Thánh Phaolô – Qua Đời và Gia Sản

 4/2/2009

  

 

L

oạt bài giáo lý về hình ảnh Thánh Phaolô đã đến hồi kết thúc: hôm nay chúng ta muốn nói đến phần kết của đời sống trần gian của ngài. Truyền thống Kitô giáo cổ xưa đồng nhất chứng thực rằng cái chết của Thánh Phaolô là kết quả của một cuộc tử đạo xẩy ra ở Rôma đây. Những bản văn của Tân Ước không đề cập tới sự kiện này. Sách Tông Vụ chấm dứt việc tường trình của mình khi cho thấy hoàn cảnh tù tội của Vị Tông Đồ này, nhưng ngài vẫn có thể tiếp tất cả những ai đến viếng thăm ngài (cf. Acts 28:30-31).

 

Chỉ ở trong Thứ 2 gửi cho Timôthêu chúng ta mới thấy được những điều này, những lời linh tính của ngài: “Vì tôi đang đi đến chỗ bị tuôn đổ ra như một thứ hiến rượu, và thời gian ra đi của tôi đã gần kề” (2Tim 4:6; cf. Phil 2:17). Ở đây ngài đã sử dụng hai hình ảnh, một hình ảnh hy lễ của phụng vụ, một hình ảnh ngài đã sử dụng trong Thư gửi cho Giáo Đoàn Philiphê, dẫn giải việc tử đạo như là những gì thuộc về hy tế của Chúa Kitô; và hình ảnh của một cuộc hải hành buông lơi; hai hình ảnh cùng ám chỉ một cách kín đáo về biến cố qua đời này cũng như về một cái chết đẫm máu.

 

Chứng từ hiển nhiên thứ nhất về sự kiện cuối đời của Thánh Phaolô đến với chúng ta ở vào giữa thập niên 90 trong thế kỷ thứ nhất, và vì thế, là một điều có được sau 30 năm ngài qua đời. Nó xuất phát chính xác từ bức thư được Giáo Hội Rôma, qua vị giám mục của mình là Clement I, viết cho Giáo Hội Côrintô.

 

Trong bản văn theo dạng thư tín ấy, có lời mời gọi hãy noi gương của các vị tông đồ, và ngay sau khi đề cập tới cuộc tử đạo của Thánh Phêrô, có những giòng chữ như thế này: “Bị ghen hờn và bất hòa, Thánh Phaolô buộc phải cho chúng ta thấy làm thế nào để chiếm được phần thưởng của sự kiên nhẫn. Bị giam giữ 7 lần, bị đầy ải, bị ném đá, ngài là người rao giảng tin mừng của Chúa Kitô ở Đông và Tây, và vì đức tin của mình, ngài đã chiếm được vinh quang tinh tuyền. Sau khi đã giảng dạy sự công chính trên toàn thế giới, và sau khi đã đến tận cùng Tây phương, ngài đã chấp nhận việc tử đạo trước những vị quan quyền; như thế, ngài đã ra khỏi đời này mà về nơi thánh, nhờ đó, ngài đã trở thành một mô phạm cao cả nhất về lòng kiên nhẫn” (1Clement 5,2).

 

Đức nhẫn nại được nói tới đây là việc thể hiện về mối hiệp thông của ngài với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, về lòng quảng đại và kiên trì nhờ đó ngài đã chấp nhận một đường trường khổ đau, cho tới độ có thể nói rằng: “Tôi mang trên thân mình những dấu tích của Chúa Giêsu” (Gal 6:17).

 

Chúng ta đã nghe trong bản văn của Thánh Clement rằng Thánh Phaolô đã tới “tận cùng miền Tây”. Vấn đề này được tranh luận là phải chăng câu này ám chỉ về chuyến đi Tây Ban Nha được Thánh Phaolô muốn thực hiện. Không có gì chắc chắn về điều này, mặc dù thực sự Thánh Phaolô bày tỏ trong Thư gửi Rôma ý định này của ngài muốn đến Tây Ban Nha (cf. Rm 15:24).

 

Một điều rất hay là trong bức thư của Thánh Clement có một sự tiếp nối nhau giữa hai tên gọi Phêrô và Phaolô, mặc dù những tên gọi này bị đảo lộn nơi chứng từ của Eusebius Caesarea trong thế kỷ thứ 4. Khi nói về Hoàng Đế Nero, ông viết: “Trong triều đại của hoàng đế này Phaolô bị chém đầu thực sự ở Rôma và Phêrô bị đóng đinh ở đó. Việc tường trình này được khẳng định bởi những tên gọi Phêrô và Phaolô, những tên gọi mà thậm chí cho tới ngày nay vẫn còn được bảo trì ở những ngôi mộ của các vị trong thành phố này” (Hist. Eccl. 2,25,5).

 

Sau đó Eusebius vẫn tiếp tục thuật lại lời công bố trước đó của một vị trưởng lão Rôma tên là Gaius, đề ngày từ đầu thế kỷ thứ hai: “Tôi có thể cho các vị thấy những chiến lợi phẩm của các vị tông đồ này: Nếu các vị đến Vatican hay Hang Toại Đạo Via Ostiense, các vị sẽ thấy ở đó những chiến lợi phẩm của các vị thành lập Giáo Hội này” (ibid 2,25,6-7).

 

“Những chiến lợi phẩm” là những mộ đài, và những mộ đài này cũng là các ngôi mộ của Thánh Phêrô và Phaolô đây chính là những ngôi mộ chúng ta đang tôn kính cho tới nay, sau hai ngàn năm ở cùng một vị trí: với Thánh Phêrô ở Vatican đây, và với Vị Tông Đồ Dân Ngoại ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành nơi Hang Toại Đạo Via Ostiense. 

 

Thật là ý nghĩa khi cho thấy rằng hai vị đại tông đồ này được đề cập đến chung với nhau. Mặc dù không có một nguồn liệu cổ xưa nào nói về một thứ thừa tác vụ vào bấy giờ của các vị ở Rôma, thì việc nhận thức liên tục của Kitô hữu, căn cứ vào việc các vị được mai táng chung ở thủ đô của đế quốc này, cũng cho các vị là những người thành lập Giáo Hội ở Rôma. Thật vậy, theo Thánh Irenaeus ở Lyon vào cuối thế kỷ thứ hai, về vấn đề kế thừa tông đồ ở các Giáo Hội khác biệt, có nói thế này: “Việc liệt kê những cuộc kế vị của tất cả mọi Giáo Hội sẽ là những gì dài giòng, chúng ta thực sự lãnh nhận Giáo Hội rất cao cả, rất cổ kính và danh tiếng, một Giáo Hội được đặt nền tảng và thành lập ở Rôma bởi hai vị tông đồ vinh hiển nhất là Thánh Phêrô và Phaolô” (Adv, Haer. 3,3,2).

 

Chúng ta không đề cập tới hình ảnh về Thánh Phêrô mà chỉ tập trung đến hình ảnh về Thánh Phaolô thôi. Cuộc tử đạo của ngài đã được kiểm lại lần đầu tiên trong cuốn Tông Vụ Phaolô được viết vào cuối thế kỷ thứ 2. Cuốn này thuật lại rằng Nero đã lên án tử cho ngài bằng việc chém đầu, được thi hành ngay tức khắc (cf 9:5). Ngày chết thì khác nhau theo các nguồn liệu xa xưa, những nguồn liệu cho rằng ngày này xẩy ra giữa cuộc bách hại ào ạt bởi chính Nero sau khi đốt thành Rôma vào Tháng 7 năm 64 với năm cuối cùng của triều đại ông, vào năm 68 (cf. Jerome,  De Viris Ill.5,8).

 

Việc tính toán này lệ thuộc nhiều vào ngày tháng Thánh Phaolô đến Rôma, một vấn đề liên quan tới một cuộc bàn luận chúng ta không thể đặt ra ở đây. Các truyền thống liên tục đồng ý hai yếu tố khác. Yếu tố thứ nhất, yếu tố hết sức thần thoại, đó là cuộc tử đạo xẩy ra tại Acquae Salviae, ở Hang Toại Đạo Via Laurentina, nơi có một cái đầu nổi thành 3 cấp, ở mỗi cấp vọt ra một giòng nước, bởi thế cho đến ngày nay chỗ ấy vẫn được gọi là “tre Fontane” (Tông Vụ Thánh Phêrô và Phaolô của Pseudo Marcellus thuộc thế kỷ thứ năm).

 

Yếu tố thứ hai, hợp với chứng từ cổ kính đã được đề cập tới, chứng từ của vị trưởng lão Gaius, đó là việc mai táng xẩy ra “chẳng những ở ngoài thành, nơi dặm thứ hai của Hang Toại Đạo Via Ostiense”, mà còn thực sự “ở cánh đồng của Lunina”, một mệnh phụ Kitô hữu (Passion of Paul of Pseudo Abdias, of the sixth century).

 

Ở nơi đó, vào thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantine đã cất một ngôi nhà thờ đầu tiên, sau đó ngôi nhà thờ này được trở nên nguy nga vĩ đại vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5 bởi các hoàng đế Valentinianus II, Theodosius và Arcadius. Sau cuộc hỏa hoạn năm 1800, Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành hiện nay mới được xây cất lên ở đó.

 

Dù sao thì hình ảnh của Thánh Phaolô đã được phóng đại vượt ra khỏi cuộc đời trần thế và cái chết của ngài; ngài thực sự đã để lại một gia sản thiêng liêng phi thường. Cả ngài nữa, là một người môn đệ thực sự của Chúa Giêsu, đã trở thành một dấu hiệu phản khắc. Trong khi ngài bị coi như một tên bội giáo đối với Luật Moisen từ những gì được gọi là trào lưu Do Thái Kitô Giáo, thì ngay trong cuốn Tông Vụ đã thấy một sự tôn kính cả thể giành cho Vị Tông Đồ Phaolô này.

 

Giờ đây tôi muốn bỏ ra ngoài thứ ngụy văn, như cuốn Tông Vụ Phaolô và Thecla và một ngụy hợp các thư tín giữa Tông Đồ Phaolô và triết gia Seneca. Cần phải xác nhận là các Thư của Thánh Phaolô đã rất sớm được sử dụng trong phụng vụ, một phần phụng vụ có cấu trúc tiên tri – tông đồ – Phúc Âm làm nên phụng vụ Lời Chúa. Bởi vậy, nhờ “sự hiện diện” này trong phụng vụ của Giáo Hội, tư tưởng của Vị Tông Đồ ấy liền trở nên dưỡng chất thiêng liêng cho tín hữu ở hết mọi thời đại.

 

Hiển nhiên là các vị giáo phụ của Giáo Hội và sau đó là tất cả các thần học gia đều đã học hỏi từ các Thư của Thánh Phaolô và linh đạo của ngài. Trong những thế kỷ ấy, cho tới ngày nay, ngài vẫn là một bậc thày thực sự và là vị tông đồ cho Dân Ngoại. Bản dẫn giải giáo phụ đầu tiên chúng ta còn có được hiện nay liên quan tới một bản văn của Tân Ước là của đại thần học gia Origen ở Alexandria, vị đã dẫn giải về Thư Thánh Phaolô gửi Rôma.

 

Bản dẫn giải này, rất tiếc, chỉ còn giữ được một phần. Thánh John Chrysostom, ngoài việc dẫn giải các bức thư của ngài, đã viết bảy bài tán tụng đáng nhớ về ngài. Thánh Âu Quốc Tinh mắc nợ ngài về tác động dứt khoát hoán cải của mình và hướng về Thánh Phaolô trong suốt cuộc đời của thánh nhân. Từ cuộc trao đổi thường xuyên này với Vị Tông Đồ ấy mới xuất phát ra khoa đại thần học Công Giáo của thánh nhân, cho cả các anh chị em Tin Lành thuộc mọi thời đại nữa. Thánh Tôma Aquinas đã để lại cho chúng ta một bài dẫn giải tuyệt vời về các bức thư của Thánh Phaolô, một bài dẫn giải tiêu biểu cho hoa trái chín mùi nhất của vấn đề diễn giải thánh kinh thời trung cổ.

 

Có một điểm cong thực sự đã xẩy ra vào thế kỷ thứ 16 nơi cuộc Cải Cách Thệ Phản. Thời điểm quan trọng này trong đời sống của Luther được gọi là Turmerlebnis (1517), thời điểm mà trong một khoảnh khắc ông ta như chộp được một thích nghĩa mới về tín lý công chính hóa của Thánh Phaolô. Một thích nghĩa đã giải thoát ông khỏi những trăn trở và lo âu trong cuộc đời trước đó của ông và cống hiến cho ông một niềm tin tưởng mới mẻ sâu xa vào sự thiện hảo của Thiên Chúa, Đấng tha thứ hết mọi sự không đòi hỏi một điều kiện nào. Từ bấy giờ, Luther đã đồng nghĩa chủ trương pháp chế của Do Thái Kitô Giáo bị Vị Tông Đồ này lên án với cách sống của Giáo Hội Công Giáo. Và đối với ông Giáo Hội trở thành như một biểu hiện của tình trạng nô lệ cho lề luật là những gì bị ông chống lại với sự tự do của Phúc Âm. Công Đồng Chung Triđentinô, giữa năm 1545 và 1563, đã giải thích sâu xa vấn đề công chính hóa và đã theo chiều hướng của tất cả truyền thống Công Giáo giải quyết việc tổng hợp giữa lề luật và Phúc Âm, hợp với sứ điệp của Thánh Kinh được hiểu một cách trọn vẹn và liên kết với nhau.

 

Thế kỷ 19, một thế kỷ qui tụ cái đệ nhất gia sản của chủ nghĩa Minh Tri, đã chứng kiến thấy một cải tiến mới mẻ về chủ thuyết Phaolô, trước hết nơi lãnh vực của hoạt động khoa học được phát triển để giải thích Thánh Kinh theo sự thẩm định về lịch sử. Ở đây chúng ta cũng dẹp qua một bên sự kiện là cũng trong thế kỷ ấy, như trong thế kỷ 20, đã xuất hiện một thứ thực sự và đúng là phỉ báng Thánh Phaolô. Trước hết tôi nghĩ đến Nietzche, nhân vật đã đùa nhạo khoa thần học khiêm tốn của Thánh Phaolô, bằng khoa thần học về một con người mạnh mẽ và quyền lực của mình. Thế nhưng, chúng ta hãy bỏ điều ấy sang một bên và hãy nhìn vào trào lưu chính yếu của việc giải thích mới theo khoa học về thánh kinh và chủ thuyết Phaolô mới của thế kỷ đó.

 

Ở đây tư tưởng của Thánh Phaolô về quan niệm tự do được nhấn mạnh trên hết mọi sự như là những gì chính yếu: Cốt lõi tư tưởng của Thánh Phaolô được thấy nơi quan niệm này, như Luther đã trực giác thấy. Tuy nhiên, quan niệm về tự do này đã được giải thích lại theo chiều hướng của chủ nghĩa tự do tân thời. Sau đó, vấn đề rất được nhấn mạnh đến là cái khác biệt giữa lời rao giảng của Thánh Phaolô và lời rao giảng của Chúa Giêsu. Thế rồi Thánh Phaolô xuất hiện hầu như là một sáng lập viên mới của Kitô Giáo. Chắc chắn một điều là nơi Thánh Phaolô, cái tâm điểm của Vương Quốc Thiên Chúa, yếu tố định đoạt cho việc Chúa Giêsu rao giảng, được biến thành tâm điểm của một khoa Kitô học có nền tảng là mầu nhiệm Vượt Qua. Và từ mầu nhiệm Vượt Qua xuất phát các bí tích rửa tội và Thánh Thể như là sự hiện diện thường hằng của mầu nhiệm này, nhờ thế Thân Mình của Chúa Kitô được tăng trưởng và Giáo Hội được dựng xây. 

 

Thế nhưng, không đề cập tới những chi tiết, tôi muốn nói rằng chính ở nơi cái tâm điểm mới của khoa kitô học này cũng như ở nơi mầu nhiệm Vượt Qua mà Vương Quốc của Thiên Chúa trị đến, việc rao giảng của Chúa Giêsu trở thành cụ thể, hiện hữu, tác động. Chúng ta đã thấy nơi bài giáo lý trước đó là cái mới mẻ này của Thánh Phaolô thực sự là lòng trung thành sâu xa nhất với việc rao giảng của Chúa Giêsu. Trong sự tiến triển về vấn đề dẫn giải thánh kinh, nhất là trong 200 năm qua, người ta cũng thấy được mức độ gia tăng nơi những điểm đồng qui giữa việc dẫn giải thánh kinh của Công Giáo với của Tin Lành, nhờ đó mang lại một sự đồng thuận đáng kể chính ở ngay vấn đề từ đầu đã là những gì bất đồng nhất theo lịch sử.

 

Tóm lại, cuối cùng tôi cũng muốn nói tới những phong trào tôn giáo khác nhau, xuất phát từ thời đại tân tiến giữa lòng Giáo Hội Công Giáo, những phong trào trở về với Thánh Phaolô. Đó là những gì xuất hiện vào thế kỷ 16 như Clerics Regular of St. Paul, được gọi là Barnabites; ở thế kỷ 19 như Hội Truyền Giáo Thánh Phaolô Tông Đồ, hay được gọi là Các Cha Dòng Thánh Phaolô; và ở thế kỷ 20 như Gia Đình Thánh Phaolô đa dạng, được Chân Phước James Alberione thành lập; đấy là chưa nói tới tu hội đời là Company of St Paul.

 

Trước mắt chúng ta vẫn thực sự ngời sáng hình ảnh của một vị tông đồ hết sức hiệu năng và sâu xa và một tư tưởng gia Kitô giáo, vị nhờ gần gũi với mà hết mọi người trong chúng ta đều cảm thấy được ích lợi. Ở một trong những bài khen ngợi của mình, Thánh John Chrysostom đã thực hiện một sánh ví sáng tạo giữa Thánh Phaolô và Noe, cho rằng Thánh Phaolô “không sắp xếp những chất liệu để làm nên một con tầu, trái lại, thay vì liên kết các tấm ván lại với nhau, thì ngài đã viết những bức thư, nhờ đó làm một cái hầm trú khỏi những giòng nước không phải cho 2 hay 3 hoặc 5 phần tử thuộc gia đình nhân loại của mình mà là cho toàn thế giới cư trú đang sắp bị nguy vong” (Paneg, 1,5).

 

Cũng vẫn chỉ có Vị Tông Đồ Phaolô mới luôn có thể làm điều này. Bởi vậy, việc hướng về ngài theo gương mẫu tông đồ của ngài cũng như theo giáo huấn của ngài, sẽ là một phấn khích, nếu không muốn nói là một bảo đảm, trong việc củng cố căn tính Kitô giáo của mỗi một người trong chúng ta cũng như cho việc canh tân toàn thể Giáo Hội.

 

NỘI DUNG

 Lời Giới Thiệu..................................................5

 Với Năm Thánh Phaolô

 1- Thánh Phaolô - Vẫn Hiện Đại (bài Giảng Khai Mạc)........7

2- Thánh Phaolô: Công Giáo - Thánh Phêrô: Hiệp Nhất..18

 Cho Năm Thánh Phaolô

 1 -   Thánh Phaolô - Bối Cảnh Lịch Sử.................................27

2-    Thánh Phaolô - Tiểu Sử…………….....………...……..35

3-    Thánh Phaolô - Trở Lại..................................................46

4-    Thánh Phaolô - Tông Đồ................................................54

5-    Thánh Phaolô – Truyền Thống……….....……………62

6-    Thánh Phaolô - Hộ Giáo................................................70

7-    Thánh Phaolô - Ý Thức Chúa Kitô...............................79

8-    Thánh Phaolô - Ý Nghĩa Giáo Hội...............................88

9-    Thánh Phaolô - Khoa Kitô Học.....................................97

10-  Thánh Phaolô –Thần Học Thập Giá...........................106

11-  Thánh Phaolô - Biến Cố Phục Sinh............................115

12-  Thánh Phaolô – Đợi Chờ Tái Giáng...........................125

13-  Thánh Phaolô - Công Chính Hóa...............................135

14-  Thánh Phaolô - Đức Tin qua Đức Ái.........................144

15-  Thánh Phaolô - Tân Adong Kitô................................152

16-  Thánh Phaolô - Các Bí Tích.........................................162

17-  Thánh Phaolô - Tôn Thờ Đích Thực...........................173

18-  Thánh Phaolô - Chúa Kitô là Đầu..............................184

19-  Thánh Phaolô - Ba Mục Vụ Thư.................................195

20-  Thánh Phaolô – Qua Đời và Gia Sản..........................205

Trước Năm Thánh Phaolô 

1-  Thánh Phaolô - Tông Đồ 13…………….……………..216

2-  Thánh Phaolô - Hội Ngộ Thần Linh.............................223

3-  Thánh Phaolô – Chúa Thánh Thần..............................230

4-  Thánh Phaolô – Giáo Hội……………………………..237 

Trong Năm Thánh Phaolô 

1- Thánh Phaolô - Di Trú Nhân…………………………. 245  

2- Thánh Phaolô – Ơn Gọi Sống Tự Do………………….253  

Tổng Kết ....................................................269

 “Ánh Sáng Chư Dân”: Nhân Chứng Phục Sinh - Tông Đồ Hoàn Vũ