đời sống Kitô hữu Công giáo Việt Nam, xứng danh là con cháu của các vị Anh hùng Đức tin Tiền nhân

 

Anh Cả là nhà cách mạng văn hóa Việt Nam, bằng chủ trương sống bình dân nhưng chí khí, ngược với thái độ kẻ cả thì thực dân đế quốc Âu Tây và Khổng giáo, bày tôi thì xua nịnh giả hình
 - Xin Anh chuyển cầu cho chúng em, để theo đuổi Lý tưởng Thánh Đồng công trong đời sống ơn gọi hiện tại của mình, biết sống ý chí hơn là cảm tình, sống "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5"6) hơn là tự nhiên.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhân dịp Dòng mừng kỷ niệm 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng, chúng ta được dịp ôn lại lịch sử của dòng, chẳng những từ khi khai dòng vào ngày 2/2/1953 mà còn trước đó nữa, từ lúc dòng còn là một thai sinh (từ lúc được thụ thai năm 1941 cho thới khi được hạ sinh năm 1953). Nói chung, vì Đấng sáng lập dòng được ơn soi động lập dòng vào chính ngày Lễ Mẹ Đau Thương mà dòng đã chẳng những nhận danh xưng Đồng Công mà còn sống đời Đồng Công nữa, như Mẹ và với Mẹ, trải qua bao đau thương thử thách ngay từ khi được cưu mang, và dọc suốt giòng lịch sử hiện hữu của mình, chẳng những nơi bản thân của vị sáng lập dòng mà còn nơi cả anh em dòng nữa.

 

Thế nhưng, cho dù có liên tục bị thử thách đau thương như thế, đến độ, có 2 lần tưởng dòng hoàn toàn bị triệt tiêu khỏi mặt đất này, lần thứ nhất vào thời điểm năm 1987, khi chính đấng sáng lập bị án tù chung thân và 21 anh em dòng nồng cốt bị tù từ 4 đến 20 năm, và lần thứ hai vào thời điểm mấy năm (2006-2007) cuối đời của đấng sáng lập, tưởng dòng đã bị tiêu tan bởi trận sóng thần kinh hoàng khủng khiếp từ ngay trong nội bộ của dòng. Thế mà dòng vẫn còn tồn tại cho đến nay, lại còn phát triển hơn nữa, hơn bao giờ hết mới lạ lùng và kỳ diệu, cho dù đấng sáng lập đã khuất bóng. Tình trạng tồn tại và phát triển của dòng cho đến nay và như hiện nay không phải là một sự kiện thần hiển (theophany) hay sao, chẳng khác gì như một bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2).

 

Trái lại, bụi gai không bị thiêu rụi này còn trở thành một bụi lửa thần linh, chứng thực Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) "vô hình" (Colose 1:15) là Chủ tế tất cả mọi sự đã quan phòng vô cùng khôn ngoan và toàn năng, vẫn thực sự hiện diện và tỏ hiện nơi dòng Đồng Công ngay từ ban đầu cho tới nay, và chính vì thế, Dòng Đồng Công đã trở thành một sản phẩm thần linh đặc thù của Ngài, đến độ không gì có thể hủy hoại được. Thế rồi, chính vì nhờ được Ngài ở cùng như thế, anh em dòng Đồng Công sẽ tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của đấng sáng lập, với đấng sáng lập và như đấng sáng lập. Điển hình nhất là trường hợp của anh em lớp khấn XII hầu hết sau 1975, sau biến cố 1987, như rắn mất đầu, như dòng đã bị tiêu tan, tương lai mù mịt, thế mà vẫn trung thành với Lý Tưởng Thánh Đồng Công, cho dù có phải sống chui rúc trốn tránh, vất vả khổ sở, như thời Giáo Hội bị đế quốc Roma bách hại và sát hại.

Theo dõi lịch sử dòng nói chung, nhất là đã từng được huấn thánh bởi chính vị sáng lập dòng, em thấy Anh Cả có 2 mối quan tâm chính yếu suốt cả cuộc đời là vị sáng lập dòng của Anh, một hội dòng giáo sĩ để giúp người Việt Nam nên thánh, đó là hết sức mong muốn cho anh em dòng nên thánh, và làm sao cho dòng có linh mục, ít là 1/3 để phục vụ anh em dòng về đời sống phụng vụ cũng như về lãnh vực điều hành quản trị các cơ cấu của dòng, nhất là làm sao các vị linh mục của dòng phải được chính dòng đào tạo.

 

 

Chính vì mối quan tâm nên thánh trước hết và trên hết nơi anh em dòng mà tất cả và từng chọn lựa cùng quyết định của Anh đều dựa theo nguyên tắc, đường lối và tinh thần Phúc Âm Chúa dạy, đó là Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước hết và trên hết (xem Mathêu 6:33). Và đó là lý do chính yếu mới có 2 sự kiện hay biến cố, sau năm 1975 được gọi tắt là "sự cố", tiêu biểu sau đây: thứ nhất là sự kiện mở sổ khấn năm 1968, và thứ hai là sự kiện đóng cửa Trường Trung Tiểu học Đồng Công Thủ Đức vào cuối niên khóa 1969-1970.

Về sự kiện mở sổ khấn năm 1968. Vào thời điểm 1968 xẩy ra sự kiện mở sổ khấn này, Lớp khấn V vừa vĩnh thệ và Lớp khấn IXA gần khấn hạn thệ năm thứ 2. Năm ấy, anh em đội IXA đã được phân phối về Trại Gà Thiện Chí ở Khu Kitô Vương một số, trong đó có em làm bếp, do đó, em được nghe thấy tình hình về sự kiện mở số khấn ngoại lệ và bất thường này, nhất là về lý do của nó. Đó là vì Anh Cả là vị sáng lập dòng cho người Việt Nam nên thánh, trong khi đó, có một số anh em dòng còn đang nên thánh nửa vời, bắt cá hai tay, muốn làm tôi hai chủ (xem Mathêu 6:24), cho dù là những vị "chủ" tự bản chất vốn tốt lành, như học hành và linh mục, nhiều khi coi những thứ "chủ" này hơn cả Lý Tưởng Thánh Đồng Công. Anh Cả chủ trương "quí hồ tinh bất quí hồ đa", không nên để những người anh em nửa vời này ảnh hưởng đến những người anh em khác, do đó mới có biến cố Đại Công Hội ngoại lệ ở Nhà Mẹ Thủ Đức ngày 24/6/1968, một đại công nghị ngoại lệ đã đưa đến 3 quyết nghị dứt khoát sau đây:

1- Tháo Lời Khấn Toàn Thiêu cho toàn thể anh em dòng, vì anh em nào vào dòng Đồng Công cũng phải theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, mà Hiến Pháp và Tục Lệ Dòng chỉ là những gì căn bản, chứ không bao gồm những điều khoản nên trọn lành hơn như Luật Toàn Thiêu được Anh Cả phác họa và muốn anh em dòng tuân giữ trước khi dòng được khai sinh năm 1953. Tuy là những gì tùy ý mỗi cá nhân, không bắt buộc như Hiến Pháp và Tục Lệ Dòng, nhưng anh em đã tuyên khấn tư để tỏ ý nguyện muốn nên trọn lành theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

2- Cho anh em vĩnh thệ từ lớp khấn 1 đến hết lớp khấn 5 được tự do ra khỏi dòng nếu tự họ cảm thấy không hợp nữa. Tuy nhiên, trong vòng 3-4 tháng, chỉ có 1 anh duy nhất lợi dụng thời cơ hoàn tục hay chuyển hướng đời tu ở một nơi khác không biết. Cuối cùng, chính Anh Cả đã đích thân mời gần chục anh em Anh thấy không thích hợp với Đồng Công nữa xuất dòng, và các anh đã đáp ứng lời mời gọi của Anh Cả ra khỏi dòng Đồng Công. Cuối cùng Anh Cả đã tạ ơn Chúa Mẹ đã giúp cho dòng trải qua cuộc thanh lọc bất đắc dĩ nhưng dứt khoát cho Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

3- Quyết nghị thứ ba của Đại Công Hội bất thường ngày 24/6/1968 này là những anh em hạn thệ từ đó về sau, trước khi vĩnh thệ cần phải được sát hạch về chí tu, và phải được nhiều anh em dòng biết đến ủng hộ cho khấn trọn. Lớp khấn IXA là lớp khấn đầu tiên bắt đầu thực hành các biện pháp bảo vệ Lý Tưởng Thánh Đồng Công của Anh Cả. Đó là ngày nào cũng vậy, ngay sau Thánh lễ ban sáng, anh em đội qui tụ lại một chỗ để tuyên thệ trung thánh với Lý Tưởng Thánh Đồng Công, và ban tối họp nhau phải được 12 Điều Kiểm Thảo nhắc nhở về Lý Tưởng Thánh Đồng Công, bao gồm cả những khoản liên quan đến vấn đề học hành, nhất là chức linh mục.

Về sự kiện đóng cửa trường Trung Tiểu học cùng ký túc xá Đồng Công Thủ Đức cuối niên khóa 1969 - 1970. Trường Đồng Công Thủ Đức bấy giờ đang nổi tiếng ở Miền Nam Việt Nam, vì trường được chính các tu sĩ Đồng Công đích thân đảm trách quản trị và dạy học cùng chăm sóc, chứ không thuê giáo viên hay giáo sư bên ngoài. Do đó, học sinh vừa giỏi lại vừa ngoan, đến độ, khi nghe thấy quyết định trường bị đóng cửa thì nhiều phụ huynh đã cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, thậm chí có một số vị đã nhào vô can thiệp, một cách gián tiếp, với các vị có thẩm quyền cao hơn, như Đức Tổng Nguyễn Văn Bình, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn hay Đức Cha Nguyễn Văn Hiền, 3 vị giám mục có liên hệ mật thiết với dòng Đồng Công nói chung và với Cha Thủ nói riêng, thế nhưng chính nỗi tiếc xót của dân chúng và những lời Anh Cả nghe trực tiếp các Đấng nói với anh về biến cố đóng cửa trường này đã cho thấy hiệu năng của việc Dòng Đồng Công giáo dục giới trẻ ra sao:

 

ĐTGM Nguyễn Văn Bình viết: "Tôi không nói Trường Đồng Công có ảnh hưởng khắp thế giới, nhưng thật sự Trường Đồng Công có ảnh hưởng khắp miền Nam như vậy mà sao cha lại bãi?"

 

Đức Cha Hoàng Văn Đoàn khi gặp Anh Cả: "Sao Cha lại bãi Ký túc xá và Trường đang hoạt động xuôi chảy tốt đẹp như vậy?"

 

Đức Cha Nguyễn Văn Hiền chỉ nói đơn sơ với Anh: "Cha bãi trường à? Hoài nhỉ!"

 

Anh Cả chỉ thân thưa vắn gọn với các ngài như thế này:

 

"Thưa Đức Cha, con không bãi đâu, con chỉ tạm ngưng hoạt động ít năm để sửa chữa và kiến thiết lại thôi..." (với ĐTGM Nguyễn Văn Bình)

 

"Vì con cần phải chỉnh đốn lại nội bộ" (với Đức Cha Hoàng Văn Đoàn)

 

Và quả thực, sau đó Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức đã mở lại, 1973-1975,

 

1.    Thành phần Ban Điều hành Lưu Xá và Nhà Trường:

           a/ Ban Điều Hành Tổng Quát:

     --  Giám Đổc: Anh Nguyễn Trung Giáo, chịu trách nhiệm toàn diện về sinh hoạt Lưu xá và sinh hoạt Học đường.                                                                                                                                               

      --  Phụ tá I: Anh Đinh Quang Bá (tạm thay vì còn khuyết) giúp ban giám đốc đặc trách về sinh hoạt cúa gần 30 anh em phục vụ Lưu Xá: Aa. Huyên, Tuân, Hiệp, Vượng, Bá, Luận, Mục, Đài, Doãn, Từ, Kiểm, Khánh, Mẫn, Hữu, Tài, Khoa, Toàn, Trưng, Phát, Ngữ, Toản, Đình, Huỳnh, Thực, Định.                                                                                                                                   

      --  Phụ tá II: Anh Phan Ngọc Huyên dặc trách hiệu đoàn và giáo dục Lưu trú sinh.                                              

      --  Thư ký: Anh Đinh Quang Bá lo về sổ sách, văn phòng.                                                                                            

      -- Tài chính: Anh Nguyễn Đức Tuân (tạm thay vì còn khuyết) quản lý Học đường và tài sán Lưu xá.

           b/ Ban Giám Hiệu:

     --  Hiệu trưởng kiêm Hiệu đoàn trưởng: Anh Đinh Thành Bắc.                                                                               

      -- Giám học kiêm ngoại vụ: Anh Nguyễn Kim Hiệp với nhiệm vụ giao dịch với phụ huynh, lo cho học sinh ngoại trú.                                                                                                                   

      -- Tổng Giám thị kiêm Hiệu đoàn phó: Anh Phan Ngọc Huyên với nhiệm vụ giữ về kỷ luật và sinh hoạt hiệu đoàn.

       * Sang tháng 10 có thay đổi:

      --Phụ tá I chính thức:  Anh Đinh Quang Bá                                                                                                    

       -- Phụ tá II tức Tổng giám thị: Anh Lê Hữu Từ thay anh Phan Ngọc Huyên làm tuyên uý lưu trú sinh.                                                                                                                                                   

       --Quản lý và kiêm bí thư: Anh Đinh Viết Luận                                                                                                   

       --Kiêm thêm hiệu đoàn phó: Anh Nguyễn Kim Hiệp

 

 

được Anh Trần Trung Giáo làm Giám đốc, do đó một số anh em mới khấn Đội X ở Di Linh đã được sai phái về phục vụ vào năm 1974: Aa Thuật, Tài, Khoa, Hữu, Mẫn; Đội IX cũng có Aa Cầu, Luận; Đội VIII có Anh Đàm v.v. thành phần Đồng Công trẻ trung còn hăng say với Lý Tưởng Thánh Đồng Công. Tuy nhiên, biến cố đóng cửa trường này, cho dù chỉ tạm thời thay vì vĩnh viễn, cũng cho thấy Lý Tưởng Thánh Đồng Công phải trước hết và trên hết nơi anh em dòng phục vụ ở môi trường giáo dục giới trẻ là thành phần tương lai của đất nước, chứ không phải vì bất cứ lợi lộc trần gian nào, cho dù học sinh và gia đình họ có lợi về mặt tinh thần, và dòng cũng có thêm một nguồn lợi tức không nhỏ để tự lập mưu sinh. Bởi vì, theo nguyên tắc Phúc Âm: "được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì" (Mathêu 16:26).

Nên Thánh Đồng Công ở chỗ nào và bằng cách nào?

Chính vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công trước hết và trên hết như thế, nơi chính bản thân tu sĩ Đồng Công cũng như các việc phục vụ của Dòng, mà việc nên thánh của anh em dòng là những gì bất khả thiếu. Có thể nói, theo chiều hướng của Anh Cả là vị sáng lập dòng thì làm gì thì làm, trước hết và trên hết phải thánh đã thì mới thánh hóa công việc của mình và mang lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn minh phục vụ. Nghĩa là phải là một vị thánh giáo sư mới có thể là một giáo sư thánh, phải là một vị thánh linh mục mới có thể là một vị linh mục thánh, phải là một vị thánh thừa sai mới có thể là một vị thừa sai thánh v.v. Thế nhưng, Nên Thánh Đồng Công hay Đồng Công Nên Thánh ở chỗ nào và bằng cách nào đây?

Thật ra, cũng theo đúng như mạc khải Thánh Kinh thôi, chứ không có gì khác lạ và dị thường, kiểu "thánh nhân dị chúng nhân". Nếu Nên Thánh chính là "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), mà tất cả tầm vóc trọn lành của Thiên Chúa đều được tỏ hiện nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng hoàn toàn phản ảnh Cha, "đẹp lòng Cha mọi đàng" (Marcô 1:11), thì Nên Thánh cũng là nên giống Chúa Kitô, là sống Chúa Kitô đến độ "Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20). Vậy nếu Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, thì Nên Thánh chính là sống xứng đáng với ơn gọi là con Thiên Chúa của mình, bằng những thái độ và tác hành theo đúng tư cách là con của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Tám Mối Phúc Đức được Chúa Kitô truyền dạy ở bài giảng trọn lành trên núi, những mối phúc đức được Giáo Hội chọn đọc cho Lễ Trọng buộc kính Các Thánh Nam Nữ ngày 1/11 hằng năm.

Thật vậy, Kitô hữu chúng ta đã trở nên con cái của Thiên Chúa nơi Bí tích Thánh Tẩy tái sinh, được thông phần vào bản tính thần linh của Ngài và được sống sự sống thần linh với Ngài và như Ngài nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài. Nếu là loài người chúng ta được ban cho trí khôn và lòng muốn là 2 tài năng của linh hồn thế nào, để có thể tác hành xứng với phẩm cách làm người, thì về lãnh vực siêu nhiên cũng thế, vì là con Thiên Chúa chúng ta cũng được phú bẩm cho 3 thần đức tin cậy mến như một khả năng siêu nhiêu để có thể sống và xứng đáng sống sự sống thần linh của Chúa nơi chúng ta. Đó là lý do Nên Thánh Đồng Công hay Đồng Công Nên Thánh là sống 3 thần đức Tin-Câỵ-Mến, một bộ 3 thần đức là chính nội dung và tâm điểm của 3 tinh thần dòng là bỏ mình (đức tin là những gì vượt lên trên bản tính và khuynh hướng tự nhiên của bản thân con người), tận hiến (ở chỗ cậy trông phó thác) và yêu nhau (ở chỗ sống đức mến trọn hảo).

Nếu để ý chúng ta thấy trên thực tế Anh Cả đã huấn dụ và huấn thánh tu sĩ Đồng Công của Anh theo bộ 3 thần đức này, như ở hai văn kiện tiêu biểu của Anh viết cho anh em dòng nói chung và anh em tỉnh dòng nói riêng:

Đồng Công Nên Thánh là sống Đức Tin - không sống đức tin không thể nên thánh (trích Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công tỉnh dòng Hoa Kỳ dịp Xuân Mậu Ngọ 1978 sau khi anh ra khỏi tù lần thứ 1):

"Trước hết anh xin lưu ý các em với bất cứ giá nào cố gắng giữ toàn vẹn Đức Tin cổ truyền, giữ như bản tuyên xưng Đức Tin Đồng Công mà chúng ta quen đọc trong ngày Chúa Nhật Đầu tháng, xin các em còn sống nếp sống Đồng Công như các em vốn đã sống khi còn ở quê Hương Việt Nam, giữ đúng hiến pháp, tục lệ, tinh thần dòng, đừng muốn buông thả, đừng muốn tháo khoán nhá, kẻo dần dần sẽ làm cho các em mất Đức tin mà các em không biết, nếu cần thiết thay đổi và thích nghi với khí hậu, với hoàn cảnh địa phương, thì chỉ nên thay đồi và thích nghi những cái vụn vặt bề ngoài mà xét ra cần thiết thật thôi, chứ những cái vụn vặt bề ngoài mà xét ra không cần thiết thật, thì cũng không nên thay đổi, về điểm này chắc các em cũng đồng ý với anh chứ?"

Đồng Công Nên Thánh là sống Đức Cậy - là tin tưởng phó thác như trẻ thơ (trích Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công dịp Dòng mừng Kim Khánh Khai Dòng 1986):

"Con đường Tận Hiến cho Mẹ, Lệ Tình Yêu Mẹ, đó là con đường Thơ Ấu Đồng Công, là nếp sống đẹp lòng Cha Má nhất, dễ dàng nhất, đó là con đường Đại Thánh Đồng Công".

Đồng Công Nên Thánh là sống Đức Mến - ở chỗ đối xử với nhau bằng đức ái trọn hảo (trích Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công tỉnh dòng Hoa Kỳ dịp Xuân Mậu Ngọ 1978 sau khi anh ra khỏi tù lần thứ 1):

"Điểm sau cùng anh muốn lưu ý các em là xin các em hãy thành thực tự đáy lòng sống với nhau bằng đức ái trọn hảo, biết trọng đức yêu nhau hơn mọi tư lợi, cố gắng giữ đức yêu nhau hơn mọi tư lợi hằng thiết tha yêu mến nhau trong tư tưởng, lời nói, hành động, luôn đoán ý lành cho nhau, nhịn nhục những khuyết điểm của anh em, biết tha thứ cho nhau trong mọi lúc, đừng đoán xét ai và vui lòng chịu người ta xét đoán, trọng kính mọi anh em mà không đòi được anh em trọng kính, đừng phê phán bình phẩm nói hành ai, mà sẵn sàng chịu chê bai đàm tiếu. Các em ơi, vì các em là thành phần Đức tin hoàn hảo mà, các em đâu có quên. Yêu nhau là mến Chúa, yêu nhau là thước đo Thánh Thiện, đặc tính cá biệt của tu sĩ Đồng Công là yêu nhau để lôi kéo nhiều linh hồn về với lòng yêu bao la toàn năng, vĩnh cửu".

Câu rõ ràng nhất cho thấy Lý Tưởng Thánh Đồng Công hay Nên Thánh Đồng Công là ở chỗ sống 3 thần đức tin cậy mến, được Anh Cả khẳng định ở phần kết của bức Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công dịp Dòng mừng Kim Khánh Khai Dòng 1986:

"Làm thế nào để tới Con Đường Đại Thánh Đồng Công? Đây là con đường Đại Thánh Đồng Công: Tin Thơ Trẻ, Cậy Trông Thơ Trẻ, Mến Yêu Thơ Trẻ.

"Thế nào là Tin Thơ Trẻ, Cậy trông Thơ Trẻ, Mến yêu Thơ Trẻ? Các em đã nghe, đã biết đủ rồi, chỉ cần các em thật muốn: là cầu nguyện thiết tha, với ơn Cha Má luôn sẵn sàng trợ giúp, dùng hết ý chí gan góc kiên trì, mạnh tay bóc lột, bóp chết Thần Tôi – là vị thần kiêu căng, ngạo nghễ, gan lì chống đối Chân Thiện Mỹ. Tình yêu Cha Má không ngừng đâu các em ạ. Chúng ta chưa vươn lên con đường Thơ Ấu ĐC chỉ tại vị thần kiêu căng ngạo nghễ gan lì trong nhà chúng ta chưa bị hạ bệ, hắn còn ẩn núp trong xó nhà, chỗ kín đáo làm ta không khám phá ra, hoặc khám phá ra rồi mà chúng ta con nể vì nương tay với hắn, chưa có gan, chưa mạnh tay tàn nhẫn hạ bệ hắn xuống. Chỉ có vậy thôi".

 

 

Câu chuyện chuyển Nhà Mẹ ra Giáo Phận Qui Nhơn, chỉ vì nhu cầu linh mục dòng cần phải được chính dòng đào luyện, là cả một vấn đề gay go và kéo dài. Đến độ có thể nói, như thực tế cho thấy, Nhà Mẹ lệ thuộc vào vấn đề linh mục được dòng đào tạo, nghĩa là Nhà Mẹ bất cố định, nhưng phải luôn di chuyển đến những địa điểm nào dòng có thể đào tạo linh mục lấy. Bởi vì Nhà Mẹ chỉ là cơ sở, còn linh mục là một sứ vụ quan thiết bất khả thiếu đối với cơ cấu tổ chức của dòng. Thật vậy, sau khi dòng di cư vào nam năm 1954, và sau khi đã ổn định ở Thủ Đức, Anh Cả liền nghĩ đến việc huấn luyện anh em và phát triển dòng ở trong miền đất mới free cộng sản này.

 

Trước hết Anh Cả ngỏ ý xin Đức Cha Phạm Ngọc Chi cho dòng mở lớp triết học, vị giám mục đại ân nhân thứ hai của dòng, (sau vị đại ân nhân thứ nhất là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, vị giám mục đã cho dòng thành Hội Đạo Đức vàop năm 1948, bước đầu tiên để thành dòng), đã giúp dòng trong việc được tòa thánh hợp thức hóa vào cuối năm 1952. Thế nhưng ngài không đồng ý, bởi trong Sắc Lệnh ngài ban hành của ngài bấy giờ trong Giáo Phận Bùi Chu để thành lập Dòng Đồng Công là Dòng Giáo Dân (Congregatio Laicalis).

 

Tuy nhiên, theo hiến pháp dòng (khi em còn ở trong dòng) thì Dòng Đồng Công được ghi rõ ràng là "dòng giáo sĩ", và Hiến Pháp Dòng đã được Tòa Thánh châu phê là "dòng giáo sĩ" từ cuối năm 1952, (chứ không phải dòng giáo dân, thuần túy làm frere như các Sư Huynh Dòng Gioan Lasan chuyên giáo dục thanh thiếu niên nghèo), trong đó hiến pháp dòng xác định rõ thành phần linh mục cần phải có để phục vụ anh em dòng cả về hành chính quản trị phụng vụ lẫn mục vụ, nhưng chỉ ở con số 1/3 trong tổng số anh em dòng.

 

Sau đó, Anh Cả đã xoay sở cách khác. Vào năm 1960, Tổng Giáo Phận Sài Gòn có tân Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình. Anh Cả đã ngỏ ý xin ngài mở lớp triết học cho các anh em dòng được chọn học làm linh mục. Ngài đồng ý. Và đó là lý do lớp triết đầu tiên được mở màn với 7 anh: Độ, Đức, Nam, Tự (4 anh Đội I), Xuân (Đội II), Giản và Kiên (Đội III). Tuy nhiên, khi học hết hai năm triết vào năm 1963 thì bị ngưng lại, bởi Đức Tổng đặt điều kiện nếu nhà dòng muốn mở khoa thần học, đến độ nếu Anh Cả chấp nhận thì dòng không còn quyền lợi gì về linh mục và cũng không có quyền tuyển chọn linh mục theo nhu cầu của dòng.

 

Nên lưu ý ở đây là, Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn đã quá biết dòng đang cho anh em theo học linh mục ở Chủng Viện Xuân Bích (Sulpice) ở Sài Gòn, nên có thể vì thế mà ngài đặt vấn đề khi dòng xin mở khoa thần học, khi dòng còn ở tầm cấp giáo phận, lệ thuộc vào ngài, chưa thuộc cấp giáo hoàng, ngoài quyền hạn của ngài. Những anh em linh mục đầu tiên của dòng học ở Chủng Viện Xuân Bích và được thụ phong bởi ngài thứ tự như sau:

Anh Augustino Đặng Ngọc Hưởng (thụ phong ngày 5-9-1963);

Anh Matthia Trần An Tĩnh (thụ phong ngày 15-12-1963, anh là nghĩa tử của Anh Minh Đăng, từ Dòng Chúa Cứu Thế chuyển sang, đã học xong chỉ còn chờ thụ phong);

Anh Trần Đình Trung (đã xuất), Anh Philiphê Phạm Đức Thịnh  Anh Ignatio Lê An Đại (cả 3 thụ phong ngày 29-6/1966).

Trước khi có các đợt linh mục đầu tiên thuần túy của dòng và từ dòng này, dù được đào luyện từ bên ngoài, Thiên Chúa cũng liệu cho dòng có một số linh mục triều gia nhập dòng chỉ vì lòng kính phục Anh Cả. Đó là các vị linh mục (thứ tự theo năm chịu chức) sau đây:

Anh Trần Thế Hào (21-5-1932)

Anh Nguyễn Minh Đăng (29-5-1941)

Anh Vũ Long Toàn (1942)

Anh Đỗ Tri Tâm (4-8-1945)

Anh Phạm Văn Hóa (4-8-1946)

Anh Phạm Duy Lễ (chết ngày 21/6/1957)

Anh Bùi Khải Hoàn (14/12/1947)

Anh Nguyễn Hiến Tân (1-6-1951)

Chưa kể hai Anh Phạm Văn Từ  Cao Hiến Trương (đã xuất).

Chính vì nhu cầu linh mục bất khả thiếu cho dòng trong tương lai mà Anh Cả đã hết sức nỗ lực để thực hiện cho bằng được. Vào năm 1962, Anh đã lên Đồng Xoài xin phép chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ mua 3500 mẫu rừng ở Quận Đôn Luân, Tỉnh Phước Long, để trồng cao su. Bấy giờ khu Đồng Xoài Phước Long này thuộc Giáo Phận của Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, nên Anh Cả đã ngỏ ý dời Nhà Mẹ về đấy để có thể mở học viện thần học, và đã được ngài chấp thuận với điều kiện chính ngài sẽ khảo hạch tín lý thần học của các thày được tuyển chọn thụ phong linh mục. Anh Cả đồng ý liền.

 

Thế là tiến trình làm nhà mẹ cho dòng ở địa phương mới này được bắt đầu. Anh em trồng được 100 cây chôm chôm và mấy chục cây sầu riêng, hơn một mẫu mía, gần 30 mẫu cao su, và mới kiến thiết được 2 cái nhà, mỗi nhà có 6-7 căn mái lợp lá và tường vây gỗ, thì bất ngờ bùng nổ chiến tranh ở Quận Đôn Luân, chỉ cách dòng có 6-7 cây số, nhưng dòng vẫn cố trụ cho tới năm 1964 mới hoàn toàn chịu đầu hàng triệt thoái rút lui vì bấy giờ giao thông hoàn toàn bị bế tắc.

 

Vào thời điểm cuối đường hầm ấy của dòng trong việc tuụ đào luyện linh mục cho dòng đã xuất hiện một tia sáng. Đó là chính khi lớp triết đầu tiên của dòng vừa học xong năm triết thứ hai vào năm 1963 thì lại là thời điểm Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Hoàng Văn Đoàn làm giám mục chính tòa Giáo Phận Qui Nhơn. Thế là Anh Cả chộp ngay lấy cơ hội hiếm có. Anh đích thân ra Qui Nhơn gặp ngài để xin chuyển Nhà Mẹ và Thần Học Viện của dòng về Giáo Phận Qui Nhơn của ngài. Ngài đồng ý.

 

Thế là Nhà Mẹ được chuyển ra Mỹ Chánh Qui Nhơn là giáo điểm truyền giáo đầu tiên của dòng từ năm 1957, nơi có Trường Toàn Mỹ (sở dĩ có tên Toàn Mỹ này là vì ở vùng này các nơi đều có tên là Mỹ, như các Xã Mỹ Chánh, Mỹ Thọ, Mỹ Hòa, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Phong, Mỹ Cát thuộc Quận Phù Mỹ), nơi Đội IX, sau khi khấn lần đầu ở Qui Đức ngày 24/9/1967, cách đây 55 năm, đã được sai đến vào năm 1967 để dạy học, có em tâm phương phục vụ bếp núc cho anh em, dưới quyền quản trị của Anh Giám Đốc Phạm Tiến Đức bấy giờ.

 

Tuy nhiên, số phận của Dòng Đồng Công không thể tách lìa với vận mệnh gian nan khốn khó hoạn nạn của đất nước, từ ngoài bắc vô nam, từ trong nước ra hải ngoại v.v. Bởi thế, trong khi lớp thần học 1 đã bắt đầu năm thứ nhất ở Qui Đức ngay trong Thị Xã Qui Nhơn, thay vì ở Mỹ Chánh xa xôi, cách Tòa Giám Mục cả 150 cây số, với đường đi hiểm trở và nguy hiểm, thì vào giữa mùa hè năm 1964, khắp tỉnh Qui Nhơn xẩy ra biến cố biểu tình của Phật giáo, ban ngày Phật giáo xuống đường, ban đêm Việt cộng hò hét, anh em không thể nào học được. Đó là lý do Anh Cả phải xin Đức Cha Đoàn cho phép anh em tạm dời về Thủ Đức tiếp tục thần học năm thứ 2, tại Khu Kitô Vương. Ở đây, có thêm các Anh Thiên (Đội I), Anh Hiếu  Anh Sáng (Đội II), Anh Ái  Anh Hòa (Đội III) được tuyển chọn vào năm triết thứ 1, và tiếp tục học ở đây cho tới Tháng 6/1966, thời điểm Đội IXA của em ra Qui Nhơn vào Nhà Thử ngặt và sau đó vào Tập Viện.

 

Sau năm thần học thứ 2 của lớp linh mục đầu tiên 7 người, Đức Cha Đoàn buộc anh em phải trở lại Qui Đức Qui Nhơn để học thần học năm thứ 3, để rồi, vào lễ Hiện Xuống năm 1966, anh em đã được chịu chức Cắt Tóc để được gia nhập hàng Tư Giáo ở 4 chức nhỏ. Sau cùng, vào ngày 29/1/1967, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, vị đại ân nhân thứ ba của dòng, (sau vị đại ân nhân thứ 2 là Đức Cha Phạm Ngọc Chi và vị thứ nhất là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn), đã phong chức linh mục cho 4/7 anh đợt linh mục đầu tiên, đó là: Anh Phạm Tiến Đức  Anh Trần Đức Nam (Đội I - Anh Nam là giáo sư tu đức của Đội IXA, đã xuất trong thời kỳ Đội IX còn ở Qui Nhơn 1968-1970), Anh Đoàn Phú Xuân (Đội II) và Anh Nguyễn Đức Kiên (Đội III), 4 anh linh mục đầu tiên được chính dòng (nói đúng hơn được chính Anh Cả) đào luyện.

 

Vào ngày 2/2/1973, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn lại phong chức linh mục cho đợt linh mục thứ hai do chính dòng đào luyện, đó là: Anh Cyrillo Vũ Thanh Thiên  Anh Polycarp Trần Thái Sơn (Đội I), Anh Micae Nguyễn Trung Giáo  Anh Giacôbê Vũ Đại Lượng (Đội II), Anh Giuse Phan Ngọc Huyên (Đội III), Anh Tadêô Nguyễn Ngọc Ban (Đội IV), và Anh Gioan Bosco Phạm Ngọc Liên (Đội V). Một anh linh mục chịu chức lẻ ở Việt Nam sau 1975 là Anh Nguyễn Tri Thức (Đội III) ngày 2-6-1976.

 

Đợt linh mục thứ ba cũng do dòng đào tạo, vừa hoàn toàn 7 năm học linh mục nhưng chưa kịp chịu chức thì Đức Cha Hoàng Văn Đoàn qua đời, đồng thời bấy giờ lại xẩy ra tình hình đất nước biến đổi một cách mau chóng đến độ anh em dòng, theo ý Đấng sáng lập phải: "ra đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo", đã xuất ngoại sang Hoa Kỳ, nơi đã có 12 vị linh mục Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại, phát xuất từ Dòng Đồng Công, vào ngày 27/5/1977, đó là 12 tu sĩ Đồng Công sau đây: Anh Nguyễn Mạng Cách  Anh Đỗ Đình Vạn (Đội I), Anh Ngô Châu Minh  Anh Mai Vĩnh Lộc (Đội II), Anh Đỗ Thái Hòa, Anh Nguyễn Công Hoan, Anh Trần Công Lý, Anh Phạm Ân Sử  Anh Phạm Minh Vận (Đội III), Anh Đoàn Quang Báu, Anh Đinh Vương Cần  Anh Nguyễn Thành Huynh (Đội IV).

 

Đợt linh mục thứ tư, tuy không chịu chức ở Việt Nam như 2 đợt đầu, nhưng cũng bắt đầu học linh mục từ Việt Nam trước 1975. Em tâm phương này không được chứng kiến thấy lớp linh mục này có học linh mục từ Việt Nam hay chăng, như hai lớp linh mục đầu ở Nhà Đá Qui Nhơn, nhưng vẫn tin như thế. Bởi chính bản thân em, khi được Anh Cả sai phái về Lương Sơn để dạy học, sau 2 năm phục vụ ở Tiểu Chủng Viện Simon-Hòa Đà Lạt (1972-1974), đã bảo em rằng học Latinh với Anh Phan Thiện Giản cũng ở đó bấy giờ. Rất tiếc em không được hân hạnh học với học giả và văn sĩ Đồng Công Hoàng Thiện Giản, vị từng học linh mục lớp đầu tiên, là dịch giả của một số tác phẩm nổi tiếng về đạo, (bút hiệu Phạm Duy Lễ, tên của một anh linh mục triều vào dòng Đồng Công đã qua đời), và là thày dạy Latinh cho nhiều anh em học linh mục của dòng, vì vào tháng 10/1974, em lại được lệnh Anh Cả ra Nhà Đá dạy học rồi về làm bếp cho tới khi di tản về Thủ Đức vào cuối Tháng 3/1975.

 

Đợt linh mục thứ tư của dòng bắt đầu học linh mục ở Việt Nam nhưng hoàn tất học trình linh mục ở Mỹ và chịu chức ở Mỹ, tất cả là 4 đợt 10 anh, trong đó bao gồm cả các anh từ Đội Khấn V tới Đội Khấn VII. Thứ tư như sau: 

Chịu chức ngày 13/6/1981: Anh Bùi Anh Tuấn  Anh Nguyễn Linh Uy (Đội III), Anh Nguyễn Huy Chương (Đội V), Anh Vũ Khiêm Cung (Đội VI); 

riêng Anh Trần Ngọc Diệp (Đội VII ) - chịu chức trong Ngày Thánh Mẫu 8/1982; 

Chịu chức ngày 31/5/1983: Anh Đỗ Linh Sáng (Đội II), Anh Đinh Thành Bắc (Đội V), Anh Lương Minh Tuất  Anh Nguyễn Quang Đán (Đội VIII); 

riêng Anh Phạm Quang Huy (Đội III) - chịu chức ngày 28/11/1985.

 

Đợt linh mục thứ năm: Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn linh mục được dòng đào tạo, đặc biệt bởi chính Anh Cả và đối với anh em tu trước năm 1975, thì sau thời gian Anh Cả trở về từ ngục tù cộng sản năm 1993, còn có 5 anh nữa, chịu chức cả ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ.

 

Ở Việt Nam: Anh Phạm Cao Đích (Đội VIII), Anh Nguyễn Ngọc Lâm (Đội IXA) và Anh Đinh Viết Phục (Đội IXC) - chịu chức vào tháng 5/2001;

Ở Hoa Kỳ: Anh Vũ Kim Ngân (Đội VIII từ VN sang HK) - chịu chức ngày 4/6/2000; Anh Trần Hữu Thảo (Đội IXA từ VN sang HK) - chịu chức ở Hoa Kỳ ngày 2/6/2002. 

Sau đợt linh mục thứ năm này, những anh em tu trước năm 1975 thuộc các lớp khấn từ Đội IX trở lên, còn một anh nữa là Anh Phụng (IXC), được thụ phong đợt 9 anh em ngàt 18/6/2006, trước khi Anh Cả qua đời 3 ngày.

Không kể các anh linh mục đã học xong thần (12 vị), những anh thuộc lớp thần 3 do dòng đào tạo, và triết ở Việt Nam (10 vị, bắt đầu từ LK 5 tới VII), thuộc lớp thần 4 kể từ khi dòng được tự đào tạo linh mục ở Nhà Mẹ Nhà Đá Qui Nhơn, nhưng vì quốc biến 1975, 22 anh này đã được truyền chức linh mục ở Hoa Kỳ, như được liệt kê trên đây, còn có các đợt linh mục ở Tỉnh dòng, không do dòng đạo tạo, mà được đào tạo về học trình linh mục ở những nơi chọn lọc xứng đáng, nhờ đó và từ đó chung dòng có thêm các đợt linh mục ở Tỉnh dòng Hoa Kỳ thứ tự như sau:

 

Lớp linh mục thứ 1 - thành phần đã vĩnh thệ ở Việt Nam và di tản từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong đó bắt đầu có các anh đa số thuộc Đội 9 (4/5), chịu chức từ năm 1987 - 1989, gồm có 5 anh, thứ tự như sau: Anh Nguyễn Hồng Ân (Đội VI), Anh Nguyễn Mạnh Thư  Anh Cao Xuân Cảnh (Đội IXA) - chịu chức ngày 6/8/1987;  Anh Đỗ Cao Tùng  Anh Nguyễn Châu Diên (Đội IXA) - chịu chức ngày 31/5/1988.

Lớp linh mục thứ 2 - trong đó có quí anh tu ở Việt Nam trước năm 1975 nhưng vĩnh thệ bên Hoa Kỳ, nghĩa là bắt đầu có các anh linh mục Đội X (3/7), chịu chức từ năm 1989 đến 1991, gồm có 7 anh, thứ tự như sau: Anh Đinh Viết Luận (Đội IXA)Anh Nguyễn Hải Dương, Anh Nguyễn Hữu Ngạn  Anh Thân Như Hữu (Đội X) - chịu chức ngày 28/5/1989; Anh Ngô Đức Vượng (Đội VI), Anh Ngô Hoàng Khôi  Anh Nguyễn Đức Thuần (Đội IXC) - chịu chức ngày 9/6/1991.

Lớp linh mục thứ 3 - trong đó có quí anh tu ở Việt Nam trước năm 1975 nhưng vĩnh thệ bên Hoa Kỳ,  bắt đầu  các anh linh mục thuộc lớp khấn XI (5/13), chịu chức từ năm 1992 đến năm 1996, gồm có 13 anh, thứ tự như sau: Anh Trần Ngọc Thoại (Đội VII) và Anh Vũ Minh Nhiên (Đội XI) - chịu chức ngày 31/5/1992; Anh Hoàng Anh Thăng (Đội IV), Anh Đỗ Quang Chinh (Đội IXB) và Anh Trần Minh Duệ (Đội XI) - chịu chức ngày 5/6/1993; Anh Nguyễn Đức Huyến (Đội IXC), Anh Nguyễn Trung Khánh  Anh Phạm Trung Thực (Đội X), Anh Phạm Hữu Độ  Anh Trần Thế Lực (Đội XI) - chịu chức ngày 4/6/1994; Anh Trần Thanh Liêm (Đội VII), Anh Trần Đình Diễm (Đội X) và Anh Phạm Ngọc Bích (Đội XI) - chịu chức ngày 2/6/1996.

 

Lớp linh mục thứ 4 - trong đó bắt đầu có quí anh tu ở Hoa Kỳ, bắt đầu có hầu hết lớp khấn XII (9/11), chỉ còn 2 anh tu trước 1975 ở Việt Nam, chịu chức từ năm 1997 đến 2003, gồm có 11 anh, thứ tự như sau: Anh Nguyễn Trọng Thưởng (người đệ tử đầu tiên bên Mỹ, đã xuất) - chịu chức ngày 1/6/1997; Anh Trần Hưng Long  Anh Đoàn Quang Diệm (Đội XII) - chịu chức ngày 30/5/1999; Anh Vũ Hữu Mục (Đội IX), Anh Âu Quốc Thanh (Đội XII) - chịu chức ngày 4/6/2000; Anh Cao Vũ Nghi (Đội XII) - chịu chức ngày 2/6/2001; Anh Vũ Minh Trân (Đội XII) - chịu chức ngày 2/6/2002; Anh Phạm Kim Bân, Anh Trần Bình Khả  Anh Lê Phúc Điềm - chịu chức ngày 7/6/2003; Anh Nguyễn Tuấn Bình - thụ phong ngày 29/5/2004.

Lớp linh mục thứ 5 - lớp linh mục này hoàn toàn là những anh em tu ở Hoa Kỳ, bắt đầu có đa số lớp khấn XIII (8/11), không còn một anh nào tu ở Việt Nam trước năm 1975 nữa, chịu chức từ năm 2005 đến 2009, gồm có 13 anh: thứ tự như sau: Anh Đào Duy Kiêm (Đội XII)  Anh Trần Quốc Toản (Đội XIII) - thụ phong ngày 4/6/2005;  Anh Phạm Đức Sinh  Anh Trần Vi (Đội XII), Anh Phạm Ngọc Trác, Anh Vũ Toàn Khoa  Anh Nguyễn Huy Châu (3 anh Đội XIII) - thụ phong ngày 3/6/2006; Anh Nguyễn Tuấn Nhã (Đội XII)  Anh Hoàng Nghĩa Hiệp (Đội XIII - đã nhập GP Venice Florida)  Anh Lâm Bá Trọng (Đội XIII) - thụ phong ngày 12/1/2008; Anh Nguyễn Hoan Lương  Anh Nguyễn Châu Hy (cả 2 Đội XIII) - thụ phong ngày 10-1-2009.

 

Lớp linh mục thứ 6 - lớp linh mục bắt đầu có đa số lớp khấn XIV (8/13) tu ở Hoa Kỳ, gồm có 13 anh, chịu chức từ năm 2009 đến 2012, thứ tự như sau: Anh Nguyễn Trung Chánh (Đội XIII), Anh Đỗ Thanh Cao  Anh Ngô Tiến Hóa (cả 2 Đội XIV) chịu chức ngày 6-6-2009;  Anh Trần Trung Thành (Đội XIII), Anh Đỗ Long Vân  Anh Trần Hà Nhuận (cả hai Đội XIV) - chịu chức ngày 5-6-2010 (hai anh Đội XIV này đang thử nghiệm để ra nhập địa phận thích hợp với mình); Anh Trương Trường Kỳ  Anh Hoàng Việt Thắng (cả 2 Đội XIV) - chịu chức ngày 4-6-2011; Anh Trần Thế Mạc (Đội X), Anh Nguyễn Ngọc Quang (Đội XII), Anh Vũ Toàn Tri (Đội XIII), Anh Nguyễn Tâm Năng  Anh Vũ Lưu Truyền (cả 2 Đội XIV) - chịu chức ngày 2-6-2012.

 

Lớp linh mục thứ 7 - lớp linh mục bắt đầu có lớp khấn XV (3/9) tu ở Hoa Kỳ, gồm có 9 anh, chịu chức từ năm 2014 đến 2017, thứ tự như sau: Anh Đinh Tuyến Viễn, Anh Trương Thịnh Đạt, Anh Đỗ Văn Kiệt (cả 3 Đội XIV), Anh Tạ Tân Văn (Đội XV) - chịu chức ngày 8-6-2014; Anh Nguyễn Tuấn Bảo (Đội XIV), Anh Trần Hiền Vương  Anh Hoàng Hải Đăng (Đội XV) - chịu chức ngày 11-6-2016; Anh Nguyễn Đức Học (Đội XII) và Anh Phạm Thuận Tự (Đội XV) - chịu chức ngày 10-6-2017.

 

Lớp linh mục thứ 8 - lớp linh mục hoàn toàn là lớp khấn XV, gồm có 4 anh: Aa. Đào Đức Pháp (XV) và Nguyễn Huy Mạch (XV) - chịu chức ngày 15/6/2019, nhưng trong 2 anh này đều từ Nhà Mẹ qua, Anh Mạch sau khi thụ phong đã xin về lại Nhà Mẹ. 2 năm 2020 và 2021 vị đại dịch nên tiến trình thụ phong linh mục cũng bị ảnh hưởng cho đến năm 2022 với 2 anh: Phạm Hồng Ân (XV) và Phạm Duy Quý (XV) - chịu chức ngày 15/1/2022.

Tóm lại, cho tới cuối năm 2022 số linh mục tỉnh dòng còn là 72, chưa bao gồm 25 anh đã qua đời (xin xem hình ảnh anh em qua đời của tỉnh dòng ở phần Đồng Công Hiệp Thông), 7 anh về VN (Aa. Đại và Đức LK 1, Kiên và Tuân LK 3, Thăng LK 4, Ngạn LK X, Nhiên LK XI, không kể Anh Uy LK 3 ở HK lại chết ở VN, và 2 anh Ngân LK VIII và Thảo LK IXA từ VN sang HK), và ít là 4 anh đã ra triều (Aa. Thưởng LK XII, đệ tử sinh đầu tiên của dòng ở hải ngoại; Hoàng Hiệp Nghĩa LK XIII - 2017 chính thức nhập ĐP Venice, FL; Trần Hà Nhuận LK XIV - 2018 chính thức nhập ĐP Great Falls-Billings, MT; Đỗ Long Vân LK XIV - 2021 chính thức nhập TGP Miami, FL).

Nếu không kể 7 linh mục từ VN sang HK năm 1975 (Aa. Đại, Thiên và Sơn LK 1, Lượng LK 2, Ban LK 4, Tĩnh LK 5, Hào LK 7; Anh Kiên LK 3 từ Roma trực tiếp sang HK năm 1975 là 8, khi anh em Đồng Công mới từ các hải đảo Guam và Wake vào nội địa và đang ở trại chuyển tiếp Fort Chaffee Arkansas) thì Tỉnh dòng đã thêm được, từ năm 1977 cho đến hết năm 2022, tất cả là 100 vị, nghĩa là trong vòng 47 năm ở HK Tỉnh dòng mỗi năm trung bình thêm được 2 vị linh mục Đồng Công để kịp đáp ứng nhu cầu mục vụ càng ngày càng đòi hỏi.

Có thể nói năm 2012 là mốc điểm trổ sinh của hội dòng Đồng Công ở Việt Nam. Bởi vì, sau khi Anh Cả là Đấng sáng lập qua đi như "hạt lúa miến mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái" (Gioan 12:24), được một thời gian, thì trong nhiệm kỳ đầu tiên (2007-2012) thời Anh Tổng Phục Vụ Đoàn Phú Xuân, người kế vị đầu tiên của Đấng sáng lập trong việc chẳng những bảo tồn mà còn phát triển dòng nữa, anh em dòng, những anh đã được Anh Cả chọn học làm linh mục và đã học xong, bắt đầu được thụ phong linh mục một số đợt, cho tới năm 2012, khi dòng tiếp tục được Anh Nguyễn Quang Đán, theo đà trổ sinh từ vị tiền nhiệm, phát triển dòng trong 2 nhiệm kỳ (2012-2022) của anh trong vai trò Tổng Phục Vụ II.

Phát triển dòng ở đây không phải chỉ ở nơi nhân sự và cơ sở, mà còn ở nơi con số linh mục của dòng, một yếu tố bất khả thiếu để có thể phát triển về mặt truyền giáo, một sứ vụ chính yếu của một dòng truyền giáo như dòng Đồng Công. Tuy nhiên, trong thời gian Anh Cả còn sống sau khi ở tù bất ngờ được về với anh em dòng vào năm 1993, từ đó mới chỉ có lưa thưa lẻ tẻ một số anh được thụ phong linh mục: 1/2000, 3/2001, 1/2002, 2/2003, 1/2006, và 9/2007 trước khi Anh Cả qua đời 3 ngày. Nghĩa là mới chỉ có 17 vị. Cũng chính vì tình trạng khan hiếm linh mục, chưa đủ linh mục ở Việt Nam, nên Anh Kiên và Anh Đại sau năm 2000 đã từ Hoa Kỳ về phụ Anh Cả quản trị Dòng. Thế nhưng từ năm 2008, sau khi hạt lúa miến QP mục nát đi, con số linh mục dòng bắt đầu thừa thắng xông lên: 12/2008 + 7/2009 + 10/2010 + 7/2011 + 8/2012 + 16/2013 + 18/2014 + 8/2015 + 18/2016 + 36/2017 + 15/2018 + 11/2019 + 5/2020 + 12/2021 + 1/2022. 

Sau đây là danh sách linh mục dòng ở Việt Nam từ năm 2000 tới 2022, năm nào cũng có, không nhiều thì ít, liên tục, trừ 2 năm 2004 và 2005.

2000 ANH NGÂN

2001 Aa. ĐÍCH, LÂM, PHỤC

2002 Aa. THO, CƯỜNG

2003 Aa. MN, TÒNG

2006 ANH SƠN

2007 Aa. QUÝ, TẶNG, LÃNG, TRIỆU

2008 Aa. THUN, ÁNH, SỸ, BÌNHNHA, THAO, TÚY, PHÙNG, VĨ, GIA, TRIU, TOÀN

2009 Aa. ỜNG, THỌ, VŨ, CN, ĐÌNH, NHU, NG

2010 Aa. KIỆT, THIẾT, DÂN, ĐĂNG, V. DUY12, QUANG, TẤN, DUY, TRUYỀN, CƯỜNG13

2011 Aa. ÂN, ANTRINH, NINH, LAM, SỦNG, THẾ

2012 Aa. HUY13 TUẦN, THẬN, LÂN, TÍNH, NGUYỆN, NHẠC, ĐOÁN

2013 Aa. HIỆP12, NHT, THÍNH, HƯƠNG, KHI, LINH, TRANG, TRIT, ĐIN, LĨNH, UY, TUÂN13 CHIẾN, TÍN, HUYẾN, PHÁT   

2014 Aa. XUYÊN, HUYÊN, BNG, LƯU, ĐOAN, TOÁN, LUÂN, ĐỈNH, CHÂU, THỊNH, THỤC, SINH, KHUYẾN, HÀO, THÂN, LĂNG, CHN, X.HÀO13

2015 Aa. THIỆN12, CƯƠNG, KHOA, HIU, TRỰC12, ANH, HOT, TRNH

2016 Aa. KHANH, PHAN, TRẠNG, TRIÊM, CHUNG, CẨM, LẬP, TRỰC, THUYẾT, TUẤN, TUỆ, CHUYÊN, TRƯỜNG, VÕ, PHÁN, KIM, NHIM, SAN

2017 Aa. TR, A, PHỤNG, LUT, BNG, NHT, ĐÍNH, ĐIN, RNG, THÀNH, NGC, DANH, DIỄN, THUẬN, ĐNG, ĐO, MNH14,

                DOÃN, CHUẨN, VƯƠNG, DU, VIÊN, CHƯƠNG, KHÔI, TRƯỞNG, Y PHAN, VƯỢNG, TRIỂN, CƠ, HẢO16 , SÁNG, TRÁNG, LC, ĐNG, DUYỆT, TUYÊN16

2018 Aa. NHÀN, TO, HIN, CÁC, VŨ16, TỜNG16,PHIÊN, HẠ, TƯ, CHÁNH, N.CHÂU12, PHONG, KHOA13, TĨNH, THỐNG

2019 Aa. HOAN, HUẤN, HUY, KHANG, MẠCH, VÂN, LỘC16, TRÚC, TẬP, TUẤN16, VINH

2020 Aa. TÚ, GIÁM, ĐƯỜNGANH VƯƠNG17

2021 Aa. LIÊM, LY, TUY, HẬU, HOÁ, QUANG17  HỒNG, NHÃ, THUẬT, PHI, KHIẾT, THOẠI 

2022 Anh ĐỐC

Thời điểm năm 2012, 10 năm trước đây, dòng đã có thêm, từ sau khi Anh Cả trở về năm 1993, 17 vị linh mục, và 44 vị nữa từ khi Anh Cả chết năm 2007 cho tới năm 2012, một lực lượng 61 vị linh mục vừa đủ để chẳng những phục vụ đời sống thiêng liêng và quản trị nội bộ dòng càng ngày càng phát triển về nhân số cũng như về các trụ sở mới, cùng với các việc mục vụ về nhiều lãnh vực khác nhau, mà còn bắt đầu có thể phục vụ công việc chính yếu mà dòng nhắm đến theo bản chất vừa giáo sĩ vừa truyền giáo của mình, đó là truyền giáo.

Bởi thế, ngay năm 2012 đã có 2 anh em dòng xuất hiện tại Giáo Phận Bắc Ninh, phục vụ ở Giáo xứ Đại Điền, trong đó, có một anh em đầu tiên trong dòng được Đức Cha giáo phận ở vùng truyền giáo truyền chức cho, trước khi ủy thác cho anh vai trò Phó xứ Đại Điền. Để rồi, càng truyền giáo đắc lực anh em dòng lại càng được mời gọi đến nhiều nơi ở các giáo phận khác nữa, nhờ đó dòng lại càng tăng thêm nhiều linh mục thừa sai hơn, những anh em linh mục được chính các Đấng bản quyền ở các địa phương truyền giáo phong chức.

Cho tới nay, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, số anh em linh mục dòng hiện còn sống là 268 vị: 196 ở Việt Nam từ năm 2000, và 72 ở Hoa Kỳ từ sau năm 1975, chưa kể còn khoảng 100 vị phó tế ở Việt Nam nữa đã sẵn sàng và đang chờ thời cơ. Thậm chí sau này, số linh mục dòng ở Việt Nam, càng ngày càng dồi dào, có thể, theo dự tính của vị tân Tổng Phục Vụ III Vũ Minh Nhiên, còn được "xuất cảng" sang Mỹ để hỗ trợ việc mục vụ của Tỉnh dòng, nơi cũng đã có cả 100 vị linh mục (con số từ 7 vị năm 1975), nhưng các vị linh mục từ đội XI trở lên (từ VN sang HK 1975) giờ đây đã chết (25 vị, bao gồm cả 7 vị về ở Nhà Mẹ Việt Nam là Aa. Kiên, Đại, Ngạn, Nhiên và 3 anh đã qua đời là Aa Đức, Tuân và Thăng), chưa kể một số linh mục trẻ, ít là 4 vị, đã ra triều, hoặc già đã về hưu hay đang yếu bệnh cần thay thế. 

Tổng cộng cả ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam số linh mục Đồng Công do chính dòng đào tạo ở Việt Nam, cùng với số linh mục tỉnh dòng ở Hoa Kỳ được đào tạo ở ngoài, đã lên trên 300 vị, nếu bao gồm cả những anh đã qua đời cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, và một số linh mục trẻ ở tỉnh dòng đã ra triều. Tuy Hiến pháp Dòng đã từng xác định số linh mục là 1/3 tổng số anh em dòng, để phục vụ anh em dòng về cả đời sống thiêng liêng lẫn việc quản trị. Nhưng hiện nay, vì nhu cầu truyền giáo ở Việt Nam và nhu cầu mục vụ ở Hoa Kỳ, con số linh mục đã phá kỷ lục 1/3, mà lên tới 50% hay hơn. Ở Nhà Mẹ còn có thể vẫn dưới 50%, ở con số 200 vị, nhưng ở Tỉnh dòng thì phải nói là 80%, như ở trụ sở Carthage Missouri, anh em linh mục trên cung thánh khi cử hành phụng vụ Thánh Thể, nhất là khi có họp linh mục hằng năm, đông hơn anh em tu sĩ ngồi lưa thưa rải rác bên dưới. Nếu lấy con số 300 linh mục thuần túy Đồng Công, không kể quí linh mục triều vào dòng, như ước tính cho đến nay, thì con số anh em dòng, cả ở VN lẫn HK khoảng 600 anh em dòng, nghĩa là gấp đôi con số linh mục.

 

 

 

Thật vậy, hai mối quan tâm tối hậu và bất khả thiếu này, nên thánh và linh mục, đều liên quan trực tiếp và mật thiết bất khả thiếu và bất khả phân ly với sứ vụ truyền giáo của dòng.

Tại sao? Theo em là như thế này:

 

1- Sứ Vụ Truyền Giáo: Chứng nhân và Thừa Tác

 

Sứ vụ truyền giáo cần đến các vị thừa sai chứng nhân.

Nếu truyền giáo là rao giảng Chúa Kitô cho lương dân, cho dân ngoại, cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa Kitô, thì chính vị thừa sai truyền giáo đồng thời cũng phải là vị thừa sai chứng nhân, có nghĩa là rao giảng về Chúa Kitô không phải chỉ bằng lời nói và hoạt động của mình, mà còn bằng chính con người và đời sống hoàn toàn phản ảnh Chúa Kitô của vị thừa sai truyền giáo này nữa.

Đó là lý do ở Ấn độ, cho dù không chính thức giảng đạo cho thế giới Ấn giáo, Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cũng đã rao giảng bằng đức ái trọn hảo của Mẹ, một chủ trương và đường lối được tiếp nối liên tục cho đến bây giờ, qua các chị em dòng Mẹ sáng lập, mang danh xư là Dòng Thừa sai Bác Ái. Vì tình yêu thương chân thật và trọn hảo là ngôn ngữ quốc tế tự nó có mãnh lực tác động lòng người và thu hút con người nhất. Đúng thế, muốn truyền giáo đạt được hiệu năng tối đa thì cần phải sống thánh, và có nên thánh, tức là nên giống Chúa Kitô, nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng thương xót (xem Mathêu 5:48 và Luca 6:36), mới trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Chúa Kitô, trở thành một Chúa Kitô Khác - Alter Christus, nhờ đó mới xứng đáng và có thể làm cho thế nhân nhận biết Chúa Kitô mà được cứu độ.

Vì sứ vụ truyền giáo, cũng như ơn gọi nên thánh, gắn liền bất khả phân ly với thân phận làm môn đệ Chúa Kitô của Kitô hữu, mà nó là những gì bất khả châm chước. Ai trong Nhiệm Thể Giáo Hội cũng phải nên thánh, cũng phải truyền giáo, bằng các hình thức khác nhau, xứng hợp với bậc sống và hoàn cảnh của mình. Điển hình là trường hợp của nữ tu dòng kín Carmêlô vào cuối thế kỷ thứ 19, chỉ âm thầm cầu nguyện và dâng lên Chúa những hy sinh nhỏ mọn của một trẻ thơ trước nhan Chúa, nhưng sau khi chết, Chị đã được Giáo Hội chẳng những tôn phong hiển thánh mà sau đó còn thêm danh hiệu là quan thày các xứ truyền giáo như Thánh Phanxicô Xavier Dòng Tên, vị thừa sai truyền giáo đã vất vả đích thân đến tận Ấn Độ và Nhật Bản xa xôi để truyền giáo cho các dân nước Á Châu này.

Trong Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm Evangelii Nuntiandi của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 8/12/1975, một thành quả từ Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ lần Thứ Ba năm 1974 về việc truyền bá Phúc âm hóa trong thế giới tân tiến,và ở phần IV về các phương pháp truyền bá Phúc âm hóa, vị giáo hoàng chính yếu của Công đồng chung thứ 21 của Giáo Hội là Công đồng Vatican II (11/10/1962 - 8?12/1965) đã đề cập đến 8 phương pháp hay cách thức, mà cách đầu tiên là làm chứng (ở đoạn 41), nhưng ngài vẫn nhấn mạnh đến vai trò và tác dụng của các bí tích (đoạn 47), như được trích dẫn về cả 2 đoạn này thứ tự sau đây:

"Trước hết, đối với Giáo Hội, phương tiện thứ nhất của việc truyền bá phúc âm hóa là việc làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu chân chính cho Thiên Chúa, được tỏ ra bằng mối hiệp thông không gì hủy hoại được, đồng thời cũng được tỏ ra bằng việc hy hiến cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn. Như Chúng Tôi gần đây đã nói với một nhóm giáo dân: 'Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thày dạy, và nếu họ có lắng nghe các thày dạy là bởi vì các vị thày này là những chúng nhân' (2-10-1974: AAS, 66). Thánh Phêrô đã diễn tả điều này rõ ràng khi ngài chủ trương gương lành của một đời sống đáng kính và trong sạch là một việc chinh phục những kẻ từ chối nghe lời nói mà không cần phải nói một lời nào (x.1Pt.3:1). Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hóa cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu - chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện".

"Tuy nhiên, người ta không thể nào nhấn mạnh cho đủ sự kiện là việc truyền bá phúc âm hóa không chỉ có bao gồm việc rao giảng và giảng dạy tín điều. Vì việc truyền bá phúc âm hóa phải chạm đến đời sống: một đời sống tự nhiên được nó ban cho một ý nghĩa mới, nhờ những quan điểm phúc âm do nó tỏ ra cho; cũng như một đời sống siêu nhiên, một đời sống không phủ nhận song thanh tẩy và thăng hóa đời sống tự nhiên. Đời sống siêu nhiên này được diễn đạt sống động nơi bảy bí tích, cũng như nơi ánh quang cao qúi của ân sủng và thánh đức ở nơi các bí tích này. Như thế, việc truyền bá phúc âm hóa thực hiện trọn khả năng của mình khi nó chiếm được mối liên hệ thân mật nhất, hay nói đúng hơn, mối giao liên vĩnh viễn và không gián đoạn, giữa Lời và các bí tích". 

 

Sứ vụ truyền giáo cần đến các vị thừa sai linh mục.

Đúng vậy, truyền giáo không phải chỉ ở chỗ rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô cho chung những ai chưa nhận biết Chúa Kitô, được gọi là dân ngoại hay lương dân, thậm chí cho cả những người có đạo, nhưng không phải Kitô giáo, có thể nhờ đó mà nhận biết Người để được sự sống đời đời (xem Gioan 17:3). Tuy nhiên, truyền giáo không phải ở chỗ sau khi lương dân đã nhận biết Chúa rồi là xong, là chấm dứt, là hết chuyện, hạ màn, kết thúc. Nếu vậy thì Thiên Chúa chỉ cần soi sáng cho con người, hay bằng cách nào đó thích hợp tỏ mình ra cho họ là xong, cần gì Ngài phải "hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) làm gì.

Thật ra, yếu tố tối thiểu để được rỗi, được sống đời đời là nhận biết Chúa Kitô (xem Gioan 1:12; 17:3). Đó là trường hợp nguy tử hay trường hợp của những ai sống ngay thẳng theo lương tâm chân chính bởi chưa được nghe rao giảng về Người. Còn những trường hợp bình thường khác, khi có thể, những ai nhận biết Chúa Kitô đều phải tiến đến chỗ quyết liệt này nữa, đó là bày tỏ lòng tin của mình một cách cụ thể và thực tế, qua việc lãnh nhận phép rửa (xem Marco 16:16), để nên một với Chúa Kitô trong Giáo Hội được Người thiết lập và ở cùng, nhờ đó họ có thể hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, đúng như mục đích Thiên Chúa đã dựng nên loài người và nhập thể để ở với loài người nơi Giáo Hội Con của Ngài.

Mà việc ban phát các Bí tích Thánh, khởi đầu bằng Bí tích Thánh tẩy tái sinh, thì thành phần giáo dân hay nữ tu hoặc nam tu thuần túy không đủ thẩm quyền và năng quyền, dù có làm cho lương dân nhận biết Chúa Kitô, tin vào Chúa Kitô. Đó là lý do ở Giáo phận Buôn Mê Thuột là nơi có dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình của Giáo phận đặc trách truyền giáo cho anh chị em Thượng, cả trên 200 giáo điểm khác nhau, thế nhưng dòng Đồng Công vẫn được vị giám mục ở Giáo phận này mời tới, như ở Giáo họ Đắc Nia và ở Giáo xứ Châu Ninh. Bởi vì truyền giáo là một tiến trình Kitô hóa lương dân: bước thứ nhất là làm cho lương dân nhận biết Chúa Kitô; bước thứ hai là làm cho lương dân được nên một với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh tẩy Tái sinh, và bước thứ ba là làm cho thành phần tân Kitô hữu này trở thành chứng nhân tông đồ của Chúa Kitô bằng chính giáo huấn Phúc Âm của Chúa Kitô.

Đó là lý do trong lệnh truyền sai đi của Chúa Kitô mới bao gồm cả một tiến trình Kitô hóa theo 3 bước hay 3 giai đoạn như đã được đề cập đến trên đây: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mathêu 28:19-20): 1- "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ": nghĩa là rao giảng về Chúa Kitô Cứu Thế cho tất cả những ai chưa nhận biết Người ở mọi dân nước bằng ngôn từ, nhất là bằng chứng từ; 2- "làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần": nghĩa là làm cho thành phần lương dân hay dự tòng được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa Ba Ngôi trong Chúa Giêsu Kitô; 3- "dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em": Nghĩa là làm cho thành phần tân Kitô hữu mới sinh từ Phép rửa được lớn lên trong Chúa Kitô và như Chúa Kitô, cho đến độ Người đạt đến tầm vóc thành toàn của Người nơi họ (xem Ephêsô 4:13), biến họ thành chứng nhân của Người.

Cũng trong Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm Evangelii Nuntiandi của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây, ở phần những thừa hưởng viên của việc truyền bá Phúc âm hóa của Giáo Hội, ngài dường như muốn nói tới tiến trình Kitô hóa ở một nghĩa nào đó, tiến trình Phúc âm hóa hay tiến trình truyền giáo 3 giai đoạn như vừa được đề cập đến trên đây, nhưng thành phần thừa hưởng viên này liên quan đến các cộng đoàn Kitô hữu căn bản, mới thành lập và còn nhỏ, như thế này: "Communautés de base mang tính cách giáo hội mới, tương hợp với ơn gọi căn bản nhất của mình, ở chỗ, cộng đoàn cơ bản này là những người được nghe Phúc Âm loan báo cho mình, và là những thừa hưởng viên đặc biệt của việc truyền bá phúc âm hóa này, chính họ sẽ sớm trở thành người loan báo Phúc Âm".

Chính vì sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bất khả thiếu linh mục là thành phần thừa tác để cử hành và ban phát mầu nhiệm thánh, một mầu nhiệm vì tự bản chất là thánh mà thành phần thừa tác cũng phải thánh bao nhiêu có thể mới xứng đáng cử hành và ban phát, mà đối với dòng Đồng Công, theo ý hướng của vị sáng lập, nếu ơn gọi nên thánh là yếu tố chính yếu làm nên Hội Dòng Đồng Công và tu sĩ Đồng Công, thì linh mục chẳng những là yếu tố làm nên cơ cấu Đồng Công, cả về việc quản trị nội bộ cũng như sứ vụ truyền giáo, chẳng khác gì vai trò của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, bao gồm 3 sứ vụ hay vai trò đó là thánh hóa, quản trị và rao giảng (ngôn sứ), mà còn cần là và phải là các vị linh mục thánh, các vị linh mục vì thay cho Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô cử hành mầu nhiệm thánh và ban phát mầu nhiệm thánh là mầu nhiệm cứu chuộc, mầu nhiệm của LTXC, liên quan đến phần rỗi vô cùng cao quí của các tội nhân được kinh nguyện Đồng Công luôn chú trọng, càng cần phải trung thực và sống động phản ảnh Chúa Kitô hơn ai hết, càng phải sống LTXC hơn bao giờ hết trong sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của mình.

 

Sứ vụ truyền giáo cần đến các vị linh mục thừa sai thương xót.

Cho dù sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo thực sự cần đến vai trò linh mục và năng quyền linh mục, nhưng theo tinh thần Phúc Âm Chúa dạy, thì vị linh mục thừa sai truyền giáo phải là vị linh mục thừa sai thương xót nữa. Thật vậy, Chúa Kitô Phục Sinh, trong lệnh sai đi của Người giành cho các vị tông đồ trước khi Người thăng thiên về Trời cùng Cha, Đấng đã sai Người thế nào thì Người cũng sai các môn đệ tông đồ của Người cũng thế (xem Gioan 20:21), ở Phúc Âm Thánh Mathêu (28:19-20) và Thánh Marcô (16:16), như đã được trích dẫn trên đây, có tính cách công cuộc, liên quan đến các công việc rao giảng, tái sinh và thánh hóa của các vị, hơn là tính cách sứ vụ của các vị, tính cách nồng cốt làm nên công cuộc truyền giáo và thánh hóa của các vị, một tính cách sứ vụ truyền giáo là nội dung và là cốt lõi của công cuộc truyền giáo được Người nhắc nhở và truyền dạy cho các vị ở trong Phúc Âm Thánh Luca và Phúc Âm Thánh Gioan.

Ở Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu đã nhắc nhở các vị môn đệ tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người rằng: "Các con là những chứng nhân cho những điều ấy" (Luca 24:48). Nhưng "những điều ấy" được Chúa Giêsu đề cập đến ở đây là những điều nào, nếu không phải những điều Chúa Kitô Phục sinh đã nói với các vị ngay trước đó: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại". Nghĩa là các vị tông đồ được Chúa Kitô Phục sinh sai đi truyền giáo bằng việc "rao giảng cho mọi tạo vật" (Marcô 16:16), "cho mọi dân nước" (Mathêu 28:19), trước hết và trên hết, phải là "những chứng nhân cho vượt qua của Người, ở chỗ các vị đã chứng kiến thấy được "những điều" đã xẩy ra cho Người, đó là Người đã "chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại", một biến cố vượt qua là mạc khải thần linh vô cùng siêu nhiệm cho thấy tất cả LTXC ở nơi Người, Đấng "đã yêu thương những ai thuộc về mình thì Người đã yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1). Như thế, "các con là những chứng nhân của Thày về những điều ấy" có nghĩa là các môn đệ tông đồ được Chúa Kitô Vượt Qua sai đi để làm chứng về LTXC và cho LTXC.

Và đó cũng là lý do ở Phúc Âm Thánh Gioan, việc các vị làm, với tư cách là linh mục, khi ban bí tích nói chung, cách riêng Bí tích Giải tội, cũng là việc ban phát LTXC: "Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: 'Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.' Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: 'Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ'." Ở trường hợp này, trước khi ban cho các vị quyền tha tội thay cho Người và nhân danh Người, Chúa Giêsu đã cho các tông đồ thấy được 5 dấu thánh vẫn còn trên thân xác phục sinh vinh hiển của Người, không phải chỉ để chứng thực rằng Người quả thực đã sống lại, mà còn chứng thực cho các vị về "những điều ấy", về những dấu tích của LTXC nơi Người, và vì thế Bí tích Giải tội khi được các vị ban phát là các vị ban phát LTXC. Như thế, cho dù là sứ vụ và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bất khả thiếu các vị thừa sai linh mục, nhưng phải là các vị linh mục thừa sai thương xót nữa.

Do đó không lạ gì ĐTC Phanxicô khi gặp gỡ riêng các vị linh mục, thường đã nhắc nhở các vị rằng các vị cũng là tội nhân như ai, nên "tòa giải tội không phải là một thứ phòng hành hình, mà là nơi LTXC phấn khích chúng ta tác hành tốt đẹp hơn - The confessional is not a torture chamber, but the place in which the Lord's mercy motivates us to do better."

 

2- Sứ vụ truyền giáo Đồng Công cho Mùa Gặt Thương Xót:

 

Mùa Gặt Thương Xót

Dòng Đồng Công, theo Hiến pháp, là dòng giáo sĩ và truyền giáo. Truyền giáo là mục đích của Dòng Đồng Công, ngay sau mục đích trước hết và trên hết là thánh hóa bản thân, là nên thánh, và chính việc nên thánh của Đồng Công cũng là để truyền giáo, chứ không phải chỉ để được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh. Bằng không, việc nên thánh của anh em dòng, hay của bất cứ một Kitô hữu nào, dù được cho là thánh sống, cũng kể như vô nghĩa và vô giá trị, nếu không sinh hoa trái là phần rỗi các linh hồn, bởi việc truyền giáo, không bằng ngôn từ thì bằng chứng từ, không công khai thì thầm kín, vì nên thánh mà không làm chứng cho đức tin của mình bằng đức mến, thì không đúng linh đạo Kitô giáo là "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6).

Do đó nên, ngay sau khi công bố Hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Đức, một Hiến Chương chất chứa tất cả sự thánh thiện của chung Kitô hữu và của riêng thành phần Kitô hữu chứng nhân tông đồ, Chúa Kitô đã xác định bản chất của các vị tông đồ rằng: "Các con là muối đất... là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:13-14). Có nghĩa là chính vì các vị là muối đất và là ánh sáng thế gian mà các vị cần phải sống trọn lành, phải sống Tám Mối Phúc Đức, hay nói ngược lại, các con nên trọn lành theo Hiến Chương Nước Trời Thày vừa dạy cho các con là để các con làm muối đất, làm ánh sáng thế gian, phản ảnh "Thày là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12).

Mạc khải Thánh kinh Cựu ước còn cho thấy rõ ràng hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa "muối đất" thương xót với "ánh sáng thế gian" tông đồ, hay nói cách khác "ánh sáng thế gian" xuất phát từ "muối đất", hoặc nói ngược lại "muối đất" làm bùng lên "ánh sáng thế gian", qua miệng Tiên tri Isaia (58:6-8) như sau: "Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông...Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày". Hay trong Thánh Vịnh 111:4-5: "Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình" .

Chi tiết quan trọng chúng ta cần để ý đến ở đây đó là "muối" trước "ánh sáng" sau, theo thứ tự lời Chúa phán với các vị môn đệ bấy giờ: "Các con là muối đất" (Mathêu 5:13), "các con là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14). Tại sao lại có thứ tự "muối đất" trước và "ánh sáng thế gian" sau như thế, và "muối đất" với "ánh sáng thế gian" đây có liên hệ gì với nhau hay chăng?

Xin thưa: "có", nếu không thì Chúa Kitô là Ngôi Lời vô cùng khôn ngoan đã không nói như vậy. Nhưng ở chỗ nào? Xin thưa, ở chỗ "muối đất" ám chỉ lòng thương xót mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô muốn "nên trọn lành như Cha trên trời" (Mathêu 5:48) phải có, như chính "Cha trên trời là Đấng xót thương" (Luca 6:36), để rồi, chỉ khi nào thành phần môn đệ của Chúa Kitô biết xót thương như "muối đất" ấy mới có thể và xứng đáng làm tông đồ, làm "ánh sáng thế gian", phản ảnh Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian", Đấng cũng đã phản ảnh "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), và là "Dung Nhan Thương Xót - Misericordiae vultus" của Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Do đó, những ai được kêu gọi và tuyển chọn làm môn đệ của Chúa Kitô phải hiện thực sứ vụ tông dồ của mình như là thành phần chứng nhân truyền giáo được sai đến cho một Mùa Gặt Thương Xót vậy.

Thật vậy, nếu nói đến cánh đồng truyền giáo thì không thể nào thiếu hạt lúa miến. Chính nhờ hạt lúa miến là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) mà trần gian này đã trở thành một cánh đồng truyền giáo. Nếu dự án cứu độ và công cuộc cứu độ không thể nào có và xẩy ra nếu Thiên Chúa chỉ là một vị thần công minh và quyền năng, bởi nếu Ngài không thương xót là những gì vượt trên công bằng, ở chỗ "thương xót vượt trên phán quyết - mercy triumphs over mercy / mercy exalts itself above judgment / superexaltat autem misericordia iudicium" (Giacôbê 2:13), ở chỗ "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta khi chúng ta còn là những tội nhân" (Roma 5:8), thì không thể nào có dự án cứu độ trần gian đã xuất phát nhưng không từ LTXC, và đã không bao giờ xẩy ra công cuộc cứu độ là tất cả LTXC đối với con người tạo vật vô cùng thấp hèn cũng là một tội nhân vô cùng khốn nạn.

Chính vì Thiên Chúa là "Cha thương xót trên trời" (Luca 6:36) mới "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Gioan 1:16), đến độ "đã không dung tha cho Con mình, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32). Chính vì thế Chúa Giêsu Kitô quả thực là "Dung Nhan Thương Xót - Misericordiae Vultus" của Chúa Cha (nhan đề bức Tông Thư của ĐTC Phanxicô ban hành ngày 11/4/2015 để mở Năm Thánh Thương Xót 2016), nhất là khi Người bị treo trên cây thập tự giá như một thứ đồ bị nguyền rủa, để tỏ hết mình ra cũng là tỏ hết LTXC của Cha trên trời là Đấng xót thương ra (xem Gioan 8:28).

Như thế, nhờ LTXC vô biên mà toàn thể loài người đã được cứu độ thì thành phần thừa sai truyền giáo, bắt đầu từ 12 vị tông đồ chứng nhân tiên khởi chính là thành phần Thừa Sai Thương Xót, được sai đến để gặt hái hoa trái của LTXC là các linh hồn đã được Ngài cứu độ nơi Con của Ngài, ở chỗ làm cho lương dân nhận biết "Đấng cứu chuộc nhân trần - Redemptor Hominis" (nhan đề bức Thông điệp đầu tiên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979), trong cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát thế gian này, và vì thế, thời cánh chung chính là Mùa Gặt Thương Xót của chung Giáo Hội mà các vị thừa sai thường thuộc về các dòng truyền giáo (như Dòng Đaminh, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời v.v.) được dự phần vào, trong đó có Dòng Đồng Công ở cánh đồng truyền giáo Việt Nam, một cánh đồng đã từng thấm máu trên 100 ngàn vị anh hùng tử đạo, trong đó có 117 vị được Giáo Hội tôn phong ngày 19/6/1988.

Theo chiều hướng chứng nhân tông đồ thương xót như thế, chiều hướng sống thánh chứng nhân như vậy, nghĩa là theo Phúc Âm Chúa dạy, Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng thương xót được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến "từ tận cùng trái đất" (Lời của vị tân giáo hoàng này khi ngài ngỏ lời đầu tiên với Cộng đồng Dân Chúa và thế giới tối ngày 13/3/2013), vị giáo hoàng đã mở Năm Thánh Thương Xót lần đầu tiên trong Giáo Hội vào năm 2016, vị đã tuyên bố Chúa Kitô là "Dung nhan Thương xót - Misericordiae vultus" của Chúa Cha, đã cải tổ Giáo triều Roma trong tự sắc Rao giảng Phúc âm Praedicate Evangelium ngày 19/3/2022, trong đó, ngài đề cao truyền giáo và đức ái trọn hảo hơn hết, và vì thế Phân bộ truyền giáo là phân bộ đệ nhất, ngay trên đệ nhị phân bộ tín lý đức tin vẫn là đệ nhất trước đó, và phân bộ bác ái đứng thứ 3 trên cả phân bộ phượng tự, bởi vì "đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Giacôbê 2:17), và cần phải xem quả bác ái mới biết cây đức tin (xem Mathêu 7:15-20).

Đồng Công Truyền Giáo

Đối với Anh Cả, khi được ơn soi động lập dòng, một ơn soi động lập dòng đã chất chứa Lý Tưởng Thánh Đồng Công, một Lý Tưởng Thánh ngược lại đã trở thành động lực thúc đẩy Anh sáng lập dòng, một con người vốn yêu quê hương dân nước Việt Nam của mình, Anh nhắm tới việc truyền giáo hơn là việc đuợc Giáo Hội tôn phong. Có nghĩa là Dòng nên thánh là để truyền giáo, là cho phần rỗi các linh hồn của anh chị em Việt Nam đồng bào đa số chưa nhận biết Chúa, đã được cứu chuộc bởi LTXC vô biên. Như thế, ở tận sâu xa của ơn soi động lập dòng của Anh Cả, và cốt lõi của Lý Tưởng Thánh Đồng Công chính là LTXC, là làm sao cho LTXC trở thành phần rỗi vô cùng cao quí khỏi hư đi, trái lại, được trổ sinh hoa trái nơi anh chị em Việt Nam lương dân của mình bằng sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của dòng, thành phần truyền giáo Đồng Công cũng thực sự cảm thấy LTXC nơi bản thân hèn mọn khốn nạn tội lỗi bất xứng của mình, nên cũng cảm thấy thương xót các linh hồn bất tử lầm lạc liều mình bị hư mất, nên không thể nào không mang đến cho họ ơn cứu chuộc vô giá được LTXC ban cho loài người tội lỗi nơi Chúa Kitô Con của Ngài.

Đó là lý do trong Kinh Tuần Bảy và cho Ngày Thứ Bảy, Anh Cả đã dâng lên Mẹ lời cầu nguyện cho thấy tất cả 4 yếu tố liên quan đến việc Anh Cả thành lập Dòng Đồng Công, đó là các yếu tố Việt Nam, Nên Thánh, Truyền Giáo và LTXC. Đúng là như vậy: 1- Chỉ vì "thương những nỗi đau cực anh chị em đồng bào" Việt Nam của mình, bởi họ "còn đang lầm lạc, đang ngồi trong bóng tối tăm sự chết"; 2- Bởi thế, Việt Nam mới là một dân nước thật sự cần đến "những vị tông đồ Việt Nam thánh thiện"; 3- Nhờ đó, nhờ "những vị Tông đồ của Trái Tim phép tắc từ bi Mẹ", anh em tu sĩ Đồng Công mới có thể truyền giáo là "đưa anh chị em chúng con về nhận biết quyền phép cao cả và lòng thương xót vô hạn Mẹ",cũng là "để ngợi khen yêu mến Chúa Ba Ngôi trong Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ đời này và đời sau chẳng cùng", 4- một Trái Tim "đầy ơn phúc" (Luca 1:38), một Trái Tim Đồng Công Cứu Chuộc đã hạ sinh loài người trong "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34) từ chính LTXC vậy.

"Ôi Mẹ! Xin Mẹ đoái thương những nỗi đau cực anh chị em đồng bào chúng con còn đang lầm lạc, đang ngồi trong bóng tối tăm sự chếtchưa nhìn biết Chúa, chưa nhìn biết yêu mến Mẹ loài người từ bi bác ái, chưa nếm thử sự êm ái dịu dàng Trái Tim đầy lòng thương xót Mẹ. Mẹ ơi! anh chị em đồng bào chúng con còn đang bị xâu xé tư bề, trăm nghìn đau khổ, xin Mẹ thương cứu vớt. Mẹ ơi! Mẹ thương cứu vớt, là Mẹ hãy đào tạo cho nước Việt Nam chúng con, những vị Tông đồ Việt Nam thánh thiện. Xin Mẹ hãy ban cho chúng con những vị Tông đồ hoàn toàn sống theo ý Mẹ, những vị Tông đồ của Trái Tim phép tắc từ bi Mẹ, để đưa anh chị em chúng con về nhận biết quyền phép cao cả và lòng thương xót vô hạn Mẹ, để ngợi khen yêu mến Chúa Ba Ngôi trong Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ đời này và đời sau chẳng cùng. Amen".

Đó là lý do, sau khi được ơn lập dòng cho Người Việt Nam có thánh và nên thánh ngày 4/4/1941, sáu tháng rưỡi sau, vào ngày 21/11/1941 cùng năm, Anh Cả đã vừa chính thức lập dòng vừa khấn truyền giáo. Tuy nhiên, Anh Cả đã lồng việc Anh khấn hứa truyền giáo với việc lập dòng và dâng dòng cho Mẹ, như hàm ý rằng, dòng Anh lập là để truyền giáo, với những tu sĩ nên thánh, và việc truyền giáo là mục đích ngoại tại của dòng, một dòng Việt Nam và cho dân nước Việt Nam thân yêu mà Anh hằng gắn bó cùng cầu nguyện cho. Thế nhưng, việc truyền giáo không thể nào sinh hoa kết quả, nếu không sống đời tận hiến bé nhỏ bằng lòng tin tưởng vào Chúa Mẹ ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, để nhờ đó, mới được Chúa biến đổi và làm chủ để tỏ lòng thương xót của Ngài ra qua công cuộc truyền giáo, mang lại ơn cứu độ xuất phát từ LTXC và là tất cả LTXC. Anh Cả đã đề cập tới việc anh vừa khấn truyền giáo vừa lập dòng và vừa tận hiến nữa, trước hết trong Lý Tưởng Thánh Đồng Công và sau đó là trong bức Thư Anh gửi cho chung dòng dịp mừng kim khánh 33 năm khai dòng 1986 như sau:

"Ngày 21 tháng 11 năm 1941 là Lễ Kính Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thánh thật là ngày quan trọng đối với con để khởi sự cuộc đời truyền giáo và lập dòng nữa. Đúng 12 giờ đêm đầu ngày 21 tháng 11 năm 1941, con trịnh trọng sốt sắng đọc bản Kinh Tận Hiến cho Mẹ theo kiểu mẫu Thánh Grinion de Montfort. Tận hiến xong con đọc 150 Kinh Mân Côi rồi đi ngủ lại".

"Đúng thế, anh em thân mến, ánh sáng dịu dàng của Chúa Thánh Linh và Mẹ Maria vừa hé mở (4-4-1941) thì Anh đã đón nhận, suy nghĩ, cầu nguyện bàn hỏi hơn 6 tháng, và sau khi đã chắc chắn, tin tưởng vào Chúa, Mẹ, thì ngày 21-11-1941, Anh đã đọc bản kinh dâng hiến toàn thân và tất cả Hội Dòng trong tương lai cho Mẹ hết. Từ đây nếp sống tận hiến cho Mẹ và nếp sống Bào Thai Thơ Bé Đồng Công khai mào. Cũng từ đây, tất cả những ai xin gia nhập Dòng mới, đều được tận hiến cho Mẹ, sau khi đã thử thách ít ngày hoặc ít tháng; cho đến ngày Dòng được thành Hội truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công, tất cả những ai được tuyển chọn chính thức gia nhập Hội Truyền Giáo Đồng Công, thì chính ngày gia nhập được Tận hiến lại cho Mẹ; cứ tiếp tục như vậy, từ ngày 15-8-1948 cho đến ngày 2-2-1953 là ngày Dòng được thành lập chính thức theo Giáo Luật, các anh em được tuyển chọn làm tu sĩ tiên khởi đã tận hiến lại cho Mẹ. Và từ đấy (2-2-1953) cho đến bây giờ (1986) và cho đến hết đời, tất cả những ai muốn gia nhập Tập viện Dòng ĐC, hoặc cả lớp, hoặc cá nhân đều phải học hỏi về việc Tận hiến và sống Tận hiến ít là một tháng trước khi vào Tập viện".

Theo em, một THĐC, đã về Việt Nam với anh em THĐC 2 lần, 2017 và 2022, cách nhau 5 năm, em đã thấy được những kỳ công truyền giáo do chính anh em linh mục thừa sai của dòng thực hiện, ở các khu vực truyền giáo của quí anh, khiến em không thể nào không chúc tụng ngợi khen cảm tạ LTXC đã hiện diện và tỏ hiện nơi quí anh, những tu sĩ Đồng Công sống đời tận hiến bé nhỏ hoàn toàn tín thác vào Đấng Quan Phòng Thần Linh, nên Chúa mới chiếm đoạt quí anh, biến đổi quí anh và thực hiện những việc lạ lùng cao cả qua quí anh, mà theo tự nhiên quí anh không thể nào làm được, ở những nơi dường như bị bỏ rơi và bỏ hoang trong Giáo phận, không vị giáo sĩ nào của Giáo phận màng tới và dám tới.

Thế mà quí anh, vì tinh thần tận hiến, được thể hiện qua đức tin tuân phục hay tuân phục theo đức tin (the obedient faith / the obience of faith - xem Roma 1:5), bằng đức vâng lời con thơ phó thác, đã có thể chịu đựng tất cả những gì là khốn khổ, như quí anh ở Giáo họ Hạ Lũng Giáo phận Lạng Sơn; thậm chí quí anh còn có thể biến bãi xương khô rời rạc thành một đạo binh uy hùng (xem Êzêkiên 37:1-10), như ở Giáo xứ Văn Thạch Giáo phận Bắc Ninh và Giáo xứ Xẻo Tam ở Giáo phận Long Xuyên; và cho dù ở những "vùng trắng" về tôn giáo, như ở Giáo phận Kontum miền tây nguyên, nơi quí anh đã từng bị gọi lên làm việc, quí anh vẫn khéo léo lập được một Giáo họ Tam An ở Đắk Pơ, có nguyện đường đàng hoàng, thay cho ngôi nhà trống mái và làm lễ ngay ngưỡng cửa ngày xưa; hay như ở Giáo phận Mỹ Tho miền nam, nơi chưa thể có được một giáo điểm công khai chính thức nào, cả 5-6 năm nay, thế mà quí anh vẫn có thể ban Bí tích Thánh Tẩy tái sinh cho những tâm hồn lương dân nhận biết Chúa Kitô qua đời Sống Thánh Chứng Nhân Đồng Công của quí anh.

Quí anh linh mục thừa sai Đồng Công quả thực là một bụi gai, một bụi giai với đầy những gian nan khốn khó thử thách trong sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của Dòng mà chính bản thân quí anh đã phải chịu đựng, nhưng nhờ tinh thần tận hiến sống thơ ấu thiêng liêng như Người tỳ nữ xin vâng Đồng Công, vì vinh danh Chúa và cho phần rỗi của các linh hồn, mà qua cuộc đời truyền giáo của quí anh, Dòng Đồng Công đã chẳng những không bị thiêu rụi trong sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của mình, như thân phận Đồng Công của dòng cũng đã từng trải qua, khi vị sáng lập còn sống sau năm 1975, nhất là vào năm 1987 và trước khi ngài qua đời năm 2007, mà còn trở thành một Bụi Lửa Thương Xót, một thứ lửa được "Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Mathêu 16:16) mang xuống trái đất này để làm cho nó bừng cháy lên (xem Luca 12:49) trên thập tự giá, biến Thánh Giá thành một Ngọn Đuốc Thương Xót, được châm vào từng vị tông đồ chứng nhân tiên khởi vào Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, một Ngọn Đuốc Thương Xót vẫn tiếp tục cháy sáng, dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, nơi các vị tử đạo và thừa sai nhân chứng, trong đó có anh em tu sĩ Thừa Sai Thương Xót Đồng Công.

Theo em, quí linh mục tu sĩ Đồng Công Thừa Sai Thương Xót chứng nhân của chúng ta là hoa trái của Hạt Lúa Miến QP mục nát đi, những vị thừa sai đã thấm nhuần tinh thần Sống Thánh Chứng Nhân Đồng Công của Anh, đã "trở nên như những con trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3) để LTXC chiếm đoạt và biến đổi, đến độ, dù ý thức hay không ý thức, không phải quí anh sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong quí anh (xem Galata 2:20), nhờ đó, chính quí anh linh mục thừa sai Đồng Công mới đã, đang và sẽ có thể và xứng đáng thu lượm muôn vàn hoa trái truyền giáo ở các khu vực truyền giáo của quí anh, phát sinh từ Giọt Máu Trổ Bông QP, trong thời điểm bát ngát chín vàng của một Mùa Gặt Thương Xót!

Như thế, quí tu sĩ Đồng Công sống đời tận hiến thơ ấu thiêng liêng trong LTXC và cho LTXC như Mẹ Đồng Công dưới chân thập giá Chúa (xem Gioan 19:25), dù không thực sự là thành phần linh mục thừa sai truyền giáo tiêu biểu của dòng ở các khu vực truyền giáo mà dòng đã đáp ứng lời mời gọi của các giáo phận "đến để phục vụ" (Mathêu 20:28), nhưng vì Đồng Công là một hội dòng truyền giáo của Giáo Hội và trong Giáo Hội, được Giáo Hội chính thức công nhận để dòng được khai sinh đúng 70 năm trước đây (2/2/1953-2023), mà tu sĩ của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc đã cùng với toàn thể anh em dòng, bao gồm cả những người đã ra đi trước, trở thành một thực tại Thần Hiển của LTXC trong Mùa Gặt Thương Xót ở Việt Nam vậy: Magnificat anima mea dominum - Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!

 

Nam California 25/1/2023, Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại trở lại.

THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL.

 








Nếu cần, xin xem lại toàn bộ về Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng bằng cách bấm vào cái hình trên đây,

nếu bị trục trặc thì cũng có thể bấm vào cái link dưới đây:

Đồng Công: 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng









Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá

Mừng Dòng Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng . 
Biệt tặng Quí CRM Tu Sĩ Đồng Công, Thân Hữu Đồng Công và Gia Đình Đồng Công
Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023  
THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL
Cho tới bây giờ, chính vào ngày áp Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023 ở Hoa Kỳ, nhưng lại là chính ngày 2/2 ở Việt Nam, sau thời gian nghiên cứu, phân tích và chia sẻ tất cả những gì liên quan đến chung lịch sử dòng, cũng như liên quan đến riêng vị sáng lập dòng là Anh Cả, nhân dịp dọn mừng 70 năm ngọc khánh khai dòng 2/2/2023, một thời gian tiếp ngay sau chuyến Hành trình Việt Nam Truyền giáo Đồng Công 24 ngày 7-30/11/2022, em mới thực sự thấy được, như em chợt cảm nghiệm trong Thánh lễ 7:30 sáng ngày 1/2/2023, lúc em hiệp lễ và đang cầu nguyện cho dòng, hiện lên trong tâm trí của em toàn bộ chân dung của Anh Cả khả kính khả ái của CRM chúng ta, mà đường nét chính yếu nơi chân dung này, theo em, là QP và Đaminh Thánh Giá, bởi thế mới có chuyện Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá hôm nay đây. 
Xin xem tiếp ở cái link sau đây:

Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá

 





Bóng Dáng Đồng Công


Mừng Dòng Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng . 
Biệt tặng Quí CRM Tu Sĩ Đồng Công, Thân Hữu Đồng Công và Gia Đình Đồng Công
Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023  
THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

Trong chính ngày mừng 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng Đồng Công hôm nay, sau khi nhìn lại chung lịch sử dòng và riêng vị sáng lập dòng của CRM chúng ta, em đã nhìn lại chính bản thân mình, và, nhờ vào việc chiêm ngắm Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá, em đã khám phá ra được thêm một nét Đồng Công chính yếu nữa nơi cuộc đời tông đồ giáo dân của em mà em không biết, cứ tưởng rằng chẳng dính dáng gì với Đồng Công, một hội dòng em đã từng được hoan hưởng những gì tinh túy suốt thời gian 18 năm 2 tháng (21/6/1964 - 20/8/1982), để rồi, khi chân nhận nét Đồng Công chính yếu này nơi bản thân mình, em phải công nhận cái Bóng Dáng Đồng Công vẫn tiếp tục đeo đuổi em, bất khả thiếu và bất khả phân ly, như thể em là cái bóng của hình dáng Đồng Công vậy, thậm chí hình dáng Đồng Công này đã phản ảnh rất rõ nét trong đời thường giữa đời của em, từ ngày em ra khỏi dòng cho tới nay, và chắc chắn cho tới ngày cùng tháng tận của cuộc đời đã sang tuổi 75.

Xin xem tiếp ở cái link dưới đây:

Bóng Dáng Đồng Công





Toàn bộ trình thuật về "Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng" ở đây
bắt đầu phổ biến từng ngày qua 21 emails cho chung CRM, từ Thứ Hai ngày 16/1/2023
cho tới ngày Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023, thứ tự như sau:

 

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Mon, Jan 16, 2023 at 5:23 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Dẫn nhập
To: <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

 

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Tue, Jan 17, 2023 at 4:00 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1941 - Đồng Công Khai Sinh
To: <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

 

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Wed, Jan 18, 2023 at 4:09 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1955 - Đồng Công Nẩy Sinh 1. Các Cơ sở ở Thủ Đức và Lái Thiêu từ 1955: Nhà Mẹ, Khu Kitô Vương, Nhà 30 Gian, TV Khiết Tâm Tam Hà, TV Tiệc Ly Lái Thiêu

To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Thu, Jan 19, 2023 at 4:01 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1955 - Đồng Công Nẩy Sinh 1. Các Cơ sở ở Thủ Đức và Lái Thiêu từ 1955:... Đệ Tử Viện, Giáo sĩ Dưỡng đường, Trường Đồng Công
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Fri, Jan 20, 2023 at 4:15 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1955 - Đồng Công Nẩy Sinh: Các cơ sở Đồng Công ở Giáo phận Qui Nhơn từ 1957
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Sat, Jan 21, 2023 at 4:05 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1955 - Đồng Công Nẩy Sinh: Các cơ sở Đồng Công ở GP Buôn Mê Thuột từ 1959; GP Đà Lạt từ 1968; GP Nha Trang từ 1974
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Sun, Jan 22, 2023 at 4:11 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1975 - Đồng Công Vượt Qua
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Mon, Jan 23, 2023 at 3:58 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1987 - Đồng Công Khổ Nạn 
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Tue, Jan 24, 2023 at 4:09 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1993 - Đồng Công Hồi Sinh
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Wed, Jan 25, 2023 at 3:58 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 2006 - Đồng Công Mục Nát
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Thu, Jan 26, 2023 at 4:25 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 2012 - Đồng Công Trổ Sinh 1. Việt Nam - Truyền Giáo
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Fri, Jan 27, 2023 at 4:10 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 2012 - Đồng Công Trổ Sinh 2. Hoa Kỳ - Mục Vụ
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Sat, Jan 28, 2023 at 3:56 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Bé Nhỏ
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Sun, Jan 29, 2023 at 4:04 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Hiệp Thông 1- Trên Trời: Những Anh Em đã ra đi trước
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Sun, Jan 29, 2023 at 3:55 PM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Hiệp Thông 2 - Dưới Đất: Những Di Sản Đồng Công
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Mon, Jan 30, 2023 at 4:07 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Thần Hiển 1- Nên Thánh Đồng Công
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Tue, Jan 31, 2023 at 4:14 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Thần Hiển 2- Linh Mục Đồng Công
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Wed, Feb 1, 2023 at 4:35 AM
Subject: Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Thần Hiển 3- Truyền Giáo Đồng Công
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Wed, Feb 1, 2023 at 4:16 PM
Subject: Đồng Công: 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng - Chúc Mừng và Tri Ân Cảm Tạ
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Thu, Feb 2, 2023 at 4:11 AM
Subject: Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Thu, Feb 2, 2023 at 7:27 PM
Subject: Bóng Dáng Đồng Công
To: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>, <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>, <crm-giadinhdongcong@googlegroups.com>