GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 2/9/2006

 TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN

 

?  Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Thiếu Nhi Fatima Giaxinta

?  CẢM NHẬN THÁNH MẪU của Giáo Hoàng Biển Đức XVI khi còn là Hồng Y Ratzinger: Việc cần phải trở về với Mẹ Maria và Vai Trò Của Maria Trong Việc Lấy Lại Tình Trạng Quân Bình Đức Tin Công Giáo

?   Về Bản Tuyên Ngôn Chung Liên Quan Tới Khoa Đạo Lý Sinh Học và Nhân Quyền

 

 

? Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Thiếu Nhi Fatima Giaxinta

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần từ 27/5/2006) 

Ngày Giaxinta phải đi nhà thương đã đến. Ở đó em thật sự đã phải chịu đựng rất nhiều. Khi mẹ em đến thăm em, bà hỏi em có cần gì chăng. Em nói rằng em muốn gặp con. Đây không phải là một điều dễ dàng đối với dì của con, song dì cũng đem con đi ngay khi có dịp. Vừa thấy con, em đã hớn hở ôm chầm lấy con, và nói với mẹ của em hãy đi mua đồ và để con lại với em. Con hỏi thăm em có khổ đau nhiều lắm chăng. Em đáp:

    - Có chứ. Thế nhưng em dâng tất cả mọi sự để cầu cho các tội nhân cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

     Thế rồi, đầy nhiệt tình, em đã nói về Chúa và Đức Mẹ như sau:

    - Ôi em yêu thích được chịu khổ vì yêu các Ngài biết bao, chỉ để làm cho các Ngài hài lòng mà thôi! Các Ngài rất yêu thương những ai chịu khổ cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống.

     Em được trở về nhà với cha mẹ em trong một thời gian. Em có một vết thương lớn ở ngực cần phải được chữa trị hằng ngày, nhưng em đã chịu đựng không hề phàn nàn hay tỏ ra một dấu hiệu khó chịu nào. Điều làm em khó chịu nhất là những cuộc viếng thăm thường xuyên và những câu hỏi của nhiều người đến thăm em, những người em không thể nào tránh né được nữa.

    - Em cũng dâng cả những hy sinh này nữa để cầu nguyện cho các tôi nhân ơn ăn năn hối cải.

     Có lần dì của con xin con một điều “Cháu hỏi xem Giaxinta nghĩ gì khi nó lấy tay ôm mặt bất động một lúc lâu. Dì đã hỏi nó nhưng nó chỉ mỉm cười không nói năng gì”. Con đã hỏi Giaxinta. Em trả lời con như sau:

    - Em nghĩ đến Chúa, đến Đức Mẹ, đến các tội nhân, và đến… (em đề cập tới một số điều của Bí Mật). Em thích suy nghĩ.

     Một lần nữa, Đức Trinh Nữ lại chiếu cố đến thăm Giaxinta, để nói với em về những thánh giá mới cùng những hy sinh mới đang chờ đợi em. Em đã cho con biết những điều ấy mà rằng:

    - Đức Mẹ bảo em rằng em sẽ đi Lisbon tới một bệnh viện khác; rằng em sẽ không thấy chị nữa, cũng chẳng được thấy cha mẹ em nữa, và sau khi đã chịu nhiều đau khổ, em sẽ chết cô đơn một mình. Thế nhưng Người nói rằng em không cần gì phải sợ hãi, vì chính Người đến đem em về trời.

     Em đã ôm ghì lấy con mà khóc:

   - Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Chị sẽ không đến đó thăm em. Ôi xin chị cầu nguyện nhiều cho em, vì em sẽ bị chết cô đơn một mình!

     Giaxinta đã chịu đựng kinh khủng cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em cứ gắn liền lấy con mà khóc nấc lên:

    - Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Không bao giờ được thấy mẹ em nữa, các anh của em nữa, cha của em nữa! Em sẽ không bao giờ được thấy mọi người nữa! Thế rồi em sẽ chết lủi thủi một thân một mình.

     Một hôm con khuyên em:

    - Em đừng nghĩ đến nó nữa.

     Em trả lời:

    - Hãy để em nghĩ đến nó, vì càng nghĩ em càng khổ, song em muốn chịu khổ vì yêu Chúa và cho các tội nhân. Dù vậy, em cũng không sao! Đức Mẹ sẽ đến đó để đưa em về trời.

     Có những lúc em hôn và ôm cây thánh giá mà than lên rằng:

    “Ôi Chúa Giêsu ơi! Con yêu Chúa, và con muốn chịu khổ thật nhiều vì yêu Chúa”. Em rất thường hay nói rằng: “Ôi Chúa Giêsu! Giờ đây Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân, vì đây thật sự là một hy sinh to lớn!”

     Cuối cùng ngày em phải bỏ nhà đi Lisbon đã đến (21/2/1920). Thật là một cuộc giã biệt đoạn trường. Em đã ôm chặt lấy con rất lâu mà khóc nấc lên:

     “Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy nhau nữa! Xin chị cầu nguyện nhiều cho em cho đến khi em về trời. Bấy giờ em sẽ cầu nguyện cho chị. Chị đừng bao giờ nói Bí Mật ấy cho bất cứ một ai nghe, dù họ có giết chị đi nữa. Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thật nhiều, và hãy kiếm nhiều hy sinh cho các tội nhân”.

     Trong bài giảng phong Chân Phước cho Thiếu Nhi Giaxinta, người đã qua đời lúc gần 10 tuổi (11/3/1910-20/2/1920) tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5/2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về vị Á Thánh n trẻ nhất Giáo Hội này (ở đoạn 4) như sau:

     “Bé Giaxinta đã cảm được và nghiệm thấy nơi bản thân mình nỗi sầu thương của Đức Mẹ, bằng việc anh hùng hiến mình như một vật hy sinh cho các tội nhân. Một ngày kia, khi em và Phanxicô bị bệnh làm cho các em phải nằm giường, Đức Maria đã đến thăm các em ở nhà, như bé gái thuật lại: ‘Đức Mẹ đã tới thăm chúng con và nói rằng chẳng mấy chốc nữa Người sẽ đến mang Phanxicô về trời. Và Người hỏi con có muốn hoán cải các tội nhân hơn nữa không. Con thứa Người là có’. Rồi tới lúc Phanxicô ra đi, nhỏ gái nói với anh mình rằng: ‘Xin anh cho em gửi lời chào Chúa và Đức Mẹ nhé, và thưa cùng các Ngài rằng em đang chịu đựng mọi sự các Ngài muốn để cầu cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống’. Giaxinta đã bị kích động sâu xa bởi thị kiến hỏa ngục vào lần Đức Mẹ hiện ra 13/7, đến nỗi không một việc hy sinh hãm mình hay đền tội nào là quá sức đối với em trong việc cứu lấy các tội nhân.

     “Em có thể xứng đáng cùng với Thánh Phaolô kêu lên rằng: ‘Tôi hân hoan trong những nỗi đớn đau tôi phải chịu vì anh em, và trong xác thịt của mình, tôi làm trọn những gì còn thiếu nơi những khổ nạn của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội’ (Col 1:24). Chúa Nhật vừa qua, tại Hí Trường Colosseum ở Rôma, chúng ta đã tưởng niệm rất nhiều chứng nhân đức tin thuộc thế kỷ 20, bằng cách nhớ lại những hoạn nạn họ đã phải chịu với những chứng từ sáng tỏ họ để lại cho chúng ta. Đám mây vô vàn các vị tử đạo đức tin can trường đã lưu lại cho chúng ta một di sản phải được tiếp tục bảo tồn trong thiên niên thứ ba. Ở Fatima đây, nơi đã báo trước cho thấy những lúc hoạn nạn này và đã được Đức Mẹ lên tiếng xin cầu nguyện cùng thống hối để rút ngắn chúng lại, hôm nay Tôi xin cám ơn trời cao về chứng từ mãnh liệt đã được tỏ ra qua tất cả những cuộc sống ấy. Một lần nữa, Tôi chúc tụng lòng lành Chúa đã thương cứu Tôi thoát chết sau khi bị trọng thương ngày 13/5/1981. Tôi cũng muốn nói lên lòng tri ân của Tôi đối với Chân Phước Giaxinta về những hy sinh và lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, vị mà Chân Phước đã thấy trước là phải chịu đau khổ rất nhiều”.

(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)

 

TOP

 

 

 ? CẢM NHẬN THÁNH MẪU của Giáo Hoàng Biển Đức XVI khi còn là Hồng Y Ratzinger: Việc cần phải trở về với Mẹ Maria và Vai Trò Của Maria Trong Việc Lấy Lại Tình Trạng Quân Bình Đức Tin Công Giáo

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL,

Tổng Hợp và Chuyển Dịch

  

Việc cần phải trở về với Mẹ Maria

 

Ngay từ khi còn là thần học gia Joseph Ratzinger, như ngài tự thú trong cuốn “Ratzinger’s Report”, (Ignatius Press, 1985, trang 105), tự bản chất ngài vốn không thiên về hay hào hứng về Thánh Mẫu cho lắm, thậm chí cả trong thời gian tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II. Tuy nhiên, cũng chính vì nhờ tham dự Công Đồng này, trước khuynh hướng tôn tụng của Công Đồng đối với Mẹ Maria, trong một thời đại đầy những biến động về đức tin, ngài đã có được một nhận thức Thánh Mẫu rất đặc biệt đối với vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết của Mẹ trong Giáo Hội và thế giới ngày nay. Sau đây là nguyên văn lời của ngài:

“Là một thần học gia trẻ ở vào thời điểm trước (cũng như trong) Công Đồng, tôi đã đặt vấn đề về một số những công thức cổ xưa, chẳng hạn như câu nổi tiếng De Maria nunquam satis, ‘nói về Mẹ Maria không bao giờ cùng’. Câu này có vẻ quá đáng đối với tôi. Bởi thế sau này tôi khó lòng mà hiểu được ý nghĩa thực sự của lời diễn tả danh tiếng khác (đang lưu hành trong Giáo Hội từ các thế kỷ đầu tiên, thời mà sau cuộc tranh cãi đáng ghi nhớ, Công Đồng Êphêsô năm 431 đã công bố Maria là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa). Việc công bố này tức là việc nhìn nhận Đức Trinh Nữ là ‘Vị Chiến Thắng tất cả mọi lạc thuyết’. Bởi vậy, trong giai đoạn lẫn lộn này, khi mà hết mọi thứ sai lạc thực sự dường như đang áp đảo ngưỡng cửa đức tin chân thực, thì tôi mới hiểu được rằng nó không phải là vấn đề quá trớn của lòng đạo đức, mà là vấn đề của những chân lý ngày nay có hiệu lực hơn bao giờ hết”.

“Phải, cần phải trở về với Mẹ Maria nếu chúng ta muốn trở lại với ‘sự thật về Chúa Giêsu Kitô’, ‘sự thật về Giáo Hội’, và ‘sự thật về con người’ là những gì được Đức Gioan Phaolô II đề ra như một chương trình thực hiện cho toàn thể Kitô Giáo vào năm 1979, thời điểm ngài khai mạc hội đồng giám mục Mỹ Châu Latinh ở Puebla. Các vị giám mục đã đáp lại dự án này của vị Giáo Hoàng ấy bằng việc bao gồm trong các bản văn kiện đầu tiên (những văn kiện đã được một số người đọc một cách thiếu sót) ước muốn và mối quan tâm nhất trí của các vị, đó là: ‘Hơn bao giờ hết Mẹ Maria cần phải trở thành một khoa sư phạm để loan báo Phúc Âm cho con người ngày nay’. Thật vậy, chính ở châu lục này là nơi lòng tôn sùng Thánh Mẫu theo truyền thống nơi dân chúng đã bị sa sút, một tình trạng trống rỗng xẩy ra được thay thế bằng những ý hệ chính trị. Nó là một hiện tượng có thể nhận thấy hầu như ở khắp nơi với một mức độ nào đó, cho thấy tầm quan trọng của một thứ lòng tôn sùng không chỉ thuần túy tôn sùng mà thôi”. (những chỗ in ngả đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh).

Đọc cuốn The Ratzinger’s Report, người viết có cảm tưởng nội dung của tác phẩm này hơi giống cuốn “Hồi Niêm và Căn Tính” của Đức Gioan Phaolô II, ở chỗ, cả hai tác phẩm đều có tính cách “ôn cố nhi tri tân”: một cuốn “ôn cố nhi tri tân” với thế giới và về thế giới, đó là cuốn của Đức Gioan Phaolô II, và một cuốn “ôn cố nhi tri tân” với Giáo Hội và về Giáo Hội. Cả hai cuốn đều là thành quả của cuộc phỏng vấn với những thức giả thời đại.

Thật vậy, có thể chia cuốn The Ratzinger’s Report với 13 chương (trừ chương đầu liên quan tới cá nhân Hồng Y Ratzinger, còn 12) ra làm hai phần, phần đầu gồm 6 chương có tính cách “ôn cố”, (bao gồm các chương như chương 2: Một Công Đồng Cần Phải Tái Nhận Thức, chương 3: Căn Gốc Của Cuộc Khủng Hoảng Đó Là Ý Nghĩ Về Giáo Hội, chương 4: Nơi Các Vị Linh Mục Và Giám Mục, chương 5: Những Dấu Hiệu Nguy Hiểm, chương 6: Màn Thảm Kịch Luân Lý, chương 7: Thành Phần Nữ Giới, Một Nữ Nhân), và phần sau gồm 6 chương thiên về tính cách “tri tân”, (đặc biệt là chương 8: Một Linh Đạo Cho Ngày Nay; chương 9: Phụng Vụ Giữa Cũ Và Mới, chương 12: Một Cuộc ‘Giải Phóng’; chương 13: Loan Báo Chúa Kitô Một Lần Nữa).

Tuy nhiên, giữa hai phần “ôn cố” và “tri tân” này, có một khoảng đặc biệt về Mẹ Maria, một khoảng như để chuyển tiếp, như để thực hiện việc “tống cựu nghinh tân”. Khoảng đặc biệt về Mẹ Maria này ở ngay trong chương cuối cùng của phần “ôn cố”, là chương thứ 7, chương về “Thành Phần Nữ Giới, Một Nữ Nhân – Women, A Woman”. Thành Phần Nữ Giới đây là thành phần cũng đang gặp khủng hoảng, (đó là lý do Hồng Y Ratzinger đã nói đến các vấn đề về họ qua những tiểu mục đặc biệt như ‘phong trào nữ giới trong tu viện’ và ‘một tương lai thiếu vắng nữ tu’), và Một Nữ Nhân đây, Một Nữ Nhân trong Thành Phần Nữ Giới đây chính là nhân vật cứu vãn tình thế, một nhân vật đã được The Ratzinger’s Report bàn đến dưới tiểu mục: ‘Một Phương Dược: Đức Maria – A Remedy: Mary’. Vị hồng y trở thành Giáo Hoàng Biển Đức XVI 20 năm sau này đã chia sẽ cảm nhận của mình về phương dược Maria là:

“Một phương dược chữa trị nổi tiếng này ngày nay dường như bị lu mờ đi bởi một số người Công Giáo, song lại là một phương dược thích đáng hơn bao giờ hết” (trang 104).

Theo Hồng Y Ratzinger thì chính Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề cao Phương Dược Maria này:

“Bằng việc đưa mầu nhiệm về Mẹ Maria vào mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thực hiện một quyết định quan trọng là quyết định cần phải cống hiến một tác lực mới cho việc nghiên cứu về thần học. Trái lại, trong giai đoạn mới sau công đồng đã xẩy ra tình trạng đột ngột sa sút về chiều hướng này, hầu như là sụp đổ, mặc dù hiện nay (biệt chú: ngài nói câu này vào năm 1985, sau Công Đồng 20 năm) có một số dấu hiệu sinh động mới… (trang 104).

“Nếu vị thế của Mẹ Maria từng là những gì thiết yếu cho tình trạng quân bình về Đức Tin, thì ngày nay, cũng như ở một số giai đoạn khác của lịch sử Giáo Hội, rất cần phải tái nhận thức vị thế này” (trang 105).

Có đọc được những cảm nhận Thánh Mẫu của Hồng Y Ratzinger trên đây, chúng ta mới cảm thấy hết sức ý vị khi đọc được những cảm nhận Thánh Mẫu của ngài với tư cách là Giáo Hoàng sau đây.

Vai Trò Của Maria Trong Việc Lấy Lại Tình Trạng Quân Bình Đức Tin Công Giáo

Trong cuốn The Ratzinger’s Report, ở chương 7, về “Thành Phần Nữ Giới, Một Người Nữ”, ở trang 106-109, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, khi còn là Hồng Y Ratzinger 20 năm trước đã nêu lên 6 lý do cho thấy tại sao vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong việc làm quân bình Đức Tin Công Giáo hay để cứu vãn cuộc khủng hoảng đức tin như sau (những chỗ in ngả đậm là do người dịch cố ý nhấn mạnh):

1. “Khi người ta nhìn nhận vị thế được tín điều và truyền thống qui định cho Mẹ Maria là họ đâm rễ một cách vững chắc vào khoa Kitô học đích thực. (Theo Công Đồng Chung Vaticanô II thì ‘mộ mến suy niệm về Mẹ và chiêm ngưỡng Mẹ theo chiều hướng Lời nhập thể là Giáo Hội cung kính đi sâu hơn nữa vào mầu nhiệm Nhập Thể trọng đại và càng trở nên giống như vị hôn phu của mình hơn nữa’ [Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, khoản 65). Ngoài ra, chính vì việc trực tiếp phục vụ niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, chứ không phải hoàn toàn chỉ vì lòng tôn sùng Người Mẹ này, mà Giáo Hội đã tuyên bố các tín điều Thánh Mẫu: trước hết là tín điều Mẹ trọn đời đồng trinh và vai trò Thiên Mẫu, rồi sau đó, qua một thời gian dài chín mùi và suy tư, đến những tín điều Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm và Mông Triệu hiển vinh thiên đình. Những tín điều này là những gì bảo vệ niềm tin nguyên tuyền nơi Đứca Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng có hai bản tính trong một Ngôi Vị duy nhất. Những tín điều Thánh Mẫu ấy cũng bảo đảm chiều kích cánh chung bất khả thiếu, khi cho thấy việc Mông Triệu của Mẹ Maria như là một định mệnh bất tử đang đợi chờ tất cả chúng ta. Những tín điều này cũng bảo vệ niềm tin – bị đe dọa ngày nay – nơi Thiên Chúa Hóa Công, Đấng có thể tự do nhúng tay can thiệp vào cả vấn đề thể chất (và đây là một trong những vấn đề liên quan tới ý nghĩa về sự thật trọn đời đồng trinh của Mẹ Maria, một vấn đề mà hơn bao giờ hết ngày nay không hiểu được). Sau hết, Mẹ Maria, như Công Đồng nhắc nhở: ‘đã tiến sâu vào lịch sử cứu độ,… ở chỗ các mầu nhiệm Đức Tin quan trọng nhất được liên kết và âm vang nơi bản thân Mẹ’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 65)”.

2. “Khoa thánh mẫu học của Giáo Hội bao gồm mối liên hệ chân thực, việc hội nhập cần thiết giữa Thánh Kinh và truyền thống. Bốn tín điều Thánh Mẫu có nền tảng rõ ràng trong Thánh Kinh. Thế nhưng nền tảng này trong Thánh Kinh giống như một mầm mống mọc lên và sinh hoa kết trái trong đời sống của truyền thống, cũng như được bày tỏ thể hiện nơi phụng vụ, nơi nhận thức của thành phần tín hữu và nơi suy tư thần học theo chiều hướng của Huấn Quyền”.

3. “Mẹ Maria liên kết với nhau, nơi chính bản thân của mình là một thiếu nữ Do Thái được trở nên Mẹ của Đấng Thiên Sai, một cách sống động và bất khả phân ly, thành phần Dân Chúa cả cựu lẫn tân, Dân Do Thái và Dân Kitô Giáo, hội đường và thánh đường. Mẹ thực sự là cái móc nối liên kết mà nếu thiếu vắng thì Đức Tin (như đang xẩy ra ngày nay) có nguy cơ bị mất quân bình, hoặc bằng việc bỏ Tân Ước đi lấy Cựu Ước hay bằng việc không cần đến Cựu Ước nữa. Trái lại, nơi Mẹ, chúng ta có thể sống mối hiệp nhất hoàn toàn này của Thánh Kinh”.

4. “Việc tôn sùng Thánh Mẫu đúng đắn bảo đảm cho đức tin về việc đồng hiện hữu giữa ‘lý trí’ bất khả thiếu với ‘những lý lẽ của con tim’ cũng bất khả châm chước, như Pascal nói. Đối với Giáo Hội, con người không thuần lý trí cũng chẳng thuần cảm tình, họ là khối hiệp nhất của cả hai chiều kích này. Cái đầu cần phải tỏ ra sáng suốt, nhưng con tim cần phải cảm thấy nồng nàn: như thế, việc tôn sùng Mẹ Maria mới bảo đảm được chiều kích hoàn toàn nhân bản của đức tin (như Công Đồng Chung Vaticanô II thúc giục ‘một mặt tránh đi hết mọi thứ thái quá sai lầm, mặt khác tránh đi tính cách quá thiển can trong việc chiêm ngắm phẩm vị trổi vượt của Mẹ Thiên Chúa’)”.

5. “Nếu sử dụng chính các mẫu thức của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Mẹ Maria là ‘hình dạng’, ‘hình ảnh’ và ‘mẫu thức’ của Giáo Hội. Nhìn ngắm Mẹ, Giáo Hội được bảo vệ cho khỏi kiểu mẫu nam tính hóa là kiểu mẫu coi Mẹ như là một dụng cụ cho một chương trình hoạt động chính trị xã hội. Nơi Mẹ Maria, như hình dạng và nguyên mẫu của mình, Giáo Hội thấy lại được bộ mặt của mình là một Người Mẹ, và không thể thoái hóa thành tính cách phức tạp của một đảng phái, của một tổ chức hay của một nhóm áp đặt phục vụ các lợi ích của nhân loại cho dù là những lợi ích cao quí nhất. Nếu Mẹ Maria không còn chỗ đứng nơi nhiều thứ thần học và giáo hội học nữa thì lý do cũng hiển nhiên thôi, đó là vì những thứ khoa học này biến đức tin trở thành một cái gì đó trừu tượng. Và đã trừu tượng thì không cần gì đến một Người Mẹ nữa”.

6. “Với thân phận của mình, một lúc vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, Mẹ Maria tiếp tục chiếu tỏa trên những gì được Đấng Hóa Công ấn định cho nữ giới ở mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta đây, hay nói đúng hơn, có lẽ cho chính thời đại của chúng ta, một thời đại mà, như chúng ta biết, chính bản chất của nữ tính đang bị đe dọa. Nơi tính cách trinh nguyên và vai trò làm mẹ của Người, mầu nhiệm của nữ giới có được một định mệnh rất cao cả khiến họ không thể bị phân mảnh. Mẹ Maria hiên ngang xướng lên bài ca vịnh Magnificat – Ngợi Khen, thế nhưng Mẹ cũng là một con người làm cho việc thinh lặng và ẩn dật sinh hoa kết trái. Mẹ là một con người không sợ đứng dưới Cây Thập Tự Giá cũng là vị hiện diện ở cuộc Giáo Hội được hạ sinh. Thế nhưng, Mẹ cũng là vị, như thánh ký nhấn mạnh mấy lần là ‘lưu giữ và suy niệm trong lòng’ những gì được tỏ ra cho Mẹ. Là một tạo vật can trường và tuân phục, Mẹ đã và vẫn còn là một mẫu gương cho hết mọi Kitô hữu nam nữ có thể và cần phải bắt chước noi theo”.

 

 

 

TOP

 

 

?   Về Bản Tuyên Ngôn Chung Liên Quan Tới Khoa Đạo Lý Sinh Học và Nhân Quyền

 

(tiếp 26 Thứ Bảy bài Thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’ (morning-after pill): Tổng Thống Bush ủng hộ việc cho phép các em thiếu nữ được sử dụng; và 27 Chúa Nhật bài Các thứ hoang đường và thực tại về thứ thuốc ‘hậu sự làm tình phá thai’, và 28 Thứ Hai 29 Thứ Ba bài Vấn đề ngừa thai và triệt sản liên quan tới tình trạng sức khỏe tâm thần, cảm xúc và thiêng liêng của nữ giới, 30 Thứ Tư bài Làm thế nào để tránh khỏi tình trạng giảm dân số ở các nước tân tiến trên thế giới hiện nay? 31 Thứ Năm bài Do Thái và Công Giáo Tuyên Ngôn Tôn Trọng Sự Sống Con Người, và 1 Thứ Sáu bài Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Bào Phôi Thai, và bài Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc Về Những Chính Sách Dân Số Tập Trung Vào Con Người)

 

Vào mùa thu năm ngoái, Tổng Nghị UNESCO đã phê chuẩn “Bản Tuyên Ngôn Chung Về Khoa Đạo Lý Sinh Học Và Nhân Quyền”, một văn kiện đã được soạn thảo 2 năm trời mới xong, bởi Tiểu Ban Khoa Đạo Lý Sinh Học Quốc Tế và Tiểu Ban Khoa Đạo Lý Sinh Học Liên Chính Quyền.

 

Vị đại biểu của Tòa Thánh tham dự hội nghị này là Cha Dòng Đạo Binh Chúa Kitô Gonzalo Miranda, khoa trưởng Phân Khoa Đạo Lý Sinh Học thuộc đại học đường Regina Apostolorum ở Rôma, đã dự phần vào một số giai đoạn của việc khai triển bản tuyên ngôn này. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, vị linh mục này phân tách một số khía cạnh quan trọng của bản tuyên ngôn ấy như sau.

 

Vấn:     Việc phê chuẩn bản tuyên ngôn này có một tầm vóc quan trọng ra sao?

 

Đáp:    Trước hết, nó xác định tầm quan trọng phổ quát về khoa đạo lý sinh học cùng với những đề tài và những vấn đề được nghiên cứu bởi khoa học được bắt đầu 35 năm trước đây. Phổ quát theo nghĩa là chúng ảnh hưởng tới tất cả chúng ta – bác sĩ và sinh vật gia, thế nhưng ảnh hưởng cả thành phần chính trị gia và luật gia, phóng viên báo chí, linh mục v.v., cùng xã hội nói chung.

 

Phổ quát còn vì những vấn đề này hiện nay được nhận định và nghiên cứu ở tất cả mọi miến đất trên thế giới về địa dư cũng như về văn hóa. Việc toàn cầu hóa tăng vọt chắc chắn đã góp phần vào hiện tượng này.

 

Tự chính bản chất của mình thì bản tuyên ngôn này không có tính cách bắt buộc các quốc gia phải tuân theo. Thế nhưng, nó cố gắng thực hiện một tầm ảnh hưởng quan trọng trong những cuộc lập luật của các quốc gia, cũng như trong những quyết định cùng tác hành của tất cả mọi thành phần có liên quan tới vấn đề của khoa đạo lý sinh học.

 

Cơ quan UNESCO tìm cách để trở thành một vị lãnh đạo thế giới ở lãnh vực này, và nó nói như thế một cách minh nhiên và tỏ tường.

 

Tôi đã thấy được lý do tại sao thành phần đại diện cho nhiều chính phủ, nhất là các quốc gia đang phát triển, kêu gọi cơ quan UNESCO hãy cống hiến cho họ một sự hướng dẫn nào đó về các đề tài đạo lý sinh học, và phổ biến hướng dẫn này nơi quốc gia của họ, chẳng hạn qua việc hợp tác để thành lập các tiểu ban đạo lý sinh học toàn quốc. 

 

Không thiếu những người nhìn thấy tất cả những điều này cái nguy hiểm của một thứ chính quyền về luân thường đạo lý toàn cầu được thiết lập vậy.


Vấn:     Tòa Thánh đã tham dự vào công việc này ra sao?

 

Đáp:    Như quí vị biết, Tòa Thánh có một quan sát viên thường trực làm việc với cơ quan UNESCO ở Ba Lê. Hiện nay là Đức ông Francesco Follo phụ trách vai trò này một cách hết sức xứng đáng và thành quả.

 

Tôi được mời tham dự vào công việc cẩn thận soạn thảo bản tuyên ngôn này để cống hiến quan điểm Công Giáo về khoa đạo lý sinh học, trước hết vào Tháng 8/2004; năm 2005 vừa qua vào Tháng 6, ở cuộc họp các nhà chuyên môn đại diện cho các chính quyền, và giờ đây ở Tổng Nghị này.

 

Là một quan sát viên, tôi có thể phát biểu nhưng không tham dự vào việc quyết định. Cũng thật là hào hứng khi được dịp nói một cách bán chính thức với thành phần đại biểu của các chính phủ, trao đổi cảm tưởng, lắng nghe và bày tỏ.

 

Tôi đã thấy được nơi nhiều vị đại biểu và đại diện việc họ cảm nhận sâu xa tỏ ra đối với Tòa Thánh và hết sức chú trọng tới tư tưởng của Giáo Hội.


Vấn:     Có thể nhận định có tính cách toàn cầu ra sao về bản tuyên ngôn được phê chuẩn này hay chăng?

 

Đáp:    Tôi nghĩ rằng bản tuyên ngôn này cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và tự nguyện nơi những người dấn thân cho khoa đạo lý sinh học, nhờ đó họ bắt đầu hiểu được những đòi hỏi của nó, ý nghĩa của các nguyên tắc nó phác họa, những thành quả khả dĩ nó gây ra trên thế giới này v.v.

 

Tôi không nghĩ rằng có thể nêu lên một nhận định thận trọng nếu không tường tận vấn đề được phân tích và tranh cãi này.

 

Dầu sao tôi cũng nghĩ rằng, nói chung, bản tuyên ngôn này là văn kiện khả chấp, thậm chí còn tốt đẹp ở một số vấn đề nữa. Dĩ nhiên, nó tiêu biểu cho hoa trái của một cuộc thảo luận và nỗ lực cho việc đồng thuận về những quan điểm và khuynh hướng tương khắc.

 

Chính vì thế mà những đề tài như việc bảo vệ con người thai nhi hay tình trạng của phôi thai bào con người không bị biến mất đi trong bản văn này, thậm chí không phải chỉ nói xa xa bóng gió vậy thôi. Lại còn một nỗ lực không kém nữa là tiến đến chỗ đồng ý về những gì được hiểu về con người, về phẩm vị con người v.v.

 

Như quí vị thực sự biết được rằng, từ đầu, nhan đề “Bản Tuyên Ngôn Các Qui Chuẩn Chung Về Khoa Đạo Lý Sinh Học” đã được bàn đi tính lại, và đã có cả một bản liệt kê dài về những vấn đề đặc biệt liên quan tới khoa đạo lý sinh học được bản tuyên ngôn này giải quyết.

 

Đoạn người ta nghĩ đến vấn đề để cho thuận tiện hơn thì nên giữ những nguyên tắc chung thôi, và bỏ qua từ ngữ “qui chuẩn” khỏi nhan đề của bản tuyên ngôn này. Cuối cùng cũng đã được quyết định đưa chữ “nhân quyền” vào đầu đề của bản tuyên ngôn để nhấn mạnh tới chủ trương làm nền tảng cho các nguyên tắc được bản tuyên ngôn này phác họa.


Vấn:     Những điểm sôi nổi nhất trong việc soạn thảo văn kiện này là gì?

 

Đáp:    Có một vài điểm, những điểm rất hay. Vào cuộc họp tháng 6 là cuộc họp để các chuyên gia đại diện cho các chính phủ duyệt xét bản văn được các tiểu ban về khoa đạo lý sinh học của cơ quan UNESCO biên soạn, họ có thể phát biểu hay nhường nhận vì vấn đề đồng thuận về một số điểm tương khắc nhất, hoàn toàn để hoàn chỉnh bản văn.

 

Chẳng hạn, có một số quốc gia yêu cầu là cần phải đưa vào bản văn nguyên tắc về nhân quyền của sự sống con người. Người khác nói rằng chính phủ của họ không thể nào chấp nhận điều ấy – một vị đại biểu đã nói với tôi rằng điều này không thể nào xẩy ra được vì xứ sở của ông đã hợp pháp hóa vấn đề “tạo sinh sao bản trị liệu” rồi.

 

Sau nhiều cố gắng và sau khi một số vị đại biểu tham vấn với chính phủ của mình, người ta đi đến chỗ đồng ý phần về mục tiêu của bản tuyên ngôn liên quan tới nhân quyền viết là: “bảo đảm việc tôn trọng sự sống con người”.

 

Như tôi đã nói trong cuộc họp này, đó là một cái gì đó thật là buồn cười khi mà một bản tuyên ngôn về khoa đạo lý sinh học, được con người soạn thảo, lại không nêu lên nguyên tắc về quyền sống. Thế nhưng, ít là nó vẫn được gắn bó với các mục tiêu của bản tuyên ngôn này. 

 

Ngoài ra, nói tới vấn đề phân phối các lợi ích của thuốc men, bản nháp đã đưa ra vấn đề “sức khỏe sản sinh”, một vấn đề, như vốn quen biết, liên quan tới việc thực hành rắc rối theo quan điểm đạo đức, chẳng hạn như việc ngừa thai, triệt sản và thậm chí phá thai.

 

Một ít người đề nghị là vấn đề “sức khỏe của nữ giới và trẻ em” nên nói tổng quát. Sự thật đó là, như tôi đã nói với quí vị đại biểu – và rất ít người đồng ý – nó là vấn đề gây ra một thứ rắc rối rất cụ thể và đặc biệt, sau khi đồng ý là bản tuyên ngôn này cần phải đứng ở tầm mức các nguyên tắc chung thôi.

 

Ngoài ra, ở rất ít xứ sở, một số việc thực hành này là điều không hợp pháp, những thực hành được bàn tới nơi vấn đề diễn đạt ấy.

 

Phần đúc kết là việc chấp thuận những công thức tổng quát nhất, cho dù một số vị đại biểu yêu cầu là họ muốn bao gồm vấn đề “sức khỏe sản sinh” được nói tới trong biên bản của cuộc họp đó,


Vấn:     Nếu chúng ta nhìn về phía trước mặt….

 

Đáp:    Nếu chúng ta nhìn về tương lai, tôi nghĩ rằng bản tuyên ngôn này sẽ có một tầm ảnh hưởng trên thế giới, có lẽ mạnh mẽ hơn ở những miền mà khoa đạo lý sinh học chưa đâm rễ sâu.

 

Trước hết là vì thành phần đại diện của các quốc gia đó đã suy nghĩ đến tầm quan trọng của cơ quan UNESCO nơi lãnh vực này.

 

Trái lại, một số vị đại biểu thuộc các quốc gia tân tiến cho thấy rằng bản tuyên ngôn này sẽ được áp dụng ơ xứ sở của họ theo luật pháp của quốc gia họ. Một nhận định quan trọng, nếu người ta quan tâm tới, như tôi đã nói đến trên đây, thì bản tuyên ngôn này, như quá rõ, tự bản chất của nó, không có hiệu lực gì về pháp lý hết.

 

Ngoài ra, một số người bày tỏ ước muốn là cơ quan UNESCO giải quyết một số vấn đề không được bao gồm trong bản tuyên ngôn này. Trong những năm tháng tới đây, chúng ta có thể thấy việc phổ biến các văn kiện của cơ quan UNESCO về các đề tài rất phức tạp, tế nhị và sôi nổi liên quan tới khoa đạo lý sinh học.

 

Chưa hết, có tiếng đồn là bắt đầu việc có thể soạn thảo về một Bản Công Ước Khoa Đạo Lý Sinh Học INESCO. Bản Công Ước Văn Hóa Đa Dạng đã được chuẩn nhận, khi kết thúc Tổng Nghị mới đây, được căn cứ vào một bản tuyên ngôn trước đó. Những bản Công Ước là những gì bó buộc phải theo về pháp lý.

 

Tất cả tiến trình của vấn đề này cần phải được thi hành một cách thận trọng và sẽ có việc hợp tác cũng như những nghiên cứu sâu xa và phổ biến hơn về các đề tài liên quan tới khoa đạo lý sinh học toàn cầu. Giáo Hội Công Giáo có nhiều điều phải nói và đang nói nhiều về lãnh vực này.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/2/2006

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ