HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017

của Phái Đoàn Đại Diện Hội Thân Hữu Đồng Công Hoa Kỳ

 

Biên soạn: Đaminh Maria Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Phần II

 

 

 VỀ NGUỒN ĐỒNG CÔNG

 

 

 

8- Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình 

 

 

Các Thế Hệ Môn Sinh của Đấng Sáng Lập

Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình

 

Các Thế Hệ Môn Sinh của Đấng Sáng Lập

 

Phái đoàn THĐC HK, trong chuyến hành trình viếng thăm các chốt điểm truyền giáo của dòng từ nam ra bắc, đã Về Nguồn Đồng Công, trước hết ở Nhà Mẹ Thủ Đức (miền nam) hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy 6-7/10/2017, nơi đã trở thành Thủ Đô Đồng Công, bao gồm cả khu cư trú và sinh hoạt tu trì của dòng (Nhà Mẹ, Đệ Tử Viện, Nhà 30 Gian...), lẫn khu tự lực mưu sinh (Ao Cá, Nhà In Sao Mai cùng với Tòa Soạn Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ, Trại Gà Thiện Chí v.v.), và cả khu phục vụ bác ái (Trường Trung Tiểu Học Đồng Công và Nhà Hưu Dưỡng Quí Cha Già), sau đó ở Nhà Đá (miền trung) chiều ngày Thứ Hai mùng 9/10, một Khu Nhà Mẹ vừa là trường đào tạo linh mục dòng, vừa là lò luyện đức tin cho anh em dòng (giới đàn anh thuộc Học Viện Linh Mục) nói chung và Đội IX nói riêng (giới đàn em trẻ trung), lại vừa là một giáo điểm truyền giáo cho lương dân ở địa phương khốn khổ này, một chốt điểm truyền giáo rùng rợn và gian khổ nhất của dòng.

Thế rồi, sau hai khu vực Nhà Mẹ này, hai nơi đã có sẵn trong hành trình được phác họa ngay từ đầu ấy, ngọn gió Thần Linh "muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8), qua cơn lũ lụt ở Ninh Bình ngay vào thời điểm phái đoàn dự tính ghé vào Đan Viện Xitô Nho Quan Ninh Bình, nơi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đang hưu trí để cùng ngài hiến dâng Nước Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào sáng 13/10/2017, đã đẩy phái đoàn Về Nguồn Đồng Công ở bắc Việt, những gốc điểm lịch sử của dòng, những gốc điểm lịch sử chẳng những liên quan đến chính bản thân của vị sáng lập dòng, đó là Đồng Quan ở Giáo Phận Thái Bình, mà còn liên quan đến cả hội dòng ngay từ ban đầu nữa, bao gồm cả Liên Thủy lẫn Trung Lễ ở Giáo Phận Bùi Chu.

Tuy nhiên, cái bất ngờ này đã được Đấng Quan Phòng Thần Linh kín đáo định liệu mà chúng phái đoàn THĐC HK và riêng em không hề hay biết cho đến sau khi đã xẩy ra "sự cố". Đúng thế, vào chiều ngày Thứ Sáu mùng 6/10/2017, khi em ghé vào một số phòng riêng thăm một số anh (Anh Xuân, Anh Đại, Anh Kiên) có liên hệ với Đội IXA nhân dịp mừng kỷ niệm kim khánh 50 năm khấn dòng, em đã trao tặng mỗi anh tác phẩm "Fatima - Thánh Mẫu Thương Xót" của em, trong đó có lời tựa của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, và do Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ của Chi Dòng Hoa Kỳ xuất bản và phát hành vào đúng Ngày Thánh Mẫu 8/2017, Năm Thánh Mẫu Fatima Bách Niên.

Không ngờ, Anh Nguyễn Đức Kiên, 1 trong 7 vị tổ phụ của dòng duy nhất còn sống, để đáp trả chút quà văn phẩm của em, đã tặng cho em tập sách còn dư sót lại cuối cùng của anh đang để trên kệ sách trước mặt anh, đó là tập "Người Khai Sáng - Lý Tưởng Đồng Công", một tập sách, tổng hợp các bài viết về Anh Cả trong "Năm Anh Cả" từ ngày 2/2/1992 đến 22/5/1993, tức đến đúng thời điểm trùng hợp lạ lùng khi Anh Cả bất ngờ từ ngục tù cộng sản trở về với anh em dòng vào ngày 18/3/1993, trước khi kết thúc Năm Anh Cả hơn 1 tháng.

Đối với em, tập "Người Khai Sáng - Lý Tưởng Đồng Công" này chính là món quà đặc biệt do chính Anh Cả từ trời, qua bàn tay quan phòng của Anh Kiên, muốn trao tặng cho em để làm quà tặng em, vào đúng ngày sinh nhật thứ 69 của em, và em đã chia sẻ món quà quí báu này với chung phái đoàn THĐC HK ở trên xe, một món quà như dấu chỉ thời đại về một khúc quanh Về Nguồn Đồng Công bất ngờ của phái đoàn khi họ ra tới miền bắc, khi cuộc hành trình sắp đến những gốc điểm lịch sử của dòng, bằng cách đọc cho quí anh nghe những chi tiết liên quan đến những địa danh của dòng ấy, khiến các anh nói chung, Anh linh mục Trần Khả nói riêng, cảm thấy rất hứng thú và cẩn thận ghi nhớ.

Như thế, theo em, từ khi được Ơn Sáng Lập Dòng, năm 1941 vào ngày 4/4, cho đến khi Anh qua đời ngày 21/6/2007, tức trong vòng 66 năm, Anh Cả đã có 3 đợt môn đệ, hay nói đúng hơn đã có 3 thế hệ môn sinh theo đuổi Lý Tưởng Thánh của Anh và với Anh, mà mốc điểm là hai cuộc di cư lịch sử của đất nước: năm 1954 và năm 1975.

Thế hệ môn sinh Đồng Công thứ nhất theo Anh Cả khi Anh còn sống phải kể đến quí anh em bắt đầu theo Anh ở ngoài Bắc, ngay từ ban đầu, sau khi Anh được ơn soi động lập dòng vào ngày 4/4/1941, rồi trong thời gian anh đặc trách truyền giáo của Giáo Phận Bùi Chu 1942-1943, sang thời gian làm Chánh Xứ Dương A (từ 16/7/1943) qua Chánh Xứ Liên Thủy (từ 11/7/1947) đến Trung Lễ là nơi có trụ sở chính thức đầu tiên của Dòng (4/8/1952), và ngày thành lập Dòng 2/2/1953 và cuối cùng là biến cố di cư vào Nam được Anh quyết định vào ngày 1/8/1954, nghĩa là trong thời khoảng 13 năm (4/41941 - 1/8/1954), trong đó có lớp khấn 1 là lớp khấn đầu tiên và duy nhất của dòng ở Bắc Việt vào ngày 25/3/1954 với 31 anh em.

 

Trong số các môn sinh thuộc thế hệ thứ nhất này cần phải kể đến 7 vị vốn được gọi là tổ phụ vì là những người anh em theo Anh Cả đầu tiên, đó là Anh Philippe Đinh Viết Quyết, Anh Tôma Trịnh Văn Chí,  Anh Anrê Lê An Lạc, Anh Đaminh Vũ Vĩnh Quí (đã xuất trước 1975 và qua đời vào tháng 4/2010 ở California), Anh Giuse Trần Minh Khoát, Anh Giacôbê Trần Đức Quốc Thanh, Anh Barnaba Nguyễn Đức Kiên (người còn sống duy nhất hiện ở tại Nhà Mẹ Thủ Đức). Người đầu tiên theo Anh Cả là Anh Đinh Viết Quyết ngay khi Anh Cả bỏ Đại Chủng Viện Quần Phương năm 1942.

Thế hệ môn sinh Đồng Công thứ hai theo Anh Cả khi Anh còn sống phải kể đến quí anh em bắt đầu theo Anh ở trong Nam, nhất là từ khi dòng về Thủ Đức vào cuối năm 1955 cho tới cuộc chính biến 30/4/1975. Trong thời gian giữa hai cuộc di cư và di tản này, 1954 - 1975, hay đúng hơn trong thời khoảng 21 năm (1954-1975), thế hệ môn sinh Đồng Công thứ hai bao gồm 10 lớp khấn nữa, từ lớp khấn 2 đến hết lớp khấn 11, (tất nhiên hai lớp khấn 2 và 3 đã được thai nghén ngay từ ngoài Bắc, nhất là lớp khấn 2 đã vào nhà thử từ ngày 2/4/1954 và dự tính vào nhà tập vào Tháng 9 cùng năm nhưng bất thành, cho mãi tới Cù Lao Giêng 1955 mới được).

 

Trong tất cả các lớp khấn, từ lớp khấn 2 đến 8 đều ở Nhà Mẹ Thủ Đức TGP Sài Gòn (1956-1966): lớp 2 ngày 25/3/1956, lớp 3 ngày 15/9/1957, lới 4 ngày 21/11/1958, lớp 5 ngày 8-12-1960, lớp 6 ngày 25/3/1962, lớp 7 ngày 21/11/1963, lớp 8 ngày 8/9/1965 (tại Lái Thiêu), và hai lớp khấn cuối cùng đều ở Tu Viện Thiên Mẫu Di Linh Lâm Đồng GP Đà Lạt (1970-1975) là lớp khấn 10 (8/12/1972) và lớp khấn 11 (8/12/1974), chỉ có lớp khấn 9 ở Nhà Mẹ Nhà Đá Bình Định thuộc GP Qui Nhơn (1966-1970), một lớp khấn bao gồm 3 đợt chính A-B-C, nhưng cùng mừng kin khánh 50 năm cùng năm 2017, căn cứ vào thời điểm khấn lần đầu của đợt 9A ngày 24/9/1967 ở Qui Đức Qui Nhơn.

Thế hệ môn sinh Đồng Công thứ ba theo Anh Cả khi Anh còn sống phải kể đến quí anh em bắt đầu theo Anh ở sau biến cố 30/4/1975, không phải chỉ bao gồm đa số anh em ở trong Miền Nam mà còn cả ở Miền Trung (trong đó có cả anh em dân tộc), cho tới khi anh qua đời 21/6/2007, tức trong thời khoảng 32 năm, bao gồm từ lớp khấn 12 trở đi.

Nếu lớp khấn 1 lận đận với chiến cuộc xẩy ra vào những  năm tháng trước di cư 1954, và lớp khấn 9 với địa điểm tu trì nguy tử ở Nhà Đá Qui Nhơn, thì lớp khấn 12 trải qua gian nan lận đận trong thời gian gần như tan dòng năm 1987, sau khi Anh Cả bị bắt và bị án chung thân rồi án 20 năm v.v. Lớp khấn đầu tiên sau 1975 này, về thời gian và hình thành, hơn cả lớp Khấn 9 (chỉ có 3 đợt chính là A-B-C không kể vài cái đuôi lặt vặt không đáng kể), kéo dài thành 8 đợt, dường như kéo dài từ năm 1980 tới năm 2003, một lớp khấn nhờ được đào luyện trong thời gian "tu chui" hầu như không còn dòng, hay thời gian dòng rơi vào tình trạng "giáo hội hầm trú", để có thể trở thành các vị thừa sai sau này, đang có các vị linh mục phục vụ hầu như ở tất cả các địa điểm truyền giáo của dòng từ nam ra bắc: GP Long Xuyên, GP Kontum, GP Đà Nẵng, GP Thái Bình, GP Hưng Hóa và GP Bắc Ninh.

Nếu thành phần môn sinh của Anh Cả được chia làm 3 thế hệ như thế thì trong chuyến hành trình của THĐC HK 2017 này, có thể nói, bao gồm đầy đủ tất cả 3 thế hệ: Thế hệ thứ nhất có 2 anh đại diện là Anh Nguyễn Đức Kiên, người tặng tập "Người Khai Sáng - Lý Tưởng Thánh Đồng Công" cho em, và Anh Ngô Châu Minh, tác giả bài viết liên quan đến các gốc điểm lịch sử của dòng; thế hệ thứ hai bao gồm tất cả 8 anh em đại diện THĐC HK, trong đó chỉ có hai lớp khấn IX và XI, và thế hệ thứ ba gồm có 2 anh linh mục hướng dẫn chuyến đi, đều thuộc Đội XII, đó là tour host Thiên Khải (XII-6) và tour guide Nhất Tiến (XII-3).

 

Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình

 

Trước hết về gốc điểm lịch sử Đồng Quan liên quan đến chính bản thân của Anh Cả, thì Anh Ngô Châu Minh, một người anh Đội II, có biệt tài viết lách và hội họa, đã từng vẽ logo cho Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ như em xin anh lúc em còn làm quản lý cho nguyệt san này (1980-1982), bao gồm cả logo cho Ngày Thánh Mẫu của Chi Dòng, trong bài viết đầu tiên "Sơ Lược Cuộc Đời và Sự Nghiệp Anh Quorum Primus", anh đã viết về sinh quán Đồng Quan của Anh Cả cũng như về thân thế của Anh Cả liên quan đến sinh quán của Anh Cả như sau:

"Đồng Quan là một làng nhỏ thuộc Tổng Xuân Vũ, Phủ Kiến Xương, Tỉnh Thái Bình, và cách tỉnh lỵ Thái Bình khoảng 7 cây số. Dân số chừng năm hay sáu trăm nhân danh và toàn tòng Công Giáo, phần đông nghèo túng. Nhưng gia đình hai cố Trần-Phạm vào hạng trung lưu, nên cố Trần Đình Trí đã có công trong cuộc thành lập giáo xứ Đồng Quan năm 1911 và nhiều khóa làm trùm chánh phục vụ giáo xứ này".

Phái đoàn THĐC HK đã đến Đồng Quan vào sáng Thứ Sáu 13/10, sau đêm trọ ở Nhà Chung Thái Bình và trước khi lên đường đến giáo điểm Đồng Công Hưng Hóa chiều hôm đó. Ở đây, trước hết anh em tham quan cả bên ngoài lẫn bên trong ngôi Nhà Thờ Đồng Quan, sau đó hỏi thăm anh chị em con cháu của Cha Thủ còn sinh sống tại đây, và trong khi anh em vẫn tiếp tục gặp gỡ trao đổi này, hai người đại diện phái đoàn lo về truyền thông là Anh Minh Ngọc và em được 2 chiếc xe gắn máy chở đi thăm lăng mộ của tổ tiên cha ông Anh Cả, cũng như đến tận dấu vết ngôi nhà mà gia đình của Anh đã sinh sống ngày xưa.

"Anh cất tiếng khóc chào đời trong đêm 29/11/1906, trùng ngày 14 tháng 10 năm Bính Ngọ, trong tổ ấm đạo hạnh của ông cố Trần Đình Trí (1866-1945) và bá cố Phạm Thị Thận (1876-1956). Bà cố Thận là con gái cả của Cụ Phạm Văn Đô được phúc tử đạo đời Văn Thân. Ông ngoại của ông cố Trí cũng chịu tử đạo đời Tự Đức. Anh là người con thứ 6 trong số 11 người con: 6 trai, 5 gái của gia đình hai cố Trần-Phạm và được đặt tên là Trần Đình Phán, được chịu Thánh Tẩy đúng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8-12) năm đó, với Thánh hiệu Đaminh tại nhà thờ giáo xứ Đồng Quan".

(năm sinh của ông bà cố trong hình, không biết có phải vì giấy tờ chăng, hơi khác với những gì được trích dẫn)

(anh chị em thân nhân ruột thịt của Cha Thủ)

 

Phong cảnh ở bên ngoài nhà thờ Đồng Quan

(Đài Đức Mẹ Lavang ở bên phải nhà thờ từ ngoài cổng tiến vào nhà thờ)

(Hồ nước gần phía bên Đài Mẹ Lavang chạy dọc suốt bên cánh phải của nhà thờ)

Tại khu nhà xứ của Nhà Thờ Đồng Quan, cách ngôi nhà của gia đình Đấng sáng lập Dòng Đồng Công khoảng chưa đầy 1/4 cây số, còn vang bóng một thời tu trì của Cậu Ấm Phán của gia đình ông bà cố tương lai Trần-Phạm. Theo sử liệu trong tập "Người Khai Sáng - Lý Tưởng Thánh Đồng Công" ở ngay bài đầu tiên của Anh Ngô Châu Minh, CRM, thì đời tu lận đận của Cha Thủ đã diễn tiến như thế này:

"Khi bé Phán lên 8 tuổi, cố Trí bàn với Ông Cửu Nhuận là cậu ruột bé Phán để liệu cho bé đi tu với cha già Toàn, chánh xứ Đông Thành, phủ Tiền Hải, gần bờ biển, cách xa Đồng Quan đến một ngày đường đi bộ. Ngày 13/5/1914, bé Phán được cậu đẫn đi Đông Thành nơi mà ông Cửu Nhuận vẫn đi lại buôn hải sản. Có lẽ cha già Toàn đã quen biết ông Cửu Nhuận, nên bé Phán được nhận ngay vào nhà xứ của ngài. Nhưng vì quá nhớ nhà, bé Phán nằng nặc đòi theo cậu trở về Đồng Quan.

"Sau ít lâu, thầy Thận, nghĩa tử cha già Thức, chánh xứ Đồng Quan thời bấy giờ, rủ bé Phán vào tu ngay tại nhà xứ Đồng Quan để đỡ nhớ nhà. Bé Phán và cả nhà bằng lòng. Tu tại nhà xứ Đồng Quan suốt 7 năm trường, cậu Phán vẫn nhớ nhà cứ ra ra vào vào đến 7 lần. Cha già Thức dễ dãi, thầy Thận thoáng nhìn thấy tương lai của cậu Phán, nên việc cậu ra vào nhiều lần như thế không thành vấn đề. Tới năm 1921, tân linh mục Nguyễn Đức Thạc, nghĩa tử cha già Thức về dâng lễ mở tay và ăn mừng tại Đồng Quan. Lúc đó câu Phán lên 15, tạm có ý thức, nên mối quyết định tu hẳn.

"Năm 1922, cha già Thức qua đời. Theo thông lệ của giáo phận Bùi Chu bấy giờ, khi linh mục nào qua đời thì các nghĩa tử phải về nhà chung Phú Nhai để Cha Chính giáo phận định liệu. Thầy Thận được bổ nhiệm vào ban giáo huấn Trường Thày Giảng Bùi Chu vì thông thạo chữ Nho và giỏi ca nhạc. Cậu Phán được trao cho Cha Thiệp, phó xứ Trung Thành làm nghĩa tử. Tại nhà xứ Trung Thành lúc đó, giữa các thầy các cậu con cha chánh và con cha phó có sự kỳ thị bất công làm cho cậu Phán chán nản, lợi dụng thời cơ quyết tâm trở về nhà".

(Đài Thánh Giuse bên trong ở cuối nhà thờ, gần cổng vào, đối diện với Đài Mẹ Lang Vang bên kia)

 

Bên trong nhà thờ Đồng Quan

(Ở Giáo Phận Thái Bình hình như ở đâu cũng có những loại trống to lớn bự con như thế này, như ở Giáo Họ Đức Long được anh em Đồng Công phục vụ trong nhà thờ anh em đã được nhìn thấy chiều hôm trước)

(Nơi bàn thờ này, vài năm 1943, Cha Thủ, sau khi đã được thụ phong linh mục ngày 22/5/1937 và dâng lễ mở tay ở Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Bùi Chu ngày 24/5/1937 với sự hiện diện đặc biệt của chính Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn của Giáo Phận Bùi Chu, đã dâng lễ lần đầu tiên tại sinh quán của mình, sau 6 năm làm linh mục và sau khi được bổ nhiệm làm Chánh Xứ Dương A!)

 

Thăm dò di tích lịch sử về Đấng Sáng Lập với dân chúng

(Cháu chắt của Cha Thủ được mời đến nhà thờ để thăm dò di tích lịch sử về sinh quán của Đấng sáng lập)

(Bà Kiến được giới thiệu là cháu của Cha Thủ và đã công nhận như thế)

(Một trong những người làng của Cha Thủ, không thân thuộc họ hàng với ngài, nhưng cũng biết chút ít về ngài)

(Một đứa bé mập mạnh, khác hẳn bé Trần Đình Phấn gầy gò 111 năm trước, được mẹ giới thiệu là chắt Cha Thủ)

(Chị Ngoan tự nhận mình là cháu của Cha Thủ, người đã dẫn Anh Minh Ngọc và em ra nghĩa trang thăm mộ của cha ông tổ tiên của Cha Thủ, nơi hai vợ chồng chị đã cố gắng trông coi chăm sóc cho đến nay)

(Anh Tân là chồng của Chị Ngoan)

(Nghĩa trang nằm về phía tây hay bên hướng trái của nhà thờ, cách khoảng nửa cây số, nên anh em trong phái đoàn không thể đi bộ đến, bởi không có nhiều giờ, vả lại trong đoàn còn có hai anh bị "chấm lết" không thể đi nhanh như mọi người - đó là lý do chỉ có 2 anh em đại diện đến lấy hình tài liệu để phổ biến chung sau mà thôi)

(ruộng lúa xanh ngát một mầu ở hai bên đường dẫn đến khu nghĩa trang của Giáo Xứ Đồng Quan)

 

Nghĩa trang Giáo Xứ Đồng Quan

(Bia mộ của thân phụ Ông Cố Trần Đính Trí, tức Ông của Cha Thủ, là Đaminh Trần Đình Cảnh - vợ Ông là Bà Chí)

(Theo Chị Ngoan bấy giờ cho biết một dẫy có 5 ngôi mộ liền nhau này có hai mộ của Ông Bà Cha Thủ)

(Đường từ nghĩa trang về, đang tiến đến khu nhà gần nhà thờ,

mà ngay đầu khu nhà này, ở góc bên phải, có di tích ngôi nhà của gia đình Đấng Sáng Lập sinh sống ngày xưa)

 

Dấu vết ngôi nhà ngày xưa của gia đình Đấng Sáng Lập

 

(Ngôi nhà xây hai tầng sát bên đường hiện nay là dấu vết vị trí liên quan tới ngôi nhà của gia đình Anh Cả xưa)

(Chị Ngoan cho biết rằng ngôi nhà của gia đình Cha Thủ xưa ở bên trong khu nhà này, bao gồm cả phía bên trong)

(lối vô qua một cái cổng ở đằng sau ngôi nhà xây 2 lầu ấy)

(Ở đằng trước duyên dáng dễ coi như một biệt thự trong thành phố thế nào thì ở đằng sau quê mùa như thế)

(Góc nhà ở đằng sau dính liền với mặt trước của ngôi biệt thự này chính là vị trí ngôi nhà gia đình Cha Thủ xưa)

(góc nhà ở đằng sau từ góc nhà của gia đình Cha Thủ xưa đi sâu vào có vẻ khang trang hơn đang có người ở)

(Người đàn bà này tự nhận mình là chủ của cả khu vực nhà, nơi có vị trí di tích ngôi nhà của gia đình Cha Thủ xưa)

(Ngôi Nhà Thờ Đồng Quan nhìn từ khoảng đường xuất phát di tích nhà của gia đình Đấng Sáng Lập ngày xưa)

 

Tạ từ giáo dân Giáo Xứ Đồng Quan

(Giáo dân tỏ lòng quí mến và mong Dòng Đồng Công trở về sinh quán của Cha Thủ và lĩnh phép lành hẹn tái ngộ)

(dân làng vẫn ngẩn ngơ nhìn theo đoàn con của Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, người làng diễm phúc của họ)

Nhân sự kiện được hân hạnh thăm mộ của ông bà Đấng sáng lập cùng với di tích dấu vết về ngôi nhà của gia đình ngài ngày xưa, nơi ngài đã được hạ sinh vào trần gian gần 111 năm về trước, mà trong thời gian ở trên xe tiến đến Giáo Điểm Đồng Công Hưng Hóa vào chiều hôm ấy, sau bữa trưa hơi muộn và nhào đại vô, ở một quán bên đường, và sau Chuỗi Thương Xót 3 giờ chiều, em tâm phương đã đề cập đến 2 vấn đề về Anh Cả như sau:

1- Trước hết, em đặt vấn đề với các anh là nếu sau này Giáo Hội phong hiển thánh cho anh thì hình ảnh về anh sẽ như thế nào, vì vị thánh nào cũng có một tấm hình tiêu biểu, kèm theo những biểu hiệu đặc biệt về vị thánh đó? - Vấn đề này chưa được anh em giải quyết hoàn toàn, chỉ mới nêu lên sơ sơ vậy thôi... Chắc có lẽ chờ tới đúng thời điểm của biến cố trọng đại này nó mới trở nên hào hứng sôi nổi, còn hơn cả vấn đề đổi tên dòng nữa!

2- Sau nữa, em bày tỏ lòng mong ước của em về việc cải mộ Anh Cả, và theo em, một trong những phép lạ tỏ tường ngay khi cải mộ lên đó là thân xác của Anh Cả không bị mục nát, trái lại, gương mặt của anh còn nguyên dạng như trước kia, nghĩa là hoàn toàn lấy lại dung nhan bình thường, không còn dị dạng trước khi chết, như tấm hình em nhận được từ Anh Nguyễn Đức Tuân gửi cho, do con Anh Huấn là cháu của anh chụp từ hồi ấy!

 

 

Phần Một

 

Hành Trình Truyền Giáo 

 

 

Nhập Cuộc Hành Trình

 

1- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Kontum: Trụ Sở Truyền Giáo Đồng Công và Giáo Điểm Đắc Pơ Gia Lai

2- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Đà Nẵng: Giáo Xứ Thuận Yên và Giáo Họ Phú Quí Quảng Nam

3- Giáo Điểm Đồng Công GP Thái Bình: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Họ Đức Long và Giáo Họ Văn Yên

4- Giáo Điểm Đồng Công GP Hưng Hóa: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Xứ Trại Sơn và Giáo Họ Đá Mài

 

5- Giáo Điểm Đồng Công GP Bắc Ninh: Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo ĐC và Giáo Xứ Văn Thạch 

 

 

Phần Hai

 

Về Nguồn Đồng Công 

 

6- Nhà Mẹ Dòng Đồng Công Thủ Đức Tổng Giáo Phận Gài Gòn 

 

7- Nhà Đá Giáo Phận Qui Nhơn và 50 Năm Khấn Dòng Đội IX

 

8- Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình

 

9- Giáo Phận Bùi Chu

 

10- Liên Thủy và Trung Lễ Giáo Phận Bùi Chu

 

Phần Ba

Việt Nam 2017

 11- Vùng Trời Thảm Họa: Formosa Hà Tĩnh, Khuyết Tật Nghệ An, Lũ Lụt Thanh Hóa

12- Một Ngày Thành Đô: Sài Gòn và Hà Nội

 Về Một Chuyến Đi