NIỀM VUI THƯƠNG XÓT

 

TĐCTT - HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO XUYÊN VIỆT NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

21 NGÀY 18/9 - 8/10/2016

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Giáo Phận Bắc Ninh 20-21/9/2016

 2/3 chốt điểm truyền giáo:

Giáo họ Văn Thạch và Giáo họ Đại Điền

 

 

Giáo Phận Bắc Ninh

       Ngày 29 tháng 5 năm 1883, Giáo hoàng Lêô XIII ký Tông sắc tách rời các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn  Cao Bằng khỏi Giáo phận Đông Đàng Ngoài để thành lập một giáo phận mới là Giáo phận Bắc Đàng Ngoài. Đại diện Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài, giám mục Antonio Colomer Lễ, được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa của tân giáo phận. Bấy giờ, giáo phận mới có 17 linh mục triều người Việt, 2 linh mục dòng Đa Minh, 3 thừa sai người Tây Ban Nha, 15 đại chủng sinh, 22 tiểu chủng sinh, 50 thầy giảng, 8 nữ tu dòng Mến Thánh Giá và 35.000 tín hữu trong 11 giáo xứ và 28 giáo họ. Đến năm 1924, Giáo phận Bắc Đàng Ngoài được đổi tên thành Giáo phận Bắc Ninh.

       Năm 1913, Hạt Phủ doãn Lạng Sơn được thành lập, tách rời từ Giáo phận Bắc Ninh, và được ủy thác cho các thừa sai dòng Đa Minh Lyon đảm trách, đến năm 1939 thì chính thức được Tòa Thánh nâng lên hàng giáo phận.

Năm 1963, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phaolô Phạm Ðình Tụng, Giám đốc Tiểu chủng viện Gioan Hà Nội, làm giám mục Bắc Ninh. Ngài thụ phong giám mục ngày 15-8-1963, về nhận giáo phận ngày lễ Ðức Mẹ Mân Côi 5-10-1963.

Trong hoàn cảnh rất ít linh mục, Ðức cha đã xây dựng củng cố Ban Hành Giáo, sáng lập Tu hội Ðức Mẹ Hiệp Nhất, sửa và cho in Kinh bản Gáo phận Bắc Ninh, cổ vũ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa. Tổ chức và kỷ niệm Bach Chu Niên giáo phận (1883-1983). Sau đó, Ðức cha được thuyên chuyển về Tổng Giáo Phận Hà Nội (1994) và vinh thăng Hồng Y ngày 26-11-1994.

Từ năm 1994 Ðức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến coi sóc giáo phận. Đương kim giám mục cai quản giáo phận hiện nay là Cosma Hoàng Văn Đạt SJ.

      Ranh giới: Giáo phận Bắc Ninh nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; 3 huyện thuộc Thành Phố Hà Nội và một số xã, huyện thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương.

Tổng dân số địa phương khoảng 6,909,296 người, có khoảng 123,090 giáo dân công giáo, sinh sống trên diện tích là 24,600 km2. Một số sông lớn chảy trên địa bàn giáp phận là: sông Ðuống, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Gầm, sông Cả, sông Ðáy Trên, sông Cầu, sông Công, sông Cà Lỗ, sông Thương, sông Lục Nam.

Dân cư vùng đồng bằng và trung du đa số sinh sống bằng nghề nông. Vùng thượng du ngoài nghề nông là chủ yếu, còn có thêm phụ thu nhờ lâm sản. Sắc tộc Trên địa bàn giáo phận, miền thượng du có một số đồng bào dân tộc ít người như: Sán Dìu, H'Mông, Dao, Mèo, Cao Lan, Hoa, Tày, Nùng sinh sống. 

Sau cuộc di cư ồ ạt vào Nam của hơn 40,000 giáo dân và gần 50 linh mục của giáo phận Bắc Ninh năm 1954, chỉ còn lại 14 linh mục già yếu, nhiều giáo xứ, họ đạo chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình. Ðiển hình như nhà xứ Ngăm Giáo chỉ còn 3 người, nhà xứ họ Phượng Mao chỉ còn 7 người. Từ sau năm 1975, một số giáo dân đi làm ăn xa đã trở về quê cũ sinh sống. Do đất chật người đông, bà con lương dân chung quanh đã di chuyển đến làm ăn sinh sống tại các giáo xứ, giáo họ có nhà bỏ trống. Sau nhiều năm, nhờ ảnh hưởng đời sống tốt lành của người Công Giáo, nhiều lương dân gia nhập đạo, số tín hữu gia tăng, nhiều thánh đường đã được tu sửa lại và các sinh hoạt tôn giáo được phục hồi.

Trong thập niên 1960, nhiều người từ những vùng đất chật người đông như Thái Bình, Nam Ðịnh... đã đến khai hoang lập nghiệp tại các vùng xa xôi hẻo lánh thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang... (vùng đất thuộc giáo phận Bắc Ninh) trong đó có nhiều gia đình Công giáo. Cả vùng rừng núi rộng lớn đó mấy chục năm không có linh mục phục vụ giáo dân, thỉnh thoảng mới có người về quê cũ để giữ luật Giáo Hội, nhiều người đức tin phai nhạt, ngăn trở hôn nhân gia tăng. Vì thế, việc tìm kiếm giáo dân luôn là vấn đề bức xúc của giáo phận Bắc Ninh.

Từ thập niên 1990, việc đi lại dễ dàng hơn, nhiều tông đồ giáo dân đã được sai đi, âm thầm len lỏi tìm kiếm từng người, từng gia đình, dạy giáo lý, giúp họ cầu nguyện, quy tụ thành những nhóm và đưa về tháo gỡ những ngăn trở hôn nhân, tổ chức thành họ đạo.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_ph%E1%BA%ADn_B%E1%BA%AFc_Ninh
https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnchurch/lsbacninh.htm

 

Lịch Trình Viếng Thăm Truyền Giáo ở Giáo Phận Bắc Ninh

 

Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với vị linh mục thừa sai ở đây bằng cả điện thoại lẫn email, nhưng ngài chỉ trao đổi với chúng tôi bằng điện thoại, cho dù chúng tôi gửi email cho ngài. Cho đến khi chúng tôi chỉ còn gần một tuần nữa là lên đường thì nhận được email duy nhất của ngài vào ngày 12/9/2016 về lịch trình thăm viếng truyền giáo và quà tặng nguyên văn như sau:

- Ngày 20-9, vào khoảng 3 hoặc 4 giờ chiều sẽ đón Phái đoàn của Anh ... Sau đó phái đoàn sẽ lên Tam Đảo dùng bũa, nghỉ đêm tại nhà mục vụ do các Soeur hiệp nhất đang trông coi.

- Ngày 21-9, vào khoảng 6 giờ 45 sáng sẽ khởi hành đi lên vùng sông gâm. Ở đây chúng ta sẽ ghé vào các cơ sởcác Anh đang giúp, còn giờ chúng ta đi các giáo họ. Về việc đi thăm các gia đình không tiện, bởi vì....sau đó trở về.

- Ngày 22-9, chúng ta sẽ đi Giáo xứ Văn Thạch, sau đó trở lại Giáo xứ Đại Điền dùng cơm, và đi sang Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa.rồi trở về nhà Mục vụ Tam Đảo. Hôm sau phái đoàn tiếp tục vào Miền Trung....

- Về phần quà , có lẽ chúng ta giúp tiền thực tế hơn cả, bởi vì có người cần tiền để mua thuốc, có người cần tiền để đóng học phí cho con... nên cho tiền là thực tế hơn cả. Ngày tết khi đi thăm các gia đình thường cũng cho tiền, họ cần gì thì họ mua . ..

Vì thế lịch trình có 2 điều thay đổi: 1- phái đoàn không thể lên, hay đúng hơn không nên đến Sông Gâm ở Tuyên Quang nữa, và vì thế, 2- ngày hôm sau, khi thăm hai chốt điểm truyền giáo và ăn trưa xong, phái đoàn sẽ về Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa ngay. Và như thế, chúng tôi sẽ còn dư một ngày, nên chúng tôi đã phải liên lạc lại với các nơi để sắp xếp lại thứ tự ngày giờ cho cuộc Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót 2016 của mình. Chúng tôi đã liên lạc với Dòng Mến Thánh Giá Vinh để xem các sơ ở đây có thể giúp chúng tôi thăm hai cô nhi viện và vùng của các nạn nhân bị thảm họa cá chất hay chăng? Nhưng chúng tôi đã không nhận được hồi âm từ Dòng Mến Thánh Giá Vinh, vì một biến cố xẩy ra bất thường trong dòng, cho tới khi chúng tôi về tới Việt Nam. Không ngờ chính cái ngày dư này đã trở thành cái then chốt cho chúng tôi được hưởng một số bonus đặc biệt bất ngờ trong chuyến đi, như chúng tôi sẽ kể sau.

Riêng cuộc viếng thăm truyền giáo ở Giáo Phận Bắc Ninh, phái đoàn TĐCTT chúng tôi được một trong hai vị linh mục thừa sai hoạt động truyền giáo ở đây dẫn đến thăm viếng hai nơi: Giáo Họ Văn Thạch và Giáo Xứ Đại Điền.

Giáo Họ Văn Thạch được vị linh mục hướng dẫn coi sóc là một trong 5 Giáo Họ (Hồng Đường, Gia Cát, Quang Yên và Ngọc Mỹ) thuộc Giáo Xứ Văn Thạch,

Giáo Xứ Đại Điền là một giáo xứ được 1 trong hai vị linh mục này phục vụ, bao gồm các Giáo Họ Đại Điền, Sơn Định, Sơn Thanh,  Sơn Nam, Liễn Sơn, Hợp Châu.

Cả hai Giáo Họ Văn Thạch và Giáo Xứ Đại Điền, lạ một điều, như được cho biết là đều ở cùng một địa chỉ tại Thôn Đại Điền, Xã Đại Đình, Huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc.

Tam Đảo: Nhà Thờ Cổ và Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình

Tuy nhiên, trước khi đi thăm hai nơi này, chúng tôi đã được vị linh mục đầu tiên là vị linh mục chúng tôi liên lạc từ Mỹ dẫn đến trọ đêm ở Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình của Giáo Phận Bắc Ninh ở Tam Đảo, nơi được Giáo Phận xây cất để lấy quĩ sinh hoạt cho Giáo Phận, một vùng núi cao hơn và mát mẻ hơn Đà Lạt, nhưng khó đi hơn Đà Lạt. Chiếc xe du khách 45 chỗ ngồi khá to lớn của chúng tôi có những lúc đã phải nép sát mình sang một bên khi có xe từ trên đi xuống. Cho tới khi chỉ còn hơn 1 cây số nữa là tới nơi thì dừng lại không dám lên nữa, vì đường càng hẹn dần và lại bị nứt nẻ đang cần sửa chữa.

Gần một tiếng sau, khi thăm dò thấy khá an toàn, xe mới bắt đầu thận trọng lên dốc. Nhưng ở tại ngay Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình, muốn lên chỗ đậu gần thì lại bị một cái bậc hơi khó vượt qua. Nếu xe không lên được tới nơi gần Nhà Khách thì phái đoàn của chúng tôi chắc không còn sức mà lôi hết các thứ đựng hành lý của mình lên để phân phối lại các đồ chung (thuốc men, quần áo cũ v.v.), được chia đều cho từng người, đề phòng bị tịch thu ở phi trường khi xuống máy bay, những thứ đồ chung cần phải thu gọn lại và chia thành từng thùng để dễ dàng phân phối cho các nơi chúng tôi tới từ ngày hôm sau.

Trong khi chờ đợi xe tìm cách lên tận chỗ đậu của Nhà Khách này, chúng tôi đã phải đi bộ leo dốc lên băng qua ngõ nhà thờ, một nhà thờ cổ được xây trên 100 năm từ thời Pháp thuộc, một di tích lịch sử tôn giáo trên Tam Đảo chỉ có một gia đình Công giáo duy nhất trong số nhà cửa và dân chúng không ít ở khu du lịch này. Sau khi nhận phòng xong, chúng tôi cùng nhau ăn tối. Sau đó chúng tôi qui tụ lại lắng nghe vị linh mục thừa sai ở vùng này là vị tôi đã từng liên lạc nhiều lần từ Mỹ, chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo của ngài và về các nhu cầu truyền giáo ở đây. Các vị linh mục thừa sai ở đây nói chung, bao gồm cả bản thân của ngài, cũng không được dễ dàng hoạt động, kể cả trên đường đi đây đi đó lẫn khi giảng dạy trong nhà thờ v.v.

May quá, đang khi họp, chúng tôi được báo là xe đã lên tới nơi chúng tôi mong muốn. Thế là, sau khi họp xong, chúng tôi đã ra xe lôi bao nhiêu là đồ vào trong phòng khách rộng rãi để phân phối lại các đồ chung và cho vào từng thùng một. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ hoàn tất việc phân chia cần thiết này sau Thánh Lễ tối hôm ấy, vì hôm đó, Thứ Ba 20/9/2016, chúng tôi ở trên máy bay từ Đài Loan về tới Hà Nội vào lúc 11:05 phút sáng, chưa được tham dự Thánh Lễ hằng ngày như lòng mong ước. Cuối cùng chúng tôi đã chia tay nhau về phòng ngủ sớm bao nhiêu có thể để có thể dự lễ 5 giờ sáng hôm sau. Nhưng, vì là một nơi trọ được coi là khách sạn, như khách sạn Rạng Đông ở Sài Gòn vào tối đêm ngày 7/10/2016 sau này, trước khi đi ngủ mỗi người chúng tôi còn phải khai báo tên tuổi và ngày sinh của chúng tôi theo giấy thông hành để nơi trọ trình báo cho công an địa phương hay trình cho công an địa phương nếu bị tra xét.

Sáng sớm hôm sau, sau Thánh lễ trong nguyện đường mát lạnh và điểm tâm, chúng tôi đã qui tụ lại ở phòng khách để cảm tạ quí sơ được Giáo Phận mời gọi phục vụ ở đây cũng như quí cha đại diện giáo phận coi sóc nhà thờ cùng nhà khách. Chúng tôi đã trao 2 bao thư cho các sơ: 1 bao thư 250 Mỹ kim để cảm tạ quí sơ về việc phục vụ bữa ăn và chỗ ngủ cho chúng tôi, và 1 bao thư 500 Mỹ kim tặng riêng cho việc truyền giáo của dòng các sơ, cùng với một bao thư 200 Mỹ kim nữa biếu tặng vị linh mục đại diện giáo phận. Ở chỗ trọ ngủ đêm và ăn uống nào cũng thế, ngoài số tiền truyền giáo và bác ái cứu trợ, cách riêng dòng nữ, riêng tôi còn tặng thêm 2 tác phẩm về tu đức của tôi nữa là cuốn Đời Cầu Nguyện (1992) và Cơn Khát Núi Sọ (2005).

Trong lời tạ từ, đại diện phái đoàn truyền giáo TĐCTT, tôi đã bày tỏ cảm nhận của mình là, vào ngay ngày đầu tiên của chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót 2016, chúng tôi không ngờ đã được Chúa đưa lên một nơi cao như ở Tam Đảo ấy, để được ở với Người dù chỉ một đêm, như được Người đặc biệt chọn lọc, nhờ đó, chúng tôi mới có thể cùng Người xuống núi gặp gỡ dân chúng ở lưng chừng núi là nơi hội ngộ thần linh giữa Người và các môn đệ cùng dân chúng đang chờ đợi gặp Người (xem Luca 6:12-13, 17-18).

Sau đây là những hình ảnh cho thấy tất cả những gì diễn tiến thứ tự như chúng tôi vừa phác tả:

 

Giáo Họ Văn Thạch

Ở Giáo Phận Bắc Ninh, phái đoàn chúng tôi chưa được đến thăm viếng anh chị em lương dân, như ở Kontum hay Ban Mê Thuột sau này, mà vì lý do tình hình địa phương bấy giờ không cho phép, chúng tôi chỉ được một vị linh mục đi xe gắn máy âm thầm dẫn chiếc xe du khách 45 chỗ ngồi của chúng tôi đến thăm viếng những nhà thờ và nhà xứ của các giáo họ và giáo xứ mà thôi.

Chắc Chúa muốn đưa chúng tôi đi từ từ. Trước hết là lắng nghe các vị linh mục thừa sai chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo và quan sát địa điểm truyền giáo ở những miền xa xôi hẻo lánh nghèo khổ của các vị. Nhờ đó, chúng tôi mới thấy được tình trạng dấn thân hy sinh của các vị chẳng những về những khó lhăn thiếu thốn ngoài thể lý mà còn về những thách đố gay go trong tinh thần nữa.

Giáo Họ Văn Thạch có một ngôi nhà thờ, đúng hơn là một nguyện đường nho nhỏ, ở một khu vực xa xôi hẻo lánh bần cùng khốn khó, rất xứng hợp với tình hình dân số tín hữu khiêm tốn ở đó, một nơi có những lúc, những lần, những dịp mà chính vị linh mục của giáo họ này phải đích thân đến tận chính chỗ họ ở để dâng lễ cho họ và thăm viếng cùng ủy lạo họ v.v.

 

Giáo Xứ Đại Điền

 

Sau khi thăm nhà thờ và nhà xứ Đại Điền, chúng tôi được mời về một cư xá riêng của quí linh mục để ăn một bữa trưa no nê thịt thà rau cỏ thuần túy quê hương

Thế nhưng nơi ấy loại xe du khách 45 chỗ của chúng tôi không thể nào tới được, vì phải lội qua suối, mà phải sử dụng một chiếc xe trung chuyển nhỏ và một số xe gắn máy.

 

Xin Xem Tiếp

 

1- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Những Nét Chấm Phá Đặc Biệt

2- Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót 21 ngày 18/9 - 8/10/2016

3- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Bắc Ninh 20-21/9/2016

4- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Hưng Hóa 21-24/9/2016

5- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Hưng Hóa 21-24/9/2016: Phù Yên và Mai Sơn

6- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Dòng Mến Thánh Giá Vinh 24-26/9/2016

7- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Dòng Mến Thánh Giá Vinh 24-26/9/2016: Bác Ái Cứu Trợ

8- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang 26-28/9/2016

9- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang 26-28/9/2016: Truyền Giáo và Bác Ái Cứu Trợ

10- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Kontum 29/9/2016

11- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Ban Mê Thuột 1/10/2016

12- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Long Xuyên 4-5/10/2016

13- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - ở Giáo Phận Long Xuyên: Các nơi viếng thăm và biếu tặng quà truyền giáo

14- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Những điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình 6-7/10/2016

15- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - 7 Bonus

16- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Hình Ảnh Quê Hương Đất Nước Việt Nam Hiện Nay

17- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Bình An Vô Sự

18- TĐCTT Truyền Giáo Xuyên Việt Năm Thánh Thương Xót - Vang Vọng Tương Lai