3. Việc tôn sùng này chiếm được nhiều phúc lành từ Đức Mẹ
144. Đức Trinh Nữ, một người mẹ dịu hiền và xót thương, không bao giờ để cho mình thua kém về lòng yêu thương và quảng đại. Khi Mẹ thấy một ai đó hoàn toàn hiến mình cho Mẹ để kính tôn và phục vụ Mẹ, và tước lột mình khỏi những gì được họ trân quí nhất để trang điểm cho Mẹ, thì Mẹ hoàn toàn ban mình cho họ một cách lạ lùng. Mẹ nhận chìm họ vào đại dương các ân sủng của Mẹ, trang điểm họ bằng công nghiệp của Mẹ, nâng đỡ họ bằng quyền năng của Mẹ, dẫn dắt họ bằng ánh sáng của Mẹ, và làm cho họ được tràn đầy tình yêu của Mẹ. Mẹ chia sẻ các nhân đức của Mẹ với họ – đức khiêm nhượng của Mẹ, đức tin, đức tinh tuyền v.v. Mẹ bù đắp những sai sót của họ và làm đại diện cho họ trước Chúa Giêsu. Như người tận hiến hoàn toàn thuộc về Mẹ Maria thế nào thì Mẹ Maria cũng hoàn toàn thuộc về con người này như thế. Chúng ta có thể tin tưởng nói rằng người tôi tớ hoàn hảo và là người con này của Mẹ Maria những gì Thánh Gioan đã nói về mình trong Phúc Âm là “Ngài đem Mẹ về nhà mình” (Jn. 19:27).
145. Tình trạng này làm phát sinh nơi linh hồn của họ, nếu họ kiên trì, một niềm bất tín sâu xa, coi thường và ghét bỏ bản thân, và sâu xa tin tưởng vào Mẹ Maria bằng việc hoàn toàn phó mình cho Mẹ. Họ không còn cậy dựa vào những khả năng riêng của mình, những ý hướng, công nghiệp, nhân đức và việc lành của họ nữa, vì họ đã hoàn toàn hy sinh cho Chúa Giêsu qua người Mẹ yêu dấu của Người. Giờ đây họ chỉ còn một kho tàng duy nhất là nơi chất chứa tất cả mọi thứ giầu sang của họ. Kho tàng này không phải ở trong bản thân họ mà là Mẹ Maria. Đó là lý do tại sao bấy giờ họ có thể đến với Chúa mà không còn cảm thấy bất cứ một nỗi hãi sợ tôi đòi và rụt rè nhút nhát nào nữa, và hết sức tin tưởng nguyện cầu cùng Người. Họ cũng có cùng những cảm thức với vị Đan Viện Phụ Rupert đạo hạnh và thức giả, vị, khi đề cập tới việc Giacóp chiến thắng thiên thần (Gen. 32:24), đã thân thưa cùng Đức Mẹ những lời lẽ này: “Ôi Maria, Nữ Vương của con, Người Mẹ Vô Nhiễm của Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô, con muốn vật lộn với Con Người là Lời Thần Linh này, khi được trang bị bằng những công lênh sự nghiệp của Mẹ chứ không phải của riêng con”.
Mạnh mẽ nhiều biết mấy và có thế hơn biết bao trong việc chúng ta tiến đến với Chúa của chúng ta, khi chúng ta được trang bị bằng những công nghiệp và lời nguyện cầu của Người Mẹ xứng đáng của Thiên Chúa, Vị mà, như Thánh Âu Quốc Tinh nói, đã chiến thắng Đấng Toàn Năng bằng tình yêu của Mẹ!
146. Vì nhờ việc tôn sùng này chúng ta hiến dâng lên Chúa, qua bàn tay của Thánh Mẫu Người, tất cả mọi việc lành của chúng ta, mà Mẹ thanh tẩy chúng, làm cho chúng nên đẹp đẽ và đáng được Con Mẹ chấp nhận.
I- Mẹ thanh tẩy tất cả mọi việc lành của chúng ta khỏi mọi tì vết của lòng tự ái cũng như của mọi thứ dính bén một cách vô thức với các tạo vật, thứ dính bén lọt vào các hành động tốt lành nhất của chúng ta mà chúng ta không hay. Bàn tay của Mẹ không bao giờ biết đến rảnh rỗi và thụ động. Đôi tay Mẹ chạm đến những gì thì chúng đều được thanh tẩy. Bao lâu Đức Trinh Nữ nhận được các việc lành của chúng ta thì Mẹ làm cho chúng không còn bất cứ một vết nhơ hay bất toàn nào Mẹ thấy ở nơi chúng.
147. II- Mẹ làm cho các việc lành của chúng ta thêm phong phú bằng cách trang điểm cho chúng với những công nghiệm và nhân đức của Mẹ. Chẳng khác gì như một người nhà quê nghèo khó, vì muốn chiếm được thân tình và ưu ái của nhà vua, đã chạy đến với vị nữ hoàng để trao cho bà một quả táo là điều duy nhất họ có được – để bà dâng nó lên cho nhà vua. Vị nữ hoàng này, khi chấp nhận món quà bé mọn của người nhà quê ấy, đặt nó lên trên một đĩa bằng vàng đẹp và dâng nó lên cho đức vua thay cho người nhà quê. Chính quả táo không phải là quà tặng xứng đáng với một vị vua, thế nhưng, vì được đích thân vị nữ hoàng dâng lên trên một đĩa vàng, mà nó trở thành xứng với nhà vua.
148. III- Mẹ Maria dâng các việc lành của chúng ta lên cho Chúa Giêsu. Mẹ không giữ lấy bất cứ sự gì chúng ta hiến dâng cho riêng Mẹ, như thể Mẹ là đích điểm cuối cùng của chúng ta, mà liên lỉ hiến dâng mọi sự lên Chúa Giêsu. Vì chính sự kiện ấy mà bất cứ sự gì chúng ta dâng cho Mẹ là chúng ta dâng cho Chúa Giêsu vậy. Bất cứ khi nào chúng ta chúc tụng và tôn vinh Mẹ thì Mẹ bấy giờ Mẹ cất tiếng chúc tụng “Linh hồn tôi tôn vinh Chúa” (Lk. 1:46), như ngày Mẹ được bà Isave ca ngợi.
149. Trước lời yêu cầu của Mẹ, Chúa Giêsu chấp nhận món quà các việc lành của chúng ta, bất kể chúng có tầm thường và nhỏ nhoi đối với Đấng là Vua các vua, Thánh các thánh. Khi chúng ta tự mình dâng cho Chúa Giêsu, cậy dựa vào những tâm trạng và nỗ lực của mình, Người sẽ xem xét món quà của chúng ta và thường loại bỏ nó vì nó nhuốm mùi tự ái, như Người đã từng loại bỏ các hy tế của dân Do Thái vì chúng đầy những tính chất vị kỷ.
Thế nhưng, khi chúng ta dâng lên Người bằng đôi tay tinh tuyền trinh trắng của Người Mẹ được Người yêu dấu, thì có thể nói rằng chúng ta đã đánh trúng yếu điểm của Người. Người không chú trọng lắm đến chính vật dâng hơn đến con người dâng vật ấy. Bởi vậy mà Mẹ Maria, vị không bao giờ bị Con Mẹ coi thường, trái lại luôn được Người coi trọng, đã khiến cho Người vui vẻ chấp nhận bất cứ sự gì Mẹ dâng cho Người, bất kể trị giá của nó ra sao. Chỉ cần Mẹ Maria hiến dâng tặng vật là Chúa Giêsu ưu ái chấp nhận nó. Đó là những gì Thánh Bênađô mạnh mẽ khuyên bảo tất cả những ai được ngài hướng dẫn nên trọn lành. “Khi bạn muốn dâng lên Thiên Chúa điều gì, để được Ngài chấp nhận, hãy làm sao để nó được dâng lên nhờ Người Mẹ Thiên Chúa xứng đáng này, nếu bạn không muốn thấy nó bị loại trừ”.
150. Như chúng ta từng thấy, không phải là chính bản tính loài người đã cống hiến kiểu cách tác hành này cho thành phần tầm thường trên thế gian đối với kẻ làm lớn hay sao? Tại sao ân sủng lại không tác động chúng ta làm giống như thế đối với Thiên Chúa chứ? Ngài là Đấng vô cùng vượt trên chúng ta. Chúng ta còn thua kém cả những nguyên tử trước nhan Ngài. Thế nhưng chúng ta có được một vị bầu cử quyền thế đến nỗi Mẹ không bao giờ chối bỏ điều gì. Mẹ có biệt tài xoay sở đến nỗi Mẹ biết được mọi bí quyết chinh phục được lòng của Thiên Chúa. Mẹ rất tốt lành và từ bi đến nỗi Mẹ không bao giờ quên ngó ngàng tới bất kỳ một ai cho dù họ có lẻ loi và tội lỗi thế nào chăng nữa.
Sau này, tôi sẽ thuật lại câu truyện về Giacóp và bà Rebecca là câu truyện làm sáng tỏ các sự thật tôi đã trình bày cho các bạn.
IV- Nó là một phương tiện tuyệt hảo để tôn vinh Thiên Chúa
151. Việc tôn sùng này, một khi trung thành thực hiện, là một phương tiện tuyệt hảo trong việc bảo đảm rằng giá trị của tất cả mọi công việc tốt lành của chúng ta đều được sử dụng vào việc làm tôn vinh Thiên Chúa hơn. Người ta hầu như không hoạt động cho mục đích cao cả này, mặc dù họ buộc phải làm như thế, một là vì con người không biết đâu là vinh hiển cao cả nhất của Thiên Chúa, hai là vì họ không muốn mục đích này. Còn Mẹ Maria, Đấng chúng ta hoàn toàn dâng phú giá trị cùng công nghiệp các việc lành chúng ta làm, hoàn toàn biết được đâu là những gì tôn vinh Thiên Chúa nhất và Mẹ chỉ hoạt động cho vinh quang ấy mà thôi. Người tôi tớ nhiệt thành của Đức Mẹ, một khi đã hoàn toàn tận hiến mình cho Mẹ như tôi đã diễn tả trên đây, có thể hiên ngang tuyên bố rằng giá trị của tất cả mọi hoạt động của mình, lời nói và tư tưởng của mình, được sử dụng vào việc tôn vinh Thiên Chúa nhất, trừ phi họ minh nhiên rút lại việc hiến dâng của họ. Còn gì an ủi hơn đối với người yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu tinh tuyền và vô vị kỷ cùng coi trọng vinh quang của Thiên Chúa cũng như các lợi ích của Ngài hơn của mình?
V- Việc tôn sùng này dẫn tới chỗ liên kết với Chúa
152. Việc tôn sùng này là một đường lối bằng phẳng, ngắn ngủi, hoàn toàn và vững chắc để đạt tới chỗ liên kết với Chúa là tầm mức trọn lành của Kitô giáo.
(1) Việc tôn sùng này là một đường lối bằng phẳng. Nó là một đường lối được Chúa Chúa Giêsu Kitô mở ra khi đến với chúng ta, một đường lối không ngăn trở chúng ta tiến đến với Người. Hoàn toàn không sai khi chúng ta có thể đạt tới mối hiệp nhất thần linh bằng các con đường khác, thế nhưng những con đường ấy có nhiều thập giá và những trở ngại hơn cùng với nhiều khó khăn mà chúng ta không thể nào dễ dàng thắng vượt. Chúng ta sẽ phải trải qua tình trạng tăm tối thiêng liêng, sẽ rơi vào những cuộc đấu tranh chúng ta chưa sẵn sàng, chịu đựng những khổ não cay cực, phải trèo lên những núi dốc đứng, phải đạp lên những gai góc đau thương, và phải băng qua những sa mạc rùng rợn. Thế nhưng, khi chúng ta theo đường lối của Mẹ Maria, chúng ta bước đi cách phẳng lặng và bình lặng.
Thật ra trên đường đi của mình chúng ta phải chiến đấu những trận chiến khó khăn và phải vượt qua những trở ngại, thế nhưng, Mẹ Maria, là Mẹ và là Nữ Vương của chúng ta, ở gần với những người tôi trung của Mẹ. Mẹ bao giờ cũng có đó để chiếu tỏa tình trạng tối tăm của họ, để làm sáng tỏ những ngờ vực của họ, để kiên cường họ trước những nỗi sợ hãi, để nâng đỡ họ trong các cuộc chiến đấu và thử thách. Thật thế, so sánh với những đường lối khác, con đường trinh nữ dẫn đến với Chúa Giêsu này là một con đường của những bông hoa hồng và của những niềm vui ngọt ngào. Đã từng có những vị thánh, không nhiều cho lắm, như Thánh Ephrem, Thánh John Damascene, Thánh Benađô, Thánh Bênađinô, Thánh Bonaventura và Thánh Phanxicô Salêsiô, đã đi vào con đường phẳng lặng này để đến với Chúa Giêsu Kitô, vì Thánh Linh, Vị Phu Quân thủy chung của Mẹ Maria, làm cho họ biết được nó bằng một ơn đặc biệt. Các vị thánh khác, nhiều hơn về số lượng, trong khi tôn sùng Mẹ Maria, đã không đi vào hay không tiến xa đủ trên con đường ấy. Đó là lý do tại sao các vị đã chịu đựng các cuộc thử thách khó khăn hơn và nguy hiểm hơn.
153. Một người tôi tớ của Mẹ Maria có thể đặt vấn đề là vậy thì tại sao những người tôi tớ nhiệt tình của Người Mẹ tốt lành này được kêu gọi để chịu khổ hơn những ai không tha thiết phụng sự Mẹ lắm? Họ bị chống đối, bách hại, lăng nhục và đối xử bất nhẫn. Họ cũng phải bước vào tình trạng tăm tối nội tâm và phải trải qua những sa mạc thiêng liêng, không hề được một giọt sương an ủi nào từ trời. Nếu việc tôn sùng Đức Trinh Nữ này làm cho con đường đến với Chúa Giêsu bằng phẳng hơn, thì chúng ta cắt nghĩa như thế nào về lý do tại sao những người tôi trung của Mẹ Maria lại bị đối xử quá ư là tàn tệ?
154. Câu trả lời của tôi như thế này, thật sự là thành phần tôi tớ trung thành nhất của Đức Trinh Nữ, thành phần ưu ái nhất của Mẹ, lãnh nhận từ Mẹ những ân sủng và hồng phúc tốt đẹp nhất từ trời cao đó là thánh giá đau khổ. Thế nhưng, tôi cũng vẫn nghĩ rằng những người tôi tớ này của Mẹ Maria vác những thánh giá của mình một cách dễ dàng hơn, và chiếm được nhiều công nghiệp và vinh quang hơn. Những gì có thể ngăn chặn tiến bộ của người khác cả ngàn lần hơn, hay có thể khiến người ta sa ngã, lại không làm cho họ bị chùn bước chút nào, trái lại, còn giúp họ tiến bước nữa. Vì Người Mẹ nhân lành này, một người mẹ đầy ân sủng và dầu xức Thánh Linh, nhúng tất cả mọi thánh giá đau khổ Mẹ sửa soạn cho họ vào thứ mật của sự ngọt ngào từ mẫu cũng như vào thứ dầu xức của tình yêu tinh tuyền. Bấy giờ họ sẵn sàng nuốt lấy chúng như họ tẩm đường vào những quả hạnh, mặc dù thánh giá có thể là rất ư khổ đau. Tôi tin rằng ai muốn trở nên đạo hạnh và sống đạo đức trong Chúa Giêsu đều sẽ phải chịu bách hại và sẽ phải vác thập giá hằng ngày. Thế nhưng họ sẽ không bao giờ có thể vác được cây thập giá nặng nề, hay vác nó một cách hân hoan và kiên trì mà lại thiếu lòng tôn sùng tin tưởng đối với Đức Mẹ, Vị là chính sự dịu ngọt của thập tự giá. Hiển nhiên là người ta không thể nào tiếp tục ăn nổi một trái cây còn xanh chưa chín ngọt mà không hết sức cố gắng.
155. (2) Việc tôn sùng này là một con đường ngắn ngủi để khám phá ra Chúa Giêsu, hoặc vì nó là một con đường không làm cho chúng ta lang thang, hay vì, như chúng ta vừa nói, chúng ta tiến bước theo con đường này một cách dễ dàng và vui vẻ hơn, do đó nhanh chóng hơn. Chúng ta thăng tiến hơn trong một thời gian ngắn ngủi thuận phục Mẹ Maria và lệ thuộc vào Mẹ hơn là những tháng năm toàn theo ý mình và với lòng tự tin. Một người vâng lời và lụy thuộc Mẹ Maria sẽ vang tiếng chiến thắng hiển vinh trên quân thù của họ (Prov. 21:28). Thật vậy, các thù địch của họ sẽ cố gắng ngăn cản sự tiến bộ của họ, bắt họ phải thoái lui hay cố gắng làm cho họ sa ngã. Thế nhưng, với sự hộ giúp, nâng đỡ và hướng dẫn của Mẹ Maria, họ sẽ thẳng tiến tới với Chúa của chúng ta. Không gục ngã, lui bước và thậm chí không bị đình trệ, họ sẽ đạt những bước tiến khổng lồ đến với Chúa Giêsu trên cùng một con đường mà, như đã viết, Chúa Giêsu đã sử dụng (Ps. 18:6) để đến với chúng ta bằng những bước khổng lồ trong một thời gian ngắn ngủi.
156. Các bạn nghĩ tại sao Chúa của chúng ta chỉ sống một ít năm trên trái đất này mà gần như hầu hết trong những năm tháng ấy lại lụy thuộc và vâng lời Mẹ của Người? Lý do đó là vì “khi đạt tới những gì là trọn lành trong một thời gian ngắn ngủi, Người đã sống một thời gian dài” (Wis. 4:13), thậm chí dài hơn cả Adong, và những gì Adong đã làm mất mát đi thì Người đã đến để làm cho nên tốt đẹp. Tuy nhiên, Adong đã sống trên 900 tuổi!
Chúa Giêsu đã sống một thời gian dài, vì Người đã sống hoàn toàn lụy thuộc vào Mẹ của Người và liên hiệp với Mẹ, những gì Người phải làm để tỏ ra tuân phục Cha của Người. Chúa Thánh Thần nói với chúng ta rằng người nào tôn kính mẹ của mình thì như người tích trữ một kho tang (Ecclus. 3:5). Nói cách khác, người nào tôn kính Mẹ Maria, Mẹ của mình, cho đến độ phó mình cho Mẹ và vâng lời Mẹ trong mọi sự thì sẽ chóng trở nên rất giầu có, vì họ đang tích lũy những kho tàng hằng ngày nhờ Mẹ Maria là vị đã trở nên một thứ đá tạo vàng bí mật của họ.
Thánh Kinh còn một câu nữa, đó là “tuổi già của tôi sẽ được ở nơi cung lòng xót thương” (Ps. 91:11). Theo lời dẫn giải thần bí về những lời này thì chính nơi cung lòng của Mẹ Maria mà con người trẻ trung trở nên chín chắn cách sáng suốt (Jer. 31:22), thánh thiện, kinh nghiệm và khôn ngoan, và trong một thời gian ngắn đạt được tầm vóc thành nhân của Chúa Kitô. Vì chính cung lòng của Mẹ Maria là nơi ôm ấp và tạo thành một con người thành toàn. Cũng cung lòng này đã cưu mang một Đấng mà cả vũ trụ này không thể ôm ấp hay chất chứa.
157. (3) Việc tôn sùng này là một đường lối trọn hảo tiến đến với Chúa và nên một với Người, vì Mẹ Maria là tạo vật trọn hảo nhất và thánh thiện nhất trong tất cả mọi tạo vật, và Chúa Giêsu, Đấng đã đến với chúng ta một cách trọn lành, đã không chọn con đường nào khác cho cuộc hành trình cao cả và tuyệt vời của Người. Đấng Tối Cao, Đấng Bất Khả Triệt Thấu, Đấng Bất Khả Đạt Tới, Đấng Hiện Hữu, đã đoái hoài chiếu cố tới thành phần tạo vật phàm nhân nghèo hèn chúng ta là những con người chẳng có một cái gì hết. Điều này đã được thực hiện ra sao?
Thiên Chúa Tối Cao đã đến với chúng ta một cách trọn hảo qua Trinh Nữ Maria thấp hèn mà không mất đi một chút nào thần tính hay sự thánh thiện của Ngài. Cũng thế, qua Mẹ Maria, thành phần tạo vật nghèo hèn chúng ta cần phải tiến lên với Thiên Chúa toàn năng một cách trọn hảo mà không cảm thấy sợ hãi gì.
Thiên Chúa, Đấng Bất Khả Triệt Thấu đã để cho mình được hoàn toàn triệt thấu và chứa đựng bởi Trinh Nữ Maria khiêm hạ mà không bị mất đi một chút nào những gì là bao la vĩ đại của Ngài. Bởi thế chúng ta cũng cần phải để cho mình được hoàn toàn ấp ủ và dẫn dắt bởi Vị Trinh Nữ khiêm hạ này mà không tỏ ra luyến tiếc bất cứ một sự gì.
Thiên Chúa, Đấng Bất Khả Đạt Tới, đến gần với chúng ta và liên kết với nhân tính của chúng ta một cách chặt chẽ, trọn hảo và thậm chí riêng tư, nhờ Mẹ Maria mà không mất đi một chút nào những gì là uy nghi của Ngài. Bởi vậy, cũng nhờ Mẹ Maria mà chúng ta cần phải đến gần với Thiên Chúa và liên kết bản thân chúng ta với Người một cách trọn hảo, thân tình và không sợ bị loại trừ.
Sau hết, Ngài là Đấng đã đoái hoài chiếu cố tới chúng ta là thành phần chẳng có gì và đã biến cái hư không của chúng ta thành Thiên Chúa hay thành Đấng Hiện Hữu. Ngài đã thực hiện điều này một cách trọn hảo bằng việc ban mình và hoàn toàn lụy thuộc mình cho Trinh Nữ Maria trẻ trung mà không ngừng là Đấng Hiện Hữu hằng có trong thời gian. Cũng thế, nhờ Mẹ Maria, chúng ta, thành phần chẳng có gì, được trở nên như Thiên Chúa bởi ân sủng và vinh quang. Chúng ta đạt được điều này bằng cách hiến mình cho Mẹ cách hết sức trọn hảo và hết sức trọn vẹn khi chúng ta tỏ ra không luyến tiếc bất cứ một sự gì, cho dù là chính bản thân mình, và khi chúng ta trở nên mọi sự trong Mẹ mà không lo sợ bất cứ một ảo tưởng nào.
158. Hãy chỉ cho tôi một con đường mới mẻ nào đến với Chúa của chúng ta, một con đường được lát bằng tất cả mọi công nghiệp của những vị thánh, một con đường được trang hoàng bằng những nhân đức anh hùng của các ngài, một con đường rạng ngời và nổi nang với ánh quang và vẻ đẹp của các thiên thần, có tất cả mọi thiên thần và thánh nhân ở đó để hướng dẫn và bảo vệ những ai muốn tiến bước trên con đường ấy. Hãy cống hiến cho tôi con đường ấy và tôi dám nói một cách chân thực, một cách thành thực – và tôi đang nói thật rằng – thay vì con đường này, cho dù trọn hảo đến đâu đi chăng nữa, tôi vẫn chon con đường vô nhiễm Maria. Nó là một con đường, một đạo lộ vô tì vết (Ps. 17:33), không có cả nguyên tội lẫn hiện tội, không có một bóng mờ hay bóng tối nào. Khi Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta lại đến trong vinh quang để cai trị trái đất này – vì Người chắc chắc sẽ làm – Người sẽ không chọn một con đường nào khác hơn là Đức Trinh Nữ này, nhờ Mẹ Người đã đến thật sự và trọn hảo lần thứ nhất. Cái khác nhau giữa lần đến thứ nhất và thứ hai của Người đó là lần nhất thì âm thầm và kín đáo, còn lần thứ hai thì vinh quang và rạng ngời. Cả hai lần đều toàn hảo vì cả hai đều qua Mẹ Maria. Than ôi, đây là một mầu nhiệm chúng ta không thể nào hiểu nổi, “ở nơi đây hết mọi miệng lưỡi đều câm nín”.
159. (4) Việc tôn sùng Đức Mẹ này là một đường lối chắc chắn để đến với Chúa Giêsu và chiếm đạt thánh thiện nhờ nên một với Người.
(a) Việc tôn sùng không phải là những gì mới mẻ được tôi giảng dạy đây. Lịch sử của nó xa xưa đến nỗi không thể biết chắc được ngồn gốc của nó một cách chính xác, như Cha Boudon, vị đã chết thánh thiện cách đây ít lâu, đã nói trong một cuốn sách được ngài viết về việc tôn sùng này. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là chúng ta thấy được các dấu vết của nó ở trong Giáo Hội trên 700 năm.
Thánh Odilo, đan viện phụ ở Cluny, vị đã qua đời vào khoảng năm 1040, là một trong những người đầu tiên công khai thực hành việc tôn sùng ấy ở Pháp quốc như truyện đời ngài kể lại.
Đức hồng y Peter Damian kể lại rằng vào năm 1076, người anh em của mình là Chân Phước Marino, đã dâng mình làm nô lệ cho Đức Trinh Nữ trước mặt vị linh hướng của ngài một cách hết sức trang trọng. Ngài đã quấn một sợi giây thừng quanh cổ của ngài, đã hành phạt ngài và đã để trên bàn thờ một số tiền như biểu hiệu cho việc ngài tôn sùng và tận hiến cho Đức Mẹ. Ngài vẫn trung thành với việc tận hiến ấy suốt cuộc đời của ngài đến nỗi đáng được vị Nữ Vương yêu dấu của ngài viếng thăm và an ủi khi hấp hối cùng nghe từ miệng Mẹ lời hứa thiên đàng để tưởng thưởng việc phụng sự của ngài.
Caesarius Bollendus đã đề cập tới một hiệp sĩ nổi danh là Vautier de Birback, một thân quyến gần gũi của vị Công Tước ở Louvain, người đã tận hiến cho Đức Trinh Nữ vào khoảng năm 1300.
Việc tôn sùng này cũng được thực hiện âm thầm tư riêng bởi nhiều người cho tới thể kỷ thứ 17, khi nó được công khai biết tới.
160. Cha Simon de Rojas thuộc Dòng Chúa Ba Ngôi Cứu Chuộc Tù Nhân, một giảng viên của hoàng cung cho Vua Philip III, đã phổ thông hóa việc tôn sùng này khắp Tây Ban Nha và Đức quốc. Nhờ sự can thiệp của Vua Philip III, ngài đã xin được Đức Thánh Cha Gregory XV ban những ân xá cho những ai thực hành nó.
Cha de los Rios, thuộc Dòng Thánh Âu Quốc Tinh, cùng với người bạn thân của mình là Cha de Roias, đã vất vả hoạt động để phổ biến việc tôn sùng này khắp Tây Ban Nha và Đức quốc bằng việc rao giảng và viết lách. Ngài đã sáng tác một bộ sách dày tựa đề “Hierarchia Mariana”, trong đó ngài nói tới tính cách cổ kính, tuyệt vời và hợp lý của việc tôn sùng này một cách khôn ngoan sốt sắng.
Các Cha dòng Theatine thuộc thế kỷ 17 đã thiết lập việc tôn sùng này ở Ý quốc và Savoy.
161. Cha Stanislaus Phalacius thuộc Dòng Tên đã phổ biến rộng rãi việc tôn sùng này ở Balan.
Cha de los Rios trong cuốn sách được đề cập tới trên đây đã liệt kê tên tuổi của các vị hoàng gia nam nữ, các vị giám mục và hồng y thuộc các quốc gia khác nhau theo đuổi việc tôn sùng này.
Cha Cornelius a Lapide, được tiếng là thánh thiện và có kiến thức sâu rộng, đã được mấy vị giám mục và thần học gia ủy thác cho việc xem xét việc tôn sùng ấy. Việc ngài khen tặng nó sau khi ngài chín chắn xem xét xứng đáng với sự thánh thiện của ngài. Nhiều bậc vị vọng đã noi theo gương của ngài.
Các Cha Dòng Chúa Giêsu, hằng nhiệt thành với việc phụng sự Đức Mẹ, đã thay cho các hội tương tế tôn giáo ở Cologne trình bày cùng Công Tước Ferdinand ở Bavaria, vị bấy giờ là tổng giám mục ở Cologne, một luận đề nhỏ về việc tôn sùng này, và ngài đã chuẩn y cho phép in ấn. Ngài khuyên tất cả các vị linh mục và tu sĩ thuộc giáo phận của ngài hết sức phổ biến việc tôn sùng giá trị ấy.
162. Đức hồng y de Brulle, vị được khắp Pháp quốc kính nhớ, đã nổi bật trong việc nhiệt thành phổ biến việc tôn sùng này ở Pháp quốc, cho dù ngài có phải chịu những lời vu khống và bách hại bởi tay của thành phần chỉ trích và những người gian ác. Họ tố cáo ngài là phổ biến cái mới lạ và mê tín dị đoan. Họ viết và phổ biến một loạt những phỉ báng bôi nhọ ngài, và họ – đúng hơn là chính ma quỉ trong họ – đã sử dụng trăm mưu ngàn kế để ngăn trở ngài phổ biến việc tôn sùng này ở Pháp. Thế nhưng, con người cao cả và thánh thiện này đã phản ứng lại những hoạn nạn này cách âm thầm nhẫn nại. Ngài đã viết một cuốn sách nhỏ để trả lời và mạnh mẽ bác bẻ những chống đối chất chứa trong việc tôn sùng ấy. Ngài đã vạch ra rằng việc tôn sùng này được căn cứ vào gương mẫu của Chúa Giêsu Kitô, vào những đòi buộc chúng ta cần phải có đối với Người cũng như vào những lời hứa chúng ta đã tuyên ngôn khi lãnh nhận phép rửa thánh. Chính lý do cuối cùng ấy đã làm cho thành phần thù địch của ngài im hơi lặng tiếng. Ngài đã làm sáng tỏ cho họ là việc tận hiến cho Đức Trinh Nữ như thế, và nhờ Mẹ cho Chúa Giêsu, không là gì khác ngoài việc lập lại cách trọn hảo những lời thề hứa của phép rửa mà thôi. Ngài đã nói nhiều điều hay liên quan tới việc tôn sùng này chúng ta có thể đọc thấy trong các tác phẩm của ngài.
163. Trong cuốn sách của Cha Boudon, chúng ta đọc thấy các vị giáo hoàng khác nhau đã chuẩn nhận việc tôn sùng này, các thần học gia đã khảo xét nó, và mối thù hằn nó chạm trán và thắng vượt, cả hằng ngàn người đã thực hành nó mà không hề bị vị giáo hoàng nào khiển trách. Thật vậy, nó không thể bị lên án mà không lật đổ những nền tảng của Kitô giáo. Bởi vậy việc tôn sùng này hiển nhiên không phải là một điều gì mới lạ. Nếu nó không được thực hành cách phổ thông lý do là vì nó quá ư là cao cả để mọi người có thể cảm nhận và thực hành.
164. (b) Việc tôn sùng này là một phương tiện an toàn để đến cùng Chúa Giêsu Kitô, vì vai trò của Mẹ Maria là dẫn chúng ta cách an toàn đến cùng Con Mẹ; cũng như vai trò của Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới cùng Cha hằng hữu vậy. Những ai có tâm hồn đạo hạnh không được chiều theo ý nghĩ sai lạc cho rằng Mẹ Mariia cản trở mối hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa. Làm sao điều này có thể xẩy ra được chứ? Mẹ Maria, vị được ân nghĩa với Thiên Chúa, đối với chung mọi người và đối với tiêng từng người, làm sao lại ngăn cản một tâm hồn chiếm đạt ơn cao cả nhất là được hiệp nhất với Ngài chứ? Mẹ là vị đầy ân sủng đến trào tràn, nhờ đó được hiệp nhất với Chúa Kitô và được biến đổi trong Thiên Chúa đến nỗi Ngài cần phải mặc lấy xác thịt nơi Mẹ, làm sao lại có thể ngăn cản một tâm hồn trong việc họ trọn vẹn nên một với Ngài chứ?
Thật là đúng nơi gương của những con người, bất kể là thánh thiện ra sao, đôi khi có thể bị suy yếu về mối hiệp nhất với Thiên Chúa, nhưng không hề xẩy ra với Đức Mẹ, như tôi đã nói và sẽ không bao giờ ngại lập đi lập lại như thế. Lý do duy nhất cho thấy tại sao chỉ có một số ít linh hồn đạt đến được tầm vóc thành nhân của Chúa Giêsu đó là vì Mẹ Maria vẫn chưa là Mẹ của họ bao nhiêu và vị hôn thê sung mãn này của Chúa Thánh Linh vẫn chưa được hiện hình đẹp đẽ trong tâm can của họ. Nếu chúng ta muốn một thứ trái chín mùi và hoàn toàn đẹp đẽ thì chúng ta cần phải có cây mang trái ấy. Nếu chúng ta muốn trái cây sự sống là Chúa Giêsu Kitô thì chúng ta cần phải có cây sự sống là Mẹ Maria. Nếu chúng ta muốn được Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, chúng ta cần phải có vị hôn thê trung tín và bất khả phân ly của Ngài là Mẹ Maria, vị được thần linh ưu ái, vị như tôi đã nói được Ngài làm cho sinh hoa kết trái.
165. Cứ nắm chắc một điều là các bạn càng hướng về Mẹ Maria bằng những lời nguyện cầu, bằng những suy niệm, những hành động và những khổ đau, thấy nơi Mẹ, nếu không rõ ràng và minh bạch, ít là một cách tổng quát chung chung, các bạn càng khám phá ra Chúa Giêsu. Vì Người bao giờ cũng cao cả hơn, mãnh lực hơn, hoạt động hơn và lạ lùng hơn khi tác hành qua Mẹ Maria hơn là Người ở nơi bất cứ một tạo vật nào khác trong vũ trụ này, hay thậm chí cả ở trên trời. Bởi thế, Mẹ Maria, hoàn toàn được thần linh ưu ái và chìm đắm trong Thiên Chúa, không hề trở thành một chướng ngại vật cho người lành đang nỗ lực hiệp nhất với Người. Chẳng có bao giờ và sẽ không bao giờ có một tạo vật nào sẵn sàng giúp chúng ta trong việc đạt tới mối hiệp nhất này cách hiệu nghiệm hơn, vì Mẹ sẽ ban cho chúng ta tất cả mọi ân sủng để đạt được mục đích ấy. Như một vị thánh đã có lần nhận định rằng: “Chỉ có một mình Mẹ Maria mới biết cách làm cho tâm trí chúng ta tràn đầy ý nghĩ về Thiên Chúa”. Hơn nữa, Mẹ Maria sẽ bảo toàn chúng ta trước mánh khóe lừa đảo và cái tinh quái của tên gian ác.
166. Ở đâu có Mẹ Maria thì ở đó vắng bóng tên gian ác này. Một trong những dấu hiệu không thể sai lầm là một người được Thần Linh Thiên Chúa dẫn dắt thì tỏ ra sùng kính Mẹ Maria, và có thói quen nghĩ và nói về Mẹ. Đó ý nghĩ của một vị thánh, vị đã tiếp tục nói rằng như hơi thở là dấu chứng tỏ cho thấy thân xác chưa chết thế nào thì việc năng tưởng nhớ đến Mẹ Maria và việc tha thiết trao đổi với Mẹ là dấu chứng linh hồn chưa chết trong tội lỗi về đàng thiêng liêng như vậy.
167. Vì một mình Mẹ Maria đã đạp nát tất cả mọi thứ lạc thuyết, như chúng ta được Giáo Hội hướng dẫn bởi Thánh Linh cho biết (Office of B.V.M.), mà một người tôi tớ nhiệt thành của Mẹ sẽ chẳng bao giờ bị rơi vào một thứ lạc thuyết hay sai lầm chính thức, cho dù thành phần chỉ trích có thể phản đối điều này. Họ có thể rất bị lầm lạc về hình thức, tưởng giả dối là chân thật hay tưởng tinh thần gian ác là tinh thần tốt lành, thế nhưng họ sẽ ít làm như vậy hơn những người khác. Ngay khi họ khám phá ra lầm lỗi của mình thì họ sẽ không tiếp tục cứ nhất định tin tưởng và theo đuổi những gì họ lầm lạc nghĩ là chân thật nữa.
168. Bởi thế, ai muốn thăng tiến trên con đường thánh đức và nắm chắc được việc gặp gỡ Chúa Kitô chân thực, mà không sợ bị ảo tưởng là những gì chi phối nhiều con người sốt sắng đạo đức, thì hãy chấp nhận việc tôn sùng Mẹ Maria này bằng một tấm lòng dũng cảm và tinh thần hăng say (2 Mach. 1:3), một việc tôn sùng có thể trước đó họ chưa hề nghe biết. Cho dù là mới mẻ đối với họ hãy để họ tiến vào đường lối tuyệt hảo này mà giờ đây tôi đang tỏ ra cho họ biết. “Tôi sẽ tỏ cho anh em một con đường tuyệt hảo hơn” (1 Cor. 12:31).
Con đường này được mở lối bởi Chúa Giêsu Kitô, Khôn Ngoan Nhập Thể. Người là vị Đầu Lãnh duy nhất của chúng ta, và chúng ta, chi thể của Người, không thể nào lầm đường lạc hướng khi bước theo Người. Nó là một con đường bằng phẳng dễ đi với đầy những ân sủng, đầy dầu Thánh Linh. Trong việc chúng ta tiến triển trên con đường này, chúng ta sẽ không cảm thấy yếu sức và thoái lui. Nó là một đường lối mau chóng và dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu trong một thời gian ngắn. Nó là một đường lối hoàn hảo không bùn lầy hay bụi bặm hoặc bất cứ một tì vết tồi bại tội lỗi nào. Sau hết, nó là một đường lối đáng tin cậy, vì nó là một trực tuyến và không có vấn đề lệch lạc phải trái song dẫn chúng ta thẳng tới Chúa Giêsu và tới sự sống vĩnh hằng.
Vậy chúng ta hãy đi con đường này và ngày đêm hành trình dọc theo con đường ấy cho tới khi chúng ta đạt tới tầm vóc viên trọn thành nhân của Chúa Giêsu (Eph. 4:13).
VI- Việc tôn sùng này mang lại tình trạng dồi dào tự do thiêng liêng
169. Việc tôn sùng này mang lại tình trạng dồi dào tự do thiêng liêng (Rom. 8:21) – tình trạng tự do của thành phần con cái Thiên Chúa (Rom. 8:21) – cho những ai trung thành thực hành nó. Nhờ việc tôn sùng này, chúng ta biến mình làm nô lệ cho Chúa Giêsu bằng việc hoàn toàn hiến mình cho Người. Để tưởng thưởng chúng ta về việc làm nô lệ yêu thương ấy, Chúa của chúng ta giải thoát chúng ta khỏi hết mọi nỗi sợ hãi bối rối và đớn hèn là những gì có thể gò bó, giam cầm hay gây lộn xộn chúng ta; Người mở lòng chúng ta ra và làm cho nó đầy niềm cậy trông thánh đức nơi Thiên Chúa, giúp chúng ta coi Thiên Chúa là Cha của chúng ta; Người tác động chúng ta bằng một tình yêu quảng đại và thơ thảo.
170. Không cần phải dừng lại để chứng minh sự thật ấy, tôi chỉ xin thuật lại một tình tiết mà tôi đã đọc được về đời sống của Mẹ Agnes Chúa Giêsu, một nữ tu Dòng Đaminh thuộc tu viện Langae ở Auvergne, vị đã qua đời một cách thánh đức ở đó vào năm 1634.
Khi Mẹ mới được 7 tuổi mà đã phải chịu đựng tình trạng rất buồn khổ thiêng liêng, Mẹ đã nghe thấy một tiếng nói với mẹ rằng nếu mẹ muốn được giải thoát khỏi nỗi sầu khổ ấy và được bảo vệ cho khỏi tất cả mọi kẻ thù, thì Mẹ phải biến mình làm nô lệ cho Chúa và Người Mẹ Phúc Đức của Người sớm bao nhiêu có thể. Khi vừa về đến nhà là mẹ liền hoàn toàn dâng mình cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria như nô lệ của các Ngài, mặc dù mẹ chưa bao giờ biết được một tí gì về việc tôn sùng này trước đó. Mẹ đã tìm một sợi giây xích bằng sắt, quấn nó quanh thắt lưng mình và cứ đeo nó cho đến khi qua đời. Sau đó, tất cả mọi đau khổ và hoang mang bối rối của mẹ đã biến mất và mẹ cảm thấy dồi dào bình an trong tâm hồn.
Biến cố ấy đã khiến mẹ đi đến chỗ giảng dạy về việc tôn sùng này cho nhiều người khác là thành phần đạt được tiến bộ nhanh chóng bởi nó – trong số họ cho Cha Olier, vị sáng lập Chủng Viện Xuân Bích, cùng một số vị linh mục và sinh viên khác thuộc cùng chủng viện này. Một ngày kia, Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Mẹ Agnes và đeo quanh cổ mẹ một sợi xích bằng vàng để tỏ cho mẹ biết rằng Người cảm thấy sung sướng biết bao khi Mẹ Agnes đã trở thành nô lệ của cả Người lẫn Con của Người. Và Thánh Cêcilia, vị theo hầu Đức Mẹ, đã nói với mẹ rằng: “Phúc thay cho những người nô lệ trung thành của Nữ Vương thiên đình, vì họ sẽ hoan hưởng niềm tự do đích thực”. Tibi servire libertas.
VII- Việc tôn sùng này mang lại nhiều lợi ích cho tha nhân của chúng ta
171- Việc tôn sùng này mang lại nhiều lợi ích cho tha nhân của chúng ta, vì nhờ nó, chúng ta tỏ ra tình chúng ta yêu thương tha nhân của chúng ta một cách đặc biệt, vì chúng ta nhờ bàn tay của Mẹ Maria dâng cho Người tất cả những gì chúng ta đánh giá cao nhất – tức là, giá trị của việc đền tội và việc nguyện cầu của tất cả mọi việc lành chúng ta làm, cho dù là ý nghĩ tốt lành tầm thường nhất và nỗi khổ đau bé mọn nhất. Chúng ta đồng ý là tất cả những gì chúng ta đã chiếm được và sẽ chiếm được cho tới chết phải được sử dụng tùy theo ý muốn của Đức Mẹ cho việc hoán cải của các tội nhân hay việc giải thoát các linh hồn trong luyện ngục.
Đó không phải tình yêu trọn lành đối với tha nhân của chúng ta hay sao? Đó không phải là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, người môn đệ luôn được nhận biết bởi tình yêu thương của họ (Jn. 13:25)? Đó không phải là cách thức hoán cải tội nhân cho khỏi nguy cơ của thứ vinh quang hoang đường, và giải thoát các linh hồn cho khỏi Luyện Ngục, bằng cách chịu khó làm những gì nhiều hơn là điều buộc chúng ta làm theo bậc sống của chúng ta?
172- Muốn cảm nhận được cái tuyệt vời của động lực này chúng ta cần phải hiểu tuyệt vời dường bao khi hoán cải được một tội nhân hay cứu được một linh hồn khỏi Luyện Ngục. Đó là một sự thiện vô cùng, còn lớn lao cao cả hơn việc tạo dựng nên đất trời, vì nó làm cho linh hồn chiếm hữu được Thiên Chúa. Nếu nhờ việc tôn sùng này chúng ta giải cứu được chỉ cần một linh hồn khỏi Luyện Ngục hay hoán cải một tội nhân duy nhất trong cả đời sống của mình, thì chẳng lẽ không đủ để thu hút người nào đó thực sự mến yêu tha nhân thực hành việc tôn sùng này hay sao?
Cần phải lưu ý là các việc lành của chúng ta, qua bàn tay của Mẹ Maria, càng ngày càng được thanh tẩy tinh tuyền. Nhờ đó, các công nghiệp của chúng cùng với giá trị đền tội và nguyện cầu của chúng cũng được gia tăng. Đó là lý do tại sao chúng trở nên hiệu năng hơn trong việc giảm bớt những linh hồn trong Luyện Tội cũng như trong việc hoán cải các tội nhân, hơn là chúng không được qua bàn tay trinh nguyên và quảng đại của Mẹ Maria. Một khi bị tước lột khỏi ý riêng và được mặc lấy tình yêu vô vị lợi, điều nhỏ mọn chúng ta dâng cho Đức Trinh Nữ thực sự có đủ sức làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và khiến cho Ngài dủ tình thương. Có thể tin rằng vào trong giờ lâm chung, người nào trung thành với việc tôn sùng này sẽ thấy rằng họ đã cứu được nhiều linh hồn khỏi Luyện Ngục và hoán cải được nhiều tội nhân, cho dù họ chỉ thi hành những tác đồng bình thường thuộc bậc sống của họ. Họ hân hoan vui sướng biết bao trước tòa phán xét. Rạng ngời biết mấy vinh quang vĩnh hằng của họ.
VIII- Việc tôn sùng này là một phương tiện tuyệt diệu cho sự bền đỗ
173- Sau hết, những gì thúc đẩy chúng ta một cách mãnh liệt hơn trong việc tiếp tục việc tôn sùng này đối với Đức Trinh Nữ đó là ở sự kiện nó là một phương tiện tuyệt vời để bền đỗ thực hành nhân đức và giữ lòng trung kiên.
Tại sao những cuộc hoán cải tuyệt vời nhất của các tội nhân lại không được bền bỉ? Tại sao họ lại quá dễ dàng tái sa ngã phạm tội? Tại sao hầu hết tín hữu, thay vì tiến triển trong việc tập tành nhân đức, nhờ đó chiếm được nhiều ân phúc, lại thường đánh mất đi một chút ân sủng và nhân đức họ có? Tình trạng bất hạnh này xuất phát, như tôi đã trình bày, từ sự kiện là con người quá hướng chiều về sự dữ, quá yếu đuối và đổi thay, tin tưởng vào bản thân mình quá sức, cậy dựa vào sức lực của mình, và lầm tưởng họ có thể bảo toàn các ân sủng, nhân đức và công nghiệp quí báu của họ.
Nhờ việc tôn sùng này, chúng ta ký thác tất cả những gì chúng ta có cho Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ tín trung. Chúng ta chọn Mẹ làm bảo quản viên cho tất cả mọi sở hữu của chúng ta trong lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên. Chúng ta tin tưởng Mẹ vì Mẹ trung thành, chúng ta cậy dựa vào sức mạnh của Mẹ, chúng ta tin tưởng vào tình thương và lòng bác ái của Mẹ trong việc kiên trì và gia tăng các nhân đức cùng công nghiệp của chúng ta, bất chấp những nỗ lực của quỉ ma, của thế giới và của xác thịt muốn cướp giật chúng ta khỏi chúng. Chúng ta thưa cùng Mẹ như một đứa con ngoan thưa cùng mẹ của nó hay như một người tôi trung với bà chủ nhà rằng: “Hỡi Mẹ và Bà Chủ yêu dấu của con, con nhận thức rằng cho tới nay con đã lãnh nhận nhiều ơn sủng Chúa ban nhờ lời chuyển cầu của Mẹ hơn là con xứng đáng. Thế nhưng, kinh nghiêm đớn đau đã dạy cho con biết rằng con đang chất chứa những kho tàng này trong một cái bình rất ư là mỏng dòn và tự mình con lại quá yếu đuối và tội lỗi trong việc canh giữ chúng. Xin Mẹ hãy tin tưởng chấp nhận mọi sự con có, và xin hãy trung thành và mãnh lực gìn giữ. Nếu Mẹ canh chừng con, con sẽ chẳng mất mát sự gì. Nếu Mẹ nâng đỡ con, con sẽ không sa ngã. Nếu Mẹ bênh vực con, con sẽ được an toàn trước các địch thù”.
174- Sau đây là những lời chính xác được Thánh Bênađô minh nhiên nói lên để phấn khích chúng ta hãy thực hành việc tôn sùng này, “Khi Mẹ Maria nâng đỡ bạn, bạn sẽ không thất bại. Nhờ Mẹ là vị bảo hộ bạn, bạn sẽ không phải hãi sợ chi. Nhờ Mẹ là hướng dẫn viên của bạn, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Khi bạn được Mẹ ưu ái, bạn sẽ tiến đến cửa nước trời”. Thánh Bônaventura dường như cũng cùng một luận điệu, thậm chí bằng những từ ngữ tỏ tường hơn nữa. Ngài nói: “Đức Trinh Nữ chẳng những bảo trì sự trọn vẹn các thánh hoan hưởng, mà còn bảo toàn các vị trong sự vẹn toàn của các vị nhờ đó tình trạng toàn vẹn này không bị suy giảm đi. Mẹ ngăn ngừa ma quỉ tác hại các vị và Mẹ ảnh hưởng các vị tới nỗi Người Con Thần Linh của Mẹ không cần trừng phạt các vị khi các vị sa ngã phạm tội”.
175- Mẹ Maria là vị Trinh Nữ trung thành nhất và nhờ lòng trung thành của Mẹ với Thiên Chúa đã biến những gì mất mát bởi việc bất trung của Evà thành tốt lành thiện hảo. Mẹ xin cho những ai hiến mình cho Mẹ được trung thành với Thiên Chúa và bền đỗ cho đến cùng. Đó là lý do Thánh Gioan Đamascênô đã so sánh Mẹ với một cái neo giữ họ vững vàng và cứu họ khỏi đắm chìm vào những biển cả phong ba bão tố của thế giới là nơi rất nhiều người bị bỏ mạng vì thiếu một cái neo vững chắc ấy. Thánh nhân nói: “Chúng ta thắt buộc chúng ta vào Mẹ Maria là niềm hy vọng của chúng ta như vào một cái neo vững chắc”. Các thánh nhân, thành phần đạt được ơn cứu độ, hầu như cắm neo vững chắc ở nơi Mẹ Maria như những người khác thực hiện, thành phần muốn bảo đảm sự bền đỗ trong đường thánh đức của mình.
Thật vậy, phúc cho những Kitô hữu trung thành và hoàn toàn liên kết bản thân mình với Mẹ như vào một cái neo vững chắc! Những bão tố dữ dội trên thế giới này sẽ không làm cho họ bị chìm đắm hay làm trôi đi các kho tàng thiên quốc của họ. Phúc cho những ai tiến vào Mẹ như vào một chiếc tầu Noe khác! Trận hồng thủy tội lỗi phủ ngập nhiều người sẽ không tác hại họ vì, như Giáo Hội đặt vào môi miệng Mẹ Maria những lời lẽ của Đức Khôn Ngoan thần linh: “Những ai hoạt động nhờ việc trợ giúp của ta – vì phần rỗi của họ – sẽ không phạm tội” (Ecclus. 24:30). Phúc cho thành phần con cái bất trung của Evà bất hạnh, thành phần hiến mình cho Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ và Mẫu Thân hằng trung tín không bao giờ bị lung lạc và không bao giờ xao xuyến lòng tin tưởng. Mẹ bao giờ cũng yêu thương những ai mến yêu Mẹ (Prov. 8:17), chẳng những bằng niềm mến thương sâu xa, mà còn với một tình yêu chủ động và quảng đại. Bằng việc tuôn đổ muôn vàn ân sủng, Mẹ gìn giữ họ khỏi bỏ bê nỗ lực thực hành nhân đức hay sa ngã lạc đường bởi mất ân sủng thần linh.
176- Cảm kích trước tình yêu tinh tuyền, Người Mẹ nhân lành này bao giờ cũng chấp nhận những gì được tin tưởng trao phó cho Mẹ, và một khi Mẹ chấp nhận một điều gì thì theo công bình Mẹ buộc mình phải giữ đàng hoàng theo kết ước của vai trò của một người được ủy thác. Không phải hay sao một người nào đó được tôi gửi gấm một số tiền là 1000 quan pháp thì buộc phải bảo toàn nó đàng hoàng cho tôi để nhỡ có bị mất vì bất cẩn thì họ phải chịu trách nhiệm triệt để theo đức công bình? Thế nhưng, không một điều gì chúng ta ký thác cho Vị Trinh Nữ trung thành này đã từng bị mất mát do bất cẩn hết. Trời đất sẽ qua đi trước khi Mẹ Maria bỏ lơ hay phản bội những ai tin tưởng nơi Mẹ.
177- Hỡi thành phần con cái đáng thương của Mẹ Maria, các bạn hết sức là yếu hèn và đổi thay. Bản tính nhân loại của các bạn bị trầm trọng hư hại. Tiếc thay, thật sự là thế, các bạn được hình thành từ cùng một bản tính băng hoại như là thành phần con cái của Adong và Evà. Thế nhưng, đừng vì thế mà thất vọng. Hãy hân hoan và vinh hạnh! Đó là bí quyết tôi đang tỏ cho các bạn đây, một bí quyết mà hầu hết Kitô hữu không biết đến, ngay cả thành phần sùng đạo nhất.
Đừng để vàng bạc của bạn vào những két tiền của mình là những gì đã từng bị tên gian ác đục khoét và tước đoạt nhiều lần. Những két tiền này quá ư là nhỏ bé, quá ư là mong manh và quá ư là cổ để có thể chất chứa những sở hữu lớn lao và vô giá. Đừng đổ nước tinh ròng và trong trẻo từ giòng suối vào những bình đựng bẩn thỉu và nhơ nhớp bởi tội lỗi. Cho dù tội lỗi không còn ở đó đi nữa thì mùi của nó vẫn còn và thứ nước này sẽ bị lây nhiễm. Các bạn đừng đổ rượu hảo hạng vào những két rượu cũ chất chứa rượu xoàng. Các bạn sẽ làm hỏng mất rượu ngon và có nguy cơ đi đến chỗ đổ nó đi.
178- Hỡi những linh hồn ưu tuyển, mặc dù các bạn có thể đã hiểu được tôi, tôi cũng vẫn cần phải nói rõ hơn nữa. Đừng đút thứ vàng bác ái của các bạn, thứ bạc tinh tuyền của các bạn vào một cái túi cũ rích hay một cái hòm cũ kỹ nứt nẻ, hay đổ các giòng nước thiên ân hoặc những thứ rượu công lênh nhân đức của các bạn vào một cái thùng hoen ố và hôi thối như bản thân của các bạn. Bằng không, các bạn sẽ bị đám quỉ ma trộm cướp lấy mất, thành phần ngày đêm rình chờ cơ hội thuận lợi để tước đoạt. Nếu các bạn như thế thì tất cả những tặng ân tinh tuyền được Thiên Chúa ban cho ấy sẽ bị hư hoại bởi sự hiện diện độc hại của tự ái, bởi cậy mình quá mức, và ý riêng mình.
Hãy đổ vào cung lòng và trái tim Mẹ Maria tất cả những sở hữu quí báu của các bạn, tất cả mọi ân sủng và nhân đức của các bạn. Mẹ là chiếc bình thiêng liêng, một chiếc bình danh giá, một chiếc bình đặc biệt được yêu chuộng. Từ khi chính Thiên Chúa ẩn thân mình cùng với tất cả mọi sự thiện hảo của Ngài nơi chiếc bình này, thì chiếc bình ấy đã hoàn toàn trở nên linh thiêng, và trở thành nơi trú ngụ linh thiêng cho tất cả mọi linh hồn. Chiếc bình này đã trở nên khả kính và đã là ngai tòa danh dự cho những vị đại thánh trên thiên đàng. Chiếc bình này đã trở thành sang trọng như một ngôi nhà vàng, kiên vững như tháp Đavít và tinh tuyền như tháp ngà.
179- Những vị hưởng phước là thành phần đã hiến dâng hết mọi sự cho Mẹ Maria, thành phần trong mọi lúc và ở tất cả mọi sự tỏ ra tin tưởng nơi Mẹ và phó mình cho Mẹ. Họ thuộc về Mẹ Maria và Mẹ Maria thuộc về họ. Cùng với Vua Đavít, họ có thể mạnh dạn nói rằng: “Mẹ được dựng nên cho tôi” (Cf. Ps. 118:56), hay với người môn đệ được Chúa Giêsu yêu, “tôi nhận Mẹ làm của mình” (Jn. 19:27), hoặc với chính Chúa Kitô, “Tất cả của con là của Mẹ và tất cả của Mẹ là của con” (Jn. 17:10).
180- Nếu chỉ trích viên nào khi đọc thấy điều này thì cho rằng tôi thái quá hay nói theo mức tôn sùng quá độ, thì than ôi, họ đã không hiểu được những gì tôi đã nói. Có thể họ là một con người xác thể không nếm được những gì là linh thiêng; hay họ là một con người trần thế tự tách mình khỏi Thánh Linh; hay họ là một con người kiêu kỳ chỉ trích tỏ ra cười nhạo và lên án những gì họ không hiểu. Thế nhưng, những ai được sinh ra không bởi huyết nhục, hay bởi xác thịt, hoặc bởi ý muốn của con người, mà là bởi Thiên Chúa (Jn. 1:13) và Mẹ Maria, thì hiểu và cảm nhận được những gì tôi nói. Chính vì họ mà tôi đang viết đây.
181- Tuy nhiên, tôi muốn nói cùng thành phần chỉ trích và sùng mộ rằng Đức Trinh Nữ này, tạo vật đáng tin cậy và quảng đại nhất trong các tạo vật của Thiên Chúa, không bao giờ để mình bị qua mặt bởi bất cứ ai về tình yêu thương và lòng quảng đại. Vì những gì nhỏ nhặt dâng lên cho Mẹ thì Mẹ rộng lượng ban phát những gì Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Bởi thế, nếu một người hoàn toàn hiến thân cho Mẹ thì Mẹ sẽ hoàn toàn ban Mẹ cho họ nếu việc họ tin cậy nơi Mẹ không phải là những gì quá táo bạo và họ hết sức thực hành nhân đức và kiềm chế các đam mê của họ.
182- Bởi thế, thành phần tôi trung của Đức Trinh Nữ có thể tin tưởng cùng Thánh Gioan Đamascênô nói rằng: “Nếu con tin cậy nơi Mẹ, Lạy Mẹ Thiên Chúa, thì con sẽ được cứu độ. Dưới sự chở che bảo vệ của Mẹ con sẽ chẳng hãi sợ gì. Được Mẹ giúp đỡ phù trì, con sẽ đánh đuổi tất cả mọi thù địch của con. Vì lòng sùng mộ mến yêu Mẹ là khí giới cứu độ mà Chúa đã ban cho những ai muốn được cứu độ”.
NỘI DUNG
Phần Một: Tổng Quan về Việc Thành
Thật Sùng Kính Đức Mẹ
Chương Một: Tôn Sùng Mẹ Maria - Cần Thiết
I. Vai Trò của Mẹ Maria trong Việc Nhập Thể
II. Mẹ Maria tham dự vào việc thánh hóa các linh hồn
IV. Vai trò của Mẹ Maria vào những thời buổi sau này
Chương Hai: Tôn Sùng Mẹ Maria - Nội Dung
I- Những Nguyên Tắc Căn Bản cho Lòng Tôn Sùng Mẹ Maria
Nguyên tắc thứ nhất: Chúa Kitô cần phải là đích điểm tối hậu của tất cả mọi việc tôn sùng
Nguyên Tắc Thứ Hai: Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và Mẹ Maria như thành phần nô lệ của các Ngài
Nguyên Tắc Thứ Ba: Chúng ta cần phải thoát ly những gì là xấu xa nơi chúng ta
Nguyên Tắc Thứ Bốn: Càng sống khiêm nhượng hơn khi có một vị môi giới với Chúa Kitô
Nguyên Tắc Thứ Năm: Khó giữ được các ơn Thiên Chúa ban
II. Những Dấu Hiệu Tôn Sùng Mẹ Maria một cách sai lầm và chân thực
1. Việc tôn sùng Đức Mẹ cách giả tạo
2. Những Dấu Hiệu Thực Sự Tôn Sùng Đức Mẹ
3. Những việc thực hành chính yếu tôn sùng Mẹ Maria
Phần Hai: Việc Trọn Hảo Sùng Kính Đức Mẹ
Chương Thứ Ba: Việc Tận Hiến Các Hoàn Hảo cho Chúa Giêsu Kitô
1. Một việc tận hiến hoàn toàn cho Mẹ Maria
2. Một việc hoàn hảo lập lại những lời hứa rửa tội
Chương Thứ Bốn: Những động lực khuyến khích chúng ta thực hiện việc tôn sùng này
1. Nhờ việc tôn sùng này chúng ta hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa
2. Việc tôn sùng này giúp chúng ta noi gương bắt chước Chúa Kitô
3. Việc tôn sùng này chiếm được nhiều phúc lành từ Đức Mẹ
Chương Thứ Năm: Hình Ảnh Thánh Kinh về Việc Tôn Sùng này: Bà Rebecca và Giacóp
Nội Dung Câu Truyện về Giacóp; Giải Thích Câu Truyện về Giacóp
Những Việc Đức Mẹ Làm cho Thành Phần Tôi Trung của Mẹ
Chương Thứ Sáu: Những Tác Dụng Tuyệt Vời của Việc Tôn Sùng này
Chương Thứ Bảy: Những Việc Thực Hành Đặc Biệt của Việc Tôn Sùng Này
1- Những Việc Thực Hành Bề Ngoài
2- Những Việc Thực Hành Bề Trong
Phụ trương - Việc Tôn Sùng Này Khi Hiệp Lễ
Phụ Bản:
Nhận Định
Đức Thánh Cha Piô XII (dịp Phong Thánh 1947)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
1. Về Tác Giả (Văn Thư 50 Năm Hiển Thánh - 1997)
2. Về Tác Phẩm (Văn Thư Tác Phẩm 160 Năm - 2003)
3. Về Khẩu Hiệu của ngài - “Totus Tuus”
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Ca Vịnh Ngợi Khen