GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 6/9/2005

 

1)   ĐTC Biển Đức XVI – Sứ Điệp gửi Cuộc Hội Luận “Thánh Thể theo Truyền Thống Đông và Tây Đặc Biệt Liên Quan đến Vấn Đề Đối Thoại Đại Kết”

2) ĐHY Hiệp Vương Quốc lên tiếng kêu gọi chính quyền của ngài can thiệp vào bản hiến pháp Iraq

3)  Chủ Nghĩa Tương Đối: Một Giáo  Điều

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI – Sứ Điệp gửi Cuộc Hội Luận “Thánh Thể theo Truyền Thống Đông và Tây Đặc Biệt Liên Quan đến Vấn Đề Đối Thoại Đại Kết”

 

Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI gửi cuộc hội luận liên Kitô Hữu về “Thánh Thể theo Truyền Thống Đông và Tây Đặc Biệt Liên Quan đến Vấn Đề Đối Thoại Đại Kết”. Cuộc hội luận này được tổ chức tại Assisi Ý quốc, cho đến hết ngày Thứ Tư 7/9/2005, do Học Viện Tu Đức của Viện Đại Học Tòa Thánh Antonianum Rôma và Phân Bộ Thần Học Đại Học Aristotle Thessalonica Hy Lạp.

 

Gửi Huynh Khả Kính

Hồng Y Walter Kasper

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh

về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo

 

Tôi vui mừng biết được rằng ở Assisi, nơi vốn là một ốc đảo và là tiếng gọi hòa bình, đang diễn ra cuộc hội luận lần thứ 9, một cuộc hội luận được phát động bởi Học Viện Phanxicô về Tu Đức của Đại Học Viện Tòa Thánh Antonianum cũng như bởi Phân Khoa Thần Học của Đại Học Aristotle Thessalonica, nột thành phố có thành phần Kitô hữu tiên khởi được Thánh Phaolô gửi đến cho 2 bức thư.

 

Sáng kiến này là một cơ hội thích hợp cho cuộc trao đổi huynh đệ, cũng như để suy tư và học hỏi những chủ đề quan trọng hơn về di sản chung của đức tin, bằng việc phân tích những ý nghĩa thuộc gia sản này đối với đời sống Kitô hữu. Vì trong thời đại của chúng ta đây thật là khẩn trương đối với việc cần phải tìm kiếm sự hiệp nhất trọn vẹn hữu hình nơi tất cả mọi thành phần môn đệ Chúa Kitô, và vì lý do này, cần phải có một linh đạo sâu xa hơn về một tình yêu thương nhau nhiều hơn nữa.

 

Đề tài được chọn cho năm nay: “Thánh Thể theo Truyền Thống Đông và Tây Đặc Biệt Liên Quan đến Vấn Đề Đối Thoại Đại Kết” là những gì rất quan trọng đối với đời sống của Kitô hữu cũng như đối với việc tái thiết mối trọn vẹn hiệp thông nơi tất cả thành phần môn đệ Chúa Kitô.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta một cách thích đáng là “kính mến biết bao việc cử hành phụng vụ của Kitô hữu Đông phương, nhất là việc cử hành Thánh Thể, mạch nguồn của đời sống Giáo Hội và là bảo chứng của vinh quang mai hậu (“Unitatis Regintegratio”, 15), và giải thích rằng bởi việc truyền thống kế thừa các tông đồ, chức linh mục và Thánh Thể “là những gì liên kết chúng ta bằng những liên kết rất chặt chẽ” (ibid).

 

Việc đối thoại và đối chất trong chân lý và bác ái, những gì sẽ được diễn tiến trong cuộc hội luận này, chắc chắn sẽ làm phát hiện đức tin chung, cũng như những khía cạnh về thần học và phụng vụ đặc thù đối với Đông và Tây, những khía cạnh bổ túc và năng động cho việc xây dựng Dân Chúa và là sự phong phú của Giáo Hội. Tiếc thay, sự thiếu vắng mối hiệp thông trọn vẹn không cho phép chúng ta được đồng cử hành Thánh Thể, đối với chúng ta lại là một dấu hiệu của mối hiệp nhất trọn vẹn mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi thực hiện. Dù sao nó cũng là lời kêu gọi gia tăng việc nguyện cầu, học hỏi và đối thoại nhắm mục đích giải quyết các khác biệt vẫn còn tồn tại.

 

Việc đạt tới mối trọn vẹn hiệp thông của Kitô hữu cần phải là mục tiêu đối với tất cả mọi người tuyên xưng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, “tín hữu cũng như mục tử, Mối quan tấm này bao gồm tất cả mọi người, tùy theo khả năng của họ, dù thực hiện ở cuộc sống Kitô hữu hằng ngày của họ, hay bằng cuộc nghiên cứu về thần học và lịch sử của họ” ("Unitatis Redintegratio," No. 5). Cuộc hội luận này, một cuộc hội luận theo vết chân của các hoạt động đại kết tương tự và sinh hoa trái khác, làm sáng tỏ việc dấn thân, nghiên cứu và học hỏi chung, hướng đến chỗ làm sáng tỏ những khác biệt và thắng vượt những hiểu lầm. Theo chiều hướng ấy, các học viện giảng dạy về thần học mới đóng một vai trò quan trọng nơi việc đào luyện những tân thế hệ cũng như trong việc cống hiến chứng từ Kitô giáo mới mẻ trong thế giới ngày nay. 

 

Khi khẩn cầu Chúa chúc lành cho tham dự viên để cuộc hội luận này được sinh nhiều hoa trái nơi những đóng góp về tín lý, văn hóa và tu đức, tôi xin gửi đến ước nguyện thân ái của tôi theo lời của Thánh Tông Đồ: “Xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh em” (1Thes 5:28).

 

Tại Castel Gandolfo, ngày 1/9/2005

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 5/9/2005

 

 

TOP

 

 

ĐHY Hiệp Vương Quốc lên tiếng kêu gọi chính quyền của ngài can thiệp vào bản hiến pháp Iraq

 

ĐHY Murphy-O’Connor, TGM Westminster, sau lời kêu gọi của các vị lãnh đạo Kitô giáo ở Iraq, đã lên tiếng bằng một bức thư hôm Thứ Sáu 2/9/2005 kêu gọi vị ngoại trưởng Hiệp Vương Quốc là Jack Straw can thiệp vào việc soạn thảo Bản Hiếp Pháp Iraq để loại bỏ các khoản (2a chẳng hạn) phạm đến quyền lợi tự do tôn giáo của Kitô hữu cũng như của các nhóm thiểu số khác, một bản hiên pháp được đệ trình từ ngày 25/8/2005.

 

Khoản hiến pháp này, theo Associated Press, viết rằng: “không một luật lệ nào được thông qua nếu mâu thuẫn với các qui luật bất khả bàn cãi của Hồi giáo”.

 

Mạc dù những vị lãnh đạo Kitô giáo ở Iraq “không đặt vấn đề là Iraq sẽ trở thành một quốc gia Hồi giáo hay chăng, cũng không chống Hồi giáo là tôn giáo, một tôn giáo trong số các tôn giáo, khác đang được coi là nguồn duy nhất của việc lập pháp, các vị cũng cảm thấy hết sức lo sợ”.

 

Vị hồng y này cảnh giác là nếu khoản luật ấy không được loại trừ đi thì nó có thể gây ra “những hậu quả tàn hại” đối với thành phần thiểu số Kitô hữu xưa kia, cũng như làm “suy yếu trầm trọng” các dự án của Hiệp Vương Quốc đối với một nền dân chủ vững vàng nơi miền đất ấy.

Ngài viết rằng bản hiến pháp ấy chất chức “một thứ đe dọa thực sự đối với quyền tự do tôn giáo”.

 

Bản hiến pháp được soạn thảo này sẽ được bỏ phiếu bằng một cuộc tổng trưng cầu dân ý và được tu chính bởi tổng hội đồng vào ngày 15/10/2005, thế nhưng, theo Associated Press thì vẫn đang có những bàn luận diễn tiến để điều chỉnh nó.

 

ĐHY Murphy đã xin ngoại trưởng Jack “hãy gây ảnh hưởng trên các đảng phái về Bản Hiến Pháp này để đưa vào những khoản đặc biệt bảo đảm thiết lập quyền bình đẳng của thành phần không phải là người Hồi giáo và loại trừ đi khoản hiến pháp được đề cập đến trên đây”.

 

TOP

 

 

Chủ Nghĩa Tương Đối: Một Giáo  Điều

 

(Đức Biển Đức XVI với Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu qua nhận định của Hồng Y Joseph Ratzinger ngay trước khi Cố Giáo Hoàng GPII qua đời)

 

(tiếp 31/7 Chúa Nhật, 1/8 Thứ Hai, 20/8 Thứ Bảy, 29 Thứ Hai, 31 Thứ Tư 2/9 Thứ Sáu)

 

Chúng ta cần phải đáp “không” đối với cả hai vấn đề này một cách dứt khoát. Thứ triết lý này không thể hiện tất cả lý trí của con người, mà chỉ một phần của lý trí thôi, và vì cái cắt xén lý trí này mà nó không thể được cho là hoàn toàn hợp lý. Đó là lý do nó không trọn vẹn, và chỉ có thể nên trọn bằng việc tái thiết lập việc liên hệ với căn gốc của nó. Một cây mất gốc sẽ khô héo thôi.b

 

Khi nói như thế, người ta không chối bỏ tất cả những gì là tích cực và quan trọng của thứ triết lý ấy, thế nhưng họ muốn khẳng định việc nó cần phải làm cho nó nên trọn vẹn, làm trọn vẹn những gì nó còn hết sức thiếu sót. Nên chúng ta cần phải nói đến một lần nữa hai điểm tranh cãi ở Lời Mở Đầu Bản Hiến Pháp Âu Châu. Việc loại bỏ các căn gốc Kitô giáo chẳng những không tỏ ra cho thấy một thứ dung nhượng cao cả trong vấn đề tôn trọng tất cả mọi thứ văn hóa như nhau, không giành ân huệ cho bất cứ văn hóa nào, mà còn như tuyệt đối hóa một mẫu thức về tư tưởng và đời sống hết sức chống lại, trong số những điều khác, các thứ văn hóa theo lịch sử của nhân loại. 

 

Cái thực sự tương phản làm nên đặc tính của thế giới ngày nay này không phải là cái tương phản giữa các thứ văn hóa tôn giáo khác nhau, mà là giữa sự giải phóng cấp tiến của con người, một mặt, khỏi Thiên Chúa, khỏi căn gốc của đời sống, và mặt khác, khỏi các thứ văn hóa của những đại tôn giáo. Nếu đã xẩy ra một cuộc đụng độ của các nền văn hóa thì không phải là vì đó là cuộc đụng độ của các đại tôn giáo – những tôn giáo luôn đấu tranh chống lại nhau, nhưng cuối cùng bao giờ cũng biết sống với nhau – mà là vì đó là cuộc đụng độ giữa cuộc giải phóng cấp tiến này của con người với các thứ văn hóa đại thể của lịch sử.

 

Bởi thế, ngay cả việc loại trừ vấn đề nói tới Thiên Chúa, cũng không phải là vấn đề thể hiện một thứ dung nhượng cho thấy muốn bảo vệ các tôn giáo vô thần cùng phẩm giá của thành phần vô thần và thành phần chủ trương bất khả thần tri, trái lại đó là vấn đề biểu lộ một lương tri muốn thấy Thiên Chúa hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi đời sống quần chúng của con người, cũng như bị xóa bỏ đi đối với lãnh vực chủ quan của những thứ văn hóa thừa thãi thuộc quá khứ.

 

Chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa là khởi điểm của tất cả những vấn đề này, nhờ đó trở thành một giáo điều, một giáo điều cho rằng mình chiếm hữu được phạm vi tối hậu của lý trí, và có quyền coi tất cả những gì khác chỉ như là một thứ khấu trường của nhân loại, một khấu trường cuối cùng sẽ được thắng vượt  và có thể được tương đối hóa một cách thích đáng. Trên thực tế thì điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có gốc rễ để tồn tại, và chúng ta không được lạc mất Thiên Chúa, nếu chúng ta không muốn phẩm giá con người bị biến mất.

 

(còn tiếp)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 26-29/7/2005

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ