Thánh Phaolô - Chúa Kitô là Đầu

 14/1/2009

  

 

 

 

T

rong các bức thư được tổng hợp của Thánh Phaolô, có hai bức thư, bức thư ngỏ cùng tín hữu Côlôsê và Êphêsô có thể được coi là một cặp song sinh. Thật vậy, cả hai đều có những cách thức nói năng phát biểu chỉ có ở nơi hai bức thư này mà thôi, và tính ra có tới 2/3 Thư Côlôsê cũng ở trong Thư Êphêsô.

 

Chẳng hạn, trong khi ở Thư CôLôSê lời mời gọi nguyên văn là “hãy hết sức khôn ngoan khuyên bảo nhau hát lên những bài thánh vịnh, những bản thánh ca, và những bài hát thiêng liêng từ tấm lòng tri ân của anh chị em dâng lên Thiên Chúa” (3:16), thì ở Thư Êphêsô, cũng có một lời khuyên tương tự: “hãy ngỏ cùng nhau xướng lên những bài thánh vịnh và thánh ca cùng những bài hát thiêng liêng, hãy hát ca và vui vầy cùng Chúa trong lòng của anh chị em” (5:19).

 

Chúng ta có thể suy niệm về những lời này: tấm lòng cần phải hát, cùng với cả âm thanh nữa, những bài thánh vịnh và thánh ca, để tiến sâu vào truyền thống cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội theo Cựu Ước và Tân Ước. Nhờ đó chúng ta biết trở nên một giữa chúng ta và với Thiên Chúa. Ngoài ra, trong cả hai bức thư này còn có một thứ “bộ luật tề gia” không thấy trong các bức thư khác của Thánh Phaolô, tức là một chuỗi những huấn dụ nhắm tới thành phần vợ chồng, cha mẹ con cái, chủ tớ (cf Col 3:18-4:1 và Eph 5:22-6:9). Quan trọng hơn nữa khi thấy là chỉ ở nơi hai bức thư này mới có tước hiệu “đầu”, kefalé, mới được khẳng định giành cho Chúa Giêsu Kitô. Và tước hiệu này được sử dụng ở hai lãnh vực. Theo nghĩa thứ nhất, Chúa Kitô được hiểu như là đầu của Giáo Hội (cf. Col 2:18-19 và Eph 4:15-16). Điều này hàm ý hai điều: trước hết, Người là vị thống lãnh, vị giám đốc, vị có trách nhiệm hướng dẫn cộng đồng Kitô hữu như là thủ lãnh và là chúa của cộng đồng ấy (cf Col 1:18: “Người là đầu của thân thể Giáo Hội”). Và một nghĩa khác nữa ở chỗ, với tư cách là đầu Người nâng lên và làm sống động tất cả các phần tử của thân thể có Người là đầu. (Thật vậy, theo Côlôsê 2:19 thì cần phải “hiệp nhất với đầu là nơi toàn thể thân mình, nhờ những ràng buộc và nối kết, lãnh nhận dưỡng chất và sự liên kết”). Tức Người không chỉ là Đấng hướng dẫn, mà là Đấng liên hệ với chúng ta theo cơ cấu, nhờ Người mới có sức mạnh để tác hành một cách chính trực. Trong cả hai trường hợp, Giáo Hội đặt mình thuận phục Chúa Kitô, cả ở chỗ tuân theo sự dẫn dặt cao cả của Người – các giới huấn – và đón nhận tất cả luồng sức sống xuất phát từ Người. Những giới luật của Người không phải chỉ là những lời nói, những mệnh lệnh, mà là những quyền lực sống động xuất phát từ Người và trợ giúp chúng ta.

 

Ý nghĩ này đặc biệt được khai triển ở Thư Êphêsô, nơi mà thậm chí các thừa tác vụ của Giáo Hội, thay vì được qui cho Thánh Linh (như trong 1Cor 12) lại được phong ban căn cứ vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người là Đấng “ban cho người này làm tông đồ, người kia làm tiên tri, người nọ rao giảng phúc âm, người kia làm mục tử và thày dạy” (4:11). Và chính nhờ Người mà “toàn thân thể, được liên kết và tụ lại với nhau bằng hết mọi sự ràng buộc duy trì … làm cho thân thể tăng trưởng và lớn lên trong yêu thương” (4:16). Chúa Kitô thực sự đã hiến thân để “trao tặng cho mình một giáo hội rạng ngời không tì vết hay nhăn nheo hoặc bất cứ những gì tương tự như thế, để Giáo Hội được nên thánh hảo và không hoen ố” (5:27). Như thế, ngài nói với chúng ta rằng quyền lực Người sử dụng để xây đắp Giáo Hội, để hướng dẫn Giáo Hội, cũng như để cống hiến cho Giáo Hội hướng đi xác đáng, chính là tình yêu thương của Người.

 

Bởi thế, theo ý nghĩa thứ nhất, Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội ở chỗ dẫn dắt, nhất là ở chỗ tác động và làm sinh động về cơ cấu nhờ tình yêu thương của Người.

 

Sau đó, theo nghĩa thứ hai, Chúa Kitô được coi chẳng những như đầu của Giáo Hội, mà còn là đầu của các quyền lực trên trời và toàn thể vũ trụ nữa.

 

Bởi vậy mà trong Thư Côlôsê, chúng ta đọc thấy là Chúa Kitô, “khi tước các quyền thiên phủ và quyền năng, đã công khai bêu nhục chúng, khống chế chúng” (2:15). Tương tự như thế, ở Thư Êphêsô, chúng ta thấy rằng, bằng việc phục sinh của Người, Thiên Chúa đã đặt Chúa Kitô “vượt trên hết mọi vương quyền, thẩm quyền, năng quyền và quyền thống trị, và vượt trên mọi danh hiệu được tuyên xưng chẳng những ở đời này mà cả đời sau” (1:21).

Với những lời ấy, hai bức thư này cống hiến cho chúng ta một sứ điệp hết sức tích cực và dồi dào. Ở chỗ, Chúa Kitô không sợ bất cứ một đối thủ cuối cùng nào, vì Người ưu thế hơn bất cứ một loại quyền năng nào muốn làm cho con người trở thành đê hèn. Chỉ một mình Người “đã yêu thương chúng ta và phó mình cho chúng ta như một hy lễ dâng lên Thiên Chúa” (5:2). Đó là lý do tại sao, nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô, chúng ta không sợ hãi một kẻ thù nào và một nghịch cảnh nào; thế nhưng, điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần phải liên kết với Người một cách chặt chẽ, không rời!

 

Đối với thế giới dân ngoại, một thế giới tin tưởng vào một thế giới đầy những thần linh, những thần linh hầu hết nguy hiểm và là những thần linh con người cần phải chống chọi để bênh vực lấy mình, thì việc loan báo Chúa Kitô là Đấng chiến thắng duy nhất và ai liên kết với Chúa Kitô thì không sợ bất cứ một ai, đã hiện lên như là một thứ giải phóng thực sự. Đối với thứ dân ngoại ngày nay thì điều này cũng đúng nữa, vì thành phần hiện đại của những ý hệ ấy thấy rằng thế giới này có đầy những quyền lực nguy hiểm. Đối với những con người ấy, cần phải loan báo rằng Chúa Kitô là vị chiến thắng, đến nỗi ai ở với Chúa Kitô, ai liên kết với Người, thì không sợ bất cứ điều gì và bất cứ một ai. Tôi cảm thấy đây cũng là một điều quan trọng cho cả chúng ta nữa, thành phần cần phải biết đương đầu đối diện với tất cả mọi thứ sợ hãi, vì Người vượt trên hết mọi quyền thống trị, Người là Chúa thật của thế giới này.  

Thậm chí tất cả vũ trụ này cũng thuần phục Người, và nó qui về Người như là đầu của nó. Quá quen thuộc là những lời trong Thư Êphêsô nói về dự án của Thiên Chúa muốn “qui tụ tất cả mọi sự trong Chúa Kitô, cả ở trên trời lẫn dưới đất” (1:10). Trong Thư Côlôsê cũng thế, người ta đọc thấy “nơi Người tất cả mọi sự trên trời dưới đất được tạo thành, những vật hữu hình và vô hình” (1:16) và “nhờ máu của thập giá Người, Ngài đã vì Người và nhờ Người hóa giải tất cả mọi sự dưới đất hay trên trời” (1:20).

 

Bởi thế, một mặt, không có một thứ thế giới vật chất lớn lao nào, và mặt khác, thực tại nhỏ bé về lịch sử của trái đất chúng ta đây, một thế giới của con người đây: Hết mọi sự đều là một trong Chúa Kitô. Người là đầu của vũ trụ; vũ trụ cũng được Người tạo dựng, nó được tạo dựng cho chúng ta vì chúng ta liên kết với Người. Đó là một nhãn quan hợp lý và cá thể về vũ trụ. Và tôi xin thêm là một nhãn quan có tính cách phổ quát hơn là nhãn quan này, nó không thể nào hiểu được, và điều này qui về chỉ duy nơi Chúa Kitô Phục Sinh. Chúa Kitô là Pantokrátor, Đấng tất cả mọi sự phải qui phục: ý nghĩ hướng về Chúa Kitô Pantokrátor, Đấng đầy ở hậu cung của các nhà thờ Byzantine, đôi khi được trình bày ngự cao bên trên toàn thế giới, hay thậm chí ở bên trên cả một cầu vồng ám chỉ mối thân tình của Người chính Thiên Chúa là Đấng Người ngữ bên hữu (cf Eph 1:20; Col 3:1), và vì thế Người đóng vai trò điều khiển định mệnh của nhân loại.

 

Một thứ nhãn quan như thế chỉ có thể quan niệm được bởi duy một mình Giáo Hội, không phải theo nghĩa Giáo Hội muốn nhận lấy cho mình một cách sai lầm những gì không thuộc về mình, mà là theo một nghĩa lưỡng diện khác. Một mặt Giáo Hội nhìn nhận là Chúa Kitô cao cả hơn mình, vì vai trò chúa tể của Người vượt trên những giới hạn của Giáo Hội. Mặt kia, chỉ một mình Giáo Hội mới được phân loại như là thân mình của Chúa Kitô, chứ không phải là vũ trụ này. Tất cả những sự ấy đều có nghĩa là chúng ta cần phải tích cực xem xét những thực tại trần thế, vì Chúa Kitô qui tóm chúng lại nơi bản thân Người, đồng thời chúng ta cần phải sống căn tính Giáo Hội đặc biệt của chúng ta một cách dồi dào, một căn tính đồng nhất hơn hết với căn tính của chính Chúa Kitô. Cũng có một quan niệm đặc biệt tiêu biểu chung cho cả hai bức thư, đó là quan niệm về “mầu nhiệm”. Khi thì “mầu nhiệm ý muốn” của Thiên Chúa được nói tới, (Eph 1:9), lúc thì “mầu nhiệm Chúa Kitô” (Eph 3:4), hay thậm chí “mầu nhiệm của Thiên Chúa là Chúa Kitô, nơi Người ẩn giấu tất cả mọi kho tàng khôn ngoan và kiến thức” (Col 2:2-3).

 

Điều này liên quan tới dự án thần linh khôn thấu về định mệnh của con người, của các dân tộc và của thế giới. Bằng ngôn từ ấy, hai bức thư nói với chúng ta rằng chính ở nơi Chúa Kitô mới thấy được cái trọn vẹn của mầu nhiệm ấy. Nếu chúng ta ở với Chúa Kitô, cho dù chúng ta không thể hiểu được hết mọi sự về tri thức, chúng ta cũng biết rằng chúng ta đang ở trong nhân trung và đang tiến bước trên con đường của chân lý. Người ở trong cái toàn thể của Người, chứ không phải chỉ một khía cạnh nơi bản thân Người hay một giây phút trong cuộc sống của Người, Người là Đấng qui tụ lại nơi bản thân Người cái phong phú của dự án cứu độ thần linh khôn thấu.

 

Nơi Người hình thành cái được gọi là “sự khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa” (Eph 3:10), vì nơi Người “tất cả tầm vóc của thần tính hiện diện cách thể lý” (Col 2:9). Bởi thế, từ nay trở đi không thể nào nghĩ về và yêu thích việc chuẩn thuận của Thiên Chúa, sự sắp định tối thượng của Ngài mà không đối diện mình một cách riêng tư với bản thân Chúa Kitô, Đấng hiện thân cho  “mầu nhiệm” và khả giác hóa mầu nhiệm. Nhờ đó người ta mới tiến đến chỗ chiêm ngưỡng được “những kho tàng khôn dò của Chúa Kitô” (Eph 3:8), vượt trên tất cả mọi kiến thức của loài người.

 

Không phải là Thiên Chúa đã không lưu lại dấu vết gì của mình, vì chính Chúa Kitô là dấu chân của Thiên Chúa, là dấu vết rõ nhất của Ngài, thế nhưng, còn hơn thế nữa, người ta nhận thấy “những gì là chiều rộng và dài, chiều cao và sâu” của mầu nhiệm “vượt trên kiến thức” này (Eph 3:18-19). Những thứ loại thuần tri thức ở đây đều cho thấy vẫn còn thiếu, và nhìn nhận rằng nhiều điều vượt ra ngoài những khả năng lý lẽ của chúng ta, chúng ta cần phải tin tưởng vào việc chiêm ngưỡng khiêm tốn và hân hoan, không phải nguyên của trí khôn, mà cả tấm lòng nữa. Các vị giáo phụ của Giáo Hội, đàng khác, nói với chúng ta rằng tình yêu hiểu biết hơn là chỉ nguyên một mình lý trí.

 

Cần phải nói một lời cuối cùng về quan niệm, đã được đề cập tới trước đây, liên quan tới Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô.

 

Trong Thư Hai Côrintô, Tông Đồ Phaolô đã so sánh cộng đồng Kitô hữu với một cô dâu, khi viết rằng: “Vì tôi ghen tuông về anh chị em bằng nỗi ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã gả anh chị em cho một người chồng duy nhất trong việc dâng hiến anh chị em như là một trinh nữ thanh sạch cho Chúa Kitô” (2Cor 11:2). Bức Thư Epheso khai triển hình ảnh này, nhấn mạnh rằng Giáo Hội không phải chỉ là một đính thê mà là một hôn thê thực sự của Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói rằng Người đã chiếm được Giáo Hội cho chính bản thân Người, và Người đã làm điều này bằng giá mạng sống của Người. Như bản văn nói rằng Người “đã phó mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25).

 

Còn biểu dương tình yêu nào cao cả hơn biểu dương này chứ? Thế nhưng, ngoài ra, Người còn quan tâm đến vẻ đẹp của Giáo Hội, không phải chỉ là vẻ đẹp có được nơi phép rửa, mà còn là vẻ đẹp cần phải gia tăng mỗi ngày nhờ một đời sống vô trách cứ, “không nhăn nheo hay tì vết” nơi hành vi luân lý của Giáo Hội (cf Eph 5:26-27).

 

Từ đây tới cảm nghiệm chung về hôn nhân Kitô hữu chỉ còn là một bước ngắn ngủi; trái lại, thậm chí vẫn chưa rõ đâu là điểm qui chiếu ban đầu của tác giả – một là mối liên hệ giữa Chúa Kitô với Giáo Hội, một cứ điểm cần phải hiểu về mối liên kết giữa người nam và người nữ; hay nó lại là luận cứ của cảm nghiệm về mối hiệp nhất phối ngẫu, một cứ điểm cần phải hiểu về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

 

Cả hai khía cạnh này soi sáng lẫn nhau: Chúng ta thiên về những gì hôn phối là phản ảnh mối hiệp thông giữa Chúa Kitô và Giáo Hội; và chúng ta biết Chúa Kitô liên kết mình với chúng ta ra sao khi nghĩ về mầu nhiệm của hôn nhân. Dù sao bức thư của chúng ta đây ở lưng chừng hầu như ở trung điểm giữa Tiên Tri Hosea, vị đề cập đến mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài theo nghĩa một cuộc hôn nhân đã xẩy ra (cf. Hos 2:4,16,21); với vị tiên tri của Khải Huyền, vị sẽ loan báo việc hội ngộ cánh chung giữa Giáo Hội và Con Chiên như là một đám cưới hoan lạc bất khả hủy hoại (cf Rev 19:7-9; 21:9).

 

Còn nhiều điều cần nói, thế nhưng tôi cảm thấy rằng, từ những gì tôi đã trình bày, có thể hiểu được rằng hai bức thư này là một bài giáo lý cao cả, từ đó, chúng ta có thể học chẳng những trở thành những Kitô hữu tốt lành, mà còn biết cách trở thành những con người thực sự nữa. Nếu chúng ta bắt đầu hiểu rằng vũ trụ này là dấu chân của Chúa Kitô, thì chúng ta biết được mối liên hệ đúng đắn của chúng ta với vũ trụ, với tất cả mọi vấn đề về việc bảo trì nó. Chúng ta biết nhìn các vấn đề bằng trí khôn thế nhưng một trí khôn được tác động bởi tình yêu, cũng như bằng lòng khiêm nhượngvà tôn trọng giúp tác hành cách đứng đắn.

 

Và nếu chúng ta nghĩ rằng Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitrô, và Chúa Kitô đã ban mình cho Giáo Hội, chúng ta biết làm sao để sống với Chúa Kitô bằng tình yêu hỗ tương, một tình yêu liên kết chúng ta với Thiên Chúa và làm cho chúng ta thấy người khác như hình ảnh của Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô.

 

Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa để Người giúp chúng ta suy niệm tốt đẹp về Thánh Kinh là Lời của Người, và nhờ đó biết thực sự sống tốt lành.

 

NỘI DUNG

 Lời Giới Thiệu..................................................5

 Với Năm Thánh Phaolô

 1- Thánh Phaolô - Vẫn Hiện Đại (bài Giảng Khai Mạc)........7

2- Thánh Phaolô: Công Giáo - Thánh Phêrô: Hiệp Nhất..18

 Cho Năm Thánh Phaolô

 1 -   Thánh Phaolô - Bối Cảnh Lịch Sử.................................27

2-    Thánh Phaolô - Tiểu Sử…………….....………...……..35

3-    Thánh Phaolô - Trở Lại..................................................46

4-    Thánh Phaolô - Tông Đồ................................................54

5-    Thánh Phaolô – Truyền Thống……….....……………62

6-    Thánh Phaolô - Hộ Giáo................................................70

7-    Thánh Phaolô - Ý Thức Chúa Kitô...............................79

8-    Thánh Phaolô - Ý Nghĩa Giáo Hội...............................88

9-    Thánh Phaolô - Khoa Kitô Học.....................................97

10-  Thánh Phaolô –Thần Học Thập Giá...........................106

11-  Thánh Phaolô - Biến Cố Phục Sinh............................115

12-  Thánh Phaolô – Đợi Chờ Tái Giáng...........................125

13-  Thánh Phaolô - Công Chính Hóa...............................135

14-  Thánh Phaolô - Đức Tin qua Đức Ái.........................144

15-  Thánh Phaolô - Tân Adong Kitô................................152

16-  Thánh Phaolô - Các Bí Tích.........................................162

17-  Thánh Phaolô - Tôn Thờ Đích Thực...........................173

18-  Thánh Phaolô - Chúa Kitô là Đầu..............................184

19-  Thánh Phaolô - Ba Mục Vụ Thư.................................195

20-  Thánh Phaolô – Qua Đời và Gia Sản..........................205

Trước Năm Thánh Phaolô 

1-  Thánh Phaolô - Tông Đồ 13…………….……………..216

2-  Thánh Phaolô - Hội Ngộ Thần Linh.............................223

3-  Thánh Phaolô – Chúa Thánh Thần..............................230

4-  Thánh Phaolô – Giáo Hội……………………………..237 

Trong Năm Thánh Phaolô 

1- Thánh Phaolô - Di Trú Nhân…………………………. 245  

2- Thánh Phaolô – Ơn Gọi Sống Tự Do………………….253  

Tổng Kết ....................................................269

 “Ánh Sáng Chư Dân”: Nhân Chứng Phục Sinh - Tông Đồ Hoàn Vũ