Thánh Phaolô - Vẫn Hiện Đại

 

 

Bài Giảng Khai Mạc Năm Thánh Phaolô trong Giờ Kinh Tối 28/6/2008 tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành

 

 

 

Đức Thượng Phụ và Các Vị Đại Biểu Huynh Đệ,

Chư Vị Hồng Y,

Chư Huynh Khả Kính trong Hàng Giám Mục và Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúng ta qui tụ lại trước mộ Thánh Phaolô, vị đã được sinh ra 2 ngàn năm trước ở Tarsus xứ Cilicia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Phaolô này là ai? Trong đền thờ Gia Liêm, trước một đám đông hùng hổ muốn giết mình, ngài đã tự giới thiệu mình như thế này: ‘Tôi là một người Do Thái, sinh ở Tarsus xứ Cilicia, thế nhưng được giáo dục ở thành phố này, được hấp thụ giáo huấn của Gamaliel trong việc tuân giữ chính xác Lề Luật của cha ông chúng ta; tôi hết sức nhiệt tình với Thiên Chúa’. Ở vào cuối cuộc hành trình của mình, ngài đã nói về mình như sau: ‘Tôi đã được trở thành một người rao giảng tin mừng và tông đồ, là thày dạy Dân Ngoại về đức tin và về chân lý’.

 

Vì là Bậc Thày của Dân Ngoại, là vị tông đồ và là người rao giảng Chúa Giêsu Kitô, ngài đã tự phản tỉnh về cuộc đời của mình như thế. Tuy nhiên, ngài đã không chỉ nhìn lại quá khứ. Cụm từ ‘Vị Thày của Dân Ngoại’ là những lời lẽ hướng về tương lai mà chúng ta trân trọng nhắc lại nơi đây. Cả đối với chúng ta nữa, ngài là vị sư phụ, là vị tông đồ và là người rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu Kitô.

 

Bởi thế, chúng ta qui tụ lại nơi đây không phải để nghĩ về quá khứ,  một quá khứ trổi vượt bất khả đổi thay. Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta ngày nay nữa. Đó là lý do tại sao tôi muốn triệu tập ‘Năm Thánh Phaolô’ đặc biệt này để lắng nghe ngài và uống từ ngài là vị thày của chúng ta v nièm tin và chân lý, về những gì được bắt nguồn sâu xa cho mối hiệp nhất giữa thành phần môn đệ Chúa Kitô. Theo chiều hướng ấy, tôi muốn thắp lên – cho hai ngàn năm sinh nhật của vị tông đồ này –  một ‘Ngọn Lửa Phaolô’ đặc biệt, một ngọn lửa vẫn tỏa sáng cho cả năm nay, tại một hốc tường đặc biệt ở mái cổng đền thờ đây. Để long trọng cử hành biến cố này, tôi cũng đã mở cái gọi là Cửa Thánh Phaolô, qua đó, tôi đã tiến vào đền thờ này với sự đồng hành của đức thượng phụ Constantinople, vị hồng y tổng tư tế và các vị giáo quyền khác.

 

Đối với tôi thì niềm vui sâu xa là ở chỗ việc khai mạc năm Thánh Phaolô này mang một đặc tính đại kết đặc biệt, với sự hiện diện của nhiều vị đại biểu và đại diện của các Giáo Hội và các cộng đồng giáo hội khác, những vị tôi hết lòng hân hoan đón mừng. Trước hết tôi gửi lời chào Đức Thượng Phụ Bartholomew I cùng các phần tử thuộc phái đoàn đại biểu đi theo với ngài, cũng như một nhóm đông đảo giáo dân từ một số nơi trên thế giới về Rôma để tham dự vào giây phút nguyện cầu và suy nghĩ này với ngài và với tất cả chúng ta. Tôi gửi lời chào các vị đại biểu huynh đệ thuộc các Giáo Hội có những liên hệ đặc biệt với Tông Đồ Phaolô – Giêrusalem, Antiokia, Cyprus và Hy Lạp – những nơi làm nên môi trường về địa dư cho đời sống của vị tông đồ này trước khi ngài tới Rôma. Tôi thân ái gửi lời chào những người anh em thuộc các Giáo Hội khác nhau và các cooing đồng giáo hội khác ở cả Đông lẫn Tây, cùng với tất cả anh chị em tôi muốn tham dự vào việc long trọng khai mạc năm được giành cho Các Vị Tông Đồ Dân Ngoại.

 

Bởi thế, chúng ta qui tụ lại đây để tự hỏi mình về vị đại tông đồ Dân Ngoại này. Không phải chúng ta đặt vấn đề ‘Thánh Phaolô đã là ai nhỉ?’. Trước hết, chúng ta hỏi mình rằng ‘Thánh Phaolô đang là ai đây?’, ‘Ngài đang nói gì với tôi nhỉ?’ Vào giây phút mở màn cho năm Thánh Phaolô được chúng ta khai mạc đây, tôi muốn chọn ba đoạn chứng từ phong phú của Tân Ước là những gì cho chúng ta thấy được chân tướng nội tại đặc biệt về tính chất của ngài.

 

Trong Bức Thư gửi giáo đoàn Galata, ngài đã cống hiến cho chúng ta một bản tuyên xưng đức tin của bản thân ngài, trong đó ngài mở lòng mình ra cho độc giả ở mọi thời đại và cho thấy những gì là nguồn mạch sâu xa nhất của đời sống ngài: ‘Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình cho tôi’. Tất cả những gì Thánh Phaolô làm đều được bắt đầu từ tâm điểm ấy. Đức tin của ngài là cảm nghiệm đưoơc Chúa Giêsu Kitô yêu thương một cách hoàn toàn riêng tư; nó là nhận thức về sự kiện Chúa Kitô đã chấp nhận chết đi không phải cho một cái gì đó vô danh mà là vì yêu thương ngài, yêu thương Thánh Phaolô, và sự kiện là, khi sông lại, Chúa Kitô vẫn yêu thương ngài, đã hiến mình cho ngài. Đức tin của ngài đã được tình yêu của Chúa Giêsu Kitô chiếm đoạt, một tình yêu chi phối bản thể sâu xa nhất của ngài và biến đổi ngài. Đức tin của ngài không phải là một thứ lý thuyết, một chọn lựa Thiên Chúa hay trần gian. Đức tin của ngài là âm vang của tình yêu Thiên Chúa nơi tâm can của ngài. Bởi vậy mà chính đức tin ấy là tình yêu thương Chúa Giêsu Kitô.

 

Đối với nhiều người thì Thánh Phaolô tỏ ra như là một con người hiếu chiến, biết cách sử dụng gươm giáo ngôn từ. Thật vậy, trên con đường làm tông đồ của ngài đã không thiếu những cuộc tranh cãi. Ngài đã không tìm kiếm một thứ hòa hợp hời hợt nông cạn. Trong bức thư thứ nhất của mình gửi cho giáo đoàn Thessalonica, chính ngài đã nói rằng: ‘Chúng tôi lấy can đảm trong Chúa để tuyên bố cùng anh chị em rằng Phúc Âm của Thiên Chúa đang gặp phải chống đối mạnh mẽ…. Vì chúng tôi chưa bao giờ dùng những lời lẽ xu nịnh, như anh chị em biết, hay che đậy lòng tham lam’. Đối với ngài sự thật này quá ư là cao cả để vì muốn được thành đạt bề ngoài mà sẵn sàng chấp nhận hy sinh nó đi. Sự thật này ngài đã cảm nghiệm được nơi việc ngài gặp gỡ với Đấng Phục Sinh xứng với những gì ngài phải đối chọi, bị bách hại và chịu khổ đau. Tuy nhiên, cái tác động ngài ở tận thâm cung con người của ngài đó là ngài được Chúa Giêsu Kitô yêu thương và ngài ước muốn truyền đạt tình yêu này cho người khác. Thánh Phaolô là một con người đã có thể yêu, và tất cả mọi hoạt động cùng khổ đau của ngài đều được sáng tỏ từ trung tâm điểm này.

 

Những quan điểm tiềm ẩn việc loan báo của ngài chỉ có thể hiểu khi căn cứ vào nền tảng đó. Chúng ta chỉ cần lấy một trong những lời chính yếu của ngài đó là tự do. Cái cảm nghiệm được Chúa Kitô yêu thương cho đến cùng đã làm cho mắt ngài mở ra về sự thật và con đường của việc con người hiện hữu; cái cảm nghiệm ấy đã bao hàm hết mọi sự. Thánh Phaolô sống tự do như là một con người được Thiên Chúa yêu thương, mà bởi Thiên Chúa, ngài đã có thể yêu thương cùng với Người. Tình yêu này giờ đây là ‘luật’ cho đời sống của ngài, và chính vì thế, đã là tự do cho đời sống của ngài. Ngài nói năng và tác hành, đều được tác động bởi trách nhiệm yêu thương; ngài được tự do, và vì ngài là con người yêu thương, ngài sống hoàn toàn theo trách nhiệm của tình yêu thương này và không lấy tự do để làm bình phong cho khoái lạc và cái tôi. Ai yêu mến Chúa Kitô như Thánh Phaolô đã mến yêu Người thì có thể thực sự làm được những gì họ muốn, vì tình yêu của họ được liên kết với ý muốn của Chúa Kitô, và vì thế, được liên kết với ý muốn của Thiên Chúa, vì ý muốn  của họ được gắn chặt vào chân lý, và vì ý muốn của họ không chỉ là ý muốn của họ nữa, một thứ toàn quyền của cái tôi tự động của họ, mà được đồng nhất với tự do của Thiên Chúa, nhờ đó nó thấy được đường lối để theo.

 

Trong việc tìm kiếm chân tướng nội tại của Thánh Phaolô, sau nữa, tôi muốn nhắc lại lời Chúa Kitô Phục Sinh đã nói với ngài trên đường đi Damasco. Trước đó Chúa đã hỏi ngài rằng: ‘Saulê, Saulê, tại sao ngươi lại bắt bớ Ta?’ Ngài đã trả lời rằng: ‘Lạy Chúa, Chúa là ai?’ Và ngài đã nhận được câu trả lời rằng: ‘Ta là Giêsu, Đấng đang bị ngươi bắt bớ’. Thánh Phaolô bấy giờ đang bắt bới chính Chúa Giêsu khi bắt bớ Giáo Hội. ‘Ngươi đang bắt bới Ta’.

 

Chúa Giêsu đồng hóa mình với Giáo Hội như là một chủ thể duy nhất. Trong câu than này của Đấng phục sinh – một câu làm biến đổi cuộc đời của Saulê – chất chứa toàn thể giáo huấn về Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô. Chúa Kitô đã không về Trời, bỏ lại một nhóm môn đồ trong việc thi hành lý tưởng của Người. Giáo Hội không phải là một hiệp hội muốn cổ võ một lý tưởng nào đó. Vấn đề ở đây không phải là lý tưởng. Vấn đề về con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng Phục Sinh mà vẫn còn ‘xác thịt’. ‘Người có xương có thịt’. Đấng Phục Sinh đã khẳng định như thế trong Phúc Âm Thánh Luca, trước mặt các môn đệ bấy giờ cứ nghĩ Người là ma. Người có một thân thể. Ngài đích thân hiện diện nơi Giáo Hội. Thánh Âu Quốc Tinh nói: ‘Đầu và Thân’ làm nên một chủ thể duy nhất. Thánh Phaolô đã viết cho giáo doàn Côrintô rằng: ‘Anh chị em không biết rằng thân thể của anh chị em là những phần thể của Chúa Kitô hay sao?’ rồi ngài thêm ‘rằng người nam và người nữ trở nên một xác thịt theo Sách Khởi Nguyên hay sao?’

 

Vậy Chúa Kitô trở nên một tinh thần với những gì là của Người, một chủ thể duy nhất trong một thế giới mới của sự phục sinh. Tất cả những điều này cho thấy tỏ hiện mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm Chúa Kitô liên lỉ hiến Thân Mình của Người và làm cho chúng ta nên một Thân Thể: ‘Không phải tấm bánh chúng ta bẻ ra là mối hiệp thông với thân thể của Chúa Kitô hay sao? Vì, dù nhiều người, chúng ta cũng chỉ có một tấm bánh duy nhất và một thân thể duy nhất, khi tất cả chúng ta cùng thông phần một tấm bánh’.

 

Ngài ngỏ cùng chúng ta những lời này, ở vào lúc này đây, không phải là Thánh Phaolô nói mà là chính Chúa nói: ‘Làm sao các con lại có thể làm rách nát Thân Thể của Thày?Trước dung nhan Chúa Kitô, câu hỏi này đồng thời cũng trở thành một lời kêu gọi khẩn trương, đó là từ tất cả mọi thứ phân chia của chúng ta hãy cùng nhau qui tụ lại. Hãy làm cho điều này trở thành thực tại một lần nữa hôm nay đây: đó là thực tại chỉ có một tấm bánh duy nhất; bởi thế, chúng ta, dù nhiều, cũng chỉ là một thân thể.

 

Đối với Thánh Phaolô thì tiếng Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô không phải chỉ là một thứ suy loại. Nó vượt lên trên những gì là sánh ví nữa. ‘Tại sao người bắt bớ Ta?

 

Chúa Kitô đang liên tục thu hút chúng ta đến với Thân Thể của Người, Người xây dựng Thân Thể của Người từ trung tâm điểm Thánh Thể, một trung tâm điểm mà đối với Thánh Phaolô là tâm điểm của việc Kitô giáo hiện hữu, nhờ đó, tất cả mọi người, cũng như từng người có thể cảm nghiệm được một cách hoàn toàn riêng tư rằng: ‘Người đã yêu thương tôi và hiến mình cho tôi’.

 

Tôi muốn kết thúc bằng một lời sau này của Thánh Phaolô, một lời huấn dụ cho Timôthêu từ trong ngục tù, trước khi chết. Vị tông đồ này đã nói với người môn đệ của mình rằng: ‘Con hãy cùng thày chịu đựng các khổ đau vì Phúc Âm’. Câu này, một câu nói ở cuối con đường được vị tông đồ này trải qua, như là một chứng từ, dẫn chúng ta trở về với thuở ban đầu của việc ngài truyền giáo. Trong lúc Thánh Phaolô bị mù lòa ở trong căn phòng của mình tại Damascô sau cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh, thì Ananias được lệnh đi đến nơi đang ở của tay bách hại ghê sợ này mà đặt tay trên anh ta để anh ta được phục quang.

 

Trước lời chống đối của Ananias cho rằng tên Saulê là một tay bách hại Kitô hữu nguy hiểm thì ông đã được trả lời rằng: ‘Con người này cần phải mang danh của Ta đến cho các Dân Ngoại, cho các vua chúa và cho con cái Yến Duyên. Ta sẽ tỏ cho hắn biết tất cả những gì hắn sẽ phải chịu đựng vì danh Ta’.

 

Việc loan truyền và tiếng gọi khổ đau vì Chúa Kitô là những gì đi với nhau bất khả phân ly. Tiếng gọi là thày dạy Dân Ngoại đồng thời và tự bản chất cũng là tiếng gọi chịu khổ đau trong mối hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng cuộc khổ nạn của Người. Trong một thế giới mà dối trá là một mãnh lực thì sự thật là giá cần phải trả bằng khổ đau. Ai muốn tránh né khổ đau, tránh cho xa đau khổ, sẽ đẩy lui chính sự sống và sự cao cả của nó; họ không thể trở thành một người tôi tớ của chân lý và bởi thế không phải là một người tôi tớ của đức tin. Không có tình yêu nào mà lại không có đau khổ, không có khổ đau của việc chối bỏ bản thân mình, của việc biến đổi và thanh tẩy cái ‘tôi’ để được sống tự do chân thực.

 

Ở đâu không có gì đáng phải chịu đựng khổ đau thì chính sự sống cũng mất đi cái giá trị của mình. Thánh Thể – trung tâm điểm của con người Kitô hữu chúng ta – được bắt nguồn từ hy tế của Chúa Giêsu vì chúng ta; Thánh Thể được xuất phát từ việc chịu đựng khổ đau của một tình yêu thương đạt đến tuyệt đỉnh của mình trên thập tự giá. Chúng ta sống bởi tình yêu tự hiến mình này. Tình yêu này cống hiến cho chúng ta lòng can đảm và sức mạnh để chịu đựng với Chúa Kitô và cho Người, nhờ đó thấy được rằng chính vì thế mà sự sống của chúng ta mới trở nên cao cả, chín mùi và chân thực.

 

Theo chiều hướng của tất cả những bức thư của Thánh Phaolô chúng ta thấy ngài đã hành trình ra sao với tư cách là một bậc thày dạy của Dân Ngoại, đã thấy lời tiên tri của Ananias được nên trọn vào thời điểm ngài được kêu gọi: ‘ Ta sẽ tỏ cho hắn biết tất cả những gì hắn sẽ phải chịu vì danh Ta’. Sự đau khổ của ngài làm cho ngài trở thành khả tín với tư cách là vị thày dạy chân lý, một vai trò không tìm kiếm lợi ích riêng, vinh quang riêng hay hay thỏa mãn cá nhân, mà là dấn thân cho Đấng đã yêu thương chúng ta và hiến mình vì tất cả chúng ta.

 

Ở vào lúc chúng ta cảm tạ Chúa vì Người đã kêu gọi Thánh Phaolô, làm cho ngài trở thành ánh sáng Dân  Ngoại và là thày dạy của tất cả chúng ta đây, chúng ta hãy nguyện cầu xin ban cho cả chúng con hôm nay đây chứng từ Phục Sinh được tình yêu Chúa chạm tới, và hãy làm cho chúng con có thể chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm trong thời đại của chúng con. Hỡi Thánh Phaolô, xin cầu cho chúng tôi. Amen.

 

 

 

NỘI DUNG

 Lời Giới Thiệu..................................................5

 Với Năm Thánh Phaolô

 1- Thánh Phaolô - Vẫn Hiện Đại (bài Giảng Khai Mạc)........7

2- Thánh Phaolô: Công Giáo - Thánh Phêrô: Hiệp Nhất..18

 Cho Năm Thánh Phaolô

 1 -   Thánh Phaolô - Bối Cảnh Lịch Sử.................................27

2-    Thánh Phaolô - Tiểu Sử…………….....………...……..35

3-    Thánh Phaolô - Trở Lại..................................................46

4-    Thánh Phaolô - Tông Đồ................................................54

5-    Thánh Phaolô – Truyền Thống……….....……………62

6-    Thánh Phaolô - Hộ Giáo................................................70

7-    Thánh Phaolô - Ý Thức Chúa Kitô...............................79

8-    Thánh Phaolô - Ý Nghĩa Giáo Hội...............................88

9-    Thánh Phaolô - Khoa Kitô Học.....................................97

10-  Thánh Phaolô –Thần Học Thập Giá...........................106

11-  Thánh Phaolô - Biến Cố Phục Sinh............................115

12-  Thánh Phaolô – Đợi Chờ Tái Giáng...........................125

13-  Thánh Phaolô - Công Chính Hóa...............................135

14-  Thánh Phaolô - Đức Tin qua Đức Ái.........................144

15-  Thánh Phaolô - Tân Adong Kitô................................152

16-  Thánh Phaolô - Các Bí Tích.........................................162

17-  Thánh Phaolô - Tôn Thờ Đích Thực...........................173

18-  Thánh Phaolô - Chúa Kitô là Đầu..............................184

19-  Thánh Phaolô - Ba Mục Vụ Thư.................................195

20-  Thánh Phaolô – Qua Đời và Gia Sản..........................205

Trước Năm Thánh Phaolô 

1-  Thánh Phaolô - Tông Đồ 13…………….……………..216

2-  Thánh Phaolô - Hội Ngộ Thần Linh.............................223

3-  Thánh Phaolô – Chúa Thánh Thần..............................230

4-  Thánh Phaolô – Giáo Hội……………………………..237 

Trong Năm Thánh Phaolô 

1- Thánh Phaolô - Di Trú Nhân…………………………. 245  

2- Thánh Phaolô – Ơn Gọi Sống Tự Do………………….253  

Tổng Kết ....................................................269

 “Ánh Sáng Chư Dân”: Nhân Chứng Phục Sinh - Tông Đồ Hoàn Vũ